Thứ Ba, 14 tháng 12, 2021

Kinh nghiệm ngoại giao văn hóa của Mỹ và bài học đối với Việt Nam

Việc phát huy sức mạnh mềm thông qua truyền bá văn hóa Mỹ, giá trị Mỹ ra bên ngoài, trong đó có công cụ ngoại giao văn hóa được chính giới Mỹ rất coi trọng.

Ngoại giao văn hóa - cánh tay nối dài của sức mạnh mềm Mỹ

Sức mạnh mềm là một cấu phần quan trọng làm nên sức mạnh tổng thể quốc gia của Mỹ. Việc phát huy sức mạnh mềm thông qua truyền bá văn hóa Mỹ, giá trị Mỹ ra bên ngoài, trong đó có công cụ ngoại giao văn hóa được chính giới Mỹ rất coi trọng. Mỹ định nghĩa "ngoại giao văn hóa" có một số điểm đặc thù sau:

Kinh nghiệm ngoại giao văn hóa của Mỹ và bài học đối với Việt Nam - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc (Ảnh: Thế giới & Việt Nam).

Thứ nhất, khái niệm "văn hóa" được cô đặc trong các "giá trị" và "niềm tin" của xã hội Mỹ. "Giá trị Mỹ" được chắt lọc lại bao gồm: dân chủ, tự do cá nhân, bình đẳng, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa dân tộc, chế độ trọng nhân tài, sự thẳng thắn, sự đổi mới, xã hội tiêu dùng, sự tùy nghi - thoải mái, coi trọng thời gian và tính hiệu quả.

Thứ hai, ngoại giao văn hóa là một cấu phần của ngoại giao công chúng. Mỹ rất coi trọng ngoại giao công chúng. Ngay từ năm 1953, Tổng thống Mỹ Eisenhower đã thành lập Cơ quan thông tin Mỹ - USIA, một "cánh tay" ngoại giao công chúng của Chính phủ. Theo thông tin chính thức trên website của Bộ Ngoại giao Mỹ, ngoại giao công chúng có nhiệm vụ "mở rộng giao lưu giữa người dân Mỹ và người dân các nước, tìm kiếm, thu hút sự quan tâm, tác động thông tin và nắm bắt quan điểm của công chúng các nước về Mỹ", truyền bá và nâng tầm ảnh hưởng của các "giá trị Mỹ", "tô điểm" hình ảnh Mỹ trong nhận thức của người dân thế giới, từ đó nâng cao tính cạnh tranh của sức mạnh mềm và củng cố vị thế của nước Mỹ. Trong mục tiêu này, sứ mệnh và vai trò của ngoại giao văn hóa Mỹ rất quan trọng, nhất là trong thời bình thì sức mạnh văn hóa, sức mạnh mềm có lúc còn quan trọng hơn sức mạnh cứng.

Thứ ba, quảng bá văn hóa luôn luôn đi đôi với truyền bá văn hóa, thông tin nhằm nâng cao nhận thức. Việc truyền bá các giá trị Mỹ, tư tưởng Mỹ được triển khai phần nhiều thông qua các chương trình đào tạo, được thực hiện bền bỉ, lâu dài theo một quá trình, "mưa dần thấm lâu" và có chọn lọc đối tượng để đào tạo. Các đối tượng được chọn để đầu tư là các nhân tài, các nhà lãnh đạo tương lai…, tựu chung là những người có sức ảnh hưởng, có lợi cho Mỹ về lâu dài.

Ngoại giao văn hóa trong triển khai đối ngoại của Mỹ

Mỹ rất coi trọng ngoại giao công chúng trong tổng thể chính sách đối ngoại. Bộ Ngoại giao Mỹ xếp ngoại giao công chúng đứng thứ ba trong bốn mục tiêu chính của chính sách đối ngoại, lần lượt là: (Bảo vệ nước Mỹ và người dân Mỹ; Thúc đẩy dân chủ, nhân quyền và những lợi ích toàn cầu khác; Tăng cường hiểu biết của cộng đồng quốc tế về chính sách của Mỹ và giá trị Mỹ; và Hỗ trợ những nhà ngoại giao, quan chức chính phủ và tất cả các nhân viên trong và ngoài nước đang thực hiện các mục tiêu nói trên.

