Thứ Hai, 3 tháng 8, 2020

Ghi chép tản mạn đầu năm: Trông người mà ngẫm đến ta

KTS Nguyễn Hữu Thái


Hình ảnh của Ghi chép tản mạn đầu năm: Trông người mà ngẫm đến ta
Những ngày cuối năm vừa qua, tôi có tham dự mấy buổi giao lưu về khả năng của người Việt Nam hội nhập cùng thế giới. Nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ Việt - Nhật tôi có viết bài về ảnh hưởng của kiến trúc Nhật Bản ở Việt Nam và có cuộc trò chuyện về “đấu trường” mà các bạn trẻ Việt Nam phải tham gia trước viễn tượng hội nhập kinh tế tích cực vào khối ASEAN năm 2015. Tiếp đó là tham dự Ngày hội sáng tạo vì khát vọng Việt của Cà phê Trung Nguyên dành cho giới trẻ. Xin ghi lại một số suy nghĩ về sức bật và vươn lên của đất nước và con người Việt Nam, so sánh với gương Nhật Bản vào thời đại toàn cầu hóa tích cực ngày nay.

Con người Israel: chiến binh, doanh nhân và sáng tạo

 

 Nông nghiệp công nghệ cao Israel

Anh Nguyên Vũ (Cà phê Trung Nguyên) là người từng nghiên cứu rất kỹ sự phát triển của Israel và tham quan học tập nhiều lần ở đất nước này, lo lắng đặt ra một lô câu hỏi trong lần giới thiệu cuốn sách Quốc gia khởi nghiệp: Câu chuyện về nền kinh tế thần kỳ của Israel(*) vào Ngày hội sáng tạo vì khát vọng Việt ở TP.Hồ Chí Minh.

Anh nói: Có một số câu hỏi mà chúng ta cần phải xác định như là “nỗi-trăn-trở-đời-người”. Ấy là: Tại sao có người thành công - kẻ thất bại? Tại sao có nước giàu - nước nghèo? Tại sao Việt Nam lại mãi nghèo? Làm thế nào để trở thành quốc gia vĩ đại, hùng cường, có tầm ảnh hưởng? Người khác làm được sao ta không làm được? Nước khác làm được sao nước ta không làm được?
Israel có tài nguyên thiên nhiên bằng không, hai phần ba diện tích là hoang mạc, còn lại là đồi núi, sỏi đá cằn cỗi, thiếu nước trầm trọng. Nghịch cảnh như vậy, điều kiện thiếu đất - thiếu nước - thiếu người như vậy mà họ luôn tự chủ.

Phân tích con người Israel, nhìn thấy họ tập trung đào tạo lớp trẻ vào 3 đặc trưng này: Chiến binh, Doanh nhân và Sáng tạo, đồng hành với hoài bão về Dân tộc vĩ đại và Tư duy toàn biên - toàn diện - toàn cầu. Trong đó, tinh thần Sáng tạo là “năng lượng sống” của họ.

Con đường Nhật Bản: bám lấy truyền thống tiến lên hiện đại

 

 Nhật Bản kết hợp truyền thống

và hiện đại

Chỉ chưa đầy 20 năm sau khi hứng chịu quả bom nguyên tử ở Hiroshima, Nhật Bản đã trở thành siêu cường kinh tế thế giới. Sinh sống và nghiên cứu về mô hình phát triển ở nhiều nước, nhất là Nhật Bản, anh Nguyễn Trí Dũng – kiều bào ở Nhật, người học tập, sinh sống và làm việc tại Nhật Bản hơn 40 năm qua – cho rằng Việt Nam phải tập trung vào sự nghiệp giáo dục và phải bắt tay lại từ cơ bản như người Nhật đã làm: nhà trẻ, mẫu giáo, tiểu học, trung học. Phương châm hành động của Nhật Bản là “bám lấy truyền thống tiến lên hiện đại”.

