Bài này đã nhận được sự hiệu đính và bổ túc của ông SĐ , một cựu học sinh trường Petrus Ký , niên khóa 1959-1966.
Trường Petrus Ký là một trường trung học phổ thông đệ nhị cấp công lập dành riêng cho nam sinh, lâu đời và danh tiếng hạng nhứt ở Sàigòn và cả miền Nam Việt Nam.
Sơ lược lịch sử của trường trung học Petrus Ký trình bày dưới đây được soạn thảo phần lớn là dựa vào tài liệu [1] “Lược Sử trường Petrus Trương Vĩnh Ký” đăng trên trang mạng của Hội Ái Hữu Petrus Trương Vĩnh Ký Úc và các hình ảnh trích từ trang mạng của Hội Ái Hữu Petrus Trương Vĩnh Ký Âu Châu (tài liệu [2]).
1-Những mốc lịch sử
1-1.Buổi đầu thành lập
Sau sự ra đời của trường Collège Chasseloup-Laubat vào năm 1874 và trường École Primaire de Jeunes Filles Indigèges vào năm 1915 (người bản xứ gọi là Nữ Học Đường hay Trường Áo Tím, sau này là trường Gia Long), chính quyền thuộc địa Nam Kỳ mở thêm trường bậc trung học thứ ba tại Sàigòn.
Năm 1925, kiến trúc sư Hebrard de Villeneuve được giao nhiệm vụ vẽ họa đồ xây cất cho ngôi trường mới tại Chợ Quán.
Ngày 28 tháng 11 năm 1927, Toàn quyền Đông Dương (1925-1928) Alexandre Varenne ra nghị định thiết lập tại Chợ Quán một phân hiệu tạm thời của Collège Chasseloup- Laubat dành cho học sinh người bản xứ lấy tên là Collège de Cochinchine . Phân hiệu này được đặt dưới sự điều hành của Ban giám đốc trường Chasseloup-Laubat và một giáo sư phụ trách tổng giám thị của phân hiệu. Quartier indigène dành cho học trò người bản xứ dưới cái tên là Collège de Cochinchine trở thành tự quản trong trường Chasseloup-Laubat.Hiệu trưởng đầu tiên của trường Collège de Cochinchine là ông Sainte Luce Banchelin.
(Phụ chú: Theo một tài liệu [3] : Đường lối chính trị của ông Alexandre Varenne thiên về người bản xứ chẳng hạn như xây trường học, chích ngừa,tạo công ăn việc làm,kiểm tra lao động… Các việc này làm phiền lòng các nhóm thực dân Pháp sinh sống ở thuộc địa Nam Kỳ . Họ đã thành công đẫy ông Varenne ra khỏi chức vụ Toàn quyền Đông Dương).
Ngày 24 tháng 12 năm 1927, lễ đặt bức tượng toàn thân đúc bằng đồng của ông Trương Vĩnh Ký với hai loại trang phục đã gắn liền suốt cuộc đời của ông : đầu đội khăn đóng, mặc áo dài thâm, đứng trên bệ đá cao được trang trọng cử hành tại vườn hoa trước Dinh Norodom – đường Norodom (sau này là Dinh Ðộc Lập – đại lộ Thống Nhất) (Xem hình dưới đây). Tượng do hai nhà ái quốc Trần Chánh Chiếu và Đặng Thúc Liêng quyên góp khắp Nam Kỳ lục tỉnh để xây dựng. Tượng cao khoảng 1,70 thước, tương đương với chiều cao thực của ông, được thực hiện bởi nhà điêu khắc Durenne (?) và hoàn tất ngày 18 tháng 12 năm 1927 nghĩa là sau khi ông Trương Vĩnh Ký đã qua đời.(Xem tiểu sử Trương Vĩnh Ký trong Phụ đề) .
Năm 1928, khi các tòa nhà của trường phân hiệu tạm thời ,Collège de Cochinchine, vừa mới xây xong, ngày 11 tháng 8 năm 1928, Toàn Quyền Đông Dương tạm quyền René Robin ký nghị định số 3116 gồm 6 điều thành lập tại Chợ Quán, kể từ kỳ tựu trường 1928-1929, một trường Cao đẳng Tiểu học Pháp bản xứ, chuyển giao trên 200 học sinh Việt của phân hiệu tạm thời (Collège de Cochinchine) của trường Chasseloup-Laubat vào ngôi trường mới này. Trong số học sinh chuyển giao này có những học sinh thuộc hệ trung học đệ nhị cấp bản xứ của Lycée Chasseloup-Laubat. Đây là những học trò đầu tiên của niên khoá đầu tiên 1928-1929. Việc này đưa tới một nhu cầu cấp bách thành lập trong tương lai gần một trường đệ nhị cấp, đó là trường mang tên Lycée Petrus Trương Vĩnh Ký, tức trường Petrus Ký.
Tháng 12 năm 1929, nhân dịp khánh thành tượng đồng của nhà bác học Petrus Trương Vĩnh Ký tại sảnh đường của trường Cao đẳng Tiểu học Pháp Nam Kỳ (Collège de Cochinchine), Thống đốc Nam Kỳ Blanchard de la Brosse chính thức đặt tên trường là Lycée Petrus Trương Vĩnh Ký. Do đó, trường còn có tên gọi là Petrus Ký, và tên này được sử dụng trong gần 50 năm. Trường Petrus Ký và trường Lycée Chasseloup-Laubat được giảng dạy bởi cùng ban giảng huấn. (Xem thêm chi tiết trong bài Collège Chasseloup-Laubat- Lycée Jean-Jacques Rousseau- Trung Tâm Giáo Dục Lê Quý Đôn của cùng tác giả).
Học sinh của trường tăng dần theo các năm sau đó, năm 1930 có 680 học sinh, trong đó 48 người thi tú tài. Do tuyển chọn và thi cử gắt gao nên học sinh của trường phần lớn khá giỏi, học hành chăm chỉ và là niềm hãnh diện lớn cho bản thân và cả gia đình.
Ngày 6 tháng 12 năm 1937, nhân lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 (hay 101?) của nhà văn hóa, nhà bác học Petrus Trương Vĩnh Ký (1936), trường đã đặt tượng bán thân bằng đồng của ông Petrus Trương Vĩnh Ký tại giữa sân trường. Đây là tác phẩm của nhà điêu khắc Sylve Raffegeard (Pháp) thực hiện từ năm 1889, khi nhà bác học Trương Vĩnh Ký còn tại thế. Tên nhà điêu khắc và năm thực hiện vẫn còn ghi rõ ở vai trái của tượng.
Năm 1940, câu lạc bộ học sinh trường Petrus Ký được thành lập. Câu lạc bộ đã tổ chức các hoạt động như văn nghệ, thể thao, cắm trại, với những sinh hoạt rất phong phú, tập hợp được đông đảo học sinh của trường và nhiều trường khác.
Chỉ sau một năm, phong trào bị chính quyền thực dân cấm hoạt động do tuyên truyền các hoạt động yêu nước. Đến năm 1942, học sinh Petrus Ký theo phong trào của học sinh sinh viên Hà Nội tập hợp nhau lấy tên là đoàn S.E.T (Section Exécution Tourisme). Đoàn S.E.T tổ chức theo kiểu hướng đạo, giáo dục lý tưởng sống lành mạnh, yêu nước, yêu dân tộc đang bị ngoại xâm thống trị và từ ý thức này gợi đến ý thức chống Đế quốc.
Năm 1942, do chiến tranh nên học sinh trường Petrus Ký di chuyển về trường Sư Phạm Sàigòn. Ba năm sau đó, 1945, trường Sư Phạm bị trưng dụng làm doanh trại cho quân đội Nhật nên học sinh Petrus Ký lại trôi dạt về trường Tiểu học Tân Định rồi sau đó ngưng hoạt động.
Ngày 1 tháng 4 năm 1946, sau khi Pháp tái chiếm Nam Phần, trường mở cửa dạy lại nhưng phải dạy nhờ ở chủng viện Công giáo Saint Joseph ở đường Lucien Mossard ( sau là Nguyễn Du). (Chủng viện này tọa lạc ở đường Cường Để thì đúng hơn-Xem thêm chi tiết trong bài Chủng viện Sàigòn của cùng tác giả).
Một năm sau đó trường được về chỗ cũ ở Chợ Quán và hoạt động trở lại.
Từ ngày thành lập đến trước năm 1947, hiệu trưởng Petrus Ký đều là người Pháp. Sau khi học sinh trở về trường cũ cũng là lúc ông Lê Văn Khiêm (giáo sư cử nhân Toán chính ngạch hạng nhì) làm hiệu trưởng. Từ đó, hiệu trưởng của Petrus Ký đều là người Việt.
Từ năm 1948, học sinh trường Petrus Ký mở đầu phong trào đấu tranh đòi “Dạy và Học bằng Tiếng Việt”, bãi bỏ chế độ thi hà khắc, chống khủng bố kiềm kẹp học sinh. Ngày tựu trường 10 tháng 9 năm 1949, học sinh các trường kết hợp với trí thức và cha mẹ học sinh đưa yêu sách yêu cầu Nha học chính giải quyết ngay và tiến hành bãi khóa kéo dài một tháng. Chính quyền thực dân Pháp đàn áp và bắt bớ. Giám đốc Nha học chính Nam phần ra lệnh đóng cửa hai trường Petrus Ký và Gia Long, sau đó ra lệnh cho học sinh làm đơn xin đi học lại. Học sinh vẫn tiếp tục đấu tranh với 3 yêu sách:
- Lập tức thả ngay những học sinh bị bắt;
- Bảo đảm an ninh cho học sinh, không được khủng bố, bắt bớ vô cớ;
- Mở các trường vô điều kiện, không phải làm đơn xin học lại.
Ngày 9 tháng 1 năm 1950, hơn 2.000 học sinh trường Petrus Ký, Áo tím Gia Long, Kỹ thuật… kéo đến trụ sở Nha học chính biểu tình, đưa yêu sách đòi thả các học sinh bị bắt. Sau đó, đoàn biểu tình kéo đến dinh Thủ Hiến Nam Phần. Chính quyền thực dân ra lệnh giải tán, đàn áp đoàn biểu tình dữ dội. Lúc này đoàn biểu tình đã lên đến 50.000 người đã chống trả mãnh liệt. Cảnh sát nổ súng bắn vào đoàn biểu tình.. Học sinh Trần Văn Ơn, của trường Petrus Ký, bị tử thương. Ban đấu tranh của học sinh tổ chức bảo vệ xác Trần Văn Ơn ở bệnh viện Chợ Rẫy và sau đó tổ chức lễ tang trọng thể tại trường.
Ngày 12 tháng 1 năm 1950, toàn thành phố đình công bãi thị, tham dự đám tang Trần Văn Ơn. Học sinh các trường trung học Mỹ Tho, Cần Thơ, Huế, Hà Nội kéo về Sàigòn tham dự. Hầu như toàn bộ học sinh các trường đều có mặt tại trường Petrus Ký mang theo khẩu hiệu ghi tên, trường và khẩu hiệu phản đối chính quyền. Hơn 1 triệu người xuống đường đưa đám tang. Đây là đám tang lớn nhất Sàigòn, kể từ sau đám tang của cụ Phan Chu Trinh năm 1925.
Ông Phạm Văn Còn, một viên chức cao cấp của Xã Tây, được ân thưởng Légion d’honneur cấp officier, được cử làm Hiệu Trưởng của trường thay thế Thầy Lê Văn Kiêm. Ngoài công ơn đem trật tự cho trường, Ông Phạm Văn Còn chỉnh trang trường sở như xây dựng cổng trường, dựng hàng rào gạch thay thế hàng rào bông bụp ở trước trường, xây nhà để xe đạp cho học sinh.
Vào năm 1950, thầy Ưng Thiều, giáo sư môn Hán văn của trường viết hai câu đối , được ông hiệu trưởng Phạm Văn Còn cho khắc trước cổng trường để nêu rõ quan điểm giáo dục cho học sinh của trường về đạo đức và trí dục như sau:
“Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt (trụ bên trái);
Tây Âu khoa học yếu minh tâm (trụ bên phải)”
Tây Âu khoa học yếu minh tâm (trụ bên phải)”
(tạm dịch nghĩa: (Tam) cương (ngũ) thường Khổng Mạnh nên khắc cốt – Khoa học Tây Âu ghi tạc trong lòng).
Cũng vào năm 1951 Thầy Ưng Thiều, giáo sư Hán văn, trong buổi học về thơ Đường, thầy có làm bài thơ tứ tuyệt sau đây:
Trường tôi ở tại lối Nancy,
Trung học đường kia có bảng ghi,
Mượn hiệu người xưa Trương Vĩnh Ký,
Lẫy lừng danh tiếng đã bao thì.
Trung học đường kia có bảng ghi,
Mượn hiệu người xưa Trương Vĩnh Ký,
Lẫy lừng danh tiếng đã bao thì.
1-2.Thời Việt Nam Cộng Hòa
Sau hiệp định Genève từ tháng 5 năm 1954, trường Petrus Ký bị trưng dụng cho người Bắc di cư vào Nam đến tạm trú.
Đến tháng 10 năm 1954, trường mới được trả lại để khai giảng năm học mới và bắt đầu học chương trình Việt từ lớp đệ thất, các lớp học theo chương trình Pháp trước đây vẫn tiếp tục học theo lối cuốn chiếu và kỳ thi Tú Tài I và Tú Tài toàn phần Pháp vẫn tiếp tục đến năm 1960.
Vào năm này, bên cạnh trường Petrus Ký ở trong sân vận động Lam Sơn, một dãy nhà tre lá được cất tạm cho học sinh trường Chu Văn An ở Hà Nội chuyển vào học.
Ngày 30 tháng 3 năm 1955, xung đột giữa quân chính phủ Việt Nam Cộng Hòa và lực lượng Bình Xuyên nổ ra. Công an xung phong của Bình Xuyên vào đóng tại trường Petrus Ký. Đến ngày 30 tháng 4 năm 1955, quân chính phủ đánh bật được quân Bình Xuyên ra khỏi trường Pétrus Ký và các địa điểm khác.
Thập niên 1950, một số cơ sở và đất đai của Trường Petrus Ký bị cắt xén, trưng dụng để dùng cho những cơ quan giáo dục khác như Trường Quốc Gia Sư phạm, Trường trung tiểu học Trung Thu, Trung tâm Học liệu của Bộ Giáo dục…(Chi tiết về Trường trung tiểu học Trung Thu được viết trong bài Trường Trung Thu của cùng tác giả).
