Thứ Ba, 30 tháng 4, 2013

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người VN ở nước ngoài: Hòa hợp tạo ra sức mạnh cho dân tộc

(TNO) Không có sự đoàn kết, hòa hợp dân tộc, Việt Nam sẽ mất đi một sức mạnh vô cùng to lớn. Đó là khẳng định của ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người VN ở nước ngoài (UBNNVNVNONN) trong cuộc trao đổi với Thanh Niên nhân ngày thống nhất đất nước 30.4.

* Thưa thứ trưởng, mở đầu là một câu hỏi rất cũ nhưng có lẽ cũng vẫn thời sự. Đó là đến nay đã 38 năm kể từ ngày thống nhất đất nước nhưng vấn đề hòa hợp dân tộc vẫn là điều thường xuyên chúng ta phải nhắc tới. Theo ông đâu là lý do của chuyện này?

- Thực tế đúng là chúng ta chưa làm tốt được vấn đề đại đoàn kết dân tộc, xóa đi hận thù, xóa đi những rào cản từ quá khứ chiến tranh. Nguyên nhân tôi cho là do cả hai phía. Từ thực tế ấy đòi hỏi phía Nhà nước cần tiếp tục có những quyết sách hợp lý đem lại sự tin tưởng cho dân nói chung. Tức là cần có những chính sách đem lại lợi ích thiết thực cho kiều bào như các chính sách về quốc tịch, xuất nhập cảnh, hồi hương rồi các vấn đề liên quan đến chuyện kiều bào về đầu tư trong nước.

Những cơ chế chính sách đối với kiều bào phải rất rõ ràng, có lợi cho bà con. Tại sao ta chưa làm được? Lý do trước đây có nhiều lực lượng bên ngoài có tư tưởng, hành động chống phá chúng ta bằng con đường bạo động lật đổ nhà nước cho nên chúng ta cũng phải có bước đi thăm dò. Thứ hai là sự tuyên truyền một chiều bên ngoài nó đến với kiều bào quá lâu làm cho người ta suy nghĩ về nhà nước cộng sản như một thứ gì đó rất đáng sợ.

Hòa hợp là xu hướng tất yếu phải đến vì chúng ta đã và luôn khẳng định người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam

Nói là 38 năm nhưng thực tế phải tính từ thời điểm 1994. Sau khi thống nhất năm 1975, quá trình xây dựng đất nước của chúng ta đã gặp rất nhiều khó khăn: Mỹ bao vây cấm vận, chiến tranh biên giới Tây Nam chống diệt chủng Polpot, rồi sau đó là vấn đề Campuchia. Chiến tranh ở biên giới phía Bắc kéo dài từ 1979 đến 1988 mới hoàn toàn chấm dứt. Cho nên 38 năm qua cần nhìn nhận cụ thể từng thời kỳ. Giai đoạn quan trọng nhất theo tôi là bắt đầu từ 1994-1995 sau khi Mỹ bỏ cấm vận và hai bên bình thường hóa quan hệ. Chúng ta mới có thời gian yên ổn phát triển được 20 năm thôi, thời gian vật chất chưa phải là nhiều.

Thực tế chúng ta cũng đã bỏ lỡ nhiều cơ hội. Nhưng dù thế nào thì cộng đồng người Việt ở nước ngoài nói chung vẫn là cộng đồng đầy tiềm năng, có vai trò thực sự quan trọng trong việc đóng góp vào công cuộc xây dựng bảo vệ đất nước. Vấn đề là ta phải hiểu được kiều bào để thúc đẩy hòa hợp, hòa giải. Muốn hòa hợp, hòa giải tốt, phải xây dựng lòng tin. Cần có thêm những cơ chế chính sách tốt đi đúng nguyện vọng của dân, đi đúng lòng dân, thể hiện sự chân thành của chúng ta đối với kiều bào.

Kiều bào về thăm quê hương - Ảnh: Diệp Đức Minh

* Cá nhân ông suy nghĩ thế nào về vấn đề hòa hợp dân tộc?

