Hải đăng Hoàng Sa - Ảnh tư liệu.
"Tôi đi Hoàng Sa được khoảng 10 chuyến, lần nào cũng có kỷ niệm không thể quên, từ những cơn bão tố Biển Đông, những đàn cá dày đặc ở rạn san hô, đến gương mặt bạn bè thân quen đón chờ ở đầu cầu hòn đảo của Tổ quốc" - nhiều năm đã trôi qua, cựu quân nhân kỹ thuật hải quân Trương Văn Quảng vẫn vẹn nguyên ký ức Hoàng Sa.
Giọng ông Quảng chợt nghẹn xuống.
Hồi tưởng ký ức những chuyến vượt đại dương ra quần đảo Hoàng Sa của Tổ quốc, ông Quảng tâm sự quê ông ở Hương Trà (Thừa Thiên - Huế), từ thuở nhỏ biển đã gắn bó như một phần máu thịt trong ông. Tốt nghiệp trung học đệ nhất, ông vào học ngành kỹ thuật cơ khí hải quân Nha Trang.
Những chuyến tàu tiếp vận
Năm 1959, lần đầu hạ sĩ quan Trương Văn Quảng được đặt chân lên Hoàng Sa từ chiếc tàu HQ - 400 Hát Giang. Đây là hải vận hạm loại LSM (Landing ship medium) do Mỹ viện trợ chuyên dụng quân vận và lương thực, nước uống tiếp tế đảo, về sau được chuyển công năng thành tàu bệnh viện.
Cùng với Hát Giang, chính quyền Sài Gòn cũng còn một số tàu thường xuyên đi tiếp vận Hoàng Sa như HQ - 401 Hàn Giang, HQ - 402 Lam Giang, HQ - 403 Ninh Giang, HQ - 404 Hương Giang...
Ngoài hải vận hạm, giai đoạn ấy cũng có nhiều loại tàu khác thường xuyên ra quần đảo này như dương vận hạm HQ - 500 Cam Ranh, HQ - 501 Đà Nẵng, HQ - 502 Thị Nại, và cả tàu chiến.
Theo ông Lữ Công Bảy - cựu thượng sĩ giám lộ hải quân, các chiến hạm vừa tuần tiễu vừa chuyển quân và tiếp vận cho các đảo khi có nhiệm vụ cần thiết. Ông Bảy từng đi chiếc khu trục hạm HQ - 04 Trần Khánh Dư tham gia trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974. Trước đó, vào năm 1971, lần đầu ông được đặt chân lên quần đảo này từ chiếc Kỳ Hòa, một trong những hộ tống hạm của miền Nam Việt Nam.
Đến giờ ông vẫn còn vẹn nguyên cảm xúc rưng rưng khi giẫm chân lên bãi cát vàng, và được nghe giọng nói đồng bào quen thương là những người lính trấn thủ giữa Biển Đông của Tổ quốc.
Riêng ông Quảng, sau nhiều chuyến hải hành trên chiếc Hát Giang, đã chuyển sang tàu HQ - 07 Đống Đa. Đây là hộ tống hạm mà chính ông Quảng cùng thủy đoàn miền Nam đã đi nhận từ Mỹ về.
"Dù thế nào tôi vẫn chưa thể quên từng luồng lạch, từng hình ảnh thân thương ở quần đảo san hô Hoàng Sa, bởi tôi cùng anh em đồng đội từng năm lần ra đảo trên chiếc Hát Giang, ba lần trên chiếc Đống Đa và hai lần với chiếc Coadgoard 117" - ông Quảng tâm sự.
Lần đầu tiên vào năm 19 tuổi, ông Quảng được toại nguyện ước mơ khỏa tay xuống sóng biển Hoàng Sa. Đây cũng là thời điểm chính quyền Sài Gòn khai thác phân phốt phát từ đảo chuyển về Sài Gòn. Ngoài hải vận, chiếc Hát Giang còn có nhiệm vụ tuần tiễu, yểm trợ cho các thương thuyền và tàu chuyên chở phốt phát này.
