Thứ Hai, 20 tháng 1, 2025

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Kinh tế thị trường là tinh hoa nhân loại

 Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh không chỉ là người quyết liệt, nói thẳng, nói thật về thực trạng kinh tế và những lĩnh vực liên quan của đất nước, mà còn là người quyết liệt ngay cả trong những định hướng đổi mới.

Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông về những trăn trở khi chẳng còn bao lâu nữa ông sẽ rời chức vụ bộ trưởng Bộ KH&ĐT mà công cuộc đổi mới vẫn còn nhiều điều dang dở.

Trăn trở đất nước phát triển chậm

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, gần đây hai từ “hội nhập” được nhắc đến rất nhiều nhưng để hội nhập thành công hẳn nhiên sẽ không chỉ đến từ người dân và doanh nghiệp?

+ Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Bộ KH&ĐT đang trình Chính phủ đề án thành lập các trung tâm ươm mầm doanh nghiệp, hỗ trợ sáng tạo để thu hút sáng tạo, nhất là từ giới trẻ. Bởi trên thực tế nhiều ý tưởng đang bị thui chột vì không có nơi khuyến khích, đỡ đầu. Đồng thời, cũng sẽ có chính sách đầu tư mạo hiểm để khuyến khích tinh thần phát triển doanh nghiệp.

QC

X

Tuy nhiên, một mình Bộ KH&ĐT hay cá nhân tôi không thể làm hết được mọi việc. Tôi rất trăn trở về điều này. Nhiệm kỳ tới, tôi mong có nhiều lãnh đạo quan tâm hơn tới doanh nghiệp, vì doanh nghiệp là tương lai đất nước.

. Như vậy thì cần rất nhiều sự đổi mới, sáng tạo trong việc hoạch định chính sách. Bộ trưởng có đồng ý với điều đó không?

+ Việc hoạch định, xây dựng chính sách, chiến lược cho đất nước là một công việc cực kỳ hệ trọng nên đòi hỏi tư duy đổi mới phải hiện hữu và cập nhật liên tục. Tôi cho rằng Việt Nam không thể cứ mãi “một mình một đường”, mà phải đi con đường chung nhân loại.

Muốn vậy, chúng ta phải biết nhân loại đang làm gì, các quốc gia phát triển đã làm gì để thăng tiến mỗi ngày và vị trí thực của chúng ta trên lộ trình phát triển ấy. Điều quan trọng nhất là tâm huyết với đất nước. Mỗi người, kể cả lãnh đạo, phải trăn trở tại sao nước mình còn phát triển chậm thế, tại sao người dân ca thán nhiều thế. Sự trăn trở ấy mới sản sinh ra được chiến lược tốt, chính sách tốt.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: “Kinh tế thị trường là tinh hoa nhân loại”.

Cái mới thì luôn bị phản đối

Bộ trưởng được nhiều người ca ngợi vì tinh thần đổi mới, ngay cả trên diễn đàn Quốc hội. Vậy cá nhân ông có bị sức ép vì tinh thần này?

+ Về cơ bản tôi không chịu nhiều sức ép lắm, vì cạnh tôi có nhiều lãnh đạo cấp cao ủng hộ và khuyến khích sự đổi mới này. Tôi nghĩ nếu đổi mới được kiểm chứng là thực sự có lợi cho dân tộc, cho đất nước thì sẽ được ủng hộ.

Chúng ta cần phải suy nghĩ khác đi: Đổi mới là phải thực hiện những công việc không giống với hiện tại và ý thức rằng: Cái mới thì luôn bị phản đối. Đổi mới thì không thể tránh được việc đụng chạm lợi ích của từng ngành, từng cá nhân. Đổi mới mà không bị phản ứng thì không phải là đổi mới. Vì khi đổi mới, minh bạch thì nhiều người không thể lợi dụng để tư lợi, nên họ phải phản ứng.

Tuy vậy, có người ban đầu chưa hiểu thì phản ứng quyết liệt, như vấn đề đầu tư công nhưng giờ thì thấy tốt. Hơn nữa, muốn đổi mới thì bản thân mình vượt qua chính mình mới làm được.

. Nhưng việc từ bỏ lợi ích nhóm, lợi ích ngành, lợi ích cục bộ… là không thể một sớm một chiều. Chẳng hạn những điều kiện kinh doanh vẫn được “đẻ” ra sau khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực, thưa Bộ trưởng?

+ Đây là một quá trình, không thể một quyết định trong luật mà dỡ bỏ được tất cả. Bởi cơ chế xin-cho đã ăn sâu bám rễ trong đầu nhiều cán bộ.

Luật đã quy định chỉ có từ nghị định của Chính phủ trở lên mới có thể hạn chế quyền kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Nhưng tôi thấy nhiều giấy phép con làm trái tinh thần này. Nhiều thông tư của các bộ, ngành vẫn được ban hành để áp đặt các điều kiện kinh doanh. Do đó, cái nào mang tính cấm đoán quyền của người dân, trái luật thì phải hạn chế và tiến tới bỏ hẳn.

Từ năm 2016 sẽ có tổng rà soát những điều kiện kinh doanh được “đẻ thêm” để báo cáo Chính phủ.

Thị trường đất đai đang rất méo mó do chưa phân tách được quyền

. Chắc hẳn ông có rất nhiều trăn trở khi môi trường kinh doanh cũng như những định hướng phát triển kinh tế khi nghĩ về 30 năm đổi mới?

+ 30 năm đổi mới vừa qua, chúng ta có nhiều thành tựu nhưng có một thành tựu xuyên suốt, nguyên nhân mọi nguyên nhân đó là chúng ta đổi mới được từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Nhưng sau 30 năm, dư địa và các tác động phát triển đã dần cạn đi. Chúng ta đã chững lại trong vài năm vừa qua, nếu không cẩn thận có thể còn đi xuống và nguy cơ tụt hậu là không thể tránh khỏi.

Theo tôi, vấn đề sống còn và căn cơ nhất là chúng ta phải tiếp tục thay đổi và hoàn thiện thể chế kinh tế bằng việc xây dựng những nhân tố thị trường đầy đủ hơn. Chúng ta mới chớm chân vào kinh tế thị trường và chưa xây dựng được các nhân tố thị trường nền tảng.

Đất đai là thí dụ. Chúng ta cứ tưởng đất đai là thị trường nhưng thực ra không có thị trường, hay đúng hơn là thị trường đất đai đang rất méo mó do chưa phân tách được quyền sử dụng và quyền sở hữu. Nhìn rộng hơn, việc phân bổ nguồn lực của đất nước thường chỉ theo hành chính, chưa theo thị trường. Theo thị trường là cứ anh nào sử dụng hiệu quả vốn, đất đai, tài nguyên… thì được tiếp cận. Chúng ta có cơ chế này chưa? Chưa.

Hoặc nói đến thị trường lao động. Chúng ta phải hiểu rằng nếu là thị trường thì lao động, kể cả bộ máy công quyền, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân… nếu anh làm tốt thì được sử dụng và đãi ngộ cao; nếu không đáp ứng được yêu cầu thì phải bị sa thải. Nhưng chúng ta nhận vào thì dễ, sa thải lại rất khó.

Từ đó, tôi cho rằng Việt Nam cần phải hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường vì kinh tế thị trường là tinh hoa nhân loại.

. Vậy theo Bộ trưởng, đâu là yếu tố then chốt để đất nước phát triển bền vững?

+ Thể chế và con người là hai nhân tố quyết định cho phát triển đất nước. Phải chọn được những người tài năng, tâm huyết nhất, có trách nhiệm nhất để lãnh đạo đất nước này. Những người như vậy phải được trọng dụng trong tất cả tầng nấc của xã hội.

