Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2020

Cựu Đại sứ Phạm Quang Vinh: Vì lợi ích quốc gia, Việt Nam cần thúc đẩy quan hệ toàn diện với Mỹ


Ông Phạm Quang Vình,nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ - Ảnh: Cafef
“Đà quan hệ Việt – Mỹ trong 25 năm qua dựa trên sự hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau và chia sẻ lợi ích. Những điều đó không chỉ diễn ra trong những vấn đề song trùng mà còn ở những vấn đề khác biệt. Điều này chắc chắn sẽ tạo điều kiện cho quan hệ Việt – Mỹ phát triển hơn trong tương lai”, ông Phạm Quang Vình, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ nói.
Nhân dịp kỷ niệm 25 năm quan hệ Việt Nam – Mỹ, ông Phạm Quang Vình, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ trong nhiệm kì 2014 – 2018 đã chia sẻ với phóng viên Một Thế Giới nhiều cảm nhận lạc quan về mối quan hệ giữa 2 nước hiện tại và tương lai.
Hai nước Việt Nam và Mỹ đã nỗ lực cởi bỏ nghi kỵ để bình thường hóa quan hệ và sau đó thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực trong 25 năm qua. Ông thấy mối quan hệ này phát triển thế nào trong hơn 2 thập niên qua?
Ông Phạm Quang Vinh: Nhìn lại, Việt Nam và Mỹ đã có 20 năm chiến tranh rất đau thương – một cuộc chiến được coi là tàn khốc nhất giai đoạn chiến tranh hiện đại. Ngay sau chiến tranh, 2 nước lại rơi vào thù địch và cấm vận suốt 20 năm.
Do đó, trong lòng mỗi nước đều có nỗi đau chiến tranh. Tuy nhiên, vào năm 1995, 2 nước đã bình thường hóa quan hệ, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai. Đây được xem là một sự thần kỳ.
Trong mối quan hệ này, câu chuyện về quan hệ kinh tế thương mại được đẩy lên rất lớn, là điểm sáng trong quan hệ Việt – Mỹ. Nếu nhìn lại vào 1994, khi bỏ cấm vận, thương mại lúc đó còn rất ít, nhưng hiện nay đã là 77 tỉ USD, gấp hàng trăm lần.
Quan hệ giữa 2 nước cũng được mở trên rất nhiều lĩnh vực, không chỉ riêng kinh tế mà còn ở giáo dục, chính trị, ngoại giao, khoa học, giao lưu nhân dân, an ninh quốc phòng…
Hiểu biết và tăng cường xây dựng lòng tin cũng là một điềm cốt lõi trong quan hệ Việt – Mỹ. Trong chiến tranh, có rất nhiều những nghi kị, thù địch nhưng thông qua hợp tác, hiểu biết, 2 nước không chỉ vượt qua hệ lụy chiến tranh mà còn hợp tác với nhau chứng tỏ niềm tin giữa 2 nước đã được tăng cường rất lớn.
Khuôn khổ quan hệ hợp tác Việt – Mỹ từ khi bình thường hóa đến nay đã được định hình thành khuôn khổ quan hệ hợp tác lâu dài. Từ 2013 là đối tác toàn diện. Đây không chỉ là tên gọi, mà thực chất quan hệ 2 nước đã đi vào khuôn khổ mới.
Vậy khuôn khổ này có gì khác biệt so với trước, thưa ông?
Ông Phạm Quang Vinh: 2 bên thường xuyên có những trao đổi, tiếp xúc cấp cao. Lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam là vào năm 2000, đó là ông Bill Clinton. Sau đó liên tiếp các đời tổng thống Mỹ đều thăm Việt Nam, gần đây nhất là ông Donald Trump, trước đó là Barack Obama.
