Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

Vĩnh biệt người “yêu tiếng nước tôi”!: Nhạc sĩ Phạm Duy

(Trái hay Phải)- Ngày hôm qua 27/1, trên các báo và mạng xã hội tràn ngập lời tiếc thương nhạc sĩ Phạm Duy- một cây đại thụ của âm nhạc Việt Nam. Ông ra đi mà chưa kịp đón mùa xuân cuối cùng của đời mình, gắng một chút nữa thôi, là ông đã chạm vào nó.

Nhạc sĩ Phạm Duy

Trên mạng xã hội, tôi ấn tượng nhất với lời chia sẻ của nữ đạo diễn Đoàn Minh Phượng- đạo diễn của “Hạt mưa rơi bao lâu”, tác giả của “Và khi tro bụi”: “Tiếc thương nhạc sĩ Phạm Duy, các bạn đừng R.I.P Phạm Duy, ông yêu tiếng Việt lắm”. Ấn tượng bởi sự chia sẻ tinh tế và chân thành của chị, người Việt mình, nhất là người trẻ, thường rất nhanh nhạy trong học tập nước ngoài, khi có người ra đi, người ta hay viết R.I.P (viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Rest in Peace” nghĩa là “yên nghỉ trong an bình”), đặt những con chữ xa lạ ấy cạnh sự ra đi của ông, thấy cứ chông chênh làm sao.
Cả đời Phạm Duy đã viết nhạc cho người Việt Nam, viết cho những đứa bé lên ba “Ông trăng xuống chơi”, viết cho em bé quê “Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ/Ngồi mình trâu, phất ngọn cờ lau, và miệng hát nghêu ngao/ Nằm đồi non gió mát/ Cất tiếng theo tiếng lúa đang reo/Em đánh vần thật mau”.

Viết cho cô gái mới lớn bước chân vào tuổi yêu “Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ/Ôm nghiêng tập vở, tóc dài tà áo vờn bay/Em đi dịu dàng, bờ vai em nhỏ/Chim non lề đường, nằm im dấu mỏ...”. Viết cho chàng trai buồn vì một cuộc tình đã vội chia xa: “Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo/Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi!”.

Phạm Duy viết cho đất nước mà ông yêu đau đáu, đã từng “Khóc cười theo vận nước nổi trôi, nước ơi” bao nhiêu bản nhạc đã trở thành gia sản, nào là “Tình ca”, “Con đường cái quan”, “Mùa đông chiến sĩ”, “Tình hoài hương”, “Mẹ Việt Nam”... Ông cũng là một trong số ít các nhạc sĩ, không bao giờ vì nể phe phái chính trị nào, chỉ luôn dùng âm nhạc để nói lên một thứ tiếng duy nhất, đó là “tiếng nước tôi”.

Thật thiêng liêng lạ kỳ cái cụm từ “tiếng nước tôi” trong âm nhạc Phạm Duy, phải là người yêu đến thiết tha từng âm sắc mượt mà của tiếng dân tộc, từng thanh âm trong ngũ cung của ba miền Bắc Trung Nam thì mới viết được những bản nhạc chỉ một vài nét nhạc tấu lên là đã thấy thân thương như điệu hò điệu lý.

Vì “tiếng nước tôi” mà thêm yêu thương dân tộc mình, “yêu bác nông phu, đội sương nắng bên bờ ruộng sâu, nhớ mẹ quê chỉ biết cần lao, những trẻ quê bạn với đàn trâu, bé ơi”. Lời ca ấy cất lên, ai mà không xúc động, ai mà muốn cầm súng để phá nát khung cảnh yên bình thần tiên ấy của đất nước quê hương mình?

Trong kho tàng đồ sộ của mình, Phạm Duy đã phân chia thành nhiều ngăn, mà ngăn nào, ông cũng có các tác phẩm đặc sắc, từ trường ca, rong ca, Đạo ca, Thiền ca, tâm ca, tâm phẫn ca, tục ca... đều có những tác phẩm để đời đầy nét duyên dáng và thanh tao. Trong thế giới ấy, Phạm Duy có một cõi riêng của mình, ở đó, ông là ông hoàng đầy quyền lực, song cũng chính là một đứa trẻ ngồi hát nghêu ngao.

Phạm Duy cuối cùng đã hoàn thành tâm nguyện được trở về quê hương, để làm một chiếc lá rụng về cội khi nhắm mắt xuôi tay, nhưng không hiểu sao, từ trong sâu thẳm tâm can, tôi vẫn nghĩ giờ phút sau cùng, ông đã mơ được trở về Hà Nội. Về với con phố Hàng Cót nơi ông sinh ra, nơi ông được hưởng cái gien phóng khoáng, mê thích sự cách tân của cha ông- nhà văn Phạm Duy Tốn.

Năm 2005, Phạm Duy lần đầu trở về Hà Nội sau nhiều thập kỷ chia cách, ông đã đi một vòng quanh hồ Hoàn Kiếm, đã lần vào từng con ngõ nhỏ để tìm lại những người bạn gắn bó một thời như Giáo sư Lê Văn Lan, đã tưới một chai rượu lên mộ nhạc sĩ Văn Cao thay cho một lời tao ngộ. Ông đã mang chất hào hoa của Hà thành theo mình vào âm nhạc, ra với thế giới và cuối cùng lại lặng lẽ trở về.

Tôi tâm đắc với ý kiến của Tiến sĩ người Mỹ Eric Henry của trường Đại học North Carolina, ông đã viết trong một tiểu luận khá dài về nhạc sĩ Phạm Duy: “Nhiều năm nay, cả hai phía từng tham dự cuộc chiến tranh Việt Nam ngày xưa đều đã có những sự dịch chuyển để tiến lại gần nhau hơn. Sự chuyển hoá từ cả hai phía có vẻ chỉ là những thay đổi cỏn con, ngẫu nhiên, và cá nhân, như thể những hạt cát ngoài bờ biển, hoặc như những chiếc lá vàng mùa thu, nhưng không còn hồ nghi gì nữa về những kết quả chung cuộc. Khi nào cả hai phía cùng hoà giải với nhau thì họ sẽ thấy Phạm Duy đón họ ở đấy, vì ông đã thấy trước từ lâu rồi là sẽ có một ngày như thế”.

Phạm Duy, hơn ai hết, đã nhìn thấy trước ở dân tộc này một tinh thần hòa giải mênh mông như biển, những tị hiềm, hằn thù rồi sẽ bị xóa nhòa như dấu chân mờ in trên mặt cát sa mạc. Ông được dân tộc này sinh ra, đã thừa hưởng những tinh túy của văn hóa phương Đông và thẩm thấu văn minh phương Tây, ông biết sẽ không thể có con đường nào khác ngoài con đường xích lại gần nhau trong tình yêu quê hương xứ sở.

Yêu nhạc Phạm Duy, người Việt Nam yêu đất nước mình hơn, yêu những sáng mai thanh bình, những chiều hè gió mát, những đêm trăng thanh, yêu từng con đê, từng giọt sương trên cỏ, thương những bác nông phu trên đồng, vui với tiếng cười trong vắt của bầy trẻ thơ... Một tình yêu vùa giản dị vừa thanh cao như cảm nhận của nhà nghiên cứu nhạc Georges-Étienne Gauthier: “Sở dĩ cái tiếng “Việt Nam” có thể gợi nơi tôi một chút ý tưởng hoà bình và đẹp đẽ, nhân ái và từ thiện, sở dĩ trải qua nhiều tháng nhiều năm, tôi đã có thể yêu mến nước Việt Nam ít ra cũng như yêu mến chính nước tôi, sở dĩ như thế trước hết và trên hết là chính nhờ Phạm Duy".

Tuổi đời đã ngừng lại trên thể xác ông nhưng với một nhạc sĩ vĩ đại như Phạm Duy, tuổi trời chưa bao giờ ngừng lại, những gì ông đã cống hiến cho dân tộc này, cho đất nước này đã được tình yêu âm nhạc của triệu triệu người dân ghi nhận xứng đáng. Xin ông hãy nhẹ bước vào một cuộc rong chơi mới, với hành trang mang theo là câu hát như một lời tuyên ngôn nồng nàn: “Tôi yêu tiếng nước tôi”.

 
•Mi An









Thứ Năm, 24 tháng 1, 2013

Ông Nguyễn Mạnh Cầm: Dân tộc và thời đại với nội hàm mới...



SGTT.VN - Ngày nay, dân chủ, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội là trào lưu nổi trội. Còn ý chí tự cường, đoàn kết quốc gia và đồng thuận xã hội là cội nguồn sức mạnh của mỗi nước. Phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại là phải kết hợp được nhuần nhuyễn các trào lưu phổ quát ấy.
Nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm

Nhân 40 năm ngày ký Hiệp định Paris về Việt Nam (27.1.1973 – 27.1.2013), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm đã phát biểu như trên với nhóm phóng viên Tuần Việt Nam về quan điểm lịch sử khi đánh giá ý nghĩa của Hiệp định và về những kinh nghiệm trong quan hệ với các cường quốc tại hòa đàm Paris. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:

Lùi lại 40 năm sau sự kiện chấn động thế giới, giờ đây các nhà nghiên cứu quốc tế, từ nhiều góc nhìn khác nhau, nhận xét Hiệp định Paris về Việt Nam 1973 như một "tao đoạn kỳ lạ" (strange interlude), một "cự ly an toàn" (decent interval) trong cuộc chiến. Xin ông bình luận?

Ông Nguyễn Mạnh Cầm: Nhận xét Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam như một "strange interlude" là muốn nói tới "thời gian giải lao" giữa hai trận đánh. Trên thực tế, các hoạt động quân sự và ngoại giao đâu có dừng lại trong thời đoạn từ lúc ký Hiệp định cho đến khi tổng tấn công và nổi dậy!

Còn "cự ly an toàn" là muốn nói về ý đồ của Nixon vừa muốn tái cử, vừa muốn giữ Thiệu. Tuy nhiên, do chủ trương tràn ngập lãnh thổ của Sài Gòn, nên cơ hội hòa hợp dân tộc bị bỏ lỡ.

Nhưng vượt lên các thuật ngữ ấy là vấn đề triết lý lịch sử, nhất là khi chúng ta đã qua một thời gian khá dài, lùi lại 40 năm như phóng viên vừa nói. Về phương pháp luận, phải biết dựa vào những dữ kiện có thật, chứ không thể chỉ dựa vào cảm quan của người viết.

Có thể có chút phóng đại, nhưng tôi chia sẻ với nhận xét, có một lịch sử như nó diễn ra và một lịch sử như nhà sử học viết ra...

Phương án đấu tranh ngoại giao

Hiệp định Paris về Việt Nam, ngay như tên gọi đã có phần thiếu chính xác, một "misnomer" (gọi sai!). Tiếng là Hiệp định hòa bình năm 1973, nhưng trên thực tế, mãi tới ngày cuối cùng của tháng 4.1975, hòa bình thực sự mới được vãn hồi, nhưng nền hòa bình ấy được lập lại không theo cách mà các điều khoản của Hiệp định quy định. Ông bình luận như thế nào về nhận định này của GS Kolko, tác giả một trong những cuốn sách "best seller" về sự nghiệp đấu tranh của nhân dân ta, cuốn "Giải phẫu một cuộc chiến"?

Ông Nguyễn Mạnh Cầm: Hiệp định là phương án đấu tranh ngoại giao để đi đến thực sự kết thúc chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam. Và như mọi dự án chính trị trong lịch sử, đó là sự thỏa hiệp giữa các bên tham gia cuộc đàm phán ma-ra-tông. Phương án này phản ánh so sánh thế và lực giữa các bên, phản ánh các tình huống trong cuộc chiến vào thời điểm các bên quyết định ký kết để chấm dứt một giai đoạn, phục vụ cho ý đồ chính trị, quân sự của giai đoạn tiếp theo.

Một trong những điểm mấu chốt là ý đồ của các bên không giống nhau, thậm chí còn đối nghịch nhau. Cả bốn bên đều ý thức rõ điều này khi chấp thuận đặt bút ký. Vì vậy mới có định nghĩa kinh điển "ngoại giao là nghệ thuật của những điều không thể".

Việc lập lại hòa bình đã không diễn ra như các điều khoản của Hiệp định không hề giảm giá trị đích thực của Hiệp định, bởi vì lịch sử không bao giờ đứng yên. Lịch sử như một tiến trình và khi tiến trình ấy vận động thì nó không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của bất cứ ai, mà tùy thuộc vào diễn tiến khách quan của nhiều nhân tố. Bao giờ cũng có một giả thiết lịch sử và một thực tế lịch sử như tôi đã nói ở trên; sự giao thoa giữ hai mảng này có thể nhiều hay ít tùy thuộc vào tương quan lực lượng và tùy thuộc vào tương tác giữa các nhân tố chủ đạo trong quá trình vận động. Trên thực tế, nội dung Hiệp định đã mở ra nhiều "không gian trống" cho các tình huống về sau này...

Vâng, như chúng ta thấy, mặc dầu ký Hiệp định, nhưng Nixon vẫn tuyên bố, Mỹ chỉ công nhận Việt Nam Cộng hòa do Thiệu cầm đầu là chính phủ hợp pháp duy nhất. Điều này có nghĩa là Mỹ chỉ ủng hộ những nội dung nào của Hiệp định có lợi cho Mỹ và bỏ qua những phần còn lại.



Bốn bên đàm phán bàn tròn tại Paris vào tháng 1.1973 trước khi đi đến Hiệp định Paris

Đến lượt mình, chính quyền Thiệu cũng từ chối công nhận chính quyền cách mạng và chỉ chịu ký một văn bản tách rời, loại trừ mọi ám chỉ liên quan đến công nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời. Tại sao lại có sự tréo ngoe như thế?

