Tiến sĩ tân khoa vinh quy bái tổ
Giấc Nam Kha khéo bất bình...
Vừa rồi các bạn cùng lớp tôi ở trường Y khoa thuộc Viện Đại học Sài Gòn họp lớp tại California kỷ niệm 50 mươi năm (1965-2015) ngày chúng tôi rời trường trung học để thi vào y khoa. Nhiều người đã từ giả cỏi đời, một số trong chiến tranh, hay vì những lý do khác, nhất là bịnh tim và ung thư, những người khác đang hành nghề khám bịnh phòng mạch tư hay nhà thương Mỹ, vài người làm giáo sư y khoa, hay đã vể hưu, làm từ thiện hay phấn đấu để... sống tiếp. Trong nửa thế kỷ, ngành y khoa đã thay đổi nhiều, nhất là người Việt chúng ta có đến mấy nền y khoa: y khoa trước 1954, YK trước 30/4/1975, sau 1975; ở hải ngoại có y khoa Mỹ, Canada, Pháp, Úc, vân vân.Tôi thường đọc tin trong nước về tiến triển của ngành y khoa cũng như những ngành khoa học khác để xem học thuật trong nước đang thay đổi như thế nào. Nhân dịp này xin nói về một số chuyện đáng để ý thời đó, cũng như một số chuyện mới đây, phần lớn là ở Mỹ để chúng ta thấy danh xưng, bằng cấp cũng thay hình đổi dạng không kém gì phù vân..
Từ "Tiến sĩ" đến "Doctor", “Ph. D.”, Giáo sư
Từ “tiến sĩ“ (進士) gốc từ chữ Hán "tiến" (進) có nghĩa là đề cử người tài để giúp cho vua, do đó chỉ một tước vị dành cho những chức vụ hành chánh. Trong lúc đó từ "doctor" hay "docteur" của tây phương, gốc từ chữ la tinh "docere" là dạy học, doctor" là người dạy học (teacher), chỉ những người trong một ngành nào đó mà trình độ chuyên môn đã đạt tới mức dạy cho người khác, huấn luyện cho người khác trong nghề mình, hay trong giáo hội công giáo, người thầy về tôn giáo, thần học. Ph. D. hay Philosophy Doctor cũng vậy, hiểu theo nghĩa ngày xưa "philosophy" không chỉ là triết học không thôi, mà bao gồm cả các ngành khoa học của chúng ta hiện nay. "Philosophy" nghĩa gốc là "yêu kiến thức, học hỏi": gốc Hy lạp philo là yêu, thích; sophy (sophia) là khôn ngoan, hiểu biết, kiến thức, wisdom, knowledge. Trong tiếng Pháp, tiếng Anh xưa (tk 12-13) philosophie có nghĩa là kiến thức (knowledge, a body of knowledge, bao gồm luôn kiến thức "khoa học" về vật thể hiện nay). Ví dụ, thời các nhà bách khoa "encyclopediste" thế kỷ thứ 18 tại Pháp, các nhà khoa học viết cuốn Tự điển Bách Khoa (Encyclopédie) đầu tiên được gọi là "philosophes". "Philosophe" Jean le Rond (1717-1783) d'Alembert, cùng biên tập Tự điển Bách khoa với Diderot là một nhà vật lý, toán học, cơ học nổi tiếng. Sau này, vì các đại học càng ngày càng hướng về ngả khoa học và khảo cứu, "doctor" như trong Ph.D. (Philosophy Doctor) càng ngày càng mang màu sắc của hoạt động khảo cứu (research doctor) và dạy đại học. Do một cơ duyên vể ngôn ngữ, từ "tiến sĩ" nặng vể chính trị tân Khổng học của Tống Nho, quan trường và hành chánh của xã hội Khổng giáo của chúng ta đã bị "đem râu ông nọ cắm cằm bà kia", làm cho ở Việt Nam chúng ta quan chức lớn bé nào cũng muốn mang bằng "Ph.D." hay "doctor" đại học cho xứng đáng với chức vụ hành chánh của mình, hiểu theo nghĩa "tiến" sĩ hồi thời còn vua chúa.
