Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

HAPPY NEW YEAR 2013 .














Về một con virut giữa đường



T/S Alan Phan

Cách đây 3 tháng, tâm hồn và thể xác tôi tràn đầy năng lượng và niềm tin vào tương lai cho cá nhân. Tôi vừa quyết định rời bỏ chức vụ và công việc ở Quỹ Viasa sau 12 năm gắn bó và ngồi vẽ ra một kế hoạch kinh doanh mới cho sự nghiệp. Tôi mơ mộng là mình có thể như Colonel Sanders của KFC; chỉ thành công ở tuổi trên 72 và tạo ra một tài sản có giá trị lớn hơn tất cà tài sản của cuộc đời làm ăn 75 năm trước đó.

Tôi say sưa lao đầu vào các ý tưởng sáng tạo, liên hệ lại các bạn đồng môn khắp thế giới, nhận và chia sẻ những phản hồi, nghiên cứu, đề nghị…, cũng như tìm đối tác và cộng tác viên phụ giúp. Tôi cũng bay đi nhiều nơi để thảo luận và thương lượng. Ngọn lửa mới bừng lên trong lòng tôi những niềm vui và hy vọng mới; cũng như những thất vọng khó tránh khi đào sâu vào bất cứ vấn đề nào. Tôi mất cân bằng trong việc chăm sóc phần cơ thể và tinh thần.

Một gặp gỡ tình cờ

Cho đến một buổi chiều…tôi gặp đồng chí vi rút “lạ”. (Muốn đặt tên là X nhưng sợ bị phạm húy). Không tên, không hình dạng, không cả chào hỏi, nàng vi rút đi vào đời tôi rất tự nhiên như người nhà…và chỉ vài giờ đồng hồ sau, tôi bò càng trên giường với ho hen, đờm mũi và một tình trạng tệ hơn những khi tình cùng tiền rủ nhau đi chơi …Tôi phải hủy chuyến đi Mỹ vào giữa tháng 11 và cho đến hôm nay, sau lễ Giáng Sinh, nàng vi rút vẫn lưu luyến bên tôi không muốn rời bỏ.
Ông bác sĩ tóc bạc phơ mắng tôi không tiếc lời. Ông lập đi lập lại những cảnh báo ông đã khuyên tôi hơn 15 năm trước. Rằng một thế quân bình trong thiên nhiên luôn hiện diện ở mọi nơi. Tất cả các lực xấu tốt đều có mặt và đều chung sống hòa bình nếu tương quan lực lượng cân bằng. Cho đến một ngày, khi phe ác hay phe thiện yếu đi, chiến tranh hay tranh chấp sẽ xẩy ra và kẻ mạnh sẽ thắng. Đôi khi là những con vi rút không tên cực kỳ hiểm độc, đôi khi là một môi trường sống vô cùng khắc nghiệt, đôi khi lại có thể là một hài hòa tuyệt diệu của tạo hóa. Nhìn ra xã hội, khi cái Ác lên ngôi, những tha hóa suy đồi vô cảm ngự trị. Khi Chân Thiện Mỹ là chỉ nam thì đó là thời cực thịnh của đạo đức thánh hiền.
Sức mạnh nội tại
Vì xao lãng chăm sóc cho sức mạnh nội tại của cơ thể và giữ vững sức đề kháng, tôi đã mời gọi các bác vi rút vào nhà tàn phá. Ông nói cứ nhìn 6 tháng qua, sức khỏe anh đã xuống cấp tồi tệ và giải pháp duy nhất là quên moị chuyện khác trong đời sống mà quay về chăm chú vào thân thể. Ông ra lệnh là 6 tháng tới, tôi không được đụng tay vào bất cứ dự án kinh doanh nào. Toàn thời gian, chỉ thuần túy tập luyện thân thể và theo một chương trình ăn uống bổ dưỡng trong lành. Sợ chết thì phải nghe lời ông bác sĩ già này vậy.
Tôi cũng đã suy nghĩ nhiều về sự so sánh của ông trong 15 năm qua và không có gì để phản bác. Nhưng đầu óc rảnh rang, tôi lại liện tưởng đến những tư duy về chuyện nhỏ là sức khỏe của cá nhân mình và một chuyện lớn hơn là sức khỏe của cả xã hội.
Nhìn ra xã hội

Mọi quốc gia lớn nhỏ mạnh yếu đều có một sức mạnh nội tại nào đó thể hiện qua các tài sản cứng mềm, cũng như những hình thức thế đứng trong thể chế kinh tế, chánh trị, quân sự hay văn hóa toàn cầu. Chúng tạo nên một sức đề kháng chống lại những tấn công làm suy yếu hệ thống và đôi khi tan rã chế độ quyền lực. Hiện nay, khi khối tư bản thắng thế, sức mạnh và tài sản kinh tế thường quyết định sự cân bằng lực lượng.

Khi nhìn lại mùa xuân Á Rập vừa rồi ,tôi nghĩ rằng các ông Mubarak hay Ghadafi chắc phải có cái nhìn sai lạc về khả năng đề kháng của chế độ các ông trước thực tại mới của tình hình thế giới và nội địa cúa Ai Cập hay Lybia thời đó. Sự sai lầm về nhận định và phân tích về kinh tế của các ông là những nguyên nhân chính gây sự đỗ vỡ cho sự nghiệp. Các ông quên rằng trong nền chánh trị toàn cầu của tư bản, thị trường quyết định tất cả và khi dân chúng lo sợ cho sự bất ổn về thu nhập hay an sinh xã hội, cùng những bất công của các giai cấp, là lúc họ bày tỏ sự bất mãn nhiều nhất.

Cuối cùng, kinh tế, không phải chánh trị, sẽ quyết định bàn cờ lịch sử. Các lãnh đạo Mỹ, Nhật, Âu, Úc và cả Trung Quốc đều hiểu rõ điều này.
Mối đe dọa thực sự

Và những nhóm được xếp hạng vào “các thế lực thù địch” cũng hiểu rõ điều này. Là cường quốc số 1 của thế giới, không quốc gia nào có nhiều thế lực thù địch như Mỹ. Từ những anh chị đánh võ mồm đến các tay ôm bom thứ thiệt, các nhóm thù địch Mỹ, trong và ngòai nước, nhiều hơn các vi rút trong những ống cống. Tuy nhiên, lãnh đạo Mỹ vẫn tự tại bình thản vì sức đề kháng nội tại khá cao trong đó sự ổn định của kinh tế và sự thỏa mãn của đa số người dân là hai yếu tố then chốt. Trong khi đó, qua sự che dấu và trốn tránh, chúng ta có thể thấy rõ sự yếu kém về sức đề kháng của xã hội Trung Quốc. Chỉ cần một vài con vi rút tình cờ gặp giữa đường, cả một hệ thống có thể nằm liệt giường như ông già Alan.

Nói cho cùng, ở bất cứ xã hội nào, cuộc sống con người vẫn vô cùng mong manh. Tôi nhìn những ngọn gíó đông cuốn đi không thương tiếc những chiếc lá xanh còn sót lại của mùa thu mà luôn ngỡ ngàng. Trong cái quân bình mong manh đó, chỉ cần một con vi rút không tên, không hình dạng…cũng đủ làm hoảng loạn cà một hệ thống mà ai củng cho là bền vững. Một chiếc máy tính mới toanh, một quân đội hùng mạnh bậc nhất, một hệ thống kiểm soát an toàn thật chặt chẽ.
Gần đây, người ta nói nhiều về ngày tận thế. Những kịch bản hấp dẫn là sự xâm lược của người ngoài hành tinh, thiên thể rơi từ vũ trụ, thiên tai của biến đổi khí hậu…Tôi thì lại cho rằng văn minh hiện nay của nhân loại (hay một vài chế độ nào đó) có thể bị chôn vùi trong cát bụi bằng những con vi rút rất bình thường của thiên nhiên, không tên, không hình dạng và không báo trước.

Alan Phan

Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

Xin mời nghe bài hát Papa.




Chắc đã nhiều bạn nghe bài Papa do Paul Anka trình bày trên youtube, tuy vậy tôi vẫn muốn mời mọi người nghe lại, các bạn già cũng như các bạn trẻ. Bởi vì bài hát ít lời nhưng gửi gắm nhiều, nhạc trữ tình tha thiết, giọng truyền cảm. Tôi nghe và đã ứa nước mắt, khóc rồi lại thấy mừng, hóa ra mình còn có thể khóc được. Hóa ra Tây hay Ta thì tình yêu cha mẹ và con cái bao giờ cũng vậy thôi. Đó là tình yêu muôn thủa.

Thứ Tư, 19 tháng 12, 2012

Triều Tiên và những điều còn chưa biết .



Phỏng vấn Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh





Phim tài liệu: Ngày lịch sử




Những ngày đầu 1955, Hà Nội đỏ rực cờ hoa, cổng chào, biểu ngữ. Hàng chục vạn người dân như nước chảy đổ về quảng trường Ba Đình lịch sử.

Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập. Và cũng tại nơi đây, ngày 1/1/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh và chính phủ từ kháng chiến trở về ra mắt nhân dân thủ đô Hà Nội.

"Thưa toàn thể đồng bào trong nước và ngoài nước,cùng toàn thể bộ đội, cán bộ và nhân viên, sau 8, 9 năm toàn quân và toàn dân ta kháng chiến gian khổ và anh dũng, chính nghĩa đã thắng lợi, chiến tranh đã chấm dứt, hòa bình đã lập lại, chính phủ đã lại về thủ đô", trích bài diễn văn của Bác.
Những thước phim tài liệu quý giá này đã được đạo diễn người Nga Vladimir Echourine ghi lại một cách sống động và chân thực trước, trong và sau ngày lịch sử 1/1/1955.
Toàn văn bài phát biểu của chủ tịch Hồ Chí Minh, không khí lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành tại quảng trường Ba Đình ngày lịch sử 1/1/1955 sẽ được giới thiệu qua bộ phim tài liệu "Ngày lịch sử".

Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

Mỹ công bố tên tuổi nạn nhân vụ nổ súng

Vụ thảm sát khiến nước Mỹ có thể phải xem xét đạo luật về sở hữu vũ khí tư nhân


Tất cả 20 trẻ em thiệt mạng trong vụ nổ súng tại trường học ở bang Connecticut ở trong độ tuổi từ sáu đến bảy tuổi, theo một danh sách chính thức các nạn nhân đã chết.

Người đứng đầu cơ quan giám định y tế của tiểu bang này cho hay tay súng đã sử dụng một khẩu súng trường làm vũ khí chính và tất cả các nạn nhân đều bị bắn nhiều lần.
Các bài liên quanHung thủ dùng súng trường tấn côngTổng thống Mỹ lên tiếng sau vụ tấn công27 người chết trong vụ bắn súng ở MỹChủ đề liên quanHoa KỳTay súng, được truyền thông nêu tên là Adam Lanza, đã hạ sát mẹ đẻ của mình trước khi lái xe đến trường và khai hỏa.
Sáu người lớn, tất cả đều là phụ nữ, cũng bị giết chết trước khi tay súng nổ súng tự sát.
Hiệu trưởng của trường Sandy Hook ở Newtown, Dawn Hochsprung, nằm trong danh sách những người bị bắn chết, cùng với các nạn nhân lớn tuổi khác là Rachel DaVino, Anne Marie Murphy, Lauren Russo, Mary Sherlach và Victoria Soto.
Trẻ ít tuổi nhất bị sát hại là Noah Pozner, vừa kỷ niệm sinh nhật lần thứ sáu của em chỉ ngay tháng trước.
Hầu hết trẻ em bị giết chết hôm thứ Sáu là các trẻ gái và gần như tất cả đều 6 tuổi.
Một phụ nữ làm việc tại trường là người duy nhất bị bắn nhưng sống sót.

Tổng thống tới thăm
Tên tuổi nạn nhân

Charlotte Bacon, 6
Daniel Barden, 7
Rachel Davino, 29
Olivia Engel, 6
Josephine Gay, 7
Ana Marquez-Greene, 6
Dawn Hochsprung, 47
Dylan Hockley, 6
Madeleine Hsu, 6
Catherine Hubbard, 6
Chase Kowalski, 7
Jesse Lewis, 6
James Mattioli, 6
Grace McDonnell, 7
Anne Marie Murphy, 52
Emilie Parker, 6
Jack Pinto, 6
Noah Pozner, 6
Caroline Previdi, 6
Jessica Rekos, 6
Avielle Richman, 6
Lauren Russo, 30
Mary Sherlach, 56
Victoria Soto,27
Benjamin Wheeler, 6
Allison Wyatt, 6

Đầu ngày thứ Bảy, Trung úy Paul Vance, cảnh sát tiểu bang Connecticut cho hay tay súng đã xông vào ngôi trường khi trước đó không hề được phép.
Ông nói các nhà điều tra đã thu thập được các bằng chứng về động cơ của hung thủ
Tổng thống Barack Obama đã đến thăm Newtown hôm Chủ Nhật để gặp gỡ các gia đình và nói chuyện tại buổi thắp nến cầu nguyện.
Sau vụ tấn công, ông kêu gọi nước Mỹ "hành động có ý nghĩa" chống lại tội phạm sử dụng súng ở Mỹ.
"Chúng ta đã trải qua quá nhiều những lần như thế này," ông nói trong một thông điệp nhiều cảm xúc từ Nhà Trắng.
Hung thủ đã giết hại mẹ đẻ ở ngôi nhà hai người đang ở chung, trước khi lái xe của bà đến trường và nổ súng.
Tin cho hay khẩu súng được sử dụng trong vụ tấn công được đăng ký bằng tên của mẹ hung thủ.
Có những tin tức trái ngược về việc liệu bà mẹ của tay súng từng làm việc tại trường học này trong quá khứ hay không.
Người đứng đầu cơ quan xét nghiệm y tế tiểu bang Connecticut, H Wayne Carver cho hay tay súng đã bắn tất cả các nạn nhân ở trường bằng một khẩu súng trường bán tự động, ít nhất một số nạn nhân đã bị giết từ khoảng cách gần.

Điều quan trọng nhất
"Tôi thật may mắn nếu có thể cho quý vị biết đích xác tôi đã tìm thấy bao nhiêu phát súng được bắn ra"
Quan chức xét nghiệm y tế
Khi được hỏi đã có bao nhiêu phát súng, ông trả lời:
"Tôi thật may mắn nếu có thể cho quý vị biết đích xác tôi đã tìm thấy bao nhiêu phát súng được bắn ra."
Tin tức ban đầu cho rằng sát thủ đã sử dụng hai khẩu súng mà người này sở hữu.
Người được cho là cha của hung thủ, Peter Lanza, nói gia đình của ông “đang phải vật lộn về tinh thần trước những gì đã trải qua ".
"Gia đình chúng tôi cũng đang đau buồn cùng với tất cả những người đã bị ảnh hưởng bởi thảm kịch vô cùng to lớn này", ông Lanza nói trong một tuyên bố.
Hôm cuối tuần, Thống đốc bang Connecticut Dannel Malloy đã đọc một thông điệp trên truyền hình và nói rằng các em bé đã "bị lấy đi khỏi tổ ấm gia đình của các em quá sớm".
"Điều quan trọng nhất bây giờ là tình yêu, lòng can đảm và tình thương", ông nói.