Đấy là phương thức của thỏa hiệp, mà căn cốt của vấn đề là ở chỗ phải tìm được lối thoát hợp lý, tại thời điểm ấy, cho một tình huống bất thường, đó là có hai chính quyền không công nhận nhau về mặt pháp lý, nhưng lại phải có chữ ký của cả bốn bên tham gia đàm phán thì mới đi đến chung cuộc của quá trình hòa đàm. Chính những tréo ngoe ấy đã tạo ra các "không gian trống" như tôi đã đề cập ở trên.

Đến lượt mình, các "không gian trống" ấy lại mở đường cho các biến cố lịch sử mà khi ký Hiệp định không phải tất cả các bên đều trù liệu giống nhau, thậm chí như tôi đã nói, hoàn toàn đối đầu nhau.

Vì các bên không công nhận nhau, đó là cơ sở khách quan để chính quyền cách mạng chủ động thay đổi so sánh lực lượng, tiến lên giành thắng lợi trên chiến trường về sau.

Quan hệ nước lớn với nước nhỏ

Ông đánh giá như thế nào về việc xử lý các mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước lớn liên quan đến quá trình đàm phán Paris? Làm thế nào mà chúng ta vẫn đạt mục tiêu trong bối cảnh có chia rẽ sâu sắc giữa Liên Xô và Trung Quốc?

Ông Nguyễn Mạnh Cầm: Đây là một chủ đề lớn, phức tạp nhưng rất bổ ích, nó không chỉ liên quan đến hòa đàm Paris, mà còn là "nguồn mạch chính" vận động hữu hình và vô hình trong quan hệ quốc tế giữa nước lớn với các nước nhỏ nói chung, cũng như trong toàn bộ tiến trình cách mạng Việt Nam nói riêng.

Với tư cách là một cán bộ ngoại giao được chứng kiến sự chỉ đạo sát sao và trực tiếp của Bộ Chính trị, tôi nhận thức được một số nguyên tắc cơ bản để xử lý mối quan hệ với các nước lớn, dù đó là bạn bè, đồng minh hay đối thủ.

Ta đã giữ được quan hệ "cân bằng động" giữa Liên Xô và Trung Quốc, tranh thủ tối đa sự ủng hộ tích cực của cả hai đồng minh lớn, mặc dù mỗi nước giúp Việt Nam tùy thuộc vào khả năng và xuất phát từ yêu cầu chiến lược của mình. Các đồng minh lớn của ta, tuy bất đồng nhau, nhưng vẫn ủng hộ cuộc chiến đấu của nhân dân ta, vì một lý do quan trọng mà cố Tổng bí thư Lê Duẩn có lần đã giải thích một cách đơn giản: "Ta đánh là đánh cả cho Trung Quốc, cho Liên Xô!"

Với chính quyền Mỹ, ta đã chủ động có các cuộc tiếp xúc, tìm hiểu, gián tiếp và trực tiếp, nắm được yếu điểm cũng như điểm yếu chiến lược của siêu cường lúc bấy giờ để chuẩn bị các phương án đấu tranh.

Thời kỳ khó khăn nhất là năm 1972, lúc cả Trung Quốc và Liên Xô đều đi vào hòa hoãn với Mỹ, ta phải đối mặt với sức ép từ nhiều phía khác nhau, nhưng rồi đều vượt lên được, nhờ đường lối độc lập, tự chủ kết hợp với chủ trương đoàn kết quốc tế. Trong quá trình đàm phán ta đã tối ưu hóa các phương thức tập hợp lực lượng quốc tế, đồng thời tìm mọi cách tác động vào nội bộ đối phương, chuyển hóa tương quan lực lượng theo hướng có lợi cho cách mạng.

Vấn đề tạo thời cơ và nắm bắt thời cơ là bài học vô cùng quan trọng. Trong ngoại giao nói riêng và vận nước nói chung, nếu ta để nhỡ thời cơ, có khi phải mất rất lâu, thời cơ mới xuất hiện trở lại, hạn chế rất lớn đến lộ trình thực hiện các mục tiêu tổng thể của cách mạng.

Và ngành ngoại giao đã có những đóng góp như thế nào để phát huy mặt tích cực, hạn chế các tiêu cực của tình hình quốc tế trong thời gian hòa đàm?

Ông Nguyễn Mạnh Cầm: Ngành ngoại giao đã thực hiện tốt chức năng là "khớp nối mềm" giữa đất nước với thế giới, đã thực hành tốt bài học lớn của cách mạng Việt Nam là "kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại". Nhờ đó, chúng ta đã hình thành nên mặt trận rộng lớn nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam.

Về nghiên cứu chiến lược, ngoại giao đã đi trước một bước trong phân tích tình hình, đánh giá ý đồ của các bên liên quan. Chúng ta đã phát huy được vai trò tích cực và chủ động của ngoại giao, áp dụng phương thức vừa đánh vừa đàm. Biết người biết ta, biết cách kết thúc chiến tranh, đó là những bài học không bao giờ cũ cả.

Dân tộc, thời đại bối cảnh mới

Ý ông muốn nói tới bài học thời sự của Hiệp định đối với hoạt động đối ngoại của ta hiện nay?

Ông Nguyễn Mạnh Cầm: Hoàn toàn chính xác!

Tâm thức nô dịch và bá quyền, chinh phục và triều cống nhiều khi vẫn lấn lướt, tư duy "một mất một còn" vẫn nổi trội trong các mối bang giao. Đấy chính là khởi nguồn đã gây ra bao nghịch lý cho dân tộc Việt trong lịch sử, nay nếu ta không biết cách chế ngự nó, tương lai có nhiều điều khó dự đoán!
Nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm nói.

Nhưng như tôi đã nói, lịch sử chuyển động không ngừng, vì vậy, khi áp dụng các bài học trước đây phải luôn ý thức được nội dung mới trong những khái niệm cũ. Nói kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại thì giờ đây phải hiểu rằng cả hai vế trong định đề ấy đã có nhiều thay đổi.

Ngày nay, dân chủ, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội là trào lưu nổi trội. Còn ý chí tự cường, đoàn kết quốc gia và đồng thuận xã hội là cội nguồn sức mạnh của mỗi nước. Phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại là phải kết hợp được nhuần nhuyễn các trào lưu phổ quát ấy. Có như vậy, mới có sức mạnh tổng hợp và vị thế Việt Nam mới thực sự vững chắc.

Các quốc gia nói chung và các cường quốc nói riêng đang rất thiếu nền tảng của văn hóa khoan dung. Cái tâm thức nô dịch và bá quyền, chinh phục và triều cống nhiều khi vẫn lấn lướt, tư duy "một mất một còn" vẫn nổi trội trong các mối bang giao. Đấy chính là khởi nguồn đã gây ra bao nghịch lý cho dân tộc Việt trong lịch sử, nay nếu ta không biết cách chế ngự nó, tương lai có nhiều điều khó dự đoán!

Đấy cũng là căn nguyên của việc trước đây các bên ký Hiệp định đã không tận dụng được tối đa cái cơ hội, cái triết lý của Hiệp định đã mở ra.

Cơ hội bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam với Hoa Kỳ bị đẩy lùi hàng chục năm cũng là do tư duy đối đầu ấy gây ra!

Ngày nay, chúng ta đang thực thi chính sách hội nhập toàn diện. Trong xu thế ấy, hẳn nhiên, một nền ngoại giao hiện đại là một nền ngoại giao phải xuất phát từ tâm thức văn minh thời đại, biết lấy các giá trị phổ quát làm động lực phát triển. Đó là cơ sở để bảo vệ các lợi ích quốc gia một cách hiệu quả! Trong quá trình này, vấn đề thời cơ, vấn đề tập hợp lực lượng, ngày nay ta gọi là xây dựng hệ thống các quan hệ đối tác, là những vấn để cốt tử của cách mạng.

Hãy nhớ hai vế đối trên mộ Nguyễn Trường Tộ: "Nhất thất túc thành thiên cổ hận / Tái hồi đầu thị bách niên cơ"; có thể hiểu là: "Một lần nhỡ thời cơ, hận muôn đời/ Khi quay đầu nhìn lại, cơ đồ mất trăm năm!".

Theo Tuần Việt Nam

'Một lần lỡ thời cơ mất cả trăm năm'

 Ông Nguyễn Mạnh Cầm là bộ trưởng ngoại giao cuối cùng
 (không kiêm nhiệm) có chân trong Bộ Chính trị
Cựu bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm nói "tâm thức nô dịch và bá quyền, chinh phục và triều cống nhiều khi vẫn lấn lướt, tư duy 'một mất một còn' vẫn nổi trội trong các mối bang giao".

Ông cũng nói về tầm quan trọng trong xây dựng các mối quan hệ đối tác, trong đó có quan hệ với cựu thù Hoa Kỳ.

 Ông Cầm, 85 tuổi, giữ chức Ngoại trưởng từ 1991-2000, Phó Thủ tướng từ 1997-2002, và là bộ trưởng ngoại giao không kiêm nhiệm cuối cùng có chân trong Bộ Chính trị Đảng CSVN.

Ông vừa có bài Bấm trả lời phỏng vấn báo điện tử Tuần Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 40 năm Hòa đàm Paris, trong đó ông đưa ra một số bình luận về chính sách đối ngoại của chính phủ Việt Nam gần nửa thế kỷ qua.
Người từng làm công việc theo dõi hội đàm Paris và thực hiện Hiệp định Paris về Việt Nam, sau đó đứng đầu ngành ngoại giao Việt Nam trong gần 10 năm, thừa nhận chính sách "cân bằng động" trong quan hệ với hai đồng minh lớn của Việt Nam thời kỳ chiến tranh với Hoa Kỳ - Liên Xô và Trung Quốc.
Chính sách này dựa trên nền tảng "một lý do quan trọng mà cố Tổng bí thư Lê Duẩn có lần đã giải thích một cách đơn giản: Ta đánh là đánh cả cho Trung Quốc, cho Liên Xô!".
Trong khi khen ngợi thành công trong đấu tranh ngoại giao để đi đến thực sự kết thúc chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam, ông Cầm cũng nói đến điều mà ông gọi là 'cơ hội bị bỏ lỡ'.
Trước hết, theo ông, cơ hội hòa hợp dân tộc bị bỏ lỡ sau Hiệp định Paris "do chủ trương tràn ngập lãnh thổ của Sài Gòn".
Đồng thời, trong những năm sau đó, "cơ hội bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam với Hoa Kỳ bị đẩy lùi hàng chục năm".

'Một lần nhỡ thời cơ, hận muôn đời '
Theo cựu ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm, thách thức đặt trước dân tộc Việt Nam cả trong quá khứ và hiện tại là tư duy đối đầu, triệt tiêu lẫn nhau trong quan hệ với các nước ngoài.
Bên cạnh đó, là chính sách của nước lớn đối với nước nhỏ, mà ông gọi là "tâm thức nô dịch và bá quyền, chinh phục và triều cống nhiều khi vẫn lấn lướt", tuy không chỉ rõ tên cường quốc.
"Đấy chính là khởi nguồn đã gây ra bao nghịch lý cho dân tộc Việt trong lịch sử, nay nếu ta không biết cách chế ngự nó, tương lai có nhiều điều khó dự đoán!"
"Cơ hội bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam với Hoa Kỳ bị đẩy lùi hàng chục năm cũng là do tư duy đối đầu ấy gây ra!"
Ông cảnh báo: "Vấn đề tạo thời cơ và nắm bắt thời cơ là bài học vô cùng quan trọng".
"Trong ngoại giao nói riêng và vận nước nói chung, nếu ta để nhỡ thời cơ, có khi phải mất rất lâu, thời cơ mới xuất hiện trở lại, hạn chế rất lớn đến lộ trình thực hiện các mục tiêu tổng thể của cách mạng."
Một số năm trước đây, sau khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ năm 1995, đã có quan điểm trong thượng tầng lãnh đạo Việt Nam cho rằng nên thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tiến trình này tới nay chưa dịch chuyển được bao nhiêu.
Ông Nguyễn Mạnh Cầm kêu gọi "vấn đề thời cơ, vấn đề tập hợp lực lượng, ngày nay ta gọi là xây dựng hệ thống các quan hệ đối tác, là những vấn đề cốt tử của cách mạng".
Ông cũng trích lời Nguyễn Trường Tộ, người được xem như một trong các ông tổ của ngành ngoại giao Việt Nam: "Một lần nhỡ thời cơ, hận muôn đời. Khi quay đầu nhìn lại, cơ đồ mất trăm năm".


Thứ Ba, 22 tháng 1, 2013

Phản hồi về bài nói chuyện của thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn







Lễ nhậm chức Barack Obama......Barack Obama 2013 Presidential Inauguration - Complete .


Barack Obama 2013 Inauguration Oath of Office





Barack Obama 2013 Inauguration Speech


Lễ nhậm chức Barack Obama

National Mall ngày nhậm chức. Ảnh: HM

Nước Mỹ có nhiều duyên nợ với ngày thứ 3. Rất thú vị lần này, bầu cử và tuyên thệ tổng thống trùng vào ngày này. Bin Laden chọn thứ 3 (11-9-2001), ngày ít người đi lại, để cướp 4 máy bay tấn công Mỹ. Theo lịch, công ty môi trường vùng Vienna (Virginia) thu gom rác vào hôm nay.
Muốn biết tình hình kinh tế? Nhìn vào thùng rác!
Một thống kê thú vị cho thấy, khủng hoảng tài chính có thể nhìn thấy trong…thùng rác. Kinh tế đi xuống, dân không đến quán bar mà mua rượu bia về nhà, tự thưởng thức, nên vỏ chai nhiều hơn. Khủng hoảng nhưng không thể không uống, vấn đề là uống ở đâu thôi. Hôm nay, vì tương lai kinh tế Mỹ và hình ảnh Hoa Kỳ trên thế giới, gần hai triệu người đổ ra National Mall (Quảng trường quốc gia Washington DC – gọi là Mall) nhằm lên dây cót tinh thần cho Tổng thống mới.

