
Năm 946, đế quốc Angkor của người Khmer phát động cuộc chinh phạt đầu tiên qua đất vương quốc Champa. Vua Khmer khi đó là Rajendravarman II và quân đội của mình đi từ Angkor xuôi dòng Mekong ra cửa biển rồi đánh ngược lên thủ đô của nước Chàm (nay là Nha Trang).
Năm 1080, quân đội Khmer tấn công Champa một lần nữa, lần này họ đánh vào Bắc Champa, nơi có thủ đô là Vijaya (Bình Định). Quân Chàm lần này không chỉ phản công, đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi, mà còn truy kích kẻ thù qua đất của Khmer là vùng Biên Hoà ngày nay rồi từ đó đi theo đường thuỷ ngược sông Mekong lên tận thành phố cổ Sambor (cách Angkor Wat khoảng gần 200 km).
Trong chiến dịch từ phản công chuyển qua chinh phạt này, người Chàm chiếm một khu định cư nhỏ ở gần cửa sông và ở lại. Nơi đây có một ngôi đền cổ thờ thần rắn của vương quốc cổ Phù Nam. Vị trí này ngày nay là chùa Phụng Sơn đường 3/2.
Khu định cư này của người Chàm được gọi là làng chài Baigaur.
Vùng đất xưa là Phù Nam, lúc này là Chân Lạp, vốn chỉ có dân Phù Nam, dân Khmer, nay có thêm dân Chàm sinh sống.
*
Champa là liên hiệp các tiểu quốc Chàm và một loạt các tiểu quốc chư hầu, phần duyên hải kéo dài từ Quảng Bình đến Biên Hòa, phần cao nguyên bao gồm Tây Nguyên hiện nay kéo sang Nam Lào (bao gồm các lãnh thổ của các tộc Hroi, Jrai, Ma, Stieng, Rhade, Churu, Raglai, Bahnar, Sedang). Có năm tiểu quốc Champa: Indrapura (Đồng Dương), Amaravati (Quảng Nam), Vijaya (Bình Định), Kauthara (Phú Yên-Khánh Hòa), và Panduranga (Ninh Thuận- Bình Thuận).
*
Đến năm 1145, vua Angkor (Chân Lạp) là Suryavarman II, tổ chức một đạo quân lớn xâm lược Champa. Lần này họ chiếm thủ đô Vijaya (Nam Chiêm Thành, nay là Bình Định), phá hủy Mỹ Sơn. Suryavarman II xưng mình hoàng đế Chân Lạp lẫn Champa. Đây là bước chuyển biến lớn của đế quốc Khmer: từ vương quốc Chân Lạp, họ thôn tính Phù Nam, và bây giờ chiếm nốt Champa. Suốt bốn năm chiếm đóng, đế quốc Khmer xâm chiếm một dải đất lớn từ Nam Lào (nay là Champasak) sang vùng đất duyên hải của Champa lên đến tận đèo Hải Vân.
Trong quãng thời gian này, người Khmer chiếm lại làng chài Baigaur và đổi tên thành Prey Nokor.
*

*
Năm 1177 là năm bước ngoặt, vua Chàm là Jaya Indravarman IV dẫn một đạo lớn tấn công Đế chế Khmer. Họ đi đường biển, vượt qua biên giới Chàm-Khmer, vào vùng duyên hải Khmer (nay là Vũng Tàu), vào cửa sông (Cần Giờ) rồi ngược lên chiếm lại làng chài Prey Nokor. Từ đây họ đi ngược dòng Mekong rồi bất ngờ đánh vào Tole Sap. Quân Khmer thua trận thuỷ chiến rất lớn này, để Angkor Wat rơi vào tay quân Chàm, bị cướp bóc tàn phá, từ đấy đi vào suy tàn.
Vùng đất sát cửa biển (Cần Giờ) vốn chỉ có người Phù Nam, Khmer, nay có thêm dân Chàm và tù binh Khmer mang từ Angkor về sinh sống.
