Tưởng niệm hai triệu vong linh
đã chết trong thời kỳ Khmer Đỏ
Lời Dẫn: "History à la carte", là một thuật ngữ rất mới của Chương
Lập Phàm/ Zhang Lifan một sử gia Trung Quốc, khi trả lời phỏng vấn báo New York
Times [March, 2015], ông đã đưa ra một ví von: "lịch sử theo thực đơn /
history à la carte", theo cái nghĩa nhà nước Trung Quốc chỉ muốn phổ biến
tuyên truyền những điều thấy có lợi, trong khi cố né tránh những khía cạnh tiêu
cực có thể gây chỉ trích. Mối liên hệ thắm thiết giữa Bắc Kinh và Khmer Đỏ đang
là trang khuyết sử, không có trong thực đơn của Trung Quốc. (1)
NGÔ
THẾ VINH
"Không có trợ giúp của Trung Quốc,
chế độ Khmer Đỏ không thể tồn tại quá một tuần lễ. Without China's assistance,
Khmer Rouge regime would not last a week" Andrew
Mertha, Cornell University 2014. (2)
"Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc không
có liên hệ chính trị nào với Khmer Đỏ. Sự trợ giúp chỉ giới hạn trong việc cung
cấp thực phẩm và nông cụ." Trương Kim Phong/ Zhang
Jinfeng, đại sứ TQ tại Cambodia, 2010. (1)
Dân số Cambodia 2017 hơn 16 triệu, tăng rất
nhanh hơn gấp đôi so với năm 1975 chỉ có hơn 7,5 triệu, hơn 90% theo Đạo Phật Nguyên
Thủy hay Phật giáo Nam Tông / Theravada Buddhism được coi như quốc giáo của
Cambodia. Các sắc tộc thiểu số chính bao gồm: người Việt, người Chăm, người
Hoa.
CHÂU
ĐẠT QUAN, VÀ CHÂN LẠP PHONG THỔ KÝ
Vào
cuối thế kỷ 13, triều đại nhà Nguyên / Yuan, một người Tàu tên Châu Đạt Quan /
Chou Ta-Kuan周达观 gốc
Ôn Châu / Wenzhou tỉnh Phúc Kiến, nhà hải hành Trung Hoa, đã du
hành từ Biển Đông rồi theo sông Mekong lên tới Biển Hồ tới thăm Angkor (1296)
vào thời vua Indravarman III, lưu lại đó gần một năm (1297). Châu Đạt Quan
không phải là người Tàu đầu tiên tới xứ Chùa Tháp, nhưng ông được biết tới do
cuốn hồi ký kỳ thú Chân Lạp Phong Thổ Ký 真臘風土記, viết về địa lý nhân văn nước Chân Lạp tức Cambodia ngày nay;
cuốn sách sau đó được dịch sang tiếng Pháp [Mémoires sur
les Coutumes du Cambodge], tiếng Anh [The Customs
of Cambodia], tiếng Đức [Sitten in
Kambodscha], và tiếng Việt của ký giả Lê Hương, do
Kỷ Nguyên Mới xuất bản 1973.
Hình 1: từ trái, Chân Lạp Phong Thổ Ký, bản tiếng Việt của
Lê Hương, Saigon 1973;
Mémoires sur les Coutumes du Cambodge, bản tiếng Pháp của
Paul Pelliot, Hà Nội 1902;
The Customs of Cambodia, bản tiếng Anh 1993;
Sitten in Kambodscha, bản tiếng Đức 1999;
[nguồn: internet]
Học giả Tây phương như Peter Harris, người
có công dịch từ nguyên bản tiếng Hán sang tiếng Anh đã đối chiếu chuyến du hành
thám hiểm của Marco Polo và Châu Đạt Quan trong cùng thời kỳ này.
Có lẽ người Tàu đã có mặt
trên xứ Chùa Tháp sớm hơn nhiều. Trường hợp Châu Đạt Quan cũng giống như Henri Mouhot sau này, tuy
Mouhot (1826 - 1861) không phải là người Tây Phương đầu tiên tới Angkor nhưng
do những trang bút ký hấp dẫn và lôi cuốn được in ra 3 năm sau khi ông mất khiến
tên tuổi Mouhot đã gắn liền với khu đền đài Angkor.
