Thứ Bảy, 5 tháng 9, 2020

Nguyên Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết: “Con người không phải sinh ra để mãi hận thù...”

 Nguyên Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết: “Con người không phải sinh ra để mãi hận thù...”

Trong cuộc trò chuyện với Dân Việt trước kỷ niệm 75 năm ngày Quốc Khánh, nguyên Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết trăn trở rất nhiề

https://danviet.vn/nguyen-chu-tich-nuoc-nguyen-minh-triet-con-nguoi-khong-phai-sinh-ra-de-mai-han-thu-20200902030511365.htm

 

Giữa cuộc sống ồn ào, vợ chồng ông lui về tận vùng quê yên ả, kề sát bờ sông Sài Gòn để sống những ngày tuổi già, bóng xế. Và, không biết tự bao giờ, người dân bên kia sông (thuộc huyện Củ Chi, TP.HCM) và người dân bên này sông (thuộc xã Phú An, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) rất quen thuộc ông Sáu Phong – tên gọi thân mật của nguyên Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết.

Trong những ngày cả nước đang sôi nổi kỷ niệm 75 năm thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, kỷ niệm 45 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, vị lão thành cách mạng chia sẻ với Dân Việt những suy nghĩ và trăn trở của ông về vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc. Cuộc chiến đã chấm dứt gần nửa thế kỷ, nhưng những nỗi đau, những rạn nứt vẫn chưa phải đã chấm dứt hoàn toàn trong tâm trí mỗi con người, dù bên này hay phía bên kia…

Vợ chồng ông Sáu Phong sống thanh thản giữa khu vườn rợp bóng cây xanh. Giữa cái chốn bình yên, thanh thản ấy, trong cái tâm của một người từng là nguyên thủ quốc gia vẫn không ngừng day dứt, chưa thôi áy náy chuyện thế sự đang tiếp diễn bên ngoài khu vườn nhà ông...

Chúng tôi đến thăm ông Sáu Phong vào một buổi sáng đẹp trời sau những ngày mưa dài dằng dặc. Đích thân ông Sáu Phong dẫn chúng tôi đi tham quan khắp vườn nhà. Vẫn dáng người thanh thoát, với mái tóc trắng phau của tuổi gần 80, ông Sáu Phong vẫn rất nhanh nhẹn, minh mẫn…

00:04:56
Nguyên Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết: “Con người không phải sinh ra để mãi hận thù...” - Ảnh 1.

Dưới mái nhà ăn lợp bằng lá dừa nước mát rượi, ông Sáu kể lại những ngày cách đây hơn 13 năm (vào cuối tháng 6/2007) – trên cương vị Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – ông sang thăm Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (Mỹ). Chuyện hòa hợp, hòa giải giữa Việt Nam và Mỹ, giữa những người Việt của 2 bên chiến tuyến cách đây gần nửa thế kỷ, vẫn không ngừng khiến ông trăn trở suốt thời gian qua...

Nguyên Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết: “Con người không phải sinh ra để mãi hận thù...” - Ảnh 2.

Ông Sáu Phong kể: "Thời điểm tôi sang thăm Mỹ (lần đầu tiên một nguyên thủ của Việt Nam sang thăm Mỹ, sau khi Mỹ và Việt Nam chính thức nối lại bang giao sau năm 1975 – PV), nhiều người phía Mỹ vẫn chống đối Việt Nam cực kỳ. Thậm chí, họ mời mình rồi, nhưng họ chần chừ mãi không xếp lịch cho mình qua…

Nguyên Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết: “Con người không phải sinh ra để mãi hận thù...” - Ảnh 3.

Lý do rất đơn giản: Họ nêu vấn đề dân chủ, nhân quyền. Đặc biệt, chuyến đi lại được dự kiến thực hiện sau phiên tòa xét xử Nguyễn Văn Lý không bao lâu. Phía Mỹ nêu vụ xét xử ông Lý và có cái chuyện "bịt miệng"...