Nhiều quốc gia không có tài nguyên nhưng họ coi nhân tố con người là năng lượng vô cùng lớn lao để quốc gia đó phát triển và họ đã thành công. Những con người tài năng, tâm huyết, có trách nhiệm chắc chắn sẽ cho ra đời thể chế tốt.

Việt Nam cần phát triển thông qua những thể chế phù hợp nhất với thế giới và điều kiện hoàn cảnh chúng ta, để khơi dậy tất cả tiềm năng thế mạnh của mình, khơi dậy trí tuệ người Việt.

Trách nhiệm với đất nước phải được đặt lên trên

. Bộ trưởng trải qua nhiều chức vụ, có nhiều năm gắn bó với với cộng đồng doanh nghiệp, địa phương... Trong suốt thời gian đó, Bộ trưởng trăn trở điều gì nhất và kỷ niệm nào đáng nhớ nhất?

+ Nhiều kỷ niệm lắm. Tôi làm lãnh đạo sớm, chưa tới 30 tuổi đã lãnh đạo một doanh nghiệp nông nghiệp lớn, sau đó làm lãnh đạo ở nhiều vị trí khác nhau. Kỷ niệm lớn nhất là những năm công tác tại Lào Cai, khi đó tôi dốc toàn bộ sức lực, trí tuệ để cùng với tập thể ở đó đưa một tỉnh bị tàn phá hoàn toàn sau chiến tranh thành điểm sáng ở Tây Bắc.

Tôi cũng xúc động khi trở về thì người dân, doanh nghiệp, cán bộ ở Lào Cai vẫn đón chào tôi như một người yêu quý nhất. Khi làm ở Bộ KH&ĐT cũng vậy, tôi được làm việc với một tập thể rất trí tuệ. Anh em đã đồng lòng, đã sát cánh cùng bộ trưởng để đổi mới.

. Ông là bộ trưởng được báo chí và người dân yêu mến. Nhưng nhiều tư tưởng đột phá mà ông đưa ra trong nhiệm kỳ của mình gặp không ít khó khăn và vẫn còn dang dở?

+ Tôi nghĩ rằng trách nhiệm với đất nước, với dân tộc phải được đặt lên trên lợi ích của bản thân, của ngành mình. Nếu lúc nào cũng nghĩ tới và vun vén cho quyền lợi ngành mình thì khó có thể thực hiện được đổi mới. Tôi luôn tâm niệm như thế.

Không ít vấn đề đổi mới còn dang dở. Có điều đổi mới là việc lâu dài, không thể giải quyết ngay trong một nhiệm kỳ. Tôi không dám chắc nhiệm kỳ sau thế nào, vì không còn làm nữa. Nhưng tôi tin lãnh đạo cấp cao sẽ chọn được những người tiếp tục giương cao ngọn cờ đổi mới.

Tôi hy vọng nhiệm kỳ sau sẽ tiếp tục đổi mới. Còn bây giờ chỉ có một điều chắc chắn là tôi sẽ nghỉ hưu!

. Xin cám ơn Bộ trưởng.

Đáng lẽ ta còn có thể làm tốt hơn thế

Việt Nam đã đi những bước đi rất lớn. Tuy nhiên, đó là chúng ta so với chúng ta, còn so với các quốc gia có cùng điều kiện thì mới thấy ta tụt hậu so với họ. Chúng ta không hài lòng về điều này, vì đáng lẽ ta còn có thể làm tốt hơn thế.

Trong cuộc đua hiện nay, không thể nghĩ là chúng ta đã hơn ta trong quá khứ mà lấy làm bằng lòng. Nhiều nước bên cạnh đang chạy nhanh hơn mình.

Chuẩn bị đêm trước cho một kỷ nguyên mới

 

Trần Văn Thọ


Hiện nay ở Việt Nam đang nói nhiều về một kỷ nguyên mới (1) của đất nước. Đây là một ý tưởng, một quyết tâm mà nhà lãnh đạo cao nhất gần đây đề cập nhiều lần và đang mang đến một hy vọng trong dân chúng. Hy vọng kỷ nguyên mới sẽ là thời đại của một Việt Nam phát triển vượt bậc, trở thành một đất nước giàu mạnh, có vị trí cao trên vũ đài quốc tế. Cái mốc bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội Đảng XIV, dự kiến đầu năm 2026. Nhưng để không khí về một kỷ nguyên mới thật sự sôi nổi, lan tỏa rộng trong dân và biến thành hành động cụ thể, chẳng hạn doanh nghiệp hăng hái chuẩn bị đầu tư, đổi mới sáng tạo, cần thấy một thời khắc chuẩn bị mở màn cho kỷ nguyên mới. Thời khắc đó là "đêm trước" của kỷ nguyên mới. Nếu kỷ nguyên mới bắt đầu vào đầu năm 2026 thì năm 2025 sẽ là đêm trước, lãnh đạo cần sớm đưa ra các cải cách, các chiến lược, chính sách có sức thuyết phục và cho thấy khả năng thực hiện mới tạo ra không khí hồ hởi, phấn chấn, lạc quan, tin tưởng trong dân, từ đó các nguồn lực mới được động viên vào công cuộc xây dựng đất nước, thật sự mở ra một thời đại mới. Cần có những thay đổi lớn nào trong năm 2025 để toàn dân thực sự hy vọng vào một kỷ nguyên mới?

Đêm trước của một kỷ nguyên: Kinh nghiệm Nhật Bản (2)

Trước khi bàn tiếp chuyện Việt Nam ta thử xem kinh nghiệm của Nhật Bản. Nhật Bản có một thời đại phát triển rực rỡ từ giữa thập niên 1950 đến đầu thập niên 1970. Nhiều nhà nghiên cứu gọi thời kỳ đó là một kỷ nguyên phát triển thần kỳ, kinh tế trung bình tăng trưởng 10% mỗi năm và kéo dài tới 18 năm, một hiện tượng xuất hiện lần đầu trong lịch sử thế giới vào thời đó. Kỷ nguyên nầy đã biến Nhật Bản từ nước thu nhập trung bình cao lên một quốc gia có thu nhập cao, một cường quốc công nghiệp vào cuối thập niên 1960. Thử nhìn lại xã hội Nhật Bản vào đêm trước của kỷ nguyên nầy.

Đêm trước đó có thể hình dung bằng một một câu ngắn: người dân tin tưởng vào tương lai của đất nước, ai cũng mơ về một ngày mai tươi sáng và thấy có trách nhiệm để làm cho giấc mơ trở thành hiện thực. Không khí nói chung là như vậy nhưng ai là những người dẫn dắt dư luận để tạo ra niềm tin và thổi vào tâm hồn người dân giấc mơ đó? Đó là lãnh đạo chính trị, là trí thức, là lãnh đạo doanh nghiệp.

Sách trắng kinh tế (bản báo cáo kinh tế thường niên của chính phủ) năm 1956 đưa ra một câu bất hủ, trở thành phương châm lớn cho giai đoạn phát triển tiếp theo và được truyền tụng mãi khi bàn luận về lịch sử Nhật Bản từ khi chấm dứt Thế chiến II: Đã qua rồi thời hậu chiến! Câu này ý nói qua 10 năm hậu chiến Nhật Bản đã phục hồi được kinh tế và những yếu tố phát triển của thời phục hưng kinh tế đã hết, bây giờ phải có tư duy mới, cơ chế mới, bắt đầu một giai đoạn phát triển mới với những yếu tố mới để đưa đất nước đến chân trời mới. Câu nói đã qua rồi thời hậu chiến đã trở thành bất hủ vì nó đi ngay vào lòng người, được cảm nhận rộng rãi giữa các nhà lãnh đạo chính trị, quan chức, doanh nghiệp, trí thức và cả đến nhiều người lao động.

