Chủ Nhật, 2 tháng 9, 2012

Dân chủ và pháp quyền trong Hiến pháp 1946

Dân chủ và pháp quyền trong Hiến pháp 1946


Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình sẽ mãi được khắc ghi trong lịch sử như một cột mốc quan trọng.

Tiếp sau đó là một chuỗi sự kiện có ý nghĩa lớn lao về mặt chính trị, pháp lý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khởi xướng và tổ chức thực hiện thành công.

Đó là cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946 để bầu ra Quốc hội lập hiến.

Đó là việc Quốc hội lập hiến, ngày 9-11-1946, đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, có chủ quyền; một bản hiến pháp thấm đẫm tinh thần dân chủ, thể hiện sâu sắc và giàu tính hiện thực những phẩm cách của một nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân.

Theo quy định của Hiến pháp 1946, nước ta không có quốc hội mà chỉ có nghị viện nhân dân với nhiệm kỳ ba năm. Nếu sau đó không có chiến tranh, Hiến pháp 1946 được thực thi thì Quốc hội lập hiến sẽ tự giải tán để tổ chức bầu nghị viện nhân dân. Thế nhưng do nhiều điều kiện, việc bầu nghị viện nhân dân không tiến hành được, Quốc hội lập hiến đã chuyển thành Quốc hội lập pháp (đây cũng là lý do vì sao Quốc hội nước ta từ khóa I đến khóa XIII có cả quyền lập hiến).

Hiến pháp 1946 ngắn gọn, súc tích, tập trung quy định những vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh của luật hiến pháp, mà cụ thể là các quyền tự do, dân chủ; các nguyên tắc và cách thức tổ chức các cơ quan quyền lực nhà nước. Hiến pháp năm 1946 là kết quả của quá trình đấu tranh giành độc lập, lập ra nền cộng hòa; nhờ có chế độ dân chủ cộng hòa lúc đó mới tạo điều kiện cho sự ra đời của một bản “Hiến pháp dân chủ” với nguyên tắc: Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân. Hiến pháp hướng tới việc xây dựng một chính thể dân chủ rộng rãi, một bộ máy nhà nước mạnh mẽ và sáng suốt, đề cao và tôn trọng quyền con người, quyền công dân.

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về hiến pháp và dân chủ là hai yếu tố không tách rời nhau. Hiến pháp quy định nội dung và cách thức thực hành dân chủ; là phương tiện để cho nhân dân được hưởng quyền tự do dân chủ.

Hiến pháp năm 1946 cũng thể hiện đậm nét tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền. Tư tưởng xây dựng một nhà nước pháp quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải chỉ xuất hiện sau này, trong quá trình soạn thảo Hiến pháp năm 1946 mà đã có từ đầu năm 1919. Trong bản yêu sách của nhân dân An Nam gửi Hội nghị Versailles Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Bảy xin hiến pháp ban hành, trăm điều phải có thần linh pháp quyền”.

Sức mạnh của tính pháp quyền trong Hiến pháp năm 1946 cho đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị. Khi Nhà nước ta có chủ trương sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, không phải không có lý do mà có ý kiến đề nghị: Để nghiên cứu, sửa đổi Hiến pháp năm 1992, về kỹ thuật lập hiến, về tư tưởng nhà nước pháp quyền, chúng ta không thể không nghiên cứu học hỏi, tiếp thu, kế thừa những mặt ưu việt, những yếu tố vượt trội của Hiến pháp năm 1946.

Hiến pháp năm 1946 là di sản to lớn về tư tưởng và văn hóa lập hiến, là dấu son hết sức quan trọng của dân tộc ta trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

ĐINH VĂN QUẾ

Ba cấp độ dân chủ Hồ Chí Minh

Mỗi dịp Quốc khánh 2-9, ý nghĩa của việc Việt Nam trở thành nước dân chủ đầu tiên ở châu Á sau Thế chiến II lại được nhắc tới. Trong tầm vóc lớn lao của sự kiện ấy, nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt có một góc nhìn nhỏ về bản sắc Hồ Chí Minh trong việc xây dựng nền dân chủ Việt Nam, được ông gọi tên là “Ba cấp độ dân chủ Hồ Chí Minh”.