Kinh tế toàn cầu đang cơn suy thoái là thách thức lớn nhất của siêu cường Hoa Kỳ. Không phải chiến tranh Iraq, Afganistan hay Trung Đông. Đó chính là bài toán nan giải về công ăn việc làm, nạn thất nghiệp ngay trong lòng nước Mỹ, đang làm hàng trăm triệu người lo lắng.

Chưa nhậm chức, Obama đã lo kích cầu, mong dân đến shopping mall, mua bán, tiêu pha nhiều hơn. Người Mỹ không mua quần áo, hàng may mặc của Việt nam cũng bị bán hạ giá thảm hại. Họ tiết kiệm ăn uống thì cá basa nông dân Nam bộ không biết bán đi đâu. Người ta lo cứu mình, ai hơi đâu đầu tư vào Việt Nam. Nếu ai nghĩ rằng, kinh tế thế giới đi xuống không ảnh hưởng đến ta, chắc là người đó “đang ngồi đáy giếng, phán chuyện toàn cầu”.
“Trong đời tôi chưa bao giờ nhìn thấy nhiều người đến thế!”
Hôm nay, trời đất thử thách lòng kiên nhẫn của những người hâm mộ Obama. Thời tiết DC lạnh khủng khiếp, nhiệt độ hạ xuống -10oC, gió 25km/giờ thổi từng cơn, buốt tận xương tủy. 4:30 sáng, tôi ra bến metro Vienna. Đây là ga đầu tiên mà tầu đã chật ních. Ôtô xếp hàng dài để vào gara. Họ đỗ xe ở đây và bắt metro vào DC. Xung quanh ga, xe cảnh sát đèn lập lòe như hăm dọa tất cả ai có hành động đáng ngờ. Cao tốc 66 nối Virginia với Washington DC vắng tanh trong khi metro chật ních người.

Ngồi canh một bà da trắng vẻ niềm nở. Hỏi bà từ đâu tới. Đi máy bay từ Miami. Sao đi xa thế. Đây là ngày quan trọng của nước Mỹ. Chúng tôi đã chờ đợi 8 năm nay. Kinh tế đi xuống, ai cũng lo. Tôi ủng hộ Obama, một người thông thái, nhanh nhẹn, nói rất thuyết phục và…đẹp trai. Còn anh thế nào? Vẫn không bị mất việc sau ba tháng vừa rồi chứ?

Anh bạn trẻ da trắng, quê tận Ohio, đứng cạnh đế thêm, mong lão Bush về Texas càng nhanh càng tốt. Anh không quan tâm đến McCain mà ủng hộ Obama ngay từ phút đầu tiên. Đây là tổng thống mà chúng tôi cần.

Ngày thường, đi từ Vienna tới DC khoảng 35 phút nhưng hôm nay mất gần hai tiếng, như thế đã rất may mắn. Lên Phố 18 cắt Pennsylvania gần Nhà Trắng, đông nghẹt người dù mới 6 giờ sáng. Đến muộn rất có thể bị chặn lại vì trong Mall hết chỗ.

Mọi ngả đường cho ôtô vào DC đều bị chặn. Sáu cây cầu bắc qua sông Potomac và Anacostia chỉ dành cho người đi bộ. Cũng hay, khi bạn dựa vào đôi chân của chính mình thì đến đâu cũng được. Lang thang trên Mall, từ nhà tưởng niệm Lincoln đến đồi Capitol (nhà Quốc hội Mỹ) khoảng 3 km, chiều rộng khoảng 1km, với những bãi cỏ rộng mông mênh, xen với những công viên, du khách cứ việc vui thoải mái, hò hét và nhảy múa.

Nhiều màn hình khổng lồ truyền hình trực tiếp từ khán đài. Biết thân phận mình không thể chen chân vào với mấy ông bà da đen béo phục phịch nên tôi chọn phương án xem tivi trên quảng trường.

Được biết, ngày Chủ nhật 18-01-2009, Obama đến dự buổi ca nhạc tại nhà tưởng niệm Lincoln với khoảng 400 ngàn người tham dự. Chính nơi đây, vào năm 1963, Martin Luther King đã có bài phát biểu “I have a dream – Tôi có một giấc mơ” trước hàng trăm ngàn người, nói về ước nguyện, một ngày nào đó người da trắng, da đen tại Mỹ được sống hòa thuận và đối xử công bằng. Hôm nay giấc mơ ấy đã thành hiện thực.

Không hiểu giấc mơ của Luther King vĩ đại thế nào, riêng tôi đạt được ước mơ là xem…người rất thoải mái. Rất nhiều, xó xỉnh nào cũng thấy. Trong đời, tôi chưa bao giờ nhìn thấy mấy triệu người đổ ra một chỗ rộng lớn như thế này.

Có đến vài nghìn nhà vệ sinh lưu, thậm chí cả chỗ dành riêng cho người tàn tật ngay cạnh đồi Capitol. Ở đây không thể ra gốc cây hay bờ tưởng để xả nỗi buồn như ở Hà nội hay Sài gòn.

Những người xây dựng thủ đô Hoa Kỳ đã trù tính, National Mall phải chứa được vài triệu người mới xứng tầm nước Mỹ. Không biết dân da mầu nhiều hơn hay vì mầu da ấy bắt mắt hơn nên dường như thấy họ chiếm đa số trên quảng trường.

Người Mỹ thích hướng tới tương lai
Trên màn hình xuất hiện đôi Clinton-Hillary, ở dưới reo hò và phất cờ. Lúc ông Bush xuất hiện thì tiếng hù, đập chân thùm thụp, vài lá cờ bay lẻ tẻ. Hỏi ông đứng tuổi bên cạnh thì được biết, người Mỹ thích hướng tới tương lai. Di sản ông Bush để lại không đáng tự hào: thế giới đơn cực do Mỹ làm bá chủ, ghét quốc gia hậu thuẫn khủng bố, tấn công phủ đầu và sắp xếp lại bản đồ thế giới. Nhìn lại, việc nào cũng thấy hỏng, người ta huýt sáo là phải thôi.

Nhớ chuyện sau ngày bầu cử, chú chó Barney của ông Bush bỗng nhiên nổi giận, đả phóng viên John Decker (Reuters) một miếng. Có thể hãng thông tấn này thường đưa tin không mấy hay ho về ông chủ nên chú cẩu trả thù hộ. Hôm mới đây, chú mèo đen India hay còn gọi là “Willi” yêu quí sống với gia đình Bush đã 18 năm bỗng lăn đùng ra chết. Có lẽ vì nuôi cả chó mực lẫn mèo đen trong Nhà Trắng, nên vận ông Bush không được đỏ, khi “đơn phương độc mã” lãnh đạo thế giới.

Obama lên làm tổng thống chưa biết có hơn Bush hay không, nhưng bên an ninh phải trả giá cao hơn rất nhiều. Mấy tháng nay, ngành an ninh Hoa Kỳ đã làm việc cật lực ngày đêm để chuẩn bị cho ngày lễ trọng đại này. Hàng rào lưới B40, những tảng bê tông khổng lồ, được dựng lên bao quanh quảng trường, nhằm ngăn người đi lại bừa bãi.

Phương tiện thông tin đại chúng được tận dụng tối đa để tuyên truyền cho việc đi lại trong ngày nhậm chức. Hàng ngàn người tình nguyện giúp hướng dẫn khách thập phương đến DC. Một chị dáng đi tất tưởi, gặp ai cũng chào và đưa cuốn cẩm nang “Làm thế nào tồn tại qua được ngày nhậm chức”. Hàng triệu du khách tới dự lễ lo làm sao đến được Mall không khém Obama làm Tổng thống lo cho kinh tế Mỹ.
Hàng triệu người rơi nước mắt

Biết mình không thể vào gần tòa nhà Quốc hội, tôi quyết đinh thám thính hôm trước để xem họ chuẩn bị như thế nào. Ra đó đã thấy loa ông ổng trên lễ đài phát thử lời thề của Tổng thống khi người ta luyện tập tại đồi Capitol:”Tôi xin thề danh dự rằng tôi sẽ lãnh đạo Nhà Trắng, làm hết sức mình để giữ gìn, bảo vệ Hiến pháp Hoa Kỳ. ” I do solemnly swear (or affirm) that I will faithfully execute the office of President of the United States, and will to the best of my ability, preserve, protect, and defend the Constitution of the United States”. Hôm nay, Obama xuất hiện thật, nhắc lại như cái máy mấy lời trên, dù ban đầu giọng hơi ngắc ngứ, có lẽ do cảm động.

Hàng triệu người đã khóc. Ảnh: HM

Thấy Obama xuất hiện, National Mall reo như sấm và cờ phất của hàng triệu người tưởng vỡ bầu trời DC. Khi ông đọc lời thề, nhiều người cúi xuống lau nước mắt. Hàng trăm triệu người da đen đã chờ đợi giây phút này hàng thế kỷ nay. Ai cũng sung sướng và hạnh phúc. Đây là lễ nhậm chức Tổng thống trang trọng nhất từ trước tới nay trong lịch sử Hoa Kỳ.

Anh bạn trẻ da đen quay sang tôi, mắt chớp chớp. Anh tỏ ý tiếc bố mẹ anh già quá, không thể ra đây để chứng kiến giây phút lịch sử này. Hai cụ đã sống qua thời bị phân biệt đối xử một cách tàn tệ của người da trắng. Thưở trước không được đến trường nên hai cụ vẫn mù chữ. Đây là trang sử đen tối trong lịch sử nước Mỹ về nạn phân biệt chủng tộc.

Hôm nay Obama đã làm nước Mỹ thay đổi. Với giọng hùng biện hiếm có, ông nói, chúng ta sẽ làm lại nước Mỹ. với những trách nhiệm thời đại mới, và hứa tương lai tốt đẹp cho Hoa Kỳ. Bài phát biểu dài 20 phút kết thúc. Trên màn hình đã thấy lễ duyệt binh. Obama, Michelle và các con theo đội duyệt binh theo đại lộ Pennsylvania về Nhà Trắng.

Còn ông bà Bush-Laura lên máy bay trực thăng ra sân bay Andrew. Tại đây, lên chiếc Air Force One (lúc này không được gọi tên như thế nữa vì ông đã là “nguyên”), để bay về Texas. Họ sẽ sống trong ngôi nhà 3 triệu đô ở Dallas cùng với chú chó Barney. So với mấy ổng hàng xóm như tỷ phú Ross Perot đang sở hữu ngôi nhà 24 triệu đôla hay Mark Cuban có nhà giá 18 triệu đôla, cựu Tổng thống “nghèo” nhất.

“Thay đổi. Vâng, chúng ta có thể – Change. Yes, We Can”
Ngày lễ đã kết thúc và dân chúng đang lo đường về. Đường chật ních tưởng chừng không thể len chân. Niềm vui qua nhanh, dù lời hứa “Change. Yes, We Can” vẫn còn vang vọng bên tai. Chợt nhớ mấy phút trước, Tông thống mới đã nhắc nhở “Thách thức của nước Mỹ còn rất nhiều, rất nghiêm trọng, và không thể ngày một ngày hai, có thể thay đổi”. Ông đã lôi hai triệu người đang mơ mộng trên quảng trường về với thực tại.

Quả đúng thật. Mấy anh chàng bán đồ lưu niệm hình Obama, đã hạ giá từ 4$ xuống 2$, nhưng ít người dừng lại hỏi. Người khác đang hy vọng chiếc xe của mình không dính vé phạt hay bị cẩu đi. Thấy xe rồi lại cầu Chúa đừng tắc đường. Sáng mai phải đi làm sớm. Obama nói sẽ giúp tất cả người nghèo nhưng chắc không thể giúp mình khi bị đuổi việc vì đến sở muộn.

Quay về nhà, dù rất mệt, tôi cố đẩy thùng rác rỗng vào vườn. Hôm nay, người Mỹ tiễn “nguyên Tổng thống” George Bush về Texas. Không chừng, vài di sản của ông cũng đi theo xe rác.

Nhà Trắng chính thức có chủ mới. Tuy vậy, nếu 4 năm tới, người thất nghiệp nhiều hơn, nhà cửa bị ngân hàng phát mại, shopping mall vắng tanh, rất có thể dân chúng vùng Vienna thấy xe của công ty môi trường vào thứ 3 hàng tuần, sẽ cho luôn cả lời hứa “Yes. We Can Change” vào thùng rác. Với người Mỹ, mọi lời hứa dù hay đến đâu nhưng không thành hiện thực, nên cho vào nhà vệ sinh mà giật nước.

HM. Viết từ Washington DC, ngày 20-1-2009.

Lời người viết: Tôi ít khi tham gia đám đông vì ghét lộn xộn. Nhưng hôm nay, Barack Obama “dựng” tôi dậy từ 4 giờ sáng. Mong muốn thay đổi của ông đã thức tỉnh hàng trăm triệu người Mỹ nếu không nói là hàng tỷ dân chúng trên hành tinh.
Sau một ngày thử làm phóng viên bất đắc dĩ, tôi thấy nghề cầm bút rất cần sự kiên nhẫn và dũng cảm. Đứng 8 tiếng dưới trời lạnh thấu xương mới hiểu, để có bức ảnh thời sự cho bạn đọc, không phải dễ dàng. Bỗng thấy cảm phục các anh chị làm báo. Có anh chị lênh đênh trên rốn lũ để mong hàng cứu trợ đến đúng lúc, giúp người hoạn nạn, thậm chí có người đổ máu trên trang viết… Mới hay, để có tâm với nghề làm báo, thách thức quả là không nhỏ chút nào.
Kính chúc Quí độc giả, Tòa soạn và những người cầm bút, năm mới an khang thịnh vượng.