*
Sau các cuộc chiến đẫm máu với Khmer, người Chàm bắt đầu tấn công mang tính cướp bóc lên vùng đất phía bắc Quảng Bình, một vùng đất thuộc Hán. Khi vùng đất này giành được độc lập, trở nên giàu có và mạnh mẽ, họ tấn công ngược lại vương quốc Chàm. Chiến dịch “bình Chiêm” đầu tiên của họ do Lê Hoàn dẫn dắt.
Chiến tranh Đại Việt-Champa kết thúc(1471), vua Lê Thánh Tông xâm chiếm hoàn toàn khu vực Vijaya.
Champa suy tàn và thu dần vào các lãnh địa cô lập: Aia Ru – Hoa Anh của người Rhade (kéo dài theo chiều ngang từ Tây Nguyên, đèo Cù Mông xuống Đá bia (Thạch Bi Sơn, nay thuộc Phú Yên), tiểu quốc Kauthara (Aia Terang-Nha Trang), tiểu quốc Chàm Panduranga (Ninh Thuận – Bình Thuận) tiểu quốc Nam Bàn (tiểu quốc Jarai) của các dân tộc cao nguyên (nay là Tây Nguyên) như Rhade, Jarai, Stieng, M’nong, Bahnar, K’ho, Lat Sre, Chil…
Sau đó, suốt một thời gian dài người Chàm, các dân tộc Thượng (cao nguyên) và người Việt sống tương đối chan hoà với nhau. Ngôn ngữ chung (lingua franca) lúc đó là ngôn ngữ Malay vốn được sử dụng chung ở các cù lao Đông Nam Á. Người Việt giao lưu và lấn dần xuống phía Nam, người Chàm lui dần. Các nhóm nhỏ Chàm hoà nhập dần vào cộng đồng Việt, cùng làm ăn, cùng tham gia quân đội.
*
Chúa Nguyễn dần mở cõi vào Nam. Năm 1611 chiếm Phú Yên, lập dinh Phú Yên. Năm 1693 chiếm Bình Thuận, lập dinh Bình Thuận. Thế là đất Chàm duyên hải về tay chúa Nguyễn. Đây là cả một quá trình bành trướng bền bỉ và lâu dài.
Năm 1611, chúa Nguyễn Hoàng đưa một đạo quân đánh xuống đất Chàm ở Phú Yên. Dân Chàm lúc này suy yếu về kinh tế, chia rẽ vì tôn giáo, buộc phải lùi thêm xuống Nam, mắc kẹt giữa vương quốc Đàng Trong của chúa Nguyễn đang bành trướng và đất Khmer tồn tại sẵn từ lâu.
Các vua Chàm theo Muslim (mới mẻ và mạnh hơn) giết các vua Chàm theo Hinduism (cũ hơn), cai quản Kauthara (Nha Trang) rồi rút hẳn về Panduranga (Phan Rang) rồi Bal Canar (Phan Rí).
Một thủ lĩnh người Churu (gốc vùng đất ngày nay là Đơn Dương) trên cao nguyên đã tấn công và thần phục cả hai dân Chàm Muslim và Chàm Hinduism. Ông vua Chàm mới mẻ này có tên là Po Ramo, ông có ba bà vợ , một là công chúa Chàm, một là con thủ lĩnh Ede, và một là con chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Từ Phan Rí, suốt mấy chục năm trời ông vua này xây dựng nông nghiệp và thương mại Chàm phát triển, ổn định quan hệ Việt Chàm, cho đến khi chính ông bị thương rồi qua đời trong một vụ xung đột vũ trang Chàm Việt ở Phú Yên. Các vua Chàm sau đó cố gắng đánh ra bắc để chiếm lại Phú Yên, rồi lại bị quân đội của chúa Nguyễn (Phúc Tần) đánh cho chạy sát về Phan Rí, để mất Nha Trang.
Người Chàm vốn sống dựa vào làm nông và làm nghề biển, và thương mại bị mất các hải cảng lưu vực sông quan trọng, suy yếu dần cả về kinh tế và dân số. Một số lượng lớn Chàm Muslim đã làm một cuộc di dân khổng lồ theo đường bộ, họ đi theo chiều ngang, từ bờ biển Nha Trang, qua Tây Nguyên, tới Mekong, rồi định cư ở Ayutthia (Thái Lan).