Ông Quảng vẫn nhớ đó là những con tàu mang tên địa danh nước Việt như Trường Sơn, Đại Hải, Nhật Lệ... Phân phốt phát từ Hoàng Sa được chở thẳng về Sài Gòn, rồi chuyển xuống vựa lúa miền Tây Nam Bộ.
Nhắc lại chuyến hải hành đầu tiên ra quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc, ông Quảng tâm sự: "Từ Sài Gòn, chiếc Hát Giang ra Đà Nẵng, nhận lương thực và nước ngọt. 18 giờ chiều, việc tiếp vận lên tàu kết thúc. Thuyền trưởng cho quay mũi, kéo còi trực chỉ thẳng ra Hoàng Sa. Hát Giang chạy rất nhanh, chỉ khoảng 10 hoặc 11 giờ sáng hôm sau đã đến Hoàng Sa tùy theo mức độ sóng gió".
Ông Quảng kể đa số chuyến hải hành của ông ra đảo đều trong thời tiết tốt, nhưng nếu có lệnh hành quân trong gió bão thì họ vẫn thực hiện nhiệm vụ.
Ông Lữ Công Bảy (trái) vẫn ứa nước mắt khi nhắc nhớ Hoàng Sa và ông Nguyễn Văn Đức, đảo trưởng Hoàng Sa phiên thứ 38 - Ảnh: Q.VIỆT.
Ba tháng đi một lần
Khi tàu đến đảo, việc đầu tiên thủy thủ tàu tiếp vận làm là nối ống từ hầm tàu lên đảo để bơm nước ngọt vào bể trữ. Các bể này được xây dựng trên đảo bằng bêtông rất kiên cố, để hứng thêm nước mưa.
Ngoài ra, đảo cũng có một giếng nước lợ. Độ mặn nước giếng tùy vào thủy triều lên xuống. Khi triều hạ, độ mặn cũng giảm bớt. Nhưng binh sĩ và nhân viên khí tượng sống trên đảo thường chỉ dùng nước này để tắm lại sau khi tắm biển.
Khoảng ba tháng, chiếc Hát Giang đi Hoàng Sa một lần. Thường là phiên đổi ca đồn trú trên đảo, nên tàu chở theo một trung đội lính cùng nhân viên khí tượng ra đảo và đón những người đã ở ngoài đó về đất liền.
Ông Quảng nhớ lương thực tiếp tế chủ yếu là gạo, muối, đường, sữa, đồ hộp... Còn đồ tươi như heo, gà vịt sống do binh sĩ mang theo từ đầu phiên đồn trú của mình.
Ông Nguyễn Văn Đức, đảo trưởng Hoàng Sa phiên thứ 38, nhớ lại: "Tháng 10-1969, tôi nhận sự vụ lệnh của Bộ chỉ huy Tiểu khu Quảng Nam điều động ra làm đảo trưởng Hoàng Sa trong bốn tháng. Cùng đi với chúng tôi có 34 binh sĩ, được đặt tên là trung đội Hoàng Sa, trong đó có những người tự nguyện giơ tay xung phong đi, và bốn nhân viên khí tượng ra thay ca ở trước".
14h chiều 14-10-1969, trung đội Hoàng Sa của ông Đức lên chiếc hải vận hạm HQ - 402 Lam Giang. Tàu kéo còi rời cảng Tiên Sa, Đà Nẵng trên sóng biển nhẹ nhàng.
Tuy nhiên, đến đêm biển động, những con sóng lớn quăng quật làm nhiều người chưa quen đi biển say sóng vật vã. Sáng hôm sau, biển trời lại trở nên hiền hòa, êm ả. Những người lính reo ồ lên trước cảnh tượng cá voi phun nước bơi ngang qua tàu.
Giữa trưa, Hoàng Sa đã hiện ra mờ mờ trước mắt và càng lúc càng rõ dần. 15h, tàu thả neo cách đảo một đoạn vì mắc rạn san hô nên tàu lớn không thể vào gần được. Trung đội Hoàng Sa và bốn nhân viên khí tượng xuống chiếc thuyền nhỏ để lên đảo.