"Professor", hay "professeur" tiếng Pháp, do gốc chữ la tinh profiteri nghĩa là "tuyên bố, công bố" (to profess, to declare publicly) là mình đủ khả năng để dạy một môn nào đó, là một loại thầy giáo hạng nhất. Trong tiếng Pháp, thầy tiểu học gọi là instituteur, do từ institution. Họ là những người Napoleon giao cho trách nhiệm phổ biến cho giới trẻ tiếng Pháp theo chuẩn mới, văn hoá mới của "institution" (tổ chức, "thể chế") mới. Giáo sư trung học Pháp gọi là professeur, tuy nhiên họ không mang tước hiệu Professeur X, Professeur Y, như giáo sư đại học. Trên danh thiếp, ví dụ sẽ ghi Jean Martin, theo sau xuống hàng là Professeur de francais. Ở miền Nam trước 1975, giống như Pháp, phân biệt người dạy tiểu học là giáo viên (như instituteur) và giáo sư trung học là giáo sư, thường là người tốt nghiệp cao đẳng hay đại học sư phạm, hay có bằng cấp cử nhân (dạy lớp đệ thất trở lên). Mỹ thì khác, chỉ gọi “giáo sư” trung học là teacher, vd French teacher, cũng như ở Việt nam hiện nay gọi là giáo viên. Đại học ngày xưa có giáo sư thạc sĩ, giáo sư thục thụ (mang tước vị suốt đời). Ở Mỹ thì có assistant professor (phụ tá), associate professor (phó giáo sư, giáo sư cọng tác) và (full) professor.
Ở Việt Nam "bác sĩ" chỉ dùng để gọi bác sĩ y khoa và chúng ta có "tiến sĩ" để gọi trước tên các doctor/docteur khác. Ở Mỹ, ai có bằng "docteur" dù là PhD, MD, hay những ngành khác của ngành y tế đều dùng tên gọi "doctor" trước tên mình. Hiệu trưởng trường trung học có bằng PhD in Education muốn học sinh gọi mình là Dr Smith, Dr Nguyen...Người Mỹ gọi Dr Martin Luther King vì ông có bằng PhD về systematic theology do Đại học Boston cấp năm 1955.(Xin mở ngoặc để nhắc đến một chi tiết thú vị, đến tận năm 1991, người ta điều tra và thấy luận án ông có đạo văn nhiều đoạn, và một bức thư kèm theo luận án của ông tại đại học Boston ghi rõ là có nhiều đoạn không được ghi rõ xuất xứ).
Bằng cấp và tước vị đại học ở Việt nam
Một điểm thú vị là người có bằng cấp và tước vị đại học ở Việt nam hiện nay rất đông, không những so với thời chúng tôi đi học. Có chừng 24.000 tiến sĩ (PhD) tại Việt nam, có lẽ đông bằng số sinh viên đại học Sài Gòn 50 năm trước đây. Hiện nay có chừng 480 trường đại học y cao đẳng; trong 60.000 giảng viên đại học, chừng 15% là có bằng tiến sĩ, nghĩa là chừng một vạn (10.000) tiến sĩ, có lẽ được đào tạo từ cả chục nước khác nhau, kể cả trong nước, với bằng cấp “tư bản” cũng như “xã hội chủ nghĩa”. Giáo sư cũng rất đông, nhưng giáo sư là một chức danh của một Hội Đồng Chức Danh Giáo sư Nhà Nước (HDCDNN) cấp, tựa như một cái bằng danh dự, cho một số người rất nhỏ, quá tuổi trung niên, thường là "cây đa cây đề". Nay HDCDNN đã chuyển sang cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện, còn việc công nhận chức danh chuyển cho nhà trường đại học. Trên thực tế trên 60% các vị giáo sư này không làm nghiên cứu hay giảng dạy mà đa số không làm việc gì liên quan đến đại học.
Một tranh luận khá thú vị đang diễn ra tại Việt Nam là trường Đại Học Tôn Đức Thắng, khá mới, đang muốn “nhảy rào”, và tự "bổ nhiệm" giáo sư cho mình mà không cần qua cơ chế nhà nước, nghĩa là làm theo lối các trường đại học Anh, Mỹ, Úc, trường đại học được tự chủ, tự quản trị , và bổ nhiệm giáo sư của mình; và cái "tít" giáo sư đó chỉ tồn tại ngày nào mà người đó còn phụ trách giảng huấn trong đại học đó, chứ không phải để kèm theo tên mình suốt đời. Chuyện này làm tôi nhớ lại các trường phái khác nhau trong các trường đại học của VNCH thời 1965-1975, lúc mà các trường phái theo Tây, theo Mỹ, hay không theo bên nào (ví dụ Đại Học Minh Đức của Công giáo, ĐH Hoà hảo) cũng rất lộn xộn. Thời tôi còn đi học tại Đại học Y khoa Sài Gòn (1965-1972), tiến sĩ quốc gia (Docteur d’Etat), tiến sĩ đại học (Docteur d’Université), tiến sĩ đệ tam cấp (Docteur du troisieme cycle), thạc sĩ (agrégé), docteur của Sorbonne (Pháp), PhD của Mỹ tranh dành ảnh hưởng, thay đổi chức danh, địa vị, có khi đưa đến thảm kịch, chết người trong buổi giao thời giữa hai nên giáo dục mới (Mỹ) và cũ (hậu thuộc địa kiểu Pháp).
