Thứ Ba, 11 tháng 2, 2025

LÊ THÀNH KHÔI (1923-2025)

 

Tin buồn

Lê Thành Khôi
(3.5.1923 - 28.1.2025)


anh1

Giáo sư Lê Thành Khôi tại nhà riêng

(2020, ảnh VNQ)


Chúng tôi đau đớn báo tin nhà sử học, người anh lớn của phong trào Việt kiều tại Pháp, giáo sư Lê Thành Khôi, đã từ trần 10g sáng ngày 28 tháng 1 năm 2025 tại Paris, ở tuổi 102.

Lễ tang sẽ cử hành từ 13g30 đến 14g30 ngày thứ hai 10 tháng 2 năm 2025 tại phòng lớn Coupole, Đài hỏa táng Nghĩa trang Père-Lachaise, 55 rue des Rondeaux, 75020 Paris.

Diễn Đàn xin thành thực chia buồn với Hương Du, Hương Dao, Hồng Nguyên (tức Nguyên Lê) và toàn thể gia đình.

Diễn Đàn



Một số bài giới thiệu thân thế, sự nghiệp học giả Lê Thành Khôi :

* Thẩm Hoàng Long : Cây đại thụ khoa học xã hội Lê Thành Khôi và ‘hổ tử’

*  Báo Đại biểu Nhân dân : Lê Thành Khôi - Nguyên Lê, “cha con và...”

* Báo Tuổi Trẻ  : Sử gia Lê Thành Khôi qua đời ở tuổi 102

* Mouvement des Citoyens Français d'origine Vietnamienne (MCFV) : LÊ THÀNH KHÔI

* Mémoires d'Indochine :  Disparition d’un grand lettré humaniste.

* Cao Huy Thuần & Trần Hải Hạc : Chuyện xưa còn lại chút này

* Nguyễn Tùng : Mừng anh Lê Thành Khôi 90 tuổi

Anh Khôi



Nguyễn Ngọc Giao



Ngày mồng một tết, trên chuyến xe lửa TGV từ Marseille về Paris, tôi được tin anh Lê Thành Khôi mất sáng hôm trước, ngày tất niên Giáp Thìn. Thế là một trưởng lão của phong trào Việt kiều ra đi, sau những bác công nhân “lính thợ” hơn anh khoảng năm tuổi, và sang Pháp khoảng 1939-40, trước anh bảy tám năm. Cùng thế hệ sinh viên sang Pháp năm 1947 như anh, mà tôi được biết, chỉ còn chị Thu Lê, mà cách đây ba tuần, con cháu vừa mừng sinh nhật 101 tuổi. Anh Khôi sinh tháng 5.1923, trước chị Thu Lê hơn 7 tháng. Tin anh đi gặp chị Hồng Anh (ra đi trước anh năm năm rồi) đối với tôi không đột ngột, vì từ mấy năm nay, sức khỏe anh suy yếu rất nhiều. Tháng 5.2023, anh Cao Huy Thuần còn sống, có sáng kiến rủ chúng tôi đến mừng anh 100 tuổi. Nhưng gia đình bàn ra, và chúng tôi thông cảm hoàn cảnh. Thành ra lần cuối cùng tôi được đến 15 rue Pitard thăm anh, tôi không rõ năm nào, có lẽ là lần đưa chị Nguyễn Thị Bình đến thăm anh và trao tận tay giải thưởng Phan Châu Trinh.

Giải thưởng, huân chương của nhiều cơ quan quốc tế, anh đã nhận khá nhiều. Số trường đại học ở Pháp mà anh đào tạo nhiều thế hệ sinh viên, từ IEDES (Institut d’études du développement de la Sorbonne) đến Trường đại học Paris V (René Descartes) nhiều hơn số ngón trên một bàn tay, số trường đại học các nước mà anh đã thỉnh giảng vượt con số 40. Tác phẩm của anh, về lịch sử và văn hóa Việt Nam, Đông Nam Á, về “công nghệ giáo dục”, về giáo dục và phát triển, chỉ cần vào thư mục của Thư viện Quốc gia Pháp, ta sẽ thấy đồ sộ mức nào.

Tôi chỉ được nghe vài buổi thuyết trình, chưa bao giờ được nghe anh giảng, nhưng vẫn tự coi là học trò của anh.  Có phần tự hào nữa : mặc dầu ở tuổi 16-17, giữa Sài Gòn, với tiếng Pháp lõm bõm (học sách toán của Lebossé và Hémery), tôi đã đọc ngấu nghiến Le Viet-Nam, histoire et civilisation (nhà xuất bản Minuit, 1955) mà cha tôi cất kỹ trong tủ sách (cụ dạy sử ở Đại học sư phạm và làm việc ở Nha Trung học, nên được quyền mượn cuốn sách quốc cấm dưới chế độ Ngô Đình Diệm). Đó là một may mắn hiếm có cho một thanh niên miền Nam cuối thập niên 1950. Nhờ những thông tin, nhất là phương pháp luận khoa học của tác phẩm này, tôi có được một nhãn quan lịch sử độc lập với giáo điều, và tâm nguyện điều chỉnh sự dấn thân phù hợp với từng bước hiểu biết lịch sử của mình.

Là hậu sinh (tôi thua anh 17 tuổi) và học trò, tôi ít có dịp được trao đổi với anh và không có mấy kỷ niệm với anh. Nhớ lại, có hai dịp không thể quên. 

Lần thứ nhất, mùa thu năm 1970, tôi được tham gia đoàn đại biểu Liên hiệp Việt kiều (mà anh là một phó chủ tịch) về miền Bắc dự Quốc khánh 2-9, trong đó có những bậc đàn anh là anh Khôi, nhà văn Phạm Văn Ký, thượng tọa Thích Thiện Châu. Đến Moskva bằng máy bay, nhưng từ thủ đô Liên Xô, máy bay hết chỗ, chúng tôi phải đi xe lửa năm ngày xuyên Siberia, ba ngày xuyên Mông Cổ và Trung Quốc (đang điên rồ “đại cách mạng văn hóa vô sản”, tới mỗi ga, chúng tôi phải nhã nhặn từ chối những cuốn “sách đỏ” mà các hồng vệ binh muốn ấn vào tay) mới đặt chân lên sân ga Đồng Đăng. Sau những ngày ở Hà Nội, chúng tôi được đi xe Uaz (loại Jeep Nga) xuống tận Vĩnh Linh, ngồi bờ bắc sông Bến Hải, nhìn sang bờ nam. Chuyến đi dài ấy cho tôi những dịp gần hai anh Lê Thành Khôi và Phạm Văn Ký. Anh Ký như tìm lại thuở trẻ Bình Định và hồn thơ dào dạt của năm 1937 khi anh sang Pháp. Anh Khôi vốn kiệm lời, chỉ thỉnh thoảng đưa ra những nhận xét dí dỏm.

Lần thứ nhì là đầu năm 1990, một số anh em trong phong trào Tây Âu và Bắc Mỹ chủ động đề nghị dân chủ hóa đất nước, để thực sự phát triển, và nhất là để tránh thảm họa của các nước “xã hội chủ nghĩa” đang đua nhau sụp đổ, thông qua bản TÂM THƯ gửi các vị lãnh đạo Việt Nam cùng đồng bào trong và ngoài nước về việc cải tổ hệ thống chính trị. Hơn 700 anh chị em các nước “Phương Tây”, từ Sydney, Tokyo đến Los Angeles, qua Praha, Berlin, Paris, Montreal… đã ký vào lá thư mang 34 chữ ký đầu tiên. Tôi nghĩ những người như anh Khôi anh Ký chắc đã ký ngay từ đầu. Tìm lại danh sách, không thấy Phạm Văn Ký. Bây giờ nghĩ lại, mới nhớ sau chuyến về nước mùa thu 1970, anh Ký đã viết một cuốn bút ký – anh có cho tôi đọc bản thảo, ngày nay được lưu trữ ở Thư viện Quốc gia Pháp – nhưng nhà Gallimard không chịu xuất bản, “khuyên” anh nên trở lại dòng văn Perdre la demeureFrères de sang… đã đưa tên tuổi anh nổi bật trong dòng văn học Pháp ngữ. Anh vừa giận vừa buồn. Giận vì chủ trương kiểm duyệt ngọt ngào của Claude Gallimard. Buồn, như cảm thấy không thực hiện được lời hứa thầm sau chuyến về nước, anh ở ẩn trong căn hộ Maisons-Alfort, không tiếp xúc với ai. Tôi không tìm ra địa chỉ để tới gặp anh, mặc dầu ở cùng thị xã. Anh Lê Thành Khôi tất nhiên đã ký, dễ dàng như một quyết định đã suy nghĩ chín muồi. Tâm thư đã có nhiều tiếng vang trong và ngoài nước. Nhà cầm quyền phản ứng vội vàng và cứng rắn trong tâm thế hoảng hốt. Một vài người bị coi là « đầu têu » đã bị cô lập sỗ sàng. Tên anh Bùi Văn Nam Sơn (chủ tịch hội Việt kiều Tây Đức và Berlin) và tên tôi được nêu lên trong nhiều năm ở « Bảo tàng tội ác Mỹ-nguỵ » đường Võ Văn Tần, Thành phố Hồ Chí Minh. Trong số các nhân sĩ ký tên, bác Nguyễn Mạnh Hà, bộ trưởng trong chính phủ đầu tiên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945, sau một chuyến về nước, gặp thủ tướng Phạm Văn Đồng, khi bước lên cầu thang máy bay trở lại Pháp, còn được một sĩ quan công an chạy theo, hỏi : « Tại sao bác ký Tâm thư ? » (lời bác Hà kể lại cho người viết, ít lâu trước khi từ trần, cùng tháng 4 năm 1992 với anh Phạm Văn Ký).

Tôi không biết anh Lê Thành Khôi gặp sự đối xử như thế nào. Chỉ biết, khi cuốn sử Việt Nam của anh được dịch ra tiếng Việt và xuất bản ở trong nước, với lời tựa trân quý của anh Phan Huy Lê, chủ tịch Hội sử học, thì báo Nhân Dân đăng một bài phê phán trật lất một công trình khoa học xã hội. Điều chắc chắn là anh Khôi vẫn an nhiên tiếp tục sự nghiệp khoa học, quan tâm tới Việt Nam, thế giới thứ ba và các nước phát triển. Sự gắn bó với Tổ quốc còn thể hiện trong một việc mà có lẽ ít người thấy hết ý nghĩa : anh có một bộ sưu tập bảo vật lịch sử của hàng chục nước trên thế giới, tích lũy trong những năm đi giảng dạy, hội nghị… và đã hiến toàn bộ cho Việt Nam. Đây có lẽ là sưu tập văn hóa thế giới duy nhất ở Việt Nam, mà cũng phải nhiều năm, mới tìm được chỗ xứng đáng : năm 2015, Viện Bảo tàng Dân tộc học. Trong thời buổi « kinh tế thị trường » với « định hướng » gì gì đi nữa, tìm ra một bảo tàng chân chính bỏ công sức tiếp nhận bảo quản mà không nhận được một mối lợi mang hình George Washington xanh lá cây, quả là điều đáng quý.

