PGS.TS
Đồng Thị Bích Thủy, Nhà giáo ưu tú, nguyên Phó hiệu trưởng Đại học Khoa
học Tự nhiên TP.HCM, đã qua đời lúc 21h ngày 9.2. Bà là người đặt nền
móng cho một chuyên ngành đào tạo mới mẻ vào những năm đầu Đổi mới: Công
nghệ thông tin. Các đồng nghiệp gọi TS Bích Thủy là “người đàn bà IT”
bởi không chỉ đào tạo ra nhiều thế hệ sinh viên giỏi mà còn là người có
những đóng góp quan trọng, góp phần hình thành nên những chính sách ban
đầu của ngành Công nghệ thông tin tại Việt Nam.
TS Đồng Thị Bích Thủy hướng dẫn Chủ
tịch nước Trần Đức Lương thăm Trung tâm Tin học, ĐH KHTN TP.HCM, tại
Công viên phần mềm Quang Trung năm 2003. Ảnh: Nhữ Đình Ngoạn
PGS.TS Đồng Thị Bích Thủy sinh năm 1954 tại huyện Phú Vang, tỉnh Thừa
Thiên-Huế. Từ năm 1970, Bà du học tại Đại học Lausanne (Thụy Sĩ) ngành
quản trị kinh doanh, sau đó trợ giảng và bảo vệ luận án tiến sĩ về hệ
thống thông tin và cơ sở dữ liệu tin học tài chính tại Đại học Geneve
(Thụy Sĩ).
Bà gắn bó với Đại học Khoa học Tự nhiên từ năm 1986, bắt đầu với vai
trò giảng viên bộ môn tin học thuộc khoa toán. Gần 30 năm làm việc tại
đây bà đảm nhận phần lớn việc đào tạo nhân lực và hợp tác quốc tế trong
lĩnh vực công nghệ thông tin: Trưởng bộ môn Tin học; giám đốc Trung tâm
Tin học (1991-2010); Phó trưởng khoa công nghệ thông tin - trưởng bộ môn
hệ thống thông tin...
Từ năm 2001, PGS.TS Bích Thủy là Phó hiệu trưởng của Đại học Khoa học
tự nhiên phụ trách hợp tác quốc tế và công nghệ thông tin; từ 2007 đảm
nhận vai trò Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và cải tiến phương pháp dạy
và học đại học (CEE) của trường.
PGS.TS Bích Thủy còn được biết đến trong vai trò là đại
diện cho trí thức khối khoa học công nghệ trong nhiệm kỳ đại biểu Quốc
hội khóa X (1997-2002); Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học nói tiếng
Pháp vùng châu Á - Thái Bình Dương CONFRASIE (1998-2010).
Bà được giới chuyên môn đánh giá là người khuyến khích đổi mới giáo
dục, am hiểu thực tiễn giữa đào tạo và tuyển dụng trong doanh nghiệp
Việt Nam. Bà cùng các đồng nghiệp lần đầu tiên đưa khái niệm "học tập
phục vụ cộng đồng" (service-learning) vào Việt Nam; mở mô hình cải tiến
phương pháp dạy và học đại học.
Khi nghe tin PGS.TS Đồng Thị Bích Thủy qua đời, nhiều bạn bè đồng
nghiệp của bà đã chia sẻ với Người Đô Thị những cảm xúc và suy nghĩ của
mình về con người trí thức tài năng và nặng lòng với đất nước.
Ông Thịnh Nguyễn, CEO Zien Solutions, Việt kiều Mỹ:
Chúng ta biết còn rất ít về những đóng góp lớn của chị
Tôi trở về Việt Nam năm 1991, lúc chưa biết nhiều về môi trường kinh
doanh và những người hoạt động trong ngành công nghệ thông tin. Tôi còn
nhớ lần đầu gặp chị Thủy ở công viên phần mềm Quang Trung, không chỉ quá
ngạc nhiên về người phụ nữ giỏi giang trong lĩnh vực giáo dục, mà với
tôi chị còn là người rất lạ và khác biệt, khi tôi biết chị là “người của
ngành IT” và là “dân du học trở về”. Có thể nói chị là người đặt nhiều
tâm huyết vào giáo dục, hiểu biết những khó khăn thực tế của ngành công
nghiệp và dám hy sinh, càng hiểu càng quý mến chị.
