Thứ Bảy, 5 tháng 7, 2025

HỒI ỨC ĐẾN TƯƠNG LAI của TRẦN VĂN THỌ MỘT LUỒNG GIÓ MỚI

 Tôi sinh ra ở nông thôn miền Trung, một trong những vùng nghèo của đất nước. Thời tôi còn nhỏ, thập niên 1950 và 1960, cha mẹ, bà con và hàng xóm ai cũng đầu tắt mặt tối, vất vả ngoài đồng ruộng. Mùa đông gió rét mặc không đủ ấm, mùa hè nóng không ngủ được. Qua sách vở, tôi cũng thấy những hình ảnh đó ở hầu hết các vùng khác của đất nước.

Từ nhỏ, tôi biết nhiều nhạc khúc ca tụng đồng quê, nhưng phần lớn nói lên cuộc sống nghèo khó của người dân Việt Nam. Những ca khúc như Nắng lên xóm nghèo, Quê nghèo, Tình nghèo, v.v. đều phản ánh tình trạng đó. Tôi luôn mong đất nước sẽ phát triển, người dân được sống ấm no, hạnh phúc. Tôi nghĩ mong ước đó cũng thể hiện lòng yêu quê hương đất nước một cách cụ thể. Thời trung học, đọc tiểu thuyết Đoạn tuyệt của Nhất Linh, qua suy nghĩ của nhân vật Dũng, tôi bắt gặp một định nghĩa về lòng yêu nước rất phù hợp với mục tiêu phát triển cần có của Việt Nam lúc ấy: “Chiều hôm ấy, Dũng như cảm thấy tâm hồn của đất nước, mà biểu hiện cho đất nước ấy không phải là những bậc vua chúa danh nhân, chính là đám dân hèn không tên không tuổi. Dân là nước. Yêu nước chính là yêu chung đám thường dân, nghĩ đến sự đau khổ của đám thường dân”. Đây là định nghĩa về lòng yêu nước rất hay, rất thiết thực, in sâu vào tâm trí tôi, cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ gần như nguyên văn.

—Trần Văn Thọ

Trần Văn Thọ tại một buổi họp mặt ăn tối và làm văn nghệ tại TP Hồ Chí Minh

Sau hơn mười ngày giới thiệu tác phẩm Hồi ức đến Tương lai, tác giả Trần Văn Thọ đã gặt hái liên tiếp những thành công nức lòng có lẽ ngoài sức tưởng tượng. Cộng đồng cảm thấy một luồng gió mới thổi qua Việt Nam. Chỉ trong hai tuần, sách anh đã bán hết. Nhiều tờ báo đưa tin rất tích cực và có những bài điểm sách rất hay.

Một sự tình cờ hay hẹn hò âm thầm từ lâu của người thành phố đối với anh Thọ? Phải chăng họ chờ đợi những “tráng sĩ” thời đại mới của khoa học, kinh tế, văn hóa trở về tiếp sức? Phải chăng họ đã nhìn Trần Văn Thọ như một mẫu người như thế? Anh đi du học từ miền Nam vào những năm cuối của thập niên 1960 thuộc thế hệ đầu tiên. Sau nửa thế kỷ anh “trở về” với bản sắc vẫn rất Việt Nam, càng Việt Nam hơn, càng yêu nước nồng nàn hơn, nhưng không phải sự trở về với cánh đồng, con trâu và cái cày của Phạm Duy, mà với quyển sách, biểu tượng của tri thức mà anh đã tích lũy nửa thế kỷ qua tại nước người với định hướng cho Việt Nam.

Quyển sách của anh là một tác phẩm khai sáng và của lòng yêu nước, cho thấy người Việt Nam có thể sống thế nào để bản sắc văn hóa không bị lu mờ ở xứ người. Lòng tự trọng có lẽ đã đánh thức cuộc sống nội tâm và ý chí vươn lên học hỏi, như lớp sinh viên Nhật Bản Minh Trị. Học hỏi ngành chuyên môn cho đất nước, và văn hóa nước sở tại để làm phong phú thêm văn hóa của mình. Trần Văn Thọ bảo anh “Có hai quê để về”. Tôi nghĩ nhiều hơn. Anh cũng là “sản phẩm của hai nền văn hóa Việt-Nhật” trong sự hài hòa, nói như nhà vật lý Mỹ-Trung giải Nobel Dương Chấn Ninh (C. N. Yang) nói.

Cụ Phan Châu Trinh từng trách nghiêm khắc khi ông nói: “Hay là người mình như kẻ đã hư phổi rồi, cho nên một nơi có thanh khí như nước Nhật mà cũng không thở nổi chăng?” Sau chuyến thăm Nhật Bản đầu thế kỷ XX, cụ Phan kêu gọi người Việt hay nhanh chóng thay đổi văn hóa để phát triển như người Nhật. Ông nhìn thấy sự chênh lệch quá lớn. Nay hậu duệ Trần Văn Thọ cho thấy, có một người Việt Nam đã biết sống khác, và hít thở khí trời trong lành của Nhật Bản để làm giàu cho văn hóa và tri thức khoa học của mình, một người Việt Nam đạt tới status của giới tinh hoa Nhật Bản về nghiên cứu kinh tế và lúc nào cũng đau đáu với vận mệnh của đất nước. Anh xuất bản nhiều sách kinh tế, viết bài cho nhiều báo, góp ý cho nhà nước đều đặn ngay từ thời khó khăn của Đổi mới. Trong Trần Văn Thọ tôi thấy bóng dáng của một Phan Châu Trinh trẻ tuổi đã kiên trì truyền bá khai sáng, “khai dân trí, chấn dân khí” nhiều thập niên liền. Chúng ta thua người Nhật Minh Trị về nhiều mặt, trong đó quan trọng nhất là thiếu một tầng lớp trí thức khai sáng có lý tưởng yêu nước nồng nàn, giàu trí tuệ, nhận ra vấn đề ở tầm vóc thế giới và nhìn thấy con đường tất yếu phải đi, như Trần Văn Thọ hôm nay.

Thế là tôi suy nghĩ về những điều kiện sâu xa hơn, cơ bản hơn của phát triển, những điều kiện thuộc phạm trù văn hóa, tình tự, khát vọng, hoài bão. Nghiên cứu trường hợp Nhật Bản, tôi rút ra một khái niệm tổng hợp nhất: năng lực xã hội. Năng lực xã hội là năng lực và tố chất của các nhân tố cấu thành xã hội, cụ thể là chính trị gia, quan chức, lãnh đạo kinh doanh, trí thức và tầng lớp lao động. Mỗi nhân tố này phải có những tố chất nào để thúc đẩy kinh tế phát triển. Dĩ nhiên, tố chất quan trọng của chính trị gia là năng lực lãnh đạo, của quan chức là năng lực quản lý hành chính, của giới kinh doanh là tinh thần doanh nghiệp. Nhưng trong trường hợp Nhật Bản, không phải chỉ có các tố chất đó. Tôi nghiệm thấy rằng tố chất chung nhất của chính trị gia, của quan chức, của nhà kinh doanh Nhật Bản là lòng yêu nướclòng tự hào dân tộc và phải là những người có văn hóa, có giáo dưỡng (nghiêng được thêm vào). Tố chất này biểu hiện rất rõ qua những câu chuyện về lãnh đạo chính trị, quan chức, và những nhà kinh doanh tiêu biểu thời Minh Trị, cũng như thời phục hưng hậu chiến và khởi đầu giai đoạn phát triển thần kỳ 1955-1973.