NGƯỜI
TÀU TRÊN ĐẤT MIÊN
Do người Tàu hầu như đã có mặt khắp nơi
trên thế giới, nên mới có câu tục ngữ ví von: “Ở đâu có khói, thì ở đó có người Tàu! Where there's smoke, there's Chinese”
[Bước sang thế kỷ 21, câu ví von trên mang
thêm một ý nghĩa khác: “Ở đâu có khói, thì ở đó có Tàu! Where there's smoke, there's China” theo cái nghĩa, nơi nào có Tàu
nơi đó có ô nhiễm, vì Trung Quốc là quốc gia hàng năm thải ra 9,7 tỉ tấn khí CO2, chiếm 1/4 tổng lượng khí thải nhà
kính / greenhouse gases toàn cầu, nhiều hơn của cả hai nước kỹ nghệ Mỹ và Ấn Độ
cộng lại].
Vào khoảng cuối thế kỷ 17, đời nhà Thanh do
những biến động chính trị ở Hoa lục với phong trào Bài Mãn Phục Minh nên đã có đông đảo những cộng đồng người Hoa di
cư xuống các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Cambodia, Lào, Thái. Họ có gốc gác từ
các tỉnh duyên hải phía đông nam Trung Quốc như Hải Nam, Quảng Đông, Phúc Kiến,
mà người Khmer gọi một tên chung là Cambodia's Hua Chiao hay người Hoa hải ngoại
/ Overseas Chinese. Đặc điểm của đám di dân này đa số là đàn ông, và qua những
cuộc hôn nhân hợp chủng, họ mau chóng hội nhập vào các cộng đồng cư dân bản địa.
Không ít các cấp lãnh đạo xứ Chùa Tháp đều
ít nhiều có mang huyết thống Hán tộc bước sang thế hệ thứ hai thứ ba như Lon
Nol [ông ngoại là người Hoa gốc Phúc Kiến/ Fujian], Ieng Sary [sinh đẻ ở Trà
Vinh, nam Việt Nam, mẹ gốc Hoa], Khieu Samphan [cũng có gốc Hoa từ bà ngoại], Nuon
Chea [có cha người Hoa và mẹ người Khmer lai Hoa], Pol Pot [có cha là người
Khmer gốc Hoa và Saloth Sar là một tên khác của Pol Pot, Sar có nghĩa là trắng
trong ngôn ngữ Khmer, để phân biệt với nước da rất sậm của người Khmer thuần chủng]...
Sau thời kỳ Khmer Đỏ, trong những năm gần
đây, đã lại có thêm những đợt người Tàu từ Hoa Lục, Đài Loan, Mã Lai di cư vào
Cambodia tìm cơ hội làm ăn lập nghiệp.
Người Tàu có khả năng thích nghi cao, họ
tới các thành phố nhưng cũng có mặt cả những vùng thôn quê hẻo lánh. Và điều ai
cũng nhận thấy là các cộng đồng người Hoa dễ dàng được đón nhận và họ không có
khó khăn để hòa nhập vào xã hội người Miên. Do có tài buôn bán và cần cù chịu
khó lại đoàn kết nên họ nhanh chóng trở thành những doanh nhân thế lực khống chế
nền thương mại kinh tế, kể cả có nhiều ảnh hưởng chính trị trên quốc gia này.
Rất khác với người Việt cho dù đã trải
qua nhiều thế hệ, sinh đẻ trên đất Miên nhưng họ vẫn luôn luôn bị kỳ thị do mối
thù hận lịch sử và bị người Khmer gọi một cách bỉ thử là bọn "Yuon / bọn bắc",
và cả với cộng đồng người Chăm theo đạo Islam cũng bị người Khmer nghi kỵ vì bị
coi như hợp tác với người Việt trong quá khứ như một lực lượng kìm kẹp. Người
Việt và người Chăm sống trên đất Miên là hai cộng đồng thiểu số bị sát hại nhiều
nhất qua chính sách tẩy sạch chủng tộc / ethnic cleansing trong thời kỳ Khmer Đỏ.
Không có con số chính xác về số người Tàu
hiện sống ở xứ Chùa Tháp, con số 500.000 vẫn được xem là quá thấp, vì số đông người
Miên gốc Hoa / Chinese Cambodian đã được coi như người Miên không nằm trong con
số thống kê này.
