Arrêté No 55 du 17 mars 1879 du Gouverneur et Commandant en chef portant nouvelle organisation du service de l’instruction publique en Cochinchine.
Nghị định số 55 ngày 17-3-1879 của Thống đốc Nam Kì về việc tổ chức Sở Học chính Nam Kì.
(Nguồn: J 36, BOC 1879, tr. 85-100)
Nghị định gồm 7 phần, 47 điều, trong đó có:
Phần I. Các trường học
Điều 1. Về nguyên tắc, chương trình giáo dục công tại Nam Kì hoàn toàn miễn phí và mang tính tự nguyện tại các trường học.
Điều 2. Trường tư thục chỉ được mở khi chính quyền cho phép. Bất kì cá nhân nào xin giấy phép mở trường đều phải đáp ứng điều kiện về đạo đức và năng lực theo quy định. Trường tư thục chịu sự giám sát của chính quyền.
Điều 3. Các trường công lập đã thành lập và hoạt động hợp pháp tại thuộc địa được miễn giấy phép theo quy định tại điều 2, gồm:
- Trường của Hội thừa sai và những trường phụ thuộc;
- Trường Tabert do các giáo sĩ thành lập tại Sài Gòn;
- Trường Adran (trường Bá Đa Lộc) và những trường khác do các thầy dòng Cơ đốc giáo điều hành;
- Một số trường nữ sinh do các nữ tu dòng Saint Paul de Sartre điều hành;
- Trường tỉnh Sài Gòn và các trường tư dành cho nam nữ sinh.
Những trường này chịu sự kiểm soát của chính quyền. Ngoài ra, miễn giấy phép đối với các trường tiểu học dạy chữ Hán đã hoặc sẽ mở tại các làng. Quan cai trị, Thanh tra các công việc nội chính bản xứ và Chánh Sở Học chính chịu trách nhiệm kiểm tra những trường tiểu học trên.
Ngoài chữ Hán, giáo viên các trường học này còn dạy chữ La-tinh và khái niệm về tiếng Pháp và hưởng tiền thưởng theo số lượng và học lực của học sinh.
Điều 4. Xoá bỏ hệ thống trường tiểu học và trường trung học thành lập theo Nghị định ngày 17-11-1874 và thay bằng các trường cấp 1, 2 và 3.
Điều 5. Tại mỗi trung tâm như: Khu thanh tra Sài Gòn, Chợ Lớn, Mĩ Tho, Sóc Trăng, Bến Tre, Biên Hoà, Long Xuyên, Gò Công, Trảng Bàng, Cần Thơ, Trà Vinh, Sa Đéc, Tân An, Châu Đốc, Bà Rịa, Thủ Dầu Một, Rạch Giá, Hà Tiên và Cái Bè, cho mở một trường cấp 1.
Trường cấp 2 cũng được mở tại các trung tâm như: Khu thanh tra Sài Gòn, Chợ Lớn, Mĩ Tho, Vĩnh Long, Sóc Trăng và Bến Tre.
Điều 6. Trường Chasseloup - Laubat chuyển thành trường cấp 3. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi lệnh mới, tạm thời, trường vẫn tiếp tục dạy chương trình cấp 2.
Điều 7. Tại những trung tâm có cả trường cấp 1 và 2 trong cùng toà nhà, những trường học này chịu sự quản lí của cùng một hiệu trưởng. Các lớp tiếng Pháp có chung giáo viên giảng dạy ở cả hai cấp, tuỳ theo nhu cầu công việc.
Điều 8. Những trường do các tu sĩ Cơ đốc giáo quản lí trở thành trường cấp 1 và cấp 2. Trường Adran đào tạo học sinh ở cả 3 cấp học.
Phần II. Điều kiện tuyển sinh
Điều 9. Những trường do giáo viên Pháp điều hành nhận cả học sinh nội và ngoại trú. Trường do giáo viên bản xứ quản lí chỉ nhận học sinh ngoại trú.
Điều 10. Học sinh nội trú được chu cấp chi phí ăn mặc. Ngoài số học sinh nhận học bổng, trường còn tuyển học sinh nội trú có đóng học phí.
Điều 11. Học sinh chỉ theo học tại một trong những trường ở Nam Kì, với tư cách là học sinh nội trú hoặc ngoại trú, nếu thi đậu kì thi tuyển. Kì thi diễn ra vào cuối mỗi năm học trong điều kiện quy định dưới đây:
Điều 12. Kì thi tuyển sinh vào trường cấp 1:
Kì thi diễn ra tại những trung tâm có trường cấp 1. Thí sinh bắt buộc phải biết chữ Hán. Chữ Quốc ngữ không mang tính bắt buộc nhưng là điều kiện để xếp loại thí sinh.