 
Cảnh sát công bố tên nạn nhân vụ thảm sát tại trường học

Cảnh sát bang Connecticut đã công bố tên 26 người - gồm có 18 em nhỏ - bị bắn chết hôm thứ Sáu trong một cuộc tàn sát tại trường học làm rúng động Hoa Kỳ và các nơi khác.
Một phát ngôn viên cảnh sát công bố tên các nạn nhân chiều ngày thứ Bảy, khẩn khoản yêu cầu các nhà báo tại cộng đồng Newtown tôn trọng sự riêng tư của các gia đình đang đau khổ. Danh sách gồm tên 12 em gái và 8 em trai - tất cả đều từ 6 đến 7 tuổi và học lớp một. Sáu nạn nhân người lớn đều là phụ nữ.
Trước đó một ít lâu, Giám định Y khoa trưởng của Connecticut, ông H. Wayne Carver nói ông và các nhân viên làm việc suốt đêm để hoàn tất công tác giảo nghiệm. Ông nói ông tin là tất cả nạn nhân trẻ em đều thuộc lớp một - lớp hầu hết các em 6 tuổi theo học tại các trường học Mỹ.

Hung thủ Adam Lanza.xHung thủ Adam Lanza.

​​Ông Caver nói tất cả những nạn nhân bị giết vì nhiều phát súng do một loại “vũ khí dài,” trước đó được xác nhận là súng liên thanh Bushmaster AR-15 gây ra. Phúc trình trước đó cũng cho biết có hai khẩu súng bán tự động nằm cạnh xác của hung thủ và một súng liên thanh khác trong xe của tay súng này. Các giới chức nói hung thủ chết tại hiện trường vì vết thương tự bắn.
Ông Carver cũng nói việc giảo nghiệm tử thi hung thủ, được nhận diện trước đó là Adam Lanza 20 tuổi, và mẹ anh ta - bị con trai giết trước đó tại một địa điểm khác - sẽ được thực hiện vào ngày Chủ Nhật.
Sáng thứ Bảy, cảnh sát nói hung thủ không phải được tự do đi vào Trường Tiểu học Sandy Hook, hôm thứ Sáu như đã loan báo trước đây. Ông không nói rõ Lanza đã vào trường như thế nào, nhưng cho biết là cuộc điều tra đang tiến hành.
Nhà chức trách Hoa Kỳ chưa xác định động cơ của vụ tàn sát, xảy ra cách thành phố New York 130 kilômét về phía đông bắc.

Chủ Nhật, 2 tháng 12, 2012

The Way Home - Đường Về Quê




The Way Home lôi cuốn người xem chính là ở cái tình, giữa người và người với nhau. Khi xem phim này tôi đã cố kìm nén nước mắt của mình không rơi nhưng không thể nào kìm nổi, mỗi thước phim của The Way Home luôn lấy đi những dòng nước mắt của bạn không phải vì cái chết ung thư hay những mối tình đau thương này nọ, mà chính là hình ảnh, hình ảnh người bà ngoại câm hết lòng thương yêu đứa cháu, cái lưng khòm sau bao tháng ngày vất vả, đi lại chỉ có thể dựa vào một chiếc gậy con con. Khuôn mặt thì lấm thấm đầy vết chân chim, ngôi nhà lụp xụp, nằm trên một triền núi đầy đá lổm chổm.Tôi khóc khi nhìn thấy hình ảnh xót xa ấy khi ngẫm lại về bản thân.

Sự hỗn xược của San woo đối với bà, đánh cắp trâm cài của bà để đi mua pin, giấu dép làm cho bà phải bị bộ trên những con đường cát đầy đá....tôi đã khóc vì những hành động quá trẻ con của San woo, tôi khóc vì tôi thương bà, bà bị câm mà...bà có nói gì San woo đâu..mà không trách lấy nó một câu...vẫn yêu thương, chiều chuộng nó..nhưng nó nào có biết..có cứ cáu gắt với bà...Đêm tối, gió rét, nó đi vệ sinh mà còn bắt bà ngồi ngoài trông chừng cho nó, sức bà già yếu nào chịu đựng được nhưng cơn gió như thế chứ?? Bà thương nó, hỏi nó muốn ăn gì, nó bảo muốn ăn Kentucky chicken, thế là bà lặn lội giữa cơn mưa to để mua con gà về làm món Kentucky chicken cho nó....nó khóc, nó giận dỗi vì bà làm không được nhưng nó nào biết sáng hôm sau bà đã lăn ra bệnh vì sốt. Rồi bà cố gắng kiếm tiền mua giày mới cho nó, mua Chocopie cho nó, cho nó tiền để nó có thể mua cục pin mới...San woo đã bật khóc khi thấy số tiền ấy, nó đã bắt đầu yêu thương bà hơn so với cái ngày đầu gặp bà mà không thèm chào, còn làm "bậy" lên đôi giày duy nhất của bà, không chịu cho bà xoa đầu vì : bà dơ quá.

Lúc trước khi trở về Seoul San woo đã thức trắng cả đêm xỏ hết chỉ lên tất cả các cây kim khâu cho bà, nó ngồi vẽ hết những bức hình nguệch ngoạc với những dòng chữ : Cháu nhớ bà, Từ San woo gửi đến bà ngoại.....nó đã từng chỉ bà cách viết nhưng bà già rồi, bà không thể nào nhớ được, nó đã khóc, nó nói : Bà hãy ráng nhớ đi, để rồi khi cháu nhận được thư, cháu biết đó là bà, cháu sẽ lập tức trở về với bà.....

Coi xong hết cuốn phim, ngồi ngẫm lại tôi vẫn còn khóc, những hình ảnh ấy cứ đọng mãi lại trong trí óc của tôi không tài nào thoát ra được. Kết phim với một dòng chữ ngắn ngủi : Gửi tặng đến những người bà. Nhưng tôi nghĩ rằng không chỉ là gửi đến những người bà, mà còn cả những người con, những người cháu. Hãy thức tỉnh họ khi họ đang rơi quá sâu vào một cuộc sống đầy vật chất hiện nay, họ đang dần quên đi những người xung quanh mình, họ đang dần mất đi sự yêu thương đối với người thân.

Đường về nhà...con đường ấy thấp thoáng hai bóng người...một già...một trẻ....

Link vietsub : 1/2 http://www.megaupload.com/?d=7S5Y9CBT                       
                       2/2 http://www.megaupload.com/?d=QBG9HAJF

Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

Lõi của bó hoa

SGTT.VN - Họ đem hoa bày bán ở cổng trường, nhiều hoa giả, và cả hoa tươi. Bà mẹ đảo một vòng rồi chọn mua hoa nhựa. Bên trong nó, như cô bán hàng quảng cáo, có một cây kim tây dùng để kẹp chặt phong bì. Bà mẹ cuộn bao thư có tờ giấy bạc 200.000 đồng vào trong bó hoa, dùng kim giữ nó chặt vào cành hoa, dặn đứa bé con vào sân trường mang tới tặng cô ngay, cấm chạy nhảy, phải cầm hoa dựng thẳng lên như thế này.

– Có tiền trong đó, con đừng để rơi mất.

Mẹ dặn đi dặn lại làm em bé căng thẳng, nó đi ngập ngừng như thể đang cầm một bó hoa thuỷ tinh, dễ vỡ.

Hôm nay là ngày 20.11, lễ Nhà giáo Việt.

Hôm qua một bà mẹ khác cũng đặt tiền vào bao thơ, bảo con hai tay tặng hai cô giáo mầm non. Bà mẹ vẫn thường tặng quà kiểu này cho cô giáo, không vì dịp lễ lạt nào. Ban đầu còn lấm lét dúi vào tay cô, sau nhận ra kẻ tặng người nhận đều cóm róm như tội phạm nên quyết định đưa phong bì một cách đĩnh đạc. Mẹ biết ơn cô đã chăm sóc con mình ngày này sang ngày khác, một việc mà chính mẹ cũng sợ mỗi khi hè đến. Món quà không nhằm mục đích để cô chăm chút con hơn (nếu ai cũng tặng thì cô biết thiên vị trò nào), chỉ là lời cảm ơn thiết thực. Cô giáo mầm non, trăm đường cực.

Chuẩn bị cho ngày 20.11, cô phải tham gia đội múa của trường đi thi cấp thành phố. Tập dượt cực khổ đã đành, nghe nói trường còn phải thuê một anh ở đoàn ca múa về hướng dẫn. Mẹ nghe chuyện, hơi tức mình, tiền ấy dùng để làm quà cho các cô có phải ý nghĩa hơn không. Trường nghèo, lớp ít, đông học trò, giáo viên lưa thưa, khích lệ được chút nào hay chút ấy. Những cái thành tích hão thì không ăn được, và nếu sướng chỉ lãnh đạo trường sướng. Cô giáo của con mẹ thì không. Ngày mai là ngày tết của mình, hôm nay cô còn phải dạy tụi nhỏ múa hát trình diễn trong buổi lễ, và cái gọi là “món quà của các cháu dành cho cô” thực ra là một thứ hoa cô trao từ tay phải qua tay trái.

Hoa ấy mà có lõi, cũng chẳng phải là một bó hoa xấu.

Mẹ vẫn thường ghét hoa, gửi quà cho cô giáo tiểu học đang dạy thằng con lớn, mẹ ép phong bì vào cuốn sách văn chương. Với mẹ, hoa là thứ không ăn được, tất nhiên, trừ loại có lõi.

Bạn của mẹ nghe chuyện tặng quà, hơi phẫn nộ. Nhà bạn sát vách một trường mẫu giáo khác, hôm nào cũng nghe cô bên ấy mắng trẻ con. “Sao đái dầm nữa rồi ông cố nội?”, “Má ơi má tự xúc cơm ăn cho con khoẻ coi”, “Không ngủ đi còn hát hoài vậy bà ngoại ?”... lời của những cô chăn trẻ trường công nghe sợ không? Như dân chợ trời. Các cô giáo không nghĩ lời nói cũng để lại những tì vết, vô hình, cứ tưởng tan loang đi không bằng chứng. Họ không trọng cái bản thân của họ, thì ai trọng, bạn mẹ nói. Nhưng đến câu hỏi này thì mẹ thua, bạn rằng: “Em có tự tin sẽ tìm lại thái độ dịu dàng tử tế của mấy cô giáo bên đó bằng một bó hoa có lõi không?”

Mẹ đắn đo. Nếu lớp học vẫn là một chiến trường cho cả cô và cháu, chật chội và nóng nực, đầy những áp lực thành tích, vừa phải đưa trẻ đi vệ sinh vừa phải trang điểm múa hát, hoặc ôm bụng bầu tám tháng lặc lè mà phải chăn 50 đứa trẻ thì một năm chỉ bó hoa (có lõi hoặc không) cũng chẳng ích gì.

Mẹ sẽ vẫn tặng quà cho các cô, những cái phong bì phẳng lì không nhàu nếp, như biết ơn và kính trọng. Và ao ước các cô cũng kính trọng chính mình.

Nguyễn Ngọc Tư



Phát biểu của Tổng thống Obama Tại Đại học Yangon, Miến Điện

TỔNG THỐNG OBAMA:
Cảm ơn các bạn. (Vỗ tay)
Myanmar Naingan, Mingalaba! [Xin chào đất nước Myanmar](Tiếng cười và vỗ tay)
Tôi rất vinh hạnh có mặt ở đây, tại trường đại học này và là Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ đến thăm đất nước của các bạn.

Tôi đến đây vì tầm quan trọng của quốc gia các bạn. Các bạn sống ở ngã tư đường của Đông và Nam Á. Các bạn tiếp giáp với hai quốc gia đông dân nhất hành tinh. Các bạn có một lịch sử lâu dài hàng ngàn năm, và có khả năng giúp xác định vận mệnh của khu vực phát triển nhanh nhất này trên thế giới.

Tôi đến đây vì vẻ đẹp và sự đa dạng của đất nước các bạn. Tôi đã thấy chỉ mới ngày hôm nay bảo tháp vàng Shwedagon, và đã xúc động bởi ý tưởng vượt thời gian của lòng từ bi (metta) – niềm tin rằng thời gian của chúng ta sống trên trái đất này có thể được xác định bằng sự khoan dung và tình yêu. Và tôi biết vùng đất này vươn từ các khu dân cư đông đúc của thành phố cổ này cho đến bản quán của hơn 60.000 làng quê, từ các đỉnh núi của dãy Himalaya, các khu rừng của bang Karen vươn tới hai bờ sông Irrawady.

Tôi đến đây vì lòng ngưỡng mộ của tôi đối với trường đại học này. Chính ở nơi đây, tại ngôi trường này, cuộc phản đối chế độ thực dân đầu tiên đã được tổ chức. Chính ở nơi đây, Aung San đã biên soạn một tạp chí trước khi lãnh đạo phong trào độc lập. Chính ở nơi đây, U Thant đã học được những con đường của thế giới trước khi dẫn dắt thế giới tại Liên Hiệp Quốc. Ở đây, việc học tập nghiên cứu đã phát triển mạnh trong thế kỷ qua và sinh viên đứng lên đòi các quyền cơ bản của con người. Bây giờ, cuối cùng Quốc hội của các bạn đã thông qua một nghị quyết đem lại sức sống mới cho trường đại học này và nó phải giành lại sự vĩ đại của mình, bởi vì tương lai của đất nước này sẽ được xác định bằng việc giáo dục thế hệ trẻ.

Tôi đến đây vì lịch sử giữa hai nước chúng ta. Một thế kỷ trước, các nhà buôn và các nhà truyền giáo Mỹ đã đến đây để tạo dựng các mối quan hệ về niềm tin, thương mại và tình hữu nghị. Và từ bên trong các biên giới này trong chiến tranh thế giới thứ II, các phi công của chúng tôi đã bay tới Trung Quốc và nhiều binh lính của chúng tôi đã hy sinh mạng sống của họ. Cả hai nước chúng ta đều thoát khỏi Đế quốc Anh, và Mỹ là một trong những nước đầu tiên công nhận Liên minh độc lập Miến Điện. Chúng tôi tự hào đặt một Trung tâm Mỹ tại Rangoon và xây dựng các trao đổi qua lại với các trường học như thế này. Và qua nhiều thập kỷ của sự khác biệt, người Mỹ đã thống nhất trong tình cảm của mình đối với đất nước người dân này.

Trên hết, tôi đến đây vì niềm tin vào phẩm giá con người của Mỹ. Trong nhiều thập kỷ qua, hai nước chúng ta đã trở thành người xa lạ. Nhưng hôm nay, tôi có thể nói với bạn rằng chúng tôi luôn luôn vẫn hy vọng về người dân của đất nước này, về các bạn. Các bạn đã cho chúng tôi hy vọng và chúng tôi chứng kiến lòng can đảm của các bạn.

Chúng tôi thấy các nhà hoạt động mặc đồ trắng tới thăm gia đình các tù nhân chính trị vào chủ nhật và các nhà sư mặc áo vàng (saffron) biểu tình một cách ôn hòa trên đường phố. Chúng tôi được biết những người dân bình thường đã tổ chức các đội cứu trợ để ứng phó với một cơn bão, và được nghe tiếng nói của các sinh viên và nhịp đập của các nghệ sĩ hip-hop thể hiện tiếng nói tự do. Chúng tôi cũng biết những người lưu vong và người tị nạn không bao giờ mất liên lạc với gia đình hoặc quê quán của họ. Và chúng tôi được gợi cảm hứng từ phẩm giá kiên cường của Daw Aung San Suu Kyi, khi bà chứng minh rằng không có con người nào thực sự có thể bị bỏ tù nếu hy vọng còn cháy bỏng trong trái tim họ.