KHMER
ĐỎ VÀ CHINA CONNECTIONS
700 năm sau chuyến du hành thăm xứ Chùa
Tháp của Châu Đạt Quan, mối liên hệ giữa Cambodia và Trung Quốc là một chặng đường
lịch sử rất gập ghềnh và phức tạp. Nếu lấy dấu mốc kể từ ngày Pháp trao trả độc
lập cho Cambodia (1953), thì dù với thể chế nào, từ thời ông Hoàng Sihanouk tới
Lon Nol, rồi Pol Pot hay Hun Sen; mối liên hệ song phương giữa Bắc Kinh và
Phnom Penh luôn luôn có một mẫu số chung: đó là "chính sách đối trọng"
của Bắc Kinh đối với Việt Nam, làm sao giảm thiểu ảnh hưởng của Việt Nam trên
quốc gia láng giềng này. Cho dù cả Bắc Kinh và Hà Nội vẫn rêu rao mối quan hệ khăng
khít "môi hở răng lạnh" giữa hai đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc
với khẩu hiệu "bốn tốt và 16 chữ vàng" nhưng Bắc Kinh thì luôn luôn
theo đuổi một chiến lược nhất quán và giấu mặt cốt sao làm suy yếu Việt Nam đưa
quốc gia này vào vòng lệ thuộc. Cũng phải kể tới "một cuộc chiến môi
sinh" không tuyên chiến của Bắc Kinh, hủy hoại con sông Mekong cũng là hủy
hoại Đồng Bằng Sông Cửu Long, là vựa lúa cũng là nguồn sống của Việt Nam.
Rất sớm, cấp lãnh đạo Khmer Đỏ đã được Chủ
tịch Mao Trạch Đông tiếp đón tại Bắc Kinh và ca ngợi. Tháng 9-1977, Pol Pot lại
sang viếng thăm Trung Quốc và được Hoa Quốc Phong, người kế thừa Mao Trạch Đông
tiếp đón trọng hậu. Pol Pot khẳng định, "Đối
với Cambodia, sự giúp đỡ quý báu nhất của Trung Quốc là tư tưởng Mao Trạch
Đông".
Hình 2: Chủ tịch Mao Trạch Đông tiếp đón cấp lãnh đạo
Khmer Đỏ tại Bắc Kinh,
từ trái: Mao Trạch Đông, Pol Pot và Ieng Sary. Khmer Đỏ rập
khuôn theo Mao,
được hậu thuẫn và viện trợ tối đa của Bắc Kinh, đã tiến
chiếm Nam Vang 17.04.1975
khởi đầu một chế độ diệt chủng với 2 triệu người chết,
trong đó không ít nạn nhân
là người Việt, người Chăm Islam trong khoảng thời gian từ
1975-1979.
[nguồn: photo AFP]
Vẫn còn đó những trang sử chưa được soi
sáng: mức độ liên hệ giữa Trung Quốc với chế độ diệt chủng Khmer Đỏ. Cho đến
nay, đối với Trung Quốc đó vẫn là điều cấm kỵ / taboo, một hộp đen / black box
mà Bắc Kinh tránh nhắc tới và muốn mọi người lãng quên.
Và cũng không ngạc nhiên để hiểu tại sao,
trong bao nhiêu năm, Bắc Kinh luôn luôn chống đối việc đưa ra các lãnh tụ Khmer
Đỏ ra xét xử chính vì mối e ngại những điều sẽ được phanh phui trước tòa. Những
sự thật ấy nếu được phô bày ra trước thế giới, đó là một hổ thẹn về thể diện quốc
gia / national embarrassment cho nhà nước Trung Quốc.
Khi được hỏi và phải lên tiếng thì các
viên chức Trung Quốc hoặc tìm cách phủ nhận hoặc cố giảm thiểu tầm quan trọng của
mối liên hệ này. Zhang Jinfeng / Trương Kim Phong đại sứ Trung Quốc tại
Cambodia, năm 2010 đã tuyên bố: "Cộng
Hòa Nhân Dân Trung Quốc không có liên hệ chính trị nào với Khmer Đỏ. Sự trợ giúp
nếu có chỉ giới hạn trong việc cung cấp thực phẩm, và nông cụ như lưỡi cào, liềm
hái."
Nhưng
theo Youk Chhang người sống sót sau Khmer Đỏ, hiện là Giám đốc Trung Tâm Tài liệu
Cambodia / Documentation Center of Cambodia thì sự thật không phải như vậy. Theo
hồ sơ lưu trữ và những lời khai của các cựu viên chức Khmer Đỏ thì "Cố vấn Trung Quốc có mặt cả với đám
cai tù / prison guards lên tới cấp lãnh đạo cao nhất của Khmer Đỏ; và Trung Quốc
chưa bao giờ chịu thừa nhận hoặc xin lỗi cho sự kiện này." (1)
Theo sử gia Milton Osborne thì phần tham
dự dính líu của Trung Quốc với Khmer Đỏ có tầm mức sâu rộng và quan trọng hơn rất
nhiều. Từ trước và sau 1975, Khmer Đỏ đã được Trung Quốc trực tiếp hỗ trợ trên
mọi phương diện.
