Kính tặng Thầy
Các
học trò, đàn em của Thầy
(Nội san 7- BVĐK tỉnh Bình Dương, Quý IV, 12/2007)
Thời
gian trôi, vạn vật quay vần, con người chịu nhiều thay đổi. Tràn trề sức sống,
đầy nhiệt huyết, lúc mới rời ghế đại học Y Khoa. Tự hào khoác áo blouse trắng
những tưởng mình là một thiên thần, làm việc cật lực với công việc khám chữa
bệnh đầy stress, sức khỏe tàn tạ dần theo những đêm trực thức trắng, như những
đóa hoa tươi ngày nào nay héo dần từng ngày. Mong đợi đến ngày được gác bút,
thảnh thơi tuổi già và lòng thanh thản vì mình đã hoàn thành nhiệm vụ. Ai cũng
vậy mà hình như Thầy không như thế. Thầy còn nhiều bức xúc, nhiều trăn trở vì
có nhiều điều chưa kịp làm được cho bệnh nhân. Chúng em, các bác sĩ đàn em, các
đồng nghiệp, các học trò của Thầy thực hiện bài viết này như lời tri ân gửi đến
Thầy, người Thủ trưởng đáng kính đã đồng hành cùng chúng em với những tháng
ngày gian khổ của nghiệp làm bác sĩ.
Trực
đêm gặp một ca sốt xuất huyết nặng lại nhớ đến Thầy. Tối đó, ca sốt xuất huyết
diễn biến nặng quá, mời Thầy rồi mời cả hội chẩn toàn viện. Hội chẩn xong,
tưởng Thầy về luôn, bất chợt Thầy trở lại một lần nữa với nụ cười thật tươi kèm
một gói to những chiếc bánh bao nóng hổi Thầy nói : “ tụi em ăn đi để lấy sức
mà trực đêm, cố gắng cứu bé ”. Nhớ Thầy, nhớ bánh bao Thầy cho, chúng em cảm
nhận được. Thầy thương các bác sĩ, điều dưỡng như những cô con gái của mình
thức trực suốt đêm cạn mòn sức lực.Thầy thương cháu bệnh nhân bé bỏng đang từng
phút chiến đấu với tử thần. Dạo này bệnh nhân bị sốt xuất huyết nặng nhiều hơn
trước, các tua trực hầu như thức trắng đêm. Về khuya, có lúc vừa mệt vừa đói,
thèm sao cái bánh bao Thầy cho ngày nào. Nhớ năm nào bé đầu lòng của em đã sáu
tuổi mà còn bị sốt cao co giật tại nhà trẻ, được cô giáo đưa vào bệnh viện,
thằng bé lúc đó đang điều trị viêm tai giữa cấp, em lo lắng phát khóc, vì sợ
không phải sốt cao co giật lành tính mà là nguyên nhân khác. Các đồng nghiệp
trong khoa cùng đến chia sẻ. Đưa bé vào phòng CT, Thầy vẫn ngồi đợi cho đến khi chụp xong, có
kết quả bình thường Thầy mới yên tâm trở về. Em cảm nhận được thâm tình như
những người bà con ruột thịt mà Thầy dành cho nhân viên của mình.
Nhớ
khi cùng Thầy và một số đồng nghiệp trong bệnh viện đi dự Hội nghị sốt xuất
huỵết các tỉnh phía nam tổ chức tại tỉnh Bình Thuận, em đã thấy rõ hơn sự nghiêm
túc của Thầy trong công việc. Thầy ngồi dự, nghe chăm chú, ghi chép tỉ mỉ từ
đầu đến cuối chương trình trong khi có một số người chỉ dự một chút rồi vắng
luôn. Thầy ghi chú vào một cuốn sổ tay riêng, ý Thầy giữ tài liệu photo mà Hội
nghị phát cho người tham dự sạch đẹp để khi về nhà photo lại cho anh em không
có điều kiện tham dự Hội nghị cùng đọc. Thầy luôn chia xẻ với anh em, học trò
những gì Thầy có được. Thầy đã quan tâm giúp đỡ khoa Nhi rất nhiều bằng sự am
hiểu sâu về kiến thức và tính chất công việc Nhi khoa vì Thầy đã từng là Trưởng
khoa Nhi. Thầy đã truyền lại cho đàn em kinh nghiệm của một người Thầy, người
anh đi trước với mong muốn sẽ thay Thầy
tiếp tục chăm sóc và điều trị bệnh nhân tốt hơn.
Nay
Thầy đã về hưu, chúng em mong Thầy luôn có sức khỏe tốt và sống vui, Thầy nhé !
