Thứ Ba, 27 tháng 12, 2016

NHỮNG CHUYỆN MÀ NHẠC SĨ PHẠM TUYÊN KHÔNG NÓI…

(Bài trên trang 24 báo Công An Nhân Dân số Tết Bính Thân)
Xuân Ba
Lời dẫn của Phạm Tôn: Sắp đến Tết Đinh Dậu rồi, chúng tôi mời các bạn đọc một bài báo Tết Bính Thân của nhà báo quen thuộc Xuân Ba, người nặng lòng với Nhạc sĩ Phạm Tuyên và gia đình học giả Phạm Quỳnh từ nhiều năm nay.
—o0o—
Chất giọng khàn trầm nhưng âm sắc khá vang và đanh của nhạc sĩ (NS) Phạm Tuyên trong máy khiến tôi thở phào và có ngay cảm giác an lành. Thoạt ngó số máy của NS trên màn hình điện thoại đã hơi hoảng nhỡ có mệnh hệ gì? Cái tuổi 85 của NS, ai dám chắc điều gì… May quá, NS nhắn qua nhà có việc.nhac-si-pham-tuyen-va-vo
Quen biết gia đình NS Phạm Tuyên cũng đã lâu, có lẽ từ dạo tôi viết loạt bài về nhà văn hóa Phạm Quỳnh, thân phụ NS. Căn hộ trên tầng 3 một khu tập thể xây theo kiểu của những năm bảy mươi đã xập xệ dành cho gia đình NS Phạm Tuyên cũng khiêm tốn…
Đã mấy bận qua lại nơi này chứng kiến bản sao bức hoành bốn chữ Thổ nạp Á Âu nói lên chí hướng của tờ Nam Phong một thuở cụ Phạm Quỳnh làm chủ bút… Mà nhà văn Vũ Ngọc Phan từng lý giải rốt ráo 4 chữ ấy như thế này Ông (Phạm Quỳnh) chủ trương cái thuyết đọc sách Tây để thâu thái lấy tư tưởng tinh thần văn hóa Âu Tây để bồi bổ cho nền quốc văn còn khiếm khuyết để chọn lọc lấy cái hay của người mà dung hòa với cái hay của mình… Và kia, chiếc đàn piano đen bóng lặng lẽ góc nhà, bộ bàn ghế tầm tầm… Tất cả như chưa, như không có gì thay đổi kể từ khi người vợ của NS biệt với dương thế đã sáu năm…
Thì ra NS nhắn tôi qua là có quà. Tôi khẽ khàng đỡ lấy cuốn sách bìa trắng mà NXB Tri thức vừa mới in. Cuốn Chúng tôi đã sống như thế của vợ NS, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết. Thoáng thêm chút rờn rợn lẫn bâng khuâng, vóc dáng, hình hài thanh thoát cùng chất giọng hơi thoảng chút miền Trung phu nhân của NS ngày nào bây giờ chỉ còn lại cuốn di cảo này?
NS Phạm Tuyên chất giọng như trầm khàn hơn nhiều người khuyên mình viết hồi ký. Nhưng mình thấy cũng không cần thiết phải viết. Điều gì cần nói thì mình cũng đã nói trong hơn 700 ca khúc rồi. Nhiều bài viết xong rồi quên. Thế mà bà ấy nhớ. Nhớ rồi ghi chép lại rất tỉ mỉ… Mình đọc cảm động quá…
Một cuốn sách, một hồi ký vợ viết về chồng. Cũng là chuyện thường. Nhưng cầm cuốn sách về nhà đã choán của tôi quá nửa phần đêm.
Cái thực lẫn cái tình bện quện với dung lượng vừa phải. Một tuổi thơ không mấy phẳng lặng. Những năm học tập ở khu học xá Nam Ninh cô sinh viên Ánh Tuyết và anh giáo sinh âm nhạc Phạm Tuyên đã đến với nhau… Rồi cả hai cùng vượt thoát sức nặng cùng nỗi ám ảnh lý lịch để giữ được giữ bền tình yêu và gây dựng sự nghiệp…
Nếu chỉ bình bình có vậy thì chỉ là sự râu ria chi tiết thêm của một thứ lý lịch trích ngang với mô típ đầu tiên là trục trặc và sau là may mắn nhan nhản của các cặp vợ chồng và những thân phận thành danh. Nhưng càng đọc càng thấp thoáng lời bộc bạch của NS Phạm Tuyên đại ý, vợ ông đã âm thầm làm cuốn hồi ký gần 10 năm trời mà ông không biết! Việc chỉ phát lộ khi nó đã hoàn tất. Không có gì cũ hơn và mới hơn gia đình?
Cũng tương tự như vậy, còn gì cũ hơn… vợ? Thế nhưng NS Phạm Tuyên thú nhận rằng ông đã rất ngạc nhiên khi đọc vợ. Ngạc nhiên không phải những chi tiết những việc, những ca khúc ông vô tình quên? Càng đọc càng vỡ vạc ra cái điều ngạc nhiên của NS, có vẻ như bà đã đọc được ông đã nhìn thấy ông ở nhiều chiều kích? Bà như đã vượt thoát được những sự kể lể và thứ mặc định như thiên kiến rằng vợ bao giờ chả nói tốt cho chồng? Và nữa, như ngạn ngữ nước ngoài chả có ai vĩ đại trong con mắt người hầu phòng, huống hồ gần gũi sát sạt bên mình, cùng mình là vợ!
PGS.TS Nguyễn Ánh Tuyết ít hơn NS Phạm Tuyên 6 tuổi là chủ nhiệm đầu tiên của Khoa Giáo dục mầm non Đại học SP Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội đồng giáo dục mầm non, người từng đào tạo hướng dẫn nhiều cử nhân thạc sĩ tiến sĩ về tâm lý học và giáo dục mầm non, là tác giả và đồng tác giả của 34 cuốn sách về tâm lý học, giáo dục mầm non, giáo dục cái đẹp trong gia đình của các nhà xuất bản Giáo dục, Phụ Nữ, Sự thật…
Phải vậy không mà đời sống sáng tác cùng những ca khúc của NS Phạm Tuyên bà dẫn ra trong cuốn hồi ký đã mang một sắc thái hiệu ứng bất ngờ? Không phải là nhạc sĩ và chuyên nghiên cứu âm nhạc, nhưng nhà sư phạm Nguyễn Ánh Tuyết, có lẽ bằng cảm quan của một người mẹ, người vợ, hơn thế là một phụ nữ đã rất tinh tường khi giải mã một NS Phạm Tuyên tài năng, tinh tế…
Nhờ có bà Ánh Tuyết mà chúng ta biết được NS Phạm Tuyên với vẻ ngoài lặng lẽ và dịu dàng, nho nhã là thế nhưng cương cường tiết tháo.
Chuyện dạo nọ người ta làm một tổng tập đại thành hoành tráng tập hợp những ca khúc quân hành có tên Những khúc quân hành vượt thời gian. Người ta không thể không nhắm đến bài Chiến đấu vì độc lập tự do của NS Phạm Tuyên viết ngay ngày 17-2 Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới gọi dân ta vào cuộc chiến đấu mới. Quân xâm lược bành trướng dã man đã giày xéo mảnh đất tiền phương lửa đã cháy và máu đã đổ… Ca khúc ấy tưởng như chắc khừ và tất yếu phải vào tập đại thành đồ sộ nọ!
Nhưng những người có trách nhiệm đã đến gặp NS Phạm Tuyên. Không phải một lần mà tới năm, bảy bận. Lần nào cũng với một nội dung thưa NS ông có thể thay cụm từ quân xâm lược bành trướng dã man bằng ca từ nào khác được không ạ. Nếu bài này không vào được tuyển thì tiếc lắm ạ!
Nhưng NS,  những tưởng nụ cười lặng lẽ thường trực ấy sẽ dễ dãi này khác nhưng đã đột ngột tắt cùng với động thái kiên quyết lắc đầu.
Tập tuyển đồ sộ ấy đã không có bài Chiến đấu vì độc lập tự do!
Dạo cả nước sôi lên vì phong trào thi quốc ca mới. Bao nhiêu là vận động khuyến khích này khác, trực tiếp có, gián tiếp có. Nhưng NS Phạm Tuyên vẫn lặng lẽ… Nhiều người muốn ông giúp đỡ để viết quốc ca. Người thì gửi thơ đến nhờ ông phổ nhạc người thì mang bản quốc ca mới viết để ông góp ý. Nhưng ông khéo léo chối từ rằng đây là việc làm quá sức mình.
Một trưa bà Tuyết về nhà thấy chồng đương có khách. Khách là một lão nông rinh theo bó mía và bịch sắn nói là để bồi dưỡng cho NS để NS hướng dẫn ông viết quốc ca dự thi. Ông chồng bà đã ôn tồn mà rằng thưa cụ viết quốc ca là việc quá sức với tôi và việc ấy cũng quá sức với cụ. Mãi rồi cụ già kia cũng nghe ra.
Rồi Trung tâm tiểu sử Quốc tế IBC (Internationnal Biographical Centre) của Anh và Viện Nghiên cứu tiểu sử của Mỹ ABI (Americal Biographical Institus) đã gửi đến NS Phạm Tuyên hơn 100 (xin nhắc lại là hơn một trăm) lá thư cái thì phong tặng Giải thưởng Hòa bình quốc tế, thứ thì phong tặng Giải thưởng vì sự nghiệp suốt đời hoặc phong là một trong 500 người nổi tiếng nhất thế giới!
Hoặc mời NS giữ chức vụ lãnh đạo của những tổ chức quốc tế hoặc khu vực. Lời mời mới nhất của IBC (16-8-2008) sẽ trao tặng NS mề đay Bắc đẩu bội tinh và mời đi dự hội thảo quốc tế vv… Không phải những tổ chức danh tiếng ấy là rởm này khác nhưng với bản tính khiêm nhường, NS đã lặng lẽ chối từ.
Nhưng NS Phạm Tuyên lại có lúc dễ tính đến không ngờ. Ấy là năm 1974, gia đình NS Phạm Tuyên chuyển về khu tập thể Khương Thượng, Đống Đa. Cô con gái NS đã lên lớp mẫu giáo lớn. Bà Tuyết tìm được Trường Mẫu giáo Mầm non Đống Đa gần nhà rất tiện để gửi con. Cô giáo Hiệu trưởng tên là Bắc cười, sẽ nhận cháu vào học với điều kiện bố cháu là NS Phạm Tuyên phải không ạ. Thế thì bố cháu phải viết cho trường một bài hát! NS Phạm Tuyên chấp thuận.
Và rồi ca từ Trường của cháu đây là trường mầm non như chất giọng reo vui của con trẻ làm câu kết cho ca khúc nổi tiếng. Để rồi hàng triệu, hàng triệu cô cùng trò cả nước hát câu ấy mãi tới hôm nay! Và có lẽ mai sau nữa?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa có lần đã nói về sức làm việc của NS Phạm Tuyên qua hình ảnh cái lưng rất thẳng của NS… Trần Đăng Khoa nói đó là cái lưng của người vượt núi.
Núi, tôi hiểu, có thể là những dấu mốc những ca khúc nổi tiếng mà ông phải vượt qua để không lặp lại cái cũ cái mòn, sáo? Núi có thể là một lần NS bộc bạch, việc chiêu tuyết cho nhà văn hóa Phạm Quỳnh hàng bao năm nay vẫn để ngỏ đấy mà sức ông, mà vị thế của một mình NS Phạm Tuyên khó làm nổi đòi hỏi sự xúm tay của văn hóa cùng lịch sử nước nhà?
Như là hậu thế phải có trách nhiệm thực thi, phải giải mã câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1945 khi nghe tin nhà văn hóa Phạm Quỳnh bị sát hại Cụ Phạm là người của lịch sử sau này lịch sử sẽ phải đánh giá lại. Còn bây giờ gia đình cứ yên tâm gắn bó với đất nước với cách mạng không phải lo lắng gì cả.
Có điều bâng khuâng, sáu năm nay, kể từ lúc bà vợ mất, NS Phạm Tuyên đang phải vượt núi một mình? Nhưng có lẽ không nhiều lắm những tài danh đất Việt có được người vợ đằm thắm  tinh tường cùng tinh tế về đức ông chồng lại hào phóng sẻ chia những tinh tế ấy cùng thiên hạ? Những sẻ chia ấy không còn là chuyện riêng mà là trữ lượng cho NS Phạm Tuyên tiếp thêm năng lượng để vượt thoát cái cõi vô thường này?