"Vùng Giáo Dục Châu Âu": Bologna Agreement
Đó là chưa kể bằng cấp của Germany (Đức), Belgique, Anh, Ý còn phức tạp hơn nữa. Cũng may, hiện nay có sự đồng nhất lớn hơn trong hệ thống đại học châu Âu. Năm 1999, 27 nước châu Âu thiết lập "The Bologna Process" lúc các bộ trưởng giáo dục đồng ký thoả hiệp Bologna (Bologna Agreement), tạo nên một "Vùng Giáo Dục Châu Âu", hiện nay gồm có 45 nước tham dự, với mục tiêu là thống nhất cách tổ chức đại học và cao đẳng rất rời rạc của các nước trong nhóm, đều là những nước có truyền thống đại học rất lâu dài, thống nhất hệ thống bằng cấp gọi là "Bologna Diplomas". Học trình chia ra thành 3 cycle:[1] Bachelor's, học 3-4 năm [2] Master's 2-3 năm và [3] Ph.D., rất gần với hệ thống bằng cấp Mỹ, do đó giúp cho các trường Mỹ dễ so sánh và đánh giá bằng cấp, thành tích các sinh viên chuyễn trường từ châu Âu qua Mỹ hay ngược lại. Đồng thời chia giai đoạn kiểu này cũng giúp những người đi học từng khúc ngắn (3-4 năm) mà vẫn được giá trị các tín chỉ của mình, không như trước đây, nếu học dang dở , ví dụ 3-4 năm trường y khoa ở Pháp (học trình 7 năm) hay Việt Nam trước 1975, thì không được chứng chỉ, bằng cấp gì cả..
Hệ thống giáo dục theo Pháp
Ngày xưa, ở Sài Gòn, chúng ta theo hệ thống giáo dục Pháp, học y khoa 7 năm sau trung học, gồm một năm dự bị về khoa học căn bản (basic sciences) học ở trường Đại học Khoa học (Lý Hoá Sinh, hay PCB, viết tắt của Physique, Chimie, Biologie) hay APM sau này (Année Pre Medicale) và 6 năm học ở trường Y khoa. Sau khi học xong ở trường Y khoa một vài năm, ứng viên thi bịnh lý, trình luận án và được tước vị hay học vị Bác sĩ Y khoa Quốc Gia (Diplôme d’Etat de docteur en médecine). Những bác sĩ tốt nghiệp khoảng giữa thế kỷ thứ 20 lúc qua Pháp định cư sau 1975 bằng cấp cũng được công nhận như bằng của đại học Pháp cấp, hoặc chỉ cần điều chỉnh đôi chút, như lấy luận án cũ ở Việt nam trình lại với một uỷ ban giáo sư Pháp, và tước vị Bác sĩ Y khoa Quốc gia (Docteur d'Etat en Medecine) họ vẫn được công nhận tại Pháp.
Theo Bác sĩ Trần Văn Tích trong một bài báo nói vể kinh nghiệm của ông được rời Việt nam để định cư chính thức ở Đức, đăng trong đặc san của Hội Y Tế Việt Nam tại Hoa Kỳ (tháng 8 năm 2015), "người Đức phán rằng tôi được phép mang học vị chính thức là Dr. med. staadl.(Vietnam) tức tiến sĩ y khoa quốc gia Việt nam. Nếu là văn bằng do các đại học tư cấp phát, không phải do quốc gia cấp phát, thì người Đức gọi là Dr. med.univ. (Budapest) chẳng hạn."
Bác sĩ Phạm Tu Chính, ra trường Y Saigon khoảng giữa thế kỷ 20 và định cư ở Pháp. Theo ông, y sĩ tốt nghiệp trường y Sài Gòn trước năm 1955, văn bằng do khoa trưởng, viện trưởng người Pháp ký được công nhận, khỏi phải thi lại. Những y sĩ tốt nghiệp trước năm 1965 thì được công nhận học trình 6 năm, chỉ phải thi lại 3-4 môn bịnh lý năm thứ 6 rồi trình luận án, được bằng Tiến sĩ Quốc gia.
