Thứ Tư, 5 tháng 9, 2012

Giáo sư Ngô Vĩnh Long: Đồng thuận tốt nhất là đồng thuận trên nền tảng công bằng, dân chủ

SGTT.VN - Là người Việt đầu tiên nhận được học bổng đại học Harvard (1964), trong thời gian du học tại Mỹ, Ngô Vĩnh Long được tặng biệt danh “the free man” (người tự do) khi hoạt động trong phong trào đòi hoà bình. Bởi ông không là hội viên chính thức của một hội đặc biệt nào, không nhận bất cứ chức vị nào, một đồng tiền nào, để có thể tự do có tiếng nói phản biện. Tinh thần ấy vẫn nguyên vẹn khi ông là tổng giám đốc trung tâm Tài liệu Việt Nam ở Cambridge hay giảng dạy lịch sử tại đại học Maine hôm nay.


Vì sao sau khi bước chân vào đại học danh tiếng nhất nước Mỹ, con người nho nhã, thư sinh trong ông lại trở thành con người quyết liệt đấu tranh cho những vấn đề hệ trọng của dân tộc?

Thật ra đại học danh tiếng bậc nhất không có nghĩa là giáo sư và sinh viên ở đó đều giỏi. Giáo sư Harvard nổi tiếng là “không biết dạy” vì họ ỷ sinh viên đã được lựa chọn kỹ rồi, có thể tự đọc và hiểu các đống sách họ bắt đọc nên đến giờ dạy họ cứ đến giảng ào ào rồi bỏ đi, chắc là đi nghiên cứu hay làm cố vấn cho các công ty và người có quyền lực. Tôi là thằng ít học từ Việt Nam sang nên không hiểu quyền lực là gì và lại càng không hiểu cái “đặc ân” mà Harvard đã ban bố cho tôi. Tôi chỉ biết là phần lớn các giáo sư Harvard khi tôi đến đó ủng hộ chính sách của Mỹ ở Việt Nam và các nơi khác, nên tôi thấy mình có trách nhiệm nói ra những điều tôi biết và nghĩ. Giáo sư John King Fairbanks, trong chiến tranh thứ hai đứng đầu cơ quan OSS (Office of Strategic Service, tiền thân của CIA) ở Trung Quốc và được cho là ông tổ của ngành Đông Á học ở Mỹ, có khuyên tôi là nên bớt hoạt động ngay từ những tháng cuối năm 1964 khi ông thấy tôi đi hết đại học này đến đại học khác và cả các trường trung học gần như mỗi tuần để nói chuyện về tình hình Việt Nam, châu Á và chính sách của Mỹ. Ông ấy nghĩ tôi có thể trả giá rất đắt vì tôi không phải là người Mỹ và chưa có địa vị gì hết. Tôi trả lời với ông ấy rằng ông biết quan niệm “quân sư phụ” là như thế nào, nhưng chính vì Mỹ là thầy tôi và Việt Nam là cha tôi, tôi có bổn phận ngăn ngừa hai bên đi đến chỗ giết nhau. Do đó, vì hoạt động tích cực cho hoà bình và công lý, tôi ngẫu nhiên trở thành một trong những người đầu tiên gầy dựng phong trào hoà bình ở Mỹ.

Đó là trong quá khứ. Còn trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam có cơ hội như thế nào để giành được sự ủng hộ của thế giới trong bảo vệ chủ quyền biển đảo?
Những hành động càng ngày càng bất chấp phải trái và bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc đã cho dư luận thế giới thấy rõ sự ngang ngược của nước này. Đây là thời cơ hiếm có để Việt Nam cương quyết lên tiếng bảo vệ quyền lợi của đất nước cũng như an ninh của khu vực. Tiếng nói chính trực của Việt Nam nhất thiết sẽ giành được sự ủng hộ của thế giới bên ngoài và hậu thuẫn của nhân dân trong nước.

