Thứ Ba, 4 tháng 9, 2018

Nhật kí tháng 7/2017 và 8/2018

tuan nguyen
Tháng 8 thường là tháng bận rộn của tôi ở ... nước ngoài. Lần này là ở Việt Nam. Về Việt Nam lần này với một chương trình làm việc dày đặc, từ Nam chí Bắc. Đầu tiên là chương trình đào tạo liên tục 5 ngày ở Bệnh viện Chợ Rẫy, kế đến là khánh thành trang web Sức Khỏe Xương (suckhoexuong.vn), sau đó là tổ chức một lớp học CME 1.5 ngày về loãng xương ở Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, chủ trì buổi phỏng vấn các ứng viên giáo sư cho Đại học Tôn Đức Thắng, rồi đi Hà Nội thực hiện một chương trình workshop 5 ngày về phương pháp nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Dược Hà Nội, vào Đà Lạt tham dự hội nghị loãng xương, và trước khi bay về Úc tôi nói chuyện một buổi tại Đại học Nguyễn Tất Thành. Đây là vài dòng 'nhật kí' trong chuyến đi và vài hình lưu niệm.

31/7/2018: Bệnh viện Chợ Rẫy

Lớp học CME ở Chợ Rẫy. Đây là lớp học thứ hai tại Chợ Rẫy, và sẽ trở thành thường niên trong tương lai. Ai cũng nói đây là một trong những chương trình thành công nhất mà chúng tôi đã làm cả 15 năm qua trên khắp nước. Gần 250 học viên từ mọi miền đất nước về tham gia lớp học. Mỗi ngày có 3-4 bài giảng và thực hành trên nghiên cứu thật. Rất nhiều câu hỏi. Không chỉ đơn thuần câu hỏi, mà là câu hỏi hay. Điều này chứng tỏ học viên đã có kinh nghiệm nghiên cứu hay có ý định rõ ràng trong tương lai.

Mà, đúng như vậy, vì nhiều học viên đã hay đang làm nghiên cứu y khoa. Người thì đang làm nghiên cứu sinh — trong và ngoài nước. Người thì bay từ nước ngoài về học. Người đang có ý định học PhD. Người thì đã đọc sách và nghe tôi giảng trên youtube, nên nay đến gặp mặt để hỏi thêm cho rõ. Nói chung là học viên đều có “võ” và ai cũng học hành nghiêm túc. Chương trình học là hành trang căn bản cho các bạn học viên trong sự nghiệp khoa học. Nhiều bạn nói với tôi là hành trang đi du học là mấy cuốn sách tôi soạn và mấy bài giảng như thế này. Một trường đại học bên Estonia sang VN tuyển sinh PhD nói với tôi rằng họ sẽ dùng chương trình giảng của chúng tôi cho các nghiên cứu sinh tương lai. Một trường đại học bên Hà Lan cũng dùng chương trình của chúng tôi cho nghiên cứu bên đó. Do đó, các bạn sẽ có nhiều người bạn trong "bộ lạc" khi hoàn tất chương trình học này.

Quang cảnh lớp học ở Bệnh viện Chợ Rẫy 31/7 đến 4/8/2018  
Ts Trần Sơn Thạch đang giảng bài. 

Qua những câu hỏi của các bạn trong lớp học, tôi dễ dàng nhận ra nhiều nhận thức chưa đúng, thậm chí sai, về nghiên cứu y khoa. Những câu hỏi về cách dùng thuật ngữ để mô tả một công trình nghiên cứu (như “mô tả cắt ngang có phân tích” mà chúng ta không thể nào tìm thấy trong y văn hay tập san y khoa danh giá) đến những vấn đề như “tính đại diện” hay cách ứng dụng các phương pháp phân tích thống kê. Nhiều ngộ nhận vẫn tồn tại từ thế hệ trước vẫn chưa được thay đổi cho tốt hơn. Có quá nhiều người cứ nghĩ rằng nói "phân tích" ở đây là "phân tích thống kê", chứ không chịu nghĩ đến phân tích sinh hoá! Và, thế là hiểu lầm và lệch về "nghiên cứu cắt ngang có phân tích"! Tôi không nghĩ ra nghiên cứu cắt ngang nào mà không có phân tích sinh hoá hay phân tích dữ liệu?! Thế là tồn tại hai cách làm song song nhau: làm để đối phó với mấy người ngộ nhận ở trong nước, và làm để công bố quốc tế. Tốn kém ghê nơi!