BS. Trần Thị Minh Nguyệt - Khoa Nhi
***
Nhớ buổi giao ban
viện Thầy giận chúng em vì mấy viên gạch ở gầm cầu thang cạnh hồ cá bị vỡ, làm
mặt tiền của bệnh viện xấu đi mà chẳng ai quan tâm, mấy cái máy ở khoa X Quang
hư để bụi bám mà chưa có kế hoạch sửa chữa. Nghe Thầy la, trên đường về khoa,
nhìn qua chỗ cạnh hồ nước đúng là gạch vỡ xấu thật, mà hình như nếu Thầy không
nhắc nhở, chúng em chẳng nhận thấy nó làm cho bệnh viện xấu hơn một chút ! Thầy
ơi, chúng em tồn tại như một cái máy, nghĩa là được lập trình sẵn, ăn và làm
việc từ sáu giờ sáng đến chín giờ đêm. Ăn qua loa, vừa làm vừa ăn, tranh thủ ăn
gian tí giờ hành chánh để ăn sáng vội vàng ở căn tin bệnh viện hay tại khoa, có
lúc ăn trưa vào lúc một hai giờ chiều, ăn để nạp năng lượng, để có sức mà sống.
Làm vì nhiệm vụ ở bệnh viện, làm thêm ở nhà để cân bằng ngân sách gia đình, để tồn tại với đời. Hầu
như không còn sức để quan tâm cái gì khác ngoài công việc. Sáng tới chiều tối,
chương trình cài đặt trong đầu chỉ toàn bệnh nhân, bệnh tật thôi, thậm chí
trong giấc mơ đôi lúc còn ray rức những gì mà mình chưa làm được tốt hơn cho
bệnh nhân. Chính sách giảm viện phí cho trẻ em dưới sáu tuổi, kể cả trẻ em nhập
cư từ các địa phương khác đến được nhân dân, nhất là những công nhân nghèo phấn
khởi, khoa Nhi quá tải, phòng khám nhi quá tải. Các khu công nghiệp thi nhau
mọc lên, công nhân từ mọi miền đất nước ùa về, giải quyết công ăn việc làm cho
nhiều người dân, các quan chức phấn khởi, khoa Cấp cứu hồi sức quá tải vì tai
nạn giao thông, tai nạn nghề nghiệp nhiều hơn. Năm heo vàng, sáu mươi năm có
một, mọi người cùng mong có quí tử. Khoa Sản quá tải, Dưỡng nhi quá tải. Dân số
tỉnh Bình Dương tăng, bệnh nhân cũng tăng theo, hầu như khoa nào của bệnh viện
cũng quá tải. Giao ban viện Thầy nhắc nhở chúng em phải khám kỹ hơn, giải thích
cho người bệnh nhiều hơn. Một bác sĩ ở phòng khám đã được lập trình vài phút
trọn gói cho một bệnh nhân thì làm sao dăn dò kỹ càng hơn được nữa. Một bác sĩ
khoa Nhi tâm sự : tụi em giờ chỉ bơi, lết chứ không thể đi nổi, một đêm trực có
khi ngủ ngồi được vài ba chục phút. Nghe sao quá nao lòng, còn đâu sức lực để
tiếp tục đi tiếp khoảng đường còn lại. Bệnh nhân quá tải, Thầy thuốc quá sức,
phòng bệnh quá chật chội, bệnh nhân quá nhiều than vãn, Thầy càng nhiều bức xúc
hơn những tưởng như mình chưa lo tròn trách nhiệm đối với bệnh nhân, đối với
đồng nghiệp. Nghề Y, kiến thức mênh mông, phải đọc nhiều tài liệu, Thầy biết
chúng em không có đủ thời gian tìm tòi, Thầy sợ chúng em tụt hậu nên Thầy gửi
tài liệu về cho chúng em theo địa chỉ email. Vài ngày mở email một lần, chỉ
nhận toàn bài của Thầy gởi thôi. Không đọc sợ Thầy biết chuyện thì buồn nên
ráng đọc hết tựa đề và chọn một vài bài, vừa đọc vừa chống chọi với cơn mệt
nhọc và buồn ngủ vì cả ngày làm việc quá vất vả. Ngần ngại không dám delete vì
cảm thấy có lỗi như người con, người em làm biếng học, phụ lòng mong đợi của ba
mẹ, của người thân. Bệnh nhân ngày càng quá tải, sai sót của chúng em tất yếu
nhiều hơn, Thầy càng gửi bài nhiều hơn nữa.