Chuyển hết người, chiếc thuyền nhỏ lại quay ngược ra tàu để tiếp tục chở thực phẩm đủ cho người trên đảo ăn trong bốn tháng.
Giếng nước ngọt ở Hoàng Sa - Ảnh tư liệu.
Cúng đảo
Nhắc nhớ kỷ niệm, ông Đức vẫn vẹn nguyên ký ức: "Lên đảo, tôi nhận bàn giao từ phiên đồn trú 37 trước đó. Người đến, kẻ về, cảm giác rất xúc động, thân tình. Anh em lên tàu vào đất liền, chúc chúng tôi ở lại mạnh khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Họ còn chỉ bày kinh nghiệm sống trên đảo cho tân binh mới ra lần đầu".
Bàn giao xong thì trời đã tối, những người lính mới chuẩn bị chỗ nghỉ ngơi để sáng mai bước vào ngày đầu tiên trong phiên đồn trú bốn tháng.
Hôm sau, ông Đức mổ heo làm lễ cúng đảo và liên hoan. Đây là một trong hai con heo và 20 con vịt mà trung đội Hoàng Sa mang theo từ đất liền. Nghi lễ bất thành văn mà tất cả phiên đồn trú trên Hoàng Sa đều thực hiện. Họ mổ heo, cúng đảo ngày mới đặt chân lên đảo và cúng ngày trở về. Không khí rất trang nghiêm thành kính. Đảo có ngôi cổ tự thờ Phật Bà Quan Âm, có một nhà nguyện Thiên Chúa giáo và khoảng 20 nấm mộ mà phần nhiều là vô danh.
Đêm đầu tiên trên đảo, nhiều người trẻ không ngủ được vì nhớ nhà, nhưng chỉ vài hôm nỗi buồn giảm dần vì cảnh vật Hoàng Sa xinh đẹp và thanh bình. Đảo không có núi và rừng cây rậm rạp như các hòn phía Nam Tổ quốc, nhưng khí hậu vẫn mát mẻ.
Cựu đảo trưởng Hoàng Sa - Nguyễn Văn Đức - tâm sự không khí trên đảo ấm áp và dễ chịu với những bãi cát mịn trắng phau dọc bờ biển. Đứng từ đây có thể nhìn thấy những hòn đảo xa xa xinh đẹp của cụm quần đảo này.
Ngày đầu đi tìm hiểu đảo, ông Đức chỉ đi dạo quanh khoảng 4 - 5 giờ đã trở về vị trí xuất phát ban đầu. Công trình được xây dựng chắc chắn từ thời Pháp. Trong đó khu nhà ở binh lính và nhà khí tượng với tường dày cả mét, có thể chống chọi cuồng phong Biển Đông. Trên mái nhà có bố trí hai khẩu đại liên 50 của Mỹ, hỏa lực phòng vệ tầm xa của trung đội Hoàng Sa.
Ông Nguyễn Văn Thành, lính truyền tin, cũng ra đảo năm 1969, vẫn nhớ mãi cầu cảng là ấn tượng đầu tiên đập vào mắt người lính. Nó bắc trên làn nước biển trong vắt mà người đi trên cầu có thể ngắm nhìn từng đàn cá bơi lội và các dải san hô nhiều màu sắc bên dưới.
"Hình ảnh nhớ nhất của tôi là lần đầu tiên dạo quanh đảo, khi đến cầu cảng nhìn xuống nước thấy rất nhiều cá, tôi vội ném xuống một quả lựu đạn. Sau tiếng nổ, cả một vùng nước chuyển sang màu đen sì. Chúng tôi nhảy xuống tìm mãi cũng chẳng thấy con cá nào... Sau này mới rõ đó là đàn mực đang bơi. Mực không có bong bóng nên không chết tức hơi do tiếng nổ gây ra".