Ba dãy lầu lớn của trường Petrus Ký được dùng cho Đại Học Khoa học và Đại Học Sư Phạm. Nhà tổng giám thị Pétrus Ký được dùng làm Trung tâm Thính thị Anh ngữ, các tòa nhà khác của trường được dùng cho một số viên chức Bộ Giáo Dục chính phủ. Tuy trường sở bị cắt xén nhiều nhưng trường Petrus Ký vẫn còn là một trường trung học lớn nhất dành riêng cho nam sinh ở miền Nam.
Mãi đến mùa hè năm 1960, chương trình học bằng tiếng Pháp chấm dứt, Lycée Petrus Ký trở thành trường trung học Petrus Trương Vĩnh Ký gồm cả đệ nhứt và đệ nhị cấp.
Vào năm 1961, trường được hợp thức hóa để trở thành trường Trung Học Đệ Nhị Cấp theo hệ thống giáo dục Việt Nam Cộng Hòa.
1-3.Sau năm 1975
Trường Trung Học Petrus Ký tạm thời đóng cửa đến tháng 7 năm 1975 thì mở cửa lại. Cuối tháng 9 năm 1975, các học sinh của trường học niên khóa 1974-1975 được dự thi bằng Trung Học Đệ nhất cấp và bằng Tú Tài.
Sau năm 1975, trường Petrus Ký bị mang tên một cán bộ cộng sản thứ gộc Lê Hồng Phong (LHP).(Tên này, theo tài liệu Bách Khoa Toàn Thư, thưở nhỏ học tiếng Hán, sau học 2 năm tiếng Pháp.Tiểu sử nói là nhà nghèo, tại sao lại có tiền đi học tiếng Pháp không phải vài tháng mà tới 2 năm dài và tại sao lại học tiếng Pháp mà không học chữ Quốc Ngữ ? Năm 16 tuổi đi làm công bị đuổi việc vì sách động quần chúng, sau đó bỏ đi làm « cách mạng ». Năm 23 tuổi, qua Tàu học ở Hoàng Phố.Mặc dầu không có một chút kiến thức khoa học nhưng năm 24 tuổi được vào học trường Không quân Quảng Châu, năm 25 tuổi vào trường Không quân Nga Xô và năm 26 tuổi mang lon chức trung tá của Hồng Quân Liên Sô. Có ai đặt câu hỏi không biết lon lá này nhờ lập công trạng gì, ở đâu mà có ? LHP có vợ tên là Nguyễn Thị Minh Khai cũng là một cán bộ cộng sản thứ gộc. Sau năm 1975, chồng được cho cướp lấy tên của nhà bác học Petrus Ký, còn vợ thì cướp tên trường nữ sinh Gia Long, mặc dầu cả hai vợ chồng này trong quá khứ chẳng phải là cựu học sinh cũng không có chút kiến thức hay công trình bồi đắp hoặc sinh hoạt văn hoá nghệ thuật gì cho đất nước Việt Nam ?
2-Khuôn viên trường Pétrus Ký vào buổi đầu thành lập
Trước 1945, trường Petrus Ký chiếm trọn tứ giác giới hạn bởi đường Nancy, Quang Trung,rue de l’Église và rue 11e Régiment d’infanterie coloniale ( sau thời chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, các đường nầy đổi tên thành Cộng Hòa , Thành Thái, Trần Bình Trọng và Nguyễn Hoàng). Miếng đất này rộng tới 8 mẫu tây. Chung quanh toàn là đồng không mông quạnh, dê bò chăn thả đầy đồng. Khu vực trường toạ lạc nằm giữa hai vùng Sàigòn và Chợ Lớn, gò cao đồng trũng, ao đầm hiện ra giữa các con đường còn trải đất đá quanh trường. Ở phía góc ngã tư đường đất mà sau này là Trần Bình Trọng và Trần Hưng Ðạo có ngôi nhà gỗ và lăng mộ của ông Trương Vĩnh Ký tức Petrus Ký lập nên tên của trường.
Trường Petrus Ký là một công trình kiến trúc phối hợp kỹ thuật xây cất Tây Phương với những nét nghệ thuật văn hóa bản địa Á Đông, từ đó tạo ra một lối kiến trúc Đông Dương, đặc biệt cho một thời kỳ lịch sử Việt Nam. Cụ thể, là các vòm, các trụ và trang trí trên vòm, trên trụ… là theo kiến trúc Pháp. Hành lang được bao quanh bằng lan can có các chấn song với những đường cong thon thả mỹ miều (balustre,baluster) theo kiểu Pháp. Thế nhưng kiến trúc phía trên là mái ngói lợp dốc theo kiểu Á Đông để thoát nước mưa.
Với những hàng cây cổ thụ, tháp đồng hồ hay những dãy hành lang lát gạch ca rô ẩn nấp phía dưới những mái vòm cong độc đáo là những điểm đặc biệt của ngôi trường.
Điều rất thú vị, tháp đồng hồ của trường Petrus Ký mang kiểu dáng cách điệu của Khuê Văn Các-Quốc tử giám Hà Nội. Người Pháp xây dựng nhiều trường học ở Sàigòn mang dáng dấp châu Âu nhưng với trường này vẫn thể hiện nét văn hóa Việt Nam trong kiến trúc.
Các vật liệu dùng để xây trường Petrus Ký như sắt, gạch, xi măng…được đưa từ Pháp qua.
Đoạn văn dưới đây được trich từ tài liệu [4] miêu tả trường Collège de Cochinchine ( sau là Petrus Ký) và cảnh vật chung quanh trường vào niên khóa đầu tiên khai trường vào năm 1927 :
“Sau một năm rèn luyện “chí công” ở trường tư, tôi dự thi và được tuyển vào trường mới cất. Tên của Trường rất kêu là: Collège de Cochinchine (Trường Trung Học Nam Kỳ) nhưng chỉ có bốn lớp học mà thôi: hai lớp năm thứ nhất tên X1, X2 và và hai lớp năm thứ nhì tên X3, X4. Học sinh năm thứ nhất được tuyển trong kỳ thi tôi đã dự. Học sinh năm thứ nhì được đem từ phân hiệu Việt Nam của trường Chasseloup-Laubat qua. Tất cả học sinh đều là nội trú.
Tháng 9 năm 1927. Ngày nhập học đã đến. Trong khu trường mới, hai nhà lầu, một nhà bếp, một sân chơi có lót gạch và có mái che mưa che nắng đã được xây cất. Ngoài các kiến trúc nầy là vùng đất rộng mênh mông, chưa có cây cối, chỉ có bụi rậm đầy cỏ sậy. Cổng trường là hai trụ gạch vuông với một cây tre lớn gác ngang gọi là đóng cửa. Chung quanh khu đất rộng của trường được rào kẽm để giữ ranh giới với vùng Chợ Quán và lân cận của Bàn Cờ. Hai dãy nhà lầu lớn và dài song song với các cửa sổ nhỏ từ khoảng, cho cảm tưởng như hai chuồng bồ câu vĩ đại.
Học sinh lớp thứ nhất chúng tôi được chiếm một lầu. Đàn anh lớp thứ nhì ở lầu kia. Trên lầu thì dùng làm chỗ ngủ. Dưới lầu trệt là lớp học, phòng ăn, phòng họp cho các giáo sư và nơi làm việc cho thư ký. Đứng trên lầu trường ngó ra sân phía sau, chúng tôi hình dung như một “đồng không mông quạnh”. Ngắm kỹ thấy nhiều nơi trong sân có lẻ tẻ những mô đất tròn. Dường như là những nấm mồ hoang của ai đã được chôn cất tại đó tự bao giờ mà nhà thầu xây cất trường chưa kịp lấy cốt dời đi nơi khác. Có nhiều đêm, nhìn từ chuồng bồ câu, thấy ánh sáng phát quang phất phơ trên các mô đất làm cho mình rợn tóc gáy. Vào những ngày tháng nắng, sân trường thật êm ả. Những khi mưa bắt đầu đổ xuống thì ếch nhái, ểnh ương kêu vang rền, dế gáy cả đêm. Cảnh trẻ con từ các khu lân cận chui qua hàng rào kẽm gai vào sân bắt dế được thấy thường xuyên từ lớp học. Sân trường lớn nhưng chưa tu sửa kịp, cho nên không có chỗ cho chúng tôi chơi ngoài trời. Học sinh tập thể dục trong sân có gạch và lợp nóc. Lúc nghỉ, học sinh đi bách bộ quanh hai “chuồng bồ câu”, đọc sách hoặc đá cầu trong sân.Trong các giáo sư dạy chúng tôi, chỉ có thầy dạy toán, khoa học và Việt văn là người Việt. Các môn học khác đều do các thầy người Pháp phụ trách”.
Theo tài liệu [5] : Tới khoảng các năm 1948, 1949, khu vực chung quanh trường Petrus Ký vẫn còn có cây cối um tùm. Trời mưa, nước ngập lai láng, tiếng ếch nhái kêu vang rền vào buổi sáng, gợi nhớ thôn quê.
Không ảnh trường Petrus Ký chụp lúc Chợ Lớn và Sàigòn còn là hai thành phố riêng biệt, khoảng giữa là vùng ngoại ô ít người. Khu Nancy, góc Cộng Hòa và Trần Hưng Đạo còn là đầm lau sậy. Khu Nguyễn Trãi bán bông hoa còn là đồn lính Cây Mai. Trước 1945, trường thu hẹp chỉ còn hai dãy nhà dài ở phía lưng chừng trên bên phải và khu văn phòng phía cực phải trong hình (Tài liệu [6,7]).
Khu giảng dạy hình tứ giác với hai chái nhô ra làm văn phòng hành chính (phía phải xa trong hình), các lớp học tập trung tại hai dãy nhà một tầng bao bọc sân chính.
Phần phía dưới trong hình ,trước đây dùng làm khu nội trú cho học sinh . Một phần khu nội trú là nhà ăn 600 chỗ.
Theo tài liệu [5] : Năm 1947, trường Petrus Ký còn tạm thời mượn một dãy nhà của trường nữ Marie-Curie để làm trụ sở vì vậy không có nội trú .
Đến năm sau (1948), trường mới dọn về trụ sở thiệt thọ của mình, ở gần thành Ô Ma (Camp des Mares- sau là trụ sở của Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia) và sang năm thứ ba (1949 hay 1950), trường mở lại nội trú. “Nội trú” là một hình thức “ăn cơm tháng” tươm tất, lịch sự và có kỷ luật, do nhà trường lo. Những học sinh có học bổng khỏi phải trả tiền mỗi tháng. Nếp sống và việc học hành của học sinh nội trú phải theo khuôn khổ của nhà trường. Các buổi học ngoài giờ vào chiều tối có giám thị trông nom. Học sinh được cử đại diện để tham gia vào việc kiểm soát nấu ăn. Ngoài hai bữa ăn chính trưa chiều, còn có cả ăn sáng. Có những buổi tập thể dục do huấn luyện viên hướng dẫn. Ngoài ra, còn có các hoạt động thể thao tự do như bóng chuyền, bóng rổ, bóng đá tại sân vận động của trường. Thời đó, đội banh trường Petrus Ký rất nổi tiếng trong giới học sinh.
Sau lớp Première (Đệ nhị), và thi đậu Tú tài phần nhứt (1952?), tác giả tài liệu [5] được chuyển qua trường Pháp Chasseloup-Laubat vì năm đó trường Petrus Ký không có lớp Đệ nhứt.
Sau 1954 , trường Petrus Ký tách riêng để lập trường Đại học Khoa học và trường Sư Phạm , phần lớn bị phá huỷ để xây dựng lại .
Phần phía trái trong hình , là các tòa nhà dành cho nhân viên của trường như giáo sư và giám thị cũng như nhân viên văn phòng trường, trong đó có nhà của các giáo sư đã nghỉ dạy nhưng không thu hồi lại mà cho phép chuyển nhượng . Đến thập niên 60 không còn giáo sư nào ở đây nửa.
3-Hệ thống tuyển chọn và giảng dạy
Muốn vào học trường Petrus Ký, học sinh của Sàigòn và các tỉnh phía Nam phải qua kỳ thi tuyển rất gay go, từ khi mới thành lập cũng vậy mà sau này cũng vậỵ Vì thuộc thành phần chọn lọc như vậy cho nên học sinh Petrus Ký đậu rất nhiều và rất cao trong các kỳ thi Trung Học Đệ Nhất Cấp năm 1959 chẳng hạn là kỳ thi rất hóc búa, toàn quốc chỉ có một người đậu hạng Bình mà thôi, và người đó là học sinh Petrus Ký.
Một thành tích học tập tiêu biểu khác là kết quả toàn hảo ở kỳ thi tú tài niên khoá 1971-1972 thấy được ghi trong cuốn Kỷ Yếu của trường Petrus Ký niên khoá 72-73 (Xem hình dưới đây) : Tú tài 2 dự thi tổng công các ban A, B, C là 572 thí sinh và tất cả đều đậu tức tỷ lệ 100%, trong đó có 13 hạng Ưu, 63 hạng Bình và 136 hạng Bình Thứ.
(Phụ chú: Cách xắp hạng trong các kỳ thi Tú tài bậc trung Học là như sau :
- Tổng số điểm của các môn thi tối đa là 20.
- Nếu tổng số điểm trung bình dưới 10 : Rớt,
- Giữa 10 và 12 : Hạng Thứ,
- Giữa 12 và 14 : Hạng Bình Thứ,
- Giữa 14 và 16 : Hạng Bình,
- Giữa 16 và18 : Hạng Ưu,
- Giữa 18 và 20 : Tối Ưu ).
Chính vì vậy , trở thành học sinh của trường Petrus Ký đã là ước mơ của biết bao thế hệ học sinh ở Sàigòn và miền Nam Việt Nam.
Về phương diện kỷ luật và trật tự thì có lẽ hiếm trường nào có kỷ luật và trật tự chặt chẽ nghiêm chỉnh bằng trường Petrus Ký. Sau khi vào cổng, học sinh đứng xếp hàng dưới những tàng cây sao cao ngất dọc theo con đường bên hông những dãy lớp học đồ sộ uy nghi, khi học sinh các lớp đã chỉnh tề hàng ngũ, thì giám thị mới cho phép lần lượt đi vào sân trong và dừng lại ở trước cửa mỗi lớp một cách trật tự và im lặng dưới sự hướng dẫn của trưởng lớp hay học sinh « trưởng ban trật tự ».
