Nếu
so sánh với vỉa hè 50 năm xưa, vỉa hè TP.HCM hôm nay cho thấy tác phong
sống thiếu kỷ luật là phổ biến. Chẳng những nếp sống này ngăn cản sự
phát triển của một thành phố trên 12 triệu dân, mà còn tạo những bất ổn
khôn lường về mặt an ninh cho cư dân thành phố.
Trước năm 1975...
Trước năm 1975, vỉa hè rất thông thoáng.
Vỉa hè là nơi công cộng, do trật tự đô thị quản lý, dành cho người đi
bộ. Ngoại trừ vài nơi đặc biệt có vỉa hè rộng như vỉa hè khách sạn
Continental, vỉa hè góc Tự Do - Lê Lợi (nơi có tiệm bánh Givral, nay là
góc đường Đồng Khởi - Lê Lợi), người ta kê thêm một dãy bàn cà phê sát
bên trong vỉa hè hay đặt vài sạp báo... ít thấy nơi nào có hiện tượng mà
bây giờ gọi là “lấn chiếm vỉa hè”. Do đó dân chúng có vỉa hè rộng đi
bộ, ngoài đi công việc còn thả bộ dạo chơi mà tiếng lóng gọi là “bát
phố”, rất được thanh niên ưa chuộng.
Bát phố trên vỉa hè Chợ Cũ hay vỉa hè
trong Chợ Lớn như đường Tổng Đốc Phương (nay là Châu Văn Liêm), Nguyễn
Trãi, có thể gặp những chiếc xe đẩy bán hủ tíu hay cháo lòng... Cũng hay
gặp những người bán hàng rong quẩy gánh rao mời, gặp khách mua, họ đặt
gánh xuống năm mười phút, mua bán xong lại quẩy gánh lên trả lại vỉa hè
cho người đi bộ.
Trung tâm Sài Gòn trước 4.1975 trong điều kiện chiến tranh vẫn trật tự, quy củ. Ảnh Life
Thời đó, không thấy cơ quan công quyền
lấn chiếm vỉa hè. Thời đó, người dân cũng không lấn chiếm. Những người
có nhà mặt tiền và mở cửa tiệm thì luôn luôn chỉ tiến hành buôn bán
trong nhà, phía sau khung cửa cái. Các cửa tiệm thuốc tây chỉ có một vật
đặt trên lề đường: tấm bảng hiệu di động rộng khoảng 40cm, dài 80cm,
đặt sát cửa tiệm, không chiếm bao nhiêu diện tích. Chủ nhân các ngôi nhà
mặt tiền, những buổi tối trời nóng nực thì mở toang cánh cửa, bắc ghế
ngồi chơi bên trong cửa, không ngồi ra ngoài vì sợ vướng chân người đi
bộ.
Sau năm 1975
Chiều 30.4 sang ngày 1.5.1975, dân chúng
thấy trên đường phố, trên vỉa hè quân trang, áo lính, giày đinh vất
thành đống. Sau vài ngày chúng được dọn dẹp sạch sẽ. Những ngày này
không ai muốn mang các thứ “tàn dư” cuộc chiến về nhà, nên có lẽ chúng
được dọn dẹp bởi các toán tình nguyện xung phong lập lại trật tự và nếp
sống bình thường cho thành phố lúc đó còn mang tên Sài Gòn.
Sau những ngày cờ xí rợp trời, mít tinh
to nhỏ, Sài Gòn dần trở lại bình thường... Nếp sống rộn rịp tái lập, các
cửa hàng mở ra, những người bán hàng rong xuất hiện trên các vỉa hè
cùng với các khu vực “chợ trời” cũng rụt rè hoạt động. Thời gian đó
không lâu, bởi những ngày tiếp theo là các chiến dịch “bài trừ văn hóa
phản động đồi trụy”, “đánh tư sản mại bản”, “cải tạo công thương
nghiệp”... Một phần dân chúng đi kinh tế mới, số còn lại rút vào hoạt
động chậm, vỉa hè vắng bóng người đi, vắng bóng các hoạt động của một
thành phố lớn, náo nhiệt để dần dần trở nên nhếch nhác.