Hình 2: Văn bằng Tiến sĩ Y khoa Quốc gia của Việt Nam Cọng hoà, cấp cho BS Đỗ hồng Ngọc (cũng là một văn sĩ nổi tiếng ở Việt Nam) ngày 2 tháng 5 năm 1972 do Khoa trưởng Y khoa, bác sĩ Dặng văn Chiếu ký.(Nguồn: trang nhà của BS Ngọc).
Những người tốt nghiệp sau 1965 cũng được nâng đỡ, được học lại một số năm hay thi tương đương lấy lại văn bằng. Sau năm 1985, chương trình học ở Pháp thay đổi, nên các bác sĩ mới ra trường phải đi thực tập bịnh viện 2 năm nội trú (residency) mới được hành nghề y khoa tổng quát.Theo trang web của trường Y Pierre và Marie Curie (UPMC) thuộc Đại học Sorbonne, Paris, hiện nay học trình để lấy bằng Diplome d'État de docteur en medecine mất 9 năm sau tú tài (bachelier, tốt nghiệp trung học) gồm 6 năm học y khoa và 3-5 năm nội trú (3 năm nội trú cho y khoa tổng quát). Như vậy theo số năm (9) tương đương với một người học y khoa ở Mỹ sau khi hoàn tất 4 năm premed (college, undergraduate) để lấy BS hay BA, 4 năm trường Medical School, và một năm nội trú (internship), là điều kiện tối thiểu để được cấp bằng hành nghề y (licence to practice medicine and surgery) ở đa số tiểu bang đối với sinh viên tốt nghiệp tại trường y khoa Mỹ (US Medical Graduates). Đối với sinh viên tốt nghiệp ở ngoại quốc (Foreign Medical Graduates hay FMG), dù trước khi đến Mỹ họ là giáo sư y khoa hay chuyên gia gì đi nữa, có thể cần đến 2 năm nội trú hay thường trú (internship or residency) mới được cấp bằng hành nghề (1). Nói một cách khác, Tây Âu cũng như Mỹ, Canada công nhận tước vị Doctor (tạm gọi là "tiến sĩ y khoa quốc gia”) của trường y khoa Sài Gòn thời chế độ Việt Nam Cọng Hoà. Một số bác sĩ miền nam Việt Nam, với tấm bằng của trường Y khoa Sài Gòn, đi vào con đường khoa bảng và trở thành giáo sư tại các đại học Mỹ và Canada. Trong lúc đó, chính tại Việt Nam, chính phủ Việt nam, căn cứ trên hệ thống miền Bắc (VNDCCH) bị ảnh hưởng của thời Soviet, hình như không công nhận học vị cấp tiến sĩ y khoa của Miền Nam. Những người mà tôi biết còn ở lại Việt Nam trước khi tiến thân trên con đường giảng dạy trường y ở Việt Nam đều phải lấy cho được bằng "tiến sĩ y khoa" của Cọng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam trước khi được gọi là "giáo sư tiến sĩ".
Chế độ "tiến sĩ y khoa” này hình như tương tự như bằng habilitation universitaire của Pháp, đòi hỏi người đã có bằng tiến sĩ phải trình một luận án thứ nhì trước một hội đồng giám khảo để chứng tỏ khả năng dạy đại học hay khả năng điều khiển khảo cứu (Habilitation à diriger des recherches, HDR). Ở Đức gọi là Privat-docent. HDR được thiết lập sau khi Pháp bãi bỏ bằng tiến sĩ quốc gia (1984) và tương đương với bằng agrégé trong y khoa và luật khoa.
Ngộ nhận ngôn ngữ
Nhân chuyện này tôi còn nhớ một chi tiết khá thú vị. Lúc khai lý lịch trong trại cải tạo, về bằng cấp, tước vị đại học, một số bác sĩ trẻ mới ra trường ghi là "tiến sĩ y khoa", nhưng các quản giáo không chịu công nhận như vậy cho nên các anh bác sĩ này cũng phải sửa lại thôi, vì lúc đó những chuyện như vậy cũng không còn ý nghĩa gì. Các quản giáo quen với chương trình học y khoa ở ngoài bắc, ở đó bác sĩ có nghĩa là người tốt nghiệp trường thuốc, học trình ngắn hơn và lúc tốt nghiệp không có tước vị "Docteur d'Etat". Sau năm 1958, học trình Trường Đại học Y Hà Nội kéo dài 4 năm với 1/6 thời giờ học chính trị, năm 1968 tăng lên 6 năm, nhưng hết 12% thời gian là học chính trị (theo Wikipedia). Mới đây, đọc tin trên báo Người Việt ở Cali, giới thiệu một "nàng tiên nhỏ, từng ăn xin nay thành bác sĩ" nhờ sự giúp đở của một cụ Việt Kiều. Bài báo có kèm theo hình ảnh bằng tốt nghiệp từ Đại Học Y Dược Thái Nguyên, trong khoá 300 người tân khoa, ghi: Bằng tốt nghiệp Đại học: danh hiệu Bằng Bác sĩ, có dịch tiếng Anh: “The degree of Bachelor”(Cử nhân).(Hình 3)
Ngoài ra, cũng có những ngộ nhận ngôn ngữ kéo dài đến sau này, ngay cả lúc đã ra đến ngoại quốc. Ở miền bắc trước 1975, ở miền bắc gọi "y sĩ" là những người được huấn luyện trung cấp về y khoa , thấp hơn "bác sĩ" là những người được đào tạo qua trường đại học y khoa, hay đã được học bổ túc thêm để thành bác sĩ.
