Tác giả: Trần Hữu Phúc Tiến
Nguyễn Xuân Xanh trình bày
Ngày nay, sau bao cuộc binh lửa và biến động kinh tế-xã hội, rất tiếc, khá nhiều kiến trúc Pháp-Đông Dương không còn nữa, hoặc đã hao mòn và biến đổi ít nhiều. Bản thân tên gọi Hòn Ngọc Viễn Đông trước 1945 cũng đã lui vào quá khứ. Ngày nay, khi cần chỉnh trang, xây dựng mới Thành phố Hồ Chí Minh trong thế kỷ 21, các nhà hoạch định chính sách và chuyên môn không thể không tìm hiểu gia sản quy hoạch và kiến trúc của các thế hệ trước.
— Trần Hữu Phúc Tiến, tác giả
Sách Kiến Trúc Pháp-Đông Dương – Dấu Tích “Sài Gòn-Hòn Ngọc Viễn Đông” của tác giả Trần Hữu Phúc Tiến, 232 trang, bìa mềm. giá bìa 350.000đ, NXB Tổng hợp, TP Hồ Chí Minh.
Lời nói đầu
Xin giới thiệu anh chị của mạng rosetta một quyển sách mới về Kiến trúc Pháp của “Sài gòn xưa”, của tác giả Trần Hữu Phúc Tiến, một tên tuổi rất quen thuộc trong giới trí thức của Thành phố. Sách của anh vừa được trao Giải Vàng của Hội quy hoạch đô thị Việt Nam 2025. Xin nhiệt liệt chúc mừng anh Phúc Tiến. Nếu được nghe anh nói chuyện về đề tài này, như tôi có lần được may mắn, sẽ thấy say đắm như nghe câu chuyện cổ tích. Anh là một người đam mê đề tài kiến trúc của Sài gòn, di tích mà người Pháp đã để lại sau 100 năm đô hộ, có lẽ đó là động lực. Đề tài này đã được nhiều người quan tâm, trong đó có anh Nguyễn Đức Hiệp, thành viên của edu-sci, nhưng có lẽ tác phẩm của anh Phúc Tiến là bao trùm.
Nước Pháp từng có nhiều vùng thuộc địa như ở Bắc Mỹ, được gọi là ‘Nouvelle France’ hay New France (Quebec), châu Phi, châu Á, xây dựng những tiền đồn thương mại.

Tàu chiến Pháp ngoài khơi Sài Gòn, tháng 2 năm 1859
Pháp chiếm Sài gòn (Gia Định) năm 1859. Sau khi vây hãm kéo dài 2 năm dưới sự chỉ huy của đô đốc người Pháp Charles Rigault de Genouilly, Pháp chính thức chiếm giữ Sài gòn vào ngày 17 tháng 2 năm 1859, và chiến dịch “bình định Nam Kỳ kéo dài đến 1862. Sài Gòn có tầm quan trọng chiến lược lớn, vừa là khu vực sản xuất lương thực chính của Việt Nam vừa là cửa ngõ vào Nam Kỳ. Sau 1862 họ bắt đầu xây dựng thành phố, kéo dài cho đến 1945 khi họ thất thủ ở Điện Biên Phủ.
Anh quốc cũng thế. Họ xây dựng nhiều tiền đồn rải rác là những thành phố lớn ở khắp thế giới, với số lượng lớn hơn Pháp, để trở thành một “Đế chế mặt trời không bao giờ lặn”: Boston, Bridgetown, Dublin, Cape Town, Calcutta, New Delhi, Melbourne, Vancouver, Hong Kong, Singapore, để kể một số thành phố.
Thành phố Boston, một trong những tiền đồn quan trọng trong vành đai thương mại của Anh, được những người định cư Thanh giáo Anh xây dựng năm 1630. Cảnh “tea party” diễn ra ngày 16 tháng 12 năm 1773, những người Mỹ lao lên tàu Anh và ném các hòm trà nhập từ Trung Quốc xuống biển để phản đối Anh tăng thuế lên các khu thuộc địa. Hai năm sau những phát súng đầu tiên giành độc lập nổ vào tháng 4 năm 1775 tại trận Lexington và Concord.