Tìm hiểu quá trình thực thi nền dân chủ Việt Nam trong thời kỳ Hồ Chí Minh mới thấy Bác đã xử lý vấn đề dân chủ trong hoạt động xã hội Việt Nam một cách có cơ sở khoa học thế nào”- ông Nguyễn Trần Bạt nói.

Tập hợp lực lượng từ các giá trị dân chủ

. ngược dòng lịch sử, những năm đầu cách mạng trước 1945, khái niệm về dân chủ ở Việt Nam được hiểu thế nào, thưa ông?

+ Thoát thai từ chế độ phong kiến, Việt Nam không có khái niệm dân chủ. Khái niệm dân chủ khi ấy đến với giới trí thức thông qua những tác phẩm của Montesquieu, Rouseau… Khái niệm dân chủ ấy, mà giờ ta hay gọi là dân chủ phương Tây, lóe lên vào giai đoạn 1936-1939, thời kỳ Mặt trận Bình dân Pháp thắng thế.

So với sự xâm nhập của chủ nghĩa Marx sau này thì các giá trị dân chủ phương Tây ấy tác động không nhiều vào giới trí thức. Tuy nhiên, những nhà trí thức cộng sản như Trường Chinh, Nguyễn Đức Cảnh, hay Phan Đăng Lưu, Trần Phú, Hà Huy Tập và đặc biệt là Hồ Chí Minh đã sử dụng các giá trị dân chủ phương Tây một cách rất hữu hiệu để tập hợp, thu hút lực lượng trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.

. Ý ông là Hồ Chí Minh và các bậc tiền bối đã khai thác các giá trị dân chủ phương Tây ấy, sử dụng nó để tập hợp lực lượng, góp phần hình thành nên nước dân chủ đầu tiên ở châu Á vào năm 1945?

+ Bên cạnh Hồ Chí Minh, vào thời điểm những năm 1945-1946 có rất nhiều trí thức được đào tạo tại phương Tây một cách rất bài bản như GS Hồ Đắc Di, GS Hoàng Đình Cầu, GS Tôn Thất Tùng, GS Nguyễn Văn Huyên, GS Nguyễn Mạnh Tường... Những người ấy nếu không nhìn thấy ở Hồ Chí Minh những phẩm chất dân chủ mà họ đã quen biết từ phương Tây thì họ không theo Cụ.

Hồ Chí Minh là nhà chính trị lớn đầu tiên ở Việt Nam ý thức một cách sâu sắc vai trò chính trị của khái niệm dân chủ. Nhờ đó mà có thể tập hợp những thành phần ưu tú nhất thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc. Và tinh thần dân chủ của phương Tây là cứ liệu, là lực lượng cơ bản tạo ra sự xuất thần của Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945 và Hiến pháp 1946.

"Nền dân chủ Hồ Chí Minh"

. Có thể đặt tên cho nền dân chủ chính trị Việt Nam giai đoạn liền trước và sau 1945 là dân chủ Hồ Chí Minh, thưa ông?

+ Hoàn toàn có thể. Gọi thế cũng phải lưu ý thực tế rằng khái niệm về dân chủ, chúng ta chịu ảnh hưởng của rất nhiều luồng tư tưởng, cả từ phương Tây, phương Đông, đến Marx - Lenin, rồi Stalin, Trotsky, Mao Trạch Đông... Và nhìn trở lại thì dân chủ Hồ Chí Minh là tập hợp rộng lớn nhất, trong đó có các giá trị của dân chủ phương Tây, được ứng dụng hiệu quả, nhuần nhuyễn nhất cho nền chính trị Việt Nam.

Từ các dữ liệu lịch sử, tôi thấy nền dân chủ Hồ Chí Minh có ba cấp độ, mà cấp độ đầu tiên, tôi gọi là nền dân chủ thái độ, thể hiện ở đạo đức, tác phong quần chúng. Tác phong Hồ Chí Minh nổi tiếng trong phòng trào cộng sản quốc tế, đến mức một thời trong văn kiện Đảng ta có cụm từ “Tác phong Hồ Chí Minh”.

Cơ sở của nền dân chủ thái độ là đạo đức. Bởi vì nếu không có tình cảm, tình yêu đối với nhân dân, không có sự trân trọng con người, không có nền tảng đạo đức thì không thể có nền dân chủ thái độ được. Cho nên tác phong quần chúng trở thành một động lực, một sức mạnh chính trị của Hồ Chí Minh trong suốt cả cuộc đời của Người. Các giá trị đạo đức ấy toát ra bằng thái độ của Người.