Theo Andrew Mertha, Giám đốc Chương trình
Nghiên cứu Trung Quốc và Á châu Thái Bình Dương / China and Asia Pacific
Studies Program tại Đại học Cornell, cũng là tác giả cuốn sách Brothers in Arms: Chinese
Aid to the Khmer Rouge 1975-1979, thì chính Trung Quốc đã cung cấp 90% viện
trợ cho Khmer Đỏ: từ lương thực, các thiết bị xây dựng tới trọng pháo, xe tăng
và cả máy bay. Cho dù biết Khmer Đỏ đang tàn sát chính nhân dân Cambodia nhưng
đám cố vấn quân sự và các kỹ sư Trung Quốc vẫn cứ tiếp tục trợ giúp cho những
người bạn đồng minh cộng sản của họ. Andrew Mertha khẳng định: "Không có trợ giúp của Trung Quốc,
Khmer Đỏ không thể tồn tại quá một tuần lễ." (2)
Giới nghiên cứu cho rằng ít nhất có tới hàng
chục ngàn cố vấn Trung Quốc được mệnh danh là "chuyên viên kỹ thuật" hiện
diện kín đáo từ cấp lãnh đạo cao nhất của Khmer Đỏ xuống tới hạ tầng, cùng với viện
trợ quân sự với đủ loại súng đạn vũ khí và cả huấn luyện. Trung Quốc còn giúp
Khmer Đỏ xây dựng đường sá, cầu cống, đường sắt, nhà máy lọc dầu kể cả một phi
trường lớn nơi tỉnh Kampong Chhnang cách thủ đô Nam Vang hơn 90 km, với đường
bay dài 2,4 km; tới cuối năm 1978 các công trình này gần như hoàn tất. Có giả
thiết cho rằng, phi đạo ấy có thể sẽ được Trung Quốc sử dụng như điểm xuất phát
cho các máy bay quân sự ném bom oanh kích các tỉnh phía nam Việt Nam khi có chiến
tranh. [Hình 4]
Hình 3: Bộ trưởng Quốc Phòng Khmer Đỏ Son Sen (giữa),
đứng bao quanh bởi các cố vấn Trung Quốc 1977
[nguồn: Trung tâm Tài liệu Cambodia].
Có lẽ Hà Nội thấy trước được nguy cơ cận
kề đó, lại bị quân Khmer Đỏ đồng loạt tấn công các tỉnh biên giới phía tây, nên
tháng 12 năm 1978, hơn 100.000 quân đội cộng sản Việt Nam đã tràn qua Cambodia
lật đổ chế độ Pol Pot và lập nên một chính phủ Phnom Penh ban đầu thân Việt
Nam. Và để cứu chế độ Khmer Đỏ khỏi hoàn toàn sụp đổ, Trung Quốc cũng đã mở
ngay các cuộc Chiến tranh Biên giới 1979 phía bắc Việt Nam như một áp lực trả
đũa mà Đặng Tiểu Bình đã giận dữ gọi "Việt
Nam là côn đồ, phải dạy cho Việt Nam một bài học".
Những
trang sử về mối liên hệ của Trung Quốc và chế độ Khmer Đỏ diệt chủng đã và đang
bị kiểm duyệt, không chỉ bởi Bắc Kinh mà nơi chính quốc gia nạn nhân do những lợi
lộc nhỏ nhặt trước mắt. Cho dù đó là chặng đường lịch sử đẫm máu và đen tối nhất
của quốc gia Cambodia trong thế kỷ XX nhưng vẫn không được soi sáng.
Hình 4: Phi trường nơi tỉnh Kampong Chhnang cách Nam Vang
hơn 90 km
của Khmer Đỏ do hàng trăm kỹ sư Trung Quốc giúp xây, với
phi đạo dài 2,4 km,
nhân công là hàng chục ngàn tù nhân khổ sai và phần lớn
đã bỏ mạng nơi công trường này.
[nguồn: Nikkei Asian Review, August 21, 2015].
Hình 5: Cán bộ Khmer Đỏ Um Sarun đứng giữa, cùng với các
cố vấn quân sự Trung Quốc,
đám cố vấn TQ cũng
mặc pyjama đen cổ quấn khăn rằn và hiện diện rất kín đáo
[nguồn: Trung tâm Tài liệu Cambodia]
Ngay chính Hun Sen, ở cương vị Thủ tướng
Cambodia cho dù không thể công khai ngăn cản việc đem ra xét xử các tội phạm
Khmer Đỏ, nhưng ông vẫn đưa ra lời cảnh báo như một hăm dọa rằng: "nếu để
việc điều tra và xét xử Khmer Đỏ đi quá xa, Cambodia sẽ có nguy cơ nội chiến."
