Tôi sinh ra ở nông thôn miền Trung, một trong những vùng nghèo của đất nước. Thời tôi còn nhỏ, thập niên 1950 và 1960, cha mẹ, bà con và hàng xóm ai cũng đầu tắt mặt tối, vất vả ngoài đồng ruộng. Mùa đông gió rét mặc không đủ ấm, mùa hè nóng không ngủ được. Qua sách vở, tôi cũng thấy những hình ảnh đó ở hầu hết các vùng khác của đất nước.
Từ nhỏ, tôi biết nhiều nhạc khúc ca tụng đồng quê, nhưng phần lớn nói lên cuộc sống nghèo khó của người dân Việt Nam. Những ca khúc như Nắng lên xóm nghèo, Quê nghèo, Tình nghèo, v.v. đều phản ánh tình trạng đó. Tôi luôn mong đất nước sẽ phát triển, người dân được sống ấm no, hạnh phúc. Tôi nghĩ mong ước đó cũng thể hiện lòng yêu quê hương đất nước một cách cụ thể. Thời trung học, đọc tiểu thuyết Đoạn tuyệt của Nhất Linh, qua suy nghĩ của nhân vật Dũng, tôi bắt gặp một định nghĩa về lòng yêu nước rất phù hợp với mục tiêu phát triển cần có của Việt Nam lúc ấy: “Chiều hôm ấy, Dũng như cảm thấy tâm hồn của đất nước, mà biểu hiện cho đất nước ấy không phải là những bậc vua chúa danh nhân, chính là đám dân hèn không tên không tuổi. Dân là nước. Yêu nước chính là yêu chung đám thường dân, nghĩ đến sự đau khổ của đám thường dân”. Đây là định nghĩa về lòng yêu nước rất hay, rất thiết thực, in sâu vào tâm trí tôi, cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ gần như nguyên văn.
—Trần Văn Thọ
Trần Văn Thọ tại một buổi họp mặt ăn tối và làm văn nghệ tại TP Hồ Chí Minh
Sau hơn mười ngày giới thiệu tác phẩm Hồi ức đến Tương lai, tác giả Trần Văn Thọ đã gặt hái liên tiếp những thành công nức lòng có lẽ ngoài sức tưởng tượng. Cộng đồng cảm thấy một luồng gió mới thổi qua Việt Nam. Chỉ trong hai tuần, sách anh đã bán hết. Nhiều tờ báo đưa tin rất tích cực và có những bài điểm sách rất hay.
Một sự tình cờ hay hẹn hò âm thầm từ lâu của người thành phố đối với anh Thọ? Phải chăng họ chờ đợi những “tráng sĩ” thời đại mới của khoa học, kinh tế, văn hóa trở về tiếp sức? Phải chăng họ đã nhìn Trần Văn Thọ như một mẫu người như thế? Anh đi du học từ miền Nam vào những năm cuối của thập niên 1960 thuộc thế hệ đầu tiên. Sau nửa thế kỷ anh “trở về” với bản sắc vẫn rất Việt Nam, càng Việt Nam hơn, càng yêu nước nồng nàn hơn, nhưng không phải sự trở về với cánh đồng, con trâu và cái cày của Phạm Duy, mà với quyển sách, biểu tượng của tri thức mà anh đã tích lũy nửa thế kỷ qua tại nước người với định hướng cho Việt Nam.
Quyển sách của anh là một tác phẩm khai sáng và của lòng yêu nước, cho thấy người Việt Nam có thể sống thế nào để bản sắc văn hóa không bị lu mờ ở xứ người. Lòng tự trọng có lẽ đã đánh thức cuộc sống nội tâm và ý chí vươn lên học hỏi, như lớp sinh viên Nhật Bản Minh Trị. Học hỏi ngành chuyên môn cho đất nước, và văn hóa nước sở tại để làm phong phú thêm văn hóa của mình. Trần Văn Thọ bảo anh “Có hai quê để về”. Tôi nghĩ nhiều hơn. Anh cũng là “sản phẩm của hai nền văn hóa Việt-Nhật” trong sự hài hòa, nói như nhà vật lý Mỹ-Trung giải Nobel Dương Chấn Ninh (C. N. Yang) nói.