Cũng phải nói thêm, với trình độ nhân dân, dân trí lúc ấy, con đường cảm nhận dễ dàng nhất về các giá trị của dân chủ là thông qua dân chủ thái độ của Hồ Chí Minh. Nền dân chủ thái độ ấy thấm đẫm tới các đồng chí của Người, là sức mạnh quan trọng để Đảng xây dựng cơ nghiệp. Nhân dân nhận ra giá trị đạo đức của những người cộng sản thông qua thái độ của họ.

. Cấp độ thứ hai của nền dân chủ Hồ Chí Minh là gì?

+ Là dân chủ cấu trúc.

Cách mạng Việt Nam có một nhân vật quan trọng, khá đặc biệt: Tôn Đức Thắng - biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước Nam Bộ. Một thời gian dài ông là Phó Chủ tịch nước, song hành với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông là một phần của nền dân chủ cấu trúc Hồ Chí Minh. Trong điều kiện chiến tranh, nhân dân miền Nam ít có điều kiện tham gia sinh hoạt chính trị ở cấp độ nhà nước, hình thành các quyết định chính trị của cả nước và hình ảnh bác Tôn nhắc nhở rằng người dân miền Nam luôn có đại diện trong các quyết định ấy.

Nhìn rộng ra, nền dân chủ cấu trúc Hồ Chí Minh không thể thiếu các nhân vật như Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Văn Cừ... Nền dân chủ ấy có đủ yếu tố Bắc, Trung, Nam, miền xuôi, miền ngược, đủ nam, đủ nữ, đủ giai tầng, tôn giáo trong xã hội và cả đảng phái nữa. Nền dân chủ cấu trúc ấy tạo nên một kỷ luật chính trị, buộc cấu trúc chính trị của các lực lượng chính trị phải phản ánh được tính đại diện.... Dân chủ cấu trúc ấy, khác với cái mà giờ ta gọi là “cơ cấu”. Vì đã “cơ cấu” thì dễ mất đi tính khách quan của cấu trúc.

. Ở trên ông có nhận định là tinh thần dân chủ của phương Tây là cứ liệu, là lực lượng cơ bản tạo ra sự xuất thần của Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945 và Hiến pháp 1946. Vậy các giá trị ấy nằm ở đâu trong nền dân chủ Hồ Chí Minh?

+ Nằm ở cấp độ thứ ba của dân chủ Hồ Chí Minh - dân chủ phổ quát.

Hồ Chí Minh là tập hợp sâu sắc nhất các khái niệm dân chủ ứng dụng cho nền chính trị Việt Nam. Người nắm sứ mệnh phải tạo ra, phải cấu trúc được một nền dân chủ, trong đó có mặt gần như đầy đủ các bộ phận hoặc đại diện của các bộ phận dân chúng trong đời sống chính trị. Nhưng chính Người cũng nhận thấy rõ nhất các khiếm khuyết nếu chỉ thể hiện dân chủ ở hai cấp độ: dân chủ thái độ, dân chủ cấu trúc. Khiếm khuyết ấy chỉ có thể được bù đắp bằng các giá trị của dân chủ phổ quát.

Hồ Chí Minh không biến nền dân chủ của mình trở thành nền dân chủ làng xã, dân chủ đặc thù của riêng Việt Nam, mà muốn phổ quát hóa nền dân chủ của ông trở thành một nền dân chủ theo tiêu chuẩn quốc tế và được chấp nhận bởi cộng đồng quốc tế. Điều đó thể hiện trong Tuyên ngôn độc lập và Hiến pháp 1946. Và nó mang giá trị phổ quát trong điều kiện lúc ấy nhiều đảng phái tham gia sinh hoạt chính trị.

Hồ Chí Minh biết rất rõ quy luật của sự suy thoái nên cùng lúc triển khai cả ba nền dân chủ. Nền dân chủ thái độ để duy trì đạo đức cách mạng và để biểu dương đạo đức. Thái độ đối với nhân dân là biểu hiện đạo đức. Nền dân chủ trí khôn là phải biết cấu trúc. Ngay cả khi mình toàn quyền thì vẫn phải cấu trúc để chống lại sự suy thoái. Bản chất của hoạt động cầm quyền là chống suy thoái. Và nền dân chủ phổ quát là lối thoát khách quan của quá trình chống suy thoái.

