Thứ Tư, 15 tháng 1, 2020

Nguyên Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết: Chúng ta còn nợ dân nhiều...





Không thể phủ nhận, vào những năm 90 của thế kỷ trước, với trọng trách là Bí thư Tỉnh uỷ Sông Bé – một trong những tỉnh lúc đó thuộc hàng nghèo nhất nước - ông Nguyễn Minh Triết đã có những hành động “xé rào” ấn tượng. Không ai hết, chính ông đã khơi dậy sự chuyển mình ngoạn mục của một tỉnh thuần nông, trở thành một trong những địa phương phát triển công nghiệp thành công nhất nước. Và sự giàu có của tỉnh Bình Dương hôm nay có phần đóng góp, ở sự đặt nền móng, khởi đầu từ anh Sáu Phong (tên gọi thân mật của ông Nguyễn Minh Triết) năm nào.
Cái thời “xé rào” ấy, khi mà đất nước bắt đầu thời kỳ đổi mới, chú có kỷ niệm gì đáng nhớ?
- Từ thời còn cắp sách đi học, tôi rất thích câu ngạn ngữ tiếng Pháp “Le moi est de’testable” (Cái tôi là đáng ghét). Tôi không muốn nói những chuyện liên quan đến cá nhân tôi. Thôi, hãy để cho người khác nói. Giờ mình nghỉ rồi, kể lại những chiến công, thành tích…, tôi không nói đâu.
Ông chỉ cho chúng tôi 2 tấm bảng Huân chương treo trên trên tường nhà: “Từ sau năm 1975 đến nay, tôi chỉ được 2 cái Huân chương đó… Nói thiệt, từ hồi nào đến giờ, tôi không bao giờ đề nghị được tặng Huân chương gì hết. Có người hỏi tôi vì sao người khác được Huân chương này, Huy chương nọ, sao tôi không có… Nhưng tôi nghĩ khác, tôi luôn nói ngoài Trung ương không cấp Huân chương cho tôi gì hết. Ngoài kia bảo làm hồ sơ gửi ra để xem xét cấp cho tôi Huân chương cao hơn nữa, nhưng tôi không làm. Bác Hồ còn không có Huân chương gì hết mà nhân dân quý mến. Cho nên thôi, hỏi mấy chuyện thành tích, tôi không muốn nói đâu. Nên hỏi người khác”.
Thời ở tỉnh Sông Bé cũ, chú có câu nói rất nổi tiếng “Trải thảm đỏ đón các nhà đầu tư”. Câu nói đó được chú nói ra trong bối cảnh nào?
- Tôi làm Bí thư Sông Bé năm 1991. Năm đó Sông Bé nghèo lắm. Trong Thường vụ chúng tôi bàn nhau phải phát triển công nghiệp, dịch vụ. Ngay nông nghiệp là thế mạnh của mình mà mình vẫn chưa phát huy hết. Chúng tôi bàn nhau kêu gọi đầu tư trong nước và ngoài nước. Lúc đó tôi có nói rằng: “Trải chiếu hoa…”. Nhưng sau này, anh em nói lại chưa chính xác là “Trải thảm đỏ…”. Chính xác tôi nói là: “Trải chiếu hoa mời gọi nhà đầu tư”. Kế đó, tôi còn dùng một câu nữa “Trải thảm đỏ mời gọi nhân tài”. Ý của tôi “mời gọi nhân tài” còn cao hơn “mời gọi đầu tư”. Mời gọi nhân tài mới ra hiệu quả bởi con người quyết định tất cả.
Ông kể tiếp: “Thời kỳ đó, tôi bị Trung ương phê bình nhiều lần. Khi làm Bí thư Sông Bé, thấy đất đai mênh mông, hơn 1 triệu héc-ta, mà hầu hết còn hoang hoá. Tôi mới vận động nhiều người và đưa ra một câu: “Để đất hoang hoá là có tội”. Ai có nhu cầu sản xuất, tỉnh sẵn sàng cấp đất. Người dân phấn khởi lắm. Một số doanh nghiệp cũng phấn khởi lắm… Nhưng sau đó, Trung ương "hỏi tội" tôi, vì đất đai là sở hữu toàn dân, do nhà nước quản lý thống nhất. Vì vậy, không thể cấp đất một cách thoải mái, tràn lan được. Tất nhiên lúc đó, tỉnh cũng chưa cấp được bao nhiêu, chuyện chỉ mới ở chủ trương thôi. Khi đó ai cũng nghĩ cấp đất cho người dân sản xuất nhỏ lẻ sẽ phát sinh chủ nghĩa tư bản… Chỉ chủ trương cấp đất cho doanh nghiệp quốc doanh. Nhưng quốc doanh lúc đó cũng khó quá, lại nghèo nữa, có cấp cũng không làm được. Ví dụ các doanh nghiệp cao su cũng chỉ làm được một ít thôi. Rồi mở cửa, doanh nghiệp nước ngoài vô đầu tư.
