Thứ Hai, 19 tháng 12, 2016

Bolero trên đỉnh mùa Đông

Xin cho tác giả được mạn phép chọn số tạp chí này để kể lại những chuyện riêng, rất riêng của một phần số đặc biệt may mắn, của một người có đến hai đêm Giáng Sinh mỗi năm. Xin phép cho tác giả loan báo đầy hãnh diện về món quà Giáng Sinh năm nay mà nhà đài Vĩnh Long mượn cuộc thi truyền hình Solo cùng bolero 2016 mà bày soạn hòng gìn giữ những điển lễ của mùa Giáng Sinh, coi như thêm một cỗ bánh reveillon, một tiếng chuông mùa vui, một ánh diêm đánh thức những điều hoài vãng, một trái châu trang trí mùa lễ Noel cổ điển cho mỗi ngôi gia người Việt.
Buổi quay hôm ấy, chúng tôi đã kể lại những mùa Giáng sinh của mình, của một ai đó ngoài kia, có lẽ giờ cũng đã là những vị cao niên đầu bạc, vẫn thổn thức tin vào tiếng chuông tuần lộc và những cô gái mặc áo dài màu lá thông.
Chúng tôi kể câu chuyện về những Giáng sinh lộng lẫy cũ kỹ của gia đình mình, câu chuyện về chiếc Honda Dame màu xanh olive của một gia đình trung lưu hiền lành nào đó, những xóm đạo và những giáo đường, những chiên cừu, hang đá, và những cô gái đã không còn nhỏ nữa…
Từ đặc sản truyền hình Noel bao cấp đến “Bolero de Noel” 2016
Đối với dân Sài Gòn những năm 1980, một thi vị có tính thủ tục của đêm Giáng Sinh là những cuộc bát phố tới mấy khu xóm đạo, và chương trình ca nhạc đặc biệt đêm 23-24 trên truyền hình.
Những năm cuối thập niên 1980, sự xuất hiện của nhạc trẻ quốc tế trên Đài Truyền hình TP.HCM vào dịp Giáng sinh như món “cơm Tây” hiếm hoi, chiếc bánh bông lan thơm tho mùi sung túc của bơ sữa văn nghệ, giữa bối cảnh quanh năm táo bạo đột phá nhất là Trị An âm vang mùa Xuân có mấy anh vũ công đội nón bảo hộ bắt tay chuyên gia Liên Xô, đại diện dòng trữ tình có Dáng đứng Bến Tre với cô Thu Nở xõa tóc bận áo dài ca ngọt như nước kho hột vịt, và chương trình ca nhạc nhẹ quốc tế trên đài phát thanh vào 9 giờ sáng Chủ nhật với Alla Pugacheva hát đi hát lại Triệu đóa hoa hồng.
Tất cả, từ đầu tháng 11, đã ôm tim dõi theo dòng giới thiệu chương trình đêm sau để đếm lùi trông đợi bữa tiệc Tây thịnh soạn nhất trong năm, thứ tàn dư may mắn được ưu ái lưu lại trên sóng truyền hình cho đêm lễ không chỉ của những giáo dân mà đã thành một tập tục bản xứ Sài Gòn: đêm nhạc Noel!
Đúng buổi chiều trước đêm lễ, ba má tôi ăn diện lịch sự, chất cả gia đình lên chiếc Honda Dame màu olive đi ăn tiệm và về sớm để kịp giờ coi ca nhạc. Đó là dịp duy nhất được ngắm các ca sĩ thần tượng thời đó xuất hiện trong cảnh trí và bộ dáng đầu tư linh đình táo tợn mà chỉ có dịp này mới dám mang lên sóng truyền hình như một hơi thở phào khoan khoái sau cả năm che chắn bằng áo dài và vài ba món áo kiểu áo đầm nghiêm túc. Cô Thanh Lan được dịp quấn tất cả áo choàng áo bông như tiểu thư Đà Lạt, Bảo Yến bận đồ bay đi boot tới ngang đùi, Nhã Phương jupe ngắn hớp hồn nhảy disco bốc lửa, cặp Chánh Tín - Bích Trâm hát nhạc Pháp nhảy chacha, Ngọc Bích bận quần alibaba ánh kim tóc xù hát nhạc Mỹ, rồi Chung Tử Lưu, Thy Nga, v.v.. chẳng khác gì một chương trình ca nhạc ngoại quốc thứ thiệt. Tôi nghệt ra trước màn hình tivi, ngơ ngẩn ước một ngày được đặt chân vào cái bầu không khí vui nhộn, hào nhoáng và xa lạ đầy ngạo mạn đó.