Xem thêm:

Ngày nhậm chức Tổng thống 21-01-2013

Obama kêu gọi người Mỹ 'nắm lấy thời cơ'

Những hình ảnh đẹp nhất trong lễ nhậm chức của Obama










Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2013


Ngày này cách đây đúng 39 năm, Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Hành động phi pháp ấy đã vấp phải sự kháng cự mãnh liệt của người Việt Nam và sự lên án mạnh mẽ của thế giới.

Ngày 25.11.2011, trong phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề cập tới hai thời điểm Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam: “Năm 1956, Trung Quốc đã đưa quân chiếm đóng các đảo phía đông của quần đảo Hoàng Sa. Đến năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trong sự quản lý của chính quyền Sài Gòn, tức chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH). Chính quyền VNCH lúc đó đã phản đối, lên án việc làm này và đề nghị Liên Hiệp Quốc can thiệp. Chính phủ lâm thời cách mạng miền Nam Việt Nam lúc đó cũng ra tuyên bố phản đối hành vi chiếm đóng này”. Thủ tướng cũng cho biết Chính phủ Việt Nam sẽ kiên trì đòi lại Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình.

Phát biểu của người đứng đầu Chính phủ của một đất nước Việt Nam thống nhất đã nhắc chúng ta nhớ tới một ngày bi tráng của 39 năm về trước, khi đất nước còn chia đôi. Đó là ngày 19.1.1974, Trung Quốc nổ súng cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa. Các chiến hạm cùng quân nhân VNCH đã chiến đấu quyết liệt, nhưng cuối cùng với một lực lượng mạnh hơn, Trung Quốc đã chiếm được cụm phía tây của quần đảo Hoàng Sa, sau khi đã chiếm cụm phía đông hồi thập niên 1950, qua đó chiếm đóng phi pháp toàn bộ quần đảo này từ đó đến nay

Xâm lăng

Trận hải chiến Hoàng Sa diễn ra trong khoảng 30 phút vào ngày 19.1.1974, nhưng trước đó nhiều ngày, Trung Quốc đã bắt đầu những chuyển động cho hành trình xâm lược của mình. Ngày 10.1, tàu Trung Quốc bắt đầu xuất hiện trong khu vực cụm tây quần đảo Hoàng Sa. Sau đó một ngày, Bộ Ngoại giao nước này phát đi từ Bắc Kinh tuyên bố rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc và VNCH đang chiếm đóng phi pháp. Ngay lập tức, Tổng trưởng Ngoại giao Vương Văn Bắc của chính quyền Sài Gòn đã bác bỏ luận điệu ngang ngược này và lên án hành động xâm lăng gây hấn của Trung Quốc.

Lúc bấy giờ, về mặt quân sự, phía Việt Nam chỉ có một trung đội địa phương quân thuộc Chi khu Hòa Vang trú đóng trên đảo Hoàng Sa. Để tăng cường sức mạnh bảo vệ biển đảo, Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải vào ngày 15.1 đã ra lệnh cho tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ-16), do trung tá Lê Văn Thự làm hạm trưởng, trực chỉ Hoàng Sa. Tiếp theo, khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ-4) do trung tá Vũ Hữu San chỉ huy đang tuần tra vùng biển ngoài khơi Quảng Ngãi cũng được lệnh tức tốc tới bảo vệ Hoàng Sa. Sau đó, do diễn biến phức tạp, tuần dương hạm Trần Bình Trọng (HQ-5) và hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ-10) cũng đã được điều động. HQ-5 là soái hạm, với hạm trưởng là trung tá Phạm Trọng Quỳnh; còn HQ-10 do thiếu tá - Hạm trưởng Ngụy Văn Thà chỉ huy. Ban Chỉ huy công tác trên biển của chiến dịch bảo vệ Hoàng Sa được đặt trên tàu HQ-5, với đại tá Hà Văn Ngạc thừa lệnh Tư lệnh HQ Vùng 1 Duyên hải làm chỉ huy trưởng.

Trong thời gian này, phía Trung Quốc đã cho tàu cá chở quân lính giả dạng ngư dân tiến chiếm một số đảo. Công điện 50.356 của Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải gửi HQ-4, HQ-5 và HQ-16 cho biết: “Trung Cộng đã bất thần tiến chiếm các đảo Robert (Cam Tuyền - NV), Duncan (Quang Hòa), Drummond (Duy Mộng) và Money (Vĩnh Lạc) thuộc quần đảo Hoàng Sa kể từ ngày 10.1.1974. Hiện có 2 tàu loại 100 tấn neo đậu tại đảo Robert... Trên đảo Duncan có 1 chòi quan sát... Tại đảo Money có 1 hầm còn mới...”. Công điện còn cho biết phi cơ của Sư đoàn 1 Không quân đang trực ở sân bay Đà Nẵng. Nhiệm vụ được giao cho lực lượng bảo vệ Hoàng Sa là trước hết sử dụng đường lối ôn hòa, yêu cầu kẻ địch rút khỏi lãnh thổ Việt Nam, trong trường hợp địch khai hỏa thì “tập trung khả năng để tiêu diệt địch”, lệnh từ văn phòng chỉ huy ở Đà Nẵng truyền ra cho HQ-5 nêu rõ.

Lúc bấy giờ, lực lượng chiến đấu của phía Trung Quốc có 11 tàu, trong đó có 2 tàu chống ngầm Krondstadt, 2 tàu quét lôi, vài tiểu đoàn thủy quân lục chiến và một số tàu chở quân. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn có một đội quân dự phòng ở Hải Nam, trong đó có nhiều tàu tên lửa Komar và Osa.

Bản đồ Hải chiến Hoàng Sa 1974. Các chiến hạm VNCH (ảnh nhỏ) - Đồ họa: Hồng Sơn

Nổ súng

Sáng sớm 19.1, một toán Biệt hải từ HQ-4 và một đội Hải kích từ HQ-5 chia làm hai mũi dùng bè cao su đổ bộ lên tái chiếm đảo Quang Hòa. Một cuộc đọ súng xảy ra giữa quân VNCH và quân Trung Quốc đã chiếm đảo này từ trước cùng với số mới đổ bộ từ các chiến hạm gần đấy. Cuộc giao tranh này khiến 2 quân nhân VNCH tử thương và sau đó, do quân số ít hơn rất nhiều, hai toán đổ bộ của VNCH đã phải rời đảo, trở lại tàu.

Lúc này, các tàu chiến trên biển đã di chuyển theo đội hình chiến thuật, bộ chỉ huy trên soái hạm HQ-5 chỉ định mục tiêu cho từng chiến hạm thành viên để tiêu diệt. Theo đó, HQ-5 đối đầu tàu Krondstadt 274; HQ-4 đối đầu Krondstadt 271; HQ-10 đối đầu trục lôi hạm 396; HQ-16 đối đầu trục lôi hạm 389. Lúc 10 giờ 22 sáng 19.1.1974, lệnh tác xạ đồng loạt vào các chiến hạm Trung Quốc được ban hành từ HQ-5. Thông tin công khai trước đây cho rằng tàu Trung Quốc đã nổ súng trước. Tuy nhiên, mới đây, nguyên Hạm trưởng HQ-4 Vũ Hữu San xác nhận rằng, lúc bấy giờ, tàu chiến của VNCH đã “chủ động khai hỏa”. Ngay trong những phút đầu, một chiếc Krondstadt đã bị trúng đạn bốc cháy. Sau đó, chiếc Krondstadt thứ hai cũng hư hại và phải ủi vào rạn san hô gần đó để khỏi chìm. Phía VNCH cũng chịu tổn thất khi HQ-4 và HQ-5 đều trúng đạn nhưng vẫn còn chiến đấu được; HQ-16 bị hư hại nặng hơn và phải dần rút khỏi vòng chiến. Riêng HQ-10, là tàu nhỏ nhất, bị bắn chìm và Hạm trưởng Ngụy Văn Thà tử trận.

Đến gần 11 giờ, có tín hiệu cho thấy Trung Quốc đang tăng viện với các tàu tên lửa Komar xuất hiện từ phía xa. Nhận thấy tình thế bất lợi, chỉ huy trưởng Hà Văn Ngạc đã ra lệnh cho toàn bộ lực lượng rời vùng giao tranh. Trong cuộc chiến này, theo con số thống kê chưa đầy đủ, 53 quân nhân VNCH đã bỏ mình vì nước; một số quân nhân và nhân viên khí tượng bị bắt làm tù binh và đã được trao trả sau đó. Phía Trung Quốc có 4 tàu bị bắn hỏng và 18 binh sĩ chết.

Sau trận chiến ngắn ngủi nhưng ác liệt, Trung Quốc đã chiếm trọn quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Dù thế, trận hải chiến 1974 một lần nữa khẳng định ý chí bất khuất của người Việt Nam trong sứ mệnh bảo vệ chủ quyền. Trước một kẻ thù mạnh hơn và trong một tình hình chính trị chung có nhiều diễn biến bất lợi, các quân nhân đã kiên cường nổ súng vào kẻ xâm lăng. Cuộc chiến đó cũng một lần nữa làm nổi rõ tính phi nghĩa của Trung Quốc tại Hoàng Sa và trên toàn biển Đông về sau, như tuyên cáo của Bộ Ngoại giao VNCH số 015/BNG sau trận hải chiến 1974 đã vạch rõ: “Các hành động quân sự của Trung Cộng là hành vi xâm phạm trắng trợn vào lãnh thổ VNCH”. Hành động dùng vũ lực để chiếm lãnh thổ của nước khác đi ngược lại với Hiến chương LHQ, và vì thế, dù cho đã chiếm đóng toàn bộ Hoàng Sa gần 40 năm qua, Trung Quốc mãi mãi vẫn không có được một tư cách hợp pháp đối với vùng lãnh thổ này.

Tư liệu cho bài viết này được lấy từ Tài liệu Hải chiến Hoàng Sa (Vũ Hữu San, Trần Đỗ Cẩm), qua trao đổi với ông Vũ Hữu San và một số cựu quân nhân tham gia trận hải chiến cũng như tham khảo nhiều tài liệu khác.

Đỗ Hùng

Xem thêm:
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Hải chiến Hoàng Sa 1974

Thứ Ba, 15 tháng 1, 2013

The Human Body Life Story .




Với những công nghệ đồ họa máy tính, những kỹ thuật chụp ảnh tân tiến, những kỹ xảo quay chậm tuyệt diệu, chúng ta có thể khám phá mọi khía cạnh, mọi bộ phận trong cơ thể con người trong nhiều giai đoạn phát triển khác nhau trong cuộc sống : sinh ra, trưởng thành, rồi chết đi.

Bộ phim miêu tả chi tiết đồng thời người dẫn chương trình cũng giải thích thấu đáo các quá trình quan trọng của đời người như thụ thai, sự chập chững biết đi của trẻ, sự trưởng thành của thanh thiếu niên, sự lão hóa của người già hay cơ chế hoạt động cực kỳ phức tạp của bộ não (đây là bộ phận tiêu tốn nhiều năng lượng nhất trong cơ thể) và cuối cùng là cái chết
Qua cách nói dễ hiểu, trực quan và sống động của giáo sư Winston, các em nhỏ trên 10 tuổi hoàn toàn có khả năng cảm thụ được loạt phim này. Ngoài ra khán giả cũng sẽ rất bất ngờ và thú vị với những câu nói hóm hỉnh, những thống kê ngộ nghĩnh (chẳng hạn trung bình một người trong cả đời tốn mất 3 năm rưỡi thời gian để ăn và ăn hết 160 kg sô cô la). Bên cạnh đó là những tình cảm xúc động khi chứng kiến cảnh quay những phút cuối cùng của Herbie -- một bệnh nhân đang chống chọi với căn bệnh ung thư.



Phụ đề tiếng Việt:
http://youtu.be/a-krbInzT0o
http://youtu.be/fr09XD65JCI
http://youtu.be/xs76NI0PVx0
http://youtu.be/kcWxX00vJcw
http://youtu.be/Vaq23ZIFif8
http://youtu.be/cMKhuLm-jPE

http://youtu.be/RB3qq59_n08
................................................

Body Story









Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2013

Gửi anh Nguyễn Bá Thanh: Phút 89...

NGUYỄN MINH NHỊ


TT - Tuổi Trẻ giới thiệu bài viết của ông Nguyễn Minh Nhị gửi ông Nguyễn Bá Thanh.

Tháng 10-2001, nhậm chức chủ tịch ủy ban được bốn tháng, tôi dự cuộc họp Chính phủ có Thủ tướng Phan Văn Khải chủ trì cùng các phó thủ tướng Vũ Khoan, Nguyễn Công Tạn. Với tâm trạng “phút 89” ấy nên khi dự hội nghị, tôi mạnh dạn phát biểu: “Sự trì trệ của bộ máy là do cơ chế tổ chức. Cụ thể là tôi làm chủ tịch tỉnh mà không có quyền thay đổi cán bộ sở, kể cả trưởng phòng. Và ngay như hiện nay, đến Thủ tướng cũng không dễ cách chức được tôi, vì tôi là do tỉnh ủy cử và nhất là do Bộ Chính trị quản lý”.


Tôi theo dõi thái độ Thủ tướng và các phó thủ tướng, ai nấy đều rất vui vẻ. Tôi bước xuống trong sự tán thưởng của hội nghị. Anh Đoàn Mạnh Giao, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, khi đi ngược chiều với tôi lên để giới thiệu người phát biểu kế tiếp, ngang tôi anh kê vào tai nói: “Ông nói hay quá, tôi thay cậu tài xế mà cũng không được”.