Về cơ quan phụ trách và cơ chế triển khai, trong hệ thống cơ quan chính phủ Mỹ, không có cơ quan cấp Bộ phụ trách về văn hóa như Việt Nam. Theo Hiến pháp Mỹ, Chính quyền hay Quốc hội không được trao nhiệm vụ quản lý về văn hóa. Về ngoại giao văn hóa, Chính phủ Mỹ thành lập riêng một cơ quan phụ trách trực thuộc Bộ Ngoại giao là Cục các vấn đề Văn hóa và Giáo dục (Bureau of Educational and Cultural Affairs - ECA). Việc sắp xếp này cho thấy tính thống nhất trong triển khai ngoại giao văn hóa của Mỹ: Bộ Ngoại giao là cơ quan thực thi chính sách đối ngoại, đồng thời phụ trách quảng bá hình ảnh và các giá trị Mỹ.

Nhiệm vụ của ECA được Bộ Ngoại giao Mỹ nêu là "thiết kế và triển khai các chương trình trao đổi giáo dục, làm việc, và trao đổi văn hóa và các chương trình khác nhằm tạo ra và duy trì sự hiểu biết lẫn nhau với các quốc gia khác để thúc đẩy chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ". Bên cạnh ECA, ở cấp tiểu bang, các trung tâm văn hóa nghệ thuật, các cơ sở văn hóa cùng hợp tác triển khai chính sách ngoại giao văn hóa.

Kinh nghiệm ngoại giao văn hóa của Mỹ và bài học đối với Việt Nam - 2

Nhấn để phóng to ảnh

Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2016, Tổng thống Obama đã ngồi ăn bún chả, uống bia Hà Nội (Ảnh: Instagram).

Mỹ dành nguồn lực lớn cho ngoại giao công chúng nói chung (trong đó bao gồm ngoại giao văn hóa) và được hậu thuẫn bởi một bộ máy truyền thông khổng lồ. Kinh phí Mỹ đầu tư cho ngoại giao công chúng được ước tính là 2 tỷ USD/năm. Riêng ECA, ngân sách hoạt động là 309 triệu USD/năm và phần lớn từ các hoạt động gây quỹ. Văn hóa đặc thù của Mỹ là đóng góp của các nhà hảo tâm, các "Mạnh Thường Quân" cho các hoạt động phục vụ mục đích cộng đồng, cho ngoại giao công chúng và ngoại giao văn hóa của Mỹ là rất lớn. Do đó, không chỉ có nguồn lực từ chính giới, mà từ khu vực tư nhân cũng rất quan trọng.

Về công cụ triển khai ngoại giao công chúng và ngoại giao văn hóa, Mỹ sở hữu lợi thế vô song khi tất cả các loạt hình truyền thông tiên tiến, đa phương tiện, nền tảng công nghệ thông tin, nhất là mạng xã hội (Twitter, Facebook…) đều hội tụ tại Mỹ.

Truyền thông Mỹ có vai trò dẫn dắt truyền thông thế giới, với hơn 1.700 đài truyền hình và 15.500 đài phát thanh cùng 24,3 triệu tờ báo ngày và 25,8 triệu tờ báo tuần. Bên cạnh đó, Mỹ sở hữu ngành công nghiệp giải trí lớn nhất thế giới; Hollywood và các ngôi sao quốc tế là một công cụ vô cùng đắc lực để Mỹ gia tăng ảnh hưởng trên thế giới. Rất nhiều diễn viên điện ảnh nổi tiếng thế giới của Mỹ như George Clooney, Angelina Jolie... đã tham gia các hoạt động liên quan các lĩnh vực mà ngoại giao Mỹ chú trọng, qua đó dùng ảnh hưởng văn hóa để thúc đẩy các mục tiêu chính sách.

Về thực tế triển khai hoạt động ngoại giao văn hóa của Mỹ, cơ quan chủ trì - ECA chủ yếu triển khai các chương trình giao lưu, trao đổi văn hóa và giáo dục với nhiều quốc gia, học giả, nhà nghiên cứu, nghệ sỹ, vận động viên thể thao… trên toàn thế giới.

Theo thống kê mới nhất, trung bình mỗi năm có hơn 110 nước là đối tác của các chương trình giao lưu văn hóa của ECA, trong số hơn 55.000 nhân vật tham gia chương trình của ECA, có 84 người đoạt giải Nobel, gần 450 người là cựu và đương kim nguyên thủ quốc gia - lãnh đạo các nước. Các hoạt động ngoại giao văn hóa được Bộ Ngoại giao Mỹ triển khai bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, thông qua các chương trình truyền hình, băng video, các ấn phẩm và Internet, các cuộc gặp gỡ với các diễn giả, chương trình giao lưu quốc tế.