Tôi mời Đại sứ họ tới. Tôi thẳng thắn nói rằng: Tổng thống Mỹ đã mời tôi; còn việc đi hay không là quyền của tôi. Nhưng tôi đi là làm cái việc hòa giải, hòa hợp giữa 2 đất nước, để 2 nước tăng cường hợp tác, gác bỏ quá khứ đau thương, hướng đến tương lai. Đó là việc làm tốt đẹp cho 2 quốc gia, chứ có cho riêng gì Việt Nam? Tôi đề nghị Mỹ không nên gây khó khăn. Hãy mở rộng cửa để chúng ta gặp nhau, chúng ta cùng bàn công việc. Còn các ông làm khó quá, chúng tôi cũng sẽ làm tương tự. Thế là sau đó, họ thiết kế chuyến đi liền... 

Chưa hết đâu, khi tôi qua Mỹ vẫn còn gặp khó khăn liên tục. Trên nhiều con đường đoàn đi qua, hình ảnh Nguyễn Văn Lý tràn ngập... Rồi, họ thiết kế một chương trình tiếp xúc cũng... bất ngờ luôn. Đầu tiên tôi gặp bà Nancy Pelosi - Chủ tịch Hạ viện Mỹ.

Vào cuộc gặp, chưa kịp ngồi, bà Pelosi đã tuôn một tràng rằng, Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ với Mỹ để cùng nhau phát triển... Nhưng Việt Nam cứ vi phạm dân chủ, vi phạm nhân quyền, làm những việc sai trái, Mỹ không thể chấp nhận... 

Cho bà Pelosi nói đã đời, tôi mới nhỏ nhẹ đáp lại. Tôi nói thẳng: "Thưa bà, nếu nói về dân chủ, nhân quyền, Mỹ không đủ tư cách nói chuyện với Việt Nam đâu".

Nghe như vậy, bà Pelosi sửng sốt: "Thế là thế nào ?". Tôi trả lời: "Ngày trước, Mỹ mang bom đạn xâm lược Việt Nam, gây bao nhiêu mất mát, đau khổ cho Việt Nam, Việt Nam đã bỏ qua. Hôm nay, Việt Nam đã gác lại quá khứ, hướng đến tương lai. Còn hiện tại, Mỹ vẫn còn có quân ở Iraq, Afghanistan, ở nhiều nơi khác trên thế giới. Bom đạn vẫn còn nổ, máu vẫn còn đổ, người vẫn còn chết... Mỹ cũng vi phạm dân chủ nhân quyền".

Bà Pelosi im lặng, nhưng ông trợ lý ngồi bên cạnh liền cầm tấm ảnh chụp Nguyễn Văn Lý bị bịt miệng đưa lên, rồi hỏi tôi: "Ông có thấy tấm ảnh này không ?".

Tôi bình tĩnh trả lời rằng: "Đây là việc làm sai trái của một cán bộ của chúng tôi và chúng tôi đã xử lý nghiêm khắc rồi. Nhưng các ông có biết, hôm đó, tại phiên tòa, ông Lý cũng buông những lời lẽ khó nghe như thế nào không ? Vì những lời lẽ ấy, nên cán bộ chúng tôi mới có vi phạm như thế. Nhưng dù gì đi nữa, cán bộ của chúng tôi sai, chúng tôi đã phải xử lý. Ngay tại Mỹ, cảnh sát Mỹ cũng sai phạm như đánh người, đánh dân, có những hành động sai trái trên đường phố... Tôi nghĩ rằng, sai trái này chỉ là cá biệt. Không phải là chủ trương của lãnh đạo, chúng ta phải xử lý, làm cho tốt hơn".

Sau cuộc gặp đó, mọi chuyện êm xuôi. Họ tiếp đoàn chúng tôi rất nồng hậu. 

Nguyên Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết: “Con người không phải sinh ra để mãi hận thù...” - Ảnh 4.

Đặc biệt, hôm gặp Tổng thống Mỹ G.Bush (con), ông Bush không đả động gì đến chuyện dân chủ, nhân quyền nữa. Ông Bush nói những lời vui vẻ. Tôi tặng ông Bush cây đàn bầu – nhạc cụ dân tộc truyền thống của người Việt Nam, ông Bush nhận và cầm ngược cây đàn. Tôi phải hướng dẫn ổng cầm lại cho đúng chiều...

Nguyên Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết: “Con người không phải sinh ra để mãi hận thù...” - Ảnh 5.