Ngày 11.2.2025, di cốt anh sẽ yên nghỉ trong hầm mộ gia đình, bên cạnh di cốt chị Hồng Anh, và di cốt hai bác Lê Thành Ý, nghĩa trang Montparnasse, Paris. Cách đó không xa, là ngôi mộ Jean-Paul Sartre và Simone de Beauvoir, phía bên kia, là ngôi mộ nhà báo Andrée Viollis (1870-1950), tác giả Indochine S.O.S. (1935).

1.2.2025

Nguyễn Ngọc Giao


Vài nét về anh Lê Thành Khôi


Nguyễn Tùng


LTS – Nhân dịp lễ tang học giả Lê Thành Khôi, chúng tôi xin đăng lại bài viết của Nguyễn Tùng : Mừng anh Lê Thành Khôi 90 tuổi (Diễn Đàn, số Xuân 2013). Bài này tóm tắt sự nghiệp của giáo sư Lê Thành Khôi, và giới thiệu tập sách Từ Đông sang Tây (nhà xuất bản Đà Nẵng, 2005) rất tiếc ít được phổ biến, ở trong nước cũng như ở nước ngoài.


ltk

Thời xưa ở nhiều làng Việt Nam, đàn ông khi đến tuổi 49 (tức là lắm khi chỉ khoảng 47 « tuổi tây », nếu sinh vào cuối năm âm lịch!) thì được quyền « lên lão » với điều kiện là phải khao vọng tốn kém (lắm khi đến mức bị nợ nần) để khỏi đi tuần và làm phu phen, tạp dịch… Sống đến 60 thì đã xem là « thượng thọ ». Và đúng như thi hào Đỗ Phủ đã từng nói : « nhân sinh thất thập cổ lai hy », sống đến tuổi 70 là chuyện hiếm có ! Cho dù hiện nay tuổi thọ của cả nhân loại tăng nhanh và ngày càng nhiều người vượt qua giới hạn 100 tuổi (nhân sinh bách tuế vi kỳ), sự kiện anh Lê Thành Khôi sẽ được đúng chín mươi tuổi vào ngày 3.5 sắp tới, đối với nhiều bằng hữu của anh, là đáng chào mừng. Để đánh dấu sự kiện này, ban biên tập Diễn Đàn đã quyết định đăng lại một số bài trích từ cuốn Từ Đông sang Tây (1) mà tôi đã tham gia thực hiện để vinh danh anh Khôi. Nhân dịp này, ban biên tập cũng nhờ tôi giới thiệu anh và cuốn sách nói trên. 


Sinh ra trong một gia đình sĩ phu có truyền thống Nho giáo và Phật giáo, anh Khôi đã theo học chương trình cổ điển Pháp ở lycée Albert Sarrault (Hà Nội). Sang Pháp năm 1947, anh đã học luật, kinh tế học ở Den Haag (Hà Lan), « văn » (lettres) ở Sorbonne (Paris), tiếng Việt và tiếng Trung Quốc ở Trường ngôn ngữ Ðông Phương (Paris). Chính nhờ thế mà không những anh đã sớm thấm nhuần sâu sắc cả hai nền văn hoá Ðông Tây, mà còn có được một sự đào tạo đa ngành rất vững chắc. Năm 1968, anh bảo vệ luận án tiến sĩ quốc gia ở Sorbonne, được xuất bản với tên sách là L’industrie de l’enseignement (2) [Công nghệ giáo dục]. Sau đó, anh được bầu làm giáo sư trường đại học René Descartes (Paris V).

Do từng làm tư vấn cho nhiều tổ chức quốc tế (3), anh Khôi đã từng đi nghiên cứu, giảng dạy ở hơn 40 nước trên thế giới. Anh đã xuất bản 42 cuốn sách về rất nhiều lãnh vực (giáo dục, lịch sử, văn hoá, văn học, mỹ học, kinh tế...), như Le Viet- Nam, histoire et civilisation [Việt Nam, lịch sử và văn hoá] (1955), L’économie de l’Asie du Sud-Est [Kinh tế Đông Nam Á] (1958), L’histoire de l’Asie du Sud-Est [Lịch sử Đông Nam Á], Il Sud-Est asiatico contemporaneo [Đông Nam Á đương đại], La pierre d’amour [Khối tình] (1959), L’éducation comparée [Giáo dục so sánh] (1981), Histoire du Việt Nam des origines à 1858 [Lịch sử Việt Nam từ khởi nguyên đến năm 1858 ] (1982), L’éducation : cultures et sociétés [Giáo dục : văn hoá và xã hội] (1991), Culture, créativité et développement (1992)... Trong số các tác phẩm của anh, có lẽ cuốn Le Viet-Nam, histoire et civilisation, do Minuit xuất bản năm 1955, đã có ảnh hưởng lớn nhất, đặc biệt về mặt chính trị: trong khoảng hai thập niên, quyển sách này đã đem lại cho nhiều trí thức, sinh viên và ngay cả chính giới phương Tây, đặc biệt ở Pháp và ở Mỹ, các dữ kiện và nhận định chính xác và nghiêm túc về lịch sử và văn hoá Việt Nam.

Ngoài ra anh còn là tác giả của hàng mấy trăm bài viết đăng trên các báo và các tạp chí khoa học quốc tế như Le Monde, La Pensée, Critique, Synthèses, Eastern World, Tiers-Monde, Communità, Revue économique, Le Courrier de l’Unesco, Revue internationale des Sciences sociales, Comparative Education Review...

Ðiều đáng ngạc nhiên là sau ngày về hưu, anh Khôi vẫn không ngừng viết và xuất bản sách, thậm chí còn nhiều và còn đa dạng hơn trước đó : Culture, créativité et développement [Văn hoá, sáng tạo và phát triển] (1982), Education et civilisation, I. Société d’hier [Giáo dục và văn minh, I. Xã hội ngày xưa] (1995), Aigrettes sur la rizière - chants et poèmes classiques du Viêt Nam [Cò bay trên đồng ruộng, ca dao và thơ cổ điển Việt Nam] (1995), Un désir de beauté [Ham muốn cái đẹp] (2000), Éducation et civilisation, II : Genèse du monde contemporain [Giáo dục và văn hoá, II. Sự hình thành của thế giới đương đại] (2001), Voyage dans les cultures du Viêt Nam [Du hành trong các nền văn hoá Việt Nam] (2001), Cinquante poèmes des Tang [Năm mươi bài thơ Đường] (2004), Quelques pas au sud des nuages [Vài bước ở Vân Nam] (2005), Histoire et anthologie de la littérature viêtnamienne des origines à nos jours [Lịch sử và tuyển tập văn học Việt Nam từ khởi nguyên đến ngày nay] (2009) …

Trong những lần về thăm đất nước, anh đã bày tỏ với các cơ quan nhà nưóc có thẩm quyền ý muốn tặng cho một viện bảo tàng ở Hà Nội khoảng 800 hiện vật mỹ thuật quý giá mà anh đã dày công sưu tầm ở Pháp và trong các chuyến công tác ở nhiều nước châu Á, châu Phi . Rất tiếc là cho đến nay, dự định đẹp đẽ này dường như vẫn chưa thực hiện được.

Ngoài sự tâm phục đối với sự nghiệp nghiên cứu và trước tác đồ sộ của anh, nhiều người cũng rất quý trọng nhân cách cao quý của anh : sống trong một giai đoạn khốc liệt và nhiều xáo trộn của  lịch sử Việt Nam, anh Khôi là  một nhà trí thức dấn thân  với một lập trường  chính trị tiến bộ rõ ràng và kiên định nhưng bao giờ cũng mực thước, ôn hoà. 


Về cuốn Từ Đông sang Tây


Ở phương Tây, nhất là ở Pháp, trong giới đại học có tập tục rất đẹp sau đây : để bày tỏ sự cảm phục và sự quý trọng đối với một vị giáo sư và đồng thời cũng là một nhà nghiên cứu kiệt xuất, đôi khi các đồng nghiệp, môn đệ và bằng hữu của ông cùng nhau thực hiện một cuốn sách để tặng ông. Ở Pháp, một cuốn sách như thế thường được gọi là « mélanges » (tạp văn) vì gồm những bài viết - chủ yếu có tính cách nghiên cứu hơn là ca ngợi - rất đa dạng (lắm khi có cả thi ca) về các chuyên đề vốn được vị giáo sư đặc biệt quan tâm.

Cách đây hơn ba mươi năm, ở Pháp vài người bạn và tôi đã có ý định thực hiện một cuốn « mélanges » như thế để tặng bác Hoàng Xuân Hãn. Rất tiếc là chuyện đó đã không thành, nhưng nó cũng đã giúp chúng tôi rút ra được vài kinh nghiệm có ích cho việc thực hiện cuốn sách tặng anh Khôi. Chính nhờ thế mà chỉ trong vòng một năm sau khi gửi thư đề nghị, cuốn Từ Đông sang Tây đã ra mắt bạn đọc, với sự tham gia của gần ba mươi tác giả trong số đó đặc biệt có năm nhà nghiên cứu, văn hoá nổi tiếng ở trong nước (Nguyên Ngọc, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Tài Cẩn, Phan Đình Diệu và Phan Huy Lê) và bảy nhà nghiên cứu người nước ngoài (Mỹ : John Balaban ; Pháp : Pierre Brocheux, Georges Condominas, Charles Fourniau, Daniel Hémery, Philippe Langlet và Alain Ruscio).


bia


Khi đặt tên sách là Từ Đông sang Tây, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến sự tổng hợp hài hoà hai nền văn hoá Đông Tây ở nơi anh.