- Tôi cho rằng đây là việc làm hết sức cần thiết. Theo truyền thống văn hóa dân tộc và cũng là giáo lý nhà Phật, tôn giáo từng là quốc đạo trong các thời Lý-Trần-Lê, nếu “lấy oán báo oán” thì “oán oán suốt đời”, thay vào đó phải “lấy ân giải oán”. Chúng ta là chủ nhân đất nước hiện nay thì chúng ta cần chủ động trong chuyện “giải oán” với những người mà chúng ta từng coi là kẻ thù. Chỉ có như vậy mới có thể có được một dân tộc Đại đoàn kết như Bác Hồ đã nói. Nó cũng đòi hỏi những người có trách nhiệm, có liên quan làm việc trong vấn đề này phải có sự thành tâm, hiểu biết vấn đề và quan trọng là phải hết sức chân thành, dũng cảm.

Thiếu sự chân thành, dũng cảm sẽ khó có sự hòa hợp thực sự. Vì anh còn phải đương đầu với nhiều cơ chế chưa phù hợp về vấn đề này ở trong nước hiện nay. Và chính những cơ chế này làm kiều bào ta suy nghĩ băn khoăn nhiều lắm. Mình làm sao phải chứng minh cho bà con thấy những khó khăn là nhất thời, còn cái thành tựu là mãi mãi thì mình mới thực hiện quá trình hòa hợp hòa giải được. Nếu bà con muốn quay lại cùng chúng ta xây dựng phát triển thì mình phải tin tưởng, không có sự nghi kị. Hiện nay từng nơi từng lúc ta vẫn ít nhiều nghi kị với kiều bào, đặc biệt những người có dự án đầu tư trong nước. Anh phải tìm hiểu kỹ năng lực của họ trước khi ký kết thỏa thuận cho hoạt động của họ ở VN chứ. Anh không có lòng tin hoặc không xây dựng được lòng tin thì làm sao kiều bào dám đầu tư trong nước, làm sao giao một tài sản lớn vào tay anh?

Hơn bao giờ hết chúng ta cần có sự dũng cảm đột phá, sẵn sàng chịu trách nhiệm. Hiện nay cái dũng cảm còn thiếu quá, chân thành còn thiếu quá. Đến khi có vấn đề cần có người xử lý, có người chịu trách nhiệm thì không ai làm. Đó là nỗi ray rứt của chúng ta.
* Được biết cuối năm 2012 ông đã thăm nghĩa trang quân đội VNCH ở Biên Hòa, Đồng Nai (nay là xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Sự kiện này được báo chí hải ngoại đánh giá như một động thái tích cực trong tiến trình hòa hợp dân tộc. Ông có chia sẻ gì về câu chuyện này?

- Tôi vẫn nhớ rất rõ là ngày 10.12.2007 tôi nhận quyết định bổ nhiệm vị trí quyền Chủ nhiệm UBNNVNVNONN thì sau đó hai ngày tôi đã bay vào TP.HCM để thăm nghĩa trang Biên Hòa lúc đó đang do Quân khu 7 quản lý. Lúc đó bên ngoài các thế lực chống cộng cực đoan vẫn tuyên truyền là cộng sản nói mà không làm. Cuối năm 2006, Thủ tướng đã có quyết định chuyển nghĩa trang này cho dân sự nhưng thực tế trong suốt 2007 chưa thực hiện được. Khi tôi vào thì thấy nghĩa trang rất ngăn nắp, sạch sẽ, không hề có phá phách gì nhưng vẫn do quân đội quản lý mà chưa bàn giao cho cho dân sự. Sau đó tôi cùng anh Nguyễn Phú Bình, là người tiền nhiệm của tôi, trực tiếp đến báo cáo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Sau đó ba tháng, Quân khu 7 đã bàn giao nghĩa trang cho tỉnh Bình Dương. Bắt đầu từ đó quá trình dân sự hóa diễn ra.