Hồi đó, ở Sông Bé có Công ty Pan Việt của Đài Loan vô đầu tư. Họ thuê hàng ngàn héc-ta đất để trồng chuối, được khuyến khích. Nhưng dân xin cấp đất, thuê đất lại khó. Tôi nghĩ, dân mình chiến đấu bao nhiêu năm dành lại từng tấc đất. Giờ lại không có đất sản xuất. Ngoài Trung ương lúc đó nói “chưa có chủ trương”. Sau đó, Trung ương mới cử mấy đoàn vô Sông Bé làm việc. Và cuối cùng mới có chủ trương cấp đất cho dân sản xuất. Nhờ vậy mà sau này người dân mới có cả trang trại. Chứ hồi đó, cấp đất gay go lắm. Giao vài trăm mét đất cho dân còn không được, chứ nói gì trang trại. Còn bây giờ chính sách đất đai quá tốt, nhận thức đã ngày càng nâng lên…”.
Sông Bé cũng là tỉnh đầu tiên trên cả nước hình thành khu công nghiệp, thưa chú?
- Đúng rồi. Khu công nghiệp Sóng Thần là tiên phong. Xuất phát từ nhu cầu phải phát triển công nghiệp, tôi nhắm Sóng Thần. Bởi đất Sóng Thần lúc đó là căn cứ quân sự, do quân đội quản lý hết. Tôi mới bàn với Bộ Quốc phòng và Quân đoàn 4. Tôi nói, đất đai ở đây nhiều quá, để không rất uổng phí. Hơn nữa, các anh có nhu cầu xây dựng nhà ở cho cán bộ, sĩ quan. Nhu cầu đó tỉnh phải giải quyết, tỉnh phải cấp đất… Vậy để kết hợp hài hoà cái đó, các anh giao đất lại cho địa phương quản lý. Địa phương sẽ hạch toán tiền đàng hoàng để các anh có tiền xây dựng căn cứ, xây nhà ở cho cán bộ CNV. Chúng tôi cũng tính toán hài hoà lợi ích của 2 bên. Cuối cùng, Bộ Quốc phòng và Quân đoàn 4 cũng đồng ý lấy đất quân đội làm khu công nghiệp đầu tiên - Khu công nghiệp Sóng Thần. Lúc đó nước mình chưa có tỉnh nào có khu công nghiệp.
Toàn tiên phong, đi đầu, vậy về cơ chế lúc đó có vi phạm không, thưa chú?
- Nói chung, vừa thỉnh thị, vừa “xé rào” thôi. Thấy cái gì làm được, mình cứ làm thôi. Giống như việc cấp đất cho dân. Luật chưa có, mình thì nghĩ đơn giản “Đất đai mênh mông, mà người dân thì cần đất. Nếu không cấp đất, người dân cũng vì mưu sinh, họ tự phá rừng để làm thôi”. Cho nên, mình cũng thuận theo đó. Sau này, tôi cũng bị nhắc nhở, phê bình. Tương tự làm khu công nghiệp Việt Nam – Singapore, tôi cũng bị rầy. Lúc đó, hai Thủ tướng Việt Nam và Singapore chọn địa điểm xây dựng khu công nghiệp Việt Nam –Singapore trên đất Sông Bé, nhưng phía dọc Xa lộ Hà Nội, thuộc huyện Dĩ An, gần Đại học Quốc gia hiện nay. Tôi đi nghiên cứu, tôi thấy chỗ đó không nên đặt khu công nghiệp chút nào. Vì chỗ đó có một số nhà máy, xí nghiệp mới xây dựng.