Thứ Hai, 19 tháng 12, 2016

Bolero trên đỉnh mùa Đông

Xin cho tác giả được mạn phép chọn số tạp chí này để kể lại những chuyện riêng, rất riêng của một phần số đặc biệt may mắn, của một người có đến hai đêm Giáng Sinh mỗi năm. Xin phép cho tác giả loan báo đầy hãnh diện về món quà Giáng Sinh năm nay mà nhà đài Vĩnh Long mượn cuộc thi truyền hình Solo cùng bolero 2016 mà bày soạn hòng gìn giữ những điển lễ của mùa Giáng Sinh, coi như thêm một cỗ bánh reveillon, một tiếng chuông mùa vui, một ánh diêm đánh thức những điều hoài vãng, một trái châu trang trí mùa lễ Noel cổ điển cho mỗi ngôi gia người Việt.
Buổi quay hôm ấy, chúng tôi đã kể lại những mùa Giáng sinh của mình, của một ai đó ngoài kia, có lẽ giờ cũng đã là những vị cao niên đầu bạc, vẫn thổn thức tin vào tiếng chuông tuần lộc và những cô gái mặc áo dài màu lá thông.
Chúng tôi kể câu chuyện về những Giáng sinh lộng lẫy cũ kỹ của gia đình mình, câu chuyện về chiếc Honda Dame màu xanh olive của một gia đình trung lưu hiền lành nào đó, những xóm đạo và những giáo đường, những chiên cừu, hang đá, và những cô gái đã không còn nhỏ nữa…
Từ đặc sản truyền hình Noel bao cấp đến “Bolero de Noel” 2016
Đối với dân Sài Gòn những năm 1980, một thi vị có tính thủ tục của đêm Giáng Sinh là những cuộc bát phố tới mấy khu xóm đạo, và chương trình ca nhạc đặc biệt đêm 23-24 trên truyền hình.
Những năm cuối thập niên 1980, sự xuất hiện của nhạc trẻ quốc tế trên Đài Truyền hình TP.HCM vào dịp Giáng sinh như món “cơm Tây” hiếm hoi, chiếc bánh bông lan thơm tho mùi sung túc của bơ sữa văn nghệ, giữa bối cảnh quanh năm táo bạo đột phá nhất là Trị An âm vang mùa Xuân có mấy anh vũ công đội nón bảo hộ bắt tay chuyên gia Liên Xô, đại diện dòng trữ tình có Dáng đứng Bến Tre với cô Thu Nở xõa tóc bận áo dài ca ngọt như nước kho hột vịt, và chương trình ca nhạc nhẹ quốc tế trên đài phát thanh vào 9 giờ sáng Chủ nhật với Alla Pugacheva hát đi hát lại Triệu đóa hoa hồng.
Tất cả, từ đầu tháng 11, đã ôm tim dõi theo dòng giới thiệu chương trình đêm sau để đếm lùi trông đợi bữa tiệc Tây thịnh soạn nhất trong năm, thứ tàn dư may mắn được ưu ái lưu lại trên sóng truyền hình cho đêm lễ không chỉ của những giáo dân mà đã thành một tập tục bản xứ Sài Gòn: đêm nhạc Noel!
Đúng buổi chiều trước đêm lễ, ba má tôi ăn diện lịch sự, chất cả gia đình lên chiếc Honda Dame màu olive đi ăn tiệm và về sớm để kịp giờ coi ca nhạc. Đó là dịp duy nhất được ngắm các ca sĩ thần tượng thời đó xuất hiện trong cảnh trí và bộ dáng đầu tư linh đình táo tợn mà chỉ có dịp này mới dám mang lên sóng truyền hình như một hơi thở phào khoan khoái sau cả năm che chắn bằng áo dài và vài ba món áo kiểu áo đầm nghiêm túc. Cô Thanh Lan được dịp quấn tất cả áo choàng áo bông như tiểu thư Đà Lạt, Bảo Yến bận đồ bay đi boot tới ngang đùi, Nhã Phương jupe ngắn hớp hồn nhảy disco bốc lửa, cặp Chánh Tín - Bích Trâm hát nhạc Pháp nhảy chacha, Ngọc Bích bận quần alibaba ánh kim tóc xù hát nhạc Mỹ, rồi Chung Tử Lưu, Thy Nga, v.v.. chẳng khác gì một chương trình ca nhạc ngoại quốc thứ thiệt. Tôi nghệt ra trước màn hình tivi, ngơ ngẩn ước một ngày được đặt chân vào cái bầu không khí vui nhộn, hào nhoáng và xa lạ đầy ngạo mạn đó.
Tôi đã không chờ đủ lâu, và rồi thì cũng tới lúc giã từ những đêm Giáng sinh cùng gia đình bát phố hay quây quần trước tivi, bắt đầu những bước nhảy đầu đời và những dạ vũ Giáng sinh với bạn bè. Ngoài kia, Sài Gòn vào cơn sốt băng VCR và đĩa hình, rồi cuối cùng là internet. Trong cơn lốc hồi sinh của những bản tân nhạc Sài Gòn cũ, người ta cũng đã không còn phải tìm đến chút hương bơ thừa sữa cặn của những món nhạc disco ngoại quốc dịp Noel. Băng nhạc Sơn Ca vẫn là nhạc mục truyền thống phổ biến nhất của mùa Giáng sinh, với những Elvis Phương, Anh Khoa, Thái Châu, Duy Trác,… duy chỉ có những bản của ban Boney M. và về sau có thêm Mariah Carey là đã nghiễm nhiên đi vào huyền thoại phổ cập của tập quán âm nhạc Giáng sinh Sài Gòn.
Những chương trình ca nhạc Giáng sinh truyền hình thập niên 1980 đầu 1990 ấy, chẳng ai còn nhớ lần phát sóng cuối cùng là khi nào.
Tôi cũng hầu như quên bẵng cái hào quang lễ hội của những đêm nhạc linh đình, những điển lễ truyền hình bao cấp đầy dư vị hương xa nọ… Cho đến khi tôi bắt tay vào biên tập kịch bản dẫn chuyện cho Solo cùng bolero 2016 trên đài Vĩnh Long.
Để kéo khán giả lại với thú coi truyền hình, dựa trên thói mê coi phim bộ dài tập, và cả nỗi tiếc nhớ không khí sân khấu kịch nói, cả một chuỗi những vòng thi phải được thiết kế thành một tuyến truyện liền mạch giữa những câu chuyện của đàn ông và đàn bà, những kẻ lang thang và lạc mất nhau trên đường thiên lý, những thị dân hiện đại cô độc trong những căn hộ san sát rập khuôn,… tất cả để tìm về một cuộc hẹn hò hạnh ngộ bùng nổ trong đêm Giáng sinh hoan hỉ với cái tên Trên đỉnh mùa Đông.
Vài ngày trước buổi quay, bạn dẫn, cậu kép Quý Bình nhắn tin tâm sự: “Chưa bao giờ háo hức như vầy, còn hơn cả trước một chương trình trực tiếp lớn”. Tôi chỉ có thể im lặng để sẻ chia cảm xúc với người đồng nghiệp trẻ.
Có cái gì trong đêm thánh lễ mà khiến cả lương dân lẫn giáo dân cứ xôn xao tưng bừng từ khi tiếng chuông kính coong ngân lên từ rất lâu trước Mùa vọng. Những món decor, những trái châu, dây đèn, những thuỷ tinh và kim tuyến đã gói ghém từ trong hồi ức lại được tưng tiu mang ra chưng ngắm và lại lóng lánh kỷ niệm hồi sinh.
Ngoài kia, xóm đạo còn chưa dựng hang đá thì trong trường quay, tuyết nhiệt đới, thiên thần giả trang và những bản thánh ca thế tục đã linh đình đợi bung tỏa hoa đăng cho một trận chiến huy hoàng.
Mùa lạnh giá nhất, lại là mùa của niềm tin và nỗi vui hạnh ngộ, bởi sẽ tội nghiệp biết chừng nào nếu mỗi tâm hồn yếu đuối như chúng ta không có lấy cho mình một niềm tin để trung thành chờ đợi, hay để khắc khoải tìm về…” - tôi đã viết dòng đầu của kịch bản đêm Giáng sinh như vậy.
“Tà áo năm xưa, xanh màu thông Đà Lạt…”
Đặt tay xuống bàn phím, với trang bản thảo kịch bản đang dần thành hình, tôi tìm về ký ức. Chẳng phải bởi quyền năng của ký ức mà mỗi nốt nhạc quen thuộc đầu tiên tấu lên, từ đĩa Giáng sinh Sơn Ca ghi âm từ hơn nửa thế kỷ trước vẫn được nghe tái nghe hồi mà vẫn rung ngân một vạn tiếng chuông lanh canh, bật lên một vạn bóng đèn nhấp nháy trong lòng người Sài Gòn đó sao?
Từ cả tháng trước ngày ghi hình số đặc biệt, tôi đã âm thầm thực hiện lại điển lễ long trọng cũ xưa: đi đặt may tới hai bộ áo dài cho buổi quay Giáng sinh, như thể đó là đêm Giáng sinh thật sự. Cả hai chiếc áo dài bằng những thứ hàng vải hảo hạng, và tất thảy đều mang một màu xanh truyền thống của những mùa Noel cũ: màu xanh lá thông.
Trên đỉnh mùa đông sẽ phục dựng những mùa Giáng sinh vẫn sống trong ký ức người Sài Gòn. Ảnh THVL
Tà áo năm xưa xanh màu thông Đà Lạt, dành để năm sau, khi cùng anh dạo phố, để nhớ Giáng sinh xưa, kỷ niệm ngày Chúa ra đời…”. Những ca từ của bản nhạc cũ mà buổi phát sóng dịp Giáng sinh, thí sinh chỉ mới 14 tuổi sẽ cất lên, trong vắt như giọng thiên thần trong chiếc váy người ta đã cẩn thận đặt riêng cho cô nhỏ, màu xanh lá thông.
Hồi đó, hầu như điều kiện để may áo mới phải dành cho dịp Tết, những bộ cánh Giáng sinh thường được may đúng theo màu lễ, là đỏ thắm hay xanh lá thông, hay còn gọi là xanh cẩm thạch bằng dạ hay nhung cho hợp với chút se lạnh hiếm hoi cuối năm miền nhiệt đới, hay ít nhất cũng là không gian máy điều hoà của những dạ tiệc salon.
Sáu giờ tối đường phố đã thoang thoảng thơm phức dầu thơm của những người đẹp đầu tiên xuất hành đêm lễ.
Bảy giờ tối, khu trung tâm đã đông nghẹt người, quây quần chính quanh nhà thờ Đức Bà. Con nít mặc đồ đỏ thắm như những Santa Claus tí hon, các bà các cô đài các trong những tà áo dài xanh, và các em gái nhỏ, nhất là tụi nhỏ ca đoàn bận toàn váy trắng như các tiểu thiên thần.
Những đứa lớn, học cấp 3 bắt đầu đánh dấu sự trưởng thành bằng việc đi dạ vũ Noel tại nhà nhau, và bắt đầu ngấm nghé “bắt bồ”. Tụi nhỏ hơn, chưa được phép đi chơi riêng thì theo gia đình hay nhóm bạn, rong ruổi theo dòng người men lối đèn hoa, chen chân vào những khu xóm đạo ngắm người ta trang hoàng mừng lễ, ngắm hang đá có Chúa Hài Đồng bụ bẫm và bầy chiên cừu lông xoăn, những thiên thần có cánh bằng bìa cứng sơn kim tuyến…
Cả Sài Gòn trở thành một bức tranh minh hoạ trên bìa những cuốn truyện cổ tích Andersen…
Về sau, những Giáng sinh trưởng thành, và những Giáng sinh cô độc, tôi luôn mở ra đọc lại những câu chuyện về anh lính chì phải lòng nàng vũ nữ bằng bìa cứng, về tay người tuyết tương tư ả lò sưởi, về những bông hoa biết nhảy đầm của cô bé Adele,…
***
Đạo diễn Vũ Thành Vinh chỉ kịp họp ê kíp dàn dựng chóng vánh giữa tâm bão những chương trình cuối năm và năm mới. Nhưng có lẽ bản vẽ cảnh trí đã hiển hiện trong sự mường tượng của mỗi người. Một bức tranh cổ tích về xứ có tuyết rơi, vẫn hiển hiện những toà thánh đường bản xứ, một con đường viễn tưởng rẽ giữa những cây thông ước lệ, nhưng những dây đèn nhấp nháy lại là cuộc phục dựng tinh tế của hồn phách những xóm đạo miền Nam.
Tất cả cũng đã sẵn sàng, cho tuyết và cả những con mưa bong bóng óng ánh trang kim, và cả cho những đoàn người hân hoan chen nhau trên đường đi xem lễ…
***
Tôi bừng tỉnh, hạ tay xuống bàn phím và kịch bản tập 9, đêm Trên đỉnh mùa Đông, đã diễn ra như vậy.
Bằng kịch bản của mình, tôi khẩn thiết xin với tổng đạo diễn hãy cho tôi, một lần nữa thôi trong đời, được run run tung nắm confetti lên trời, được ngửa mặt để ngắm chúng rơi lấp lánh như trận mưa sao băng bằng giấy.
Hãy cho tôi nghe lại, một lần nữa trong đời, tiếng ba tôi thở dài giục giã ý nhị khi chờ Mẹ trang điểm quá lâu, cho đến khi hương nước hoa Yves Saint Laurent quen thuộc như xông hương đến sáng bừng cả phòng khách, báo hiệu bà đã sẵn sàng để xuất hiện, lộng lẫy như một cô đào cine.
Tôi xin với Quý Bình, như đứa nhỏ chờ món quà đêm lễ, hãy đưa tôi đi, một lần nữa thôi, trong đời, được vịn vào một cánh tay mà dạo một vòng bát phố, chiêm ngưỡng những nhân tình “bắt bồ”, những hẹn hò hụt hẫng, ghé lại mua cho tôi thanh kẹo như một đứa nhỏ háu ăn thèm ngọt. Hãy cho tôi chen chân vào dòng người đi xem lễ và hào phóng san sớt tung hê nụ cười lẫn tiếng nhạc kính coong vào không trung để không ai phải buồn, ít nhất là trong đêm thánh vô cùng ấy.
Hãy cho tôi một anh chàng hát rong kẽo kẹt tiếng ca Giáng sinh vàng úa bên vỉa hè, cho tôi vị tha san sớt và dựa dẫm vào nhau, những người anh em con Thiên Chúa, và bắt tay một anh chàng thất tình ngơ ngẩn trước sân nhà thờ giờ tan lễ.
Hãy cho tôi, một lần nữa, trịnh trọng mặc lên mình những chiếc áo dài màu cẩm thạch, màu lá thông mà ngày xưa tôi từng chiêm ngưỡng ước ao.
Cho tôi gặp lại những anh thanh niên kỳ lạ trong bộ đồ ông già Noel xộc xệch sau giờ giao quà cho bọn con nít nhà khá giả, tấp vội bên đường, thật nhẹ, đặt hộp xốp đựng bữa ăn khuya san sớt cho ông già đang co mình trong chiếc cyclo tàn tạ.
“... đôi khi, niềm vui của người này lại thường làm đậm thêm nỗi buồn kẻ khác. Hạnh phúc như chiếc chăn chật chội mà nếu ta đang được ấm áp, ắt có ai đó đang phải chịu lạnh lẽo thiệt thòi”.
Cho tôi tự tay được quẹt những đốm sáng của que diêm và nuôi lửa hy vọng trong đêm băng giá. Cho tôi cùng cầm trên tay ngọn nến đạo hữu vinh danh Tình yêu và Thiện tính.
Nếu đêm về có mưa bụi, hãy che cho tôi bằng một chiếc manteaux đàn ông, để tôi thấy mình bơ vơ và bé bỏng trong đêm mù mịt của thế-giới-không-vua, cho đến khi Ngôi Hai giáng hạ.
“... hãy cứ gọi đêm nay là đêm của những bản nhạc ca tụng tình yêu, dù buồn, vẫn tràn ngập hy vọng tìm về nơi ấm áp. Hạnh phúc đâu chỉ là một mảnh chăn hẹp mà người này được ấm thì kẻ kia phải chịu lạnh, khi mà chen chân trong dòng người hân hoan xem lễ, ta cứ chia sẻ với nhau, giữa những người xa lạ, niềm vui mà người này có thừa kẻ kia còn thiếu. Tấm chăn hạnh phúc khi được trải đều, sẽ có đủ hơi ấm cho tất cả”.
Hãy kể lại tôi nghe, một lần nữa thôi, như những cặp tình nhân tôi từng thấy trong sân nhà thờ Huyện Sĩ, những anh chàng ra dáng thạo đời, huyên thuyên lý giải tuồng tích đằng sau những bản thánh ca, đồng dao Giáng sinh dân dã. Hãy kể tôi nghe, dù đã nghe đến vạn lần trong đời, về điển lễ reveillon. Xin hãy san sớt cho tôi nữa, một lần nữa thôi, một khoanh Buche de Noel (nếu đính thêm một ông già tuyết bằng đường nữa càng tốt), để tôi nghe trong vị kem bơ cả một trời tuổi thơ cổ tích.
Bằng không, chỉ cần cho tôi, một lần nữa thôi, đứng dưới cơn mưa confetti của những Giáng sinh đã mất, lặng người đi theo từng câu hát cũ này thôi cũng thỏa nguyện lắm rồi
“…Tà áo màu xanh năm ấy em vẫn chờ?
Một mùa Noel hai đứa nghe niềm vui,
Hát chung một ca khúc:
Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời
Rồi trên sân khấu của cảnh trí, của tuyết trang kim và những thiên thần hóa trang, những cành thông ước lệ ấy, tôi sẽ tin Giáng sinh đã thật sự đến sớm, Giáng sinh cổ tích xưa nhưng chưa bao giờ cũ. Cho tôi tin như trẻ thơ tin vào tiếng chuông tuần lộc.
Và nếu có ai đó, phía bên kia ống kính và màn hình của chúng tôi mỗi đêm lên sóng, cũng đã từng đánh mất những trái châu kim tuyến, những hẹn hò hụt hẫng, những bước bơ vơ trở về nửa đêm tan lễ, những mùa sao sáng đầy kỳ vọng năm xưa, tôi tin họ cũng sẽ được chia sẻ phần ấm áp của tấm chăn hạnh phúc mà chúng tôi trải ra cho tất cả. Họ cũng sẽ nhìn thấy những Giáng sinh đã mất lại trở về, trên đỉnh mùa Đông.
Rồi họ sẽ lại tin vào màu nhiệm phục sinh, như vậy, như con nít tin vào những con tuần lộc cổ đeo chuông.
“... Hãy cứ tin đi, trời đã sang Đông, tức là rồi Xuân sẽ về, bao đời đã vậy. Hãy cứ tin đi, rồi mỗi một chúng ta sẽ chan hoà ấm áp bên dưới chiếc chăn hạnh phúc đủ chỗ cho tất cả mọi người
Và tôi đã kết thúc kịch bản đêm nhạc Giáng sinh, như vậy.
Đêm cho Cha, cho Con, và cho Thánh Thần…
Đêm cuối cùng trước ngày bấm máy, những trái châu khổng lồ cuối cùng vẫn được kết tỉ mỉ từ hàng trăm bóng đèn nhỏ xíu… Tôi không ngủ được trước ngày ghi hình, như đứa nhỏ 30 năm về trước, những giờ cuối cùng đêm trước Giáng sinh.
Tất cả chúng tôi, kể cả những thí sinh, đã gần như thức trắng đêm hôm đó.
Ngày hôm sau, bất chấp dàn máy lạnh trường quay đã chạy hết công suất, người ta phải liên tục thấm mồ hôi cho nghệ sĩ bởi những chiếc áo manteaux và khăn choàng cùng với sức nóng từ dàn đèn đã khiến tất cả nóng sực lên.
Hàng ghế khán giả phim trường, như mọi khi, đã kịp phủ đầy ghế trống bởi hầu hết vẫn là những vị khán giả quen mặt, những cô chú cao tuổi, có người chẳng phải phụ huynh của thí sinh nào hết, nhưng đều đặn, lịch quay nào của Solo cùng bolero cũng có mặt. Có cả một bác cựu quân nhân chống ba-toong tuần nào cũng đến phim trường. Có tuần, ông phải nhập viện vẫn bắt con cháu đến rước đi…trốn viện để coi chương trình rồi lại bắt xe quay về bệnh viện.
Ba tôi cũng ngồi đó, thấp bé hơn những gì ký ức tôi nhớ được về người đàn ông 30 năm về trước từng bồng tôi lên thật cao để nhìn thấy rõ mặt Chúa Hài Đồng nơi máng cỏ.
Như mọi khi, những giây cuối trước giờ khai máy, tôi làm dấu thánh giá bên cánh gà trái, trong khi ở đầu bên kia, Quý Bình lâm râm khấn Tổ, thành kính như nhau.
Ngày hôm đó, thế giới bên ngoài đang vào khoảng 2 giờ chiều, trời rất oi và nóng. Nhưng thế giới đó đã ngừng lại bên ngoài vách ngăn phim trường.
Trong này, vào đúng khoảnh khắc chúng tôi bước ra trong tiếng chuông nhà thờ, tiếng phong cầm cô độc réo rắt ngân lên, báo hiệu một cuộc tìm về huyền thoại, Chúa đã giáng sinh.
Đã cuối Đông rồi sao? Nếu không có tiếng chuông hân hoan kia, có lẽ người ta sẽ quên mất mình đã đi quá xa, và đã đơn độc quá lâu…” - giọng mở thoại với âm vực baritone của Quý Bình đã cất lên, như vậy.
Mắt tôi nhoà đi.
Tôi không còn nhìn thấy gì nữa phía bên kia ánh sáng spotlight.
Tôi đứng trên này, miên man kể cho người bạn dẫn nhỏ tuổi hơn mình mà chắc khi bạn biết đi chơi Noel thì Noel đã khác lắm rồi, so với những mùa Noel mà tôi từng biết.
Ở dưới kia, là người đàn ông đầu tiên đã mua cho tôi cây thông Giáng sinh bé con đầu tiên, chưng trên tủ buffet. Người đàn ông đầu tiên đã quấn cho nó cọng dây đèn nhấp nháy và cho phép tôi được tự tay long trọng treo tòn teng lên đó những trái châu bọc tơ màu đỏ thắm…
Trên này, trong vùng sáng sân khấu, một “thằng nhỏ” đen thui lạ hoắc đề nghị đưa con gái của ba tôi đi chơi đêm lễ.
Nhà báo Trác Thúy Miêu và diễn viên Quý Bình nhập vai người dẫn chuyện đêm Giáng sinh trong Solo cùng Bolero 2016. Ảnh THVL
Tôi chợt chột dạ, như con nhỏ 12-13 tuổi ngày xưa, ngó quanh như thể bất cứ lúc nào ba cũng có thể bay lên sân khấu như một vị thần giận dữ, tay cầm roi mây.
Quý Bình đã lén đi vòng ra sau lưng tôi từ lúc nào, như một chi tiết nằm ngoài kịch bản, bất ngờ thả xuống tóc tôi cả một cơn mưa confetti lấp lánh. Cùng lúc, từ trên trần nhà, một trận mưa confettin rơi ngập khán trường. Cả phim trường lặng đi. Dưới bàn giám khảo, nghệ sĩ Ý Lan bật khóc.
Tôi đưa mắt nhìn xuống hàng ghế đầu, nơi ba tôi ngồi, bé nhỏ hơn so với ký ức của tôi rất nhiều, tôi thấy ông cười, như hơn 30 năm chưa hề đi qua.
***
Từ tháng 11, ba tôi hút gói thuốc nào cũng khéo léo tách ra lớp giấy bạc, ủi thẳng rồi xếp riêng ra. Thậm chí đường đường là một ông giám đốc, ông đi xin lại của mấy chú bác trong công ty từng tờ giấy ánh kim hay tráng bạc trong gói thuốc thơm để dành riêng ra cho 2 đứa con gái cắt bông giấy chơi. Chúng tôi cắt nhuyễn ra, hốt vào những lon sữa bò, lon guigoz để dành, và nắc nỏm đếm ngược chờ tới Giáng sinh mang ra tung lên trời giả làm tuyết.
Giáng sinh là ngày duy nhất trong năm người ta có thể xả bông giấy lên đầu người khác, và những câu chúc Giáng sinh an lành cứ đề huề vung vãi hào phóng giữa những người xa lạ.
***
- Tại sao những bản tân nhạc Việt Nam về Giáng sinh lại luôn buồn cô quạnh đến vậy?
- Người ta hay gọi đêm Giáng sinh là đêm sao sáng. Vậy vì sao những ngôi sao lại sáng?
- Vì bóng đêm ư?
- Đúng. Một câu chuyện buồn luôn khiến người ta thấy ân phước ngập tràn trong những may mắn lóng lánh nhỏ nhoi.
- Hạnh phúc sao cứ như mảnh chăn hẹp, người này ấm thì kẻ kia chịu lạnh.
- Đó là vì người ta chưa ở gần đủ sát bên nhau để tấm chăn kia dàn trải vừa vặn cho tất cả…

Những năm sau, má không còn ở chung với mấy ba con. Chị hai tôi đã lớn và được tin tưởng, cho phép đi chơi lễ riêng với bạn bè. Tôi tủi thân khóc sướt mướt, Ba lúng túng lớn giọng la tôi. Cả thiên đường Giáng sinh vỡ vụn trong tiếng khóc tủi thân của đứa con gái út còn quá nhỏ để hiểu chuyện cuộc đời.
La con xong, Ba ngồi thần ra rồi giả lả làm huề. Ba cố làm lại bộ mặt vui vẻ, đi vô phòng trong thay đồ, chải brillantine, chemise ủi phẳng, chu chuẩn như những đêm lễ linh đình từng có ngày xưa, rồi bước ra cho tôi bất ngờ, dỗ dành con gái: “Thôi nín, trời ơi con nhỏ ham chơi. Ba đền con gái, ngoan vô rửa mặt chải tóc Ba chở đi chơi đền. Mình cũng có lễ như ai, con há!”
Tôi vùng vằng.
Tôi đã lớn.
Tôi không còn là đứa con nít nữa.
Tôi muốn được như chị hai tôi, được đi boum, đi dạ vũ, nhảy đầm, và hò hẹn với bọn con trai choai choai xách mấy chiếc DD đỏ lột bửng đua rần rần ngoài Đồng Khởi kìa.
Tôi không còn cần ba và chiếc Honda Dame màu olive mà bây giờ đã trở nên quá rộng rãi khi không còn má và chị nữa.
Nếu có ai đó, phía bên kia ống kính và màn hình của chúng tôi mỗi đêm lên sóng, cũng đã từng đánh mất những trái châu kim tuyến, những hẹn hò hụt hẫng, những bước bơ vơ trở về nửa đêm tan lễ, những mùa sao sáng đầy kỳ vọng năm xưa, tôi tin họ cũng sẽ được chia sẻ phần ấm áp của tấm chăn hạnh phúc mà chúng tôi trải ra cho tất cả.
Chị tôi đang trang điểm sửa soạn đi chơi, lôi tuột tôi vào phòng nghiến răng ken két vào tai tôi “Bao nhiêu năm ba đưa em đi chơi lễ rồi, bây giờ không còn má nữa, hãy lần đầu đi chơi lễ vì ba”.
Nói chung là khi đó, tôi ức chị lắm, và cóc hiểu những gì chị đang nói, chỉ có điều tôi sợ chị ấy đến khiếp vía và lờ mờ nhận ra sự hệ trọng trong câu nói ấy. Tôi tức tưởi vùng vằng đi thay đồ, bộ đồ lố lăng, chiếc jupe tầng bằng lụa màu ngọc lam, hơi quá ngắn so với nguyên tắc gia giáo của Ba. Nhưng không hiểu vì lý do gì, ba nghe tôi gợi ý là thèm chiếc váy như vậy, ông một mình ra đường 3 Tháng 2 lựa sắm bằng được cho tôi chiếc jupe ngắn tũn tỡn. Năm đó, gia đình tôi sa sút gần như khánh kiệt, mà mãi sau này tôi mới hiểu được vì sao năm ấy, ba giấu không cho tôi biết. Với mọi lòng tự tôn của một người đàn ông rường cột gia đình, ông vẫn muốn các con gái ông có mọi món quà mà chúng mơ ước.
Tôi, vẫn sướt mướt tức tưởi, trong bộ váy poupée bằng lụa màu lam ngọc, vùng vằng xuất hiện, và vùng vằng leo lên sau xe ba, chiếc Honda Dame già nua đã từng chở cả gia đình tôi đi chơi lễ những năm xưa.
Đó là Giáng sinh đầu tiên chiếc xe chỉ có 2 cha con, nhẹ hẫng.
Chiếc yên đỏ nhỏ xíu sau guidon cũng đã dỡ bỏ từ lâu rồi. Tôi đã lớn, ngồi sau lưng ba.