Ở cấp độ tiểu bang, chính quyền bang và các cơ sở văn hóa công cộng, tư nhân chủ động triển khai các hoạt động văn hóa riêng.

Về cách thức triển khai ngoại giao văn hóa của các cơ quan đại diện Mỹ ở nước ngoài, cách làm của Đại sứ quán Mỹ và Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại Việt Nam là một ví dụ sinh động. Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Hồ Chí Minh xây dựng hẳn một "không gian Mỹ" có tên Trung tâm Mỹ (American Center) để công chúng tới tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu.

Tại đây, một khối lượng tư liệu lớn về đất nước, con người, chính sách Mỹ được trình bày dưới dạng thư viện, để người dân Việt Nam, nhất là học sinh, sinh viên tới tham quan, sử dụng và học tiếng Anh (Mỹ). Trung tâm này cũng thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, buổi tập huấn, câu lạc bộ tiếng Anh (Mỹ), câu lạc bộ tranh biện, đọc và thảo luận về sách, chiếu phim, triển lãm, biểu diễn âm nhạc miễn phí dành cho công chúng.

Trong triển khai đối ngoại, khía cạnh văn hóa, lịch sử được lãnh đạo và các nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ rất chú trọng. Hầu hết các diễn văn quan trọng mà các Tổng thống Mỹ từ Bill Clinton đến Obama và cả Biden khi còn là Phó Tổng thống đọc trong các dịp tiếp xúc với lãnh đạo và nhân dân Việt Nam đều có hàm lượng văn hóa rất chắt lọc, tinh tế.

Cả Bill Clinton, Barack Obama và Joe Biden đều đã từng lẩy Kiều, chọn những tứ rất hay và phù hợp để nói về quan hệ Việt - Mỹ. Tổng thống Donald Trump đề cập yếu tố lịch sử chống ngoại xâm, giành độc lập dân tộc. Hoặc "đời thường" hơn, khi Tổng thống Obama thăm Việt Nam và ngồi ăn bún chả, uống bia Hà Nội, cũng là dùng nét văn hóa ẩm thực bình dân để lôi cuốn, "lấy lòng" người dân Việt Nam.

Các sản phẩm văn hóa Mỹ từ phim ảnh Hollywood đến âm nhạc, văn học… cũng có sức lan tỏa rất lớn, do đó được các nhà ngoại giao Mỹ sử dụng rộng rãi, góp phần đắc lực vào việc nâng cao sức mạnh mềm và ảnh hưởng văn hóa của Mỹ đối với các nước, trong đó có Việt Nam.

Kinh nghiệm ngoại giao văn hóa của Mỹ và bài học đối với Việt Nam - 3

Nhấn để phóng to ảnh

Nhiều diễn viên điện ảnh nổi tiếng thế giới của Mỹ như Angelina Jolie... đã tham gia các hoạt động liên quan các lĩnh vực mà ngoại giao Mỹ chú trọng, qua đó dùng ảnh hưởng văn hóa để thúc đẩy các mục tiêu chính sách (Ảnh: CBSNews).

Thực tiễn và cách làm Ngoại giao văn hóa của Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ

Khi đất nước hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng, những tinh hoa văn hóa và cách làm hay của bạn bè, đối tác quốc tế, trong đó có Mỹ, có giá trị tham khảo đối với chúng ta để học hỏi, tiếp thu chọn lọc và áp dụng những khía cạnh phù hợp vào thực tiễn Việt Nam. Đặc thù hệ thống chính trị-xã hội, văn hóa chính trị của ta có những điểm khác biệt so với Mỹ. Nét văn hóa Á Đông của dân tộc ta cũng khác văn hóa phương Tây. Do đó, ta không thể rập khuôn những bài học thành công của ngoại giao văn hóa Mỹ vào điều kiện Việt Nam. Tuy nhiên, có một số bài học mà ta có thể xem xét vận dụng.

Đối với Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ, ngoại giao văn hóa là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả các hoạt động chính trị, kinh tế, lãnh sự, truyền thông, giao lưu nhân dân giữa Việt Nam và bạn bè, đối tác Mỹ. Yếu tố văn hóa - sức mạnh mềm của dân tộc, được thể hiện một cách tinh tế, phong phú và đa dạng trong mọi loại hình công việc.

