Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2019

Bác sĩ đoán sai, bệnh nhi qua đời: 'Ánh mắt người cha làm

>> HOÀI NHÂN
Đêm ấy, anh chỉ là bác sĩ trực. Anh không phụ trách điều trị chính ca bệnh này trước đó.
4 giờ chiều nhận ca, đứa trẻ đã có những dấu hiệu nặng dần. Anh vẫn theo dõi sát sao.
1 giờ sáng, thân hình bé nhỏ tím tái, từng hơi thở gấp gáp, nặng nhọc. Anh tiêm thuốc, đặt nội khí quản, nhưng tình hình càng lúc càng xấu đi.
2 giờ. 3 giờ. Chiếc đồng trên vách nhọc nhằn đếm từng mớ cảm xúc kinh khủng của cha mẹ cô bé. Có một thứ trực giác kỳ lạ giữa những người thân chung máu mủ với nhau, làm cha cô bé liên tục gọi anh. Ông cảm nhận được con mình không ổn. Còn anh, anh tin vào chuyên môn và kinh nghiệm của mình. Anh nói vài lời trấn an ông.
4 giờ. Hơi thở im bặt. Anh lao vào tiêm thuốc, một sự im lặng đáng sợ. Anh gom góp tất cả bình tĩnh còn lại, gắng sức nhồi tim, hô hấp nhân tạo. Vẫn là một sự lặng im. Anh không nhớ mình đã làm gì thêm nữa. Chỉ nhớ đến khi có một bác sĩ khác nhắc anh, đã hơn 1 tiếng đồng hồ kể từ khi tim cô bé ngưng đập, anh mới buông thõng hai tay.
Anh bước ra báo tử cho gia đình… Trong bàng hoàng, anh vẫn biết mình sắp phải đối diện với sự phẫn uất của cha mẹ, thậm chí hóa thành những cú đánh thẳng vào người. Anh định sẽ đứng đó, lặng im, trả giá. Nhưng không, mẹ cô bé khóc. Còn người đàn ông kia, đột nhiên lùi lại, trân người nhìn thẳng vào mắt anh. Ánh mắt đó không cam tâm. Ánh mắt đó đầy nỗi buồn. Ánh mắt đó, ám ảnh anh cho đến cuối đời.
Anh đã chẩn đoán sai. Một bệnh nhi mắc hội chứng thận hư, thể phức tạp nên suy thận mạn. Cô bé nhập viện đã lâu, nhưng trúng đêm đó trở nặng. Anh thấy cô bé ho, thở mệt, anh cho rằng đó là viêm phổi, chỉ cần điều trị kháng sinh, thở ô-xi. Nếu anh biết chính xác đó là phù phổi để thay đổi một phác đồ điều trị khác, mọi thứ có thể sẽ tốt hơn.
Tốt hơn ở đây, chỉ là không để cô bé ra đi vào hôm đó. Có khả năng sự sống sẽ kéo dài thêm một vài ngày (bởi với bệnh án ấy, trong cơ thể một sinh linh mười mấy tháng tuổi, gần như không khả quan).
Nhưng anh ân hận, bởi với bất kỳ sinh thể nào, một năm hay chỉ một vài ngày, đó vẫn là sự sống.
7 giờ sáng, anh ra về. Một màu đen bao trùm lên tất cả mọi thứ đang hiện diện trước mắt anh. Anh khóc trên một đoạn đường chưa được bao xa. Anh nhớ đến lời thề Hippocrates. Anh nhớ ánh mắt bất nhẫn của người cha. Anh nhớ cô bé nhỏ xíu tím tái, mê man. Lần đầu tiên trong đời, anh thấy mình thất bại, một cách thảm hại.
Ba mẹ anh đã từng ước mơ làm bác sĩ, và không thành. Tất cả những kỳ vọng đổ dồn vào anh – con trai cả của gia đình. Anh đã từng thích Văn trong những năm cấp ba, nhưng đồng thời những môn tự nhiên cũng chẳng làm khó được một học sinh top đầu của trường như anh. Anh cũng cực mê con nít, và dĩ nhiên, công việc của một bác sĩ nhi sẽ là điều tuyệt vời. Anh đi qua thử thách của trường Y, tốt nghiệp thì vào Nội Trú – nơi của những bác sĩ giỏi nhất.
Tất cả êm đềm, thuận lợi. Nhưng cuối cùng thì sao? Anh đã chẩn đoán sai, đẩy một bệnh nhi bé nhỏ của mình vào cửa tử.