Trong Nam thì khác, danh từ "y sĩ" chỉ dùng cho những người tốt nghiệp chính quy trường y khoa , lúc đó chỉ có Y khoa Sài Gòn và Y khoa Huế. Trường Y khoa Minh Đức thuộc Viện Đại học Minh Đức (của Giáo hội Công giáo) chỉ được chính thức hoạt động từ tháng 12 năm 1972 và giải thể năm 1975. Ví dụ, sau khi ra trường, chúng tôi được "trưng tập" vào quân đội với cấp bực "y sĩ trung uý". Lúc đi cải tạo, những ông quản giáo lại hỏi ngược chúng tôi: anh là “y sĩ” mà sao lại khai anh có bằng bác sĩ ?. Khoảng năm 1990, ngay tại Washington DC, USA cũng có một nhà báo tiếng Việt, hình như chuyên gia về ngôn ngữ, cũng viết báo tiếng Việt thách thức chúng tôi như vậy về danh xưng "y sĩ" và "bác sĩ". Ông hỏi: Các anh khoe là hội viên của "Hội Y sĩ Hoa kỳ" (AMA/ American Medical Association) mà sao các anh lại quảng cáo mình là bác sĩ?
Một từ khác cũng gây nhiều rắc rối: "agrégé" mà chúng ta gọi là thạc sĩ. Trong chế độ giáo dục Pháp ngày xưa "agrégé" có hai loại: cho trường luật và trường y thì "agrégé" là một tước vị của người dạy đại học. Ví dụ trường y khoa Sài gòn hồi đó chỉ có một số giáo sư y khoa từng kinh nghiệm dạy sinh viên lâu năm ở Việt Nam , sau khi thi một kỳ thi đặt biệt ở Pháp, được Pháp phong là "agrégé" như GS Phạm Biểu Tâm, GS Trần Ngọc Ninh, GS Nguyễn Hữu.
Ngoài ra, một người tốt nghiệp trường École normale superieure (cao đẳng sư phạm), hay có 5 năm đại học (cấp master) có thể thi để được công nhận là "professeur agrégé", nhưng những agrégé này dạy trung học (lycée), tuy cao cấp hơn giáo sư trung học thường (nay gọi là giáo viên, professeur certifié).
Người Việt chiếm được bằng agrégé rất hiếm, thành công trong nhiều lãnh vực, và cũng là những người có cá tính đặc biệt. Nổi tiếng có Phạm Duy Khiêm (1908-1974) là người Việt duy nhất lấy được bằng thạc sĩ về văn phạm của Pháp. Ông là con nhà văn Phạm Duy Tốn và là anh của nhạc sĩ Phạm Duy, tốt nghiệp École normale supérieure de Paris, học cùng lớp và bạn thân của với Tổng thống George Pompidou và Leopold S. Senghor, thi sĩ nổi tiếng về thân phận người da đen [negritude] và sau này là tổng thống của Senegal. Phạm Duy Khiêm là tác giả cuốn tiểu thuyết Nam et Sylvie được giải Louis Barthou (Académie francaise) và cuốn sách Legendes des terres sereines (Huyền thoại miền đất bình yên) được giải thưởng văn chương Đông Dương. Sau này ông là đại sứ của Việt nam Cọng hoà tại Pháp (1954-1957) và được Đại học Toulouse cấp bằng tiến sĩ danh dự. Lúc còn trẻ ông từng nói: "Con người ta phải có lý do chính đáng để có mặt trên trái đất này" (“il faut justifier sa présence sur cette terre”). Ông tự sát năm 1974.