— Trần Văn Thọ

Nhật Bản là đất nước từng sớm chọn Văn minh-Khai sáng (Bunmei-Kaika) làm khẩu hiệu của đổi mới, của khát vọng thực hiện “Khoa học phương Tây, Đạo đức phương Đông”, đẩy mạnh ngay công nghiệp hóa, để bắt kịp phương Tây, điều mà thế hệ của cụ Phan Châu Trinh đã từng mơ ước. Họ từng có một văn hóa đọc và giáo dục nổi tiếng thuộc hàng đầu thế giới, cũng như nghệ thuật rất phát triển trong thời Edo (1615-1868) với vô số tác phẩm hội họa nổi tiếng, như tấm bình phong hoa Diên Vĩ của Ogata Kōrin, tấm bình phong Một trăm chàng trai trẻ của nghệ nhân Kano Einō, hoặc Phong cảnh dưới ánh trăng của Kanō Tan’yū, Bộ mười hai tập “Truyện tranh cuộn Yamanaka Tokiwa” của nghệ sỹ Iwasa Matabei, Ba mươi sáu cảnh núi Phú Sĩ của Katsushika Hokusai, Các tuyệt tác của Utagawa Hiroshige như Cơn mưa bất chợt trên cầuTuyết buổi tối ở Kanbara từ loạt tranh “Năm mươi ba chặn của (con đường) Tōkaidō”, vân vân. Tất cả đều cực kỳ sáng tạo và lôi cuốn. Nghệ thuật thời Edo của một Nhật Bản tỏa quốc, yên bình, với kinh tế, văn hóa thành thị, giáo dục, nghệ thuật đều đồng loạt phát triển, là một kỳ quan. Thời gian đóng kín cửa 250 năm cũng là thời gian bừng dậy sức sống sáng tạo mãnh liệt nhất của dân tộc Nhật. Từ đó chúng ta dễ hiểu sức sống mãnh liệt của giai đoạn Minh Trị khi đất nước mở cửa phát triển toàn diện trện tất cả các lãnh vực khoa học, công nghệ, sản xuất, kinh tế, văn hóa. (Xem bài Nghệ thuật thời kỳ Edo (1615-1868và bài Tại sao người Nhật mê đọc sách?)

Thời đổi mới Minh Trị, người Nhật từng có tham vọng lớn bắt kịp nền văn hóa phương Tây “tạo dựng sự hài hoà của hai nền văn hoá này và nâng cao nền văn minh phương Đông lên tầm cao của nền văn hoá phương Tây để cho hai nền văn hoá cùng tồn tại trong hài hoà” như nhà sáng lập Đại học Waseda Ōkuma Shigenobu tuyên bố, trường mà Trần Văn Thọ đã nghiên cứu và giảng dạy nhiều thập kỷ. Sự thật họ đã thực hiện được những điều kỳ diệu đó. Lịch sử của Nhật Bản là một chuỗi những thành tựu kỳ diệu. Trần Văn Thọ là người đã trưởng thành trong nền văn hóa sáng tạo của Nhật Bản, và tiếng nói của anh có ẩn chứa di sản đó.

Xin xem Phần 1: Hồi ức về Tương lai (Trần Văn Thọ. Phần 1)

 

Giao lưu và giới thiệu sách tại Đại học Văn Lang sáng thứ Năm, ngày 5 tháng 6, 2025.

Toàn cảnh buổi giới thiệu sách

Clip của Đại học Văn Lang giới thiệu sách Hồi ức đến Tương lai.

Tôi ao ước hàng triệu người Việt đang làm ăn nhỏ trên đường phố, các shopkeepers, số phận bấp bênh, hãy đọc Hồi Ức Đến Tương Lai của Trần Văn Thọ để tâm hồn ươm mầm hy vọng rằng có một lối thoát nghèo bằng tri thức kinh tế, khoa học, công nghệ, để tiến lên “dân giàu nước mạnh, dân chủ, văn minh”, là điều hoàn toàn có thể đạt được, để tìm lại con người thiên phú, sống đúng theo calling của mình. Trời không sinh ai trên, ai dưới, như nhà khai sáng Fukuzawa Yukichi một thế kỷ rưỡi trước tuyên bố như một khẳng định sự bình đẳng và quyết tâm của dân tộc Nhật. Số mệnh con người hoàn toàn do chính con người định đoạt, bằng ý chí, bằng con đường học hỏi, làm giàu tri thức và đức hạnh. Không định mệnh nào bắt chúng ta phải lạc hậu, nghèo nàn mãi nếu chúng ta không muốn. Họ sẽ thấy giá trị lao động của họ, gdp của họ lớn hơn nhiều không phải nhỏ bé như hôm nay. Họ sẽ thấy bầu trời mở rộng ra nhiều, không chật hẹp như hôm nay. Và kèm theo đó, cơ hội của họ mở rộng hơn nhiều. “Trở ngại trên con đường cũng chính là con đường, như vị hoàng đế La Mã Marcus Aurelius viết trong tác phẩm Suy ngẫm của mình như một sự chấp nhận thách thức của hoàn cảnh, Một dân tộc sinh ra là con cháu của anh hùng, không thể để mình lạc hậu vì kém hiểu biết, thiếu dũng cảm để tự đổi mới và vươn lên cất cánh. Dân tộc đó cần ý thức lại di sản tinh thần to lớn của mình để ngẩng mặt đi tới, như một dân tộc có văn hóa, điều mà Trần Văn Thọ có lẽ muốn truyền đạt qua tác phẩm của anh.

Dưới đây, chúng tôi giới thiệu bài điểm sách trên báo “Theleader” viết rất công phu và xuất sắc, đi sát với hành trình của Trần Văn Thọ. Xin cảm ơn tác giả Công Hiếu và báo Theleader:

‘Hồi ức đến tương lai’ của giáo sư Trần Văn Thọ

Tác giả: Công Hiếu (TheLeader)

Cuốn sách “Hồi ức đến tương lai” của GS. Trần Văn Thọ tái hiện hành trình ký ức, những trải nghiệm sống và triết lý sống sâu sắc của một trí thức Việt Nam.

Trong hơn nửa thế kỷ sống và làm việc tại Nhật Bản, GS. Trần Văn Thọ luôn mang theo một phần quê hương trong tâm tưởng. “Hồi ức đến tương lai”, cuốn sách mới nhất của ông, là nơi những ký ức cá nhân giao thoa với dòng chảy lịch sử – văn hóa Việt Nam và thế giới.

Đặc biệt, phần 1 cuốn sách – Nhớ về ký ức mang dáng dấp của một hồi ký văn hóa, ghi lại hành trình hình thành nhân cách và tư duy của một trí thức Việt kiều qua nhiều tầng lớp xã hội và trải nghiệm.

Gia đình – Hạt nhân nhân cách

Trong “Hồi ức đến tương lai”, GS. Trần Văn Thọ đã dành những trang đầu tiên để nói về gia đình – nơi ông coi là “hạt nhân nhân cách” và nền tảng sâu xa dẫn dắt cả đời mình.

Qua hai chương “Ông nội tôi” và “Người anh kết nghĩa”, người đọc có thể cảm nhận một cách rõ nét vai trò của gia đình truyền thống Việt Nam trong việc nuôi dưỡng ý chí, hình thành lý tưởng sống và bồi đắp tinh thần học tập bền bỉ.

Ông nội hiện lên như một biểu tượng đạo đức, đại diện cho lớp trí thức Nho học cuối thời phong kiến – thanh liêm, mẫu mực và luôn đặt việc học lên hàng đầu.

Dù cuộc sống vất vả, ông vẫn chắt chiu từng đồng lo cho con cháu ăn học, không ngừng nhắc nhở về sự liêm chính và lòng tự trọng.

Hình ảnh ấy đã in đậm trong tâm trí cậu bé Thọ thuở nhỏ, trở thành kim chỉ nam suốt cuộc đời ông sau này – cả khi sống, học và làm việc ở Nhật Bản.