Khi tôi nhậm chức tổng thống, tôi đã gửi một thông điệp tới những chính quyền cai trị bằng sự sợ hãi. Tôi đã nói, trong bài phát biểu mở đầu, “Chúng tôi sẽ chìa tay ra nếu quý vị sẵn sàng thả lỏng nắm tay của quý vị”. Và hơn một năm rưỡi qua, một sự chuyển đổi nhanh chóng đã bắt đầu, khi một chế độ độc tài trong năm thập kỷ qua đã nới lỏng sự kìm kẹp của mình. Dưới quyền Tổng thống Thein Sein, mong muốn thay đổi đã được đáp ứng bởi một chương trình cải cách. Hiện nay một lãnh đạo dân sự đang đứng đầu chính phủ, và Quốc hội đang khẳng định chính mình. Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ vốn từng bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, đã đứng lên trong cuộc bầu cử, và bà Aung San Suu Kyi là một đại biểu Quốc hội. Hàng trăm tù nhân lương tâm đã được trả tự do, và lao động cưỡng bức đã bị cấm. Các thỏa thuận ngừng bắn bước đầu đã đạt được với quân đội các nhóm sắc tộc, và các luật mới tạo điều kiện cho một nền kinh tế cởi mở hơn.

Vì thế, hôm nay, tôi giữ lời hứa của mình và mở rộng tình thân hữu. Bây giờ nước Mỹ đã có Đại sứ tại Rangoon, cấm vận đã được nới lỏng, và chúng tôi sẽ giúp xây dựng lại một nền kinh tế có thể tạo ra cơ hội cho người dân, và có tác dụng như một động lực tăng trưởng cho thế giới. Nhưng cuộc hành trình đáng chú ý này chỉ mới bắt đầu, và còn nhiều điều phải tiếp tục. Cải cách được đưa ra từ trên cùng của xã hội phải đáp ứng nguyện vọng của những công dân hợp thành nền tảng của nó. Những đóm lửa lung linh của sự tiến bộ mà chúng ta đã thấy không phải bị tắt đi – chúng phải được sáng thêm, chúng phải trở thành một sao Bắc Đẩu soi sáng cho mọi người dân của đất nước này.

Và thành công của các bạn trong nỗ lực đó thì quan trọng đối với Hoa Kỳ, cũng như đối với tôi. Mặc dù chúng ta ở những nơi khác nhau, chúng ta cùng có những giấc mơ chung: được chọn lựa lãnh đạo của chúng ta, được chung sống hòa bình với nhau, được hưởng một nền giáo dục và có một cuộc sống tốt, yêu thương gia đình và cộng đồng của chúng ta. Đó là lý do tại sao tự do không phải là một ý tưởng trừu tượng, tự do chính là điều làm cho tiến bộ loài người có thể xảy ra, không chỉ ở các thùng phiếu, mà còn trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Franklin Delano Roosevelt, một trong những Tổng thống vĩ đại nhất của Mỹ, đã hiểu rõ sự thật này. Ông xác định cứu cánh của Mỹ là điều gì đó hơn cái quyền bỏ phiếu. Ông hiểu dân chủ không chỉ là việc đi bầu. Ông kêu gọi thế giới nắm lấy bốn quyền tự do cơ bản: tự do ngôn luận, tự do thờ phượng, tự do thoát khỏi sự bức bách của nhu cầu vật chất, và tự do thoát khỏi sự sợ hãi. Bốn quyền tự do này củng cố lẫn nhau, và bạn không thể hoàn toàn thực hiện một mà không thực hiện tất cả chúng.

Vì vậy, đó là tương lai mà chúng ta tìm kiếm cho chính mình, và cho tất cả mọi người. Và đó là những gì tôi muốn nói chuyện với các bạn hôm nay.

Trước tiên, chúng tôi tin vào quyền tự do bày tỏ để tiếng nói của những người dân bình thường có thể nghe được thấy, và các chính phủ phản ánh ý chí của họ – ý chí của nhân dân.

Tại Hoa Kỳ, hơn hai thế kỷ, chúng tôi đã làm hết sức mình để giữ lời hứa này cho tất cả các công dân của chúng tôi – giành được tự do cho những người bị bắt làm nô lệ, mở rộng quyền bầu cử cho phụ nữ và người Mỹ gốc châu Phi, bảo vệ các quyền của người lao động được có tổ chức.

Và chúng tôi nhận ra rằng không có hai quốc gia nào đạt được những quyền đó theo đúng cùng một cách, nhưng đất nước của các bạn sẽ mạnh hơn nếu biết dựa trên sức mạnh của toàn dân là điều không có gì bàn cãi. Đó là điều cho phép các quốc gia thành công. Đó là điều mà cải cách đã bắt đầu làm.

Thay vì bị đàn áp, quyền của người dân được tụ họp với nhau bây giờ phải được tôn trọng đầy đủ. Thay vì bị kiềm chế, bức màn kiểm duyệt các phương tiện truyền thông phải tiếp tục được tháo dỡ. Và khi các bạn thực hiện những bước này, các bạn có thể dẫn tới sự tiến bộ. Thay vì bị lờ đi, các công dân phản đối việc xây dựng đập Myitsone đã được lắng nghe. Thay vì bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, các đảng phái chính trị đã được phép tham gia. Các bạn có thể thấy tiến bộ đã được thực hiện. Như một cử tri đã nói trong các cuộc bầu cử quốc hội ở đây, “Cha mẹ và ông bà của chúng tôi chờ đợi điều này, nhưng không bao giờ thấy nó tới”. Và bây giờ bạn có thể nhìn thấy nó. Bạn có thể nếm mùi vị của tự do.

Và để bảo vệ tự do của tất cả các cử tri, những người nắm quyền phải chấp nhận những ràng buộc. Đó là những gì mà thể chế ở Mỹ được thiết kế để thực hiện. Hiện giờ, Mỹ có thể có quân đội mạnh nhất thế giới, nhưng nó phải chịu sự kiểm soát dân sự. Trên cương vị Tổng thống Hoa Kỳ, tôi đưa ra quyết định để quân đội thực hiện, không phải điều ngược lại. Là Tổng thống và Tổng Tư lệnh, tôi có trách nhiệm đó bởi vì tôi chịu trách nhiệm đối với nhân dân.

Ngược lại, bây giờ trên cương vị Tổng thống, tôi không thể chỉ việc áp đặt ý chí của tôi lên Quốc hội – Quốc hội Hoa Kỳ – mặc dù đôi khi tôi ước mình có thể làm điều đó. Ngành lập pháp có quyền hạn riêng và đặc quyền riêng của nó, và do đó, họ kiểm soát quyền lực của tôi và cân bằng quyền lực của tôi. Tôi bổ nhiệm một số quan toà, nhưng tôi không thể bảo cho họ phán quyết như thế nào, bởi vì tất cả mọi người ở Mỹ từ một đứa bé đang sống trong nghèo đói cho tới tôi, Tổng thống Hoa Kỳ – đều bình đẳng trước pháp luật. Và một quan toà có thể đưa ra quyết định về việc liệu tôi có tôn trọng luật pháp hay vi phạm pháp luật. Và tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước luật đó.

Và tôi mô tả hệ thống của chúng tôi tại Hoa Kỳ bởi vì đó là điều mà các bạn phải vươn tới trong tương lai mà các bạn xứng đáng được hưởng – một tương lai trong đó dù chỉ một tù nhân lương tâm cũng là quá nhiều. Bạn cần phải vươn tới một tương lai ở đó pháp luật thì mạnh hơn so với bất kỳ nhà lãnh đạo đơn lẻ nào, bởi vì nó chịu trách nhiệm đối với người dân. Các bạn cần phải vươn tới một tương lai mà không có trẻ em nào bị biến thành một người lính và không có phụ nữ bị bóc lột, và trong đó luật pháp bảo vệ họ ngay cả khi họ đang dễ bị nguy khốn, ngay cả khi họ yếu đuối, một tương lai trong đó an ninh quốc gia được củng cố bởi một quân đội phục vụ dưới quyền chỉ huy dân sự và Hiến pháp bảo đảm rằng chỉ có những người do dân bầu mới có thể cai trị.

Trên hành trình đó, Mỹ sẽ nâng đỡ các bạn từng bước trên đường- bằng cách sử dụng sự trợ giúp của chúng tôi để làm xã hội dân sự mạnh lên, bằng cách lôi kéo quân đội của các bạn nâng cao tính chuyên nghiệp và quyền con người, và bằng cách hợp tác với các bạn khi các bạn nối kết sự tiến bộ của các bạn hướng tới dân chủ với phát triển kinh tế. Vì vậy, thúc đẩy cuộc hành trình đó sẽ giúp bạn theo đuổi quyền tự do thứ hai – niềm tin rằng tất cả mọi người cần được tự do, thoát khỏi sự thúc bách bởi các nhu cầu vật chất.

Đánh đổi ngục tù của sự bất lực bằng nỗi đau của một dạ dày trống rỗng là chưa tương xứng. Nhưng lịch sử cho thấy rằng các chính phủ của dân, do dân và vì dân là mạnh hơn rất nhiều trong việc tạo ra sự thịnh vượng. Và đó là quan hệ đối tác mà chúng tôi tìm kiếm với các bạn.

Khi những người bình thường có tiếng nói về tương lai của họ, thì đất của bạn không dễ bị tướt đoạt. Và đó là lý do tại sao cải cách phải bảo đảm rằng người dân của quốc gia này có thể có hầu hết những quyền sở hữu cơ bản đó – quyền sở hữu mảnh đất mà các bạn sống trên đó và làm việc ở đó.

Khi tài năng các bạn được cởi trói, thì cơ hội sẽ được tạo ra cho tất cả mọi người. Mỹ đang bãi bỏ lệnh cấm các công ty kinh doanh tới làm ăn ở đây, và chính phủ các bạn đã bãi bỏ các hạn chế về đầu tư và đã thực hiện các bước mở cửa nền kinh tế. Và bây giờ, khi nhiều của cải hơn đổ vào bên trong biên giới của các bạn, chúng tôi hy vọng và mong rằng nó sẽ nâng nhiều người lên hơn. Không thể chỉ giúp những người ở tầng lớp trên, mà còn phải giúp tất cả mọi người. Và kiểu tăng trưởng kinh tế đó, tất cả mọi người trong đó đều có cơ hội – nếu bạn làm việc chăm chỉ, bạn có thể thành công – đó là điều làm cho một nước thay đổi nhanh chóng khi phát triển.

Tuy nhiên, kiểu tăng trưởng đó chỉ có thể được tạo ra nếu tham nhũng bị bỏ lại phía sau. Để đầu tư dẫn đến cơ hội, cải cách phải thúc đẩy ngân sách minh bạch và công nghiệp do tư nhân làm chủ.

Lãnh đạo bằng cách nêu gương, Mỹ khẳng định rằng các công ty của chúng tôi đáp ứng các tiêu chuẩn cao về sự cởi mở và minh bạch nếu họ làm ăn ở đây. Và chúng tôi sẽ làm việc với các tổ chức như Ngân hàng Thế giới để trợ giúp các doanh nghiệp nhỏ và thúc đẩy một nền kinh tế cho phép các doanh nghiệp, doanh nhân nhỏ phát triển mạnh và cho phép người lao động giữ lấy những gì họ kiếm được. Và tôi rất hoan nghênh quyết định mới đây của chính phủ các bạn tham gia vào tổ chức mà chúng tôi gọi là Quan hệ Đối tác Chính phủ mở rộng của chúng tôi, để người dân có thể kỳ vọng về sự chịu trách nhiệm và biết được chính xác các khoản tiền được chi tiêu như thế nào và hệ thống chính phủ vận hành ra sao.

Trên hết, khi tiếng nói của các bạn được chính phủ nghe thấy, có nhiều khả năng các nhu cầu cơ bản của các bạn sẽ được đáp ứng. Và đó là lý do vì sao cải cách phải vươn tới cuộc sống hàng ngày của những người đang đói và những người đang bệnh, và những người sống không có điện, nước. Và ở đây, nước Mỹ cũng sẽ thực hiện phần của mình trong việc hợp tác với cácbạn.

Hôm nay, tôi tự hào thành lập lại phái bộ USAID của chúng tôi ở đất nước này, đó là cơ quan dẫn đầu về phát triển của chúng tôi. Và Hoa Kỳ muốn làm một đối tác trong việc giúp đất nước này vốn từng là vựa lúa châu Á, tái lập năng lực nuôi sống người dân, chăm sóc người bệnh, giáo dục trẻ em, và xây dựng thể chế dân chủ khi các bạn tiếp tục con đường cải cách.

Đất nước này nổi tiếng với nguồn tài nguyên thiên nhiên, và chúng phải được bảo vệ chống lại khai thác bừa bãi. Và chúng ta hãy nhớ rằng trong một nền kinh tế toàn cầu, nguồn tài nguyên lớn nhất của một nước là người dân. Vì vậy, qua việc đầu tư vào các bạn, quốc gia này có thể mở cánh cửa cho sự thịnh vượng hơn thêm nhiều – bởi vì mở khóa tiềm năng của một quốc gia phụ thuộc vào việc trang bị năng lực cho tất cả mọi người, đặc biệt những người trẻ.

Đúng như giáo dục là chìa khóa cho tương lai của nước Mỹ, nó cũng sẽ là chìa khóa cho tương lai của các bạn. Và vì vậy chúng tôi mong muốn hợp tác với các bạn, như chúng tôi đã và đang làm với nhiều nước láng giềng của các bạn, để mở rộng cơ hội và đào sâu thêm các trao đổi qua lại giữa các sinh viên của chúng ta. Chúng tôi muốn sinh viên từ đất nước này đến Hoa Kỳ học hỏi chúng tôi, và chúng tôi muốn sinh viên Mỹ đến đây học hỏi các bạn.

Và sự thật này dẫn tôi đến quyền tự do thứ ba mà tôi muốn thảo luận: sự tự do thờ thờ phượng – tự do thờ phượng như các bạn muốn, và quyền của các bạn đối với phẩm giá con người cơ bản.

Đất nước này, cũng giống như đất nước của tôi, được thiên nhiên phú cho sự đa dạng. Không phải mọi người đều giống nhau. Không phải tất cả mọi người đến từ cùng một khu vực. Không phải tất cả mọi người thờ phượng theo cùng một cách. Tại các thành phố và thị trấn của các bạn, có đền, chùa, nhà thờ [đạo Ki tô] và nhà thờ đạo Hồi đứng cạnh nhau. Hơn một trăm nhóm sắc tộc đã là một phần của câu chuyện của các bạn. Tuy nhiên, trong đất nước này, chúng tôi đã nhìn thấy một số cuộc nổi dậy kéo dài nhất thế giới, đã làm mất vô số mạng sống và xé rời nhiều gia đình và cộng đồng , và ngăn chặn con đường phát triển.

Không có quá trình cải cách nào thành công mà không có hòa giải dân tộc. (Vỗ tay) Bây giờ các bạn có một thời khắc của cơ hội đáng kể để chuyển các cuộc ngừng bắn thành một giải pháp lâu dài, và theo đuổi hòa bình ở nơi mà các mâu thuẫn vẫn còn nán lại, kể cả ở bang Kachin. Những nỗ lực này phải dẫn đến một nền hòa bình công chính và lâu dài hơn, bao gồm cả việc trợ giúp nhân đạo cho những người có nhu cầu, và một cơ hội cho những người di tản trở về quê.