Cha mẹ đứa trẻ, nhất thời đã không chấp nhận được ngay tại thời điểm ấy, họ kiện. Anh đã viết một lá thư nhận lỗi với họ. Anh đã cúi đầu xin lỗi trước khoa. Họ bình tâm lại, tự hiểu rằng sức khỏe của con họ đã đến hồi không thể cầm cự. Câu chuyện đã thuộc về trách nhiệm của bệnh viện, nó vượt ngoài trách nhiệm của anh. Họ tha thứ. Còn anh, vẫn không thể nào tha thứ cho mình. Rất lâu sau đó.
Rất lâu sau đó, anh thường tự nhốt mình trong bốn bức tường, cúi đầu trong sóng gió. Anh rối bời, bỗng thấy cái nghề y đầy khắc nghiệt. Những cảm xúc lật nhanh như chớp. Cứu được một bệnh nhân, anh thấy vui như người ta nói, “hơn xây bảy cảnh chùa”. Nhưng một sai lầm, đưa anh xuống mấy tầng địa ngục. Anh quyết định bỏ học, bỏ nghề. Anh nhận ra mình chưa hề giỏi giang như mình nghĩ. Nếu tiếp tục, anh cũng chẳng còn dũng khí, chẳng còn tỉnh táo. Chẳng còn gì!
Cho đến lúc anh gục đầu để nước mắt chảy xuôi, trước mặt một người thầy đáng kính của mình trong nghề, anh mới nghe rằng: “Con buồn vì nhìn vào lỗi sai. Nhưng con có biết, tự nhìn vào lỗi sai, tức là con vẫn còn can đảm. Không mấy ai đủ dũng khí để làm việc đó, nên con thấy đó, thường sẽ là sự thoái thác, đổ lỗi. Con sẽ trưởng thành hơn sau sai lầm này. Sự trưởng thành đó là liều thuốc tốt nhất để cứu lấy biết bao nhiêu bệnh nhân đang chờ con sau này. Đứng dậy và bước tiếp, ngay từ giờ”.
Và anh đứng dậy, nhưng không phải ngay từ lúc đó. Anh dần dần đứng dậy, từ tâm niệm phải làm những điều tốt đẹp hơn nữa, hơn nữa, mỗi ngày.
Tôi tình cờ biết được câu chuyện về anh qua một bài viết của người khác chấp bút. Tôi bị ám ảnh bởi câu chuyện, cố thuyết phục gặp anh. Anh từ chối, mãi rất lâu sau đó mới nhận lời.
Nhưng đáng ra, tự tôi đã không đủ thuyết phục tôi để viết những dòng này từ lời kể của anh, cho đến lúc tôi tận mắt thấy cái cách anh vỗ về, chăm lo những bệnh nhi mà anh vẫn luôn gọi là “con”.
Tôi tìm hỏi nhiều bà mẹ, họ đều nói về một bác sĩ T. “cực kỳ có tâm” mỗi lần con họ bị bệnh. Tôi tìm xem lại nhiều chương trình truyền hình, tọa đàm, trò chuyện về sức khỏe mà anh tham gia, nhiều không kể hết. Hàng loạt những bài viết, những vlog dạy cách chữa bệnh dí dỏm, hiệu quả được các cha mẹ truyền tai nhau. Anh là một bác sĩ tài năng và đa năng, nếu không muốn nói là “nổi tiếng”.
Tôi nhìn rất kỹ vào đôi mắt anh trong những chương trình, ngẫm rất lâu về những gì anh nói, anh viết. Tôi tin mình đã thấy trong chiếc áo blouse trắng những tâm huyết, những nhiệt thành, không phải lỗi lầm.
“Vui nhất, nhớ nhất là khi mình cứu được một đứa bé 9 tháng tuổi bị tim, qua cơn thập tử nhất sinh. Giờ con đã 5 tuổi rồi, trời ơi dễ thương! Mình dặn con ăn cơm giỏi, thế là ngày nào em cũng bắt mẹ quay clip ăn cơm để gửi mình coi, miệng tíu tíu gọi bác T., bác T. suốt. Con vẫn phải đi phẫu thuật nong động mạch mỗi năm, nhưng bao giờ cũng cười tíu tít. Những thiên thần nhỏ đã dạy mình nhiều điều, bằng những nụ cười, bằng sự hồn nhiên, dù có khi đã cận kề cái chết”, anh nói với tôi lúc nghỉ tay trong phòng khám.
Vừa kể, anh vừa nhanh nhảu đưa tôi xem đoạn clip đứa bé suy tim ấy. Nhưng khá khó tìm, khi chiếc điện thoại của anh lưu đầy những gương mặt bé nhỏ. Đứa hát trong lúc bệnh ho sù sụ. Đứa đọc thơ trước khi đi ngủ. Đứa làm trò để “con gửi tặng bác T.”. Vậy là anh lại lần lượt kể về từng đứa, một cách đầy hồ hởi và phấn khởi.
