Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

Happy New Year 2012









Chào các bạn,

Auld lang syne, bản nhạc chấm dứt, là bản nhạc phổ thông số một trên thế giới, vì ai trên thế giới cũng biết. Và bản nhạc đầu năm, Happy New Year của ABBA, cũng có thể là bản nhạc trên thế giới ai cũng biêt.
Đương nhiên là người Việt Nam nào cũng biết Auld lang syne. Tuy nhiên lời chính thức thì có lẽ là đại đa số người Việt đều chỉ biết có một lời chính thức: Ò e Rô-be đánh đu, Tặc-dăng nhảy dù, Zô-rô bắn súng, chết cha con ma nào đây, thằng Tây hết hồn, thằn lằn cụt đuôi. Và tên Việt Nam chính thức của bản nhạc là “Ò E”
Auld lang sine là môt bài thơ phổ thành nhạc theo âm điệu dân ca truyền thống của Tô Cách Lan (Scotland), do Robert Burns viết năm 1788. Burns gởi bản nhạc vào Viện Bảo Tàng Âm Nhạc Tô-Cách-Lan với dòng chữ: “Bản nhạc sau đây là một bản nhạc cổ xưa, chưa bao giờ được in ra, chưa bao giờ được viết xuống, cho đến khi tôi ghi lại từ một ông cụ.”
Auld lang sine là tiếng Tô Cách Lan cũ, có nghĩa là “old long since”, hay “long long ago” and “in the days gone by”–lâu lắm rồi, ngày xửa ngày xưa, những ngày đã qua…
Happy New Year do ban nhạc Thụy Điển ABBA trình làng lần đầu tiên năm 1980 trong album Super Trooper, và ngày nay đã trở thành bản nhạc đầu năm tại mọi nơi trên thế giới. Dù là nhạc của bàn này rất vui và kích động, lời nhạc vẫn có gi đó bâng khuâng và ảm đạm: “Không còn sâm-banh / Và pháo hoa đã xong / Chỉ chúng ta đây, tôi và anh / Cảm thấy lạc lõng và buồn / Tiệc đã tàn / Và buổi sáng thấy quá xám / Thật khác hôm qua / Bây giờ là lúc để chúng ta nói / Happy New Year…”


Auld Lang Syne

Should old acquaintance be forgot,

and never brought to mind ?

Should old acquaintance be forgot,

and auld lang syne ?

CHORUS:

For auld lang syne, my dear,

for auld lang syne,

we’ll take a cup of kindness yet,

for auld lang syne.And surely you’ll buy your pint cup !

and surely I’ll buy mine !

And we’ll take a cup o’ kindness yet,

for auld lang syne.

CHORUS

We two have run about the slopes,

and picked the daisies fine ;

But we’ve wandered many a weary foot,

since auld lang syne.

CHORUS

We two have paddled in the stream,

from morning sun till dine;

But seas between us broad have roared

since auld lang syne.

CHORUS

And there’s a hand my trusty friend !

And give us a hand o’ thine !

And we’ll take a right good-will draught,

for auld lang syne.

CHORUS






Những ngày đã xa

Nên quên đi thân thuộc cũ

Và không bao giờ nhớ lại?

Nên quên đi thân thuộc cũ

Và những ngày đã xa?

ĐIỆP KHÚC:

Cho những ngày đã xa, bạn quý

Cho những ngày đã xa

Chúng ta sẽ nâng chén ân cần

Cho những ngày đã xa.

Và chắc chắn là bạn sẽ mua cho bạn một ly

Và chắc chắn là tôi sẽ mua cho tôi!

Và chúng ta sẽ nâng ly ân cần,

Cho những ngày đã xa.

ĐIỆP KHÚC

Hai đứa tôi đã chạy trên những triền đồi

Hái hoa cúc dại

Nhưng chúng tôi đã lang thang những đôi chân mệt mõi

Từ những ngày đã xa

ĐIỆP KHÚC

Hai đứa tôi đã chèo trong suối

Từ sáng đến giờ cơm tối

Nhưng những con biển rộng giữa chúng tôi đã gào thét

Từ những ngày đã xa

ĐIỆP KHÚC

Và có một bàn tay, người bạn tin cẩn ơi!

Và giúp chúng tôi một tay!

Và chúng ta sẽ uống một ly tốt bụng

(Hay: Và chúng ta sẽ chèo đúng và tốt bụng)

Cho những ngày đã xa.

ĐIỆP KHÚC


(TĐH dịch)

Khỏi cần phải nói ta cũng biết là bản này được chơi khắp thế giới khi chuông giao thừa điểm 12 giờ đêm.

by Trần Đình Hoành

Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2011

Tư liệu: Cuộc sống thường ngày trên đảo Hoàng Sa

Xuân Tuyết

Từng vỏ ốc, hình lưu niệm, tấm bản đồ… bất kể đồ vật gì được mang về từ Hoàng Sa, với những người đã từng ra đảo công tác đều được gìn giữ như những kỷ vật rất đỗi thiêng liêng.


Tại Bảo tàng Đà Nẵng, hàng trăm kỷ vật Hoàng Sa được ngành chức năng Đà Nẵng cẩn trọng lưu giữ, trưng bày giới thiệu với người dân, du khách. Đây không chỉ là những bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà là những kỷ niệm không thể phai mờ với những người từng góp sức giữ đảo. Ngay tại nhà dân, Hoàng Sa trong ký ức những người lính, cán bộ khí tượng thủy văn, kiến tạo xây dựng đảo hàng chục năm về trước đầy tươi đẹp, yên bình.

Theo ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa: công tác tiếp nhận, sưu tầm bằng chứng, kỷ vật Hoàng Sa luôn được người dân hưởng ứng, đặc biệt với những người từng công tác tại Hoàng Sa nhiều thập niên trước. Những đồ vật gần gũi, thân thương, gắn với cuộc sống, công tác của người dân trên đảo. Nhiều người gìn giữ chúng như báu vật nhưng khi được trao tặng cho Đà Nẵng, họ đều vui mừng vì đó là trách nhiệm, niềm vinh dự góp phần đưa Hoàng Sa đến gần với mọi người dân, du khách.

Nồi đun nước bằng đất nung do những người lính Đội quân Hoàng Sa đem ra đảo từ thế kỷ 16 – 17

Tủ đa chức năng vừa để đồ vừa làm nơi ngủ của những người lính Hoàng Sa

Chum đồng đựng nước ngoài Hoàng Sa của người Việt

Nồi đun cơm của những người lính Đội Hoàng Sa

Vò đựng gạo không thể thiếu của đội quân Hoàng Sa.

Mô hình thuyền bầu của đội quân Hoàng Sa, giúp ra đảo từ thế kỷ 16 – 17

Ông Phan Khôi (sinh năm 1942, đường Quang Trung, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng) được vào Trung đội Hoàng Sa (thuộc tiểu khu Quảng Nam) từ cuối năm 1969. Nhiệm vụ của ông là kiểm kê tàu thuyền ra vào đảo, báo cáo tin tức về sở chỉ huy và hỗ trợ phương tiện gặp nạn ngoài Hoàng Sa và bảo vệ chủ quyền. Hơn 40 năm, ông Khôi vẫn nhớ từng con đường, ngôi nhà, kiến trúc đơn sơ, yên bình của đảo.

Ông là người duy nhất tự họa lại bản đồ Hoàng Sa như một kỷ vật thiêng liêng của đời mình cho huyện đảo Hoàng Sa


Tấm hình chụp cầu cảng Hoàng Sa được ông Nguyễn Văn Cúc (60 tuổi, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) gìn giữ như vật báu. Ông Cúc làm nhiệm vụ sửa chữa, xây dựng các công trình dân sinh, dân sự trên đảo. Trong năm 1973, ông có đến 3 lần ra đảo làm nhiệm vụ.

Ông Lê Đình Rê, thuyền trưởng tàu QV 9708 (thuộc căn cứ chuyển vận Đà Nẵng) nhân chứng duy nhất trên tàu cứu hộ còn sống tại Đà Nẵng lưu giữ những kỷ vật về con tàu ra Hoàng Sa cứu hộ sau năm 1974.



Hoàng Sa thế nào?

Thuyền bầu của Hải đội Hoàng Sa thế kỷ 17 – 18

Tờ dụ khẳng định chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa
Các hình ảnh về Hoàng Sa thế kỷ 19 - 20

Đá chủ quyền Hoàng Sa

Xem thêm:
Hình ảnh Chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa
TƯ LIỆU: TUYÊN CÁO CỦA CHÍNH PHỦ VÀ BỘ NGOẠI GIAO VIỆT NAM CỘNG HÒA







Nguyên văn:

Sau khi mạo nhận ngày 11.1.1974 chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng – Sa và Trường-Sa của Việt Nam Cộng-Hòa, Trung cộng đã đưa Hải-quân tới khu vực Hoàng- Sa, và đổ bộ quân lính lên các đảo Cam -Tuyền, Quang -Hòa và Duy -Mộng.
Lực lượng Hải -quân Trung -Cộng gồm 11 chiến đỉnh thuộc nhiều loại và trọng lượng khác nhau, kể cả một tàu loại Komar có trang bị hỏa tiễn.
Để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và nền an ninh quốc gia trước cuộc xâm lăng quân sự này, các lực lượng Hải quân Việt-Nam Cộng-Hòa trấn đóng trong khu vực này đã ra lệnh cho bọn xâm nhập phải rời khỏi khu vực.
Thay vì tuân lệnh, các tàu Trung-Cộng, kể từ 18.1.1974, lại có những hành động khiêu khích như đâm thẳng vào các chiến đỉnh Việt-Nam.
Sáng ngày nay, 19.1.1974 hồi 10h20, một hộ-tống hạm Trung-Cộng thuộc loại Kronstadt đã khai hỏa bắn vào khu vực hạm “Trần Khánh Dư” mang số HQ-04 của Việt-Nam Cộng-Hòa. Để tự vệ, các chiến hạm Việt-Nam đã phản pháo và gây hư hại cho hộ tống hạm Trung Cộng. Cuộc giao tranh hiện còn tiếp diễn và đang gây thiệt hại về nhân mạng và vật chất cho cả đôi bên.
Các hành động quân sự của Trung Cộng là hành vi xâm phạm trắng trợn vào lãnh thổ Việt-Nam Cộng-Hòa, và một lần nữa vạch trần chánh sách bành trướng đế quốc mà Trung Cộng liên tục theo đuổi, đã được biểu lộ qua cuộc thôn tính Tây Tạng, cuộc xâm lăng Đại Hàn và Ấn Độ trước kia.
Việc Trung Cộng ngày nay xâm phạm lãnh thổ Việt Nam Cộng-Hòa không những chỉ đe dọa chủ quyền an ninh của Việt Nam Cộng Hòa mà còn là một hiểm họa đối với nền hòa bình và ổn cố của Đông Nam Á và toàn thế giới.
Với tư cách một nước nhỏ bị một cường quốc vô cớ tấn công. Việt Nam Cộng Hòa kêu gọi toàn thể các dân tộc yêu chuộng công lý và hòa bình trên thế giới hãy cương quyết lên án các hành vi chiến tranh thô bạo củaTrung Cộng nhằm vào một quốc gia độc lập và có chủ quyền để buộc Trung Cộng phải tức khắc chấm dứt các hành động nguy hiểm đó.
Làm ngơ để cho Trung Cộng tự do tiến hành cuộc xâm lấn trắng trợn này là khuyến khích kẻ gây hấn tiếp tục theo đuổi chánh sách bành trướng của chúng và sự kiện này đe dọa sự sống còn của những nước nhỏ đặc biệt là những nước ở Á Châu.
Trong suốt lịch sử, dân tộc Việt Nam đã đánh bại nhiều cuộc ngoại xâm. Ngày nay, Chánh phủ và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa cũng nhất định bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ quốc gia.