Đôi khi trò chuyện, có lúc tôi hỏi: Tại sao chị quyết định trở về
Việt Nam? Chị có bao giờ hối hận không? Tôi chưa từng nhận được câu trả
lời cụ thể mà thường là một câu thay thế nào đó. “Ai cũng hỏi tôi như
anh ngay từ những năm đầu trở về”. Nhưng rồi nhiều năm sau chị đã chấm
dứt câu hỏi của tôi bằng câu hỏi tương tự: “Vậy đến giờ Thịnh có hối hận
đã trở về không?”. Rồi chúng tôi cùng cười! Tôi đã học được ở chị rất
nhiều.
Tôi nghĩ chị Thủy và anh ấy (ông Lương Văn Lý, chồng TS.Thủy) là
những người tài năng và tâm huyết, họ có thể sống và thành công ở bất cứ
đâu. Chính vì vậy những đóng góp của họ mới thật sự cao cả, nó bao hàm
cả sự hy sinh và can đảm. Chị không chỉ đóng góp cho ngành giáo dục, nó
còn lớn lao hơn nếu ta đặt vị trí chị vào giai đoạn mà các ngành kinh
doanh cạnh tranh khốc liệt, chị đã đứng trên những xô bồ, đặt giá trị
của người làm giáo dục và truyền đạt kiến thức lên vị trí cao hơn, không
nhìn vào những thứ khác để nghĩ lợi riêng mà dành trăn trở cho trường
đại học Khoa học Tự nhiên.
Vai trò xây dựng ngành công nghệ thông tin của chị là rất lớn, không
chỉ đào tạo ra những sinh viên giỏi nghề mà còn là người tiên phong và
có tiếng nói quan trọng từ lúc ngành này còn rất sơ khai; tài năng và
tâm huyết của chị góp phần thuyết phục được những quyết sách của chính
phủ, là đóng góp quan trọng trong bước đầu hình thành ngành. Không chỉ
tài giỏi thông minh mà sự am hiểu về ngành để đào tạo nhân lực trong môi
trường cụ thể Việt Nam là quan trọng.
TS. Bích Thủy (thứ 5 từ trái sang). Ảnh TL: Nhi Phan
Rất nhiều chuyện để kể về chị nhưng tôi ấn tượng mãi câu chuyện về
chị và người bạn tôi, Hugo Shong – người phụ trách IDC tại thị trường
Trung Quốc. Khoảng 1992, anh ấy đến Sài Gòn và ngụ ở khách sạn Star. Vốn
không quen biết ai và cũng không có ý định kinh doanh gì ở Việt Nam,
nhưng tình cờ thấy cô nhân viên khách sạn này làm việc bằng máy tính,
thời điểm đó vốn rất hiếm. Câu chuyện học IT từ một cô giáo qua lời kể
của cô nhân viên đã gây tò mò cho Hugo Shong và anh theo chân học sinh
đến gặp cô giáo. Người phụ nữ tài giỏi của ngành IT Việt Nam không chỉ
làm thay đổi cách nhìn của Hugo Shong mà sau đó được chị đưa đến gặp
người phụ trách lĩnh vực này của TP.HCM, ông Nguyễn Thiện Nhân.
Hugo Shong rở về thuyết phục IDC vào Việt Nam - một trong những tên
tuổi toàn cầu sớm khuấy động thị trường IT Việt. Nếu chị Thủy là một
người khác thì có lẽ IDC phải nhiều năm sau mới có mặt. Câu chuyện ít ai
biết và là một trong nhiều câu chuyện để nhắc về chị - người làm thay
đổi suy nghĩ của nhiều người về Việt Nam. Tôi kể vậy để muốn nói rằng
những đóng góp của chị thì nhiều nhưng chúng ta biết thì rất ít - những
đóng góp lớn lao mà thầm lặng".
Ông Phí Anh Tuấn, CEO công ty PAT Consulting, Phó chủ tịch Hội tin học TP.HCM:
Một tài năng nhưng khiêm tốn
Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được đủ số lượng nhưng có chất
lượng cao luôn là một thách thức cho ngành công nghiệp IT Việt Nam.