Bên cạnh đó, câu chuyện về người anh kết nghĩa, người bạn thân từ thuở niên thiếu, lại là minh chứng sống động cho tinh thần vượt khó, gắn bó và chia sẻ trong cộng đồng làng quê Việt.

Trong bối cảnh chiến tranh, thiếu thốn và chia cắt, hai anh em đã cùng nhau nuôi dưỡng ước mơ học tập, vượt lên nghịch cảnh bằng sự hỗ trợ tinh thần lặng lẽ mà bền chặt.

Những kỷ niệm ấy không chỉ đơn thuần là hoài niệm cá nhân, mà còn phản ánh rõ mối liên kết giữa văn hóa gia đình và sự hình thành của một trí thức.

Gia đình theo GS. Trần Văn Thọ không chỉ là nơi nuôi dưỡng thể chất, mà còn là cái nôi đạo đức và khởi điểm cho hành trình tri thức.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, ông cho rằng một người Việt dù đi xa đến đâu, làm việc ở môi trường nào, nếu giữ được nền tảng nhân cách gia đình thì vẫn có thể đứng vững, phát triển và đóng góp có trách nhiệm cho xã hội.

Văn chương và hành trình học thuật từ những trang sách đầu đời

Trong “Hồi ức đến tương lai”, GS. Trần Văn Thọ dành nhiều trang viết để gợi lại ký ức gắn liền với văn chương, từ những bài Quốc văn đầu tiên ở trường làng, những trang thơ Đinh Hùng, cho đến các tác phẩm của Tự lực Văn đoàn.

Đây không đơn thuần là những mảnh ghép hoài niệm, mà là nền móng sâu xa hình thành nên tư duy học thuật, cảm xúc thẩm mỹ và động lực vượt khó suốt cuộc đời ông.

Ngay từ nhỏ, ông đã sớm tiếp xúc với sách vở như một người bạn thân thiết.

Trong hoàn cảnh đất nước còn nghèo nàn, chiến tranh liên miên, việc đọc sách, nhất là sách văn chương, không chỉ là thú vui, mà còn là nơi để tìm thấy hy vọng, khám phá thế giới và tự giáo dục bản thân.

Đáng chú ý, tác giả dành sự trân trọng đặc biệt cho các nhà văn Tự lực Văn đoàn – nhóm trí thức đầu thế kỷ XX chủ trương duy tân văn hóa, khai phóng tư tưởng, và đề cao tinh thần tự lực, đúng như tên gọi của họ.

Theo ông, những giá trị nhân văn, độc lập và lý tưởng sống mà nhóm nhà văn này truyền tải đã ảnh hưởng sâu sắc đến thế hệ thanh niên miền Nam trước 1975, trong đó có chính bản thân ông.

Những câu thơ, dòng văn ấy không chỉ khơi gợi cảm xúc thẩm mỹ, mà còn gieo vào lòng người trẻ một loại “vốn văn hóa nền tảng” – thứ hành trang đặc biệt quý giá cho hành trình học tập và hội nhập về sau.

Bên cạnh tình yêu văn chương, phần hồi ức này còn thể hiện rõ cách ông nhìn nhận văn học như một phần trong hành trình học thuật.

Những cảm xúc đẹp đẽ từ thơ ca – dù là thơ cũ, thơ mới hay thơ tân hình thức, giúp ông duy trì sự cân bằng giữa tư duy lý tính và đời sống nội tâm. Chính sự hài hòa này tạo nên một con người trí thức không chỉ giỏi nghiên cứu, mà còn biết sống sâu sắc, có chiều sâu văn hóa.

Có thể nói, phần viết về văn chương và ký ức học thuật trong “Hồi ức đến tương lai” đã gợi mở một mối liên hệ đáng suy ngẫm: hành trình tri thức không bắt đầu từ phòng thí nghiệm hay hội trường khoa học, mà khởi nguồn từ những trang sách giản dị, từ tình yêu đối với cái đẹp và chân lý.

Âm nhạc và cảm xúc lưu đày trong tâm hồn một trí thức xa xứ

Giữa những trang viết về ký ức gia đình và hành trình học thuật trong “Hồi ức đến tương lai”, GS. Trần Văn Thọ dành một phần đặc biệt để nói về âm nhạc, thứ ngôn ngữ không lời của cảm xúc, nhưng lại có sức mạnh nâng đỡ tâm hồn xuyên suốt cuộc đời lưu lạc nơi đất khách.

Ở đó, âm nhạc không chỉ là thú thưởng thức cá nhân, mà còn là nơi neo giữ bản sắc, hoài niệm và những tầng sâu văn hóa của một trí thức Việt xa quê.

Trong chương “Nhớ lại một thời Bolero”, ông tái hiện không khí của thập niên 1960-1970, thời kỳ mà âm nhạc đại chúng, đặc biệt là các tình khúc bolero, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống người Việt miền Nam.

Những giai điệu ấy, tuy giản dị, da diết, lại gắn liền với những năm tháng tuổi trẻ, nơi con người sống giữa những bất định của chiến tranh nhưng vẫn giữ cho mình một vùng cảm xúc riêng, đầy mộng mơ và nhân bản.

Với GS. Trần Văn Thọ, những bản tình ca ấy là ký ức không thể thay thế. Dù đã sống tại Nhật Bản hơn nửa thế kỷ, ông vẫn tìm nghe lại “Người yêu dấu ơi”, “Sương lạnh chiều đông” hay “Chiều mưa biên giới” – như một cách giữ lấy chất Việt trong tâm hồn.

Đó không chỉ là âm nhạc, mà là lịch sử cảm xúc, là chiếc cầu nối tinh thần giữa quê hương cũ và cuộc sống mới.

Cũng trong phần này, hình ảnh dòng sông Kanda – một biểu tượng trong thi ca Nhật Bản – xuất hiện như một điểm giao thoa giữa hai thế giới văn hóa.

Nếu âm nhạc Việt Nam là nơi lưu giữ ký ức, thì văn hóa Nhật lại giúp tác giả tái cấu trúc cảm xúc, đưa hoài niệm trở thành động lực sáng tạo.

Những bản giao hưởng Nhật – trầm lặng, nội tâm – cùng với giai điệu cổ điển phương Tây, đã giúp ông hình thành một không gian tinh thần đa chiều: vừa gắn bó với cội nguồn, vừa mở rộng biên độ thẩm mỹ ra thế giới.

Dưới góc nhìn văn hóa, phần viết về âm nhạc trong “Hồi ức đến tương lai” mang lại cho độc giả một thông điệp quan trọng: cảm xúc không đối lập với lý trí, mà chính là nền tảng giúp con người giữ được bản sắc trong quá trình toàn cầu hóa.

Âm nhạc, không chỉ nuôi dưỡng tâm hồn mà còn giữ ông không đánh mất chính mình trong hành trình học thuật quốc tế hóa kéo dài suốt hàng thập kỷ.

Với các nhà quản trị, những người luôn đứng giữa thực tiễn và chiến lược, giữa tốc độ và áp lực – cuốn sách cho thấy một bài học giản dị nhưng sâu sắc: muốn phát triển bền vững, không thể thiếu chiều sâu cảm xúc.

Và âm nhạc, chính là một trong những nguồn lực tinh thần quan trọng, giúp con người trụ vững trong những giai đoạn chênh vênh, cô đơn và đầy thử thách của cuộc sống toàn cầu.