(Tài liệu ronéo của Bộ Ngoại Giao, Sài Gòn, Số 015/BNG/ TTBC/ TT)


TUYÊN CÁO CỦA CHÍNH PHỦ VIỆT NAM CỘNG HÒA

VỀ CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM CỘNG HÒA

TRÊN NHỮNG ĐẢO Ở NGOÀI KHƠI BỜ BIỂN

VIỆT NAM CỘNG HÒA

Nguyên văn:

Nghĩa vụ cao cả và cấp thiết của một chánh phủ là bảo vệ chủ quyền, độc lập và sự vẹn toàn lãnh thổ của quốc gia. Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa cương quyết làm tròn nghĩa vụ này, bất luận những khó khăn trở ngại có thể gặp phải và bất chấp những sự phản đối không căn cứ dầu phát xuất từ đâu.
Trước việc Trung Cộng trắng trợn xâm chiếm bằng vũ lực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa, Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa thấy cần phải tuyên cáo long trọng trước công luận thế giới cho bạn cũng như thù biết rõ rằng:
Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là những phần bất khả phân của lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa. Chánh phủ và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa không bao giờ chịu khuất phục trước bạo lực mà từ bỏ tất cả hay một phần chủ quyền của mình trên những quần đảo ấy.
Chừng nào còn một hòn đảo thuộc lãnh thổ ấy của Việt Nam Cộng Hòa bị nước ngoài chiếm giữ bằng bạo lực thì chừng ấy Chánh phủ và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa còn đấu tranh để khôi phục những quyền lợi chính đáng của mình.
Kẻ xâm chiếm phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về mọi tình trạng căng thẳng có thể do đó mà có.
Trong dịp này, Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa cũng long trọng tái xác nhận chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa trên những hải đảonằm ở ngoài khơi bờ biển Trung Phần và bờ biển Nam Phần Việt Nam, từ trước tới nay vẫn được coi là một phần lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa căn cứ trên những dữ kiện địa lý, lịch sử, pháp lý và thực tại không chối cãi được.
Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa cương quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia trên những đảo ấy bằng mọi cách.
Trung thành với chánh sách hòa bình cố hữu của mình, Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa sẵn sàng giải quyết bằng đường lối thương lượng những vụ tranh chấp quốc tế có thể xảy ra về những hải đảo ấy, nhưng nhất định không vì thế mà từ bỏ chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa trên những phần đất này.
Làm tại Saigon, ngày 14 tháng 2 năm 1974.

Nguồn: Tập san Sử Địa, tập 29.







Hai bài phỏng vấn cựu thứ trưởng ngoại giao Lê Văn Bàng về những ngày đầu của quan hệ Việt Mỹ

Tuần Việt Nam
6-12-11

Rơi vào ván bài nước lớn, Việt Nam lỡ bước

Tác giả: Huỳnh Phan (thực hiện)

Việt nam đã đi gần đến nơi, nhưng câu chuyện chiến lược đã cản trở. Việt Nam đã tình cờ rơi vào ván bài chiến lược của các nước lớn, và lại là một con bài chẳng mấy quan trọng, có thể bị "dập" bất cứ lúc nào.

LTS: Có thể nói trong quá trình bình thường hoá và phát triển quan hệ Việt - Mỹ gần 4 thập kỷ qua, ông Lê Văn Bàng là người chứng kiến và tham gia ở các mức độ khác nhau hầu như từ đầu tới cuối.
Từ một chuyên viên theo dõi tình hình thực hiện Hiệp định Paris, theo dõi báo chí và dư luận Mỹ để báo cáo cho lãnh đạo Bộ Ngoại giao và Bộ Chính trị, đến vị trí phụ trách quan hệ của Vụ Bắc Mỹ.
Từ một trưởng phòng liên lạc, đại biện lâm thời, rồi trở thành đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Mỹ.
Thôi chức thứ trưởng ngoại giao vào đầu năm 2008, ông lại tham gia dự án KX03 về chính sách đối ngoại của Đảng, trong đó phần của ông là quan hệ song phương Việt - Mỹ trong các mối tương quan song phương và đa phương khác.
Kể từ tháng 4. 2011, ở tuổi 64, ông lại tham gia vào một chương trình khác liên quan đến hai quốc gia nhiều duyên nợ này - dự án bệnh viện Việt - Mỹ.
Tuần Việt Nam xin giới thiệu của trao đổi với cựu Thứ trưởng Ngoại giao Lê Văn Bàng về những dấu mốc trong tiến trình bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ, với cả những nỗ lực xích lại gần nhau và những hiểu lầm, những bước tiến và bước hụt, trong những bối cảnh lợi ích của hai bên tham gia tiến trình này bị tác động, chi phối bởi những lợi ích trong những mối quan hệ khác.

- Nhà báo Huỳnh Phan: Lần đầu tiên ông tiếp xúc với người Mỹ là khi nào?
- Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Lê Văn Bàng: Đó là khi ông Henry Kissinger vào Hà Nội đầu năm 1973 (10.1-13.1), do ông Lê Đức Thọ mời, trước khi hai bên chính thức ký Hiệp định Paris vào 27.1.1973. Một dịp may bất ngờ đối với một nhân viên ngoại giao mới vào ngành được vài tháng như tôi (ông Lê Văn Bàng vào Bộ Ngoại giao tháng 10.1972, sau khi tốt nghiệp đại học ở Cuba, chuyên ngành tiếng Anh - TG).
Đoàn của ông Kissinger đến Nội Bài vào buổi tối. Khi đó, sân bay Nội Bài còn tung toé hết lên, chỉ được mỗi cái đường băng là tử tế. Tôi được giao toàn bộ nhóm phi công chuyên cơ, khoảng 20 người, làm hướng dẫn và phiên dịch cho họ.
Tuy vậy, tôi vẫn có hai kỷ niệm đáng nhớ về ông Kissinger.
Kỷ niệm thứ nhất là khi dẫn cả đoàn ông Kissinger đến thăm Bảo tàng Mỹ thuật (ở đường Nguyễn Thái Học), nhân dân nghe tin có Kissinger đến, họ tập trung rất đông dưới sân bảo tàng biểu tình phản đối. Nhiều người còn cầm đá, cầm gạch, bịt chặt cửa không cho đoàn ra.
Tôi cảm thấy căng quá. Hà Nội vừa mới trả qua đợt tàn phá kinh khủng của B52 Mỹ suốt 12 ngày đêm mà. Tuy nhiên, cuối cùng, chúng tôi cũng dẫn được đoàn Kissinger ra ngoài theo lối cửa sau, ra đường Cao Bá Quát.
Kỷ niệm thứ hai là khi dẫn ông tới Bảo tàng Lịch sử. Khi nghe dịch cái biển ghi 4 câu thơ "Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tuyệt nhiên định phận tại Thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư", ông ấy nói luôn: "Đây là Điều khoản 1 của Hiệp định Paris (khẳng định độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam)".

Ấn tượng của ông về ông Kissinger?
Trước đó, tôi cũng đọc nhiều về Kissinger, và, khi gặp, tôi cảm nhận ông quả là một người giỏi giang, uyên bác, và có nhiều mưu mẹo. Hơn nữa, đối đầu được với ông Lê Đức Thọ trên bàn đàm phán suốt 4 năm ròng chắc hẳn không phải tay vừa.

Ý ông muốn nói đến việc ông Kissinger đã khéo léo "đẩy" cam kết cụ thể phía Mỹ trong viện trợ giúp hàn gắn vết thương chiến tranh và tái thiết thời hậu chiến ở Việt Nam (3,25 tỷ USD viện trợ không hoàn lại trong 5 năm và khoảng 1-1,5 tỷ USD viện trợ lương thực và hàng hoá), như ông Lê Đức Thọ đã kiên quyết đòi hỏi, sang bức công hàm của Tổng thống Richard Nixon gửi Thủ tướng Phạm Văn Đồng (ngày 1.2.1973)?
Hơn nữa, trong bức công hàm này, Tổng thống Nixon còn gài thêm rằng "mỗi thành viên thực hiện theo những quy định của Hiến pháp của mình". Theo qui định của Hiến pháp Mỹ, có viện trợ không và viện trợ bao nhiêu là do bên lập pháp quyết định, chứ không phải bên hành pháp.
Đúng vậy. Và không ngờ đó lại là chỗ nghẽn trong đàm phán bình thường hoá giữa Việt Nam và Mỹ trong những năm sau đó.
Trong cuộc Chiến tranh Việt Nam, phía Việt Nam đã chiến thắng khi buộc Mỹ phải ký hiệp định hoà bình và rút quân khỏi miền Nam Việt Nam. Thế nhưng, tiếp nhận một đất nước bị tàn phá vào thời điểm thống nhất đất nước, cộng với kinh tế ngày càng khó khăn những năm sau đó, yêu cầu kiên quyết của phía Việt Nam là Mỹ viện trợ để tái thiết, theo điều khoản 21 của hiệp định, là hoàn toàn hợp lý.
Tuy nhiên, kể từ khi Tổng thống Jimmy Carter của Đảng Dân chủ lên nắm quyền (đầu năm 1977), và thể hiện mạnh mẽ mong muốn bình thường hoá quan hệ với Việt Nam, ông ta lại vấp phải một thách thức rất lớn từ phái Cộng hoà trong Quốc hội.
Khi thấy vấn đề MIA/POW (người mất tích trong chiến tranh và tù binh) của Mỹ bị phía Việt Nam gắn với điều 21 của Hiệp định, và cả bức thư hứa hẹn của Tổng thống Nixon, những nghị sĩ Cộng hoà đã phản ứng rất mạnh. Đỉnh điểm là đầu tháng 5.1977, khi Mỹ và Việt Nam bắt đầu đàm phán bình thường hoá ở Paris, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu cấm bất kỳ viện trợ nào cho Việt Nam.

Có phải đó là lý do, trong chuyến đi một số nước châu Á vào tháng 7.1978, Thứ trưởng Ngoại giao Phan Hiền đã tuyên bố với báo chí quốc tế là Việt Nam không yêu cầu thực hiện điều 21 của hiệp định nữa, hay không? Bởi trong ba vòng đàm phán trong năm 1977 ở Paris, do chính ông Phan Hiền làm trưởng đoàn, Việt Nam luôn coi việc thực hiện điều 21 là điều kiện tiên quyết để bình thường hoá.
Tôi nghĩ còn có thêm một lý do quan trọng khác nữa. Đến lúc đó, lãnh đạo Việt Nam đã nhận thức được tình hình đã thay đổi quá nhiều, nhất là sự căng thẳng với Trung Quốc, với việc cắt viện trợ và rút chuyên gia về nước, và Campuchia, khi chính quyền Khmer Đỏ đã có các cuộc xâm phạm biên giới phía Tây Nam, lên tiếng đòi xem lại vấn đề phân định lãnh thổ giữa hai nước, cũng như cắt đứt quan hệ ngoại giao.
Việt Nam, lúc đó, đã đồng ý vào COMECON (Hội đồng Tương trợ Kinh tế), chuẩn bị ký một hiệp ước đồng minh với Liên Xô, và cho phép hải quân của họ sử dụng Cảng Cam Ranh. Đổi lại, Liên Xô cam kết tăng viện trợ cho Việt Nam.

Tức là đến thời điểm đó, lãnh đạo Việt Nam đã có sự chuyển hướng chiến lược. Và, như vậy, nhu cầu tái thiết từ viện trợ của Mỹ không còn quan trọng như trước nữa.
Tức là chính sức ép từ phía Bắc, và phần nào đó từ phía Tây Nam, đã khiến lãnh đạo Việt Nam quyết định phải nhanh chóng bình thường hoá vô điều kiện với Mỹ?
Đúng vậy. Trước sức nóng chủ yếu từ phương Bắc, nếu khộng có luồng gió ôn hoà từ phía Tây thì căng lắm. Và, vì vậy, vào tháng 9.1978, Việt Nam cử một trưởng đoàn mới là Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch sang đàm phán kín với Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Holbrooke, chấp nhận bình thường hoá vô điều kiện.
Thoả thuận xong với ông Holbrooke, ông Thạch chờ suốt mà không có câu trả lời từ Bộ Ngoại giao Mỹ. Sự nhượng bộ của Việt Nam đã quá muộn, bởi, trong thời gian đó, đã có những biến chuyển mạnh mẽ của tình hình thế giới, và Mỹ không thể ứng xử như cũ. Bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc lúc đó là ưu tiên hàng đầu của Mỹ.