Thí sinh đăng kí tại văn phòng tham biện sở tại, nộp đơn xin dự thi có chữ kí của phụ huynh trong đó có nêu tên trường mà thí sinh muốn thi tuyển. Đơn dự thi cũng như danh sách thí sinh được chuyển tới Giám đốc Nha Nội chính.
Thí sinh xin học bổng tuổi từ 10 đến 14.
Điều 13. Kì thi tuyển sinh vào trường cấp 2:
Kì thi diễn ra tại những trung tâm có trường cấp 2. Nội dung thi đề cập tới tất cả các môn học ở cấp 1. Thủ tục đăng kí giống như thủ tục dự thi vào trường cấp 1. Học sinh trường tư thục cũng có quyền dự thi. Ngoài ra, thí sinh xin học bổng phải đủ 12 tuổi và không quá 17 tuổi.
Điều 14. Đối với kì thi tuyển sinh vào trường cấp 3.
Kì thi diễn ra tại Sài Gòn dành cho học sinh đã tốt nghiệp cấp 2. Thí sinh xin học bổng độ tuổi từ 14 đến 20.
Thể lệ dự thi giống như đối với trường cấp 1. Bất kì cá nhân nào cũng có quyền dự thi với điều kiện đăng kí đúng hạn. Ngoại trừ thí sinh xin học bổng, học sinh ngoại trú và học sinh đóng học phí được miễn điều kiện về tuổi ở cả ba cấp học.
Phần III. Chứng chỉ nghiệp vụ
Điều 15. Có hai loại chứng chỉ nghiệp vụ: bằng sơ đẳng và bằng cao đẳng.
Bằng sơ đẳng cấp cho thí sinh thi đậu kì thi tuyển sinh vào trường cấp 3.
Kì thi lấy bằng cao đẳng diễn ra tại Sài Gòn vào cuối năm học, đề cập tới các môn học ở cấp 3. Cá nhân nào cũng có quyền dự thi với điều kiện đăng kí đúng hạn.
Những người có bằng sơ đẳng được bổ dụng vào chức vụ thấp hơn trong chính quyền thuộc địa, trừ nho sĩ, thông ngôn và thư kí chính ngạch làm việc tại Nha Nội chính và các ban thanh tra có thể được sử dụng làm giáo viên tiểu học hạng cuối cùng và thư kí, thông ngôn và nhà nho không chính ngạch hạng cuối cùng. Những người có bằng cao đẳng có thể làm thông ngôn, thư kí, nho sĩ chính ngạch, giáo viên bản xứ.
Thí sinh đạt điểm cao ở kì thi lấy bằng cao đẳng được gửi sang Pháp để hoàn tất chương trình học bằng nguồn kinh phí của thuộc địa.
Điều 16. Xoá bỏ chứng chỉ nghiệp vụ. Tuy nhiên, những người đang sở hữu chứng chỉ này có quyền thi tuyển vào các vị trí cho đến ngày 01-01-1883. Bằng sơ đẳng là điều kiện cần thiết để được bổ dụng làm giáo sư, theo Quyết định ngày 17-11-1874.
Từ ngày 01-01-1883, ứng viên thi tuyển vào chính quyền thuộc địa phải có bằng sơ đẳng hoặc bằng cao đẳng, theo quy định của Nghị định hiện hành.
Phần IV. Hình thức thi tuyển
Điều 17. Kì thi đề cập tại điều 11 và những điều dưới đây gồm thi viết và thi vấn đáp.
Đối với phần thi viết, Hội đồng Học chính tại Sài Gòn gửi câu hỏi tới các trung tâm tổ chức thi. Kì thi các cấp diễn ra trong cùng một ngày.
Phần thi vấn đáp:
Để vào trường cấp 1, thí sinh thi vấn đáp trước một tiểu ban khảo thí với thành phần như sau: Giám đốc Nha Nội chính - chủ tịch; 2 giáo viên trường Thế tục dành cho thí sinh thế tục, hoặc 2 giáo viên trường Giáo đoàn dành cho thí sinh giáo đoàn.