Phần đông giáo sư Petrus Ký là giáo sư được chọn lọc, có rất nhiều kinh nghiệm chuyên môn và cũng rất đạo đức. Các giáo sư được bổ nhiệm về trường Petrus Ký và một số các trường lớn khác ở Sàigòn thường phải là những người đậu đầu hay thật cao trong danh sách tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm hay Đại Học Sư Phạm sau này, hoặc những người đã dạy lâu năm ở tỉnh. Quý thầy cô đều rất tận tụy với việc giảng dạy, rất thương học sinh, và rất chú tâm đến việc bảo vệ uy tín và thanh danh của trường Một số giáo sư Petrus Ký đã đảm nhiệm những chức vụ quan trọng trong ngành giáo dục sau khi dạy ở trường một gian.
Các đoạn văn dưới đây được trích từ tài liệu [8] viết bởi một cựu học sinh trường Petrus Ký, cho biết vài chi tiết về trường sở và phương pháp giáo dục giảng dạy vào những năm đầu của thập niên 1950.
Vào năm 1953, trường trung học Petrus Trương Vĩnh Ký là ngôi trường trung học công lập duy nhứt của Sàigòn dành cho nam sinh, dạy về văn hóa của chương trình trung học Việt Nam.Trong ngôn ngữ hàng ngày của người dân Sàigòn thì đó vẫn là Lycée Petrus Ký (với 3 chữ viết tắt là L.P.K.), và học sinh chúng tôi vẫn tự gọi mình là “dân Petrus Ký,” tôi chưa từng nghe ai tự gọi mình là “dân Trương Vĩnh Ký” cả. Và, dĩ nhiên, không cần nói ra, chúng tôi rất tự hào mình là “dân Petrus Ký.”
Nếu đứng từ đường Nancy (về sau đổi tên thành Đại lộ Cộng Hòa), cổng chánh nhìn vào, đầu tiên ta thấy ngay cổng chánh bằng gạch rất đồ sộ, với 2 cột cao độ 4 mét trên có 2 câu chữ Hán, mà chắc chắn “dân Petrus Ký” ai cũng còn nhớ: “Khổng Mạnh Cương Thường Tu Khắc Cốt, Tây Âu Khoa Học Yếu Minh Tâm.” Phía trên gần tới đầu hai cột có tấm biển nối liền hai cột với tên trường đấp nổi lên: “Trường Trung Học Petrus Ký.”
Qua khỏi cổng là một sân đất có trải đá xanh cán nhỏ, chiều sâu vô độ hơn 10 mét. Ở 2 góc sân là hai cây bông điệp rất lớn, vào mùa Hè (cũng là mùa thi) sẽ trổ bông đỏ rực rỡ. Qua hết sân này lại có một cổng nữa dẫn lên hành lang chánh của trường. Cổng này rất đặc biệt, được làm theo kiểu cổng của Văn Miếu.
Bước lên tam cấp tại cổng này là ta bước vào ngay chính giữa của một hành lang dài và rộng, lót gạch bông, luôn luôn được lau chùi bóng loáng, gọi là Hành Lang Danh Dự, nối liền khu vực văn phòng làm việc của nhân viên bên tay phải và phòng họp của giáo sư bên tay trái.
Vượt ngang hành lang này, bước xuống tam cấp đối diện với cổng, ta sẽ nhìn thấy toàn cảnh của trường. Ngay trước mặt là Sân Danh Dự của Trường. Sân này tương đối vuông vức, mỗi cạnh đài độ 40 mét, có hai lối đi chánh cắt thẳng góc nhau ngay giữ sân, chia thành 4 sân cỏ nhỏ, ngay chính giữa sân chổ giao điểm của hai lối đi là một cái bệ trên đặt bức tượng Nhà Bác học Petrus Trương Vĩnh Ký.
Học sinh chúng tôi chỉ được phép xuống sân này một năm hai lần: bãi trường Tết và trước khi nghĩ Hè, để chụp hình kỷ niệm ở trước bức tượng Petrus Ký. Hai bên là hai dãy nhà hai tầng dùng làm lớp học, và đằng cuối sân là một dãy nhà chắn ngang, đó chính là khu vực các phòng thí nghiệm.
Khi đến giờ môn Hội Họa (chỉ có trong chương trình các lớp Đệ Nhứt Cấp mà thôi), chúng tôi đến học tại phòng vẽ; đây là một phòng rất rộng, không có các bàn học như các lớp học thường, mà trang bị toàn giá vẽ. Các giá vẽ này được đặt chung quanh phòng thành một vòng tròn, ở giữa có một bục gổ cao. Học sinh đứng sau các giá vẽ, nhìn vào bục gỗ cao ở giữa, trên đó có để một vật để cho học sinh vẽ.
Các giờ học môn Âm Nhạc (chỉ học ở Lớp Đệ Tứ) thì học tại phòng nhạc, phòng này vẫn trang bị bàn ghế như lớp học thường nhưng có thêm một đàn dương cầm.
Các giờ môn Lý Hóa thì học tại các phòng thí nghiệm. Các phòng này được xây cất theo lối đại giảng đường (amphithéâtre), với bàn học đặt trên những bệ xi măng xây theo lối nấc thang, phía trước thấp, phía sau cao lên dần dần.
Ngoài ra còn có Thư Viện nơi học sinh chúng tôi đến mượn sách giáo khoa cho các môn học vào mỗi đầu năm học.
Và sau cùng là Bệnh Xá nơi bọn tôi đến chích ngừa mỗi năm , hoặc đến xin thuốc uống khi bị cảm ho hoặc được xức thuốc đỏ mỗi khi bị thương tích.
Trường Petrus Ký hồi đó rất quan tâm đến sức khỏe của học sinh. Mỗi năm một lần, có bác sĩ, y tá đến khám sức khỏe cho tất cả các lớp. Các vị thầy thuốc này làm việc rất tận tụy, “cân đo đong đếm” đàng hoàng. Nếu phát hiện đứa nào có bệnh, họ sẽ chuyển đến các bệnh viện công lập để điều trị, khi nào hết bệnh trở về trường đi học tiếp, cha mẹ học sinh đó không hề tốn kém một tí tiền còm nào cho bệnh viện. Các bệnh viện Nhà nước hồi đó như Bình Dân, Chợ Rẫy, Sàigòn, v.v. thường được gọi là “nhà thương thí”. Mọi người dân vô khám và nếu có bệnh được ở lại điều trị cho đến khi hết bệnh không mất tiền (tài liệu [9]).
Khi tôi vào học năm 1953, trường Petrus Ký đã không còn chế độ nội trú nữa nên một số cơ sở của Trường đã không còn được sử dụng nữa như Phòng Ăn và Phòng ngủ dành cho học sinh nội trú. Khu vực Phòng Ăn về sau được dùng làm trụ sở cho Tổng Thư Viện dọn từ Hà Nội vào sau tháng 7 năm 1954.
Các dãy nhà làm Phòng ngủ về sau được chia lại cho các trường Đại Học Khoa Học và Đại Học Sư Phạm để làm phòng học cho các ban. Tất cả các cơ sở này đều tập trung vào phía sau của trường Petrus Ký. Tại đây còn có khu nhà dành cho nhân viên của Trường như quý vị giáo sư và giám thị cũng như nhân viên văn phòng Trường. Khu nhà ở này nằm đối diện với sân bóng đá và khu tập thể dục, ở giữa là một con đường trải đá xanh chạy ra đến tận đường Trần Bình Trọng.
Ngày thường Hành Lang Danh Dự và Sân Danh Dự gần như là khu cấm địa đối với học sinh. Tôi còn nhớ hoài, trong mấy năm đầu, mỗi tháng đều có thầy giám học (lúc đó còn gọi bằng tiếng Pháp là Censeur, là Thầy Trương Văn Huấn; thời gian này, Thầy Hiệu Trưởng,còn gọi là Proviseur,là Thầy Phạm Văn Còn) đến từng lớp để trao Bảng Danh Dự (Tableau d’honneur) cho các học sinh xuất sắc cả về học lực lẩn hạnh kiểm.
Trước khi trao Bảng Danh Dự, lần nào Thấy Huấn cũng dạy bọn tôi như sau: “Khi nào nghe tôi đọc tên, thì phải hô lên “Présent = Có mặt” rồi bước lên đây, khi nào nhận Bảng Danh Dự xong thì phải nói “Merci, Monsieur = Cám ơn, Thầy”, nhớ không ?” Lúc đó bọn tôi nghe nói mỗi lần họp hội đồng giáo sư vẫn còn sử dụng tiếng Pháp.
Hình phạt sử dụng trong hệ thống kỷ luật cũa trường Petrus Ký là cấm túc (consigne). Nói chung có hai loại cấm túc: một loại phần lớn do các thầy giám thị “ban” cho bọn tôi khi phạm kỷ luật về hạnh kiểm, một loại do các giáo sư “ban” cho khi học sinh không làm bài, không thuộc bài. Mỗi khi các thầy cô giáo sư cho điểm không và đóng khung lại (zéros encadrés) thì đương nhiên đó là cấm túc. Một cấm túc là 4 giờ, và nửa cấm túc là 2 giờ. Việc thi hành cấm túc diễn ra như sau: học sinh bị cấm túc sẽ nhận được giấy báo của nhà trường vào ngày thứ Sáu trong tuần, mang về nhà cho phụ huynh ký tên, đến ngày Chủ Nhựt sẽ vào trường, đến trình diện tại phòng cấm túc (thường tổ chức tại các phòng thí nghiệm, vì dễ kiểm soát), nộp lại giấy báo đã có chữ ký của phụ huynh, và ngồi trong phòng đó suốt thời gian 2 giờ hay 4 giờ đồng hồ tùy theo bị nửa hay nguyên cấm túc. Trong thời gian này, học sinh phải làm bài do các giáo sư đã chuyển đến trước cho các thầy giám thị trông coi phòng cấm túc. Học sinh nào bị cấm túc trong tháng thì tháng đó đương nhiên không được Bảng Danh Dự dù cho có được điểm trung bình cao.
Nhờ hệ thống kỷ luật nghiêm khắc và chặt chẽ này, cộng thêm với đội ngũ giáo sư giỏi và tận tâm, trường Petrus Ký đã liên tục đào tạo nhiều thế hệ học sinh giỏi và tỷ lệ trúng tuyển rất cao trong các kỳ thi Trung Học Đệ Nhứt Cấp, cũng như Tú Tài 1 và Tú Tài 2. Có năm tỷ lệ đậu Tú Tài là 100%.
Sau khi tôi học xong năm Đệ Thất (niên khóa 1953-1954), một biến cố chính trị vô cùng quan trọng trong lịch sử hiện đại của đất nước diễn ra : Hiệp Định Đình Chiến được ký kết tại Genève, Thụy Sĩ, vào ngày 20 tháng 7 năm 1954 và Việt Nam bị chia đôi tại vĩ tuyến 17. Để tránh nạn cộng sản, đồng bào Miền Bắc ồ ạt di cư vào Miền Nam.
Để có chổ dạy và học cho giáo sư và học sinh trường trung học Chu Văn An từ Hà Nội di cư vào Sàigòn, Bộ Quốc Gia Giáo Dục quyết định sử dụng cơ sở của trường Petrus Ký làm trụ sở tạm thời cho trường Chu Văn An. Trong thời gian hai năm, hai trường trung học lớn nhứt dành cho nam sinh của Việt Nam tại Sàigòn cùng sinh hoạt tại một địa điểm. Trường Petrus Ký hoạt động từ 7 giờ sáng đến 1 giờ trưa, và nhường cơ sở của mình lại cho trường Chu Văn An từ 2 giờ trưa. Trước kia, các lớp Đệ Nhị Cấp học buổi sáng, các lớp Đệ Nhứt Cấp học buổi chiều. Nay, vì tổng số giờ học cho cả trường chỉ còn có 6 giờ, Ban giám đốc trường Petrus Ký quyết định chỉ có các lớp phải đi thi được học 4 giờ (từ 7 giờ đến 11 giờ sáng), các lớp không đi thi chỉ được học 2 giờ mà thôi (tứ 11 giờ sáng đến 1 giờ trưa). Thành ra, trong hai niên khóa (1954-1955 và 1955-1956), cho hai năm Đệ Lục và Đệ Ngũ, bọn tôi đã đi học trong những giờ giấc rất kỳ cục, ra khỏi nhà lúc 10 giờ rưởi sáng và học xong về nhà khoảng 1 giờ rưởi trưa, và dĩ nhiên là ăn cơm trưa lúc gần 2 giờ chiều.
Trong thời gian hai năm này, tình hình chính trị tại Miền Nam rất sôi động. Chính phủ Ngô Đình Diệm, một mặt phải giải quyết bao nhiêu vấn đề khó khăn trong việc định cư cho gần một triệu đồng bào Miền Bắc di cư vào, mặt khác phải đương đầu với các áp lực chính trị và quân sự của các chính đảng và giáo phái chống đối lúc nào cũng lăm le lật đổ chính phủ.
Một trong các nhóm chống đối này là lực lượng Bình Xuyên của Thiếu Tướng Lê Văn Viễn (thường được gọi là Bảy Viễn). Phe Bình Xuyên chọn trường Petrus Ký làm nơi đóng quân. Sau khi chính phủ Ngô Đình Diệm dẹp được Bình Xuyên,ngày đầu tiên trở lại Trường, chúng tôi vui mừng vô cùng vì được gặp lại Thầy Cô và bạn bè. Nhưng đó cũng là một ngày rất buồn vì trông thấy những chứng tích của trận đánh vẫn còn in hằn lên những cơ sở của Trường: vết đạn còn đầy khắp nơi, trên các cửa sổ, các bức tường; bàn ghế trong các lớp học cũng bị hư hại, nếu tôi nhớ không lầm thi hình như bức tượng bán thân bằng đồng đen của Nhà Bác Học Petrus Ký cũng bị trúng một viên đạn. Tôi còn nhớ mãi các dấu tròn cháy nám đen trên các lang can của hành lang trông xuống Sân Danh Dự.