Mục đích của giáo dục là đào tạo những con người hữu ích cho xã hội. Phải có kiến thức, kỹ năng sáng tạo phù hợp với kỷ nguyên phát triển hội nhập; nhưng đồng thời cũng phải có ý thức dân tộc phục vụ cống hiến cho xã hội và phải có sức khỏe để lao động. Cả 3 yêu cầu đào tạo này là một quá trình công phu, lâu dài từ một đứa trẻ mới sinh cho đến tuổi trưởng thành.

Để chia sẻ những hiểu biết của bản thân về kinh nghiệm giáo dục Nhật Bản, cách đây mấy năm anh Dũng đã mời một người bạn là nhà khoa học có uy tín trong lĩnh vực giáo dục Nhật Bản – ông Kajita Eiichi, Phó chủ nhiệm Ủy ban cải cách giáo dục Nhật Bản, Viện trưởng Đại học Sư phạm Hyogo – tham dự giao lưu khoa học “Tham khảo kinh nghiệm giáo dục Nhật Bản”. Theo đó, 4 mục đích giáo dục cơ bản Nhật Bản là:

- Thứ nhất, xây dựng cái “Tâm”, nghĩa là hình thành mẫu người có tâm phục vụ tốt xã hội, biết tôn trọng người khác, biết giữ gìn các quy định chung của xã hội.
- Thứ hai, nâng cao năng lực sử dụng quốc ngữ thật chuẩn để qua đó hiểu những tư duy lý luận của khoa học nhân văn và tự nhiên, biết cách diễn đạt suy nghĩ của mình và tiếp thu suy nghĩ của người khác để trở thành người làm chủ xã hội.
- Thứ ba, nâng cao trình độ khoa học tự nhiên, đào tạo những con người công nghiệp khoa học kỹ thuật xây dựng đất nước Nhật Bản trong điều kiện nghèo nàn về tài nguyên thiên nhiên.
- Cuối cùng là giáo dục truyền thống văn hóa Nhật Bản cho thế hệ trẻ. Phương châm của Nhật Bản là “Khoa học phương Tây, Tâm hồn Nhật Bản”.

Tất cả là do giáo dục

 

 Ba học sinh Việt Nam (hàng trên) đoạt huy chương vàng kỳ thi Olympic quốc tế năm 2013

Theo anh Nguyễn Trí Dũng, hiện nay nền giáo dục Việt Nam đang mang căn bệnh nan giải có nguy cơ đe dọa cả tương lai của dân tộc. Đó là căn bệnh chạy theo thành tích ảo, chạy theo bằng cấp, chỉ lo đào tạo cái thầy biết hoặc trường muốn dạy chứ không đào tạo cái xã hội cần. Lâu nay giáo dục Việt Nam chỉ lo đào tạo số lượng sinh viên đầu ra mà quên đi vấn đề quan trọng là thế hệ thanh niên thật sự đóng góp như thế nào vào sự nghiệp phát triển đất nước. Hàng loạt kỹ sư, cử nhân Việt Nam ra trường nhưng thử hỏi có bao nhiêu người đạt được trình độ kỹ thuật của kỹ sư? Bao nhiêu người dùng được? Bao nhiêu người làm việc theo đúng ngành nghề mình đã học? Đó là một sự lãng phí lớn. Anh Dũng nói rằng nay học sinh, sinh viên chỉ lo đạt bằng TOEFL này, TOEIC nọ trong khi chính tiếng Việt lại sử dụng không chuẩn. Cha ông ta ngày xưa, số lượng ông Cử đếm trên đầu ngón tay nhưng đào tạo người nào ra người ấy. Họ không chỉ thông thạo ngoại ngữ mà còn giỏi thơ văn, rành văn hóa nước nhà.

