Thay một lời cảm ơn
anh tư Dương Quang Trung
SGTT.VN - Vậy là cuộc gặp ở viện Tim, tại Phòng 10, là dịp cuối cùng anh phải nằm và em ngồi cạnh anh lần chót. Lúc đó chúng ta vẫn còn hy vọng và trông mong vào các phép lạ của y khoa kỹ thuật cao sẽ lại cứu anh qua căn bệnh mạch máu ngặt nghèo của tuổi già lần nữa như ở bên Pháp cách đây mấy năm để hy vọng hoàn thành nguyện vọng còn dang dở của anh - giống nguyện vọng sống thêm ba tháng viết sách mà đã trở thành hằng chục năm sau sống nhờ anh cứu, của GS Trần Văn Giàu thuở trước.
Em đã thấy lo khi nhìn khuôn mặt anh ánh lên nét nhiễm trùng, mạch nhanh, huyết áp hơi cao mà người bạn đồng nghiệp là giáo sư, bác sĩ của Pháp yêu cầu chỉ giữ ở 120 mm Hg và phải luôn theo dõi mạch đùi..., do BS Phan Thanh Hải nắm thông tin chỉ đạo. Anh yên lặng nhìn người điều dưỡng thực hiện y lệnh lột vớ, gắn mạch cảm biến đếm mạch ở đùi ở đầu ngón chân cái... Tối lại, em không ngỡ ngàng gì khi nghe BS Hải báo sáng mai sẽ đưa anh đi Singapore để sớm giải quyết triệt để vấn đề mà trong nước kỹ thuật ta chưa cao bằng, đặt cống mạch máu định hình theo loại kích thước mạch máu của từng bệnh nhân. Niềm hy vọng lại lóe lên.
Mấy ngày đầu nghe tin ổn định đã mừng. Đột ngột nghe tin xấu. 17 giờ chiều ngày 22.6.2013, anh ra đi. Vậy là anh đã qua cõi người hiền rồi!
Viện sĩ, tiến sĩ Dương Quang Trung là người có công lớn với ngành y tế TP.HCM vì đã tập hợp, kết nối, tin tưởng giao việc cho người kế tục. Ảnh: Võ Văn Thành
|
Nhiều kỷ niệm cùng anh.
Còn nhớ 25 năm trước ca mổ Việt Đức, em có dịp ngồi cùng xe với anh đi công tác. Anh hỏi thăm về gia đình riêng với bốn đứa con nhỏ. Anh nhìn với ánh mắt nghiêm nghị nhưng đầy tình cảm thường lệ, báo cho em biết anh đồng ý ký cho đi tu nghiệp bên Pháp với GS.BS Claude Argenson, theo lời đề nghị của BS Louis Reymondon - Chủ tịch Hội Vietnamitié, hội Hữu Nghị Việt Nam.
Lúc đó, tình thế khó khăn, Việt Nam mới bắt đầu mở cửa lại. Nhiều bác sĩ được cho đi tu nghiệp, nhưng mối quan tâm có người ở lại trong hay sau khi học vẫn còn. Em đã trả lời anh cho anh yên lòng: “Anh cho em đi chính thức đàng hoàng, em sẽ trở về đàng hoàng”. Khi nói chuyện, anh có nhắc lời anh Sáu Dân: “cho đi mười, bốn người trở về xây dựng đất nước cũng được...” Mãi hơn 20 năm sau anh mới hé tâm sự ra: “Lúc đó có người báo cáo với tôi anh đã về bán nhà cửa ở quê, chuẩn bị đi luôn...?!” Căn nhà ở quê là căn nhà mái lá của cha mẹ nghèo cùng bảy đứa em còn đang ở, làm sao có quyền bán được mà thời điểm đó có kêu bán cũng không ai mua. Vậy mà kẻ ác ý nói với anh như thế. Anh vẫn quyết định ký cho đi. Nay đã 28 năm rồi còn gì?
Khi mới qua Paris, Pháp, không có quen thân ai, anh viết thơ gởi gắm chị Thérèse Phan Văn Ký xin chị cho em ở nhờ trước khi xuống Nice. Người bạn cùng đi là BS Vũ Tam Tỉnh có nhà bà con nên ra ở riêng. Sau đó mỗi lần lên xuống Paris lại ở nhà Chị Phan. Chị Phan cũng như anh đầy ắp tình cảm ám áp lòng người, nhớ mãi. Hai tháng sau, em đi từ Nice lên Paris đến nhà chị Thèrèse Phan gặp anh. Anh đưa quyển sách “Việt Đức tình người” rất vui bảo: có chuyện này hay lắm. Anh xem đoạn văn nhà báo Minh Thu và Trần Trọng Thức viết về anh có đoạn thơ của em: “Lòng anh thôi đã chọn, nơi này là quê hương, dẫu nhọc nhằn gian khổ, dẫu nơi này khó khăn...” Anh bỗng ngỡ ngàng khi em phản ứng: “dẫu nơi này khó thương” mới đúng chớ! sao sửa thơ mà không nói cho em biết! Anh yên lặng phút chốc rồi mới: “Ờ! Thì khó thương cũng được!” (Khó thương còn ở được, huống gì khó khăn!) Sau mấy mươi năm chắc anh hiểu rõ hơn lời bài thơ này của em vào năm 1985!
