Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

Đại tướng Võ Nguyên Giáp ‘vắng mặt’ trong sách giáo khoa 



Kỳ 1: Sách giáo khoa ‘bỏ quên’ Đại tướng!

(TNO) Sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp để lại sự xúc động mạnh mẽ đối với hàng triệu đồng bào. Các học sinh, sinh viên, thanh niên, thiếu nhi đã dành những tình cảm thiêng liêng đối với Đại tướng. Với họ, ông không chỉ là một vị tướng tài mà còn là một tấm gương về lòng yêu nước, sự giản dị và đức hi sinh. Ông chính là những bài học lịch sử gần gũi và sinh động nhất.

 
Hàng ngàn học sinh ở Lệ Thủy, Quảng Bình đến viếng Đại tướng tại quê nhà - Ảnh Độc Lập
Điều đáng ngạc nhiên là nhân vật lịch sử rất đặc biệt này lại không hề có mặt trong các sách giáo khoa (SGK) Lịch sử ở phổ thông. “Lỗ hổng” ấy, xuất phát từ nhiều nguyên nhân lịch sử, cho thấy một lối biên soạn SGK có nhiều khiếm khuyết và đấy chính là một trong những nguyên nhân khiến học sinh không hứng thú với các bài học lịch sử.

Cuộc kháng chiến chống Pháp, với đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, rồi tới kháng chiến chống Mỹ kết thúc bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 đều hiện diện trong SGK. Nhưng tại sao tên tuổi, cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Tổng tư lệnh quân đội đã có những đóng góp quan trọng trong các chuỗi sự kiện lịch sử ấy, lại hoàn toàn vắng bóng?
Chị Nguyễn Thị Thu Hiền (ngụ Q.4, TP.HCM), một phụ huynh kể lại, cho đến ngày Đại tướng mất, con nhà chị đi học (lớp 11, Trường THPT Lê Thánh Tông, Q.7), được cô giáo văn (cô Kim Thoa) dành 1 phút mặc niệm để tướng nhớ người.
Đồng thời, cô giáo đã dành cả tiết văn để nói về Đại tướng. Điều này, tính ra cô giáo làm sai phân phối chương trình. Nhưng đổi lại, học sinh được cảm nhận, kính nể Đại tướng bằng cả trái tim.
Đến hôm truy điệu Đại tướng, cháu nhà chị xem truyền hình trực tiếp mà bật khóc.
Chị bộc bạch: Học sinh hiện giờ chỉ thần tượng và luôn có đầy đủ thông tin về diễn viên, ca sĩ… mà mình yêu thích. Trong khi đó, một tấm gương sáng ngời và vĩ đại như Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì các em lại không biết và cũng không có cơ hội để tìm hiểu.
“Vậy, tại sao chúng ta không đưa vào SGK bài học của Đại tướng, để thế hệ học sinh hiện tại, và mai sau, cảm nhận được một con người đầy tài năng và đức độ?”, chị Hiền đặt câu hỏi.
Đại tướng không được nhắc trong SGK
Tìm hiểu của Thanh Niên Online cho thấy, cụ thể, ở SGK Lịch sử lớp 9, phần sử Việt Nam có 21 bài, trong đó có bài: Cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc (1953-1954) ở trang 119, có nêu diễn biến chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, nhưng không câu từ nào nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Tương tự, trong SGK Lịch sử lớp 12, bài 20 với cũng nội dung trên, dù nêu chi tiết hơn về diễn biến trận đánh Điện Biên Phủ, nhưng cũng không một lần nhắc tên nhân vật lịch sử: Võ Nguyên Giáp.

 
Những bạn trẻ có mặt trong đêm vái vọng Đại tướng trước nhà 30 Hoàng Diệu - Ảnh Độc Lập