Nếu Việt Nam không nối kết việc đòi chủ quyền của mình tại hai quần đảo Trường Sa – Hoàng Sa với an ninh chung trên biển cũng như trên đất liền, quốc tế hoá hồ sơ Hoàng Sa, thì sẽ thiệt thòi rất lớn?
Vấn đề chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tuy ở ngoài khơi biển Đông, rất khác với vấn đề thông thương và an ninh chung trên Biển Đông. Hoa Kỳ đã nói đi nói lại trong nhiều năm qua là họ không dính líu với việc tranh chấp chủ quyền, nhưng họ sẽ giúp bảo vệ thông thương hàng hải và an ninh chung trong khu vực. Nhưng Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm trọn Hoàng Sa và một số đảo tại quần đảo Trường Sa rồi lại tung ra cái đường chín đoạn (đường lưỡi bò) với ý định đòi “khu vực đặc quyền kinh tế” hai trăm hải lý từ các quần đảo này để chiếm hữu lãnh hải của các nước khác trong khu vực, cũng như để cấm thông thương và các hoạt động kinh tế khác ở Biển Đông. Mới đầu nhiều người tưởng đây là yêu sách huyễn hoặc, nhưng việc Trung Quốc bắt ngư dân Việt Nam và các nước khác và kêu gọi đấu thầu khai thác dầu khí trên Biển Đông cho thấy Trung Quốc cương quyết thực hiện tham vọng của họ và gây mất an ninh cho toàn khu vực. Cho nên Việt Nam phải liên tục nối kết vấn đề đòi chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với an ninh chung trên biển. Vì Trung Quốc đã đánh chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực và dùng địa thế Hoàng Sa để đe doạ an ninh chung, nên Việt Nam cần vận động dư luận thế giới để đưa Trung Quốc ra trước các toà án quốc tế. Không thể để việc đánh chiếm bằng vũ lực là chuyện đã rồi. Trường Sa cũng vậy, nên đem Trung Quốc ra trước công luận và toà án thế giới về những đảo của Việt Nam mà Trung Quốc đã chiếm bằng vũ lực.

Trong thời điểm nhiều ý nghĩa này, sự đồng lòng của toàn thể dân tộc là điều hết sức quan trọng. Theo ông, làm thế nào để hàn gắn vết thương chiến tranh và tạo điều kiện cho việc hoà hợp, hoà giải dân tộc thực sự?
Chiến tranh bất cứ ở đâu và bất cứ ở thời điểm nào cũng gây rất nhiều tương tàn và phân hoá về mọi mặt. Chiến tranh càng dài phân hoá càng cao, dẫu là chiến tranh giành lại độc lập cho đất nước. Muốn tạo điều kiện thực sự cho việc hoà hợp, hoà giải dân tộc và mở cửa cho tương lai thì nên nhìn lại quá khứ một cách trung thực và công bằng, và nên cố gắng tạo những điều kiện và cơ chế giúp cho việc dựng nên một xã hội công bằng, dân chủ, hài hoà.

Quan tâm nhiều đến các vấn đề xã hội, thời sự nóng bỏng trên thế giới và ảnh hưởng của nó đến kinh tế Việt Nam, điều gì làm ông lo lắng nhất?
Điều làm tôi lo nhất, ngay tại Mỹ và gần như khắp nơi trên thế giới, là sự bất bình đẳng càng ngày càng lớn và càng nhanh. Việc này có thể dẫn đến bất ổn định trong nhiều nước cũng như chiến tranh giữa một số nước. Tôi đã viết về điều này từ thập niên 90 thế kỷ trước, phân tích lý do tại sao “toàn cầu hoá” sẽ tạo nên bất bình đẳng càng ngày càng cao trong mỗi nước và giữa các nước. Có người đã cười tôi, có người nói thẳng vào mặt tôi trước nhiều người khác là tôi “thấy xe chữa lửa chạy qua bèn kết luận là có đám cháy ở đâu đó”. Có thể tôi quá viển vông và tôi mong rằng tôi đã sai.