1-2/8/2018: Khai mạc trang web suckhoexuog.vn và chương trình CME Loãng Xương

Tôi và vài bạn trong Hội loãng xương còn làm một chương trình CME cho hơn 350 học viên. Đây là chương trình CME chuyên về loãng xương đầu tiên ở Việt Nam. Tôi có ý tưởng từ lần đi dự hội nghị ở Singapore, và thấy mình có thể và nên làm một chương trình phong phú hơn Singapore.

Chương trình gồm 11 bài giảng, đi từ căn bản bone biology, định nghĩa về 'osteoporosis', vấn đề đo lường mật độ xương, chẩn đoán, điều trị, phòng ngừa, các vấn đề thời sự, và định hướng nghiên cứu. Các giảng viên là những bác sĩ kì cựu làm trong chuyên ngành lâu năm. Tôi tự hào vì chuyên ngành này ở Việt Nam có nhiều nghiên cứu, nên chúng tôi có chất liệu khoa học cho Việt Nam, chứ không phải kiểu "đọc báo dùm bạn. Tôi rất vui khi thấy có hơn 350 bác sĩ khắp nơi về tham dự và học hỏi được nhiều điều một cách có hệ thống.

Trước đó, chúng tôi khai mạc website "Sức khoẻ xương" (suckhoexuong.vn). Đây là một sáng kiến của chúng tôi nhằm cung cấp thông tin chính thống về loãng xương cho công chúng và các đồng nghiệp trong chuyên ngành. Buổi khai mạc diễn ra ở Khách sạn Lotte Legend, với khoảng 200 người tham dự. Có vài bạn từ Hà Nội (Ngọc Lan, Thanh Thuỷ, v.v.) vào tham dự rất hào hứng. 

Thảo luận với Quý Ngọc (đại diện nhà tài trợ DKSH cho trang web) trước khi khai mạc.  

 Tôi nói lời giới thiệu. 
 Trả lời câu hỏi của khán giả về vấn đề loãng xương. 

Bác sĩ Đỗ Phước Hùng (BV Chợ Rẫy) đang nói về điều trị ngoại khoa đối với bệnh nhân loãng xương.  

3/11 đến 7/8/2018: Đại học Dược Hà Nội  

Sau chương trình CME, tôi và anh Thạch bay ra Hà Nội. Đến Hà thành trong một ngày ‘mờ nhân ảnh’. Sáng hôm nay (3/11) khai mạc chương trình học tại ĐH Dược Hà Nội, và có dịp gặp nhiều bạn cũ và mới. Nhưng trước khi khai mạc, Trường làm một buổi lễ trao chức danh “Giáo sư danh dự” cho tôi.

Dù được trao chức danh này tại nhiều đại học trên thế giới, nhưng đây là lần đầu tiên ở quê nhà, nên cảm xúc nhiều lắm. Có nơi (Tây) chỉ gửi một lá thư bổ nhiệm, và lúc nào cũng kèm theo câu “bổ nhiệm không có lương”, có nơi như Thái Lan thì chỉ một buổi ra mắt faculty, nhưng có nơi thì trịnh trọng. Riêng ở đây, ĐH Dược HN, thì chẳng những trịnh trọng, mà còn tình cảm. Tình cảm là vì đây là quê hương mình.

 Lễ trao bằng Giáo sư Danh dự cho tôi. Người bên cạnh là Giáo sư Nguyễn Thanh Bình, đương kim hiệu trưởng. 

 Tôi đang nói bài đầu tiên trong chương trình gồm 15 bài giảng suốt 5 ngày. 