Vượt khó để khai sáng và hành trình của một con người mang hai quê hương

Nếu phần đầu của “Hồi ức đến tương lai” tái hiện nền tảng gia đình và những cảm xúc nuôi dưỡng đời sống tinh thần, thì những chương cuối lại hé mở một chiều sâu khác – nơi hình thành tinh thần vượt khó, lý tưởng tri thức và tâm thế sống giữa hai quê hương.

Đó là hành trình vượt lên nghịch cảnh không chỉ bằng nỗ lực cá nhân, mà bằng một đức tin vào giá trị học thuật và một cam kết bền bỉ với đất nước – dù ở xa.

Trong chương viết về “Câu thơ hy vọng vượt đại lục xuyên thế kỷ”, GS. Trần Văn Thọ không nói nhiều về những khó khăn vật chất, bởi ông đã vượt qua chúng, mà tập trung khắc họa một hình ảnh ẩn dụ đầy sức nặng: con người với chiếc balô tri thức, bước đi trong hành trình cô đơn nhưng có mục tiêu rõ ràng.

Hành trình từ một làng quê ở Quảng Nam sang Tokyo – nơi nền học thuật khắt khe và đầy cạnh tranh, không chỉ là chuyến đi về không gian địa lý, mà còn là cuộc bứt phá về tư duy và giá trị.

Song song với đó, những chương như “Tiếng thu Việt Nam và tiếng thu Nhật Bản”, hay “Một cảm nhận về thơ: Thơ cũ, thơ mới, thơ tân hình thức” cho thấy một chiều sâu văn hóa đặc biệt trong cách Giáo sư Trần Văn Thọ tiếp cận thế giới.

Dù tiếp xúc với văn hóa Nhật Bản hiện đại, ông không để bản sắc cá nhân bị xóa nhòa, mà tìm thấy những điểm tương đồng, từ đó phát triển một tư duy đa chiều nhưng không phân mảnh.

Thơ ca, vốn tưởng chỉ là ký ức thẩm mỹ, đã trở thành công cụ giúp ông giữ lại sự lặng thầm nội tâm giữa những xô bồ của học thuật và đời sống quốc tế.

Khi kể lại “Lần đầu viết sách, báo tại Nhật Bản” và “Hai mươi năm với một tuần báo kinh tế”, độc giả hiểu rõ hơn về con đường học thuật mà ông đã lựa chọn: không chỉ là nghiên cứu, mà còn là truyền thông khoa học, phản biện chính sách, đối thoại liên văn hóa.

Từ một học giả, ông dần trở thành người kiến tạo tri thức công, điều hiếm thấy ở thế hệ trí thức Việt học tập và làm việc tại nước ngoài vào thời điểm ấy.

Tất cả được khép lại trong hai chương ngắn nhưng đầy tính biểu tượng: “Một đầu xuân khai bút” và “Có hai quê hương để về”.

Ở đó, “quê hương” không còn là nơi chôn nhau cắt rốn hay địa chỉ hộ khẩu, mà là không gian tinh thần, nơi một con người được nuôi dưỡng và nơi khác họ có thể phụng sự.

Với GS. Trần Văn Thọ, Việt Nam là cội nguồn văn hóa, còn Nhật Bản là môi trường khai sáng. Ông không chọn một trong hai, mà học cách gắn kết cả hai – để vừa không đánh mất bản sắc, vừa đóng góp hiệu quả vào tiến trình phát triển.

Với bạn đọc là các nhà quản trị, doanh nhân hay trí thức đương đại, phần kết của Phần I trong “Hồi ức đến tương lai” gợi mở một thông điệp sâu sắc: muốn đi xa, phải có gốc rễ; nhưng muốn đi đúng, phải có lý tưởng.

Và trong thế giới ngày càng liên kết chặt chẽ, có “hai quê hương” – nếu biết cách – không phải là gánh nặng, mà là một lợi thế để nhìn thế giới đa chiều, hành động trách nhiệm và sống một cuộc đời rộng lớn hơn.

Bản gốc tại đây

 

CẬP NHẬT NGÀY 14, THÁNG 6, 2025

Phạm Xuân Nguyên

Nhà phê bình văn học, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội

Kính thưa các anh chị,

Tôi rất lấy làm tiếc đã không đến dự được cuộc ra mắt cuốn sách này của nhà kinh tế học Trần Văn Thọ. Lý do là trong buổi sáng nay (14/6/2025) cùng giờ này tôi bận làm MC cũng cho một cuộc ra mắt sách: tiểu thuyết Thuyền của nhà văn Nguyễn Đức Tùng ở Canada in ở trong nước, một tác phẩm viết về vượt biên và thuyền nhân (boat man) từ đó đặt ra vấn đề sự thật và ký ức. Hai sự kiện về sách có những sự trùng hợp ngẫu nhiên lý thú diễn ra rất gần nhau (52 Hai Bà Trưng và 36 Lý Thường Kiệt) mà ước gì tôi có thể phân thân để cùng lúc dự được cả hai. Nhưng người phàm thì không thể phân thân nên tôi đành khất cuộc này và xin viết ra vài lời cậy nhờ sư tỷ đồng Phạm là nhà kinh tế Phạm Chi Lan gửi đến anh Trần Văn Thọ và tất cả các anh chị có mặt.

Tôi đã đọc hết cuốn sách của anh Thọ. Sau đây là mấy ghi nhận ban đầu của tôi.