Một cảnh của thành phố New Dehli được Anh xây dựng (AP)
Liverpool, thành phố cảng huyết mạch của Đế chế Anh
Dưới đây tôi xin gửi anh chị vài tấm ành lịch sử một số công trình của Pháp tại Sài gòn. Đa số đã có trên mạng, trừ hai tấm ảnh đầu tôi lấy từ Người Đô Thị do anh Phúc Tiến cung cấp.
Bến tàu Khánh Hội từ họa đồ quy hoạch Sài Gòn 1898 (tư liệu Thư viện Quốc gia Pháp).

Toàn cảnh bến tàu Khánh Hội năm 1930 (tư liệu Thư viện Quốc gia Pháp).

Lễ hạ thủy tàu Albert Sarraut (tên của Toàn quyền Đông Dương Albert Pierre Sarraut) tại công xưởng hải quân Sài Gòn.
Không ảnh Dinh Toàn quyền (nay Dinh Thống Nhất) vào khoảng năm 1930
Dinh Toàn quyền được thắp đèn ban đêm vào năm 1922
Dinh Thượng thơ vào thập niên 1920, lúc này được gọi là Văn phòng Chính phủ Nam Kỳ (Bureaux du Gouvernement de la Cochinchine), là Bộ Quốc phòng thời Việt Nam Cộng Hòa. Đối diện (đường Lý Tự Trọng là Thư viện Quốc gia cũ, nơi sinh viên hay vào đó ngồi học)
Khách sạn Continental
Một cảnh trong Contenental, được cho rằng là nơi gặp gỡ của người corse.
Nhà hát lớn thành phố được bắt đầu xây vào năm 1896 qua kiến trúc đoạt giải của ông Ferret

Ngã tư đường Lagrandière – Catinat (nay là Lý Tự Trọng – Đồng Khởi) vào năm 1922. Dinh Thượng thơ nằm bên trái hình. Tòa nhà đầu tiên tay phải là Thư viện quốc gia trước 1975. Tôi và các bạn rất thường vào đó học bài. Đường Catinat chạy phía trái sẽ xuống Bến Bạch Đằng, chạy ngược lên tay phải sẽ gặp Nhà Thờ Đức Bả.
Nhà thờ Đức Bà được xây dựng từ 1863-65
Bưu điện Sài gòn khoảng 1930
Trụ sở Sài Gòn của Ngân hàng Đông Dương, sau là Ngân hàng Quốc gia Việt Nam dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa, hiện nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh.
Một thành phố đáng yêu, và qua bao nhiêu thăng trầm, vượt thác, vẫn còn rất đáng yêu. Quyển sách chắc chắn sẽ gợi nhớ những “lớp địa chất” hay “kỷ niệm” của một thành phố đặc biệt có nhiều sức sống, từng là Schauplatz, “chỗ diễn ra nhiều biến cố lịch sử đầy kịch tính”. Khi tôi về lại Việt Nam những năm cuối 1980, có một giám đốc chương trình của Đài truyền hình Đức ARD, một trong hai đài chính của Đức, tiếp cận, nhờ tôi giúp tư vấn để ông làm một phim tư liệu. Tôi có giới thiệu nhà văn Sơn Nam cho họ. Phim đó có tên “Saigon. Schauplatz der Geschichte“, “Saigon. Hí trường của Lịch sử” chăng? May mắn thay, Sài gòn đã không trở thành “Thăng long thành hoài cổ” của Bà huyện Thanh Quan. Sức sống “chòi đạp”, mượn từ của anh Phúc Tiến, của con người trong mọi cảnh ngộ thử thách khắc nghiệt nhất, vẫn làm cho thành phố vẫn vươn lên. Vấn đề của những nhà quản lý có trách nhiệm, là làm sao cho sự vươn lên của Sài gòn vẫn giữ được sự hài hòa với cái dáng cũ “hòn ngọc viễn đông” của nó. Quyển sách chắc chắn sẽ góp phần tạo ý thức cho người thành phố, và cho những người có trách nhiệm quy hoạch để giữ cái hồn như di sản mà người Việt và Pháp đã để lại. Đây là vấn đề lớn. Trong việc này, có lẽ cần thiết tham khảo ý kiến số chuyên gia quy hoạch/ kiến trúc chuyên nghiệp Pháp.
