Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

Tạp Chí Cộng Sản số 3/1979

NHÂN DÂN VIỆT NAM NHẤT ĐỊNH THẮNG LỢI,
GIẶC TRUNG QUỐC XÂM LƯỢC
 NHẤT ĐỊNH THẤT BẠI


Đại Tướng Võ Nguyên Giáp

Cuộc kháng chiến cứu nước thần thánh chống giặc Trung Quốc xâm lược, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đang diễn ra quyết liệt ở các tỉnh biên giới phía bắc của nước ta.

Ngày 17 tháng 2 năm 1979, bọn cầm quyền phản động Bắc Kinh đã phát động cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn chống nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Từ những ngày đầu, quân và dân ta ở các tỉnh biên giới, từ Lai Châu, Hoàng Liên Sơn, đến Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh đã nêu cao tinh thần quyết chiến quyết thắng, chiến đấu cực kỳ anh dũng bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của tổ quốc, gây cho quân giặc những tổn thất nặng nề.

Hưởng ứng Lời kêu gọi của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta từ Bắc chí Nam, ức triệu người như một, nhất tề đứng lên, chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Cả nước ta đang hướng về tiền tuyến phía bắc, sôi sục căm thù, tăng cường sẵn sàng chiến đấu, ra sức lao động quên mình, quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Trung Quốc xâm lược.

Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã công bố lệnh tổng động viên trong cả nước, để bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa: chủ trương quân sự hóa toàn dân, vũ trang toàn dân đang được khẩn trương thực hiện để đánh thắng hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của bọn bành trướng và bá quyền Trung Quốc.

I

Cuộc chiến tranh xâm lược do bọn cầm quyền phản động Trung Quốc gây ra đã ngang nhiên xâm phạm độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt-nam, chà đạp lên mọi tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế và những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ giữa các nước độc lập có chủ quyền.

Tập đoàn phản động Băc Kinh đã phát hành một cuộc chiến tranh xâm lược không tuyên bố, mở những cuộc tiến công quy mô lớn vào các tỉnh biên giới ở phía Bắc nước ta. Trong lúc đó, chúng rêu rao là đang tiến hành cái gọi là “một cuộc phản công tự vệ”

Chúng đã tuôn ra trên chiến trường một lực lượng quân sự trên nửa triệu quân gồm nhiều quân đoàn và sư đoàn với nhiều đơn vị xe tăng, pháo binh và không quân, ồ ạt đánh sang nước ta trên toàn tuyến biên giới. Chúng đã bị tiêu diệt hàng vạn sinh lực, hàng trăm xe tăng và nhiều phương tiện chiến tranh khác; mặc dù đã bị tổn thất nặng nề, chúng vẫn hung hăng tiếp tục chiến tranh. Trong lúc đó, chúng lại rêu rao là đang tiến hành cái gọi là “những hành động quân sự có tính chất hạn chế về không gian và thời gian” với những lực lượng được gọi là bộ đội biên phòng.

Chúng đốt phá làng bản, cướp bóc của cải, giết người già, trẻ em, hãm hiếp phụ nữ, gây ra những tội ác trời không dung, đất không tha. Chúng đến đâu cũng bị đồng bào, chiến sĩ ta đánh trả mãnh liệt. Thế mà, chúng lại rêu rao về cái gọi là thái độ “hữu nghị” với nhân dân địa phương.

Tại sao bọn giặc Trung Quốc xâm lược lại phải bưng bít giấu giếm, hành động xâm lược bỉ ổi của chúng như vậy ?

Đó là về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam do chúng gây ra là một trong những cuộc chiến tranh phi nghĩa, tàn bạo nhất trong lịch sử. Cuộc chiến tranh ấy là cuộc chiến tranh bẩn thỉu và hèn hạ chống lại nhân dân một nước xã hội chủ nghĩa, một nước từ lâu đã từng là người bạn chiến đấu của nhân dân cách mạng Trung Quốc. Cuộc chiến tranh ấy đã xâm phạm độc lập và chủ quyền của một nước đã được thế giới coi là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, một nước đã từng hy sinh tất cả vì độc lập, tự do của Tổ quốc mình, vì sự nghiệp cách mạng và hòa bình của nhân dân các dân tộc trên thế giới, trong đó có nhân dân Trung Quốc.

Đó là vì, cuộc chiến tranh xâm lược nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là biểu hiện tập trung bản chất phản bội, độc ác và nham hiểm của bọn cầm quyền phản động Trung Quốc. Cuộc chiến tranh ấy chính là sản phẩm của sự câu kết giữa tập đoàn phản bội Trung Quốc với các giới chống cộng khét tiếng ở Mỹ và các giới quân phiệt phản động ở Nhật.

Trong lịch sử phong trào cộng sản Quốc tế, cũng đã từng có bọn phản động đội lốt xã hội chủ nghĩa Mác để chống lại chủ nghĩa Mác, làm tay sai cho chủ nghĩa đế quốc để phá hoại phong trào cách mạng. Đặc điểm nổi bật của các thế lực phản bội Bắc Kinh là chúng đang lũng đoạn quyền bính trong một nước đất rộng người đông, có sẵn trong tay một tiềm lực kinh tế và quân sự đáng kể. Chúng luôn luôn nói đến chủ nghĩa Mác – Lênin để chống chủ nghĩa Mác – Lênin, đội lốt cách mạng để chống phá cách mạng. Chẳng thế mà chúng không ngới hò hét chiến tranh, tự hào là NATO của phương đông, là “người bạn nghèo” của chủ nghĩa đế quốc Mỹ và chủ nghĩa tư bản phương Tây. Chúng điên cuồng chống liên xô và các nước xã hội chủ ngĩa khác, chống phong trào giải phóng dân tộc, phá hoại hòa bình thế giới với hành động phiêu lưu quân sự xâm lược Việt Nam, chúng đã nghiễm nhiên trở thành một thứ sen đầm quốc tế mới, một tên lính xung kích của chủ nghĩa đế quốc quốc tế.

Chính vì vậy, mà bọn cầm quyền phản động Trung Quốc là bọn phản bội lớn nhất của thời đại. Chúng là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm của nhân dân ta, đồng thời là kẻ thù nguy hiểm của cả toàn bộ hệ thống xã hội chủ nghĩa, của phong trào độc lập dân tộc, dân chủ và hòa bình ở châu Á và trên thế giới.

Đối với nước Việt Nam ta, thì chính sách xâm lược tàn bạo của chúng chính là sự kế tục ở một thời kỳ mới của chủ nghĩa bành trướng đại dân tộc đã từng ngự trị trong lịch sử lâu đời của các triều đại phong kiến Trung Quốc. Chính sách ấy là sự biểu hiện tập trung của tất cả những gì là phản động nhất, độc ác và nham hiểm nhất trong quốc sách thôn tính nước ta mà bọn hoàng đế Trung Quốc đã từng theo đuổi qua mấy ngàn năm. Trước chí khí quật cường của dân tộc ta, quốc sách ấy đã bị đập nát tan tành.

Cũng cần nói rằng, chúng ta đã sớm phát hiện dã tâm của các thế lực bành trướng ngày nay, từ lúc chúng chưa có điều kiện xuất đầu lộ diện một cách trắng trợn, ngay trong những năm tháng nhân dân ta còn đang kề vai sát cánh với nhân dân cách mạng Trung Quốc, cùng nhau chống kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc quốc tế. Dã tâm của bọn chúng là luôn luôn tìm mọi cách làm cho nước ta suy yếu, buộc nhân dân ta phải thần phục chúng. Đi vào quỹ đạo của chúng.