  1. Trước hết là tên sách: Hồi ức đến tương lai. Tôi thích cái tên sách đó. Hồi ức là nói về quá khứ. Tác giả lấy hồi ức để nói về tương lai vì có tương lai nào không đi từ quá khứ. Tên sách như vậy có thể diễn dịch là ngoái lại, tìm lại (quá khứ) để đi tới tương lai. Tôi chợt nhớ tới hai cuốn sách khác có cùng cách đặt tên sách gần như thế: Đến hiện đại từ truyền thống của giáo sư Trần Đình Hượu (1925/1995), thầy giáo đại học của tôi, và Dĩ vãng phía trước của nhà phê bình văn học Ngô Thảo. Dưới tên sách chính anh Thọ có thêm tên sách phụ: “Suy ngẫm về văn hoá, giáo dục và con đường phát triển của Việt Nam”. Đọc từ tên sách vào nội dung sách tôi thấy nhà kinh tế Trần Văn Thọ đã tích luỹ, tạo lập và sử dụng được cho mình một cái vốn văn hoá khi anh bàn đến các vấn đề kinh tế.
  2. Nhà kinh tế Trần Văn Thọ có hai mối quan tâm chính về kinh tế Việt Nam: nửa thế kỷ qua là tìm con đường phát triển cho đất nước và hiện nay là xây dựng hình ảnh lý tưởng của một đất nước phát triển. Là chuyên gia kinh tế dĩ nhiên anh dùng các tri thức và lý thuyết kinh tế để nghiên cứu những vấn đề kinh tế chung của thế giới cũng như của riêng Nhật Bản, Việt Nam, để đề ra các giải pháp cho các bài toán kinh tế toàn cầu và quốc gia. Trong lĩnh vực chuyên môn của mình anh đã có những thành tựu mà bằng chứng ghi nhận là anh đã được chính phủ Nhật Bản trao tặng Huân chương Thuỵ bảo Tia vàng (2018) và được hai đời Thủ tướng Việt Nam mời làm thành viên Tổ tư vấn kinh tế. Tôi là dân văn chương dốt kinh tế nhưng đọc các bài viết về kinh tế của anh Thọ (dĩ nhiên là những bài anh viết cho độc giả phổ cập, tức là những bài đăng báo phổ thông nay được tập hợp vào sách) thấy rất hiểu và rất đồng cảm với những kỳ vọng cũng như những băn khoăn lo lắng của anh cho con đường phát triển của đất nước. Chỉ riêng cái việc anh đã báo động sớm (từ 1997) nạn lạm phát tiến sĩ do sự dễ dãi và hiểu sai về văn bằng này ở nước ta mà rồi trong nước vẫn không ngăn chặn được đã cho thấy cái nhìn xa và nỗi ưu quốc của anh.
  3. Nhưng tôi đang nói đến cái vốn văn hoá của nhà kinh tế Trần Văn Thọ. Hay nói cách khác trong con người kinh tế của anh có con người văn hoá mà văn hoá là gốc. Không phải người làm kinh tế nào cũng có được cái vốn này. Anh Thọ có vì nó đã được gây mầm ở anh từ người ông nội quyết chí cho đứa cháu phải được học hành đến nơi đến chốn bằng những tấm vé số mua cầu may. Vì nó đã được nuôi dưỡng ở anh từ người thầy giáo dạy văn trung học gìn giữ tập vở môn quốc văn của người trò để hơn ba mươi năm sau trao lại cho trò. Vì nó đã được ấp ủ ở anh từ cuốn vở chép gần như hết các bài thơ của thi sĩ Đinh Hùng. Vì nó đã được bám rễ trong anh từ những trang văn của nhóm Tự Lực Văn Đoàn mà quan trọng nhất là một tư tưởng của nhà văn Nhất Linh thể hiện ở nhân vật Dũng trong tiểu thuyết Đoạn tuyệt: “Chiều hôm ấy Dũng như cảm thấy tâm hồn của đất nước, mà biểu hiện cho đất nước ấy không phải là những bậc vua chúa danh nhân, chính là đám dân hèn không tên không tuổi. Dân là nước. Yêu nước chính là yêu chung đám thường dân, nghĩ đến sự đau khổ của đám thường dân.” Trần Văn Thọ rất tâm đắc với quan niệm này, cho đây là định nghĩa rất hay, rất thiết thực về lòng yêu nước. Nên hễ có dịp là anh cứ nhắc lại, trước hết là để tự nhắc mình. Chính tư tưởng đó, vốn văn hoá đó đã thôi thúc anh ở đâu làm gì cũng nghĩ đến nhân dân, đất nước trong từng suy nghĩ, tư duy, hành động. Bàn về đường hướng phát triển kinh tế nói riêng, phát triển xã hội nói chung của đất nước thời hiện đại mà Trần Văn Thọ liên hệ kết nối được với tinh thần khí phách của Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Quang Trung thì phải nói dòng máu lịch sử văn hoá dân tộc đã chảy mạnh trong anh. Vì thế đọc các bài anh viết trong tập sách này vẫn thấy cập nhật, kích thích và truyền cảm hứng, dù có những sự kiện, con số đã phủ thời gian tính.
  4. Cố nhiên, ở tư cách người làm văn học, tôi có để ý hơn đến những bài Trần Văn Thọ viết về văn chương nghệ thuật. Anh không nhận mình là người làm văn nhưng tôi thấy anh đã có dự phần vào văn một cách không ngẫu nhiên. Có thể thấy là anh thích thơ và có tìm hiểu về thơ như một người yêu thơ. Anh đã nhắc lại “nghi án” trong lịch sử văn học về bài thơ “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư liệu có phải là lấy ý từ một bài thơ của Nhật Bản, điều mà Nguyễn Vỹ đã xướng lên từ thập niên 1970. Anh đã tạt sang cả lý luận văn học khi bàn về một nhận định thế nào là thơ hay của Nguyên Sa hay về loại thơ tân hình thức mới du nhập vào Việt Nam gần đây. Anh còn bình về những câu thơ mình cho là hay. Khi viết như thế Trần Văn Thọ có sự tự tin ở mình và tin ở người đọc có sự hưởng ứng, tương thông. Tôi nhận ra sự tinh tế của anh ở bài viết về nhạc phẩm nổi tiếng “Chiều mưa biên giới” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Tinh tế khi anh phân tích ca từ “Đêm đêm chiếc bóng bên trời / Vầng trăng xẻ đôi vẫn in hình bóng một người”. Câu hát có mượn ý câu thơ Kiều thì ai có đọc đều biết. Nhưng Trần Văn Thọ đã như một nhà phê bình tinh tế nhận ra một điều sâu hơn làm cho “vầng trăng xẻ đôi” trong câu hát khiến người nghe xúc động hơn trong câu thơ, đó là “có lẽ vì trong “Truyện Kiều”, vầng trăng xẻ đôi là hình ảnh người thứ ba tưởng tượng về hai chủ thể khác, còn trong “Chiều mưa biên giới” chính tác giả là người trong cuộc, đương tha thiết nhớ về người yêu.” Tinh tế hơn nữa khi từ một bình luận của một chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam thương tiếc nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông dịp ông qua đời, Trần Văn Thọ đã kết luận bài viết của mình bằng tâm thức hoà giải dân tộc: “Các thể chế chính trị đều cấm “Chiều mưa biên giới”, nhưng nhạc sĩ đã đi vào con tim của mọi người Việt Nam. Tính nhân văn làm tác phẩm vượt thể chế, vượt không gian và sẽ sống mãi với thời gian.” (tr. 97).
  5. Đến tương lai ở một khía cạnh khác ngoài kinh tế là từ tính người và tình người Việt với nhau như thế. Tôi đọc được điều này trong cuốn sách của Trần Văn Thọ. Những bài viết trong sách theo tác giả là những bài tương đối nhẹ nhàng, không đi sâu vào chuyên môn, dễ đọc, hợp với nhiều độc giả khác nhau. Nhưng khi tập hợp chúng lại thành một cuốn sách đặt trong một cấu trúc hợp lý và cho nó cái tên Hồi ức đến tương lai thì chúng có sức gợi mở nhiều và lan rộng được đến nhiều người đọc cùng chung sự quan tâm đến vận nước như anh, bất luận ở lĩnh vực ngành nghề nào. Cảm ơn anh Trần Văn Thọ về cuốn sách này và không chỉ vì cuốn sách này. Cảm ơn các anh chị đã nghe tôi vắng mặt và một lần nữa tôi rất tiếc không thể dự được để được nghe ý kiến của mọi người về trong và ngoài cuốn sách của anh Thọ mà tôi tin là sẽ rất lý thú và bổ ích. Chúng ta cũng phải cảm ơn Nhà xuất bản Đà Nẵng đã in cuốn sách này của anh Thọ trong một nỗ lực văn hoá là muốn cứu giữ lấy mình khi cấp chính quyền thành phố muốn giải thế mình. Và cuối cùng nhưng không phải sau hết, chúng ta chúc nhau cùng anh Trần Văn Thọ tin được vào tương lai từ những hồi ức ta đã có từ quá khứ.

Phạm Xuân Nguyên

Hà Nội, 13/6/2025

 

SÀI GÒN – HÒN NGỌC VIỄN ĐÔNG” — DẤU TÍCH KIẾN TRÚC PHÁP

 Tác giả: Trần Hữu Phúc Tiến

Nguyễn Xuân Xanh trình bày

 

Ngày nay, sau bao cuộc binh lửa và biến động kinh tế-xã hội, rất tiếc, khá nhiều kiến trúc Pháp-Đông Dương không còn nữa, hoặc đã hao mòn và biến đổi ít nhiều. Bản thân tên gọi Hòn Ngọc Viễn Đông trước 1945 cũng đã lui vào quá khứ. Ngày nay, khi cần chỉnh trang, xây dựng mới Thành phố Hồ Chí Minh trong thế kỷ 21, các nhà hoạch định chính sách và chuyên môn không thể không tìm hiểu gia sản quy hoạch và kiến trúc của các thế hệ trước.