Sau biến cố Bình Xuyên đó, toàn thể ban giám đốc, ban giáo sư, giám thị và học sinh của Trường đã cùng nhau xây dựng lại ngôi trường thân yêu và chẳng bao lâu việc dạy và học đã trở về nề nếp cũ như trước. Với niên khóa 1956-1957 này, Trường Chu Văn An đã có cơ sở mới, và toàn thể học sinh Trường Petrus Ký lại được học đủ giờ như xưa.
Theo tài liệu [10] :Từ ngày thành lập vào năm 1927 cho đến khi trường bị đổi tên năm 1975, trong suốt gần năm mươi năm hoạt động, trường trung học Petrus Ký đã làm tròn sứ mạng giáo dục được giao phó, đã đóng tròn vai trò một định chế xã hội đối với quốc gia, đã đào tạo được không biết bao nhiêu nhân tài cho xứ sở, đã trở thành một trường trung học phổ thông nổi tiếng vào bậc nhất ở Miền Nam Việt Nam.
Các đời hiệu trưởng từ 1927-1975 :
- Hiệu trưởng người Pháp đầu tiên : Ông Sainte Luce Banchelin từ 1927-1929;
- Hiệu trưởng người Pháp cuối cùng : Ông Taillade từ 1944-1947;
- Hiệu trưởng người Việt đầu tiên : Ông Lê Văn Khiêm từ 1947-1951;
- Hiệu trưởng người Việt cuối cùng : Ông Nguyễn Minh Đức từ 1973-1975.
Các cựu học sinh nhân tài thành danh tiêu biểu của Trường theo tài liệu [11,12,13,14] và những dữ kiện cung cấp bởi một cựu học sinh 1959-1966, ông SĐ:
- Charles Trần Văn Lắm (1913-2011) : Một trong những học sinh đầu tiên của trường Petrus Ký (Collège de Cochinchine) khi trường này mới được thành lập năm 1927, Dược sĩ, nhà kinh doanh, Tổng thư ký nghiệp đoàn Dược Sư Việt Nam, Chính trị gia, Nghị viên Hội đồng Đô Thành Sàigòn, Chủ tịch Hội đồng Quận 3-Sàigòn, Đại biểu Chính phủ miền Nam, Chủ tịch Quốc hội lập hiến Việt Nam Cộng Hoà, Chủ tịch Quốc hội Lập Pháp VNCH, Trưởng khối đa số Quốc hội VNCH, Đại sứ VNCH tại Úc và Tân Tây Lan, Nghị sĩ Thượng viện VNCH, Tổng trưởng ngoại giao VNCH, Chủ tịch Thượng nghị viện VNCH, Hội viên hội Đa Văn Hóa Á Châu, Chủ tịch Liên Minh Toàn dân Việt Nam Quốc Gia.
- Bình Nguyên Lộc (1914-1987) : Cựu học sinh từ 1929 đến 1933.Tên thật là Tô Văn Tuấn, là một nhà văn lớn, nhà văn hóa miền Nam trong giai đoạn 1945-1975. Ngoài bút danh Bình Nguyên Lộc, ông còn có các bút danh Phong Ngạn, Hồ Văn Huấn, Tôn Dzật Huân, Phóng Ngang, Phóng Dọc, Diên Quỳnh…
- Lê Văn Thới (1917-1983) : Tiến sĩ, Giáo sư hóa học – Trưởng ban Hóa học,Khoa Trưởng Khoa Học Sàigòn, Viện trưởng viên đại học Sàigòn, Tổng cục Trưởng Nguyên tử lực Cuộc, Chủ tịch Uy ban Khảo cứu Khoa học, Giám đốc Tủ sách Khoa học.
- Trương Khuê Quan (1918 – 1994) : Bác Sĩ Đại Tá – Cục Trưởng Cục Xã Hội Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa – Viện trưởng Viện Giáo dục Quốc gia Nghĩa Tử .
- Trần Văn Khê (1921-2015) : Nghệ danh Hải Minh, Tiến sĩ ngành âm nhạc học người Việt Nam đầu tiên tại Pháp là một nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc cổ truyền Việt Nam Giáo sư tại Đại học Sorbone, Pháp, thành viên danh dự Hội đồng Âm Nhạc Quốc Tế UNESCO.
- Nguyễn Ngọc Huy (1924-1990) (bút hiệu Đằng Phương ) : Tiến sĩ Chính trị học, Giáo sư Chính trị học và Luật Hiến pháp tại Học viện Quốc gia hành chánh, sáng lập viên của trường Cao đẳng Thương mại Minh Trí, thành viên phái đoàn Việt Nam Cộng hòa tham dự Hòa đàm Paris và tham dự cuộc thương thuyết La Celle Saint Cloud, chuyên gia khảo cứu cho Đại học Havard,tham gia việc dịch Bộ luật Hồng Đức chính trị gia ra tiếng Anh cũng như chú giải bộ luật này, chính trị gia sáng lập đảng Tân Đại Việt,Tổng thư ký của Phong trào quốc gia Cấp Tiến (Giáo sư Nguyễn Văn Bông là Chủ tịch).
- Trần Ngươn Phiêu (1927-2011) : Bác Sĩ Đại Tá Cục Phó Cục Quân Y Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa,Tổng Trưởng Xã Hội Các năm 65-70.Những năm 1970 ở Việt-Nam đã lãnh đạo Y Sĩ đoàn. Sau này, ở Hoa-kỳ,chủ tịch Hội đồng Quản trị Hội Y Sĩ Việt Nam tại Hoa Kỳ.
- Nguyễn Thanh Liêm (1933-2016) : Thủ khoa trường Cao Đẳng Sư Phạm Sài Gòn, cử nhân giáo khoa văn chương, và tiến sĩ đại học Iowa State University, Hoa Kỳ. Cựu Giáo sư, Cựu Hiệu Trưởng trường trung học Petrus Trương Vĩnh Ký Sài gòn và nhiều trường trung học khác ,Cựu Thứ Trưởng Bộ Văn Hóa Giáo Dục và Thanh niên VNCH,Chánh Thanh Tra Trưởng Ban Soạn Đề Thi Bộ Giáo Dục VNCH,Đệ Nhứt Chuyên Viên Tổng Thống Phủ Việt Nam Cộng Hòa (ngang bộ trưởng), Hội trưởng sáng lập và cố vấn Đặc Biệt Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Petrus Ký Nam và Bắc California,Chủ Tịch Hội Lê Văn Duyệt Foundation,Chủ Tịch Phong Trào Đoàn Kết Việt Nam Cộng Hòa,Chủ Tịch Hội Đồng Giám Sát Phong Trào Yểm Trợ Tự Do Tôn Giáo.
- Đỗ Bá Khê : Tiến Sĩ, Cựu Thứ trưởng Giáo Dục, đặc trách Kỹ thuật, Viện trưởng sáng lập Viện Đại học Kỹ Thuật quốc gia, Việt Nam Cộng Hòa tại Thủ Đức, Cha đẻ của ngành đại học Cộng Đồng.
- Nguyễn Xuân Hoàng (1937-2014) : Cựu Giáo sư, nhà báo, là giảng viên (lecturer) giảng dạy môn Văn học Việt Nam đương đại tại Đại học California – Berkeley.
- Phạm Huỳnh Tam Lang (1942-2014) : Khi còn là học sinh, ông thi đấu cho đội tuyển của trường Petrus Ký cầu thủ túc cầu nổi tiếng, cầu thủ đội tuyển bóng tròn Việt Nam Cộng Hòa, ông cùng đội tuyển đã giành được cúp Merdeka, Trung vệ xuất sắc trong lịch sử bóng tròn Việt Nam và Á Châu.
- Nguyễn Tăng Nguyên : Y sĩ Đại tá,Giám đốc Chỉ huy Trường Quân y Việt Nam Cộng Hòa (1956-1957),Tổng trưởng Lao động và Thanh niên, Việt Nam Cộng Hòa.
- Đặng Văn Chiếu : Bác Sĩ – Khoa Trưởng Y Khoa (1971-1974) Đại học Y khoa Sàigòn.
- Mai Căn An: Thẩm phán Tối Cao Pháp Viện.
- Trần Khương Trinh : Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện.
- Lê Văn Thu : Luật sư-Tổng Trưởng Tư Pháp (1969-1975) nền Đệ Nhị Cộng Hòa.
- Đỗ Bá Khôi : Giáo sư – Giám Học trường trường trung học Phan Thanh Giản (tiền thân là Collège de Cần Thơ) và Đoàn Thị Điểm – Cần Thơ.
- Lưu Khôn : Giáo sư – Hiệu Trưởng trường trung học Phan Thanh Giản (tiền thân là Collège de Cần Thơ) và Đoàn Thị Điểm-Cần Thơ (1962-1964), Giảng sư Đại học Văn Khoa Sàigòn.
- Nguyễn Trung Quân : Giáo sư-Hiệu Trưởng trường trung học Phan Thanh Giản (tiền thân là Collège de Cần Thơ) và Đoàn Thị Điểm-Cần Thơ.
- Võ Hoài Nam : Kỹ sư năm 1955, Giáo sư dạy lý hoá trung học Pétrus Ký (1955-1956), làm việc cho hãng dầu Shell Việt Nam từ năm tháng 10, 1956 đến 30/04/1975,trước 1975, giữ mục biếm văn ” Trò Ðời ” của nhựt báo Tiến, bắt đầu viết truyện ngắn khi lưu vong qua Côte d’Ivoire với bút hiệu Tiểu Tử.
- Nguyễn Thanh Bạch : Cao học Kinh tế, cựu giảng viên đại học Vạn Hạnh, Cần Thơ, Hòa Hảo, Học viện Quốc gia Hành chánh, Phụ tá Tổng trưởng Thương mại tại Việt Nam trước 1975, Cao học Thư viện & Khoa học Thông tin (MBSI) đại học Montréal 1995.
- Lâm Vĩnh Thế: Tốt nghiệp Ðại Học Sư Phạm Sài Gòn, Ban Sử Ðịa năm 1963, du học Mỹ, tốt nghiệp Cao Học Thư Viện Học, Ðại Học Syracuse, New York, năm 1973; Giáo sư Trưởng Ban Thư Viện Học, Ðại Học Vạn Hạnh.
- Bạch Công An: Tốt nghiệp khóa Ðốc sự Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, phục vụ tại Bộ Xã Hội, chức vụ cuối cùng là Giám Ðốc Trường Công Tác Xã Hội.
- Mai Thanh Truyết : Tiến sĩ Hóa Học Đại học Besancon, Pháp,Assistant Institut de Chimie, Besancon-Giảng sư & Trưởng ban Hóa học, Đại học Sư phạm Sàigòn, Việt Nam-Giám đốc Học vụ, Viện Đại học Cao Đài, Tây Ninh, Việt Nam-Nghiên cứu sinh Đại Học Y Khoa Minnesota-Giảng dạy tại King College, Fresno, Hoa kỳ-Giám đốc nhà máy xử lý chất thải-Giám đốc Kiểm soát An toàn và Phẩm Chất- Hoa Kỳ- Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam tại Hoa kỳ (VASTS).
- Âu Vĩnh Hiền tự Vũ Đức : Cử Nhân Luật, Cựu Chủ Sự thuộc Phủ Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa, Võ Sư 5 đẳng Nhu Đạo, Võ Sư 5 đẳng Karate Mas Oyama Japan (năm 1970 có trên 100 quốc gia hội viên), Trọng tài Giám định – Tổng cuộc Quyền thuật Việt Nam (trước 1975),Chưởng môn, 9 đẳng, phái Võ Lâm Việt Nam, Chủ tịch sáng lập Thế giới Võ Lâm Đạo Việt Nam( được coi như 1 môn nhiệm ý trong hệ thống đại học California State Univ., CSU), Tác giả 8 (tám) cuốn sách về võ thuật và 1 số sách về Dinh Dưỡng Học.
Ngoài ra, một số cựu học sinh đã chọn con đường binh nghiệp trong các binh chủng oai hùng nhưng đầy gian khổ,sóng gió, hiểm nguy của quân đội Việt Nam Cộng Hòa và đã trở thành những sĩ quan cao cấp tài giỏi, can trường trong quân đội và cả lực lượng Cảnh Sát để bảo vệ xứ sở chống lại cộng sản Bắc Việt xâm lăng.
Tiêu biểu có :
1. Lâm Quang Thi : Trung tướng ,Tư lệnh phó Quân Đoàn I & Vùng I chiến thuật (phụ tá cho Trung tướng Ngô Quang Trưởng), được mệnh danh là một vị “Tướng Pháo binh”.
2. Lê Minh Đảo (1933-2020) : Cựu học sinh niên khoá 52.Một trong những tướng lãnh chỉ huy cấp Sư đoàn có khả năng nhất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, từng là Tư lệnh chiến trường Xuân Lộc, phòng tuyến cuối cùng của miền Nam Việt Nam vào những ngày cuối tháng 4 năm 1975. Ông có biệt danh Người Hùng Xuân Lộc vì chỉ huy Sư Đoàn 18 Bộ Binh với một lực lượng ít ỏi chiến đấu chống cự đến phút cuối cùng, chặn đứng đà tấn công của Cộng Quân vào Xuân Lộc 12 ngày đêm từ 8 tháng 4 năm 1975. Vì lẽ đó, không ít người cho rằng giá như Việt Nam Cộng Hòa có thêm nhiều nhân vật anh dũng như Thiếu tướng Lê Minh Đảo thì người Quốc Gia đâu có lầm than nước mất nhà tan .
3. Lê Quang Lưỡng (1932-2005): Chuẩn tướng, Tư lệnh Sư đoàn Nhảy Dù (1972-1975).
Theo sau các cựu học sinh sĩ quan cấp Tướng là các cựu học sinh sĩ quan cấp Tá oai hùng dũng cảm.
1. Cổ Tấn Tinh Châu (niên khóa 48) : Cấp bậc cuối cùng trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 là Đại tá Thủy quân Lục chiến.Năm 1963, ông Cổ Tấn Tinh Châu là Tiểu Đoàn trưởng TĐ.2/TQLC, sau là Thiếu Tá phụ tá Chỉ huy trưởng trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. Cựu Tổng Tham Mưu Trưởng, Biệt Khu Thủ Đô và Chỉ Huy Trưởng Đặc Khu Rừng Sát.
