Thứ Hai, 14 tháng 9, 2015

Cái buổi thơ ấu đó nay còn đâu?

Nguyễn Vĩnh Nguyên



 

 

 

 (TBKTSG) - Trong buổi ra mắt cuốn sách Gương mặt những người cùng thế hệ của cụ Vũ Đình Hòe (NXB Trẻ, 2015) mới đây, có vị giáo sư quan tâm đến giáo dục đặt ra câu hỏi khó: “Hãy thử nghĩ xem, nền giáo dục thời thực dân Pháp đầu thế kỷ 20, vì sao chúng ta lại sản sinh một thế hệ vàng về nhân cách, tài năng và giàu phẩm chất trí thức như vậy?”.
Như đã nói, đó là một câu hỏi khó, rất khó. Bởi nhiều người có thể đặt ra, song không có ai có thể trả lời cho thật rốt ráo, đầy đủ. Nhưng nếu nhìn vào khía cạnh tích cực của nan đề đó, thì điều gợi mở của nó, trước hết là nó khiến chúng ta tiếp tục đặt ra... một câu hỏi khác: người học đã được giáo dục những gì?
Chỉ riêng câu hỏi dạy cái gì cho con trẻ đồng ấu, sơ đẳng là một câu chuyện dài. Thử lật lại “cái được dạy” của giáo dục những năm đầu thế kỷ 20 (thời cụ Vũ Đình Hòe được học), trong bối cảnh chữ quốc ngữ vừa được sử dụng trong nhà trường, thay cho Hán tự và tiếng Pháp, thời buổi nhá nhem mà ta vẫn gọi là “thực dân nửa phong kiến”, ấy vậy mà nhà trường Việt Nam đã có một bộ sách giáo khoa khai tâm cho học trò đầy chuẩn mực. Chuẩn mực ở tư tưởng văn minh và ở việc bảo lưu những giá trị văn hóa nền tảng truyền thống tốt đẹp.
Đọc lại bộ Quốc văn giáo khoa thư và Luân lý giáo khoa thư do các học giả, nhà văn, nhà giáo dục như Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc, Đỗ Thận viết cho các lớp đồng ấu, dự bị, sơ đẳng, có thể thấy tinh thần nhân văn, ươm mầm tự cường, độc lập trong môi trường giáo dục thời kỳ này rất cao.
Trong hai bộ sách nói trên, các tác giả đưa ra những câu chuyện ngắn, rất ngắn với lời dẫn giải khúc chiết, dễ hiểu, với một văn phong mượt mà, đầy tình cảm, phù hợp với sự tiếp nhận của lứa tuổi nhỏ. Trẻ con được dạy sống có trách nhiệm với bản thân, tha nhân, bổn phận đối với gia tộc, xã hội, học đường. Thật bất ngờ vì nhiều tư tưởng từ hai quyển sách này chạm đến những giá trị văn minh mà ngày nay chúng ta hãy còn nghĩ rằng đến từ thế giới bên ngoài chứ không thuộc về chính nền văn hóa của ta, ví dụ như những bài học “bổn phận đối với xã hội” thì trong đó có cả xã hội loài người và xã hội loài vật. Sách dạy rằng: “Những loài vật đã giúp việc cho ta mà ta phải thương xót, là cái nghĩa vụ của ta. Nhưng đối với các loài cầm thú khác, ta cũng nên có lòng nhân ái mới phải đạo làm người. Cầm thú tuy là giống không biết thiện ác và phải trái như người, nhưng nó cũng biết đau, biết khổ như mình (...). Người có lòng nhân ái thì không những là chỉ thương xót đồng loại thôi, mà còn thương xót đến cả loài vật nữa”.
Về bổn phận với bản thân, sách Luân lý giáo khoa thư dạy phải biết tập thể dục, du hí để có sức khỏe, tinh thần vui vẻ, hiểu biết, phải tiết độ, vệ sinh... rồi trong chuyện bổn phận với dòng tộc, bà con, bà quen, cuốn sách trên dạy thấu đáo chuyện hiếu kính, lễ nghĩa sao cho chu toàn. Trong phần bổn phận với xã hội, sau khi giải thích khái niệm về thế nào là xã hội, sách dạy rằng: “Ta cần phải có xã hội và xã hội đã giúp ta được nhiều công việc, thì ta cũng phải tìm cách mà trả nợ cho xã hội. Ta phải lưu tâm mà làm việc ích lợi. Bất cứ làm nghề gì, đi cày hay đi buôn, làm quan hay dạy học, ta cũng phải dốc lòng làm cho hết cái chức trách của ta...”. Ở phần tiểu dẫn cho bài học trên, có câu chuyện một ông quan tận tâm với xã hội, cả năm không nghỉ ngày nào chỉ vì cái lý lẽ “Tôi cũng muốn nghỉ, nhưng chỉ sợ nghỉ ngày nào, thì thiệt cho dân ngày ấy, vì công việc không thể đọng lại được”.
Chuyện vi phạm đức công bình và nhân ái (như ngày nay ta vẫn thấy là thói lạm quyền, vô cảm với nỗi khổ của con người, tình trạng bạo lực, giết người dã man...) nếu được dạy dỗ ngay từ đầu lớp sơ đẳng một cách căn cơ hướng thiện như trong Luân lý giáo khoa thư và người người thực hành trong một môi trường căn bản nhân văn thì đâu đến nỗi chúng ta phải gánh chịu quá nhiều hệ lụy. Bài học “Công bình và nhân ái” được dạy trong cuốn sách trên rằng: “Người ta mà không công bình, chẳng những có tội đối với lương tâm, mà luật pháp lại còn trừng trị nữa. Giết người thường phải thế mạng; trộm cắp thì phải ngồi tù, xưa nay ở đâu cũng vậy. Con người mà không có lòng nhân ái thì tuy đối với luật pháp không có lỗi gì, nhưng đối với lương tâm, thì là không phải. Gặp người đói khó, mà mình không giúp người ta, cũng không ai bắt được mình, nhưng trong bụng không đành”. Cũng thế, sách Quốc văn giáo khoa thư cũng có bài dạy trẻ lớp sơ đẳng “Không vì tiền mà làm điều phi nghĩa” với câu chuyện ông quan Mã Duy Hàn không nhận hối lộ trăm nén bạc để xử oan cho người...