Thứ hai, việc giải toả, đền bù chỗ đó nặng lắm. Tôi mới đề xuất địa điểm khác để xây dựng Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore. Đó chính là địa điểm Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore hiện nay – toạ lạc dọc quốc lộ 13, thuộc thị xã Thuận An. Khi đó, tôi lý sự rằng, chỗ Thuận An và chỗ Dĩ An, đoạn đường về trung tâm TP.HCM như nhau (20km). Nhưng chọn Thuận An, gần như không tốn tiền giải toả gì nặng nề hết. Đất phần lớn là trống, một số là đất cao su... Còn chọn Dĩ An, đụng chạm đủ thứ khó khăn hết. Nói thiệt, nội việc chọn địa điểm cho Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore, tôi cũng bị rầy. Nhiều ý kiến cho rằng, tôi “không ủng hộ” , “làm khó” chuyện đầu tư Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore. Tôi nói, không phải vậy. Xây dựng khu công nghiệp tôi mừng lắm chứ. Tôi chỉ đề xuất làm sao cho nó thuận lợi hơn thôi. Sau đó tôi cũng thuyết phục được Thường vụ dời địa điểm Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore về Thuận An như hiện nay.
Thực tế hiện nay cho thấy Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore đặt ở thị xã Thuận An, dọc Quốc lộ 13 theo ý của chú là hợp lý. Nếu ngày xưa đặt khu công nghiệp này ở Dĩ An, dọc Xa lộ Hà Nội giờ kẹt cứng, không khéo phải giải toả lần nữa. Còn đất đâu mở rộng Xa lộ, xây dựng đường sắt đô thị Bến Thành – Suối Tiên?
- Lúc đó giải toả ở Dĩ An, 1m2 chẳng hạn, phải tốn 10 đồng. Còn ở Thuận An, chỉ mất 2 đồng thôi. Đất ở Thuận An khi đó chủ yếu là đất nông nghiệp và có một cánh rừng cao su thôi. Tôi rất thực tế, còn nhiều người thì thấy đặt khu công nghiệp ở Dĩ An cho nó… sung. Họ nói rằng, đặt bên ấy thuận lợi hơn. Tuy nhiên cuối cùng, ai cũng phải thừa nhận quan điểm của tôi là đúng đắn, phù hợp thực tế, tiết kiệm rất nhiều… Tóm lại, thời gian đó, công tác ở địa phương tôi cũng gặp muôn vàn trắc trở. Nhưng mình làm vì cái chung thì giải toả được hết. Rồi sau này ra Trung ương làm việc, tôi thấy ở đâu cũng có cái khó. Nói thật, công tác ở đất nước mình, cái thuận lợi ít hơn cái khó khăn. Vì sao? Bởi vì luật pháp của mình chưa thật ổn định, đang trong quá trình phát triển. Cơ chế của mình không giống người ta. Cho nên, mình học tập người ta cũng khó. Luật pháp mình sửa tới sửa lui, mà vẫn phải sửa… Do đó nhiều cái vướng. Chưa kể trình độ quản lý, hành chính của mình cũng yếu. Ở các nước, luật pháp của họ có hàng mấy trăm năm vẫn ổn định. Còn mình thay đổi hoài, nên khó…
Có những cái khó từ cuộc sống, từ thực tế của mình, mình chấp nhận thôi. Nhưng mình phải luôn luôn nhìn thẳng vào sự thật. Phải biết lắng nghe để tháo gỡ, sửa đổi sao cho phù hợp. Như quy luật vậy, gặp khó khăn phải biết đương đầu với khó khăn, phải tìm cách gỡ, thì đất nước mới phát triển được. Chứ không thể nào có một con đường bằng phẳng, trơn tru đâu. Trong kháng chiến cũng vậy. Đánh thắng trận này rồi, nhưng anh em mình hy sinh cũng nhiều chứ. Mai đánh trận khác, có khi chưa chắc đã thắng. Đánh giặc đâu phải trận nào cũng thắng. Cho nên những lúc như vậy, mình phải bình tĩnh, rút ra được cái gì quý giá, kinh nghiệm để mình tiến ở những bước sau.
Từ ngày về nghỉ hưu đến nay, mối quan tâm nào về tình hình đất nước mà chú quan tâm hay còn những trăn trở?