Nhà nước pháp quyền: Công cụ để minh bạch hóa hoạt động

. Bàn về ba cấp độ của dân chủ Hồ Chí Minh, ông liên tưởng gì tới cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng đang được phát động, đến các kêu gọi dân chủ hóa trước hết trong Đảng và đến yêu cầu xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền hiện nay?

+ Nghị quyết Trung ương 4 đề cập đến vấn đề chống suy thoái về đạo đức, lối sống và cả về vấn đề tổ chức cán bộ. Đây là hồi chuông báo động đòi hỏi sớm chặn đứng sự suy thoái ở một bộ phận những người nắm quyền quản lý ở nước ta trong nội dung ở hai cấp độ đầu của dân chủ Hồ Chí Minh. Còn xây dựng nhà nước pháp quyền mà hiện giờ đang nổi lên vấn đề sửa đổi Hiến pháp 1992, chính là nội dung thuộc cấp độ thứ ba của dân chủ Hồ Chí Minh.

Xây dựng Đảng là công việc thường ngày của Đảng, không thay thế được việc xây dựng nhà nước pháp quyền. Đảng nào cũng phải tự làm trong sạch mình nhưng khi trong Đảng không tự xử lý được thì phải nhờ Nhà nước, nhờ luật pháp. Xây dựng nhà nước pháp quyền là xây dựng công cụ để minh bạch hóa, làm trong sạch đời sống chính trị. Xây dựng nhà nước pháp quyền càng giúp cho Đảng trong sạch hơn, hoạt động minh bạch, hiệu quả hơn. Nói cách khác, bản lĩnh chính trị cao nhất của một đảng chính trị cầm quyền thể hiện qua việc xây dựng nhà nước của mình. Do vậy, nhiệm vụ xây dựng nhà nước pháp quyền cần phải được quan tâm, tập trung đẩy mạnh hơn nữa.

. Xin cảm ơn ông.

NGHĨA NHÂN thực hiện

“Hiến pháp không phải để ban ơn cho nhân dân”


Cần phải nhận thức đúng về Hiến pháp theo nghĩa Hiến pháp không phải là thứ ban ơn của Nhà nước dành cho công dân, không phải Nhà nước cho thế nào được thế nấy.

Trong quá trình sửa đổi Hiến pháp 1992 (sửa đổi 2001) hiện nay, người ta nhắc rất nhiều đến Hiến pháp 1946 và tư duy xây dựng luật của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cách thức thiết kế, thể hiện các quyền con người, quyền công dân trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta đã chứa đựng những tư tưởng tiến bộ mà cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với PGS-TS Nguyễn Như Phát, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật (Viện Khoa học xã hội Việt Nam), xung quanh vấn đề này.

. Phóng viên: Những giá trị tiến bộ của Hiến pháp 1946 về quyền công dân là gì, thưa ông?

+ PGS-TS Nguyễn Như Phát (ảnh): Dưới thời Chủ tịch Hồ Chí Minh, do bối cảnh chính trị xã hội lúc bấy giờ, những người soạn thảo Hiến pháp 1946 là những người có tài, thức thời và không bị chi phối bởi tư tưởng giai cấp hoặc chính trị quá nhiều. Do đó, bản Hiến pháp đầu tiên này có những giá trị rất cấp tiến, tư duy mạch lạc, thể hiện tư tưởng tiến bộ của chủ nghĩa lập hiến hiện đại. Theo đó, Hiến pháp là “văn bản ủy quyền” của nhân dân cho Nhà nước, trao cho Nhà nước hệ thống quyền lực cụ thể của nhân dân, ấn định việc phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực và các nguyên tắc, phương pháp thực thi quyền lực Nhà nước cũng như ghi nhận và xác lập trách nhiệm của Nhà nước trong việc đảm bảo thực thi các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Tinh thần của Hiến pháp 1946 như vậy nên ngay cả việc sắp xếp các chương thì quyền con người, quyền công dân cũng nằm ở chương hai trong khi trong Hiến pháp hiện hành là chương năm. Sắp tới, bản Hiến pháp sửa đổi chắc sẽ có sự thay đổi và quay về cách sắp xếp của bản Hiến pháp ban đầu.
Mặt khác, Hiến pháp vẫn là văn bản quy phạm pháp luật và phải có giá trị thi hành. Điều đó có nghĩa là quyền của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp có giá trị áp dụng trực tiếp, không có nhu cầu cần phải cụ thể hóa. Những quyền của công dân trong Hiến pháp 1946 thể hiện rõ nhất điều đó chứ không kèm thêm câu “theo quy định của pháp luật” như từ Hiến pháp 1980 trở đi.
Trên thực tế thì quyền và nghĩa vụ công dân trong Hiến pháp thường cần đến luật quy định cụ thể. Muốn điều chỉnh những quyền này của công dân thì Nhà nước phải có luật nhưng không phải là cắt xén tinh thần của Hiến pháp. Luật đó chỉ mang tính chất trình tự thủ tục và dĩ nhiên, ở một xã hội văn minh thì quyền đó phải được thực hiện trong một khuôn khổ và trình tự nhất định. Tuy vậy, việc hạn chế quyền của công dân có thể được thể hiện theo quy định của luật (chứ không phải của mọi pháp luật) và phù hợp với Hiến pháp chứ không phải hạn chế vì lợi ích Nhà nước.