Do anh Lê Thành Khôi quan tâm đến nhiều lãnh vực, tập sách được chia thành 4 phần :

I. Phần I (sử học) gồm các bài :

- Phan Huy Lê : Vài ấn tượng về Giáo sư Lê Thành Khôi, nhà sử học và văn hoá lớn của đất nước

- Charles Fourniau, Vị trí quan trọng của tác phẩm Lê Thành Khôi trong việc nghiên cứu thời kỳ thuộc địa ở Việt Nam của một sử gia Pháp (do Bửu Ý dịch từ tiếng Pháp)

- Alain Ruscio, 1947 : Người Pháp, Việt Nam và Lê Thành Khôi (do Nguyễn Ngọc Giao dịch từ tiếng Pháp)

- Trịnh văn Thảo, Đôi nét về đoạn đường đi vào dân tộc. Trao đổi với Giáo sư Lê Thành Khôi

- Pierre Brocheux, Quản lý tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam thời thuộc địa và hậu thuộc địa : kế tục hay đứt đoạn ? (do Nguyễn Ngọc Giao dịch từ tiếng Pháp)

- Daniel Hemery, Sài Gòn thập niên 1930 : « La Lutte » (1933-1937), tờ báo chiến đấu (do Nguyễn Ngọc Giao dịch từ tiếng Pháp)

- Philippe Langlet, Nho giáo có tính tôn giáo không ? (do Bửu Ý dịch từ tiếng Pháp)

- Vĩnh Sính, Thử tìm hiểu ý nghĩa tác phẩm « Pháp việt liên hợp » của Phan Châu Trinh

- Nguyên Ngọc, Quảng Nam, đôi suy nghĩ về một bước đi độc đáo trên hành trình dân tộc


II. Phần II (ngôn ngữ, văn học) :

- Nguyễn Tài Cẩn, Xin trở lại vấn đề Song Viết

- Nguyễn Phú Phong, Quốc ngữ trong chương trình tiểu học thời Pháp thuộc

- Nguyễn Huệ Chi, Trần Tung - người thầy của phái Trúc lâm Yên tử, một gương mặt lạ trong làng thơ thiền thời Lý-Trần

- John Balaban, Hồ Xuân Hương (do Ngô Trung Việt dịch từ tiếng Anh)

- Đào Hữu Dũng, Dòng nhật ký và tùy bút trong văn học Nhật Bản

III. Phần III (kinh tế học):

- Vũ Quang Việt, Khái quát về lịch sử phát triển kinh tế thế giới: những yếu tố kìm hãm và thúc đẩy phát triển

- Lê Thị Nam Trân, Viện trợ công của nước ngoài cho việc phát triển đô thị Hà Nội : đánh giá và đề nghị (do Đào Hùng dịch từ tiếng Pháp)

- Trần Văn Thọ, Du nhập, chuyển giao công nghệ và năng lực xã hội : vài khảo sát về kinh nghiệm ở Đông Á

- Trần Hữu Dũng, Văn hoá và toàn cầu hoá : vài phân tích kinh tế

- Trần Hải Hạc, Chuyển sang kinh tế thị trường và chuyên chế chính trị : đọc lại học thuyết trọng nông


IV. Phần IV (các nghành khoa học xã hội khác) :

- Trần Văn Khê, Căn bịnh mãn tính của âm nhạc truyền thống Việt Nam

- Phan Đình Diệu, « Khoa học mới » và vài suy nghĩ về kinh tế, xã hội

- Bùi Văn Nam Sơn, Tương lai của khai sáng

- Nguyễn Tùng, Đo lường ở Việt Nam

- Cao Huy Thuần, Sức mạnh và tính chính đáng

- Georges Condominas, Một khía cạnh của sự nghiệp trước thuật của Lê Thành Khôi.

Ngoài ra còn có tranh của Hồng Anh (tức chị Lê Thành Khôi), Lê Bá Đảng và Phạm Ngọc Tuấn ; thư pháp của Thích Thiện Niệm. Nhân tiện đây, tôi xin nhắc đến vai trò quan trọng của anh Nguyễn Chí Thành : không những tham gia đọc lại hầu hết các bài, anh còn đảm nhận toàn bộ khâu kỹ thuật.

Vì hầu hết các bài đều có tính cách nghiên cứu nên khó giới thiệu qua vài câu, chúng tôi chỉ xin trích vài nhận định về sự nghiệp trước tác và nhân cách của anh Khôi.

Trong một chứng từ ngắn, nhà dân tộc học Pháp Georges Condominas, chuyên gia nổi tiếng về người Mơ Nông, đã tâm sự : “ Cũng như nhiều người nghiên cứu Việt Nam, tôi đã sử dụng, trong gần ba mươi năm, quyển Le Viet-Nam, histoire et civilisation của Lê Thành Khôi do Editions de Minuit xuất bản năm 1955. Nhưng sau đó tôi gần như hoàn toàn lệ thuộc vào kiệt tác của anh mà nhiều người đã ca ngợi: L’histoire du Việt-Nam des origines à 1858 do Sud-Est Asie xuất bản năm 1982.” Ca ngợi Lê Thành Khôi-nhà thơ-nhà văn, ông nói đến « nỗi xúc động » của ông “ khi đọc – và mỗi lần đọc lại - cuốn La pierre d’amour [Khối tình] do lối tự sự tinh tế của nó : luôn luôn gắn liền các nhân vật và tình cảm, tín ngưỡng của họ với thiên nhiên (muông thú, cây cỏ, khoáng vật…). Ở Lê Thành Khôi, tôi tìm thấy một phẩm chất mà ít nhà bác học có được : đó là sự nhạy cảm vô cùng tinh tế với chất thơ, hiện rõ trong tất cả các truyện của tác phẩm này ”.

Còn sử gia Pháp Charles Fourniau thì nghĩ rằng hai cuốn sử Việt Nam của GS Lê Thành Khôi đã có ảnh hưởng quan trọng đến việc nghiên cứu của ông về thời kỳ thuộc địa ở Việt Nam. Theo ông, “ Lê Thành Khôi không chỉ  thuần tuý là nhà sử học theo nghĩa hẹp. Ông có cái nhìn  về Việt Nam của một nhà dân tộc học, ngôn ngữ học, dịch giả, tóm lại của một nhà nho trong ý nghĩa cao đẹp nhất của  từ này ở Việt Nam thời xưa.”

Nhìn từ Việt Nam, GS Phan Huy Lê nhận định : “ Giáo sư Lê Thành Khôi là một nhà sử học, một học giả uyên bác trên nhiều lĩnh vực, một nhà văn hoá lớn của đất nước. Những công trình nghiên cứu của anh vừa mang tính chuyên ngành sâu, vừa mang tính liên ngành cao. Trong 60 năm sống trên đất Paris, thủ đô nước Pháp, anh tiếp thu được biết bao nhiêu kiến thức hiện đại tại một trung tâm sôi động của văn minh phương Tây, nhưng trước sau anh vẫn là một con người Việt Nam với tấm lòng luôn luôn hướng về Việt Nam,với tâm hồn và phong cách thấm đượm cốt cách Việt Nam kết hợp với những giá trị văn hoá - khoa học Đông – Tây ”.

Ngay sau khi được phát hành và bày bán tại các nhà sách lớn ở Việt Nam vào cuối tháng 7. 2005, cuốn Từ Đông sang Tây đã gây ngay tiếng vang. Nó được giới thiệu trang trọng trong chương trình truyền hình Mỗi ngày một quyển sách của đài VTV1 và trên các báo giấy và báo mạng : Thể Thao Văn Hóa, Văn Nghệ, Talawas, Lao Động, Tuổi Trẻ Online, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Diễn Đàn-Forum, Người Viễn Xứ, Xưa và Nay, Văn Nghệ... Chương trình phát thanh tiếng Việt của các đài BBC và RFI cũng đã có giới thiệu.

Trong thư cảm ơn những người đã tham gia thực hiện cuốn Từ Đông sang Tây, anh Khôi viết : « Sách hay và đẹp nhưng không đẹp bằng tấm lòng ! »

Mừng anh Khôi 90 tuổi, tuy hơi « nhà quê » và cổ lổ sĩ một chút (nhưng chân thành !), xin chúc anh chị « vạn niên giai lão !»

Nguyễn Tùng

    

(1) Do Cao Huy Thuần, Nguyễn Tùng, Trần Hải Hạc và Vĩnh Sính chủ biên và do nhà xuất bản Đà Nẵng xuất bản năm 2005, 464 trang khổ lớn. Xem hai chứng từ về Lê Thành Khôi trong Diễn Đàn số Xuân 2013.

(2) Do Éditions de Minuit xuất bản năm 1967.

(3) Như UNESCO, ILO (Phòng quốc tế lao động, Genève), Chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP)…


Hai chứng từ về Lê Thành Khôi


Diễn Đàn xin giới thiệu hai chứng từ về học giả Lê Thành Khôi, đã công bố trong tập Từ Đông sang Tây (nhà xuất bản Đà Nẵng, 2005).




Vài ấn tượng về

Giáo sư Lê Thành Khôi, nhà sử học

và văn hoá lớn của đất nước



Phan Huy Lê*




Lần đầu tiên tôi được biết tên tuổi Giáo sư Lê Thành Khôi là cuối năm 1956 khi đọc cuốn sách Le Viet-Nam, histoire et civilisation (Paris 1955). Lúc đó tôi vừa tốt nghiệp Ban sử-địa trường Đại học sư phạm và được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại Bộ môn cổ sử Việt Nam do Giáo sư Đào Duy Anh làm chủ nhiệm. Trong điều kiện chiến tranh, thiếu thư viện, thiếu sách báo tham khảo, nên khi hoà bình lập lại, năm 1954 được trở về Hà Nội với nhiều thư viện lớn như Thư viện Đại học tổng hợp (vốn là Thư viện của Đại học Đông Dương), Thư viện quốc gia, Thư viện Viện Viễn đông bác cổ Pháp, lớp cán bộ trẻ chúng tôi say mê, hứng thú tìm đọc những sách, tạp chí viết về lịch sử, văn hoá Việt Nam, nhất là những ấn phẩm mới của nước ngoài. Hai cuốn sách để lại nhiều ấn tượng nhất đối với tôi lúc bấy giờ về lịch sử Việt Nam là cuốn sách trên của Lê Thành Khôi và cuốn Contribution à l´histoire de la nation vietnamienne (Paris 1955) của Jean Chesneaux. Hai cuốn sách này xuất bản cùng năm và đưa ra cách tiếp cận mới về lịch sử Việt Nam không những trên phương pháp luận sử học hiện đại của phương Tây mà cả trong cách nhìn và thái độ trân trọng đối với lịch sử và văn hoá của một nước thuộc địa vừa giành lại độc lập. Tôi đặc biệt thích thú cuốn sách của GS Lê Thành Khôi vì tác giả là một người Việt Nam xa tổ quốc mà tấm lòng luôn luôn hướng về Đất Mẹ biểu thị dưới ngòi bút của một nhà viết sử vừa khách quan, trung thực, vừa gắn bó với đất nước. Hai cuốn sách trên đã giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc giới thiệu Việt Nam trên trường quốc tế với diện mạo chân thật của một quốc gia dân tộc có bề dày lịch sử và văn hoá mà tên tuổi một thời bị chủ nghĩa thực dân xoá bỏ trên bản đồ thế giới.