Thật ra, tôi đã và đang hướng dẫn nghiên cứu sinh ở đây, nên thêm chức danh cũng có nghĩa là thêm trách nhiệm. (Cũng xin mở ngoặc để nói thêm rằng ở miền Nam tôi không được hướng dẫn nghiên cứu sinh, nhưng ở ngoài này thì tôi được. Nói chung, qui định ở VN thì nỗi nơi hiểu mỗi khác, rất khó nói.) Tôi quen với anh [nay là] hiệu trưởng từ những 11 năm trước, khi anh ấy “lang thang” về tận Rạch Giá tham gia một chương trình học do BV Kiên Giang tổ chức. Dạo đó, tôi có giúp cho một em nghiên cứu sinh trong Nam làm nghiên cứu ở đây, nên mối thâm tình lâu năm là vậy.

Chúng tôi tiêu ra 5 ngày, từ sáng đến chiều, cùng các học viên để bàn về qui trình và phương pháp nghiên cứu khoa học. Có gần 260 học viên đến từ miền Trung và Bắc. (Rất tiếc là một số bạn ghi danh trễ nên Trường không thể đáp ứng được nhu cầu. Phải hẹn lần sau.)  

Trường ĐH Dược thực ra là campus của Trường Thuốc Đông Dương cũ (thành lập năm 1902). Trường Thuốc Đông Dương là một khoa của Viện Đại học Đông Dương. Đa phần các toà nhà ở đây vẫn còn nguyên hình dạng của hơn 100 năm trước. Có vài chỗ bị xuống cấp, nhưng nhìn chung thì vẫn còn “rất Pháp” ở đây. Đi trong khuôn viên trường này là như đi vào một chặng đường lịch sử. Tôi cứ tưởng tượng ngày xưa ông Alexandre Yersin đứng ở đây, ông Shihanouk đứng chỗ kia và nay ... tôi đang đi theo vết chân của họ trong cái campus lịch sử này.

11/8/2018: Hội nghị thường niên Hội loãng xương TPHCM

Hội nghị khoa học thường niên lần XII được diễn ra ở Khách sạn Dalat - Saigon sáng nay (11/8). Gặp lại rất nhiều bạn bè cũ và mới: Nguyễn Tấn Bỉnh và phu nhân, Phạm Việt Thanh, Vũ Đình Hùng, Nguyễn Hải Thuỷ, Võ Tam, Võ Văn Sĩ, Vũ Thanh Thuỷ, thầy Trần Ngọc Ân, v.v. Và, vậy là chụp một hình lưu niệm.

Thầy Trần Ngọc Ân phát biểu lời khai mạc. Thầy nhắc đến những người đã đóng góp cho chuyên ngành này ở VN, và thầy có nhắc đến tôi một cách ưu ái. Thầy nói tôi là “Việt kiều yêu nước” (làm tôi ... nhột) và là người “quan tâm đến rất nhiều vấn đề ở VN” kể chuyện thi cử mấy tuần qua, làm cả hội trường cười ngất. Không rõ ai là người 'sáng chế' ra chữ "Việt kiều yêu nước", nghe nó vừa cảm tính [một cách không cần thiết] vừa thừa thải. Đã là người Việt thì ai chẳng yêu quê hương; chỉ có khác nhau là cách họ thể hiện tình cảm thiêng liêng đó thôi.

Những báo cáo khoa học trong hội nghị lần này cũng như những lần trước. Có nhiều báo cáo nghiên cứu khoa học, nhưng khi nghe qua và nhìn vào data thì tôi nghĩ đó là những thống kê lâm sàng, chứ chưa phải là 'scientific research'. Nhiều đồng nghiệp sử dụng dữ liệu của bệnh nhân đến với họ để làm nghiên cứu, nhưng những dữ liệu và kết quả như thế rất khó diễn giải. Nguồn bệnh nhân từ bệnh viện là rất quan trọng, nhưng nó đòi hỏi phải có thiết kế thông minh thì mới có thể xem là 'nghiên cứu khoa học' hay 'nghiên cứu lâm sàng'.

Ngồi suốt 1 ngày xem và nghe các báo cáo, tôi nhận ra hai điểm nổi cộm. Điểm thứ nhất là nhiều bạn dùng data của người khác quá nhiều, mà data của mình thì chẳng có hay có nhưng chẳng bao nhiêu. Điểm thứ hai là cách soạn slide vi phạm hầu như tất cả các nguyên tắc về soạn báo cáo miệng trong hội nghị. Có lẽ các bạn ấy không/chưa biết các nguyên tắc soạn powerpoint nên các thông điệp của họ bị lãng quên trong rừng dữ liệu và câu chữ.