Biên giới Chàm-Việt lúc này yên ổn ở Khánh Hoà, do Nha Trang hoàn toàn nằm dưới quyền quản lý của chúa Nguyễn.
Đây là quãng thời gian đặc biệt, khi người Việt bắt đầu sống chung, giao lưu với dân Khmer và Xiêm. Công nghệ trồng lúa của người Chàm được chuyển giao ra vùng đất mà chúa Nguyễn quản lý (sau là Bình Trị Thiên), đó là giống lúa Chiêm (Chiêm Nam Mùa Bắc).
*
Quãng thời gian này cũng rơi vào khoảng vài thế kỷ sau khi người Khmer bỏ thành phố Angkor để di chuyển dần xuôi xuống hạ lưu Mekong. Hoàng gia Khmer suy yếu, quân đội phải tuyển mộ lính đánh thuê từ cộng đồng các sắc tộc(Hoa, Nhật, Chàm, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha). Các phe phái trong cung đình đều phải dựa vào ngoại bang, hoặc là dựa vào Xiêm, hoặc dựa vào nhà Nguyễn ở Phú Xuân. Các chúa Nguyễn cũng sử dụng Hoa kiều ở Cambodia làm bàn đạp gây ảnh hưởng chính trị, kinh tế lên hoàng gia Khmer.
Năm 1618, vua Chei Chetta II lên ngôi vào lúc Cambodia chỉ còn là chư hầu của Xiêm, đồng thời chính Xiêm lại bị Burma đe doạ quân sự. Để chống lại sức ép của Xiêm, Chei Chetta II dựa vào chúa Nguyễn.
Chúa Nguyễn Phúc Nguyên gả Ngọc Vạn cho Chei Chetta II, gửi hàng ngàn binh lính theo Ngọc Vạn về nhà chồng. Suốt thời gian làm hoàng hậu, rồi thái hậu, Ngọc Vạn (dựa vào quân lực chúa Nguyễn gửi sang) vừa thao túng vừa cân bằng các nhóm quyền lực trong hoàng gia Khmer.
Năm 1623, Nguyễn Phúc Nguyên xin Chei Chetta II cho phép thu thuế ở Prei Nokor và Kampong Krabei. Hai làng chài này, kể từ lúc bên Trung Hoa là thời Tống, đã là điểm trung chuyển thương mại hàng hải giữa Trung Hoa, Nhật, các nước Nam Đảo với các nước thượng nguồn sông Mekong.
Hai làng chài nhỏ, nằm ở bìa rừng rậm, sát con rạch lớn, trở thành hai thị tứ ven sông, rồi dần nổi lên như hai tiểu đô thị thương mại sầm uất giữa một vùng đất kinh rạch và rừng rú, là cái hub đường sông tấp nập nối các tuyến thương mại từ biển vào sâu trong bán đảo Đông Dương.
Khi quyền năng của Nguyễn Phúc Ngọc Vạn suy yếu, chúa Nguyễn phải hai lần đưa quân qua chinh phạt Cambodia, vừa để ủng hộ phe hoàng gia thân Việt, vừa để duy trì hai đồn thuế Prei Nokor và Kampong Krabei đang hoạt động như hai cái máy in tiền cho chúa Nguyễn đồng thời duy trì vùng ảnh hưởng của người Việt lên khắp vùng đất này. Cuộc chinh phạt đầu tiên là năm 1658, lần tiếp theo là 1674.
*
Prei Nokor về địa bàn, thuộc khu Chợ Lớn bây giờ, về địa danh sau nó được gọi là Sài Gòn, rồi dần dà cái tên Sài Gòn được dùng để chỉ khu vực đô thị do Pháp xây dựng (nay là quận Nhất). Còn vùng đất gốc của Prei Nokor, được khoác cho một cái tên mới là Chợ Lớn.
Kampong Krabei, sau này là Bến Nghé. Do thành Gia Định thời Gia Long – Minh Mạng xây ở đây nên nó còn được gọi là thành (phố) Gia Định. Người Pháp đến đây, gọi nó là “tỉnh Raigon”, rồi xây “thị xã” Sài Gòn trên đất Bến Nghé, sau là phường Bến Nghé, quận Nhất.