Giữ gìn sự thiêng liêng của Hiến pháp

. Vậy quyền của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp 1946 có gì khác so với hiện nay?

+ Trước giờ chúng ta vẫn quen đánh đồng lợi ích công cộng với lợi ích Nhà nước là một nhưng hoàn toàn không phải như thế. Nhà nước chỉ là một chủ thể trong xã hội và có lợi ích riêng của mình còn xã hội có rất nhiều chủ thể có lợi ích riêng. Những quy định hạn chế một phần, hạn chế quyền của công dân để đảm bảo lợi ích công cộng đều phải được cân đong đo đếm để phù hợp với tinh thần của Hiến pháp.

Theo tôi, cần phải nhận thức đúng về Hiến pháp theo nghĩa Hiến pháp không phải là thứ ban ơn của Nhà nước dành cho công dân, không phải Nhà nước cho thế nào được thế nấy. Đây là sự khác biệt rất lớn về tư tưởng lập hiến từ Hiến pháp năm 1980 trở đi so với Hiến pháp 1946.

Từ Hiến pháp 1980, triết lý lập hiến của ta là mọi quyền cơ bản của công dân đều phải được thực hiện trong khuôn khổ của pháp luật nhưng cách ban hành pháp luật của chúng ta lại có vấn đề. Nếu hiểu theo cách đó thì theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, những ông nghị làng nghị xóm cũng có thể xóa đi một điều trong Hiến pháp. Đơn giản là do các ông ấy có thể ra nghị quyết (được coi là pháp luật) mà nghị quyết này trên thực tế lại không bị kiểm soát. Hơn nữa, trên thực tế, rất ít thấy việc văn bản pháp luật của cấp dưới bị hủy bỏ bởi cấp trên. Như vậy, sự thiêng liêng của Hiến pháp đã bị ảnh hưởng.

Pháp luật không phải để cai trị

. Từ triết lý lập hiến như vậy, ông có suy nghĩ gì về cơ chế ban hành pháp luật hiện nay?

+ Cách thức, tư duy làm luật cũng không khác gì so với việc ban hành Hiến pháp. Lâu nay người ta vẫn nghĩ pháp luật là của Nhà nước, là công cụ mà Nhà nước dùng để cai trị và quản lý xã hội. Vì thế, hiểu theo nghĩa thô thiển, cơ quan ban hành pháp luật dễ “tự do” ấn định ý chí của mình vào văn bản pháp luật để cho dân thực hiện. Đặc biệt, cách tư duy như vậy sinh ra tư tưởng làm luật ban ơn, Nhà nước ban phát đến đâu, dân hưởng đến đó.

Cạnh đó, mọi người vẫn nghe khẩu hiệu đưa pháp luật vào cuộc sống song chưa ai đặt ra vấn đề đưa cuộc sống vào pháp luật. Nếu không đưa cuộc sống vào pháp luật thì pháp luật đang tồn tại có được coi là pháp luật hay không? Đó là chưa bàn tới câu chuyện nó có khả năng thực thi hay không. Luật không phản ánh nhu cầu thật của xã hội thì làm sao xã hội có thể thực hiện nó, ấn nó vào xã hội làm sao được? Đây là vấn đề về tính chính đáng của pháp luật.