Mãi đến năm 1980, tôi mới có dịp sang Paris theo lời mời của Đại học Paris VII trong quan hệ hợp tác giữa Đại học tổng hợp Hà Nội với Đại học Paris VII. Ngay trong tuần đầu tiên, tôi được Hội người Việt Nam ở Pháp mời tới nói chuyện tại Nhà Việt Nam. Người chủ trì buổi nói chuyện đó là GS Lê Thành Khôi, Chủ tịch Hội khoa học xã hội, một tổ chức thành viên của Hội người Việt Nam tại Pháp, lúc bấy giờ đang hoạt động sôi nổi và thu hút nhiều người tham gia. Đây là lần đầu tiên tôi được gặp mặt GS Lê Thành Khôi mà từ thuở mới bước vào nghề sử học tôi đã “kiến kỳ thanh” với lòng mến mộ sâu sắc. Anh giới thiệu tôi và điều hành buổi sinh hoạt văn hoá rất linh hoạt trong tinh thần trao đổi cởi mở về văn hoá Việt Nam. Tôi cũng rất bất ngờ là qua lời giới thiệu, anh hiểu biết khá đầy đủ về tôi và các công trình nghiên cứu khoa học của tôi cũng như nắm bắt khá cập nhật về tình hình sử học trong nước. Sau đó, trong những buổi thuyết trình của tôi tại Đại học Paris VII, anh luôn luôn có mặt, cùng với GS Daniel Hémery hay GS Pierre Brocheux chủ trì phần thảo luận.

Trong thời gian ba tháng ở Paris, tôi có nhiều dịp gặp gỡ, trao đổi với anh Lê Thành Khôi về nhiều vấn đề sử học trong nước. Anh chị mời tôi đến nhà chơi, cùng ăn cơm và nói chuyện rất thân mật. Anh đưa tôi đi xem tủ sách của anh, đặc biệt phòng bảo tàng gia đình của anh. Anh thu thập được khá nhiều cổ vật và tranh, trong đó có cả những đồ đá, đồ đồng và di vật văn hoá Đông Sơn cùng một số tranh của các danh hoạ trong nước. Tôi nhớ, anh cho tôi xem một bức tranh lụa của danh hoạ Nguyễn Phan Chánh mà anh mới mua được và anh băn khoăn không biết là tranh thật hay chỉ là bản copie. Tôi rất biết gia đình cụ Nguyễn Phan Chánh và là bạn học với hai người con trai của cụ là anh Nguyễn Phan Quang và anh Nguyễn Phan Oánh. Tôi nói, theo tôi thì có lẽ đây là bản copie, nhưng với nghệ thuật sao chép rất công phu và tinh tế vì trông rất giống phong cách tranh lụa Nguyễn Phan Chánh kể cả chữ Hán đề cạnh bức tranh. Nhưng bức tranh thật đang được trưng bày ở Bảo tàng mỹ thuật Hà Nội. Anh hơi buồn nhưng rồi mỉm cười khẽ nói, trên đời này phân biệt thật giả không dễ dàng gì.

Càng gặp và trao đổi với anh Lê Thành Khôi, tôi càng kính trọng và quý mến anh với vốn tri thức uyên bác và tính cách cởi mở, chân tình, lối ứng xử rất tình cảm, tế nhị. Ở anh hình như có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa một nhà khoa học được đào tạo rất căn bản ở phương Tây với phong cách và tâm hồn của một học giả Việt Nam thấm nhuần những giá trị văn hoá phương Đông.

Sau năm 1980, tôi có nhiều dịp sang Paris hoặc trong quan hệ hợp tác nghiên cứu và giảng dạy với Đại học Pháp, hoặc để tham dự các hội thảo khoa học tổ chức ở Pháp, thời gian có khi 3 tháng, có khi chỉ một vài tuần. Không lần nào qua Paris mà tôi không đến thăm anh chị hoặc gặp nhau ở trường đại học, hoặc chí ít do thời gian quá ngắn thì gọi điện thoại hỏi thăm anh chị Lê Thành Khôi, dĩ nhiên ngoại trừ những lần anh ở nước ngoài. Mỗi lần gặp anh, tôi lại được anh tặng những công trình mới, một quyển sách mới xuất bản hay một vài bài báo vừa công bố.

Tại Việt Nam, năm 1980, tôi rất vui gặp lại anh trong hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức ở Hà Nội. Từ đó, thỉnh thoảng anh chị lại về thăm quê hương, gia đình. Cách đây bốn năm, anh chị về nước trong 3 tháng để đi thăm và thu thập tư liệu mới về các đền, đình, chùa trong nước, chuẩn bị cho một công trình nghiên cứu mới. Tôi giới thiệu một học trò cũ đã trở thành một chuyên gia trên lĩnh vực này là PGS Chu Quang Trứ hướng dẫn anh chị đi tham quan khảo sát. Anh tỏ ra rất hài lòng về chuyến đi này. Cũng trong dịp này, anh đã qua Hội khoa học lịch sử Việt Nam để trao giải thưởng cho những công trình nghiên cứu xuất sắc nhất về lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Trong ba công trình được hội đồng tuyển chọn có công trình của Chu Quang Trứ. Rất thương tiếc khi tôi viết những dòng này thi Chu Quang Trứ đã mất hơn hai năm rồi.

Qua gặp gỡ và trao đổi, tôi được biết anh đã nghỉ hưu từ năm 1992. Anh tặng tôi cuốn Un désir de beauté (Paris 2000) với những cảm nhận rất sắc sảo và tinh tế về mỹ học và đặc biệt với những ảnh minh hoạ rất đẹp do chính anh chụp. Anh nói, tôi đã dành 6 tháng để học chụp ảnh nghệ thuật và tôi cảm thấy thích thú với “nghề phó nháy này”. Một con người đã nghỉ hưu, đã cao tuổi như anh mà vẫn không ngừng học tập và sáng tạo, vẫn say mê với những lĩnh vực mang tính tìm tòi, khám phá mới mẻ.

Trong những lần về thăm đất nước, anh mang theo một ý tưởng rất tốt đẹp. Sau khi tham quan các bảo tàng ở Hà Nội và một số tỉnh, thành phố, anh thấy trong hệ thống bảo tàng Việt Nam thiếu hẳn loại hình bảo tàng mỹ thuật thế giới. Từ đó anh nẩy sinh ý tưởng góp phần xây dựng một bảo tàng mỹ thuật ở Hà Nội vì đây chính là quê hương anh, là nơi anh đã sinh ra và lớn lên cùng gia đình với biết bao kỷ niệm của tuổi trẻ. Anh muốn tặng toàn bộ di vật về mỹ thuật phương Đông mà anh đã dày công thu thập ở Pháp và trong thời gian công tác ở nhiều nước châu Á, châu Phi hoặc giảng dạy tại các trường đại học hoặc làm việc với cương vị chuyên gia tư vấn của các tổ chức quốc tế về văn hoá, giáo dục, kinh tế để đặt những viên gạch đầu tiên cho một Bảo tàng mỹ thuật phương Đông ở Việt Nam. Trong bảo tàng riêng của anh có khoảng 800 hiện vật quý thuộc loại này. Anh đã đến gặp ông Bộ trưởng Bộ văn hoá-thông tin, ông Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Hà Nội để đề xuất ý kiến của mình. Anh đề nghị, bước đầu chỉ cần một địa điểm với một không gian và cảnh quan phù hợp yêu cầu xây dựng bảo tàng mỹ thuật, bao gồm cả phần trưng bày trong nhà và ngoài trời, còn công việc xây dựng và tích luỹ hiện vật sẽ tiến hành qua nhiều bước và bằng nhiều phương thức, trong đó ngoài phần đóng góp riêng, anh có thể đứng ra vận động các tổ chức chính phủ và phi chính phủ, các tổ chức quốc tế xin tài trợ xây dựng nhà bảo tàng và một số hiện vật. Anh được đón tiếp nồng nhiệt và ý tưởng của anh đều được hoan nghênh. Tôi cũng có tham gia vào việc vận động thực hiện ý tưởng hay của anh. Nhưng rồi thời gian trôi qua mà đề xuất của anh không được trả lời chính thức và không một dự án nào về bảo tàng mỹ thuật phương Đông được hình thành. Dù nhiệt tâm có thừa nhưng sự kiên nhẫn của con người chỉ có hạn. Tôi nghĩ giá như trong hoàn cảnh hiện nay của công cuộc Đổi mới và hội nhập quốc tế thì ý tưởng của anh dễ trở thành hiện thực hơn. Tôi nhắc lại điều này, dù không thành nhưng cần ghi nhận và trân trọng một ý tưởng hay và đẹp của anh về một Bảo tàng mỹ thuật phương Đông mà tôi tin rằng rồi đây cần phải có mặt trong hệ thống bảo tàng Việt Nam. Anh tâm sự với tôi, nếu không có một bảo tàng mỹ thuật thế giới thì những người Việt Nam không có điều kiện ra nước ngoài làm sao có cơ may được thưởng thức và hưởng thụ một phần di sản văn hoá nhân loại qua ngôn ngữ bảo tàng.

Giáo sư Lê Thành Khôi không chỉ là một nhà sử học mà còn là một học giả trên nhiều lĩnh vực của khoa học xã hội và nhân văn. Anh đã bảo vệ luận án Tiến sĩ về đề tài kinh tế Nhật Bản, luận án Tiến sĩ nhà nước về công nghệ giáo dục. Anh đã giảng dạy về giáo dục, kinh tế tại nhiều trường đại học ở Pháp, nhiều trường đại học nước ngoài, đã làm chuyên gia tư vấn cho nhiều tổ chức quốc tế. Những công trình nghiên cứu của anh cũng bao quát nhiều lĩnh vực từ sử học, giáo dục, kinh tế đến văn hoá, văn học, mỹ học...Tôi chưa có điều kiện đọc hết khối lượng công trình đồ sộ của anh, nhưng chỉ một số tác phẩm về lịch sử và văn hoá mà tôi đã đọc thì đã tìm thấy ở anh một nhà khoa học rất nghiêm túc, một tư duy và phong cách nghiên cứu rất hiện đại trong tính cổ điển, một trí tuệ minh mẫn đầy sáng tạo, một con người trung thực, thẳng thắn. Đọc cuốn Histoire du Viet-Nam des origines à 1858 (Paris 1982), so với cuốn Le Viet-Nam, histoire et civilisation (Paris 1955), tôi thấy sau gần 30 năm, nhận thức của anh về lịch sử, văn hoá dân tộc đã có nhiều thay đổi theo hướng cập nhật về phương pháp luận, về sử liệu và về chiều sâu của nhận thức. Điều tôi rất trân trọng ở anh là tuy xa đất nước nhưng vẫn dõi theo từng bước tình hình và kết quả nghiên cứu ở Việt Nam, nhất là những phát hiện về khảo cổ học, những thành tựu của các nhà khoa học trong nước. Anh luôn luôn khuyến khích, động viên giới khoa học trong nước, biểu thị và chia sẻ niềm vui mừng về những kết quả nghiên cứu trong nước, nhất là lớp trẻ.