Mike Morrow, người đầu tiên phỏng vấn được ông Nguyễn Cơ Thạch khi ông lên nhậm chức Bộ trưởng Ngoại giao năm 1980, có kể rằng, trong cuộc phỏng vấn đó, ông Thạch tiết lộ rằng ông đã nói thẳng với người đồng cấp Holbrooke rằng Mỹ không cần phải lựa chọn giữa Trung Quốc và Việt Nam. Tức là có thể bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc, rồi sau đó với Việt Nam.
Việc Vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ Trần Quang Cơ, người sang New York cùng ông Thạch hồi tháng 9.1978, còn cố chờ sang cả tháng 1.1979, tức là sau khi Mỹ đã ký thoả thuận xong với với Trung Quốc, càng khẳng định cho quyết tâm "còn nước còn tát" này của phía Việt Nam.
Đúng là Việt Nam đã thực sự hy vọng sẽ bình thường hoá được với Mỹ trong thời gian đó. Tôi còn nhớ là đã được Bộ Ngoại giao cử vào biên chế đại sứ quán tương lai, phụ trách mảng văn phòng. Tuy đại sứ chưa chọn, nhưng biên chế sứ quán thì đâu vào đấy. Tháng 12.1978, Bộ Ngoại giao Mỹ còn chuyển cho phía Việt Nam ảnh chụp toà đại sứ ở Washington D.C. của chính quyền Sài Gòn cũ nữa.
Tức là chúng ta đã tính đến việc lập ngay sứ quán khi thoả thuận bình thường hoá được ký kết.

Phóng viên kỳ cựu của hãng AP là Peter Arnett, người đã tháp tòng đoàn nghị sĩ Mỹ vào Hà Nội mùa hè năm 1976, đã nói rằng dưới thời Tổng thống Carter, Mỹ muốn cải thiện quan hệ của mình ở Trung Mỹ với việc trả kênh đào Panama cho nước này quản lý. Ông đã tập trung nhiều công sức và thời gian để thuyết phục Quốc hội phê chuẩn hiệp ước mà ông ký với Tướng Omar Torrijos vào tháng 9.1977, và vì vậy đã sao nhãng phần nào câu chuyện bình thường hoá với Việt Nam.
Ông có ý kiến gì về nhận định đó?
Tôi nghĩ ông ta hoàn toàn chính xác khi nói tới nỗ lực của Tổng thống Carter trong việc lấy lại hình ảnh và ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Mỹ, và Mỹ La tinh nói chung. Bởi, sau Việt Nam, Mỹ thất thế cả về uy tín lẫn kinh tế, và Liên Xô đã tranh thủ mở rộng ảnh hưởng, rất mạnh. Họ vươn tay tới Angola, Mozambique, hay Ethiopia ở châu Phi, và nhất là Nicaragua - một quốc gia nằm ngay "sân sau" của Mỹ.
Nhưng quan trọng hơn, Mỹ đã phải tập trung vào "con bài" Trung Quốc, dựa trên cơ sở sự bất đồng sâu sắc giữa Liên Xô và Trung Quốc, nhằm thay đổi cán cân quyền lực trên thế giới giữa Mỹ và Liên Xô.
Đến thời điểm lãnh đạo Việt Nam thực sự mong muốn bình thường hoá ngay với Mỹ, phía Mỹ lại chưa muốn. Bởi, như vậy, họ khó thúc đẩy bình thường hoá và cải thiện quan hệ với Trung Quốc được.
Tóm lại, Việt nam đã đi gần đến nơi, nhưng câu chuyện chiến lược đã cản trở. Việt Nam đã tình cờ rơi vào ván bài chiến lược của các nước lớn, và lại là một con bài chẳng mấy quan trọng, có thể bị "dập" bất cứ lúc nào.
Khi Việt Nam đưa quân vào Campuchia cuối năm 1978, mọi mối tiếp xúc hầu như bị cắt đứt. Ngay cả vấn đề MIA/POW, một trong những lời hứa của ông Jimmy Carter với hiệp hội những gia đình có người Mỹ mất tích trong chiến tranh khi tranh cử, Mỹ cũng chẳng quan tâm nữa.
Thậm chí đến năm 1981, khi chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ một chuyến thăm cho ông Andrew Young, cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc và cựu cố vấn của Tổng thống Carter, Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời Tổng thống Ronald Reagan vẫn không chấp thuận cho họ sang Việt Nam.
Mọi chuyện phải chờ đến năm 1985, Mỹ mới quay lại Việt Nam...
--------------------------------------------------------------------------------
Tuần Việt Nam
7/12/11

Việt Nam với nước lớn hay chuyện lòng tin và lợi ích

Tác giả: Huỳnh Phan (thực hiện)

Chúng ta phải phân biệt những cản trở mang tính kỹ thuật, và lợi ích thực sự của Mỹ ở Đông Nam Á, Đông Á - Thái Bình Dương. Điều này đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược, và các mối quan hệ cụ thể trong từng lĩnh vực. Bởi ở mỗi thời điểm những cản trở mang tính kỹ thuật lại rất khác nhau.

Tại sao ông lại cho rằng từ năm 1985 người Mỹ mới thực sự quan tâm lại tới Việt Nam?
Tình hình thế giới và khu vực từ lúc đó đã quá thay đổi.
Thứ nhất, sự đe doạ của Liên Xô không còn nữa, với việc ông Michail Gorbachev lên nắm quyền vào đầu tháng 3.1985, và tiến hành perestroika (cải tổ). Họ, một mặt, phải tập trung vào giải quyết vấn đề của chính mình, và, mặt khác, lại mở cửa với phương Tây, hoà dịu với Mỹ.
Thứ hai, cũng chính vì vậy, con bài Trung Quốc đối với người Mỹ cũng bị giảm giá trị theo. Đó là chưa nói sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc khiến họ cũng gặp phải những vấn đề của mình, và trong quan hệ với Mỹ. Đỉnh điểm là sự kiện Thiên An Môn năm 1989, khiến quan hệ Trung - Mỹ trở nên căng thẳng.
Thứ ba, yếu tố khu vực cũng có sự tác động tích cực với tiến trình Việt - Mỹ. Các nước ASEAN tuy vẫn phản đối Việt Nam về chuyện đưa quân sang Campuchia, nhưng đã có những nỗ lực muốn giảm sự đối đầu trong khu vực để chuyển sang đối thoại. Bởi năm 1985 cũng là lần đầu tiên Việt Nam đưa ra tuyên bố trước quốc tế là sẽ hoàn thành rút quân khỏi Campuchia trước năm 1990.
Chẳng hạn như sáng kiến "Jakarta Cocktail" (Tiệc rượu Jakar ta) của Ngoại trưởng Indonesia Ali Alatas giúp cho 4 phái kháng chiến Campuchia ngồi với nhau, và các nước Đông Dương và ASEAN gặp nhau không chính thức (JIM1 và JIM2)...
Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, bản thân trong nội bộ Việt Nam cũng có sự thay đổi mang tính bước ngoặt. Đại hội Đảng đã khẳng định quyết tâm mở cửa và hội nhập của Việt Nam để thoát khỏi thế bị bao vây, cô lập.
Về đối ngoại, đây cũng là dấu mốc chính thức cho chủ trương đối thoại thay cho đối đầu - tiền đề cho quá trình bình thường hoá quan hệ, không chỉ riêng với Mỹ.

Nhưng tại sao phải mất tới 10 năm, với ba nhiệm kỳ tổng thống nữa (Reagan, Bush cha và Clinton), hai nước mới có thể chính thức hoàn tất việc bình thường hoá quan hệ ngoại giao?
Cuối năm 1986, ngay trước Đại hội Đảng VI của Việt Nam, phía Mỹ có cử một đoàn do hai hai thượng nghị sĩ là Hart và Lugar dẫn đầu vào Việt Nam. Họ vào gặp Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, nói rằng tình hình khu vực thay đổi và phía Mỹ muốn đối thoại với Việt Nam. Hai điều kiện họ đưa ra để nối lại đàm phán bình thường hoá là giải quyết vấn đề POW/MIA và Việt Nam phải rút quân khỏi Campuchia.
Bộ trưởng Thạch hiểu câu chuyện, hiểu người Mỹ, và ông biết Việt Nam phải hợp tác tốt trong vấn đề POW/MIA thì Mỹ mới bỏ cấm vận kinh tế, trước khi bình thường hoá quan hệ.
Ông nói với phía Mỹ rằng đây là vấn đề nhân đạo nên hai bên cùng thể hiện thiện chí với nhau, và đề xuất mở hai diễn đàn: một diễn đàn về POW/MIA, và diễn đàn kia về việc giúp đỡ những người bị tàn tật trong chiến tranh với chân tay giả, xe đẩy... Phía Mỹ thấy có thể chấp nhận được, và OK ngay.
Phải nói ông hành động rất khôn khéo, vẹn cả đôi đường.
Nhưng cho dù Việt Nam đã hoàn tất việc rút quân vào tháng 9.1989, đến tận năm 1991, phía Mỹ vẫn chưa tin. Họ bảo rằng biết đâu Việt Nam rút ở đầu này, nhưng lại vào Campuchia ở đầu khác.
Còn đối với vấn đề POW/MIA, trong Quốc hội Mỹ có nhiều nghị sĩ, nổi bật nhất là Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hoà Bob Smith, của bang New Hampshire, luôn dùng luận điểm này để chống bình thường hoá với Việt Nam. Ông Bob Smith này luôn nói là Việt Nam vẫn còn giam giữ tù binh Mỹ, và điều này tác động đến lòng người ở Mỹ rất mạnh, nhất là đối với hiệp hội những gia đình có người thân mất tích trong chiến tranh và một số tổ chức cựu binh Mỹ.
Tôi còn nhớ là sang đến nhiệm kỳ của Tổng thống George H.W. Bush (cha), khoảng năm 1990-1991 gì đó, có một đoàn của Mỹ sang Việt Nam, và yêu cầu cho phép họ kiểm tra xem Việt Nam còn giam giữ tù binh Mỹ hay không. Ông trợ lý ngoại trưởng Mỹ, tôi không nhớ tên, nói: "Sau khi ăn cơm trưa ở Nhà khách Chính phủ, các ông đưa chúng tôi sang Sân bay Gia Lâm, có một trực thăng chuẩn bị sẵn ở đó. Lúc đó chúng tôi mới nói cần đi đâu."
Bộ trưởng Thạch lại quyết định ngay: Phải chấp nhận mới xây dựng được lòng tin. Lên máy bay, họ chỉ về phía Nam, đến một khu rừng ở Thanh Hoá, đến một cái trại giam tù binh thời chiến tranh, lán trại đã mục nát. Chúng tôi chỉ cho họ xem cỏ mọc dày hết cả lối đi, tức là đã lâu lắm rồi không có người qua lại, lúc đó họ mới tin.
Rồi sang thời của Tổng thống Bill Clinton, khi Việt Nam và Mỹ đã thoả thuận rằng Mỹ sẽ bỏ cấm vận vào mùa hè năm 1993, và thiết lập quan hệ ngoại giao ở mức cơ quan liên lạc, sau chuyến đi của đặc phái viên tổng thống, cựu ngoại trưởng Edmund Musky vào tháng 4 năm đó, thì bên Mỹ lại rộ lên chuyện "tài liệu Nga".

Tôi còn nhớ vào khoảng tháng 5.1993, nhóm làm phim của ABC News vào Việt Nam với mục đích xác minh lại câu chuyện đó, và yêu cầu gặp bằng được Trung tướng Trần Văn Quang. Phóng viên Jim Laurie nói với hai anh em hướng dẫn viên báo chí (thuộc Trung tâm Báo chí Nước ngoài, Bộ Ngoại giao) rằng họ vừa ghé qua Moscow trước khi đến đây, và còn giơ cho chúng tôi xem bản "tài liệu Nga" đó.
Câu chuyện đầu đuôi thế nào nhỉ, thưa ông?
Một nhân vật chống Việt Nam rất mạnh tên là Stephen Morris, làm tại Đại học John Hopkins, đã tung ra bản tài liệu đó và nói rằng ông ta đã lấy được khi qua Moscow. Theo tài liệu này, Trung tướng Trần Văn Quang đã báo cáo với Bộ Chính trị Việt Nam liên quan đến những tù binh Mỹ được gửi sang Liên Xô.
Thế là Chính phủ Mỹ liền tập trung điều tra, yêu cầu gọi Tướng Quang và những người Nga có liên quan trả lời về nghi vấn này. Trong khi đó, Đại tá tình báo Nga Kalugin lại đổ thêm dầu vào lửa, khi phát biểu rằng vấn đề này là có thật.
Vì tài liệu đó mà cần thời gian xác minh, loại bỏ hiểu lầm. Nhưng chuyến đi của ông Musky coi như thất bại. Những gì mà cả hai chính phủ kỳ vọng đã bị vô hiệu hoá.
Tôi vẫn còn nhớ, đầu năm 1993, Bộ Ngoại giao đã cử tôi đi làm đại sứ tại Liên Hợp Quốc, với tâm thế là sẽ đi Washington D.C. để thành lập cơ quan liên lạc, và bàn giao nhiệm vụ ở LHQ cho người phó của tôi là ông Ngô Quang Xuân.
Và đến tháng 7.1993, Tổng thống Clinton chỉ tiến thêm được một bước nữa trong việc tiếp tục nới lỏng cấm vận, khi quyết định cho Việt Nam tiếp cận các khoản vay của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Còn việc thiết lập cơ quan liên lạc hai bên phải chờ thêm một năm rưỡi nữa (1.1995), sau khi Tổng thống Clinton dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận kinh tế gần một năm trước đó (3.2.1994).