Xin nồng nhiệt giới thiệu với anh chị.
Nguyễn Xuân Xanh
Lời nói đầu
(Tác giả sách)
Sài Gòn xưa – Thành phố Hồ Chí Minh nay, cho đến hiện giờ vẫn là đô thị lớn bậc nhất cả nước. Trong quá trình kiến tạo thành phố, khoảng thời gian 1862-1945 là giai đoạn hình thành và hoàn chĩnh của một đô thị tân tiến và hiện đại, khác hẳn mô hình thành thị phong kiến Á Đông trước đó. Công sức xây đắp của người Pháp và đông đảo người Việt cùng toàn bộ cư dân thuộc nhiều vùng miền tứ xứ, đã làm nên một đô hội mỹ lệ và nhộn nhịp, kết hợp nhiều yếu tố Đông – Tây, trên cơ sở thừa kế đô thị Gia Định xưa cổ.
Từ đầu thế kỷ 20, đặc biệt vào thập niên 1920 trở đi, chính quyền Đông Dương tự hào quảng bá Sài Gòn là La Perle de l’Extrême-Orient – Hòn Ngọc Viễn Đông, một điểm đến không thể thiếu của du khách, các nhà đầu tư và bạn bè thế giới. Trong thực tế, vẻ đẹp của Hòn Ngọc Viễn Đông, không chỉ là cảnh sắc và phố phường mà là toàn diện từ Kiến trúc đến Kinh tế, Văn hóa và Con Người. Trong đấy, chỉ riêng về kiến trúc, có nhiều kiến trúc hay đẹp – từ dinh thự đến nhà ở, phố chợ và nhiều công trình khác, thể hiện nhiều phong cách đa dạng.
Các công trình xây dựng mới mẻ với thiết kế, công nghệ và vật liệu tân kỳ so với thời kỳ phong kiến, xuất hiện phổ biến không chỉ riêng ở Sài Gòn, mà còn ở nhiều đô thị khác của Đông Dương. Phần lớn các công trình do kiến trúc sư Pháp thiết kế, thường được gọi chung là “kiến trúc Pháp” hay “kiến trúc thuộc địa”. Tuy nhiên, theo chúng tôi, nên gọi là kiến trúc Đông Dương, hay đầy đủ hơn là kiến trúc Pháp – Đông Dương vì chúng vừa mang dấu ấn văn hóa Pháp vừa có nhiều đường nét hòa quyện với văn hóa bản địa đồng thời thích ứng với khí hậu địa phương. Mặt khác, nhiều công trình tuy lấy cảm hứng từ các nguyên mẩu ở Pháp hay châu Âu, song đấy vẫn là những công trình sáng tạo của người Pháp ở hải ngoại, trên cơ sở học hỏi kiến thức quốc tế cũng như lịch sử và văn hóa các nước sở tại. Trong đó, Việt Nam, là một thực địa giàu đẹp và đặc sắc.
Ngày nay, sau bao cuộc binh lửa và biến động kinh tế-xã hội, rất tiếc, khá nhiều kiến trúc Pháp-Đông Dương không còn nữa, hoặc đã hao mòn và biến đổi ít nhiều. Bản thân tên gọi Hòn Ngọc Viễn Đông trước 1945 cũng đã lui vào quá khứ. Ngày nay, khi cần chỉnh trang, xây dựng mới Thành phố Hồ Chí Minh trong thế kỷ 21, các nhà hoạch định chính sách và chuyên môn không thể không tìm hiểu gia sản quy hoạch và kiến trúc của các thế hệ trước.