Giáo sư Lê Thành Khôi là một nhà sử học, một học giả uyên bác trên nhiều lĩnh vực, một nhà văn hoá lớn của đất nước. Những công trình nghiên cứu của anh vừa mang tính chuyên ngành sâu, vừa mang tính liên ngành cao. Trong 60 năm sống trên đất Paris, thủ đô nước Pháp, anh tiếp thu được biết bao nhiêu kiến thức hiện đại tại một trung tâm sôi động của văn minh phương Tây, nhưng trước sau anh vẫn là một con người Việt Nam với tấm lòng luôn luôn hướng về Việt Nam, với tâm hồn và phong cách thấm đượm cốt cách Việt Nam kết hợp với những giá trị văn hoá – khoa học Đông-Tây.

Phan Huy Lê

* Nhà Sử học, Giáo sư, Đại học quốc gia Hà Nội




MỘT KHÍA CẠNH CỦA SỰ NGHIỆP TRƯỚC THUẬT CỦA LÊ THÀNH KHÔI



Georges Condominas*




Cũng như nhiều người nghiên cứu Việt Nam, tôi đã sử dụng, trong gần ba mươi năm, quyển Le Viet-Nam, histoire et civilisation của Lê Thành Khôi do Editions de Minuit xuất bản năm 1955. Nhưng sau đó tôi gần như hoàn toàn lệ thuộc vào kiệt tác của anh mà nhiều người đã ca ngợi : Histoire du Viet-Nam des origines à 1858, do Sud-Est Asie xuất bản năm 1982.

Hàng trăm trước thuật khác của Lê Thành Khôi về kinh tế, giáo dục, v.v., là bằng chứng cho thấy Lê Thành Khôi quan tâm đến nhiều lĩnh vực trong đó anh tỏ ra rất có thẩm quyền.

Trong chứng từ thân ái này, tôi xin nhường cho các tác giả khác nói lên sự cảm phục đối với sự nghiệp khoa học rất quan trọng của Lê Thành Khôi – nhà bác học lớn, tôi sẽ tập trung ca ngợi Lê Thành Khôi - nhà thơ - nhà văn, được biểu lộ qua nhiều tác phẩm như La pierre d’amour (Editions de Minuit, 1959), Quelques pas au sud des nuages (Les Indes savantes, 2005),… Quyển sách sau khiến ta nhớ đến các cuốn du ký lớn trong đó chất thơ bàng bạc trong các miêu tả phong cảnh và công trình kiến trúc, cũng như trong các giới thiệu lịch sử của các dân tộc mà tác giả viếng thăm ở Vân Nam.

Tôi cũng muốn nói đến nỗi xúc động của tôi khi đọc – và mỗi lần đọc lại – cuốn La pierre d’amour do lối tự sự tinh tế của nó : luôn luôn liên hợp các nhân vật và tình cảm, tín ngưỡng của họ với Thiên nhiên (muông thú, cây cỏ, khoáng vật…). Ở Lê Thành Khôi, tôi tìm thấy một phẩm chất mà ít nhà bác học có được : đó là sự nhạy cảm vô cùng tinh tế với chất thơ, hiện rõ trong tất cả các truyện của tác phẩm này.

Georges Condominas


* Trường Cao học Khoa học Xã hội, Paris, Pháp


VỊ TRÍ QUAN TRỌNG CỦA TÁC PHẨM LÊ THÀNH KHÔI TRONG VIỆC NGHIÊN CỨU THỜI KỲ THUỘC ĐỊA Ở VIỆT NAM CỦA MỘT SỬ GIA PHÁP

Charles FOURNIAU*





   “Tôi biết rằng tôi chẳng biết gì cả”: giống như Socrate, tôi biết như thế, sau hơn bốn chục năm nghiên cứu về sự tiếp xúc thuộc địa Pháp - Việt. Hẳn nhiên tôi thu thập được một số hiểu biết từ phía Pháp về cuộc tiếp xúc ấy, về những biến cố quan trọng, nhưng còn hiểu biết từ phía Việt thì được những gì ? Dĩ nhiên tôi quen biết nhiều, và yêu thích các học giả kháng chiến “của tôi”. Về thời kỳ hiện đại, từ mấy chục năm nay tôi thăm viếng nhiều ngôi làng, mòn gót trên nhiều thành phố thân yêu khắp thế giới, trong đó Hà Nội đứng hàng đầu ; vài người bạn thân nhất của tôi là người Việt. Tuy nhiên, làm sao dám bảo tôi biết Việt Nam ? Đâu phải yêu là đủ để biết. Tôi còn phải cần biết thêm một số kiến thức để tiến hơn trong việc nghiên cứu của mình. Do đó tôi càng dày công đọc, nhìn, tìm hiểu, và giữa bao nhiêu thứ có thể rọi sáng hơn cả, tôi ghi nhận những gì một số nhà trí thức người Việt đem đến cho tôi. Tôi tri ân đặc biệt ba người trong số họ: Nguyễn Khắc Viện, người thầy đầu tiên, bạn Nguyễn Văn Hoàn rất uyên bác, và dĩ nhiên Lê Thành Khôi mà tôi trân trọng gởi tặng bài viết này.

    Làm sao có thể nghiên cứu việc chinh phục và thống trị thuộc địa mà không có người dẫn dắt chính xác và đáng tin về lịch sử và văn minh Việt Nam thời tiền thuộc địa ?

   Trước hết, hãy xét thư tịch. Ta tìm thấy gì về nghiên cứu tổng hợp trước năm 1982, tức là năm ấn hành quyển “Lịch sử Việt Nam, từ nguyên thủy đến 1858” của Lê Thành Khôi? Một số khảo cứu uyên bác, đặc biệt trong tập san BEFEO, như bài của L.M Cadière, “Niên biểu các triều đại An-nam” (1905) hoặc của Bùi Quang Tung “Biểu nhất lãm niên đại Việt Nam” (1963) hoặc “Bản liệt kê các hoàng đế An-nam theo niên đại” (1908).

   Một số sách xưa cổ viết về “ lịch sử An-nam’’ ấn hành từ thời thuộc địa, phần lớn phát xuất từ các nhà truyền giáo. Một trong những tác phẩm đầu tiên là “Ghi chú lịch sử về quốc gia An-nam” của Le Grand de la Liraye, “một trong những người thấu đáo An-nam hơn cả”, theo lời khẳng quyết trong bộ Hồi ký của Hội Hàn Lâm Đông Dương (1879): chắp nối các dữ kiện về “quốc gia An-nam”, “các đại sự tiếp nối nhau từ 4.000 năm”, làm sao đây không phải là sách quý ? Hoặc giả “Lịch sử xưa và nay về An-nam, Tong-King và Cochinchine từ năm 2700 trước công nguyên” (1884) của L.M Adrien Launay, hoặc tập một của bộ “Lược sử An-nam” (1912) của L.M Cadière.

   Ngoài sách vở của các nhà truyền giáo vừa kể trong thời thuộc địa, mà chủ tâm là phủ nhận thực tế của quốc gia - dân tộc Việt Nam và trà trộn Việt Nam vào khái niệm “ Đông Dương’’, chỉ có một vài tác phẩm với lợi ích hạn chế, như tác phẩm tập thể ấn hành vào dịp Triển lãm thuộc địa 1931 in làm hai tập, do Sylvain Lévi chủ trương, “Đông Dương”, hoặc là, gần như cùng lúc,“Đông Dương, một đế quốc thuộc địa của Pháp” của Georges Maspéro (1930) xuất bản tiếp sau cuốn “ An-nam ngày trước. Luận về cơ chế của An-nam trước khi người Pháp can thiệp”, của toàn quyền Pierre Pasquier (1907), tập hợp mười hai bài diễn thuyết trình bày vào dịp Triển lãm thuộc địa ở Marseille năm 1906. Trước đó, Shreiner đã xuất bản một quyển sách nhỏ nhan đề “Tóm tắt lịch sử An Nam” (1900). Về sau, nhờ Charles Maybon, ta có hai tác phẩm hữu ích nhưng thu hẹp về thời kỳ: “Đọc sử An-nam, kể từ nhà Lê lên ngôi”, loại sách giáo khoa mà tiểu đề nói lên chủ đích của nó: “phụ chú một số khái niệm hành chính sơ đẳng” (1919), kế đó là “Lịch sử hiện đại An-nam, 1592-1820”, cũng với một tiểu đề xác lập quan điểm: “Nghiên cứu những quan hệ bước đầu giữa người Âu và người An-nam và sự thiết lập triều đại nhà Nguyễn” (1920). Sau nữa, pho sách dày hai tập của Taboulet, “Kỳ tích của người Pháp tại Đông Dương” (1955-56). Vẫn biết đây là một công cụ nghiên cứu có ích lợi nhưng hai tập sách này khó có thể được xem là tư liệu dẫn dắt đáng tin cậy giúp ta hiểu nước Việt xưa. Càng không đáng tin cậy hơn nữa là cuốn sách nhỏ và tầm thường “Lịch sử Đông Dương” của André Masson (1950) được kết thúc như thế này: “ Việc ở lại của lực lượng vũ trang Pháp bên cạnh các chính phủ quốc gia Đông Dương không những nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi vật chất của kiều dân chúng ta v.v…” Cuốn sách này được tái bản năm 1960 với một nhan đề khác “Lịch sử Việt Nam” nhưng với một kết luận chẳng khác bao nhiêu.

   Cho nên, kể từ 1955, cuốn “Góp phần nghiên cứu lịch sử quốc gia dân tộc Việt Nam” của Jean Chesneaux và cuốn “Việt Nam, lịch sử và văn hoá” của Lê Thành Khôi mở ra trên đất Pháp một thời kỳ mới cho những công trình nghiên cứu bây giờ mới thoát ra khỏi vòng định kiến của thực dân chủ nghĩa. Tác phẩm sau được tu chỉnh, triển khai và giới hạn vào Việt Nam tiền thuộc địa đã ra mắt năm 1982 dưới nhan đề “Lịch sử Việt Nam, từ khởi thủy đến 1858”. Từ đây cuốn ấy là sách tham khảo. Cho nên hơn hai chục năm nay “cuốn Lê Thành Khôi” luôn luôn nằm trong tay tôi, tôi nhờ ánh sáng của lịch sử Việt Nam xưa trong đó mà soi sáng bước đường nghiên cứu của tôi trong thời kỳ thuộc địa.  

   Mặt khác Lê thành Khôi không chỉ thuần túy là nhà sử học theo nghĩa hẹp. Ông có cái nhìn về Việt Nam của một nhà dân tộc học, ngôn ngữ học, dịch giả, tóm lại là của một nhà nho trong ý nghĩa cao đẹp nhất của từ ngữ thời Việt Nam xưa, thêm vào đó là những tài năng rất hiện đại của môt nhà nhiếp ảnh đáng nể trọng. Do đó, để tiếp cận Việt Nam, một Việt Nam mà tôi muốn gọi là Việt Nam muôn thuở, toàn bộ tác phẩm của Lê Thành Khôi đều đáng được tham khảo, dù đó là những bản dịch một số tác phẩm hàng đầu về thơ bác học hay thơ dân gian, hay dù đó là cuốn "Du hành trong các nền văn hóa Việt Nam", xuất bản năm 2001, hoàn tất một công trình giới thiệu Việt Nam mà chúng tôi không thể thiếu.