Tôi đã không chờ đủ lâu, và rồi thì cũng tới lúc giã từ những đêm Giáng sinh cùng gia đình bát phố hay quây quần trước tivi, bắt đầu những bước nhảy đầu đời và những dạ vũ Giáng sinh với bạn bè. Ngoài kia, Sài Gòn vào cơn sốt băng VCR và đĩa hình, rồi cuối cùng là internet. Trong cơn lốc hồi sinh của những bản tân nhạc Sài Gòn cũ, người ta cũng đã không còn phải tìm đến chút hương bơ thừa sữa cặn của những món nhạc disco ngoại quốc dịp Noel. Băng nhạc Sơn Ca vẫn là nhạc mục truyền thống phổ biến nhất của mùa Giáng sinh, với những Elvis Phương, Anh Khoa, Thái Châu, Duy Trác,… duy chỉ có những bản của ban Boney M. và về sau có thêm Mariah Carey là đã nghiễm nhiên đi vào huyền thoại phổ cập của tập quán âm nhạc Giáng sinh Sài Gòn.
Những chương trình ca nhạc Giáng sinh truyền hình thập niên 1980 đầu 1990 ấy, chẳng ai còn nhớ lần phát sóng cuối cùng là khi nào.
Tôi cũng hầu như quên bẵng cái hào quang lễ hội của những đêm nhạc linh đình, những điển lễ truyền hình bao cấp đầy dư vị hương xa nọ… Cho đến khi tôi bắt tay vào biên tập kịch bản dẫn chuyện cho Solo cùng bolero 2016 trên đài Vĩnh Long.
Để kéo khán giả lại với thú coi truyền hình, dựa trên thói mê coi phim bộ dài tập, và cả nỗi tiếc nhớ không khí sân khấu kịch nói, cả một chuỗi những vòng thi phải được thiết kế thành một tuyến truyện liền mạch giữa những câu chuyện của đàn ông và đàn bà, những kẻ lang thang và lạc mất nhau trên đường thiên lý, những thị dân hiện đại cô độc trong những căn hộ san sát rập khuôn,… tất cả để tìm về một cuộc hẹn hò hạnh ngộ bùng nổ trong đêm Giáng sinh hoan hỉ với cái tên Trên đỉnh mùa Đông.
Vài ngày trước buổi quay, bạn dẫn, cậu kép Quý Bình nhắn tin tâm sự: “Chưa bao giờ háo hức như vầy, còn hơn cả trước một chương trình trực tiếp lớn”. Tôi chỉ có thể im lặng để sẻ chia cảm xúc với người đồng nghiệp trẻ.
Có cái gì trong đêm thánh lễ mà khiến cả lương dân lẫn giáo dân cứ xôn xao tưng bừng từ khi tiếng chuông kính coong ngân lên từ rất lâu trước Mùa vọng. Những món decor, những trái châu, dây đèn, những thuỷ tinh và kim tuyến đã gói ghém từ trong hồi ức lại được tưng tiu mang ra chưng ngắm và lại lóng lánh kỷ niệm hồi sinh.
Ngoài kia, xóm đạo còn chưa dựng hang đá thì trong trường quay, tuyết nhiệt đới, thiên thần giả trang và những bản thánh ca thế tục đã linh đình đợi bung tỏa hoa đăng cho một trận chiến huy hoàng.
Mùa lạnh giá nhất, lại là mùa của niềm tin và nỗi vui hạnh ngộ, bởi sẽ tội nghiệp biết chừng nào nếu mỗi tâm hồn yếu đuối như chúng ta không có lấy cho mình một niềm tin để trung thành chờ đợi, hay để khắc khoải tìm về…” - tôi đã viết dòng đầu của kịch bản đêm Giáng sinh như vậy.
“Tà áo năm xưa, xanh màu thông Đà Lạt…”
Đặt tay xuống bàn phím, với trang bản thảo kịch bản đang dần thành hình, tôi tìm về ký ức. Chẳng phải bởi quyền năng của ký ức mà mỗi nốt nhạc quen thuộc đầu tiên tấu lên, từ đĩa Giáng sinh Sơn Ca ghi âm từ hơn nửa thế kỷ trước vẫn được nghe tái nghe hồi mà vẫn rung ngân một vạn tiếng chuông lanh canh, bật lên một vạn bóng đèn nhấp nháy trong lòng người Sài Gòn đó sao?
Từ cả tháng trước ngày ghi hình số đặc biệt, tôi đã âm thầm thực hiện lại điển lễ long trọng cũ xưa: đi đặt may tới hai bộ áo dài cho buổi quay Giáng sinh, như thể đó là đêm Giáng sinh thật sự. Cả hai chiếc áo dài bằng những thứ hàng vải hảo hạng, và tất thảy đều mang một màu xanh truyền thống của những mùa Noel cũ: màu xanh lá thông.