Đến lượt anh Nguyễn Bá Thanh, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng: “Tôi thấy đại hội vừa xong, phân công cấp ủy viên mới rồi, hay cơ quan đang ổn định biên chế công tác, bỗng dưng rút người ra đi học. Làm vậy khác nào đội banh có 11 người, ông rút ra một người không đá thì đội hình còn lại làm sao mà đá? Còn nói cách chức cán bộ thì cỡ trưởng phòng thôi, mới bàn mà nó nghe thì nó tính cách chức mình trước rồi”. Hội trường vỗ tay!

Đến phiên anh Út Phương, chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, phát biểu thì vừa có duyên vừa “văn chương” sinh động ngược với vẻ bề ngoài: “Thơ ông Tố Hữu có câu: Đảng ta có trăm tay (tai) nghìn mắt. Câu này suy ra: Đảng ta có 50 người làm mà có đến 500 người ngồi nhìn thì ai mà dám làm, làm sao chịu nổi?!”. Cả hội trường lại vỗ tay và cười rộ.

Hội nghị Chính phủ tháng 10-2001 trở thành kỷ niệm để đời trong tôi. Và có lẽ đối với Thủ tướng Phan Văn Khải cũng vậy, gặp nhau ông hay nói: “Hội nghị mà có Bảy Nhị, Út Phương, Bá Thanh là vui lắm”. Tại hội nghị Chính phủ tháng 10-2003, khi phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng nói: “Hội nghị Chính phủ năm sau (2004) chúng ta không nghe được Bảy Nhị và Út Phương phát biểu nữa, sẽ rất buồn, vì hết khóa này hai người không còn làm chủ tịch nữa. Lần họp này xem như Chính phủ chia tay hai người!”. Tự nhiên tôi thấy Thủ tướng trở nên thân tình vì ông hiểu được cán bộ, hiểu được cái khó của cơ chế.

Tôi và anh Út Phương nghỉ hưu từ sau Đại hội X, nay ngót hơn bảy năm, chỉ còn anh Bá Thanh - bí thư Đà Nẵng - tiếp tục công tác, để lại cho Đà Nẵng những dấu ấn và tiếng lành vang cả nước. Nay anh cũng tròn 60 tuổi, tuổi sung mãn của một chính khách như thường thấy ở các nước khác, nhưng ở ta thì anh cũng đang ở “phút 89” như tôi năm nào. Có điều cái thế và lực của anh có khác hơn: ủy viên Trung ương Đảng, trưởng Ban Nội chính trung ương. Với thế và lực vượt trội này, nếu thành công, chỉ vài phút đầu lịch sử thì cái tuổi và nhiệm kỳ công tác của anh sẽ còn “thêm hai hiệp phụ” để dứt điểm cái thế nhùng nhằng với tham nhũng đã thành quốc nạn hiện nay!

Tôi hi vọng và kỳ vọng ở anh, như mấy ngày nay dư luận rộn ràng trên các báo in và báo mạng sau tin anh được Đảng điều về Hà Nội. Những dòng ghi nhớ chuyện vui cũ, vừa là hưởng ứng cùng tình cảm chung của mọi người với anh Bá Thanh, vừa như góp phần phản ánh những chi tiết nhỏ của những lỗi khó sửa mà trên cương vị công tác mới, anh Bá Thanh sẽ gặp như là những vật cản không dễ vượt qua, để các nhà lập pháp nghiên cứu tháo gỡ cho quốc dân nhân sửa Hiến pháp lần này.

NGUYỄN MINH NHỊ


(Long Xuyên, ngày 12-1-2013. Viết gửi anh Nguyễn Bá Thanh)

Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2013

Bên Thắng Cuộc


Vì sao tôi viết?


Cuộc chiến tranh kết thúc vào ngày 30-4-1975 mang lại chính quyền cho một bên. Tôi bắt đầu thu thập tư liệu cho cuốn sách này từ cuối thập niên 1980 và đã dành ra ba năm bốn tháng để hoàn thành bản thảo (8-2009 đến 12-2012). Trong thời gian đó, có rất nhiều ý tưởng đặt tên cho cuốn sách. Nhưng, chỉ có một ý mà từ đầu tới cuối cứ ám ảnh tôi, đó là những gì mà nhà thơ Nguyễn Duy tóm lược rất tài tình trong hai câu thơ của ông: “Suy cho cùng trong mỗi cuộc chiến tranh/ Bên nào thắng thì nhân dân đều bại”. Tựa đề bộ sách ra đời từ đó.

Không ai có thể đi đến tương lai một cách vững chắc nếu không hiểu trung thực về quá khứ, nhất là một quá khứ mà chúng ta can dự và có phần cộng đồng trách nhiệm.

Cuốn sách này bắt đầu bằng những câu chuyện xảy ra trong ngày 30-4-1975. Ngày mà tôi, một cậu bé mười ba, trước giờ học chiều, đang vật nhau ven đồi thì nghe loa phóng thanh truyền tin “Sài Gòn giải phóng”. Thay vì tiếp tục ăn thua, chúng tôi buông nhau ra.

Miền Nam, theo như những bài học của chúng tôi, sẽ chấm dứt “20 năm rên xiết lầm than”. Trong cái thời khắc lịch sử ấy, trong đầu tôi, một sản phẩm của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, xuất hiện ý nghĩ: Phải nhanh chóng vào Nam để giáo dục các bạn thiếu niên lầm đường lạc lối.

Nhưng hình ảnh miền Nam đến với tôi trước cả khi tôi có cơ hội rời làng quê nghèo đói của mình. Trên quốc lộ Một bắt đầu xuất hiện những chiếc xe khách hiệu Phi Long thỉnh thoảng tấp lại bên những làng xóm xác xơ. Một anh chàng tóc ngang vai, quần loe, nhảy xuống đỡ khách rồi đu ngoài cánh cửa gần như chỉ trong một giây trước khi chiếc xe rú ga vọt đi. Hàng chục năm sau, tôi vẫn nhớ hai chữ “chạy suốt” bay bướm, sặc sỡ sơn hai bên thành xe. Cho tới lúc ấy thứ tiếng Việt khổ lớn mà chúng tôi nhìn thấy chỉ là những chữ in hoa cứng rắn viết trên những băng khẩu hiệu kêu gọi xây dựng chủ nghĩa xã hội và đánh Mỹ.

Những gì được đưa ra từ những chiếc xe đò Phi Long thoạt đầu thật giản đơn: Mấy chiếc xe đạp bóng lộn xếp trên nóc xe; cặp nhẫn vàng chóe trên ngón tay một người làng tập kết vừa về Nam thăm quê ra; con búp bê nhựa – biết nhắm mắt khi nằm ngửa và có thể khóc oe oe – buộc trên ba lô của một anh bộ đội phục viên may mắn.

Những cuốn sách của Mai Thảo, Duyên Anh… được các anh bộ đội giấu dưới đáy ba lô đã giúp bọn trẻ chúng tôi biết một thế giới văn chương gần gũi hơn Rừng Thẳm Tuyết Dày[1], Thép Đã Tôi Thế Đấy[2]… Những chiếc máy Akai, radio cassettes, được những người hàng xóm tập kết mang ra, giúp chúng tôi biết những người lính xa nhà, đêm tiền đồn còn nhớ mẹ, nhớ em, chứ không chỉ có “đêm Trường Sơn nhớ Bác”. Có một miền Nam không giống như miền Nam trong sách giáo khoa của chúng tôi.

Tôi vẫn ở lại miền Bắc, chứng kiến thanh niên quê tôi đắp đập, đào kênh trong những năm “cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”. Chứng kiến khát vọng “thay trời, đổi đất sắp đặt lại giang san” của những người vừa chiến thắng trong cuộc chiến ở miền Nam… Chứng kiến cũng những con kênh đó không những vô dụng với chủ nghĩa xã hội mà còn gây úng lụt quê tôi mỗi mùa mưa tới.

Năm 1983, tôi có một năm huấn luyện ở Sài Gòn trước khi được đưa tới Campuchia làm chuyên gia quân sự. Trong một năm ấy, hai cô em gái của Trần Ngọc Phong[3], một người bạn học chung ở trường sỹ quan, hàng tuần mang tới cho tôi bốn, năm cuốn sách. Tôi bắt đầu biết đến rạp chiếu bóng, Nhạc viện và sân khấu ca nhạc. Cho dù, đã kiệt quệ sau 8 năm “giải phóng”, Sài Gòn với tôi vẫn là một “nền văn minh”. Những năm ấy, góc phố nào cũng có mấy bác xích lô, vừa mỏi mòn đợi khách vừa kín đáo đọc sách. Nhiều người trong số họ mới ở trong các trại cải tạo trở về. Tôi bắt đầu tìm hiểu Sài Gòn từ câu chuyện của những bác xích lô quen như vậy…

Mùa Hè năm 1997, một nhóm phóng viên vì nhiều lý do phải rời khỏi tờ báo Tuổi Trẻ như Đoàn Khắc Xuyên, Đặng Tâm Chánh, Đỗ Trung Quân, Huỳnh Thanh Diệu, Nguyễn Tuấn Khanh, Huy Đức… Chúng tôi thường xuyên gặp gỡ, chia sẻ và trao đổi với các đồng nghiệp như Thúy Nga, Minh Hiền, Thế Thanh, Cam Ly, Phan Xuân Loan… Thế Thanh lúc ấy cũng vừa bị buộc thôi chức Tổng biên tập báo Phụ Nữ Thành Phố, và cũng như Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Kim Hạnh trước đó, chị không được tiếp tục nghề báo mà mình yêu thích.

Chúng tôi nói rất nhiều về thế sự, về những gì xảy ra trên thế giới và ở đất nước mình. Một hôm ở nhà Đỗ Trung Quân, nhà báo Tuấn Khanh, người vừa gặp rắc rối sau một bài báo khen ngợi ca sỹ bị coi là chống cộng Khánh Ly, buột miệng nói với tôi: “Anh phải viết lại những gì diễn ra ở đất nước này, đấy là lịch sử”. Gần như không mấy ai để ý đến câu nói đó của Tuấn Khanh, nhưng tôi thì cứ bị nó đeo bám. Tôi tiếp tục công việc thu thập tư liệu với một quyết tâm cụ thể hơn: Tái hiện giai đoạn lịch sử đầy bi kịch của Việt Nam sau năm 1975 trong một cuốn sách.

Rất nhiều thế hệ, kể cả con em của những người đã từng phục vụ trong chế độ Việt Nam Cộng hòa, sau ngày 30-4-1975, cũng trở thành sản phẩm của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, nhiều người không biết một cách chắc chắn điều gì đã thực sự xảy ra thậm chí với ngay chính cha mẹ mình.

Không chỉ thường dân, cho đến đầu thập niên 1980, nhiều chính sách làm thay đổi số phận của hàng triệu sinh linh như “Phương án II”[4], như “Z 30”[5] cũng chỉ được quyết định bởi một vài cá nhân, nhiều người là ủy viên Bộ chính trị cũng không được biết. Nội bộ người Việt Nam đã có nhiều đụng độ, tranh cãi không cần thiết vì chỉ có thể tiếp cận với lịch sử qua những thông tin được cung cấp bởi nhà trường và bộ máy tuyên truyền. Không chỉ các thường dân, tôi tin, những người cộng sản có lương tri cũng sẽ đón nhận sự thật một cách có trách nhiệm.

Cuốn sách của tôi bắt đầu từ ngày 30-4-1975, ngày nhiều người tin là miền Bắc đã giải phóng miền Nam. Nhiều người thận trọng nhìn lại suốt hơn ba mươi năm, giật mình với cảm giác bên được giải phóng hóa ra lại là miền Bắc. Hãy để cho các nhà kinh tế chính trị học và các nhà xã hội học nghiên cứu kỹ hơn hiện tượng lịch sử này. Cuốn sách của tôi đơn giản chỉ bắt đầu kể những gì đã xảy ra ở Sài Gòn, ở Việt Nam sau ngày 30-4: cải tạo; đánh tư sản; đổi tiền… Cuốn sách của tôi cũng nói về hai cuộc chiến tranh cuối thập niên 1970, một với Khmer Đỏ và một với người Trung Quốc. Cuốn sách của tôi cũng nói về làn sóng vượt biên sau năm 1975, nói về sự “đồng khởi” của nông dân, của các tiểu chủ, tiểu thương để dành lấy cái quyền được tự lo lấy cơm ăn áo mặc.

Tư liệu cho cuốn sách được thu thập trong hơn hai mươi năm, và trong vòng ba năm (từ tháng 8-2009 đến tháng 8-2012) tôi đã dành toàn bộ thời gian của mình để viết. Bản thảo cuốn sách đã được gửi tới một số thân hữu và một số nhà sử học, trong đó có 5 nhà sử học uy tính của Mỹ chuyên nghiên cứu về Việt Nam. Sau khi sửa chữa, bổ sung, tháng 11-2012, bản thảo hoàn chỉnh đã được gửi đến một số nhà xuất bản trong nước, tuy nhiên, nó đã bị từ chối. Cho dù một số nhà xuất bản tiếng Việt có uy tín tại Mỹ và Pháp đồng ý in, nhưng để lãnh trách nhiệm cá nhân và giữ cho cuốn sách một vị trí khách quan, tác giả quyết định tự mình đưa cuốn sách này đến tay bạn đọc.