Trong khi đó thì Om Mak, một người dân tỉnh Banteay Meanchey thì cho rằng lo ngại
của ông Hun Sen là không có cơ sở, ông ta nhận xét: "Tôi không nghĩ rằng
việc mở rộng điều tra tội ác Khmer Đỏ sẽ khơi mào cho chiến tranh. Không ai trốn
trong rừng cả, cũng không ai có đủ võ trang để gây bất ổn cho đất nước."
Cũng dễ hiểu khi biết Hun Sen có gốc gác
từ Khmer Đỏ, sau đó mới đào ngũ sang Việt Nam năm 1977, ban đầu thân Việt Nam
nhưng nay thì đang chọn đi vào quỹ đạo Trung Quốc.
LỊCH SỬ THEO THỰC ĐƠN
Chương Lập Phàm / Zhang Lifan một học giả
cũng là sử gia Trung Quốc, khi trả lời phỏng vấn của New York Times [March,
2015] đã đưa ra một thuật ngữ ví von: "lịch
sử theo thực đơn / history à la carte", theo cái nghĩa nhà nước Trung
Quốc chỉ muốn phổ biến tuyên truyền những điều thấy có lợi, trong khi cố né
tránh những khía cạnh tiêu cực có thể gây chỉ trích. (1)
Câu chuyện kể lại, khi có đoàn du khách tới
thăm Viện Bảo Tàng Diệt Chủng Tuol Sleng ở thủ đô Nam Vang [Hình 6, 7], trước
tiên viên hướng dẫn du lịch hỏi có ai trong đoàn tới từ Trung Quốc không, không
có ai lên tiếng hoặc giơ tay, khi ấy anh ta mới yên tâm thuyết trình về cuộc
chiến diệt chủng của Khmer Đỏ từ 1975 với 2 triệu người chết và trong đó có vai
trò của Trung Quốc.
Sau này, anh ta giải thích thêm là nếu có
người Tàu trong đoàn du khách thì "Họ sẽ rất giận dữ khi nghe tôi nói Pol
Pot được Trung Quốc trợ giúp nên mới giết được nhiều người đến như vậy."
Và họ đáp trả là "Điều đó không có
thật, hơn nữa bây giờ chúng ta là bạn, không nhắc về quá khứ nữa." (1)
Hình 6: Cổng vào Viện Bảo Tàng Diệt Chủng Tuol Sleng, còn
có tên S-21 [trái];
tượng Pol Pot trên nền nhà trong Viện Bảo Tàng [phải] với
trên tường là
vô số hình ảnh đen trắng do Khmer Đỏ chụp các nạn nhân bị
tra tấn và thảm sát nơi đây.
[photo by Ngô Thế
Vinh]
Hình 7: Bản đồ đất nước Cambodia thời kỳ Khmer Đỏ được
ghép
bằng những sọ người với Biển Hồ và con sông máu Tonle Sap.
[photo by Ngô Thế Vinh].
Hình 8: Brothers in Arms:
Chinese Aid to the Khmer Rouge 1975-1979.
Andrew Mertha, Cornell
University Press, February 2014. (2)
Chuẩn bị kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến
Thứ II vào tháng 9, 2015 với cuộc diễn hành quân sự vĩ đại, Bắc Kinh không quên
lên án tội ác chiến tranh của quân đội Nhật Bản, và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc
Cường/ Li Keqiang nói với báo giới: "Giới
lãnh đạo Nhật Bản phải nhận lãnh những trách nhiệm lịch sử về tội ác của các thế
hệ trước."
Nhưng điều trớ trêu là chính Trung Quốc
không hành xử như vậy đối với các tội ác tầy trời của chính họ trong quá khứ. Kuni
Miyake, một nhà ngoại giao Nhật hồi hưu đã mai mỉa về chính sách nước đôi /
double standard của Bắc Kinh mà ông gọi là "tiêu
chuẩn toàn cầu về liêm khiết trí thức / the global standard of intellectual
fairness"; đó là một mặt thì yêu cầu các quốc gia khác không xóa bỏ lịch
sử / whitewash the history nhưng chính Trung Quốc lại không muốn nhắc tới phần
trách nhiệm về cái chết của 45 triệu người do chính sách Đại Nhẩy Vọt / Great Leap Forward của Mao Trạch Đông, cũng như tội
ác về cuộc Cách mạng Văn Hóa 1966-76 gây chết chóc và chấn thương cho cả một thế
hệ và rồi mới đây là vụ thảm sát sinh viên đòi dân chủ ở Thiên An Môn. Và Trung
Quốc đã không hề có một Viện Bảo tàng cho những giai đoạn lịch sử như vậy."