Dân chúng không còn biết chức năng của vỉa hè
là gì. Vỉa hè thuộc về ai? Ai có trách nhiệm quản lý nó, giữ gìn an ninh
trật tự cho nó?
Những ngày tiếp theo nữa, người ta thấy
các chốt dân phòng xuất hiện, các điểm bán gạo, bán thực phẩm, bán nhu
yếu phẩm của nhà nước mọc lên ngoài phố. Một số lòng đường hay vỉa hè
rộng rãi được trưng dụng cho việc này. Nếu người viết không lầm thì sự
lấn chiếm vỉa hè công khai và bởi chính quyền bắt đầu từ những ngày
này...
Các sự việc đó, xảy ra vào thời đó, dễ
được dân chúng chấp nhận vì cuộc sống của thành phố sau tháng 4.1975
chịu một sự đứt gãy mạch sống thông thường, cần các biện pháp khẩn cấp
để ổn định, vì chính quyền mới có uy thế riêng, và các thành viên của nó
cho thấy thanh bạch, sống và hoạt động vì lý tưởng.
Sau khoảng thời gian đó, việc lấn chiếm
vỉa hè nếu sớm dừng lại, các cơ quan công quyền sớm trả lại vỉa hè cho
người đi bộ thì tình hình đã tốt hơn nhiều. Khi xã hội dần chuyển sang
thời bình, nếp sống chuyển về xây dựng kinh tế, xây dựng hạnh phúc cá
nhân, xã hội cần chuyển nhiều hơn về hướng dân sự hóa, về hướng thượng
tôn pháp luật. Cơ quan công quyền cần là nơi nêu gương kỷ luật, nhưng
nhiều cơ quan vẫn giữ nếp thời chiến, thời bao cấp. Việc lấn chiếm vỉa
hè như vậy nêu gương xấu coi thường kỷ cương, vì lợi riêng mà tranh
giành sự tiện lợi và quyền lợi với cộng đồng. Và cộng đồng dân cư cũng
nhìn vào cơ quan công quyền mà khinh lờn phép nước, từ vô kỷ luật việc
nhỏ tới vô kỷ luật việc lớn, từ vô kỷ luật tự phát tới vô kỷ luật có
liên kết... Bốn chục năm trôi qua, đốm lửa có nguy cơ thành đám cháy
lớn...
Cho một mục tiêu xa hơn
Dân chúng không còn biết chức năng của
vỉa hè là gì. Vỉa hè thuộc về ai? Ai có trách nhiệm quản lý nó, giữ gìn
an ninh trật tự cho nó?
Chức năng của nó không còn là để đi bộ,
vì có mấy ai đi bộ được trên vỉa hè? Các chức năng khác lấn át chức năng
của nơi đi bộ mất rồi! Người đi bộ cảm thấy việc đi trên vỉa hè như là
đi nhờ, đi vụng và thường phải tránh xuống lòng đường nhường vỉa hè cho
những chiếc bàn cà phê, cho những người ăn nhậu, cho một bãi giữ xe hay
cho một nhóm bảo vệ...
Chiến dịch dọn dẹp lại vỉa hè ở TP.HCM. Ảnh: Lê Ngọc
Vỉa hè thuộc về công cộng, hay thuộc về
chủ nhân ngôi nhà có vỉa hè trước cửa? Hay thuộc về công an phường, về
nhóm dân phòng nơi có vỉa hè? Hình như ai cũng có quyền trên người đi bộ
cô đơn, yếu ớt!
Khi người đi bộ trên vỉa hè bị móc túi, giật túi xách, ai là người truy tìm thủ phạm? Nếu có đụng chạm hay bị hành hung, ai sẽ bảo vệ khách bộ hành? Ai có trách nhiệm thiết lập trật tự trên một vỉa hè bị lấn chiếm, bị che chắn hay thi công, đào bới nguy hiểm cho người đi bộ? Chẳng phải đã có nhiều tai nạn chết người trong sự vô tâm của cơ quan chức năng rồi sao?