“Ở cấp tiểu học, phần sử trong sách Lịch sử và Địa lý 5, từ bài 1 đến bài 6 là những bài học về nhân vật lịch sử như: Trương Định, Nguyễn Trường Tộ, Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu… Nhưng chưa có bài nào nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, bà Nguyễn Thị Hào, giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4, TP.HCM) cho biết.
Bà Nguyễn Ái Hằng - nguyên Tổ trưởng bộ môn Sử, Trường THPT Trần Phú (Q.Tân Phú, TP.HCM), cho biết: “Trong SGK lịch sử ở cấp 3, những bài chính đều không nhắc tới Đại tướng. Ở những bài phần tham khảo, đọc thêm có thể hiện một số nhân vật lịch sử, nhưng cũng không có thông tin nào xoay quanh Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.
Đưa Đại tướng đến với học sinh
Khi Thanh Niên Online đặt vấn đề, có cần đưa cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào SGK lịch sử, tất cả những người tiếp xúc với chúng tôi đều cho biết: Rất cần thiết!
Nhiều ý kiến còn cho rằng, đây còn là cách để giúp thế hệ mai sau hiểu biết, cảm thụ nhiều hơn về vị tướng huyền thoại, không chỉ ở tài trí song toàn mà còn là đức độ, lối sống gương mẫu.
Ông Trịnh Văn Tù (sinh năm 1946, là cựu chiến binh, hiện ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho biết: “Điều tôi phục Đại tướng nhất là trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ông cũng hoàn thành nhiệm vụ. Có những thời khắc, ông được phân công công tác sang những lĩnh vực xem chừng không liên quan gì đến quân sự, nhưng ông vẫn không từ nan mà làm đến nơi đến chốn. Đây là khía cạnh mà học sinh cũng cần biết rõ”.
 
Học sinh Trường THCS-THPT Phạm Ngũ Lão, Q. Gò Vấp, TP.HCM đeo băng tang tưởng niệm Đại tướng - Ảnh: Minh Luân
Ông Trần Đình Tư, giáo viên sử của Trường THPT Long Thới (Nhà Bè, TP.HCM), cho biết: “Ngoài tài quân sự, Đại tướng còn là một người đức độ hiếm thấy. Ông đã khiến cho những đối thủ từng bại trận dưới tay mình phải tâm phục khẩu phục. Ông còn là một vị tướng lỗi lạc, nổi bật, được cả thế giới kính trọng. Đây là điều đặc biệt. Vì vậy, tại sao chúng ta không đưa cuộc đời Đại tướng vào SGK để giáo dục thế hệ con em mình?”.

“Theo quan điểm của tôi thì Bác Hồ là người vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong quá trình đấu tranh chống Pháp, Mỹ. Và công lao sau đó cần phải kể đến là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi nghĩ cần thiết phải đưa những thông tin về tài cầm quân, lòng yêu nước của Đại tướng vào SGK để mọi thế hệ học sinh đều được học. Việc này hoàn toàn có thể làm được, khi mà chúng đang có thời cơ tốt, vì sắp vào giai đoạn đổi mới SGK sau năm 2015”, bà Nguyễn Ái Hằng nói.
Ông Phạm Văn Hiền, Trưởng ban đại diện phụ huynh Trường Phạm Ngũ Lão (Gò Vấp), cho biết: “Công trạng của Đại tướng đối với dân tộc Việt Nam là quá lớn. Sách viết nhiều về Đại tướng nhưng học sinh thì học cả ngày, thường không có thời gian đọc sách. Vậy nên để học sinh hiểu hơn về Đại tướng trong những bài học chính khóa ở ngay trong SGK”. (Còn tiếp)

Nội dung chương trình SGK vừa thừa vừa thiếu
Chương trình, SGK phổ thông hiện hành được thực hiện đến năm học này là 11 năm.
Tháng 12.2000, Quốc hội ra Nghị quyết về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, đến tháng 6.2001 Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị để thực hiện nghị quyết này của Quốc hội.
Theo đó, lần lượt triển khai đại trà việc áp dụng chương trình - SGK mới bắt đầu ở lớp 1 và lớp 6 từ năm học 2002 - 2003, lớp 10 từ năm học 2006 - 2007. Như vậy, đến hết năm học 2008 - 2009, “lứa” học sinh đầu tiên của chương trình SGK hiện hành mới tốt nghiệp THPT, kết thúc quá trình thay sách theo kiểu “cuốn chiếu”.
Báo cáo của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khi thay mặt Chính phủ giải trình với Quốc hội về chất lượng giáo dục phổ thông năm 2012 đã thừa nhận: Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành chưa được xây dựng như một chỉnh thể xuyên suốt từ tiểu học đến THPT, từ chương trình cấp học đến từng môn học; không có SGK từ lớp 1 đến lớp 12.  Sở dĩ có tình trạng này là do ban chỉ đạo đổi mới chương trình giáo dục phổ thông thành lập muộn hơn nhiều so với các ban chỉ đạo biên soạn chương trình cấp học.
Báo cáo giám sát của Thường vụ Quốc hội về giáo dục phổ thông năm 2013 cũng có nhận định: Nội dung chương trình, SGK hiện hành thừa những kiến thức nặng nề, xa vời nhưng chương trình - SGK lại thiếu những điều cơ bản cho học sinh. (Tuệ Nguyễn)