— Trần Hữu Phúc Tiếntác giả

 

Sách Kiến Trúc Pháp-Đông Dương – Dấu Tích “Sài Gòn-Hòn Ngọc Viễn Đông” của tác giả Trần Hữu Phúc Tiến, 232 trang, bìa mềm. giá bìa 350.000đ, NXB Tổng hợp, TP Hồ Chí Minh.

Lời nói đầu

Xin giới thiệu anh chị của mạng rosetta một quyển sách mới về Kiến trúc Pháp của “Sài gòn xưa”, của tác giả Trần Hữu Phúc Tiến, một tên tuổi rất quen thuộc trong giới trí thức của Thành phố. Sách của anh vừa được trao Giải Vàng của Hội quy hoạch đô thị Việt Nam 2025. Xin nhiệt liệt chúc mừng anh Phúc Tiến. Nếu được nghe anh nói chuyện về đề tài này, như tôi có lần được may mắn, sẽ thấy say đắm như nghe câu chuyện cổ tích. Anh là một người đam mê đề tài kiến trúc của Sài gòn, di tích mà người Pháp đã để lại sau 100 năm đô hộ, có lẽ đó là động lực. Đề tài này đã được nhiều người quan tâm, trong đó có anh Nguyễn Đức Hiệp, thành viên của edu-sci, nhưng có lẽ tác phẩm của anh Phúc Tiến là bao trùm.

Nước Pháp từng có nhiều vùng thuộc địa như ở Bắc Mỹ, được gọi là ‘Nouvelle France’ hay New France (Quebec), châu Phi, châu Á, xây dựng những tiền đồn thương mại.

Tàu chiến Pháp ngoài khơi Sài Gòn, tháng 2 năm 1859

Pháp chiếm Sài gòn (Gia Định) năm 1859. Sau khi vây hãm kéo dài 2 năm dưới sự chỉ huy của đô đốc người Pháp Charles Rigault de Genouilly, Pháp chính thức chiếm giữ Sài gòn vào ngày 17 tháng 2 năm 1859, và chiến dịch “bình định Nam Kỳ kéo dài đến 1862. Sài Gòn có tầm quan trọng chiến lược lớn, vừa là khu vực sản xuất lương thực chính của Việt Nam vừa là cửa ngõ vào Nam Kỳ. Sau 1862 họ bắt đầu xây dựng thành phố, kéo dài cho đến 1945 khi họ thất thủ ở Điện Biên Phủ.

Anh quốc cũng thế. Họ xây dựng nhiều tiền đồn rải rác là những thành phố lớn ở khắp thế giới, với số lượng lớn hơn Pháp, để trở thành một “Đế chế mặt trời không bao giờ lặn”: Boston, Bridgetown, Dublin, Cape Town, Calcutta, New Delhi, Melbourne, Vancouver, Hong Kong, Singapore, để kể một số thành phố.

Thành phố Boston, một trong những tiền đồn quan trọng trong vành đai thương mại của Anh, được những người định cư Thanh giáo Anh xây dựng năm 1630. Cảnh “tea party” diễn ra ngày 16 tháng 12 năm 1773, những người Mỹ lao lên tàu Anh và ném các hòm trà nhập từ Trung Quốc xuống biển để phản đối Anh tăng thuế lên các khu thuộc địa. Hai năm sau những phát súng đầu tiên giành độc lập nổ vào tháng 4 năm 1775 tại trận Lexington và Concord.

Một cảnh của thành phố New Dehli được Anh xây dựng (AP)

 

Liverpool, thành phố cảng huyết mạch của Đế chế Anh

Dưới đây tôi xin gửi anh chị vài tấm ành lịch sử một số công trình của Pháp tại Sài gòn. Đa số đã có trên mạng, trừ hai tấm ảnh đầu tôi lấy từ Người Đô Thị do anh Phúc Tiến cung cấp.

Bến tàu Khánh Hội từ họa đồ quy hoạch Sài Gòn 1898 (tư liệu Thư viện Quốc gia Pháp).

Toàn cảnh bến tàu Khánh Hội năm 1930 (tư liệu Thư viện Quốc gia Pháp).

Lễ hạ thủy tàu Albert Sarraut (tên của Toàn quyền Đông Dương Albert Pierre Sarraut) tại công xưởng hải quân Sài Gòn.

Không ảnh Dinh Toàn quyền (nay Dinh Thống Nhất) vào khoảng năm 1930

Dinh Toàn quyền được thắp đèn ban đêm vào năm 1922

Dinh Thượng thơ vào thập niên 1920, lúc này được gọi là Văn phòng Chính phủ Nam Kỳ (Bureaux du Gouvernement de la Cochinchine), là Bộ Quốc phòng thời Việt Nam Cộng Hòa. Đối diện (đường Lý Tự Trọng là Thư viện Quốc gia cũ, nơi sinh viên hay vào đó ngồi học)

 

Khách sạn Continental

Một cảnh trong Contenental, được cho rằng là nơi gặp gỡ của người corse.

Nhà hát lớn thành phố được bắt đầu xây vào năm 1896 qua kiến trúc đoạt giải của ông Ferret

Ngã tư đường Lagrandière – Catinat (nay là Lý Tự Trọng – Đồng Khởi) vào năm 1922. Dinh Thượng thơ nằm bên trái hình. Tòa nhà đầu tiên tay phải là Thư viện quốc gia trước 1975. Tôi và các bạn rất thường vào đó học bài. Đường Catinat chạy phía trái sẽ xuống Bến Bạch Đằng, chạy ngược lên tay phải sẽ gặp Nhà Thờ Đức Bả.

Nhà thờ Đức Bà được xây dựng từ 1863-65

Bưu điện Sài gòn khoảng 1930

Trụ sở Sài Gòn của Ngân hàng Đông Dương, sau là Ngân hàng Quốc gia Việt Nam dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa, hiện nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh.

Một thành phố đáng yêu, và qua bao nhiêu thăng trầm, vượt thác, vẫn còn rất đáng yêu. Quyển sách chắc chắn sẽ gợi nhớ những “lớp địa chất” hay “kỷ niệm” của một thành phố đặc biệt có nhiều sức sống, từng là Schauplatz, “chỗ diễn ra nhiều biến cố lịch sử đầy kịch tính”. Khi tôi về lại Việt Nam những năm cuối 1980, có một giám đốc chương trình của Đài truyền hình Đức ARD, một trong hai đài chính của Đức, tiếp cận, nhờ tôi giúp tư vấn để ông làm một phim tư liệu. Tôi có giới thiệu nhà văn Sơn Nam cho họ. Phim đó có tên “Saigon. Schauplatz der Geschichte“, “Saigon. Hí trường của Lịch sử” chăng? May mắn thay, Sài gòn đã không trở thành “Thăng long thành hoài cổ” của Bà huyện Thanh Quan. Sức sống “chòi đạp”, mượn từ của anh Phúc Tiến, của con người trong mọi cảnh ngộ thử thách khắc nghiệt nhất, vẫn làm cho thành phố vẫn vươn lên. Vấn đề của những nhà quản lý có trách nhiệm, là làm sao cho sự vươn lên của Sài gòn vẫn giữ được sự hài hòa với cái dáng cũ “hòn ngọc viễn đông” của nó. Quyển sách chắc chắn sẽ góp phần tạo ý thức cho người thành phố, và cho những người có trách nhiệm quy hoạch để giữ cái hồn như di sản mà người Việt và Pháp đã để lại. Đây là vấn đề lớn. Trong việc này, có lẽ cần thiết tham khảo ý kiến số chuyên gia quy hoạch/ kiến trúc chuyên nghiệp Pháp.

Xin nồng nhiệt giới thiệu với anh chị.