Nay
giao ban viện không có Thầy, chúng em thèm được nghe Thầy nhắc nhở : “nhớ khám
kỹ hơn, dặn dò bệnh nhân kỹ hơn” để được cảm giác mình còn có được người lớn
quan tâm, động viên khi sức lực ngày càng giảm sút, để tự đánh giá lại công
việc của mình phải hoàn thiện, những gì mình chưa làm tốt cho bệnh nhân. Ngành
Y quá vất vả, chúng em chấp nhận được điều đó một cách tự nguyện mỗi khi còn
khoác trên người chiếc áo bluese trắng.
Thầy
ơi, xin Thầy cứ an lòng, chúng em sẽ thực hiện tốt thiên sứ cao quí của mình để
làm tốt những điều Thầy còn ray rức chưa làm được cho bệnh nhân.
BS Hoàng Thị Kim Trâm – Khoa Dinh Dưỡng
***
Nhớ
lại một ngày, đang ngồi phòng khám khám bệnh thì được mời đích danh xuống hội
chẩn ở cấp cứu, vừa hơi ngạc nhịên, cũng vừa hồi hộp không biết có cas nào nặng
mà mời Tai Mũi Họng, lại đích danh mình, liền vội vàng đi xuống cấp cứu thì gặp
ngay Thầy. Thầy cũng có mặt trước nhiều bác sĩ được mời hội chẩn. Thầy Khai đưa
cuốn sổ khám bệnh màu xanh của bệnh nhân thì tôi thấy đúng là chính mình đã
khám và kê toa thuốc cách đó vài ngày : bệnh nhân nữ bị nhức đầu vào khám Tai
Mũi Họng và cho chụp film Hirtz, Blondeau và được chẩn đoán là theo dõi viêm
xoang trán. Hôm nay bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê bất tỉnh. Nhìn
lại toa thuốc tôi thấy mình cũng cho kháng sinh, kháng viêm, giảm đau, kháng
histamin như một toa viêm xoang thông thường. Nhưng tại sao vậy ? Bệnh nhân
không đỡ mà còn dẫn đến nặng hơn … Mọi người hội chẩn và cuối cùng Thầy quyết định đề nghị cho chụp CT Scanner vùng sọ não… Tinh thần hội chẩn được
thực hiện, do công việc của bác sĩ phòng khám nên tôi lại trở về khám bệnh.
Khoảng một giờ sau, hỏi lại ca hội chẩn đó thì được biết là bị một khối u rất
lớn vùng sọ trán, nên che mờ cả xoang trán khi chụp XQ thông thường. Đây là một
cas bệnh nặng, nếu không có kết quả chụp CT thì không thể chẩn đoán ra, nhất là
khi bệnh nhân còn tỉnh táo, chỉ có triệu chứng nhức đầu. Kết quả chụp CT như là
một bản án tử hình đối với bệnh nhân, tôi rất xót xa vì bệnh nhân còn trẻ quá,
số phận của bệnh nhân này sao nghiệt ngã quá.
Câu
chuyện này xảy ra khá lâu, nhưng vẫn đọng lại trong tôi sự tận tình đối với
bệnh nhân của Thầy, người Giám đốc bận rộn với bao công việc mà khi tôi hội
chẩn Thầy có mặt rất sớm và theo cả bệnh nhân vào phòng chụp CT Scanner để tìm
hiểu nguyên nhân. Mặc dù bệnh nhân này không quen biết hay là người nhà, là
người quen của Thầy. Thầy còn ghi lại hình ảnh chụp CT Scanner vào máy quay
phim của mình. Hôm nay, Thầy đã về hưu không còn làm Giám đốc bệnh viện nữa
nhưng tấm lòng của Thầy đối với bệnh
nhân, đối với đồng nghiệp, học trò đàn em thì luôn khắc ghi trong tôi cũng như
tất cả mọi người. Một người Thầy thuốc như mẹ hiền, thực hiện lời dạy của Bác Hồ
“ Lương y phải như từ mẫu”. Tận tình với bệnh nhân, coi nỗi đau đớn của họ như
nỗi đau của chính mình. Thầy luôn là tấm gương cho thế hệ bác sĩ trẻ chúng tôi
học tập và noi theo.