. Ông có thể đưa ra những ví dụ cụ thể?

+ Thí dụ việc giao cho Bộ Công an chủ trì soạn thảo Luật Biểu tình thì đương nhiên Bộ Công an phải nghĩ làm sao cho hoạt động an ninh được đảm bảo. Và người ta sẽ có những quy định về biểu tình để đảm bảo an ninh theo nghĩa của những người làm an ninh chứ chưa chắc đã phải là của nhân dân.

Một thí dụ khác là trong ngành tài chính của ta, từ cơ quan nhỏ đến cơ quan to cứ chăm chăm làm sao thu được nhiều thuế của dân. Nhưng kinh tế học chứng minh đó là tư duy sai lầm, kể cả khi việc đó phục vụ cho mục tiêu làm giàu ngân sách quốc gia. Anh thu nhiều thuế, thu thuế cao thì người ta không đóng và sinh ra đủ kiểu trốn thuế. Không có nhà nước nào khôn hơn dân và không có nhà nước nào mạnh hơn dân cả!

Cân đối lợi ích trong ban hành pháp luật

. Thế tại sao tư duy làm luật này vẫn còn tồn tại, thưa ông?

+ Theo tôi, hệ thống thực thi pháp luật, trình tự thủ tục hành chính, tư tưởng đạo đức của con người trong bộ máy nhà nước đang làm cho vấn đề này càng trầm trọng thêm. Thêm vào đó là vấn đề quan trí. Báo chí cũng đã từng lên án về tệ chạy chức chạy quyền. Có mua ắt có bán. Đây là thị trường béo bở mà nhà đầu tư kém cỏi nhất cũng nghĩ đến chuyện hoàn vốn. Trong đó thời gian hoàn vốn chính là nhiệm kỳ, đó là một trong những vấn đề sinh ra tư duy nhiệm kỳ. Tư duy chính trị, truyền thống lập pháp, thực trạng của hệ thống quản lý trên đều là những yếu tố có thể giải thích nguyên nhân tại sao luật pháp lại hay vơ vào cho Nhà nước như vậy.

Bên cạnh đó, tham nhũng chính sách là thứ vô cùng nguy hiểm. Loại tham nhũng này được dựa trên những cơ sở của pháp luật, xuất phát từ vai trò chủ trì soạn thảo pháp luật. Loại tham nhũng này dựa trên cơ sở hợp pháp nên có hậu quả khôn lường.

Lợi ích và cục bộ ngành cũng là vấn đề làm suy yếu Nhà nước. Các bộ, ngành, các địa phương đều cùng ngồi trong một con thuyền là Nhà nước. Nếu họ không cùng phối hợp nhịp nhàng và trên tinh thần phục vụ nhân dân toàn quốc vì sự phát triển chung và đồng đều của đất nước thì sẽ không là những vector cùng chiều để tạo thành sức mạnh chung cho Chính phủ.

Trên thực tế, có những vấn đề vượt phạm vi của một ngành, một bộ, buộc họ phải ngồi lại cùng nhau để ban hành chính sách hay pháp luật (thí dụ như thông tư liên bộ). Những vấn đề lớn hơn sẽ phải do tập thể Chính phủ bàn bạc và quyết định (dưới dạng nghị định). Những vấn đề quan trọng của đất nước phải do Quốc hội quyết định. Trong quá trình đó, nếu không “cân đối” được lợi ích ngành, địa phương với lợi ích quốc gia thì quản lý đất nước sẽ không minh bạch, không thông suốt và tạo kẽ hở cho tiêu cực trong hệ thống và lãng phí xã hội, tạo cơ chế xin - cho.

Những hiện tượng như các địa phương, các ngành tìm cách để xin cơ chế riêng, thậm chí cả các đoàn đại biểu Quốc hội có thể tạm quên đi lợi ích quốc gia mà phấn đấu cho lợi ích địa phương mình… đều là những biểu hiện của chủ nghĩa cục bộ. Những “phi vụ” đó thành công thì cơ chế và chính sách sẽ được hợp pháp hóa. Nếu không đổi những tư duy này từ gốc thì pháp luật của chúng ta không thể làm bà đỡ cho xã hội phát triển.

. Xin cảm ơn ông.



THANH LƯU thực hiện