Nguyễn Xuân Xanh

Lời nói đầu

(Tác giả sách)

Sài Gòn xưa – Thành phố Hồ Chí Minh nay, cho đến hiện giờ vẫn là đô thị lớn bậc nhất cả nước. Trong quá trình kiến tạo thành phố, khoảng thời gian 1862-1945 là giai đoạn hình thành và hoàn chĩnh của một đô thị tân tiến và hiện đại, khác hẳn mô hình thành thị phong kiến Á Đông trước đó. Công sức xây đắp của người Pháp và đông đảo người Việt cùng toàn bộ cư dân thuộc nhiều vùng miền tứ xứ, đã làm nên một đô hội mỹ lệ và nhộn nhịp, kết hợp nhiều yếu tố Đông – Tây, trên cơ sở thừa kế đô thị Gia Định xưa cổ.

Từ đầu thế kỷ 20, đặc biệt vào thập niên 1920 trở đi, chính quyền Đông Dương tự hào quảng bá Sài Gòn là La Perle de l’Extrême-Orient – Hòn Ngọc Viễn Đông, một điểm đến không thể thiếu của du khách, các nhà đầu tư và bạn bè thế giới. Trong thực tế, vẻ đẹp của Hòn Ngọc Viễn Đông, không chỉ là cảnh sắc và phố phường mà là toàn diện từ Kiến trúc đến Kinh tế, Văn hóa và Con Người. Trong đấy, chỉ riêng về kiến trúc, có nhiều kiến trúc hay đẹp – từ dinh thự đến nhà ở, phố chợ và nhiều công trình khác, thể hiện nhiều phong cách đa dạng.

Các công trình xây dựng mới mẻ với thiết kế, công nghệ và vật liệu tân kỳ so với thời kỳ phong kiến, xuất hiện phổ biến không chỉ riêng ở Sài Gòn, mà còn ở nhiều đô thị khác của Đông Dương. Phần lớn các công trình do kiến trúc sư Pháp thiết kế, thường được gọi chung là “kiến trúc Pháp” hay “kiến trúc thuộc địa”. Tuy nhiên, theo chúng tôi, nên gọi là kiến trúc Đông Dương, hay đầy đủ hơn là kiến trúc Pháp – Đông Dương vì chúng vừa mang dấu ấn văn hóa Pháp vừa có nhiều đường nét hòa quyện với văn hóa bản địa đồng thời thích ứng với khí hậu địa phương. Mặt khác, nhiều công trình tuy lấy cảm hứng từ các nguyên mẩu ở Pháp hay châu Âu, song đấy vẫn là những công trình sáng tạo của người Pháp ở hải ngoại, trên cơ sở học hỏi kiến thức quốc tế cũng như lịch sử và văn hóa các nước sở tại. Trong đó, Việt Nam, là một thực địa giàu đẹp và đặc sắc.

Ngày nay, sau bao cuộc binh lửa và biến động kinh tế-xã hội, rất tiếc, khá nhiều kiến trúc Pháp-Đông Dương không còn nữa, hoặc đã hao mòn và biến đổi ít nhiều. Bản thân tên gọi Hòn Ngọc Viễn Đông trước 1945 cũng đã lui vào quá khứ. Ngày nay, khi cần chỉnh trang, xây dựng mới Thành phố Hồ Chí Minh trong thế kỷ 21, các nhà hoạch định chính sách và chuyên môn không thể không tìm hiểu gia sản quy hoạch và kiến trúc của các thế hệ trước.

Đặc biệt, đối với các tầng lớp thị dân đương đại, nhất là các bạn trẻ sinh ra và lớn lên trong thế kỷ 21, có lẽ những âm vang và hình ảnh của Sài Gòn-Hòn Ngọc Viễn Đông không chỉ gợi lên sự tò mò. Chúng thực sự còn khơi dậy nhu cầu tìm hiểu lai lịch khởi nguồn của đô thị mà mình đang sinh sống, cũng như các sinh hoạt của tiền nhân. Xét về nhiều mặt, cuộc khám phá quá khứ không chỉ để thưởng ngoạn mà còn có thể giúp cho chúng ta các ý tưởng và kinh nghiệm để áp dụng vào nhiều hoạt động của thành phố trong hiện tại và tương lai. Trong số này, có các hoạt động của Kinh tế Xanh, Kinh tế Di sản là trào lưu đang phổ biến ở nhiều nước, góp phần không nhỏ cho việc tôn vinh văn hóa bản sắc và nguồn thu nhập của các đô thị và quốc gia.

Cùng đồng hành với các bạn trong cuộc khám phá trên, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II đã và đang có nhiều hoạt động thông tin và quảng bá các nguồn tư liệu liên quan đến lịch sử thành phố và miền đất phương Nam. Nhân kỷ niệm 325 năm thành lập và phát triển Sài Gòn –Thành phố Hồ Chí Minh (1698-2023) và 50 năm thống nhất đất nước (1975-2025), Trung tâm chủ trương xuất bản quyển sách Kiến trúc Pháp Đông Dương, dấu tích Sài Gòn-Hòn Ngọc Viễn Đông.

Là người sinh trưởng ở Sài Gòn, tham gia nghiên cứu lịch sử thành phố, bản thân tôi rất hân hạnh được biên soạn nội dung của sách với nhiều đề tài lý thú. Sách bao gồm trước nhất là các bài viết tổng quan về quá trình quy hoạch và xây dựng Sài Gòn từ 1862-1945 cùng các kiến trúc Pháp – Đông Dương tiêu biểu. Kế đến, là các bài viết điểm lại các công trình kiến trúc điển hình theo từng khu vực chủ yếu của thành phố thời ấy. Các bài khảo tả đều nhằm mục tiêu phác họa các nét đẹp chính yếu của công trình, cũng như điểm qua lịch sử sử dụng từ trước đến nay. Kèm theo mỗi bài là các hình ảnh và họa đồ, kể cả một số văn bản thời đó để làm rõ hơn các đặc điểm và lai lịch công trình. Sách còn giới thiệu trích dẩn các nhận xét của một số chuyên gia, trí thức trong và ngoài nước trước 1945 và hiện tại về quy hoạch, kiến trúc và cảnh quan của Sài Gòn -Hòn Ngọc Viễn Đông.

Các bài viết trong sách đều dựa trên thông tin khảo sát thực địa và học hỏi của tác giả trong nhiều năm qua. Sách đồng thời sử dụng nhiều tài liệu của Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, nơi đang lưu giữ nhiều họa đồ, hình ảnh, ấn phẩm và văn bản nhà nước về Sài Gòn và Nam bộ từ thế kỷ 19 đến nay. Ngoài ra, nội dung biên soạn còn dựa trên nhiều thông tin, hình ảnh chọn lọc từ các thư viện và trung tâm lưu trữ ở Pháp, Mỹ, Singapore. Mặt khác, tác giả cũng tham khảo một sách báo trong và ngoài nước viết về lịch sử kiến thiết Đông Dương và Sài Gòn xưa và Thành phố Hồ Chí Minh nay. Nhiều thân hữu đã đóng góp ý kiến và tư liệu quý giá để hoàn thành sách này.

Chúng tôi rất hoan nghênh bạn đọc xa gần sẽ có ý kiến phản hồi để bổ khuyết và sửa đổi các sai sót có thể. Trung tâm Lưu trữ quốc gia II và tác giả mong muốn quyển sách Kiến trúc Pháp Đông Dương, dấu tích Sài Gòn Hòn Ngọc Viễn Đông sẽ là món quà hữu ích dành cho tất cả những người yêu mến thành phố xinh đẹp và năng động hàng đầu của Việt Nam.