Công việc của ông với tư cách là Trưởng phòng Liên lạc, cho tới khi Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bình thường hoá quan hệ Mỹ - Việt, và ông trở thành Đại biện Lâm thời?
Thì vẫn tiếp tục thúc đẩy vấn đề POW/MIA. Ngoài ra là các vấn đề nhân đạo và giải quyết những tồn đọng trong chiến tranh.
Chẳng hạn phía Mỹ đòi Việt Nam phải trả khoản tiền hơn 200 triệu USD do công dân Mỹ để lại ở Sài Gòn khi di tản vào tháng 4.1975, như nhà, ô tô, tài sản....
Chủ yếu là do họ tự kê khai và qui ra tiền thôi, nhưng đàm phán đi đàm phán lại, rút cục, chúng ta vẫn phải chấp nhận. Nhưng, đổi lại, phía Mỹ đã hứa dùng toàn bộ số tiền này để giúp Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục, và đưa vào quỹ học bổng Fulbright, mỗi năm chi đâu khoảng 6-7 triệu USD.
Món nợ của quá khứ đã trở thành khoản đầu tư cho tương lai.

Với tư cách là người tham gia từ đầu tới cuối tiến trình bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Mỹ, và cũng là đại sứ Việt Nam đầu tiên ở Mỹ, ông nhìn nhận thế nào về tiến trình này?
Kể từ thời điểm bình thường hoá đến tận bây giờ, vị trí địa chiến lược của Việt Nam ở Đông Nam Á đã đóng vai trò quyết định trong những quyết định lớn Mỹ trong quan hệ với Việt Nam. Dù quan hệ của họ với Trung Quốc vẫn tiếp tục cải thiện, nhưng họ vẫn cần có thêm những mối quan hệ cho nặng đồng cân. Đó là lý do họ duy trì và củng quan hệ với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và các nước Đông Nam Á khác, họ vẫn chủ trương mở rộng quan hệ với chúng ta, từ ngoại giao sang thương mại, giáo dục, và cả an ninh, quốc phòng nữa.
Nói tóm lại, Mỹ luôn tính tới Việt Nam trong việc đàm phán và quan hệ với các cường quốc khác.
Tuy nhiên, có thể quyết sách dựa trên lợi ích là vậy, nhưng giải quyết các vấn đề nội bộ lại là chuyện khác. Cho nên tuy Clinton muốn xoá bỏ cấm vận, bình thường hoá, hay đạt thoả thuận thương mại song phương, ông vẫn cần những ông nghị sĩ cả hai đảng đứng đằng sau, nhất là những thượng nghị sĩ vốn là cựu binh John Kerry, hay John McCain, để hỗ trợ ông.
Chúng ta phải phân biệt những cản trở mang tính kỹ thuật và lợi ích thực sự của Mỹ ở Đông Nam Á, Đông Á - Thái Bình Dương. Điều này đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược, và các mối quan hệ cụ thể trong từng lĩnh vực. Bởi ở mỗi thời điểm những cản trở mang tính kỹ thuật lại khác nhau.

Giải mã về "Mr. America" Nguyễn Cơ Thạch
Tôi thấy ông mấy lần nhắc tới cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Ấn tượng của ông như thế nào về vai trò của ông Thạch trong tiến trình này?
Nói đến tiến trình bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ, về phía Việt Nam, người đầu tiên phải nhắc đến là ông Nguyễn Cơ Thạch, đặc biệt là từ khi ông trở thành bộ trưởng ngoại giao. Đồng thời là Uỷ viên BCT và Phó Thủ tướng Chính phủ, ông có vai trò quan trọng trong việc hoạch định chính sách đối ngoại của Việt Nam. Ông là người luôn chủ động tìm kiếm các kênh khác nhau để thúc đẩy tiến trình này.
Tôi còn nhớ giai đoạn 1987-1988, hai bên vẫn gặp nhau để bàn thảo những công việc liên quan tới POW/MIA, nhưng phía Mỹ yêu cầu không đưa vấn đề bỏ cấm vận vào chương trình làm việc. Họ không được phép của chính phủ Mỹ.
Ông Thạch bảo phải tìm thêm một kênh nữa để có thể nói chuyện về bỏ cấm vận và bình thường hoá. Thế là vào mùa thu năm 1988, ông đã viết thư cho ông William Sullivan, người đồng cấp với ông trong đàm phán Hiệp định Hoà bình Paris và ông vẫn giữ được quan hệ kể từ đó.
Ông Sullivan có sang London gặp Đại sứ Việt Nam tại đó. Rồi từ London, ông Thạch mời ông Sullivan sang đây, và họ có thể nói chuyện nhiều thứ, chứ không bị bó buộc như đối với trường hợp của đặc phái viên của Tổng thống, Đại tướng John Vessey.
Hội đồng Thương mại Việt - Mỹ, một tổ chức có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy vấn đề POW/MIA, cũng như xoá bỏ cấm vận với Việt Nam, tất nhiên theo một cách riêng, đã ra đời theo sáng kiến của họ. Chị Ginny Foote là thư ký của ông Sullivan, còn tôi cũng ở vai thư ký của ông Thạch nên ngồi những cuộc như thế tôi biết rất rõ.

Ông là người khá gần gũi với ông Thạch trong công việc. Nét tính cách nào của ông Thạch khiến ông thấy ấn tượng nhất?
Hài hước. Ông nói nhiều câu mà người Mỹ ngỡ ngàng.
Chẳng hạn, có một đoàn Mỹ sang đây năm 1988, khi làm việc, thấy câu chuyện hơi căng thẳng, tự nhiên ông hỏi: Các ông có thuốc nổ không? Chúng tôi muốn nhập.
Họ hỏi lại nhập làm gì, và giải thích là việc đó không hề dễ dàng theo qui định của hệ thống pháp luật của Mỹ.
Ông bảo: Tôi muốn làm nổ tung mấy nhà máy in tiền của chúng tôi đi. Lạm phát cao quá!
Cả Mỹ, cả ta cười ồ lên. Không khí trao đổi tự nhiên dịu hẳn đi.

Khi ông Nguyễn Cơ Thạch nghỉ năm 1992, tôi nghe nói có nhà báo Mỹ nhận xét ông là "the right man of the wrong time" (con người đúng ở thời điểm sai). Ông nghĩ sao về nhận xét đó?
(Cười). Tôi nghĩ đã là lãnh đạo thì không thể đi ngang bằng, hoặc đi sau, so với những người còn lại trong đoàn người. Bởi như vậy thì làm sao thực hiện vai trò dẫn dắt được. Nhưng, ngược lại, cũng đừng đi nhanh quá mà anh bị mất hút đối với đám đông.

Ý ông là ông Thạch đi quá nhanh?
Cũng khó nói là ông Thạch đi quá nhanh, hay những người còn lại đi quá chậm. Chỉ có điều, nói một cách hình tượng, trên thực tế, khoảng cách giữa ông và mọi người là 10 mét, trong khi, trong sương mù, người ta chỉ nhìn rõ được 5 mét thôi.
Trong quan hệ với một nước khác, họ cứ đồn ông Thạch là Mr. America, nhưng hoàn toàn không phải. Ông là một người rất Việt Nam, nhưng sáng suốt biết chọn bước đi đúng đắn, có lợi cho mở cửa và đổi mới kinh tế đất nước.
Xin cảm ơn ông.







Chuyện chưa bao giờ kể của trưởng đoàn đàm phán BTA

Tác giả: Huỳnh Phan
LTS: Tuần Việt Nam xin được kết thúc câu chuyện bình thương hoá quan hệ ngoại giao và thương mại Việt - Mỹ với cuộc trò chuyện với đối tác của Trưởng đoàn đàm phán BTA Mỹ - Việt Joe Damond - ông Nguyễn Đình Luơng.
Chúng tôi hy vọng phần trò chuyện của ông Lương sẽ bổ sung cho bức tranh về cuộc đàm phán được coi là sự mở đầu thực chất nhất cho tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam, cũng như là lời giải đáp cho những thắc mắc của Joe Damond - người, vì những lý do nhất định, chưa hỏi thẳng đối tác và cũng là người bạn vong niên của mình.

Ông đã trở thành trưởng đoàn đàm phán như thế nào?
Sáng ngày 5.11.1996, tại cuộc họp bàn về việc chuẩn bị đàm phán kinh tế - thương mại với Mỹ, sau khi các bộ ngành hữu quan báo cáo tình hình, Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế đối ngoại Trần Đức Lương, người chủ trì, đã quyết định thành lập "Tổ công tác liên bộ về Hiệp định Kinh tế - Thương mại với Hoa Kỳ".
Đột nhiên, ông chỉ vào tôi, và nói: "Tôi quyết định cử đồng chí Nguyễn Đình Lương" làm tổ trưởng." Tôi thực sự thấy bất ngờ, và không kịp phản ứng gì cả, vì giọng nói ông rất quyết đoán.
Trong thâm tâm, tôi hiểu ông chọn tôi vì tôi đã nhiều lần tháp tòng ông trong các cuộc đàm phán, hay họp hội nghị của uỷ ban liên chính phủ với Liên Xô và các nước XHCN khác. Ông hiểu trong đầu tôi có cái gì, và tôi có thể làm gì.
Từ sau đó các công việc liên quan đến đàm phán Việt - Mỹ cứ được chuyển về chỗ tôi để tôi tập hợp và tổng hợp. Và đến khi đoàn Mỹ sang, tôi dẫn đầu đoàn đàm phán phía Việt Nam.

Joe Damond có nói rằng anh ta may mắn vì Sếp trực tiếp của anh ta đã chủ động tránh sang một bên, chứ không thì...
Tôi không may mắn như vậy. Quyết định bất ngờ đó đã làm cho tôi khổ sở một thời gian, vì ông Sếp trực tiếp của tôi lại muốn nhận việc đó. Có lẽ, ông ta nghĩ đơn giản việc đó là "oai", nhưng ông không hiểu rẳng tôi đã thực sự "oải" như thế nào trong quá trình đàm phán, nhất là ở nửa chặng đầu và sau khi hai bên đã ký hiệp định về nguyên tắc. Nhưng đó là chuyện về sau.
Số tôi số khổ mà. Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.

Joe Damond nói rằng trong thời gian đầu, phía Mỹ tỏ ra khá lúng túng trong việc khởi động đàm phán, vì họ chẳng có thông tin, cũng như hiểu biết về cơ chế của kinh tế - thương mại Việt Nam. Và ông ta cũng cảm nhận điều tương tự từ phía Việt Nam, có đúng không?
Đúng và không đúng. Đúng vì ta cũng không hiểu hệ thống thương mại của Mỹ và thế giới nói chung, ngoài phe XHCN của chúng ta.
Còn không đúng, vì Việt Nam vất vả hơn trăm lần. Chúng tôi không hiểu phía đối diện, và cũng không hiểu phía sau lưng.
Cuộc chiến tranh 30 năm và sự khốc liệt của nó đã để lại trên đất nước Việt Nam, và trong quan hệ Việt - Mỹ, quá nhiều vấn đề. Tôi không còn đủ trí nhớ để thống kê lại những điều gặp phải trong quá trình chuẩn bị cho BTA.

Nhưng chắc vẫn có những điều không thể quên?
Nào là nhận thức "Mỹ là kẻ thù cơ bản lâu dài", bên cạnh tâm lý chống Mỹ và tâm lý nghi kỵ. Có người coi BTA chỉ là "âm mưu của Mỹ để chuyển hoá chế độ chính trị ở Việt Nam, đơn giản (nó) chỉ là âm mưu phá vai trò lãnh đạo của Đảng". Hay dùng thị trường tự do để phá hoại cái định hướng XHCN trong nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN của chúng ta.