Đặc biệt, đối với các tầng lớp thị dân đương đại, nhất là các bạn trẻ sinh ra và lớn lên trong thế kỷ 21, có lẽ những âm vang và hình ảnh của Sài Gòn-Hòn Ngọc Viễn Đông không chỉ gợi lên sự tò mò. Chúng thực sự còn khơi dậy nhu cầu tìm hiểu lai lịch khởi nguồn của đô thị mà mình đang sinh sống, cũng như các sinh hoạt của tiền nhân. Xét về nhiều mặt, cuộc khám phá quá khứ không chỉ để thưởng ngoạn mà còn có thể giúp cho chúng ta các ý tưởng và kinh nghiệm để áp dụng vào nhiều hoạt động của thành phố trong hiện tại và tương lai. Trong số này, có các hoạt động của Kinh tế Xanh, Kinh tế Di sản là trào lưu đang phổ biến ở nhiều nước, góp phần không nhỏ cho việc tôn vinh văn hóa bản sắc và nguồn thu nhập của các đô thị và quốc gia.
Cùng đồng hành với các bạn trong cuộc khám phá trên, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II đã và đang có nhiều hoạt động thông tin và quảng bá các nguồn tư liệu liên quan đến lịch sử thành phố và miền đất phương Nam. Nhân kỷ niệm 325 năm thành lập và phát triển Sài Gòn –Thành phố Hồ Chí Minh (1698-2023) và 50 năm thống nhất đất nước (1975-2025), Trung tâm chủ trương xuất bản quyển sách Kiến trúc Pháp Đông Dương, dấu tích Sài Gòn-Hòn Ngọc Viễn Đông.
Là người sinh trưởng ở Sài Gòn, tham gia nghiên cứu lịch sử thành phố, bản thân tôi rất hân hạnh được biên soạn nội dung của sách với nhiều đề tài lý thú. Sách bao gồm trước nhất là các bài viết tổng quan về quá trình quy hoạch và xây dựng Sài Gòn từ 1862-1945 cùng các kiến trúc Pháp – Đông Dương tiêu biểu. Kế đến, là các bài viết điểm lại các công trình kiến trúc điển hình theo từng khu vực chủ yếu của thành phố thời ấy. Các bài khảo tả đều nhằm mục tiêu phác họa các nét đẹp chính yếu của công trình, cũng như điểm qua lịch sử sử dụng từ trước đến nay. Kèm theo mỗi bài là các hình ảnh và họa đồ, kể cả một số văn bản thời đó để làm rõ hơn các đặc điểm và lai lịch công trình. Sách còn giới thiệu trích dẩn các nhận xét của một số chuyên gia, trí thức trong và ngoài nước trước 1945 và hiện tại về quy hoạch, kiến trúc và cảnh quan của Sài Gòn -Hòn Ngọc Viễn Đông.
Các bài viết trong sách đều dựa trên thông tin khảo sát thực địa và học hỏi của tác giả trong nhiều năm qua. Sách đồng thời sử dụng nhiều tài liệu của Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, nơi đang lưu giữ nhiều họa đồ, hình ảnh, ấn phẩm và văn bản nhà nước về Sài Gòn và Nam bộ từ thế kỷ 19 đến nay. Ngoài ra, nội dung biên soạn còn dựa trên nhiều thông tin, hình ảnh chọn lọc từ các thư viện và trung tâm lưu trữ ở Pháp, Mỹ, Singapore. Mặt khác, tác giả cũng tham khảo một sách báo trong và ngoài nước viết về lịch sử kiến thiết Đông Dương và Sài Gòn xưa và Thành phố Hồ Chí Minh nay. Nhiều thân hữu đã đóng góp ý kiến và tư liệu quý giá để hoàn thành sách này.
Chúng tôi rất hoan nghênh bạn đọc xa gần sẽ có ý kiến phản hồi để bổ khuyết và sửa đổi các sai sót có thể. Trung tâm Lưu trữ quốc gia II và tác giả mong muốn quyển sách Kiến trúc Pháp Đông Dương, dấu tích Sài Gòn Hòn Ngọc Viễn Đông sẽ là món quà hữu ích dành cho tất cả những người yêu mến thành phố xinh đẹp và năng động hàng đầu của Việt Nam.