Cụ Phan Châu Trinh từng trách nghiêm khắc khi ông nói: “Hay là người mình như kẻ đã hư phổi rồi, cho nên một nơi có thanh khí như nước Nhật mà cũng không thở nổi chăng?” Sau chuyến thăm Nhật Bản đầu thế kỷ XX, cụ Phan kêu gọi người Việt hay nhanh chóng thay đổi văn hóa để phát triển như người Nhật. Ông nhìn thấy sự chênh lệch quá lớn. Nay hậu duệ Trần Văn Thọ cho thấy, có một người Việt Nam đã biết sống khác, và hít thở khí trời trong lành của Nhật Bản để làm giàu cho văn hóa và tri thức khoa học của mình, một người Việt Nam đạt tới status của giới tinh hoa Nhật Bản về nghiên cứu kinh tế và lúc nào cũng đau đáu với vận mệnh của đất nước. Anh xuất bản nhiều sách kinh tế, viết bài cho nhiều báo, góp ý cho nhà nước đều đặn ngay từ thời khó khăn của Đổi mới. Trong Trần Văn Thọ tôi thấy bóng dáng của một Phan Châu Trinh trẻ tuổi đã kiên trì truyền bá khai sáng, “khai dân trí, chấn dân khí” nhiều thập niên liền. Chúng ta thua người Nhật Minh Trị về nhiều mặt, trong đó quan trọng nhất là thiếu một tầng lớp trí thức khai sáng có lý tưởng yêu nước nồng nàn, giàu trí tuệ, nhận ra vấn đề ở tầm vóc thế giới và nhìn thấy con đường tất yếu phải đi, như Trần Văn Thọ hôm nay.
“Thế là tôi suy nghĩ về những điều kiện sâu xa hơn, cơ bản hơn của phát triển, những điều kiện thuộc phạm trù văn hóa, tình tự, khát vọng, hoài bão. Nghiên cứu trường hợp Nhật Bản, tôi rút ra một khái niệm tổng hợp nhất: năng lực xã hội. Năng lực xã hội là năng lực và tố chất của các nhân tố cấu thành xã hội, cụ thể là chính trị gia, quan chức, lãnh đạo kinh doanh, trí thức và tầng lớp lao động. Mỗi nhân tố này phải có những tố chất nào để thúc đẩy kinh tế phát triển. Dĩ nhiên, tố chất quan trọng của chính trị gia là năng lực lãnh đạo, của quan chức là năng lực quản lý hành chính, của giới kinh doanh là tinh thần doanh nghiệp. Nhưng trong trường hợp Nhật Bản, không phải chỉ có các tố chất đó. Tôi nghiệm thấy rằng tố chất chung nhất của chính trị gia, của quan chức, của nhà kinh doanh Nhật Bản là lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc và phải là những người có văn hóa, có giáo dưỡng (nghiêng được thêm vào). Tố chất này biểu hiện rất rõ qua những câu chuyện về lãnh đạo chính trị, quan chức, và những nhà kinh doanh tiêu biểu thời Minh Trị, cũng như thời phục hưng hậu chiến và khởi đầu giai đoạn phát triển thần kỳ 1955-1973.
— Trần Văn Thọ
Nhật Bản là đất nước từng sớm chọn Văn minh-Khai sáng (Bunmei-Kaika) làm khẩu hiệu của đổi mới, của khát vọng thực hiện “Khoa học phương Tây, Đạo đức phương Đông”, đẩy mạnh ngay công nghiệp hóa, để bắt kịp phương Tây, điều mà thế hệ của cụ Phan Châu Trinh đã từng mơ ước. Họ từng có một văn hóa đọc và giáo dục nổi tiếng thuộc hàng đầu thế giới, cũng như nghệ thuật rất phát triển trong thời Edo (1615-1868) với vô số tác phẩm hội họa nổi tiếng, như tấm bình phong hoa Diên Vĩ của Ogata Kōrin, tấm bình phong Một trăm chàng trai trẻ của nghệ nhân Kano Einō, hoặc Phong cảnh dưới ánh trăng của Kanō Tan’yū, Bộ mười hai tập “Truyện tranh cuộn Yamanaka Tokiwa” của nghệ sỹ Iwasa Matabei, Ba mươi sáu cảnh núi Phú Sĩ của Katsushika Hokusai, Các tuyệt tác của Utagawa Hiroshige như Cơn mưa bất chợt trên cầu, Tuyết buổi tối ở Kanbara từ loạt tranh “Năm mươi ba chặn của (con đường) Tōkaidō”, vân vân. Tất cả đều cực kỳ sáng tạo và lôi cuốn. Nghệ thuật thời Edo của một Nhật Bản tỏa quốc, yên bình, với kinh tế, văn hóa thành thị, giáo dục, nghệ thuật đều đồng loạt phát triển, là một kỳ quan. Thời gian đóng kín cửa 250 năm cũng là thời gian bừng dậy sức sống sáng tạo mãnh liệt nhất của dân tộc Nhật. Từ đó chúng ta dễ hiểu sức sống mãnh liệt của giai đoạn Minh Trị khi đất nước mở cửa phát triển toàn diện trện tất cả các lãnh vực khoa học, công nghệ, sản xuất, kinh tế, văn hóa. (Xem bài Nghệ thuật thời kỳ Edo (1615-1868) và bài Tại sao người Nhật mê đọc sách?)