(1)
Nhà nước Trung Quốc rõ ràng có một chính
sách "uốn nắn lịch sử" khởi đầu từ trong các trường học. Các bộ sách
giáo khoa về lịch sử đã tránh đề cập tới thời kỳ Khmer Đỏ, kể cả cuộc Chiến
tranh Biên giới 1979 do Đặng Tiểu Bình phát động để trừng phạt Việt Nam và cứu
chế độ Pol Pot cũng bị kiểm duyệt và không được nhắc tới. Chính sách kiểm duyệt
lịch sử từ sách vở tới báo chí truyền thông của Trung Quốc hữu hiệu tới nỗi đa
số các sinh viên đại học ở Trung Quốc hầu như không biết gì về cả hai sự kiện
này.
Nhìn về Việt Nam thì giới viết sử chính thống
theo tuyên giáo của đảng Cộng sản Việt Nam trong suốt bảy thập niên qua cũng tồi
tệ và không hơn gì Trung Quốc. Môn sử học cũng chỉ là một công cụ chính trị cho
các đảng Cộng sản và những chế độ độc tài trên thế giới.
HUN
SEN ĐI VÀO QUỸ ĐẠO TRUNG QUỐC
Sinh năm 1952 tại một
ngôi làng nhỏ thuộc tỉnh Kampong Cham bên bờ con sông Mekong, nhưng khai sinh sớm
hơn [4/4/1951], để đủ tuổi gia nhập Khmer Đỏ. Học vấn qua bậc tiểu học, sau đó
tham gia các phong trào tranh đấu. Có gốc là sĩ quan Khmer Đỏ, bị thương hư một
mắt khi theo Pol Pot tấn công thủ đô Phnom Penh tháng 4, 1975. Sau đó đào ngũ
qua Việt Nam trước 1979.
Khi quân CS Việt Nam
tràn qua Cam Bốt, lật đổ chính quyền Khmer Đỏ, Hun Sen được đưa lên làm Ngoại
Trưởng trẻ nhất năm 27 tuổi, rồi Thủ tướng Cambodia từ tháng 1, 1985 lúc mới 33
tuổi, giữ ghế Thủ tướng cho tới nay đã hơn 32 năm, lâu nhất của cả thế giới.
[Phnom Penh Post, Jan 21, 2010]
Hình 9: Hun Sen, con
người muôn mặt, là Thủ tướng Cambodia,
trị vì lâu năm nhất
trên thế giới [nguồn: internet]
Và nếu không có gì bất
ngờ, Hun Sen sẽ còn thống lĩnh chính trường Cam Bốt và là khuôn mặt lớn của khối
ASEAN trong hàng thập niên nữa. Lãnh đạo Đảng Nhân Dân Cam Bốt, Hun Sen
được giới ngoại giao và báo chí coi như một thứ “Người Hùng” của Cambodia.
Sẽ thiếu sót, nếu không ghi nhận ở đây,
trong thời gian làm Thủ tướng, ông Hun Sen đã nhận được khoảng hơn 10 học vị Tiến
sĩ Danh dự từ các đại học khác nhau trên khắp thế giới, trong đó có 2 học vị
Tiến sĩ của Hà Nội: một về Chính trị học (1991), và một về khoa Giáo Dục (2007).
Với từng ấy quyền lực và hào quang, Hun Sen được quốc vương Sihanouk phong cho
phẩm tước cao quý “Samdech” [Wikipedia] và còn được mệnh danh là “Đứa Con của
Đế quốc Khmer / The Son of the Khmer Empire”.
Năm 1987, Hun Sen từng
bị Amnesty International lên án vi phạm nhân quyền vì các vụ tra tấn tù nhân
chính trị. Nổi tiếng cai trị bằng đôi bàn tay sắt, nhưng cũng không thiếu tai
tiếng về các vụ tham nhũng về đất đai, dầu khí và các hợp đồng khai thác tài
nguyên của Cambodia. Bị các đối thủ lên án là “bù nhìn” của Hà Nội, nhưng thực
tế Hun Sen rất bản lãnh và độc lập, tuy không công khai lên tiếng chống Việt
Nam nhưng đã dần dần từng bước chọn đưa đất nước Cambodia tiến gần vào quỹ đạo
của Bắc Kinh; với dòng sự kiện:
Tháng 11, 2010 - Thủ tướng Hun Sen, sau Hội Nghị Thượng Đỉnh
ACMECS ở Nam Vang, lại một lần nữa đã bác bỏ mọi mối quan ngại về ảnh hưởng của
các đập thủy điện trên thượng nguồn đối với dòng chảy sông Mekong. Ông khẳng định
rằng chu kỳ lũ lụt hay hạn hán mới đây là hậu quả của thay đổi khí hậu /
climate change và khí thải carbon / carbon emissions chứ chẳng liên hệ gì tới
chuỗi những con đập thủy điện của Trung Quốc.