Bất giác, tôi hỏi: “Còn đứa bé kia?”. Tôi nghĩ anh sẽ không hiểu, nhưng không, anh ngước mặt xa xăm, rồi hạ giọng: “Đó là một cô bé rất nhỏ nhắn, tay chân chằng chịt sẹo vì chạy thận. Em mặc nguyên bộ đồ trắng ngả kem, tay dài, tối hôm đó”. Hóa ra, ký ức vẫn còn vẹn nguyên, ngay cả lúc anh đang vui vẻ nhất.
Tôi lại hỏi: “Liệu anh có nghĩ một ngày, sẽ có một cuộc gặp với cha mẹ cô bé?”.
Anh im lặng một lúc lâu, rồi nhìn tôi: “Giờ có thể tra hồ sơ mười mấy năm trước, để có thông tin liên lạc. Nhưng… mình chưa dám đối mặt lại lần nữa. Không phải vì sợ, mà vì không biết qua chừng ấy thời gian, họ đã thực sự, thực sự nguôi ngoai chưa. Dù chưa hay đã rồi, thì việc bắt họ thêm một lần khơi lại chuyện cũ, đều chẳng nên…”.
“Thế anh đã thực sự nguôi ngoai chưa?”, tôi hỏi.
“Cái chết đầu tiên” của bệnh nhân giống như một thứ ung thư quái gở trên người mình, sẽ không bao giờ khỏi. Mình vẫn đang phải vượt qua nó, bằng cách làm những điều tốt đẹp hơn, cho mọi người, cho những bệnh nhân tiếp theo. Có một thứ chẳng bao giờ cho phép mình sai sót nữa, là ánh mắt người cha đêm đó. Kể từ đêm đó, ánh mắt đã luôn đợi nhìn mình ở một góc nào đó của lương tâm”, anh nói.
Cũng kể từ đêm đó, anh tự nhủ, anh có thể đầy chuyên môn, có thể nhiều kinh nghiệm, nhưng anh sẽ luôn tin vào cảm nhận của người thân.
Có những lỗi lầm dạy người ta lớn. Có những lỗi lầm không bao giờ được phép lặp lại, với cái nghề như anh.
Đồ họa: Duy Quang | Ảnh: Hoài Nhân
Báo Thanh Niên 
26.04.2019

Saigon juin 1930


FilmImages Xuất bản 18 thg 2, 2017 Images de l'Indochine, colonie française. Saïgon / Saigon aujourd'hui Hô-Chi-Minh-Ville, Viêt Nam. Rushes de Fox Movietone. Archives commercialisées par Film Images (www.film-images.fr). Saigon scenes. The scenes take viewers through the streets of the city, showing natives and European life. Several children surround a street vendor, and Europeans arrive at a cafe via rickshaws. Shot of a man with a barking dog. A newsboy tries to sell a newspaper. Various scenes of a vendor preparing and selling a shaved ice treat. More scenes of the market and streets of Saigon. Scenes of Europeans at a cafe bartering with a fur salesman. Scenes of a rickshaw man bargaining with a passenger. Scenes of Europeans enjoying drinks at a sidewalk cafe. Pour un usage professionnel, les clips présentés sur cette chaîne sont accessibles en ligne sur www.film-images.fr (vous vous créez votre compte utilisateur). For professional use, clips can be seen online at www.film-images.fr (please register to access the clips). Pour les historiens : http://mirc.sc.edu/islandora/object/u... et http://mirc.sc.edu/islandora/object/u...

Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2019

Sự lầm than của khoa học so với tâm linh trong tiếp cận nguồn lực cho phát triển


Những ngày này, khi đất nước đứng trước sự o ép của láng giềng phương Bắc hung hãn và xảo quyệt ngoài Biển Đông, như nhiều người dân Việt khác, tôi ước gì đất nước mình có được nội lực kinh tế, nội lực khoa học kỹ thuật mạnh mẽ hơn để đối phương phải kiêng dè khi muốn dùng sức mạnh vượt trội hòng đòi hỏi những gì không thuộc về họ trong vùng biển của ta.
Lại ước, giá mà nạn tham nhũng không lan tràn khiến đất nước suy yếu, nguồn lực kiệt quệ; giá mà trong quá trình phát triển, nguồn lực quốc gia được phân bổ và quản lý tốt hơn để nhanh chóng xây dựng tiềm lực khoa học kỹ thuật của đất nước, đóng góp vào sức mạnh tổng hợp của quốc gia, trong đó có sức mạnh quốc phòng.