Sau khi chính quyền dân sự tiếp nhận thì việc đầu tiên là người ta phải xây dựng và thống nhất một quy chế quản lý giống như các nghĩa trang dân sự khác. Tôi cho điều đó là đúng thôi bởi vì không thể để như một nghĩa trang quân đội như của QĐNDVN. Hai quân đội từng đối địch nhau, để như vậy càng tạo thêm sự xung đột sau này, cho nên chuyển thành nghĩa trang dân sự là rất đúng. Vấn đề là quy chế quản lý thế nào? Bình Dương thống nhất với chúng tôi là cũng như các nghĩa trang dân sự khác, nhân dân được quyền vào thăm, chăm sóc mồ mả của người thân mình, được phép xây dựng lại, tu chỉnh sửa sang theo tiêu chuẩn của các nghĩa trang dân sự. Tôi từng nói với kiều bào là không ai cấm đoán bà con cả, bà con cứ vào chỉnh trang, tu sửa phần mộ người thân, kể cả dát vàng, dát bạc cũng không ai cấm, nhưng chiều cao chiều rộng phải đúng quy định như các nghĩa trang khác.

Tôi từng nói với kiều bào là không ai cấm đoán bà con cả, bà con cứ vào chỉnh trang, tu sửa phần mộ người thân, kể cả dát vàng, dát bạc cũng không ai cấm, nhưng chiều cao chiều rộng phải đúng quy định như các nghĩa trang khác… Câu chuyện nghĩa trang Biên Hòa cho thấy sự đoàn kết, hòa hợp với kiều bào ở nước ngoài, đặc biệt là gia đình thân nhân những người đã tham gia quân đội VNCH.

Vấn đề ta nói là phải làm. Tôi đi Mỹ, đi châu Âu, nói với bà con rằng những thông tin như chuyện phải nộp tiền “tiêu cực phí”, chuyện phải qua cản trở mới có thể vào thăm mộ trong nghĩa trang của binh lính, sĩ quan VNCH... đều là thất thiệt. Có thể có người cố tình tung ra để trục lợi. Vừa rồi đoàn của ông Al Hoàng (Hoàng Duy Hùng) về VN, ông ấy cũng đến thăm nghĩa trang và phỏng vấn ngẫu nhiên ngay một gia đình đang chăm sóc mộ phần thì họ nói không ai ngăn cấm gì cả. Tất nhiên cũng có những phần mộ vô chủ không được chăm sóc thì có sụt lở. Đó cũng là chuyện bình thường như ở nhiều nơi khác.

Cuối 2012 khi tôi sang Mỹ có gặp nhóm của ông Nguyễn Đạc Thành, nguyên là thiếu tá VNCH, bây giờ ông lập nhóm cựu binh về VN tìm lại hài cốt bạn bè, đồng đội của ông ấy. Ông Thành đã có một số yêu cầu liên quan đến nghĩa trang Biên Hòa. Sau khi về tôi đã kiểm tra ngay và có đề nghị với chính quyền địa phương và địa phương cũng đã xử lý ngay. Bình Dương đã cho tu sửa nghĩa đài, làm đường trồng hoa xung quanh, làm án lễ để dâng hương... Tôi cho rằng địa phương đã làm rất tốt.

Câu chuyện nghĩa trang Biên Hòa cho thấy sự đoàn kết, hòa hợp với kiều bào ở nước ngoài, đặc biệt là gia đình thân nhân những người đã tham gia quân đội VNCH.

* Trong những giai đoạn lịch sử trước đây, nhờ vào những quyết sách đúng đắn chúng ta đã tập hợp được nhiều thành phần rộng rãi dựa trên nền tảng chung là lòng yêu nước, vì mục tiêu chung là độc lập dân tộc. Đó là điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng thực hiện vào thời kỳ đầu xây dựng nhà nước VNDCCH. Bài học lịch sử ấy, theo ông, có thể áp dụng thế này vào hiện tại để tập hợp được những con người có thể có quan điểm, chính kiến khác nhau vì mục tiêu phát triển của đất nước?