Học giả Hoàng Xuân Hãn (1909-1996), người được trường kỹ sư cầu đường Pháp (École Nationale des Ponts et Chaussées) ở Paris đặt tên một giảng đường, là thạc sĩ về môn toán (DH Sorbonne) và dạy toán ở trường Bưởi (trung học), trước khi dạy trường Đại học Khoa học. Ông viết sách “Danh từ Khoa học”, nghiên cứu sử. Ông tham gia chính phủ Trần Trọng Kim của Vua Bảo Đại (1945), sau đó ở luôn bên Pháp.(2)
Khoảng thập niên 1980, một số bác sĩ Việt Nam ở Mỹ, sau khi học chuyên khoa qua 3-5 năm là thường trú và thi đậu "specialty board certification" của Mỹ (diplomate chỉ người được specialty board công nhận), muốn quảng cáo khả năng chuyên khoa của mình và, ví dụ, dịch "Diplomate of the American Board of Pediatrics" là "Thạc sĩ Nhi khoa", tuy chuyện này không liên quan đến bằng "agrégé" thời Pháp thuộc. Gần đây hơn ở Việt Nam, người ta lại dùng "thạc sĩ' để dịch học vị "Master' (sau BS hay BA).
Bằng Y, Nha, Dược, Optometry, Chiropractic, Osteopathy, Homeopathy tại Mỹ
Từ ngày người Việt chúng ta hành nghề tại Mỹ, lại có nhiều vấn đề khác. Trước 1975, ở Việt Nam, Nha và Dược học 5 năm trong lúc Y khoa học 7 năm. Dược sĩ và nha sĩ không có tước hiệu 'doctor". Mỹ thì khác, ngành Tây Y theo truyền thống của Esculape, Hippocrates (sinh 460 BC), Louis Pasteur (1822-1895), Robert Koch (1843-1910), Alexandre Yersin (1863-1943 mất ở Nha Trang), trường Y khoa Hà nội và Sài Gòn, mà chúng ta quen thuộc, được gọi là dòng chính của nền y học, hiện nay (đầu thế kỷ 21), cố gắng trở nên y học khoa học (scientific medicine), "y khoa sinh học" (biomedicine), một nền "y học căn cứ trên chứng cớ khoa học" (evidence based medicine, có người dịch gọn là "y khoa thực chứng").
Học trình Tây Y thường gồm 4 năm tiền y khoa, với bằng BS (cử nhân khoa học) hay BA (Bachelor of Arts), 4-5 năm học ở một trong trên 100 trường Y khoa, và tốt nghiệp (không bắt buộc khảo cứu và trình luận án) với bằng Medical Doctor (M.D.).Theo Wikipedia, bằng M.D. Mỹ là một loại "professional doctorate" có từ năm 1771 (College of Philadelphia), được cấp 90 năm trước khi bằng Ph.D.(research doctorate) được cấp lần đầu tiên tại Mỹ năm 1861. Một số sinh viên y khoa muốn đi về khảo cứu và dạy học, chọn con đường M.D. PhD, mất thêm nhiều năm học, dài hơn là con đường M.D. Ngược lại cũng có nhiều người đã có bằng PhD xin vào học Medical School để có thể thực hiện một sự nghiệp trong y khoa (như trực tiếp chữa bịnh, giải phẫu, nghiên cứu trên người bịnh, điều hành bịnh viện).
Sau khi ra trường y với bằng M.D: 3-6 năm huấn luyện (post graduate training), gồm một năm nội trú bịnh viện [internship] và sau đó 2-5 năm thường trú [residency]. Ví dụ bác sĩ nội thương hay nhi khoa cần 3 năm postgraduate; bác sĩ chuyên về mắt (ophthalmology) 4 năm, bác sĩ quang tuyến (radiologist) cần 5 năm, bác sĩ giải phẩu 5 năm. Có thể cọng thêm một vài năm chuyên khoa sâu (sub specialties) gọi là fellowship. Ví dụ bác sĩ nhi khoa phải huấn luyện thêm 2 năm về y khoa trẻ sơ sinh, sinh non để trở thành neonatologist. Người bác sĩ trước khi được cấp bằng hành nghề phải đậu 3 phần của kỳ thi USMLE: phần 1 (khoa học căn bản) thi sau năm thứ 2 trường y, phần 2 (lâm sàn) thi vào năm thứ 4 YK, và phần 3 sau khi đi đã hoàn tất năm nội trú (internship). Thi USMLE chung cho các tiểu bang Hoa Kỳ và kết quả phần 1-2 là thước đo chung về trình độ kiến thức của sinh viên mới ra trường, một yếu tố quyết định quan trọng lúc ứng viên xin đi làm nội trú hay thường trú.