Ngay lúc đế quốc Mỹ mới phát động chiến tranh phá hoại bằng không quân đánh phá miền Bắc nước ta, nhân dân Trung Quốc đang ủng hộ và giúp đỡ nhân dân ta chiến đấu, thì giới cầm quyền Trung Quốc đã từng nói cho Mỹ biết: hễ Mỹ không đụng đến Trung Quốc, Trung Quốc không đụng đến Mỹ. Nói một cách khác, Mỹ có thể yên tâm đánh phá Việt Nam.

Đến lúc nhân dân ta giành được thắng lợi vang dội, quân đội viễn chinh Mỹ đang lâm vào thế bị suy sụp thì giới cầm quyền Bắc Kinh đã vội vã đón tiếp Ních-xơn, lợi dụng thắng lợi của ta để gây dựng nên cái gọi là “kỷ nguyên mới” trong quan hệ Trung Mỹ, một điều mà họ đã từng ước mơ từ lâu.

Tiếp đó, với sự thỏa thuận ngầm của Mỹ, họ đã thừa lúc ta còn phải dồn sức vào kháng chiến, ngang nhiên đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của nước ta.

Mùa xuân năm 1975, nhân dân ta phát động cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thì trong giới cầm quyền Băc Kinh lại có những kẻ trách cứ chúng ta không làm theo lời khuyên của họ: nên để công việc thống nhất nước nhà lại cho thế hệ con cháu mai sau.

Họ đã coi thắng lợi vĩ đại của cả nhân dân ta là thất bại thảm hại của đế quốc Mỹ, đồng thời là thất bại nghiêm trọng của chính bản thân họ.

Với thắng lợi hoàn toàn và trọn vẹn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra đời; ước mơ lâu đời của nhân dân ta đã biến thành hiện thực. Anh em bè bạn khắp năm châu đều đón mừng sự kiện vĩ đại ấy, coi đó là biểu tượng sức mạnh vô địch của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, của chủ nghĩa Mác – Lênin. Thế nhưng, đối với bọn bành trướng Trung Quốc thì lại khác. Chúng cho rằng, một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày càng giàu mạnh, có đường lối cách mạng Mác – Lênin chân chính, độc lập và tự chủ là một trở ngại to lớn đối với cuồng vọng của chúng, là một nguy cơ không cho phép chúng dễ dàng bành trướng xuống các nước Đông Nam Châu Á.

Chính vì vậy, mà ngay từ những ngày đầu nhân dân ta giành được toàn thắng, các thế lực bành trướng Bắc Kinh ngày càng công khai theo đuổi một chính sách thù địch có hệ thống đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Chúng không ghê tay sử dụng một bọn đồ tể man rợ là bọn Pôn Pốt – Iêng-xa-ry để tàn sát cho hết những người dân yêu nước Cam-pu-chia. Biến nước này thành nước chư hầu và căn cứ quân sự của chúng, gây ra cuộc chiến tranh biên giới ngày càng đẫm máu ở Tây nam nước ta. Trong lúc đó, chúng xúc tiến mọi mưu đồ nham hiểm, dựng nên cái gọi là “Nạn kiều” mượn cớ cắt hết viện trợ gầy ra tình hình căng thẳng ở biên giới phía bắc, chuẩn bị thế trận thôn tính nước ta từ hai hướng, buộc nước ta phải khuất phục chúng.

Nhân dân ta hết sức bình tĩnh, vững vàng, quyết không rời bỏ con đường cách mạng chân chính của mình. Tiếp tục theo sự vùng lên đấu tranh thắng lợi của nhân dân Cam-pu-chia anh em, trận đồ bát quái của chúng đã bị phá vỡ. Tập đoàn phản bội Trung Quốc bèn điên cuồng phát động chiến tranh xâm lược nước ta hòng thực hiện mưu đồ đen tối của chúng.

Cuộc xâm lược quy mô lớn vào nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã làm cho tập đoàn phản động Trung Quốc lộ rõ nguyên hình. Chúng là bọn phản bội lớn nhất của thời đại, phản cách mạng, phản chủ nghĩa Mác – Lê nin. Chúng là một “bầy quạ đội lốt công”, đã vứt bỏ cái mặt nạ giả danh cách mạng. Cuộc chiến tranh xâm lược nước ta thực chất là một bộ phận của chiến lược bành trướng đại dân tộc và bá quyền nước lớn của chúng, của chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chúng, đồng thời là một bộ phận của chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chủ nghĩa đế quốc quốc tế.

Chúng là những tên tội phạm chiến tranh độc ác hơn cả Hít-le, gây ra những tội ác tày trời trên đất nước ta, coi thường xương máu của bản thân nhân dân nước chúng. Chúng đantg ra sức kế tục và hoàn thiện hơn nữa cái thứ đạo đức kinh tởm mà một nhà văn vô sản vĩ đại Trung Quốc dã từng mệnh danh là “đạo đức ăn thịt người” của các triều đại phong kiến (1). Chúng đã làm ô nhục truyền thống và thanh danh của nhân dân cách mạng Trung Quốc và của những người cộng sản Trung Quốc chân chính. Chúng muốn biến nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa, thành quả cách mạng của nhân dân Trung Quốc thành dinh lũy của một tập đoàn phát xít hiếu chiến, biến quân giải phóng nhân dân Trung Quốc thành một công cụ bành trướng xâm lược.

Các thế lực phong kiến phương Bắc cũng như các nước đế quốc đã mang quân xâm lược nước ta đều đã phạm sai lầm chiến lược, do đó mặc dù hung hăng, tàn bạo đến đâu, cuối cùng đều đi đến thất bại nhục nhã.

Tập đoàn phản động Bắc Kinh hãy coi chừng. Chúng hẵn chưa lường hết những thất bại thảm hại trước mắt và cả lâu dài đang chờ đợi chúng.

Tổ quốc Việt Nam anh hùng từng là mồ chôn của tất cả mọi kẻ thù xâm lược. Bọn bành trướng ngày nay nhất định không thể nào thoát khỏi quy luật của lịch sử. Chúng sẽ cùng chung một số phận, chuốc lấy thất bại hoàn toàn.

II

Dân tộc Việt Nam là một dân tộc độc lập, có hơn bốn nghìn năm văn hiến, một quốc gia có chủ quyền từ thuở xa xưa. Với một sức sống và chiến đấu mãnh liệt, nhân dân ta đã sớm cùng nhau chung lưng đấu cật, đem hết sức lực và trí tuệ để dựng nước và giữ nước, rèn luyện nên một khí phách kiên cường, một truyền thống bất khuất chống mọi kẻ thù xâm lược.

Qua các thế hệ, chúng ta đã biết bao phen đứng lên chiến đấu và chiến thắng bọn phong kiến xâm lược phương Bắc, giữ gìn độc lập, chủ quyền của Tổ quốc. Hết diệt Tần, chống Hán, phạt Đường, lại đánh Tống, thắng Nguyên, bình Ngô, phá Thanh. Dân tộc ta có thể tự hào rằng, vào thế kỉ XIII, nước đại Việt đã đánh thắng giặc Nguyên là kẻ xâm lăng hung bạo nhất bấy giờ, không những bảo vệ được nền độc lập của mình mà còn góp phần quan trọng ngăn chận giặc Nguyên tràn xuống Đông – Nam châu Á.