Lúc ông Cổ Tấn Tinh Châu là Trung Úy ĐĐT/ĐĐ.3/TĐ.2 Thủy Quân Lục Chiến, Việt Nam Cộng Hòa, ông đã chỉ huy trực tiếp cuộc hành quân bắt sống quân Trung Cộng tại đảo Quang Hòa (Ducan) Hoàng Sa vào tháng 1 năm 1959, khi Trung Cộng đã đem dân quân đến thiết lập cơ sở tại đây sau khi thủ tướng CSVN Phạm Văn Đồng ký công hàm dâng quần đảo Hoàng Sa cho Trung Cộng.
(Phụ chú : Ngay từ đầu sau khi chiếm được miền Bắc Việt Nam, bọn cộng sản đã lộ ra bộ mặt tay sai bán nước cho tàu cộng, trong khi đó các chiến sĩ và chính phủ nền Đệ Nhất Cộng Hòa ở miền Nam lo bảo vệ từng tấc bờ cõi ông cha để lại).
Hình lính Thủy Quân Lục Chiến dưới sự chỉ huy trực tiếp của Trung Úy Cổ Tấn Tinh Châu đang lội nước, đạp lên đá san hô tiến vào bờ,đổ bộ xuống, tiến quân rất chậm và khó vì bước trên đá san hô. Khi đến gần bờ thì nước lại sâu nên tiến quân không nhanh được. Có nơi Trung Úy phải kéo binh sĩ lên khỏi những vũng sâu (Tài liệu [15]).
Dưới đây là hình các chiến hữu năm xưa gặp lại trong buổi họp mặt của Hội Lực Lượng Đặc Biệt, ngày 17 tháng 11 năm 2109 tại Westminster-California- Hoa Kỳ (Hình: Văn Lan/Người Việt) (Tài liệu [16])
Từ trái:
Đại Tá Lê Tất Biên, Thiếu Tá Hồ Đắc Huân,
Đại Tá Phan Văn Huấn, Đại Tá Cổ Tấn Tinh Châu .
Đại Tá Lê Tất Biên, Thiếu Tá Hồ Đắc Huân,
Đại Tá Phan Văn Huấn, Đại Tá Cổ Tấn Tinh Châu .
2. Bồ Đại Kỳ (niên khóa 48) : Đại Tá Không quân.
3. Nguyễn Hồng Đài (niên khóa 46) : Đại Tá, Chánh Sở Kế Hoạch Tổng Cục Tiếp Vận.
4. Các Đại Tá :
-Huỳnh Văn Tuất (niên khóa 48),
-Lê Đại Hiền (niên khóa 48),
-Nguyễn Văn Phước (niên khóa 48),
-Bùi Quang Chính (niên khóa 48),
-Lê Tấn Hội (niên khóa 48),
-Tạ Trần Tân (niên khóa 48),
-Nguyễn Sanh Lãng (niên khóa 48),
-Huỳnh Bá Hạnh (niên khóa 48)…
-Lê Đại Hiền (niên khóa 48),
-Nguyễn Văn Phước (niên khóa 48),
-Bùi Quang Chính (niên khóa 48),
-Lê Tấn Hội (niên khóa 48),
-Tạ Trần Tân (niên khóa 48),
-Nguyễn Sanh Lãng (niên khóa 48),
-Huỳnh Bá Hạnh (niên khóa 48)…
5. Nguyễn Ngọc Ánh: Ðại Tá, Tỉnh Trưởng Bình Tuy.
6. Các Trung Tá : Tư Thời, Tư Cổn, Tư Lân, Biệt kích 81 Lê Thành Lân.
7. Phạm Gia Cổn : Cựu học sinh Petrus Ký, ra trường tú tài 2 năm 1961-Cựu sinh viên sĩ quan Khóa 18 Quân Y Hiện Dịch, Trường Quân Y, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, tốt nghiệp Đại Học Y Khoa Sài Gòn 1971- Bác Sĩ Nhảy Dù phục vụ Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù trong ngành Quân Y, đại úy vào năm 1972 (?)-Khi đến Hoa Kỳ, tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa gây mê-Giảng sư dạy 28 năm tại đại học UCLA, chuyên ngành gây mê và trị đau nhức-Thành viên sáng lập & cựu chủ tịch Hội Y Sĩ Việt Nam tại Hoa Kỳ, thành viên sáng lập và trong Hội Đồng Đại Diện Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do,-Cựu chủ tịch Ban Chấp Hành Trung Ương Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam-Chủ tịch sáng lập V.I.E.T. Foundation (Volunteers for Integration of Ethnic Traditions Foundation)-Hai lần được bầu là “Teacher of the Year” tại UCLA (1986 và 1991), “America’s top physician” (2009) (Tài liệu [17,18,19]).
Ông vừa là bác sĩ vừa là một võ sư. : Chưởng môn kế thừa Việt Nam Thất Sơn Thiếu Lâm, Hapkido 9 đẳng: chủ tịch American Hapkido Federation; phó chủ tịch Jin Pal Hapkido Federation; Taekwondo 8 đẳng, chưởng môn Khí Công Hoàng Hạc năm 2007 tại Little Saigon.
Ngoài ra, ông còn là một nhạc sĩ chuyên sử dụng các loại kèn saxophone, trumpet, clarinet. Đồng thời ông cũng là một nhạc sĩ sáng tác, thành lập ban nhạc Star Band tại Little Saigon. Nhạc sĩ sáng tác : Tiếng Mưa, Một Ngày Mũ Đỏ- Một Đời Mũ Đỏ,Buổi Chiều, Nhớ, Hẹn Ước, Lệ Hoa, Đã Một Lần tức Cổ Tích Tôi,Buổi Sáng,Nhớ,Một Lá Thư.
8. Ðào Tuấn Kiệt: Cử Nhân Luật Khoa,Cảnh Sát Quốc Gia, ngạch Quận Trưởng (ngạch cao nhứt của CSQG), giảng dạy tại Học Viện CSQG ở Thủ Ðức .
9. Phùng Vĩnh Tước: Thiếu Tá, Trưởng Chi Cảnh Sát Quận Thủ Ðức (Tài liệu [20]).
o O o
PHỤ ĐỀ
Phụ đề : Tiểu sử Trương Vĩnh Ký
Dưới đây là tiểu sử Trương Vĩnh Ký trích từ tài liệu Trương Vĩnh Ký Hành Trạng soạn bởi nhà ái quốc Đặng Thúc Liêng (Tài liệu [21]). Đây là cuốn sách xưa nhất về Petrus Ký viết bằng tiếng Việt xuất bản vào năm 1927 vào dịp lễ đặt bức tượng toàn thân của Trương Vĩnh Ký trên bệ đá cao tại vườn hoa trước Dinh Norodom (sau này là Dinh Ðộc Lập).
Sĩ Tải Trương Vĩnh Ký Tiên Sanh là một vị Tân Quân Tử thật của nước Việt Nam ta, ai ai cũng đều biết cả.
Trương Chánh Ký sau đổi chữ lót giữa là “Vĩnh”, đến nay hễ những người Việt Nam và người Pháp có học Việt-Pháp Tự Âm, thời đều nhớ công đức mà xưng hô rằng: “Sĩ Tải Trương Vĩnh Ký” Tiên Sanh, hoặc “Pétrus Ký”.
Người ở làng Vĩnh Thành (Cái Mơn), Tổng Minh Lý, Huyện Tân Minh, Phủ Hoằng An, Tỉnh Vĩnh Long; con trai thứ của ông Trương Chánh Thi, bà Nguyễn Thị Châu, sanh năm thứ 17, đời Vua minh Mạng (1836). Cha đi thú Thành Nam Vang, bịnh mất trong hàng binh. Gia đình thảm kịch, thương xót biết là dường nào !
Lúc 5 tuổi, ở với mẹ, cùng anh là Chánh Sử đi học chữ Nho với Lão Nho “Học” dạy trường trong xóm, 9 tuổi học vừa nghe sách Khổng, Mạnh. Nhà ở gần Thiên Chúa Giáo Đường thường gặp Cố Tám là người thuộc “Thiên Chúa Giáo”, thấy Vĩnh Ký còn nhỏ mà thiên tư đĩnh ngộ, để lòng thương, xin với bà mẹ cho theo học Đạo Thiên Chúa, lần lần tập kích “Nhựt Khóa” thông chữ Quốc Ngữ, nên thường theo Cố Tám qua Cái Mơn giảng Đạo Thiên Chúa, xảy gặp Linh Mục Long ở Lang Sa mới qua. Cố Tám cho theo hầu Linh Mục Long, được học tập chữ La-tinh; trong 7 năm ấy đã học được ba thứ chữ (chữ Hán, chữ Quốc Ngữ, chữ La-tinh).
Từ năm thứ 14 đời Vua Minh Mạng (1833) sắp về sau, Vua Minh Mạng muốn quyết trừ Đạo Thiên Chúa cho tiêu diệt, nên hạ chỉ “Sát Tả” (Tả là “Trái” không đồng đạo kêu là “Tả Đạo”. Đại Nam Bộ Văn). Lúc ấy Triều Đình quan lại đương tìm bắt những người thuộc Thiên Chúa Giáo, ý không muốn cho để sót một con đỏ ! Bởi vậy hiệu lịnh “Sát Tả” càng ngày càng nghiêm nhặt ! Trong Nam Kỳ mấy phái giảng Đạo Thiên Chúa là Thầy Marchand, Thầy Taberd và cả môn đồ, kẻ thì bị bắt hạ ngục, kẻ thì bị giết, không biết bao nhiêu! Trong cơn nguy hiểm ấy, những người giữ Đạo Thiên Chúa phải lo tỵ tử lăn xăn. Tuy vậy, song Vĩnh Ký vẫn cứ chân truyền cùng Linh Mục Long bôn tẩu cho khỏi vòng hoạn nạn, hơn bốn năm; may cho Sư-Đệ đều đặn bảo toàn tánh mạng! Cái họa nước Nam ta phi thai từ đó, nghĩ rất ngậm ngùi !
Đến 12 tuổi (1818) có lịnh Giám Mục bổ Vĩnh Ký theo Cố Hòa (Pére Belleveaux) là Thầy Cai Trường “Phi Nha Lư” ở Nam Vang, mà giúp Thầy dạy học và học thêm chữ “La-Phi” (Epitomce); gặp dịp ấy, nên có ý nguyện học cho tới làm bực Giám Mục (Evêque).
1850 vừa 14 tuổi, lại vưng lịnh Giám Mục đi qua “Phi Năng” (Pénang) ở Trường “Du Lam” (Dulalma) học Triết Học (Philosophie) .
1856 đã lên đứng theo hàng Linh Mục (Sacerdoftes). Từ đó sắp sau lại gồm hiểu được chữ Langsa, La-tinh, Anglais, Espagnol, Chinois, Malayu, Cao Man, Xiêm La, Chà Và và Nhựt Bổn. Có ngày kia phụ thí chữ Hồng Mao trúng bực “Ưu” (đậu đầu). Vĩnh Ký ngày sau mà thành được “Tân Đạo Đức, Văn Chương Gia”, lại có danh giá đặc biệt là: “Bác học” được 10 thứ chữ của Ngoại Quốc (Đại Nam Quốc Lược Sử, Alfred Schreiner) đứng vào địa vị “Toán cầu bác học thập bác quân tử” (le biographe 1873-1874).
Vĩnh Ký ở Phi Năng được 8 năm (1858) vừa nghe tin mẹ từ trần, vội vã về nhà ở Cái Nhum thủ chế.
(1859) đời Vua Tự Đức thứ 12, Đại Pháp qua chiếm cứ xứ Nam Kỳ, trước hết lấy Tỉnh Gia Định; Quan Thủy Sư Bonnard đương phỏng vấn những người Nam thông tiếng Âu Châu để dụng sự. Giám Mục sở tại tiến dẫn Vĩnh Ký ra làm Thông Ngôn (20 Décembre 1860), kế lãnh làm Đốc Học Trường Thông Ngôn tại Sài Gòn (Đại Nam Quốc Lược Sử, Alfred Schreiner).
1862, theo Sứ Thần Simo ra Huế Nghị Hòa (Đại Nam Sử Ký).
1863, hộ tùng Pháp, Y Pha Nho (Espanol) Lưỡng Soái Bonnard và Bờ-lăng-ca cùng Đại Nam Sứ Thần Chánh Sứ Phan Thanh Giản, Phó Sứ Phạm Phú Thứ, và Bồi Sứ Ngụy Khắc Đản, như Tây, chước định hòa ước (Đại Nam Sử Ký).
1864, hộ tùng các Sứ Thần về Nam.
Vĩnh Ký trong 9 tháng giúp theo Sứ sự, đều đặng hoàn toàn; nhơn đó mà lại được quan sát nhơn tình, phong tục, chân lưu thành quách sơn xuyên, đã hơn phân nửa bên Âu Châu ấy là hạnh phước của Tạo Hóa tài bồi giúp cho nhơn tài cũng là đáng lắm !
1868, Vĩnh Ký xin lập “Gia Định Báo”, lãnh làm chủ nhiệm. Trong năm ấy, Triều Việt Nam gởi vào một phái Lê Văn Hiển, cậy Tân Chánh Phủ giúp cho học chữ Pháp, Vĩnh Ký lãnh làm Giáo Sư (Nam Việt Sử Ký).
Chánh Phủ Pháp, Ý và Việt đồng nghị Vĩnh Ký là người có công theo giúp Sứ Bộ, nên đồng thì ban thưởng “Khuê Bài” để làm Kỷ Niệm.
1869, Pháp Soái cho theo giúp Quan Sứ Y Pha Nho (Espagnol) ra Huế đặng nghị việc Thông Thương.
Vì cớ lãnh dạy “Việt Nam Học Sanh” và giúp Sứ Ý giao thông “Việt Nam Thương Sự”, nên ngày sau Tân Chánh phủ chỉ trích cho Vĩnh Ký có ý riêng chuyện lo giúp sự ngoại giao, mới sanh nghi kỵ, khiến cho Vĩnh Ký phải dưỡng hồi thao quan, lần chót năm (1879) để phòng tỵ họa.
1872, thăng nhứt hạng Tri Huyện, nhưng lãnh Đốc Học dạy những người Langsa học tiếng Phương Đông.
1873, lãnh làm Hội Đồng Thành Phố Chợ Lớn.
1875, lãnh làm Chánh Đốc Học Trường Tham Biện Hậu Bổ (Ecole des Administrateurs stagiaires).