Đối với trường cấp 2, thí sinh thi vấn đáp trước một tiểu ban khảo thí với thành phần như sau: Giám đốc Nha Nội chính - chủ tịch; hiệu trưởng; 2 giáo viên trường Thế tục dành cho thí sinh thế tục, hoặc 2 giáo viên trường Giáo đoàn dành cho thí sinh giáo đoàn.
Kì thi lấy bằng sơ đẳng và vào trường cấp 3 diễn ra trước thành viên Hội đồng Học chính thường trực, với sự trợ giúp của các giám khảo do hội đồng chỉ định.
Các tiểu ban khảo thí có trách nhiệm gửi danh sách xếp hạng thí sinh lên Giám đốc Nha Nội chính. Kết quả được công bố trên báo Gia Định.
Điều 18. Nếu không đạt điểm trung bình, thí sinh thi lấy bằng sơ đẳng và cao đẳng không được dự thi vấn đáp và thi lại ở năm sau.
Điều 19. Học sinh thi trượt ở kì thi cuối năm chỉ được học lại khi Giám đốc Nha Nội chính chấp thuận.
Phần V. Chương trình giảng dạy
Điều 20. Tại Nam Kì, chương trình giảng dạy và thời gian học tại các cấp quy định như sau:
Trường cấp 1, hệ 3 năm:
Lớp tiếng Pháp
|
Khái niệm về tiếng Pháp
|
Số học: 4 phép tính, hệ mét, tương quan hệ thống đo lường Pháp - Việt
|
Lớp chữ Hán và Quốc ngữ
|
Tứ thư
|
Tập đọc và tập tường thuật bằng chữ Quốc ngữ.
|
Trong năm thứ 3, giáo viên chú trọng tới tiếng Pháp nói và có thể đưa bộ môn này vào chương trình của lớp tiếng Pháp.
Các lớp học phân chia theo tỉ lệ như sau: 3 lớp tiếng Pháp, 2 lớp chữ Hán và Quốc ngữ.
Trường cấp 2, hệ 3 năm:
Lớp tiếng Pháp
|
Tiếng Pháp: văn phạm, tập đọc, tập viết, tường thuật, luận, dịch ngược, dịch xuôi, đặc biệt là dịch từ chữ Quốc ngữ sang tiếng Pháp và tập nói
|
Số học: 4 phép tính, phân số, quy tắc tam suất, phép chiết khấu, phép tính lợi tức
Hình học: đo diện tích và thể tích
Địa lí: khái quát về 5 châu, đặc biệt là địa lí nước Pháp và các thuộc địa của Pháp
Vẽ
|
Lớp chữ Hán và Quốc ngữ
|
Tứ thư
Luận, bài tập tường thuật bằng chữ Hán hoặc chữ Quốc ngữ
Lịch sử và địa lí An Nam
|
Hàng tuần, có 2 lớp dạy chữ Hán và chữ Quốc ngữ, những lớp còn lại dạy tiếng Pháp.
Các trường cấp 3, hệ 3 năm:
Lớp tiếng Pháp
|
Tiếng Pháp
|
Số học
Hình học phẳng
Đại số
Lượng giác
Kĩ thuật đo đạc
Vẽ
Quản lí sổ sách
Địa lí
Vũ trụ học
Hoá học
Vật lí
Lịch sử tự nhiên
|
Lớp chữ Hán và Quốc ngữ
|
Tứ thư
Nghiên cứu các kiểu văn bản của người An Nam (hợp đồng v.v...)
Lịch sử và địa lí An Nam
|
Mỗi tuần có một lớp dạy chữ Hán và chữ Quốc ngữ, những lớp còn lại dạy tiếng Pháp.
Điều 21, 22. Chương trình giảng dạy cho mỗi năm học ở cả 3 cấp cũng như tổng điểm quy định để nhận học sinh do Hội đồng Học chính cao cấp quy định.
Phần VI. Nhân sự Sở Học chính
Điều 23. Giáo viên người Pháp và người An Nam phụ trách giảng dạy tại các trường phải có đủ tư cách đạo đức và đáp ứng điều kiện về năng lực theo quy định nêu trong Nghị định hiện hành.
10 Nhân sự giảng dạy người Pháp
Điều 24. Nhân sự người Pháp gồm: Chánh Sở Học chính, hiệu trưởng và các giáo sư.