Bước vào thời kì lịch sử hiện đại, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, nhân dân Việt Nam đã tiến hành cuộc chiến tranh chống ngoại xâm oanh liệt nhất trong lịch sử của dân tộc. Nhân dân ta có thể tự hào rằng, trải qua ba mươi năm chiến tranh giải phóng và chiến tranh giữ nước dân tộc ta đã lần lượt đánh đổ chủ nghĩa phát xít Nhật, dánh thắng chủ nghĩa đế quốc Pháp, đánh thắng chủ nghĩa đế quốc Mỹ là tên đế quốc đầu sỏ có tiềm lực kinh tế và quân sự hết sức to lớn.

Ngày nay, đi theo vết xe cũ của bọn phong kiến Trung Quốc và bọn đế quốc thực dân, tập đoàn phản động Bắc Kinh lại ngang nhiên phát động chiến tranh quy mô lớn nhằm thôn tính nước ta, nô dịch nhân dân ta. Chúng ta đang đứng trước một sứ mệnh lịch sử mới, một nhiệm vụ trọng đại không những có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh của dân tộc ta, mà còn có ý nghĩa thời dại sâu sắc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, toàn dân ta cả nước một lòng đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến thần thánh cứu nước nhằm bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước ta. Cuộc kháng chiến của nhân dân ta còn mang tính chất một cuộc đấu tranh giai cấp quyết liệt nhằm đánh bại kẻ thù nguy hiểm của hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Trong cuộc đụng đầu lịch sử mới giữa chính nghĩa và phi nghĩa, giữa văn minh với bạo tàn, giữa cách mạng với phản cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam ta nhất định thắng lợi, giặc Trung Quốc xâm lược nhất định sẽ thất bại.

Chúng ta nhất định thắng, bởi vì chúng ta chiến đấu cho hòa bình, cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Chúng ta có đường lối Mác – Lê nin đúng đắn và sáng tạo của Đảng ta. Chúng ta có sức mạnh của chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, của nền kinh tế mới, nền văn hóa mới và con người mới xã hội chủ nghĩa.

Chúng ta nhất định thắng, bởi vì chúng ta có sức mạnh tổng hợp vô địch của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc và của nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, có lực lượng vũ trang nhân dân anh hùng, có khoa học giữ nước ưu việt và nghệ thuật quân sự sáng tạo.

Chúng ta nhất định thắng, bởi vì chúng ta có sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ quốc tế to lớn và có hiệu lực của Liên xô, của các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác, của nhân dân các nước yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới, kể cả nhân dân cách mạng Trung Quốc. Chúng ta có sức mạnh to lớn của dân tộc kết hợp với sức mạnh của ba dòng thác sức mạnh của thời đại.

Không kể tập đoàn phản động Bắc Kinh gây ra chiến tranh xâm lược với quy mô nào, sử dụng lực lượng và phương tiện vũ khí như thế nào, không kể mưu mô và thủ đoạn của chúng tàn bạo và nham hiểm như thế nào, nhân dân ta quyết dứng lên giết giặc cứu nước, quyết đưa cuộc kháng chiến thần thánh chống giặc Trung Quốc xâm lược đến thắng lợi hoàn toàn, làm tròn nghĩa vụ dân tộc vẻ vang và nghĩa vụ quốc tế cao cả của mình trong giai đoạn mới của cách mạng.

Phải chăng giặc Trung Quốc xâm lược cho rằng, nước chúng lớn, dân chúng đông, quân chúng nhiều thi nhân dân Việt Nam phải sợ chúng, phải khuất phục chúng ?

Tập đoàn phản động Bắc Kinh phải biết rằng: Dân tộc Việt Nam không hề biết sợ. Ngay từ thuở xa xưa, khi số dân nước ta mới trên dưới một triệu người, dân tộc ta đã từng đứng lên chiến đấu thắng lợi, lật đổ ách thống trị của bọn phong kiến phương Bắc. Với số quân ít hơn địch, chúng ta đã từng chiến thắng oanh liệt những đội quân đông hơn mình gấp nhiều lần, từ những đội quân xâm lược của các triều đại phong kiến Trung Quốc cho đến những đội quân xâm lược của các nước đế quốc.

Bọn xâm lược Trung Quốc phải biết rằng: đất nước chúng rộng, người chúng nhiều, nhưng sức chúng nào có mạnh; quân chúng đông mà lại yếu. Đó là vì sức mạnh kháng chiến của cả một dân tộc, cả nước đứng lên chiến đấu, dũng cảm và thông minh, quyết đánh và biết đánh, bao giờ cũng là một sức mạnh vô địch. Đó là vì cuộc chiến chúng gây ra là phi nghĩa, lòng dân ly tán, nội bộ lục đục, làm sao có đủ sức để cướp nước ta. Đó là vì nước Việt Nam ta có chủ; non sông Việt Nam là của người Việt Nam; bất cứ kẻ thù nào đến xâm phạm, nhất định nhân dân Việt Nam ta dánh bại.

Phải chăng tập đoàn phản động Bắc Kinh cho rằng, với đường biên giới chung dài trên một nghìn ki lô mét - một đường biên giới mà nhân dân hai nước bao giờ cũng mong muốn xây dựng thành đừơng biên giới hữu nghị – chúng có thể lợi dụng địa thế nước ta ở gần nước chúng mà mang quân ồ ạt đánh chiếm nước ta, buộc chúng ta phải khuất phục chúng chăng ?

Bọn chúng hẵn còn nhớ: 600 năm trước đây, giặc Nguyên đã từng cho rằng, nước Nam ở gần như trong lòng bàn tay, còn Gia-va thì xa hơn như ở đầu ngón tay, vì vậy cần phải xâm lược nước Nam trước để mở đường tràn xuống các nước khác sau. Và chúng đã ba lần phát động chiến tranh xâm lược nước Nam, đã ba lần bị đánh bại hoàn toàn. Xưa nay, nước ta vẫn ở gần Trung Quốc, những điều kiện địa lý ấy nào có cứu vãn được cho các đạo quân xâm lược đông đảo từ đời Tần, đời Tống, cho đến đời Nguyên, Minh, Thanh tránh khỏi số phận bị nhân dân ta đánh bại. Chúng ta càng thấy rõ, nhân tố quyết định thắng bại trong chiến tranh đâu phải là đường đất xa gần; bọn xâm lược bao giờ cũng là kẻ thù địch, xa lạ đối với nhân dân ta, đất nước ta. Vì vậy, chúng làm thế nào lường được hết sức mạnh to lớn của dân tộc ta trong thời đại mới khi vùng lên chiến đấu vì đại nghĩa. Chúng làm thế nào hiểu được núi sông, cây cỏ, bầu trời và vùng biển của Việt Nam, làm thế nào hiểu được cái thế thiên hiểm của địa hình Việt Nam, “bất cứ nơi nào trên đất nước ta cũng là những Chi Lăng, Đống Đa, sông biển ta đều là những Bạch Đằng, Hàm Tử”.