Thời đổi mới Minh Trị, người Nhật từng có tham vọng lớn bắt kịp nền văn hóa phương Tây “tạo dựng sự hài hoà của hai nền văn hoá này và nâng cao nền văn minh phương Đông lên tầm cao của nền văn hoá phương Tây để cho hai nền văn hoá cùng tồn tại trong hài hoà” như nhà sáng lập Đại học Waseda Ōkuma Shigenobu tuyên bố, trường mà Trần Văn Thọ đã nghiên cứu và giảng dạy nhiều thập kỷ. Sự thật họ đã thực hiện được những điều kỳ diệu đó. Lịch sử của Nhật Bản là một chuỗi những thành tựu kỳ diệu. Trần Văn Thọ là người đã trưởng thành trong nền văn hóa sáng tạo của Nhật Bản, và tiếng nói của anh có ẩn chứa di sản đó.
Xin xem Phần 1: Hồi ức về Tương lai (Trần Văn Thọ. Phần 1)
Giao lưu và giới thiệu sách tại Đại học Văn Lang sáng thứ Năm, ngày 5 tháng 6, 2025.
Toàn cảnh buổi giới thiệu sách
Clip của Đại học Văn Lang giới thiệu sách Hồi ức đến Tương lai.
Tôi ao ước hàng triệu người Việt đang làm ăn nhỏ trên đường phố, các shopkeepers, số phận bấp bênh, hãy đọc Hồi Ức Đến Tương Lai của Trần Văn Thọ để tâm hồn ươm mầm hy vọng rằng có một lối thoát nghèo bằng tri thức kinh tế, khoa học, công nghệ, để tiến lên “dân giàu nước mạnh, dân chủ, văn minh”, là điều hoàn toàn có thể đạt được, để tìm lại con người thiên phú, sống đúng theo calling của mình. Trời không sinh ai trên, ai dưới, như nhà khai sáng Fukuzawa Yukichi một thế kỷ rưỡi trước tuyên bố như một khẳng định sự bình đẳng và quyết tâm của dân tộc Nhật. Số mệnh con người hoàn toàn do chính con người định đoạt, bằng ý chí, bằng con đường học hỏi, làm giàu tri thức và đức hạnh. Không định mệnh nào bắt chúng ta phải lạc hậu, nghèo nàn mãi nếu chúng ta không muốn. Họ sẽ thấy giá trị lao động của họ, gdp của họ lớn hơn nhiều không phải nhỏ bé như hôm nay. Họ sẽ thấy bầu trời mở rộng ra nhiều, không chật hẹp như hôm nay. Và kèm theo đó, cơ hội của họ mở rộng hơn nhiều. “Trở ngại trên con đường cũng chính là con đường“, như vị hoàng đế La Mã Marcus Aurelius viết trong tác phẩm Suy ngẫm của mình như một sự chấp nhận thách thức của hoàn cảnh, Một dân tộc sinh ra là con cháu của anh hùng, không thể để mình lạc hậu vì kém hiểu biết, thiếu dũng cảm để tự đổi mới và vươn lên cất cánh. Dân tộc đó cần ý thức lại di sản tinh thần to lớn của mình để ngẩng mặt đi tới, như một dân tộc có văn hóa, điều mà Trần Văn Thọ có lẽ muốn truyền đạt qua tác phẩm của anh.
Dưới đây, chúng tôi giới thiệu bài điểm sách trên báo “Theleader” viết rất công phu và xuất sắc, đi sát với hành trình của Trần Văn Thọ. Xin cảm ơn tác giả Công Hiếu và báo Theleader:
‘Hồi ức đến tương lai’ của giáo sư Trần Văn Thọ
Tác giả: Công Hiếu (TheLeader)
Cuốn sách “Hồi ức đến tương lai” của GS. Trần Văn Thọ tái hiện hành trình ký ức, những trải nghiệm sống và triết lý sống sâu sắc của một trí thức Việt Nam.
Trong hơn nửa thế kỷ sống và làm việc tại Nhật Bản, GS. Trần Văn Thọ luôn mang theo một phần quê hương trong tâm tưởng. “Hồi ức đến tương lai”, cuốn sách mới nhất của ông, là nơi những ký ức cá nhân giao thoa với dòng chảy lịch sử – văn hóa Việt Nam và thế giới.
Đặc biệt, phần 1 cuốn sách – Nhớ về ký ức mang dáng dấp của một hồi ký văn hóa, ghi lại hành trình hình thành nhân cách và tư duy của một trí thức Việt kiều qua nhiều tầng lớp xã hội và trải nghiệm.