Học sinh nói gì?
“Suốt 12 năm phổ thông, em không được học gì về Đại tướng. Đến khi Đại tướng mất, thông qua báo đài, em mới thật sự hiểu biết về cuộc đời của ông. Em mong là SGK có thêm bài học về Đại tướng, để tất cả học sinh chúng em đều được học, đều được biết” (Nguyễn Quang Mẫn, học sinh lớp 12A1, Trường THCS, THPT Phạm Ngũ Lão, TP.HCM)
Mười năm học phổ thông, thật tình em chỉ nghe tên Đại tướng chứ chưa hề xem, học, hay được kể. Lấy chuyện từ cá nhân em để thấy rằng, học sinh chúng em thật sự đang thiếu một bài học về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Nguyễn Thị Tú, học sinh lớp 10A1, Trường THPT Lương Văn Can, Q.8, TP.HCM)
“Năm em học lớp 6, trong một bữa cơm, em nghe ba kể về tài chỉ đạo quân sự của Đại tướng. Nhưng qua lời kể của ba, em nhớ nhiều điều về Đại tướng trong đó có sự kiện lịch sử Điện Biên Phủ. Cũng từ đó, em nhớ luôn chi tiết trận đánh, quân ta giành đồi A1 như thế nào, kéo pháo đánh trận ra sao… Em cũng hơi khó hiểu là từ trước giờ, chưa có thầy cô nào nói gì về Đại tướng cho chúng em nghe. (Mai Thy, lớp 10A1 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Q.5, TP.HCM)

Minh Luân

 Kỳ 2: Làm nhẹ vai trò cá nhân

22/10/2013 08:25

(TNO) Hiện nay, khi giảng những bài học có liên quan đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, giáo viên thường chỉ có thể dành vài phút nói về ông.



Những nữ sinh lặng lẽ đến viếng Đại tướng tại nhà số 30 Hoàng Diệu, Hà Nội - Ảnh Độc Lập 

Một em thiếu nhi được ba mẹ dẫn đến viếng Đại tướng tại nhà số 30 Hoàng Diệu, Hà Nội - Ảnh Độc Lập


Video: Đại tướng trong lòng dân (VTV)
Nói nhanh về Đại tướng
Bà Nguyễn Ái Hằng, nguyên Tổ trưởng bộ môn sử Trường THPT Trần Phú (Q.Tân Phú, TP.HCM), cho biết: “Chương trình không có phân phối hướng dẫn giáo viên phải nói về Đại tướng, nhất là bài học liên quan đến Điện Biên Phủ. Theo đó, giáo viên cố gắng nói nhanh về ông trong 5, 10 phút. Nhưng việc nói về một nhân vật lịch sử mà chỉ trong ngần ấy thời gian thì không thấm vào đâu”.

 
Điều đáng ngạc nhiên là với Việt Nam, như tôi thấy vẫn chưa có nghiên cứu toàn diện về cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đây đúng là cái mà giới trẻ cần nè. Nghe nhiều, biết bác Giáp vĩ đại nhưng thế hệ sau này cần biết Đại tướng vĩ đại thế nào? Đại tướng tài giỏi thế nào? Sự tài tình của bác Giáp trong quân sự thế nào?... Sao cứ phải đọc Binh Pháp Tôn Tử này nọ trong khi chả lấy ngay những nhân chứng sống của Việt Nam? (Chắc người ta thích ăn sẵn, dịch qua cho nhanh hơn là ngồi nghiên cứu?).
Vài năm nữa thế hệ của Đại tướng sẽ ra đi hết, phải còn gì để lại cho chúng ta to lớn hơn cả những chiến công đổ bằng xương máu của họ chứ? Sau này con hỏi tôi về thế hệ của Đại tướng, tôi không biết sẽ trả lời thế nào ngoài những tính từ... (Một bạn đọc)