Trên đỉnh mùa đông sẽ phục dựng những mùa Giáng sinh vẫn sống trong ký ức người Sài Gòn. Ảnh THVL
Tà áo năm xưa xanh màu thông Đà Lạt, dành để năm sau, khi cùng anh dạo phố, để nhớ Giáng sinh xưa, kỷ niệm ngày Chúa ra đời…”. Những ca từ của bản nhạc cũ mà buổi phát sóng dịp Giáng sinh, thí sinh chỉ mới 14 tuổi sẽ cất lên, trong vắt như giọng thiên thần trong chiếc váy người ta đã cẩn thận đặt riêng cho cô nhỏ, màu xanh lá thông.
Hồi đó, hầu như điều kiện để may áo mới phải dành cho dịp Tết, những bộ cánh Giáng sinh thường được may đúng theo màu lễ, là đỏ thắm hay xanh lá thông, hay còn gọi là xanh cẩm thạch bằng dạ hay nhung cho hợp với chút se lạnh hiếm hoi cuối năm miền nhiệt đới, hay ít nhất cũng là không gian máy điều hoà của những dạ tiệc salon.
Sáu giờ tối đường phố đã thoang thoảng thơm phức dầu thơm của những người đẹp đầu tiên xuất hành đêm lễ.
Bảy giờ tối, khu trung tâm đã đông nghẹt người, quây quần chính quanh nhà thờ Đức Bà. Con nít mặc đồ đỏ thắm như những Santa Claus tí hon, các bà các cô đài các trong những tà áo dài xanh, và các em gái nhỏ, nhất là tụi nhỏ ca đoàn bận toàn váy trắng như các tiểu thiên thần.
Những đứa lớn, học cấp 3 bắt đầu đánh dấu sự trưởng thành bằng việc đi dạ vũ Noel tại nhà nhau, và bắt đầu ngấm nghé “bắt bồ”. Tụi nhỏ hơn, chưa được phép đi chơi riêng thì theo gia đình hay nhóm bạn, rong ruổi theo dòng người men lối đèn hoa, chen chân vào những khu xóm đạo ngắm người ta trang hoàng mừng lễ, ngắm hang đá có Chúa Hài Đồng bụ bẫm và bầy chiên cừu lông xoăn, những thiên thần có cánh bằng bìa cứng sơn kim tuyến…
Cả Sài Gòn trở thành một bức tranh minh hoạ trên bìa những cuốn truyện cổ tích Andersen…
Về sau, những Giáng sinh trưởng thành, và những Giáng sinh cô độc, tôi luôn mở ra đọc lại những câu chuyện về anh lính chì phải lòng nàng vũ nữ bằng bìa cứng, về tay người tuyết tương tư ả lò sưởi, về những bông hoa biết nhảy đầm của cô bé Adele,…
***
Đạo diễn Vũ Thành Vinh chỉ kịp họp ê kíp dàn dựng chóng vánh giữa tâm bão những chương trình cuối năm và năm mới. Nhưng có lẽ bản vẽ cảnh trí đã hiển hiện trong sự mường tượng của mỗi người. Một bức tranh cổ tích về xứ có tuyết rơi, vẫn hiển hiện những toà thánh đường bản xứ, một con đường viễn tưởng rẽ giữa những cây thông ước lệ, nhưng những dây đèn nhấp nháy lại là cuộc phục dựng tinh tế của hồn phách những xóm đạo miền Nam.
Tất cả cũng đã sẵn sàng, cho tuyết và cả những con mưa bong bóng óng ánh trang kim, và cả cho những đoàn người hân hoan chen nhau trên đường đi xem lễ…
***
Tôi bừng tỉnh, hạ tay xuống bàn phím và kịch bản tập 9, đêm Trên đỉnh mùa Đông, đã diễn ra như vậy.
Bằng kịch bản của mình, tôi khẩn thiết xin với tổng đạo diễn hãy cho tôi, một lần nữa thôi trong đời, được run run tung nắm confetti lên trời, được ngửa mặt để ngắm chúng rơi lấp lánh như trận mưa sao băng bằng giấy.
Hãy cho tôi nghe lại, một lần nữa trong đời, tiếng ba tôi thở dài giục giã ý nhị khi chờ Mẹ trang điểm quá lâu, cho đến khi hương nước hoa Yves Saint Laurent quen thuộc như xông hương đến sáng bừng cả phòng khách, báo hiệu bà đã sẵn sàng để xuất hiện, lộng lẫy như một cô đào cine.