Được biết, trong chuyến thăm Mỹ năm ấy, ông có buổi gặp gỡ, đối thoại với hơn 1.000 người là Việt kiều, ngay tại quận Cam bang California - thủ phủ "chống cộng" khét tiếng lúc đó? 

- Nguyên Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết: Trước khi xuống Cali (tức California - PV), chúng tôi đã được báo là sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức. Các lực lượng người Việt cực đoan, chống cộng đang tập hợp chống đối... Thật vậy, suốt đoạn đường chúng tôi đi, xuất hiện nhiều người la ó, phản đối...

Nguyên Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết: “Con người không phải sinh ra để mãi hận thù...” - Ảnh 6.

Tại hội trường, tôi gặp gỡ, đối thoại, giao lưu với hơn 1.000 người. Trong số đó, có người còn dự định gây rối, làm những chuyện không hay. Tuy nhiên, lúc phát biểu, tôi đã nói với họ bằng tất cả trái tim của mình.

Tôi nói không có gì bay bướm hết. Tôi nói rằng, bà con chính là máu thịt của Việt Nam. Chúng ta đều là con Rồng - cháu Tiên, cùng một dòng dõi... Đối với Mỹ, trước đây là kẻ thù không đội trời chung, nhưng giờ đây mình còn gác lại quá khứ, hướng đến tương lai. Huống hồ người Việt Nam máu đỏ, da vàng, cùng chung dòng giống Âu Cơ, Lạc Hồng, mà lại đi đánh nhau, đi phá nhau? Hãy cùng nhau xây dựng. Mẹ Việt Nam bao giờ cũng mở rộng cánh cửa chào đón bà con...

Tôi nói những lời tình cảm thôi. Tôi còn hỏi bà con trong hội trường: "Ở đời sinh ra phải làm gì?". Rồi tôi nói luôn: "Không phải sinh ra để mãi hận thù, để đánh nhau, mà sinh ra để thương yêu nhau, để cùng xây dựng đất nước phồn vinh hơn. Cùng xây dựng một thế giới công bằng, ấm no, hạnh phúc. Chứ tối ngày cứ cãi vã nhau, đánh nhau để làm gì?".

Khi tôi kết thúc bài phát biểu, bước xuống phía dưới, ông Nguyễn Cao Kỳ (nguyên Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa trước năm 1975) bước ra. Ông Kỳ bắt tay và nói với tôi: "Ông nói hay quá. Từ trước tới giờ, tôi chưa phục ai hết. Nhưng nay tôi phục ông".

Anh em trong đoàn mời ông Kỳ lên phát biểu. Ông Nguyễn Cao Kỳ nói: "Tôi tưởng rằng Ngài Chủ tịch Nước phát biểu bằng một bài diễn văn được viết sẵn. Không ngờ hôm nay, Ngài Chủ tịch Nước lại nói bằng trái tim, cho nên những lời lẽ, tình cảm đó là quá đủ rồi. Tôi mong bà con của mình hãy cùng nhau trở về, tận mắt xem Việt Nam đang xây dựng, đang phát triển như thế nào. Cái gì mình cần góp sức được cho đất nước thì mình góp sức".

Vì vậy, các nhóm cực đoan, chống đối hiện diện ở hội trường cũng cụt hứng, không nói gì. Đặc biệt khi đó, tại hội trường cũng có mặt ông Hoàng Duy Hùng.

Thưa ông, có phải là luật sư Hoàng Duy Hùng – người từng có chân trong Nghị viện Mỹ, từng một thời chống cộng rất cực đoan?

- Nguyên Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết: Đúng rồi. Lúc đó ông Hùng đang ở thế gầm ghè mình, nhưng về sau này, ông Hùng đã nhận ra và thay đổi hẳn thái độ. Cách đây vài năm, ông Hùng có về Việt Nam, muốn gặp lại tôi. Bộ Ngoại giao cũng tạo điều kiện. Lúc đầu, tôi phân vân về chuyện gặp  ông Hùng. Nhưng sau đó, nghe nói ông Hùng đã thấy được vấn đề, gặp ông Hùng chỉ có lợi cho sự nghiệp chung thôi. 

Rồi ông Hùng lên đây thăm nhà tôi, tôi tiếp  ông rất chân tình. Trưa, tôi đãi cơm, còn dắt ông đi ra vườn tham quan cây trái… và nói đủ thứ chuyện. Về Mỹ, ổng đưa clip lên mạng… Lần thứ hai, về Việt Nam, ông Hùng lại lên thăm tôi, mới cách đây vài tháng, trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19. 