Phía Việt Nam cũng có nhiều đoàn cấp cao sang thăm Mỹ. Đầu tiên là Thủ tướng Phan Văn Khải, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Đặc biệt là năm 2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm nước Mỹ và gần đây là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Khuôn khổ đối tác toàn diện cũng mở rộng quan hệ Việt – Mỹ không chỉ ở chính trị, ngoại giao, kinh tế mà bao gồm tất cả các lĩnh vực khác, bao gồm khoa học – kĩ thuật, an ninh – quốc phòng, cả song phương và khu vực.
Trong 25 năm qua, quan hệ Việt – Mỹ nếu nhìn nhận lại, cốt lõi là hiểu biết và xây dựng lòng tin. Nếu không có điều này làm cốt lõi thì không thể vượt qua được thù địch và quá khứ chiến tranh, không vượt qua được sự khác biệt của thể chế chính trị.
Tiếp theo là đan xen lợi ích. Về lợi ích kinh tế, khi hợp tác ngày càng mở rộng và thương mại 2 chiều từ nửa tỉ USD tăng lên hơn 150 lần thì cả Việt Nam lẫn Mỹ đều có lợi. Hay hợp tác quốc tế, khu vực thì Mỹ cũng rất cần Châu Á – Thái Bình Dương và Việt Nam cũng là một nước có vai trò trong ASEAN.
Không chỉ vậy, 2 nước đã thiết lập được những nguyên tắc chỉ đạo trong quan hệ, trong đó tôn trọng thể chế chính trị của nhau, nhất là từ chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2015. Khi 2 nước khác biệt về thể chế chính trị - xã hội mà tôn trọng thể chế của nhau là cơ sở quan trọng để phát triển quan hệ hơn nữa.
Bức ảnh nổi tiếng trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Bill Clinton năm 2000
Một sự kiện khá quan trọng trong quan hệ Việt – Mỹ là chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ vào tháng 7.2015; hội đàm tại Nhà Trắng cùng cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Việc này cũng diễn ra trong nhiệm kỳ đại sứ của ông. Xin ông chia sẻ thêm về sự kiện đáng nhớ này được không?
Ông Phạm Quang Vinh: Tháng 7.2015, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ trùng với thời điểm kỷ niệm 20 năm quan hệ Việt – Mỹ. Quan hệ hợp tác, đối tác của 2 nước khi đó đã vượt lên một tầm mới khi độ tin cậy cao hơn, hiểu biết nhiều hơn và sự chia sẻ lợi ích lớn hơn.
Nước Mỹ cũng vượt qua những thông lệ lễ tân thông thường để tiếp Tổng bí thư của Việt Nam. Điều này thể hiện sự công nhận, tôn trọng cao nhất về thể chế chính trị của nhau.
2 nhà lãnh đạo cũng đã trao đổi sâu, rộng về quan hệ 2 nước. Đặc biệt là thông qua Tuyên bố về tầm nhìn quan hệ Việt Nam – Mỹ. Tuyên bố này khẳng định quan hệ đối tác toàn diện Việt – Mỹ thêm sâu sắc, mở rộng thêm, tạo ra một khuôn khổ cho sự ổn định, bền vững trong tương lai của 2 nước; nhấn mạnh nguyên tắc trong quan hệ là tôn trọng thể chế 2 nước.
Trong lúc hội đàm, cả 2 nhà lãnh đạo đều nói rằng nếu nhìn lại 20 năm trước đây, không ai có thể hình dung một người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam lại ngồi đàm đạo với Tổng thống Mỹ về tương lai quan hệ 2 nước tại Nhà trắng.
Điều này thể hiện 2 nước đã có hiểu biết, lòng tin với nhau. Cuộc hội đàm và gặp gỡ báo chí của hai vị lãnh đạo kéo dài gần 95 phút (dự kiến ban đầu là 45 phút). Đó là một ngoại lệ tốt và niềm tin lẫn nhau là một điều rất quan trọng, vì lòng tin không phải ngày một ngày hai mà có, phải xây dựng lâu dài.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Mỹ Obama - Ảnh: VGP
Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đắc cử, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ cũng đã chủ động liên hệ và thu xếp cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump vào ngày 14.12.2016 – cuộc điện đàm rất sớm, tạo cơ sở cho chuyến thăm của Tổng thống Mỹ đến Việt Nam vào tháng 5.2017. Xin ông chia sẻ thêm về điều này.