Tháng 6, 2009 - Fred Pearce
trong một tường trình Environment 360 Đại học Yale cho rằng xây đập chắn ngang sông
Mekong là một đòn giáng nghiêm trọng / major blow đối với con sông Mekong dũng
mãnh. Trung Quốc đang xây hàng loạt những con đập trên khoảng 2.800 dặm khúc
sông Mekong thượng nguồn, sẽ giới hạn dòng chảy, làm mất đi chu kỳ lũ lụt hàng
năm / annual flood pulse, con sông Tonle Sap chảy ngược vào Biển Hồ, như một
trong những kỳ quan thiên nhiên của thế giới.
Tháng 7, 2005 - Thủ tướng Hun
Sen, rất sớm cách đây 12 năm, trước khi sang dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Côn Minh,
đã tỏ ra thỏa mãn với tình hình khai thác con sông Mekong như hiện nay, theo
ông chẳng có vấn đề gì phải quan tâm. Ông công khai lên tiếng ủng hộ Bắc Kinh,
đối với kế hoạch khai thác sông Mekong, ông còn cho rằng các ý kiến chỉ trích
chỉ để chứng tỏ họ chú ý tới môi sinh, và đôi khi họ dùng đó như thứ rào cản nhằm
ngăn sự hợp tác nên có giữa 6 quốc gia.
Tháng 11, 2002 - Tyson
Roberts thuộc Viện Nghiên Cứu Nhiệt Đới Smithsonian đã phát biểu: “Xây các đập
thủy điện, khai thông thủy lộ, với tàu bè thương mại quá tải sẽ giết chết dòng
sông. Các bước khai thác của Trung Quốc sẽ làm suy thoái hệ sinh thái, gây ô
nhiễm tệ hại, khiến con sông Mekong đang chết dần, cũng giống như con sông
Dương Tử và các con sông lớn khác của Trung Quốc.
TAM
GIÁC VÀNG BẮC KINH - NAM VANG - HÀ NỘI
Cho đến nay cũng đã 38 năm kể từ ngày hơn
100 ngàn quân đội cộng sản Việt Nam tràn qua Cambodia lật đổ chế độ Khmer Đỏ và
giải phóng đất nước này. Nhiều lãnh tụ cao cấp Khmer Đỏ đã chết trước khi bị
đem ra xét xử. Pol Pot / Anh Cả là nhân vật số 1 đã chết từ 15.04.1998.
Riêng hai ông Nuon Chea / Anh Hai và
Khieu Samphan/ Anh Ba là hai nhân vật cao cấp nhất của Khmer Đỏ còn sống đã bị Tòa án xét xử tội
ác diệt chủng ở Cambodia / Extraordinary Chambers in the Courts of Cambodia
(ECCC) do Liên Hiệp Quốc bảo trợ, cả hai đã bị kết án tù chung thân
từ ngày 07.08.2014.
Và rồi chỉ mới đây thôi, ngày 23.06.2017,
hai ông Nuon Chea và Khieu Samphan lại được ECCC đưa ra tái xét xử với những tội
danh khác. Ông Nuon Chea 90 tuổi nguyên Thủ Tướng, do vấn đề sức khỏe chỉ ngồi
theo dõi phiên tòa trước màn hình trong nhà giam, và qua luật sư của mình, ông
cho biết chỉ coi phiên tòa như một trò trình diễn "show trial".
Riêng ông Khieu Samphan 85 tuổi, có học vị
tiến sĩ Đại học Paris, được coi như lý thuyết gia, nguyên Chủ tịch nhà nước
Campuchia Dân chủ / Khmer Đỏ thì có mặt và đã có lời nói cuối trước tòa, ông đã
hoàn toàn bác bỏ cáo buộc "tội ác chống
nhân loại và diệt chủng."
Hình 10: Khieu
Samphan, nguyên Chủ tịch nhà nước Khmer Đỏ
phát biểu tại phiên tòa
ở Nam Vang ngày 23.06.2017:
Ông hoàn toàn bác bỏ
cáo buộc "tội chống nhân loại và diệt chủng"
và khẳng định đó là
những lời ngụy tạo của Việt Nam
nhằm xâm lược
Cambodia.
[nguồn: AFP photo]
Ông Khieu Samphan đã giận dữ khẳng định
đó là những lời vu cáo ngụy tạo của Việt Nam nhằm xâm lược Cambodia, rồi ông đổ
hết trách nhiệm cho Việt Nam trong tấn thảm kịch 2 triệu người dân Khmer chết bằng
các nhục hình như bỏ đói, lao động cưỡng bức, tra tấn và cả giết chóc.