TPHCM, nhân ngày Di sản Việt Nam,
23 tháng 11 năm 2023
Trần Hữu Phúc Tiến
MỤC LỤC
Lời nói đầu
CẢM NHẬN VẺ ĐẸP SÀI GÒN – HÒN NGỌC VIỄN ĐÔNG XUYÊN THẾ KỶ
Chương Một
DẠO QUA CÁC CHẶNG ĐƯỜNG QUY HOẠCH VÀ KIẾN TRÚC SÀI GÒN TRƯỚC NĂM 1945
1.1. Nhận diện quá trình kiến tạo Sài Gòn tân tiến và các giá trị Hòn Ngọc Viễn Đông
1.2. 10 cặp kiến trúc tiêu biểu của đô thị Sài Gòn tân tiến trước 1945
Chương Hai
KHU VỰC ĐẠI LỘ NORODOM – THÀNH GIA ĐỊNH XƯA
2.1. Dinh Norodom – Biểu tượng nước Pháp tại châu Á
2.2. Nhà thờ lớn Sài Gòn – Trái tim hồng giữa phố
2.3. Nhà Bưu điện Sài Gòn – Cung điện công nghiệp và khoa học
2.4. Dinh Đại tướng và Câu lạc bộ Sĩ quan Pháp – hai biểu tượng binh quyền
2.5. Trụ sở Công ty xăng dầu Pháp – Á – Tòa nhà dấu ấn đa quốc gia
2.6. Câu lạc bộ sĩ quan Hải Quân – Cao ốc trang nhã trên đại lộ trọng yếu
2.7. Bảo tàng Blanchard de la Brosse – Cung điện cổ vật quý báu
2.8. Đại Chủng viện Giuse và Tu viện Saint Paul – “Vatican nhỏ”- ốc đảo thân thiện
2.9. Dinh Công lý – Biểu tượng pháp lý công quyền
2.10. Dinh Thống đốc Nam Kỳ – Nhà Trắng kỳ thú
2.11. Dinh Nội Vụ Nam Kỳ – Công sở thân thiện
Chương Ba
KHU VỰC DỌC BỜ SÔNG SÀI GÒN – VÀ RẠCH BẾN NGHÉ
3. 1. “Cánh cung vàng” – Khu vực bờ sông và bến tàu
3.2. Nhà máy Ba Son và doanh trại Hải Quân
3.3. Nhà Quan thuế – Biểu tượng giao thương
3.4. Cột cờ Thủ Ngữ, Nhà Rồng và Thương Cảng Sài Gòn – Bộ ba biểu tượng cảng thị phồn thịnh
3.5. Khách sạn Majestic và khách sạn Grand – “cặp đôi” lâu đài du lịch
3.6. Trụ sở Ngân hàng Đông Dương – Kho báu phong phú
Chương Bốn
KHU VỰC CATINAT VÀ CHARNER
4.1. Đường phố thượng lưu Catinat
4.2. Đại lộ hoa lệ Charner
4.3. Nhà hát lớn Sài Gòn và khách sạn Continental
4.4. Tòa Thị Chính -Lâu đài hướng sông
4.5. Cao ốc Catinat và Công viên Pages
4.6. Đại bách hóa Charner và Kho bạc Nam Kỳ
Chương Năm
KHU VỰC BONARD, CHỢ BẾN THÀNH, LA SOMME
5.1. Tam giác kim cương Bonard – Bến Thành – La Somme
5.2. Chợ Trung tâm Sài Gòn – Biểu tượng phồn vinh
5.3. Tòa nhà công ty Hỏa xa Đông Dương và nhà ga Sài Gòn
5.4. “Nhà Chú Hỏa” – Đại dinh thự Pháp-Hoa
Chương Sáu
KHU VỰC CHỢ LỚN
6. 1. Chợ Lớn – thành phố song sinh quý hiếm
6.2. Chợ Bình Tây – Chợ Lớn đại thương
6.3. Nhà phố Pháp – Hoa
6.4. Chung cư người Hoa bình dân
Chương Bảy
CÁC KIẾN TRÚC TIÊU BIỂU KHÁC
7.1. Vườn Ông Thượng và các phố biệt thự chung quanh
7.2. Biệt thự Phương Nam và phong cách Pháp – Sài Gòn
7.3. Trường Petrus Trương Vĩnh Ký – “Quốc tử giám” hiện đại
7.4. Trường Nữ sinh bản xứ – Học đường duyên dáng
7.5. Bệnh viện Grall và Viện Pasteur – Cặp đôi Y tế hàng đầu
PHỤ LỤC