Như lần thăm trước, lần này tôi và ông Hùng nói chuyện với nhau rất nhiều.  Bằng những lời lẽ mộc mạc, chân tình thôi. Sau đó về Mỹ, ông Hùng lại tiếp tục đăng clip lên kênh youtube của ông.

Nguyên Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết: “Con người không phải sinh ra để mãi hận thù...” - Ảnh 7.

Trước năm 1975, gia đình ông hoặc họ hàng ông, có ai ở trong hoàn cảnh éo le là có người làm việc cho phía "bên kia" không ?

- Nguyên Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết: Hiện tượng trong cùng gia đình, có người ở phía "bên này" lẫn phía "bên kia" ở miền Nam trước đây nhiều lắm. Thường thì anh cả đi kháng chiến, lên chiến khu. Thằng em út thì ở nhà với ba mẹ. Lòng vòng, thằng em bị chính quyền bắt đi quân dịch…

Nguyên Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết: “Con người không phải sinh ra để mãi hận thù...” - Ảnh 8.

Tôi thì thuận lợi hơn. Thời chống Pháp lẫn chống Mỹ, quê tôi đều thuộc vùng giải phóng, nên vùng này ít bị ảnh hưởng bởi chính quyền cũ.

Có thể thấy, ông là lãnh đạo cao nhất của đất nước thường xuyên bày tỏ quan điểm về vấn đề "hòa hợp, hòa giải" giữa người phía "bên này" với người phía "bên kia" – vốn rất nhạy cảm, chưa dung hòa trọn vẹn suốt hàng chục năm qua, dù chiến tranh Việt Nam đã kết thúc gần nửa thế kỷ. Xuất phát từ đâu mà ông lại đau đáu đến vấn đề "hòa hợp, hòa giải" này, thưa nguyên Chủ tịch Nước?

- Nguyên Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết: Xuất phát từ nhiều yếu tố. Trước hết, là từ đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước mình. Thứ hai, tôi sống trong vùng giải phóng, chịu nhiều bom đạn, chứng kiến chết chóc nhiều… Nhưng, tôi cũng học nhiều năm ở vùng địch. Tôi từng thấy cảnh địch đàn áp người dân tàn khốc như thế nào. Đồng thời, tôi cũng thấy có những gia đình éo le, vừa có người thân ở bên này, vừa có người thân ở phía bên kia, giằng xé thật đau lòng.

Tôi cũng biết có những người phục vụ cho phía bên kia chiến tuyến…Nhưng thực chất là họ bị bắt lính thôi, do trốn lính hoài, giấu tên, đổi họ tùm lum vẫn không thoát; cuối cùng phải đi lính…

Không thể phủ nhận, ở phía bên kia chiến tuyến vẫn có một bộ phận không nhỏ có tình cảm với cách mạng. Thậm chí, gia đình họ cũng có người hoạt động cách mạng. Nhưng vì chén cơm, manh áo, vì hoàn cảnh éo le, họ phải đi lính, thành người của phía bên kia thôi.

Sau này, một số vượt biên, cũng vì hoàn cảnh thôi. Vì đời sống kinh tế những năm sau giải phóng khó khăn quá, vì một số chính sách của chúng ta chưa tốt, còn phân biệt đối xử. Chứ mình đừng có quy tội, khoan quy tội họ thế này thế nọ. Mình thì may mắn, gần với đường lối, chủ trương của Đảng ở vùng giải phóng, mình tiếp cận nó dễ. Còn họ ở trong vùng tạm chiếm, họ bị bưng bít, cho nên mình phải thông cảm chia sẻ với họ.

Cho nên, với những lực lượng có quan điểm khác với mình, thậm chí có lúc còn chống đối mình, tôi luôn luôn chủ trương lúc nào cũng xử sự bằng cách thuyết phục, lôi kéo cái đã. Trường hợp quá quắt lắm, mới xử lý bằng pháp luật.

Trước hết, mình phải vận động, lôi kéo… Đó là tư tưởng chung của Đảng, cũng là tâm niệm của cá nhân tôi. 