1879 sắp về sau không nệ nhọc, cứ Trước Thợ, Lập Ngôn:
1.- Sách Mẹo (Grammairie). 2.- Chuyện Đời Xưa. 3.- Conversation ca. 4.- Túy Kiều dịch. 5.- Toát Lược Ca. 6.- Nam Việt Sử Ký. 7.- Truyện Lang Sa. 8.- Sự Tích Nước Ta. 9.- Truyện Đường Trong. 10.- Truyện Annam. 11.- Cao Man Ân Thoại. 12.- Sơ Học Vấn Tân. 13.- Tứ Thơ Diễn Nghĩa. 14.- Pháp-Việt Tự Điển. 15.- Bắc Kỳ Phong Cảnh. 16.- Trương Lương Tùng Xích Tùng Tử Ca. 17.- Trường Lưu Hầu Phú. 18.- Gia Định Thất Thủ Ca. 19.- Tân Gia Định Ca. 20.- Chuột Kể Truyện. 21.- Kiếp Người Ta. 22.- Nữ Tắc. 23.- Mẹ Dạy Con. 24.- Mẹ Dạy Con Gái Làm Dâu. 25.- Huấn Nữ. 26.- Gia Huấn. 27.- Bất Cưỡng. 28.- Annam Lễ Tiết. 29.- Luật Mẹo Thầy Trò. 30.- Truyện Xưa. 31.- Bài Hịch “Quạ”. 32.- Thạch, Suy, Bỉ, Thái, Ca. 33.- Hàn Gia Phong Vị. 34.- Kinh Ba Chữ. 35.- Nhựt Khoa Gia Huấn. 36.- Tự Vị Lang Sa... 37.- Thông Loại Khôn Trình. 38.- Minh Tâm Diễn Nghĩa.
1883, Chánh Phủ nghị Vĩnh Ký có công Trước Thơ, Lập Ngôn, thưởng thọ Hàn Lâm Bài (Palmes d’Acadénie).
1886, vì cớ Quyền Thần nước Nam ta là Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết gây loạn trong nước, cưỡng hiếp Vua Hàm Nghi xuất bôn. Triều Thần phải tôn Vua Đồng Khánh tức vị và chỉnh lý Triều Chánh, song cả nước còn nhiều việc nhiễu nhương ! Nên lúc ấy Đông Pháp Toàn Quyền Đại Thần Paul Bert phải ra Huế đặng điều đình sự Bảo Hộ, chọn Vĩnh Ký ra tùng sự (27 mars 1886).
Vĩnh Ký vì Paul Bert làm lời dụ:
- Bày Tình Pháp-Việt Nhứt Gia.
- Rộng Mở Sự Giáo Dục.
- Giữ Gìn Quyền Lợi, Lý Tài Nước Ta.
- Khai Khoán (mỏ than, đồng v.v…)
- Khuyên Đừng Bạo Động.
- Không Tăng Thuế.
- Lập Nghị Viện.
Đem những chánh sách công bình, đồng lực, hiệp tác, ước sẽ thật hành mà tuyên bố cho công chúng Trung, Bắc lưỡng kỳ nghe rồi thảy đều duyệt phục.
Dụ ấy chỉ dùng lấy Quốc Văn mà nghị luận kinh tế đủ điều; ai còn gọi tiếng Annam rằng “Nghèo”? Mà mấy ai được biết Vĩnh Ký đã từng giảng giải sự trị quốc ?
Việc Huế vừa yên, Paul Bert thẳng ra Bắc Kỳ, để Vĩnh Ký ở lại Huế giúp Vua Đồng Khánh sắp đặt việc chánh trị và dạy vua học chữ Pháp. Vua Đồng Khánh đặt tú Vĩnh Ký lãnh chức “Hàn Lâm Viện Thị Lang”, sung “Ngự Diên Giảng Quan”.
Chẳng biết về sự cơ mật nên chánh phủ lại nghi kỵ Vĩnh Ký một lần nữa. Vĩnh Ký tính lấy thi kỳ nên thối ẩn; nhưng mà qui kế vị an bài, cho nên cũng gắng gượng giữ lấy sự thường, dạy học trò là vui ; dầu có lãnh lương của chánh phủ ít nhiều chẳng luận, cứ phải từ ngày mà thôi, không theo ngạch quan viên bổng hướng nào cả !
1898, được 62 tuổi, phát bịnh khai huyết, y trị không xong; vừa ít tháng quên quáng, (1 Septembre 1898)! Y! Hóa công mạc khẳng gia thụ ư tư nhân giả da !
Chánh phủ cho lấy nhung lễ tống táng trọng thể, an thổ tại Chợ Quán (Sài Gòn).
1908, Nam Kỳ sĩ phu đồng đứng xin chánh phủ chuẩn cho dựng hình Vĩnh Ký để làm Kỷ Niệm, chánh phủ phê y. Lúc ấy tôi đương chấp bút Nông Cổ và Lục Tỉnh Tân Văn, có ít lời vận động quyên ngân, chẳng mấy ngày mà công chúng hỉ cúng rất nhiều.
Diên trì cho đến 1923, trong “Hội” lo dựng hình Vĩnh Ký, đặt làm hình bên Pháp đem qua, chỉ có một cái đầu hình (buste) mà thôi. “Hội” muốn dựng, nhưng mà công chúng kích bát “Hội”, không chịu ! Đã hèn (từ) lâu, bây giờ (1927) mới dựng được toàn hình, dựng nơi phần đất đường Norodom trước Dinh Quan Toàn Quyền Sài Gòn. Sự dựng hình Vĩnh Ký ngày nay rất cảm bội tấm lòng ái mộ của công chúng.
Dưới đây là những đoạn văn trích từ tài liệu [1] để bổ túc thêm vào tiểu sử Trương Vĩnh Ký :
“Các quan triều được tin Petrus Ký là một người tài giỏi, thông minh như vậy mà ra cộng tác với Pháp, nên họ tìm cách cản ngăn, nhưng không được, họ đâm ra nghi kỵ họ Trương. Còn Petrus Ký thì suy xét kỹ và nghĩ rằng: phải làm việc để giúp đỡ đồng bào, nhất là lúc Pháp và Nam triều chưa hiểu nhau, chưa thành thật với nhau. Và Petrus Ký đem câu châm ngôn La Tinh “Ở với họ mà không theo họ” (Sic vos non vobis) để biện minh cho sự hợp tác của ông với Pháp. Rồi mặc những lời thị phi, ngày 20/12/1860 ông đã nhận làm thông ngôn cho Jauréguiberry.
Năm 1861, ông Petrus Ký lấy vợ tên là Vương Thị Thọ, do linh mục Đoan họ đạo Nhơn Giang (Chợ Quán) mối mai.
Ngày 8 tháng 5 năm 1862, Pháp thành lập trường Thông ngôn (Collège des Interprètes), ông được nhận vào dạy.
Năm 1863, triều đình Huế cử một phái đoàn do Phan Thanh Giản cầm đầu sang Pháp xin chuộc lại ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường. Cụ Phan Thanh Giản xin để Petrus Ký đi theo phái đoàn làm thông ngôn.
Chuyến đi này Petrus Ký cùng phái đoàn được yết kiến vua Napoléon Đệ tam của Pháp. Sau đó Petrus Ký được đi thăm nhiều nơi trên đất Pháp, và được gặp nhiều nhân vật tên tuổi thuộc nhiều lãnh vực khác nhau. Ông lại còn được sang thăm Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý và được yết kiến Giáo Hoàng tại La Mã. Giáo Hoàng khuyên trau dồi tín lý, do có học vấn rộng để có thể giúp đạo, giúp đời. Trong chuyến đi dài gần một năm này, Petrus Ký đã học được nhiều điều hay, lạ về văn minh tiến bộ của Âu Châu mà sau này có dịp sẽ đem ra áp dụng trong nước.
Về nước, Petrus Ký viết cho Gia Định báo, cơ quan thông tin và truyền bá chữ quốc ngữ của nhà cầm quyền Pháp tại Nam Kỳ (năm 1865).
Năm 1866, Petrus Ký thay thế linh mục Croc để điều hành trường thông ngôn.
Sau đó, được thủy sư đô đốc Pháp là Ohier tín nhiệm nên ký nghị định ngày 15/9/1869 giao cho điều hành tờ Gia Định báo mà trước đó do ông Ernest Poteau làm quản nhiệm. Khi Petrus Ký điều hành bài vở Gia Định báo, ông nêu ra ba mục đích :
- Truyền bá chữ quốc ngữ trong nhân dân
- Cổ động tân học trong nước;
- Khuyến khích nhân dân học chữ quốc ngữ.
Từ đây tờ Gia Định báo có sự cộng tác của Tôn Thọ Tường,Trương Minh Ký, Paulus Huỳnh Tịnh Của…
Năm 1868, Petrus Ký được soái phủ Nam kỳ giao phó trách nhiệm quy định lối viết tên những thị trấn của xứ Nam kỳ, và điều hòa cách cân, đo của ta và Tây.
Ngày 1 tháng 1 năm 1871, trường sư phạm được thành lập.
Năm 1872, Petrus Ký được Pháp thăng chức Tri huyện hạng nhất, đồng thời được bổ làm Đốc học (Giám đốc) trường Sư phạm dạy người Pháp học tiếng phương Đông, kiêm chức thư ký Hội đồng châu thành Chợ Lớn (1 tháng 6 năm 1872).
Ngày 1 tháng 1 năm 1874, Petrus Ký lãnh chức Giáo sư dạy chữ Việt và chữ Pháp cho người Pháp và người Tây Ban Nha tại trường Tham biện Hậu bổ (Collège des administrateurs stagiaires) lãnh đạo bởi ông Luro, rồi làm Chánh đốc học trường ấy, đồng thời lãnh chức Ủy viên thượng Hội đồng Giáo dục (17 tháng 11 năm 1874). Cũng trong năm này, Pétrus Ký được bình chọn đứng hàng thứ 17 trong 18 thành viên của hội “Savants du Monde”, một hội gồm nhiều các khoa học, văn học Pháp.
Năm 1874 hay trước đó, Giáo sư giảng dạy tại trường Chasseloup-Laubat và cho cua (cours) tự do ở Văn phòng Nội Vụ (Văn phòng của chính phủ Nam Kỳ).
Năm 1876, thống đốc Nam kỳ cử Petrus Ký ra Bắc kỳ tìm hiểu tình hình miền Bắc. Khi trở về ông có viết tập Chuyến đi Bắc kỳ năm Ất Hợi (1876). Ông kể đầy đủ những tỉnh mà ông đã đi qua và dừng chân ghé lại xem xét và tìm hiểu những di tích, địa lý, phong thổ, sản phẩm từng địa phương.
Năm 1877, Petrus Ký được cử làm ủy viên hội đồng cai trị Sàigòn. Ông là hội viên duy nhất và đầu tiên người Nam, được cử vào Hội đồng cai trị này.
Ngày 17 tháng 5 năm 1883, ông được Hàn Lâm Viện Pháp phong danh hiệu Viện sĩ (Officier d’Académie).
Năm 1886, Paul Bert (nghị sĩ, hội viên Hàn lâm, bác học gia sinh vật học) được cử sang Đông Dương làm khâm sứ Trung kỳ và Bắc kỳ để thí nghiệm một chính sách cai trị mới của Pháp. Vốn là bạn với Petrus Ký từ trước, nên Paul Bert mời Petrus Ký ra Huế giúp việc. Ra Huế, Petrus Ký được vua Đồng Khánh tin dùng và lãnh chức Cơ Mật Viện tham tá, sung Hàn Lâm viện Thị giảng học sỉ.
Trong nhiệm vụ này, Petrus Ký hết sức thận trọng và cố hết sức mình để dung hòa giữa hai chính phủ Pháp-Nam. Ông đã bày tỏ cho hai chính phủ biết rỏ quyền lợi lâu dài của nhau, để cùng nhau thông cảm.
Petrus Ký nhận nhiệm vụ được sáu tháng thì Paul Bert bất ngờ tạ thế ngày 11 tháng 11 năm 1886, nên công việc chưa đi đến đâu. Lúc này Petrus Ký lại đương dưỡng bệnh tại Sài Gòn, nên dịp này ông xin ở lại trong Nam Kỳ để tiếp tục trở lại nghề dạy thổ ngữ Đông Phương tại trường Hậu bổ và Thông ngôn (năm 1887).
Tuy là người được đi du học nhiều năm ở nước ngoài, và đi nhiều nước, được hấp thụ văn hóa Tây Phương một cách tường tận, nhưng Petrus Ký lại khác những người đương thời cộng tác với Pháp. Lúc nào ông cũng giữ cái tên Trương Vĩnh Ký, và mặc quốc phục khăn đóng áo dài dù đi ngọai quốc. Khi làm báo, viết văn thì ông dung bút hiệu là Sĩ Tải.
Petrus Trương Vĩnh Ký tuy là người hấp thụ Tây học, nhưng lại truyền bá cho người Tây Phương nền văn hóa Đông Phương giúp cho họ hiểu biết hơn về cái hay, cái đẹp của Đông Phương trong đó có Việt Nam. Vì thế ông đã viết bằng tiếng Pháp những vấn đề như: Ngôn Ngữ Đông phương, Giáo trình văn học An Nam, Về văn thơ An Nam: Phép đối, Phép Làm Văn, Làm thơ, Làm phú; tới những tác phẩm như: Cổ Gia Định Phong Cảnh Vịnh, Gia Định thất thủ vịnh. Ông lại còn đang soạn thảo cuốn Grand Dictionnaire Chinois-Annamite-Francais, nhưng tiếc thay việc đang dang dở thì ông tạ thế.
Ông cũng viết bằng tiếng Pháp những cuốn sách riêng về văn hóa phong tục Việt Nam, như cuốn Les Convenances et Les Civilités Annamites (Phép lịch sự An Nam), Étude Comparée sur les Langues, les Écritures les Croyances et les Moeurs de L’Indochine (Nghiên cứu so sánh tiếng nói, chữ viết, tín ngưỡng và tôn giáo các dân tộc Đông Dương), Dictionnaire Biographique Annamite (Từ điển danh nhân An Nam)…
(Phụ chú: Ông còn là tác giả của tài liệu Souvenirs historiques sur Saigon et ses Environs, xuất bản năm 1885. Ngày nay, đây tài liệu tham khảo gối đầu của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử về thành phố Sàigòn, trong đó có ông Vương Hồng Sển, nhà học giả, khảo cổ nổi tiếng)..
