Thứ Hai, 23 tháng 9, 2024

Đại hồng thủy 1971, miền Bắc bão lụt và tấm lòng của người miền Nam

 Năm 1971, khi các tỉnh miền Bắc trải qua trận lũ lịch sử, một tờ báo ở TP.HCM lúc bấy giờ, đã đứng lên phát động người dân ủng hộ vùng gặp thiên tai.

Nhân dân ở Gia Lâm, Hải Dương, Hưng Yên khắc phục khó khăn do lũ làm sạt lở đê năm 1971. Nguồn ảnh: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.
Nhân dân ở Gia Lâm, Hải Dương, Hưng Yên khắc phục khó khăn do lũ làm sạt lở đê năm 1971. Nguồn ảnh: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.
Tran lut nam 1971 anh 1

Nhân dân ở Gia Lâm, Hải Dương, Hưng Yên khắc phục khó khăn do lũ làm sạt lở đê năm 1971. Nguồn ảnh: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.

Ngày 19/8/1971, miền Bắc gặp một trận lũ lớn nhất trong vòng 250 năm. Đồng bằng Bắc bộ lâm vào cảnh thiên tai. Nước lũ tràn vỡ các đê ở hạ lưu sông Lô, sông Đà và tả ngạn sông Hồng thuộc các huyện Vĩnh Tường, đê bối Thanh Trì, phía hữu ngạn sông Hồng. Chỉ riêng bốn tỉnh Hải Hưng, Hà Bắc, Vĩnh Phú, Hà Tây, trận lụt đã làm 1.062 xã của 94 huyện với 2,9 triệu hộ gia đình bị ngập lụt nặng, chiếm hơn 40% tổng số hộ gia đình.

Trận lụt khiến khoảng 100.000 người thiệt mạng, con số người chết gấp hàng trăm lần so với mức một nghìn người của trận lũ tại miền Trung năm 1999 và trận lũ năm 2000 tại miền Nam. Thiệt hại lớn nhất về giao thông, công nghiệp. Tổng số trên 120.000 công trình liên quan đến nhà cửa, kho tàng bị ngập và trôi. Về giao thông và bưu điện thì con số là vào khoảng 10.025.000 đồng.

Ngoài ra, thiệt hại của nhân dân và các địa phương bị ảnh hưởng từ lũ lụt, dịch bệnh, ngừng trệ sản xuất sau mưa lũ là rất lớn. Theo đánh giá của Cơ quan Quản trị Hải dương và Khí tượng Mỹ (NOAA) thì đây là một trong những trận lụt lớn nhất thế kỷ 20 trên thế giới.

Trong lúc miền Bắc cố gắng tập trung khắc phục những hậu quả nặng nề do thiên tai để lại thì Sài Gòn, trên tờ báo Tin Sáng [1] đã làm đồng bào chú ý vì một mục trên trang nhất rất lạ. Đó là vào ngày 17/9/1971, dưới chân trang nhất tờ báo in khổ lớn (58x42) có chạy một băng chữ hai dòn tám cột “Bắc Nam ruột thịt một nhà, sớt cơm chia áo đậm đà tình thương - Hãy nồng nhiệt hưởng ứng chiến dịch nhường cơm sẻ áo cho đồng bào miền Bắc do Tin Sáng tổ chức”.

Trên phía trái trang nhất báo Tin Sáng có một cột đóng khung đăng nội dung như sau (nguyên văn): “Tin Sáng xin phép tổ chức đi Hà Nội trao tài vật quyên góp tận tay đồng bào miền Bắc. (Tít) Sáng 7/9 chúng tôi đã nhận được số tiền sau đây để giúp đồng bào nạn nhân miền Bắc bị bão lụt.

Các tăng sĩ chùa Giác Nguyên 7.640 đ. Ông Trần Thanh Hiệp (51 tuổi, đường Trương Minh Giảng 1000 đ. Bác Tám Hòa 10.000 đ, tổng cộng 18.640 đ. Trong thư gửi đến Tin Sáng các tăng sĩ chùa Giác Nguyên còn tình nguyện đi cùng đoàn công tác vận động cứu trợ đồng bào lũ lụt miền Bắc. Xin các đoàn thể đang vận động cho công tác này lưu ý cho điểm ấy.

[…]

Sau đó hàng ngày trên trang nhất của báo đều đăng tin những người đến đóng góp. Thật là cảm động khi trong danh sách đó là những cái tên ngắn gọn như: Chị A, ông B, anh C, chị Hai bán cơm tấm đóng góp từ 100 đến 5.000 đồng [2]. Họ là những tiểu thương, người phu xích lô, thương gia, nghệ sĩ. Có cả những sinh viên học sinh nghèo.

[…]

Trong danh sách đóng góp này có nữ nghệ sĩ Kim Cương. Riêng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi đến băng nhạc “Kinh Việt Nam” bán được 5.000 đồng để ủng hộ cho cuộc cứu trợ này.

Đến ngày 20/10/1971, báo Tin Sáng đã tổng kết cuộc vận dộng với thông tin trên trang nhất: “Cứu lụt miền Bắc kết thúc với 609.490đ. Chúng tôi đã quyết định khóa sổ cứu lụt miền Bắc vào 12 giờ trưa ngày 18/10. Đến ngày 18/10/1971 chúng tôi đã nhận được 609.490đ của mọi giới miền Nam.

[1] Nhật báo của dân biểu Ngô Công Đức làm chủ nhiệm từ năm 1968-1972. Báo Tin Sáng (bộ mới) tục bản vào ngày 10/8/1975 và ngưng xuất bản vào tháng 7/1981. Báo Tin Sáng khổ lớn như báo Sài Gòn giải phóng. Toàn “mặt” trang một được chia làm tám cột chữ. Sự kiện nào quan trọng nhất trong ngày sẽ được chạy tít tám cột.

[2] Giá sinh hoạt năm 1972: 414 đồng/USD, vàng 26.100 đồng/ lượng. Một chiếc xe Honda ss50 giá 20.000 đồng. Giá xăng lúc bấy giờ là 32 đồng/lít.