Ngoài ngành y, ở Mỹ còn có những "professional doctorate" khác. Học nghề Nha (răng) mất 4 năm college rồi 4 năm trường nha khoa, cũng dài như quá trình học y, tốt nghiệp với bằng Doctor of Dental Surgery (DDS) hay DMD ("Dentariae Medicinae Doctor") và vd gọi là Dr. X. Gần đây, các trường Dược cũng bắt đa số ứng viên phải có bằng cử nhân (4 năm) mới nhận vào học 4 năm, tốt nghiệp với tước vị Doctor of Pharmacy (PharmD) cũng gọi là Dr. Y. Một số dược sĩ Việt bắt đầu để tước vị "Bác sĩ Dược khoa" để dịch PharmD.
Ngoài ra còn có những ngành như "optometry" (opto= thị giác, sight, metry= đo) chuyên về đo mắt và khám mắt thông thường nhưng không làm phẫu thuật, tước vị của họ là OD (Optometry Doctor), được dịch sang tiếng Việt là Bác sĩ Nhãn khoa.
Vào thế kỷ thứ 19, trong lúc y khoa Mỹ còn sơ khai và rất ít căn bản khoa học, lúc mà các phương pháp trị liệu chính vẫn còn là trích huyết (bloodletting) và cắt bỏ các bộ phận bị hư hại (amputation), một số người cho rằng cách tiếp cận của y khoa dòng chính là phiến diện, không chú trọng đến sự quân bình của con người toàn diện mà chỉ theo kiểu "bịnh đâu đánh đó", lắm khi còn gây nguy hại cho người bịnh cho nên họ còn gọi tây y dòng chính là "allopathic medicine", (trong từ này allo có nghĩa là khác, pathic là bịnh, đau đớn). Lúc đầu từ "allopathic medicine" được dùng với tính cách miệt thị bởi trường phái "homeopathy" (homeo= giống nhau) là những người chủ trương "dùng độc trị độc", nghĩa là họ dùng chính một chất mà họ nghĩ có khả năng gây ra triệu chứng người bịnh (ví dụ gây sốt), pha thật loãng chất đó “đến mức mà ngay cả các phân tử chất đó không còn phát hiện được”, rồi dùng dùng dung dịch đó như là thuốc chữa bịnh. Nên nhớ là những bàn cãi, đối kháng này hiện hữu trước hơn một trăm năm nay, trước các tiến bộ vuơt bực của y khoa hiện đại và của nền kỹ nghệ sinh học và dược học hiện nay. Tuy nhiên do thói quen, một số nơi còn gọi y khoa chính thống là "allopathic medicine", để đối nghịch với homeopathic medicine , osteopathic medicine, oriental medicine (đông y), vv .
Homeopathy hay homeopathic medicine được thành hình vào cuối thế kỷ thứ 18 ở Đức và căn cứ trên triết lý cho rằng cơ thể có thể tự làm lành lấy mình, và những triệu chứng mà chúng ta ghi nhận chỉ là những cố gắng của cơ thể đang tìm cách khắc phục bịnh.
Các trường osteopathy huấn luyện các Doctor of Osteopathy (DO) cũng qua quá trình 8 năm sau khi tốt nghiệp trung học. Theo Hội Osteopathy (American Osteopathic Association), các nguyên lý về osteopathy chú trọng đến cách tiếp cận bịnh nhân như là một con người toàn diện, chứ không chỉ xét và giải quyết những triệu chứng, những “bịnh” (như viêm phổi, tiểu đường, đau ruột dư) của người đó. Ngoài ra, ở trường họ cũng được huấn luyện nhiều hơn về hệ xương -cơ bắp và tác dụng của nó trên các khía cạnh khác của cơ thể và sức khoẻ. Ngoài ra còn có các trường chiropractors, học trình 5 năm sau college (post graduate), đào tạo ra Doctor of Chiropractic (DC), chuyên về chữa bịnh bằng nắn xương cho ngay ngắn theo nguyên lý của ngành này về chữa bịnh (alignment restoration of the skeletal system). Nói cách khác, chiropractics và osteopathy nhấn mạnh về tầm quan trọng của hệ xương-cơ bắp. Trên thực tế, các DO hành nghề trong các lãnh vực không khác các bác sĩ y khoa MD bao nhiêu.