Có được sức mạnh tổng hợp ấy, khi phải đối mặt với thách thức từ bên ngoài, chúng ta hẳn sẽ hoàn toàn tự tin trong công cuộc bảo vệ các lợi ích quốc gia và khiến đối phương không thể xem thường.
Nhìn lại, cho tới nay, ngoài nạn tham nhũng đục khoét thì sự phân bổ và quản lý nguồn lực dành cho khoa học kỹ thuật cũng như chính sách thích hợp để nhanh chóng phát triển sức mạnh khoa học kỹ thuật của nước nhà là chưa tương xứng với đòi hỏi của tình hình. Từ lâu, đất nước đặt ra mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa, nhưng mục tiêu hiện đại hóa đề ra một đường còn chính sách và nguồn lực cho hiện đại hóa mà cốt lõi là chính sách và nguồn lực cho phát triển khoa học kỹ thuật lại một nẻo. Nghịch lý trong việc cấp đất, cho thuê đất nhằm phát triển sự nghiệp khoa học kỹ thuật của nước nhà so với việc cấp đất, cho thuê đất nhằm mục đích khác, như “du lịch tâm linh”, là một thí dụ.
Những khó khăn mà dự án Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) tại thung lũng Quy Hòa, phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, do nhà khoa học Trần Thanh Vân từ Pháp về đầu tư xây dựng là một thí dụ cụ thể.
Hơn mười năm trước, khi nghe vợ chồng GS. Trần Thanh Vân trình bày về việc tìm đất đầu tư dự án ICISE, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định lúc ấy là ông Vũ Hoàng Hà từng hứa sẽ miễn tiền thuê đất và hỗ trợ tối đa cho các hoạt động giáo dục, khoa học.
Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) tọa lạc tại phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn. Công trình do hai kiến trúc sư Pháp Jean Francois Milou và Thomas Rouyrre thuộc Văn phòng Kiến trúc Milou thiết kế với mục đích mang đến một không gian hội nghị, nghiên cứu và nghỉ dưỡng nhiều tiện ích cho giới khoa học. Ảnh: TL
Và rồi, sau hơn mười năm đi vào hoạt động, Trung tâm ICISE đã trở thành cầu nối, nơi hội tụ nhiều giáo sư Nobel, hàng nghìn nhà khoa học nổi tiếng khắp thế giới, giúp nền khoa học Việt Nam tiến thêm một bước dài trong việc tiếp cận nền khoa học thế giới.
Theo GS. Trần Thanh Vân, từ năm 2013 đến nay, ICISE đã tổ chức gần 60 hội nghị khoa học quốc tế và 16 trường khoa học chuyên đề, với sự tham dự của khoảng 5.500 nhà khoa học quốc tế. Trong đó, có 12 người đoạt giải Nobel, 2 giải Fields (được coi là giải Nobel trong toán học), 2 giải Kavli (giải thưởng cao nhất ở lĩnh vực thiên văn học) và một giải thưởng vật lý Dirac (giải thưởng danh giá nhất trong ngành vật lý lý thuyết)...
Tuy nhiên, cũng từ năm 2013 đến nay, ICISE liên tục nhận được thông báo phải nộp tiền thuê đất của Chi cục Thuế TP. Quy Nhơn. Số tiền thuế thuê đất từ năm 2013 - 2019 đối với hơn 14ha đất thuộc dự án ICISE gần 6 tỷ đồng. Theo báo Dân Trí (9.7.2019), Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết từ năm 2018 đến nay, tỉnh này và GS. Trần Thanh Vân đã nhiều lần có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương đề nghị miễn tiền thuê đất đối với dự án Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE, tại thung lũng Quy Hòa, phường Ghềnh Ráng, TP. Quy Nhơn).
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng dự án chưa đáp ứng đủ điều kiện để được miễn tiền thuê đất. Thủ tướng cũng chưa kết luận nên thời gian qua tỉnh Bình Định không có cơ sở miễn tiền thuê đất cho ICISE.
Nhằm phát triển nền khoa học kỹ thuật nước nhà và kết nối khoa học kỹ thuật nước ta với thế giới, lẽ ra việc đầu tư một trung tâm như ICISE phải là công việc của Nhà nước. Nhưng Nhà nước với bao nhiêu ban bệ đã không làm thì cũng nên hết lòng hỗ trợ nhà khoa học tự bỏ công sức ra làm. Đàng này...
GS. Trần Thanh Vân buồn bã chia sẻ: “Tôi đề nghị tỉnh Bình Định nếu không miễn tiền thuê đất được, hãy tính toán tiền cho thuê đất đối với chúng tôi ở thời điểm 2008, chứ không phải áp mức thuê đất hiện nay. Chúng tôi sẽ cố gắng xoay xở để trả, một lần hay nhiều lần tùy theo khả năng tài chính. Nếu không giải quyết dứt điểm việc này ngay bây giờ, rất khó thuyết phục các nhà khoa học tiếp tục tham gia hỗ trợ cho các hoạt động khoa học, giáo dục tại ICISE như hiện nay. Tôi thực sự cảm thấy buồn và rất áy náy khi buộc phải giải thích rõ với nhà khoa học quốc tế trong Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam về việc này”.