Điều 25. Chánh Sở Học chính tập trung và chỉ đạo công việc theo lệnh của Giám đốc Nha Nội chính. Ngoài ra, Chánh Sở còn đảm nhiệm một số công việc sau:
- Kiểm soát tất cả các trường học tại Nam Kì, chủ yếu là những trường được duy trì hoặc tài trợ bằng ngân sách địa phương; thanh tra các trường học theo định kì; thăm dò ý kiến của học sinh cũng như báo cáo về sự tiến bộ, thái độ và nhu cầu của họ; thanh tra trang thiết bị, sách vở và đồ dùng học tập;
- Đảm bảo rằng hiệu trưởng và giáo viên các trường làm tròn bổn phận, tuân thủ các chỉ thị của Chánh Sở, áp dụng đúng chương trình và cư xử đúng mực với học sinh;
- Sau mỗi chuyến công tác, Chánh Sở Học chính Nam Kì gửi báo cáo lên Giám đốc Nha Nội chính, đưa ra nhận xét và đề xuất để giải quyết công việc;
- Trình Giám đốc Nha Nội chính báo cáo tổng hợp về tình hình và diễn tiến công việc của Sở Học chính sau mỗi quý.
Hiệu trưởng, giáo sư, giáo viên tiểu học người Âu và người bản xứ chịu sự chỉ đạo của Chánh Sở Học chính. Chánh Sở có quyền phạt cảnh cáo đối với nhân sự người Âu và phạt cảnh cáo, giữ 4 ngày lương đối với nhân sự bản xứ.
Đối với những lỗi vi phạm nghiêm trọng, Giám đốc Nha Nội chính là người đưa ra quyết định xử lí.
Điều 26. Được lựa chọn trong số giáo sư theo quy định tại điều 29, hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm trước Chánh Sở Học chính về những việc sau:
- Chỉ đạo tổ chức chương trình học;
- Chăm lo đời sống, thái độ của học sinh;
- Quản lí tài sản và đảm bảo vệ sinh trong trường học;
- Phụ trách trang thiết bị, giáo trình giảng dạy, đồ dùng học tập và hoạt động kế toán khi không có người quản lí chi tiêu;
- Quản lí giáo sư và giáo viên tiểu học dưới quyền;
- Trình báo cáo tháng lên Chánh Sở Học chính theo mẫu quy định do Giám đốc Nha Nội chính ban hành.
Điều 27. Dưới quyền kiểm soát và giám sát của hiệu trưởng, giáo sư chịu trách nhiệm giảng dạy, hỗ trợ hiệu trưởng trong hoạt động giảng dạy và an ninh trong trường.
Điều 28. Tiền lương, cách thức nâng bậc và thứ bậc của giáo viên Pháp biệt phái của Sở Học chính quy định như sau:
Chánh Sở Học chính
|
12.000 (phơ-răng)
|
Giáo sư hạng 1
|
8.000
|
Giáo sư hạng 2
|
7.000
|
Giáo sư hạng 3
|
6.000
|
Giáo sư hạng 4
|
5.000
|
Giáo sư tập sự
|
3.600
|
Điều 29. Để được bổ dụng làm giáo sư tập sự, ứng viên phải có bằng cao đẳng tiểu học của Chính quốc hoặc văn bằng có giá trị tương đương.
Để trở thành giáo sư hạng 4, ứng viên phải giảng dạy tại Nam Kì với tư cách là giáo sư tập sự trong thời gian tối thiểu 1 năm và thi đậu kì thi phụ tá thông ngôn.
Việc nâng hạng cho giáo sư chỉ diễn ra sau ít nhất 2 năm làm việc tại hạng và công tác tại Nam Kì trong thời gian tối thiểu 1 năm.
Hiệu trưởng các trường được lựa chọn trong số giáo sư do Giám đốc Nha Nội chính bổ nhiệm, theo đề xuất của Chánh Sở Học chính.
Với cương vị này, hiệu trưởng trường cấp 2 và cấp 1 lần lượt hưởng phụ cấp lương trị giá 500 phơ-răng và 250 phơ-răng/năm.
Điều 30. Hình thức kỉ luật áp dụng đối với giáo sư gồm: phạt cảnh cáo, khiển trách, treo chức, cách chức.
Điều 31. Đội ngũ giáo sư hiện tại vẫn giữ nguyên chức vụ. Việc nâng ngạch chỉ diễn ra đối với giáo sư đáp ứng điều kiện về bằng cấp theo quy định nêu trong Nghị định hiện hành hoặc thi lấy bằng cao đẳng tiểu học trước một tiểu ban khảo thí đặc biệt.