Chụp hình lưu niệm ban tổ chức và khách mời. Từ trái qua phải: Huỳnh Văn Khoa (Chợ Rẫy), Nguyễn Văn Hùng (Bạch Mai), Võ Tam (Huế), Nguyễn Hải Thủy (Huế), tôi, Lê Anh Thư (Chợ Rẫy), Trương Văn Việt (cựu giám đốc BV Chợ Rẫy), Trần Ngọc Ân, Bs Linh (Chợ Rẫy), Bs Thục Lan (TDTU), Vũ Thanh Thủy (Hội LX Hà Nội), Vũ Đình Hùng (Hội Khớp TPHCM), Phạm Việt Thanh (cựu giám đốc Sở Y tế TPHCM), Nguyễn Tấn Bỉnh (đương kim giám đốc sở Y tế TPHCM), Nguyễn Đình Khoa (Chợ Rẫy).

GS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y Tế TPHCM, nói lời khai mạc.

Thầy Trần Ngọc Ân nói về lịch sử của hội và chuyên ngành.

Bs Thảo Uyên nói về cấu trúc xương ở bệnh nhân tiểu đường.

Dược sĩ Phạm Nữ Hạnh Vân (ĐH Dược Hà Nội) với bài nghiên cứu về kinh tế dược trong điều trị loãng xương.

Bs Trần Bình Thanh (hình như là Bv Thống Nhất) đang nói về loãng xương ở bệnh nhân với hội chứng chuyển hóa.

Đà Lạt 

Lâu lắm rồi mới có dịp đi Đà Lạt, nên tôi ở lại 2 ngày ở đây. Đến Đà Lạt buổi trưa, mưa gió sụt sùi. Nhưng thỉnh thoảng cũng có vài giây phút nắng, và bông nở rộ rất đẹp bên mấy căn hộ chung quanh hồ Tuyền Lâm. Chẳng biết ai đặt tên cái hồ này, nhưng đó là một cái tên đẹp và ý nhị. Cũng may, chứ để mấy người vô văn hoá đặt tên thì chắc Alexandre Yersin có sống lại cũng ngậm ngùi.

Những căn hộ ở đây xinh xắn vô cùng. Nếy không có mưa thì đây là nơi nghỉ mát lí tưởng. Còn mưa gió sụt sùi như hôm nay (và suốt tuần này) thì tôi chỉ biết ngồi trong phòng ngắm ... mưa. Cảnh quang chung quanh đây rất đẹp. Hoá a, Hồ Tuyền Lâm từng có tên là Hồ Quang Trung, sau này tỉnh mới đổi tên thành Tuyền Lâm. Dĩ nhiên, 'tuyền' là suối; 'lâm' là rừng; Tuyền Lâm là suối rừng. Nói là suối, chứ hồ rộng đến 320 ha! Tôi đã có 2 ngày nghỉ và quên thế giới ở đây. 

 Khách sạn Terracotta nằm ngay bên cạnh hồ Tuyền Lâm. 

 Phía trước khách sạn Terracotta. 

 Chỗ này sáng ra chạy bộ rất hay. Nhưng hai ngày tôi ở đó thì trời mưa hoài nên chỉ biết nhìn. 
Một cảnh hồ Tuyền Lâm nhìn từ phòng ngủ 

Một góc hồ Tuyền Lâm nhìn từ phòng ngủ. Thử tưởng tượng sáng ra thức dậy nhìn cảnh này thì còn làm gì được?! 

Phỏng vấn ứng viên giáo sư cho TDTU  

Một trong những việc tôi phải làm trong chuyến về nhà vừa qua là phỏng vấn các ứng viên cho 3 chức vụ giáo sư (assistant, associate và full professor) cho ĐH Tôn Đức Thắng. Kết quả sẽ có nay mai, nhưng lần phỏng vấn này là lần thứ hai và diễn ra rất “smooth.”