Trong khi đó, nhìn sang lĩnh vực khác, chẳng hạn các siêu dự án “du lịch tâm linh”, không phải vài ba chục mà hàng ngàn hecta đất đã được Nhà nước giao cho doanh nghiệp. Quần thể chùa Tam Chúc tại thị trấn Ba Sao, tỉnh Hà Nam, đang xây dựng và dự kiến phải mất thêm 30 năm nữa để hoàn thiện và trở thành ngôi chùa lớn nhất thế giới, có diện tích quần thể lên tới 5.000ha. Còn quần thể chùa Bái Đính tại xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, xây dựng hoàn tất vào năm 2003, có khuôn viên rộng 539ha bao gồm 80ha khu chùa Bái Đính mới, và 27ha khu chùa Bái Đính cổ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm không gian khoa học và nhà mô hình vũ trụ tại Trung tâm ICISE ngày 6.5.2018Ảnh: VGP
Báo Zing (ngày 11.2.2019) viết: Những năm gần đây, quần thể tâm linh đồ sộ đã không còn xa lạ với người Việt Nam. Nổi tiếng nhất phải kể đến khu du lịch Tràng An - Bái Đính mới được xây dựng tại tỉnh Ninh Bình hay quần thể chùa Tam Chúc, ngôi chùa lớn nhất thế giới, nằm trong khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao (tỉnh Hà Nam).
Đứng sau cả hai dự án này là Công ty Xây dựng Xuân Trường (có trụ sở tại Ninh Bình), một trong những doanh nghiệp đi đầu cả nước trong việc phát triển du lịch tâm linh ở Việt Nam. Tràng An - Bái Đính hay Tam Chúc nằm trong cả chuỗi “siêu dự án” tâm linh do doanh nghiệp xây dựng này đầu tư. Một vài dự án khác nằm rải rác ở Thái Nguyên, Hải Phòng hay Hà Tây cũ.
Tại Hải Phòng, doanh nghiệp này đang đầu tư 9.800 tỷ đồng làm khu du lịch tâm linh tại đảo Cái Tráp với diện tích 450ha, trong đó khu tâm linh rộng 88,7ha. Số đất dành cho khu dịch vụ là 108ha, trong đó dự kiến xây dựng cả khu biệt thự, câu lạc bộ thủy thủ, casino... Còn tại Thái Nguyên, doanh nghiệp này tuyên bố đầu tư vào dự án Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc rộng 18.940ha (gồm diện tích hồ là 2.500ha) với số tiền 15.000 tỷ đồng. Xuân Trường dự định xây tháp Phật giáo lớn nhất thế giới với chiều cao 150m, có thể chứa được 5.000 - 10.000 người cùng lúc. Gần đây nhất, tại Hà Nội, Xuân Trường cũng xin 1.000ha đất để đầu tư làm khu du lịch tại chùa Hương.
Theo Zing, Công ty Xây dựng Xuân Trường không chỉ có thể kiếm doanh thu từ chính công trình tâm linh mà còn từ hạng mục dịch vụ xây kèm. Có lẽ bí quyết thành công, và cũng là lý do doanh nghiệp này được giao nhiều đất, nằm ở chỗ đó. Điều mà một trung tâm khoa học như ICISE không thể nào có được, và so với những siêu dự án tâm linh nói trên thì ICISE chỉ là “muỗi”.
Tất nhiên, nhu cầu tâm linh là một nhu cầu chính đáng của người dân, nhưng những thí dụ và con số nêu trên cho thấy một sự bất cân xứng và bất hợp lý quá đáng trong việc tiếp cận nguồn lực đất đai cho sự nghiệp phát triển nền khoa học kỹ thuật nước nhà. Đối chiếu với mục tiêu hiện đại hóa đất nước, sự bất hợp lý trong phân bổ nguồn lực như trên lại càng nổi bật và người ta phải tự hỏi với tình trạng lầm than, lép vế đó, bao giờ nền khoa học kỹ thuật Việt Nam mới có thể cất cánh.
Đối diện với thách thức ngoài Biển Đông những ngày này, câu hỏi đó càng khiến chúng ta ray rứt. 