   Dĩ nhiên từ toàn bộ EFEO đã được đưa ra nhiều công trình rất thâm sâu, đặc biệt nhằm vào Việt Nam xưa, nhưng đây là những bài trọng điểm, lắm khi quý giá nhưng không cho ta một cái nhìn tổng hợp về thực tế tổng thể của lịch sử và văn minh Việt Nam. Tại Việt Nam, kể từ khi độc lập, một trường phái sử học trẻ trung bắt đầu trước tác, đưa ra hình ảnh Việt Nam mấy nghìn năm lịch sử, trong một tinh thần tất nhiên khác hẳn các nhà viết sử truyền giáo buổi đầu chinh phục. Công trình của trường phái Hà Nội có tính quyết định trong việc đặt nền móng để nghiên cứu lịch sử của dân tộc Việt Nam, do những người Việt yêu nước phác họa, về thời kỳ hiện đại. Nhờ quen biết họ, họ đã giúp tôi rất nhiều trong việc đánh giá đúng sai các nguồn tài liệu thuộc địa. Tuy nhiên, các công trình ấy, thực hiện do những trí thức từ chiến khu về, đầy nhiệt huyết, trong không khí độc lập tái hồi, và chưa được dịch ra tiếng nước ngoài, nên chưa thể đưa ra ngay một tổng hợp vô tư mà tôi, với tư cách là sử gia nước ngoài, đang cần đến. Tổng hợp rộng rãi bằng tiếng Pháp ấy, chúng tôi đã nhờ Lê Thành Khôi mà có ; ông đã sử dụng toàn bộ các nghiên cứu trước đây, kể cả những nghiên cứu của các sử gia đồng thời ở Hà Nội và Sài Gòn. Đàng khác, kể từ vài thập niên gần đây, việc nghiên cứu khoa học nhân văn ở Việt Nam được phong phú hơn nhờ một số lượng rất lớn những công trình về sử học, dân tộc học, nhờ việc ấn hành bổ sung các bản cổ văn Hán Nôm. Tạp chí “Khoa học xã hội” có giới thiệu vài nét, bây giờ chỉ bằng tiếng Anh. Phần chính yếu tất nhiên viết bằng tiếng Việt, cho nên chỉ một số tinh hoa rất nhỏ nhà nghiên cứu phương Tây, nhờ học tiếng Việt, sử dụng được để mở đường khai lối. Đối với những người khác đang nghiên cứu hoặc quan tâm thực sự đến Việt Nam thì Lê Thành Khôi, qua tiếng Pháp, đã cung cấp thông tin cơ bản đầy đủ và vững chắc hơn cả mà chưa ai thay thế được trong bối cảnh Việt Nam học hiện đại qua tiếng Pháp.

    Hẳn nhiên, cuốn Lịch sử Việt am của ông, đặc biệt ấn bản “Lịch sử Việt Nam từ khởi thủy đến 1858” là kho tài liệu chính yếu cho tôi thu thập vô số thông tin cần thiết. Tác phẩm này quan trọng về ba phương diện:

   - Trước tiên đó là sách giáo khoa thuận tiện mà lại chứa đựng nhiều nội dung, rất có ích khi nó giúp ta định vị chính xác một biến cố nào đó của lịch sử Việt Nam hay Đông Á. Ai có thể bỏ qua mười trang dày đặc của Bản niên biểu để có được ngay niên đại chính xác đáp đúng vào một câu viết ra trong một công trình nào đó, hoặc có được ngay phần tham chiếu cho một tên riêng ghi ở bản chú dẫn bằng chữ nho?  Có trong tay một công cụ làm việc tốt là một điều may mắn đáng cho ta tri ân trước tiên.

   - Nhưng tác phẩm của Lê Thành Khôi còn là một cái gì khác hơn thế nữa. Công trình tổng hợp tiên phong này có hai cái quý, một là tổng hợp và hai là cho ta thấy dân tộc Việt Nam được tạo dựng và phát triển như thế nào. Hai khái niệm ấy cần được bảo vệ. Nền sử học Pháp hiện nay có xu hướng quay lưng lại với những gì là tổng hợp vì sợ đi sâu vào vô số đề tài nghiên cứu luôn luôn được đổi mới và cũng là vì sợ – và khước từ nữa – những quan điểm tổng quát bị nghi là nhuốm màu ý thức hệ. Tác phẩm của Lê Thành Khôi, hoàn toàn ngược lại, tạo thành cái khung tổng quát khả dĩ gợi lên hàng loạt nghiên cứu, giúp ích những nghiên cứu khác, và đặt tất cả vào một viễn tượng dài hơi. Dù sao nó vẫn giữ vai trò ấy cho công việc nghiên cứu của tôi. Tất nhiên, cũng như bất cứ tác phẩm khoa học nào, tác phẩm của Lê Thành Khôi có thể bị vượt qua ở một điểm nào đó ; ngày nay ta biết nhiều về triều đại nhà Mạc (thế kỷ XVI) hơn là đoạn ngắn ở trang 247 và 249, hoặc là về những cuộc dấy loạn ở Bắc Bộ những năm 50 của thế kỷ XIX. Những cách nhìn về vương triều nhà Nguyễn trở nên phức hợp và uyển chuyển hơn, v.v… Nhưng đối với tôi, đó là những cành lá đâm chồi từ trên thân cây vững chãi là “cuốn Lê Thành Khôi”, cuốn sách vẫn tiếp tục cung cấp bức tranh tổng quát.

   Giai do cái tổng hợp ấy được tổ chức trên một ý tưởng chủ lực, là thực tế rất lâu đời của dân tộc Việt Nam. Quả tình sự khẳng định này gây tranh cãi. Một mặt vì sự khẳng định này được sử dụng nhiều trong ngôn từ chính trị nên các nhà khoa học có xu hướng không muốn thừa nhận nó, e rằng nó có tính cách bất chợt, vội vã. Mặt khác, phải giải quyết thế nào đối với một vấn đề trở đi trở lại hoài – vấn đề giá trị lịch sử tổng quát của một từ ngữ được xác định đích xác thời điểm lịch sử. Vấn đề này đặt ra cho nước Pháp hoặc các nước Âu châu cũng giống như cho Việt Nam. Ở thời điểm nào ta có thể nói rằng có một dân tộc Pháp ? Có thể áp dụng từ ngữ ấy chăng vào giai đoạn Bouvines, vào giai đoạn Jeanne d’Arc ? Hay là phải chờ đến lúc nó trở thành lá cờ vào thời điểm Cách mạng 1789 ?  Trong những năm mở đầu thế kỷ XIX, khi Fichte đọc “Diễn từ gửi dân tộc Đức”, phải chăng Fichte đi sớm trước thời gian ? Ta không nên lẫn lộn phương pháp làm việc của nhà ngôn ngữ hay nhà triết học với phương pháp của nhà viết sử. Đối với nhà viết sử, đối tượng mà ông đang nghiên cứu có tính cách động và những từ ngữ mà ông dùng không nói lên một tình trạng tĩnh mà là một xu thế đang phát triển. Nghiên cứu cuộc tiếp xúc Pháp-Việt vào thời buổi chinh phục của Pháp, tôi đã đi đến kết luận rằng động cơ của những biến cố thời ấy là phong trào dân tộc Việt Nam, với những rối rắm, những lúc bùng phát cũng như những khuyết điểm của nó. Nhưng sự diễn dịch này, mà tôi nghĩ là đương nhiên nhờ biết chất vấn tư liệu, chỉ có thể chấp nhận được nếu như trước đó ta có thể nhận ra cái thực tế dân tộc Việt Nam, cổ xưa và sinh động, là có thực.

   Và chính cái phong trào ấy tôi thấy được dàn bày trong lịch sử Việt Nam của Lê Thành Khôi, không phải tựa vào những khẳng định tiên thiên, mà dựa vào việc nghiên cứu sự phát triển của đất nước. Nếu như, cũng giống như các nhà truyền giáo nói tới 4.000 năm lịch sử An nam, Lê Thành Khôi trong chương thứ nhất gợi dẫn vương quốc Văn Lang, thì sang tới chương hai, từ trang 89, ông mới đề cập tới “sự hình thành quốc gia Việt nam”.  Và, phân tích kỹ lưỡng các khía cạnh tiến hóa xã hội như một sử gia, ông xác định ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa của hai bà Trưng: “ Cuộc khởi nghĩa này không phải chỉ có tính cách phong kiến mà là khởi nghĩa của toàn dân, do giới quý tộc lãnh đạo, chống lại đô hộ ngoại bang. Nó mở đầu cho cuộc đấu tranh độc lập trường kỳ, trải qua vô vàn thử thách, sẽ đắc thắng vào thế kỷ thứ X”. Lê Thành Khôi cũng chứng minh sự liên kết chặt chẽ giữa sự hình thành Nhà nước với sự phát triển dân tộc ; đây là một trong những đặc điểm chính yếu của lịch sử Việt Nam, có thể so sánh với lịch sử Pháp, và như thế hoàn toàn không phải là một hiện tượng tổng quát. Như thế, các nhà nho kháng chiến trong phong trào Cần Vương “của tôi” mới mang đúng ý nghĩa thực sự của họ: họ là thành phần của cái mà tôi gọi là quỹ đạo Việt Nam, nghĩa là sự hợp thành của nhiều mâu thuẫn đã gây nên hàng loạt biến cố tiếp nối nhau suốt gần hai chục thế kỷ và bây giờ chính nó giúp ta hiểu đượcvấn đề qua từng chặng đường phát triển của nó.

   Và trong lịch sử hình thành dân tộc đó, ta có thể theo dõi, từng thời kỳ một, không phải chỉ những biến cố chính trị mà còn luôn cả những tiến hóa xã hội và văn hóa, không phải viết tách riêng ra thành từng chương, mà xen lẫn mật thiết vào nhau. Như thế, trong khuôn khổ các triều đại kế tục nhau, ta theo dõi tiến hóa xã hội, tôn giáo và văn hóa, cái này giải thích cái kia. Sự hình thành Nhà nước, với các cuộc đấu tranh chính trị nội bộ và chiến tranh ngọai xâm, rõ ràng vừa là kết quả vừa là nguyên nhân, kết hợp với nhau một cách biện chứng, của bao nhiêu biến đổi của xã hội phát sinh từ đấu tranh giai cấp và ảnh hưởng tôn giáo, bấy nhiêu yếu tố đó đúc kết lại, biểu lộ ra trong quá trình phát triển của văn học và nghệ thuật. Và như thế, thời kỳ này sang thời kỳ khác, ta theo dõi sự phát triển song đôi của dân tộc và Nhà nước và, chính thế, sự hình thành rất sớm của ý thức dân tộc. Đọc “cuốn Lê Thành Khôi”, tôi tìm thấy căn rễ hàng thế kỷ của bao nhiêu thứ tôi đã nghiên cứu về hậu bán thế kỷ XIX.