Tôi xin với Quý Bình, như đứa nhỏ chờ món quà đêm lễ, hãy đưa tôi đi, một lần nữa thôi, trong đời, được vịn vào một cánh tay mà dạo một vòng bát phố, chiêm ngưỡng những nhân tình “bắt bồ”, những hẹn hò hụt hẫng, ghé lại mua cho tôi thanh kẹo như một đứa nhỏ háu ăn thèm ngọt. Hãy cho tôi chen chân vào dòng người đi xem lễ và hào phóng san sớt tung hê nụ cười lẫn tiếng nhạc kính coong vào không trung để không ai phải buồn, ít nhất là trong đêm thánh vô cùng ấy.
Hãy cho tôi một anh chàng hát rong kẽo kẹt tiếng ca Giáng sinh vàng úa bên vỉa hè, cho tôi vị tha san sớt và dựa dẫm vào nhau, những người anh em con Thiên Chúa, và bắt tay một anh chàng thất tình ngơ ngẩn trước sân nhà thờ giờ tan lễ.
Hãy cho tôi, một lần nữa, trịnh trọng mặc lên mình những chiếc áo dài màu cẩm thạch, màu lá thông mà ngày xưa tôi từng chiêm ngưỡng ước ao.
Cho tôi gặp lại những anh thanh niên kỳ lạ trong bộ đồ ông già Noel xộc xệch sau giờ giao quà cho bọn con nít nhà khá giả, tấp vội bên đường, thật nhẹ, đặt hộp xốp đựng bữa ăn khuya san sớt cho ông già đang co mình trong chiếc cyclo tàn tạ.
“... đôi khi, niềm vui của người này lại thường làm đậm thêm nỗi buồn kẻ khác. Hạnh phúc như chiếc chăn chật chội mà nếu ta đang được ấm áp, ắt có ai đó đang phải chịu lạnh lẽo thiệt thòi”.
Cho tôi tự tay được quẹt những đốm sáng của que diêm và nuôi lửa hy vọng trong đêm băng giá. Cho tôi cùng cầm trên tay ngọn nến đạo hữu vinh danh Tình yêu và Thiện tính.
Nếu đêm về có mưa bụi, hãy che cho tôi bằng một chiếc manteaux đàn ông, để tôi thấy mình bơ vơ và bé bỏng trong đêm mù mịt của thế-giới-không-vua, cho đến khi Ngôi Hai giáng hạ.
“... hãy cứ gọi đêm nay là đêm của những bản nhạc ca tụng tình yêu, dù buồn, vẫn tràn ngập hy vọng tìm về nơi ấm áp. Hạnh phúc đâu chỉ là một mảnh chăn hẹp mà người này được ấm thì kẻ kia phải chịu lạnh, khi mà chen chân trong dòng người hân hoan xem lễ, ta cứ chia sẻ với nhau, giữa những người xa lạ, niềm vui mà người này có thừa kẻ kia còn thiếu. Tấm chăn hạnh phúc khi được trải đều, sẽ có đủ hơi ấm cho tất cả”.
Hãy kể lại tôi nghe, một lần nữa thôi, như những cặp tình nhân tôi từng thấy trong sân nhà thờ Huyện Sĩ, những anh chàng ra dáng thạo đời, huyên thuyên lý giải tuồng tích đằng sau những bản thánh ca, đồng dao Giáng sinh dân dã. Hãy kể tôi nghe, dù đã nghe đến vạn lần trong đời, về điển lễ reveillon. Xin hãy san sớt cho tôi nữa, một lần nữa thôi, một khoanh Buche de Noel (nếu đính thêm một ông già tuyết bằng đường nữa càng tốt), để tôi nghe trong vị kem bơ cả một trời tuổi thơ cổ tích.
Bằng không, chỉ cần cho tôi, một lần nữa thôi, đứng dưới cơn mưa confetti của những Giáng sinh đã mất, lặng người đi theo từng câu hát cũ này thôi cũng thỏa nguyện lắm rồi
“…Tà áo màu xanh năm ấy em vẫn chờ?
Một mùa Noel hai đứa nghe niềm vui,
Hát chung một ca khúc:
Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời
Rồi trên sân khấu của cảnh trí, của tuyết trang kim và những thiên thần hóa trang, những cành thông ước lệ ấy, tôi sẽ tin Giáng sinh đã thật sự đến sớm, Giáng sinh cổ tích xưa nhưng chưa bao giờ cũ. Cho tôi tin như trẻ thơ tin vào tiếng chuông tuần lộc.