Đây là công trình của một nhà báo mong mỏi đi tìm sự thật. Tuy tác giả có những cơ hội quý giá để tiếp cận với các nhân chứng và những thông tin quan trọng, cuốn sách chắc chắn không tránh khỏi những thiếu sót, chắc chắn sẽ còn được bổ sung khi một số tài liệu được Hà Nội công bố. Hy vọng bạn đọc sẽ giúp tôi hoàn thiện nó trong những lần xuất bản sau.

Lịch sử cần được biết như nó đã từng xảy ra và sự thật là một con đường đòi hỏi chúng ta không bao giờ bỏ cuộc.

Sài Gòn – Boston (2009-2012)

Osin Huy Đức

[1] Tiểu thuyết cách mạng của Trung Quốc.

[2] Tiểu thuyết cách mạng của Liên Xô.

[3] Đạo diễn điện ảnh.

[4] Tổ chức cho người Hoa nộp vàng để được vượt biên bán chính thức (1978-1979).

[5] Cải tạo những người giàu lên bất thường (1983).



Quyền Bính: 13-1-13


Tôi rời Campuchia trước khi Việt Nam rút hết “Quân tình nguyện”. Khi học ở trường chuyên gia quân sự 481, chúng tôi được chuẩn bị tư tưởng để “giúp bạn lâu dài”. Nhưng thay vì ở lại hàng thập niên, tôi chỉ phải ở lại Campuchia gần bốn năm. Tôi quyết định rời quân đội. Một cá nhân cũng như một quốc gia, súng ống chỉ nên được lựa chọn khi không còn con đường nào khác.

Cuối năm 1987, tôi bắt đầu làm việc ở Văn phòng huyện ủy Nhà Bè. Thời gian ấy, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đang viết “Những việc cần làm ngay”. Công việc ở Văn phòng huyện ủy thật an nhàn, tôi đã sử dụng phần lớn thời gian để viết văn và viết bài cho các báo. Sau khi đọc những bài báo ấy, Bí thư huyện ủy Trần Văn Đông giao cho tôi phụ trách biên tập tờ tin và đài truyền thanh huyện Nhà Bè. Chỉ mấy tháng sau, tôi được nhà văn Nguyễn Đông Thức đưa về Tuổi Trẻ.

Không chỉ có kho sách cực kỳ phong phú của thư viện Đắc Lộ mà tờ Tuổi Trẻ tiếp quản sau khi các giáo sỹ dòng Tên bị bắt năm 1979, đội ngũ Tuổi Trẻ thời “161 Lý Chính Thắng” cũng là một “kho tư liệu” vô giá. Không phải ai ở trong cái không khí “thanh niên sôi nổi” ấy cũng biết hết những trắc ẩn trong lòng các đồng nghiệp của mình.

Ở đây, tôi gặp những đồng nghiệp về sau trở thành nhân vật trong cuốn sách của mình. Ở đây, tôi gặp những con người lặng lẽ, tưởng quá khứ đã được chôn chặt, như: biên tập viên Lệ Xuân, con gái ông Nguyễn Thành Đệ, người sau khi đóng 200 lượng vàng để vượt biên theo Phương án II không thành bị lấy nốt căn nhà cuối cùng[1]; thư ký tòa soạn Võ Văn Điểm – chủ biên đầu tiên của tờ Tuổi Trẻ Chủ Nhật, Tuổi Trẻ Cười – người có vợ và hai con chết trên biển trong một chuyến vượt biên.

Thế hệ chúng tôi may mắn được làm báo sau “đổi mới”. Những người viết có trách nhiệm nhận thấy một cơ hội to lớn sau tuyên bố “cởi trói” của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh để không còn tiếp tục sự nghiệp viết lách bằng thứ văn chương minh họa hay báo chí tô hồng. Đó là một thời đáng nhớ của văn nghệ và báo chí. Rất tiếc là chỉ hơn một năm sau khi Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh kêu gọi văn nghệ sỹ tự cứu mình, tự ông đã có nhiều thay đổi.

Ngay trong khuôn viên 161 Lý Chính Thắng, chúng tôi có thể cảm nhận sự căng thẳng. Có lúc một số phóng viên Tuổi Trẻ đã phải chuẩn bị cho khả năng bị khởi tố. Có những buổi chiều, nhất là sau khi Tổng biên tập Vũ Kim Hạnh đi gặp Phó bí thư Thành ủy Bảy Dự Nguyễn Võ Danh, đi gặp Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, đi gặp Bộ trưởng Bộ Nội vụ Mai Chí Thọ trở về…, chúng tôi nín thở chờ chị bàn bạc với anh Ba Lãng[2]. Những hôm gay cấn, hai người còn phải tham vấn Cựu Tổng biên tập Võ Như Lanh[3]. Cho đến trước khi ông Nguyễn Văn Linh hết nhiệm kỳ, những người tiên phong trong văn nghệ, báo chí đều phải ra đi gần hết.

Tuổi Trẻ còn tạo cơ hội cho tôi bước ra bên ngoài khuôn viên “161 Lý Chính Thắng”. Tôi may mắn được phân công viết đủ các loại đề tài, từ chính trị tới xã hội, từ kinh tế tới văn hóa, từ hoạt động của các cơ quan tố tụng đến các hoạt động của bộ máy Đảng, Nhà nước, từ trung ương tới địa phương. Từ năm 1989, tôi trực tiếp đưa tin hầu hết các vụ án lớn xảy ra trên cả nước, theo dõi từ giai đoạn khởi tố điều tra cho đến khi nội vụ được đưa tới tòa. Cũng từ năm 1989, tôi được giao viết về các kỳ họp Hội đồng nhân dân và sau đó có mặt ở Hội trường Ba Đình gần như mỗi kỳ Quốc hội họp.

Những năm đầu thập niên 1990, chúng tôi được bố trí ăn, ở với các đoàn đại biểu tại nhà khách số 8 Chu Văn An; được dự hầu hết các phiên thảo luận mà các đại biểu đang là ủy viên Trung ương, ủy viên Bộ chính trị. Chúng tôi cũng dễ dàng gặp gỡ, trò chuyện với Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Tổng bí thư Đỗ Mười, Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Phan Văn Khải, Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo và Tổng bí thư Nông Đức Mạnh… Cánh nhà báo chúng tôi[4] có nhiều cơ hội trao đổi, đủ loại thông tin, với các nhà lãnh đạo cả khi tác nghiệp, cả khi bên tách trà và không ít khi bên chén rượu.

Chính trường được phản ánh trong cuốn II bao gồm những gì mà tác giả có thể quan sát từ cự ly rất gần. Ở những thời điểm nóng bỏng nhất, tôi có thể vào tận phòng làm việc hỏi chuyện Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Phan Văn Khải; tôi cũng có không ít dịp đến nhà riêng, vào phòng làm việc của Tổng bí thư Đỗ Mười, Tổng bí thư Lê Khả Phiêu… phỏng vấn. Chúng tôi chứng kiến một cách trực tiếp các xung đột giữa những người chủ trương kinh tế thị trường với những người lo “chệch hướng”, những xung đột đã làm biến dạng khá nhiều chính sách.

Tất cả những tư liệu ấy đều được tôi lưu trữ. Nhưng không chỉ dừng lại ở những ghi chép của mình, từ năm 2003, khi bắt đầu tập trung phần lớn thời gian cho cuốn sách này, tôi ngồi điểm lại toàn bộ tư liệu mình đã thu thập được, đánh dấu các khoảng trống và bắt đầu tiến hành thêm hàng ngàn cuộc phỏng vấn. Với sự giúp đỡ của một nhóm sinh viên và một số nhà nghiên cứu trẻ, tôi bắt đầu đối chiếu lời kể của các nhân chứng với các ghi chép của chính họ, của tôi (với các sự kiện mà mình trực tiếp quan sát trong thời gian làm báo), đối chiếu với báo chí ở các thời điểm khác nhau, với lời kể giữa các nhân chứng và đặc biệt là đối chiếu với các tài liệu gốc, gồm thư từ, công văn, chỉ thị, nghị quyết và biên bản các cuộc họp.

Cuốn II bắt đầu từ thời điểm ông Nguyễn Văn Linh lên cầm quyền cho đến khi ba ông cố vấn đưa ông Lê Khả Phiêu ra khỏi chiếc ghế tổng bí thư. Tuy có những câu chuyện còn kéo dài đến sau Đại hội Đảng lần thứ XI (1-2011), nhưng hai chương cuối của cuốn II chủ yếu nói về “cái đuôi” chủ nghĩa xã hội và những hệ lụy mà xã hội Việt Nam đang gánh chịu.

Chương Tướng Giáp được đặt ở vị trí cuối phần “Dấu ấn Nguyễn Văn Linh”, bắt đầu bằng một nỗ lực nhằm hạ uy tín của “vị tướng Điện Biên” diễn ra cuối nhiệm kỳ của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh nhưng chủ yếu nói về mối quan hệ giữa Lê Duẩn – Tướng Giáp – Lê Đức Thọ. Những xung đột quyền lực đã chi phối phần lớn các quyết định liên quan đến cuộc chiến diễn ra thời thập niên 1960, kéo dài tới giữa thập niên 1980, liên quan đến không ít máu xương và để lại khá nhiều di chứng. Phần còn lại của cuốn II chủ yếu viết về những gì diễn ra bên trong Ba Đình thời thập niên 1990. Thời mà ý thức hệ không chỉ tồn tại như một đức tin của những người cầm quyền mà còn trở thành những công cụ chính trị phục vụ cho quyền lực.

Tuy nhiên, Quyền Bính không phải là một cuốn sách nói chuyện “thâm cung bí sử” cho dù có nhiều câu chuyện, có nhiều nhân vật được đặc tả rất cận cảnh. Những câu chuyện được kể trong cuốn sách này là sự chia sẻ của rất nhiều người trong cuộc về một giai đoạn mà Việt Nam đã bỏ lỡ những cơ hội có thể đi tới mục tiêu “công bằng, dân chủ, văn minh” do chính đảng cầm quyền đề ra. Tuy kinh tế thị trường đã làm thay đổi bộ mặt quốc gia và đời sống nhân dân nhưng Việt Nam vẫn tụt hậu cho dù “nguy cơ” này đã được chỉ ra từ năm 1994.

Chính sách đất đai, thay vì lựa chọn những phương thức sở hữu giải phóng tối đa tiềm lực trong đất và trong dân lại cứ tự trói buộc vào sở hữu toàn dân, chỉ vì phương thức này được coi là đặc trưng của chủ nghĩa xã hội. Nền kinh tế thay vì chọn phương thức hiệu quả nhất đã phải để cho kinh tế nhà nước làm chủ đạo. Hệ thống chính trị thay vì lấy sự minh bạch, đảm bảo nguyên tắc kiểm soát quyền lực để có thể mang lại công lý và tránh tham nhũng, lạm quyền lại ưu tiên đảm bảo vị trí cầm quyền của Đảng.

Quyền Bính tiếp tục nói về những khúc quanh của Việt Nam. Nói về những thời điểm mà Đảng cầm quyền thay vì nắm bắt tư duy của thời đại và ý chí của nhân dân, chỉ có thể loay hoay trong một cái vòng tự vẽ. Hệ thống chính trị, trải qua nhiều thế hệ, càng về sau lại càng có ít khả năng khắc phục sai lầm.

Sài Gòn – Boston (2009-2012)

Huy Đức

[1] Cho đến Năm 2005, ông Nguyễn Thành Đệ đã chết gục trên bàn tiếp dân của Sở Xây dựng, kết thúc bi kịch đòi lại căn nhà mà ông đã bị tịch thu năm 1979.
[2] Tên thường gọi của ông Trần Minh Đức, Phó tổng biên tập Tuổi Trẻ 1981-1997, người được coi là “bộ óc chiến lược” của báo.
[3] Tổng biên tập Tuổi Trẻ 1979-1983, Phó tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng 1983-1990 và sau đó là Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Sài Gòn 1990-2006.
[4] Gồm Lê Thọ Bình, Tâm Chánh, Thanh Tâm, Phan Ngọc, Bùi Thanh, Kim Trung, Minh Đức, Minh Hà…


Nội dung cuốn 1 của bộ sách Bên thắng cuộc


Cuốn 1 của bộ sách Bên thắng cuộc có tên Giải phóng, bắt đầu từ thời điểm “Cách mạng vào Thành phố”.

PHẦN I: MIỀN NAM

Chương I: Ba Mươi Tháng Tư
Diễn biến quân sự và chính trị trong giai đoạn kết thúc cuộc chiến và những gì xảy ra trong dinh Độc Lập trong ngày 30-4 (Đi từ bưng biền/ Xuân Lộc/ Tướng Big Minh/ Trại Davis/ Nguyễn Hữu Hạnh/ Sài Gòn trong vòng vây/ Xe tăng 390/ Đầu hàng/ Tuẫn tiết)

Chương II: Cải Tạo
Những bàn bạc bên trong, quan điểm của chính quyền trong việc đối xử với “ngụy quân, ngụy quyền”, những thủ thuật được áp dụng để đưa sĩ quan vào trại cải tạo; số phận của những người tù không án, không biết ngày về và những bi kịch mà người thân của họ phải nhiều năm gánh chịu. (Những ngày đầu/ “Ngụy Quyền”/ “Ngụy Quân”/ “Đoàn tụ”/ “Phản động”/ Tù và cải tạo/ “Thăm nuôi”/ “Học tập”).

Chương III: Đánh Tư Sản
Những công cụ chuyên chính vô sản áp dụng ngay sau ngày 30-4-1975: Đánh tư sản vào tháng 9-1975 và liền sau đó là đổi tiền lần thứ nhất 22-9-1975; Cải tạo tư sản tháng 3-1978… Sự khác nhau của cải tạo tư sản và đánh tư sản (“Chiến dịch X-2”/ Đổi tiền/ “Gian thương”/ “Cải tạo công thương nghiệp tư doanh”/ Hai gia đình tư sản/ Kinh tế mới)

Chương IV: Nạn Kiều
Sự thật về vấn đề người Hoa năm 1978 (Đội quân thứ năm/ Hiệp định Geneve/ “chổi ngắn không quét xa”/ Hoàng Sa/ Sợ “con ngựa thành Troy”/ ‘Nạn Kiều”/ “Phương án II”/ “Ban 69”/ Vụ Cát Lái).