Biểu trưng đầu tiên của Sài Gòn
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
Lời bạt của tác giả
Bạn đọc quý mến,
Khi những trang sách này hoàn chỉnh bản thiết kế để chuyển đến nhà in cũng là lúc thành phố Hồ Chí Minh chính thức khai trương tuyến Metro số 1 vào ngày 22/12/2024. Một sự trùng hợp lý thú, cách đây 143 năm, cũng vào tháng 12, người dân Sài Gòn chứng kiến đoàn xe tram đầu tiên lăn bánh trên đường sắt , khởi đầu hệ thống giao thông công cộng mới mẻ. Cả hai sự kiện xưa và nay đều trở thành cột mốc quan trọng trong quá trình xây dựng một đô thị lớn và tân tiến.
Trong khi ấy, đúng vào Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11/2024, chính quyền thành phố đã công bố việc xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cho 3 công trình xây dựng trước 1945. Đó là trụ sở Hải quan TPHCM, trụ sở Ũy ban Nhân dân Quận 1 và Chợ Bến Thành – cả ba đều hơn 100 tuổi đời. Trước đó vào đầu năm nay, khi góp ý cho TPHCM về dự kiến quy hoạch nay đến 2030 và 2045, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh việc thành phố có thêm những định hướng phát triển mới mang tính bứt phá cũng chính là xây dựng trở lại hình ảnh “Hòn Ngọc Viễn Đông”[1].
Những thông tin ấy đem thêm niềm vui cho những người biên soạn và xuất bản sách Kiến trúc –Pháp-Đông Dương, dấu tích Sài Gòn- Hòn Ngọc Viễn Đông. Bởi vì việc ra đời hệ thống giao thông đa dạng ở thành phố và lịch sử của những công trình kiến trúc nói trên, cũng như toàn bộ quá trình hình thành “Hòn Ngọc Viễn Đông” đều được ghi nhận trong quyển sách của chúng tôi. Hiện tại, thành phố và cả nước đang tăng tốc xây dựng nhiều tuyến đường giao thông mới, nhiều cơ sở hạ tầng lớn lao để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi sang Kinh tế Xanh, Kinh tế Số và các ngành công nghiệp tri thức, tiếp tục mục tiêu hoàn thành công nghiệp hóa-hiện đại hóa vào năm 2045. Đồng hành với chiều hướng đó, quyển sách có thể đóng góp nhất định những thông tin hữu ích về việc kiến thiết thành phố cùng các công trình kiến trúc hoàn mỹ trong quá khứ để phục vụ cho việc chỉnh trang đô thị, xây dựng mới các công trình. Và đặc biệt, chúng tôi mong muốn quyển sách sẽ góp phần vào việc gìn giữ và phát huy các giá trị di sản hay đẹp của các thế hệ tiền nhân!
Năm mới 2025 đang đến, chúng ta chúc thành phố và đất nước có thêm một mùa Xuân tươi sáng, thanh bình và sẽ có nhiều thành tựu phát triển giàu đẹp, tô thắm bức tranh rạng rỡ của Việt Nam trong thế kỷ 21!
26/12/2024
Trần Hữu Phúc Tiến
[1] https://vietnamnet.vn/quy-hoach-tp-hcm-phai-lam-cho-tp-tro-thanh-hon-ngoc-vien-dong-2254036.html