Và nếu có ai đó, phía bên kia ống kính và màn hình của chúng tôi mỗi đêm lên sóng, cũng đã từng đánh mất những trái châu kim tuyến, những hẹn hò hụt hẫng, những bước bơ vơ trở về nửa đêm tan lễ, những mùa sao sáng đầy kỳ vọng năm xưa, tôi tin họ cũng sẽ được chia sẻ phần ấm áp của tấm chăn hạnh phúc mà chúng tôi trải ra cho tất cả. Họ cũng sẽ nhìn thấy những Giáng sinh đã mất lại trở về, trên đỉnh mùa Đông.
Rồi họ sẽ lại tin vào màu nhiệm phục sinh, như vậy, như con nít tin vào những con tuần lộc cổ đeo chuông.
“... Hãy cứ tin đi, trời đã sang Đông, tức là rồi Xuân sẽ về, bao đời đã vậy. Hãy cứ tin đi, rồi mỗi một chúng ta sẽ chan hoà ấm áp bên dưới chiếc chăn hạnh phúc đủ chỗ cho tất cả mọi người
Và tôi đã kết thúc kịch bản đêm nhạc Giáng sinh, như vậy.
Đêm cho Cha, cho Con, và cho Thánh Thần…
Đêm cuối cùng trước ngày bấm máy, những trái châu khổng lồ cuối cùng vẫn được kết tỉ mỉ từ hàng trăm bóng đèn nhỏ xíu… Tôi không ngủ được trước ngày ghi hình, như đứa nhỏ 30 năm về trước, những giờ cuối cùng đêm trước Giáng sinh.
Tất cả chúng tôi, kể cả những thí sinh, đã gần như thức trắng đêm hôm đó.
Ngày hôm sau, bất chấp dàn máy lạnh trường quay đã chạy hết công suất, người ta phải liên tục thấm mồ hôi cho nghệ sĩ bởi những chiếc áo manteaux và khăn choàng cùng với sức nóng từ dàn đèn đã khiến tất cả nóng sực lên.
Hàng ghế khán giả phim trường, như mọi khi, đã kịp phủ đầy ghế trống bởi hầu hết vẫn là những vị khán giả quen mặt, những cô chú cao tuổi, có người chẳng phải phụ huynh của thí sinh nào hết, nhưng đều đặn, lịch quay nào của Solo cùng bolero cũng có mặt. Có cả một bác cựu quân nhân chống ba-toong tuần nào cũng đến phim trường. Có tuần, ông phải nhập viện vẫn bắt con cháu đến rước đi…trốn viện để coi chương trình rồi lại bắt xe quay về bệnh viện.
Ba tôi cũng ngồi đó, thấp bé hơn những gì ký ức tôi nhớ được về người đàn ông 30 năm về trước từng bồng tôi lên thật cao để nhìn thấy rõ mặt Chúa Hài Đồng nơi máng cỏ.
Như mọi khi, những giây cuối trước giờ khai máy, tôi làm dấu thánh giá bên cánh gà trái, trong khi ở đầu bên kia, Quý Bình lâm râm khấn Tổ, thành kính như nhau.
Ngày hôm đó, thế giới bên ngoài đang vào khoảng 2 giờ chiều, trời rất oi và nóng. Nhưng thế giới đó đã ngừng lại bên ngoài vách ngăn phim trường.
Trong này, vào đúng khoảnh khắc chúng tôi bước ra trong tiếng chuông nhà thờ, tiếng phong cầm cô độc réo rắt ngân lên, báo hiệu một cuộc tìm về huyền thoại, Chúa đã giáng sinh.
Đã cuối Đông rồi sao? Nếu không có tiếng chuông hân hoan kia, có lẽ người ta sẽ quên mất mình đã đi quá xa, và đã đơn độc quá lâu…” - giọng mở thoại với âm vực baritone của Quý Bình đã cất lên, như vậy.
Mắt tôi nhoà đi.
Tôi không còn nhìn thấy gì nữa phía bên kia ánh sáng spotlight.
Tôi đứng trên này, miên man kể cho người bạn dẫn nhỏ tuổi hơn mình mà chắc khi bạn biết đi chơi Noel thì Noel đã khác lắm rồi, so với những mùa Noel mà tôi từng biết.
Ở dưới kia, là người đàn ông đầu tiên đã mua cho tôi cây thông Giáng sinh bé con đầu tiên, chưng trên tủ buffet. Người đàn ông đầu tiên đã quấn cho nó cọng dây đèn nhấp nháy và cho phép tôi được tự tay long trọng treo tòn teng lên đó những trái châu bọc tơ màu đỏ thắm…
Trên này, trong vùng sáng sân khấu, một “thằng nhỏ” đen thui lạ hoắc đề nghị đưa con gái của ba tôi đi chơi đêm lễ.
