Thứ Năm, 22 tháng 8, 2024

Lý tưởng Võ Tòng Xuân

 NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG

Khi đang giảng dạy nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế ở Philippines với mức lương cao, ông Võ Tòng Xuân vội đóng gói hành lý quay về một Việt Nam chiến tranh lửa đạn.

Lý tưởng Võ Tòng Xuân - Ảnh 1.

Giáo sư Võ Tòng Xuân - Ảnh: CHÍ QUỐC

Lý do đơn giản xuất phát từ bức thư của GS - Viện trưởng Viện ĐH Cần Thơ Nguyễn Duy Xuân với những dòng nhắn nhủ: "Chiến tranh rồi cũng đến lúc hòa bình, cái ăn thì lúc nào cũng cần" nên miền Tây rất cần những người như ông.

Khi ông quyết định dọn về, người vợ lo lắng, mình về họ bắt đi quân dịch thì sao, ông gạt đi: Phải về mới biết, đừng lo... Và ông đã về.

Ông về tận Viện ĐH Cần Thơ với mức lương không đủ ăn... phở, hằng ngày hằng tuần làm xong ngay giữa chiều tối hoặc sáng sớm phải chạy lên xuống Sài Gòn - Cần Thơ. Tiền làm cho một công ty nông nghiệp đủ cho cả nhà ông sinh sống, thuê được một ngôi nhà ở Sài Gòn, ba ông mới thiệt sự có một chỗ ở đàng hoàng.

Rồi đến tháng 4 năm 1975, đang làm nghiên cứu sinh ở Nhật, ông lên máy bay trở về Sài Gòn với một tâm trạng lạ: chuyến bay đến Sài Gòn chỉ lác đác vài người, đa số người ta tìm đường ra đi.

Năm 1977, rầy nâu đốt cháy lúa trên ruộng đồng miền Tây. Một công đất ngàn mét vuông chỉ thu được một hai giạ lúa, cái đói có thể lan tới Sài Gòn và nhiều nơi khác. Ông lập tức viết thư cầu cứu Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI).

Nơi ấy người ta gửi về cho ông những chiếc phong bì chứa 5g mỗi chiếc cho 4 giống lúa. Sau khi bắt rầy phân tích, ông và đồng nghiệp chọn giống IR36. Từ vài chục hạt lúa ban đầu, nhân giống 7 tháng, ông được 2.000kg lúa.

Ông đề xuất với ban giám hiệu Trường đại học Cần Thơ một việc chưa có tiền lệ trong lịch sử đại học: cho sinh viên nghỉ hai tháng để cứu vãn nền nông nghiệp.

Lấy khoa nông nghiệp làm chuẩn, ông đào tạo sinh viên biết làm ba việc: gieo mạ, xử lý đất ruộng, tách từng tép mạ cấy 1 tép để cho ra 1 bụi lúa. Cách cấy 1 tép này chưa hề là tập quán cấy lúa miền Tây, nhiều ý kiến xì xào.

Ai đâu biết rằng ông chỉ tập trung duy nhất vào việc nhân giống càng nhanh càng nhiều càng tốt. 2.000kg lúa, ông chia cho mỗi nhóm sinh viên 1kg tủa về khắp đồng bằng làm mạ, xử lý đất và cấy từng tép lúa. Hai năm sau, ĐBSCL phủ hết giống kháng rầy IR36. Cả nước thoát đói!

Những sự kiện ly kỳ như thế luôn luôn gắn với tên tuổi "tiến sĩ Hai lúa", "ông thần nông Võ Tòng Xuân", một "anh hai Nam Bộ" cao bự lội ruộng với nông dân, dứt dạt, ăn nói rổn rảng, cười ha hả trước mọi chuyện đời để tập trung vô lúa, nghề nông, nông nghiệp, miếng ăn của đồng bào.

GS.TS Võ Tòng Xuân, anh Hai Lúa Võ Tòng Xuân, trong tâm tưởng người nông dân ông thuộc về họ, của họ, của ruộng đồng thăng trầm hột gạo, giạ lúa, chén cơm.

Ngày trở về cho tới mãi sau này, tư thế Võ Tòng Xuân là tư thế xử lý vấn đề, không than vãn: Thời ấy thiếu người, ngó qua lại không có ai, ông tự nhủ: phải tự nhân mình lên cho đất nước. Rồi ông tìm kiếm giới trẻ ươm mầm ước mơ, đưa đi du học.

Nhiều trường hợp hồ sơ không được địa phương duyệt, ông cầm hồ sơ lên trường khẳng định: "Xã huyện chỉ biết ba má nó tham gia chế độ cũ, nhưng tôi biết chính bản thân nó, làm ơn cho nó đi học đi, rồi nó sẽ trở về!". Sinh viên ông ở Cần Thơ đi rồi về là vậy.