Tôi, trong chiếc áo dài màu cây thông, yêu cầu Quý Bình:
- Hãy đi tìm một chiếc xe Honda màu olive và chở tôi đi coi lễ!
Món quà đêm Giáng sinh trên sân khấu trường quay của tôi đã được thốt lên như vậy, như lời cầu khiến của Hoàng Tử Bé: “Hãy vẽ cho tôi một con cừu!”.
***
Đêm đó, ba chở lòng vòng đi coi xóm đạo Bùi Phát. Giữa dòng người đi chơi lễ, ba cố ý ghìm xe thật chậm ngang hang đá cho tôi ngắm chiên cừu, ngắm Chúa Hài Đồng minh khôi sáng láng, rồi ba lại lẩm cẩm giảng giải tích xưa, những câu chuyện tôi đã nghe trăm lần và đêm đó với tôi chẳng còn đủ quyến rũ như những sàn khiêu vũ và những cậu trai chemise trắng ngoài kia nữa.
Tôi cố tình im lặng không trả lời, vờ như tại tiếng ồn phố xá khiến tôi không nghe được câu chuyện, chỉ mong ba ngưng kể và tôi sớm thoát khỏi cực hình phải nhìn tụi con gái cùng tuổi đang xúng xính cặp tay bồ đi chơi lễ kia.
Ba tạt vô tiệm mì tàu, gọi dĩa xào dòn với chai xá-xị đúng ý gái út. Tôi, dù giận, vẫn nguyên thói háu ăn con nít, quất sạch dĩa mì và chai xá xị mà không nhận ra ba chỉ gọi cho mình ly bia hơi ngồi độc ẩm nhìn con gái ăn rồi chở tôi về.
Tôi ngao ngán thay đồ rồi lăn ra giường, cuộn chăn coi nhạc hội Giáng sinh truyền hình, vừa coi vừa tấm tức tủi thân và tự hỏi chẳng lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ đủ lớn để bước vào không gian đó của Giáng sinh hào nhoáng?
Tôi đã chẳng hề biết điều đó sẽ diễn ra rất nhanh. Quá nhanh.
Tối hôm đó, ba lại lủi thủi lôi cây thông cũ trong thùng ra, căng cho nó cọng dây đèn cũ, vài cái bóng đèn đã tắt ngóm từ hồi nào. Những sợi tơ căng trên trái châu đỏ cũng đã bong tróc, ba rủ tôi ra cùng treo chúng lại lên cành thông cũ…
Gần 30 năm sau đó, 2 ba con lại cùng nhau nhặt nhạnh những hào quang cũ của một gia đình trung lưu hiền lành như biết bao gia đình nho nhỏ hiền lành của Sài Gòn, tom góm và trang hoàng lại, từ điêu tàn, một mùa lóng lánh mới cho Cha, cho Con, và cho Thánh thần.
***
“Trong cái khắc khoải mong chờ của mùa Giáng sinh, mùa Hy vọng, ngay cả trong bài hát buồn nhất,người ta sẽ vẫn tin rằng dù Giáng sinh đang qua, thì Giáng sinh sẽ lại hân hoan quay về. Mọi cuộc tình rồi cũng vậy, nếu người ta có lòng tin,…”
Tôi, theo kịch bản, chậm chạp lặp lại câu thoại cuối của người đồng hành đêm Đông giả tưởng:
“Nếu như người ta có lòng tin…”

***
Tiếng tổng đạo diễn báo còn tiết mục cuối cùng của buổi ghi hình đêm Giáng sinh. 
Nghe buồn như tiếng chuông điểm giờ tan lễ.
Chúng tôi bước ra trong lời dẫn sau cùng, những ngọn nến được bưng ra, như tái hiện những ngọn nến được trao tay trong thánh lễ. Người ta có thể hình dung những vì sao lấp lánh đã hết thảy sà xuống mặt đất, và bồng bềnh theo nhau tuôn chảy theo dòng người đang chậm rãi tràn ra khỏi sân nhà thờ, rẽ mênh mang về những xóm đạo, những ngôi gia, như một bí tích thế tục của những đêm mùa lễ Sài Gòn.
Thời đó, khi khí hậu cuối năm vẫn ban thưởng cho tháng Mười hai những đợt lạnh vừa đủ để người ta thấy cần phải yêu nhau.
Những cô gái mới lớn xếp cất chiếc áo đêm lễ trở lại vào tủ, và lên giường ngủ với một kỷ niệm thần thánh nào đó vừa gieo vào cuộc đời.
Có khi, những chuyện tình đêm Noel chẳng sống nổi quá vài tháng cho đến Tết Nguyên Đán.
Có lẽ, hồi đó tôi nghĩ vầy, bởi chúng đã hoàn thành sứ mệnh của mình, những cuộc tình thời vụ để trang trí đêm Giáng sinh.
Như những trái châu và những xác confetti trên đường sau đêm lễ vậy.
Nhưng vĩnh viễn, cũng như những trái châu và cái chuông mùa cũ, cứ đúng tháng Mười hai, khi bản ca cũ từ đĩa nhạc Sơn Ca nửa thế kỷ về trước lại vang lên tái hồi từ một xóm đạo nào đó “Bài thánh ca đó còn nhớ không em…”, khi mà gian hàng bày hang đá đèn sao đầu tiên dựng sạp trong khuôn viên nhà thờ, người ta sẽ lại tưng tiu nhấc chúng, những kỷ niệm lâm thời cũ kỹ, ra khỏi một ngăn nhất định nào đó của ký ức mà chưng mà ngắm.
Và tất cả, những báu châu cũ kỹ ấy, những cuộc bát phố và cả những chương trình đêm Noel phát trên truyền hình, tất cả sẽ lại lấp lánh như hàng chục năm về trước đã chưa hề đi qua.
***
Còn vài ngày nữa là lại hết một năm rồi, hãy cứ chan hoà hơi ấm niềm vui đi, hãy tin đi, vì đêm nay, tiếng chuông kia đang ngân vang nguyện cầu cho tất cả, và tình yêu đang tràn ngập trong không gian sẽ đủ để ban xuống cho mỗi người như món quà đêm Đông…”.
Chúng tôi đã nói như vậy, khi cùng nhau bước thật chậm khỏi sân khấu đêm Giáng sinh của trường quay hôm ấy, trong tiếng chuông nhà thờ rải buồn giai điệu Đêm thánh vô cùng.
Ba mươi năm sau, kể từ những Noel phong lưu của Sài Gòn thập niên 80 ấy, đêm 23, tôi sẽ lại ngẩn ngơ chờ đợi một ảo ảnh hoàng kim phục dựng linh đình, trên sóng Vĩnh Long.
Trác Thúy Miêu
 (*) Những đoạn in nghiêng trích từ kịch bản thoại dẫn chuyện và ca từ của các nhạc phẩm đã cấp phép sử dụng trong chương trình Solo cùng Bolero 2016 số đặc biệt mừng Giáng Sinh, phát sóng đêm 23.12.

Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2016

Hình ảnh Việt Nam tuyệt đẹp trên National Geographic 2016

Những bức ảnh Việt Nam được tạp chí nhiếp ảnh hàng đầu thế giới lựa chọn đăng tải trong năm nay đã để lại cho người xem ấn tượng sâu sắc về thiên nhiên và con người nơi đây.
 Hạ Long trong ống kính CNN: Trong chương trình 'Anthony Bourdain: Parts Unknown' phần 8, đầu bếp Anthony Bourdain đã đưa người xem đến với Việt Nam qua thiên nhiên và cuộc sống ở Hạ Long. 
Hinh anh Viet Nam tuyet dep tren National Geographic 2016 hinh anh 1
Tạp chí National Geographic của Hội Địa lý Quốc gia Mỹ ra mắt gần 130 năm trước và nhanh chóng nổi tiếng toàn cầu với những bức ảnh có tính nghệ thuật cao. Trong ảnh, một người leo núi đứng trong hang Sơn Đoòng, hang động lớn nhất thế giới ở Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình. Hang động này dài hơn 3 km, một số nơi cao hơn 180 m. Ở những nơi nóc hang bị sập, ánh sáng mặt trời có thể tràn vào giúp thảm thực vật phát triển mạnh mẽ. Ảnh: Matthias Hauser.
Hinh anh Viet Nam tuyet dep tren National Geographic 2016 hinh anh 2
Nước ngập mang lại một bức tranh đầy màu sắc trên cánh đồng lúa ở Ý Tý, Bát Xát, Lào Cai. Mùa mưa thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 6 ở ngôi làng miền núi này. Ảnh đăng ngày 14/8. Ảnh: Phero Art.
Hinh anh Viet Nam tuyet dep tren National Geographic 2016 hinh anh 3
Những chùm cói bàng được phơi khô ở làng Phù Mỹ, tỉnh Kiên Giang. Dân làng ở đây thu hoạch cói bàng từ hàng trăm năm nay để làm giỏ, chiếu, túi xách và các đồ thủ công mỹ nghệ khác. Đây là bức ảnh đẹp nhất ngày 25/9 trên mục Your Shot. Ảnh: Hoàng Thái.
Hinh anh Viet Nam tuyet dep tren National Geographic 2016 hinh anh 4
Bức ảnh "Cánh đồng hương" được bình chọn là ảnh đẹp nhất ngày 3/12 trên mục Your Shot. Những người thợ làm hương truyền thống ngồi giữa hàng chục bó hương đầy màu sắc được xếp lại cẩn thận. Độc giả nhận xét bức ảnh có màu sắc và bố cục đẹp, đồng thời kể được câu chuyện ý nghĩa về nghề làm hương truyền thống ở Việt Nam. Ảnh: Tran Tuan Viet.
Hinh anh Viet Nam tuyet dep tren National Geographic 2016 hinh anh 5
Người dân chuyển các tấm cá phơi khô dưới ánh nắng. Kiên Giang cùng một số tỉnh thành khác ở Đồng bằng Sông Cửu Long đóng vai trò quan trọng trong ngành đánh bắt thủy sản của Việt Nam. Nhiều độc giả bày tỏ ấn tượng về sự độc đáo của bức ảnh và sự cần cù của người lao động Việt Nam qua tác phẩm được bình chọn ngày 19/11 trên Your Shot. Ảnh: Nguyen Lam
Hinh anh Viet Nam tuyet dep tren National Geographic 2016 hinh anh 6
Ở thành phố Mỹ Tho, lưới đánh cá được ngư dân kiểm tra cẩn thận sau mỗi chuyến ra khơi. Họ kiểm tra và sửa lại tấm lưới bị hư hại nhanh nhất có thể cho chuyến đi biển tiếp theo. Công việc này đôi khi phải mất nửa ngày để hoàn thành. Ảnh: Phạm Tỵ.
Hinh anh Viet Nam tuyet dep tren National Geographic 2016 hinh anh 7
Một người phụ nữ thu hoạch hoa súng ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Tác giả bức ảnh cho biết mỗi buổi sáng, người chủ sở hữu chiếc ao rộng 1 km này thu lượm hoa và bán cho các tiểu thương với giá 10.000 đồng/bó. Ảnh: Nhan Le
Hinh anh Viet Nam tuyet dep tren National Geographic 2016 hinh anh 8
Hai phụ nữ ngồi tán gẫu trong một cửa hàng đèn lồng ở Hội An. Thành phố cổ này từng là thương cảng phồn thịnh ở Đông Nam Á từ thế kỷ 15 và được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Theo tác giả của bức ảnh ngày 18/5 trên mục Your Shot, các đèn lồng đầy màu sắc có rất nhiều ở Khu Phố cổ, tạo thành cảnh đêm tuyệt đẹp khi đi dạo quanh đây. Ảnh: Martin Bagg
Hinh anh Viet Nam tuyet dep tren National Geographic 2016 hinh anh 9
Bức ảnh mang tên "Đối kháng" thể hiện góc nhìn của tác giả về truyền thống văn hóa Việt Nam thời hiện đại. Trong khi thế hệ trẻ dường như bỏ quên truyền thốnng để theo đuổi lối sống phương Tây, khung cảnh này giống như một biểu tượng cho sự kháng cự của văn hóa bản địa. Hai người đàn ông chơi cờ dưới ánh nến ở một con phố yên ả tại Hội An. Họ không hề bận tâm tới những ồn ào của thành phố du lịch nổi tiếng này. Ảnh: Pedro Cattony
Hinh anh Viet Nam tuyet dep tren National Geographic 2016 hinh anh 10
Bức ảnh chụp lại một quán bar ở tầng cao của TP.HCM, thành phố sôi động dường như không bao giờ ngủ. Ảnh tham dự cuộc thi Nhiếp ảnh gia du lịch của năm do National Geographic tổ chức. Ảnh: Caroline Micaela Hauger
Hinh anh Viet Nam tuyet dep tren National Geographic 2016 hinh anh 11
Bức ảnh được chụp từ tầng 12 của một nhà nghỉ ở TP.HCM. Tác giả rất ấn tượng trước vẻ đẹp rực rỡ và sự sôi động của thành phố, cả ban đêm lẫn ban ngày. Tác giả gọi TP.HCM là "Thành phố sắc màu" trong bức ảnh này. Ảnh: King Fung Wong.
Tuyết Mai (Theo: Zing - Ảnh: National Geographic)

Thứ Hai, 5 tháng 12, 2016

Pháp thoại của thiền sư Nhất Hạnh ngày 17.03.2005 tại học viện Quốc Gia Chính Trị HCM Hà Nội

Sự kết hợp kỳ diệu giữa thờ cúng tổ tiên của người Việt với tuệ giác của đạo Bụt
Pháp thoại của thiền sư Nhất Hạnh ngày 17.03.2005 tại học viện Quốc Gia Chính Trị HCM Hà Nội
Lời chào mừng của một vị trong ban tổ chức

Kính thưa thiền sư Thích Nhất Hạnh, thưa quý khách.
Hôm nay tới đây dự buổi thuyết trình và trao đổi với Thiền Sư về những vấn đề Phật học, chúng tôi ghi nhận sự có mặt của các giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học, một số đơn vị nghiên cứu và giảng dạy tại học viện Quốc Gia Chính Trị Hồ Chí Minh và hai phân viện Hà Nội về báo chí tuyên truyền cũng thuộc học viện Quốc Gia Chính Trị Hồ Chí Minh. Hôm nay cũng có mặt các giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học quản lý hiện đang công tác ở một số cơ quan Khoa Học Quản Lý và học viện Phật Giáo tại Hà Nội, vốn là cộng tác viên của trung tâm Khoa Học về Tín Ngưỡng và Tôn Giáo. Hiện diện tại đây còn có các nhà khoa học vốn đã gắn bó lâu với trung tâm trong quá trình nghiên cứu về tôn giáo .

Lời khai mạc của giám đốc trung tâm
Kính thưa Thiền sư Thích Nhất Hạnh,
Kính thưa quý đoàn tăng thân Làng Mai, 
Kính thưa các nhà khoa học và các vị đại biểu. 
Vào dịp cuối năm 2004, được tin Thiền sư Thích Nhất Hạnh cùng đoàn tăng thân Làng Mai của nước cộng hòa Pháp nhận lời mời của ban Phật giáo quốc tế thuộc giáo hội Phật giáo Việt Nam về thăm quê hương sau bốn mươi năm xa cách. Trung tâm Khoa Học về Tín Ngưỡng Tôn Giáo ngỏ lời mời và được Thiền sư nhận lời thuyết trình tại trung tâm. Chúng tôi rất vui mừng và vinh hạnh được đón tiếp Thiền sư đến tọa đàm và nói chuyện về vấn đề tôn giáo đang được nhiều người quan tâm. Mục đích của hai buổi thuyết trình và tọa đàm là thông tin và trao đổi một cách cởi mở trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, nhằm làm sáng tỏ một số vấn đề trong lĩnh vực tín ngưỡng tôn giáo. Thành phần của buổi tọa đàm này chủ yếu là các nhà khoa học thuộc các ngành Khoa học, Xã hội, Nhân văn trong và ngoài trung tâm.

Thưa các nhà khoa học và quý vị đại biểu,
Thiền sư Thích Nhất Hạnh, pháp danh Trừng Quang, quê ở Thừa Thiên Huế, xuất gia tu hành từ thời niên thiếu, với tám mươi tuổi đời và hơn sáu mươi năm tu hành. Trong và ngoài nước, Thiền sư không chỉ là một bậc cao tăng mà còn là một nhà văn, nhà thơ, nhà sử học, có trên một trăm tác phẩm đã được dịch ra nhiều thứ tiếng. 

Thiền sư từng thuyết giảng ở nhiều nơi, ở nhiều nước và có đệ tử ở các dân tộc khác nhau. Thiền sư đã từng tiếp kiến với nhiều chính khách và nguyên thủ một số quốc gia để trao đổi những vấn đề lớn về tôn giáo và thời đại. Hơn hai tháng qua thiền sư đã cùng đoàn đi thăm các di tích lịch sử, văn hóa, cơ sở thờ tự, danh lam thắng cảnh của đất nước và đã có nhiều buổi nói chuyện với tăng ni, Phật tử cùng những giới trí thức ở các địa phương, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Huế. Đến đâu, thiền sư và đoàn đều được tiếp đón long trọng và tình cảm. Thiền sư đã đem đến cho nhiều vị tăng ni, phật tử một không khí tốt lành của những ngày đầu năm với truyền thống của Phật giáo, cởi mở, khoan dung và góp phần làm cho quốc thái dân an. 