BS Huỳnh Thị Vân – Khoa Tai Mũi Họng
Đọc lại bài báo Sông Bé cách đây hơn 35 năm:
(Báo Sông Bé ngày 30 tháng 4 năm 1981)
Nhân kỷ niệm lần thứ sáu ngày
miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975 – 30/4/1981)
|
TRƯỞNG THÀNH CỦA MỘT BÁC SĨ
|
…Anh đã kể cho tôi nghe những mẫu chuyện
với một niềm lạc quan tin tưởng về bước đi của mình trong những năm qua. Sau
khi học xong y khoa Sài Gòn tháng 1/1974, cũng như số phận bao sinh viên khác
thời đó, anh bị trưng tập vào khóa quân y Việt Nam Cộng hòa rồi phục vụ tại một
bệnh viện quân y thuộc Nam Trung bộ. Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, sau
trình diện và học tập; bác sĩ Đinh Văn Khai được Bộ Y tế điều động về Ban xây
dựng kinh tế mới.
Xã Tân Hưng (Bến Cát) là nơi đầu
tiên anh được tới công tác. Do ý thức được tình hình nhiệm vụ, nên anh đã
cùng đồng nghiệp hăng hái xây dựng và củng cố màng lưới y tế cở sở, tuyên
truyền phòng bệnh, huấn luyện và cứu chữa bệnh tật cho nhân dân.
Anh đã cùng đồng nghiệp góp phần xây dựng
y tế xã Trừ Văn Thố (Bình Long) trong thuở ban đầu, phục vụ tích cực cho nhiệm
vụ đón dân xây dựng vùng kinh tế mới trong tỉnh.
Đầu năm 1977, anh được chính thức điều động
về công tác tại bệnh viện đa khoa tỉnh Sông Bé. Trong phong trào phấn đấu thi
đua trở thành bệnh viện tiên tiến của Bộ, anh là một trong những người thầy
thuốc thể hiện được sự tận tụy chăm sóc người bệnh và phấn đấu thực hiện chế
độ, chức trách, quy tắc chuyên môn. Là một bác sĩ tuổi nghề còn trẻ, nhưng
anh luôn tự rèn luyện bằng sâu sát người bệnh và chịu khó học hỏi để mỗi ngày
mỗi trưởng thành trong chuyên môn. Luôn gần gũi đồng nghiệp và sẵn sang nhận
bất cứ công tác nào khi cơ quan cần đến; tận tình tham gia hướng dẫn những học
sinh y sĩ, y tá tới thực tập tại bệnh viện là những việc làm tương đối rõ nét
ở bác sĩ Khai.
|
Cùng với sự thường xuyên tìm hiểu hoc hỏi
chính trị, thời sự, chính sách của Nhà nước và sự nổ lực của mình, nên anh là
một trong những bác sĩ sớm được gia nhập tổ chức công đoàn và nay anh đã được
tín nhiệm giao chức vụ phó thư ký Công đoàn cơ sở bệnh viện. Trong những năm
qua, với nhiệm vụ bác sĩ trưởng khoa, anh đã cùng đồng nghiệp đẩy mạnh và duy
trì phong trào thi đua, nên Khoa Nhi là một trong những đơn vị khá của bệnh
viện tỉnh qua nhiều năm liên tục.
Bước chân anh đã cùng đồng nghiệp đi
khám sức khỏe cho nhân dân tại các vùng cao của huyện Phước Long, Lộc Ninh, Đồng
Phú và nhiều nhà máy, trường học, hợp tác xã … và có lần đi tham gia cứu chữa
nạn nhân trong chiến tranh bảo vệ biên giới của tỉnh này.
Anh là một trong những bác sĩ của bệnh
viện tham gia nghiên cứu khoa học với nhiệt tình nghề nghiệp.
Hơn năm năm sau ngày giải phóng, non song
ta được đổi mới, nhân dân đã là người chủ vận mệnh của mình. Khó khăn còn nhiều,
nhất là điều kiện vật chất và kỹ thuật tại bệnh viện, nhưng bác sĩ Khai đã đi
đúng hướng, lấy việc tận tụy phục vụ ngươi bệnh làm nhiệm vụ hàng ngày. Chặng
đường đi còn dài, nhưng nhìn lại năm năm qua làm sao mà không vui mừng khi thấy
những người trí thức được đào tạo trong chế độ cũ, mà ngày nay đã ý thức được
tình hình đất nước, cùng chung sức – chung lòng với bao đồng nghiệp để góp phần
phục vụ đem lại sức khỏe cho người bệnh.
VIỆT THANH
|
TẬP TỰ TRUYỆN NGHỀ NGHIỆP
Thân tặng các đồng nghiệp trẻ tuổi của tôi .
Mến tặng các con tôi
Viết vài dòng tự truyện về người bạn.