Nhà báo Trác Thúy Miêu và diễn viên Quý Bình nhập vai người dẫn chuyện đêm Giáng sinh trong Solo cùng Bolero 2016. Ảnh THVL
Tôi chợt chột dạ, như con nhỏ 12-13 tuổi ngày xưa, ngó quanh như thể bất cứ lúc nào ba cũng có thể bay lên sân khấu như một vị thần giận dữ, tay cầm roi mây.
Quý Bình đã lén đi vòng ra sau lưng tôi từ lúc nào, như một chi tiết nằm ngoài kịch bản, bất ngờ thả xuống tóc tôi cả một cơn mưa confetti lấp lánh. Cùng lúc, từ trên trần nhà, một trận mưa confettin rơi ngập khán trường. Cả phim trường lặng đi. Dưới bàn giám khảo, nghệ sĩ Ý Lan bật khóc.
Tôi đưa mắt nhìn xuống hàng ghế đầu, nơi ba tôi ngồi, bé nhỏ hơn so với ký ức của tôi rất nhiều, tôi thấy ông cười, như hơn 30 năm chưa hề đi qua.
***
Từ tháng 11, ba tôi hút gói thuốc nào cũng khéo léo tách ra lớp giấy bạc, ủi thẳng rồi xếp riêng ra. Thậm chí đường đường là một ông giám đốc, ông đi xin lại của mấy chú bác trong công ty từng tờ giấy ánh kim hay tráng bạc trong gói thuốc thơm để dành riêng ra cho 2 đứa con gái cắt bông giấy chơi. Chúng tôi cắt nhuyễn ra, hốt vào những lon sữa bò, lon guigoz để dành, và nắc nỏm đếm ngược chờ tới Giáng sinh mang ra tung lên trời giả làm tuyết.
Giáng sinh là ngày duy nhất trong năm người ta có thể xả bông giấy lên đầu người khác, và những câu chúc Giáng sinh an lành cứ đề huề vung vãi hào phóng giữa những người xa lạ.
***
- Tại sao những bản tân nhạc Việt Nam về Giáng sinh lại luôn buồn cô quạnh đến vậy?
- Người ta hay gọi đêm Giáng sinh là đêm sao sáng. Vậy vì sao những ngôi sao lại sáng?
- Vì bóng đêm ư?
- Đúng. Một câu chuyện buồn luôn khiến người ta thấy ân phước ngập tràn trong những may mắn lóng lánh nhỏ nhoi.
- Hạnh phúc sao cứ như mảnh chăn hẹp, người này ấm thì kẻ kia chịu lạnh.
- Đó là vì người ta chưa ở gần đủ sát bên nhau để tấm chăn kia dàn trải vừa vặn cho tất cả…

Những năm sau, má không còn ở chung với mấy ba con. Chị hai tôi đã lớn và được tin tưởng, cho phép đi chơi lễ riêng với bạn bè. Tôi tủi thân khóc sướt mướt, Ba lúng túng lớn giọng la tôi. Cả thiên đường Giáng sinh vỡ vụn trong tiếng khóc tủi thân của đứa con gái út còn quá nhỏ để hiểu chuyện cuộc đời.
La con xong, Ba ngồi thần ra rồi giả lả làm huề. Ba cố làm lại bộ mặt vui vẻ, đi vô phòng trong thay đồ, chải brillantine, chemise ủi phẳng, chu chuẩn như những đêm lễ linh đình từng có ngày xưa, rồi bước ra cho tôi bất ngờ, dỗ dành con gái: “Thôi nín, trời ơi con nhỏ ham chơi. Ba đền con gái, ngoan vô rửa mặt chải tóc Ba chở đi chơi đền. Mình cũng có lễ như ai, con há!”
Tôi vùng vằng.
Tôi đã lớn.
Tôi không còn là đứa con nít nữa.
Tôi muốn được như chị hai tôi, được đi boum, đi dạ vũ, nhảy đầm, và hò hẹn với bọn con trai choai choai xách mấy chiếc DD đỏ lột bửng đua rần rần ngoài Đồng Khởi kìa.
Tôi không còn cần ba và chiếc Honda Dame màu olive mà bây giờ đã trở nên quá rộng rãi khi không còn má và chị nữa.