Nhân dân Việt Nam và Phật tử nước nhà luôn mong muốn giữ gìn và vun đắp tư tưởng khoan dung, hòa đồng, gắn bó với dân tộc của Phật giáo Việt Nam suốt hai mươi thế kỷ qua. Tôn chỉ, mục đích của đạo Phật nhằm xây dựng một cuộc đời thuần mỹ, chí thiện, bình đẳng, yên vui, no ấm như chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói. Thiền Sư cũng đã từng được hòa mình vào không khí tưng bừng của người dân đất Việt đón mừng Xuân Ất Dậu. Chúng tôi rất vui mừng đón Thiền sư và quý đoàn trong dịp đầu xuân này.

Thưa Thiền sư Thích Nhất Hạnh và quý đoàn. Trung tâm Khoa Học về Tín Ngưỡng và Tôn Giáo thuộc học viện Chính Trị Quốc Gia Hồ Chí Minh đã qua mười năm hình thành và phát triển, với đội ngũ cán bộ gồm mười hai giáo sư, tiến sĩ và thạc sĩ. Trung tâm có nhiệm vụ nghiên cứu và giảng dạy về tôn giáo. Chúng tôi cho rằng việc giữ gìn và phát huy giá trị tích cực của truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh những người có công với tổ quốc và nhân dân và những giá trị tích cực về đạo đức và văn hóa của tôn giáo là rất cần thiết trong bối cảnh Việt Nam hiện nay. Đó cũng là nội dung mà chúng tôi muốn nghe tọa đàm của Thiền sư qua cuộc gặp gỡ này. 

Tham dự buổi thuyết trình và tọa đàm hôm nay không chỉ có những nhà khoa học thuộc chuyên ngành tôn giáo, mà còn có nhiều các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khác trong đó có các vị giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ sử học, văn hóa học, chính trị học, tâm lý học, xã hội học, v.v... và các nhà khoa học và các vị đại biểu rất quan tâm đến các chủ đề thuyết trình của thiền sư, mọi người đón chờ và hy vọng qua các cuộc gặp gỡ này sẽ đem đến không khí cởi mở, chân tình, nguồn thông tin đa chiều và là cơ duyên để Tthiền sư bộc lộ suy tư bấy lâu về những vấn đề liên quan đến tôn giáo và thời đại. Là một đơn vị nghiên cứu khoa học và giảng dạy vấn đề tôn giáo, chúng tôi tin rằng sẽ nhận được từ Thiền sư những thông tin và tri thức bổ ích. 

Thay mặt cho trung tâm Khoa Học về Tín Ngưỡng Tôn Giáo thuộc viện Chính Trị Quốc Gia Hồ Chí Minh xin chúc Thiền sư và đoàn tăng thân Làng Mai, mạnh khỏe, an khang. Chúc chuyến đi về Việt Nam của Thiền sư và đoàn lần này đạt kết quả như ý.

Thiền sư Nhất Hạnh thuyết giảng

Kính mời quý Thầy, quý Sư cô Làng Mai lên tụng bài Tán Quan Âm và niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm trước khi buổi nói chuyện bắt đầu.

Thưa quý vị, khi chúng ta có được khả năng nhìn cho thật sâu và nghe cho thật kỹ, chúng ta sẽ có được một cái thấy thông suốt, gọi là tuệ giác, có công năng làm phát sinh tình thương lớn. Tuệ giác với tình thương sẽ làm cho chúng ta có được tự do lớn. Đó là ý nghĩa của Avalokiteśvara. Avalokiteśvara 1* có nghĩa là người quán sát rất sâu sắc. Avalokita là quán hay là lắng nghe một cách sâu sắc. Eśvara tức là con người tự do. Quán Thế Âm đôi khi còn được dịch ra là Quán Tự Tại. Nhờ quán chiếu, nhờ lắng nghe và đạt đến tự do lớn nên làm chủ được mình và hoàn cảnh xung quanh mình vì thế Quán Thế Âm cũng là Quán Tự Tại. Chúng tôi mời quý vị tham dự buổi tọa đàm này với phương pháp lắng nghe.

Khi có mặt trong giây phút hiện tại và biết buông thư, năng lượng của Bồ Tát Quán Thế Âm sẽ đi vào trong cơ thể chúng ta. Nếu trong cơ thể chúng ta có sự đau nhức, có sự căng thẳng, năng lượng này sẽ làm tiêu tán sự căng thẳng và đau nhức đó. Nếu chúng ta biết cách có mặt thật sự trong giây phút hiện tại, đừng bị quá khứ lôi kéo, đừng bị tương lai lôi kéo. Nếu chúng ta có những nỗi khổ, niềm đau ở trong lòng, chúng ta cũng có thể mở trái tim ra, năng lượng Bồ Tát sẽ đi vào, ôm ấp, chuyển hóa được những nỗi khổ niềm đau đó. Nếu chúng ta có một người thân đang bệnh ở nhà, muốn chuyển năng lượng này về, chúng ta chỉ cần nghĩ đến người đó, hình dung người đó, hoặc gọi tên người đó một cách im lặng, năng lượng này sẽ được chuyển về rất là mau chóng cho người đó.

Avalokiteśvara là tình thương, là sự hiểu biết. Yếu tố này, năng lượng này, không phải chỉ có mặt ở ngoài ta mà còn có mặt trong từng tế bào của cơ thể ta. Khi chúng ta thật sự có mặt, chúng ta khơi dậy và đáp ứng lại được năng lượng đó bằng năng lượng của chính chúng ta.

Tăng thân Làng Mai cùng xướng tụng bài tán Quan Âm:

Đầu cành dương liễu vương cam lộ
Một giọt mười phương rưới cũng đầy
Bao nhiêu trần lụy tiêu tan hết
Đàn tràng thanh tịnh ở ngay đây
Nam Mô Bồ Tát Thanh Lương Địa
Trí tuệ bừng lên đóa biện tài
Đứng yên trên sóng sạch trần ai
Cam lộ chữa lành cơn khổ bệnh
Hào quang quét sạch buổi nguy tai
Liễu biếc phất bày muôn thế giới
Sen hồng nở hé vạn lâu đài
Cúi đầu ca ngợi dâng hương thỉnh
Xin nguyện từ bi ứng hiện ngay
Nam Mô Bồ Tát Quan Thế Âm.

Nhìn bằng con mắt vô tướng.
Ai trong chúng ta cũng có con mắt vô tướng. Quý vị ở đây cũng đều có con mắt đó. Nếu chúng ta sử dụng được con mắt vô tướng, chúng ta có thể thấy được những cái mà người khác không thấy. Vô tướng là animitta 2*. Khi nhìn một đám mây, nhờ tướng trạng của đám mây, chúng ta nhận diện ra được sự có mặt của đám mây. Như vậy, nhận thức, tri giác của chúng ta căn cứ vào hình tướng đám mây. Khi đám mây đã trở thành mưa rồi thì hình tướng đám mây không còn nữa. Lúc đó, chúng ta phải sử dụng con mắt vô tướng mới nhận diện ra được sự có mặt của đám mây trong cơn mưa. Đám mây không thể nào chết, đám mây chỉ có thể trở thành mưa, thành tuyết hoặc thành nước đá. Chết trong tư duy của chúng ta có nghĩa là từ có mà trở thành không. Một đám mây không bao giờ có thể từ có mà trở thành không được.

Đạo Phật hay nói đến tính vô sinh và bất diệt của mọi sự vật. Đám mây là vô sinh vì nó không thể từ không mà trở thành có. Trước khi là một đám mây, nó đã là một cái gì khác rồi như nước ao hồ, nước sông, nước biển và sức nóng của mặt trời. Khi những điều kiện ấy đến với nhau là có sự biểu hiện của đám mây. Chúng ta có thể thấy được tiền thân của đám mây bằng con mắt vô tướng. Tiền thân của đám mây là nước sông, nước hồ, nước ao, nước biển và sức nóng của mặt trời. Chúng ta cứ tiếp tục nhìn đám mây bằng con mắt vô tướng cũng có thể thấy được hậu thân của đám mây, tức là sự tiếp nối của đám mây qua những hình thái khác như những lọn tuyết, những tảng băng, những cơn mưa hay một dòng sông. Khi uống trà, nếu tôi thật sự có mặt trong giây phút hiện tại thì tôi có thể tiếp xúc được với trà một cách sâu sắc và tôi thấy được sự có mặt của đám mây trong chén trà. Trà là hậu thân của đám mây. Tôi uống trà, có nghĩa là tôi đang uống mây. Quý vị không cần phải là thi sĩ mới thấy được như vậy. Chúng ta có thể uống trà bằng con mắt vô tướng. Chúng ta thấy rằng chúng ta cũng đang uống mây vì trà là sự tiếp nối của mây.

Chúng ta có ý niệm về sinh và về diệt. Sinh đối với chúng ta là từ không mà trở thành có. Nếu quan sát thật kỹ, chúng ta sẽ thấy rằng không có vật nào từ không mà có thể trở thành có được. Đám mây cũng vậy, cây bắp cũng vậy. Cây bắp không thể từ không mà thành có, cây bắp là sự tiếp nối của hạt bắp và hạt bắp là sự tiếp nối của cây bắp. Nếu chúng ta thấy được đám mây trong cơn mưa, đám mây trong những bông tuyết, đang nhìn mây bằng cái nhìn vô tướng thì chúng ta có thể đạt được, thấy được, tiếp xúc được với tính vô sinh của vạn vật.

Nhà khoa học Lavoisier 3* của Pháp có nói một câu giống hệt một câu trong Tâm Kinh Bát Nhã: Rien ne se perd, rien ne se crée (không có gì sinh ra và không có gì diệt). Ông ta đã không đứng ở khía cạnh của một nhà tâm linh học hay một nhà tôn giáo học mà nói. Điều đó ông đã khám phá ra từ sự quan sát sự vật mà thôi. Ông đã đi tới một kết luận giống hệt tuệ giác của Tâm Kinh Bát Nhã: Thị chư pháp không tướng bất sinh bất diệt.

Nếu chịu luyện tập thì chúng ta cũng có thể có con mắt vô tướng. Có con mắt vô tướng, chúng ta có thể thấy được tính bất sinh bất diệt của chính chúng ta, của đám mây, của nhiều sự kiện chung quanh ta. Nhờ thế, ta sẽ vượt thắng sợ hãi. Sợ hãi cái gì? Sợ hãi cái chết, sợ hãi hư vô. Ở trong đạo Phật, vô tướng là một cánh cửa giải thoát. Ba cánh cửa giải thoát là tam giải thoát môn. Cánh cửa giải thoát thứ nhất là không, cánh cửa thứ hai là vô tướng, cánh cửa thứ ba là vô tác. Ở đây chúng ta nói đến cánh cửa thứ hai là cánh cửa vô tướng. Nếu chúng ta luyện tập, chúng ta có thể sử dụng con mắt vô tướng trong đời sống hằng ngày và có thể vượt thoát được mọi sợ hãi, kỳ thị, giận hờn. Khi nhìn vào người con với con mắt vô tướng, ta có thể thấy được người cha, chắc chắn là như vậy tại vì người con là tiếp nối của người cha. Cũng như cơn mưa là sự tiếp nối của đám mây.

Khi chúng ta gieo một hạt bắp xuống đất, hạt bắp sẽ nẩy mầm và sẽ trở thành một cây bắp con. Khi nhìn vào cây bắp con, chúng ta không thấy hạt bắp nữa, không còn thấy cái tướng của hạt bắp nữa nên chúng ta nói: Hạt bắp đã chết và bây giờ chỉ có cây bắp thôi. Nói như thế là chúng ta không có con mắt vô tướng. Nhìn vào cây bắp non với con mắt vô tướng, ta thấy rằng cây bắp non là sự tiếp nối của hạt bắp, hạt bắp vẫn còn đó, hạt bắp chưa chết, chưa bao giờ chết, hạt bắp đang được tiếp nối bằng cây bắp. Nhìn vào cây bắp bây giờ ta thấy được hạt bắp, hạt bắp của tháng trước. Nhìn vào đứa con ta thấy được người cha tại vì đứa con là sự tiếp nối của người cha.

Có một hôm tôi đi trên thành phố London, nhìn vào một tiệm sách, tôi thấy có một cuốn sách với nhan đề là: My mother, my self, nghĩa là: Mẹ tôi, chính là tôi đó. Tôi nghĩ người viết cuốn sách này đã có tuệ giác và tôi có cảm tưởng đã biết người ta đã viết gì trong đó rồi. Có những người con giận cha, giận mẹ và nghĩ rằng mình không muốn có liên hệ gì nữa với ông đó, với bà ấy. Mình không thấy được sự thật, một sự thật rất khoa học, mình chính là cha mình, mình chính là mẹ mình. Giận cha, giận mẹ tức là mình giận chính bản thân mình. Mời quý vị nghe chuông và thực tập:

Thở vào tâm tĩnh lặng
Thở ra miệng mỉm cười
Thở vào tôi biết rằng tôi đang có mặt cho sự sống
Thở ra tôi mỉm cười với sự sống trong tôi và chung quanh tôi

Tiếp xúc với tổ tiên và các thế hệ  tương lai
Ở Tây phương cũng như ở Á đông, có những người đang có khó khăn với con cái mình. Họ muốn từ con, họ tuyên bố: Mày không phải là con của tao, con của tao không thể như mày, tao không công nhận mày là con của tao! Có những đứa con giận bố cũng tuyên bố dại dột như thế: Tôi không muốn có liên hệ gì hết với ông ấy nữa! Khi người ta giận, người ta không còn trí tuệ nên người ta mới tuyên bố những điều trái với sự thật như thế. Cha mình đã trao truyền cho mình toàn thể thân tâm của ông. Đứng về phương diện di truyền học mà nói thì cha mẹ đã trao truyền tất cả các di sản di truyền của cha mẹ, trao truyền cả di sản huyết thống, di sản tâm linh của tổ tiên và dòng họ cho con. Trong mỗi tế bào của cơ thể mình, có sự có mặt đầy đủ toàn diện của tổ tiên, của cha mẹ. Mình không thể nào lấy tổ tiên và cha mẹ ra khỏi cơ thể của mình vì mỗi tế bào cơ thể đều có chứa đựng sự có mặt của tất cả các thế hệ của tổ tiên và cha mẹ. Lấy người cha ra khỏi mình, lấy người mẹ ra khỏi, đấy là chuyện không tưởng vì mình chính là cha mình, là mẹ mình, mình là sự tiếp nối của cha mình, của mẹ mình. Giận cha, giận mẹ tức là mình tự giận mình mà giận con cũng là tự giận mình vì đứa con là sự tiếp nối rất cụ thể của cha và của mẹ.

Chúng ta sẽ bí lối, chúng ta sẽ không có nẻo thoát, nếu chúng ta không có tuệ giác ấy. Tuệ giác nào? Con mình chính là sự tiếp nối của mình và con mình đang mang mình đi về tương lai. Muốn được tiếp nối đẹp đẽ, mình phải tìm đủ mọi cách để trao truyền cho con những gì đẹp nhất mà mình có thể chế tác được bằng cuộc đời của chính mình. Nếu giữa hai cha con không có được sự truyền thông, trước hết đó là sự thất bại của người cha. Người cha đã từng tiếp nhận được những gì ưu việt, những gì mầu nhiệm của tổ tiên. Nếu người cha không truyền thông được với người con thì không thể trao truyền cho con gia tài tốt đẹp đó qua tư duy, lời nói và hành động của mình. Nếu cha con không truyền thông được với nhau thì đó là sự thất bại của hai cha con. Chính vì những chướng ngại đó, đứa con không tiếp xúc được với các thế hệ tổ tiên, người cha cũng không thể tiếp xúc được với các thế hệ tương lai. Nhờ đứa con mà người cha được đi về tương lai vô cùng, nhờ người cha mà đứa con tiếp xúc được với tất cả các thế hệ tổ tiên về trước.

Hai cha con là hai khâu rất cần nhau, một bên tiếp xúc được với tổ tiên quá khứ là nhờ cha, một bên tiếp xúc được với các thế hệ tương lai là nhờ con cho nên liên hệ cha con không thể nào để cho thất bại. Cha con phải thiết lập lại truyền thông với nhau. Khi nhìn vào bản thân, người con thấy được cha mẹ, tổ tiên và thấy rằng mình là sự tiếp nối của cha mẹ, của tổ tiên. Khi nhìn vào người con, người cha cũng thấy rằng đứa con là sự tiếp nối của mình và đứa con đang mang mình đi về tương lai.

Có thể người cha đã không có cơ hội học hỏi và tu tập cho nên người cha đã không có khả năng nhận diện, ôm ấp và chuyển hóa được những nỗi khổ niềm đau. Ông đã trở thành ra nạn nhân của đau khổ của chính ông ta. Khi ông đau khổ như vậy, ông làm vung vãi những khổ đau ấy lên những đứa con của mình. Đó là tình trạng của nhiều gia đình. Trong những gia đình ấy, chồng không truyền thông được với vợ. Vợ chồng làm khổ nhau và tạo ra những vết thương trong trái tim của người con. Đứa con không có niềm tin về hạnh phúc gia đình, đứa con đi tìm sự lãng quên bên ngoài và do đó sa vào hầm hố của ma tuý, của sắc dục, của tội ác, của băng đảng. Trong đạo Phật có tuệ giác có thể giúp cho ta thấy được sự thật, tái lập được truyền thông và đem lại hạnh phúc giữa mình và cha mẹ mình hay con cái mình.

Bậc cha mẹ, khi giận con, thường hay có khuynh hướng muốn từ khước con: Mày không phải là con của tao, con của tao không thể nào như thế này được, con của tao nó không thể có những yếu kém như thế! Nhưng nếu nhìn cho kỹ, mình sẽ thấy rằng tổ tiên mình tuy có những bậc đức hạnh rất cao, tài năng rất xuất chúng nhưng cũng có những vị yếu kém. Nếu chúng ta có Lý Thường Kiệt, chúng ta cũng có Trần Ích Tắc. Khi biết nhìn bằng con mắt của tuệ giác thì ta vẫn có thể chấp nhận được.

Chúng ta thấy tội nghiệp cho những người cha hoặc mẹ còn yếu kém. Những người đó đã không có cơ hội được hiểu, được thương và tiếp nhận được những phương pháp thực tập để có thể chuyển hóa những yếu kém của mình. Khi nhìn các con, chúng ta thấy có những đứa con mà chúng ta rất bằng lòng nhưng cũng có một hoặc hai đứa con mà chúng ta không bằng lòng. Nếu trong tổ tiên chúng ta có những người yếu kém và ngay chính chúng ta cũng có yếu kém thì thử hỏi, chúng ta là ai mà không chấp nhận yếu kém của con cháu chúng ta? Chúng ta phải làm đủ mọi cách để có thể giúp cho những đứa con yếu kém đó có cơ hội nhận diện và chuyển hóa được những yếu kém đó. Nhờ thế, những giận hờn, những buồn tủi trong ta sẽ tan biến và sẽ được thay thế bằng tình thương. Đối với những đứa con giỏi thì chúng ta không cần phải để nhiều thì giờ và năng lực, còn đối với những đứa con còn yếu kém, với nhận thức đó, với tình thương đó, chúng ta sẽ có thể để nhiều thì giờ và năng lực ra mà giúp đỡ.