Lúc đó anh đang phải chăm sóc vài người bạn chiến đấu chung mắc bệnh ngặt nghèo, anh còn cưu mang các cháu bệnh tim bẩm sinh, đi một thân một mình sang Pháp điều trị. Sau mổ, phải trông nhờ các việt kiều hảo tâm nuôi ăn ở hậu phẫu. Lúc bàn nhau, em có góp ý nên lập một bệnh viện chuyên khoa tim mạch tại Việt Nam luôn thay vì đưa từng cháu đi để vừa dễ dàng lo cho bệnh nhân nhi trước mổ và khi tỉnh thuốc mê nghe được tiếng Việt, cháu dễ dàng hợp tác điều trị, cha mẹ cháu lại kề cận nên yên tâm; vừa giảng dạy đào tạo người của ta. Anh bảo phải dần dần thực hiện ước mơ, không phải dễ dàng gì. Cái nhìn lớn thật đúng đắn khi anh sau đó hợp tác với GS.BS Alain Carpentier gởi sang Pháp huấn luyện bác sĩ phẫu thuật viên (Phan Kim Phương, Lê Văn Phan); bác sĩ gây mê hồi sức (Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Thị Quý); Điều dưỡng gây mê hồi sức v.v. Rồi trải qua bao khó khăn xin cơ chế, viện Tim đã thành hình và hoạt động tự quản từ ngày 1.1.1992. Từ năm 1992 đến nay 2013, đội ngũ đã được nhân rộng và thành tích tuyệt vời: đã có trên hai mươi ngàn ca mổ thành công trên 98%, trên năm ngàn ca mổ miễn giảm phí trên hằng trăm tỉ đồng.
Vào dịp kỷ niệm 200 năm Cách Mạng Pháp (14.7.1989), anh Tư cùng anh Nguyễn Chấn Hùng, bạn Vũ Tam Tỉnh và em cùng nhau đi đến quãng trường hành lễ tại Trung tâm Paris. Chập tối đó, bạn Vũ Tam Tỉnh lên chậm metro nên bị lạc. Ba anh em tìm đuổi các trạm tiếp theo để bắt bạn Tỉnh lại. Bốn anh em cùng nhau dạo chơi Paris, tham gia dòng người đông như thác đổ đến hơn ba giờ sáng. Trận pháo bông trong đêm đó thật ấn tượng khó phai mờ trong ký ức, mà tình người cũng ấm mãi với không khí lành lạnh của Paris trong đêm đặc biệt này.
Viện sĩ, tiến sĩ Dương Quang Trung và PGS.TS.BS Võ Văn Thành tại một hội nghị Cột Sống. Ảnh: CTV
|
Từ khi thành lập Hội Cột Sống TP.HCM vào năm 2000, anh Ba TS.DS Nguyễn Duy Cương và anh đã hết lòng khuyến khích, động viên và ủng hộ các hội nghị quốc tế về Cột Sống trước và sau khi thành lập. Mục tiêu định hình là sự hội nhập và phát triển chuyên môn sâu, trình độ kỹ thuật cao của ngành Cột Sống TP.HCM, Việt Nam. Đến nay, Hội Cột Sống TP.HCM đã tổ chức 18 lần hội nghị thường niên, có lúc hai hội nghị mỗi năm. Khách nước ngoài tăng dần. Từ hai người của hai nước Pháp và Mỹ ở hội nghị lần thứ Nhất năm 1996, đã có lúc lên trên 259 người ở hội nghị lần thứ 12. Từ hai nước đã lên đến trên 25 nước với hằng trăm khách tham gia giảng bài thuộc khắp năm châu ở hội nghị lần thứ 18 vào ngày 30.11 đến 5.12.2012 vừa qua.
Anh nhiều lần chia sẻ với em những khó khăn của thầy thuốc trẻ hiện nay. Bên cạnh số anh em thầy thuốc trẻ dẫu còn khó khăn vẫn cố gắng “giữ giấy rách còn lề”, một số khác trở thành “kẻ say tiền... hành nghề không hợp với lương y (meilleur médecin)”. Cơn đau thắt lòng còn đó. Trăn trở còn đó.
Kỷ niệm còn nhiều nữa. Thật dễ thương và đáng trân trọng biết bao, tình nghĩa anh em không chỉ công việc mà cả tấm chân tình gắn bó từ thuở còn nhiều khó khăn sau khi mở cửa đến nay. Năm tháng dẫu có trôi qua, lòng người và cách hành xử dẫu có khác nhưng giá trị thật của người Thầy Thuốc vẫn còn ở lại.
Hình ảnh của anh còn trong tâm tư của anh em trí thức tại chỗ ở lại xây dựng ngành Y tế nước nhà. Tâm huyết của anh còn đó, niềm hy vọng của anh vẫn còn có hy vọng có người tiếp nối, dẫu muộn màng.
Bức tranh "Lương Sư Hưng Quốc" với hình bông sen chưng ở nhà anh rất đúng với anh.
Anh Tư ơi! Hãy yên lòng trong cõi người hiền.
PGS.TS.BS Võ Văn Thành, Chủ Tịch Hội Cột Sống TP.HCM