Những năm đầu tiên, lứa chúng tôi phần lớn được học về IT thông qua
những giáo trình hoặc tài liệu rất hạn chế mang tính kinh nghiệm tích
lũy. Là một tiến sĩ được đào tạo bài bản từ châu Âu trở về, chị đã đưa
phương pháp mới vào đào tạo, tổ chức triển khai giảng dạy hiện đại cho
bộ môn này tại đại học KHTN TP.HCM.
Chính vì vậy “sản phẩm” kỹ sư IT đầu ra của trường luôn thuộc hạng
cao cấp, được các công ty và tổ chức săn đón. Chúng ta không thể “lượng
hóa” những đóng góp của chị như những báo cáo đơn thuần bằng con số hay
doanh thu, nhưng công sức vô giá của chị đã góp phần xây dựng nền móng
cho ngành IT Việt Nam trong suốt quãng đời làm giáo dục của mình.
Tôi, người thuộc thế hệ đàn em, luôn nhìn thấy ở chị một tài năng
nhưng khiêm tốn, quyết liêt nhưng mềm mỏng, phẩm chất của một người tri
thức đã cống hiến và mang lại những giá trị lớn cho sự phát triển của
ngành IT Việt Nam. Tạm biệt chị!
Gs.Dương Nguyên Vũ, Viện John von Neumann (ĐH Quốc gia TP.HCM):
Một cánh tay lớn ở Viện John von Neumann
“PGS.TS Đồng Thị Bích Thủy mất đi, để lại một khoảng trống rất lớn
sau lưng chúng tôi. Ở Viện John von Neumann, chị Thủy là thành viên Hội
đồng, cố vấn đào tạo Viện; chị từng là cánh tay lớn của chúng tôi, chịu
trách nhiệm về kế hoạch tài chính, chất lượng học vụ.
Là trí thức Việt Kiều, trở về nước vào năm 1986, khi đất nước đổi
mới, có nhiều khó khăn, chị Thủy vẫn lựa chọn trở về. Chị không than
thở, than phiền bao giờ, mà chỉ nhìn trực diện vấn đề và đưa ra cách
giải quyết, cách làm. Cuộc sống sao chị sống vậy. Chị sống và tích trữ
những trải nghiệm, kinh nghiệm. Lúc về làm việc ở Viện JVN, những kinh
nghiệm, trải nghiệm của chị đã giúp giải quyết được rất nhiều vấn đề.
Năm vừa rồi chị Thủy bị ung thư bao tử, nhưng chị đã vực dậy, hầu như
hết bệnh trở lại bình thường. Vậy mà mới thứ 6 tuần trước, chị em chúng
tôi còn làm việc với nhau thì chủ nhật chị bị xuất huyết não. Mất chị
Thủy, chúng tôi mất đi một đồng chí, một người chị.”
PGS.TS Dương Anh Đức, phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM:
Một con người tiên phong
PGS.TS Đồng Thị Bích Thủy là cô giáo của tôi, khóa cao học đầu tiên
của ngành tin học phía nam. Lúc đó là khóa đầu tiên thành ra có nhiều kỉ
niệm lắm. Lúc đó thầy giáo dạy chuyên môn chỉ có hai người là thầy
Hoàng Văn Kiếm và cô Thủy. Có thể nói cô Thủy là một trong những người
tiên phong của ngành CNTT phía Nam. Cô tham gia tích cực phát triển giai
đoạn đầu ngành tin học của thành phố, đặc biệt nói về nữ CNTT TP.HCM
thì chắc người ta chỉ nói hai người thôi, là cô Thủy và GS Phan Thị Tươi
(nguyên hiệu trưởng ĐH Bách khoa TP.HCM - PV).
Trong lĩnh vực cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin, cô Thủy là giáo sư
đầu ngành của VN. Hiện nay trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, ứng dụng thấy
rõ nhất của CNTT chính là các hệ thống thông tin. Ngay từ nền tảng
chính phủ điện tử hay các dịch vụ công, v.v… đều cần dựa trên nền tảng
hệ thống thông tin tốt. Tôi còn nhớ những bài giảng cao học cô đưa về,
là những kiến thức lúc đó đã rất hiện đại về hệ thống thông tin, và sau
này nhiều đơn vị, cơ sở đào tạo sau đại học khác học hỏi theo.
Tuyết Ân - Lê Quỳnh (ghi)