Phải chăng tập đoàn phản động Bắc Kinh đang muốn diễn lại thế trận xâm lược Việt Nam của các thế lực bành trướng phương Bắc dưới thời phong kiến ?

Chúng ta đều biết rằng mỗi khi muốn đánh nước ta thì bọn phong kiến phương Bắc thường đánh chiếm Lâm ấp, Chiêm Thành để tạo nên thế trận bao vây từ hai hướng. Ngày nay, để chuẩn bị xâm lược Việt Nam, tập đoàn phản động Bắc Kinh lại ra sức biến Cam-pu-chia thành căn cứ quân sự vững chắc của chúng, và để phối hợp với quân của chúng từ phía Bắc đánh xuống, vừa để chuẩn bị cho cuộc chinh phục Đông Nam châu Á sau này. Thế nhưng, nhân dân Cam-pu-chia đã vùng lên làm chủ vận mệnh của mình, khôi phục tình hữu nghị lâu đời với nhân dân Việt Nam anh em, giáng cho bọn bành trướng một đòn chí mạng, thế trận nham hiểm của chúng đã bị phá vỡ.

Phải chăng tập đoàn phản động Bắc Kinh cho rằng, chúng là tập đoàn cầm quyền ở một nước lớn đang đội lốt Mác – Lê nin, lại câu kết chặt chẽ với chủ nghĩa đế quốc quốc tế và mọi loại phản động nhất trên thế giới, thì chúng đã có vây cánh hơn trước, cho nên đã đủ sức để phát động chiến tranh xâm lược quy mô lớn thôn tính nước ta, buộc nhân dân ta phải khuất phục ?

Ngang nhiên xâm lược nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chúng đã lộ rõ bộ mặt phản cách mạng trước dư luận tiến bộ toàn thế giới. Không những nhân dân ta đang quyết tâm chống lại chúng, đánh bại chúng, mà nhân dân Liên-xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác, nhân dân tiến bộ cả thế giới đều đứng lên chống lại chúng; những người cộng sản chân chính và phong trào cộng sản và công nhân khắp trái đất đang kiên quyết chống lại chúng. Ngay nhân dân cách mạng Trung Quốc và những người cộng sản Trung Quốc chân chính cũng đang đứng lên và sẽ đứng lên ngày càng đông đảo chống lại chúng. Chúng không nghe thấy tiếng thét phẩn nộ của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới nguyền rủa chúng, lên án chúng đó sao ?

Hơn thế nữa, những kẻ đồng minh của chúng là chủ nghĩa đế quốc quốc tế và mọi loại phản động hiện đang trên con đường suy yếu, nội bộ đầy mâu thuẫn, làm sao có thể hà hơi tiếp sức để cứu vớt chúng khỏi cảnh cô lập. Còn ba dòng thác cách mạng của thời đại thì đang ở trên thế tiến công mạnh mẽ. Hệ thống xã hội chủ nghĩa ngày nay mạnh hơn bao giờ hết, không ngừng phát huy tác dụng là nhân tố chủ yếu quyết định sự phát triển của xã hội loài người trong thời đại mới, bất chấp sự phản bội của các thế lực bành trướng đại dân tộc và bá quyền nước lớn câu kết với chủ nghĩa đế quốc, bất chấp sự giãy giụa điên cuồng của chủ nghĩa đế quốc liên minh với các thế lực bành trướng và bá quyền nước lớn.

Chúng phải biết rằng, chỉ có chủ nghĩa Mác- Lê-nin chân chính, chỉ có lý tưởng độc lập và chủ nghĩa xã hội, chỉ có nhân dân cách mạng và những người cộng sản chân chính mới có sức mạnh vô địch, sức mạnh đó nhất định sẽ đánh bại tất cả mọi thế lực phản động, kể cả bọn phản động Trung Quốc xâm lược.
III

Tổ quốc ta một lần nữa dang đứng trước nguy cơ còn mất.

Toàn quân và toàn dân ta hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng, với niềm tin vô hạn, với tinh thần quyết chiến quyết thắng cao nhất, đang anh dũng lên đường ra trận, giáng cho quân xâm lược Trung Quốc những đòn chí mạng.

Tiếp theo cuộc chiến tranh giải phóng chống đế quốc Pháp và đế quốc Mỹ, cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc chống giặc Trung Quốc xâm lược là một cuộc chiến tranh toàn dân phát triển đến những đỉnh cao mới. Trong lịch sử chống ngoại xâm, chúng ta đã từng lấy nhân nghĩa thắng bạo tàn, lấy chính nghĩa thắng phi nghĩa, lấy những giá trị cao quý nhất của con người mà thắng sức mạnh của sắt thép.

Ngày nay, vì độc lập, chủ quyền của đất nước, vì sự sống còn của dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, vì sự trong sáng của chủ nghĩ Mác – Lê-nin, chúng ta nhất định đánh thắng hoàn toàn chủ nghĩa bành trướng đại dân tộc và bá quyền nước lớn, đánh thắng hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của bọn cầm quyền phản động Trung Quốc.

Bí quyết bách chiến bách thắng của dân tộc ta là cả nước chung sức lại, toàn dân đoàn kết chiến đấu, phát động và tổ chức chiến tranh toàn dân, phát huy đến trình độ cao sức mạnh của cả nước đánh giặc, thề không đội trời chung với kẻ thù xâm lược. Từ miền biên cương đến các hải đảo, từ thành thị đến nông thôn, toàn thể đồng bào các dân tộc trong cả nước, các tôn giáo, các đảng phái, bất kể già, trẻ, gái, trai, hễ là người dân Việt Nam thì đều kiên quyết đứng lên giết giặc, cứu nước; năm mươi triệu đồng bào từ Bắc chí Nam kết thành đội ngũ chiến đấu là 50 triệu dũng sĩ giết giặc Trung Quốc xâm lược.

Hơn lúc nào hết, sự nghiệp giữ nước vĩ đại đòi hỏi ở mỗi người chúng ta những hy sinh lớn lao. Trên con đường đi đến thắng lợi, khó khăn gian khổ còn nhiều. Tuy nhiên, sức mạnh giữ nước của dân tộc ta ngày nay lớn mạnh hơn bao giờ hết, chúng ta có những điều kiện cơ bản hơn bao giờ hết.

Đã qua rồi những ngày mà nhân dân ta chưa có một tấc đất tự do, chưa có một tấc sắt trong tay, trong khi nhiệm vụ đề ra là phải chớp lấy thời cơ đưa Tổng khởi nghĩa tháng Tám đến thắng lợi. Cũng đã qua rồi những năm tháng của hai cuộc kháng chiến thần thánh, lúc đầu còn phải chiến đấu với gậy tầm vông và súng kíp, về sau cũng chỉ mới có nửa nước được giải phóng làm hậu phương.

Bước vào kỷ nguyên mới, đất nước ta đã thay đổi và khác xưa. Cả nước Việt Nam đã hoàn toàn độc lập và thống nhất, đang vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trên cơ sở chế độ xã hội mới, với sự nhất trí chính trị và tinh thần, với lòng yêu nước xã hội chủ nghĩa và tinh thần làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa ngày càng cao, chúng ta đã xây dựng được nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, một lực lượng vũ trang hùng mạnh hơn bao giờ hết.