Prey Nokor – Chợ Lớn (trên bản đồ hiện nay là từ Gò Cây Mai chéo xuống đến vùng Chợ Quán bên kênh Tàu Hũ).
Kampong Krabei – Bến Nghé, nằm dọc con rạch lớn (Bến Nghé) kéo dài từ Chợ Quán đến chợ Thị Nghè ngày nay. Nó bao gồm nhiều con chợ khác, bao gồm cả chợ mới (chợ Bến Thành sau này).
*
Đến 1698, chúa Nguyễn sai Nguyễn Hữu Cảnh vào lấy đất Chân Lạp, chiếm toàn bộ một vùng đất rộng lớn đặt tên là phủ Gia Định, trong đó có hai huyện là Phước Long (đất Đồng Nai bây giờ) và huyện Tân Bình (kéo dài từ biên giới Cam bây giờ đến Cần Giờ).
Do chính quyền chúa Nguyễn là chính quyền quân sự, nên với mỗi một đơn vị hành chính (huyện) họ đặt một doanh trại (dinh) để quản lý. Huyện Phước Long là dinh Trấn Biên còn huyện Tân Bình là dinh Phiên Trấn. Nghe tên gọi là biết vùng giáp biên sẽ là Trấn Biên (nay là Biên Hoà), vùng lấn ra bên ngoài biên giới (sang đất Chân Lạp) là Phiên (nay là Tp Hồ Chí Minh).
Lúc này đất chúa Nguyễn (Đàng Trong) là đất mới, giàu có, sôi động, đặc biệt là Hội An. Bên Tàu thì nhà Thanh chiếm Yên Kinh, cai trị Trung Hoa. Người Hoa bỏ đi, đến xin chúa Nguyễn đất sống. Chúa Nguyễn ban cho Trần Thượng Xuyên đến Biên Hoà, Dương Ngạn Địch ở Mỹ Tho. Họ làm ăn buôn bán, góp phần xây dựng vùng đất giữa Biên Hoà – Mỹ Tho trở nên sầm uất. Vùng đất đó là Sài Gòn – Gia Định sau này.
Đến khi Nguyễn Nhạc tàn sát người Hoa, người Hoa buộc phải dồn về vùng Prey Nokor, hình thành vùng đất sau có tên là Sài Gòn (rồi sau khi tên Sài Gòn được Pháp dùng để chỉ Bến Nghé thì vùng Sài Gòn cũ “đành phải” lấy tên Chợ Lớn.)
*
Trước khi chiến tranh với Tây Sơn nổ ra, Gia Định tuy là phủ nhưng viên quan đứng đầu (Điều khiển Gia Định – 1731) và bộ máy quân-chính ở đây lại quản tới năm dinh (quan Điều khiển ngũ dinh – 1753), tức là về cơ bản là quản lý toàn bộ Nam Bộ trừ Hà Tiên của những tướng người Hoa Mạc Cửu – Mạc Thiên Tích lúc này là tự trị.
Chiến tranh với Tây Sơn xảy ra, 1775 Nguyễn Phúc Thuần bỏ chạy vào Gia Định, biến nơi này thành bản doanh chống Tây Sơn. Sau này Nguyễn Ánh cũng lấy Gia Định làm cứ địa, từ đó thống nhất đất nước, đặt ra nước Việt Nam hiện đại ngày nay.
*
Do Phú Xuân bị Tây Sơn lấy mất, nên Gia Định trở thành Kinh đô. Nguyễn Ánh cho xây Hoàng thành (thành Gia Định, còn gọi là thành Quy) trên một gò lớn là gò Tân Khai. Bên trong Hoàng thành có hoàng cung (nay ở khu M Plaza, đối diện lãnh sự Pháp), có con đường lớn (nay là Đồng Khởi) để vua xuống bến sông (nay là bến Bạch Đằng), ở đó có Thuỷ các (nhà sàn hóng mát của vua) và trạm quân bưu Gia Tân (nay là cột cờ Thủ Ngữ).
*
Đến năm 1800 thì Nguyễn Ánh đổi phủ Gia Định thành trấn, gọi là Gia Định trấn, bao gồm bốn dinh (Trấn Biên, Phiên Trấn, Trấn Định, Long Hồ), đồng thời nâng huyện Tân Bình lên thành phủ Tân Bình.