Đoàn Khắc Xuyên

Những vỏ bọc hoàn hảo ở Our City - sào huyệt cờ bạc 10.000 tỷ đồng


pno
Tồn tại đến năm thứ sáu, lại nằm ngay mặt đường lớn, nhưng không một ai biết sự có mặt của 380 người Trung Quốc trong khu đô thị Our City.
Chỉ đến khi ổ nhóm cờ bạc này bị bắt, người dân sống xung quanh khu đô thị đó mới giật mình “người ở đâu ra mà lắm thế”.
Bí ẩn tại Our City
Từ quán bia hơi trên đường Phạm Văn Đồng (P.Hải Thành, Q.Kinh Dương, TP.Hải Phòng), nhìn chếch sang phía bên kia là khu đô thị Our City. Vài khách du lịch hỏi bà chủ quán: “Mấy trăm người bị trục xuất khỏi đây, hẳn là bà chủ tiếc lắm?”. Đang chặt thịt gà, bà Hoan cắm phập con dao xuống thớt: “Chả ảnh hưởng gì. Nhà chị có bán được gì cho họ bao giờ đâu. Họ đều tự nấu cơm, chỉ thỉnh thoảng có người sang ăn đĩa bún đậu hay bát phở. Chị bán cho người Việt hay người nước ngoài đều như nhau, mà họ nghĩ chị bán đắt hay sao đó, chẳng bao giờ thấy người nào quay lại lần thứ hai”.
Cùng dãy phố, quán nước kiêm tiệm tạp hóa của bà Loan nằm đối diện khu đô thị Our City. Nhắc chuyện bắt ổ bạc mấy trăm người, bà Loan vẫn chưa hết bàng hoàng: “Khi công an bao vây, bắt tội phạm, chúng tôi mới biết là bên đó có đến mấy trăm người”. Bên khu đô thị Our City, có cái đài phun nước; thỉnh thoảng, cháu bà Loan và mấy đứa trẻ trong khu chạy sang bên đó chơi, nên bà có chạy qua đón cháu về. Bà bấm đầu ngón tay: “Khu này có từ năm Ngọ, đến nay là năm thứ sáu, nhưng tôi chưa bao giờ đến chỗ nào ngoài cái đài phun nước, cũng chưa bao giờ biết về những người sống trong đó”.
Nhung vo boc hoan hao  o Our City - sao huyet  co bac 10.000 ty dong
Một tiệm tạp hóa tại khu đô thị Our City
Bà Loan bảo, bà ấn tượng về người sống bên khu đô thị Our City duy nhất một chuyện, là họ mua hàng rất “chắc”: “Có người mua bao thuốc lá Thăng Long mềm, hỏi bao nhiêu tiền, nghe tôi nói 9.500 đồng, họ lắc đầu, không mua nữa. Có người mua phong kẹo cao su, tôi nói 5.000 đồng, họ trả lại tôi và ra hiệu bảo ở nước họ, giá chỉ 4.000 đồng thôi”. 
Bà Loan nhớ lại: “Khi bên đó xây dựng, công nhân đều là người Trung Quốc, nhưng không bao giờ họ sang bên này mua bán bất cứ thứ gì. Lúc xây xong khu này, họ căng quảng cáo trên xe chạy khắp thành phố, rao “mua một tầng tặng một tầng”. Giá mỗi căn 5-7 tỷ đồng nên cũng không ai quan tâm”.
Ông Lê Văn Hưng - nhân viên của một hãng vận tải, hằng ngày vẫn kiểm tra khách ở khoảng sân lớn của khu đô thị - chợt phỏng đoán: “Căn hộ, giá bảy tỷ ở rìa thành phố thì ai mua? Bảy tỷ bây giờ mua được cả căn biệt thự ven sông trong khu đô thị hiện đại. Có khi nào họ cố ý đưa giá cao để người Việt mình không ai quan tâm?”.
“Phố Tàu” dẹp được, đặc khu thì… khó
Dự án khu đô thị Our City được cấp phép từ năm 2005 và là dự án bất động sản đầu tiên của Việt Nam có 100% vốn đầu tư nước ngoài. Những người dân như bà Loan, ông Hưng vẫn nhớ khi đó, họ được biết Our City sẽ trở thành khu đô thị quy mô, hiện đại tầm cỡ quốc tế, với rất nhiều hạng mục được “vẽ” ra. Nhưng đến bây giờ, sau 14 năm, Our City chỉ có một dãy nhà mặt tiền, chắn ngang tầm mắt người qua lại, chẳng ai biết bên trong có những gì. 
Người dân chỉ thấy những cửa hàng tiện ích, những quán cà phê hoặc nhà hàng mang đậm “màu” Trung Quốc. Khi khu đô thị này chuẩn bị đi vào hoạt động, cháu gái của ông Hưng đã đi học tiếng Trung để xin vào làm ở nhà hàng của Our City. Ông nghe cháu gái kể, nhà hàng đó 100% khách là người Trung Quốc, chưa bao giờ có một vị khách Việt nào, và bất cứ ai không phải là người Trung Quốc đều bị từ chối phục vụ.