Thế rồi xã hội Nhật dấy lên một không khí bàn luận sôi nổi về khả năng và chiến lược của Nhật Bản trong giai đoạn mới. Lúc này xuất hiện một nhà lãnh đạo chính trị kiệt xuất có hoài bão lớn, có tầm nhìn xa, lắng nghe trí thức và biết kết hợp trí tuệ của trí thức, của chuyên gia. Đó là Ikeda Hayato (1899-1965), lúc đó là Bộ trưởng Tài chánh. Ông tiếp nhận ý tưởng “đã qua rồi thời hậu chiến” và chủ trương phải bắt đầu thời đại phát triển, làm sao để toàn dụng lao động mới cải thiện hẳn cuộc sống của dân chúng. Nhưng ông không rõ tiềm năng của Nhật. Trong lúc suy nghĩ về tương lai đất nước và đọc các ý kiến tranh luận của trí thức về tiềm năng của Nhật, Ikeda chú ý đến ý kiến của giáo sư kinh tế Nakayama Ichiro viết trên một tạp chí về khả năng tăng gấp đôi thu nhập của người dân và ý kiến của nhà kinh tế Shimomura Osamu về hai yếu tố lớn có thể làm Nhật phát triển rất nhanh. Đó là tỉ lệ tiết kiệm đang cao trong dân chúng và sự chênh lệch khá lớn về công nghệ giữa Nhật và các nước Âu Mỹ mà tình hình quốc tế lúc đó rất thuận lợi để Nhật du nhập công nghệ, từng bước rút ngắn khoảng cách với các nước tiên tiến. Hai yếu tố này là tiền đề để tăng tỉ lệ đầu tư, đẩy mạnh tích lũy tư bản trong điều kiện có hiệu quả nhất.

Ikeda đã lấy ý của Nakayama và tham khảo phân tích của Shimomura để lập ra Chiến lược bội tăng thu nhập quốc dân, làm tuyên ngôn chính trị trong cuộc tranh cử đảng trưởng Đảng Tự do Dân chủ. Ông đã thắng cử và trở thành thủ tướng năm 1960 và chiến lược nổi tiếng ấy đã đưa đến sự phát triển ngoài dự tưởng trong thập niên 1960. Các bộ ngành bắt tay ngay vào việc lập các kế hoạch liên quan lãnh vực phụ trách của mình. Chẳng hạn Bộ Công Thương phát biểu các chính sách phát triển công nghiệp, Bộ Giáo dục đặt ra chương trình đào tạo nhân tài, nhất là kỹ sư, để phục vụ chiến lược công nghiệp hoá giai đoạn mới, v,v.. Chiến lược bội tăng thu nhập quốc dân đã làm nức lòng người. Đặc biệt giới doanh nghiệp đã mạnh dạn du nhập công nghệ để đầu tư xây nhà máy mới, sản xuất sản phẩm mới, hoặc đổi mới thiết bị tăng năng suất những sản phẩm đã có. Giấc mơ về một cuộc sống tươi đẹp hơn lại được cổ vũ và tin tưởng ở nhân cách, tầm nhìn và biết trọng người tài của nhà chính trị Ikeda.

Như vậy không ngẫu nhiên mà Nhật có một thời đại phát triển rực rỡ. Đêm trước của thời đại đó đã hội đủ các tiền đề. Quan trọng nhất là lãnh đạo chính trị, lãnh đạo doanh nghiệp và trí thức, những người đi tiên phong trong việc thổi vào xã hội một luồng không khí mới đầy hứa hẹn về tương lai. Trong 3 chủ thể đó, quan trọng nhất là tố chất của lãnh đạo chính trị, những người có hoài bão lớn, biết lắng nghe trí thức và biết được giấc mơ, kỳ vọng thiết thực của người dân. Điểm cốt lõi là nhà lãnh đạo chính trị nhạy bén với khát vọng của dân chúng và đưa ra ý tưởng cho kỷ nguyên mới nhưng dựa vào chuyên gia, trí thức để phác hoạ bằng cơ sở khoa học, có sức thuyết phục nên dân chúng tin tưởng. Với bộ máy công quyền hiệu suất, với đội ngũ quan chức được tuyển chọn và đào tạo nghiêm túc, nên các chiến lược, chính sách được dân chúng tin tưởng là sẽ thực hiện thành công.


Năm 2025: Đêm trước của kỷ nguyên mới ở Việt Nam?


Để có đêm trước của kỷ nguyên mới, mong là năm 2025 cấp lãnh đạo cao nhất sẽ cho ra đời những quyết định, những chính sách, phương châm hợp với mong đợi của toàn dân; cho thấy đó là những thay đổi thực sự và sẽ được thực hiện; từ đó dấy lên một không khí lạc quan, tin tưởng trong dân. Sự lạc quan, tin tưởng sẽ lan toả khắp nơi và từng bước phản ảnh trên hành động của người dân. Doanh nghiệp hăng hái đầu tư, đổi mới công nghệ; quan chức, nhân viên thấy mình có trách nhiệm hơn trong điều hành, quản lý công việc nhà nước; trí thức tích cực tham gia góp ý kiến vào việc hoạch định chiến lược, chính sách, v.v..

Phương châm, quyết định cụ thể nào sẽ đáp ứng mong đợi của người dân và tạo thành đêm trước của kỷ nguyên mới? Theo tôi có mấy lãnh vực sau:

Thứ nhất, việc tinh giản và hiệu suất hoá bộ máy công quyền, kiểm điểm chi tiêu ngân sách để chống lãng phí, dành nguồn lực lớn hơn cho phát triển là phương châm hợp thời, là quyết định đúng đắn mà Tổng Bí thư đưa ra gần đây. Trong năm 2025 cần bắt đầu những bước thực hiện cụ thể với thành quả cụ thể để dân tin tưởng.

Thứ hai, nên định ra một ngày trong năm làm ngày tuyển chọn nhân tài tham gia việc nước. Gần đây các bộ ngành ở Việt Nam đã tổ chức thi tuyển quan chức, công nhân viên cơ quan mình nhưng dân chúng ít được biết đến và có nơi còn thiếu công khai, khách quan, khoa học. Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm những nước có bộ máy công quyền hiệu suất và đội ngũ quan chức tài giỏi như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore,.... Chẳng hạn trường hợp Nhật Bản, Viện Nhân sự là tổ chức chuyên lo việc thi tuyển hằng năm với số lượng cần thiết cho tất cả các bộ ngành. Các bộ ngành cần tuyển cho cơ quan mình phải chọn trong những người đã đỗ trong kỳ thi của Viện Nhân sự. Các môn thi liên quan các tri thức cần thiết cho quan chức ở mọi cơ quan như luật pháp, lịch sử, văn hoá, tiếng Anh, v.v.. Quan chức ở địa phương cũng cần được thi tuyển công khai. Nếu Việt Nam định một ngày trong năm làm ngày thi tuyển quan chức các cấp và tuyên bố từ nay mọi công dân đều có cơ hội tham gia việc nước sẽ dấy lên không khí phấn chấn trong giới trẻ và sự tin tưởng trong dân chúng đối với cơ quan công quyền. Năm 2025 cũng là năm cần có chính sách dứt khoát về việc đãi ngộ xứng đáng cho quan chức. Với niềm tự hào đã vượt qua kỳ thi khó khăn, với sứ mệnh góp phần đưa dất nước vào kỷ nguyên mới, và không phải bận tâm về đời sống, quan chức sẽ giữ phẩm giá và chuyên tâm với công việc. Nạn tham nhũng trên căn bản sẽ được giải quyết.

Thứ ba, năm 2025 sẽ chuẩn bị giàn lãnh đạo mới, cụ thể là chọn ứng cử viên vào Ban chấp hành Trung ương tại Đại hội XIV. Cách làm như từ trước đến nay cho thấy không bảo đảm chọn được những người lãnh đạo xứng đáng. Điều này có thể thấy qua sự kiện mấy năm qua nhiều uỷ viên trung ương bị kỷ luật hoặc bị truy tố. Một số khác dược phân công vào những vị trí không tương xứng với năng lực. Nói chung là cần nhiều dư địa để thay đổi phương thức chọn lựa lãnh đạo cấp uỷ viên trung ương. Chí ít tôi thấy có mấy điểm cần thay đổi, cần cải thiện.