Theo ngôn ngữ nhà trường hôm nay, thì những bài học làm người trong Quốc văn giáo khoa thư và Luân lý giáo khoa thư được dùng trong trường tiểu học thời đầu thế kỷ 20 có thể được xem là giáo dục công dân hay giáo dục đạo đức. Tính chất giáo khoa hay mục tiêu mà các nhà giáo dục hướng đến có thể giống nhau, nhưng cách thức truyền thụ bài học một cách tự nhiên, không khiên cưỡng hình thức, sự sáng rõ phù hợp với tâm lý tiếp nhận của lứa tuổi cũng như cách chuyển tải những giá trị khai sáng, nhân bản thì có lẽ những nhà soạn sách giáo khoa ngày nay còn phải học hỏi nhiều ở những bộ sách này.
Trong tập Hương rừng Cà Mau, nhà văn Sơn Nam có truyện ngắn Tình nghĩa giáo khoa thưđầy cảm động. Chuyện kể về một phái viên của tờ báo Chim Trời từ đô thị xuống tận xứ Cà Bây Ngọp để thu tiền nợ đặt báo. Trong câu chuyện, ông phái viên tòa báo và vị độc giả quê mùa bỗng trở thành bạn tâm giao ngay lần đầu gặp gỡ khi họ nhắc đến những bài học nằm lòng thuở thiếu thời trong sách Quốc văn giáo khoa thư. Ở đó, ông độc giả mồ côi cha, nhà nghèo nhắc về thời ấu thơ không đến trường, nhưng được mẹ dạy học bằng sách Quốc văn giáo khoa thư mà thuộc lòng từng bài học làm người, thương yêu con người, cuộc đời và tin vào chữ nghĩa. Cũng ở đó, ông phái viên của tòa báo tìm thấy đời sống trong trẻo tươi mát của thời ấu thơ qua những bài học đối đãi nhân sinh để nghĩ về cái bổn phận tham gia vào công việc chữ nghĩa của mình với cuộc đời, với tha nhân.
Trong truyện ngắn trên, Sơn Nam đã để cho nhân vật Tư Có (vị độc giả ở xứ Cà Bây Ngọp) nhận xét về lời văn trong quyển sách giáo khoa rằng: “Văn chương nghe như đờn Nam Xuân: Nước mềm, đá rắn, thế mà nước chảy mãi đá cũng phải mòn. Sợi dây nhỏ, cây gỗ lớn, vậy mà cưa mãi cũng đứt. Con kiến nhỏ, cái tổ to, thế mà kiến tha lâu cũng đầy tổ. Người ta cũng vậy...”. Và văng vẳng đâu đó tiếng thở dài da diết của hai trái tim tri giao: “Cái buổi thơ ấu đó nay còn đâu”.
Có những điều từ cuốn sách, bài học giáo khoa tự thuở khai tâm đi theo suốt cuộc đời con người ta, sống và điều chỉnh hành vi, nhận thức, hướng đi của con người trong suốt cuộc đời. Khi chúng ta tranh cãi về chuyện có nên cho trẻ em đi trên thảm thủy tinh để làm gì, trộm nghĩ, cũng nên lật lại một bài học về “Lòng thí xả” trong Luân lý giáo khoa thư. Sách dạy những học trò tiểu học thời đầu thế kỷ 20 về cái gì đã thôi thúc lòng can đảm nơi một con người biết sống: “Lẽ công bằng chỉ bắt mình không được phạm đến tính mệnh người ta, chớ lòng nhân ái thì có thể khiến mình phải bỏ thân mà cứu người. Không nói gì những người vì tình thân ái, hoặc vì tình cốt nhục, như cha mẹ nuôi con, hay là anh em, chị em nuôi nhau, mà ta thường trông thấy nhiều kẻ chỉ vì chút lòng nhân ái chịu xả thân để cứu người: nào những kẻ đầy tớ chịu cực khổ mà theo thầy trong lúc gian nan, những bậc trung thần nghĩa sĩ chịu khó bỏ mình mà cứu chúa; nào những kẻ nhảy liều xuống nước mà vớt người chết đuối, hoặc xông vào đám lửa mà cứu người bị cháy. Xem như thế thì lòng nhân ái đáng quý biết bao! Đến những việc hàng ngày ta vẫn làm gì, nếu không có chút lòng thí xả, thì sao cho xứng đáng với nghĩa vụ của mình...”.
Vậy thì không dưng dạy đi trên thảm thủy tinh để làm gì, nếu không dạy cho trẻ những điều căn bản, động lực để thí xả vì lòng nhân ái làm căn bản sống vì người khác?
Ôn cố tri tân không hẳn là bước giật lùi vào quá khứ mà là cách thế để chúng ta tự vấn trước hiện tại khi quá nhiều hệ lụy đời sống diễn ra mà có khi thật khó để trả lời tường tận căn nguyên từ đâu nên nỗi. Trở lại câu hỏi của vị giáo sư đầu bài viết, có lẽ đã đến lúc nên nghĩ cụ thể về việc nền giáo dục đã và đang dạy cho con em chúng ta điều gì? Cái buổi thơ ấu đó (trong giáo dục) nay còn không?