Còn ông, lúc đó, ông nghĩ thế nào?
Đó là hậu quả của một quá trình lâu dài xa lánh luật chơi thị trường, chỉ biết chăm lo củng cố cho nền kinh tế độc quyền XHCN, đã đặt chúng ta vào thế quá ngỡ ngàng, lúng túng, khi buộc phải chuyển sang nền kinh tế thị trường, buộc phải chơi theo một luật chơi mới, áp dụng cho hầu hết các cuộc chơi.
Cho dù các Nghị quyết của Đảng đã nhiều lần chỉ rõ, và xã hội đã nhận thức được rằng, thế giới đang thay đổi sâu sắc, nền kinh tế thế giới đang phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng đi vào xu thế toàn cầu hoá, nhưng quả thực vượt qua được những rào cản chính trị, rào cản tâm lý kể trên là điều hoàn toàn không dễ dàng. Càng không phải một sớm một chiều.

Xin ông nói cụ thể hơn trong trường hợp BTA.
Đàm phán BTA với Mỹ là công việc hoàn toàn mới mẻ, thực sự cũng chưa ai hình dung nó là thế nào. Mỗi người, mỗi cơ quan, nhìn một góc, đòi hỏi một cách... Không ai giống ai.
Bây giờ nhớ lại thật buồn cười. Và nhiều vấn đề được nêu ra hình như chỉ như đánh đố đoàn đàm phán.

Đánh đố?
Vì làm sao mà thực hiện được.
Chẳng hạn, có người bảo: "Trước kia ta chưa đòi được khoản bồi thường chiến tranh theo Hiệp định Paris (1973), kỳ này đàm phán kinh tế ta phải đòi cho bằng được."
Liên quan đến khoản tiền đó, vì ta không hiểu luật Mỹ (tiền nong do Quốc hội quyết) mà ta đã đánh rơi mất cơ hội bình thường hoá quan hệ với Mỹ trước đấy hai chục năm. Tất nhiên, chúng ta có quyền nêu, nhưng nêu cho vui thôi, phía Mỹ sẽ không đồng ý đưa vào chương trình đàm phán.
Hay, có người đòi là "Đoàn đàm phán phải đấu tranh với Mỹ để xếp Việt Nam vào khối các nước kém phát triển, để họ phải có chính sách ưu đãi đặc biệt".
Điều này chúng tôi cũng chịu. Đã có một thời Việt Nam bị liệt vào danh sách các nước kém phát triển (underdeveloped countries), như một số nước Châu Phi. Việt Nam chúng ta tự ái, mất bao nhiêu năm trời mới đi đấu tranh, vận động, để được xếp trong danh sách các nước đang phát triển (developing countries).
Thế mà nay lại giao cho Đoàn đàm phán BTA kéo tụt Việt Nam xuống. Mà đoàn đàm phán phía Mỹ có quyền hành gì trong việc lôi lên, hay đè xuống này?
Lại cũng có người chỉ đạo rất cụ thể: "Đàm phán với Mỹ là phải thực hiện phương châm "vừa hợp tác vừa đấu tranh, và với kẻ thù rắn mặt như Mỹ thì phải đấu tranh là chính."
Tôi chỉ còn biết ngửa mặt lên trời mà than: "Về khoản này, con xin chịu không bắt chước được bố."

Ý ông là...?
Anh nhớ câu chuyện cậu con rể tương lai cứ chăm chăm bắt chước mọi động tác của bố vợ chứ gì? Đến nỗi, ông "Nhạc phụ đại nhân" phải phì cười, và hai sợi bún thò lò ra đằng mũi.
Đây đâu còn là thời chiến tranh mà ta thắng, địch thua. Cả hai bên phải đạt được một thoả thuận đảm bảo đôi bên cùng có lợi, để cùng nhau là đối tác lâu dài.
Không thể buổi đàm phán nào cũng lo đấu tranh, cũng chửi người ngồi đối diện với mình một trận cho bõ tức. Tan cuộc ngay!

Dân gian hay nói, chính chúng ta, lúc cần khẳng định vị thế, thì tự nâng lên, còn lúc cần tiền viện trợ, xin xỏ, thì tự hạ xuống.
Thôi, chuyện dân gian thì nhiều lắm. Tôi xin miễn bàn. Nhưng riêng tôi cũng có một kỷ niệm đáng nhớ liên quan đến chuyện đó.
Mùa thu năm 1989, mùa các nước XHCN chuẩn bị đàm phán cho Hiệp định 5 năm tiếp theo (1991-1995). Trước khi hai đoàn chính phủ gặp nhau, là người chuẩn bị các phương án, tôi đi Moskva thăm dò trước. Và tôi đã đến thăm anh bạn thân học cùng trường MGIMO (Học viện Quan hệ Quốc tế Moskva), lúc đó là Thứ trưởng Tài chính Liên Xô.
Anh ta nói: "Lương, hôm nay ta nói chuyện với nhau như những người bạn. Mày (tiếng Nga, khi thân quen chúng tôi dùng đại từ "tư" là mày, bạn) bỏ cái nghề ăn xin của mày đi. Không ai giàu lên bằng của bố thí. Phải đứng thẳng người lên để làm giàu như họ. Chứ Liên Xô chúng tao cũng sắp đổ rồi, không còn gì nữa đâu mà cho."
Tôi ngồi lặng người một hồi lâu, miệng đắng ngắt. Tôi uống vội cốc nước chè đen còn đang nóng, suýt bỏng họng.
Bài học đó cả đời tôi không quên.

Nhưng chính Joe Damond đã nhắc đến chuyện, vào khoảng mùa thu năm 1997 gì đó, trong một cuộc đàm phán, ông Nguyễn Đình Lương đã nói rằng Việt Nam là nước nghèo đói, kém phát triển, và chỉ có thể chấp nhận các tiêu chuẩn thương mại quốc tế (WTO) vào năm 2020. Xin ông giải thích cho rõ ràng.
Đó là chuyện có thật. Bây giờ nhắc lại tôi vẫn thấy buồn cười.
Số là, sau khi tôi đề nghị, phía Mỹ đã chuẩn bị bản dự thảo "Comprehensive" (tổng thể), theo các tiêu chuẩn WTO. Mọi người hơi choáng: "Khó hiểu quá, mới quá!"

Xin phép được ngắt lời ông. Tại sao ông lại đề nghị phía đối tác soạn dự thảo?
Trong một cuộc họp cấp cao phía Việt Nam, có một ý kiến nêu ra là ông Nguyễn Đình Lương phải đưa ra một dự thảo cho phía Mỹ, và nêu rõ quan điểm của Việt Nam.
Trước đây, khi đàm phán Liên Xô, chỉ trong ba tiếng đồng hồ tôi đã có một dự thảo cả tiếng Nga lẫn tiếng Việt. Nhưng khi ngồi trong cuộc bà Barbara Barshefski tiếp Bộ trưởng Thương mại Lê Văn Triết ở Washington DC vào tháng 6.1995, và ngồi với Joe Damond suốt một tối, đến tận 12h đêm tại KS Sheraton (DC) để nghe giải thích về khái niệm một hiệp định tổng thể theo những cam kết của WTO, thì tôi biết là tôi không biết gì về WTO.
Tôi đã đề nghị Joe Damond chuẩn bị dự thảo là vì lý do đó.

Vâng. Xin ông tiếp tục.
Khi chúng tôi dịch dự thảo ra, và trình lên lấy ý kiến trong nội bộ Việt Nam, đã có người (tất nhiên là người có quyền) bảo rằng Việt Nam là nước nghèo, là nước kém phát triển, Việt Nam chỉ có thể chấp nhận các tiêu chuẩn đó vào năm 2020.
Nhân tiện có ý kiến đó, trong lúc phía đoàn đàm phán chúng tôi chưa chuẩn bị được gì, chúng tôi đành cứ phóng ra cho phía Hoa Kỳ phương án, lộ trình tất cả các lĩnh vực (thương mại, đầu tư, dịch vụ...) đều đến 2020.

Sao chúng ta bị ám ảnh bởi con số 20 thế nhỉ? Hai ngàn hai mươi, rồi hai mươi ngàn tiến sĩ...
(Cười) Đó là một cú sốc đối với đoàn Mỹ. Qua nét mặt, tôi biết đoàn đàm phán Mỹ thất vọng lắm.
Họ không ngờ...

Họ thất vọng về những người ngồi đối diện với họ?
Đúng vậy. Và kể từ đó, đúng như Joe Damond nói với anh, câu chuyện cứ lùng nhùng, dậm chân tại chỗ.
Nhưng cũng nhờ đó chúng tôi hiểu được suy nghĩ thực sự của họ, và nhận được một phản ứng mạnh mẽ nhất, cho tới lúc đó, từ phía họ. Chúng tôi cần hiểu tận cùng những ý tưởng của Mỹ trong cuộc chơi này, để từ đó mới thiết kế được đối án của mình. Và, nhờ đó, chúng tôi đã kéo dài được thời gian học bài và chuẩn bị.
Nhưng sự thất vọng của phía Mỹ chưa phải là điều xấu nhất có thể xảy ra với tôi.

Lại còn có điều tồi tệ hơn sao?
Thời gian đó, ở Hà Nội, vì thấy bế tắc, nơi này nơi khác đã có tiếng xì xèo. Có người nghi vấn "hình như ông Lương không biết đàm phán".
Thậm chí, có người còn đề nghị thay trưởng đoàn đàm phán.

Tại sao ông không bị thay?
Béo bở gì miếng xương. Mà lại là miếng xương đang mắc ngang cổ họng người khác. Có người sẵn sàng làm việc đó, thì không còn có lúc này tôi ngồi tiếp chuyện nhà báo đâu.
--------------------------------------------------------------------------------
Tuan Vietnam

28-12-2011
Cuộc chiến bên ngoài bàn đàm phán Việt - Mỹ

Joe Damond đã nhấn mạnh tới ý thứ hai, liên quan đến đề nghị của Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn vào năm 2020, rằng "Việt Nam phải coi việc đóng cửa thị trường chính là nguyên nhân của nghèo đói và chậm phát triển". Ông nghĩ gì lúc đó?
Joe hoàn toàn có lý: Trên thế giới, những nước có nền kinh tế mở, không có nước nào nghèo.
Nhưng anh ta không hiểu hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Suốt 30 năm chiến tranh liên tục, lại bị các nước thù địch bao vây về chính trị, cấm vận về kinh tế, làm sao mà mở cửa được với thế giới bên ngoài cơ chứ.
Hơn nữa, anh ta cũng đâu hiểu câu chuyện bên trong của chúng ta lúc đó. Có một thực tế là, trong nước lúc đó, chỉ có một chiều suy nghĩ: Đói nghèo là do chiến tranh, ai nói khác là không chấp nhận được.
Quả thực là nhận định thẳng thắn của Joe đã khiến chúng tôi dễ dàng ăn nói hơn nhiều.

Joe Damond có nói rằng chỉ đến những ngày đầu năm mới năm 1998, khi nhận được bản thiết kế đàm phán của phía Việt Nam, ông ta mới tin rằng hai bên mới có thể đi chung trên một con đường, trước khi tới đích. Vậy trong suốt hơn 8 tháng đó ông đã làm thế nào để ra được bản đó?
Trong thời gian đó, tôi đi tìm "tầm sư học đạo". Trước tiên, tôi vào Sài Gòn tìm gặp những người trước đây từng học ở Mỹ, hay làm việc cho các tổ chức quốc tế, trong đó có Giáo sư Nguyễn Xuân Oánh từng làm hai nhiệm kỳ ở IMF. Họ cũng chẳng giúp gì được tôi, vì thời họ học, chủ yếu là những năm '60, là GATT, chứ không phải WTO.
Thế là tôi lại "khăn gói quả mướp" đi một vòng sang các nước bạn bè, anh em cũ. Trung Quốc là nước tôi nghĩ tới đầu tiên.

Trung Quốc à? Theo Joe Damond giải thích thì BTA họ ký với Mỹ thì còn "xưa hơn cả Diễm", à, cả Nga. Nhưng hình như lúc đó họ đang đàm phán về việc gia nhập WTO với Mỹ?
Đúng vậy. Và họ cũng cử chuyên gia tiếp tôi mấy buổi. Có điều cứ đúng 45 phút người tiếp tôi lại xin ra ngoài. Đến lần thứ ba thì tôi giật mình.