- Đây là một câu hỏi thú vị. Tôi cũng đã nhiều lần khẳng định trong tất cả các lĩnh vực chúng ta đều cần học tập Bác Hồ. Hiện tại chúng ta tuyên truyền về học tập, làm theo tấm gương của Bác nhưng thực sự chúng ta học ít mà tập cũng ít. Nếu nghiên cứu kỹ về Bác, chúng ta có thể thấy là trong từng cử chỉ, lời nói của Bác đều có ý nghĩa sâu sắc. Tại sao năm 1946 khi Bác đi thăm Pháp trong bối cảnh đất nước thù trong, giặc ngoài mà Bác không chọn bác Phạm Văn Đồng hay bác Võ Nguyên Giáp làm quyền Chủ tịch nước, mà lại ủy nhiệm cho cụ Huỳnh Thúc Kháng vị trí đó? Trong những lúc đất nước lâm nguy, khó khăn thì hơn bao giờ hết tinh thần đại đoàn kết dân tộc được thể hiện qua sức mạnh dân tộc trong các thành phần dân tộc, các tầng lớp trong xã hội. Người được lựa chọn không phải là người ở trong chính đảng mà Bác thành lập, mà là một chí sĩ yêu nước có uy tín lớn, đủ khả năng lãnh đạo đất nước. Qua hành động của Bác, người ta nhìn thấy một sự công tâm, chân thành.

Để thực hiện chính sách Đại đoàn kết dân tộc thì một yếu tố quan trọng là sự chân thành, cởi mở và chân thật. Không có sự chân thật thì sao có sự hòa hợp, hòa giải được. Bản thân tôi trong quá trình công tác cũng có những lúc phải vượt qua những rào cản cơ chế, thậm chí là mạo hiểm với sinh mệnh chính trị của mình. Nhưng mình thấy những quyết định đó có lợi ích cho đất nước thì mình vẫn phải làm.

Những năm qua chúng ta đã tổ chức cho kiều bào về thăm quê hương và tham dự các hoạt động nhân dịp Giỗ Tổ, Tết Nguyên đán… thăm Trường Sa, thăm thác Bản Giốc, thăm hang Pác Bó ở Cao Bằng, rồi các trại hè cho thanh, thiếu niên kiều bào, tổ chức các hội thảo để giới trí thức trong ngoài nước có dịp gặp gỡ, trao đổi, tiếp xúc. Tất cả các hoạt động đó là để xây dựng lòng tin với kiều bào, hướng kiều bào về với quê hương, đất nước. Hiện tại điều kiện kinh tế của chúng ta có khó khăn, nhưng khó khăn vẫn phải làm.

Do hoàn cảnh lịch sử mà kiều bào ta vẫn còn một bộ phận mà ngày xưa chúng ta vẫn gọi là “phản động”. Quan điểm của tôi là không nên gọi như thế. Từ khi giữ vị trí Chủ nhiệm UBNNVNVNONN tôi luôn nói rằng đó là bộ phận bà con, anh chị em còn chưa hiểu hết tình hình đất nước, còn có hành động đi ngược lại lợi ích dân tộc, chứ không bao giờ nói họ là “phản động”. Mình không nên đặt nặng vấn đề rồi đẩy người ta ra xa.

* Vậy các cơ quan khác, ví dụ như bên công an hay quân đội, họ đánh giá thế nào về chuyện đó?

- Tôi cũng có quan hệ rất tốt với các cơ quan quốc phòng, công an và các anh ấy cũng rất ủng hộ tôi khi có đột phá vào những chuyện vẫn bị coi là nhạy cảm. Và bởi tôi cũng là người dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Tất nhiên trong công việc thì ý kiến của tôi là một phần, ý kiến các cơ quan khác thì cũng có cái nhìn khác nhau. Tôi vẫn nói đùa với các anh bên công an là cơ quan an ninh nhìn đâu cũng thấy gián điệp như bác sĩ nhìn đâu cũng thấy vi trùng. Tôi nghĩ rằng làm sao để có cùng chung quan điểm với chúng tôi nhìn vấn đề từ góc độ một người làm ngoại giao, văn hóa, từ góc độ người nghiên cứu khoa học xã hội, giáo dục. Tôi muốn cảm hóa người ta không phải bằng súng đạn, không phải bằng bắt bớ tù đày mà cảm hóa bằng những hoạt động cụ thể, bằng những tấm lòng, tình cảm chân thành. Tình cảm chân thành là vũ khí mạnh nhất, tôi đến với anh chân thành thì chắc chắn anh không nỡ cầm súng bắn tôi.