Gia đình – Hạt nhân nhân cách
Trong “Hồi ức đến tương lai”, GS. Trần Văn Thọ đã dành những trang đầu tiên để nói về gia đình – nơi ông coi là “hạt nhân nhân cách” và nền tảng sâu xa dẫn dắt cả đời mình.
Qua hai chương “Ông nội tôi” và “Người anh kết nghĩa”, người đọc có thể cảm nhận một cách rõ nét vai trò của gia đình truyền thống Việt Nam trong việc nuôi dưỡng ý chí, hình thành lý tưởng sống và bồi đắp tinh thần học tập bền bỉ.
Ông nội hiện lên như một biểu tượng đạo đức, đại diện cho lớp trí thức Nho học cuối thời phong kiến – thanh liêm, mẫu mực và luôn đặt việc học lên hàng đầu.
Dù cuộc sống vất vả, ông vẫn chắt chiu từng đồng lo cho con cháu ăn học, không ngừng nhắc nhở về sự liêm chính và lòng tự trọng.
Hình ảnh ấy đã in đậm trong tâm trí cậu bé Thọ thuở nhỏ, trở thành kim chỉ nam suốt cuộc đời ông sau này – cả khi sống, học và làm việc ở Nhật Bản.
Bên cạnh đó, câu chuyện về người anh kết nghĩa, người bạn thân từ thuở niên thiếu, lại là minh chứng sống động cho tinh thần vượt khó, gắn bó và chia sẻ trong cộng đồng làng quê Việt.
Trong bối cảnh chiến tranh, thiếu thốn và chia cắt, hai anh em đã cùng nhau nuôi dưỡng ước mơ học tập, vượt lên nghịch cảnh bằng sự hỗ trợ tinh thần lặng lẽ mà bền chặt.
Những kỷ niệm ấy không chỉ đơn thuần là hoài niệm cá nhân, mà còn phản ánh rõ mối liên kết giữa văn hóa gia đình và sự hình thành của một trí thức.
Gia đình theo GS. Trần Văn Thọ không chỉ là nơi nuôi dưỡng thể chất, mà còn là cái nôi đạo đức và khởi điểm cho hành trình tri thức.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, ông cho rằng một người Việt dù đi xa đến đâu, làm việc ở môi trường nào, nếu giữ được nền tảng nhân cách gia đình thì vẫn có thể đứng vững, phát triển và đóng góp có trách nhiệm cho xã hội.
Văn chương và hành trình học thuật từ những trang sách đầu đời
Trong “Hồi ức đến tương lai”, GS. Trần Văn Thọ dành nhiều trang viết để gợi lại ký ức gắn liền với văn chương, từ những bài Quốc văn đầu tiên ở trường làng, những trang thơ Đinh Hùng, cho đến các tác phẩm của Tự lực Văn đoàn.
Đây không đơn thuần là những mảnh ghép hoài niệm, mà là nền móng sâu xa hình thành nên tư duy học thuật, cảm xúc thẩm mỹ và động lực vượt khó suốt cuộc đời ông.
Ngay từ nhỏ, ông đã sớm tiếp xúc với sách vở như một người bạn thân thiết.
Trong hoàn cảnh đất nước còn nghèo nàn, chiến tranh liên miên, việc đọc sách, nhất là sách văn chương, không chỉ là thú vui, mà còn là nơi để tìm thấy hy vọng, khám phá thế giới và tự giáo dục bản thân.
Đáng chú ý, tác giả dành sự trân trọng đặc biệt cho các nhà văn Tự lực Văn đoàn – nhóm trí thức đầu thế kỷ XX chủ trương duy tân văn hóa, khai phóng tư tưởng, và đề cao tinh thần tự lực, đúng như tên gọi của họ.
Theo ông, những giá trị nhân văn, độc lập và lý tưởng sống mà nhóm nhà văn này truyền tải đã ảnh hưởng sâu sắc đến thế hệ thanh niên miền Nam trước 1975, trong đó có chính bản thân ông.
Những câu thơ, dòng văn ấy không chỉ khơi gợi cảm xúc thẩm mỹ, mà còn gieo vào lòng người trẻ một loại “vốn văn hóa nền tảng” – thứ hành trang đặc biệt quý giá cho hành trình học tập và hội nhập về sau.
Bên cạnh tình yêu văn chương, phần hồi ức này còn thể hiện rõ cách ông nhìn nhận văn học như một phần trong hành trình học thuật.