Nhung vo boc hoan hao  o Our City - sao huyet  co bac 10.000 ty dong
Một con đường của xã Ngũ Lão, nơi từng được gọi là “phố Tàu”
Ông Hưng thở dài bảo, Our City hoàn toàn là “lãnh địa” của người Trung Quốc, và họ hoạt động quá “hoàn hảo”: “Tôi làm ở đây mấy năm trời, bao lần chờ khách, kiểm khách nhưng hầu như không thấy ai ra vào bao giờ. Chỉ có khoảng 10 người thường xuyên đi lại, ngoài số đó ra, không bao giờ tôi thấy mặt một ai khác. Thỉnh thoảng, có xe 16 chỗ chở người đến, cứ tưởng là khách du lịch Trung Quốc vì bên đó có khách sạn Qbox cho thuê phòng qua mạng, có những đoàn mấy chục người đến ở một thời gian rồi lại đi”. 
Ông Hưng cũng chứng kiến quán ăn, nhà hàng ở Our City luôn đông khách vào buổi tối. Ngày nào cũng có 10-20 xe taxi chở khách Trung Quốc đến ăn. Ông kết luận: “Họ che đậy quá bài bản, như thể đã có “kế hoạch” dài hạn ngay từ khi khu đô thị đi vào hoạt động. Gần 6 năm trời và chừng đó con người không bao giờ thò mặt ra khỏi phòng. Nhà hàng kia là để phục vụ gần 400 người đó. Cơm 80.000 đồng/suất, có người đưa đến tận phòng chứ họ cũng không được ra ngoài ăn”. Đặc biệt, trong 380 người đó, chỉ 27 người có đăng ký tạm trú. 
Bà Loan, bà Hoan, ông Hưng đều thắc mắc: mức tiêu thụ điện, nước của 380 con người là quá khác so với con số 27 người đăng ký, sao đến năm thứ sáu đi vào hoạt động, Our City mới “vỡ ổ chuồn chuồn”?
Nhung vo boc hoan hao  o Our City - sao huyet  co bac 10.000 ty dong
Nơi các đối tượng tổ chức đường dây đánh bạc
Our City không phải là khu “phố Tàu” duy nhất của TP.Hải Phòng. Trước đây, ở các xã Ngũ Lão, Tam Hưng, Minh Đức (H.Thủy Nguyên), từng có những “làng Trung Quốc”, “phố Trung Quốc” với hàng ngàn lao động không có hộ chiếu, visa. Những dãy phố, biển quảng cáo dày đặc chữ Hán được dựng lên để phục vụ người Trung Quốc. Khi dư luận phản ánh, những “phố Tàu” này đã được các cơ quan chức năng xử lý. Thế nhưng, khu đô thị Our City gần như là đặc khu, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. 
Không chỉ người dân, chính quyền cơ sở mà không ít cơ quan chức năng cấp thành phố cũng thừa nhận, việc vào khu đô thị này là rất khó khăn. Đất của Our City thuộc tổ 2A, P.Hải Thành, nhưng ông tổ trưởng Phạm Quang Đảo chưa bao giờ gặp được ban quản lý khu đô thị mỗi khi địa phương có chương trình ủng hộ người nghèo hay vùng bão lụt.
Vì sao Our City lại là nơi “nội bất xuất, ngoại bất nhập?”. Lý do, Our City là khu đô thị có 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài, nên mọi vấn đề liên quan đều do cơ quan chức năng cấp thành phố quyết định. Thậm chí, theo lời nguyên Giám đốc Công an TP.Hải Phòng, “công an hay lực lượng an ninh cũng vậy vì doanh nghiệp nước ngoài này khép kín nên mình vào rất khó khăn”. Còn cấp quận, kể cả có đến làm việc cũng phải có kế hoạch cụ thể và thông báo trước cho ban quản lý khu đô thị. Cùng với đó, là công tác quản lý cư trú đối với người nước ngoài hiện nay đang bị chồng chéo giữa các đơn vị (công an thành phố, sở ngoại vụ, ban quản lý khu kinh tế). 