Thời điểm nhận được tin ông đã rời đi, tôi nhắm mắt lại, hình dung một bóng cao to sừng sững như bức tượng giữa chốn đồng bằng, đầy khát khao và rạng ngời lý tưởng.

Lý tưởng của một lớp người từ giữa chiến tranh đau thương đã dám bắt tay vô chuẩn bị cho một bữa cơm hòa bình, bất chấp những gian khổ có thể giáng xuống số phận mình.

Ấy là thứ lý tưởng nhắc nhở trách nhiệm của chính chúng ta, trong phận sự của mỗi con người trước thành bại, văn minh và phát triển của quốc gia, dân tộc!

Hàng ngàn sinh viên cúi đầu tiễn biệt giáo sư Võ Tòng Xuân

Hàng ngàn sinh viên ở Cần Thơ đã xếp hàng dưới nắng chờ giây phút cúi đầu tiễn biệt lần cuối đối với người thầy đáng kính Võ Tòng Xuân, trước khi ông về với đất mẹ.

Hàng ngàn sinh viên cúi đầu tiễn biệt giáo sư Võ Tòng Xuân - Ảnh 1.

Tổng lãnh sự Nhật Bản Ono Masuo (thứ hai từ phải sang) viếng giáo sư Võ Tòng Xuân chiều hôm qua và ông đã ở lại TP Cần Thơ để sáng nay tiếp tục dự lễ truy điệu giáo sư Võ Tòng Xuân - Ảnh: CHÍ QUỐC

Sáng 22-8 đã diễn ra lễ truy điệu và sau đó tiễn đưa linh cữu giáo sư Võ Tòng Xuân về với đất mẹ tại thị trấn Ba Chúc (huyện Tri Tôn, An Giang).

Công lao của giáo sư luôn để chúng ta ghi nhớ và trân trọng

Phát biểu tại lễ truy điệu, ông Lê Văn Nưng - phó bí thư thường trực Tỉnh ủy An Giang, trưởng ban tổ chức lễ tang - bày tỏ, giáo sư Võ Tòng Xuân là một nhà sư phạm tài năng, nhiều tâm huyết với ngành, luôn trăn trở tìm ra những giải pháp tích cực để phát triển giáo dục, nâng cao dân trí. 

Nhưng dấu ấn kỳ công của giáo sư Võ Tòng Xuân để lại cho đất nước và vùng Đồng bằng sông Cửu Long là trên lĩnh vực nông nghiệp.

Với tình yêu khoa học, sự khao khát phục vụ cho quê hương đất nước, năm 1971, giữa lúc sự nghiệp đang thăng tiến tại Viện Nghiên cứu lúa quốc tế, giáo sư trở về nước làm việc với mong muốn phát triển nền nông nghiệp Việt Nam.

Giáo sư cùng các nhà nghiên cứu đã thực hiện nhiều đề tài liên quan đến cây lúa cao sản, kỹ thuật trồng lúa, phổ biến kỹ thuật canh tác mới, công bố nhiều bài báo khoa học và đề xuất các chính sách nông nghiệp. 

Bên cạnh đó ông cũng là tác giả nhiều công trình khoa học nghiên cứu sử dụng đất phèn Đồng bằng sông Cửu Long và nghiên cứu hệ thống canh tác chuyển đổi nông nghiệp.

Hàng ngàn sinh viên cúi đầu tiễn biệt giáo sư Võ Tòng Xuân - Ảnh 2.

Ông Lê Văn Nưng, phó bí thư thường trực Tỉnh ủy An Giang, phát biểu tại lễ truy điệu giáo sư Võ Tòng Xuân sáng 22-8 - Ảnh: CHÍ QUỐC

Giáo sư Võ Tòng Xuân đã đưa giống lúa IR36 từ Viện Nghiên cứu lúa quốc tế về Việt Nam và hợp tác với nông dân áp dụng kỹ thuật cấy một tép, phổ biến trên khắp các vùng bị sâu bệnh tấn công ở Đồng bằng sông Cửu Long. 

Nhờ đó đã thúc đẩy mở rộng khả năng cho ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp cận với giống lúa chất lượng và tăng cường sản lượng lúa gạo với chi phí thấp hơn mà không sử dụng thuốc trừ sâu, góp phần củng cố an ninh lương thực toàn cầu.

"Dù giờ đây đồng chí Võ Tòng Xuân không còn nữa, nhưng công lao đóng góp của đồng chí cho đất nước đã để lại dấu ấn với đồng chí và nhân dân, luôn để chúng ta ghi nhớ và trân trọng", ông Nưng nghẹn ngào.