Chuyển rác thành hoa
Đạo Phật có phần tôn giáo, có nói đến hy vọng, có nói đến niềm tin, đến sự cầu nguyện nhưng đạo Phật còn có những nguồn tuệ giác lớn, có những phương pháp tu tập rất cụ thể để giúp mình tháo gỡ những khó khăn, bức xúc, chuyển hoá được những khổ đau, thiết lập lại truyền thông với những người khác, đem lại hạnh phúc cho mình và mọi người. Đạo Phật cung cấp cho chúng ta những giáo lý và những phương pháp thực tập, giúp chúng ta nhận diện được khổ đau, thấy được gốc rễ của những khổ đau đó và thấy được con đường để có thể chuyển hóa những khổ đau đó.

Những phương pháp như thực tập hơi thở có ý thức, thực tập bước chân có ý thức, có mục đích chế tác năng lượng chánh niệm. Với năng lượng chánh niệm: Ta nhận diện được những nỗi khổ niềm đau đang dâng lên, có thể ôm ấp được những nỗi khổ niềm đau đó và làm cho chúng êm dịu lại, có khả năng nhìn sâu vào để thấy được những nguồn gốc gần xa của những nỗi khổ niềm đau của mình, có thể chiếu rọi ánh sáng của tuệ giác vào và chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau đó.

Trong đạo Phật, chúng tôi nói đến tính chất hữu cơ của tuệ giác, của tình thương và của Phiền Não. Trong chúng ta có cái giận, cái buồn, cái lo nhưng trong chúng ta, cũng có sự yêu thương và sự hiểu biết. Con người chúng ta như một vườn hoa và hoa để lâu ngày thì thành rác mà nếu chúng ta biết phương pháp ủ rác thì chúng ta có thể nuôi hoa. Hoa và rác đều có tính chất hữu cơ, hoa có thể biến thành rác và rác có thể biến thành hoa trở lại. Ở trong chúng ta có những nỗi khổ, niềm đau, buồn phiền, tuyệt vọng, ganh tỵ, kỳ thị, tất cả những cái đó đều là những phần rác ở trong ta nhưng ở trong ta cũng có phần hoa, gồm có hiểu biết, tha thứ, yêu thương, bao dung và hy sinh. Cả hai phần đều có tính hữu cơ.

Trong đạo Bụt, có nguyên tắc Phiền Não tức Bồ Đề 4*. Phiền Não tức là những đau khổ, chướng ngại. Bồ Đề tức là giải thoát, hạnh phúc. Chúng ta có thể chế  biến rác thành phân xanh để nuôi hoa thì những Phiền Não kia nếu chúng ta biết cách ôm ấp, quán chiếu, chuyển hóa, chúng ta cũng có thể biến nó thành trí tuệ, thành hạnh phúc, thành tình thương được. Cái nhìn của đạo Phật là cái nhìn bất nhị vì đạo Phật thấy Phiền Não, Bồ Đề đều có tính hữu cơ. Phiền Não có thể biến thành Bồ Đề, Bồ Đề nếu không biết chăm sóc sẽ biến thành Phiền Não. Vì vậy chúng ta không sợ hãi khi thấy trong vườn ta có rác. Chúng ta biết phương pháp, chúng ta có khả năng biến rác trở thành hoa.

Một cặp vợ chồng khi mới cưới, có rất nhiều hạnh phúc, có rất nhiều hy vọng và nghĩ rằng tình yêu lớn đó sẽ nuôi mình suốt đời nhưng nếu không biết cách tu tập, không có thức ăn thích hợp cho tình yêu thì tình yêu đó sẽ chết, sẽ biến thành hận thù. Phật nói rằng: Không có gì có thể sống còn được nếu không có thức ăn. Đau khổ cũng không thể tiếp tục được nếu không có thức ăn. Hạnh phúc cũng vậy, nếu không có thức ăn thì hạnh phúc sẽ chết. Tình yêu cũng vậy, nếu mỗi ngày không được nuôi dưỡng bằng thực phẩm thích hợp thì tình yêu sẽ chết. Nếu cặp vợ chồng mới cưới kia không biết chế tác thực phẩm thích hợp cho tình yêu thì trong vòng nửa năm hay một năm, tình yêu đó sẽ biến thành hận thù và hoa sẽ biến thành rác. Chúng ta phải học phương pháp nuôi tình thương, nuôi trí tuệ và sử dụng những khổ đau, những Phiền Não, những khó khăn để biến ra thành những chất liệu nuôi dưỡng được trí tuệ, nuôi dưỡng được tình thương. Biết được tính cách hữu cơ của khổ đau và hạnh phúc thì chúng ta không sợ hãi, không kỳ thị khổ đau nữa, tại vì chúng ta biết rằng khổ đau có thể là chất liệu để làm ra hạnh phúc.

Khi một người cha không có hạnh phúc, người cha gây khổ đau cho chính mình, gây khổ đau cho người mẹ và cố nhiên sẽ gây khổ đau cho người con. Nếu người con có cơ hội quán chiếu, nhìn cho thật sâu, lắng nghe để hiểu thì sẽ thấy ra rằng, cha mình là nạn nhân khổ đau của chính ông ta. Có thể trong thời thơ ấu, ông đã chưa bao giờ có cơ hội được chăm sóc và được thương yêu, ông đã bị nhiều vết thương và khi lớn lên, ông đã không có người giúp, không có một bậc thầy, không có được một người bạn chỉ cho ông ta cách nhận diện, chuyển hóa những khổ đau đó cho nên, lớn lên ông đã truyền tất cả những khổ đau của ông cho đứa con. Những đau khổ của người cha hiện giờ, nó đang có mặt trong từng tế bào cơ thể của người con, chúng ta giận cha và chúng ta nói: Tại vì cha đã nói như thế, đã làm như thế, đã tư duy như thế, đã hành xử như thế và chúng ta cương quyết khi lớn lên, chúng ta sẽ không nói như thế, không làm như thế, không tư duy như thế. Nhưng nếu không tu tập thì khi lớn lên chúng ta sẽ hành sử giống y như cha đã từng làm, tại vì chúng ta là sự tiếp nối của cha chúng ta.

Sự can thiệp của một nếp sống tâm linh đạo đức vào đời sống chúng ta rất là quan trọng. Chúng ta nói tới cha, chúng ta nói tới thầy trong bộ ba: Quân, sư, phụ. Phụ là người cha đã sinh ra hình hài của mình. Sư là vị thầy, người sinh ra nếp sống tinh thần, đạo đức, văn minh của mình. Cha, thầy là người trao truyền cho chúng ta. Mỗi người trong chúng ta có hai gia đình, một gia đình huyết thống và một gia đình tâm linh. Chúng ta được tiếp nhận được từ cả hai gia đình sự trao truyền đó. Nếu chúng ta không có sự trao truyền của gia đình tâm linh thì làm sao chúng ta có được những phương tiện để nhận diện được niềm đau nỗi khổ đó? Nếu không biết những phương pháp để quản lý, chuyển hóa được những niềm đau, nỗi khổ thì chúng ta sẽ trao truyền nguyên khối những khổ đau đó cho con chúng ta. Vì vậy, sự can thiệp của một chiều hướng tâm linh và đạo đức rất quan trọng cho mỗi đời người.

Chiều hướng tâm linh đạo đức
Quý vị có nhớ hồi vua Trần Thái Tông 5* hai mươi tuổi, đã bắt đầu có rất nhiều khổ đau rồi. Hoàng hậu Chiêu Thánh mới mười chín tuổi thôi đã bị chê già quá vì chưa có con. Thái sư Trần Thủ Độ rất là nôn nóng, mong cho Lý Chiêu Hoàng có con, để bảo đảm sự tiếp nối của nhà Trần cho nên ông đã buộc vua Trần Thái Tông phải bỏ hoàng hậu Chiêu Hoàng để cưới người chị của hoàng hậu là Thuận Thiên công chúa, vốn đã được gả cho người anh là Trần Liễu. Bắt buộc phải bỏ người yêu để cưới vợ của anh mình đã có mang, Thái Tông rất là đau khổ. Thái Tông bỏ ngôi vua, lên núi Yên Tử, gặp quốc sư Viên Chứng 6* trên đó.Viên Chứng thiền sư dạy Thái Tông là mình vừa có thể vừa làm nhà chính trị mà vừa có thể tu tập được. Nhờ lời dạy đó, Trần Thái Tông trở về làm vua và tìm cách đem nếp sống tâm linh vào trong đời sống hàng mgày của mình.

Trần Thái Tông ngồi thiền, bái sám, tu học từ năm hai mươi tuổi và nhờ vậy đã có khả năng vượt thắng được những khổ đau, những khó khăn của một nhà chính trị và trở thành một ông vua lớn của nhà Trần. Cũng nhờ sự tu tập đó, nhà vua đã cảm hóa được ba đứa con của người anh An Sinh Vương Trần Liễu: Tuệ Trung Thượng Sĩ (một nhà đạo học thâm uyên, một vị thiền sư cư sĩ lỗi lạc, trước đó đã có công giúp triều đình trong việc chống ngoại xâm), Trần Hưng Đạo (em ruột của Tuệ Trung Thượng Sĩ, có công rất lớn trong việc chiến thắng quân Nguyên) và Nguyên Thánh Thiên Cảm (em gái của Tuệ Trung Thượng Sĩ, hoàng hậu của vua Trần Thánh Tông). Sự tu học, đời sống tâm linh của vua Trần Thái Tông đã có thể chuyển hoá được tất cả gia đình và tạo nên sự đoàn kết lớn trong gia đình để thành công như một triều đại lớn trong lịch sử. Nếu không có sự can thiệp của một chiều hướng tâm linh, một chiều hướng đạo đức thì vua Trần Thái Tông đã không có được những yếu tố để thành công như một nhà chính trị lớn.

Chúng ta tiếp nhận cái hình hài này của cha mẹ, đồng thời chúng ta cũng tiếp nhận nếp sống tâm linh đạo đức của một bậc thầy, của một vị huynh trưởng. Mỗi người trong chúng ta nếu muốn có một nếp sống vững chãi về cả hai phương diện thì chúng ta phải có hai gia đình: một gia đình tâm linh và một gia đình huyết thống.

Tưới tẩm hạt giống của thương yêu
Chúng ta đã tiếp nhận những gia tài di truyền của cả hai gia đình tâm linh và huyết thống. Trong đạo Phật chúng ta nghe nói đến những chủng tử, những hạt giống ở trong A lại da thức. Trong đạo Phật, người ta nói đến tâm thức. Tâm thức có nhiều tầng lớp khác nhau, nhưng nói đơn giản thì trong tâm thức có hai phần: phần trên gọi là Ý thức và phần dưới, phần căn bản gọi là Tàng thức 7* hoặc A lại da thức 8* (cất chứa tất cả những hạt giống mà chúng ta tiếp thu được từ các thế hệ trước). Hạt giống, tiếng phạn gọi là Bija 9*, chúng ta có thể nói, tương đương với những cái gen 10* mà chúng ta được tiếp nhận từ các thế hệ trước. Nếu những hạt giống đó có hoàn cảnh thuận tiện thì có cơ hội được phát hiện. Ví dụ như chúng ta có hạt giống của tài năng, như tài năng của một thi sĩ nhưng nếu chúng ta bị đặt vào một hoàn cảnh không thuận lợi thì hạt giống thi sĩ trong ta không có cơ duyên phát hiện được. Trái lại nếu chúng ta được đặt trong hoàn cảnh thuận lợi thì hạt giống của nghệ thuật, của thi ca sẽ được phát hiện và ta có thể trở thành một thi sĩ lớn. Cái đầu gọi là tiên thiên, cái thứ hai gọi là hậu thiên. Tây phương bây giờ họ dùng chữ nature là thiên nhiên, nurture 11* là hoàn cảnh.

Chúng ta có những hạt giống tốt được tổ tiên trao truyền. Chúng ta cũng có những hạt giống xấu cũng của tổ tiên trao truyền lại. Chúng ta có hạt giống của Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo nhưng mà chúng ta cũng có hạt giống của Trần Ích Tắc. Nếu chúng ta ở vào trong môi trường xấu thì hạt giống của Trần Ích Tắc sẽ được tưới tẩm và chúng ta sẽ trở thành người bất trung. Nếu chúng ta được đặt vào trong một hoàn cảnh thuận tiện thì hạt giống của Trần hưng Đạo sẽ được tưới tẩm và chúng ta sẽ trở thành một bậc trung thần, một vị tướng giỏi. Cho nên hoàn cảnh rất quan trọng. Theo tuệ giác này, nếu chúng ta muốn những hạt giống đẹp đẽ nhất, quý giá nhất của tổ tiên mà chúng ta có trong từng tế bào, có cơ duyên để phát hiện thì chúng ta phải cho chúng ta một hoàn cảnh tốt, chúng ta phải cho các con chúng ta một hoàn cảnh tốt. Một kết luận rất khoa học. Nếu con chúng ta đi theo băng đảng, đi vào mê hồn trận của ma túy, sắc dục là tại vì hoàn cảnh đã tưới tẩm những hạt giống tiêu cực trong tế bào cơ thể của chúng nó. Vì vậy vấn đề hoàn cảnh, vấn đề môi trường sinh hoạt rất quan trọng.

Trong một gia đình, nếu cha biết lắng nghe mẹ, mẹ biết làm hạnh phúc cho cha, cha biết chăm sóc mẹ thì em bé lớn lên sẽ học được rất nhiều và những hạt giống của thương yêu sẽ được tưới tẩm. Cha mẹ không nói mình là giáo sư dạy về thương yêu nhưng đích thực là giáo sư dạy về thương yêu. Nhưng nếu trong gia đình, cha làm khổ mẹ, mẹ làm khổ cha và cha mẹ làm khổ con thì những đứa trẻ lớn lên không có niềm tin vào hạnh phúc gia đình và không tin vào tổ tiên. Vì vậy làm thế nào thiết lập lại truyền thông giữa cha với mẹ, làm thế nào để cha mẹ có thể có hạnh phúc với nhau là một công tác căn bản để xây dựng xã hội. Chúng tôi đã từng nói chuyện với người trẻ và họ đồng ý với nhau rằng: Gia tài quý giá nhất mà cha mẹ có thể để lại cho con cháu chính là hạnh phúc của cha và của mẹ. Cha mẹ biết thương nhau, biết làm hạnh phúc cho nhau đó là gia tài lớn nhất mà mình có thể tiếp thu được và tiếng nói đó chúng ta nghe rất rõ từ người trẻ.

Mình là sự tiếp nối của cha mẹ
Quý vị có nhớ hồi chúng ta còn bé, ba tuổi, năm tuổi, thỉnh thoảng chúng ta bị sốt, chúng ta thấy khô cổ, chúng ta thấy khó chịu nhưng khi mẹ đi vào trong phòng và để bàn tay của bà lên trán ta thì chúng ta cảm thấy rất là êm dịu như bàn tay của một bà tiên. Khi lớn lên, mẹ mất rồi, chúng ta có thể có những cơn sốt rất nặng và chúng ta ước ao có được bàn tay của mẹ để lên trán như ngày xưa thì hạnh phúc biết bao nhiêu mà kể. Trong tuệ giác của đạo Phật thì bàn tay của mẹ vẫn còn, tại vì bàn tay của chúng ta là sự tiếp nối của bàn tay mẹ. Trong bàn tay ta, tất cả các tế bào đều chứa đựng mẹ và cố nhiên bàn tay này tuy gọi là bàn tay của ta mà cũng là sự tiếp nối của bàn tay mẹ, cũng là bàn tay mẹ. Nếu có tuệ giác đó thì khi đưa bàn tay lên, chúng ta có ý thức rằng bàn tay này cũng là bàn tay mẹ. Chúng ta đặt bàn tay lên trán và chúng ta thấy rõ ràng là bàn tay mẹ vẫn còn. Mẹ không bao giờ mất là tại vì chúng ta còn đó.

Triết gia Descartes từng nói một câu: Tôi tư duy. Như vậy chứng tỏ là tôi đang có mặt 12*. Đứng về phương diện này tôi thấy rằng câu của tôi nó hợp lý hơn: Mẹ ơi, con biết là mẹ đang còn đó tại vì con đang còn đây. Một sự thật rất khoa học. Mình đang có mặt tức là mẹ đang có mặt tại vì mình là sự tiếp nối của mẹ mình, là sự tiếp nối của cha mình. Bàn tay này, ban đầu mình tưởng là bàn tay của mình, chỉ là bàn tay của mình nhưng nếu quán chiếu cho sâu sắc thì đây cũng là bàn tay của mẹ.

Có một bà mẹ không biết đọc, không biết viết, hôm đứa con qua Hoa Kỳ để gầy dựng sự nghiệp thì bà mẹ có nói một câu. Người con đó đã trở thành một họa sĩ nổi tiếng ở bên Mỹ và chính anh ta đã kể lại câu chuyện cho tôi nghe. Đêm hôm anh ta sắp rời nhà, dưới ngọn đèn dầu lạc mù mờ, hai mẹ con khóc, rồi bà mẹ đã nói như vầy: Này con, khi mà con sang bên đấy, mỗi khi mà con nhớ mẹ, con đưa bàn tay con lên con nhìn thì con sẽ đỡ nhớ mẹ. Bà mẹ quê này chưa bao giờ được học triết học, chưa bao giờ được học khoa học nhưng đã có tuệ giác của tổ tiên ở trong bà, biết rằng con mình là sự tiếp nối của mình và mỗi tế bào của con mình đều chứa đựng mình ở trong đó.

Trong bốn mươi năm giảng dạy đạo Phật ở Tây phương, chúng tôi đã có cơ hội khai thị cho những người trẻ, những người trí thức ở Tây phương thấy được điều đó. Khi giận cha, giận mẹ, tức là mình không thấy được sự thật mình là sự tiếp nối của cha, của mẹ, mình chính là cha, mình chính là mẹ. Nếu quán chiếu cho thật sâu sắc thì mình thấy rằng sở dĩ cha làm như vậy, mẹ làm như vậy, tại vì cha và mẹ đã không có cơ hội gặp được thầy, gặp được bạn để có thể tiếp thu được những giáo lý, những phương pháp, để có thể chuyển hóa được những nỗi khổ niềm đau của mình và do đó đã làm vung vãi những nỗi khổ niềm đau đó xung quanh và trong đó có mình.

Thấy được như vậy rồi thì tự nhiên người con sẽ tha thứ được cho bố, tha thứ được cho mẹ và hết lòng thực tập để có thể chuyển hoá được những nỗi khổ niềm đau ở trong lòng, sau đó sẽ trở về giúp cho bố, giúp cho mẹ. Chúng tôi đã giúp cho hàng ngàn, hàng chục ngàn thanh niên Âu châu và Mỹ châu làm được chuyện đó. Chuyển hóa được những nỗi khổ niềm đau trong họ, những nỗi khổ niềm đau đã được cha mẹ trao truyền và sau đó hòa giải được với cha với mẹ ở trong lòng mình trước khi trở về hòa giải được với cha với mẹ ở bên ngoài. Chuyện đó là chuyện có thể làm được vì có những phương pháp thực tập rất là cụ thể.