Cả nước một lòng, phát huy truyền thống đấu tranh bất khuất chống ngoại xâm của dân tộc, nhân dân ta quyết nâng cao hơn nữa những kinh nghiệm đánh giặc, cứu nước, phát triển hơn nữa khoa học và nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.

Ngày nay, chiến tranh nhân dân ở các địa phương trên mọi miền đất nước đã có một bước phát triển mới, một sức mạnh chiến đấu mới hết sức to lớn. Mỗi một người dân là một chiến sĩ. Mỗi bản làng, xí nghệp, nông trường, hợp tác xã, thị xã, quận huyện, là một pháo đài kiên cường chống giặc. Mỗi tỉnh, thành là một đơn vị chiến lược có đủ sức mạnh tiêu diệt hàng vạn quân địch. Cả nước ta là một chiến trường rộng lớn. Thực tế đó đã được chứng minh ngay từ những ngày đầu kháng chiến khi giặc Trung Quốc xâm lược đặt chân lên mảnh đất biên cương của Tổ quốc ta. Trong cuộc đọ sức với dân quân tự vệ và bộ đội địa phương của ta, quân đội chính quy của chúng đã bị giáng trả những đòn trừng phạt nặng nề. Mỗi một ngọn đồi ở biên cương là một Chi Lăng chồng chất xác thù. Mỗi một con suối, dòng sông là một Bạch Đằng nhuộm đỏ máu giặc. Ý nghĩa quan trọng của những thắng lợi đầu tiên của quân và dân ta là ở chỗ đó.

Ngày nay, quân đội ta đã có những binh đoàn chủ lực hùng mạnh, có sức đột kích lớn, khả năng cơ động cao, sức chiến đấu mạnh, đã từng tiêu diệt hàng chục vạn quân địch trong một trận tiến công, dù kẻ địch đông như thế nào, hung hãn và được trang bị như thế nào. Trước họa xâm lăng, phối hợp chặt chẽ với cuộc chiến đấu tại chỗ của nhân dân, cả ba thứ quân đều đánh giỏi. Lục quân, hải quân, không quân đều đánh giỏi. Bộ đội thường trực phải thật tinh. Lực lượng hậu bị phải thật mạnh. Vừa chiến đấu vừa rèn luyện, nêu cao tinh thần quyết chiến quyết thắng, nâng cao kỷ luật trong toàn quân, làm chủ mọi thứ binh khí kỹ thuật hiện đại, nâng cao trình độ hiệp đồng tác chiến, tạo nên chất lượng chiến đấu thật cao, sức mạnh và hiệu lực chiến đấu thật lớn. Các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam quyết làm tròn xuất sắc mọi nhiệm vụ, phát huy tác dụng to lớn trên chiến trường, tiêu diệt quân giặc Trung Quốc xâm lược.

Trong cuộc kháng chiến thần thánh bảo vệ Tổ quốc hiện nay, với ý chí chiến đấu cao, với những kinh nghiệm sẵn có, với những tổ chức đã được hình thành, với những thế trận đã được bố trí, quân và nhân dân ta nhất định phát huy lên một trình độ mới khả năng chủ động và sáng tạo của mình, đánh bại hoàn toàn quân xâm lược. Nhanh chóng phát hiện và nắm vững quy luật của chiến tranh, bám sát và nắm chắc quân địch, nhanh chóng phát hiện chỗ yếu cơ bản và chỗ mạnh tạm thời của quân địch. Lấy đó làm cơ sở để thực hiện chiến lược làm chủ đất nước để tiêu diệt địch, tiêu diệt địch để giữ vững quyền làm chủ đất nước. Làm chủ chiến trường trong từng trận chiến đấu, trong từng hướng chiến dịch cũng như trong toàn bộ cuộc chiến tranh. Luôn luôn chủ động, luôn luôn quán triệt tư tưởng tiến công, Kiên quyết và linh hoạt, giỏi đánh địch bằng mọi hình thức, tiến công dũng mãnh, phản công kiên quyết, phòng ngự ngoan cường. Bất luận trong tình hình so sánh lực lượng như thế nào, điều kiện và phương tiên vũ khí như thế nào đều phải tạo nên sức mạnh tổng hợp áp đảo, đánh địch trên thế mạnh, giành chủ động về ta, dồn địch vào thế bị động. Đó chính là biểu hiện cao nhất của tư tưởng cách mạng tiến công, là biểu hiện tập trung của tinh thần làm chủ tập thể ở trên chiến trường.

Cuồng vọng của bọn bành trướng Trung Quốc và vô hạn độ. Mưu đồ độc ác và nham hiểm của chúng là trường kỳ tiêu hao lợc lượng của ta, trường kỳ phá hoại công cuộc hòa bình xây dựng đất nước ta. Mục đích sâu xa mà chúng theo đuổi là dùng trăm phương nghìn kế làm sao cho nước Việt Nam ta không thể trở nên một nước xã hội chủ nghĩa giàu mạnh để chúng dễ dàng khuất phục, dễ dàng thôn tính.

Chính vì vây, mà trong lúc tập trung sức lực ra chiến trường để tiêu diệt chúng, quét sạch chúng ra khỏi bờ cõi, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta, thì nhân dân ta phải ra sức phấn đấu, vừa chiến đấu, vừa xây dựng, hoàn thành xuất sắc nhỡng nhiệm vụ cấp bách mà Trung ương Đảng để ra, thực hiện kỳ được phương sách giữ nước và dựng nước về lâu dài.

Trên mặt trận, đồng bào và chiến sĩ ta phải chiến đấu kiên cường cũng cảm, đánh bại quân xâm lược. Ở hậu phương, khắp cả nước, đồng bào và chiến sĩ ta phải luôn luôn sẵn sàng chiến đấu, chi viện cho tiền tuyến và ra sức xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa, ổn định đời sống của nhân dân. Lao động quên mình với năng suất cao, luyện tập quân sự để sẵn dàng ra trận. Giai cấp công nhân và nhân dân lao động trong cả nước phải có sự cố gắng vượt bậc về mọi mặt, kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, thực hiện càng đánh càng thắng, càng đánh càng mạnh.

Để bảo vệ độ lập, chủ quyền của tổ quốc, chỉ có một con đường là tiêu diệt hoàn toàn giặc Trung Quốc xâm lược. Để làm cho nước ta ngày càng giàu mạnh lên, chỉ có một con đường là vừa giành thắng lợi trên mặt trận, vừa giành thắng lợi trong lao động sản xuất, chăm lo đời sống cho chiến sĩ và đồng bào ta trong cả nước. Đó là nhiệm vụ cao nhất mà Đảng và Tổ quốc đề ra cho các chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân, cho giai cấp công nhân, giai cấp nông dân tập thể, tầng lớp trí thức xã hội chủ nghía, cho mỗi một người công dân yêu nước trong lúc này. Hơn lúc nào hết, với tính sáng tạo phi thường, toàn dân và toàn quân ta nhất định sẽ lập nên những chiến công vang dội trên tiền tuyến, đồng thhời lập nên những chiến công to lớn trong công cuộc xây dựng kinh tế, xây dựng đất nước.

Trước tình hình mới, chúng ta cần ra sức biến tiềm lực mọi mặt của đất nước thành sức mạnh quân sự trên chiến trường, chuyển sức mạnh tổng hợp của nền quốc phòng toàn dân thành sức mạnh lớn nhất của chiến tranh nhân dân bảo vệ tổ quốc, muốn vậy cần căn cứ vào kế hoạch đã được chuẩn bị và tình hình diễn biến thực tế của chiến tranh mà nhanh chóng động viên sức người, sức của phục vụ tốt nhất cho chiến tranh và quốc phòng, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm đời sống của nhân dân.