   Do đó tôi có chút không đồng tình với mấy trang cuối của cuốn sách khi bàn về “tình trạng bất biến chuyển trí thức ». Tất nhiên tôi biết rằng các nhà nho Cần Vương “của tôi” bị gò bó trong thứ Nho giáo chật hẹp đã thống trị Việt Nam và còn mạnh thêm dưới thời nhà Nguyễn. Nhưng thiết tưởng nên đưa ra hai nhận định giảm thiểu. Nhận định thứ nhất là, kể từ triều Minh Mạng, nước Đại Việt không thu rút mình lại đến mức như người ta nói. Minh Mạng đã phái tàu thuyền sang tới Ấn Độ, Thiệu Trị đã gởi sứ sang phương Tây, và nếu Nguyễn Trường Tộ đã dâng được sớ lên tới vua là vì ông đã được một số đại thần cao nhất triều đình nâng đỡ và Tự Đức không phải là không nghe ra những tư tưởng ấy. Lý do, và đây là nhận định thứ hai, khiến sự tiến hóa đang chớm nở bỗng bị chận đứng, chính là sự chinh phục của phía Pháp. Làm sao bắt tay vào việc cải tổ thuế khóa một cách sâu rộng trong khi phải trả cho kẻ thù món bồi thường kếch xù là 4 triệu đồng do hiệp ước 1862 bó buộc, do đó mà có những sắc chỉ ban hành những năm 1862, 1869, 1871, 1873 (Dương Kinh Quốc 1988: 55) tăng thuế điền thổ đến nỗi làm tiêu tán làng mạc, dân phải bỏ làng mà đi ? Làm sao Nhà nước có thể hòa hoãn tư tưởng chính thống khi kẻ xâm lăng đòi toàn quyền tự do hành động cho hàng ngũ truyền giáo mà các người truyền giáo thì tự cho mình cái mục đích là triệt tiêu tư tưởng ấy ? Làm sao hòa hoãn ở thời điểm 1873, khi đa số người công giáo ở Bắc kỳ nổi dậy hùa theo Francis Garnier tấn công chiếm thành Hà nội ? Có thể nào nghe theo ý kiến của Nguyễn Hiệp khi ông từ Xiêm trở về năm 1879 chủ trương chính sách ngoại giao chủ động (Lê Thành Khôi 1982: 39 I) trong khi, kể từ 1874, “hiệp ước Philastre” quy định trong điều 3: “Để tỏ lòng tri ân sự bảo trợ (của nước Pháp), Hoàng đế An Nam cam kết rập khuôn đường lối ngoại giao của mình với ngoại giao của Pháp và không thay đổi gì trong các quan hệ ngoại giao hiện thời” ? Còn các lời luận bàn của Phan Liêm năm 1881 nhằm thiết lập các công ty hùn vốn (Lê Thành Khôi 1982: 392) có giá trị gì không khi mà các dự án đánh chiếm Bắc kỳ đã được thảo luận đâu vào đấy về phía Pháp ? Nên chăng phải thấy cho ra mối liên hệ biện chứng cắt nghĩa rằng nếu một bế tắc nào đó trong chính quyền Việt Nam đã làm dễ dàng sự chinh phục của Pháp thì, song song, cuộc chinh phục của Pháp cũng đã làm tắt nghẽn trong nhiều thập kỷ những manh nha tiến hóa phát hiện ngay từ thời Minh Mạng. Vấn đề này rất quan trọng vì nó liên quan đến cái nhìn của ta về nhà Nguyễn, mà các sử gia Việt Nam hiện đại có khuynh hướng đánh giá lại, và cũng liên quan đến cách hiểu của ta về những hậu quả của sự thiết lập nền đô hộ thuộc địa hẳn nhiên đã làm trì trệ nhiều mặt.

   Nhưng, ngược đời thay, sự bế tắc kia – mà nền đô hộ thuộc địa càng làm trầm trọng thêm – đã góp phần giữ vững, trong một thời gian dài, cốt tủy của văn minh truyền thống trong dân chúng nông thôn, nghĩa là trong hầu hết dân chúng. Năm 1915, trong “Đông Dương tạp chí bộ mới”, Phan Kế Bính đăng tải “Việt Nam phong tục” của ông, trong đó ông đưa ra, bằng giọng trách móc, bức tranh gần như không thay đổi của những “Phong tục tập quán Việt Nam”. Như thế, vượt qua dấu ngoặc thuộc địa, nước Viêt Nam truyền thống vẫn tiếp tục trường tồn cho đến gần đây, giả như hôm nay có biến mất chăng nữa.  Tôi đã có dịp kể là đã ghi lại, cách đây bốn mươi năm, những kỷ niệm của một bác nông dân già hồi nhỏ mang thương tích trong vụ Pháp chiếm Bắc kỳ, và tôi cũng được nói chuyện lâu với một vị đồ nho đã từng thi hương vào những năm cuối. Thế có nghĩa là người viết sử ngoại quốc nào viết về Việt Nam, bất luận giai đoạn nào, đều phải trực diện với một nước Việt Nam cổ truyền vừa hiện ra trước mắt lại vừa thuộc vào một thế giới rất xa xôi, tuy xa nhưng ông cũng phải cố tìm cách thâm nhập nếu không muốn sa lầy trong cách hiểu giản lược thường thấy nơi những người viết báo và người du lịch. Bởi vậy, trong mấy chục năm nay tôi nhủ đi nhủ lại với mình: tôi biết tôi chẳng biết gì, nhưng vẫn phải cố gắng học cách tiếp cận và đó cũng là lúc tôi đặc biệt cần đến các tác phẩm nhiều mặt của Lê Thành Khôi. Thật vậy, ta tìm thấy trong “Lịch sử Viêt Nam” bước tiến hóa của văn minh gắn liền với lịch sử của xã hội và với các biến cố lịch sử ; mặt khác vai trò dịch giả tinh tế của Lê Thành Khôi cho phép chúng ta tiếp chạm với một số báu phẩm của văn học Việt nam ; sau cùng, trong vai trò nhiếp ảnh gia đáng trân trọng và người bình luận tinh tế về đời sống thường ngày, ông cho ta thấy, qua “Du hành trong các nền văn hóa Việt Nam” (2001), nước “Việt Nam muôn thuở” trong cái đẹp thâm trầm của nó.

   Nghiên cứu thời “cận đại”, ta đã rất xa vương quốc Văn Lang hay sự du nhập của Phật giáo vào bán đảo Đông Dương, nhưng ta không thể không biết, tuy khó nghiên cứu sâu trong thư tịch dày đặc, hỗn độn. Đó là một trong những khía cạnh cần thiết của công tác khoa học về lịch sử vốn bó buộc vừa nghiên cứu những tư liệu đầu tay vừa vận dụng các  sách báo viết cùng đề tài. Đó là điều mà Lê Thành Khôi đã cung cấp. Tác phẩm của ông  chuyển giao những điều chính yếu trong khối lượng sách vở bác học Pháp và Việt. Do đó, giữa bao nhiêu thực tại văn hóa cần đề cập khi nghiên cứu Viêt Nam, có Phật giáo, vấn đề vô cùng phức tạp, vì tư tưởng, vì bước tiến hóa đa dạng, vì xen lẫn vào nhiều trào lưu lớn về tôn giáo và triết học của Á Châu, vì những biểu hiện trước mắt, chưa kể những phiếm luận trên báo chí hiện nay. Để tiếp cận khởi đầu với vấn đề này, một mặt nên theo dõi trong sách sử của Lê Thành Khôi các chặng đường thâm nhập, quảng bá và phần nào suy giảm của Phật giáo trên đất nước Việt Nam truyền thống – và đây là lời tôi khuyên sinh viên của tôi tìm đọc đầu tiên – và mặt khác cảm nhận những ảnh hưởng phân tán ít nhiều nhưng thường khi là trọng yếu của đạo Phật (tôi nghĩ tới Kim Vân Kiều) trong cái mà tôi gọi là “hồn Việt” vì không biết gọi thế nào cho đúng hơn. Và ở điểm này, tác phẩm “Du hành trong các nền văn hóa Việt Nam” mà Lê Thành Khôi cho ấn hành năm 2001, cho phép ta dạo chơi trong cái đẹp của cảnh sắc, người và vật, đồng thời thâm nhập hiểu sâu đất nước Việt Nam, dù không phải ta bao giờ cũng theo gót tác giả trong một số nhận định nào đó về khía cạnh chính trị hiện thời.

   Tôi dùng tác phẩm này theo hai thì. Đầu tiên là lật trang như anh chàng du lịch ngây người ra trước vẻ đẹp của các tấm ảnh ; các ảnh đó giúp tôi khám phá thêm cái đất nước mà tôi cứ nghĩ là mình đã biết. Bằng những bức ảnh nghệ thuật, ông trình bày dưới mắt độc giả những khuôn mặt khác nhau của một xứ sở, được nhìn và cảm với một đôi mắt và một trí óc tinh tế, giúp khách nước ngoài thấy và hiểu những gì mà khách không thể tự thấy một cách sâu sắc như vậy: đó đâu phải là một đóng góp nhỏ nhoi ! Với tác phẩm này, tôi có kinh nghiệm khá tương tự kinh nghiệm mà Nguyễn Khắc Viện đã cho tôi cách đây đã lâu. Anh Viện đưa tôi đi qua một ngôi làng nào đó chẳng có gì khiến tôi chú ý ; sau đó anh lại đưa tôi đi lần nữa và chỉ cho tôi những gì nên thấy vì là quan trọng và có ý nghĩa để hiểu đời sống người nông dân Việt Nam. Các tấm hình chụp của Lê Thành Khôi, ngoài cái thú thẩm mỹ gợi lên, dẫn dạy cho ta và bắt ta suy nghĩ. Đọc lần thứ hai, cầm bút trên tay, tôi thu lượm được một khối tài liệu phong phú, trước hết hoàn toàn về lịch sử, giúp tôi học thêm những gì đã học được trong “Lịch sử Việt Nam”. Cứ như thế, lần theo trang sách, tôi gặt hái thêm một hiểu biết chính xác về tính xưa cổ trong việc trồng lúa ở Viêt Nam bởi vì những khai quật đã đưa ra ánh sáng những hạt lúa gặt cách đây ngót hai nghìn năm (tr.55) hoặc tên ngôi chùa mà, trong đắc thắng, Giám mục Puginier đã triệt hạ để lấy chỗ xây lên nhà thờ lớn Hà Nội, v.v… Thêm vào đó, một phần khá lớn của quyển sách được dành cho các dân tộc thiểu số – các dân tộc đã làm cho Việt Nam thành một quốc gia đa dân tộc nhưng lại có mặt quá ít trong tổng hợp lịch sử chung. 