Ông trầm ngâm trả lời: “Tôi quan tâm rất nhiều thứ. Thấy chuyện gì cũng quan tâm hết. Môi trường bây giờ ô nhiễm quá. Đọc báo, ngày nào cũng thấy cá chết chỗ này, sông ô nhiễm chỗ kia… Nhìn về an ninh-trật tự xã hội, mình cũng lo. Trộm cắp, rồi cướp giật, xì ke, ma tuý, nhất là xì ke, ma tuý, giờ nó từ thành phố chạy về nông thôn, sinh ra cướp giật, gây ra những chuyện mất an ninh trật tự. Rồi ngó sang chuyện lớn hơn, nhìn ra biển Đông, thấy cũng lo... Thế giới bây giờ rắc rối lắm”. Rồi ông bất ngờ chuyển hướng kể về láng giềng: “Sống xung quanh tôi ở đây, có rất nhiều bà con. Vì ngày xưa, cha mẹ tôi sinh ra ở đây. Mọi người ở đây, gần như là bà con hết. Tôi có vai vế cũng lớn lắm. Một số người già vậy, chứ phải kêu tôi bằng chú, bằng cậu, bằng bác ráo trọi".
Chú về hưu, nhưng người dân có hay tìm kiếm chú xin được giúp đỡ như những ngày chú còn làm Chủ tịch Nước?
- Ngày nào cũng có. Chuyện không dính líu gì tới mình, nhưng dân họ bức bách, họ gặp những chuyện vô duyên, họ cũng chạy tới… Gần như thường xuyên luôn. Không chỉ người dân địa phương, có cả người dân ở các tỉnh khác nữa.
Vậy chú xử lý sao?
- Trước hết, tôi phải tiếp họ cái đã. Thí dụ: Có chị nào đó từ Vĩnh Long, Tiền Giang… tới gửi cái đơn thư khiếu nại gì đó, mà giờ, mình bảo họ về cũng không tiện. Phải mời vô nhà, hỏi chuyện. Đôi khi cãi nhau với họ. Vì họ cứ khăng khăng bắt tôi phải giúp này giúp nọ. Tôi nói, tôi đã về hưu rồi, không còn là Chủ tịch Nước nữa, làm sao giúp ? Thứ hai, giải quyết việc này phải có cơ quan chức năng, theo đúng quy định pháp luật. Nhưng họ không nghe. Họ khăng khăng: “Không có ai làm được đâu, chỉ có bác mới làm được, chỉ có bác mới giúp được…”. Thậm chí có người, con bệnh, thiếu tiền cũng chạy tới. Tôi lại phải dỗ dành, bác già rồi, bác không có nhiều tiền; thôi, lì xì cháu 1, 2 đồng về làm qùa cho cháu nhỏ… Khổ ghê, họ cứ tưởng mình có nhiều tiền lắm.
Hiện chú có tham gia cố vấn hay làm công tác nào ở địa phương?
- Tôi không cố vấn hay giữ chức trách gì hết. Tôi về đây, sinh hoạt Đảng ở Chi bộ thôn, ấp tại đây. Nhưng giờ mình lớn tuổi rồi, chi bộ cũng gia giảm họp cho ông già. Một năm, tôi chỉ họp Chi bộ vài kỳ thôi. Không phải tháng nào cũng họp hành. Tôi nói với Bí thư chi bộ “Bác già rồi, cho bác cơ chế thoáng đi”. Một năm tổng kết, 6 tháng sơ kết hay họp lấy ý kiến gì đó, tôi mới đến. Được cái lấy ý kiến gì, anh em đều đến hỏi rất kỹ càng, mình góp ý. Mỗi khi họp chi bộ, tôi lái chiếc xe điện từ nhà đến Chi bộ họp. Vô họp, câu đầu tiên, anh em đều “Kính thưa nguyên Chủ tịch Nước…”. Tôi nói: “Khỏi kính thưa gì hết. Tôi bây giờ là một đảng viên bình thường rồi. Tôi hiện là cấp dưới của mấy ông mà…”. Nhưng đâu lại vào đấy, cứ vô họp Chi bộ là lại: “Kính thưa nguyên Chủ tịch Nước…”.
Đời sống của người dân hiện sinh sống xung quanh chú thấy thế nào?
- Tôi thấy đời sống của người dân Bến Cát – nơi tôi đang sống, là rất khá giả. Ở nông thôn miền Nam, các bạn thấy đó, nhà cửa thưa thớt thôi. Không giống nông thôn miền Bắc, nhà cửa san sát nhau, như phố phường vậy. Như vậy, ít ra người dân còn có đất để làm nông nghiệp, nuôi con gì, trồng cây gì… Ở đây, đa phần người ta trồng cao su. Tuỳ từng hộ, cao su nhiều hay ít. Hiện giá cao su đang xuống, nhưng tạm sống đủ. Còn cách đây 4-5 năm trước, cao su được giá là ngon đó nghen. Nhờ thời điểm đó nên nhà cửa người dân được cất khang trang, nhiều nhà dân còn ngon hơn nhà tôi. Nhà họ không phải biệt thự đâu, mà là… dinh thự đó. Tuy nhiên, cạnh đó vẫn còn một bộ phận người dân nghèo, bệnh tật, không có việc làm.