Năm 1802 nước Việt Nam hiện đại ra đời.
Năm 1808 trấn Gia Định được nâng cấp thành Thành Gia Định, vai trò là Tổng trấn (Gia Định thành tổng trấn), có năm trấn bao gồm cả trấn Hà Tiên. Gia Định Thành (như trong Gia Định Thành Thông Chí) được hiểu là gần như cả Nam Bộ, tính từ Biên Hoà đổ xuống phía Nam. Người đứng đầu, do vẫn là chính quyền quân sự, là một ông tổng tư lệnh, gọi là Tổng trấn. Tổng trấn nổi tiếng nhất là Lê Văn Duyệt. Lê Văn Duyệt được Gia Long trao quyền bảo trợ vương quốc Chàm phía nam Trung Bộ ngày nay. Tổng trấn Gia Định có quyển lực rất lớn nên tiếng Tây phải dịch ra là viceroy (phó vương).
Dưới thời Gia Long, Gia Định (Bến Nghé) trở thành một thương cảng quốc tế sôi động, có nông nghiệp và các ngành thủ công phát triển. Thị Nghè được chọn để mở thuỷ xưởng Ba Son, sau này trở thành xưởng đóng tàu chiến lớn nhất khu vực với các xóm làm công nghiệp phụ trợ vậy quanh (đến khi Pháp chiếm Sài Gòn vẫn còn Xóm Đơm Buồm).
Gia Định (Nam Bộ) thành một vùng đất đa sắc tộc đa văn hoá (Khmer, Chàm, Việt, Hoa, Lào, Malay, Xiêm) có kết nối qua lại với các dân Thượng cao nguyên, và tất nhiên là có cả những tộc người từ châu Âu xa lạ.
Đến năm 1816, Gia Định đủ giàu và thuỷ xưởng Ba Son đủ mạnh về công nghệ để Gia Long lập đội tàu (hải quân và ngư dân) ra chiếm Hoàng Sa.
(Xem thêm “Mở ra biển”: https://5xublog.com/2022/10/17/mo-ra-bien/)
*
Khi Minh Mạng lên ngôi, rồi sau khi Lê Văn Duyệt chết (1832), ông hoàng đế này xoá luôn Gia Định Thành theo nghĩa là một quân khu rộng lớn che khắp Nam Bộ, chia thành sáu tỉnh (lục tỉnh), đổi chính quyền quân sự thành dân sự, tập trung quyền lực về chính quyền trung ương. Sáu tỉnh đó là Biên Hoà, Phiên An (huyện Tân Bình cũ), Định Tường, Vĩnh Long, Hà Tiên, An Giang. Sau đó ông đổi tên Phiên An thành tỉnh Gia Định. (Thành Phiên An, thành Quy, của Gia Long cũng bị Minh Mạng phá năm 1833 để xây thành Gia Định nhỏ hơn, thành Phụng, nằm giữa Mạc Đĩnh Chi và Nguyễn Bỉnh Khiêm bây giờ, rất gần Thị Nghè)
Gia Định từ tên một vùng đất rộng lớn, trở thành tên một tỉnh nhỏ. Sau này thành cụm ba vùng: Gia Định – Sài Gòn – Chợ Lớn suốt thời kỳ cộng sản hoạt động bí mật (trước 1945), chính quyền Việt Minh chống Pháp (trước 1954) và thời kỳ Việt Cộng hoạt động bí mật (trước 1975). (Tỉnh Gia Định này bao gồm các quận Bình Thạnh, Phú Nhuận và Tân Bình bây giờ.)
*
Năm 1832 cũng là năm Minh Mạng sáp nhập đất Chàm vào Đại Nam, nối liền Đại Nam thành một dải Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ. Các tiểu quốc Chàm – Thượng bị Ngô Đình Diệm dẹp bỏ hoàn toàn năm 1958 khi thành lập tỉnh Lâm Đồng.