Điều quan trọng là bên an ninh, quân đội các anh ấy cũng nhìn thấy những thành quả và luôn ủng hộ công việc của Ủy ban. Có một vị tướng quân đội đã nói tại một cuộc họp đại ý rằng không có thế lực thù địch nào có thể đem xe tăng, đại bác đến lật đổ chế độ này mà chỉ sợ là chúng ta tự diễn biến, tự làm hại chúng ta. Chúng ta cũng không thể dùng vũ lực để tiêu diệt hay bắt bớ bộ phận thù địch, hận thù với đất nước đang ở nước ngoài mà bây giờ cần nhiều hơn nữa các hoạt động của UBNNVNVNONN…

Do hoàn cảnh lịch sử mà kiều bào ta vẫn còn một bộ phận mà ngày xưa chúng ta vẫn gọi là “phản động”. Quan điểm của tôi là không nên gọi như thế... Mình không nên đặt nặng vấn đề rồi đẩy người ta ra xa.

* Từ góc nhìn của một nhà ngoại giao đã nhiều năm gắn bó với công tác Việt kiều, ông nhìn thấy tương lai của vấn đề hòa hợp dân tộc sẽ như thế nào? Liệu có thể làm gì để thúc đẩy tiến trình ấy?

- Thực hiện đúng là không dễ dàng; chủ trương thì đã có nhưng trong thực hiện đôi khi chúng ta vẫn có những cái lệ làng. Cái khó của chúng ta là tư duy, nhận thức của lãnh đạo các cấp khác nhau. Đôi khi trên rất thông thoáng nhưng dưới lại rất khó khăn. Hòa hợp là xu hướng tất yếu phải đến vì chúng ta đã và luôn khẳng định người VN ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc VN. Bộ Chính trị đã có nghị quyết rồi thì nhận thức của toàn bộ hệ thống phải giống nhau chứ.

Như tôi đã trả lời báo chí về vấn đề du lịch, nhiều lĩnh vực khác bà con kiều bào cũng kêu lắm: môi trường xã hội, môi trường đầu tư... Các công trình du lịch từ bắc vào nam hầu hết các công trình lớn đều do Việt kiều làm. Người ta đã đầu tư như thế thì phải tạo điều kiện để người ta làm chứ. Một công trình mọc lên ở đất nước ta thì thêm một nguồn thuế cho ngân sách nhà nước, thêm công ăn việc làm, làm đẹp cho cảnh quan đất nước, tạo sự hấp dẫn cho khách du lịch đến VN. Bản thân trong nước chúng ta không được làm gì để cho họ bức xúc.

Tôi vẫn nói ở nhiều diễn đàn rằng không có công cụ nào của chúng ta có thể tuyên truyền giới thiệu quảng bá hình ảnh đất nước, phong tục, tập quán, truyền thống, đạo lý con người VN cũng như bảo tồn, phát triển những điều đó ở nước ngoài bằng người VN. Chúng ta có đưa hàng tấn sách báo ra phim ảnh ảnh ra ngoài không thể hiệu quả bằng tự kiều bào làm cái này. Người VN ở nước ngoài có thể chính là những hạt nhân giới thiệu, quảng bá, bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc ở nước ngoài hiệu quả nhất.

38 năm nay mình vẫn nói là thống nhất đất nước. Nhưng thống nhất đất nước mà chưa thống nhất được lòng người bởi lẽ còn một bộ phận người VN ở nước ngoài vẫn đang tiếp tục có những hành động đi ngược lại lợi ích chung của dân tộc. Nhưng nếu chúng ta không đoàn kết, không hòa hợp, không hòa giải thì chúng ta mất đi một sức mạnh vô cùng to lớn. Năm 2012, lượng kiều hối gửi về VN qua con đường chính thức đạt khoảng 10,5 tỉ USD, qua đường không chính thức ước khoảng 1/3 số đó nữa, rồi hơn 6 tỉ USD đầu tư vào các dự án trong nước… Như vậy ước tính nguồn lực kiều bào đạt tới 20 tỉ USD/năm, tương đương 1/5 GDP cả nước, bằng cả hợp tác thương mại của ta với EU.