Một là, Đảng có chính sách luân lưu cán bộ đi địa phương để có kinh nghiệm trước khi được bầu vào Ban chấp hành. Chính sách này tốt nhưng ít hiệu quả vì việc thực hiện có vẻ hình thức hơn là thực chất. Nhiều trường hợp cán bộ gửi đi dịa phương chỉ độ 1 năm và không cần có thành tích nổi trội vẫn được xem là đủ tiêu chuẩn kinh nghiệm. Thay vào đó nên cử cán bộ đi địa phương ít nhất 3 năm và nếu không có thành tích cụ thể trong việc phát triển địa phương thì không được tiến cử vào Ban chấp hành Trung ương.

Hai là, quy trình tuyển chọn uỷ viên ban chấp hành nên nhu nhuyến hơn (về tuổi tác, về cơ cấu,...) để không phí nhân tài và chọn đúng người vào các vị trí đặc biệt. Ví dụ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội với tên gọi đó gây ấn tượng đây là một cơ quan uy tín nhất đất nước về học thuật thì người đúng đầu phải là một học giả uyên thâm, có uy tín trên thế giới. Học giả uy tín trong ngành này thường lớn tuổi, nếu câu nệ tuổi tác thì không tìm được nhân tài thích hợp.

Ba là, ứng cử viên ban chấp hành được định theo cơ cấu từng bộ ngành, tỉnh thành, v.v.. thì cũng khó chọn được người tài giỏi. Tôi đã từng kiến nghị với một vị trong tứ trụ là ở Đại hội Đảng nên bầu độ 3/4 số uỷ viên trung ương, và số còn lại nên để Bộ Chính trị bổ nhiệm đặc biệt theo nhu cầu, không xét các yếu tố như tuổi tác, cơ cấu. Nếu Bộ Chính trị phát hiện nhân tài cần cho một vị trí lãnh đạo ở một cơ quan dù đang ở ngoài Đảng cũng nên kết nạp vào Đảng và bổ nhiệm chức uỷ viên trung ương.

Thứ tư, việc chọn những lãnh đạo chủ chốt ở trung ương và địa phương nên theo phương thức cạnh tranh, công khai để dân biết, dân bàn và người muốn được chọn phải nghiên cứu, suy nghĩ, tham khảo tư vấn của chuyên gia về đường lối, chiến lược phát triển và sau khi được chọn sẽ cảm thấy sứ mệnh, trách nhiệm hơn đối với đất nước, với địa phương. Cụ thể, tôi đề nghị ở trung ương, chức vụ thủ tướng rất quan trọng, Bộ Chính trị nên cử hai hoặc ba người ra tranh cử ở Quốc hội, mỗi người phát biểu về tổ chức nội các, công bố chính sách, phương châm hành động, triển khai sáng tạo các đường lối, Nghị quyết của Đại hội Đảng để Việt Nam thực hiện được các ưu tiên hàng đầu của kỷ nguyên mới. Qua truyền hình dân chúng sẽ theo dõi, phản ảnh ý kiến trên các phương tiện truyền thông và Quốc hội sẽ bầu. Thủ tướng cũng cần được trao quyền hạn và trách nhiệm cao hơn hiện nay, nhất là có quyền quyết định đối với các thành viên nội các của mình. Ở các tỉnh thành nên kết hợp bí thư đảng uỷ với chủ tịch uỷ ban nhân dân thành một người để tinh giảm bộ máy. Người đứng đầu tỉnh thành (có thể gọi là tỉnh trưởng, thị trưởng,...) sẽ rất quan trọng và cũng được chọn qua cạnh tranh, công khai như trường hợp thủ tướng. Người đứng dầu tỉnh thành trước mắt sẽ được bầu tại đại hội các thành viên Hội đồng nhân dân, Đảng uỷ và các lãnh đạo các sở, ban, ngành. Việc tổ chức cũng công khai và dân chúng có thể theo dõi qua truyền hình. Năm 2025 nếu Bộ Chính trị đưa ra phương thức mới này tôi tin chắc là dân chúng sẽ rất phấn khởi, tin tưởng.

Thứ năm, về kinh tế, lãnh đạo cần đưa ra một quyết tâm và chính sách cụ thể để doanh nghiệp trong nước phát triển mạnh mẽ, giữ vai trò chủ đạo đưa nên kinh tế vươn lên trong kỷ nguyên mới. Việt Nam đang được thế giới quan tâm là môi trường đầu tư nhiều triển vọng nên đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang và sẽ tăng. Hiện nay chúng ta đang phụ thuộc nhiều vào FDI (hơn 70% xuất khẩu và hơn 50% sản lượng công nghiệp), hơn nữa sự liên kết giữa FDI với doanh nghiệp trong nước lại rất yếu. FDI ít liên doanh với doanh nghiệp trong nước mà phần lớn đầu tư 100% vốn nước ngoài, doanh nghiệp trong nước ít tham gia vào chuỗi cung ứng của FDI, v.v.. làm hạn chế lan toả công nghệ và tri thức kinh doanh từ FDI đến toàn nền kinh tế. Nguyên nhân của tình trạng này là doanh nghiệp trong nước quá yếu. Đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tuy chiếm phần rất lớn trong tổng số doanh nghiệp và trong số lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp nhưng gặp khó khăn trong việc tiếp cận với vốn và mặt bằng để đầu tư vì thủ tục hành chánh nhiêu khê, v.v.. Việt Nam vẫn cần tranh thủ và chọn lựa FDI để phát triển nhanh nhưng đồng thời doanh nghiệp trong nước phải lớn mạnh mới xây dựng được nền kinh tế tự chủ trong kỷ nguyên mới. Năm 2025 lãnh đạo nên đưa ra quyết tâm làm một cuộc cách mạng hành chánh đối với doanh nghiệp, tháo gỡ tất cả các rào cản về thể chế để doanh nghiệp trong nước vươn lên.

Còn một số vấn đề khác ngoài 5 điểm trình bày ở trên nhưng 5 điểm nầy là thiết thực nhất, hợp với mong đợi của toàn dân. Trong năm 2025 nếu lãnh đạo Việt Nam tham khảo ý kiến trong dân, nhất là giới trí thức, và mạnh dạn đưa ra các quyết định cải cách theo hướng thực hiện 5 điểm này tôi tin là sẽ tạo được không khí hồ hởi, phấn chấn trong dân và đêm trước của một kỷ nguyên, của một thời đại mới sẽ bắt đầu đúng dịp tổ chức Đại hội Đảng lần thứ XIV./.

Trần Văn Thọ


Nguồn Bài đã đăng trên số báo xuân 2025 của TheLeader, đây là bản tác giả gửi Diễn Đàn, đầy đủ nội dung hơn. Cụ thể, báo TheLeader không đăng "nửa sau của điểm thứ ba và toàn bộ điểm thứ tư "


Chú thích của Diễn Đàn


(1) Cụm từ "kỷ nguyên mới" có vẻ như đã thịnh hành từ tháng 8.24, khi tân Tổng bí thư của ĐCS Tô Lâm đưa nó ra tại phiên họp của Thường trực tiểu ban Văn kiện Cần thống nhất nhận thức về khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, từ đó có những đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về hình thức và nội dung các văn kiện." (trích theo bài "Nhận thức về kỷ nguyên mới của dân tộc" của hai nhà báo Tư Giang và Lan Anh trên VietnamNet, 23/8/2024). Bạn đọc có thể thấy trên mạng nhiều bài viết về chủ đề này suốt từ mùa thu 2024 tới nay.