Trước hết, là thái độ cởi mở, lịch thiệp, chân thành, chuyên nghiệp; cách tiếp cận xây dựng, tôn trọng, lắng nghe, tạo dựng lòng tin; chủ động và hợp tác có trách nhiệm cả trong các vấn đề song phương, hay khu vực hay toàn cầu, cả khi hai bên cùng lợi ích hay còn có sự khác biệt…, đóng góp chung vào duy trì hòa bình, an ninh, ổn định của khu vực…, đã tạo nên uy tín và thương hiệu của ngoại giao Việt Nam tại Mỹ; qua đó góp phần nâng cao hình ảnh của đất nước.

Các hoạt động giới thiệu, quảng bá đất nước, con người Việt Nam được thực hiện trong các hoạt động tiếp tân như Quốc khánh, sự kiện mừng Năm mới (Tết cổ truyền của dân tộc), ngày ASEAN, các dịp kỷ niệm bình thường hóa quan hệ, chiêu đãi khách đối ngoại và các hoạt động thường xuyên khác.

Đại sứ quán tích cực tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa có tiếng vang ở sở tại như các hội chợ, triển lãm, hoạt động văn hóa do ngoại giao đoàn và sở tại tổ chức. Hội phu nhân Đại sứ quán hoạt động rất tích cực, đóng góp hiệu quả vào triển khai ngoại giao văn hóa với các hoạt động biểu diễn thời trang Việt Nam, cùng nhóm phu nhân các Sứ quán ASEAN tại Mỹ xuất bản sách nấu ăn để giới thiệu các món ăn đặc sắc của Việt Nam.

Để làm phong phú thêm các sản phẩm truyền thông văn hóa, Đại sứ quán đã xây dựng riêng một website về du lịch Việt Nam, các video clip quảng bá văn hóa, ẩm thực, đất nước và con người Việt Nam. Đại sứ quán cũng thường xuyên cung cấp các tuyên truyền phẩm tới các thư viện, trung tâm nghiên cứu, các tổ chức và cá nhân.

Từ năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hoạt động tiếp xúc trực tiếp bị giới hạn nghiêm ngặt, Đại sứ quán đã áp dụng sáng kiến tặng quà ẩm thực là các món ăn đặc sắc của Việt Nam như nem, phở… cho bạn bè, đối tác Mỹ và được các đối tác rất hoan nghênh, tạo hiệu ứng tốt.

Tại địa bàn Mỹ có cộng đồng Việt kiều lớn nhất thế giới với gần 2,4 triệu người, Đại sứ quán xác định đây vừa là đối tượng ngoại giao văn hóa cần nhắm đến, vừa là nguồn lực to lớn hỗ trợ công tác ngoại giao văn hóa và thực tế đã vận động để cộng đồng tham gia, phối hợp trong triển khai một số hoạt động quảng bá đất nước, con người ở sở tại, như tham gia cùng Sứ quán xây dựng clip ẩm thực Việt Nam, biểu diễn nghệ thuật những dịp Quốc khánh, Tết cổ truyền của dân tộc.

Kinh nghiệm ngoại giao văn hóa của Mỹ và bài học đối với Việt Nam - 4

Nhấn để phóng to ảnh

Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ tổ chức đón Tết Canh Tý 2020 (Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ).

Một số vấn đề đặt ra đối với Ngoại giao văn hóa Việt Nam

Qua thực tiễn triển khai ngoại giao văn hóa tại địa bàn thời gian qua, Đại sứ quán nhận thấy rõ sự chuyển biến trong nhận thức của bạn bè, đối tác quốc tế về Việt Nam. Đất nước ta có vị thế quốc tế ngày càng cao và được bạn bè quốc tế quan tâm, biết đến nhiều hơn. Song sự phát triển nhanh của truyền thông, nhất là mạng xã hội khiến các sản phẩm thông tin văn hóa của chúng ta chịu sự cạnh tranh quyết liệt để có thể giành được quan tâm và thu hút được công chúng Mỹ cũng như các đối tác khác.