Nguyên Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết: “Con người không phải sinh ra để mãi hận thù...” - Ảnh 9.

Thưa ông, trở lại chuyến thăm Mỹ năm 2007, trước khi sang thăm Mỹ, ông có lường trước được những khó khăn để chuẩn bị ứng phó hay không ?

- Nguyên Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết: Trước chuyến đi, tôi đã biết được lành ít, dữ nhiều. Việc chuẩn bị ứng phó cho những tình huống xấu, cũng là chuẩn bị chung chung thôi. Tôi xác định, quan trọng là mình tùy cơ ứng biến.

Ở nhà lo cho tôi lắm. Vì lần đầu tiên, Chủ tịch Nước mới "xuất trận", lại trong bối cảnh căng thẳng như vậy. Tôi nói với ở nhà, các đồng chí đừng lo. Thấy phức tạp như vậy, nhưng tương quan, tôi so với Tổng thống G.Bush (con): Một là ông Bush kém tuổi tôi. Hai là ông Bush chưa từng trải bằng tôi đâu.

Cái thứ ba, mình có chính nghĩa cho nên mình qua đây, mình mềm dẻo, bàn cách hòa hợp, hòa giải. Nhưng nước lên thì thuyền lên, tùy theo họ. Nếu họ cương đến đâu thì tôi cương đến đó. Tôi chuẩn bị tinh thần như vậy thôi.

Còn nội dung cụ thể, mình cũng chưa lường hết đâu. Chủ yếu là vụ Nguyễn Văn Lý, mình đã chuẩn bị sẵn cách ứng phó. Nhưng tình huống Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi chất vấn về dân chủ, nhân quyền thì hoàn toàn bất ngờ.

Nguyên Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết: “Con người không phải sinh ra để mãi hận thù...” - Ảnh 10.

Thưa ông, đất nước đã thống nhất, chiến tranh đã qua đi 45 năm, thế nhưng việc hàn gắn vết thương trong lòng người, việc hòa hợp, hòa giải giữa những người Việt ở 2 bên chiến tuyến năm xưa vẫn chưa hoàn toàn trọn vẹn. Chúng ta cần phải hành động, làm thêm những gì để việc hòa hợp hòa giải tốt đẹp hơn ?

Nguyên Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết: “Con người không phải sinh ra để mãi hận thù...” - Ảnh 11.

- Nguyên Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết: Theo tôi, hiện nay, chủ trương, chính sách chung của Đảng, Nhà nước về vấn đề này là tốt rồi. Nhưng việc thực hiện phải tốt hơn nữa. Trước hết, làm sao trong nhận thức của mọi người, nó mềm mại hơn. Nói vậy, chứ trong thực tiễn, nó còn vướng chỗ này, chỗ khác, nên Việt kiều về nước cũng ngại.

Quan trọng hơn nữa là phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư. Việt kiều về nước làm ăn, mà thấy môi trường đầu tư chưa tốt làm sao họ muốn về. 

Ngay cả sinh viên của mình, đi du học, nhìn về thấy môi trường làm ăn chưa tốt, sinh viên cũng không muốn về nữa là… Điều đó chứng tỏ môi trường đầu tư của mình còn nhiều việc phải bàn lắm.

Vì thế, các viên chức Nhà nước, các cơ quan chức năng của mình, rồi cả luật pháp… của mình nữa. Làm sao phải phù hợp với luật pháp quốc tế hơn. Chứ luật pháp của mình những năm qua đã cải thiện nhiều rồi, nhưng chỗ này chỗ khác so với luật pháp quốc tế cũng vẫn còn vênh…

Bên cạnh sự tương thích của hệ thống luật pháp, cũng rất cần sự tương thích về cách hành xử. Luật pháp tương thích mà cách hành xử với nhà đầu tư, với Việt kiều không tốt, nó cũng dẫn tới không tương thích.

Rồi tại các nước, các Đại sứ quán và cán bộ ngoại giao của mình, phải làm sao tiếp cận với bà con nhiều hơn, lắng nghe bà con Việt kiều nhiều hơn, trao đổi với họ, giải quyết thấu đáo các vướng mắc cho họ ngay tại nước sở tại.

