Ông Trần Bắc Hà, người từng được coi là biểu tượng nhưng cũng là tai tiếng trong ngành ngân hàng, được xác định là đã chết do mắc bệnh hiểm nghèo.
Ngày 18.7, nguồn tin Thanh Niên cho biết, ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN - BIDV), đã chết do mắc bệnh ung thư gan.
TIN LIÊN QUAN
Ông Trần Bắc Hà là ai?
Ông Trần Bắc Hà (63 tuổi, quê quán Bình Định) đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam hồi tháng 11 năm ngoái để điều tra về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, theo khoản 4 điều 206 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015.
Trong lần khởi tố này, Bộ Công an cho biết, ông Trần Bắc Hà liên quan đến các sai phạm trong việc tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và đề xuất phê duyệt, ký hồ sơ đồng ý cấp tín dụng cho Công ty CP chăn nuôi Bình Hà (Hà Tĩnh) vay vốn với các điều kiện ưu đãi sai quy định, vi phạm quy định của ngân hàng, gây thiệt hại cho BIDV hơn 800 tỉ đồng.
Tiếp đó, hồi đầu tháng 1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với ông Trần Bắc Hà để điều tra về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, theo khoản 4 điều 206 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Liên quan đến các sai phạm nêu trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã khởi tố, bắt tạm giam nhiều người thân cận với ông Hà, trong đó có Trần Duy Tùng (35 tuổi, con trai ông Hà), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn An Phú (trụ sở TP Quy Nhơn), để điều tra về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; Trần Lục Lang (51 tuổi), nguyên Phó tổng giám đốc BIDV; Đoàn Ánh Sáng (57 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM), nguyên Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), phụ trách Khối khách hàng doanh nghiệp); Kiều Đình Hòa, nguyên Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Tĩnh; Lê Thị Vân Anh, nguyên Trưởng phòng BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh…
Ông Trần Bắc Hà bắt đầu làm việc ở BIDV từ năm 1981, và đến năm 1991 được bổ nhiệm làm Giám đốc BIDV - Chi nhánh Bình Định. Năm 2003, ông Hà được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc BIDV, và đến năm 2007 là Tổng giám đốc BIDV.
Từ năm 2008, ông Trần Bắc Hà là Chủ tịch HĐQT BIDV, cho đến khi nghỉ hưu theo chế độ vào ngày 1.9.2016.
Trong thời gian làm lãnh đạo BIDV, ông Hà được coi là một trong những người có quyền lực lớn không chỉ trong giới ngân hàng. Thông qua các mối quan hệ xã hội cùng với tiềm lực kinh tế mạnh, ông Hà và người thân đã thực hiện hàng loạt dự án lớn tại Bình Định, Hà Tĩnh, Tây Nguyên,… Tuy nhiên, nhiều dự án đổ bể để lại hậu quả lớn cho BIDV cũng như ngân sách của Nhà nước.
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư từng nêu rõ trong giai đoạn làm Chủ tịch BIDV, ông Trần Bắc Hà đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành; vi phạm nghị quyết của Ban Thường vụ Đảng ủy về nghĩa vụ, trách nhiệm của người giữ chức vụ trong hệ thống BIDV; vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ, trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỉ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại VNCB.
Chân dung 'ông trùm' Trần Bắc Hà
Ông Trần Bắc Hà là cử nhân tài chính - kế toán, bắt đầu làm việc ở BIDV từ năm 1981 - 1991 được bổ nhiệm làm Giám đốc BIDV - chi nhánh Bình Định. Đến năm 2003, ông Hà được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc BIDV và đến năm 2007 là Tổng giám đốc BIDV. Từ năm 2008 đến tháng 9.2016 là Chủ tịch HĐQT BIDV. Từ ngày 1.9.2016, ông Hà nghỉ hưu theo chế độ. Theo nhiều nguồn tin, sau khi nghỉ việc tại BIDV, ông Hà tiếp tục thực hiện nhiều dự án nông nghiệp và chăn nuôi tại Lào và Campuchia.
Tại phiên tòa xét xử "đại án" Phạm Công Danh hồi tháng 7.2018, đại diện Viện KSND đã 3 lần đề nghị HĐXX triệu tập ông Trần Bắc Hà và một số cán bộ của BIDV để làm rõ hành vi liên quan của các bị cáo trong vụ án nhưng ông Hà đều vắng mặt. Thời điểm đó, người được ông Hà ủy quyền đã nộp cho tòa án một số tài liệu liên quan đến việc ông Hà đi khám chữa bệnh tại Singapore. Tuy nhiên, cơ quan chức năng qua kiểm tra đã xác định thời điểm đó ông Hà không xuất cảnh đi chữa bệnh.
Trong giai đoạn ông Hà còn đương chức và khi đã nghỉ hưu, đã có không ít tin đồn ông này bị bắt giữ do liên quan đến các sai phạm về kinh tế. Việc ông này bị bắt được coi là thông tin nhạy cảm khi trở thành yếu tố tác động tiêu cực lên thị trường chứng khoán. Hồi năm 2012, ông Hà cũng đã từng vướng vào thông tin bị bắt và ông đã từng nhờ cơ quan điều tra vào cuộc để truy tìm thủ phạm tung tin đồn thất thiệt. Qua gần 4 tháng điều tra, Tổng cục An ninh II - Bộ Công an đã tìm ra 3 đối tượng tung tin đồn là những nhà đầu tư nhỏ lẻ, tham gia đầu tư chứng khoán. Các đối tượng tuy không có mục đích phá hoại nhưng có động cơ vụ lợi về kinh tế.