"Ba không chỉ nằm trong vòng tay tụi con"

Thay mặt gia đình phát biểu đáp từ, ông Võ Tòng Anh, con trai giáo sư Võ Tòng Xuân, xúc động: 

"Nay ba tôi không còn nữa, đó là một nỗi đau sâu sắc không những đối với ba anh em chúng tôi, mà với đại gia đình, lãnh đạo nhiều ban ngành, các cựu sinh viên của ba tôi, vô số nông dân, các doanh nghiệp, nhiều phóng viên báo chí truyền thông và không ít bạn bè quốc tế.

Từ khi ba tôi bắt đầu lâm bệnh vào cuối năm 2022 đến tận những phút giây cuối cùng của tháng 8 này, gia đình luôn nhận được rất nhiều tình cảm động viên, chia sẻ chân thành, giúp đỡ tận tình của nhiều cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.

Trước khi ra đi, một trong số ít điều ba tôi nhắc đi nhắc lại là cựu sinh viên cùng với ba diệt rầy giúp nông dân. 

Và nay ba đã thấy và chắc ba cũng đã cảm nhận được trong những ngày này ba đang được nằm trong vòng tay không chỉ của tụi con mà còn rất nhiều cựu sinh viên là các chiến sĩ diệt rầy của ba, của vô số nông dân mà sau này họ đã trồng được giống lúa kháng rầy nâu IR36 do ba và bộ môn lúa của ba chọn tạo rồi đó. Chắc ba đang toại nguyện".

Ông Võ Tòng Anh cũng đặc biệt cảm ơn các cơ quan thông tấn báo chí đã đưa tin về sự kiện mất mát của gia đình, của công chúng và lễ tang. Điều này đã giúp cho sự lan tỏa thông tin đến nhân dân và nhiều bạn bè quốc tế.

"Xin trân trọng cảm ơn quý cô chú, anh chị phóng viên báo chí, đài truyền hình thuộc nhiều cơ quan thông tấn khác nhau trong cả nước. Ông có nhiều lần nói với tôi điều này và chắc chắn, khi ra đi ông cũng sẽ vẫn mang theo nhiều tình cảm dành cho báo chí, truyền thông trong lòng ông", ông Võ Tòng Anh chia sẻ trong lời cảm tạ.

Hàng ngàn sinh viên cúi đầu tiễn biệt giáo sư Võ Tòng Xuân - Ảnh 3.

Ông Võ Tòng Anh, con trai của giáo sư Võ Tòng Xuân, cùng hai người em gái của ông đáp từ tại lễ truy điệu - Ảnh: CHÍ QUỐC

Sau phần lễ truy điệu, linh cữu của giáo sư Võ Tòng Xuân đã đi ngang qua Trường đại học Cần Thơ, Trường đại học Nam Cần Thơ - nơi ông dành phần lớn thời gian công tác.

Hàng ngàn sinh viên của hai trường đại học đã ra dọc hai bên đường từ sớm, chờ đón xe tang đi qua để có dịp cúi đầu tiễn biệt lần cuối với vị thầy khả kính của nhiều thế hệ sinh viên của trường.

Sau đó xe tang đưa linh cữu giáo sư Võ Tòng Xuân ngang qua một số nơi của tỉnh An Giang trước khi an táng tại quê nhà Ba Chúc.

Hàng ngàn sinh viên cúi đầu tiễn biệt giáo sư Võ Tòng Xuân - Ảnh 4.

Hàng ngàn sinh viên Trường đại học Nam Cần Thơ xếp hàng hai bên đường cúi đầu tiễn đưa giáo sư Võ Tòng Xuân trong phút linh cữu giáo sư được đưa ngang qua cổng trường - Ảnh: CHÍ QUỐC

Hàng ngàn sinh viên cúi đầu tiễn biệt giáo sư Võ Tòng Xuân - Ảnh 5.

Dưới cái nắng khá oi bức, các sinh viên đứng thành hàng dài cả cây số tiễn đưa lần cuối đối với người thầy đáng kính - Ảnh: CHÍ QUỐC

Hàng ngàn sinh viên cúi đầu tiễn biệt giáo sư Võ Tòng Xuân - Ảnh 6.

Nỗi buồn bao trùm trên khuôn mặt các sinh viên khi linh cữu giáo sư Võ Tòng Xuân, vị hiệu trưởng của trường trong những năm trước, đi ngang qua - Ảnh: CHÍ QUỐC

Hàng ngàn sinh viên cúi đầu tiễn biệt giáo sư Võ Tòng Xuân - Ảnh 7.

Trong khi đó trên đường Ba Tháng Hai, rất đông sinh viên của Trường đại học Cần Thơ cũng đứng thành hàng dài khu vực trước cổng trường chào tiễn biệt giáo sư Võ Tòng Xuân, nguyên phó hiệu trưởng của trường - Ảnh: CHÍ QUỐC