Ông Phạm Quang Vinh: Tổng thống Mỹ Donald Trump đắc cử dường như là sự bất ngờ đối với các dự đoán của nước Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác. Tổng thống Trump khi tranh cử cũng nêu nhiều khẩu hiệu như “nước Mỹ trên hết”, “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”… làm cho nhiều nước cũng tỏ sự ngần ngại, cần thêm thời gian để theo dõi. Trong khi Việt Nam ta lại chủ động tiếp cận.
Vì sao ta chủ động tiếp cận? Vì ta tin vào đà quan hệ giữa 2 nước đang tốt đẹp. Thứ hai là trong quá khứ 20 năm trước, quan hệ Việt – Mỹ đều nhận được sự quan tâm của cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa, qua nhiều đời tổng thống khác nhau.
Trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, dù ai là tổng thống Mỹ thì nước này vẫn là một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam ở nhiều lĩnh vực, nên chúng ta chủ động chứ không chờ đợi. Ta cũng đã kết nối được với Tổng thống Mỹ Donald Trump - là nhóm rất ít nước điện đàm sớm với tổng thống Mỹ thời điểm đó (Việt Nam là nước đầu tiên của Đông Nam Á điện đảm với tổng thống Mỹ).
Tại cuộc điện đàm, 2 nhà lãnh đạo cũng rất cởi mở. Việc này tạo cơ sở rất tốt cho chúng ta thúc đầy chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sang Mỹ. Chuyến thăm này không chỉ trao đổi những vấn đề đối tác toàn diện mà còn trao đổi về những ưu tiên mới của chính quyền Donald Trump và ưu tiên của Việt Nam. 2 bên bày tỏ quan tâm đến nhau và sẵn sàng giải quyết các vấn đề liên quan, thậm chí như cả vấn đề thâm hụt thương mại.
Năm 2017, lần đầu tiên trong 25 năm, một tổng thống Mỹ đi thăm cùng lúc 5 nước Châu Á. Vậy mà Việt Nam có được chuyến thăm của tổng thống Mỹ không chỉ ở Đà Nẵng mà còn ở Hà Nội. Nếu quan hệ 2 nước không tốt thì khó mà có được chuyến thăm này.
Ông hình dung như thế nào về tương lai của mối quan hệ này? Ông nhìn nhận khả năng nâng cấp quan hệ hai nước thành đối tác chiến lược trong thời gian tới ra sao?
Ông Phạm Quang Vinh: Đà quan hệ 2 nước trong 25 năm qua dựa trên sự hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau và chia sẻ lợi ích. Những điều đó không chỉ diễn ra trong những vấn đề song trùng mà còn ở những vấn đề khác biệt.
Đây là thành tựu rất lớn trong quan hệ 2 nước. Điều này chắc chắn sẽ tạo điều kiện cho quan hệ Việt – Mỹ phát triển hơn trong tương lai. Tôi nghĩ quan hệ này vừa có tính toàn diện, vừa có tầm chiến lược.
Về cá nhân tôi, tôi làm ngoại giao đã 38 năm, nếu tính cả 5 năm đại học nữa là 43 năm trong ngành, đúng vào thời kỳ thế giới có rất nhiều biến đổi. Tôi rất mong muốn được đóng góp thêm vào quan hệ giữa 2 nước. Vì lợi ích quốc gia, Việt Nam, cần phải thúc đẩy quan hệ với Mỹ cả về chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng…
Xin cảm ơn ông!
Trí Lâm thực hiện