Ông còn viết sách bằng chữ Hán như cuốn Tam tự kinh Quốc ngữ diễn ca (1884), Hàn nho phong vị phú (1883)…
Chữ Quốc ngữ được ông sử dụng để viết các cuốn như Chuyện đời xưa lựa chọn lấy những chuyện hay và có ích, in lần đầu năm 1886, sau con cháu cho tái bản đã rút gọn tên sách còn là Chuyện đời xưa, năm 1924 tới nay đã được tái bản nhiều lần.
Đặc biệt nhất là cuốn truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du đã được Petrus Ký soạn và dịch, phiên âm với tựa đề Poeme Kim Vân Kiều.
Ông Trương Vĩnh Ký đã sáng tác trên 200 tác phẩm đủ ngành, đủ loại đã thành hình và nhiều tác phẩm còn dang dở.
Khi còn cộng tác với Pháp, Petrus Ký được họ kính nể vì học thức và trí thông minh của ông, vì tài năng mà họ muốn lợi dụng để làm nhịp cầu giao hòa giữa Pháp và triều đình Huế. Vì vậy khi đương tại chức, những sách lược của ông đều được nhà cầm quyền Pháp bỏ tiền ra in để phân phối cho học sinh Pháp lẫn Việt Nam ở Nam kỳ học tập và nghiên cứu. Nhưng từ khi ông cáo lui về ẩn dật ở Chợ Quán thì những sáng tác của ông không còn được Pháp tài trợ in ấn và phát hành nữa. Ông phải bỏ tiền ra in lấy với mục đích duy nhất là phổ biến văn hóa để mở mang dân trí. Những sách in ra bán ế ẩm khiến cho Petrus Ký phải lao đao khánh tận như trong nhật ký ông đã viết: “… Bị hai cái khánh tận, nhà in… nơi mà… mất hơn sáu ngàn đồng bạc. Phần thì sách vở bán không chạy, mắc nợ nhà in Rey và Curiol, phần thì bị… phải bảo lãnh nợ cho nó hết, hơn… lại than phát đau hư khí huyết…”
Từ hoàn cảnh trên Petrus Ký bị lâm bệnh nặng, biết khó sống được nên trước khi nhắm mắt từ giả cõi đời, ông đã gởI lại bài thơ ngắn tuyệt mệnh:
Quanh quanh quẩn quẩn lối đường quai,
Xô đẩy người vô giữa cuộc đời.
Học thức gởi tên: con mọt sách,
Công danh rốt cuộc: cái quan tài.
Dạo hòn, lũ kiến mau chơn bước,
Bò xối, côn trùng chắt lưỡi hoài.
Cuốn sổ bình sanh công với tội,
Tìm nơi thẩm phán để thừa khai..”
Xô đẩy người vô giữa cuộc đời.
Học thức gởi tên: con mọt sách,
Công danh rốt cuộc: cái quan tài.
Dạo hòn, lũ kiến mau chơn bước,
Bò xối, côn trùng chắt lưỡi hoài.
Cuốn sổ bình sanh công với tội,
Tìm nơi thẩm phán để thừa khai..”
Ngày 1 tháng 9 năm 1898, Petrus Ký tạ thế, hưởng thọ 62 tuổi. Được an táng tại Chợ Quán nơi sinh phần của gia đình họ Trương, nơi có hơn 50 ngôi mộ ,đã xây sẵn để ông an nghỉ ngàn thu.Khu mộ phần này nay là nhà số 520, Trần Hưng Đạo, quận 5, Sàigòn.
Bên cạnh khu mộ là ngôi nhà cổ với kiến trúc ba gian hai chái truyền thống. Bên trong có treo bức hình chụp cả nhà họ Trương trong ngày chôn cất cụ Trương Vĩnh Ký. Trên nóc nhà còn khắc dòng chữ ghi thời gian xây dựng ngôi nhà: “Decembre 1889”. Theo con cháu cụ Trương hiện vẫn còn sinh sống tại đây, ngôi nhà này là do đích thân cụ Trương Vĩnh Ký chỉ huy xây dựng. Đây cũng là nơi cụ sống và làm việc vào những ngày cuối đời.
Ngày nay, nếu có dịp nào đó đi về phía Chợ Quán, ngay ngã tư đường Trần Hưng Đạo – Trần Bình Trọng, chúng ta sẽ nhìn thấy một cái cổng xây tam quan, kiến trúc như cổng chùa, nhưng trên nóc cổng có cây Thánh giá, giữa cổng có ghi hàng chữ La tinh: “MISEREMINI MEI SALTEM VOS AMICIC MEI” (Xin hảy thương tôi, ít ra những bạn hữu của tôi).
Trương Vĩnh Ký là một trường hợp khá tế nhị tùy theo một cách nhìn nào đó về ông. Chính vì vậy mà trải qua những thăng trầm của lịch sử đất nước, người ta cũng có những cách đối xử khác nhau đối với nhà văn hóa lỗi lạc này”.
Qua tiểu sử của ông Trương Vĩnh Ký trình bày ở trên, người ta thấy rằng những việc làm có tính cách chính trị của ông, có nhiều liên hệ với chính quyền Pháp và triều đình Việt Nam, là làm nhiệm vụ Thông Ngôn cho các cuộc họp thương lượng những hòa ước giữa chính quyền hai xứ khi có vấn đề, đây không phải việc làm toàn thời gian của ông.
Phần lớn thời gian của ông đã được cống hiến cho việc dạy học, làm báo,viết văn, truyền bá chữ Quốc ngữ, dịch thuật…
Tài liệu [22] đã viết như sau: Trương Vĩnh Ký là người Việt Nam đầu tiên đã :
- theo nghề làm báo tiếng Việt, tự mình đứng ra thành lập tờ tạp chí tiếng Việt đầu tiên,
- viết văn xuôi bằng chữ quốc ngữ,
- đã viết lại bằng chữ quốc ngữ những tác phẩm cổ điển chữ nôm rồi in ra và phổ biến,
- viết lại bằng chữ quốc ngữ một phần kho tàng văn chương bình dân của dân tộc Việt Nam và xuất bản,
- viết và giải thích bằng chữ quốc ngữ các lý thuyết của đạo Khổng Mạnh đã thấm nhuần trong văn hóa và giáo dục Việt Nam từ hàng nghìn năm.
Thế mà một số các sử gia và nhà nghiên cứu cộng sản đã dành cho ông Trương Vĩnh Ký những phán đoán độc đoán một chiều, hàm hồ, giáo điều cứng ngắt theo đúng các chiêu bài tuyên truyền vạch ra của đảng (tài liệu [23]) , chẳng hạn như:
Nhà sử học (sic) Trần Văn Giàu (TVG) đã nhận xét :“Khi mà kẻ xâm lược và kháng chiến đang chọi nhau dữ dội, trên chiến trường Thắng-Bại chưa ngã ngũ hẳn, khi ấy mà ai đứng hẳn về phe kẻ địch (của dân tộc Việt Nam) thì nhà chép sử nào, dù có rộng xét mấy cũng không thể lấy bất kỳ số sách vở sáng tác hay phiên dịch nào để biện bạch và giảm nhẹ trách) nhiệm tinh thần của một người dân nước, nhất là của một “Kẻ Sĩ” (chỉ Trương Vĩnh Ký)”. (Chú thích : Ông Trương Vĩnh Ký chỉ làm chức Thông Ngôn cho các cuộc thương lượng những hòa ước giữa hai xứ Việt Nam và Pháp. Nếu không có Thông Ngôn thì làm sao mà hai bên hiểu nhau được.Không có một chút bằng chứng nào chỉ ra rằng ông Trương Vĩnh Ký đứng về phía Pháp (phe kẻ địch) để làm hại Việt Nam).
Vài thành tích sắt máu của ông sử gia TVG này :
Theo tài liệu [24] thì TVG và Dương Bạch Mai, hai lãnh tụ công khai của đảng Cộng sản Việt Nam ở Sàigòn, đồng thời là những người xta-lin-nít khét tiếng, qua “giả thuyết” của sử gia Daniel Hémery, có thể là người chủ mưu ám sát Tạ Thu Thâu.
Tài liệu này cũng vạch mặt chỉ tên những kẻ đao phủ trực tiếp hạ sát Tạ Thu Thâu : Ba thủ phạm,họ đều là những người cộng sản. Người thứ nhất là Kiều Đắc Thắng, trách nhiệm Nghiệp đoàn. Người thứ hai là Nguyễn Văn Trấn, đã từng được đi học tập ở Moscow. Người thứ ba tên là Nguyễn Văn Tây, cựu bộ trưởng chính phủ Trần Văn Giàu”.
Theo tài liệu [25] thì tháng 9 năm 1945, sau khi Nhật đảo chính Pháp, ông Tạ Thu Thâu về Nam Kỳ, trên đường về, ông bị Việt Minh bắt và sau đó xử tử tại Quảng Ngãi theo lệnh của TVG.
Một tài liệu của nhóm Đệ Tứ Việt Nam cho rằng Tạ Thu Thâu bị Việt Minh bắt theo lệnh của TVG và bị giết theo lệnh của TVG và Hồ Chí Minh.
Tài liệu [26] viết : Theo tài liệu của nhóm Đệ Tứ (Đỗ Bá Thế, Phương Lan) thì chính TVG đã hạ lịnh thủ tiêu Tạ Thu Thâu, mặc dầu Thâu là thầy học của TVG, đã tận tình giúp đỡ TVG khi còn du học bên Pháp, coi TVG như nghĩa đệ của mình. TVG phải giết Tạ Thu Thâu vì biết ông vượt hẳn mình về mọi phương diện: tài ba, đức độ, uy tín, nhưng lại không chịu đứng chung phe Cộng Sản Đệ tam. TVG giết Thâu là giết một đối thủ lợi hại, trừ hậu hoạn.
Tuy vậy, TVG vẫn bác bỏ trách nhiệm của mình trong cái chết của ông Tạ Thu Thâu (tháng 9 năm 1945 tại Quảng Ngãi), nhưng TVG giữ im lặng, không trả lời về việc ông Phan Văn Hùm và các đồng chí đã bị thủ tiêu ở Nam Bộ năm 1946 (tài liệu [27]).
Sử gia (sic) Trần Huy Liệu (THL) thì nhận xét: “Về phẩm cách cá nhân của một sĩ phu lúc ấy, không phải chỉ nhìn ở sinh hoạt thông thường mà chủ yếu là phải lấy thái độ đối với dân tộc, đối với giặc cướp nước làm tiêu chuẩn. Là người học rộng, Trương không làm tay sai như kiểu Trần Tử Ca, Trần Bá Lộc… mà đóng vai trò mưu sĩ bày cho giặc (Pháp) những thủ đoạn thâm trầm dùng người bản xứ trị người bản xứ, dùng danh nghĩa Nam triều (nhà Nguyễn) để đánh nghĩa quân. Cái học vấn của Trương càng uyên bác bao nhiêu thì tác hại của Trương càng lớn bấy nhiêu…”.
Chú thích : Cái lối kết tội của ông sử gia THL này rất thâm hiểm vì ngay chào đầu, ông đã gán tên của Trần Tử Ca, Trần Bá Lộc nổi tiếng là tay sai đắc lực của Pháp trong việc đàn áp nhân dân Việt Nam vào cùng nhóm với tên ông Trương Vĩnh Ký. Tuy nhiên cách làm này của ông THL này rất hồ đồ và khập khểnh bởi vì tính chất, nhiệm vụ, môi trường, thời gian của công việc và bản chất của người thực hiện công việc hoàn toàn khác nhau :
Trần Tử Ca và Trần Bá Lộc trông coi việc cai trị hành chánh thường ngày (quotidiennement – daily) ở cấp tỉnh,quận, xã, trên đường phố… trực tiếp với người dân nên lạm quyền tàn ác, đàn áp,vơ vét người dân.
Trong khi đó ông Trương Vĩnh Ký chỉ làm nhiệm vụ Thông Ngôn khi có dịp cần ngắn hạn (occasionnement- occasionally) cho các cuộc gặp gỡ chính thức giữa chính quyền Pháp và triều đình Việt Nam, đại diện bởi một số nhỏ người, có thể là các Đô Đốc Pháp Bonnard,Paul Bert.., và các quan cao cấp của triều đình Phan Thanh Giản ,Phạm Phú Thứ.. Người ta có thể nói đây là việc làm của một nhân viên của bộ Ngoại Giao thời nay. Và ai cũng biết rõ rằng rằng người Thông Ngôn, chỉ làm nhiệm vụ thông dịch lại những điều được nói hay viết giữa hai phái đoàn. Hãy quan sát các thông dịch viên làm việc ở Liên Hiệp Quốc hay những cuộc họp thượng đỉnh quốc tế khác thì thấy ngay.
Hơn thế nữa, những đoạn văn sau đây được tác giả tài liệu [28] trích từ tác phẩm Petrus Ký nỗi oan thế kỷ, một công trình nghiên cứu về Petrus Ký mới đây của học giả Nguyễn Đình Đầu (một nhà nghiên cứu nổi tiếng trong lĩnh vực địa lý học lịch sử Việt Nam hiện nay) cho thấy cá tính con người của ông Trương Vĩnh Ký trong quan hệ làm việc thông ngôn với người Pháp : ” Theo thư trao đổi giữa Trương Vĩnh Ký và Đại tá Hải quân Ariès, chỉ huy trưởng đạo quân chiếm đóng Sàigòn, vào hai ngày 21/5/1861 và 28/5/1861. Trương Vĩnh Ký chỉ nhận làm những việc theo lương tâm mình và nghỉ việc bất cứ khi nào thấy không còn thích hợp. Cho nên Ariès không đề nghị Trương Vĩnh Ký làm thông ngôn.Ariès đã gửi hai thư báo cáo với đô đốc Charner về chuyện này.Trong những lời đối đáp khi chính quyền Pháp yêu cầu Trương Vĩnh Ký làm thông ngôn, có những văn thơ chứng tỏ là Trương Vĩnh Ký rất bất mãn trong chuyện người Pháp cư xử với người Việt Nam, cho nên ông không muốn hợp tác”.
(Phụ chú: Tác phẩm Petrus Ký nỗi oan thế kỷ của học giả Nguyễn Đình Đầu đã bị ngụy quyền cộng sản thu hồi khỏi các hiệu sách và bị cấm phát hành ở Việt Nam ( tài liệu [29]).