Đây là một công tác tổ chức thực tiễn cực kỳ quan trọng, có liên quan đến mọi mặt đời sống của xã hội. Chúng ta phải làm thật tốt công tác tổ chức thực tiễn ấy, vừa tập trung lực lượng để đánh thắng quân xâm lược, vừa tăng cường quản lý kinh tế – xã hội, nâng cao kỷ luật lao động và hiệu quả kinh tế trong tất cả các ngành, các địa phương. Có làm được như vậy, chúng ta mới phát huy được tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, động viên được mạnh mẽ và kịp thời sức người, sức của cho tiền tuyến, thực hiện “Tất cả để đánh thắng giặc Trung Quốc xâm lược”, đồng thời bảo vệ tính mệnh, tài sản của nhân dân, xây dựng hậu phương ngày càng vững mạnh.

Trong những thế kỷ trước đây, trước họa xâm lăng, chúng ta chứ hề có những bạn đồng minh lớn mạnh như bây giờ. Tuy vậy, dân tộc ta đã nêu cao tinh thần chiến đâu bất khuất, tự lực tự cường và tài thao lược kiệt xuất, đánh thắng các cuộc chiến tranh xâm lược của các thế lực bành trướng thống trị ở Trung Quốc lúc bấy giờ.

Ngày nay, trong thời đại mới, sự nghiệp chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam ta có một ý nghĩ quốc tế to lớn. Đứng lên chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội dân tộc Việt Nam đã được coi như lương tri và trái tim của cả loài người. Dựa vào sức mình là chính, chúng ta có cả loài người tiến bộ cổ vũ và ủng hộ mạnh mẽ. Chúng ta só sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn và có hiệu lực của Liên-xô -nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên trái đất- và của các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác. Chúng ta có tình đoàn kết chiến đấu keo sơn của nhân dân Lào và nhân dân Cam-pu-chia anh em” “Hết lòng ủng hộ Việt Nam”, “không được đụng đến Việt Nam”, đó là ý chí và hành động của mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống Trung Quốc xâm lược. Trong lịch sử của dân tộc, chưa bao giờ bằng lúc này, kể cả trong những năm kháng chiến chống Mỹ, nhân dân Việt Nam ta lại được sự đồng tình, ủng hộ quốc tế mạnh mẽ, rộng rãi, kịp thời và kiên quyết như ngày nay.

“Không có gì quý hơn độc lập, tự do”
Cả nước lên đường ra trận.

Giương cao ngọn cờ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh đứng đầu là đồng chí Lê Duẫn kính mến, với quyết tâm cao, với niềm tin lớn, quân và dân ta kiên quyết tiến lên, đánh thắng cuộc chiến tranh phi nghĩa của giặc Trung Quốc xâm lược, đưa sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam đến toàn thắng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Bọn phản động Trung Quốc xâm lược nhất định sẽ thất bại !
Nhân dân Việt Nam nhất định thắng lợi !
Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa muôn năm !

Chú thích:
(1)- Lỗ Tấn: “Mở lịch sử ra tra cứu … Chỉ thấy trên mỗi tờ giấy viết xiêu xiêu những chữ nhân, nghĩa, đạo đức … mà nhìn thấu đến giữa những dòng chữ thì ra cả cuốn đều chép rặt có ba chữ: “Ăn thịt người” … “.

Đăng lại trên:
“Đại Tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp” Vị Tướng Của Hòa Bình
PGS-TSKH Bùi Loan Thùy chủ biên
NXB Văn Hóa Sài Gòn 5/2009
trang 1266-1277



Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2013

Nhìn nhận lại cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung 1979

Thiếu tướng Lê Văn Cương

Đúng vào ngày này 34 năm trước (17.2.1979), Trung Quốc bất ngờ tung hơn 60 vạn quân nổ súng xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía bắc, nhưng đã phải rút quân sau hơn một tháng gặp sự kháng cự mãnh liệt của quân và dân ta, chịu nhiều tổn thất nặng nề.


Tuy vậy cuộc chiến tranh xâm lược này cũng mở màn cho cuộc xung đột vũ trang tại biên giới giữa VN và Trung Quốc (TQ) kéo dài suốt 10 năm sau đó. Theo thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược - Bộ Công an, với độ lùi về thời gian, việc nhìn nhận lại cuộc chiến tranh này là hoàn toàn cần thiết.
- Kể từ sau khi VN và TQ bình thường hóa quan hệ (1991), hai bên dường như đều không muốn nhắc lại cuộc chiến này. Từ hơn 30 năm qua, cuộc chiến chống quân xâm lược Trung Quốc gần như không được nhắc tới. Theo ông tại sao cuộc chiến lại bị rơi vào lãng quên như vậy?
- Để trả lời câu hỏi này có lẽ cần cả một hội thảo khoa học. Tôi chỉ xin lưu ý như sau, vào những năm kỷ niệm chẵn 10, 15... hay gần đây nhất là 30 năm sau cuộc chiến tranh chống TQ xâm lược (2009), báo chí, truyền hình của VN gần như không đưa tin gì về sự kiện này. Đây là một sự thiếu sót lớn trên góc độ Nhà nước. Hơn thế nữa, đó là một sự xúc phạm đến linh hồn của những đồng bào, chiến sĩ đã bỏ mình để bảo vệ Tổ quốc trong cuộc chiến tháng 2.1979 và gần mười năm sau đó. Họ nằm dưới mộ có yên không? Gia đình vợ con bạn bè và những người thân thích của họ sẽ nghĩ gì về chuyện này? Đã có ý kiến cho rằng nhắc đến những chuyện này cũng có nghĩa là kích động chủ nghĩa dân tộc. Tôi có thể khẳng định rằng nói như vậy là ngụy biện.

Trong khi chúng ta im lặng thì những dịp đó chúng tôi đã thống kê hệ thống phát thanh, truyền hình báo chí của TQ tung ra trung bình từ 600-800 tin, bài với những cái tít gần như có nội dung giống nhau về cái mà họ gọi là “cuộc chiến tranh đánh trả tự vệ trước VN”. Có thông tin cho rằng hiện tại có tới trên 90% người dân TQ vẫn quan niệm rằng năm 1979 Quân đội VN đã vượt biên giới sang tấn công TQ và bắt buộc TQ phải tự vệ đánh trả. Từ hàng chục năm nay, hệ thống tuyên truyền của TQ đã nhồi nhét vào đầu người dân TQ rằng cuộc chiến 1979 chỉ là cuộc phản công trước sự xâm lược của VN.

Theo tôi nghĩ, trong tuyên truyền đối nội và đối ngoại, cả ở kênh nhà nước, nhân dân và trên truyền thông, chúng ta phải làm rõ và góp phần làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ bản chất của cuộc chiến tranh Việt - Trung 1979. Đồng thời góp phần làm cho hơn 1,3 tỉ người TQ biết được sự thật rằng vào ngày đó hơn 60 vạn quân TQ đã vượt biên giới xâm lược VN. Việc chúng ta im lặng hàng chục năm qua, theo tôi là không đúng. Việc nói ra cũng không liên quan gì chuyện kích động chủ nghĩa dân tộc. Hãy thử so sánh chuyện đó với việc TQ tung ra hàng nghìn bài báo xuyên tạc lịch sử từ hàng chục năm qua.