Nếu có ai đó, phía bên kia ống kính và màn hình của chúng tôi mỗi đêm lên sóng, cũng đã từng đánh mất những trái châu kim tuyến, những hẹn hò hụt hẫng, những bước bơ vơ trở về nửa đêm tan lễ, những mùa sao sáng đầy kỳ vọng năm xưa, tôi tin họ cũng sẽ được chia sẻ phần ấm áp của tấm chăn hạnh phúc mà chúng tôi trải ra cho tất cả.
Chị tôi đang trang điểm sửa soạn đi chơi, lôi tuột tôi vào phòng nghiến răng ken két vào tai tôi “Bao nhiêu năm ba đưa em đi chơi lễ rồi, bây giờ không còn má nữa, hãy lần đầu đi chơi lễ vì ba”.
Nói chung là khi đó, tôi ức chị lắm, và cóc hiểu những gì chị đang nói, chỉ có điều tôi sợ chị ấy đến khiếp vía và lờ mờ nhận ra sự hệ trọng trong câu nói ấy. Tôi tức tưởi vùng vằng đi thay đồ, bộ đồ lố lăng, chiếc jupe tầng bằng lụa màu ngọc lam, hơi quá ngắn so với nguyên tắc gia giáo của Ba. Nhưng không hiểu vì lý do gì, ba nghe tôi gợi ý là thèm chiếc váy như vậy, ông một mình ra đường 3 Tháng 2 lựa sắm bằng được cho tôi chiếc jupe ngắn tũn tỡn. Năm đó, gia đình tôi sa sút gần như khánh kiệt, mà mãi sau này tôi mới hiểu được vì sao năm ấy, ba giấu không cho tôi biết. Với mọi lòng tự tôn của một người đàn ông rường cột gia đình, ông vẫn muốn các con gái ông có mọi món quà mà chúng mơ ước.
Tôi, vẫn sướt mướt tức tưởi, trong bộ váy poupée bằng lụa màu lam ngọc, vùng vằng xuất hiện, và vùng vằng leo lên sau xe ba, chiếc Honda Dame già nua đã từng chở cả gia đình tôi đi chơi lễ những năm xưa.
Đó là Giáng sinh đầu tiên chiếc xe chỉ có 2 cha con, nhẹ hẫng.
Chiếc yên đỏ nhỏ xíu sau guidon cũng đã dỡ bỏ từ lâu rồi. Tôi đã lớn, ngồi sau lưng ba.

Tôi, trong chiếc áo dài màu cây thông, yêu cầu Quý Bình:
- Hãy đi tìm một chiếc xe Honda màu olive và chở tôi đi coi lễ!
Món quà đêm Giáng sinh trên sân khấu trường quay của tôi đã được thốt lên như vậy, như lời cầu khiến của Hoàng Tử Bé: “Hãy vẽ cho tôi một con cừu!”.
***
Đêm đó, ba chở lòng vòng đi coi xóm đạo Bùi Phát. Giữa dòng người đi chơi lễ, ba cố ý ghìm xe thật chậm ngang hang đá cho tôi ngắm chiên cừu, ngắm Chúa Hài Đồng minh khôi sáng láng, rồi ba lại lẩm cẩm giảng giải tích xưa, những câu chuyện tôi đã nghe trăm lần và đêm đó với tôi chẳng còn đủ quyến rũ như những sàn khiêu vũ và những cậu trai chemise trắng ngoài kia nữa.
Tôi cố tình im lặng không trả lời, vờ như tại tiếng ồn phố xá khiến tôi không nghe được câu chuyện, chỉ mong ba ngưng kể và tôi sớm thoát khỏi cực hình phải nhìn tụi con gái cùng tuổi đang xúng xính cặp tay bồ đi chơi lễ kia.
Ba tạt vô tiệm mì tàu, gọi dĩa xào dòn với chai xá-xị đúng ý gái út. Tôi, dù giận, vẫn nguyên thói háu ăn con nít, quất sạch dĩa mì và chai xá xị mà không nhận ra ba chỉ gọi cho mình ly bia hơi ngồi độc ẩm nhìn con gái ăn rồi chở tôi về.
Tôi ngao ngán thay đồ rồi lăn ra giường, cuộn chăn coi nhạc hội Giáng sinh truyền hình, vừa coi vừa tấm tức tủi thân và tự hỏi chẳng lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ đủ lớn để bước vào không gian đó của Giáng sinh hào nhoáng?
Tôi đã chẳng hề biết điều đó sẽ diễn ra rất nhanh. Quá nhanh.