Hội đồng phỏng vấn gồm 2 giáo sư trong nước và 4 giáo sư nước ngoài. Tất cả đều là full professor. Tôi được giao làm chair, và tôi áp dụng cách chúng tôi làm bên Úc. Từ thủ tục, tiêu chuẩn đến câu hỏi đều y như cách làm việc của các hội đồng bổ nhiệm thuộc các đại học G8 bên Úc. Chẳng hạn như tôi nói với mỗi ứng viên về qui chế phỏng vấn, họ có quyền không trả lời nếu ai đó hỏi câu hỏi xúc phạm, nhưng họ không được challenge hội đồng; ok thì tiếp tục, không ok thì ngưng phỏng vấn. Ai cũng ok.  Chẳng có ai gây tác động đến hội đồng. Không bông hoa. Không điện thoại. Không tiếng Việt. Do đó, một ứng viên người Úc cảm thấy “at home” là cũng đúng.

Khác với hội đồng nhà nước công nhận chức danh gần như suốt đời, TDTU bổ nhiệm có thời hạn. Người thì 5 năm, người thì 1 năm thử thách. Chúng tôi không bỏ phiếu, mà bàn ngay tại chỗ. Hồ sơ các ứng viên được gửi ra nước ngoài bình duyệt, chứ không phải trong nội bộ trường, và bình duyệt chỉ mang tính tham khảo. Chúng tôi không quan tâm đến tiêu chuẩn viết sách. Chúng tôi cũng chẳng quan tâm đến việc cân đo đong đếm giờ giảng (vì có 2 ngạch cho chức vụ: giảng dạy và nghiên cứu). Tôi nghĩ thủ tục và qui chế của TDTU đơn giản và minh bạch hơn cách làm của hội đồng nhà nước.

Năm nay, chỉ có 7 ứng viên, nhưng phải mất cả nửa ngày làm việc. Ứng viên thì đa số là người nước ngoài, một số đã là associate professor hay full professor ở nước ngoài, nhưng một số là mới. Nhiều ứng viên rất tốt, và tôi nghĩ họ có thể đóng góp cho Trường và cho VN trong tương lai. Tôi đặc biệt quan tâm đến các ứng viên bên khoa học xã hội có thể đóng góp về nghiên cứu Hoàng Sa và Trường Sa. Có vài người vượt xa tiêu chuẩn cứng của Trường. Có người là professor ở đại học phương Tây, thậm chí Mĩ, nhưng chưa chắc đáp ứng tiêu chuẩn của TDTU. Năm ngoài cũng có một trường hợp full professor từ một đại học có tiếng ở Tây Âu (hơn state university bên Mĩ) nhưng vẫn không được bổ nhiệm full professor của TDTU, còn số ca associate professor từ nước ngoài thì bị loại khá nhiều.

Thật ra, đó cũng là mục tiêu của chúng tôi: nhận ra những người có tài có thể đóng góp cho khoa học VN. Những “tiêu chuẩn cứng” của TDTU thì chắc chắn cao hơn rất xa so với tiêu chuẩn của nhà nước. Nhưng hội đồng không mấy quan tâm đến số lượng, mà chú ý đến phẩm chất khoa học. Tôi nghĩ các giáo sư được TDTU bổ nhiệm tương đương hay cao hơn một số đại học Úc và Mĩ.

Tôi nghĩ nếu các đại học khác làm như TDTU thì sẽ tránh những tranh cãi không cần thiết. Ngoài ra, cách làm theo G8 cũng tránh để lọt những ứng viên thiếu tiềm năng đóng góp cho VN.

12/8/2018: Ra mắt sách

Hôm qua, tôi có dịp tham dự buổi ra mắt sách cho cuốn “Cẩm nang nghiên cứu khoa học” của tôi tại Đường Sách Sài Gòn. Gặp lại nhiều bạn trên mạng và ngoài đời. Đặc biệt là gặp lại 3 người quen là anh Nguyễn Hữu Thái, Ts Nguyễn Thị Hậu (Hậu khảo cổ) và người bạn fb Huỳnh Văn Kiệt từ Đà Nẵng vào (xem hình).