Hiện chúng ta có hơn 4,5 triệu kiều bào, trong đó hơn 400.000 trí thức, hàng nghìn các khoa học lỗi lạc, tầm cỡ có nhiều người cũng không thua kém GS Ngô Bảo Châu đâu. Người Việt có mặt ở hàng loạt các cơ quan, tổ chức, tập đoàn khoa học công nghệ hàng đầu của thế giới như NASA, Lockheed Martin, Boeing…chưa kể nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, nông nghiệp, giao thông vận tải... Các ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đến VN đã được các chuyên gia Việt kiều cảnh báo, khuyến nghị từ lâu. Các dự án đường sắt cao tốc, dự án điện hạt nhân... đều được họ đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ nhưng tiếc là chúng ta tiếp thu còn hạn chế.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn trả lời phỏng vấn tại Hội nghị người Việt Nam
ở nước ngoài lần thứ 2 - Ảnh: Diệp Đức Minh

* Đã có ý kiến cho rằng câu chuyện hòa hợp có lẽ là một con đường dài đòi hỏi sự cố gắng từ tất cả các phía. Theo ông hiện nay điều gì là khó khăn, cản trở nhất cho những sự cố gắng ấy. Sự chủ động của trong nước có ý nghĩa như thế nào đối với tiến trình hòa hợp?

- Khó khăn nhất tôi cho vẫn là mặc cảm của trong nước đối với những thành phần bên ngoài. Tuyệt đại bà con khắp nơi đã về nước rồi, nhiều người đã đầu tư nhiều dự án trong nước rồi. Anh muốn thu hút người ta về thì chính sách của anh phải hài hòa, coi kiều bào cũng như người trong nước, thậm chí còn phải ưu tiên người ta nữa. Hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương phải nhìn kiều bào với nhãn quan chính trị khác. Tôi vẫn nghĩ là phải gắn kiều bào với dân tộc bằng những hoạt động cụ thể với đất nước, con người VN thì họ mới xích lại với ta. Bà con cảm thấy ta như người ruột thịt thì họ dốc hết công sức, họ đâu có nề hà gì, cũng là đất nước mình cả. Anh phải có suy nghĩ chân thành, cởi mở, chính sách cởi mở, tư duy về người VN ở nước ngoài cũng phải rất cởi mở.

Vấn đề mà chúng ta từng lo ngại là các thành phần chống cộng cực đoan thì theo quan sát của tôi cũng đã ngày càng giảm đi. Một trong những người cực đoan nhất như ông Al Hoàng (Hoàng Duy Hùng) vừa qua cũng đã được về nước và ông ấy đã có những cái nhìn hết sức tích cực như các anh đã biết.

Tháng 10.2012 tôi đi công tác ở Mỹ, đến nay cũng là chuyến đi Mỹ duy nhất kể từ khi tôi đảm nhận vị trí Chủ nhiệm UBNNVNVNONN. Trước khi đi tôi đã nói với anh em trong cơ quan rằng tôi đi Mỹ không phải đi chơi, đi phải gặp được số chống cộng cực đoan để đấu tranh, đối thoại, thuyết phục họ. Còn nếu chỉ để gặp bà con cô bác Việt kiều yêu nước thì tôi gặp trong nước vì bà con về rất nhiều. Sang là để làm việc thực sự chứ không phải kiếm cớ đi “khảo sát”. Tôi rất không thích từ “khảo sát”, nhiều đoàn của các ban ngành hay sang “khảo sát”, chả hiểu khảo sát cái gì ở Mỹ, tốn tiền của nhà nước, cưỡi ngựa xem hoa, đi về rồi hồ sơ lại cất ngăn kéo mà không đạt kết quả gì.

Chúng ta phải tiếp tục xây dựng lòng tin. Muốn người ta tin mình mình phải làm cái gì để người ta tin mình. Cần hiểu là nhiều người vẫn mang tư tưởng hận thù của những người thua trận. Nhưng mà trên thực tế cuộc chiến tranh đã qua mang lại cho đất nước nhiều mất mát đau thương.

