Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2018

Sài Gòn qua hình ảnh và âm thanh


Chiều hôm qua, tôi có dịp đi dự một buổi "exhibition" về Sài Gòn, mà người MC gọi là “the lost city of Saigon”. Không chỉ là buổi trình chiếu về hình ảnh Sài Gòn xưa và nay, mà còn được thưởng thức vọng cổ thời xa xưa nữa. Có những thông tin thú vị và đậm chất lịch sử mà tôi không biết hay chỉ biết lờ mờ, nhưng qua buổi triển lãm ngày hôm qua tôi mới học được nhiều điều hay về Sài Gòn và cải lương Nam Bộ.

Nói đến Sài Gòn tôi nhớ ngay đến Nhà văn Nguyễn Đình Toàn, người từng sáng tác ca khúc nổi tiếng "Sài Gòn niềm nhớ không tên". Ca khúc được sáng tác sau 1975 (nghe nói là lúc ông đi tù cải tạo) rất nổi tiếng, nhưng có lẽ chưa được lưu hành ở Việt Nam, trong đó có câu "Sài Gòn ơi, ta mất người như người đã mất tên". Không chỉ mất tên, mà Sài Gòn còn mất cả những địa danh lịch sử, những toà nhà mang tính 'cột mốc' (landmark), và những con đường hoài niệm của người miền Nam. Nhưng trưa nay, cái thành phố đã mất đó được phục dựng qua những hình ảnh và âm thanh quí báu từ thời Pháp thuộc và sau 1975.

Khách mời buổi triển lãm là kí giả Phúc Tiến (1), Ts Nguyễn Đức Hiệp, và Nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên. Trong hơn 90 phút, Phúc Tiến đã làm một “tour guide” qua những địa danh quan trọng, những phố phường mang tính lịch sử, và dạo quanh bờ sông Sài Gòn qua hàng loạt hình ảnh giá trị. Giá trị là vì chúng ta sẽ rất khó tìm được những bức hình được chụp từ đầu thế kỉ 20 hay lúc người Pháp rời Việt Nam. Trước khi người Pháp trao trả độc lập cho Việt Nam, họ đã thuê một nhiếp ảnh gia Pháp (từ Pháp) sang Sài Gòn để chụp lại tất cả những con đường, những toà nhà, những khu phố Sài Gòn. Đó là những bức hình quí báu mà mãi đến sau này họ mới cho công bố, và Phúc Tiến đã có công tuyển chọn những tấm hình đó trong cuốn sách “Saigon then & now, giữa hai đầu thế kỉ”. Hai đầu thế kỉ là đầu thế kỉ 20 và đầu thế kỉ 21.

Qua những tấm hình đầu thế kỉ 20 và những bản đồ người Pháp còn lưu giữ, chúng ta phải thán phục tầm nhìn của người Pháp. Họ muốn xây dựng Sài Gòn thành một trung tâm kinh tế, một thương cảng để cạnh tranh với Hồng Kông và Singapore lúc đó. Trước khi người Pháp đến Việt Nam, Sài Gòn đã là một đô thị quốc tế, nơi mà nhiều thương gia từ Tàu, Ấn Độ, Hà Lan, Mĩ, Anh, Bồ Đào Nha, v.v. đến lập nghiệp và còn để lại dấu ấn của họ tại Sài Gòn. Chẳng hạn như nhà thờ Tin Lành của người Hà Lan đầu tiên dành cho người theo đạo Tin Lành vẫn còn nguyên vẹn (nhưng nép mình đằng sau quán cà phê).

Người Pháp rất quan tâm đến mĩ quang của thành phố, và những toà nhà quan trọng cùng vị trí địa lí đều có ý nghĩa cân bằng giữa thế quyền và thần quyền. Bản vẽ “master plan” năm 1880 cho thấy họ muốn xây dựng Sài Gòn (gọi là “Thành Qui & Thành Phụng”) là một trung tâm hành chánh và quân sự, và trung tâm của thành phố là Nhà thờ Nhà nước (nhưng dân gian thì gọi là Nhà thờ Đức Bà). Nhà thờ Nhà nước lúc đó cao 57 mét để tàu bè qua lại có thể thấy và lấy làm tâm điểm.

Nhưng rất tiếc là những gì họ dày công qui hoạch và xây dựng nay chỉ còn là kí ức. Sau những năm tháng chiến tranh, nhiều toà nhà đẹp đã không còn. Ngay cả công trình nhà nguyện Công giáo trên đường Cường Để (Tôn Đức Thắng) do Nguyễn Trường Tộ thiết kế theo phong cách Tây đã bị đánh sập vào năm 1944. Chính quyền VNCH cố gắng gìn giữ nhiều di sản Sài Gòn và họ đã thành công ở mức độ nào đó. Nhưng sau 1975 thì sự tàn phá và kém qui hoạch đã huỷ hoại quá nhiều những di sản của người Pháp và VNCH để lại. Sài Gòn ngày nay là một “lost city.”