10 năm tới là giai đoạn quyết định với vận nước, thế nước và thực lực quốc gia. 10 năm tới sẽ chứng kiến sự chuyển mình lớn nhất của ngoại giao Việt Nam từ khi tham gia Hội nhập quốc tế. Chúng ta đứng trước đòi hỏi cấp bách phải liên tục đổi mới trong triển khai công tác đối ngoại nói chung theo hướng toàn diện, hiện đại. Xin nêu 5 kiến nghị với công tác ngoại giao văn hóa:

Một là, hết sức chủ động và liên tục đổi mới về tư duy theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, đồng thời cần nhấn mạnh yếu tố sáng tạo. Công nghệ phát triển rất nhanh làm cho xã hội và cách con người giao tiếp, tiếp nhận thông tin thay đổi liên tục, đòi hỏi phải chúng ta phải thay đổi, cập nhật thường xuyên trong cách làm. Ngoại giao văn hóa cần phải đi cùng trào lưu mới này.

Hai là, về nội dung, cần tập trung đầu tư công sức, nguồn lực để chắt lọc các giá trị tạo nên sức mạnh mềm của dân tộc ta, định dạng Việt Nam, tiến tới xây dựng sớm một "bộ nhận diện thương hiệu" Việt Nam, tập trung vào những lợi thế so sánh của ta. Trong đó, quà tặng đối ngoại chính là một nhận diện thương hiệu Việt Nam cần được chuẩn hóa sớm.

Ba là, tăng cường nguồn lực cả về hạ tầng kỹ thuật và kinh phí. Ngoài thúc đẩy việc bổ sung đầu tư từ Chính phủ, trong điều kiện còn hạn chế, cần phân bổ nguồn lực cho hợp lý, xác định các ưu tiên. Từ góc độ lĩnh vực hoạt động, bên cạnh các trụ cột ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa là một trụ cột quan trọng cần được quan tâm đầu tư hơn nữa.

Bốn là, về phương thức, chuyển mạnh sang ứng dụng mạng xã hội, điều này đòi hỏi sự chủ động, bản lĩnh, sáng tạo và quan trọng nhất là có hướng dẫn thống nhất, hợp lý trong sử dụng mạng xã hội và công nghệ. Một trong những cách làm của sở tại trong thời gian đại dịch Covid-19 mà chúng ta có thể tham khảo vận dụng và cách tổ chức các triển lãm, sự kiện văn hóa đối ngoại bằng hình thức trực tuyến với công nghệ thực tế ảo (virtual reality). Nguồn lực, đầu tư cần hướng tới cả các hoạt động này, nhất là trong điều kiện đại dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn.

Tại địa bàn Mỹ có cộng đồng Việt kiều lớn nhất thế giới với gần 2,4 triệu người, Đại sứ quán xác định đây vừa là đối tượng ngoại giao văn hóa cần nhắm đến, vừa là nguồn lực to lớn hỗ trợ công tác ngoại giao văn hóa và thực tế đã vận động để cộng đồng tham gia, phối hợp trong triển khai một số hoạt động quảng bá đất nước, con người ở sở tại, như tham gia cùng Sứ quán xây dựng clip ẩm thực Việt Nam, biểu diễn nghệ thuật những dịp Quốc khánh, Tết cổ truyền của dân tộc.
Năm là, mấu chốt để triển khai thành công ngoại giao toàn diện, hiện đại nói chung vẫn là nhân tố con người. Các hoạt động đào tạo phải được triển khai ngay khi các cán bộ mới vào ngành. Mỗi cán bộ ngoại giao khi ra công tác tại cơ quan đại diện cần được trang bị hệ thống kiến thức, kỹ năng ngoại giao văn hóa và truyền thông. Nói cách khác, khi đi nhiệm kỳ, mỗi cán bộ ngoại giao cũng là một đại diện văn hóa của đất nước, do đó cần được trang bị vốn kiến thức, kỹ năng làm ngoại giao văn hóa thực sự bài bản và được đào tạo, đào tạo lại thường xuyên trong mảng công tác quan trọng này.

Với thế và lực mới của đất nước cùng điểm tựa là bề dày hàng ngàn năm văn hiến của dân tộc, chúng ta có cơ sở vững chắc để tin tưởng, tự hào và quyết tâm xây dựng nền ngoại giao văn hóa thực sự xứng tầm với nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại mà Đại hội Đảng XIII đã đề ra. Làm tốt công tác ngoại giao văn hóa, chúng ta sẽ góp phần cùng các binh chủng khác của đối ngoại đặt đất nước vào đúng dòng chảy của thời đại, định vị và nâng tầm đất nước trong bản đồ kinh tế, chính trị và văn hóa thế giới trong thời gian tới.

Theo ĐS Hà Kim Ngọc 

Thế giới và Việt Nam