Hôm nay, chúng ta nhìn vào vụ bạo động gần đây tại bang Rakhine vốn đã gây ra quá nhiều đau khổ, và chúng ta thấy sự nguy hiểm của tình trạng căng thẳng tiếp tục ở đó. Đã quá lâu, người dân của bang này, kể cả sắc dân Rakhine, phải đối mặt với cái nghèo và sự khủng bố nghiền nát. Nhưng không có sự biện minh nào cho hành động bạo lực chống lại người dân vô tội. Và người Rohingya giữ cho chính họ – giữ bằng chính họ cùng một phẩm giá như các bạn, và tôi giữ.

Hòa giải dân tộc sẽ cần thời gian, nhưng vì lợi ích chung của nhân loại, và vì tương lai của đất nước này, cần phải ngăn chặn sự kích động và ngăn chặn bạo lực. Và tôi hoan nghênh việc chính phủ cam kết giải quyết các vấn đề của sự bất công và tinh thần trách nhiệm, và tiếp cận trợ giúp nhân đạo và quyền công dân. Đó là một tầm nhìn mà thế giới sẽ ủng hộ khi các bạn tiến về phía trước.

Mọi quốc gia đều vật vã trong việc xác định quyền công dân. Mỹ đã có cuộc tranh luận lớn về những vấn đề này, và những cuộc tranh luận đó vẫn tiếp tục cho đến ngày nay, bởi vì chúng tôi là một quốc gia của những người nhập cư – những người đến từ mọi nơi trên thế giới. Nhưng những gì chúng tôi đã học được ở Mỹ là có một số nguyên tắc mang tính phổ quát, áp dụng cho tất cả mọi người dù hình dáng các bạn ra sao, dù các bạn đến từ đâu, dù các bạn đang theo tôn giáo nào. Quyền của người được sống mà không bị các mối đe dọa rằng gia đình của họ có thể bị tổn hại hoặc nhà ở của họ có thể bị đốt cháy chỉ vì họ là ai hoặc họ đến từ đâu.
Chỉ có người dân của đất nước này cuối cùng có thể định nghĩa sự hợp nhất của các bạn, có thể định nghĩa một công dân của đất nước này có nghĩa là gì. Nhưng tôi có niềm tin rằng khi các bạn làm điều đó, các bạn có thể nhận được sự đa dạng này như là một điểm mạnh chứ không phải là một điểm yếu. Đất nước của các bạn sẽ mạnh hơn vì có nhiều nền văn hóa khác nhau, nhưng các bạn phải nắm bắt cơ hội đó. Các bạn phải nhận ra thế mạnh đó.

Tôi nói điều này bởi vì đất nước của tôi và cuộc sống của riêng tôi đã dạy cho tôi về sức mạnh của sự đa dạng. Hoa Kỳ là một quốc gia của những người theo đạo Kitô, người Do Thái, người đạo Hồi, đạo Phật, đạo Ấn và người không có đạo. Câu chuyện của chúng tôi được định hình bằng mọi ngôn ngữ, làm giàu bằng mọi nền văn hóa. Chúng tôi có những người có gốc gác từ mọi miền trên thế giới. Chúng tôi đã nếm trải vị cay đắng của cuộc nội chiến và sự phân biệt, nhưng lịch sử của chúng tôi cho chúng tôi thấy rằng sự thù hận trong lòng con người có thể vơi đi, các lằn ranh giữa các chủng tộc và các bộ tộc sẽ phai dần. Và những gì còn lại là một sự thật đơn giản: e pluribus unum [từ nhiều thành một]- đó là những gì chúng tôi nói ở Mỹ. Từ số nhiều đó, chúng tôi là một quốc gia và chúng tôi là một dân tộc. Và sự thật đó , lặp đi lặp lại, làm cho sự hợp nhất của chúng tôi mạnh mẽ hơn. Nó đã làm cho đất nước chúng tôi mạnh mẽ hơn. Nó là một phần trong những điều đã làm nước Mỹ vĩ đại.

Chúng tôi đã sửa đổi Hiến pháp để mở rộng các nguyên tắc dân chủ mà chúng tôi yêu mến. Và tôi đứng trước các bạn hôm nay với cương vị Tổng thống của quốc gia mạnh nhất trên trái đất, nhưng thừa nhận rằng màu da của tôi đã từng bị từ khước quyền bầu cử. Và như thế điều đó sẽ cho bạn một ý thức nào đó rằng nếu đất nước của chúng tôi có thể vượt qua sự khác biệt thì các bạn cũng có thể. Mỗi người bên đất nước này là một phần của câu chuyện của các bạn, và các bạn nên nắm giữ điều đó. Đó không phải là nguyên nhân của sự yếu kém, đó là sức mạnh – nếu bạn nhận ra nó.

Và điều đó dẫn tôi đến quyền tự do cuối cùng mà tôi sẽ thảo luận hôm nay, và đó là quyền của tất cả mọi người được sống (tự do) thoát khỏi sự sợ hãi.

Trong nhiều cách, sợ hãi là thế lực chặn giữa con người và những ước mơ của họ. Sợ xung đột và các loại vũ khí chiến tranh. Sợ một tương lai khác lạ với quá khứ. Sợ những thay đổi sắp xếp lại trật tự xã hội và nền kinh tế của chúng ta. Sợ những người trông có vẻ khác ta, hoặc đến từ một nơi khác lạ, hoặc thờ phượng theo một cách khác. Trong một vài giai đoạn đen tối nhất, lúc Aung San Suu Kyi bị cầm tù, bà đã viết một khái luận về (tự do) thoát khỏi sự sợ hãi. Bà ấy nói sợ mất mát làm hư hỏng những người nắm lấy nó – “Sợ mất quyền lực làm hủ bại những người sử dụng nó, và sợ bị trừng phạt quyền lực làm đồi bại những ai phụ thuộc quyền lực”

Đó là nỗi sợ hãi mà bạn có thể để lại đằng sau. Chúng ta thấy rằng cơ hội ở các nhà lãnh đạo đang bắt đầu hiểu rằng quyền lực đến từ việc thoả mãn những hi vọng của dân, chứ không phải những sợ hãi của dân. Chúng tôi nhìn thấy điều đó ở những công dân khẳng định rằng lần này phải khác, rằng lần này thay đổi sẽ đến và sẽ tiếp diễn. Như bà Aung San Suu Kyi đã viết: “Sợ không phải là trạng thái tự nhiên của con người văn minh.” Tôi tin điều đó. Và hôm nay, các bạn đang cho thế giới thấy rằng sự sợ hãi không phải là trạng thái tự nhiên của cuộc sống ở đất nước này.

Đó là lý do tại sao tôi ở đây. Đó là lý do tại sao tôi đến Rangoon. Và đó là lý do tại sao những gì xảy ra ở đây là rất quan trọng – không những đối với khu vực này mà còn đối với cả thế giới. Bởi vì bạn đang bước vào một cuộc hành trình có khả năng truyền cảm hứng cho rất nhiều người. Đây là một thử nghiệm liệu một quốc gia có thể chuyển tới một nơi vị thế tốt đẹp hơn.

Hoa Kỳ là một quốc gia Thái Bình Dương, và chúng tôi thấy tương lai của chúng tôi cũng ràng buộc với những quốc gia và các dân tộc này ở phía Tây của chúng tôi. Và khi nền kinh tế của chúng tôi hồi phục, chính đây là nơi mà chúng tôi tin rằng chúng tôi sẽ tìm thấy sự tăng trưởng to lớn. Khi chúng tôi kết thúc cuộc chiến tranh đã chi phối chính sách đối ngoại của chúng tôi trong một thập kỷ, khu vực này sẽ là một trọng tâm cho những nỗ lực của chúng tôi để xây dựng một nền hòa bình thịnh vượng.

Ở đây trong khu vực Đông Nam Á, chúng tôi nhìn thấy tiềm năng cho sự hội nhập giữa các quốc gia và người dân. Và với cương vị Tổng thống, tôi đã nắm lấy ASEAN vì lý do vượt ngoài thực tế là tôi đã sống một khoảng thời thơ ấu của tôi tại khu vực này, ở Indonesia. Bởi vì với ASEAN, chúng tôi thấy các nước đang trên đà chuyển tới- các nước đang lớn mạnh, và các nền dân chủ đang nổi lên; các chính phủ đang hợp tác nhau; tiến bộ đang xây dựng trên sự đa dạng chạy khắp các đại dương, các đảo, các cánh rừng và các thành phố, các dân tộc thuộc mọi chủng tộc và mọi tôn giáo. Đây là những gì thế kỷ 21 nên giống như thế nếu chúng ta có can đảm bỏ qua một bên sự khác biệt của chúng ta và bước tới trước với một ý thức quan tâm lẫn nhau và tôn trọng lẫn nhau.

Và ở đây tại Rangoon, tôi muốn gửi một thông điệp cho khắp châu Á: Chúng ta không cần phải được xác định bởi các ngục tù của quá khứ. Chúng ta cần phải nhìn về tương lai. Đối với lãnh đạo của Bắc Triều Tiên, tôi đã đưa cho một sự chọn lựa: hãy dẹp bỏ vũ khí hạt nhân và chọn con đường hòa bình và tiến bộ. Nếu quý vị làm như thế thì quý vị sẽ thấy có một bàn tay mở rộng từ Hoa Kỳ.

Vào năm 2012, chúng ta không cần phải bám vào sự phân chia Đông, Tây, Nam, Bắc. Chúng tôi hoan nghênh sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc, láng giềng phía Bắc của các bạn, và Ấn Độ, láng giềng phía Tây của các bạn. Liên Hiệp Quốc – Hoa Kỳ sẽ làm việc với bất kỳ quốc gia nào, dù lớn hay nhỏ, muốn đóng góp cho một thế giới hòa bình hơn và thịnh vượng hơn, và công chính hơn và tự do hơn. Và Hoa Kỳ sẽ là một người bạn với bất kỳ quốc gia nào tôn trọng các quyền của công dân mình và có trách nhiệm về luật pháp quốc tế.

Đó là đất nước, đó là thế giới mà bạn có thể bắt đầu xây dựng ở đây tại thành phố lịch sử này. Quốc gia này vốn bị quá cô lập có thể cho thế giới thấy sức mạnh của một khởi đầu mới, và chứng minh một lần nữa rằng cuộc hành trình tới dân chủ đi đôi với phát triển. Tôi nói điều này trong khi biết rằng vẫn còn có vô số người ở đất nước này, những người không được hưởng những cơ hội mà nhiều bạn ngồi đây được hưởng. Có hàng chục triệu người sống không có điện. Có những người tù lương tâm vẫn đang chờ đợi được thả ra. Có những người tị nạn và di tản trong các trại mà ở đó hi vọng vẫn còn là cái gì đó nằm ở chân trời xa xôi.

Hôm nay, tôi nói với các bạn, và tôi nói với tất cả mọi người có thể nghe thấy tiếng nói của tôi – rằng Hoa Kỳ ở với các bạn, kể cả những người đã bị lãng quên, những người bị tước đoạt, những người đang bị tẩy chay, những người nghèo khổ. Chúng tôi mang câu chuyện của các bạn trong đầu của chúng tôi và hi vọng của các bạn trong tim của chúng tôi, bởi vì trong thế kỷ 21 với sự lan toả của công nghệ và việc phá vỡ các rào cản, tuyến đầu của tự do nằm bên trong phạm vi các quốc gia và các cá nhân, không chỉ nằm giữa chúng.

Như một cựu tù nhân đã nêu ra trong nói chuyện với đồng bào của ông, “Chính trị là công việc của các bạn. Nó không chỉ dành cho [các] nhà chính trị”. Và chúng tôi có một thành ngữ ở Hoa Kỳ rằng văn phòng quan trọng nhất trong một nền dân chủ là văn phòng công dân – không phảiTổng thống, Chủ tịch, mà là công dân. (Vỗ tay)

Vì vậy, cuộc hành trình này có thể có vẻ bất thường và khó khăn và đầy thử thách và đôi khi bực bội nhưng cuối cùng, các bạn, các công dân của đất nước này, là những người phải xác định tự do có nghĩa là gì. Các bạn là những người sẽ phải nắm bắt tự do, bởi vì một cuộc cách mạng thực sự của tinh thần bắt đầu trong mỗi trái tim của chúng ta. Nó đòi hỏi các loại can đảm mà rất nhiều các nhà lãnh đạo của bạn đã thể hiện.

Con đường phía trước sẽ được đánh dấu bởi những thách thức rất lớn, và sẽ có những người chống lại sức mạnh của sự thay đổi. Nhưng tôi đứng đây với long tự tin rằng những gì đang xảy ra ở đất nước này là không thể đảo ngược, và ý chí của người dân có thể nâng đất nước này lên và tạo nên một ví dụ tuyệt vời cho thế giới. Và các bạn sẽ có Hoa Kỳ là một đối tác với các bạn trên cuộc hành trình dài đó. Vì vậy, cezu tin bad de.[Xin cám ơn các bạn] (Vỗ tay).

Cảm ơn các bạn. (Vỗ tay)

Rangoon, Miến Điện

Người dịch: Huỳnh Phan

19-11-2012



SUY NGHĨ NHÂN ĐỌC THƯ CHÚC MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM (20/11/2012) CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO

Nguyễn Trọng Bình

1.Thư của Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo

Kính gửi: Các đồng chí Giám đốc Sở GDĐT các Tỉnh, Thành phố;
Các đồng chí Hiệu trưởng các trường Mầm non,
Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông,
Trung cấp chuyên nghiệp, Cao đẳng, Đại học.

Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20 - 11- 2012, thay mặt Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi trân trọng gửi đến các Đồng chí và qua các Đồng chí tới các Thầy giáo, Cô giáo, Cán bộ quản lý giáo dục lời cảm ơn chân thành về những đóng góp bền bỉ, to lớn của các Thầy Cô cho sự nghiệp trồng người.
Kính chúc các Thầy Cô và gia đình dồi dào sức khỏe, thành đạt, hạnh phúc, tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của chúng ta.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo GS. TS Phạm Vũ Luận[1]

2. Vài suy nghĩ

Đọc xong bức thư chúc mừng trên của GS Phạm Vũ Luận – Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo nhân ngày Nhà giáo VN 20/11/2012 bỗng dưng lòng thấy buồn buồn. Vì lẽ, qua bức thư này một lần nữa cho thấy trong cuộc sống có những chuyện chúng ta cho là nhỏ nhưng sự tác động và ảnh hưởng của nó đối với xã hội thì không nhỏ chút nào. Hay nói cách khác, như lời của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt (theo lời kể của nhà thơ Nguyễn Duy) là: “Cái tế nhị ở đây là nhìn nhận đúng các giá trị, cái nào lớn, cái nào nhỏ. Có sự nhầm lẫn giữa lớn và nhỏ. Cái tưởng lớn hóa ra là nhỏ, cái tưởng nhỏ lại là lớn...”.[2]
Lẽ ra, người viết cũng không muốn nói đến những “chuyện nhỏ như con thỏ” này đâu (bởi không khéo bị mang tiếng là “vạch lá tìm sâu”) nhưng vì đây thư kí tên Bộ trưởng – người đứng đầu ngành Giáo dục nước nhà nên dù muốn dù không trước sự thật này chúng ta không thể không nhìn thẳng như một lời góp ý chân thành theo tinh thần “phê và tự phê” của của Đảng.
Thứ nhất, bức thư tuy không dài lắm (đúng 3 câu được phân ra làm ba “đoạn”) nhưng cảm nhận ban đầu của người viết là có một số lỗi sai về mặt câu cú, ngữ pháp, cách diễn đạt... nhất là ở câu cuối khá lủng củng vì có 3 chữ “và”. Thêm nữa, lẽ thường người ta gửi lời kính chúc sức khỏe nhau là đúng rồi nhưng “kính chúc tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp...” nghe có gì đó không ổn cho lắm.
Thứ hai, đây là thư chúc mừng thầy cô giáo nhân ngày 20/11 nhưng mở đầu bức thư ở phần“Kính gửi” chỉ thấy Bộ trưởng “gửi” đến các đồng chí là những quan chức lãnh đạo địa phương (“Các đồng chí Giám đốc Sở và các đồng chí Hiệu trưởng...”) mà không có dòng nào “kính gửi” đến “toàn thể quý thầy cô giáo trên cả nước” mà lẽ ra (hay đúng ra) việc này phải là như thế . Bởi đây mới là đối tượng quan trọng nhất mà với tư cách là người đứng đầu ngành giáo dục, Bộ trưởng phải có trách nhiệm gửi lời chúc mừng, hỏi thăm và động viên họ.
Thứ ba, câu thứ 2 trong bức thư là lời cảm ơn của Bộ trưởng gửi với tư cách người đứng đầu ngành giáo dục gửi đến toàn thể quý thầy cô giáo trên cả nước nhưng buồn thay lời cảm ơn này chỉ được gửi một cách... gián tiếp qua “trung gian” là các “đồng chí” lãnh đạo (như ở phần “kính gửi”). Tức là Bộ trưởng nhờ các đồng chí lãnh đạo ở địa phương chuyển lời cảm ơn của mình đến toàn thể quý thầy cô giáo chứ không phải đích thân Bộ trưởng trực tiếp đứng ra nói lời cảm ơn:

“Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20 - 11- 2012, thay mặt Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi trân trọng gửi đến các Đồng chí và qua các Đồng chí tới các Thầy giáo, Cô giáo, Cán bộ quản lý giáo dục lời cảm ơn chân thành về những đóng góp bền bỉ, to lớn của các Thầy Cô cho sự nghiệp trồng người.”
Thôi thì cứ cho là Bộ trưởng có quyền “nhờ” các “đồng chí” lãnh đạo Sở và Hiệu trưởng các trường học chuyển lời cảm ơn đến toàn thể quý thầy cô giáo đi. Nhưng nếu vì lý do nào đó các “đồng chí” này... quên không chuyển lời đến quý thầy cô giáo thì sao? Lúc ấy không biết Bộ trưởng có cách gì để kiểm tra lời cảm ơn của mình đã thực sự đến với toàn thể quý thầy cô giáo trong ngày 20/11 không?
Ngoài ra, từ góc nhìn văn hóa ứng xử, đằng sau câu chữ của bức thư của Bộ trưởng là một vấn đề lớn đã và đang tồn tại trong xã hội ta rất đáng để mỗi người cùng nhìn lại và suy ngẫm. Cụ thể đó văn hóa ứng xử đặt trong mối quan hệ giữa những lãnh đạo với quần chúng nhân dân (trong khuôn khổ của bức thư này là mối quan hệ giữa vị Bộ trưởng đứng đầu ngành giáo dục với toàn thể quý thầy cô giáo trên cả nước – những người trực tiếp thực thi nhiệm vụ “trồng người” đầy gian nan vất vả hiện nay).
Các vị lãnh đạo ai cũng bảo nhân dân là quan trọng nhất (tất cả phải vì nhân dân mà phục vụ) tuy nhiên trong thực tế (rất nhiều trường hợp) cái vị thế này của nhân dân có khi lại không phải vậy. Điều này có thể thấy trong bất kỳ hội nghị, hội thảo hay trong bất kỳ một buổi lễ khai mạc, lễ khánh thành một sự kiện, một công trình văn hóa, xã hội lớn nhỏ nào đó được tổ chức trên khắp đất nước thì nhân dân bao giờ cũng được “ưu ái” giới thiệu... sau cùng trong phần nghi thức giới thiệu “thành phần đại biểu tham dự”.
Thậm chí trong một trận bóng đá với tính chất giao hữu tuy ai cũng nói thành phần làm nên không khí cuồng nhiệt sôi động của một trận đấu là hàng triệu nhân dân – hàng triệu khán giả trên sân nhưng buồn thay hàng triệu khán giả ấy chỉ được người dẫn chương trình giới thiệu một cách qua loa, chiếu lệ sau cả hàng lô hàng lốc những “ông chủ” của các đơn vị kinh doanh nào đó bỏ tiền ra tài trợ cho trận cầu ấy.
Tại sao nhân dân luôn luôn bị đối xử như lại vậy? Tại vì trong tâm thức văn hóa - cái tâm lý xã hội nói chung ở nước ta hiện nay, thật ra nhân dân chưa phải là “ông chủ” thực sự và các vị lãnh đạo cũng không phải là những “công bộc” tận tụy mà có khi là ngược lại.
Ngoài ra, phải chăng sở dĩ xã hội ta đang tồn tại những hành vi ứng xử như trên là vì trên thực tế mối quan hệ giữa lãnh đạo với nhân dân còn quá nhiều “khoảng cách”. Một cái “khoảng cách” có thể rất nhỏ (như cái “khoảng cách” mà Bộ trưởng Bộ giáo dục phải nhờ đến các “đồng chí” lãnh đạo địa phương chuyển tới các thầy cô giáo lời cảm ơn nhân ngày 20/11/2012 – ngày cả nước tôn vinh họ) nhưng một lần nữa cho thấy có không ít lãnh đạo vẫn chưa thật sự tôn trọng nhân dân; chưa thật sâu sát với nhân dân; chưa thật vì dân mà phục vụ; hay rộng hơn là vẫn chưa phát huy hết cái quyền được làm chủ thật sự của nhân dân;...
Vì thế, trở lại vấn đề bức thư chúc mừng của Bộ trưởng Bộ giáo dục & đào tạo, giá như ngay sau hai từ “Kính gửi” là dòng chữ: “Toàn thể quý thầy cô giáo đã và đang hoạt động trong ngành giáo dục” thì chắc là hàng triệu thầy cô giáo cảm thấy an ủi và ấm lòng biết dường nào nhất là với những người đã nghỉ hưu. Bởi như đã nói, họ mới là đối tượng chính mà Bộ trưởng cần vinh danh trong ngày 20/11. Rõ ràng trong trường hợp này câu nói của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt ở trên rất xác đáng và vô cùng sâu sắc.
--------------------------------------------------------------------------------
[1] Thư của Bộ trưởng Bộ giáo dục được chúng tôi dân lại từ trang http://www.moet.gov.vn/?page=1.10&view=4574 và http://gdtd.vn/channel/2762/201211/Thu-chuc-mung-ngay-Nha-giao-Viet-Nam-cua-Bo-truong-Bo-GD-DT-1964965/
[2] Nguyễn Duy – Chuyện nhỏ về một tầm vóc lớn. Báo Tuổi trẻ ngày 18/11/2012





Thứ Tư, 21 tháng 11, 2012

Hai niềm đau đáu cuối cùng của ông Sáu Dân

"Nếu các anh có báo cáo dù chỉ vài chữ, dưới bất kỳ hình thức nào, tôi sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm. Còn đã không báo cáo, tự các anh phải chịu trách nhiệm." - Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói với Bộ trưởng Thủy lợi Nguyễn Cảnh Dinh và Chủ tịch Hà Nội Lê Ất Hợi.

LTS - Trong cuộc đời của mình, Đại tá (nghỉ hưu) Khuất Biên Hòa, nguyên trợ lý của Đại tướng Lê Đức Anh và tác giả cuốn sách cùng tên, đã ba lần được gặp (cố) Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông nhớ nhất là lần thứ ba, bởi "chú Sáu Dân", thông qua người thư ký của mình, đã chủ động mời ông tới nhà chơi, tại 16 Tú Xương. Đó là vào dịp Hội thảo Khoa học Lịch sử, nhân kỷ niệm 30 năm ngày đất nước thống nhất (2005).
Đại tá Khuất Biên Hòa kể: "Lúc đến, tôi không thấy có bà Cầm (TS Phan Lương Cầm, phu nhân (cố) Thủ tướng Võ Văn Kiệt). Nhưng lúc về, khi ra đến cửa, tôi đã gặp bà. Bà nói với tôi: "Sao hôm nay cậu quần chú Sáu dữ thế?" Lúc đó, tôi mới chợt nhớ ra rằng ông Kiệt và tôi đã say sưa nói chuyện suốt từ 8 giờ sáng đến 1 rưỡi chiều, quên cả ăn trưa."
Tuanvietnam xin trân trong giới thiệu cuộc hầu chuyện của phóng viên Huỳnh Phan với Đại tá Khuất Biên Hòa, nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của (cố) Thủ tướng Võ Văn Kiệt, và cũng vì ý nghĩa vẫn còn thời sự của câu chuyện này.

Thẳng thắn đấu tranh phê bình vì việc công

Thế hôm đó, ông Võ Văn Kiệt tâm sự gì với ông?

Hôm đó, ông Võ Văn Kiệt cứ nhắc đi nhắc lại: "Họ nói tôi với anh Sáu Nam là một cặp bài trùng thì cũng có cơ sở, vì hai chúng tôi khá là hợp nhau, rất quí trọng, tin cậy nhau, và trong rất nhiều giai đoạn lịch sử hai người đã được kề cận cùng thực hiện chung một nhiệm vụ - một nhiệm vụ khá "nặng đô" với những thử thách vô cùng nghiệt ngã. Hai chúng tôi đã sát cánh bên nhau, ráng vượt lên và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ."
Ông Võ Văn Kiệt nói: "Nói đến giai đoạn đổi mới, lúc đó, việc nhiều lắm, mà toàn việc lớn cả, lại vô cùng mới mẻ, chưa có tiền lệ, vừa làm vừa mò mẫm, thử nghiệm. Cả bốn người, Tổng Bí thư Đỗ Mười, Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo, sau là Nông Đức Mạnh, và tôi là Thủ tướng, mỗi người một trọng trách, một núi công việc. Chúng tôi thương nhau lắm, tin nhau lắm."
Ông nói tiếp: "Nhưng khi có nổi cộm, cái gì không phải là thẳng thắn phê bình, thậm chí phê bình nhau gay gắt. Nhưng đều vì việc công mà không ai nghĩ riêng tư cho mình, và tranh luận để đi tới thống nhất".
Nói tới đấy, tôi chợt thấy giọng ông như hơi chùng xuống: "Gần đây, tôi thấy buồn và lo ngại trước hiện tượng thủ tiêu đấu tranh phê bình, chủ yếu thiên về vuốt ve nhau. Một người sai, nhiều người biết nhưng không nói, hoặc không dám nói. Hoặc giả có định phê một câu thì phải rào trước đón sau, phải nêu, thậm chí phải tụng ca một loạt ưu điểm, rồi mới đưa ra khuyết điểm. Mà điều đáng lo ngại ở chỗ hiện tượng này đã trở thành phổ biến, không kể ở cấp nào, từ cơ sở tới cấp Trung ương."
Quay lại chuyện với ông Lê Đức Anh, ông Võ Văn Kiệt nói: "Cho tới giờ phút này, quan hệ giữa chúng tôi vẫn đẹp như một cặp bài trùng. Mặc dù về không gian chúng tôi xa cách nhau, kẻ Nam, người Bắc."
Hơn thế nữa, ông Võ Văn Kiệt còn khuyên ông Lê Đức Anh vào ở hẳn trong Nam để tiện việc trao đổi, tham khảo ý kiến của nhau.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Lúc đó, ông có băn khoăn tại sao tự nhiên ông Võ Văn Kiệt lại kể về kỷ niệm với ông Lê Đức Anh không?
Cũng dễ hiểu thôi, bởi hai lẽ. Thứ nhất là ông Kiệt nói theo đề nghị của tôi, để tôi có nội dung đưa vào cuốn sách "Đại tướng Lê Đức Anh". Thứ hai là vào thời điểm năm 2005, chúng ta kỷ niệm trong 30 năm Giải phóng miền Nam, và, hệ trọng hơn, đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng X.
Tôi nhớ là vào dịp Tết năm đó, ông Võ Văn Kiệt có một bài trả lời phỏng vấn trên báo (thực sự bài báo được chính thức đăng vào cuối tháng 3 trên Tuần báo Quốc tế - NV). Trong bài đó, ông Võ Văn Kiệt nói đến tầm vóc của cuộc kháng chiến là chính, nhưng ông có một lưu ý rằng, trong thời khắc lịch sử đó, bất cứ ai có công mình cũng phải nhìn nhận cho sòng phẳng. Đó là hành vi của ông Dương Văn Minh, vị tổng thống cuối cùng của Chính quyền Sài Gòn.
"Ở phút cuối, ông đã huỷ bỏ lệnh tử thủ, và như vậy, đỡ bao nhiêu xương máu, cũng như thành phố Sài Gòn - Gia định và các đô thị khác đỡ bị tàn phá", ông Võ Văn Kiệt nói.
Lúc đó, bên ngoài tung tin là ông Lê Đức Anh phê bình gay gắt quan điểm của ông Võ Văn Kiệt, và các cựu quân nhân, nhất là các cựu tướng lĩnh, rất không đồng tình với quan điểm ông Kiệt, cho rằng ông Kiệt có ý kiến là thưởng huân chương cho ông Dương Văn Minh, khiến cho biết bao nhiêu cựu chiến binh, thương binh và gia đình liệt sĩ cảm thấy bất công.
(Ông Kiệt có nói với tôi là không hề có chuyện ông đề nghị thưởng Huân chương cho ông Dương Văn Minh.)
Rồi tại cuộc hội thảo cấp nhà nước, diễn ra hai ngày liền (14-15.4.2005), tại Hội trường Thống Nhất, cả ông Võ Văn Kiệt, ông Võ Nguyên Giáp và ông Lê Đức Anh, đều có bài tham luận gửi trước, nhưng chỉ có ông Lê Đức Anh tới dự. (Sự việc này tôi biết rất rõ, vì hôm đó tôi trực tiếp đưa ông Lê Đức Anh vào dự hội thảo, và được ông ủy thác lên đọc tham luận thay ông.)
Hội thảo vừa xong, tôi tới 16 Tú Xương thăm ông Kiệt liền. Tối hôm trước, tôi được anh Trịnh, thư ký của ông Kiệt, cho biết, ông Kiệt từ Hà Nội bay về thành phố bị trễ, và mệt mỏi quá nên không tham dự hội thảo được.
Nhưng hình ảnh ông không dự lại bị suy diễn, đồn thổi là có ông Lê Đức Anh đến thì ông Võ văn Kiệt không đến...

Vậy, thực sự, ông Lê Đức Anh đã nhận xét như thế nào về bài trả lời phỏng vấn của ông Kiệt?
Tôi đã đọc bài báo đó cho ông Lê Đức Anh nghe, ngay khi báo ra. Ông không hề phản đối, và lại còn bảo: "Nói như vậy cũng được, nhưng giá như anh Sáu Dân kín kẽ hơn về câu chữ thì họ hết lối suy diễn".
Đại tá Khuất Biên Hòa, nguyên trợ lý của Đại tướng Lê Đức Anh

Hai niềm đau đáu cuối cùng

Chẳng lẽ suốt 5-6 tiếng, ông Võ Văn Kiệt chỉ nói về kỷ niệm với ông Lê Đức Anh?