(2) Xem thêm bài của cùng tác giả trên mặt báo này : "Đêm trước của một thời đại: Nhật Bản giữa thập niên 1950". "Thời đại" mà tác giả nói đến trong bài là "giai đoạn phát triển thần kỳ 1955-1973", chủ đề của cuốn sách nổi tiếng của ông, được giải sách hay năm 2022: Kinh tế Nhật Bản - Giai đoạn phát triển thần kỳ 1955-1973, đã được giới thiệu trên Diễn Đàn trong bài này.

Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2025

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI

(Chinhphu.vn) - Ngày 15/1, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức thường niên Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI với chủ đề "Làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số Việt Nam bằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam". Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn.

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI- Ảnh 1.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI - Ảnh: TTXVN

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Diễn đàn:

Thưa các trí thức, nhà khoa học, các doanh nhân, bạn bè quốc tế,

Thưa các đại biểu và toàn thể các đồng chí dự hội nghị,

Hôm nay, trong bầu không khí mừng vui và tràn đầy hy vọng của những ngày đầu năm 2025, chúng ta hân hoan chào đón sự kiện đặc biệt: Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI. Đây không chỉ là một sự kiện quan trọng mà còn là dấu mốc khẳng định mạnh mẽ vai trò tiên phong của doanh nghiệp công nghệ số trong sự phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời nâng tầm vị thế Việt Nam trên bản đồ công nghệ số toàn cầu.

Với tất cả niềm tin và hy vọng, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi gửi lời chào nồng nhiệt nhất đến các quý vị đại biểu, các đồng chí và toàn thể cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số có mặt hôm nay. Tôi cũng bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đến những cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp đã miệt mài sáng tạo, chung tay góp sức để làm rạng danh trí tuệ Việt Nam, công nghệ Việt Nam trên trường quốc tế; đánh giá cao Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Diễn đàn ý nghĩa này ngay sau Hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Chúng ta hãy cùng nhau biến Diễn đàn năm nay thành một “Quốc lễ công nghệ số” đầy cảm hứng, mở ra những cơ hội mới, những hướng đi đột phá cho các trí thức, các nhà khoa học, đặc biệt là cộng đồng công nghệ số Việt Nam.

Thưa toàn thể quý vị đại biểu và các đồng chí,

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ số đã và đang khẳng định vai trò động lực chủ chốt, thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội. Chuyển đổi số không chỉ là một xu hướng tất yếu, mà còn là yêu cầu cấp thiết để Việt Nam thu hẹp khoảng cách phát triển với khu vực và thế giới. Điều này không chỉ mở ra cơ hội cải thiện năng suất lao động, mà còn tạo điều kiện để đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi tầng lớp nhân dân.

Đồng thời, chuyển đổi số mang tính chiến lược dài hạn, giúp tăng cường khả năng cạnh tranh quốc gia và củng cố vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế toàn cầu. Bằng cách ứng dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, Internet vạn vật..., chúng ta có thể phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo và xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, bền vững, xã hội số toàn diện, tiên tiến, bản sắc. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu này, cần sự cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ, sự đồng hành của doanh nghiệp, và sự tham gia tích cực từ người lao động và toàn thể người dân.

Qua các báo cáo và đánh giá của các đồng chí, tôi rất vui mừng trước những bước phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ số của Việt Nam thời gian qua. Tổng doanh thu công nghiệp công nghệ số ước đạt 152 tỷ USD vào năm 2024, tăng 35,7% so với năm 2019, minh chứng cho sự tăng trưởng bền vững của ngành và khẳng định vai trò quan trọng của công nghệ số trong nền kinh tế quốc gia. Sự phát triển này không chỉ giúp nâng cao năng lực sản xuất mà còn thúc đẩy đổi mới sáng tạo, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0.

Chúng ta cũng vui mừng khi hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ số đang ngày càng lớn mạnh, với gần 74.000 doanh nghiệp hoạt động, trong đó hết năm 2023 có gần 1.900 doanh nghiệp công nghệ số đã vươn ra thị trường quốc tế, với doanh thu 11,5 tỷ USD, tăng 53% so với năm 2022. Điều này không chỉ cho thấy năng lực và sự sáng tạo của các doanh nghiệp Việt Nam, mà còn chứng minh tiềm năng lớn trong việc mở rộng thị trường, gia tăng giá trị xuất khẩu và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam cũng rất nỗ lực nâng cao chất lượng quản lý hành chính công và đổi mới sáng tạo; xếp hạng 71/193 quốc gia về mức phát triển của Chính phủ điện tử; 44/133 quốc gia về đổi mới sáng tạo toàn cầu.

Có thể nói, ngành công nghiệp công nghệ số của Việt Nam đã trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Lực lượng lao động trong ngành ngày càng đông đảo, đạt hơn 1,67 triệu lao động. Hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ đa dạng, bao gồm phần cứng, điện tử, phần mềm và các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và Internet vạn vật... Những bước tiến này không chỉ giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước mà còn mở rộng cơ hội hợp tác quốc tế, góp phần tích cực vào việc xây dựng nền kinh tế số toàn diện.

Với những thành quả lớn đó, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi ghi nhận, chúc mừng và biểu dương cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam về những nỗ lực không ngừng và những thành tựu đã đạt được. Tôi đánh giá cao sự đóng góp và vai trò của các doanh nghiệp số Việt Nam trong việc tạo ra những sản phẩm, giải pháp đổi mới sáng tạo, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, từ sản xuất đến dịch vụ, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số quốc gia, nâng cao chất lượng tăng trưởng và cải thiện đời sống người dân.

Tôi ghi nhận những nỗ lực của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc phát huy vai trò cơ quan quản lý nhà nước cao nhất về công nghiệp công nghệ số; đã phối hợp chặt chẽ với các bộ như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các ngành và địa phương theo dõi, hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực công nghiệp công nghệ số và doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Những chính sách và chương trình của Bộ không chỉ giúp nâng cao năng lực sản xuất mà còn tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển bền vững và cạnh tranh quốc tế.

Tuy nhiên, với tất cả sự thẳng thắn, cầu thị và lắng nghe, chúng ta thấy vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục để đảm bảo sự phát triển vững mạnh của công nghệ số và doanh nghiệp công nghệ số quốc gia. Một trong những điểm yếu lớn là năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D), hiện vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn lực từ nước ngoài, hạn chế khả năng tự chủ công nghệ của Việt Nam. Bên cạnh đó, khả năng thu hút nhân tài công nghệ cao cũng chưa đủ mạnh, dẫn đến việc thiếu hụt nguồn lực chất lượng, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp. Trình độ công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung còn thấp, chỉ tham gia ở mức rất khiêm tốn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. (Tôi được báo cáo là Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại di động thông minh; đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu linh kiện máy tính; đứng thứ 6 thế giới về xuất khẩu thiết bị máy tính; đứng thứ 7 thế giới về gia công phần mềm, đứng thứ 8 thế giới về thiết bị linh kiện điện tử. Đây là những con số có vẻ ấn tượng, hoành tráng, đáng tự hào, nhưng thử hỏi chúng ta đã bao giờ nhìn sâu vào bản chất những số liệu này chưa? Chúng ta đóng góp được bao nhiêu % giá trị trong đó? Hay là mình đang ở phân khúc thấp nhất của chuỗi giá trị, chủ yếu là gia công cho nước ngoài. Một cái áo bán ra mà thiết kế, vải, nhuộm, chỉ, cúc đều của người khác thì mình được bao nhiêu? Có chăng chỉ là công lao động và sự ô nhiễm môi trường? Số liệu tôi nêu trên được trích dẫn từ báo cáo của Lãnh đạo về thành tích của ngành mình. Tôi cứ tự hỏi đây liệu có phải là “ngộ nhận”, là “tự huyễn hoặc”, là “tự ru mình” không). Nhân đây tôi muốn nói thêm: ngành điện tử, sản xuất điện thoại và linh kiện, khu vực FDI xuất khẩu 100% giá trị điện thoại và linh kiện nhưng nhập đến 89% giá trị linh kiện này. Samsung đầu tư vào Việt Nam từ 2008 đến nay, tại Thái Nguyên có 60 doanh nghiệp đối tác cấp I cung ứng cho Samsung thì tới 55 doanh nghiệp nước ngoài; tại Bắc Ninh có 176 đối tác cấp I, thì có tới 164 doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp trong nước chủ yếu cung cấp dịch vụ an ninh, suất ăn công nghiệp, xử lý rác thải,... Tôi muốn nêu rõ những bất cập này để chúng ta nhìn thẳng vào sự thật rằng doanh nghiệp của chúng ta đang đứng ở đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu cũng như trong năng lực cạnh tranh quốc tế để mà cố gắng.