Thời ở trường Đại học Y khoa Sài Gòn tôi chỉ biết
anh vài lần...Thế rồi hoàn cảnh xô đẩy kẻ trước người sau: Chúng tôi đều phải
vào lính chế độ cũ. Tôi thì làm việc tại các bệnh viện vùng biển miền Trung,
còn anh thì công tác tại Bệnh viện tỉnh Quảng Đức (nay là tỉnh Đăk-nông). Ở đó
anh chẳng có việc chuyên môn gì nhiều để làm mặc dù hồi ở trường Đại học Y khoa
anh là hội viên hội giải phẩu tiểu nhi. Anh có bàn tay giải phẫu khéo léo với
thân hình đồ sộ, nhìn vào cứ tưởng như vụng về.
Thời
gian anh làm việc ở bệnh iện tỉnh Quảng Đức thì Tây nguyên chiến tranh ác liệt.
Bệnh viện Quảng Đức lúc đó là một vùng bị cô lập. Ra khỏi bệnh viện là cạm bẫy,
là chiến tranh. Muốn nghỉ phép về Sài Gòn anh phải đi nhờ trực thăng khi thuận
tiện…
Thế rồi,
đến ngày 30/4/1975…
Anh
và tôi như có một cái gì đó tình cờ gắn bó nhau hơn 30 năm nay. Chúng tôi có
cùng quan điểm chính trị, nhưng khác nhau về nhận thức và hành động. Tôi thì
hăng say quá mức trong công tác. Tư duy và hành động nghiệt ngã. Trong công tác
và sinh hoạt thường đi quá trớn. Vì thế đôi khi lố bịch và kết quả là… thất bại
trong cuộc sống…
Còn
anh có một cá tính kì lạ. Đối với anh: Mọi sự xảy ra hàng ngày đều là “tự
nhiên”. Anh rốt tốt với mọi người. Anh
không bao giờ than phiền bất cứ việc gì, bất cứ ai. Tôi thân với anh
hàng chục năm nay nhưng không thấy anh giận dữ ai bao giờ. Có đôi lúc tôi xúc
phạm anh, anh cũng không nói gì!
Anh
làm việc tại bệnh viện không kể giờ giấc: Buổi trưa ít khi anh về nhà. Cái nhiệt
tình và tấm lòng của anh ví như một con đường kẻ thẳng dài vô tận… Không ai có
thể ghét hoặc than phiền về anh.
Về
gia đình, anh may mắn gặp được người vợ phù hợp với anh, trước đây là một cán sự
y tế, công tác tại bệnh viện tỉnh. Chị là người đảm đang, dễ tính, thưong người
và nhạy bén trong cuộc sống. Có thể nói giữ được cái gia đình hạnh phúc của anh
chị phần lớn do chị. Chị ít quan tâm đến công việc của anh ngoài xã hội. Một
trong nhiều câu chuyện mà tôi muốn đề cập đến là: Có một lần vợ tôi và chị vào
bệnh viện thăm cậu của chị đang nằm điều trị, nhưng người y tá trực đêm không
cho chị vào vì hết giờ thăm bệnh; Thế là chị ra về, mặc dầu anh là Giám đốc bệnh
viện tỉnh đang ở đâu đó trong các khoa phòng?
Tính
cách của anh chị là như thế! Việc ai nấy làm.
Tôi cố
gắng hết sức nhưng không làm sao thể hiện được đầy đủ cái cảm nhận của tôi về một
đoạn đời của anh.
Tưởng
như anh là một người “bình thường”? Nhưng trong cái bình thường đó có cái gì đặc
biệt?... Anh có cá tính lạ kỳ: Anh là một người có đường đi đã định sẵn? Chỉ một
điều không nói khác được: Anh là một Bác sĩ tốt, giữ gìn y đức: Đối với bạn bè
hay bất cứ ai anh cũng đối xử bằng một tính cách nhiệt tình vừa đủ?
Trước
đây tôi có hàng trăm người bạn cùng nghề nhưng đến nay anh là một trong vài người
bạn mà gia đình tôi kính mến. Có lẻ ở anh hình thành cái quan điểm: Tôn trọng
“qui luật phát triển khách quan của xã hội”. Đối với từng con người thì qui luật
đó cũng có giá trị?
Trong
khi viết vài dòng tự truyện mộc mạc của tôi về người bạn quí mến là anh. Tôi
nghĩ đến 2 câu thơ của nhà thơ Tố Hữu “Có những phút làm nên lịch sử, có những
người như chân lý sinh ra”. Anh thuộc loại người như thế.
Tôi
mong anh tiếp tục nhiệm vụ gian nan nhưng đầy vinh dự. Để được như thế chắc anh
cũng thừa hiểu anh vẫn là anh như đoạn đường đã trải qua.
03/10/2006
Bác sĩ Nguyễn Văn Tờn