Tại sao? Yếu thận là chuyện bình thường mà.
Thế tại sao cứ đúng 45 phút, đều như vắt chanh, mà không phải 50 phút, hay 40 phút?

À, tôi hiểu. Họ ra thay băng cassette? Hồi đó chưa có máy ghi âm kỹ thuật số?
Chắc cũng là để đảm bảo an toàn cho bản thân, nhỡ sau này có ai đó qui trách nhiệm nọ kia. Nhưng tôi hiểu là người ta đã cẩn trọng như vậy, chắc cũng chả nói gì quan trọng cho mình.
Thế là tôi qua Đông Âu, tìm bạn bè cũ.

Có khả quan hơn không, thưa ông?
Nga thì không biết gì. Ba Lan thì bảo BTA họ vừa ký với Mỹ chẳng qua là cái "passport" để họ xin gia nhập EU và NATO thôi, nên Mỹ đưa cái gì là họ chấp nhận cái đó. Chỉ khi sang Hungary tôi mới thấy được một tia hy vọng.
Bạn tôi khi đó làm Trợ lý Bộ trưởng Bộ Kinh tế, bảo tôi: "Ở bộ tôi có nhiều chuyên gia đàm phán quốc tế giỏi, kể cả trong GATT. Nhưng, khi về nước, ông phải bảo Bộ Thương mại gửi trước cho tôi một bức thư chính thức, xin một khoản tài trợ khoảng vài trăm ngàn đô la. Có số tiền đó tôi sẽ cử chuyên gia sang giúp ông."
Tôi mừng rỡ trở về. Nhưng trong khi tôi đang hối hả lo trình để xin chữ ký, dấu má, thì đùng một cái nghe tin Đảng Dân chủ cầm quyền bị đổ, và Đảng Thanh niên lên thay.

Đúng là cái số ông khổ thật. Rồi sao nữa?
Lúc đó, chính phủ cho phép mời tư vấn Mỹ. Và Ginny Foote đã xuất hiện. Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt đã giới thiệu các giáo sư, chuyên gia sang giảng bài về WTO cho đoàn đàm phán. Và, sau khi nghe họ giảng thử ở các lớp khác nhau, tôi đã chọn Dan Price.

Lý do?
Ông này lúc đó đang làm cho một công ty tư vấn ở Mỹ. Nhưng Dan đã có thời gian dài làm cho Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ, và, quan trọng nhất, đã từng đàm phán BTA với Liên Xô và NAFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ). Tôi nghĩ ông này có thể có những cái mà chúng tôi cần. Chẳng hạn như phương án xử lý các vấn đề cụ thể với các nước đang phát triển.

Joe Damond nói rằng Dan Price đóng vai trò nhất định trong việc Việt Nam đưa ra bản thiết kế đàm phán điều chỉnh, có đúng không?
Dan Price là nhà tư vấn tốt, có nhiều kinh nghiệm, có kiến thức. Chúng tôi khá thân nhau.
Sau này, khi Dan Price trở thành Phó Cố vấn An ninh Quốc gia trong chính quyền Tổng thống Bush (con), phụ trách mảng kinh tế đối ngoại, chúng tôi vẫn giữ được quan hệ bạn bè. Mỗi lần sang Hà Nội công tác, cứ xong việc công, Dan Price lại hẹn nhau ngồi nhâm nhi vài ly.
À, quay trở lại câu chuyện năm 1997, đối với một số vấn đề cần tham vấn, tôi luôn yêu cầu Dan đưa cho tôi 4-5 phương án, hoặc ít nhất cũng là 2. Còn chọn phương án nào, có điều chỉnh hay không là quyền của đoàn đàm phán Việt Nam. Bởi chúng tôi phải có phương án phù hợp nhất với điều kiện của Việt Nam. Anh nên nhớ rằng chúng tôi còn phải bảo vệ ở trong nước trước khi gửi cho phía Mỹ chứ.
Trong thời gian đó, tôi phân công cho anh em tìm hiểu và thiết kế lại từng mảng, từ sở hữu trí tuệ, đầu tư đến dịch vụ. Chuyên gia từng lĩnh vực thì rà soát trong phương án của Mỹ điều gì cần bỏ, điều gì cần thay, hay bổ sung. Các luật sư thì ngồi với nhau hàng tuần để mổ xẻ từng khái niệm, từng câu chữ, từng đoạn... Về nguyên tắc, chúng tôi đảm bảo rằng chưa hiểu hết nội dung, chưa cam kết.
Và bản thiết kế, khi hoàn thành, so với bản của phía Mỹ đưa ra trước đó 8 tháng đã được thay đổi khá nhiều. Đặc biệt, Chương Thương mại Dịch vụ được viết lại hoàn toàn cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Và đúng như Joe nói, kể từ tháng 5.1988, cuộc đàm phán đã đi vào thực chất, và chúng tôi chỉ tập trung bàn về lộ trình mở cửa thị trường.

Thảo nào, Joe Damond kể rằng Dan Price chỉ thông báo là bản của phía Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi, chứ không nêu cụ thể sẽ thay đổi thế nào. Ông ta còn nói rằng một điều khác khiến ông ngạc nhiên là làm sao ông Lương có thể thuyết phục được chính phủ và các cơ quan liên quan của Việt Nam đồng ý với bản thiết kế đó. Xin ông giải thích rõ chuyện này?
Khi chuẩn bị xong tất cả, chúng tôi trình lên cấp trên một tập tờ trình dài 350 trang, gửi trước cho mỗi người một tập. Khi bắt đầu họp, vị lãnh đạo chủ trì nhắc nhở: "Lưu ý để các đồng chí rút kinh nghiệm, theo thông lệ, trình lên cấp này, mỗi vấn đề chỉ ghi trong một trang hoặc một trang rưỡi. Tờ trình này những 350 trang thì sao xử hết được."

Đúng vậy. Cách đây mấy năm, khi nhóm tư vấn Harvard gửi bản khuyến nghị chính sách đầu tiên lên cho Thủ tướng, họ làm dài lắm, rất cụ thể. Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nghe nói cũng nhận xét rằng dài thế Thủ tướng lấy đâu thời gian mà đọc xuể, chỉ làm độ 6-7 trang là vừa. Thế là, khi trình bản khuyến nghị thứ hai, họ cố gắng cô gọn lại chỉ có mười mấy trang.
Lúc đó, tôi nghe cả, và tôi hiểu hết. Nhưng chúng tôi vẫn phải trình dài, vì không trình hết thì nguy hiểm lắm.

À, đó có phải là điều duy nhất hữu ích ông thu nhận được từ chuyến đi Trung Quốc trước đó?
(Cười) Mọi thứ đều hoàn toàn mới mẻ, lạ lẫm, nếu không trình hết để cấp trên hiểu, thì nếu có chuyện gì sau này, đoàn đàm phán chúng tôi sẽ không gánh nổi trách nhiệm.

Xin ông nói rõ ông có gặp khó khăn gì với tờ trình của mình không?
Không dễ dàng tí nào. Người ta phản đối, vì tất cả các hiệp định đầu tư Việt Nam đã ký với nước ngoài, không có một nội dung nào như trong này.
Một đồng nghiệp trong bộ thương mại đã nói với tôi rằng trách nhiệm của những người đi đàm phán là phải thiết kế làm sao cho khung pháp lý không va đập với khung pháp lý hiện hành.
Tôi đã phải nói rằng cái khung pháp lý của chúng ta quá lởm khởm, nên phải cho cái búa đập vỡ nó đi mới mong làm ăn được.

Ý ông nói rằng cho đến khi BTA có hiệu lực, hệ thống luật pháp của Việt Nam rất lạc hậu?
Cũng không hẳn vậy. Tôi thấy Quốc hội Việt Nam cũng chăm chỉ sửa luật đấy chứ. Chỉ có điều, vì không có tiêu chí, nên cách sửa nhiều khi tuỳ hứng, và tuỳ vào ý chí của lãnh đạo.
Nhưng lần này thì khác, bởi luật sẽ được sửa cam kết theo BTA, theo WTO, tức là theo một tiêu chí rõ ràng.
Chúng tôi thuyết phục những người phản đối bằng lập luận sau: Không nước nào có thể phát triển được nếu không xuất khẩu được vào thị trường Mỹ. Ngay cả "ông bạn vàng phương Bắc" của chúng ta muốn thực hiện "bốn hiện đại hoá" thành công cũng phải ký BTA với Mỹ, để hưởng qui chế tối huệ quốc mà thúc đẩy xuất khẩu. Và, Việt Nam, muốn xuất khẩu được phải thiết kế một hệ thống pháp luật để đáp ứng nhu cầu đó. Và để phát triển lâu dài, không nên sửa kiểu cò con, vụn vặt.
Đối với Chương Sở hữu Trí tuệ, có một nhà khoa học nổi tiếng, có chức sắc đàng hoàng, đã phản đối đến cùng. Ông ta cho rằng xưa nay các nước tư bản phát triển được là do đi "ăn cắp" phát minh của người khác, và Việt Nam cam kết vào đây là "tự trói mình", sau này lấy lấy tiền đâu mà mua.
Chúng tôi phải thuyết phục rằng liệu các nhà đầu tư tử tế nào từ Mỹ và các nước phát triển sẽ vào Việt Nam, khi họ không đảm bảo rằng sản phẩm của họ không bị làm nhái, hay không. Vả lại, với Mỹ sở hữu trí tuệ là lợi ích quốc gia, lợi ích doanh nghiệp, đời nào họ chịu buông.
Chẳng hạn, chỉ riêng giá trị thương hiệu của Coca-cola đã gần gấp ba lần GDP của Việt Nam vào thời điểm đó (90 tỷ đô la so với 32 tỷ đô la).

Gần đây, một chuyên gia hàng đầu về đầu tư của Nhật Bản có nhận xét với tôi rằng một trong những lợi thế của Việt Nam so với Trung Quốc, trong con mắt các nhà đầu tư Nhật Bản, là ở Việt Nam chuyện ăn cắp bản quyền trong sản xuất hàng hoá chưa phổ biến, hoặc giả người Việt Nam chưa đủ trình độ ăn cắp như người Trung Quốc.
Hay với Chương Đầu tư, chúng tôi cũng phải thuyết phục rằng mục đích của chúng ta là thu hút đầu tư, và, vì vậy, phải cải thiện môi trường pháp lý.
Hoặc với Chương Mua sắm Chính phủ, trong đó qui định dự án đầu tư của nhà nước từ nửa triệu đô la trở lên là phải đấu thầu, họ phản đối rất mạnh. Họ viện lý do là làm như vậy là tiết lộ bí mật quốc gia. Chúng tôi trả lời rằng trong đó đã loại bỏ hết những dự án liên quan đến an ninh, quốc phòng, rồi, và chẳng qua chỉ là những dự án dân sự như xây dựng nhà máy điện, hay mua xe lửa thôi... Chúng tôi khẳng định rằng chỉ có đấu thầu công khai, thay vì chỉ định thầu, mới hạn chế được tham nhũng.
Nhưng chương này cuối cùng đã bị loại ra. Chúng tôi đã thua, bởi lợi ích của những người chống quá lớn.

Đó là nỗi đau lớn nhất của ông?
Đối với bản hiệp định thì đúng. Nhưng đối với đoàn đàm phán Việt Nam, và cá nhân tôi, nỗi đau lớn nhất lại nằm ở chỗ khác. Tôi sẽ nói sau.
--------------------------------------------------------------------------------
TuanVietnam

29-12-11

Nỗi đau của nhà đàm phán BTA

Ông còn nhớ không, đại văn hào Nga Lev Tolstoi đã từng nói rằng cuộc tranh cãi tay đôi chỉ chấm dứt khi một trong hai người hiểu ý định thực sự của người kia. Còn trong trường hợp của BTA, hai bên đã mất tới hơn một năm rưỡi, với 5 vòng đàm phán để làm điều đó. Chỉ có điều, trong trường hợp BTA, cả Việt Nam và Mỹ đều hiểu ý định thực sự của nhau, để không phải chấm dứt ở đó mà cùng nhau đi tiếp.
Kể từ vòng đàm phán thứ 6, ông có cảm nhận thấy thay đổi thái độ của phía Mỹ dành cho ông và đoàn đàm phán Việt Nam không?
Có chứ, rất rõ ràng. Qua thái độ, ánh mắt và lời nói. Chứ trước đó, tôi cảm nhận được sự lo lắng của họ. Vả lại, như Joe đã nói với anh đấy, một người được đào tạo ở Liên Xô và nhiều năm làm việc với Liên Xô và Đông Âu theo mô hình thương mại Xô Viết, chắc hẳn sẽ khó chơi lắm. Khi đã hiểu nhau, Joe có nói với tôi rằng anh ta đã từng chờ đợi những điều tồi tệ nhất có thể xảy ra.