Trong thực tế, sự đóng góp của khu vực FDI đối với việc nâng cao tiến bộ khoa học nội địa còn thấp; trên 80% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ trung bình; 14% sử dụng công nghệ lạc hậu, khoảng 5% sử dụng công nghệ cao. Sắp tới đây chúng ta phải thu hút FDI có chọn lọc tốt hơn. Đừng để Việt Nam trở thành cứ điểm “lắp ráp - gia công”, là bãi rác về công nghệ của thế giới, trong khi doanh nghiệp trong nước không học hỏi được gì.

Việc phát triển công nghệ số vẫn còn diễn ra không đồng đều giữa các vùng, miền, với một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng và triển khai công nghệ, tạo ra khoảng cách lớn trong việc tiếp cận và sử dụng công nghệ số. Hạ tầng số cũng là một thách thức lớn, khi nhiều khu vực vẫn chưa được đầu tư đầy đủ vào công nghệ hiện đại, ảnh hưởng đến khả năng kết nối toàn quốc và sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp công nghệ số. Đây là những vấn đề cần được giải quyết một cách đồng bộ để Việt Nam có thể tận dụng tốt tiềm năng của công nghệ số và doanh nghiệp công nghệ số.

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI- Ảnh 2.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Đây là thời điểm chín muồi để các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đoàn kết, chung sức xây dựng một tương lai vững bền cho ngành công nghệ số nước nhà - Ảnh: TTXVN

Thưa quý vị đại biểu và các đồng chí,

Trên tinh thần của Nghị quyết số 57, được ví như với “Khoán 10” trong nông nghiệp, tôi rất muốn sẽ nhận được các báo cáo là trí tuệ Việt Nam, công nghệ số Việt Nam đóng góp bao nhiêu phần trăm đối với các sản phẩm của ngành công nghệ số, đóng góp bao nhiêu phần trăm để giúp các sản phẩm đó thông minh hơn, hiệu năng hơn, thẩm mỹ hơn, được người tiêu dùng đón nhận nhiều hơn, những cái tên Việt Nam nào được vinh danh trong các phát minh, sáng kiến... Vì vậy, tôi gợi mở một số nhiệm vụ trọng tâm đối với ngành và doanh nghiệp công nghệ số của chúng ta trong giai đoạn tới như sau:

Thứ nhất là phải nỗ lực tự cường, tự chủ công nghệ và phát triển công nghệ chiến lược, công nghệ lõi, đây là căn cơ để xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ. Chúng ta phải đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), đặc biệt là các công nghệ chiến lược như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud Computing), chuỗi khối (Blockchain), công nghệ nano, và thông tin di động 5G, 6G... công nghệ vũ trụ, không gian... Tập trung vào việc làm chủ và ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến của thế giới để tạo ra sự tự chủ về công nghệ và từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thứ hai là tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ số: Hạ tầng số sẽ đóng vai trò cốt lõi trong việc thúc đẩy sự phát triển công nghiệp công nghệ số. Chính phủ cần đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng công nghệ hiện đại, có dung lượng lớn, băng thông rộng, đồng bộ và phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế để tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối toàn quốc và phát triển kinh tế số.

Thứ ba là khơi nguồn nhân tài và thu hút chuyên gia công nghệ cao: Cần tăng cường chính sách thu hút nhân tài công nghệ cao, xây dựng môi trường làm việc hấp dẫn, hỗ trợ nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực nội địa và tạo ra các doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu quốc tế.

Thứ tư là xây dựng hệ sinh thái công nghệ số bền vững: Đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái công nghệ số với sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức hỗ trợ. Thúc đẩy sáng kiến hợp tác công-tư, thu hút nguồn lực từ các doanh nghiệp, quỹ đầu tư, và các tổ chức quốc tế để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ công nghệ số đa dạng, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Thứ năm là phát triển kinh tế số và xã hội số: Từng bước hình thành và phát triển các lĩnh vực kinh tế số như Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ số phát triển các giải pháp công nghệ ứng dụng vào quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng dịch vụ công, thúc đẩy giao dịch điện tử, và tăng cường khả năng tiếp cận công nghệ thông tin cho người dân.

Thứ sáu là nâng cao năng lực và vị thế cạnh tranh toàn cầu: Chúng ta cần phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới. Đến năm 2030, đưa Việt Nam vào Top 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển công nghệ số, đồng thời tạo ra ít nhất 5 doanh nghiệp công nghệ số lớn có khả năng cạnh tranh quốc tế. Tôi đề nghị mỗi doanh nghiệp công nghệ số của chúng ta phải tự đặt ra cho mình mục tiêu phát triển cao, đầy khát vọng và không ngừng nâng cao chất lượng nhân lực cả về số lượng và chất lượng.

Thứ bảy là thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế: Chúng ta phải biết cách "đứng trên vai của những người khổng lồ", muốn vậy phải tăng cường hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới, thu hút thêm các tổ chức nghiên cứu và sản xuất công nghệ số vào Việt Nam. Đồng thời, tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và đưa các sản phẩm công nghệ số của mình ra thị trường quốc tế.

Đối với các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, chúng ta cần có sự đồng lòng, quyết tâm, và khát vọng mạnh mẽ hơn nữa. Chúng ta cần nhìn thấy đây không chỉ là cơ hội, mà là trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp trong việc góp phần hiện thực hóa những mục tiêu lớn lao mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra trong Nghị quyết số 57. Hãy biến khát vọng dẫn đầu thành hành động cụ thể. Mỗi doanh nghiệp công nghệ số cần dấn thân vào những lĩnh vực công nghệ tiên phong, đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển, chủ động tiếp cận công nghệ mới, và không ngừng đổi mới sáng tạo. Các doanh nghiệp số cần tập trung xây dựng các sản phẩm, dịch vụ mang tính đột phá, tạo ra giá trị thực sự phục vụ lợi ích của người dân và của nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.

Hãy hợp tác và liên kết với các đối tác trong và ngoài nước để cùng tạo nên một hệ sinh thái công nghệ bền vững. Đây là thời cơ vàng để chúng ta thực sự khẳng định năng lực cạnh tranh của mình trên trường quốc tế, trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi công nghiệp công nghệ số hàng đầu của khu vực Đông Nam Á và thế giới. Hãy không ngừng vượt qua giới hạn của bản thân, vượt qua những thách thức, và cùng nhau biến những khó khăn thành động lực để vươn xa. Chúng ta có những điều kiện thuận lợi, nguồn lực sẵn có, và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Đảng, Nhà nước và các cơ quan quản lý và bạn bè quốc tế, sự ủng hộ của nhân dân.

Đây là thời điểm chín muồi để các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đoàn kết, chung sức xây dựng một tương lai vững bền cho ngành công nghệ số nước nhà. Đây không chỉ là sứ mệnh cao cả, mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp khẳng định mình, đưa các sản phẩm, dịch vụ "Make in Vietnam" vươn xa. Hãy tận dụng thế mạnh về trí tuệ, nguồn nhân lực, và tinh thần khởi nghiệp sáng tạo cùng hào khí Việt Nam để góp phần đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.