“Tôi nhận thấy riêng về các nhân vật lịch sử, sách giáo khoa xưa nay chưa đi sâu. Có chăng là chỉ được tuyên truyền trong các giờ ngoại khóa, sinh hoạt chủ đề về nguồn hay truyền thống cách mạng. Tôi cho rằng một nhân vật lịch sử cần phải có từ 1 - 2 tiết mới có thể chuyển tải tạm ổn cho học sinh”, tiến sĩ Tưởng Phi Ngọ, Phó khoa Lịch sử Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết.
Theo PGS-TS Hà Minh Hồng, Trưởng bộ môn Lịch sử Việt Nam, khoa Lịch sử Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, thì việc đưa nhân cách, tài năng quân sự của Đại tướng vào sách giáo khoa (SGK) trong thời điểm này là hợp lý, nhằm giúp giáo viên có thể tăng thời lượng giảng bài về ông. Mặt khác, việc này còn đạt hiệu quả ở tính thời sự, chuyển tải công trạng một nhân cách lớn đến nhiều thế hệ học trò.
Lịch sử cận đại chưa đề cao vai trò cá nhân
Ngoài ra, PGS-TS Hà Minh Hồng cũng cho rằng khi viết SGK lịch sử, trước đây chúng ta chủ yếu tập trung thể hiện vai trò quần chúng trong lịch sử, chứ không phải vai trò của cá nhân.
PGS-TS Hà Minh Hồng nhấn mạnh: “Nhưng điều đáng nói là chúng ta chưa làm nổi bật vai trò quần chúng mà còn làm lu mờ vai trò của các cá nhân lịch sử. Tôi cho rằng SGK lịch sử sau thời điểm 2015 cần tăng cường thể hiện vai trò cốt yếu của các cá nhân trong các sự kiện cụ thể".
"Chương trình SGK sau năm 2015 sẽ thay đổi nhiều về hình thức thể hiện, cách trình bày. Vì vậy, chúng ta hoàn toàn có thể đưa sự kiện liên quan, một quyết định, một bút tích… của Đại tướng vào”, PGS-TS Hà Minh Hồng nhận định. 
Nói về vấn đề này, tiến sĩ Tưởng Phi Ngọ cho biết: “Khi biên soạn SGK, người ta phải vì mục đích phục vụ mục tiêu của chương trình. Tôi tham dự nhiều hội nghị về đề án SGK mới, nhưng hiện tại, ban soạn thảo chỉ mới bàn về mục tiêu, có phân ban hay không, chương trình có bao nhiêu bài học. Người ta chưa đi vào chi tiết là nội dung sẽ có những gì”.

 
Khi viết SGK lịch sử, trước đây chúng ta chủ yếu tập trung thể hiện vai trò quần chúng trong lịch sử, chứ không phải vai trò của cá nhân.
Nhưng đáng nói, chúng ta chưa làm nổi bật vai trò quần chúng mà còn làm lu mờ vai trò của các cá nhân lịch sử.
PGS-TS Hà Minh Hồng
“Tôi khẳng định, công lao của Đại tướng là vô cùng to lớn, và cần thiết giáo dục cho thế hệ sau. Nhưng thời lượng chương trình có cho phép hay không thì mới đưa vào được. Vấn đề quan trọng đặt ra là, nếu đưa Đại tướng vào SGK lịch sử thì có đưa các nhân vật khác vào hay không?”, TS Tưởng Phi Ngọ cho biết thêm.

Thạc sĩ Trần Đình Tư, giáo viên bộ môn sử tại Trường THPT Long Thới, H.Nhà Bè, TP.HCM, nói: “Chúng ta nên đưa cống hiến của Đại tướng vào một bài tổng kết. Giống như chương trình sử lớp 10, có bài tổng kết (Bài 28) về Truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam thời phong kiến”.
Hiện tại, theo thạc sĩ Trần Đình Tư, SGK lịch sử chưa có bài tổng kết về “Truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam thời kỳ chống Pháp, Mỹ”.
Ông Nguyễn Hoàng Vũ, Hiệu trưởng Trường THCS Ba Đình, Q.5, TP.HCM (phụ trách môn sử THCS) cho biết: “Trong khi chờ đợi những nhà biên soạn đưa cuộc đời Đại tướng vào SGK lịch sử, thì ngành giáo dục nên có chỉ đạo các trường tổ chức các chuyên đề về Đại tướng trong các dịp ngoại khóa hoặc sinh hoạt dưới cờ”.
Một cán bộ hưu trí (ngụ Q.11, TP.HCM) cho biết ông là một người hoạt động trong lực lượng vũ trang, nay đã về hưu, cuộc đời Đại tướng ông biết nhiều. Nhưng thật tình, thế hệ trẻ có mấy ai hiểu biết về Đại tướng.
"Con gái lớn tôi hiện nay đã tốt nghiệp đại học và đã đi làm. Con trai đang là sinh viên năm 2 Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM. Nhưng các cháu không được tiếp cận nhiều thông tin về Đại tướng. Nhiều lúc tôi muốn nói với cháu về điều này, nhưng chưa có điều kiện. Vì nếu khơi khơi lại nói về Đại tướng có khi các cháu lại không nghe", ông tâm sự.
"Tôi nghĩ SGK nên đưa Đại tướng vào, có thể là ở tiểu học, hoặc THCS, THPT và cả đại học vì các cháu đi học quân sự, cũng có thể tiếp thu thông tin. Đây là cách giáo dục học sinh tốt nhất về Đại tướng, vì chắc chắn SGK sẽ in chuẩn xác về con người, sự kiện liên quan về Đại tướng hơn là qua những lời truyền miệng", vị cán bộ hưu trí góp ý.