May mắn thay, những người trẻ như Phúc Tiến đã có công dựng lại cái “lost city” đó qua những bức hình lịch sử. Phúc Tiến tuy còn tương đối trẻ (sanh năm 1962) nhưng là người có trí nhớ tuyệt vời và một kiến thức uyên bác về Sài Gòn. Anh ấy nhớ từng địa danh, từng nhân vật gắn bó với địa danh, và nhất là năm tháng. Cả khán phòng say sưa theo anh ấy đi một vòng tour lịch sử của một “lost city” suốt hơn một giờ đồng hồ.

Không chỉ thưởng thức bằng hình, khán giả còn được thưởng thức bằng âm thanh. Nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên đã đưa khán giả về thời gian đầu thế kỉ 20 qua âm thanh. Số là đầu thế kỉ 20, Toàn quyền Paul Doumer cử một đoàn hát Nam kì sang Pháp để tham gia đại hội nhạc thế giới, với hơn 30 quốc gia tham dự. Đoàn Việt Nam có một nữ “ca sĩ” không rõ tên hát và thu thanh một bài (được giới thiệu) dân ca. Nhưng nhạc sĩ Lê Tuyên phân tích cho thấy đây không phải là bài dân ca, mà là một bài hát “hạng sang”, một bản tình ca. Thời đó thu thanh bằng sáp, và máy phát thanh cũng rất cầu kì. Nhạc sĩ Lê Tuyên thu âm lại bài ca đó và phát ra cho mọi người nghe. Nhưng rất khó nghe, vì giọng nói hay giọng hát như là tiếng nước ngoài. Chắc chắn đó là giọng hát của người miền Trung, có thể là Huế hay xứ Quảng. Nhưng các nhạc sĩ cũng có thể diễn dịch lời ca. Hoá ra, đó là một bản tình ca nói về người con gái thương nhớ người yêu.

Ts Nguyễn Đức Hiệp giới thiệu về vọng cổ thời đầu thế kỉ 20. Anh Hiệp là một học giả về Sài Gòn và cải lương. Anh, cũng như Phúc Tiến, có công thu thập rất nhiều sử liệu và hình ảnh về Sài Gòn, và đúc kết thành hai cuốn sách. Cải lương ngày xưa ở Nam kì là một bộ môn nghệ thuật dành cho giới trung lưu và có học, chứ không phải “bình dân” sau này. Bài nói chuyện của anh Hiệp được minh hoạ bằng các bài cải lương qua các giọng ca của các nghệ sĩ địa phương (Sydney). Có em của Minh Vương trình bày bài “Tình anh bán chiếu”, và một nữ nghệ sĩ trình bày bài “Dạ cổ hoài lang”. Đó có lẽ là những bài vọng cổ đầu tiên ở miền Nam. Được nghe lại những bài đó cùng trang phục truyền thống vào đầu thế kỉ 20 là một trải nghiệm khó quên.

Những ngày lễ Phục Sinh qua rất nhanh. Nhưng hôm qua bạn bè quần tụ lại để có một sinh hoạt có ý nghĩa về lost city Sài Gòn ở một nơi rất xa Sài Gòn là một hạnh ngộ. Những hình ảnh và âm thanh xưa cũng là một nhắc nhở chúng ta dù đang sống trong cái thế giới hối hả cần phải nhìn lại và học bài học lịch sử bằng cách gìn giữ những di sản của tiền nhân để lại.

——

(1) Kí giả Phúc Tiến, người từng làm phóng viên cho Tuổi Trẻ, và nay là một doanh nhân. Anh đóng góp nhiều hình ảnh quí báu cho buổi triển lãm. Đó là những hình ảnh được trích ra từ hai cuốn sách viết về Sài Gòn của anh. Anh gặp tôi lần đầu, và nói rằng anh đã biết tôi qua hàng loạt bài báo trên Tuổi Trẻ vào thập niên 1990 mà nay mới gặp ở Sydney. Thế là chúng tôi "làm" một bô hình kỉ niệm.

Từ trái sang phải: Kí giả Phước Tiến, tôi, Ts Nguyễn Đức Hiệp, Gs Quang Hà, và Nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên.
Phúc Tiến đang thuyết trình về những hình ảnh "Sài Gòn, then and now".
"Văn bất kì thanh"!
Nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên đang nói về bài ca mà đoàn Việt Nam thao dự trong "Đại nhạc hội" ở Paris vào đầu thế kỉ 20. Hình ảnh cô gái chỉ là minh họa chứ không phải người ca bài hát (không biết là ai).
Nghệ sĩ Phương Hoa trong trang lục đầu thế kỉ 20 trình diễn bài "Dạ cổ hoài lang".