Thực tập lắng nghe và ái ngữ.
Trong đạo Phật có hai pháp môn rất là mầu nhiệm là pháp môn Lắng Nghe và pháp môn Ái Ngữ. Khi người con muốn tập đến với người cha bằng phương pháp lắng nghe, người con sẽ nói như thế này: Bố ơi! Con biết là trong những năm qua, bố đã có rất nhiều khó khăn, bố có nhiều bức xúc, có nhiều khổ đau, con đã không giúp được bố mà con lại làm cho tình trạng trở nên tệ hơn. Con xin bố thương con mà đừng buồn. Bây giờ con rất mong được bố nói cho con nghe tất cả những khó khăn, những bức xúc, những tuyệt vọng của bố để con có thể hiểu. Một khi con hiểu rồi, con sẽ không dại dột nói và làm những điều gây đau khổ cho bố. Bố ơi! Bố giúp con đi, con đâu muốn làn cho bố khổ, nhưng tại vì con dại dột, con không biết được những nỗi khổ niềm đau và những khó khăn của bố, vì thế con đã làm cho tình trạng đó tệ hại hơn. Bố giúp con đi! Nói được như vậy gọi là nói bằng lời ái ngữ và khi mình mở được trái tim của người bố thì bố mới bắt đầu chịu nói cho mình nghe những khó khăn, những khổ đau, bức xúc của bố. Trong khi bố nói, mình phải thực tập phương pháp thứ hai là Đế Thính, tức là lắng nghe. Đó là hạnh của Bồ Tát Quán Thế Âm.

Bồ Tát Quán Thế Âm là một người biết lắng nghe. Khi người kia sử dụng ngôn từ có tính cách lên án buộc tội, chua chát và đầy những tri giác sai lầm mà mình vẫn có khả năng lắng nghe thì mình mới là một vị Bồ Tát. Mình lắng nghe với một mục đích duy nhất là cho người kia một cơ hội, để người kia có thể nói ra được tất cả những nỗi khổ niềm đau của họ và đó chính là sự thực tập của Bồ Tát Quán Thế Âm. Dù người kia nói bằng giọng trách móc, chua chát, đầy dẫy những lời buộc tội mà mình vẫn lắng nghe, mình lắng nghe bằng tâm từ bi. Lắng nghe với một mục đích duy nhất là để cho người kia có một cơ hội nói ra tất cả cho nhẹ bớt những niềm đau, nỗi khổ. Đó gọi là Bi Thính, nghe bằng lòng từ bi, nghe để giúp cho người bớt khổ. Hai phương pháp Lắng Nghe và Ái Ngữ là hai phương pháp rất quan trọng. Ái ngữ là khi nói, mình sử dụng ngôn từ như thế nào để mình có thể nói hết được những điều trong trái tim mình, nói mà người kia có thể nghe được, có thể chấp nhận được. Lắng nghe là nghe với tâm từ bi.

Trong những khóa tu mà chúng tôi tổ chức cho những người Tây phương tại các thiền viện Tây phương ở Âu châu hay Mỹ châu thì tất cả mọi người đều phải thực tập, học nắm cho vững những phương pháp đó. Nhờ thế chúng tôi đã giúp cho vô số những cặp cha con, những cặp vợ chồng hòa giải được với nhau bằng những phương pháp thực tập rất cụ thể. Trước hết là luyện tập để chế tác năng lượng của niệm và của định để có thể nhận diện, ôm ấp những nỗi khổ niềm đau của mình. Nhìn sâu vào để thấy những gốc rễ xa gần của những nỗi khổ niềm đau đó. Với tuệ giác không sinh, không diệt, không một không khác thì mình có thể chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau đó. Mình có thể trở về giúp người kia, người kia có thể là chồng mình, vợ mình, cha mình hay là con của mình.

Với phương pháp thực tập ái ngữ và lắng nghe mình thiết lập lại được truyền thông. Sự truyền thông được thiết lập thì cái hiểu và cái thương có thể thiết lập lại được. Chúng tôi mong rằng, nền giáo dục trong tương lai con em chúng ta có được những phương pháp thực tập cụ thể đó. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, thiết lập lại được truyền thông, đem lại hạnh phúc cho gia đình là những chuyện chúng ta có thể làm được. Nó không thuộc về phạm vi của tín ngưỡng, cầu nguyện mà thuộc về phạm vi của tuệ giác, của sự thực tập.

Vấn Đáp

Hỏi: Chúng ta đang sống trong một thời kỳ mà cuộc cách mạng khoa học công nghệ đang phát triển hết sức mạnh mẽ. Nhận thức của con người về các quá trình tự nhiên và xã hội ngày càng sâu sắc, ngày càng đầy đủ và ngày càng mang tính phổ biến hơn. Vậy trong thời kỳ đó, theo Thiền sư, niềm tin tôn giáo vì thế có giảm đi hay không và nếu không thì vì sao? Cũng xin ý kiến của Thiền sư về xu hướng phát triển của tôn giáo trong tương lai sẽ như thế nào khi nhân loại ngày càng bước sâu hơn vào nền văn minh?

Thiền sư Nhất Hạnh: 
Sự hành trì đó là mê tín hay không mê tín, tùy theo cách mà chúng ta thực tập. Trong nhà của chúng ta, thường thiết lập bàn thờ tổ tiên vào vị trí trung ương vì chúng ta muốn tôn vinh tổ tiên. Dù cho nhà của chúng ta là nhà tranh vách nứa thì chúng ta cũng đặt bàn thờ tổ tiên vào vị trí trung ương. Điều đó chứng tỏ rằng chúng có niềm tin nơi tổ tiên, giai đoạn này rất là quan trọng. Sự kiện thiết lập một bàn thờ tổ tiên trong nhà là một hành động giáo dục rồi. Có thể coi như là một cái gì rất khoa học mà không phải mê tín.

Nếu mình công nhận rằng cây có cội, nước có nguồn thì đó là một niềm tin rất khoa học. Có gì là mê tín đâu?  Vì bàn thờ tổ tiên biểu trưng cho niềm tin đó. Chúng ta có gốc, có nguồn và chúng ta đã tiếp nhận được những giá trị lớn lao từ gốc, từ nguồn của chúng ta. Sự có mặt của bàn thờ tổ tiên trong nhà không phải là dấu hiệu mê tín gì hết. Những người không hề theo đạo Phật, những người Cơ đốc giáo hoặc những người cộng sản cũng có thể làm như vậy. Trong nhà của mình mà có một bàn thờ tổ tiên thì điều đó chứng tỏ rằng mình có gốc, có nguồn và mình luôn luôn hướng về cội nguồn của mình. Điều này rất đẹp, đó là văn hóa chứ không phải là tôn giáo, không phải là mê tín.

Mỗi ngày mình tới bàn thờ tổ tiên, lấy miếng vải để lau bụi, hay là đốt một cây hương để cắm vào lư hương, hành động đó có người cho là mê tín nhưng theo tôi, rất là khoa học, tại vì trong thời gian đốt cây hương thì mình có cơ hội tiếp xúc được với tổ tiên trong từng tế bào cơ thể mình. Nếu chúng ta tin rằng tổ tiên đang ngồi trên bàn thờ và đợi chúng ta đốt một cây hương cho quý ngài thì đó là mê tín nhưng chúng ta biết rằng tổ tiên không ngồi trên bàn thờ. Bàn thờ chỉ là một biểu tượng cũng như một lá cờ, lá cờ không phải là đất nước, chỉ là biểu tượng thôi. Bàn thờ cũng vậy, trong khi chúng ta đốt một cây hương, chúng ta phải sử dụng năng lượng của niệm của định và của tuệ thì hành động đốt hương đó mới có giá trị. Đó là giá trị tâm linh và rất khoa học.

Thầy tôi dạy rằng: Mỗi khi con đốt một cây hương, con phải đem hết cả sự thành tâm vào trong việc đốt hương. Làm thế nào trong khi đốt hương có năng lượng của niệm, của định, của tuệ. Niệm là năng lượng của sự có mặt hoàn toàn của thân và tâm. Khi mà thân và tâm của mình về lại với nhau, mình thật sự có mặt trong giây phút hiện tại thì đó gọi là năng lượng của niệm. Khi mình có sự chuyên chú vào hành động đó mà không suy nghĩ về quá khứ, không suy nghĩ về tương lai, không suy nghĩ về bất cứ một cái gì khác nữa thì đó là năng lượng của định.

Trong khi đốt một cây hương chúng ta làm thế nào đốt cây hương để năng lượng của niệm và của định có mặt, nghĩa là chúng ta có mặt, thân và tâm phải có mặt đích thực trong giây phút hiện tại và ta phải chuyên chú vào việc đốt hương thì đó là điều kiện để có sự truyền thông. Trong thời gian đốt hương và cắm cây hương lên bàn thờ thì ta có niệm và có định, chính cái niệm và định đó giúp ta tiếp xúc được với tổ tiên hiện đang có mặt trong từng tế bào cơ thể. Theo tôi đó là một hành động rất khoa học, nó không có cái gì mê tín hết.

Cũng như khi chúng ta chào một lá cờ. Có mê tín gì đâu? Lá cờ đó tuy chỉ là một miếng vải thôi nhưng biểu trưng cho đất nước. Nếu nói là thắp cây hương mê tín thì chào cờ cũng là mê tín. Vì vậy tùy theo nhận thức của chúng ta mà thôi. Như tôi đã nói, tôn giáo có phần hy vọng, có phần cầu nguyện nhưng đạo Phật không phải chỉ là một tôn giáo, đạo Phật là tuệ giác và tuệ giác đó có thể đem lại hạnh phúc cho chúng ta ngay trong giây phút hiện tại.

Như phương pháp thiền hành, gọi là thiền đi, chúng tôi thực tập mỗi ngày. Khi chúng tôi đem tâm về với thân, có mặt thật sự trong giây phút hiện tại thì chúng tôi tiếp xúc được ngay với bao nhiêu là mầu nhiệm của sự sống đang có mặt: Trời xanh, mây trắng, chim hót, thông reo, hoa nở... Tất cả những cái mầu nhiệm đó của sự sống có mặt trong giây phút hiện tại và ta phải trở về giây phút hiện tại mới có thể tiếp xúc với những mầu nhiệm đó của sự sống. Những mầu nhiệm đó sẽ nuôi dưỡng ta và làm cho chúng ta thấy rằng sự sống là một cái gì hết sức mầu nhiệm. Đi thiền hành (walking meditation) là đem tâm thân về với nhau, mỗi bước chân đưa ta trở về với giây phút hiện tại để ta có thể tiếp xúc được với những mầu nhiệm sự sống. Mỗi bước chân đem lại vững chãi, thảnh thơi, hạnh phúc và chúng ta bước như là đang bước ở cõi Tịnh Độ hay là ở cõi Thiên Đường.

Tôn giáo hay diễn giải rằng Thiên Quốc hay Thiên Đường chỉ nằm ở tương lai và nằm ở chỗ khác. Nhưng mà theo tuệ giác của đạo Phật thì cõi gọi là Tịnh Độ, gọi là Niết Bàn có mặt ngay trong giờ phút hiện tại với tất cả những mầu nhiệm của nó. Khi mình đem tâm trở về với thân và mình có mặt đích thực trong giây phút hiện tại thì mình tiếp xúc được với tất cả những mầu nhiệm của Niết Bàn, của Tịnh Độ và mỗi bước chân mình đặt vào Tịnh Độ (mà không đặt ra ngoài). Vì vậy thiền hành nghĩa là thực tập sống hạnh phúc, sống vững chãi, sống thảnh thơi và sống tự do trong giây phút hiện tại. Phần lớn chúng ta đều tin rằng hạnh phúc chỉ có thể có được trong tương lai cho nên ai cũng bương bã đi tìm hạnh phúc trong tương lai. Chúng ta nghĩ rằng những điều kiện hạnh phúc chưa đủ, chúng ta cần một vài điều kiện nữa và những điều kiện đó chúng ta phải đi tìm ở tương lai. Hầu hết chúng ta đều hy sinh giây phút hiện tại để đi tìm hạnh phúc trong tương lai. Đó là lầm lỗi căn bản.

Đức Phật nói rằng chúng ta có thể sống hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại, đó gọi là Hiện Pháp Lạc Trú. Hiện pháp tức là giây phút hiện tại, lạc trú là sống hạnh phúc. Đem tâm trở về với thân và có mặt thật sự trong giây phút hiện tại, khi đó ta  tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống trong giây phút hiện tại. Ta sẽ thấy rằng những điều kiện hạnh phúc ta đang có, dư sức để có thể có hạnh phúc trong giây phút hiện tại. Ví dụ như quý vị thực tập thế này: 

Thở vào tôi có đôi mắt sáng, 
Thở ra tôi mỉm cười vì hai con mắt sáng của tôi.

Hai con mắt sáng là điều kiện rất lớn của hạnh phúc vì chỉ cần mở mắt ra là ta thấy trời xanh mây trắng, thấy rõ cái khuôn mặt dễ thương của đứa con mình. Tôi cũng có thể ý thức là mình đang có một trái tim còn tốt, nó đang hoạt động bình thường. Bởi vì có những người có trái tim không bình thường và họ đang mong ước có trái tim bình thường như chúng ta. Chúng ta có rất nhiều điều kiện của hạnh phúc, nếu chúng ta trở về giây phút hiện tại, tiếp xúc với điều kiện của hạnh phúc thì chúng ta hạnh phúc liền lập tức và chúng ta không cần đi tìm cầu những điều kiện khác của hạnh phúc.

Tôi xin đề nghị, quý vị lấy một tờ giấy, viết xuống những điều kiện may mắn mà quý đang có, điều kiện hạnh phúc mà quý vị đang có, quý vị sẽ thấy rằng hai trang giấy không đủ để quý vị ghi xuống những điều kiện hạnh phúc mà quý vị đang có. Vì vậy phương pháp của Đức Phật rất nhiệm mầu: đừng nuối tiếc quá khứ, đừng tưởng tới tương lai, quá khứ đã không còn, tương lai thì chưa tới. Đó là lời của Đức Thế Tôn. Người thức giả trở về giây phút hiện tại, nhận diện được rằng, trong giây phút hiện tại mình có quá nhiều những điều kiện hạnh phúc và mình có thể có hạnh phúc được liền lập tức.

Niết Bàn cũng như Tịnh Độ, mình có thể tiếp xúc được ngay trong giây phút hiện tại. Tại sao phải đợi chờ nữa? Hầu hết chúng ta đều mê tín rằng trong giây phút hiện tại chúng ta chưa hạnh phúc được. Hạnh phúc là phải đi kiếm ở tương lai một vài điều kiện nữa cho nên chúng ta phải hy sinh giây phút hiện tại. Theo tuệ giác của đức Thế Tôn thì sự sống chỉ có mặt trong giây phút hiện tại: Quá khứ đã không còn, tương lai thì chưa tới, muốn ước hẹn với sự sống phải trở về với giây phút hiện tại. Một hơi thở có ý thức, một bước chân có ý thức, giúp cho chúng ta đem tâm trở về với thân và có mặt đích thực trong giây phút hiện tại. Đó là sự thật đầu tiên của những người giác ngộ mà tất cả quý vị đều có thể làm được. Không có tuệ giác, có thể cho đó là mê tín nhưng khi có tuệ giác rồi thì đó là một sự thật rất khoa học. Chúng ta đừng bị hình tướng bên ngoài đánh lừa. Trong Kinh Kim Cương có nói rằng: Chỗ nào có hình tướng là chỗ đó có sự đánh lừa 13*. Chỉ có tuệ giác mới giúp chúng ta được tự do và giúp chúng ta không bị đánh lừa bởi hình tướng đó.

Nhà bác học Einstein có nói rằng: Nếu có một tôn giáo nó có thể đi đôi được với khoa học thì tôn giáo đó là Phật giáo. Chúng tôi thấy rằng khi chúng ta học khoa học cho đến nơi đến chốn thì chúng ta có thể hiểu Phật giáo sâu sắc hơn. Ví dụ như khi đọc Kinh Hoa Nghiêm, quý vị sẽ thấy quan điểm: Một là tất cả, tất cả là một (nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất) 14*. Bây giờ chúng ta nhìn vào khoa sinh vật học chúng ta thấy khoa học bây giờ có khả năng lấy một tế bào trong cơ thể và làm ra một cơ thể khác y hệt như tế bào cha, đó gọi là cloning. Trong cơ thể chúng ta có hai loại tế bào, tế bào mầm và tế bào sinh dưỡng. Chúng ta lấy bất cứ một tế bào sinh dưỡng nào, rồi ta bỏ đói nó chừng hai ba ngày thì nó sẽ trở thành một tế bào mầm và khi đó chúng ta lấy một cái trứng trong buồng trứng của một phụ nữ, nạo hết cái nội dung ra, rồi chúng ta đặt tế bào mầm này vào trong cái vỏ trứng đó và chúng ta cho một luồng điện đi ngang qua thì nó khép lại. Chúng ta gửi cái trứng đó vào trong tử cung của một người phụ nữ để nuôi, sau chín tháng thì đứa con được sinh ra, nó là một bản sao y hệt của tế bào cha.

Sinh sản như thế gọi là sinh sản theo dòng vô tính. Nếu chúng ta lấy ra một ngàn tế bào thì chúng ta có thể làm ra một ngàn đứa bé. Gia tài di truyền đó đồng nhất với gia tài di truyền của người gốc. Chúng ta thấy rất rõ mỗi tế bào của cơ thể nó chứa đựng tất cả những tế bào khác, chỉ cần bất cứ một tế bào nào trong cơ thể thì chúng ta có thể làm một con người toàn vẹn. Điều đó chứng minh: Cái một chứa đựng cái tất cả. Chúng ta đã từng nghe rằng, mỗi tế bào của chúng ta chứa đựng tất cả những dữ kiện, tất cả những gia sản di truyền của tất cả các thế hệ cha ông của chúng ta. Nếu có một máy đọc tinh vi chúng ta có thể có đủ những dữ kiện về các thế hệ của tổ tiên chúng ta, tất cả những dữ kiện đó chỉ cần nhìn trong một tế bào. Vì vậy giáo lý Hoa Nghiêm gọi cái một chứa đựng tất cả, nó đã được khoa học hiện giờ chứng minh, xác định được. Điều đó cho ta thấy tôn giáo không có nghĩa là trái, chống với khoa học kỷ thuật.

Tôi đã từng giảng dạy trong những đại hội của người Cơ đốc giáo và tôi đã khuyến cáo, đã khuyên những nhà thần học nên hiện đại hóa cách giảng dạy và cách thực tập. Tôi nói rằng: Cái mà quý vị gọi là Thiên Quốc, có thể có mặt ngay trong giây phút hiện tại. Đó là tôi căn cứ trên truyền thống đạo Phật. Những mầu nhiệm của sự sống chúng ta có thể tiếp xúc được trong giây phút hiện tại. Tôi có nói rằng, anh không cần phải chết đi mới đi vào Thiên Quốc được mà theo nguyên tắc, anh sống anh mới có thể đi vào trong Thiên Quốc. Với năng lượng của niệm, của định, anh bước một bước, anh có thể đi vào trong Thiên Quốc ngay trong giây phút hiện tại. Các nhà lãnh đạo Cơ đốc giáo nếu muốn cho người thanh niên, những người trẻ không bỏ nhà thờ đi như họ đã và đang làm thì phải cung cấp giáo lý và sự thực tập nào đó để giúp cho người đương thời có thể tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống trong giây phút hiện tại để có được Thiên Quốc ngay bây giờ và ở đây thì thanh niên họ mới không đi tìm hạnh phúc ở chiều hướng của ma túy, của danh lợi, của quyền hành, của sắc dục.