Đâu phải thế, ông nói nhiều chuyện lắm. Tuy nhiên, qua cuộc nói chuyện dài như thế, tôi thấy ông Kiệt đau đáu hai điều.
Thứ nhất, như tôi đã kể, là tình trạng "dĩ hòa vi quí",vuốt ve nhau ở tất cả các cấp, từ chi bộ cơ sở tới Trung ương.
Thứ hai là tình hình tai nạn giao thông ngày càng nghiêm trọng. Hôm tôi đến với ông thì cả nước đang còn bàn tán xôn xao về vụ đổ tàu hỏa ở Huế, xảy ra trước đó vài ngày, làm chết hơn chục người, còn làm bị thương thì nhiều lắm. Chắc anh còn nhớ?

Vâng, rất nhớ ạ.

Cùng lúc đó bên Hàn Quốc có vụ sập một cây cầu nhỏ, chỉ 14 người bị thương mà Bộ trưởng Giao thông Hàn Quốc đã phải xin từ chức.
Ông Võ Kăn Kiệt rất bực mình là tại sao để xảy ra một vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng như vậy, mà Bộ trưởng Giao thông & Vận tải, mãi chục hôm sau, mới vào hiện trường, và, sau đó, chỉ nhận hình thức kỷ luật là "phê bình".
Ông bảo: "Ở ta từ trước tới nay, mức kỷ luật nhẹ nhất là khiển trách. Nhận hình thức phê bình là quá coi thường kỷ luật Đảng".
Nhân đó, ông Võ Văn Kiệt kể chuyện về vụ lấn đê xây nhà ở Hà Nội hồi những năm '90. Khi báo chí phát hiện vụ này, trong dư luận đã rùm beng lên rồi, ông mới biết, và thực sự giật mình. Ông kể rằng, việc đầu tiên ông làm là nhân danh một ủy viên Bộ Chính trị, một thủ tướng Chính phủ, xin lỗi trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư, và sau đó, chủ động xin lỗi trước Quốc hội.
Mà hình như hồi đó chưa có chất vấn tại Quốc hội như bây giờ?
Đúng thế. Mà nếu có, tôi cho rằng ông cũng không chờ chất vấn mới nhận trách nhiệm.
Ông bảo: "Phải xin lỗi, vì mình có lỗi. Mình chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân (cử tri), mà để xảy ra cơ sự như thế."
Việc thứ hai, ông kể, là ông gọi ngay ông Lê Ất Hợi, Chủ tịch thành phố Hà Nội, và ông Nguyễn Cảnh Dinh, Bộ trưởng Thuỷ lợi, lên gặp ông.
Ông hỏi họ: "Hai anh có bao giờ báo cáo tôi về vụ đê điều này không? Hãy cố nhớ lại xem, hay là trong một bức điện, một lần điện thoại thôi, hay trong báo cáo về những việc khác, có nói một câu về đê điều hay không?"
Cả hai ông trả lời là không.
Ông lại hỏi: "Vậy tại sao một vấn đề như thế này mà lại không báo cáo Thủ tướng?"
Họ trả lời là thấy Thủ tướng có nhiều việc lớn phải lo quá, việc đó là việc nhỏ của Hà Nội, nên họ không báo cáo.
Nghe tới đó, ông Võ Văn Kiệt mới nói: "Nếu các anh có báo cáo dù chỉ vài chữ, dưới bất kỳ hình thức nào, tôi sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm. Còn đã không báo cáo, tự các anh phải chịu trách nhiệm. Hãy làm tường trình như đã nói với tôi, tự xin hình thức kỷ luật."
Ông Kiệt nói: "Hòa có biết không, suốt thời gian vừa qua, ở bất cứ hội nghị hay cuộc gặp gỡ nào, chú cũng nói điều này. Nói kiên trì lắm về giao thông, và tai nạn giao thông. Mình là kể cũng có nhiều cố gắng, nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề một cách căn cơ, mà, ngược lại, tình hình dường như ngày càng nặng nề, nghiêm trọng. Mức thương vong của ta còn lớn hơn cả thương vong của Iraq đang có chiến tranh... Hễ cứ nghĩ tới điều này là chú ăn không ngon, ngủ không yên được."
Ông Võ Văn Kiệt còn nói chuyện gì khác trong vòng 5-6 tiếng đó không?
Ông có hai vấn đề muốn nhờ tôi hỏi ông Lê Đức Anh. Đó là chuyện Chiến dịch Mậu Thân (1968), khi cánh quân của ông không được chi viện, và thương vong gần hết, và chuyện tại sao Việt Nam lại lỡ việc ký kết Hiệp định Thương mại Song phương Việt - Mỹ tại Aukland (New Zealand), vào tháng 9.1999. Nhưng thôi, để dịp khác ta nói chuyện này.

Xin cảm ơn ông.



Huỳnh Phan (thực hiện)



Thứ Hai, 19 tháng 11, 2012

Hai triệu đô và sự hồi sinh của ngành y thành phố


Chỉ chưa đến một năm sau ngày Sài Gòn được giải phóng, ban lãnh đạo ngành y tế TP.HCM nhận được một cảnh báo không tin nổi từ một giám đốc bệnh viện: “Tuần sau sẽ không còn ca mổ nào nữa, nếu Sở Y tế không cấp thêm chỉ khâu.”

LTS: Ngày 17.11.2012 vừa rồi, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh đã phối hợp với Thảnh ủy TP Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Vĩnh Long tổ chức hội thảo “Đồng chí Võ Văn Kiệt với Cách mạng Việt Nam”, nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của nhà cố lãnh đạo – người đã để lại những dấu ấn lớn trong cả cuộc chiến tranh nhằm thống nhất đất nước lẫn giai đoạn xây dựng hòa bình, nhất là kể từ khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới.

Tuanvietnam xin trân trong giới thiệu một trong những dấu ấn đó, gắn với sự hồi sinh và phát triển của ngành y tế TP. HCM, kể từ sau ngày giải phóng, qua ký ức của Giáo sư - Viện sĩ Dương Quang Trung - nguyên giám đốc Sở Y tế thành phố trong giai đoạn 1976-1997.
Ông Võ Văn Kiệt thăm Viện Tim TPHCM ngày 31.7.2000
(người ngoài cùng là ông Dương Quang Trung)

Hai triệu đô la và ba lần thoát dịch

Giáo sư Dương Quang Trung, người đã hơn hai thập kỷ (1976-1997) giữ cương vị quản lý ngành y tế thành phố, giải thích: “Tại thời điểm sau 1975, chính quyền mới gặp rất nhiều khó khăn, phần vì khủng hoảng kinh tế, phần vì chính sách cấm vận. Ngành y tế thành phố có lúc thiếu đến cả kim chỉ khâu, còn thuốc men thì cực hiếm.”

“Trong lúc chúng tôi gần như đã chấp nhận buông xuôi, thì được trên thông báo sẽ cấp cho hai triệu đô la từ quỹ dự trữ của thành uỷ. Đúng là trời đang hạn gặp cơn mưa rào”, Giáo sư Trung kể tiếp.

Hơn hai phần ba số tiền đó đã được dùng để mua thuốc chữa bệnh, phần còn sắm thêm trang thiết bị, dụng cụ y tế. Cũng nhờ được cấp tiền kịp thời, ngành y tế thành phố đã có được máy City Scan đầu tiên của cả nước, trị giá sáu trăm ngàn đô la, đặt tại Bệnh viện 115.

Cũng trong thời gian đó, thành phố lại liên tiếp bị các dịch bệnh tấn công. Mở đầu là dịch sốt xuất huyết ngay trong năm giải phóng, sang năm 1976 là dịch tả, khiến nhiều người tử vong, và năm tiếp theo là trận dịch hạch…

Nhưng ngành y tế thành phố cuối cùng cũng chặn dịch thành công. Tất cả là nhờ sự chuẩn bị sẵn thuốc men, và dụng cụ y tế, từ số tiền hai triệu đô la đó.

“Người đã ra cái quyết định cứu mạng sống của nhiều người trong những năm đầu hoà bình đó, không ai khác, chính là Phó Bí thư Thành uỷ kiêm Chủ tịch Uỷ ban Võ Văn Kiệt”, Giáo sư Trung “bật mí”.

Ông Sáu của Dân

Mạng lưới y tế thành phố sau giải phóng, nói chung, có xuất phát điểm khá thấp. Cả cái đô thị lớn nhất Việt Nam này chỉ có một bệnh viện lớn được trang bị tương đối đầy đủ là Bệnh viện Grand (sau đổi tên thành Bệnh viện Nhi đồng 2). Còn ở Bệnh viện Bình dân, tuy có đội ngũ giáo sư, bác sĩ trình độ cao, nhưng lại thiếu trang thiết bị hành nghề.

“Năm 1977 được coi là thời điểm khó khăn nhất của nền y tế thành phố. Cũng lúc đó, ông Sáu Dân lại xuất hiện”, Giáo sư Trung nói.

Ông Sáu Dân đã chủ trương xây dựng mạng lưới y tế cơ sở, từ dân đi lên. Do khó khăn về tiền bạc, ngành y tế phải đi vận động bà con và cán bộ, chấp nhận những sự hy sinh nhất định. Thành phố đã đi đầu làm thí điểm mô hình cán bộ y tế phường xã, mỗi phường xã có 3-5 người được hưởng lương.

“Dù lương còn xa mới đủ sống, nhưng người ta làm việc rất nhiệt tình. Họ hãnh diện vì được góp sức với ông Sáu giúp dân”, Giáo sư Trung giải thích.

Một quyết định quan trọng khác của ông Võ Văn Kiệt, theo Giáo sư Trung, là việc kiên quyết giữ lại bệnh viện dành cho người già và các cháu thiếu nhi.

Sau giải phóng, có chủ trương cải tạo, rồi chuyển Bệnh viện Y học Dân tộc thành bệnh viện phục vụ cán bộ. Tuy nhiên, Phó Bí thư Võ Văn Kiệt đã nêu quan điểm của mình: “Tôi không muốn lấy bệnh viện của người dân làm bệnh viện của cán bộ.”

Cuối cùng, khi việc cải tạo bệnh viện này được hoàn thành, nó vẫn giữ nguyên chức năng cũ.

Sau đó, Trung ương lại quyết định lấy bệnh viện Nhi Đồng 2, nơi có toà nhà 4 tầng và khuôn viên rộng đẹp, rộng 9 héc ta, làm bệnh viện cho cán bộ. Đổi lại, Bệnh viện Thống Nhất, đang chữa trị cho cán bộ, sẽ chuyển thành bệnh viện nhi đồng.

“Những gì tốt nhất phải được dành cho trẻ em”, Phó Bí thư Thành uỷ Võ Văn Kiệt lại một lần nữa lên tiếng.

Lãnh đạo thành phố cũng lại một lần nữa kiến nghị Trung ương xem xét lại quyết định. Cuối cùng, Trung ương cũng nghe ra, và Bệnh viện Nhi đồng 2 vẫn ở nguyên chỗ cũ, cho đến tận bây giờ.

Ông Võ Văn Kiệt chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo của Viện Tim TP.HCM – được thành lập với sự ủng hộ mạnh mẽ và gợi ý sáng suốt của ông là phải liên kết với nước ngoài (Pháp)

Cái tâm đối với trí thức chế độ cũ

Cũng trong giai đoạn đó, bên cạnh những thành công kể trên, ngành y tế thành phố lại chịu một tổn thất lớn. Chỉ trong hai năm (1976-1978), xấp xỉ một ngàn bác sĩ và dược sĩ giỏi đã lần lượt bỏ nước ra đi.

“Ông Kiệt đã mời tôi lên gặp tại Văn phòng Thành uỷ để nghe báo cáo tình hình. Vẫn chưa yên tâm, sau đó, ông còn chủ động xuống Sở Y tế, tại 175 Hai Bà Trưng, để tìm hiểu cho cặn kẽ”, người đứng đầu ngành y tế thành phố thời đó kể lại.

Tại Sở Y tế lúc đó, điện nước khó, chín giờ đêm là đã cúp điện. Thế nhưng, dưới ánh đèn dầu, ông Kiệt vẫn cùng lãnh đạo ngành y tế thảo luận thâu đêm, chỉ để trả lời một câu hỏi: Làm thế nào giữ chân được đội ngũ chuyên gia y dược này?

Vị lãnh đạo ngành y tế đã giải thích với vị lãnh đạo Đảng và Chính quyền thành phố: “Người ta đi không phải vì người ta chống đối mình. Phần lớn là do cuộc sống khó khăn quá, chịu không thấu, thôi anh ạ.”

Ông Kiệt đã ngồi thừ ra hồi lâu, trước khi đứng dậy ra về, Giáo sư Trung nhớ lại.

Ít lâu sau, Sở Y tế đã bất ngờ nhận được một quyết định của Thường vụ Thành uỷ: Cán bộ y tế được phép mở phòng mạch, làm ngoài giờ!

“Hồi đó, đâu ai dám dùng chữ làm tư, như bây giờ”, Giáo sư Trung giải thích.

Sau này, Giáo sư Trung được biết thêm, để ra được quyết định này không hề đơn giản, bởi, ngay trong nội bộ Thành uỷ, ý kiến cũng rất khác nhau. Rồi ra Trung ương cũng vậy, nếu không nói là phức tạp gấp bội. Nhưng, cuối cùng, thành phố vẫn là đơn vị hành chính duy nhất trong cả nước được phép thí điểm mô hình này.

“Ông Kiệt không chỉ giỏi trong việc giữ người, mà còn rất mạnh dạn trong việc trọng dụng nhân tài. Bất kể là người ngoài Đảng, hay người của chế độ cũ. Chỉ có dưới thời ông làm lãnh đạo (đến năm 1982) thành phố mới dám dùng những ông ngoài Đảng làm giám đốc, phó giám đốc bệnh viện”, Giáo sư Trung nói tiếp.

Những cái tên Giáo sư Trung còn nhớ có Nguyễn Chấn Hùng, Trần Tấn Trâm, Nguyễn Hải Nam, Trần Thành Trai, Văn Tần.

“Nhưng quyết định dữ dằn nhất của lãnh đạo thành phố dưới thời ông Sáu Dân là bổ nhiệm cả sỹ quan quân y của quân đội Việt Nam Cộng hoà làm giám đốc bệnh viện”, Giáo sư Trung gật gù nhớ lại.

Đó là Bác sĩ Nguyễn Hải Nam, nguyên sĩ quan cấp tá, được bổ nhiệm là Giám đốc Bệnh viện An Bình (dành cho người Hoa). Hay Dược sĩ Trần Văn Nhiều, nguyên Đổng lý Văn phòng Phụ tá Đặc biệt của Tổng trưởng Y tế, được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc của Công ty Cổ phần Dược…

Những trí thức trong ngành y dược này đã không phụ lòng ông. Họ đã cống hiến cho thành phố rất nhiều, và không chỉ vì lương tâm nghề nghiệp. Chắc trong sâu thẳm trái tim, họ cũng muốn tri ân sự tin tưởng của ông dành cho họ.

Thậm chí, có những người sau này còn được phong danh hiệu Anh hùng Lao động, như BS Nguyễn Chấn Hùng, BS Văn Tần, hay DS Trần Văn Nhiều.

“Việc thí điểm thành lập công ty cổ phần dược nói trên, đầu tiên trong cả nước, do một số anh em trí thức góp vốn, nếu không có ông Kiệt ủng hộ mạnh mẽ, tôi dám chắc rằng sẽ không thực hiên được. Bởi thời điểm này, khái niệm tư nhân, kinh tế tư nhân, là rất lạ lẫm và khó chấp nhận”, Giáo sư Trung giải thích thêm.