Ngoài ra, các Ban Việt kiều các cấp, các Hội, Hiệp hội, phải tích cực hơn nữa trong công tác Việt kiều. Giải quyết nhanh và thấu đáo các bức xúc, phản ảnh của bà con, mới lôi kéo được mọi người. Một khi các vấn đề trên chưa giải quyết, thậm chí, cán bộ mình còn làm ngơ, thì những tồn tại trên còn vướng hoài.

Thực tế, ngay cả trong nước mình làm ăn, kinh doanh nhiều khi cũng còn… khó, Việt kiều về nước làm ăn, sinh sống còn khó hơn. Môi trường đầu tư của mình còn nhiều bất cập lắm.

Ví dụ: Việt kiều về nước có được sở hữu nhà cửa, đất đai không? Họ chưa được cái quyền đó, nên phải nhờ người khác đứng tên dùm. Rồi sau này, tranh chấp… Làm sao phải cho bà con thuận lợi hơn, tốt hơn.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại. Trên thực tế, bà con Việt kiều của mình cũng năm, bảy đường… Có người mong muốn về đây hàn gắn lại quá khứ; nhưng cũng có người còn cực đoan lắm. Làm sao để mọi người phải cùng mở lòng với nhau nhiều hơn, các bước đi từ hai phía phải hài hòa hơn.

Nguyên Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết: “Con người không phải sinh ra để mãi hận thù...” - Ảnh 12.

Hiện quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ đang rất tốt đẹp. Nguyên Chủ tịch Nước có nhận xét gì về mối quan hệ Việt Nam – Mỹ hiện nay?

- Nguyên Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết: Hiện Mỹ đang hỗ trợ cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đó là cơ hội tốt cho mình. Nhưng không vì thế, chúng ta chủ quan, không vì quá ngả về nước này mà chống lại nước khác. Việt Nam làm bạn với tất cả. Việt Nam phải có con đường riêng của mình. Cái gì đúng thì ta làm chứ không ngả theo ai hết.

Xin cảm ơn nguyên Chủ tịch Nước về cuộc trò chuyện chân tình này.

Nguyên Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết: “Con người không phải sinh ra để mãi hận thù...” - Ảnh 13.

"Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay không ngừng phát triển cả về lượng và chất, với khoảng 4,5 triệu người tại hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 500.000 người có trình độ đại học trở lên, nhiều người là những kỹ sư, chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế, tài chính và một số đã tham gia vào hệ thống chính trị của các nước.

Hàng năm, có khoảng 400-500 lượt chuyên gia, trí thức người Việt ở nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ ở Việt Nam. Sự tham gia của bốn trí thức Việt kiều trong 15 thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đã tạo đà cho trí thức người Việt ở nước ngoài đóng góp nhiều hơn nữa vào công cuộc xây dựng đất nước.

Mặc dù cư trú ở những khu vực địa lý khác nhau với hoàn cảnh ra đi khác nhau, nhưng đại đa số người Việt Nam ở nước ngoài có tình cảm gắn bó với quê hương đất nước, là bộ phận "máu thịt" của cộng đồng dân tộc Việt Nam, góp phần củng cố và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhiều cá nhân, tổ chức kiều bào có quan điểm cực đoan, đối lập đã có sự chuyển biến về nhận thức, ủng hộ các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước ta.

Hiện có gần 3.000 doanh nghiệp kiều bào từ Mỹ, Canada, Australia, Nga, Pháp, Czech, Hà Lan… đang hoạt động tại 50/63 tỉnh, thành phố trên cả nước với số vốn góp và vốn đăng ký 4 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực du lịch, thương mại, bất động sản, sản xuất hàng xuất khẩu, chế biến, xuất khẩu thủy sản, công nghệ phần mềm…

Kiều hối gửi về nước luôn duy trì mức tăng khoảng 10-15% mỗi năm với tổng kiều hối trong 10 năm qua lên gần 112 tỷ USD, đưa Việt Nam là một trong 10 nước nhận kiều hối nhiều nhất thế giới, đóng góp quan trọng vào ổn định cán cân thanh toán và phát triển kinh tế của đất nước... Theo công bố từ Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2019, lượng kiều hối về Việt Nam ước đạt 16,7 tỷ USD".

(Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Minh Khôi, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài – theo báo Việt Nam và Thế giới, 27/1/2020).