20 Nhân sự giảng dạy người bản xứ
Điều 32. Tiền lương, cách thức nâng bậc và thứ bậc của giáo sư bản xứ biệt phái của Sở Học chính quy định như sau:
Giáo sư hạng 1
|
2.400 (phơ-răng)
|
Giáo sư hạng 2
|
2.200
|
Giáo sư hạng 3
|
2.000
|
Giáo sư hạng 4
|
1.800
|
Giáo viên tiểu học hạng 1
|
1.400
|
Giáo viên tiểu học hạng 2
|
1.200
|
Giáo viên tiểu học hạng 3
|
1.000
|
Điều 33. Để trở thành giáo viên Sở Học chính, ứng viên phải đủ 21 tuổi, có bằng sơ đẳng và tư cách đạo đức tốt. Tuy nhiên, từ ngày 01-01-1883, chứng chỉ nghiệp vụ được thay bằng bằng sơ đẳng.
Sau 1 năm công tác, giáo viên tiểu học có thể được nâng lên hạng cao hơn. Việc nâng hạng diễn ra trong điều kiện quy định tại điều 29 đối với giáo sư người Âu.
Điều 34. Để được bổ dụng làm giáo sư hạng 4, ứng viên phải có bằng cao đẳng. Từ ngày 01-01-1883, những giáo viên tiểu học hạng 1, không có tấm bằng này được bổ nhiệm làm giáo sư hạng 4, nếu thi đậu kì thi quy định tại điều 13 và các quy định tại điều 5 trong Quyết định ngày 07-02-1876.
Các giáo sư hạng 3 và 4 được nâng lên hạng cao hơn, sau 2 năm công tác tại ngạch trong điều kiện quy định tại điều 29.
Giáo sư hạng 2 và 3 có quyền thi lên ngạch giáo sư hạng 1, theo chương trình quy định tại điều 16 trong Quyết định ngày 07-02-1876.
Kì thi lên ngạch giáo sư hạng 1 diễn ra hàng năm vào cùng thời điểm như kì thi thông ngôn, nho sĩ và thư kí trước một hội đồng khảo thí đặc biệt.
Điều này tương tự như kì thi dành do ứng viên thi lên hạng 4, trong điều kiện quy định tại §1 của điều khoản này cho đến ngày 01-01-1883, thời điểm chính thức xoá bỏ các kì thi này.
Điều 35. Chỉ những giáo sư hạng 1 mới được bổ dụng để giảng dạy cấp 2 và 3.
Việc bổ dụng giáo sư tại Trường Chasseloup - Laubat và trường cấp 3 diễn ra sau kì thi tuyển giữa các giáo sư ở hạng này, với môn thi tương tự như đối với kì thi giáo sư hạng 1. Việc bổ dụng diễn ra theo thứ hạng được lập sau kì thi. Danh sách thứ hạng có giá trị trong vòng 1 năm.
Giáo sư biệt phái tại trường cấp 3 hưởng phụ cấp từ 200 đến 600 phơ-răng/năm.
Điều 36. Hình thức kỉ luật áp dụng đối với giáo sư và giáo viên tiểu học bản xứ bao gồm: phạt cảnh cáo, khiển trách, giữ lương tối đa trong vòng 15 ngày, giáng chức, treo chức, cách chức.
Điều 37. Giáo sư bản xứ hạng 1 có quyền thi lên ngạch giáo sư tập sự với tư cách là công dân Pháp, với điều kiện có chứng chỉ nghiệp vụ liên quan đến vị trí này.
Giáo sư bản xứ mang tư cách là công dân Pháp hưởng các điều kiện nâng lương và thứ bậc như giáo sư người Pháp.
Điều 38. Đối với những bậc đòi hỏi một kì thi trước đó, việc nâng bậc diễn ra theo danh sách xếp hạng do hội đồng khảo thí lập, có tính đến điểm số đặc biệt dựa trên giá trị đạo đức và nghề nghiệp, được chấm từ 0 đến 20, trong đó hệ số quy định là 10. Chánh Sở Học chính là người đưa ra hệ số điểm này.
Phần VII. Nhân sự giảng dạy
Điều 39. Hàng năm, vào thời điểm lập ngân sách, nhân sự giảng dạy của Sở Học chính Nam Kì được ấn định theo số trường và số học sinh, theo quy định dưới đây:
10 Các trường cấp 1 gồm có: 1 giáo sư người Pháp hoặc mang tư cách công dân Pháp, hiệu trưởng và 2 giáo sư hoặc giáo viên tiểu học bản xứ, trong đó có 1 giáo sư dạy chữ Quốc ngữ, 1 giáo sư hỗ trợ hiệu trưởng trong việc dạy tiếng Pháp. Trường hợp thiếu giáo sư người Pháp hoặc mang tư cách công dân Pháp, các lớp tiếng Pháp sẽ do một giáo sư bản xứ đảm nhiệm và người này giữ chức hiệu trưởng.