Giáo sư Trung hiểu rằng, để làm được những việc, có thể nói là “động trời”, đó, ông Kiệt đã phải đánh cược cả “uy tín chính trị” của mình. Thuyết phục Thành uỷ, rồi đến thuyết phục Chính phủ, Ban Bí thư, Bộ Chính trị, đâu phải là chuyện ngày một ngày hai. Nhất là trong bối cảnh của cuộc đấu tranh “ai thắng ai”, giữa đường lối phát triển xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, trên mảnh đất vừa thống nhất này.

Bà đỡ cho những ý tưởng mới

Khi đã ra ngoài Trung ương, kể từ năm 1982, ông Võ Văn Kiệt vẫn quan tâm đến những gì diễn ra ở thành phố, và vẫn có những sự ủng hộ, động viên, hay góp ý cần thiết. Sự ra đời của Viện Tim thành phố là một minh chứng.

Giáo sư Trung kể rằng lúc ông và các đồng nghiệp đưa ra ý tưởng xây một viện tim ở thành phố, số người phản đối còn nhiều hơn số người ủng hộ. Mặc dù, ai cũng biết là một đô thị lớn nhất nước này không thể không có một viện tim.

Lý do lần này, ngoài chuyện thiếu tiền muôn thưở, còn là lý do chuyên môn – kỹ thuật và đào tạo đội ngũ bác sĩ về tim không phải là điểm mạnh của thành phố, nhất là so với Hà Nội.

Trong một lần về thăm thành phố, ông Kiệt, Giáo sư Trung không nhớ còn là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng hay đã lên Chủ tịch HĐBT rồi, đã ghé thăm Sở Y tế. Nghe chuyện, ông gợi ý ngay: “Sao không tìm cách hợp tác, liên kết với nước ngoài mà làm? Vừa có tiền, vừa học được chuyên môn.”

Viện Tim đã ra đời năm 1992, trên cơ sở sự liên kết giữa ngành y tế thành phố và Hiệp hội Y tế Pháp. “Qua hai thập kỷ hoạt động, viện tim đã chứng tỏ rằng mô hình liên kết với nước ngoài là một hướng đi đúng. Viện đã được chuyển giao kỹ thuật cao, và chăm sóc rất tốt cho người nghèo.”

Giáo sư Trung còn kể rằng, không lâu trước khi mất, ông Kiệt đã tâm sự với ông: “Ngành y tế là lo cho con người từ khi còn trong bụng mẹ đến khi ra nghĩa địa, nên nếu Nhà nước lo không xuể thì phải huy động lực lượng và vốn nhà rỗi từ bên ngoài xã hội.”

Đó là lần đầu tiên Giáo sư Trung đón nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại nhà riêng. Ông Kiệt tìm đến để bàn cách triển khai ý tưởng thành lập một viện nghiên cứu phát triển sức khoẻ cộng đồng. Từ cuộc bàn bạc giữa hai ông già đã nghỉ hưu đó, tháng 10.2008 viện này được thành lập do Giáo sư Dương Quang Trung làm viện trưởng.

“Tôi và chị Hiếu Dân (con gái ông Kiệt) đang triển khai xây dựng một bệnh viện kỹ thuật cao, như tâm nguyện của ông Sáu Dân trước khi ra đi. Đó cũng là một phần nhỏ nhoi trả cái ân tình mà anh Sáu đã dành cho dân, trong đó có cả tôi”, vị giáo sư già nghẹn giọng trong sự hồi tưởng về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

•Thái Thiện – Thanh Huyền



Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

Kỷ niệm 90 năm ngày sinh cố thủ tướng Võ Văn Kiệt: Thà mất chức mà dân no

TT - Trong tham luận mở đầu hội thảo “Đồng chí Võ Văn Kiệt với cách mạng VN”, ông Lê Thanh Hải - ủy viên BCT, bí thư Thành ủy TP.HCM - nhắc 1 câu hỏi của chú Sáu Dân: “Một là để dân đói, các đồng chí giữ nguyên chức vụ. Hai là dân no, các đồng chí mất chức. Chọn cái nào?”...
Hội thảo tổ chức nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23-11-1922).

Thủ tướng Võ Văn Kiệt và công nhân trên công trường xây dựng trạm biến thế 500kv Pleiku ngày 3-11-1993 - Ảnh: Nguyễn công thành

Đã hơn bốn năm kể từ ngày cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra đi, nhưng ký ức về một vị lãnh đạo luôn đau đáu một chữ “dân” trong suy nghĩ, trong tình cảm, trong tư tưởng, trong quyết định vẫn luôn in đậm trong tâm trí những ai từng được làm việc với ông, được nghe ông nói và thấy những gì ông làm.
Sáng 17-11, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 90 ngày sinh của ông, Học viện Chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Thành ủy TP.HCM và Tỉnh ủy Vĩnh Long đồng tổ chức buổi hội thảo khoa học “Đồng chí Võ Văn Kiệt với cách mạng VN”. Một lần nữa, chữ “dân” được nhắc đi nhắc lại trong hơn 90 bản tham luận, như từng được nhắc hàng vạn, hàng triệu lần trong cuộc đời của ông Sáu Dân (bí danh của ông Võ Văn Kiệt).

Tất cả đều vì dân, cho dân
Ông Võ Văn Kiệt tham gia cách mạng từ năm 17 tuổi, trải qua bao lửa đạn của hai cuộc kháng chiến nhưng tên tuổi, sự nghiệp của ông còn gắn liền với cuộc cách mạng trong thời bình, cuộc cách mạng mang tên đổi mới. Trong bản tham luận mở đầu hội thảo, ông Lê Thanh Hải - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP.HCM - nhắc lại những câu chuyện mà từng người dân ở TP.HCM đều rung động khi nghe kể về Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt của những năm 1976-1981. Ấy là khi ông trực tiếp đến gặp những người trí thức đang có ý định rời Tổ quốc, nghe những tâm sự, góp ý rút cạn lòng của họ và nói: “Anh em cố gắng ở lại, trong vòng ba năm nữa nếu tình hình không thay đổi, tôi sẽ đưa anh em ra sân bay”. Ấy là trong một cuộc họp với lãnh đạo các tỉnh Tây Nam bộ bàn về giá mua lúa, nếu theo giá chỉ đạo của Chính phủ thì không mua được để xuống giống kịp thời vụ, ông nói: “Một là để dân đói, các đồng chí giữ nguyên chức vụ. Hai là dân no, các đồng chí mất chức. Chọn cái nào?”. Và tất cả đã thống nhất chọn cách thứ hai.

"Đảng gắn bó máu thịt với dân. Trên dòng sông cuộc sống, Đảng mà tách khỏi dân thì chẳng khác nào như cá bị ném lên bờ, chết là chắc"
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Chỉ một nhiệm kỳ tại TP.HCM, Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt đã có hàng loạt chỉ đạo “xé rào” nhằm tháo gỡ bế tắc cho sản xuất và đời sống. “Nhiều người đã gọi đồng chí là “bí thư xé rào”, sau này lại gọi là kiến trúc sư của đổi mới” ông Lê Thanh Hải nhắc đầy tự hào về người tiền nhiệm của mình.
Ở vai trò một người nghiên cứu, giáo sư Trần Thành - nguyên viện trưởng Viện Hồ Chí Minh, Học viện chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh - phân tích cho đến khi giữ cương vị thủ tướng, ông Võ Văn Kiệt đã có hơn 50 năm trải nghiệm qua các lĩnh vực hoạt động, từ vận động chính trị, đấu tranh vũ trang, xây dựng và phát triển kinh tế... Ông đã lăn lộn trong dân, ăn cơm, mặc áo của dân, được dân cưu mang, che chở nên thấu hiểu nỗi cực khổ cùng tâm tư, khát vọng giản dị của họ: sau độc lập, tự do là miếng cơm, manh áo, ruộng cày. Sống trong dân, ông học nhiều ở trí tuệ của người dân. Họ không biết lý luận nhưng có cái nhìn rất sáng về cái đúng, cái sai, cái trúng, cái trật của cách mạng. Ông rút ra bài học: cái gì được dân đồng tình, ủng hộ là ta đúng, cái gì bị dân phản đối là ta sai. Một chính quyền mạnh mẽ, sáng suốt là chính quyền được lòng dân, làm được cái mà người dân muốn. Ông hành xử theo cái minh triết ấy của người dân, trí tuệ của ông bắt nguồn từ trí tuệ của dân. Ông dám nói, dám làm bởi ông không có tham vọng cá nhân, tất cả đều vì dân, cho dân.
Vì thế ông Sáu Dân đã xông pha làm một trong những người tiên phong đi đầu cuộc đổi mới, cho đến tận ngày rời chức vụ khi đã 75 tuổi, vẫn chưa chịu nghỉ ngơi. Hào hứng với những cơ hội phát triển kinh tế nhưng ông không phút nào quên người nghèo, giáo sư Trần Thành nhắc lại một lời của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng lưu ý với Đảng: “Đừng để người nghèo bị gạt ra bên lề của sự phát triển, phải có những chính sách cốt lõi để giải quyết căn cơ vấn đề dân nghèo”.
Cùng chung ý kiến, tiến sĩ Phạm Văn Bính nhấn mạnh thêm bằng cách nhắc lại lời ông Sáu dân: “Đảng gắn bó máu thịt với Dân. Trên dòng sông cuộc sống, Đảng mà tách khỏi dân thì chẳng khác nào như cá bị ném lên bờ, chết là chắc”.
Luôn nghĩ cho dân, vì dân, lấy suy nghĩ, ước nguyện của dân làm suy nghĩ và cách giải quyết công việc của mình, trong ông không hề cạn kiệt ý tưởng, suy tư, luôn đầy ắp mong muốn, hoài bão cho dân giàu, nước mạnh, mọi người đều sống ấm no, hạnh phúc. Làm thủ tướng, ông Võ Văn Kiệt cũng suy nghĩ thống nhất với suy nghĩ của dân về việc dân, việc nước, việc ứng xử trước sau với người đang sống và người đã chết.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt với bà con dân tộc huyện Chư Pảh (Gia Lai) năm 1996 - Ảnh: TTXVN

Nước Việt Nam của mọi người Việt Nam
Đến từ quê hương ông Sáu Dân, ông Nguyễn Chiến Thắng - nguyên trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long - nhắc lại kỷ niệm những lần ông Sáu về thăm quê, ăn bữa cơm gia đình, hồn nhiên, xông xáo ở tuổi 80. Có lần nghe chuyện về một số cán bộ có thời gian cống hiến lâu năm nhưng bị nhiều nghịch cảnh, chưa được giải quyết chính sách, ông lập tức sắp xếp đến nhà thăm viếng, an ủi, lại yêu cầu cơ quan chức năng tìm hiểu, làm rõ.
Có người đặt câu hỏi tại sao ông lại đi thăm những gia đình có vấn đề, ông vui vẻ giải thích: làm cách mạng, có người may mắn, có người vô cùng khó khăn. Có người suốt mấy chục năm dũng cảm quật cường, không may bị bắt, tra tấn, tù đày, có những phút quá khắc nghiệt giữa cái sống, cái chết trong nháy mắt mà xiêu lòng. Có thể quá trình cách mạng chưa trọn vẹn nhưng không vì thế mà không giữ được tình đồng chí, tình người với nhau.
Ông Võ Văn Kiệt là như vậy, giáo sư Mạc Đường lặp lại câu nói nổi tiếng của ông: “Không ai chọn cửa mà sinh ra” tại công viên Tao Đàn từng tiếp thêm động lực cho bao thanh niên, học sinh, sinh viên TP.HCM thế hệ thứ tư để tiến đến tương lai bằng thực tâm, thực học, thực tài. “Đã có một thế hệ coi anh là thần tượng” - giáo sư Mạc Đường nhắc.
Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt từng viết: “Đất nước VN, giang sơn VN cùng mọi thành quả của nền văn hóa VN không phải của riêng ai, của một giai cấp hay đảng phái nào, mà là tài sản chung của mọi người VN, của cả dân tộc VN... Phải phát huy dân chủ cao độ, thực hành dân chủ thật sự, hòa hợp dân tộc rộng rãi. Mọi người VN không chỉ là chủ đất nước mà phải làm chủ thật sự, được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra và được thụ hưởng thành quả dân chủ”.

Thần tượng của nhiều thế hệ
Ông Nguyễn Trọng Minh, khoa lịch sử Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn TP.HCM, tham gia hội thảo với đề tài “Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt với vấn đề sử dụng tri thức trong công cuộc đổi mới”. Bản tham luận đầy ắp câu chuyện của Bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Văn Kiệt. Nghe nói có nhóm Thứ Sáu gồm các chuyên gia tự nhóm họp vào chiều thứ sáu hằng tuần, ông sắp xếp đến nghe, rồi lại mời ra tận Hà Nội để trình bày ý tưởng với Chính phủ...
Làm thủ tướng, ông càng lắng nghe nhiều hơn nữa những ý kiến của tổ chuyên gia tư vấn, những trí thức ở nước ngoài. Ông bảo: “Kinh nghiệm của nhà lãnh đạo là phải nghe rất kỹ ý kiến chuyên gia”. PGS.TS Phan Xuân Biên kể: ông Sáu luôn tôn trọng, lắng nghe, dù ý kiến của giới trí thức không phải lúc nào cũng đồng thuận, thuận chiều. Ông nói “nghe xuôi, nghe ngược, có khi nghe xốn cả lỗ tai” nhưng vẫn khuyến khích, cổ vũ những ý kiến tâm huyết...
Dấu ấn Võ Văn Kiệt sâu đậm như vậy, nên không chỉ có “thế hệ thứ tư” như lời giáo sư Mạc Đường nói, mà có thể nhận rõ ngay trong buổi hội thảo này: đã có nhiều thế hệ coi ông là thần tượng. Những gì ông để lại đến hôm nay vẫn còn là những bài học sống động, giá trị và tối cần thiết để phải nhắc lại.

PHẠM VŨ
_______________

Chuyện nhỏ về một tầm vóc lớn

Lời tòa soạn: Nhớ về một con người, nhà thơ Nguyễn Duy lại nhớ tới những chuyện nhỏ mà ông là người trong cuộc, đã nghe và đã thấy. Chuyện nhỏ về một chính khách nhưng lại vẽ nên một tầm vóc - tầm vóc Võ Văn Kiệt.