Ông nhìn thấy nguy cơ nào từ tình trạng phát triển kinh tế ngày càng tập trung tiền bạc vào trong tay một số nhóm lợi ích?
Đây là trào lưu chung của nhiều nước, trong đó có các cường quốc như Hoa Kỳ, Anh, Nhật... Nhưng ở những nước quyền lực được thâu tóm trong tay một số nhóm lợi ích như ở Trung Quốc, Ai Cập, Libya... vì việc tập trung rất lớn, rất nhanh và gây bất bình đẳng rất lớn. Ở Ai Cập và Libya, tình trạng trên đã dẫn đến bạo động và chiến tranh. Ở Trung Quốc, bộ máy chính quyền còn sức rất lớn cũng như còn đủ dự trữ kinh tế để giải quyết một số vấn đề. Nhưng tôi không nghĩ “mô hình Trung Quốc” hay “đồng thuận Bắc Kinh” là giải pháp bền vững.

Đồng thuận tốt nhất là đồng thuận được xây trên nền tảng công bằng và dân chủ, để có thể giải quyết vấn nạn bất bình đẳng và bao nhiêu tệ nạn xã hội khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói một cách đơn giản về các vấn đề cốt tử của đất nước như sau: “Khó trăm bề dân liệu cũng xong”.

Theo ông, làm thế nào để đạt tới sự đồng thuận xã hội trong những vấn đề cốt tử của đất nước?
Tôi nghĩ đồng thuận tốt nhất là đồng thuận được xây trên nền tảng công bằng và dân chủ, để có thể giải quyết vấn nạn bất bình đẳng và bao nhiêu tệ nạn xã hội khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói một cách đơn giản về các vấn đề cốt tử của đất nước như sau: “Khó trăm bề dân liệu cũng xong”.

Bố ông là người Bắc Ninh, mẹ là người Huế, dắt díu nhau vào Nam kiếm sống rồi sinh ông ở Vĩnh Long, cuộc đời lưu lạc phải chăng đã khiến ông nặng lòng với quê hương, với người nông dân Việt Nam, để viết tác phẩm Trước cách mạng: nông dân Việt Nam dưới thời Pháp thuộc?
Khó mà biết cái gì đã ảnh hưởng đến nhân sinh quan hay lý tưởng của mình. Nhưng tôi chắc là ảnh hưởng của bố tôi rất lớn. Bố tôi là người có nhiều lý tưởng và đã chia hết của cải họ Ngô ở Từ Sơn và những nơi khác cho gia đình và người trong các làng để vào Nam hoạt động. Bố tôi dạy học cho các đồng đội theo cách mạng và bất cứ ai muốn học, trong khi đó thì đi hớt tóc và làm nghề nông để sống. Bố tôi bị Tây bắt năm 1950, tra tấn gần chết, xương sườn bị gãy và đâm vào phổi… Bố và tôi thường nói chuyện với nhau và tôi nhớ có lúc bố tôi chỉ các đỉnh núi và nói: “Con biết không, Montesquieu có nói là người nào ngồi trên đỉnh núi cao nhất cũng vẫn là ngồi trên mông mình con ạ. Và tục ngữ ta có câu, càng cao danh vọng càng dày gian nan”. Rồi ông cụ giảng cho tôi biết lại sao tiền tài và quyền lực không những làm cho người ta tha hoá và gây biết bao khổ đau cho người khác, mà có thể bị mất hết bất cứ lúc nào. Còn sự hiểu biết và tình thương, như ngọn lửa của những cây nến, không những toả sáng và giúp soi đường đi cho chính mình và cho người khác mà còn có thể truyền mãi về sau. Ông cụ còn luôn dặn dò tình thương là bất diệt và khi tôi trưởng thành, nếu tôi không giúp được gì cho ai thì cũng cố gắng đừng bao giờ làm ai đau khổ.