Ở trong thánh kinh có nói về một câu chuyện của một người nông dân khám phá ra được một kho tàng trong một thửa ruộng, rồi về bán hết tất cả mọi thứ khác của mình để mua cho được cái thửa ruộng đó, tại vì anh thấy thửa ruộng đó là quý giá nhất. Ở đây cũng vậy, khi khám phá ra tất cả những mầu nhiệm của sự sống, khám phá ra Tịnh Độ và Niết Bàn là những gì có mặt ngay trong phút hiện tại thì mình có thể buông bỏ tất cả những cái khác như danh vọng, sắc dục và uy quyền. Nếu chúng ta có thể cung cấp được những giáo lý và phương pháp thực tập giúp cho con người sống được hạnh phúc trong giây phút hiện tại, có cơ hội chế tác trí tuệ và tình thương, khi đó hạnh phúc lớn lắm thì mình có thể buông bỏ được tất cả những đối tượng của tham đắm, của quyền hành và của dục vọng. Có những vị lãnh đạo của Cơ Đốc giáo thấy được giá trị của sự thực tập đó và họ đã đi theo.

Tôi nghĩ, nó tùy thuộc theo cách mình thấy mà thôi, cái đó có thể là tôn giáo, là mê tín nhưng nếu mình có thể có một nhận thức sâu sắc hơn nhờ có tuệ giác thì mình biết đó là một thực tại hiện thực và rất khoa học. Cũng như là khi tôi nói với những người Tây phương về bàn thờ ông Địa ở Việt Nam. Mỗi khi chúng ta đến đất mới chúng ta phải cúng đất đai. Tôi giải thích cho các bạn Tây phương rằng trong văn hoá Việt Nam khi đến một vùng đất mới, chúng tôi phải chứng tỏ sự cung kính, muốn hòa bình với vùng đất đó thì chúng tôi thiết lập bàn thờ ông Địa và cam kết rằng mình sẽ sống như thế nào để tôn trọng, để bảo tồn được đất và nước ở vùng đó. Bàn thờ ông Địa này không phải là mê tín mà là một hành động cam kết sẽ tôn trọng sinh môi, sẽ không để cho vùng này bị ô nhiễm, bị phá hoại.

Người Tây phương và thế hệ trẻ ngày nay họ chấp nhận một cách rất trân quý việc thiết lập bàn thờ ông Địa. Ban đầu quý vị có thể nói rằng thờ ông Địa là một hành động mê tín nhưng nếu chúng ta chuyển hướng nhận thức của chúng ta thì thờ ông Địa là một hành động rất hiện đại, một lối sống rất đẹp đẽ và rất ý nghĩa. Vậy ông Địa là gì? Là sự có mặt của tinh thần trách nhiệm, là sự tôn trọng sinh môi, hoàn cảnh mà chúng ta đang sống. Đời nay, phần đông chúng ta đang đi ngược lại lối sống đẹp đẽ đó, chúng ta đang phá hoại môi sinh của chúng ta, đang làm ô nhiễm môi sinh của chúng ta và như vậy chúng ta đang không thờ ông Địa.

Thờ ông Địa là phải kính trọng đất nước và hoàn cảnh trong đó mình sống. Mình phá rừng, mình làm cho ô nhiễm sông hồ tức là mình không có niềm kính trọng đó. Tổ tiên chúng ta thiết lập bàn thờ ông Địa nghĩa là tổ tiên chúng ta đã có ý muốn tôn trọng sinh môi, muốn giữ gìn vùng đất, nước và những khu rừng này. Thành ra tùy theo cách mình nhìn, cái đó là cái gì rất mê tín hay là cái gì rất khoa học, tất cả đều do tâm của mình, tất cả đều do nhận thức của mình hết.

Hỏi: 
Khi nói đến đạo Phật là nói đến sự giác ngộ, đến tuệ giác, đến trí tuệ. Điều ấy có nghĩa là đạo Phật không chấp nhận những vấn đề mê tín dị đoan. Vậy thì theo Thiền sư hiện nay chúng ta có cách nào tốt nhất để khắc phục hiện tượng mê tín dị đoan trong chùa, trong lễ hội và kể cả trong thờ cúng tổ tiên.


Thiền sư Nhất Hạnh: Câu hỏi này quan trọng lắm, thuộc về vấn đề giáo dục. Cái mê tín hôm nay có thể trở thành cái không mê tín của ngày mai. Trước hết, khi đi vào chùa thấy tượng Phật, mình thắp hương, mình vái, mình xá tượng Phật, đó cũng có thể là mê tín rồi. Theo tuệ giác của đạo Phật, Phật tức là khả năng hiểu và thương, đại từ, đại trí, đại bi, còn cái tượng kia đâu phải là Phật mà chỉ là một biểu tượng, một cái gì bằng đồng thôi. Thường những người mới bắt đầu thực tập nghĩ rằng Phật ở ngoài mình nhưng nếu thực tập cho giỏi và có người hướng dẫn đàng hoàng thì trong một thời gian ngắn sẽ thấy Phật nằm ở trong tâm. Nhưng mà luôn luôn phải bắt đầu, bằng chỗ mới bắt đầu. Ban đầu thấy Phật ở ngoài, ở trên bàn thờ, rồi sau đó mới thấy Phật ở trong tâm thì đối với những người kia cũng vậy.

Chúng ta biết rằng khi mà chúng ta có bàn thờ tổ tiên, chúng ta phải thắp hương và thắp hương như vậy không có nghĩa là tổ tiên ngồi trên bàn thờ. Khi chúng ta thắp hương như vậy, chúng ta có cơ hội tiếp xúc với tổ tiên ở trong từng tế bào của cơ thể. Cái đó rất khoa học nhưng người ta nhìn vào có thể thấy đó như là mê tín. Chúng ta biết rằng theo truyền thống văn hóa chúng ta thì tổ tiên chúng ta có quyền biết được những gì đang xẩy ra cho con cháu. Khi gả con gái cho một anh chàng ở bên làng bên thì chúng ta phải cáo với tổ tiên, làm mâm cúng hoặc trái cây hoặc cái gì đó. Chúng ta phải thắp hương và khấn: Xin cáo với tổ tiên là chúng con mới vừa hứa gả con gái cho cái anh chàng ở bên làng bên. Theo truyền thống, tổ tiên phải được biết điều đó. Khi khấn như vậy tức là chúng ta nói với tổ tiên ở trong tế bào cơ thể, chứ không phải tổ tiên đang ngồi trên bàn thờ như là một thực tại ở ngoài. Ở ngoài hay trong là tùy theo trình độ, kiến thức, tuệ giác của từng người mà thôi. Có những người họ chưa đạt tới cái thấy như vậy, chúng ta phải tìm cách để đưa họ đi từ từ, từ chỗ thấp đến chỗ cao, chứ đừng vội nói với họ cái đó là mê tín.

Ví dụ như tục đốt vàng mã, áo quần bằng giấy cho người chết, chúng ta có thể nói đó là mê tín, vì làm thế nào để đốt cái áo đó rồi gởi xuống một cõi khác mà người ta có thể mặc được? Nhưng chúng ta phải thấy giá trị văn hóa ở trong hành động đó. Chúng ta phải thấy rằng niềm tiếc thương của mình đối với người chết, đối với người đã khuất khiến mình biểu lộ tình thương đó dưới những hình thức này hay hình thức kia, trong đó có hình thức cúng tiền giấy và cúng áo quần giấy. Tôi có viết đoản văn Bông Hồng Cài Áo, nói về tình mẹ, tình cha. Tôi nói với những người trẻ rằng: Đến ngày rằm tháng bảy, mình có thể in tập này ra và tổ chức những buổi lễ Bông Hồng Cài Áo.

Những buổi lễ Bông Hồng Cài Áo của chúng tôi tổ chức như thế này: Người nào còn mẹ được cài bông hoa màu hồng còn những người nào mất mẹ được cài một bông hoa màu trắng. Khi được cài một bông hoa màu hồng thì mình rất hãnh diện vì mình còn có mẹ và hạnh phúc của mình rất lớn. Còn khi được cài một bông hoa màu trắng thì mình ý thức rằng tuy mẹ của mình đã mất rồi nhưng mình có cơ hội để nhớ mẹ. Buổi lễ đó gọi là lễ Bông Hồng Cài Áo, phát xuất từ một đoản văn của chúng tôi viết tại Princeton năm 1962 và đã thành một truyền thống rồi. Hiện giờ ở các nước, nhất là ở Việt Nam đang thực tập lễ đó. Khi thực tập như vậy, chúng ta có cách thức biểu lộ tình thương của chúng ta một cách hiện đại hơn mà chúng ta khỏi phải đi mua giấy tiền vàng bạc gì cả. Cả hai đều có giá trị văn hóa là tưởng nhớ đến người thương. Một bên tổ chức cái lễ rất là trẻ, rất là văn nghệ, rất là hay còn bên kia phải đi mua giấy vàng bạc, mướn người làm áo quần bằng giấy để đốt. Chúng ta phải nhớ rằng cả hai đều có giá trị văn hóa. Nếu chưa tìm ra được những phương tiện khác để biểu lộ được tình cảm đó thì chúng ta chớ vội chấm dứt cái kia. Khi tổ chức được lễ Bông Hồng Cài Áo rồi thì chúng ta có thể khuyên rằng thay vì đốt tiền giấy với vàng mã, chúng ta làm cái lễ này. Nhưng các bạn nên nhớ, khi chưa cống hiến được cho họ những phương tiện để biểu lộ thứ tình cảm cao đẹp đó thì chúng ta đừng chấm dứt những cái kia. Chính những cái kia nuôi dưỡng được tình nghĩa, tuy là mê tín nhưng có giá trị văn hóa ở trong đó. Chúng ta phải rất cẩn thận mới được, nếu không, chúng ta chấm dứt truyền thống ân nghĩa của chúng ta thì đó là một thiệt thòi lớn. Nói đến vấn đề giáo dục quần chúng cho khéo thì chúng ta phải giúp cho người ta đi từ chỗ thấp đến chỗ cao từ từ.

Nhân đây tôi xin nói một câu chuyện vui là, trong thiền học có câu như thế này: Trước khi tôi tu thiền thì tôi thấy núi là núi, sông là sông. Trong khi tôi tu thiền, tôi thấy núi không là núi nữa, sông không là sông nữa. Sau khi tôi tu đã tạm vững rồi, tôi thấy núi lại là núi, sông lại là sông 15*. Câu nói đó rất là ngộ nghĩnh, nó là biện chứng pháp của Phật học, của thiền học. Vì sao? Khi nhìn vào đứa con và mình nói đây là đứa con tức là mình chưa thấy được đứa con. Nếu nhìn vào đứa con, mình thấy người cha trong đứa con thì lúc đó mình bắt đầu thấy được đứa con. Cũng như khi nhìn vào đám mây mà chỉ thấy mây là đám mây thôi thì chưa chắc mình đã thấy được đám mây. Nhìn vào đám mây, phải thấy được nước sông, nước hồ và sức nóng của mặt trời thì mới bắt đầu thấy được đám mây. Nhìn vào đám mây, thấy được cơn mưa, lúc đó mình mới thấy được đám mây sâu sắc hơn vì mình đã nhìn bằng con mắt vô tướng. Ở trong Kinh Kim Cương có những câu không thể hiểu được, nếu không đặt câu đó dưới ánh sáng của biện chứng pháp Phật giáo: Cái mà tôi gọi là vị Bồ Tát, đó không phải là vị Bồ Tát thì mới thật sự là một vị Bồ Tát. Khi nhìn vào sông, thấy núi ở trong đó mới thấy sông một cách đích thực. Khi nhìn vào núi thấy sông ở trong núi, lúc đó mới thấy núi một cách đích thực. Khi nhìn vào đứa con mà thấy người cha trong đó, lúc đó mới thấy đứa con được rõ ràng và thấy được cái tự tính của đứa con.

Khi nhìn vào kẻ thù mà thấy được người bạn, một người bạn tương lai vì trong kẻ thù đó có thể có hạt giống của người bạn và nếu mình có thể tưới tẩm hạt giống người bạn ở trong người kẻ thù kia, kẻ thù kia sẽ tan biến để mình có một người bạn. Cái đó rất là mầu nhiệm. Một đứa con hư thường mình chỉ thấy cái hư của nó thôi chớ không thấy được cái tốt của đứa con nhưng nếu mình biết cách tưới tẩm hạt giống tốt trong nó thì từ một đứa con hư sẽ trở thành một đứa con tốt.

Vì vậy nguyên tắc đồng nhất 16* là trở ngại rất lớn cho nhận thức của chúng ta. Khi chúng ta đưa ra một nhận xét, nhận xét đó có thể gọi là chính đề. Chúng ta nhìn cho kỹ thì có sự mâu thuẫn trong chính đề đó, tức là phản đề. Chính phản đề đó giúp cho chúng ta thấy chính đề rõ ràng hơn trong hình thái tổng hợp đề đó, cứ như vậy, chúng ta càng thấy được sâu hơn trong bản chất của sự thật. Mâu thuẫn dẫn đạo sự đi tới là như vậy. Trong cái A có thể thấy được cái phi A, cho nên chúng ta thấy được chiều sâu của cái A, chúng ta không có bị kẹt vào cái tướng. Con mắt vô tướng là như vậy.

Hỏi: 
Xin hỏi về hai khái niệm của Phật giáo, khái niệm thứ nhất về vô thường, khái niệm thứ hai là vô ngã trong câu nói: Chư hành vô thường, chư pháp vô ngã. Mong thiền sư giải đáp dùm.

Thiền sư Nhất Hạnh: 
Vô thường, vô ngã hai cái là một. Đứng về phương diện thời gian mà nhìn thì đó là vô thường. Đứng về phương diện không gian mà nhìn thì đó là vô ngã. Khi nhìn đứa con, mình nghĩ đứa con là một thực tại độc lập đối với người cha, đứa con là khác, người cha là khác thì mình chưa thấy được tính vô ngã của đứa con. Khi nhìn người cha mà không thấy đứa con là mình thì chưa thấy được tính vô ngã của người cha, mình bị kẹt vào ý niệm, đứa con là một thực tại hoàn toàn riêng biệt.

Mình biết rất rõ, theo khoa học, đứa con là sự tiếp nối của người cha, đứa con không là một thực tại riêng biệt đối với người cha, đó là vô ngã mà vô ngã là vô thường. Cũng như hạt bắp biến chuyển thành ra cây bắp. Người cha tiếp tục biến chuyển thành ra đứa con và đứa con mang người cha đi tới. Thành ra nhìn vào đứa con mình thấy được vô thường, thấy được vô ngã. Ngã tức là một thực tại bất biến, độc lập. Trong khi quan sát, chúng ta không thấy một cái gì có một cái ngã, có một thực tại bất biến độc lập. Cho nên nếu ta nói hạt bắp năm xưa với cây bắp bây giờ là hai thực tại độc lập, hoàn toàn riêng biệt là chúng ta chưa thấy tính vô ngã của hạt bắp, của cả cây bắp. Vì vậy vô ngã là một sự thật. Đứng về phương diện vật lý cũng như đứng về phương diện tâm lý, vô ngã, tại vì nó vô thường, vì vô thường cho nên nó vô ngã. tia chun sat5u

Phát biểu của một thành viên Hội Đồng Tư Vấn Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc

Tôi nghiên cứu về triết học nói chung và đặc biệt về triết học Mác xít. Hôm nay sau lúc nghe Thiền Sư trình bày một số vấn đề, tôi rất là thú vị và tôi mong ước: Ở trong xã hội Việt Nam chúng ta, làm sao cho những vấn đề thuộc về mặt thế giới quan, nhân sinh quan, chúng ta có thể thiết lập được một sự đối thoại thoải mái, bình đẳng, tin cậy nhau giữa những người Mác xít và những người có niềm tin tôn giáo, ví dụ như là Phật giáo. Thiền sư cũng thừa nhận rằng trong Phật giáo cũng có phần tôn giáo, đồng thời nói về mặt triết lý, nói về mặt nhân sinh có rất nhiều nhận thức sâu sắc mà Thiền sư đã trình bày. Tôi thấy cần tạo điều kiện để tổ chức những cuộc đối thoại như hôm nay bởi vì chính Thiền sư trong lúc trình bày cũng không phải chỉ nói đơn thuần về những điều trong Phật giáo, Thiền sư cũng đã vận dụng cả những kiến thức văn hóa Tây phương ví dụ như thiền sư nói đến những là Lavoisier, Descartes và nói đến những thành tựu rất mới, rất hiện đại của sự phát triển khoa học hiện nay. Có điều thú vị là nhiều môn khoa học hiện nay chứng minh rằng những cái thấy của thời đại rất là xa xưa, những cái thấy đó mình cho là rất lý thuyết. Nhưng lạ thay với khoa học thực tiển mà chúng ta đang sống, chính nó đã chứng minh cho chúng ta thấy rằng chúng ta không thể xem thường những giá trị đã định hướng cho sự nhận thức những lý thuyết xa xưa.

Hiện nay, tôi cũng vẫn tiếp tục giữ niềm tin Mác xít của mình và theo tôi nghiên cứu về chúng trong lịch sử phát triển của học thuyết Marx, không phải lúc nào Marx cũng đúng, không phải là Marx không có những cái sai lầm. Vì vậy, bây giờ tuy tôi giữ rất vững niềm tin Mác xít của tôi, tôi vẫn nói, chúng tôi, những người Mác xít Việt theo thời đại mới này và theo quan điểm của Đảng Cộng Sản Việt Nam, những người Mác xít Việt Nam đang làm một cuộc nhận thức lại, một cuộc đổi mới trong đó có phần đổi mới tư duy của mình. Trong cái đổi mới tư duy đó, có phần đổi mới tư duy về vấn đề tôn giáo. Bởi vì, tôi nói một cách thẳng thắn, những người Mác xít đã từng có lúc hiểu rất sai về tôn giáo và vì thế mà người Mác xít, vốn vẫn tự cho mình là chủ nghĩa vô thần, chiến đấu một cách sai lầm chống tôn giáo. Những điều đó đã đưa đến hậu quả không phải là ít đâu. Chúng tôi phải công khai thừa nhận. Bây giờ nói với các tôn giáo, chúng tôi không còn nói nó có nhiều mặt tiêu cực, mặt vô bổ. Chúng tôi phải nói, nó có những mặt tích cực, có giá trị quý báu, trong đó, ví dụ như những cái mà hôm nay thiền sư trình bày. Thiền sư nói nhiều về tuệ giác, nhận thức quý báu về văn hóa và về đạo đức. Đường lối của đảng Cộng Sản Việt Nam bây giờ đã khẳng định những giá trị ấy về tôn giáo và muốn làm sao xây dựng cái nền văn hóa Việt Nam mới trong đó phải bao gồm tất cả những yếu tố tinh hoa tích cực trong bất cứ những trào lưu tư tưởng hay lý thuyết nào đã từng có trong lịch sử. Đó là một điều rất thú vị. Tôi mong rằng, có nhiều cuộc đối thoại như thế nầy trên tinh thần cởi mở như hôm nay, tin cậy thẳng thắn như hôm nay vì sự nghiệp của đất nước và vì hạnh phúc dân tộc của chúng ta. Điều đó nếu được hiểu biết đúng đắn, cởi mở và khoan dung. Khoan dung theo tôi hiểu, không phải là ai đấy đứng bên trên và nói là tôi khoan dung với anh đâu! Khoan dung đây tức là tôn trọng nhau, bình đẳng lắng nghe nhau để có thể nói chuyện được với nhau. Nếu được như vậy thì rất bổ ích.