TPHCM, nhân ngày Di sản Việt Nam,

 23 tháng 11 năm 2023

Trần Hữu Phúc Tiến

 

MỤC LỤC

Lời nói đầu

CẢM NHẬN VẺ ĐẸP SÀI GÒN – HÒN NGỌC VIỄN ĐÔNG XUYÊN THẾ KỶ                                   

Chương Một

DẠO QUA CÁC CHẶNG ĐƯỜNG QUY HOẠCH VÀ KIẾN TRÚC SÀI GÒN TRƯỚC NĂM 1945

1.1. Nhận diện quá trình kiến tạo Sài Gòn tân tiến và các giá trị  Hòn Ngọc Viễn Đông

1.2. 10 cặp kiến trúc tiêu biểu  của đô thị Sài Gòn tân tiến trước 1945

 

 Chương Hai

KHU VỰC ĐẠI LỘ NORODOM – THÀNH GIA ĐỊNH XƯA

2.1. Dinh Norodom – Biểu tượng nước Pháp tại châu Á

2.2. Nhà thờ lớn Sài Gòn – Trái tim hồng giữa phố

2.3. Nhà Bưu điện Sài Gòn – Cung điện công nghiệp và khoa học

2.4. Dinh Đại tướng và Câu lạc bộ Sĩ quan Pháp – hai biểu tượng binh quyền

2.5. Trụ sở Công ty xăng dầu Pháp – Á – Tòa nhà dấu ấn đa quốc gia

2.6. Câu lạc bộ sĩ quan Hải Quân – Cao ốc trang nhã trên đại lộ trọng yếu

2.7. Bảo tàng Blanchard de la Brosse – Cung điện cổ vật quý báu

2.8. Đại Chủng viện Giuse và Tu viện Saint Paul – “Vatican nhỏ”- ốc đảo thân thiện

2.9. Dinh Công lý – Biểu tượng pháp lý công quyền

2.10. Dinh Thống đốc Nam Kỳ – Nhà Trắng kỳ thú

2.11. Dinh Nội Vụ Nam Kỳ – Công sở thân thiện

 

 Chương Ba

KHU VỰC DỌC BỜ SÔNG SÀI GÒN – VÀ RẠCH BẾN NGHÉ

3. 1. “Cánh cung vàng” – Khu vực bờ sông và bến tàu

3.2. Nhà máy Ba Son và doanh trại Hải Quân

3.3. Nhà Quan thuế – Biểu tượng giao thương

3.4. Cột cờ Thủ Ngữ, Nhà Rồng và Thương Cảng Sài Gòn – Bộ ba biểu tượng cảng thị phồn thịnh

3.5. Khách sạn Majestic và khách sạn Grand – “cặp đôi” lâu đài du lịch

3.6. Trụ sở Ngân hàng Đông Dương – Kho báu phong phú

 

Chương Bốn

KHU VỰC CATINAT VÀ CHARNER

4.1. Đường phố thượng lưu Catinat

4.2. Đại lộ hoa lệ Charner

4.3. Nhà hát lớn Sài Gòn và khách sạn Continental

4.4. Tòa Thị Chính -Lâu đài hướng sông

4.5. Cao ốc Catinat và Công viên Pages

4.6. Đại bách hóa Charner và Kho bạc Nam Kỳ

 

Chương Năm

KHU VỰC BONARD, CHỢ BẾN THÀNH, LA SOMME

5.1. Tam giác kim cương Bonard – Bến Thành – La Somme

5.2. Chợ Trung tâm Sài Gòn – Biểu tượng phồn vinh

5.3. Tòa nhà công ty Hỏa xa Đông Dương và nhà ga Sài Gòn

5.4. “Nhà Chú Hỏa” – Đại dinh thự Pháp-Hoa

 

Chương Sáu

KHU VỰC CHỢ LỚN

6. 1. Chợ Lớn – thành phố song sinh quý hiếm

6.2. Chợ Bình Tây – Chợ Lớn đại thương

6.3. Nhà phố Pháp – Hoa

6.4. Chung cư người Hoa bình dân

 

Chương Bảy

CÁC KIẾN TRÚC TIÊU BIỂU KHÁC

7.1. Vườn Ông Thượng và các phố biệt thự chung quanh

7.2. Biệt thự Phương Nam và phong cách Pháp – Sài Gòn

7.3. Trường Petrus Trương Vĩnh Ký – “Quốc tử giám” hiện đại

7.4. Trường Nữ sinh bản xứ – Học đường duyên dáng

7.5. Bệnh viện Grall và Viện Pasteur – Cặp đôi Y tế hàng đầu

PHỤ LỤC

Biểu trưng đầu tiên của Sài Gòn

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

 

Lời bạt của tác giả

Bạn đọc quý mến,

Khi những trang sách này hoàn chỉnh bản thiết kế để chuyển đến nhà in cũng là lúc thành phố Hồ Chí Minh chính thức khai trương tuyến Metro số 1 vào ngày 22/12/2024. Một sự trùng hợp lý thú, cách đây 143 năm, cũng vào tháng 12, người dân Sài Gòn chứng kiến đoàn xe tram đầu tiên lăn bánh trên đường sắt , khởi đầu hệ thống giao thông công cộng mới mẻ. Cả hai sự kiện xưa và nay đều trở thành cột mốc quan trọng trong quá trình xây dựng một đô thị lớn và tân tiến.

Trong khi ấy, đúng vào Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11/2024, chính quyền thành phố đã công bố việc xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cho 3 công trình xây dựng trước 1945. Đó là trụ sở Hải quan TPHCM, trụ sở Ũy ban Nhân dân Quận 1 và Chợ Bến Thành – cả ba đều hơn 100 tuổi đời. Trước đó vào đầu năm nay, khi góp ý cho TPHCM về dự kiến quy hoạch nay đến 2030 và 2045, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh việc thành phố có thêm những định hướng phát triển mới mang tính bứt phá cũng chính là xây dựng trở lại hình ảnh “Hòn Ngọc Viễn Đông[1].

Những thông tin ấy đem thêm niềm vui cho những người biên soạn và xuất bản sách Kiến trúc –Pháp-Đông Dương, dấu tích Sài Gòn- Hòn Ngọc Viễn Đông. Bởi vì việc ra đời hệ thống giao thông đa dạng ở thành phố và lịch sử của những công trình kiến trúc nói trên, cũng như toàn bộ quá trình hình thành “Hòn Ngọc Viễn Đông” đều được ghi nhận trong quyển sách của chúng tôi. Hiện tại, thành phố và cả nước đang tăng tốc xây dựng nhiều tuyến đường giao thông mới, nhiều cơ sở hạ tầng lớn lao để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi sang Kinh tế Xanh, Kinh tế Số và các ngành công nghiệp tri thức, tiếp tục mục tiêu hoàn thành công nghiệp hóa-hiện đại hóa vào năm 2045. Đồng hành với chiều hướng đó, quyển sách có thể đóng góp nhất định những thông tin hữu ích về việc kiến thiết thành phố cùng các công trình kiến trúc hoàn mỹ trong quá khứ để phục vụ cho việc chỉnh trang đô thị, xây dựng mới các công trình. Và đặc biệt, chúng tôi mong muốn quyển sách sẽ góp phần vào việc gìn giữ và phát huy các giá trị di sản hay đẹp của các thế hệ tiền nhân!

Năm mới 2025 đang đến, chúng ta chúc thành phố và đất nước có thêm một mùa Xuân tươi sáng, thanh bình và sẽ có nhiều thành tựu phát triển giàu đẹp, tô thắm bức tranh rạng rỡ của Việt Nam trong thế kỷ 21!

26/12/2024

Trần Hữu Phúc Tiến

[1] https://vietnamnet.vn/quy-hoach-tp-hcm-phai-lam-cho-tp-tro-thanh-hon-ngoc-vien-dong-2254036.html