Khi người đi bộ trên vỉa hè bị móc túi, giật túi xách, ai là người truy tìm thủ phạm? Nếu có đụng chạm hay bị hành hung, ai sẽ bảo vệ khách bộ hành? Ai có trách nhiệm thiết lập trật tự trên một vỉa hè bị lấn chiếm, bị che chắn hay thi công, đào bới nguy hiểm cho người đi bộ? Chẳng phải đã có nhiều tai nạn chết người trong sự vô tâm của cơ quan chức năng rồi sao?
Nhu cầu trả lại vỉa hè cho người đi bộ
là động lực của “chiến dịch” dọn dẹp lại lề đường, vỉa hè tại TP.HCM.
Chiến dịch này được báo chí tường thuật và phản hồi với nhiều dư luận
trái chiều sống động... Bản thân việc tiến hành chiến dịch cũng tự điều
chỉnh theo dư luận để thuận lòng dân và hiệu quả hơn. Tác giả bài viết
này nhìn chiến dịch như là điểm khởi đầu của một chiến dịch rộng lớn hơn
trong thành phố và có thể trên phạm vi cả nước. Không chỉ là trả vỉa hè
cho người đi bộ, chiến dịch này nên còn nhắm tới: trả lại trách nhiệm
và quyền hạn cho những thiết chế được xã hội giao trách nhiệm và quyền
hạn một cách chính danh; trả lại sự tôn trọng kỷ luật, kỷ cương và tính
công bằng cho xã hội; trả lại tinh thần thượng tôn pháp luật cho xã hội;
và trả lại xã hội cho dân chúng.
Nếu nhắm vào và quyết tâm đi tới các mục
tiêu đó, tôi cho rằng chiến dịch này mới có thể phát triển tầm nhìn và
sứ mạng đủ lớn xứng đáng với công sức và mong mỏi của dân chúng. Nếu chỉ
tự giới hạn trong phạm vi lập lại trật tự vỉa hè, e rằng mọi việc sẽ
như bắt cóc bỏ dĩa: có thể đạt một thành quả ngắn hạn nào đó, nhưng về
lâu dài thì sự vô trật tự và vô kỷ luật sẽ tái lập và ngày càng phát
triển hơn trong nhiều mặt sinh hoạt của thành phố!
Tình trạng vô trật tự, vô kỷ luật ngang
nhiên đầy thách thức trước mặt tiền của thành phố chẳng phải là nguy cơ
cực lớn cho một cộng đồng dân số trên 12 triệu người hay sao?
Lê Học Lãnh Vân» Kinh doanh trên vỉa hè đóng góp 11-13% GDP
» Rộng hơn hè phố
» Chuyện ông Lý Quang Diệu xử lý bán hàng rong, kinh tế vỉa hè đến bài học cho Việt Nam
» Cụ ông tự lấy đất mở chợ cho người bán hàng rong ở Sài Gòn
» Quận 1 giải thích vì sao nên bán hàng rong... qua mạng
» 'Phố hàng rong' sẽ làm ở Công viên Bạch Đằng
» TP.HCM khẳng định không đẩy đuổi người bán hàng rong
» 'Sau gánh hàng rong là nguồn sống một gia đình'
» Chuyên gia Phạm Chi Lan: 'Kinh tế vỉa hè là kênh phân phối hàng hóa hữu hiệu'
» Đừng lãng phí, TP.HCM có thể thu được ít nhất 350 tỉ đồng mỗi tháng từ vỉa hè
» Bí thư Đinh La Thăng: 'Bố trí tuyến đường cho bà con kinh doanh'
» Giá trị vỉa hè rất “khủng”: Nhà nước không thu thì ai thu?
» Bậc tam cấp trong đầu
» Bài toán sinh kế vỉa hè: lời giải từ thực tế Việt Nam