Điều thứ hai tôi cũng muốn nêu với Thiền sư như thế nầy, chúng ta bây giờ là đang tọa đàm, tôi thấy nói về tuệ giác như thiền sư nói đó, chủ yếu là nói những vấn đề nhận thức về cái tâm của mình. Các cái đó thì cực kỳ quan trọng, cái sức mạnh ấy ghê gớm lắm. Nhưng vốn là một người Mác xít, tôi thấy như thế này, có thể nếu nói như Thiền sư, có phải là ta đang tuyệt đối hóa vai trò của nội tâm và vai trò của tu dưỡng, sức mạnh bên trong của mình chăng? Theo người Mác xít và theo kinh nghiệm của tôi, tôi thấy như thế này: Sức mạnh tâm linh, sức mạnh của tinh thần là sức mạnh có một giá trị không thể tưởng tượng, không thể lường được, có thể nói chúng ta đánh thắng Pháp, thắng Mỹ là nhờ cái sức mạnh tinh thần ấy. Ta không thể nói chủ yếu là từ yếu tố vật chất. Đành rằng vật chất cũng phải có nhưng mà sức mạnh tinh thần là cái sức mạnh đầu tiên, đó là sức mạnh vô địch của dân tộc chúng ta. Nhưng mà mặt khác, tôi nghĩ như thế này, cũng không thể chỉ tuyệt đối hóa cái yếu tố ấy. Chúng ta phải nhận thức cái nội tâm của chúng ta nhưng chúng ta cũng phải nhận thức cái thế giới bên ngoài. Cho nên vấn đề mà ta gọi nôm na như thế này, vấn đề trời và đất, vấn đề đạo và đời, vấn đề bản thân chúng ta và hoàn cảnh khách quan, những chuyện đó là những chuyện nó cần một quan điểm như thế nào cho toàn diện và tổng thể hơn. Mà thực ra quan niệm tổng thể như vậy, trong cách trình bầy của Thiền sư về tuệ giác nó cũng bao gồm chuyện đó. Có thể nói là Thiền sư đã nói về có và không, ví dụ như Thiền sư nói trong con có cha mẹ cái đó nó cũng phù hợp với cái ở bên Mác xít gọi là phép biện chứng. Phép biện chứng nói đến sự bất tận không bao giờ có sự bắt đầu, không bao giờ có cái chỗ kết thúc. Nhưng mà đồng thời tôi muốn nói đến cái sức mạnh tâm linh.

Trước đây, tôi là một người Mác xít, chỉ nói đến duy tâm duy vật một cách rất là thô thiển. Nhưng mà bây giờ tôi nói thế này, tôi là một người Mác xít vẫn khẳng định giải quyết vấn đề cơ bản là vấn đề duy tâm và duy vật, nhưng đồng thời tôi là một người Mác xít thừa nhận có cái thế giới tâm linh. Thế giới tâm linh có cái giá trị cao đẹp của nó và nó hiện diện tự nhiên ở trong từng con người. Đó là những cái mà trước đây những người Mác xít theo quan điểm thô thiển, đã từng xem thường nó, đã từng có cái thấy lệch lạc về nó. Nhưng mà tôi muốn gợi ý với Thiền sư như thế này: Nói đến cái tuệ giác, nói đến thế giới bên trong và toàn thiện, cái thế giới của chúng ta, nói đến vai trò của giáo dục nhưng mà đồng thời, theo tôi nghĩ, chủ nghĩa Marx nói đúng khi nói rằng muốn cải tạo thế giới, phải cải tạo nó bằng thực tiển, thay đổi hoàn cảnh khách quan là một điều cực kỳ quan trọng và có thể quyết định để thúc đẩy thế giới tiến tới, trong đó kể cả vấn đề tạo ra điều kiện tốt nhất để hoàn thiện thế giới bên trong của chúng ta.

Tôi xin cảm nhận và nói ra một số vấn đề và mong về sau này giữa Phật giáo mà theo quan điểm tuệ giác của Thiền sư và quan điểm của chúng tôi có gì cùng trao đổi.

Thiền sư Nhất Hạnh:
Theo tôi thì Karl Marx có một đời sống tâm linh rất sâu sắc, có một chiều hướng tâm linh trong cuộc sống rất là sâu, Marx có cái nhu yếu tâm linh thâm sâu. Tôi nghĩ rằng là những người Phật tử là những người nối tiếp Phật Thích Ca, phải tiếp tục khai triển cái tuệ giác của Bụt, để tuệ giác đó có thể cung cấp, thỏa mãn được nhu yếu của con người hiện đại. Trong thời đại của đức Thích Ca, dầu là ở một thời xa xưa, đã làm được công việc đó. Những thế hệ Phật tử đi sau đức Thích Ca, phải tiếp tục đưa tuệ giác đó khai mở thêm, để nó có thể tiếp tục làm thỏa mãn những nhu yếu của thời đại.

Tôi nghĩ rằng bên truyền thống của Mác xít cũng vậy, quý vị là những người tiếp nối của Marx, quý vị phải tiếp tục sự nghiệp của Marx, phải khai mở, phải phát triển không ngừng. Điều đó là điều dĩ nhiên, nếu không truyền thống đó nó sẽ bị ứ đọng, nó sẽ chết. Điều này đúng với tất cả các truyền thống chứ không phải chỉ đối với đạo Phật hoặc là truyền thống Mác xít mà thôi. Điều tôi muốn nói là bây giờ trong ngành khoa học thần kinh não, họ tìm ra những hoạt động bé nhất đối với não bộ, nó có tính cách khách quan mà thỉnh thoảng nó lại trở thành ý thức chủ quan.

Câu hỏi căn bản mà bây giờ họ đặt ra là: Làm sao những hoạt động vi tính vốn là một hiện thể khách quan của não bộ mà trở thành ra ý thức chủ quan được? Tại sao một cái từ khách quan mà trở thành ra chủ quan? Tại sao vật lại trở thành tâm? Tôi thấy cái kẹt của những nhà khoa học là ở quan điểm lưỡng nguyên của họ về tâm và về vật. Có rất nhiều người trong chúng ta cũng bị kẹt vào cái quan điểm lưỡng nguyên giữa tâm và vật. Trong khi đó, khoa y học có từ psychosomatic để chỉ chung tâm vật, có khi gọi là thân tâm. Psycho là tâm, soma là thân, psychosoma là thân tâm.

Trong đạo Phật thì có danh từ nàma-rupa, nàma là tâm, rupa là thân và nó được đi đôi với nhau. Có khi mình thấy cái thực tại, nó hiện ra như là một thực tại vật chất, nhưng cũng có khi cũng là cái thực tại đó, nó hiện ra với đặc tính của tinh thần. Trong giới khoa học nguyên tử bây giờ, đơn vị nhỏ nhất của vật chất gọi là chất điểm (particle). Khi các nhà khoa học vật lý nghiên cứu thì thấy có khi chất điểm hiện ra dưới một hình thái của một đợt sóng (wave) nhưng cũng có khi khác, cái đợt sóng đó lại hiện ra với hình thái của một hạt (particle). Cũng cái đó mà có khi nó biểu hiện như hạt, có khi nó biểu hiện như sóng. Thế thì kết luận như thế nào đây? Nó là hạt hay là nó sóng? Vì thế các nhà khoa học bây giờ phải đồng ý đặt ra một tên gọi nó là sóng hạt (wavicle) 17*. Họ phải làm như vậy vì trước đó họ kẹt vào quan niệm lưỡng nguyên: hạt và sóng là hai cái khác nhau.

Người ta đã vượt được quan điểm lưỡng nguyên đó, người ta chấp nhận hạt và sóng là một. Quan niệm tâm và vật cũng vậy, mình có thể bắt đầu nghĩ rằng tâm là cái không phải là vật, vật là một cái khác ở ngoài tâm. Nhưng trong lĩnh vực y khoa, người ta thấy rằng những cái gì xẩy ra cho tâm, nó ảnh hưởng tới thân. Những cái gì xẩy ra cho thân, nó ảnh hưởng đến tâm, cho nên danh từ psychosomatic cho chúng ta thấy rằng nói là tâm chưa chắc nó là tâm, nói là thân nhưng chưa chắc nó là thân. Thực tại con người chúng ta cũng thế. Ta nên tập nhìn thân tâm như hai mặt của một thực tại con người mình. Trong đạo Phật hay nói đến danh-sắc. Danh tức là nàma, sắc tức là Rupa. Nàma là tinh thần, rupa là vật chất. Hai cái đó mình tưởng là hai cái riêng biệt, kỳ thực nó là một và như vậy mình siêu việt được quan niệm lưỡng nguyên về vật chất và tinh thần, về tâm và về vật, về thân và về tâm.

Trước hết mình nói rằng nếu tôi thấy được hoa hồng này là vì tôi lấy cái tâm để thấy hoa hồng. Hoa hồng là đối tượng cái thấy của tôi. Quan điểm đó hoàn toàn đúng, tại vì khi mình nói tôi thấy hoa hồng tức hình ảnh một đóa hoa nó hiện trong đầu mình. Hình ảnh đó còn được gọi là tri giác của mình về đóa hoa, tiếng Pháp gọi là perception. Thấy bao giờ cũng phải là thấy một cái gì, không thể nào có chủ thể thấy tồn tại độc lập ra ngoài đối tượng thấy được. Thấy, phải thấy cái hoa, cái cây hay cái nhà. Chứ không có cái thấy tồn tại riêng một mình nó. Ý thức bao giờ cũng là thức về một cái gì, thấy tức là phải thấy cái gì hay tri giác phải luôn luôn tri giác về một cái gì. Khi có một cái thấy, cái tri giác về bông hồng, tôi nói rằng, đối tượng của tri giác là bông hồng, đối lại với cái chủ thể của tri giác, tức là cái thấy của tôi. Hai cái đó (chủ thể và đối tượng) không thể tồn tại độc lập được, chủ thể tri giác và đối tượng tri giác, phải có cùng một lần, cái sujet (subject) và cái objet (object), phải phát sinh cùng một lúc. Cho nên bông hồng trước hết là đối tượng của tri giác, mà đối tượng tri giác là một phần của tri giác, vì vậy khi ta nói đến tri giác, ta có thể hỏi: Tri giác đó là tâm hay là vật? 

Nhờ nhìn kỹ như thế nên chúng ta có thể vượt thẳng được quan điểm lưỡng nguyên. Chúng ta sẽ tiết kiệm được không biết bao nhiêu là nước bọt, không biết bao nhiêu là giấy mực khi chúng ta vượt thắng được quan điểm lưỡng nguyên, giữa thân và tâm, giữa tâm và vật. Điều nầy rất hứng thú vì đạo Phật trình bày tinh thần bất nhị, tinh thần vượt thắng lưỡng nguyên này rất rõ. Xin mời các nhà Mác xít, xin mời những nhà y học khám phá. Chúng tôi thấy rằng trên con đường y khoa người ta đã khám phá ra điều đó. Ngay cả con đường vật lý nguyên tử, người ta cũng đã bắt đầu khám phá ra điều đó. Cái mà ta gọi là nguyên tử đó, điện tử đó, nó không phải là vật mà nó cũng không phải là tâm. Có khi nó biểu hiện với đặc tính của tâm, có khi nó là biểu hiện với đặc tính của vật. Rất mầu nhiệm, rất hay, rất hứng thú. Như giáo sư đã nói, cuộc đối thoại đó đã bắt đầu rồi, rất là vui. Nếu chúng ta bắt đầu được hôm nay, tại sao ngày mai chúng ta không tiếp tục? Rất là hứng thú! Xin cám ơn quý vị.

Giáo sư trưởng ban tổ chức

Cám ơn Thiền sư và tất cả quý vị trong tăng thân Làng Mai. Xin cám ơn tất cả quý vị đại biểu. Như đã tuyên bố chương trình từ trước, ngày mai chúng ta sẽ tiếp tục tại đây và quý vị sẽ đặt ra nhiều câu hỏi hứng thú hấp dẫn hơn, để Thiền sư trao đổi, xin cám ơn.


____________________________________________
Chú thích

1* Avalokiteśhvara (Sanskrit) hay Avalokiteśvara Bodhisattva. Avalokita có nghĩa là quán chiếu hay nhìn thâm sâu. Có hai cách hiểu về nguyên nghĩa danh xưng ngài:
a. Chữ Eśvara là một đấng tôn kính, nam phái (tiếng Anh - Lord). Vị này quán chiếu hay nhìn thâm sâu thế giới. Cách hiểu này đưa đến danh xưng Quán Tự Tại Bồ Tát.
b. Nhưng tại Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên – ngài là Phật Bà Quan Âm (Trung Hoa: Kuan-Yin, Nhật: Kwannon) hay Quan Thế Âm Bồ Tát (觀 世 音); vị Bồ Tát lắng nghe mọi tiếng kêu của thế gian. Eśvara được hiểu và dịch như Huyền Trang là âm thanh.
c. Dân Tây Tạng xem ngài là cha đẻ của dân tộc mình và các đức Đạt Lai Lạt Ma đều được coi là hiện thân của ngài.
2* Animitta (無相): Pali - Vô tướng, ngược lại là tướng (nimitta) - thí dụ Animitta-Nibbana = Vô tướng Niết Bàn. Sự vô tướng, tính Không (Sunyata) của tất cả các Pháp (Dharma) là dấu hiệu của tuyệt đối không phân biệt.
3* Antoine-Laurent Lavoisier (1743–1794) : « Rien ne se perd, rien ne se crée, tout se transforme - Không gì mất đi, không gì sinh ra, tất cả (chỉ là sự) chuyển tướng dạng.
4* “Thanh tịnh trong ô nhiễm" = "Phiền Não tức Bồ-đề”, “sanh tử tức Niết-bàn" (Đại thừa Trang Nghiêm kinh luận, q. 6 phẩm Tùy tự, hay Đại Trí độ luận, q. 6).
5* Trần Thái Tông (tên thật là Trần Cảnh; 17 tháng 7, 1218 – 4 tháng 5, 1277) là nhà vua đầu tiên của nhà Trần, ở ngôi hơn 32 năm (1225-1258), làm Thái Thượng Hoàng 19 năm. Ông được vợ là Lý Chiêu Hoàng, vị công chúa cuối cùng của triều đại nhà Lý nên được vua nhà Lý nhường ngôi cho và lập ra triều đại nhà Trần. Trần Thái Tông đã thành công trong việc lãnh đạo Đại Việt chống lại cuộc xâm lược của quân Nguyên.
6* Viên Chứng: Tổ thứ hai của thiền phái Yên Tử, thiền sư Ðạo Viên (hay Viên Chứng) ngày xưa đã được ban hiệu là Trúc Lâm quốc sư. VNPGSL-Nguyễn Lang.
7* Thiền sư Nhất Hạnh giải thích ở chỗ khác: Tàng thức: Tâm lý học đạo Bụt rất phong phú. Duy Thức Tông của đạo Bụt nói tới tám thức: năm thức cảm giác, ý thức, mạt na thức và tàng thức. Mạt na là năng lượng bám víu vào ý tưởng có một cái ta riêng biệt độc lập và thường tại, đối lập với những cái không ta. Tàng thức (Alaya) là phần sâu thẳm nhất của tâm thức, chứa đựng tất cả những hạt giống (chủng tử, Phạn: Bija) của tất cả các tâm hành như buồn, vui, giận ghét, v.v.. Những hạt giống này khi được tưới tẩm hoặc tiếp xúc thì phát hiện lên ý thức thành những vùng năng lượng. Tàng thức giống như một mảnh vườn chứa đủ các loại hạt giống, còn ý thức thì giống như người làm vườn. Trong công phu thiền tập, ý thức làm việc nhưng tàng thức cũng làm việc âm thầm ngày đêm. Vô thức của tâm lý học Tây phương chỉ là một phần của tàng thức. Nhận diện và chuyển hóa những kiết sử nằm sâu trong tàng thức đưa tới sự giải thoát và trị liệu. Đó gọi là chuyển y (asrayaparavritti) nghĩa là sự chuyển hóa được thực hiện ngay ở cơ sở hạ tầng của tâm thức. (Thiền, chất liệu nuôi dưỡng, trị liệu và chuyển hóa – Làng Mai).
8* A lại da thức (Alaya) = Tàng thức.
9* Bija từ Bija Mantra (Sanskrit): chủng tử.
10* A gen là đơn vị của sinh học di truyền, trong gene có chromosome với DNA, DNA chứa đựng các tín hiệu di truyền, từ thế hệ trước xuống thế hệ sau, đóng vai trò quyết định về thể chất lẫn tính tình ở thế hệ sau.
11* Nature / Nurture : thiên bẩm do tự nhiên mà có / tập thành do hoàn cảnh, môi trường sống (trong đó có văn hóa) mà có.
12* René Descartes (1596 - 1650) – Nhà toán học, triết gia Pháp. - Cogito ergo sum. - Je pense, donc je suis - I think, therefore I am. – (vì ) Tôi (là đang là chủ thể của sự) suy nghĩ (nên ) tôi có thực.
13* Kinh Kim Cang,- "Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng" - phàm cái gì có hình tướng đều là hư dối. Nguyên câu: "Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọngNhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai".
14* Nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất - Có thể nói, đây là mệnh đề tóm tắt toàn bộ yếu nghĩa kinh Hoa Nghiêm. Yếu nghĩa ấy nói về sự tương quan tương duyên chằng chịt của tất cả mọi sự vật trong vũ trụ. Sự vật này tức là sự vật kia, sự vật kia tức là sự vật này; một sự vật có mặt trong tất cả mọi sự vật, tất cả mọi sự vật có mặt trong một sự vật; một sự vật tức là tất cả các sự vật, tất cả các sự vật tức là một sự vật. Nguyên lý duyên khởi cho ta thấy rằng, một sự vật không thể tự nó có mặt, mà đã do vô số các sự vật khác, không phải là nó, hợp lại cấu thành Sự kết hợp kỳ diệu giữa thờ cúng tổ tiên của người Việt với tuệ giác đạo Phật
15* Thiền sư Thanh Nguyên Duy Tín (Trung Hoa) – Sau khi ngộ đạo đã tuyên bố: Lúc chưa tu ông thấy núi chỉ là núi, sông chỉ là sông. Sau ông nhập đạo tu hành: ông thấy núi không phải là núi, sông không phải là sông. Nhưng đến khi giác ngộ: ông lại thấy núi vẫn là núi, sông vẫn là sông.
16* Nguyên tắc đồng nhất trong logic cổ điển Tây Phương (logic Aristotle), the principle of identify – Phát biểu như sau: “cho tất cả x, x = x”. Tạm diễn dịch: Mọi sự vật luôn luôn đồng nhất với nó. A là A chứ không thể là cái gì khác-A.
17* Wavicle: Trong vật lý quantum, hạt (particles) và sóng (waves) là mặt đôi (twin facets) của tất cả chất thể (entities). Sóng có thể phản ứng như hạt và hạt có thể phản ứng như sóng. Để nhắc nhở rằng ý niệm sóng và hạt vốn từ thế giới cực lớn (macro) nay được dùng để giải thích các hiện tượng trong thế giới cực nhỏ của các phân tử (world of atomic-scale henomena), từ “wavicle”được các nhà vật lý như George Gamow dùng để mô tả các chất thể trong vật lý quantum. Dùng ý niệm đôi sóng/hạt nên quantum có thể giải thích các phản ứng của các hạt nguyên tử, chất điểm và ánh sáng (atoms, particles, photon).