Lần đầu tiên dự một buổi ra sách như thế này tôi vừa lúng túng vừa thú vị. Cũng may là ban tổ chức rất chuyên nghiệp, nên mọi chuyện đều diễn ra trơn tru. Đây là cuốn sách thứ 9 của tôi do Nxb Tổng Hợp xuất bản. Cuốn này thực chất là tập hợp những bài giảng về nghiên cứu khoa học tôi và các đồng nghiệp thực hiện trên 10 năm qua trên mọi miền đất nước. Đó là những chương trình “workshop” thường từ 5-12 ngày, với nội dung từ ý tưởng nghiên cứu, phương pháp thí nghiệm, phương pháp phân tích dữ liệu, đến công bố kết quả nghiên cứu. Cuốn sách xoay quanh những nội dung đó, và đã được đón nhận rất nồng nhiệt. Sách được bán hàng trăm copies ngay từ ngày đầu tiên phát hành!

Tôi nghĩ mình đã “gãi” đúng những chỗ ngứa của nhiều sinh viên và nghiên cứu sinh. Những chỗ ngứa đó là: câu hỏi nghiên cứu đến từ đâu, làm sao đánh giá câu hỏi nghiên cứu đáng để theo đuổi, cách triển khai nghiên cứu, cách phân tích và diễn giải kết quả phân tích, cách sọan bài báo khoa học, và con đường khoa học phía trước. Tôi cố gắng giải đáp những câu hỏi đó bằng văn phong kể chuyện và tránh tối đa những thuật ngữ khoa học. Bạn đọc sẽ thấy nghiên cứu khoa học rất thú vị, vì đó là một cách duy nghĩ (a way of thinking), chứ không phải là cái gì quá cao siêu và xa vời.

Trong buổi giao lưu ra mắt sách cũng có nhiều bạn hỏi những câu hỏi tương tự, và tôi cố gắng giải đáp cho các bạn trẻ ấy qua những trải nghiệm cá nhân. Có em hỏi nên chuẩn bị gì cho việc làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài (em này sắp đi du học), tôi nói nên chuẩn bị 4 điều: (a) chủ động học hành, vì không còn cách học “cầm tay chỉ việc” nữa; (b) nhớ socializing với đồng môn, chứ không phải chỉ vùi đầu vào học và lab; (c ) phải giữ mối quan hệ tốt với thầy cô, chuẩn bị tinh thần cho 3 loại thầy cô (vua chúa, độc tài, và người bạn); và (d) học nói và học viết, hay nói chung là “communication skills.” Thiếu những chuẩn bị đó là công thức cho thất bại.

Tôi nghĩ cuốn sách chẳng những có ích sinh viên, mà còn có ích cho nhà quản lí khoa học. Đã có nhiều bạn viết thư cho tôi nói rằng những cuốn sách trước đã giúp ích cho họ trong việc xét duyệt đề cương nghiên cứu và đánh giá khoa học. Trong buổi ra sách, chị Hậu cũng nói rằng những chia sẻ của tôi về cách soạn và trình bày slides trong các hội nghị đã giúp cho chị ấy rất nhiều trong các hội nghị quốc tế. Thành ra, tôi muốn nghĩ rằng các bạn đã từng làm nghiên cứu cũng sẽ thấy vài kinh nghiệm hữu ích từ cuốn “Cẩm nang” này.

Ps: Dự buổi ra mắt sách của tôi mà còn được tặng một cuốn sách của một anh bạn vong niên là KTS Nguyễn Hữu Thái. Anh Thái là người có mặt trong thời khắc lịch sử ngày 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập. Trong sách, anh có kể lại sự việc ngày hôm đó như là một nhân chứng lịch sử và là một chứng từ lịch sử.
 Khách mời đến dự có KTS Nguyễn Hữu Thái, Ts Nguyễn Thị Hậu (lâu lắm rồi tôi mới gặp lại chị ấy). 
 MC đọc lời khai mạc. 

Tôi đang giải thích nội dung cuốn sách.  

 Gặp và chụp hình với một người bạn qua mạng Huỳnh Văn Kiệt