*

*
Khi người Pháp đến khu Bến Nghé của Gia Định, nó không còn là đô thành của nhà Nguyễn mà bị hạ cấp xuống thành tỉnh nhỏ. Nhưng hạ tầng đô thị của nó vẫn còn, và vẫn là thương cảng lớn. Trục đường lớn, dù là đường đất, mà người Pháp thấy dẫn từ sông lên phía cao hơn và trung tâm hơn của thành phố, sau là đường Catinat (Đồng Khởi). Và người Pháp gọi tỉnh Gia Định này là “provincia Rai-gon (tỉnh Rai Gon)”, “Raigon-thong (Rài Gòn Thượng)”, “Rai-gon ha (Rài gọn Hạ)”.
Những năm đầu, sau khi chiếm Gia Định, Pháp áp dụng chế độ soái phủ (quân chính) bằng cách bổ nhiệm các đô đốc hải quân nắm chính quyền (thống đốc Nam Kỳ). Năm 1867, Đô đốc La Grandiere ra nghị định xác lập Sài Gòn (tức là vùng Bến Nghé) theo quy chế commune (thị xã), do một Hội đồng thị xã có 13 thành viên đứng ra quản lý. Người đứng đầu gọi là maire (thị trưởng).
Năm 1877, Tổng thống Pháp ký sắc lệnh cho Sài Gòn hưởng quy chế thành phố cấp 1 (municipalite de premiere classe). Chợ Lớn được Thống đốc Nam Kỳ, năm 1879, lúc đó là de Vilers cho hưởng quy chế thành phố cấp 2 (Municipalite de deuxieme classe).
Năm 1888, Tổng thống Pháp ra sắc lệnh thành lập Khu Sài Gòn – Chợ Lớn, đứng đầu là trưởng khu (chủ tịch) Hội đồng quản trị Khu Sài Gòn – Chợ Lớn (Conseil d’administration de la Region de Saigon-Cholon).
Năm 1923, Toàn quyền Đông Dương Maurice Long bổ nhiệm Ernest Hébrard làm Giám đốc sở quy hoạch Đông Dương. Ernest Hébrard là nhà đô thị học đã quy hoạch lại thành phó Thessalonika của Hy Lạp sau khi thành phố này chịu động đất và hoả hoạn.
Ernest Hébrard quy hoạch Sài Gòn Chợ Lớn thành một khu “đại đô thị” sinh đôi với hai thành phố song sinh (twin cities) là Sài Gòn và Chợ Lớn: Sài Gòn (nay là quận Nhất) là hành chính, Chợ Lớn (nay là quận 5) là thương mại công nghiệp, vùng ven bên kia rạch Bến Nghé (thuộc thành phố Chợ Lớn cũ, sau này là quận Tư) dành cho thợ thuyền, bên kia sông Sài gòn (Thủ Thiêm) là dân lao động phổ thông. Tuy là một vùng đô thị nhưng vẫn có khoảng giãn cách (5km) giữa hai thành phố để làm vùng đệm, nơi dân ngoại kiều (Hoa) làm thuê cho Pháp (ở Sài Gòn) được sống ở giữa. Người Việt làm cho Pháp ở bên kia Thị Nghè (nay là Bình Thạnh). Những dấu vết quy hoạch “ai sống ở đâu” còn dấu vết cho đến cuối những năm 1990.
*
Đúng là:
Sông núi nước Chàm vua Nam ở
Nhân tiện ở luôn đất Khmer
Bỗng nhiên bọn Pháp sang xâm lược
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
*
Sắp tới đây, nơi xưa kia là thành Gia Định (Bến Nghé) sẽ thành Phường Sài Gòn. Một địa danh cũ quay lại. Nhưng một địa danh có lẽ còn lâu đời hơn, là Bến Nghé, có thể sẽ mất đi. Thủ Thiêm thay đổi hoàn toàn. Quận Tư thay đổi gần hết, trừ những khu như khu Xóm Chiếu. Bình Thạnh vẫn còn lác đác các biệt thự lai Tây Tàu của dân Việt làm cho sở Tây, nhưng ít dần, các khu phố có chỗ vẫn còn giống các làng xóm Gia Định ngày xưa.
*
Xem thêm Sài Gòn trong Sound of Silence, ở link này: https://5xublog.com/2013/07/27/sound-of-silence/