Những cảm xúc đẹp đẽ từ thơ ca – dù là thơ cũ, thơ mới hay thơ tân hình thức, giúp ông duy trì sự cân bằng giữa tư duy lý tính và đời sống nội tâm. Chính sự hài hòa này tạo nên một con người trí thức không chỉ giỏi nghiên cứu, mà còn biết sống sâu sắc, có chiều sâu văn hóa.
Có thể nói, phần viết về văn chương và ký ức học thuật trong “Hồi ức đến tương lai” đã gợi mở một mối liên hệ đáng suy ngẫm: hành trình tri thức không bắt đầu từ phòng thí nghiệm hay hội trường khoa học, mà khởi nguồn từ những trang sách giản dị, từ tình yêu đối với cái đẹp và chân lý.
Âm nhạc và cảm xúc lưu đày trong tâm hồn một trí thức xa xứ
Giữa những trang viết về ký ức gia đình và hành trình học thuật trong “Hồi ức đến tương lai”, GS. Trần Văn Thọ dành một phần đặc biệt để nói về âm nhạc, thứ ngôn ngữ không lời của cảm xúc, nhưng lại có sức mạnh nâng đỡ tâm hồn xuyên suốt cuộc đời lưu lạc nơi đất khách.
Ở đó, âm nhạc không chỉ là thú thưởng thức cá nhân, mà còn là nơi neo giữ bản sắc, hoài niệm và những tầng sâu văn hóa của một trí thức Việt xa quê.
Trong chương “Nhớ lại một thời Bolero”, ông tái hiện không khí của thập niên 1960-1970, thời kỳ mà âm nhạc đại chúng, đặc biệt là các tình khúc bolero, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống người Việt miền Nam.
Những giai điệu ấy, tuy giản dị, da diết, lại gắn liền với những năm tháng tuổi trẻ, nơi con người sống giữa những bất định của chiến tranh nhưng vẫn giữ cho mình một vùng cảm xúc riêng, đầy mộng mơ và nhân bản.
Với GS. Trần Văn Thọ, những bản tình ca ấy là ký ức không thể thay thế. Dù đã sống tại Nhật Bản hơn nửa thế kỷ, ông vẫn tìm nghe lại “Người yêu dấu ơi”, “Sương lạnh chiều đông” hay “Chiều mưa biên giới” – như một cách giữ lấy chất Việt trong tâm hồn.
Đó không chỉ là âm nhạc, mà là lịch sử cảm xúc, là chiếc cầu nối tinh thần giữa quê hương cũ và cuộc sống mới.
Cũng trong phần này, hình ảnh dòng sông Kanda – một biểu tượng trong thi ca Nhật Bản – xuất hiện như một điểm giao thoa giữa hai thế giới văn hóa.
Nếu âm nhạc Việt Nam là nơi lưu giữ ký ức, thì văn hóa Nhật lại giúp tác giả tái cấu trúc cảm xúc, đưa hoài niệm trở thành động lực sáng tạo.
Những bản giao hưởng Nhật – trầm lặng, nội tâm – cùng với giai điệu cổ điển phương Tây, đã giúp ông hình thành một không gian tinh thần đa chiều: vừa gắn bó với cội nguồn, vừa mở rộng biên độ thẩm mỹ ra thế giới.
Dưới góc nhìn văn hóa, phần viết về âm nhạc trong “Hồi ức đến tương lai” mang lại cho độc giả một thông điệp quan trọng: cảm xúc không đối lập với lý trí, mà chính là nền tảng giúp con người giữ được bản sắc trong quá trình toàn cầu hóa.
Âm nhạc, không chỉ nuôi dưỡng tâm hồn mà còn giữ ông không đánh mất chính mình trong hành trình học thuật quốc tế hóa kéo dài suốt hàng thập kỷ.
Với các nhà quản trị, những người luôn đứng giữa thực tiễn và chiến lược, giữa tốc độ và áp lực – cuốn sách cho thấy một bài học giản dị nhưng sâu sắc: muốn phát triển bền vững, không thể thiếu chiều sâu cảm xúc.
Và âm nhạc, chính là một trong những nguồn lực tinh thần quan trọng, giúp con người trụ vững trong những giai đoạn chênh vênh, cô đơn và đầy thử thách của cuộc sống toàn cầu.
Vượt khó để khai sáng và hành trình của một con người mang hai quê hương
Nếu phần đầu của “Hồi ức đến tương lai” tái hiện nền tảng gia đình và những cảm xúc nuôi dưỡng đời sống tinh thần, thì những chương cuối lại hé mở một chiều sâu khác – nơi hình thành tinh thần vượt khó, lý tưởng tri thức và tâm thế sống giữa hai quê hương.
Đó là hành trình vượt lên nghịch cảnh không chỉ bằng nỗ lực cá nhân, mà bằng một đức tin vào giá trị học thuật và một cam kết bền bỉ với đất nước – dù ở xa.