20 Các trường cấp 2 gồm: 2 giáo sư Pháp hoặc mang tư cách công dân Pháp phụ trách các lớp tiếng Pháp, trong đó 1 người giữ chức hiệu trưởng. Ngoài ra, còn có thêm 1 giáo sư hoặc giáo viên tiểu học bản xứ phụ trách dạy chữ Quốc ngữ.
30 Các trường cấp 3: 3 giáo sư người Pháp phụ trách dạy tiếng Pháp, 1 giáo sư bản xứ dạy chữ Hán và chữ Quốc ngữ, 1 giáo sư dạy vẽ.
Giáo sư hoặc giáo viên tiểu học bản xứ đóng vai trò là người phụ tá cho giáo sư người Pháp tại những trường học khác.
Điều 40. Danh sách nhân sự tại các trường được ấn định tuỳ theo số lượng học sinh của mỗi năm học thấp hơn hoặc bằng 45 người. Khi con số này cao hơn 45 nhưng dưới 90 người, số giáo sư phải tăng lên gấp đôi và nói chung, mỗi nhóm có tối thiểu là 30 học sinh và tối đa là 45 sẽ được tăng thêm một nhóm giáo sư.
Số lượng giáo sư chữ Hán và chữ Quốc ngữ được xác định theo tỉ lệ 1 giáo sư cho mỗi nhóm tối thiểu gồm 50 học sinh và tối đa là 75 học sinh. Nhóm gồm 45 học sinh sẽ có 1 thầy đồ.
Hội đồng Học chính cao cấp
Điều 42. Quyết định thành lập một hội đồng học chính cao cấp chịu trách nhiệm nghiên cứu các vấn đề liên quan đến học chính và thanh tra các trường học. Hội đồng nhóm họp ít nhất 3 tháng/lần và biên bản họp do Giám đốc Nha Nội chính trình lên Thống đốc.
Thành phần của Hội đồng quy định như sau:
- Chủ tịch: Giám đốc Nha Nội chính, hoặc nếu thiếu thay bằng Tổng thư kí;
- Các thành viên gồm: Đốc lí thành phố Sài Gòn; Chánh Sở Học chính; các thanh tra công việc nội chính bản xứ; quan cai trị Sài Gòn và Chợ Lớn; Hiệu trưởng Trường Chasseloup - Laubat; Hiệu trưởng Trường Adran; cha xứ Sài Gòn; 1 bác sĩ hải quân do Chánh Sở Y tế chỉ định; 1 giáo sư bản xứ dạy tiếng phương Đông; 1 thông ngôn chính người Âu; Chánh Văn phòng Nha Nội chính.
Điều 44. Hội đồng Học chính cao cấp chịu trách nhiệm đề xuất lên Giám đốc Nội chính về thành phần tiểu ban khảo thí phụ trách sát hạch học sinh các cấp học và thí sinh dự thi lấy văn bằng, chứng chỉ.
Hội đồng lập danh sách nâng bậc theo quy định tại điều 29, 33 và 34.
Hoạt động giám sát trường học về phương diện hành chính.
Điều 45. Tại những địa hạt có các trường cấp 1, 2 và 3, tham biện sở tại chịu trách nhiệm quản lí về phương diện hành chính đối với các trường học đó, dưới sự điều hành của Giám đốc Nha Nội chính. Ngoài ra, tham biện còn phụ trách một số công việc sau:
- Thường xuyên thanh kiểm tra các trường học trên;
- Yêu cầu hiệu trưởng, giáo sư, giáo viên tiểu học cung cấp thông tin cần làm rõ, nếu xét thấy cần thiết;
- Không tự ý thay đổi chế độ hoạt động của các trường học, trừ khi Giám đốc Nha Nội chính cho phép;
- Trình Giám đốc Nha Nội chính bản báo cáo đặc biệt theo quý;
- Kí quyết định đuổi học đối với học sinh, đồng thời báo cáo sự việc lên Giám đốc Nha Nội chính.
Những quy định này không áp dụng đối với Trường Chasseloup - Laubat do trường này chịu sự kiểm soát trực tiếp của Chánh Sở Học chính.
|