Đối với Bộ Thông tin và Truyền thông, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước hàng đầu về công nghiệp công nghệ số, có trách nhiệm dẫn dắt và định hướng phát triển, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ số phát triển mạnh mẽ. Cần khắc phục những hạn chế, bất cập, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương để xây dựng chính sách, thúc đẩy ứng dụng công nghệ tiên tiến, đồng thời hoàn thiện hạ tầng số, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghệ số Việt Nam. Bên cạnh đó, cần tập trung vào việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, khuyến khích nghiên cứu phát triển, và xây dựng hệ sinh thái công nghệ bền vững, Ban Kinh tế Trung ương và các bộ, ngành, địa phương luôn đồng hành với nhau để cùng phát triển.

Tôi hoan nghênh sáng kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông và sự tham gia của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trong việc giao và nhận thực hiện các nhiệm vụ để triển khai Nghị quyết 57 về làm chủ công nghệ chiến lược, công nghệ số và nhận các nhiệm vụ lớn của Quốc gia. Tôi tin tưởng và hy vọng rằng Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ góp phần hiện thực hóa những mục tiêu lớn lao, giúp đất nước phát triển bền vững, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, và nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới.

Tôi cũng rất cảm ơn những ý kiến phát biểu của Ngài Thứ trưởng Bộ Công nghệ thông tin và Truyền thông Hàn Quốc. Cảm ơn sự hợp tác của Hàn Quốc đối với Việt Nam trên lĩnh vực này. Cảm ơn sự có mặt của các doanh nghiệp hàng đầu thế giới của Hàn Quốc đã có mặt ở Việt Nam như Samsung, LG... Cách đây 2 ngày, tôi mới đến thăm tập đoàn Amkor Technology, một công ty mới đầu tư tại Việt Nam nhưng rất thành công. Đây là tập đoàn hàng đầu thế giới về sản xuất chip bán dẫn, dưới sự lãnh đạo nguyên là Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc. Rất cảm ơn các kinh nghiệm của Hàn Quốc. Chúng tôi đã chậm về công nghiệp, chậm về công nghệ thông tin nên chúng tôi muốn phát triển nhất, muốn đi đầu về trí tuệ nhân tạo. Chúng tôi đi sau, chúng tôi có quyền đi tắt đón đầu, tập trung vào những lĩnh vực mũi nhọn như vậy sẽ rất thuận lợi, tránh tốn kém. Chúng tôi có sự đồng tình của hơn 100 triệu dân và có sự hợp tác của bạn bè quốc tế, chúng tôi sẽ thành công.

Nhân dịp năm mới, tôi xin gửi lời chúc mừng năm mới an khang, thịnh vượng đến quý vị đại biểu, cộng đồng doanh nghiệp và các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Chúc các bạn bước sang năm mới với đầy nhiệt huyết, sáng tạo và năng lượng để tiếp tục nỗ lực, vượt qua thử thách và khai thác những cơ hội mới. Hy vọng rằng trong năm mới, các doanh nghiệp công nghệ số sẽ không ngừng đổi mới, vươn xa ra thị trường quốc tế, và góp phần vào sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ nước nhà.

Chúc các bạn một năm mới thành công rực rỡ, gặt hái nhiều thắng lợi mới!

Xin trân trọng cảm ơn!

Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2025

Tư liệu lịch sử 40 năm Hải chiến Hoàng sa - Kỳ 2: Tăng viện, tái chiếm đảo

 “Sáng 18-1-1974, tình hình Hoàng Sa nóng như thùng thuốc nổ. Chiến hạm TQ được điều đến thêm. Chiến hạm VN từ Đà Nẵng lao ra.


 


Chiến hạm HQ-16 Lý Thường Kiệt - Ảnh: tư liệu.


Mọi người trên tàu đều sẵn sàng ở nhiệm sở chiến đấu. Binh sĩ các khẩu đội pháo phải ăn cơm tại chỗ. Đi vệ sinh cũng chỉ từng người để có thể tác xạ lập tức” - 40 năm đã trôi qua, cựu thượng sĩ Trần Dục, quản trưởng khu trục hạm HQ-4 Trần Khánh Dư, vẫn không kìm được sự xúc động khi nhắc lại khoảnh khắc ấy.

Tăng viện

Trước diễn biến Trung Quốc điều thêm chiến hạm cao tốc, Bộ tư lệnh hải quân VN cộng hòa đã tăng cường khẩn cấp hộ tống hạm Nhật Tảo HQ-10 và tuần dương hạm Trần Bình Trọng HQ-5.

Tối 17-1, tàu HQ-10 khởi hành trước, sau đó HQ-5 cũng từ Đà Nẵng quay mũi tàu hướng ra Hoàng Sa. Khoảng 3g15 ngày 18-1, hai chiến hạm gặp nhau ở tọa độ cách hải đăng Tiên Sa khoảng 8 hải lý về hướng đông. Trung tá Phạm Trọng Quỳnh là hạm trưởng tuần dương hạm HQ-5. Trên tàu còn có mặt đại tá Hà Văn Ngạc, hải đội trưởng hải đội 3 tuần duyên, nên HQ-5 là soái hạm, và đại tá Ngạc là quyền chỉ huy cao nhất. Tàu này cũng chở thêm biệt đội hải kích 49 người của đại úy Trần Cao Sạ chỉ huy. Tàu HQ-10 do thiếu tá Ngụy Văn Thà làm hạm trưởng.

Trong bốn chiếc, hộ tống hạm Nhật Tảo yếu nhất. Thủy thủ cơ khí Trần Văn Hà, nhân chứng trở về sau trận hải chiến, hiện sống ở Bạc Liêu, kể: “Chiến hạm Nhật Tảo đã kết thúc chuyến tuần tra vùng 1, vào cảng Tiên Sa để chuẩn bị sửa chữa lớn, nhưng vì nhiệm vụ Hoàng Sa nên lại quay mũi ra biển. Mọi người vừa lên bờ chưa kịp ăn xong bữa cơm lại có lệnh đi ngay. Có người về trễ, nhảy với theo tàu, bị rớt xuống nước phải kéo lên”.

Hành quân ra Hoàng Sa, soái hạm HQ-5 Trần Bình Trọng không thể giảm tốc độ chờ HQ-10 Nhật Tảo nên một mình tiến lên trước. Khoảng 15 giờ ngày 18-1, HQ-5 đã vào khu vực quần đảo Hoàng Sa, nhập chung đội hình tác chiến với HQ-4 và HQ-16 đang đối đầu với lực lượng Trung Quốc. Trong hồi ký Tường thuật hải chiến Hoàng Sa được viết lại vào năm 1999, đại tá Hà Văn Ngạc kể: soái hạm HQ-5 đến lòng chảo Hoàng Sa đã thấy lực lượng biệt hải đổ bộ trên tàu HQ-4 và HQ-16 đang kiên cường trấn giữ các đảo Hữu Nhật, Quang Ảnh, Duy Mộng. Phía đảo Quang Hòa, tàu TQ đang lờn vờn bên ngoài.