Điều rất trớ trêu và đáng nói ở đây là do
mối thù hận lịch sử, sẵn có tinh thần bài Việt, lại luôn luôn được kích động bởi
khẩu hiệu: "Việt Nam là kẻ thù truyền
kiếp" nên không ít người Cambodia may mắn sống sót và cả thế hệ trẻ
sinh sau thời kỳ Khmer Đỏ, khi nghe phát biểu của ông Khieu Samphan họ cũng
hoang mang, và nếu cứ bị tiếp tục bị tuyên truyền nhồi sọ, rồi ra họ có thể dễ
dàng cả tin về điều này.
CÙNG
NHAU GIẢI LỜI NGUYỀN
Khó mà kiếm được người Miên nào nói tốt về
người Việt đang sống trên đất nước của họ. Một thành viên nhóm bảo vệ nhân quyền
ở Nam Vang đã nói với ký giả báo Far Eastern Economic Review (FEER 1994): nếu
có được quyền lựa chọn thì đa số người Khmer đều muốn tống xuất tất cả người Việt
ra khỏi Cambodia. Chống Việt Nam bằng bất cứ luận điệu nào cho dù đúng hay sai
vẫn luôn luôn là một chiêu bài rất ăn khách và dễ dàng được đa số người Miên cả
tin và lắng nghe.
Không
lẽ bước sang thế kỷ XXI Việt Nam lại phải đưa vai ra gánh phần trách nhiệm một
cách rất vô lý về tội ác mà kẻ thực sự chủ mưu là Trung Quốc thì lại giấu mặt. Để
giải tỏa mối oan khiên đó, chưa bao giờ khẩn thiết như lúc này, phải có một giới
sử gia chân chính viết nên những trang sử về thời kỳ Khmer Đỏ một cách công tâm
và minh bạch để trả lại tất cả sự thật cho lịch sử.
Trong mấy thế kỷ qua, quá khứ hai dân tộc
Khmer và Việt Nam đã có những tang thương đổ vỡ nhưng họ lại phải cùng sống với
nhau trên một vùng đất định mệnh. Và những thù hận trong quá khứ vẫn âm ỉ đến mức
đã trở thành Một Lời Nguyền rất bất hạnh cho cả hai phía. Đã đến lúc phải cùng
nhau giải lời nguyền ấy.
Hiện tại, cả hai dân tộc cùng rất nghèo,
cùng ở cuối nguồn con sông Mekong, đang cùng là nạn nhân của một trận chiến môi
sinh thế kỷ: do chuỗi những con đập thượng nguồn từ Trung Quốc xuống tới Lào,
do kế hoạch vĩ mô đổi dòng lấy nước từ con sông Mekong của Thái Lan, rồi nạn ô
nhiễm do khai thác khoáng sản bừa bãi, cộng thêm với tác động của thay đổi khí
hậu đưa tới lũ lụt và hạn hán. Hậu quả sẽ là hai vùng châu thổ Tonle Sap và
châu thổ Đồng Bằng Sông Cửu Long đang trước nguy cơ chết dần.
Gần
đây thôi, trong một phạm vi nhỏ hẹp nhưng tích cực là các tổ chức môi sinh Việt
Nam như Việt Ecology Foundation, Vietnam River Network đã có những bước đầu nối
kết với 5 tổ chức môi sinh NGOs/ phi chính phủ của Cambodia, liên kết dưới
chung một tên River Coalition in Cambodia (RCC), và trong bối cảnh mở rộng một
hợp tác vùng: Save the Mekong Coalition (StM). Từ những bước khởi đầu ấy, hai
dân tộc Khmer và Việt Nam sẽ cùng chia sẻ trách nhiệm và hướng tới một tương
lai thịnh vượng chung. Đó cũng chính là nỗ lực hàn gắn vết thương lịch sử giữa
hai quốc gia, như một hóa giải Lời Nguyền giữa hai dân tộc Cambodia và Việt
Nam.
NGÔ THẾ VINH
California 08.07.2017
Tham
Khảo:
Dan Levin, “China Is Urged to Confront
Its Own History,” The New York Times (March
31, 2015).
Andrew Mertha, Brothers in Arms: Chinese Aid to the Khmer Rouge, 1975-1979
(Ithaca, NY: Cornell Univ. Press, 2014).
Luke Hunt, “What Was China’s Khmer
Rouge Role?” The Diplomat (December
17, 2011).
David Chandler, A History of Cambodia, 4th ed., updated (Boulder, CO:
Westview Press, 2009).
Ngô Thế Vinh, "Vực Dậy Từ Tro Than,
Đi ra từ những Cánh Đồng Chết", Mekong Dòng
Sông Nghẽn Mạch, (Văn Nghệ Mới 2007).