Anh em chan hòa
Cây cối trên đảo chủ yếu là cây nhàu chỉ cao hơn đầu người một chút và một số cây dương liễu, cây dừa do người ra đảo trồng. Đảo cũng không có rau xanh vì khan hiếm nước ngọt, nhưng lại có loại cây sam dại mọc lan rất nhiều như thảm xanh.
Khi thèm rau, binh lính trên đảo có thể hái cây dại này để nấu canh hoặc luộc ăn rất mát. Họ truyền dặn nhau phải nhớ khi hái ăn không được nhổ cả gốc, vì còn để dành cho người sau.
Thịt tươi từ gà vịt sống mang ra từ đất liền chỉ vài tuần là hết dù ăn uống rất dè sẻn, nhưng hải sản Hoàng Sa thì nhiều vô kể. Người xuống biển tắm, cá bơi dày đặc đến mức cứ lao thẳng vào chân.
Mỗi tháng có hai đợt thủy triều hạ thấp vào đầu và giữa tháng âm. Nước rút ra xa đảo đến 200 - 300 mét, và rất nhiều cá mực bị mắc kẹt lại trong các vũng san hô. Họ chỉ cần dùng tay không cũng bắt được hàng trăm ký cá.
Ngoài nhiệm vụ canh gác, trên đảo không có nhiều việc với binh sĩ đồn trú. Phần lớn thời gian họ dành câu cá để cải thiện bữa ăn và tìm niềm vui. Chỉ một lát buổi chiều, mỗi người đã có thể câu được 50 - 70 con cá mú nặng trên dưới 1kg.
Họ cũng kéo được cả mực và những con cá nhám to như bắp đùi người lính. Ăn không hết, cá được xẻ thịt phơi khô đem về đất liền làm quà cho gia đình và bán lấy tiền.
Ông Đức nhớ khi về đất liền, nhiều người trong trung đội Hoàng Sa của mình đã bán được đến 40.000 - 50.000 đồng tiền cá khô. Số tiền tương đương với lương lính lãnh cho suốt bốn tháng đồn trú trên đảo.
Xa đất liền, xa gia đình, binh sĩ và các nhân viên khí tượng Hoàng Sa sống chan hòa tình cảm, xem nhau như anh em trong gia đình. Niềm vui và nỗi buồn gì họ cũng chia sẻ với nhau. Mỗi khi có tàu tiếp vận ra đảo, thứ được người lính trông đợi nhất là lá thư của vợ con, cha mẹ. Và ngược lại, hầu như ngày nào họ cũng ngồi viết thư để nhờ các chuyến tàu gửi về cho gia đình mình...
Ông Nguyễn Văn Thành, lính truyền tin đồn trú ở Hoàng Sa - Ảnh: Kỷ yếu Hoàng Sa.
Người đặc biệt ở Hoàng Sa
Ở Hoàng Sa có một người rất đặc biệt đã trải qua nhiều năm sống trên đảo này. Đó là ông Võ Vĩnh Hiệp, nhân viên Nha khí tượng Sài Gòn, bị tật cả tay chân nhưng chơi đàn rất hay. Ông sống rất tình cảm, hiểu biết sâu sắc mọi thứ trên đảo, được mọi người xem như anh lớn của mình.
Ông Lê Lan, cựu y tá đã hai lần ra Hoàng Sa vào năm 1971 và cuối năm 1973 cho đến ngày bị Trung Quốc chiếm đảo, vẫn nhớ: "Điều mà tôi không quên được đó là hai lần công tác ở Hoàng Sa đều gặp ông Hiệp. Người của Nha khí tượng Sài Gòn, bị dị tật bẩm sinh cả tay và chân nhưng chơi rất hay các loại đàn. Chính ông đã dạy đàn cho tôi". Ông Lê Lan kể thêm, nếu thống kê thì ông Hiệp đã sống và làm việc ở Hoàng Sa hơn 30 đợt, nhiều hơn bất cứ ai từng ở đảo này.