Tối hôm đó, ba lại lủi thủi lôi cây thông cũ trong thùng ra, căng cho nó cọng dây đèn cũ, vài cái bóng đèn đã tắt ngóm từ hồi nào. Những sợi tơ căng trên trái châu đỏ cũng đã bong tróc, ba rủ tôi ra cùng treo chúng lại lên cành thông cũ…
Gần 30 năm sau đó, 2 ba con lại cùng nhau nhặt nhạnh những hào quang cũ của một gia đình trung lưu hiền lành như biết bao gia đình nho nhỏ hiền lành của Sài Gòn, tom góm và trang hoàng lại, từ điêu tàn, một mùa lóng lánh mới cho Cha, cho Con, và cho Thánh thần.
***
“Trong cái khắc khoải mong chờ của mùa Giáng sinh, mùa Hy vọng, ngay cả trong bài hát buồn nhất,người ta sẽ vẫn tin rằng dù Giáng sinh đang qua, thì Giáng sinh sẽ lại hân hoan quay về. Mọi cuộc tình rồi cũng vậy, nếu người ta có lòng tin,…”
Tôi, theo kịch bản, chậm chạp lặp lại câu thoại cuối của người đồng hành đêm Đông giả tưởng:
“Nếu như người ta có lòng tin…”

***
Tiếng tổng đạo diễn báo còn tiết mục cuối cùng của buổi ghi hình đêm Giáng sinh. 
Nghe buồn như tiếng chuông điểm giờ tan lễ.
Chúng tôi bước ra trong lời dẫn sau cùng, những ngọn nến được bưng ra, như tái hiện những ngọn nến được trao tay trong thánh lễ. Người ta có thể hình dung những vì sao lấp lánh đã hết thảy sà xuống mặt đất, và bồng bềnh theo nhau tuôn chảy theo dòng người đang chậm rãi tràn ra khỏi sân nhà thờ, rẽ mênh mang về những xóm đạo, những ngôi gia, như một bí tích thế tục của những đêm mùa lễ Sài Gòn.
Thời đó, khi khí hậu cuối năm vẫn ban thưởng cho tháng Mười hai những đợt lạnh vừa đủ để người ta thấy cần phải yêu nhau.
Những cô gái mới lớn xếp cất chiếc áo đêm lễ trở lại vào tủ, và lên giường ngủ với một kỷ niệm thần thánh nào đó vừa gieo vào cuộc đời.
Có khi, những chuyện tình đêm Noel chẳng sống nổi quá vài tháng cho đến Tết Nguyên Đán.
Có lẽ, hồi đó tôi nghĩ vầy, bởi chúng đã hoàn thành sứ mệnh của mình, những cuộc tình thời vụ để trang trí đêm Giáng sinh.
Như những trái châu và những xác confetti trên đường sau đêm lễ vậy.
Nhưng vĩnh viễn, cũng như những trái châu và cái chuông mùa cũ, cứ đúng tháng Mười hai, khi bản ca cũ từ đĩa nhạc Sơn Ca nửa thế kỷ về trước lại vang lên tái hồi từ một xóm đạo nào đó “Bài thánh ca đó còn nhớ không em…”, khi mà gian hàng bày hang đá đèn sao đầu tiên dựng sạp trong khuôn viên nhà thờ, người ta sẽ lại tưng tiu nhấc chúng, những kỷ niệm lâm thời cũ kỹ, ra khỏi một ngăn nhất định nào đó của ký ức mà chưng mà ngắm.
Và tất cả, những báu châu cũ kỹ ấy, những cuộc bát phố và cả những chương trình đêm Noel phát trên truyền hình, tất cả sẽ lại lấp lánh như hàng chục năm về trước đã chưa hề đi qua.
***
Còn vài ngày nữa là lại hết một năm rồi, hãy cứ chan hoà hơi ấm niềm vui đi, hãy tin đi, vì đêm nay, tiếng chuông kia đang ngân vang nguyện cầu cho tất cả, và tình yêu đang tràn ngập trong không gian sẽ đủ để ban xuống cho mỗi người như món quà đêm Đông…”.
Chúng tôi đã nói như vậy, khi cùng nhau bước thật chậm khỏi sân khấu đêm Giáng sinh của trường quay hôm ấy, trong tiếng chuông nhà thờ rải buồn giai điệu Đêm thánh vô cùng.
Ba mươi năm sau, kể từ những Noel phong lưu của Sài Gòn thập niên 80 ấy, đêm 23, tôi sẽ lại ngẩn ngơ chờ đợi một ảo ảnh hoàng kim phục dựng linh đình, trên sóng Vĩnh Long.
Trác Thúy Miêu
 (*) Những đoạn in nghiêng trích từ kịch bản thoại dẫn chuyện và ca từ của các nhạc phẩm đã cấp phép sử dụng trong chương trình Solo cùng Bolero 2016 số đặc biệt mừng Giáng Sinh, phát sóng đêm 23.12.