Nhân thể xin hỏi lại ông điều này. Joe Damond nói rằng trưởng đoàn phía Mỹ là "ông chủ" cuộc chơi, nhưng, ông trưởng đoàn Việt Nam lại đóng vai trò như một người điều phối, điều tiết. Có lý do gì đó không, hay là tính cách ông nó vậy?
Thông thường trong đàm phán, nhất là thời gian đầu, tôi hay hỏi nhiều và yêu cầu anh em trong đoàn đặt nhiều câu hỏi. Một mặt, càng nhiều thông tin thì càng hiểu ý tứ của đối tác trong cuộc chơi này. Và, mặt khác, chúng tôi cũng học được nhiều hơn về kinh tế thị trường, để có thể bảo vệ tốt hơn những lợi ích thực sự của Việt Nam. Cũng như Joe Damond và đoàn đàm phán phía Mỹ trong việc bảo vệ lợi ích của nước Mỹ.
Lý do thứ hai là đoàn đàm phán của Việt Nam là đoàn liên bộ, mỗi bộ lại có lợi ích riêng của mình. Nếu trưởng đoàn không biết điều phối cho khéo, rất dễ xảy ra trường hợp "trưởng đoàn không biết phương án đàm phán riêng của từng bộ".
Chẳng hạn, về thuế, tôi bảo anh Tuấn (ông Hà Huy Tuấn, hiện là Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia) về chuẩn bị rồi trình ông Nguyễn Sinh Hùng (Bộ trưởng Tài chính lúc đó) ký và trình tiếp lên Thủ tướng. Về đầu tư, tôi bảo anh Ân (ông Đinh Văn Ân hiện là Trợ lý Tổng Bí thư) làm, rồi trình ông Thứ trưởng Võ Hồng Phúc ký nháy. Về sở hữu trí tuệ, tôi bảo anh Chiến (ông Đỗ Khắc Chiến - nguyên Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả - Bộ Văn hóa Thông tin) và anh Chướng (ông Phạm Đình Chướng - nguyên Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học - Công nghệ - Môi trường) soạn thảo rồi trình lên bộ trưởng của họ ký nháy.
Tất nhiên, trước đó, tôi đã có trao đổi cụ thể và thống nhất với anh Tuấn, anh Ân, hay anh Chiến và anh Chướng, là nên triển khai như thế nào. Khi đã có chữ ký bộ trưởng, các anh ấy gửi cho tôi một bản để tôi tập hợp thành một đề án chung và trình lên cấp trên thông qua. Tuy trưởng đoàn là người quyết định cuối cùng, và cũng là người giơ đầu chịu báng nếu có chuyện gì, nhưng vẫn phải hết sức tôn trọng anh em, tôn trọng kiến thức và công sức đóng góp của họ, và nhất là tôn trọng quyền của họ.
Bây giờ chúng ta hay nói là phát huy, hay thu hút, mọi nguồn lực xã hội, trí tuệ xã hội, nhưng nếu không tôn trọng những điều đó, làm sao mà thu hút, hay phát huy, được.

Kể cũng hay nhỉ? Một người đến từ nơi được coi là thế giới tự do như Joe Damond lại cư xử như một nhà độc tài (dictator), như cách ông ta tự nhận khi nói với tôi, còn còn cách làm việc của đại diện phía Việt Nam thì lại...
(Cười) Phía Mỹ họ khác. USTR được lập ra để đàm phán các hiệp định thương mại, cũng như xử lý các tranh chấp thương mại quốc tế. Họ chuyên nghiệp lắm.

Quay lại câu chuyện đàm phán, kể từ cuộc đàm phán thứ 6 cho tới khi hai bên ký tắt hiệp định hơn một năm sau đó, mọi chuyện có suôn sẻ không?
Khi đàm phán về thuế, tôi yêu cầu Joe Damond soạn cho tôi những yêu cầu của phía Mỹ. Và, bước vào bàn đàm phán, họ đưa cho chúng tôi một danh sách rất dài khung giảm thuế, và không quên nhấn mạnh rằng nếu không làm vậy quốc hội sẽ không phê chuẩn. Bởi trong quốc hội, đứng đằng sau nghị sĩ là doanh nghiệp, và nếu doanh nghiệp không được hưởng lợi, nghị sĩ sẽ không ủng hộ.

À, Joe Damond có kể chuyện này, và nói rằng thoạt tiên ông ta rất ngạc nhiên về lời đề xuất này của ông...
Khi bàn trên cơ sở bản danh sách đó, tôi mới bảo với Joe rằng thuế nhập khẩu của Mỹ chỉ chiếm 2% thu ngân sách, chủ yếu để làm chính sách thương mại, trong khi đó ở Việt Nam đó là 20% nguồn thu ngân sách. Ký BTA, nguồn tăng thu từ xuất khẩu chưa biết là bao nhiêu, tự nhiên mất ngay gần hết 1/5 nguồn thu ngân sách, đời nào chính phủ Việt Nam chịu cho ký.
Tôi còn giải thích thêm rằng, bên Mỹ có thuế thu nhập cá nhân, thuế tài sản..., còn Việt Nam thu nhập như lúc đó, ăn còn chẳng đủ, tài sản cá nhân cũng chẳng có mấy, như tôi đang ở nhà của nhà nước. Như vậy lấy đâu ra mà bù vào khoản hụt đó.
Rồi tôi nói: "Thôi chúng ta sẽ bàn, nhưng bàn sau, khi Việt Nam đàm phán gia nhập WTO. Khi đó, Việt Nam cũng có dăm ba năm cải cách hệ thống thuế theo hệ thống của thế giới, như thuế VAT, thuế thu nhập, thuế tài sản..."
Joe nghe ra, hai bên bàn bạc qua lại, và cuối cùng chúng tôi chỉ tập trung vào hơn 200 dòng thuế để bàn về thuế suất và lộ trình giảm thuế.
Nhưng đâu đã ổn. Khi nhóm thuế hai bên đàm phán riêng, phía Mỹ lại yêu cầu phía Việt Nam đưa biểu thuế AFTA (Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN) ra bàn. Anh Tuấn và anh Khánh (hiện là Thứ trưởng Công Thương, Trưởng đoàn Đàm phán TPP) không chịu, và về báo cáo tôi.
Tối hôm đó, Joe mời cơm.
Trong khi ăn, tôi mới hỏi: "Phía Mỹ có định ký BTA không?"
Joe ngỡ ngàng nhìn tôi.
Tôi hỏi tiếp: "Tại sao nhóm thuế lại đưa yêu cầu như vậy? Phía Mỹ đòi biểu thuế AFTA của tôi, vậy, đổi lại, các ông hãy đưa biểu thuế NAFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ) ra cho chúng tôi. Thế mới bàn được chứ."
Joe chịu tôi, và mọi chuyện trở nên suôn sẻ hơn nhiều. Muốn biết cụ thể hơn về diễn biến đàm phán, nhà báo nên hỏi anh Tuấn, hay anh Khánh.

Có quả thực là trước khi Joe Damond thông báo với ông ở Aukland là việc ký BTA bị dừng lại, ông không hề biết trước?
Tôi đã có linh cảm là có điều gì đó không ổn, khi lãnh đạo cấp cao lại họp để bàn lại lần cuối về việc ký BTA. Bởi, trước đó, đã có sự nhất trí hoàn toàn rồi. Nhưng tôi vẫn tin là mọi chuyện sẽ không sao.
Vì vậy, khi nghe Joe báo, tôi hết sức ngỡ ngàng. Dường như tôi không tin nổi.

Ông cũng chia sẻ cách lý giải của Joe?
Có một lần, ngồi với Ginny Foote, nhắc đến chuyến lỡ tàu đó, tôi nói "phụ nữ rất được việc, nhưng, đôi khi, cũng dễ rách việc". Tất cả cười "ồ" lên.

Ờ, bà Albright, khi còn làm Đại sứ Mỹ ở Liên Hợp Quốc, đã từng nổi hứng doạ bẻ gãy giò ông Tổng Thư ký Boutros Boutros -Ghali. Vả lại, cha của bà này đã bị cách chức Đại sứ Czech tại Nam Tư và phải đưa cả gia đình bỏ sang Mỹ, khi những người cộng sản lên nắm quyền năm 1948.
Cảm tưởng của ông khi biết rõ hơn về nguyên nhân vụ đổ bể đó?
Buồn, buồn lắm! Buồn vì nhiều lẽ.
Tôi thực sự không thể hiểu nổi, một vấn đề hệ trọng như vậy, vấn đề liên quan đến lợi ích của một dân tộc, lại có thể bị gạt phăng đi chỉ vì một câu phán của một người nào đó, cho dù người đó có là ai. Bởi, trước đó cả một tập thể quyền lực đã nhất trí rồi.
Buồn hơn nữa là sau quyết định bỏ cuộc, nhiều nơi lại tranh thủ "đóng góp thêm ý kiến". Họ cho cái dự thảo BTA của chúng tôi xấu hết chỗ nói.
Chúng tôi lại phải tốn mất mấy tháng trời, tốn mấy trăm tờ giấy viết "bản giải trình", để trả lời những câu hỏi của họ. Khổ nhất là phải giải trình lại những vấn đề mà chúng tôi đã giải thích trước đó cả năm trời rồi, hay những dự đoán hoàn toàn cảm tính, mà thiếu lập luận khoa học, của họ.

Đến khi nào thì lãnh đạo cấp cao lại cho phép nối lại đàm phán để ký BTA?
Sau khi giải trình xong, thấy không có ý kiến gì, tháng 12.1999, chúng tôi lại làm tờ trình xin ký.
Đầu năm 2000, Bộ Thương mại lại có sự thay đổi lãnh đạo. Anh Vũ Khoan, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, về thay anh Trương Đình Tuyển đi Nghệ An.
Vừa mới về, anh Vũ Khoan đã gặp tôi, và bảo: "Hai thằng bạn già chúng mình quyết tâm làm cho xong BTA rồi nghỉ cũng được." Chúng tôi cùng học ở MGMO với nhau, tuy không cùng năm.
Rồi ăn Tết xong, đến giữa tháng 3, tôi gửi thư mời Joe cùng đoàn Mỹ sang Việt Nam. Joe cũng muốn sang, nhưng cả Bộ Ngoại giao Mỹ và USTR rất cảnh giác Việt Nam, sau vụ bị "bẽ mặt" ở Aukland.

Joe có nói tới vai trò của Dan Price trong chuyện này?
Đúng vậy. Chúng tôi mời Dan sang. Mọi chuyện trở nên rõ ràng với phía Mỹ.
Nhưng đến tháng 7.2000, họ vẫn thử thách lần cuối, bằng cách mời Bộ trưởng Vũ Khoan sang. Ông Vũ Khoan sang, tức là hai bên nhất định ký.

Trong lần đàm phán cuối cùng đó, ông nhớ nhất kỷ niệm nào?
Joe và tôi mất có nửa tiếng là giải quyết xong hết, còn lại ba điều khoản để giải quyết ở cấp bộ trưởng.
Ngoài kỷ niệm vẫn lưu trên tường kia là bức ảnh Tổng thống Bill Clinton bắt tay tôi, một kỷ niệm cũng rất ấm áp là Bộ trưởng Vũ Khoan nhất định đợi "ông Lương" xong việc mới cùng lên xe vào Nhà Trắng.
Hà hà, hai ông bạn già...

Joe Damond đã viết hồi ký, và hy vọng sang năm sẽ ra mắt độc giả. Thế còn ông?
Bạn bè tôi cũng khuyên tôi, thúc giục tôi nên viết.
Nhưng với tôi, "sự đời đã tắt lửa lòng/ còn chen vào chốn bụi hồng làm chi!"

Xin cám ơn ông!