Bộ đội Việt Nam đánh trả quân Trung Quốc xâm lược tại Lạng Sơn năm 1979

- Với độ lùi về thời gian, theo ông chúng ta có thể rút ra những điều gì từ cuộc chiến tranh này? Những điều đó có ý nghĩa thế nào trong bối cảnh hiện tại ?
- Theo tôi, khoảng thời gian 34 năm đã là khá đủ cho chúng ta nhận thức lại những vấn đề xung quanh cuộc chiến 1979. Thế nhưng đến giờ phút này tôi có cảm giác không phải lúc nào chúng ta cũng có được sự nhận thức thống nhất, nhất quán từ trên xuống dưới.

Vấn đề thứ nhất, phải xác định rõ về mặt khoa học, cuộc chiến 1979 là cuộc chiến tranh chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc. Đây là vấn đề phải nhận thức rõ từ cấp cao nhất. Sự nhận thức ấy cũng phải được thống nhất trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Đây là chuyện không được phép mơ hồ.

Không chỉ nhận thức mà Nhà nước có trách nhiệm đưa câu chuyện này vào sách giáo khoa. Thực tế cho thấy phần lớn học sinh tiểu học, trung học và thậm chí đa số trong 1,4 triệu sinh viên hầu như không biết gì về cuộc chiến tranh này. Nếu để tình trạng này kéo dài, trách nhiệm thuộc về Nhà nước. Chắc chắn chúng ta sẽ không tránh được sự phê phán của thế hệ sau này. Hàng vạn người con ưu tú của chúng ta đã bỏ mình để bảo vệ từng tấc đất biên giới phía bắc của Tổ quốc, tại sao không có một dòng nào nhắc đến họ? Bây giờ đã quá muộn. Nhưng không thể để muộn hơn được. Theo quan điểm của tôi, Nhà nước phải yêu cầu đưa phần này vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Chúng ta không thể mơ hồ được, không thể lờ đi vấn đề lịch sử này được.

Bệnh viện huyện Trùng Khánh, Cao Bằng bị quân Trung Quốc tàn phá tháng 2.1979 - Ảnh: Tư liệu

Tôi đã nhiều lần trao đổi với các học giả nước ngoài và họ đã thắc mắc khá nhiều chuyện tại sao sự kiện chiến tranh chống quân TQ xâm lược năm 1979 lại không được nhắc đến trong các giáo trình lịch sử của VN. Tôi đã phải chống chế với lý do rằng người VN muốn quên đi quá khứ và hướng đến tương lai. Nhiều học giả Hàn Quốc, Nhật Bản đã phản bác tôi vì “Lịch sử là lịch sử. Quá khứ là quá khứ. Tương lai là tương lai”. Họ nói rằng: “Chúng tôi biết người VN rất nhân hậu, muốn hòa hiếu với các dân tộc khác. Nhưng điều này không thể thay thế cho trang sử chống ngoại xâm này được”.

Thứ hai, trong thế giới hiện đại toàn cầu hóa, các quốc gia đều phụ thuộc lẫn nhau. Không có quốc gia nào hoàn toàn độc lập tuyệt đối. Ngay cả Mỹ nhiều lúc cũng phải nhân nhượng các quốc gia khác. Chúng ta không có quan niệm về độc lập chủ quyền tuyệt đối trong thời đại toàn cầu hóa. Nhưng trong bối cảnh này, phải nhận thức rõ cái gì là trường tồn? Theo tôi có 3 thứ là chủ quyền quốc gia, ý thức dân tộc và lợi ích quốc gia. Ở đây chúng ta phân biệt chủ nghĩa dân tộc vị kỷ, chủ nghĩa dân tộc nước lớn với lòng yêu nước chân chính, ý thức tự tôn tự hào dân tộc. Hai cái đó khác nhau. Người VN có truyền thống yêu nước, có tinh thần chống ngoại xâm bất khuất, đó là điều cần được phát huy trong 92 triệu người VN trong và ngoài nước.

Chủ quyền quốc gia, ý thức dân tộc và lợi ích quốc gia là những cái “dĩ bất biến”, những cái còn lại là “ứng vạn biến”. Những chuyện “16 chữ”, “bốn tốt” trong quan hệ với TQ là “ứng vạn biến”. Bài học từ cuộc chiến chống xâm lược năm 1979 cho thấy nếu không nhận thức được điều này thì rất nguy hiểm.

Thứ ba, trong bối cảnh quốc tế hiện nay, tiêu chí để phân biệt người yêu nước hiện nay là anh có bảo vệ lợi ích quốc gia hay không. Trên thế giới này không có bạn bè vĩnh viễn hay kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia mới là vĩnh viễn. Năm nay chúng ta chuẩn bị tổng kết Nghị quyết T.Ư 8 (7.2003) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Tôi thấy có một quan điểm bây giờ vẫn đúng, đó là: "Những ai chủ trương tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác của chúng ta. Bất kể thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng đấu tranh". Đồng thời, cũng phải có cách nhìn biện chứng về đối tượng và đối tác: trong mỗi đối tượng vẫn có thể có mặt cần tranh thủ, hợp tác; trong một số đối tác, có thể có mặt khác biệt, mâu thuẫn với lợi ích của ta, cần phải đấu tranh.

Tù binh Trung Quốc bị bắt tại Cao Bằng

- Nhìn lại từ câu chuyện của 34 năm trước đến những căng thẳng hiện tại trong vấn đề biển Đông, theo ông có thể hy vọng gì ở tương lai trong quan hệ giữa VN và TQ ?

- Tạo ra lòng tin, sự hữu nghị chân thật giữa hai nước là con đường tất yếu nhưng đòi hỏi thời gian lâu dài và từ cả hai phía. Đây không phải là điều có thể hy vọng có được trong vài ba năm tới đây. Lịch sử mách bảo chúng ta muốn giữ được hòa bình, ổn định, giữ được độc lập tự chủ thì điều quan trọng nhất là giữ được lòng dân. Trên dưới một lòng, có được sự đoàn kết dân tộc thì chắc chắn không có kẻ xâm lược nào dám dại dột động đến chúng ta cả. Lịch sử VN đã cho thấy những lần mất nước đều bắt đầu từ việc chính quyền mất dân. Năm 179 trước CN An Dương Vương để mất nước là do mất dân. Một ông vua đứng đầu quốc gia mà tin vào kẻ thù thì chuyện mất nước là không thể tránh khỏi. Năm 1406, nhà Hồ mất nước cũng vì đã mất dân. Đến mức độ nhà Minh truy bắt cha con Hồ Quý Ly thì chính những người trong nước đã chỉ điểm cho quân Minh. Năm 1788 Lê Chiêu Thống sang cầu viện Mãn Thanh đưa 20 vạn quân sang giày xéo quê cha đất tổ cũng là ông vua đã mất dân. Đó là bài học muôn đời để bảo vệ chủ quyền quốc gia.