Chiều 27/7, gần 1.000 chiến sĩ cảnh sát đã bao vây, đột kích khu đô thị Our City, khám xét hơn 100 phòng, tạm giữ 380 người Trung Quốc tham gia đường dây cờ bạc. Cơ quan chức năng xác định, số tiền đã giao dịch trên hệ thống mạng đánh bạc là hơn 3 tỷ nhân dân tệ (khoảng hơn 10.000 tỷ đồng). Tại đây, công an thu giữ gần 2.000 điện thoại di động thông minh, 533 máy tính các loại, nhiều thẻ ngân hàng, tiền mặt, cùng nhiều vật dụng, tài liệu liên quan đến vụ án. Rạng sáng 1/8, Công an TP.Hải Phòng và Bộ Công an đã tổ chức dẫn độ 380 đối tượng người Trung Quốc bị bắt trong chuyên án này ra biên giới Việt - Trung để bàn giao cho công an phía Trung Quốc.
An Vũ - Uông Ngọc
Dấu hỏi lớn về trách nhiệm của cơ quan quản lý
Nhung vo boc hoan hao  o Our City - sao huyet  co bac 10.000 ty dong
Theo pháp luật Việt Nam, hành vi của nhóm đối tượng người Trung Quốc có thể bị truy tố tội “tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc” theo điều 322 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Về nguyên tắc, mặc dù các đối tượng tham gia là người Trung Quốc, giả định thực hiện trên không gian mạng của Trung Quốc nhưng vẫn có thể bị truy tố theo pháp luật hình sự Việt Nam vì mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam đều chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Hình sự, bất kể người thực hiện hành vi phạm tội là người nước ngoài hay người Việt Nam. 
Tuy nhiên, hiện gần 400 nghi phạm đã được dẫn độ để giao cho công an Trung Quốc tiếp quản, xử lý. Cơ quan chức năng của Việt Nam không tiếp tục điều tra, xét xử các nghi phạm này dù Việt Nam có quyền tài phán. Lý do là bởi Bộ luật Hình sự cũng quy định, nếu người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam, họ phải chịu trách nhiệm hình sự theo pháp luật Việt Nam nhưng trách nhiệm hình sự có thể được giải quyết theo các điều ước quốc tế, tập quán quốc tế (nếu có) hoặc được giải quyết bằng con đường ngoại giao. Giữa Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết hiệp định tương trợ tư pháp nên hai quốc gia thực hiện theo thỏa thuận tại điều ước này và thực hiện dẫn độ các nghi phạm về Trung Quốc để xử lý.
Nếu có người Việt Nam tham gia đường dây tổ chức đánh bạc này, các đối tượng đó có khả năng bị truy tố tội “tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc” và họ không thể tránh được việc phải chịu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam. Điều khác biệt nằm ở quốc tịch của người thực hiện hành vi phạm tội. Nếu người nước ngoài vi phạm pháp luật thì quốc gia mà đối tượng đó mang quốc tịch có thể yêu cầu dẫn độ về nước để điều tra, xử lý. Mục đích của hoạt động dẫn độ tội phạm là nhằm tăng cường quan hệ hợp tác giữa các quốc gia trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Trong vụ này, việc khu đô thị Our City tại TP.Hải Phòng được lấy làm “đại bản doanh” của gần 400 nghi phạm người Trung Quốc, hoạt động trong một thời gian dài mà không bị phát giác khiến tôi đặt dấu hỏi lớn về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc quản lý người nước ngoài.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, khi người nước ngoài đến Việt Nam thì các cơ quan có thẩm quyền quản lý là cơ quan xuất nhập cảnh, cơ quan quản lý cư trú, chính quyền địa phương (các cấp phường, quận, thành phố). Nhiều cơ quan có thẩm quyền quản lý thì đương nhiên có sự chồng chéo, thiếu kết nối thông tin và phối hợp thực hiện. 
Gần 400 người Trung Quốc nhưng chỉ có vài chục người có giấy tờ tạm trú, có nghĩa rằng, công tác quản lý về cư trú có vấn đề. Chính quyền phường, quận thừa nhận khả năng tiếp cận của các cấp này đối với khu đô thị Our City bị hạn chế do thẩm quyền quản lý thuộc về chính quyền thành phố. Việc để chính quyền thành phố quản lý thì đương nhiên sẽ không sát sao và kịp thời được.
Tôi nghĩ rằng, quy định của pháp luật là một chuyện, nhưng quan trọng là việc thực thi các quy định đó - hay nói cách khác là công tác quản lý trên thực tế - như thế nào mới là vấn đề cần quan tâm và bàn luận. Việc cần thiết phải làm hiện nay là tìm ra giải pháp phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan khác nhau trong việc quản lý người nước ngoài tại Việt Nam. Trong đó có sự cân nhắc giữa việc đảm bảo chính sách mở cửa để thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nhưng vẫn bảo đảm trật tự xã hội cũng như công tác phòng, chống tội phạm và đồng thời không ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế giữa các quốc gia.
Luật sư Lê Văn Hồi (Công ty luật My Way)