Thông qua Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán VN ở Mỹ, UBNNVNVNONN đã liên hệ với tất cả các tổ chức, cá nhân còn chống đối, có tư tưởng hận thù với đất nước. Nếu họ đồng ý gặp tôi thì tôi sẽ sang. Trong chuyến đi đó tôi đã gặp một loạt các thủ lĩnh, nhân vật chống cộng khét tiếng tại Washington, Houston, California, quận Cam như Nguyễn Ngọc Lập, Nguyễn Phương Hùng, Nguyễn Thành Quang, Võ Đức Quang, Đức Nguyễn (Đức đầu bạc), Tôn Thất Chiểu, Hoàng Duy Hùng, Đông Duy, Nguyễn Á Độc Lập…

Chuyến đi có thể nói là rất thành công, không có một người nào biểu tình chống đối. Tôi nghĩ có thể bản thân họ thấy mình làm công tác này mình thực sự muốn đưa đại đoàn kết dân tộc, hòa hợp, hòa giải đến tận từng con người. Họ cảm thấy sự chân thành của mình, sự dũng cảm của mình đôi khi phải vượt qua rào cản chính trị, rào cản cơ chế, thẩm quyền. Nó là công tác đặc biệt nên cần phải có những bước đi thích hợp và dám đương đầu. Từ 2011 đến nay UBNNVNVNONN đã mời một loạt báo chí hải ngoại kể cả chống cộng về nước để họ hiểu tình hình.

Tôi vẫn nhớ tại hội thảo về bản sắc văn hóa dân tộc hồi 9.2011 ông Nguyễn Phương Hùng, chủ bút của “KBC Hải ngoại”, nguyên thiếu tá quân đội VNCH, một người có thâm niên chống cộng hàng chục năm đã đề nghị tôi trả lời phỏng vấn về nhiều vấn đề nhạy cảm ngay tại hội thảo. Lúc đó là sức ép cả về thời gian, nội dung nhưng tôi đã không từ chối.

Nếu lấy lý do bận công việc hay cần chuẩn bị tài liệu, chuyển cho các cơ quan chức năng... thì họ sẽ nghĩ là mình hoãn binh, lảng tránh và thậm chí coi thường mình ngay. Trước lúc trả lời phỏng vấn tôi chỉ yêu cầu họ một vấn đề đó là hết sức trung thực khách quan trong đưa tin. Tôi nói họ không cần “tô son điểm phấn” gì cho đất nước mà chỉ cần thấy thế nào đưa như vậy, tuyệt đối không sai lệch. Trước sự chân thành, cởi mở của mình họ cũng đồng ý. Ngay phóng sự đầu tiên họ rút một cái tít rất hay trích từ câu trả lời của tôi đó là “Nhà nước VN sẵn sàng nghe các ý kiến bất đồng”. Tôi cũng nói rõ những bất đồng ấy là với tinh thần xây dựng một nước VN giàu mạnh chứ không phải lấy đó làm cớ để thực hiện kế hoạch bạo động lật đổ chính quyền.

Chúng ta phải tiếp tục xây dựng lòng tin. Muốn người ta tin mình mình phải làm cái gì để người ta tin mình. Cần hiểu là nhiều người vẫn mang tư tưởng hận thù của những người thua trận. Nhưng mà trên thực tế cuộc chiến tranh đã qua mang lại cho đất nước nhiều mất mát đau thương. Binh lính chế độ cũ họ cũng là con em cùng dân tộc bị đẩy vào đạn bom phi nghĩa. Trong hàng vạn người ngã xuống cũng có những người đã từng không muốn tham chiến, không muốn cầm súng, không muốn chiến tranh. Họ cũng muốn sống chứ. Nhưng rồi họ bị xô đẩy. Có những người vẫn luôn oán hận vì sự oan uổng đó. Đấy cũng là lý do mà không chỉ cá nhân tôi mong muốn nghĩa trang Biên Hòa được dân sự hóa bình thường mà chính quyền địa phương cũng đã thấy và họ làm rất tốt chuyện đó.

* Xin cảm ơn ông.

N.Phong
(thực hiện)