Vì sao lại có nghịch lý như thế?
Việt Nam muốn phát triển khoa học kỹ thuật thì phải đào tạo khoa học kỹ thuật trên bình diện rộng. Thế giới cũng rất quan tâm đến những thợ giỏi, chuyên viên kỹ thuật cao. Tôi cho rằng phải xây dựng đồng bộ từ dưới lên. Đất nước đang trong giai đoạn công nghiệp hóa - hiện đại hóa mà sinh viên không chịu học kỹ thuật, chỉ tập trung không cân bằng vào các ngành dễ được xã hội “chấp nhận” thì làm sao phát triển công nghiệp, làm sao hiện đại hóa đất nước?

Nền giáo dục chúng ta có thể xem như đang mắc bệnh mà không chữa trị, đua nhau nhồi nhét học thuộc lòng theo sách vở để có điểm cao mà sách chưa chuẩn, năm nào thi cử cũng gian lận, đề thi sai, trẻ con thì bị bỏ mặc lang thang trên đường phố, ma túy trong học đường, ý thức công dân rất kém. Càng nói càng thấy nguy cơ, nhưng không thấy xã hội quản ngại vì bao nhiêu năm rồi chưa thấy biện pháp giải quyết, chỉ nghe được những hứa hẹn cải cách.

Người khác làm được sao ta không làm được?
Giáo dục Việt Nam muốn phát triển phải giải phẫu đúng bệnh. Bệnh chẩn đoán đúng nhưng không chịu giải phẫu làm sao chữa trị? Thực tế, các cơ quan chức năng đều nhận thấy hết căn bệnh giáo dục nước nhà. Trong các cuộc hội thảo, hầu như mỗi vấn đề đều đã được phân tích, chỉ ra cái đúng cái sai nhưng điều lạ lùng là nó không được đúc kết để đưa vào thực hiện thực tế. Tình trạng “nói” nhưng không “làm” là căn bệnh nan giải nhất của hầu hết nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội chứ không phải của riêng ngành giáo dục Việt Nam.

Anh Dũng nhận thấy ở Nhật Bản, học sinh tiểu học được giáo dục rất tốt về ý thức cộng đồng và chương trình giáo dục cũng rất phong phú. Hình ảnh các em phải làm vệ sinh và tham gia các sinh hoạt cộng đồng ở trường học, nơi công cộng hoặc phải đi làm thêm ngoài giờ đối với học sinh cấp 3 rất phổ biến. Đó là cách giáo dục ý thức công nghiệp cho học sinh trước khi các em tham gia vào xã hội.

Cách đây một thế kỷ, nước Nhật cũng như nước ta, thua xa các nước trên thế giới nhưng nay khoảng cách đã được rút ngắn thậm chí còn vượt trội một số mặt so với các nước châu Âu, Mỹ. Theo anh Dũng, họ thành công do có một chiến lược con người đúng đắn, do nền giáo dục của họ hiệu quả và thiết thực. Họ giáo dục yêu nước là yêu tập thể, yêu công ty, yêu nhà máy mà mình gắn bó. Người hữu dụng nằm ngay trong chính môi trường của mình làm việc.

Anh Nguyên Vũ nói rằng, điều đáng làm ta suy nghĩ là Việt Nam nước ta rộng hơn khoảng 12 lần, dân số đông hơn xấp xỉ 11 lần và tài nguyên nhiều gấp bội Israel nhưng ta lại kém 23 lần về GDP đầu người. Đây phải chăng là nỗi đau lớn của chúng ta!
Anh nói: Ta tuyệt không thiếu bất kỳ một điều kiện nào để trở thành cường quốc. Nhưng phải chăng cái chúng ta thiếu chính là sức mạnh tinh thần, nhất là tinh thần quật cường và đoàn kết trong thời bình?

Trông người mà ngẫm đến ta. Nêu lên mấy suy nghĩ tản mạn đầu năm gửi đến các bạn, những người còn lo lắng cho số phận đất nước bước vào thời kỳ hội nhập mới.

______
(*) Tác giả: Dan Senon và Saul Singer. Alpha Books và NXB Thế Giới ấn hành, tháng 5-2013.