Ngoài ra các đại học ở Mỹ còn có trường (post graduate/sau cử nhân) dạy về châm cứu và đông y, cấp bằng D.O.M. (Doctor of Oriental Medicine, e.g. University of Maryland), Master of Science in Acupuncture (MSAc), Master of Science in Traditional Oriental Medicine (MSTOM)
Cho nên, tiếng Việt chúng ta cũng như y khoa chúng ta cũng hơi rắc rối vì nó có rất nhiều lớp quá khứ, ảnh hưởng chồng chất lên nhau. Dù sao thì mục đích chính của y khoa là chữa bịnh, hay theo nghĩa rộng hơn hiện nay là bảo vệ, thăng tiến tình trạng sức khoẻ của cá nhân và cộng đồng. Bằng M.D. chỉ là bước đầu, cái vé cho một người tương đối trẻ trên dưới 30 đi vào ngưỡng cửa của thế giới thầy thuốc, còn nhiều học hỏi, rút kinh nghiệm và gian truân trước mắt.
Hiện nay, ở Mỹ, những cố gắng của giới khoa bảng (academia), dựa theo phong trào bảo vệ quyền lợi cho bịnh nhân ("người tiêu thụ") đang "hành" các bác sĩ y khoa và bắt họ phải học đi học lại liên tục (continuous medical education, CME), thi lại mỗi chu kỳ vài năm. Ví dụ thi chuyên khoa lại 7-10 năm một lần (board recertification, hay Maintenance of Certification/MOC) rất tốn kém và nặng về từ chương không thích hợp với thời đại thông tin của chúng ta ngày nay. Giới bác sĩ Mỹ hiện nay có vẻ như không còn nhịn được nữa và đang tranh đấu dành lại quyển hành nghề độc lập của họ.
Tôi khám bịnh cho các trẻ em từ lúc chúng chào đời, cho đến lúc chúng trưởng thành, thời gian mà ở đây người ta gọi là late adolescence, tuổi thanh niên “già". Trong quá trình nhìn các cháu lớn lên qua mấy chục năm như vậy, rất nhiều phụ huynh bịnh nhân cho biết mình mơ ước con lớn lên sẽ làm nghề gì. Có những mơ ước làm ngạc nhiên, như có một vài người muốn con mình lớn lên đi tu thành linh mục, thành "Cha", một cách dâng hiến con mình cho đấng tối cao của mình; một số khá đông muốn con mình trở thành bác sĩ. Có người cho rằng làm bác sĩ hay “tu cha” cũng giống nhau ở chỗ người thì lo sức khoẻ phần xác, người thì lo sức khoẻ phần hồn. Là thầy thuốc, tôi cũng tự an ủi như vậy, mặc dù, ai cũng biết, trên thực tế, y nghiệp cũng như tôn giáo không phải lúc nào cũng vui, hay làm con người cao cả, thăng hoa. Chuyện ai ngồi chiếu nào, chiếu cạp điều hay chiếu gon, làm bận tâm giới khoa bảng có lẽ không quan trọng lắm trong cuộc đời người thầy thuốc. Các khảo cứu cho biết đa số bịnh nhân thích bác sĩ nào đó cũng phần lớn do các cư xử, tận tâm của bác sĩ; bịnh nhân ít câu nệ bác sĩ học trường nào ra và thành tích học thuật có danh giá hay không. Những điểm nếu trong môi trường đại học thì xem như quan trọng hàng đầu quyết định "career" của người giáo sư hay bác học tương lai. Khác với các học giả hay nhà khảo cứu sống trong phòng thí nghiệm hay thư viện, "tầm câu trích cú" (“references, quotations”), đặt nặng vấn đề resumé dài hay ngắn, công bố bao nhiêu lần, ở đâu (careerism). Dù theo sau tên mình có bao nhiêu chữ viết tắt MD, DO, DOM, DDS, riêng đối với người thầy thuốc lăn lộn với nghề không khác gì người lính nơi tiền tuyến, được gọi "bác sĩ" chắc cũng quá đủ để định nghĩa cho một đời học hỏi, phục vụ và tìm kiếm.
References :
1) Diplome d'Etat de docteur en médecine
Neuf ans d’études après le bac sont nécessaires pour décrocher le Diplôme d’Etat de docteur en médecine.
Les études comportent 3 cycles :
1er cycle : PCEM 1 et PCEM 2
2e cycle : DCEM 1, 2, 3 et 4
3e cycle : Diplôme d"études spécialisées de 3 ans (médecine générale) à 5 ans (autre spécialité)
...Pour les médecins généralistes, les études en internat durent trois ans. Le diplôme d’Etat de docteur en médecine est validé après la soutenance d’une thèse, à la fin de l’internat.
Admission : bacheliers
2) Wikipedia (English): Agrégation
accessed 9/16/15
3) Understanding and Evaluating The “Bologna Bachelors Degree”
(accessed 9/21/2015)
4) Wikipedia (Francais) : Habilitation Universitaire
Accessed 9/22/2015
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Ngày 24 tháng 12 năm 2015