Ngư dân Trung Quốc, Nhật được cứu giúp
Ký ức những người lính nước Việt từng thực thi nhiệm vụ bảo vệ Hoàng Sa còn nhớ mãi kỷ niệm trước năm 1974, thi thoảng vẫn có tàu cá Trung Quốc ghé vào đảo xin nước ngọt và lương thực. Thậm chí, có cả thủy thủ, ngư dân Nhật Bản,Trung Quốc bị bệnh còn được y tá Việt Nam cứu giúp. Khi ra về, họ nói lời cảm ơn rất chân thành và hẹn ngày tái ngộ.
Đâu ai ngờ lại nổ ra trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974, hải quân Trung Quốc đã dùng vũ lực xâm chiếm quần đảo chủ quyền của Việt Nam.
Cột mốc chủ quyền
Tàu đổ bộ HQ 505 anh hùng trong hải chiến Trường Sa 1988 - Ảnh tư liệu.
Trước 1975, tàu HQ 505 là dương vận hạm của quân đội Việt Nam cộng hòa với phiên hiệu 504-Quy Nhơn. Khi Hải quân nhân dân Việt Nam tiếp nhận, tàu vẫn mang phiên hiệu HQ 504 và đến tháng 6-1981, tàu đổi phiên hiệu thành HQ 505.
Ngày 14-3-1988, trong trận chiến ở Trường Sa, khi phát hiện tàu HQ 604 ở Gạc Ma bị Trung Quốc bắn chìm, thuyền trưởng tàu đổ bộ HQ 505 Vũ Huy Lễ đã ra lệnh nhổ neo cho tàu ủi lên bãi, tạo thành cột mốc chủ quyền bảo vệ đảo Cô Lin. Bất chấp hiểm nguy, tàu HQ 505 đã chạy hết tốc độ, trườn lên được 2/3 thân tàu thì bốc cháy, trở thành cột mốc chủ quyền bảo vệ đảo Cô Lin thành công.
Sau khi làm nhiệm vụ đặc biệt đó, HQ 505 được kéo về Cam Ranh nhưng trên đường đi đã bị chìm vì hư hỏng quá nặng.
Ngày HQ 505 Trường Sa
Cựu chiến binh tàu 505 đọc báo Tuổi Trẻ viết về xây dựng tượng đài Gạc Ma - Ảnh: ĐÔNG HÀ.
Ngày 14-3, tại một hội trường nhỏ của một khu phố ở quận Bình Thạnh, TP.HCM, họ đến, gặp nhau, tay bắt mặt mừng và trao những cái ôm thật chặt, như những người rất thân quen lâu ngày gặp lại. Đó là hình ảnh những cựu chiến binh tàu HQ 505 gặp nhau nhân "ngày truyền thống" của tàu.
Hơn 10 năm qua, đúng ngày 14-3, dù bận công việc gì, thượng tá Nguyễn Xuân Lương (79 tuổi) cũng sắp xếp thời gian để gặp gỡ những đồng đội và các thế hệ đã từng sống, chiến đấu, làm việc trên tàu HQ 505.
Thượng tá Lương - thuyền trưởng thứ hai của tàu HQ 505 - tâm sự: "Những ngày sống, làm việc trên tàu 505 để lại cho tôi nhiều kỷ niệm xúc động nhất. Đó là thời kỳ khó khăn, gian khổ nhất nhưng nghĩa tình của anh em, đồng chí, đồng đội cũng là chân thành nhất.
Ngày nay, các thế hệ từng sống, làm việc trên tàu 505 lại được gặp nhau hằng năm trong tình cảm chan hòa, giúp đỡ, động viên nhau trong cuộc sống lại càng quý hơn".
Ban đầu, những cựu chiến binh của tàu HQ 505 có hai nhóm họp mặt truyền thống vì con tàu này có hai phiên hiệu là 504 và 505. Trong một lần gặp gỡ cách đây gần 10 năm, những cựu binh của tàu 505 tâm sự với thượng tá Lương rằng nguyện vọng của mọi người là mong muốn được hợp nhất hai hội cựu binh của tàu thành một bởi dù mang hai phiên hiệu nhưng là cùng một con tàu.