Hàng ngàn học sinh ở Lệ Thủy (Quảng Bình) cầm di ảnh Đại tướng để tiễn ông về nơi an nghỉ ở Vũng Chùa - Đảo Yến - Ảnh Độc Lập

Học sinh Trường THCS-THPT Phạm Ngũ Lão, Q.Gò Vấp (TP.HCM) trong ngày viếng, tưởng niệm Đại tướng - Ảnh: Minh Luân


Học sinh khó tiếp cận với bài đọc thêm về Đại tướng
Trong sách ngữ văn lớp 12 (chương trình cơ bản) có bài đọc thêm “Những ngày đầu của nước Việt Nam mới” (trích Những năm tháng không thể nào quên, do Nhà văn Hữu Mai thể hiện, NXB Quân đội in và phát hành) có gần 7 trang (từ trang 204 đến giữa trang 210) đề cập đến hồi ký của Đại tướng về tình hình đất nước lúc bấy giờ.
Theo đó, phần tiểu dẫn nói về Đại tướng chưa đầy trang 204, nêu ngày tháng năm sinh, quê quán của ông. Đồng thời phần này cũng nêu các mốc thời gian quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đại tướng, như: tháng 12.1944, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, năm 1948 ông được phong hàm Đại tướng, là Tổng tư lệnh quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam. Ông trực tiếp chỉ huy chiến dịch Biên giới năm 1950, chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975…
Theo ông Trần Đình Tư, giáo viên sử của Trường THPT Long Thới (Nhà Bè, TP.HCM), thì việc thể hiện tác phẩm này trong sách ngữ văn là không phù hợp. “Vì Đại tướng là nhân vật lịch sử, vai trò của ông thể hiện nổi bật ở các mốc lịch sử chứ không phải văn học”, ông Tư nói.
PGS-TS Hà Minh Hồng, Trưởng bộ môn lịch sử Việt Nam, Khoa Lịch sử Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM nhận định: “Nếu đưa Đại tướng vào bài đọc thêm trong SGK ngữ văn thì không hay tí nào. Đó là bài đọc thêm, học sinh ít quan tâm, nếu không muốn nói là các em sẽ không đọc. Nếu lấy những quyết lệnh của Đại tướng trong kháng chiến để dạy học sinh về nghị luận văn học thì tôi cho là phù hợp hơn. Đại tướng xứng đáng nằm trong bài học chính, để tất cả học sinh được học, được biết về người”.


* Tôi nghĩ, nên đưa nhân vật lịch sử Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào cấp tiểu học để giáo dục học sinh. Vì lứa tuổi này các em có trí nhớ tốt. Mặt khác, điều này cũng có lợi, vì nếu ai không may nghỉ học giữa chừng ở cấp 2, cấp 3 thì vẫn được học, biết về Đại tướng ở tiểu học. (Nguyễn Minh Hiếu, 23 tuổi, cựu sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM)
* Thời phổ thông, em chưa từng được học gì về Đại tướng, mà chỉ nghe anh họ kể về tài chỉ huy quân sự của đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhân vật lịch sử Trần Hưng Đạo. Bản thân em cũng thấy một điều lạ là vì sao Trần Hưng Đạo được đưa vào SGK lịch sử, còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì lại không? (Đỗ Thị Thùy Trang, 23 tuổi, đang làm việc tại Trường Ngoại ngữ Không Gian)

Minh Luân