Phát ngôn ấn tượng 2011

Tác giả: Kỳ Duyên

Chỉ còn một ngày nữa, năm 2011 sẽ khép lại. Khép lại một năm có rất nhiều sự kiện, con người với những phát ngôn và hành động ấn tượng, khiến dư luận xã hội chú ý và bàn luận. Có nỗi đau và sự phẫn nộ. Có nỗi buồn và sự bất bình. Nhưng cũng có cả những niềm hy vọng, dù mỏng manh....Phát ngôn Tuần Việt Nam cuối năm xin chọn một số sự kiện, nhân vật tiêu biểu và gây ấn tượng mạnh trong năm, gửi tới quý bạn đọc để chia sẻ. Cũng là gửi tới những nỗi niềm trải nghiệm một năm cũ sắp qua, với lời chúc sức khỏe, may mắn, hạnh phúc và an lành trong tâm hồn tất cả chúng ta, khi Năm mới 2012 đã rất gần.


Sự kiện ấn tượng: Biển Đông và lòng người nổi sóng
Năm 2011 sắp qua. Nhưng có thể nói, sự kiện Biển Đông là dấu ấn đậm nhất trong con tim mỗi người Việt yêu nước. Một dân tộc gian truân, luôn khao khát hòa bình như dân tộc Việt, một lần nữa phải đứng trước thách thức của số phận- độc lập dân tộc?
Có quá nhiều sự kiện gây bất bình và phẫn nộ giữa người với người, giữa láng giềng với láng giềng, như để đo nắn lòng yêu nước và khí phách tự tôn, tự cường một dân tộc?
Biển Đông thì rất sâu, nhưng lòng yêu nước của người Việt chắc chắn còn sâu hơn thế.
Những con sóng bạc đầu của Biển Đông rất dữ, nhưng lòng yêu nước nơi người Việt còn dữ hơn những con sóng bạc đầu. Lịch sử dân tộc Việt trong quá khứ đã viết điều đó, thấm đẫm máu, mồ hôi, và nước mắt.
Ngay cả những ngôi mộ gió bên Biển Đông, nơi chứa đựng linh hồn của những ngư dân Việt mãi đi không về, cũng nói một điều thiêng liêng, bất khả xâm phạm về biển đảo.
Hoàng Sa- Trường Sa không chỉ tạc trên tấm bản đồ Việt Nam, giữa sóng nước Biển Đông, nó còn tạc trong tâm thức của hơn 80 triệu con dân Việt.
Và, một hiện tượng chưa từng có trong lịch sử hiện đại, hàng chục cuộc biểu tình yêu nước tự phát đã nổ ra tại Thủ đô Hà Nội, cùng với các cuộc biểu tình của Việt kiều ở nước ngoài. Tất cả đều hướng về Biển Đông, hướng về Hoàng Sa- Trường Sa.
Đó cũng chính là tiếng nói của lý lẽ phải trái công minh, của khí phách người Việt trước vận mệnh dân tộc.
Đỉnh cao của 'đối thoại" về chủ quyền biển đảo, sau rất nhiều những tranh luận, phát ngôn, những chứng cứ pháp lý lịch sử, cuối cùng được công khai và minh bạch "danh chính ngôn thuận", trong một văn bản sáu điểm, được ký kết giữa hai nước Việt- Trung. Được đánh dấu vào ngày 11/10/2011, khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào.

Theo đó, hai nước Việt Nam- Trung Quốc lấy đại cục quan hệ hai bên làm trọng, xuất phát từ tầm cao chiến lược và toàn cục, với phương châm "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai", theo tinh thần "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt".
Kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển, làm cho Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đóng góp vào việc phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, góp phần duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.
Khi mọi thông tin được đưa ra ánh sáng, giữa thanh thiên bạch nhật, công khai và minh bạch, thì nó buộc mỗi con người, mỗi quốc gia, mỗi láng giềng, dù nhỏ, dù to, phải hành xử như chính danh quân tử - nhất ngôn.
Công khai và minh bạch, như trả lời chất vấn của TT Nguyễn Tấn Dũng tại Kỳ họp thứ 2, QH khóa 13 mới đây trước sự chờ mong của nhân dân. Trước những vấn đề cực kỳ hệ trọng, sinh tử của quốc gia, trước những vấn đề quyền con người trong một xã hội đang hướng tới văn minh và hội nhập.
Cả nghị trường, đúng hơn, cả xã hội như lặng phắc trước những thông tin chính thức từ người đứng đầu Chính phủ.
Đó là sự khẳng định chủ quyền Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa- Trường Sa căn cứ trên các cơ sở pháp lý và lịch sử không thể phủ nhận. Với những dẫn chứng, cứ liệu và cơ sở luật pháp quốc tế.
Đó là sự khẳng định, cần thực hiện điều 69 Hiến pháp 1992, quy định công dân được quyền biểu tình theo pháp luật, phù hợp với Hiến pháp, đặc điểm lịch sử, văn hóa, điều kiện cụ thể của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế. Đồng thời nó góp phần điều chỉnh thái độ sống của con người trong xã hội pháp quyền.

Sự công khai và minh bạch thông tin, không chỉ là tiêu chí quản lý một xã hội hiện đại. Nó còn có ý nghĩa hóa giải mọi hoài nghi, lo lắng, mọi tổn thương trong dư luận xã hội lâu nay xung quanh vấn đề Biển Đông và hiện tượng biểu tình.
Sự kiện ngoài Biển Đông, vô tình tạo ra áp lực, thúc đẩy cả một quốc gia phải tự lớn lên, tự nâng mình lên trước sự tồn vong và phát triển. Thúc đẩy một xã hội dân sự, dân chủ và pháp quyền, sớm muộn đã bắt đầu nảy nở, hình thành.

Phát ngôn ấn tượng: Khó phát triển và... nguy cơ?
Năm 2011, có rất nhiều phát ngôn ấn tượng của các nhân vật nổi tiếng và không nổi tiếng (nói đúng hơn, nhờ phát ngôn "ấn tượng" mà có những nhân vật không tên tuổi trở thành nổi tiếng, cho dù là tiếng... xấu).
Nhưng người viết bài xin chọn một phát ngôn gây ấn tượng nhất. Vì nó rất trí tuệ, sâu sắc và hàm chứa nhiều vấn đề của một xã hội thời hội nhập. Đó là phát ngôn của tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Bộ Công An.
Bình về hiện tượng một Bộ trưởng trẻ- Đinh La Thăng, đang phải đối mặt với một ngành khó khăn nhất nhì đất nước- giao thông, tướng Lê Văn Cương lưu ý nhà báo, cũng là lưu ý bạn đọc về đặc điểm của cơ chế xã hội: Việt Nam không phải nước đang phát triển, đã phát triển hay chậm phát triển; mà là khó phát triển (Tuần Việt Nam, ngày 27/10/2011).
Một phát ngôn không chỉ nhiều suy ngẫm, mà còn nhiều trải nghiệm thực tiễn ở đời.
Thiếu tướng Lê Văn Cương

Vì sao Việt Nam ta khó phát triển?
Trước đó, lý giải về sự thành công của quốc gia Singapore, theo tướng Lê Văn Cương: "Một người trợ lý của của cựu TT Singapore Lý Quang Diệu từng nói với tôi, các ông cứ thần thánh hóa ông Lý Quang Diệu chứ ông Diệu chỉ là một người bình thường. Chỉ là ông ta đi khắp thế giới và rút ra được mấy vấn đề. Một đất nước nhỏ như vậy, muốn phát triển được trước hết phải có một bộ máy hành chính tử tế. Hai là nguồn nhân lực có chuyên môn cao. Ba là hệ thống hạ tầng thông suốt. Việc lớn nhất ông Diệu làm được chính là tập hợp được một đội ngũ những người giỏi xung quanh ông ấy. Và đến giờ phút này, chưa có ai kêu ca gì về gia đình ông Lý Quang Diệu, họ hoàn toàn trong sáng".
Nếu so với ba vấn đề, đất nước nhỏ Singapore đã rút ra được, thì đất nước to như Việt Nam ta đang ở trạng thái... bó tay. com.
Bởi con người là yếu tố quyết định của bộ máy và cơ chế quản lý. Nhưng trong cơ chế ấy, con người vừa bất lực, vừa tích cực tham gia vào quá trình làm "tha hóa" xã hội, chỉ vì lợi ích nhóm, lợi ích riêng mình.
Ngày 25/12/2011 mới đây, Tuần Việt Nam có bài Quyền "đuổi đầy tớ" của dân, với chủ đề cải cách hành chính. Công cuộc CCHC của chúng ta triển khai đã gần 10 năm, thế nhưng hiệu quả ra sao, khi mà nền hành chính quốc gia còn rất ì ạch?
Bài báo cho biết: Từ thời "dân chủ cộng hòa" cho đến nay, hơn 65 năm qua, người dân vẫn chưa biết "đuổi đầy tớ" bằng cách nào, khi "đầy tớ" "không làm được việc cho dân.... Khi nhân dân không thực quyền trong tuyển dụng và sa thải "đầy tớ" thì tính chịu trách nhiệm của các "đầy tớ" trước nhân dân, của toàn bộ bộ máy Nhà nước nói chung sẽ thấp. Tính chịu trách nhiệm thấp sẽ dẫn đến hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước thấp, tham nhũng tăng.
Tham nhũng từ lâu đã được người dân kinh hãi tặng danh hiệu quốc nạn. Mặc dù, Nhà nước thành lập hẳn bộ máy chống tham nhũng các cấp từ trên xuống dưới, nhưng tại buổi Đối thoại về phòng, chống tham nhũng lần thứ 10, được tổ chức tại Hà Nội ngày 29/11, Văn phòng Ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng cho biết: Trong 5 năm qua (2007-2011), các cơ quan tố tụng khởi tố bình quân mỗi năm khoảng 280 vụ, với hơn 600 bị can về các tội tham nhũng.
Đó mới chỉ là con số của các đồng chí... bị lộ so với các đồng chí ... chưa bị lộ.
Dưới con mắt của nhiều chuyên gia quốc tế, số điểm và vị trí xếp hạng của Việt Nam năm 2011 không thay đổi bao nhiêu so với năm 2010. Thế nên, một đại biểu QH từng cảm thán: Chống tham nhũng giống như dòng văn học cuối thế kỷ 19 - hiện thực phê phán - thấy hiện trạng nhưng không có giải pháp tháo gỡ.
Chả lẽ, lại nên có một khái niệm mới: Tham nhũng- dòng văn học hiện thực phê phán?
Ngày 26/12/2011 mới đây, VietNamNet đưa lại bài viết của Cổng TTĐT Chính phủ. Đọc tít, người ta giật mình: Chỉnh đốn Đảng vì sự tồn vong của chế độ. Có lẽ chưa bao giờ, một Tổng Bí thư Đảng phải có một phát ngôn thẳng thắn, và cũng đau đến thế, cấp báo đến thế. Vì đó là sự thật!
Trong nhiều nội dung bức thiết, theo TBT, Trung ương chọn ba vấn đề thực sự cấp bách cần làm ngay, để củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đó là ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp...
Như để "minh họa" cho nhận định của người lãnh đạo cao cấp, mới đây, ở tỉnh nghèo Sóc Trăng, có đông người dân tộc, hai quan chức Nguyễn Thanh Lèo (Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải) và Trần Văn Tân (Giám đốc TT Đào tạo lái xe loại 3) đánh cờ tướng với nhau. Mỗi ván, các ông cược từ 1-5 tỷ đồng (!) Chuyện vỡ lở. Cả xã hội bàng hoàng. Người ta tự hỏi, với chức quan nhỏ như của hai ông, mà sao tiền đã như vỏ hến?

Căn biệt thự của ông phó Sở đánh cờ bạc tỷ tại Sóc Trăng.

Nhà nước thường lo lắng, đề phòng nguy cơ các thế lực thù địch từ bên ngoài. Nhưng lại thường coi nhẹ nguy cơ "kẻ thù" nằm ngay trong một bộ phận không nhỏ ở đội ngũ được gọi là đầy tớ của dân. Đó là sự quan liêu, sự vô cảm và "bắt nạt" dân. Là sự ích kỷ, tham lam, sa đọa đạo đức, lối sống của chính họ. Trong khi, nhân dân- những người được gọi là người chủ xã hội, mất lòng tin, thậm chí phẫn nộ, mà không biết làm sao có thể "đuổi đầy tớ" bằng cách nào.
Một nền hành chính quốc gia còn nhiều khiếm khuyết, quốc nạn tham nhũng, và sự sa đọa của không ít cán bộ, quan chức...Đó không chỉ làm cho đất nước khó phát triển, mà còn là nguy cơ cho sự tồn vong một chế độ.
Nguy cơ này, liệu đã nhãn tiền chưa?