Đó là năm 2008, những cựu binh của tàu HQ 505 như thượng tá Lương, thượng tá Võ Tá Du - chính trị viên sau cùng của tàu, người trực tiếp chiến đấu, tham gia chỉ huy tàu trở thành "pháo đài thép" ngày ấy - đã trở thành sợi dây kết dính tất cả các thế hệ từng sống, chiến đấu, làm việc trên tàu. Người này nhắc nhớ về người kia, rồi tìm đến nhau.
Thượng tá Du hiện là trưởng ban liên lạc hội truyền thống tàu HQ 505. "Gặp nhau để ôn lại niềm tự hào và quan trọng hơn cả là để tôn vinh, nhớ về những anh em đã hi sinh vì chủ quyền của Tổ quốc.
Anh em chúng tôi ai cũng mong đến ngày 14-3 để được gặp nhau. Chỉ cần những cái bắt tay, những cái ôm và những ánh mắt nhìn nhau là thấy tình cảm đồng đội dâng trào trong tôi" - thượng tá Du xúc động nói.
Nhiều năm qua, cứ đến tháng 3, cựu binh Đoàn Bá Thành (65 tuổi, quê Tuyên Hóa, Quảng Bình) lại khoác trên mình chiếc áo trắng hải quân đi từ quê vào TP.HCM để gặp mặt đồng đội. Ông từng làm nhiệm vụ trên tàu HQ 505 từ năm 1975 đến đầu năm 1978.
"Cứ gặp anh em, đồng đội là tôi như được sống lại những ngày trong quân ngũ của hơn 40 năm về trước. Đồng đội gặp lại nhau giống như người ruột thịt xa cách lâu ngày. Mừng lắm!" - ông Thành tâm sự.
Cách đây gần 10 năm, khi có việc vào TP.HCM, ông Thành đã lần tìm cho bằng được đồng đội ngủ chung buồng trên tàu 505 ngày ấy của mình là ông Phạm Huy Sơn. Từ đó, hằng năm ông Thành đều cố gắng sắp xếp thời gian vào TP.HCM để được gặp đồng đội tàu 505 ngày ấy.
Năm 2017, ông Thành đã tìm và liên lạc được với các đồng đội cũng từng công tác trên tàu 505 trong những năm tàu này đi Trường Sa. Đó là các ông Phan Văn Biểu, Nguyễn Tường Vị, cùng ở Thạch Hà, Hà Tĩnh.
Trong buổi gặp mặt hằng năm, tất cả những cựu binh của tàu HQ 505 đều dành những phút giây xúc động để mặc niệm, tưởng nhớ 64 liệt sĩ đã hi sinh tại cụm đảo Sinh Tồn vào ngày 14-3-1988. Rồi tiếp đó là những giờ phút để mọi người ôn lại truyền thống anh hùng của đơn vị. Hằng năm, trong gia đình của cựu binh, ai có việc hỉ, việc hiếu đều được ban liên lạc đến thăm hỏi, động viên, sẻ chia.
"Mỗi lần gặp lại đồng đội, gặp lại những anh em của tàu là một cảm xúc mới lạ và khi nào cũng xúc động. Bởi tình cảm của chúng tôi đã được thử thách qua lửa đạn nên chỉ cần cái nắm tay, chỉ cần nhìn ánh mắt nhau là tôi đã cảm nhận được tình cảm của mỗi người" - thượng tá Du xúc động nói.
Năm 2017, ban liên lạc truyền thống tàu HQ 505 đã xác nhận để giải quyết chính sách cho nhiều cựu binh của tàu và cả của tàu HQ 504. Ban liên lạc đã xác nhận, hỗ trợ làm thủ tục hưởng tiền chính sách theo chế độ cho ba cựu binh Đào Tất Hồng, Châu Đình Lợi và Đào Ngọc Thấn.
Ban liên lạc đang xem xét bổ sung đề nghị cấp trên tặng thưởng Huân chương Chiến công cho hai tập thể và sáu cá nhân đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu bảo vệ chủ quyền Tổ quốc ngày 14-3-1988 tại đảo Cô Lin, quần đảo Trường Sa.