Tài liệu [30] cũng viết những điều tương tự như trên : “Với những người Pháp, ông không bao giờ khúm núm rụt rè. Ông đã ăn miếng trả miếng với thượng cấp Paulin Vial sau khi người bạn Paul Bert qua đời, cũng như đã yêu sách với đại tá hải quân D’Ariès từ những ngày đầu mới làm cho Pháp”.
Nhận xét của ông sử gia THL này, chụp mũ vô tôi vạ ông Trương Vĩnh Ký bởi vì như đã viết ở trên, ông Trương Vĩnh Ký không có chức hay là làm cố vấn chính trị nào cho Pháp, vậy làm gì có mưu sĩ ở đây ! Phải nói ngay là những cái trò chụp mũ, vu khống, âm mưu thủ thiêu những người Việt Nam đối lập là lẽ sống thường ngày từ trước đến nay của đảng cộng sản của ông THL.
Cũng cần viết thêm là ông sử gia THL này là thợ viết, viết theo đơn đặt hàng của đảng, chính là người đã chế ra một tài liệu hoàn toàn giả tưởng với nhân vật Lê Văn Tám không có thật để làm công tác tuyên truyền. Trong bài viết đăng trên tạp chí Xưa và Nay số ra tháng 10 (năm 2009), giáo sư sử học Phan Huy Lê nói rằng ông đã được ông Trần Huy Liệu, Viện trưởng Viện sử học và cũng là Bộ trưởng Tuyên truyền hồi thập niên 1940 kể cho nghe nhân vật Lê Văn Tám là do ông Liệu dựng lên để cổ vũ tinh thần chiến đấu của người Việt. Ông Phan Huy Lê cũng nói rằng ông Trần Huy Liệu đã nói với ông và hai người khác trong một cuộc gặp: Sau này khi đất nước yên ổn, các anh là nhà sử học, nên nói lại giùm tôi, lỡ khi đó tôi không còn nữa..”) .
Một nhà nghiên cứu cộng sản khác, ông Nguyễn Sinh Duy trong cuốn “Trương Vĩnh Ký – cuốn sổ bình sanh” viết: “Chỗ đứng của Trương Vĩnh Ký vẻ vang và đồ sộ không phải trên văn đàn dân tộc Việt Nam mà chính ở trong nền văn chương thuộc địa (une littérature coloniale) của người chính quốc Pháp và những ngòi bút phục vụ quyền lợi thuộc địa”.
(Chú thích: Ông NSD này cần đọc lại danh sách các tác phẩm viết bởi ông Trương Vĩnh Ký được kể trong phần tiểu sử của ông ở trên, để ông có thể đào ra hay bói ra được một tác phẩm phục vụ quyền lợi thuộc địa. Chính các ngươi đã và đang áp đặt dân tộc Việt Nam một loại chủ nghĩa ngoại lai nhập cảng rập khuôn từ Nga cộng, Tàu cộng. Đây mới chính là văn chương thuộc địa !).
Tên tàu cộng Mao Xếnh Xáng, quan thầy của bọn cộng sản Ba Đình, từng miệt thị bọn trí thức xã hội chủ nghĩa như sau : Trí thức không bằng cục c…
Theo tài liệu [30] : “… ông Trương Vĩnh Ký không khuất phục người Pháp và sự hợp tác của ông với Pháp không phải lúc nào cũng suôn sẻ – như nhiều tác giả về ông đã nhận xét ,kể cả những sử gia miền Bắc là những người đã gay gắt lên án ông là tay sai cho Pháp.
Theo tài liệu [22] : Do hoàn cảnh đặc biệt trong thời đại của mình, Trương Vĩnh Ký đã bị người đời sau (Chú thích của tác giả tài liệu này : Chỉ có số ít người đời sau thôi đặc biệt là đảng cộng sản Việt Nam ?) đánh giá khác nhau về việc ông cộng tác với người Pháp. Có người nghĩ một cách đơn giản chỉ cần cộng tác với Pháp là đương nhiên thành Việt gian bán nước. Nhưng với một cách nhìn khác, với sự đào sâu tìm hiểu sự nghiệp văn hóa của ông, phần đông người Việt Nam đều cho ông là người có công lớn đối với đất nước khi lợi dụng làn gió mới mẻ từ Tây phương để mở ra một hướng khác cho văn hóa Việt Nam, hầu nước nhà có thể thoát ra khỏi ảnh hưởng bế tắc của Trung Hoa để theo kịp nền văn minh mới của năm châu bốn biển.
Theo tài liệu [31] : Tham vọng của ông Trương Vĩnh Ký là tìm đủ cách để cho ích quốc lợi dân, dù có hy sinh đến địa vị, quyền lợi của mình đi chăng nữa.
Theo tài liệu [30] : Thêm nữa, trong một cuốn bản thảo viết tay của Petrus Ký đóng dấu Cơ Mật Viện đề ngày 15 tháng 4 năm 1886 có một bài viết đầu đề là “Trương -Vương Vấn Đáp” đề cập đến một cuộc trao đổi chính kiến giữa Petrus Ký (Trương) và Đồng Khánh (Vương). Theo bài viết đó, cách giải quyết cho tình hình chính trị của Việt Nam mà Petrus Ký đề nghị với Đồng Khánh là như sau: “ngoài thì xử trí đối với ngoại quốc cho êm, trong thì đâu đó cho bằng yên, nhân dân an cư lạc nghiệp thì là gốc, ấy là hữu nhân, ấy là đắc chúng”.
Tương tự, năm 1887, sau khi đã về lại Sài Gòn và dù không còn làm trong Cơ Mật Viện, Petrus Ký vẫn gởi cho Đồng Khánh một tập tấu 24 điều, trong đó có điều 23 như sau:” … Lo làm sao cho dân siêng năng làm giàu, không để người Pháp làm gầy nước ta, thu phục lòng dân ta, thời cái chính sách tự cường há chẳng nghiêm du ?”.
Cái xã hội của người dân An Nam hay đồng bào của ông là những người mà Petrus Ký quan tâm đến chứ không phải là triều đình Huế hay chính phủ thuộc địa Pháp. Mục đích tối hậu của ông luôn luôn là làm cho đời sống của người dân hay xã hội An Nam của ông tốt đẹp hơn, chứ không phải cho chính ông hay gia đình ông. Lịch sử đã chứng minh là ông làm việc cho Pháp với mức lương cao nhất thời đó, nhưng ông đã chết nghèo vì tiền làm ra được ông dùng để in thêm sách học. Ông đã từ chối làm giàu dù học trò của ông, những người làm việc cho Pháp cùng thời hay sau ông đều phát lên giàu có nhờ dựa vào thế của Pháp. Ông cũng đã từ chối không làm quan chức gì mà chỉ nhận là thầy giáo mà thôi, cho đến khi chết trên phần mộ cũng chỉ đề đơn giản là Giáo Sư Ngôn Ngữ Đông Phương.
Trong cuốn sách nhỏ Người Sàigòn, nhà văn Sơn Nam viết: “Trương Vĩnh Ký, nhà học giả có tầm cỡ trong bối cảnh Sài Gòn cuối thế kỷ 19 đã gây được sự mến mộ nhờ phong cách bình dân, áo dài đen, đi giày hàm ếch, khăn đóng, đặc biệt là hớt tóc… Bài thơ sau cùng của ông nhằm tự phán xét: “Học thức gởi tên con sách nát. Công danh rốt cuộc cái quan tài… Cuốn sổ bình sanh, công với tội. Tìm nơi thẩm phán để thừa khai”. Ðương thời, Trương Vĩnh Ký không xin nhập quốc tịch Pháp…”. Tài liệu [30] cũng viết rằng ông đã nhất quyết từ chối không vào công dân Pháp dù được thúc đẩy nhiều lần.
Mặc dầu làm việc cho Pháp, nghiên cứu văn hoá Ðông Tây, nhà văn, nhà giáo, nhà báo (chủ biên tờ Gia Ðịnh báo) và được Viện Hàn Lâm Pháp phong danh hiệu nhưng ông Trương Vĩnh Ký là một con người luôn giữ tâm hồn thuần Việt, tấm lòng của ông vẫn là một người con dân nước Việt, giữ đạo đức, phẩm hạnh của một người Việt theo luân lý Khổng Mạnh. Nói chung không chỉ nhiều người trong nước yêu mến ông mà cả người Pháp trí thức cũng yêu mến ông không kém (tài liệu [32]).
Học giả Vương Hồng Sển trong tài liệu [33], đã viết như sau: ” Trương Vĩnh Ký (tự Sĩ Tải) , Trương Minh Ký (tự Thế Tải), Huỳnh Tịnh Của (tự Tịnh Trai) là ba ông minh triết bảo thân, gần bùn mà chẳng nhuốm mùi bùn, không ham “đục nước béo cò” như ai, chỉ say đạo lý và học hỏi, sống đất Tào mà lòng giữ Hán, thác không tiếng nhơ, thấy đó mà mừng thầm cho nước nhà những cơn ba đào sóng gió còn hiếm người xứng danh học trò cửa Khổng’. Nghĩ cho tay dao tay súng làm nên sự nghiệp như những nhà kia, nhưng khi nhắm mắt, sự nghiệp hoen ố lụn bại sao bằng một ngòi bút, một nghiên mực, sự nghiệp văn chương trường cửu của ba ông tiền bối này mới thật quý và thơm”.
Học giả Nguyễn Văn Tố tóm tắt sự nghiệp của Trương Vĩnh Ký gọn trong 3 tiếng : Bác học, Tâm thuật, Khiêm tốn.
Tài liệu tham khảo :
- Trang mạng của Hội Ái Hữu Petrus Trương Vĩnh Ký-Úc – Lược Sử trường Petrus Trương Vĩnh Ký.
- Trang mạng của Hội Ái Hữu Petrus Trương Vĩnh Ký Âu Châu -Hình ảnh.
- Bách khoa toàn thư Wikipedia : Alexandre Varenne.
- Trần Văn Lắm – Hơn Bảy Mươi Năm Qua- Đặc San Petrus Trương Vĩnh Ký 2013.
- Nguyễn Thanh Bạch – Những năm tháng không quên-Sàigòn của mình -01/01/2020.
- Hội Ái Hữu Pétrus Trương Vĩnh Ký Âu Châu : Trường Petrus Trương Vĩnh Ký trước năm 1945.
- Mạnh Tùng – Ngôi trường thời Pháp mang tên học giả Trương Vĩnh Ký-2/09/2017.
- Lâm Vĩnh Thế -Nhớ về trường Petrus Ký những năm đầu của thập niên 1950.
- Lê Hùng Dương –Chuyện Học Hành Thuở Ấy- Đặc San Petrus Trương Vĩnh Ký 2013.
- Hội Ái Hữu Pétrus Trương Vĩnh Ký Âu Châu -Hình thành Trường Petrus Trương Vĩnh Ký.
- Trần Ngọc Thạch -Tưởng nhớ người ra đi-Cụ Charles Trần Văn Lắm- Đặc san Petrus Ký Úc Châu 2001-2002.
- Thanh Phong -Đại hội kỷ niệm 90 năm trường Petrus Trương Vĩnh Ký-19/11/2018.
- Trang mạng của Hội Ái Hữu Petrus Ký Nam California-Mao Đang-Vài Hàng Về Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Liêm-Báo Người Việt- 24/08/2016.
- Captovan -Thầy: Mi Sinh Tiền … Trò: Con Xin Tiền-Đặc San Petrus Trương Vĩnh Ký 2013-Toàn Cầu Hội Ngộ.
- Đại Tá Cổ Tấn Tinh Châu: Thủy Quân Lục Chiến VNCH bắt sống quân Trung Cộng tại đảo Ducan Hoàng Sa năm 1959.
- Văn Lan/Người Việt -Hội Lực Lượng Đặc Biệt VNCH họp mặt, nhớ mãi tình huynh đệ chi binh- 25/11/ 2019.
- Lâm Hoài Thạch/Người Việt -Bác Sĩ Nhảy Dù Phạm Gia Cổn và ba trận đánh Kon Tum, An Lộc, Quảng Trị-18/02/2020.
- Lâm Hoài Thạch/Người Việt -Bác Sĩ Phạm Gia Cổn trong những trận đánh cuối cùng tại miền Nam-25/02/2020.
- Lâm Hoài Thạch/Người Việt – Học sinh Petrus Ký hải ngoại nhắc chuyện xưa trong Tân Niên Canh Tý-02/03/2020.
- Lâm Vĩnh Thế – Nhớ Về Trường Petrus Ký 60 Năm Trước: Ðiểm Danh Lại Các Bạn Cùng Học Các Lớp Ðệ Nhị Cấp (từ 1957 đến 1960) Tại Trường Trung Học Petrus Trương Vĩnh Ký.
- Đặng Thúc Liêng -Trương Vĩnh Ký Hành Trạng-In tại nhà in Xưa-Nay, Sàigòn- 1927.
- Sách Kỷ yếu Trương Vĩnh Ký -Little Saigon-07/05/2019.
- Bách khoa toàn thư -Trương Vĩnh Ký.
- Tấn Đức -Tìm hiểu lịch sử cái chết của nhà ái quốc Tạ Thu Thâu.
- Bách khoa toàn thư -Tạ Thu Thâu.
- Sách Phật Giáo Hòa Hảo -Việt Minh Cộng Sản Sát Hại Các Lảnh Tụ Quốc Gia- 09/11/2005.
- Nguyễn Ngọc Giao -Sử gia Trần Văn Giàu qua đời-17/10/2010.
- Tùng Phong -Petrus Ký Nỗi oan thế kỷ.
- BBC- News-Tiếng Việt -Sử gia Nguyễn Đình Đầu buồn vì sách Petrus Ký bị thu hồi-10/01/2017.
- Winston Phan Đào Nguyên -Nghiên cứu lịch sử-Minh oan cho Petrus Trương Vĩnh Ký về câu “ở với họ mà không theo họ”- 13/04/ 2017.
- Khổng Xuân Thu -Trương Vĩnh Ký 1837-1898.
- Trang Nguyên-Ngôi trường mang tên Pétrus Trương Vĩnh Ký- Dòng Sông Cũ 27/10/2017.
- Vương Hồng Sển – Sàigòn Năm Xưa-Sống Mới-1968.