   Mặt khác, tác phẩm được điểm thêm nơi này nơi kia bằng những bài thơ trích dẫn, vì làm sao nói đến Việt Nam mà không đặt thơ lên hàng đầu, cả thơ bác học lẫn ca dao. Đó là nghệ thuật hàng đầu của Việt Nam. Một số chùa hoặc đình đẹp thật đấy, nhưng Việt Nam cũng không thể nào địch lại về mặt kiến trúc với Angkor của Campuchia, về mặt điêu khắc với nét tráng lệ của Nara ở Nhật. Lê Thành Khôi biết rõ như vậy nên đã đưa ra vô số thí dụ trong tập sách ảnh “Ai yêu cái đẹp” trong đó ông đi tìm cái đẹp trong cùng khắp Viễn Đông. Nhưng riêng về thơ thì Việt Nam có hẳn chỗ đứng trong văn học hoàn cầu. Ấy thế mà thơ, dù viết bằng chữ Hán, Nôm, hay quốc ngữ, chúng tôi chỉ tiếp nhận qua bản dịch. Mà Lê Thành Khôi, cùng với Nguyễn Khắc Viện, là người cung cấp những bản dịch trội hẳn. Chỉ cần so sánh các bản dịch “Chinh phụ ngâm” với bản dịch truyện ấy của Lê Thành Khôi là đủ rõ ; về ca dao cũng vậy. Ai thích đọc thơ đều không thể bỏ qua những tuyệt tác này ; riêng sử gia còn tìm thấy thêm trong đó vật liệu cần thiết để hiểu văn minh Việt Nam. Dân tộc này, cho tới thời kỳ rất gần đây, đã phải đẩy lùi nhiều cuộc xâm lăng, đồng thời tạo lập lãnh thổ bằng cách chinh phục toàn bộ miền Nam, vậy mà không phải chỉ có những khúc quân ca là tác phảm văn học lớn, còn có khúc ngâm ấy nữa của người chinh phụ. Tìm đâu ra một văn minh nào khác có tác phẩm văn học cao nhất, đối với người có học cũng như đối với người bình dân, kể chuyện một phụ nữ bán mình ? Những tác phẩm lớn như thế đã thuộc vào văn học nhân loại, nhưng phương Tây còn biết quá ít, cho nên công việc dịch những tác phẩm ấy là một đóng góp đáng kể cho văn hóa nói chung và cho người viết sử nước ngoài nói riêng bằng cách cung cấp cho họ những mẩu thông tin cần yếu.

   Sau cùng, viết sử đâu phải chỉ có nghiên cứu chính trị, kinh tế hoặc các thứ khác, mà còn phải thâm nhập những gì mà ngày nay ta gọi là tâm tính (mentalité). Từ ngữ này cố nhiên là mơ hồ ; nó bao gồm tín ngưỡng và luôn cả những tập quán trong cuộc sống hàng ngày, y phục, v.v... Bảng mục lục cuốn “Du hành trong các nền văn hóa Việt Nam” đáp ứng những yêu cầu ấy : “con người, gia đình, xã hội“, “nghệ thuật sống nghèo“, v.v... Tất nhiên có cả một thư tịch lớn về các đề tài ấy, nhưng công trạng của tác phẩm Lê Thành Khôi gồm hai mặt : một mặt là tạo nền tảng vững chắc để đề cập, và cho phép bình phẩm, loạt thư tịch ấy, và mặt khác là đề cập các vấn đề kia một cách bén nhạy, cho phép tôi tìm lại và tha hồ bổ sung những gì tôi đã ghi chép trong những chuyến viếng thăm làng xã, nhờ thế có được một vốn liếng kiến thức, nhạy cảm chứ không khô khan nặng nề.

   Bởi vì, để đưa chúng ta dạo chơi trong các nền văn hóa của Việt Nam – một cuộc du hành có thể bề bộn và nhắm vào cái đẹp, cái lạ địa phương – Lê Thành Khôi quả tình có cái tài của nhà văn, điều này làm cho tác phẩm trở nên rất thích đọc và nhất là có hiệu quả vì chỉ có cái văn tài mới có thể nói và làm cảm được những gì không phải chỉ nằm ở vật chất hay ở bề mặt. Ngay trang đầu, cạnh một tấm hình cực đẹp chụp nơi tiếp giáp giữa châu thổ và trườn đồi trung du, tôi được đưa vào duyên dáng mê hồn của đất nước Việt Nam do mấy dòng này: “Thoang thoảng đâu đó tiếng vạc kêu, tiếng con diều vi vu, tiếng nước ao tù động mình ; thỉnh thoảng từ chòi cao vang vọng và rền lâu như từ thời xa xưa vọng về tiếng tù và của người lính canh một mình một bóng. Một không khí thiêng liêng vây phủ cả bầu trời lúc bấy giờ, đó là lúc vạn vật dường như lắng mình vào một cõi cộng thông sâu thẳm giữa người với đời, là lúc núi sông đều phảng phất sự có mặt của đất nước nghìn năm!”. Thiết nghĩ cũng cần cảm nhận phần nào sự cộng thông ấy, được diễn cảm tinh tế đến như thế kia, để ta có thể tiếp tục làm việc hữu ích trên mớ văn khố khô khan và theo đuổi công việc hợp tác giữa đất nước mình với Việt Nam.

   Về khoản này, sử gia người Pháp đặc hưởng một lợi thế ngoại hạng, đó là nhờ những người mà tôi gọi là “người dẫn dắt vượt biên” giữa Pháp và Việt Nam. Do bối cảnh thuộc địa, họ được đào tạo qua hai lớp văn hóa Pháp Việt, và nhờ tài năng, họ thực sự là những nhà văn Pháp, Lê Thành Khôi, cũng như Nguyễn Khắc Viện, cũng như nhà thơ Cù Huy Cận và vài người khác, họ cho chúng ta gần như thẳng mạch tiến vào văn hóa Việt Nam, hay nói đúng hơn, cho chúng ta tiến những bước đầu tiên để lấy sức cần thiết và dài hơi tìm cách thâm nhập. Một nghịch lý đáng nói là sự xâm lược thuộc địa của người Pháp tại Việt Nam đã làm trổi dậy, tuy khá trễ, một thế hệ các nhà trí thức Việt nam sở đắc hai hoặc ba văn hóa, mang lại cho nước Việt Nam độc lập vốn liếng sở đắc của họ và duy trì mối liên lạc phi vật chất với nước Pháp hậu thuộc địa. Điều này được thể hiện đặc biệt  qua sự có mặt của Việt Nam trong khối cộng đồng Pháp ngữ. Về phía mình, nước Pháp trong thời thuộc địa trước đây đã không biết tìm hiểu sự phong phú tinh thần có thể bật ra từ tiếp xúc ấy. Từ khi hàng rào cai trị thuộc địa sụp đổ, nước Pháp có phần để ý hơn đến sự phong phú đó, nhưng còn quá nhiều việc phải làm, và nay là lúc không còn nữa những điều kiện thuận lợi như thời của những người « dẫn dắt vượt biên » nói trên. Lê Thành Khôi là một trong những người cuối cùng này ; do đó, đặc biệt, tác phẩm của ông đáng quý và đặt cho ta một vấn đề nghiêm trọng : làm thế nào để đừng đứt đoạn mối dây tế nhị giữa hai nên văn hóa chúng ta, huống nữa hai nền văn hóa hiện đang chuyển vận và chỉ có thể sinh tồn trong đổi mới nếu vẫn là quá khứ triển khai trong hiện tại.

Charles FOURNIAU

bản dịch của BỬU Ý

NGUỒN TỪ ĐÔNG SANG TÂY, nhà xuất bản Đà Nẵng, 2005

* Nhà sử học, Trường Cao học về Khoa học xã hội (EHESS), Marseille, Pháp



Thư mục

CADIÈRE et PERREAUX, 1912, Abrégé de l'histoire d'Annam, première partie, jusqu'en 1802, par le P. Cadière ; Imprimerie de Quinhon.

CHESNEAUX, Jean, 1955, Contribution à l'histoire de la nation vietnamienne, Paris, Editions Sociales.

Dương Kinh Quốc, 1988, Chính quyền thuộc địa  trước cách mạng tháng 8-1945.  Hanoi, cité par Tạ Thị Thuý, Les concessions agricoles françaises au Tonkin de 1884 à 1918, à paraître aux Editions "Les Indes Savantes".

LAUNAY, (Père Adrien.), 1884, Histoire ancienne et moderne de l'Annam, Tong King et Cochinchine, Paris, Challamel.

LE GRAND DE LA LIRAYE, s; d. (1875-76), Notes historiques sur la nation vietnamienne.

Lê Thành Khôi, 1955, Le Vietnam, Histoire et civilisation, Paris, Les Editions de Minuit.

Lê Thành Khôi, 1968, Chant de la femme du combattant, Paris, Gallimard.

Lê Thành Khôi, 1982, Histoire du Vietnam, des origines à 1858, Paris, Sudestasie.

Lê Thành Khôi, 1995, Aigrettes sur la rizière, Chants et poèmes du Vietnam, choisis, présentés et traduits du vietnamien, Paris, Gallimard.

Lê Thành Khôi, 2000, Un désir de beauté, Paris, Horizons du monde.

Lê Thành Khôi, 2001, Voyage dans les cultures du Vietnam, Paris, Horizons du monde.

LEVI, Sylvain, 1931, Indochine, Exposition coloniale internationale de Paris, Commissariat général,
Paris, Société d'Edition géographique, maritime et coloniale, 2 volumes.

MASPÉRO, Georges, 1930, Un empire colonial français, l'Indochine, Paris, Van Oest, 2 volumes.

MASSON, André, 1950, Histoire de l'Indochine, PUF, Que Sais-je, réédité en 1960, sous le titre Histoire du Vietnam, PUF, Que Sais-Je.

MAYBON, Charles, 1919, Lectures sur l'histoire d'Annam, depuis l'avènement des Lê, suivies de notions élémentaires d'Administration.  Hanoi, IDEO.

MAYBON, Charles, 1920, Histoire moderne du pays d'Annam, 1592-1820. Etude sur les premiers rapports des Européens et des Annamites et sur l'établissement de la dynastie des Nguyên, Paris, Plon.

PASQUIER, Pierre, 1907 réédité en 1930, L'Annam d'autrefois. Essai sur la constitution de l'Annam avant l'intervention française.  Paris, Challamel.

SCHREINER, A., 1900, Abrégé d'histoire d'Annam, Saigon.

TABOULET, Georges, 1956, La geste française en Indochine, Histoire par les textes de la France en Indochine, des origines à 1914. Paris, Maisonneuve, 2 volumes.