Trong chương viết về “Câu thơ hy vọng vượt đại lục xuyên thế kỷ”, GS. Trần Văn Thọ không nói nhiều về những khó khăn vật chất, bởi ông đã vượt qua chúng, mà tập trung khắc họa một hình ảnh ẩn dụ đầy sức nặng: con người với chiếc balô tri thức, bước đi trong hành trình cô đơn nhưng có mục tiêu rõ ràng.
Hành trình từ một làng quê ở Quảng Nam sang Tokyo – nơi nền học thuật khắt khe và đầy cạnh tranh, không chỉ là chuyến đi về không gian địa lý, mà còn là cuộc bứt phá về tư duy và giá trị.
Song song với đó, những chương như “Tiếng thu Việt Nam và tiếng thu Nhật Bản”, hay “Một cảm nhận về thơ: Thơ cũ, thơ mới, thơ tân hình thức” cho thấy một chiều sâu văn hóa đặc biệt trong cách Giáo sư Trần Văn Thọ tiếp cận thế giới.
Dù tiếp xúc với văn hóa Nhật Bản hiện đại, ông không để bản sắc cá nhân bị xóa nhòa, mà tìm thấy những điểm tương đồng, từ đó phát triển một tư duy đa chiều nhưng không phân mảnh.
Thơ ca, vốn tưởng chỉ là ký ức thẩm mỹ, đã trở thành công cụ giúp ông giữ lại sự lặng thầm nội tâm giữa những xô bồ của học thuật và đời sống quốc tế.
Khi kể lại “Lần đầu viết sách, báo tại Nhật Bản” và “Hai mươi năm với một tuần báo kinh tế”, độc giả hiểu rõ hơn về con đường học thuật mà ông đã lựa chọn: không chỉ là nghiên cứu, mà còn là truyền thông khoa học, phản biện chính sách, đối thoại liên văn hóa.
Từ một học giả, ông dần trở thành người kiến tạo tri thức công, điều hiếm thấy ở thế hệ trí thức Việt học tập và làm việc tại nước ngoài vào thời điểm ấy.
Tất cả được khép lại trong hai chương ngắn nhưng đầy tính biểu tượng: “Một đầu xuân khai bút” và “Có hai quê hương để về”.
Ở đó, “quê hương” không còn là nơi chôn nhau cắt rốn hay địa chỉ hộ khẩu, mà là không gian tinh thần, nơi một con người được nuôi dưỡng và nơi khác họ có thể phụng sự.
Với GS. Trần Văn Thọ, Việt Nam là cội nguồn văn hóa, còn Nhật Bản là môi trường khai sáng. Ông không chọn một trong hai, mà học cách gắn kết cả hai – để vừa không đánh mất bản sắc, vừa đóng góp hiệu quả vào tiến trình phát triển.
Với bạn đọc là các nhà quản trị, doanh nhân hay trí thức đương đại, phần kết của Phần I trong “Hồi ức đến tương lai” gợi mở một thông điệp sâu sắc: muốn đi xa, phải có gốc rễ; nhưng muốn đi đúng, phải có lý tưởng.
Và trong thế giới ngày càng liên kết chặt chẽ, có “hai quê hương” – nếu biết cách – không phải là gánh nặng, mà là một lợi thế để nhìn thế giới đa chiều, hành động trách nhiệm và sống một cuộc đời rộng lớn hơn.
Bản gốc tại đây
CẬP NHẬT NGÀY 14, THÁNG 6, 2025
Phạm Xuân Nguyên
Nhà phê bình văn học, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội
Kính thưa các anh chị,
Tôi rất lấy làm tiếc đã không đến dự được cuộc ra mắt cuốn sách này của nhà kinh tế học Trần Văn Thọ. Lý do là trong buổi sáng nay (14/6/2025) cùng giờ này tôi bận làm MC cũng cho một cuộc ra mắt sách: tiểu thuyết Thuyền của nhà văn Nguyễn Đức Tùng ở Canada in ở trong nước, một tác phẩm viết về vượt biên và thuyền nhân (boat man) từ đó đặt ra vấn đề sự thật và ký ức. Hai sự kiện về sách có những sự trùng hợp ngẫu nhiên lý thú diễn ra rất gần nhau (52 Hai Bà Trưng và 36 Lý Thường Kiệt) mà ước gì tôi có thể phân thân để cùng lúc dự được cả hai. Nhưng người phàm thì không thể phân thân nên tôi đành khất cuộc này và xin viết ra vài lời cậy nhờ sư tỷ đồng Phạm là nhà kinh tế Phạm Chi Lan gửi đến anh Trần Văn Thọ và tất cả các anh chị có mặt.