Chương V: Chiến Tranh
Nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến tranh ở CPC và biên giới phía Bắc năm 1979 (Biên giới Tây Nam/ Pol Pot/ Đi dây/ Khmer Đỏ và Campuchia dân chủ/ “Kẻ Thù Lịch Sử”/ Thất bại trong tấn công ngăn chặn [Pre-emptive War]/ “Nhất biên đảo”/ “Áo lính lại khoác vào ngay”).

Chương VI: Vượt Biên
Điều gì đã khiến cho hàng triệu người VN phải bỏ nước ra đi. Bi kịch của người dân và thái độ chính quyền trước cuộc tị nạn lớn nhất của người Việt Nam trong lịch sử (“Vượt biên”/ Từ “trí thức yêu nước”/ Đến “thường dân”/ Trước khi tới biển/ Trại tị nạn).

Chương VII: “Giải Phóng”
Cuộc chiến tranh được gọi là giải phóng có thực sự giải phóng sau những gì mà những người cộng sản áp dụng tại miền Nam (Sài Gòn thay đổi/ Kinh tế mới/ Đốt sách/ Cạo râu/ “Cách mạng là đảo lộn”/ Lòng người/ Những người sinh ra không đúng cửa/ “Cánh cửa” Thanh niên xung phong/ Cửa không đủ rộng/ “Nổi loạn”/ “Sài Gòn lại bắt đầu ghẻ lở”).

PHẦN II: THỜI LÊ DUẨN

Chương VIII: Thống Nhất
Những lo lắng từ hai phía đặc biệt là của ông Lê Duẩn dẫn đến quyết định thống nhất hai miền cả về chính trị và kinh tế, áp dụng mô hình miền Bắc vào miền Nam một cách vội vã, mặc dù, nhiều người lúc đó, kể cả ông Lê Duẩn, nhận thấy nền kinh tế tư nhân miền Nam hiệu quả hơn những gì áp dụng trên miền Bắc (Nước Việt Nam là một/ “Bắc hóa”/ Chủ nghĩa xã hội/ “Con đường của Bác”/ “Mỗi người làm việc bằng hai”/ Lê Duẩn và mối tình miền Nam/ Chấp chính và chuyên chính).

Chương IX: Xé Rào
Chính sách kinh tế kế hoạch hóa và sản xuất lớn nhằm “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên XHCN” đã dẫn đất nước đến chỗ kiệt quệ. Người dân và chính quyền các địa phương, thay vì tuân thủ các nguyên tắc của nền kinh tế “kế hoạch hóa tập trung” chấp nhận một số quy luật của kinh tế thị trường, tiến trình này bị coi là “xé rào” nhưng chính những “lỗ thủng” đó đã trở thành lối thoát cho dân chúng (Bế tắc/ Mậu dịch quốc doanh/ Máy bỏ không, công nhân cuốc ruộng/ Tháo gỡ/ Nghị quyết Trung ương Sáu/ Bù giá vào lương/ Cắm cờ xé rào/ Khoán chui/ Ông Kiệt xé rào, ông Linh lãnh đạn/ “Ai thắng ai”).

Chương X: Đổi Mới
Vai trò của Trường Chinh trong việc tiếp thu thực tiễn và chuẩn bị về mặt lý luận để những người cộng sản chấp nhận kinh tế nhiều thành phần, điều mà về sau gọi là đổi mới (Hội nghị Đà Lạt/ Nhóm giúp việc mới/ Người của những khúc quanh lịch sử/ Từ chính sách Kinh Tế Mới/ Đến chọc thủng bức tường bao cấp/ Giá-Lương-Tiền/ Nã pháo vào bộ tổng/ Khép lại trang sử Lê Duẩn/ Vai trò của Mikhail Gorbachev/ Tuyên ngôn đổi mới/ Bàn tay Lê Đức Thọ/ Phút 89).

Chương XI: Campuchia
Dù muốn hay không, Campuchia đã “nằm trong một trang sử” của Việt Nam. Không gian chiến tranh trong thập niên 1980s và cách mà Việt Nam đã làm để thoát ra khỏi hai cuộc chiến: Biên giới phía Bắc và Campuchia (“Pot ở đầu phum ta cuối phum”/ “Xuất khẩu cách mạng”/ Tư tưởng nước lớn/ Bị cô lập/ Phương Bắc/ Hội nghị Thành Đô/ Campuchia thời hậu Việt Nam).

Cám ơn bạn đọc đã quan tâm đến Bên thắng cuộc. Hiện nay, bản sách điện tử đã xuất hiện trên hai cửa hàng bán sách điện tử Amazon và Smashwords. Bạn đọc có thể tìm thấy sách tại hai đường links sau đây:

Tại Amazon

Tại Smashwords

Có thể dùng thẻ tín dụng hoặc tài khoản Paypal để mua sách. Với bạn đọc dùng Smashwords lần đầu tiên, cần tạo tài khoản trước khi tải sách xuống.

Khi mua qua Amazon, bạn đọc có thể tải sách xuống một máy Kindle (e-reader, fire) hoặc bất kỳ máy tính, tablet, hay điện thoại di động nào khác như điện thoại Android, iPhone, Windows phone, Blackberry, iPad, Android tablet, PC, Mac, v.v… Khi dùng các thiết bị khác (ngoài Kindle), bạn đọc có thể cài đặt phần mềm Kindle Reading App (miễn phí) để đọc sách.

Theo đường link này để tải và cài đặt phần mềm Kindle Reading App

Khi mua qua Smashwords, bạn đọc có thể chọn đọc sách bằng dạng .mobi nếu dùng phần mềm đọc sách Kindle (dùng đường link bên trên để cài đặt), hoặc chọn đọc sách bằng dạng .epub để đọc bằng các phần mềm đọc sách của iPad/iBook, Nook, Sony Reader, Kobo, Stanza, Alkido, Adobe Digital…).

Theo đường link này để tải và cài đặt Phần mềm đọc bản EPUB trên PC

(Vì Amazon không hỗ trợ Unicode nên hiện nay tựa sách và tên tác giả vẫn chưa hiển thị đúng. Lỗi kỹ thuật này sẽ được sửa chữa trước ngày phát hành chính thức thứ Tư tới, ngày 12/12/2012).

Đọc gì trong Bên Thắng Cuộc II: Quyền Bính


PHẦN III: DẤU ẤN NGUYỄN VĂN LINH

Chương 12: Cởi trói
Thời kỳ “trăng mật” của TBT Nguyễn Văn Linh, vai trò của ông trong việc mở ra một không gian tự do hơn cho báo chí, văn nghệ và xét lại vụ Nhân văn Giai phẩm (Những Việc Cần Làm Ngay/ Xiềng xích “Nhân văn”/ Miền Nam “giải phóng”/ Cởi ra…)

Chương 13: Đa nguyên
Trong lòng xã hội Việt Nam bắt đầu xuất hiện nhu cầu cải cách chính trị, những sửa đổi chính sách trong giáo dục đại học đã tác động tích cực đến tư duy và hành động của đội ngũ giảng viên đặc biệt là sinh viên. Trước những diễn biến ở trong nước và Đông Âu, ông Nguyễn Văn Linh nhanh chóng siết lại báo chí, cách chức Trần Xuân Bách, bắt Dương Thu Hương và những người bất đồng chính kiến khác (Cải cách ở bậc đại học/ Sinh viên và các phong trào tự phát/ Đông Âu/ Cứu chủ nghĩa xã hội/ “Đa nguyên, đa đảng”/ Cách chức Trần Xuân Bách/ Kết thúc “trăng mật” với báo giới)

Chương 14: Khoảng cách Linh – Kiệt
Vì sao ông Linh đưa ông Đỗ Mười lên làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng năm 1988 thay vì ông Kiệt. Thực chất mối quan hệ của ông Nguyễn Văn Linh và Võ Văn Kiệt – sự khác nhau về mặt tính cách, quan niệm sống và gia đình (Tại sao Đỗ Mười/ Cimexcol hay “Vụ án Dương Văn Ba”/ Hai tính cách/ Hai cuộc hôn nhân/ Ở Việt Bắc/ Bà Trần Kim Anh/ Hai người con trai/ Đi bước nữa/ Vợ (bà Phan Lương Cầm) và bạn/ Cuộc sống và ý thức hệ)

Chương 15: Tướng Giáp
Mối quan hệ giữa Lê Duẩn cùng những người thân cận của ông với Tướng Giáp. Sự thật vụ án “Năm Châu – Sáu Sứ”; Vai trò thực sự của Võ Nguyên Giáp trong cuộc chiến tranh 1955-1975; Sự kiện Vịnh Bắc bộ và vụ án “chống đảng” năm 1967 (Vụ án “Năm Châu – Sáu Sứ”/ “Cách mạng miền Nam”/ Sự kiện Vịnh Bắc Bộ/ Mậu Thân và tham vọng của Lê Đức Thọ/ “Nghị quyết 21”/ Chiến dịch Hồ Chí Minh/ “Thống chế đi đặt vòng”)

PHẦN IV: TAM NHÂN

Chương 16: Thị trường
Đông Dương đã từ một chiến trường trở thành thị trường như thế nào. Những chuyển động bên trong xã hội sau khi chấp nhận kinh tế thị trường. Cách mà Chính phủ VN và người dân tiếp thu các kiến thức về kinh tế thị trường (Tái lập hòa bình/ Lạm phát & Nước hoa Thanh Hương/ Những bước đi đầu tiên/ Lược sử kinh tế tư nhân/ Học lại “kinh tế thị trường”)

Chương 17: Tam quyền không phân lập
Các thời kỳ xây dựng nhà nước chuyên chính vô sản. Thực chất của “tư tưởng pháp quyền Hồ Chí Minh”. Tranh cãi và tranh chấp chính trị trong quá trình hình thành Hiếp pháp 1992 và những thay đổi của hệ thống chính trị trong thập niên 1990 (Nửa thế kỷ, bốn hiến pháp/ Quốc hội có vai trò hơn/ Thủ tướng và “người đứng đầu”/ Chia tỉnh/ “Công nông hoá” tư pháp/ “Bỏ Điều 4 là tự sát”)

Chương 18: Tam nhân phân quyền
Cho dù không chấp nhận tam quyền phân lập nhưng quyền lực nhà nước trong thập niên 1990 cũng có “cân bằng và giám sát” bởi sự phân quyền của tam nhân: Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt (Bộ ba/ Gỡ cấm vận/ “Đa phương hóa”/ Tổng cục II/ Đất quân đội/ Hóa giá nhà/ Đường dây 500)

Chương 19: Đại hội VIII
Công cuộc chuyển giao thế hệ nửa cuối thập niên 1990 diễn ra đầy kịch tính do những vị lão thành chưa muốn rời chính trường. Lần đầu tiên chiếc áo khoác phục vụ tổ quốc phục vụ nhân dân tuột ra để lộ tham vọng quyền lực một cách mãnh liệt (Khúc dạo đầu/ “Thư gửi Bộ Chính trị”/ Vụ án Nguyễn Hà Phan/ Tam nhân tại vị/ Sức khỏe Trung ương)

Chương 20: Lê Khả Phiêu và ba ông cố vấn
Ông Lê Khả Phiêu là người thế nào. Ai đưa ông lên và vì sao ông bị hạ bệ năm 2001 (Kỷ nguyên Internet/ Luân chuyển cán bộ/ “16 chữ vàng”/ Hiệp định thương mại Việt-Mỹ/ Bill Clinton và Lê Khả Phiêu/ Đại hội IX)

Chương 21: Định hướng xã hội chủ nghĩa
Ý thức hệ được sử dụng như một quyền lực chính trị đã cản trở những cải cách kinh tế theo hướng kinh tế thị trường. Tiến trình tư nhân hóa khu vực kinh tế quốc doanh gặp khó khăn và định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục ảnh hưởng đến tương lai dân tộc (Quốc doanh chủ đạo/ Thị trường và lập trường/ Phan Văn Khải/ “Sân chơi” không bình đẳng)

Chương 22: Thế hệ khác
Chân dung của những nhà lãnh đạo đương thời; những thay đổi về bản chất cầm quyền của Đảng cộng sản (Người kế nhiệm/ Kinh tế tập đoàn/ Nông Đức Mạnh/ “Phương án” Nguyễn Văn An/ Sở hữu toàn dân)

Theo Huy Đức FB





Không thể cứ trú ngụ trong sự sợ hãi


Có rất nhiều câu hỏi tác giả muốn trả lời nhưng thật là không phải nếu mình đã đặt ra “luật” rồi lại không tuân theo “luật”. Không ngờ việc điều chỉnh những sai sót mà bạn đọc giúp phát hiện sau khi phát hành Giải Phóng và công việc “bếp núc” cho Quyền Bính lại mất nhiều thời gian như vậy. Nên xin lỗi là tới hôm nay tác giả Bên Thắng Cuộc mới có thể trả lời 10 câu hỏi được gửi tới trong tuần qua của bạn đọc.

Dao Truong Theo anh dự đoán, chính quyền và nhà nước Việt Nam sẽ phản ứng như thế nào về cuốn sách này?

Tôi không dự đoán. Nhưng khi viết cuốn sách này tôi quan tâm tới sự phản ứng bên trong của những người đọc có lương tri, kể cả những người đọc đang làm việc trong chính quyền Việt Nam, hơn là quan tâm đến những phản ứng công khai.