Sự đau khổ của nông dân là một trong những lý do khiến tôi viết cuốn sách Before the revolution: the Vietnamese peasants under the French (Trước cách mạng: nông dân Việt Nam dưới thời Pháp thuộc). Rồi sự đau khổ và chịu đựng của phụ nữ cũng đã là một trong những lý do thúc đẩy tôi xuất bản, năm 1973, cuốn Vietnamese women in society and revolution (Phụ nữ Việt Nam trong xã hội và cách mạng). Có hai lý do chính khiến tôi viết hai cuốn sách này: một là vì nông dân và phụ nữ là hai tầng lớp đông đảo nhất, chịu nhiều áp bức nhất, đóng các vai trò quan trọng nhất trong xã hội và cách mạng nhưng lại ít được nói đến nhất (nếu không nói cố tình phớt qua vì nhiều lý do). Hai là tôi muốn đưa ra một số nhận thức về việc nghiên cứu nông dân và phụ nữ thì nên có phương pháp gì, dùng tài liệu gì, phân tích như thế nào... Trong giới học thuật, lý do thứ hai này đã làm nhiều học giả cho rằng hai cuốn sách trên của tôi là “kinh điển” không lâu sau khi chúng được công bố. Tôi thường viết rất ngắn gọn và đơn giản, đặt rất nhiều vấn đề cho những người nghiên cứu về nông dân, nông thôn, phụ nữ. Tôi viết để đóng góp cho sự hiểu biết chung, mặc dầu đề tài có thể là các vấn đề của Việt Nam.

Muốn tạo điều kiện thực sự cho việc hoà hợp, hoà giải dân tộc và mở cửa cho tương lai thì nên nhìn lại quá khứ một cách trung thực và công bằng, và nên cố gắng tạo những điều kiện và cơ chế giúp cho việc dựng nên một xã hội công bằng, dân chủ, hài hoà.

Lý do nào ông chọn nghiệp làm thầy? Ông nghĩ gì về hình ảnh một người thầy mới?
Người thầy không chỉ đào tạo những người lao động mà còn đào tạo công dân và những con người có trách nhiệm cao với dân tộc, quốc gia và cả thế giới. Tôi nghĩ một phần do ảnh hưởng từ bố vì bố tôi cho rằng hiểu biết và tình thương là bất diệt. Sau đó tôi nghiệm ra, hiểu biết chính là biết cái gì đúng, cái gì sai, và việc này phải truyền đạt qua giáo dục. Chính bản thân tôi, trước khi sang Mỹ và trong khi chống chính sách của Mỹ ở Việt Nam hay ở nhiều nơi khác, tôi làm những việc đó vì con người nói chung chứ không phải vì dân tộc hay quốc gia nào. Tôi đã đào tạo bao thế hệ sinh viên Mỹ trên 30 năm nay trước hết là để họ “thành nhân”, tức biết tự phân tích xem cái gì đúng cái gì sai không những trong các lĩnh vực chuyên môn mà cả trong cuộc đời nói chung. Nhiều nơi trên đất Mỹ “cái học ngày nay đã hỏng rồi” (sinh viên đi học phần lớn để lấy điểm, lấy bằng, làm tiền...) nên tôi càng phải cố gắng dạy lại sinh viên của tôi từ cách đọc, cách viết, cách phân tích các vấn đề lớn nhỏ để họ có thể biết ngay đúng sai ở chỗ nào. Nếu chưa biết hay chưa kết luận được thì phải nghiên cứu và suy nghĩ thêm chứ không phải cứ lấy một đống thông tin là tưởng mình hiểu biết. Bạn bè và đồng nghiệp thường cười và nói rằng họ chẳng biết tại sao tôi cứ “luôn luôn lội ngược dòng”.

Điều gì giúp ông vượt qua những nỗi buồn nhân thế?
Nhân sinh quan của tôi rất đơn giản: tìm vui trong việc làm và cố gắng làm gì được thì làm trong khi còn sức. Còn chuyện buồn đau, trắc trở, thì ai lại không gặp?

Một vài người đã cho tôi biệt hiệu “Ngô đại nhăn”, có thể vì nhiều khi họ thấy tôi khó chịu ra mặt với những bất công hay giày xéo nhau mà nhiều người cho là bình thường.

thực hiện Kim Yến

chân dung hội hoạ Hoàng Tường