Tôi đã đọc hết cuốn sách của anh Thọ. Sau đây là mấy ghi nhận ban đầu của tôi.
- Trước hết là tên sách: Hồi ức đến tương lai. Tôi thích cái tên sách đó. Hồi ức là nói về quá khứ. Tác giả lấy hồi ức để nói về tương lai vì có tương lai nào không đi từ quá khứ. Tên sách như vậy có thể diễn dịch là ngoái lại, tìm lại (quá khứ) để đi tới tương lai. Tôi chợt nhớ tới hai cuốn sách khác có cùng cách đặt tên sách gần như thế: Đến hiện đại từ truyền thống của giáo sư Trần Đình Hượu (1925/1995), thầy giáo đại học của tôi, và Dĩ vãng phía trước của nhà phê bình văn học Ngô Thảo. Dưới tên sách chính anh Thọ có thêm tên sách phụ: “Suy ngẫm về văn hoá, giáo dục và con đường phát triển của Việt Nam”. Đọc từ tên sách vào nội dung sách tôi thấy nhà kinh tế Trần Văn Thọ đã tích luỹ, tạo lập và sử dụng được cho mình một cái vốn văn hoá khi anh bàn đến các vấn đề kinh tế.
- Nhà kinh tế Trần Văn Thọ có hai mối quan tâm chính về kinh tế Việt Nam: nửa thế kỷ qua là tìm con đường phát triển cho đất nước và hiện nay là xây dựng hình ảnh lý tưởng của một đất nước phát triển. Là chuyên gia kinh tế dĩ nhiên anh dùng các tri thức và lý thuyết kinh tế để nghiên cứu những vấn đề kinh tế chung của thế giới cũng như của riêng Nhật Bản, Việt Nam, để đề ra các giải pháp cho các bài toán kinh tế toàn cầu và quốc gia. Trong lĩnh vực chuyên môn của mình anh đã có những thành tựu mà bằng chứng ghi nhận là anh đã được chính phủ Nhật Bản trao tặng Huân chương Thuỵ bảo Tia vàng (2018) và được hai đời Thủ tướng Việt Nam mời làm thành viên Tổ tư vấn kinh tế. Tôi là dân văn chương dốt kinh tế nhưng đọc các bài viết về kinh tế của anh Thọ (dĩ nhiên là những bài anh viết cho độc giả phổ cập, tức là những bài đăng báo phổ thông nay được tập hợp vào sách) thấy rất hiểu và rất đồng cảm với những kỳ vọng cũng như những băn khoăn lo lắng của anh cho con đường phát triển của đất nước. Chỉ riêng cái việc anh đã báo động sớm (từ 1997) nạn lạm phát tiến sĩ do sự dễ dãi và hiểu sai về văn bằng này ở nước ta mà rồi trong nước vẫn không ngăn chặn được đã cho thấy cái nhìn xa và nỗi ưu quốc của anh.
- Nhưng tôi đang nói đến cái vốn văn hoá của nhà kinh tế Trần Văn Thọ. Hay nói cách khác trong con người kinh tế của anh có con người văn hoá mà văn hoá là gốc. Không phải người làm kinh tế nào cũng có được cái vốn này. Anh Thọ có vì nó đã được gây mầm ở anh từ người ông nội quyết chí cho đứa cháu phải được học hành đến nơi đến chốn bằng những tấm vé số mua cầu may. Vì nó đã được nuôi dưỡng ở anh từ người thầy giáo dạy văn trung học gìn giữ tập vở môn quốc văn của người trò để hơn ba mươi năm sau trao lại cho trò. Vì nó đã được ấp ủ ở anh từ cuốn vở chép gần như hết các bài thơ của thi sĩ Đinh Hùng. Vì nó đã được bám rễ trong anh từ những trang văn của nhóm Tự Lực Văn Đoàn mà quan trọng nhất là một tư tưởng của nhà văn Nhất Linh thể hiện ở nhân vật Dũng trong tiểu thuyết Đoạn tuyệt: “Chiều hôm ấy Dũng như cảm thấy tâm hồn của đất nước, mà biểu hiện cho đất nước ấy không phải là những bậc vua chúa danh nhân, chính là đám dân hèn không tên không tuổi. Dân là nước. Yêu nước chính là yêu chung đám thường dân, nghĩ đến sự đau khổ của đám thường dân.” Trần Văn Thọ rất tâm đắc với quan niệm này, cho đây là định nghĩa rất hay, rất thiết thực về lòng yêu nước. Nên hễ có dịp là anh cứ nhắc lại, trước hết là để tự nhắc mình. Chính tư tưởng đó, vốn văn hoá đó đã thôi thúc anh ở đâu làm gì cũng nghĩ đến nhân dân, đất nước trong từng suy nghĩ, tư duy, hành động. Bàn về đường hướng phát triển kinh tế nói riêng, phát triển xã hội nói chung của đất nước thời hiện đại mà Trần Văn Thọ liên hệ kết nối được với tinh thần khí phách của Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Quang Trung thì phải nói dòng máu lịch sử văn hoá dân tộc đã chảy mạnh trong anh. Vì thế đọc các bài anh viết trong tập sách này vẫn thấy cập nhật, kích thích và truyền cảm hứng, dù có những sự kiện, con số đã phủ thời gian tính.