Căng thẳng trước ngày N

Đại tá Ngạc quyết định lực lượng hải quân VN sẽ phô trương uy lực, bố trí đội hình tiến thẳng theo hàng dọc. Ông Ngạc viết: “Bốn chiến hạm (theo các ghi chép thì nửa đêm 18-1 HQ-10 mới tới do máy phụ đã hư) đều tập trung trong vùng lòng chảo quần đảo Hoàng Sa và hải đoàn đặc nhiệm đã hình thành. Nhóm chiến binh của HQ-4 và HQ-16 đã đổ bộ và trương quốc kỳ VN trên các đảo Hữu Nhật (Robert) do trung úy Lê Văn Dũng chỉ huy, đảo Quang Ảnh (Money) do trung úy Lâm Trí Liêm chỉ huy và Duy Mộng (Drummond) từ mấy ngày qua vẫn giữ nguyên vị trí. Sau khi quan sát các chiến hạm của TQ lởn vởn phía bắc đảo Quang Hòa (Duncan), tôi quyết định hải đoàn sẽ phô trương lực lượng tiến về đảo Quang Hòa. Bốn chiến hạm hàng dọc tiến về đảo Quang Hòa, nơi các chiến hạm TQ đang tập trung”.

Ông Ngạc viết tiếp: “Chừng nửa giờ thì hai chiến hạm TQ loại Kronstadt mang số hiệu 271 và 274 phản ứng bằng cách chặn trước hướng đi của hải đoàn. Hai chiến hạm nhỏ hơn số hiệu 389 và 396 cùng hai ngư thuyền ngụy trang 402, 407 vẫn nằm sát đảo Quang Hòa. Chiếc 271 liên lạc bằng quang hiệu và HQ-5 nhận công điện bằng Anh ngữ: “These islands belong to the People Republic of China...”. Tôi cho gửi ngay một công điện khái quát như sau: “Please leave our territorial water immediately”.

Thượng sĩ giám lộ Lữ Công Bảy (hiện sống tại TP.HCM) kể: “8 giờ sáng, HQ-4 được lệnh đổ bộ trung đội biệt hải lên đảo Hữu Nhật và cũng phát hiện những ngôi mộ giả như ở đảo Quang Ảnh”. Toán đổ bộ, sau khi hạ cờ TQ cắm cờ VN, đã tìm địa thế thích hợp để phòng thủ”. Đến 11 giờ, đài khí tượng và quân đồn trú đảo Hoàng Sa báo cáo có hai tàu đánh cá vũ trang mang cờ TQ xâm nhập và tiến đến gần đảo Hoàng Sa.

HQ-4 và HQ-16 được lệnh tiến về đảo Hoàng Sa. Khi đến gần tàu đánh cá vũ trang, HQ-4 dùng tín hiệu cảnh cáo và đuổi đi, nhưng cả hai cố tình khiêu khích. HQ-4 tiến thẳng đến một tàu.

Thượng sĩ Lữ Công Bảy cho biết: “Thấy trên tàu có khoảng 30 thuyền viên mặc đồng phục màu xanh dương đậm, trang bị hai thượng liên và rất nhiều AK47. Khu trục hạm HQ-4 quyết định áp sát để đuổi. Hai bên đánh... võ mồm nhưng không tác dụng. HQ-4 lùi ra dùng mũi tàu ủi thẳng tàu TQ. Mũi HQ-4 và neo vướng vào cửa và hành lang phòng lái làm gãy hành lang và cong cửa phòng lái của tàu TQ. HQ-16 cũng quyết liệt như vậy.

Trước thái độ cương quyết của hải quân VN, tàu TQ vội vàng tháo lui. Đêm 18 rạng 19-1, tàu cá vũ trang TQ vẫn tiếp tục tiến gần đảo Hoàng Sa và khiêu khích. HQ-4 phải dùng kèn hơi thật lớn và đèn hồ quang rọi thẳng vào đội hình, tàu TQ mới rút.

Ông Đào Dân nhớ lại: “Buổi tối chỉ có HQ-16 giữa lòng chảo các đảo với quân số hơn 100 người. HQ-4 và HQ-5 trở về phía nam đảo Quang Hòa và Duy Mộng. Khoảng 10 giờ tối, HQ-10 mới tới nhập với HQ-16 trở thành phân đội 1 do trung tá Lê Văn Thự, hạm trưởng HQ-16, chỉ huy”.

Ông Trương Văn Liêm, sĩ quan phụ tá hạm phó HQ-5, nhớ lại: 1g45, tất cả sĩ quan đều có mặt. Hạm trưởng ra lệnh: “Chỉ thị đổ bộ vào sáng sớm, tất cả phải sẵn sàng ở nhiệm sở tác chiến toàn diện lúc 4 giờ sáng”.

Đại tá Hà Văn Ngạc đã gửi một công điện thượng khẩn đến các hạm trưởng vào lúc 11g30 đêm 18-1-1974:

- Nhiệm vụ: Hành quân thủy bộ cấp tốc chiếm lại đảo Quang Hòa.

- Thi hành: Đường lối ôn hòa, nếu địch khai hỏa kháng cự thì tập trung hỏa lực tiêu diệt địch.

- Kế hoạch: Hai chiến hạm HQ-4 và HQ-16 có nhiệm vụ yểm trợ lực lượng đổ bộ bằng cách bám sát hai chiến hạm Kronstadt 271 và 274. Nếu địch khai hỏa thì hai chiến hạm này sẽ nổ súng tiêu diệt. HQ-4 đổ bộ biệt hải từ phía tây đảo Quang Hòa và yểm trợ hải pháo cho lực lượng đổ bộ. Chiến hạm này cũng canh chừng các tàu nhỏ và tàu giả trang đánh cá Trung Quốc.

- Ngày N là ngày 19-1, giờ H là 6 giờ sáng.

- Quy luật khai hỏa được căn cứ trên hai trường hợp: Nếu địch khai hỏa trước sẽ phản ứng bằng hỏa lực cơ hữu tiêu diệt càng nhiều càng tốt, ưu tiên hỏa lực vào các chiến hạm quan trọng như Kronstadt hoặc các tàu lớn. Nếu địch tỏ vẻ ôn hòa, sẽ dè dặt và cảnh giác tối đa với phản ứng ôn hòa tương ứng, đồng thời tiến hành nhiệm vụ tái chiếm đảo Quang Hòa bằng thương lượng, sau đó cắm quốc kỳ lên đảo...

Tình hình Hoàng Sa được tư lệnh hải quân vùng 1 duyên hải Hồ Văn Kỳ Thoại báo cáo khẩn cho tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nhân chuyến kinh lý miền Trung. Ông Thoại kể: “Sau khi nghe tôi trình bày, tổng thống Thiệu lấy bút giấy ra viết liên tục trong khoảng 15 phút. Sau khi viết xong, ông gọi tôi đến ngay trước mặt ông và yêu cầu tôi đọc mấy trang giấy đó. Tổng thống Thiệu nói: “Anh Thoại đến đây và đọc trước mặt tôi đây, có gì không rõ ràng cho tôi biết ngay từ bây giờ”. Trên đầu trang giấy có mấy chữ “chỉ thị cho tư lệnh hải quân vùng 1 duyên hải”. Sau khi trao thủ bút cho tôi, tổng thống Thiệu hỏi các vị tướng lãnh bộ binh hiện diện có ý kiến gì không. Không ai trả lời. Ông nói tiếp: “Chúng ta không để mất một tấc đất nào cả”.

Chỉ thị này ghi rõ: “Tìm đủ mọi cách ôn hòa mời các chiến hạm đối phương ra khỏi lãnh hải VN. Nếu họ không thi hành thì được nổ súng cảnh cáo trước mũi các chiến hạm này và nếu họ ngoan cố thì toàn quyền sử dụng vũ khí để bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ VN”. Phần sau, yêu cầu thủ tướng chính phủ “dùng mọi phương tiện để phản đối với quốc tế về sự xâm phạm lãnh hải VN”. Đồng thời yêu cầu “thủ tướng Khiêm và các đại sứ VN tại các quốc gia trên thế giới phải lên tiếng và trình bày rõ ràng về chủ quyền trên các hải đảo Hoàng Sa là thuộc chính phủ VNCH”.

 




Kỳ tới:Đổ bộ đảo Quang Hòa
QUỐC VIỆT - TRẦN NHẬT VY
    Nguồn: TTO