Xin chú cho vài ý kiến về lực lượng nông dân hiện nay? Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, chú có kỷ niệm gì với người nông dân?
- Nông dân vẫn là giai cấp có nhiều khó khăn nhất trong cuộc sống. Nông dân đóng góp hàng đầu trong các cuộc kháng chiến giữ nước. Hy sinh nhiều nhất là con em nông dân. Rồi hiến nhà cửa, ruộng vườn… Hiện nay nông dân vẫn là thành phần chậm nhất, thiệt thòi nhất trong ổn định đời sống, phát triển kinh tế đi lên. Do vậy, trách nhiệm của chúng ta là phải tiếp tục giúp đỡ họ. Tôi thấy qua nhiều năm tháng, nhà nước đã có những chủ trương, chính sách đặc biệt dành cho nhà nông, quan tâm đến tiêu thụ nông sản, hàng hoá của nông dân là rất tốt. Trước đây, nông dân “tự bơi” là chính, giờ nhà nước tham gia khá hơn.
Sau nhiều năm đã nghỉ hưu, giờ nghỉ lại, điều tâm đắc nhất của chú là gì khi về với ruộng đồng, vườn tược? Và chú còn trăn trở điều gì chưa làm được?
- Trong mỗi cuộc đời con người, ai chẳng có lúc vui lúc buồn. Với tôi, tôi cũng chưa tính ra cái gì tôi ưng ý nhất. Nhưng mà nghĩ lại, cũng có một số việc mình làm được. Và, cũng có những việc mình chưa làm được. . Những việc chưa làm được còn nhiều. Tôi cho rằng cán bộ, càng cấp càng cao thì càng nên suy nghĩ nghiêm túc để thấy rằng, mình còn nợ nhân dân. Chứ đừng nghĩ rằng mình làm nhiều thành tích lắm. Nghĩ thế là nguy cơ cho đất nước. Tôi nghĩ chúng ta còn nợ dân nhiều lắm. Thí dụ, giờ tôi vẫn băn khoăn: Những gia đình thương binh – liệt sĩ, gia đình có công với nước, gia đình chính sách… còn nhiều khó khăn lắm. Họ hy sinh xương máu, nhưng con họ giờ đây bị nhiễm chất độc da cam, ốm đau, thất học, nghèo khó… Đây là món nợ xương máu mà chúng ta không bao giờ được quên.
Điều chưa làm được thứ hai là công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng. Trước khi ra Hà Nội làm Chủ tịch Nước tôi có gặp 3 ông thầy cũ. Một ông thầy dạy cấp 1, một ông dạy cấp 2 và một ông dạy cấp 3. Ông thầy dạy cấp 1 nói: “Hồi nhỏ, em học toán rất khá. Bây giờ, em ra làm Chủ tịch Nước, thầy hy vọng em sẽ giải được một bài toán”. Tôi hỏi: “Thưa thầy, bài toán gì ạ?”. Thầy trả lời: “Đó là bài toán về “chống tiêu cực, chống tham nhũng”. Sau này hết nhiệm kỳ Chủ tịch Nước, trở về đến gặp lại thầy, tôi thưa với thầy rằng: “Lời căn dặn, bài toán thầy giao năm xưa, em vẫn chưa làm được”.
Dù công tác phòng, chống tham nhũng trong vài năm trở lại đây chúng ta làm tương đối tốt, nhưng vẫn phải tiếp tục làm mạnh nữa. Làm mạnh ở Trung ương chưa đủ, còn phải làm mạnh ở các địa phương. Tỉnh, huyện, xã là những nơi tiếp xúc trực tiếp với dân vẫn còn tiêu cực, tham nhũng nhiều lắm. Nhưng cũng phải nhắc: Chống tiêu cực, chống tham nhũng phải đúng người, đúng tội, tránh oan sai.
Xin cảm ơn nguyên Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết đã dành cho báo Nông Thôn Ngày Nay/Dân Việt buổi trò chuyện cởi mở này.