- Cố nhiên, ở tư cách người làm văn học, tôi có để ý hơn đến những bài Trần Văn Thọ viết về văn chương nghệ thuật. Anh không nhận mình là người làm văn nhưng tôi thấy anh đã có dự phần vào văn một cách không ngẫu nhiên. Có thể thấy là anh thích thơ và có tìm hiểu về thơ như một người yêu thơ. Anh đã nhắc lại “nghi án” trong lịch sử văn học về bài thơ “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư liệu có phải là lấy ý từ một bài thơ của Nhật Bản, điều mà Nguyễn Vỹ đã xướng lên từ thập niên 1970. Anh đã tạt sang cả lý luận văn học khi bàn về một nhận định thế nào là thơ hay của Nguyên Sa hay về loại thơ tân hình thức mới du nhập vào Việt Nam gần đây. Anh còn bình về những câu thơ mình cho là hay. Khi viết như thế Trần Văn Thọ có sự tự tin ở mình và tin ở người đọc có sự hưởng ứng, tương thông. Tôi nhận ra sự tinh tế của anh ở bài viết về nhạc phẩm nổi tiếng “Chiều mưa biên giới” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Tinh tế khi anh phân tích ca từ “Đêm đêm chiếc bóng bên trời / Vầng trăng xẻ đôi vẫn in hình bóng một người”. Câu hát có mượn ý câu thơ Kiều thì ai có đọc đều biết. Nhưng Trần Văn Thọ đã như một nhà phê bình tinh tế nhận ra một điều sâu hơn làm cho “vầng trăng xẻ đôi” trong câu hát khiến người nghe xúc động hơn trong câu thơ, đó là “có lẽ vì trong “Truyện Kiều”, vầng trăng xẻ đôi là hình ảnh người thứ ba tưởng tượng về hai chủ thể khác, còn trong “Chiều mưa biên giới” chính tác giả là người trong cuộc, đương tha thiết nhớ về người yêu.” Tinh tế hơn nữa khi từ một bình luận của một chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam thương tiếc nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông dịp ông qua đời, Trần Văn Thọ đã kết luận bài viết của mình bằng tâm thức hoà giải dân tộc: “Các thể chế chính trị đều cấm “Chiều mưa biên giới”, nhưng nhạc sĩ đã đi vào con tim của mọi người Việt Nam. Tính nhân văn làm tác phẩm vượt thể chế, vượt không gian và sẽ sống mãi với thời gian.” (tr. 97).
- Đến tương lai ở một khía cạnh khác ngoài kinh tế là từ tính người và tình người Việt với nhau như thế. Tôi đọc được điều này trong cuốn sách của Trần Văn Thọ. Những bài viết trong sách theo tác giả là những bài tương đối nhẹ nhàng, không đi sâu vào chuyên môn, dễ đọc, hợp với nhiều độc giả khác nhau. Nhưng khi tập hợp chúng lại thành một cuốn sách đặt trong một cấu trúc hợp lý và cho nó cái tên Hồi ức đến tương lai thì chúng có sức gợi mở nhiều và lan rộng được đến nhiều người đọc cùng chung sự quan tâm đến vận nước như anh, bất luận ở lĩnh vực ngành nghề nào. Cảm ơn anh Trần Văn Thọ về cuốn sách này và không chỉ vì cuốn sách này. Cảm ơn các anh chị đã nghe tôi vắng mặt và một lần nữa tôi rất tiếc không thể dự được để được nghe ý kiến của mọi người về trong và ngoài cuốn sách của anh Thọ mà tôi tin là sẽ rất lý thú và bổ ích. Chúng ta cũng phải cảm ơn Nhà xuất bản Đà Nẵng đã in cuốn sách này của anh Thọ trong một nỗ lực văn hoá là muốn cứu giữ lấy mình khi cấp chính quyền thành phố muốn giải thế mình. Và cuối cùng nhưng không phải sau hết, chúng ta chúc nhau cùng anh Trần Văn Thọ tin được vào tương lai từ những hồi ức ta đã có từ quá khứ.
Phạm Xuân Nguyên
Hà Nội, 13/6/2025