Long Nguyen Anh Huy Đức có đặt mục tiêu làm tiếp cuốn 3 về sai lầm trong giai đoạn 2006- hiện tại ko?

Cuốn sách của tôi nói về những gì đã xảy ra chứ không chỉ nói về những sai lầm. Nhưng, bạn đâu đã biết cuốn II của tôi nói về giai đoạn nào?

Thaiduong Nguyen Câu hỏi này hơi riêng tư, nhưng chú Osin HuyDuc có nghĩ rằng việc cho ra đời bộ sách này sẽ cản trở việc chú về thăm lại Việt Nam? Chú có ký tặng sách cho 10 câu hỏi nào có nhiều like nhất không?

Tôi nghĩ, những người đã nhận được câu trả lời thì không nên nhận sách tặng nữa! Thời gian fellowship của tôi chỉ một năm, học xong tôi sẽ về Việt Nam luôn chứ không có ý định về… thăm bạn ạ.

Con Đường Bụi Nắng xin hỏi bác Huy Đức một câu hỏi xưa như trái đất: Tiết lộ thông tin nội bộ của Đảng, Nhà nước trong cuốn sách này bác có “sợ” những điều không hay xảy ra với mình vì vi phạm các quy định của Đảng và Nhà nước[1] không ạ?

Tôi không nghĩ là mình nằm trong phạm vi điều chỉnh của các quy định đó. Tôi ý thức được những gì mình đang làm. Sự thật không chỉ giúp chúng ta tìm ra phương thuốc đúng để chữa lành các vết thương cũ mà còn giúp những người đang nắm vận mệnh quốc gia không phạm các sai lầm mới. Không ai muốn hứng chịu “những điều không hay” nhưng nếu cứ trú ngụ trong sự sợ hãi thì sự thật sẽ không bao giờ được nói ra bạn ạ.

Joseph Trí Kinh Thánh có câu: “Sự thật giải thoát anh em”, phải chăng anh muốn mọi người ở các bên đang còn u mê, định kiến được giải thoát và xúc tiến một tiến trình hòa giải dân tộc đích thực?

Tôi không rõ Thiên chúa nói điều đó trong hoàn cảnh nào. Hòa giải đối với một dân tộc như Việt Nam không chỉ phải vượt qua những “định kiến, u mê” mà còn phải vượt qua biết bao đau thương cho nên chỉ “sự thật” thì chưa đủ để “giải thoát anh em”. Tuy nhiên, như tôi đã nói trong lời mở đầu cuốn sách, “không ai có thể đi đến tương lai một cách vững chắc nếu không hiểu trung thực về quá khứ”, nếu bạn mong muốn có một tương lai hòa giải thì ngay bây giờ bạn phải đối diện với từng sự thật.

Jiraiya Sama Làm thế nào để sách của chú được phổ biến rộng rãi cho thế hệ học sinh, sinh viên trong nước khi họ đã và đang “được” đào tạo bởi những quyển SGK khô khan, thiếu thốn sự kiện lịch sử?

Nếu chính mình không từng là nạn nhân của những bộ sách giáo khoa khô khan, phiến diện, thì tôi đã không cố gắng để thực hiện cuốn sách này. Tôi nghĩ khả năng phổ biến của internet là đủ rộng rãi để cho bất cứ ai mưu cầu kiến thức đều có thể tiếp cận. Đó là lý do tôi chọn internet làm kênh phát hành. Hiện nay, theo các số liệu trên Amazone, Smashwords và theo những thông tin mà tôi biết được thì Bên Thắng Cuộc đang chủ yếu được đọc bởi người Việt Nam trong nước.

Tuấn Cận Bao giờ có bản free hở bác?

Như tôi đã nói trong một status, “khi quyết định tự mình đưa cuốn sách Bên Thắng Cuộc lên ‘tủ sách’ của Amazon và Smashwords, tôi muốn giới thiệu công trình nghiên cứu của mình với các bạn với tư cách là một người ghi chép sự kiện lịch sử bằng kỹ năng của một nhà báo. Việc quyết định không chuyền tay miễn phí sản phẩm này, với tôi, có một ý nghĩa quan trọng: Tôi không muốn bộ sách bị nhìn nhận như một bản truyền đơn dài, hoặc một tài liệu lén lút tìm cách đặt vào tay bạn đọc qua những kênh không chính thống”. Cách làm này đã có được sự ủng hộ rộng rãi của bạn đọc và điều đáng mừng là trong những ngày gần đây, nội dung cuốn sách đang được các bên bàn luận tới.

Tran Vu Dung mới đọc được nửa cuốn của chú, cảm nhận dưới ngòi bút của chú các lãnh đạo Bắc Việt nhu LD, VVK…đều tốt, đều hiểu và trăn trở về tình hình nội ngoại nhưng tất cả đều phải làm sai do cơ chế, do sức ép của TQ và LX… có phải chú vẫn chưa nói hết?

Tôi chỉ có thể nói hết những sự thật mà tôi biết, những sự thật mà tôi có đủ bằng chứng và có đủ niềm tin. Còn ai tốt, ai xấu là tùy thuộc vào cách cảm nhận của từng người đọc. Theo tôi, khi đánh giá một nhà cầm quyền phải đánh giá cả những ứng xử mang tính cá nhân mà đôi khi chỉ gây ảnh hướng tới những người thân và những quyết định mang tính chính sách thường gây ảnh hưởng tới toàn xã hội. Một nhà lãnh đạo có nhân thân tốt không có nghĩa là sẽ không phải chịu trách nhiệm về những gì mà ông ta đã gây ra cho nhân dân, cho đất nước.

Thuc Nguyen Bao nhiêu người đang lãnh đạo “Bên thắng cuộc” sẽ đọc quyển sách này? Họ có chấp nhận đó là sự thật, là lịch sử hay lại gọi tác giả là “phản động”? Qua quyển sách này, những người của “Bên thắng cuộc” có nhìn ra được những bước đi sai lầm để đưa dân tộc Việt đi vào đúng con đường dân chủ và phát triển mà hơn 90 triệu người Việt khắp nơi trên thế giới đã từng và vẫn đang mong ước không?

Tôi mong các nhà lãnh đạo hiện nay đọc Bên Thắng Cuộc cho dù họ đánh giá cuốn sách như thế nào. Nhận ra những sai lầm để “đưa dân tộc Việt Nam đi đúng con đường dân chủ, phát triển” là mong ước của chúng ta. Nhưng tương lai dân tộc không thể chỉ được trông cậy vào một cuốn sách hay vào chỉ trông cậy vào các nhà lãnh đạo ở “bên thắng cuộc”.

Nguyễn Đình Trị Rồi anh Osin HuyDuc sẽ có giống như những Dương Thu Hương, Vũ Thư Hiên… không?

Tôi không nghĩ là tôi có thể “giống” được chị Dương Thu Hương hay anh Vũ Thư Hiên. Thế hệ chúng tôi đã tự vấn rất nhiều khi đọc “Đêm Giữa Ban Ngày” của anh Vũ Thư Hiên. Còn văn chương của chị Dương Thu Hương thì tôi đọc từ khi đang là một người lính. Gần đây khi đọc lại những phát biểu vào năm 1989, 1990 của chị Dương Thu Hương (mà tôi sẽ đề cập trong cuốn II) tôi thực sự ngưỡng mộ sự hiểu biết lúc đó của chị. Hầu hết những việc làm có ý nghĩa nhất của chị Dương Thu Hương đều được tiến hành khi chị ở Việt Nam. Dương Thu Hương là một ví dụ cho thấy chúng ta có thể làm được nhiều việc từ trong nước nếu như chúng ta không sợ hãi.

[1] Chỉ thị 25-CT/TW ngày 25/12/1997 của Bộ Chính trị về việc “Nói và viết những vấn đề liên quan đến lịch sử và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước”; Chỉ thị 48-CT/TW ngày 14/2/2005 của Bộ Chính trị về “Bảo vệ bí mật của Đảng trong phát ngôn và sử dụng bảo quản thông tin, tài liệu trong tình hình mới”; Khoản 3 “Tiết lộ bí mật của Đảng, Nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác do pháp luật quy định”, khoản 4 “Xuyên tạc sự thật lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, vĩ nhân, anh hùng dân tộc; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân” thuộc Điều 10, Luật Xuất bản; Điều 271 Bộ Luật Hình sự của Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam “Tội vi phạm các quy định về xuất bản, phát hành sách, báo, đĩa âm thanh, băng âm thanh, đĩa hình, băng hình hoặc các ấn phẩm khác”.


Huy Đức





Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

Thăm nhà riêng cựu chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Minh Triết ở tỉnh Bình Dương



Bí thư Nguyễn Bá Thanh nói chuyện với 4500 cán bộ





Ông Nguyễn Bá Thanh bế mạc kỳ họp HĐND khóa VII .


Chiều 3-12, phát biểu tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 17, HĐND TP Đà Nẵng khóa VII, ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, đã đề xuất tiến hành hai cuộc "cách mạng" trên toàn TP với mục tiêu giảm gánh nặng cho người dân. Dài, nhưng không chán, đó là cảm giác khi nghe phần phát biểu bế mạc kéo dài đến hơn một giờ đồng hồ của ông Thanh, mà theo lời của vị đại biểu nói trên thì từng ý đều được ghi lại và thực hiện đầy đủ. Vẫn nhấn mạnh ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng cách thành phố đứng ra bảo lãnh để "anh ngân hàng phấn khởi vì biết thành phố có ngân sách nếu doanh nghiệp trả không được thì bỏ ra đền". Song, yêu cầu mà ông đưa ra là thành phố phải trả lời được câu hỏi ai muốn vay, vay làm gì và có hiệu quả không. "Nếu làm rõ rồi mới tổ chức hội nghị, còn chưa làm rõ thì có họp cũng có tháo gỡ chi được đâu", ông nói. Thậm chí, ông còn đề nghị chính quyền thành phố tiến thêm một bước nữa là cùng Ngân hàng Nhà nước gặp gỡ một số ngân hàng thương mại để hỏi thử xem nếu thành phố đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp này thì ông có tiền cho vay không. Ngân hàng nào có thể cho vay cần có tên tuổi cụ thể, làm cái báo cáo sơ bộ rồi mới gặp gỡ, chứ "gặp gỡ hô khẩu hiệu là không chơi". Với cá nhân người viết, bất ngờ không nằm ở đây. Bởi, nửa năm trước, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố Đà Nẵng Lê Văn Hiểu đã cho hay: "Nói thẳng, nghe thẳng, thực hiện thẳng, ứng cứu rất nhanh... là những việc mà Đà Nẵng ít nhiều đã làm được cho doanh nghiệp địa phương". Bất ngờ, bắt đầu từ chỗ ông Thanh khuyên lãnh đạo ủy ban, lãnh đạo sở nếu đến trường học hãy đến thăm nhà vệ sinh. Đừng để nhà vệ sinh hôi hám khiến học sinh phải nhịn đi tiểu, nhịn đi cầu, đổ bệnh sau này. Với yêu cầu khẩn trương, ông chỉ đạo phải đồng loạt ra quân sao cho đến nửa năm 2013 "kết thúc cái vụ này". Rồi khá nhỏ nhẹ, ông đề nghị các trường học tổng kiểm tra để đảm bảo ánh sáng cho học trò. Vì, có nơi thiếu cái bóng đèn không chịu lắp, trong khi 10 cháu thì 7 đến 8 em đeo kính, mình bậc người lớn phải có trách nhiệm. Ông cũng giục đẩy nhanh phổ cập việc dạy bơi cho học sinh, phần vì đang sống ở vùng sông nước, phần vì "lớn lên đi bộ đội chạy đến đoạn sông nào đó không lẽ báo cáo mình không biết bơi à". "Than thở" dạy thêm học thêm là vấn đề được nói nhiều lắm rồi và nhắc đi nhắc lại yêu cầu bỏ cái lối dạy trước, dạy mớm bài, song ông đề nghị ngành giáo dục có có cách gì đó để có thể giúp đỡ học sinh yếu ngay từ lớp một. "Để nó học kém thì nó chán nó sẽ đi chơi nên phải có phụ đạo, nhưng cũng phải mềm mại nhẹ nhàng để khỏi chạm sỹ diện", ông nhắc nhở về phương pháp. Từ giáo dục chuyển qua các lĩnh vực khác, ông vẫn thể hiện sự dân dã và sâu sát thực tế mà không phải quan chức đầu tỉnh nào cũng có. Ông nói, người nghèo ung thư vào bệnh viện ung thư - công trình mới của thành phố - được chữa bệnh miễn phí hoàn toàn. Nhà nghỉ cho thân nhân người bệnh cũng không thu tiền, nhưng chỉ có quạt chớ không có điều hòa. Ông cũng dặn các cơ quan chức năng phải bắt buộc và tạo điều kiện thuận lợi người đi xe máy mua ngay mũ đảm bảo chất lượng nếu đang sử dụng mũ rởm. Cũng có một số người thích thời trang sẽ không thích, nhưng khi hiểu là chính quyền lo cho cuộc sống của chính họ thì sẽ bớt giận đi thôi, còn bây giờ "cứ phải nghiến răng để làm". Những phát ngôn và hành động đã trở thành "thương hiệu" Nguyễn Bá Thanh, dù không phải nhất nhất đều nhận được sự tán đồng, có thể cho thấy phần nào cái tình và cái lý của ông. Giữ tấm lòng ấy, bản lĩnh ấy, ở cương vị mới, ông sẽ làm tăng thêm sự yêu mến và tin tưởng, không chỉ của người dân Đà Nẵng, hy vọng là như vậy!