Nghệ sĩ Ea Sola trong Hạn hán và cơn mưa - Ảnh in trên giấy dó của Nguyễn Duy

Câu chuyện Hạn hán và cơn mưa
Tháng 9-1994, nghệ sĩ múa Ea Sola Nguyễn Thủy (quốc tịch Pháp, gốc Việt) từ Paris về Hà Nội dàn dựng vở múa Hạn hán và cơn mưa trên nền nhạc chèo truyền thống. Ðây là tác phẩm đầu tay mở màn một loạt dự định của Ea Sola “đưa nghệ thuật VN ra thế giới”. Kịch bản Hạn hán và cơn mưa đã được hình thành từ trước đó, sau nhiều năm Ea Sola đi nghiên cứu đề tài, chọn đối tác là Nhà hát chèo VN, đã được Bộ Văn hóa - thông tin hồi đó cho phép dựng vở. Ea Sola mời tôi viết lời cho các khúc hát chèo trong tác phẩm này.
Việc chuẩn bị công đoạn dựng vở đang thuận buồm xuôi gió, bỗng đường đột mắc kẹt vì một lý do lãng xẹt không liên quan gì tới Hạn hán và cơn mưa...
Ea Sola rất lo lắng. Nếu Hạn hán và cơn mưa không được dàn dựng thì bao nhiêu công phu suốt mấy năm lặn lội đi nghiên cứu, sưu tầm, viết dự án, kịch bản, tuyển chọn diễn viên, vận động tài trợ và lập trình cho vở diễn ở trong nước, ngoài nước... sẽ là công dã tràng. Vấn đề sẽ không chỉ là văn hóa nữa mà còn là kinh tế, pháp luật khi nghệ sĩ phải đối diện với tòa án về những hợp đồng biểu diễn tại các liên hoan nghệ thuật châu Âu bị đổ bể. Và đổ bể theo đó có thể là cả một sự nghiệp...
"Cái tế nhị ở đây là nhìn nhận đúng các giá trị, cái nào lớn, cái nào nhỏ. Có sự nhầm lẫn giữa lớn và nhỏ.
Cái tưởng lớn hóa ra nhỏ, cái tưởng nhỏ lại là lớn..."
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Chứng kiến sự bối rối của Ea Sola, tôi chợt nghĩ tới một người. Một người có thể giải được nạn này. Ðó là ông Sáu Dân, tức đương kim Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc bấy giờ. Từ khi còn ở TP.HCM, ông Sáu đã gần gũi nhiều anh em văn nghệ sĩ chúng tôi một cách thân tình, bình đẳng, chân thực. Ông là một nhà lãnh đạo lịch lãm, phong cách ứng xử rất văn hóa, trân trọng tri thức và giới trí thức. Một nhà văn hóa bẩm sinh, văn hóa từ trong căn cốt. Ông chịu lắng nghe ý kiến từ nhiều phía, kể cả những ý kiến trái nghịch, và chịu ủng hộ cái mới. Nhiều người đã viết về ông ở góc độ này. Tôi coi ông là “người đánh thức tiềm lực”. (Tôi đã viết về ông trong hồi ức “Hành trình thơ Ðánh thức tiềm lực”, in báo Tuổi Trẻ số Tết Bính Tuất - 2006, và sách Ông Sáu Dân trong lòng dân, Nhà xuất bản Tri Thức - 2008).
Trở lại câu chuyện đang kể, tôi chợt nghĩ tới ông Sáu với hi vọng ông “giải cứu” Hạn hán và cơn mưa. Thật may mắn, tôi được ông hẹn gặp vào một buổi trưa tại tư dinh, 57 Phan Ðình Phùng, Hà Nội. Tôi trình bày với ông cặn kẽ về câu chuyện Hạn hán và cơn mưa, về tác giả Ea Sola, kèm theo tài liệu và hình ảnh dẫn chứng. Ðây là tác phẩm múa đương đại dựng trên nền âm nhạc chèo cổ, mở đầu cho chương trình đưa nghệ thuật dân tộc VN ra thế giới của người nghệ sĩ trẻ tài năng và tâm huyết này. Diễn viên múa sẽ là các bà nông dân lần đầu tiên ra khỏi lũy tre làng của mình, bước thẳng từ ruộng lúa nước lên sân khấu nghệ thuật quốc tế. Toàn bộ kinh phí nghiên cứu, dàn dựng, di chuyển và biểu diễn đều do quỹ văn hóa của Pháp và các liên hoan nghệ thuật châu Âu đài thọ. Xin đề nghị thủ tướng xem xét và đặc cách cho tác phẩm được dàn dựng...
Ông Sáu chăm chú lắng nghe rồi nhỏ nhẹ: “Cái tế nhị ở đây là nhìn nhận đúng các giá trị, cái nào lớn, cái nào nhỏ. Có sự nhầm lẫn giữa lớn và nhỏ. Cái tưởng lớn hóa ra nhỏ, cái tưởng nhỏ lại là lớn...”. Kết thúc cuộc gặp, ông nói ông sẽ trao đổi với liên bộ Ngoại giao, Văn hóa - thông tin và Công an để quyết định sớm. Hai ngày sau, tôi nhận được lời nhắn của ông qua điện thoại “Hạn hán và cơn mưa được phép tiếp tục dàn dựng”...
Ngày 2-5-1995, Ðoàn nghệ thuật múa đương đại Ea Sola diễn báo cáo cấp bộ vở múa Hạn hán và cơn mưa tại rạp Công Nhân, Hà Nội, trước khi lên đường đi Pháp. Ngày 19-5, đoàn diễn suất đầu tiên tại Pháp, khai mạc cuộc lưu diễn liên tục hai năm trời qua gần chục quốc gia ở châu Âu và Mỹ. Ðoàn đã đặt chân lên nhiều sân khấu danh tiếng của thế giới mà bất kỳ một đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp nào cũng mơ ước. Biết bao nhiêu bài viết trên các tờ báo lớn của nhiều nước ca ngợi Hạn hán và cơn mưa thành công đến mức tạo nên một sự kiện văn hóa VN...
Năm 1997, Ea Sola dựng tiếp vở múa Ngày xửa ngày xưa trên nền nhạc tài tử Nam bộ. Tiếp nữa là các vở Cánh đồng âm nhạc, Thế đấy, thế đấy, Khúc cầu nguyện... Vở nào cũng được lưu diễn qua nhiều nước và cũng thành công ở những mức độ khác nhau. Phong cách Ea Sola dần dần tạo nên dấu ấn và có ảnh hưởng đến nghệ thuật múa đương đại VN.
Mãi sau này, khi thôi giữ chức vụ thủ tướng Chính phủ, ông Sáu Dân mới có dịp đôi lần đến xem các vở múa của Ea Sola tại Hà Nội. Ông cứ tấm tắc khen: “Con nhỏ tài thiệt, giỏi thiệt!”.

Nguyễn Duy hút thuốc lào bên mộ Karl Marx - Ảnh: Vũ Hòa

Câu chuyện Hút thuốc lào bên mộ Karl Marx
Tháng 5-1996, vở múa Hạn hán và cơn mưa lưu diễn đợt thứ 2 qua các nước Pháp, Hà Lan, Anh và Mỹ. Tôi được mời đi cùng đoàn sang châu Âu đợt này, đã xem các bà nông dân Thái Bình nhảy múa tung hoành như thôi miên khán giả trên sân khấu Paris, Amsterdam, London... và đã ghi lại trong bút ký “Hạn hán và cơn mưa - câu chuyện của tâm hồn” ngay từ hồi đó. Sau chuyến đi ấy, tôi được gặp lại Thủ tướng Võ Văn Kiệt, để kể với ông về thành công lớn của Hạn hán và cơn mưa mà tôi chứng kiến, về hình ảnh độc đáo của các nghệ sĩ nông dân nhà ta trên đường phố châu Âu, về cách giới thiệu rất hiệu quả văn hóa VN ra thế giới bằng nghệ thuật nâng cao mà nghệ sĩ Ea Sola đang làm... Và sau cùng là câu chuyện nhỏ về tấm ảnh “Hút thuốc lào bên mộ Karl Marx”.

Chuyện rằng...
Tôi vốn nghiện thuốc lào, đi đâu cũng mang theo bánh thuốc lào với cái điếu cày làm bằng ống tre thân thuộc. Sang Nga. Sang Mỹ. Rồi sang Pháp...
Tại Paris, trong khi chờ xin visa qua London, tôi lụi cụi khoét cái hộp gỗ thông đựng chai rượu vang Côte du Rhône thành hộp đựng điếu cày, xách toòng teng, ống điếu thò lên như nòng súng phóng lựu đạn. Có lẽ đây là chiếc điếu cày VN đầu tiên đi tàu tốc hành TGV chui qua hầm biển Manche từ nước Pháp sang nước Anh. Cũng chính vì thấy nó giống nòng súng mà các nhân viên an ninh nước Anh đã giữ tôi lại tại ga Waterloo (London) và khám tung hành lý của tôi, lôi ra một bịch thuốc lào mà họ nghi là cần sa. Tôi không biết tiếng Anh để có thể giải thích cho họ hiểu về điếu cày và thuốc lào của VN. Rồi một phụ nữ châu Á xuất hiện. Chị nói tiếng Việt, tự giới thiệu mình là nhân viên hải quan Vương quốc Anh, được mời đến giám định ma túy. Tôi hỏi chị có biết thuốc lào không, chị bảo biết. Tôi hỏi chị có biết cái ống tre hút thuốc lào này không, chị cười, biết. Chị xem xét cái ống điếu và gói thuốc lào một lát, trao đổi gì đó với các nhân viên an ninh, rồi quay lại bảo tôi người Anh chưa thấy cái “píp” như thế này bao giờ, họ muốn tôi hút thử cho họ xem. Tôi nghe như ngứa được gãi, đã quá, hút thật chứ thử gì nữa, nhịn suốt nửa ngày trời đang thèm muốn chết!... Xin chút nước đổ vào ống điếu, tôi vê mồi thuốc lào vừa phải, sửa thế ngồi cho thật vững, quẹt diêm, rít giòn giã như thổi còi, rồi ngửa cổ phun một luồng khói trắng lên trần nhà. Những người Anh đồng loạt vỗ tay... Và họ sắp xếp hành lý lại cho tôi, lần lượt bắt tay, chúc may mắn, tiễn tôi ra cửa. Tôi vẫn ngất ngưởng với ống điếu cày chĩa lên như nòng súng phóng lựu đạn. Nghệ sĩ Ea Sola đến đón theo giờ hẹn, sốt ruột ngồi chờ cả tiếng đồng hồ mà không hiểu chuyện gì xảy ra với tôi trong phòng an ninh nhà ga Waterloo...
Ea Sola đưa tôi về nơi ở của cả đoàn, khách sạn Hoàng Gia, London. Ống điếu cày kè kè bên hông, may mắn thay, nó không bị tịch thu như tôi lo ngại. Tôi mang nó theo từ TP.HCM, quyết chí phen này phải đưa được cái “bảo bối” của người thợ cày VN đến tận mộ cụ Karl Marx, để rít hơi thuốc lào cho đã cả một đời. Vấn đề còn lại là làm sao đến được ngôi mộ ấy...
Trước khi trình diễn Hạn hán và cơn mưa tại London, Ðoàn nghệ thuật Ea Sola được ban Việt ngữ Ðài BBC mời đến gặp gỡ với nhà đài. Tôi và họa sĩ Vũ Hòa, một thành viên trong đoàn, nhờ người lái xe của nhà đài chỉ đường đến mộ Karl Marx, được ông này vẽ sơ đồ, hướng dẫn rất tỉ mỉ. Sáng 14-6-1996, hai chúng tôi đi xe lửa tới một ga ngoại ô London, đi bộ một chặng dài nữa tới nghĩa trang Highgate, khu nghĩa trang tư có từ lâu đời. Vào cửa phải mua vé, hình như một bảng rưỡi một người, phải gửi lại máy quay video, chỉ được mang theo máy chụp ảnh. Tôi vẫn được mang theo ống điếu cày mà mấy người gác cổng không biết nó là cái gì.
Chúng tôi đi lòng vòng lúc lâu mới tìm thấy mộ Karl Marx, ngôi mộ ốp đá đơn sơ nép gần tường rào cuối nghĩa trang. Ðã có ai đặt dưới chân mộ mấy bó hoa rất tươi. Tôi cúi đầu trước mộ cụ, kính cẩn mặc niệm, rồi ngồi bệt xuống nền đá, từ từ rút điếu cày ra. Không có hương thì có khói vậy, tôi thầm nhủ, xin gửi tới cụ làn khói mơ màng của nông dân VN. Vê một mồi thuốc lào vừa sức, tôi tựa lưng vào vách mộ đá lấy thế ngồi chắc chắn, rồi xòe diêm, rít hồi còi giòn giã, ngả đầu phun khói trắng lên trời. Nhìn lơ mơ qua màn khói, thấy họa sĩ Vũ Hòa chụp ảnh lia lịa. Tấm ảnh được chọn để in ra đây là lấy từ chiếc máy ảnh nhỏ xíu của tôi do Vũ Hòa bấm...
Năm đó, câu chuyện về tấm ảnh “Hút thuốc lào...” chỉ dừng lại đó. Thủ tướng Võ Văn Kiệt lắng nghe chăm chú, cười cười nhưng không bình luận gì.
Nào ngờ năm năm sau, câu chuyện này lại được tiếp nối một cách rất tình cờ...
Cuối tháng 10-2001, triển lãm “Hồn giấy dó” khai mạc tại 29 Hàng Bài, Hà Nội, trưng bày thơ và ảnh nghệ thuật của Nguyễn Duy in trên giấy dó, trong đó có tấm ảnh “Hút thuốc lào bên mộ Karl Marx” phóng lớn, khổ 40x60cm.
Sáng 27-10-2001, ông Sáu Dân (lúc đó đã là cựu thủ tướng, đương kim cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản VN) và một số người cùng đi đến xem triển lãm của tôi. Ông Sáu dừng lại, ngắm nghía khá lâu tấm ảnh kể trên và hỏi tôi về những chữ khắc trên mộ. Tôi thưa rằng, hàng chữ lớn nhất là trích lời Karl Marx: “WORKERS OF ALL LANDS UNITE”, có nghĩa “Người lao động toàn thế giới liên hiệp lại”. Còn các hàng chữ nhỏ là tên những người trong mộ. Ngôi mộ này hiệp táng năm người: Karl Marx; Jenny - vợ Marx; Eleanor - con gái của vợ chồng Marx; Helena Demuth - người giúp việc của gia đình Marx; và một người nữa, Harry Longuet - tôi chưa rõ là ai (sau này nhờ nhà báo Nguyễn Ngọc Giao tra cứu, tôi mới biết đó là cháu ngoại của Karx Marx).
Chỉ tay vào cái điếu cày tôi đang cầm trong ảnh, ông Sáu hỏi ống điếu kia giờ để đâu? Tôi đáp một người bạn tôi ở Paris tên Nguyễn Ngọc Giao đang giữ nó. Ông nói nên đưa nó về VN, lồng khung kính treo bên cạnh tấm ảnh...
Trước khi rời phòng triển lãm, ông Sáu chậm rãi ghi lại cảm tưởng và lời chúc mừng tôi trên một tờ giấy dó. Chiều đó, anh Căn - người giúp việc của ông - trở lại phòng triển lãm tìm tôi, nói có người bạn của chú Sáu rất thích và muốn mua tấm ảnh “Hút thuốc lào...” được không? Tôi đồng ý bán với giá gốc, đủ chi phí công in giấy dó rồi cuộn tấm ảnh trao cho anh Căn...
Ít lâu sau, tôi có dịp được ông Sáu mời đến chơi tại nhà riêng, số 16 Tú Xương, quận 3, TP.HCM, chợt ngẩn người thấy tấm ảnh “Hút thuốc lào bên mộ Karl Marx” được lồng khung kính trang nhã, treo trong phòng khách của ông. Ông Sáu chỉ tay lên bức ảnh, cả cười: “Mình muốn dành cho cậu một bất ngờ. Mình thích bức ảnh này vì nó mang ý nghĩa biểu tượng, khó nói thành lời. Thầm hiểu thôi. Nhưng mình ngại cậu không chịu lấy tiền nên phải nhờ Căn nó nói trại là mua giúp người khác”. Tôi thành thực rằng, tiếc quá, nếu biết là anh Sáu mua bức ảnh này thì tôi phải bán cao gấp mười giá gốc...
Thấm thoắt đã hơn mười năm trời. Tôi vẫn thầm hiểu thôi... Nhiều điều ông Sáu không nói ra và chưa nói hết, tôi chỉ thầm hiểu thôi... Mẩu chuyện nhỏ nhắc nhớ mãi về một tầm vóc lớn...

NGUYỄN DUY