NG.PHONG (THANH NIÊN ONLINE)

 


Hôm nay (17/2), ngày mồng Tám Tết, nhưng cũng là ngày kỉ niệm 34 năm Tàu xâm lăng nước ta và tàn sát hàng vạn dân ta. Cuộc chiến kéo dài chỉ có 16 ngày, nhưng đã để lại một nỗi đau khó có thể nguôi ngoai trong lòng bất cứ người dân Việt nào còn quan tâm đến sự vẹn toàn của đất nước. Ấy vậy mà báo chí, vì lí do nào đó, gần như im lặng. Năm ngoái họ cũng im lặng. Chợt nhớ đến câu those who forget the past are doomed to repeat it – những kẻ nào lãng quên quá khứ sẽ dẫm phải quá khứ.

Cuộc chiến đẫm máu ngày 17/2/1979 là hoàn toàn do Tàu chủ động, và phía Việt Nam thì hình như thiếu chuẩn bị. Thời gian đó, tôi vẫn còn ở trong nước, nhưng không nhớ chính xác đang đi công tác nơi nào. Chỉ nhớ sau 2 ngày tôi mới biết tin. Lúc đó, trong cơ quan vẫn còn “truyền thống” mà theo đó, mỗi sáng có người đọc báo cho cả nhóm cùng nghe. Báo thì chỉ là Nhân dân hay Quân đội nhân dân thôi. Tôi nhớ người đọc báo (là một anh tốt nghiệp đại học kinh tế Sài Gòn) giọng rung rung. Chúng tôi ai cũng giận dữ và quyết chí tìm cách ăn thua đủ với bọn bành trướng. Thời đó, báo chí VN gọi bọn Tàu là “bành trướng”. Sau đó thì đài radio và tivi liên tục cho phát đi những bài nhạc hùng, nhạc chống Tàu, ôn lại những trang sử hào hùng đánh Tàu. Cả cộng đồng nóng lên với quyết tâm đánh Tàu. Ai cũng xác định đây Tàu là kẻ thù truyền kiếp, và đã đến lúc phải nói lên điều này cho mọi người biết. Tàu là kẻ thù truyền kiếp chứ chẳng phải bạn bè gì cả. Trớ trêu thay, ngày nay Nhà nước và Đảng CSVN lại xem -- và bắt 90 triệu người Việt xem -- họ như là người bạn “bốn tốt” và “16 chữ vàng”! Vẫn biết chúng ta phải làm bạn với mọi người, kể cả kẻ cựu thù, và vẫn biết rất có thể Nhà nước và Đảng CSVN nói là để nói, nhưng thú thật tôi thấy rất khó nuốc cái 4 tốt và 16 chữ vàng của những kẻ lúc nào cũng lăm le xâm chiếm nước ta.

Trước khi xua quân tấn công các tỉnh phía Bắc Việt Nam, Đặng Tiểu Bình từng huyênh hoang tuyên bố ở Nhật rằng “sẽ dạy cho Việt Nam một bài học”, rằng “Việt Nam là một côn đồ, phải dạy cho Việt Nam bài học”. Thật ngạc nhiên, một kẻ lãnh đạo một nước đông dân nhất thế giới mà nói năng rất ... côn đồ như thế. Sau này, đọc những gì các quan chức Tàu phát biểu, tôi cũng thấy họ có cách nói rất ư là … vô giáo dục. Ngôn ngữ và hành động của Đặng xứng đáng với danh hiệu lưu manh quốc tế. Điều trớ trêu là ngày nay, các nhà xuất bản Việt Nam tranh nhau xuất bản những cuốn sách ca ngợi cuộc đời và sự nghiệp của tên lưu manh quốc tế này.

Cuộc chiến 16 ngày đó gây tổn hại nặng nề cho ta. Có lẽ chúng ta không bao giờ biết được con số tử vong, nhưng vài thống kê cho thấy con số đó rất lớn. Phía Tàu (qua tướng Ngũ Tu Quyền) nói rằng có đến 20,000 quân Việt Nam bị tử vong. Nhưng bọn Tàu nói thì chúng ta không tin được, vì cái máu nói láo của họ đã được encoded vào DNA rồi. Tạp chí Time cho rằng số lính VN bị tử vong là 10,000 người, và số dân bị giết chết cũng khoảng 10,000 người. Các chuyên gia sử phương Tây thì cho rằng Tàu bị chết 26,000 quân và 46,000 bị thương. Theo sử gia này (Russell Howard) thì con số bên VN cũng tương đương. Dù còn trong vòng ước tính, những con số trên đây cho thấy rõ ràng là có ít nhất 20,000 người Việt đã chết dưới họng súng của bọn Tàu. Đó là một con số rất lớn. Tính trung bình mỗi ngày chúng ta mất ít nhất 1250 người, hay mỗi giờ có 52 người ngã xuống.

Không chỉ thiệt hại về con người, mà cuộc chiến còn gây thiệt hại rất lớn về cơ sở hạ tầng. Các thị xã Lạng Sơn, Cao Bằng, Cam Đường bị tiêu huỷ hoàn toàn. Trường học, bệnh viên, bệnh xá, công sở, hãng xưởng, v.v. bị bị bọn Tàu tiêu huỷ hết. Bẩn thỉu và bần tiện hơn, bọn Tàu còn căn cướp cả tài sản, xe cộ, thậm chí gia cầm của người dân. Tất cả những sự thật đó nhắc nhở chúng ta rằng đối với bọn Tàu ô không chỉ là một kẻ thù, mà còn là kẻ thù dơ bẩn. Người Nhật rất khinh bỉ người Tàu vì cái tính hèn hạ và xảo quyệt của chúng, và chúng ta cũng có lí do để khinh khi những kẻ thù vừa bẩn vừa tàn bạo (nếu không muốn nói là nó thể hiện cái thú tính của những tên Tàu ô trong đội quân viễn chinh).

Nghe nói rằng sau cuộc chiến Việt Nam đã mất một số đất về tay bọn Tàu. Chẳng biết điều này đúng hay sai, nhưng Nhà nước Việt Nam không hề lên tiếng đính chính hay phản bác.

Cuộc chiến 1979 là một cuộc chiến mang tính lịch sử, và đáng được các thế hệ sau biết đến. Đã 34 năm rồi, tức đã có một thế hệ lớn lên sau cuộc chiến, nhưng hình như số người biết đến cuộc chiến chẳng bao nhiêu. Cả chục năm nay, đài báo Việt Nam không còn nhắc đến cuộc chiến như trước đây. Chẳng hạn như năm nay, dạo qua một vòng vài tờ báo, chỉ có Thanh Niên là nhắc đến cuộc chiến, còn các tờ khác thì chọn thái độ im lặng. (Nhưng phía Tàu thì họ thỉnh thoảng có nhắc đến.) Chính thái độ im lặng và cố tình lãng quên lịch sử này là lời giải thích tại sao thanh thiếu niên Việt Nam vẫn chưa biết Hoàng Sa đã bị quân Tàu đánh chiếm như Thanh Niên mới phản ảnh !

Viết đến đây tôi nhớ đến phát biểu của một ông nghị gây sốc cho nhiều người như sau: “Mỹ kiêng sợ Trung Quốc đến độ nhiều chục năm qua không bao giờ dám gọi đồng minh Đài Loan là quốc gia. Thái Lan kiêng sợ Trung Quốc. Thế giới kiêng sợ Trung Quốc. Trung Quốc không sợ bất kỳ quân đội nào của thế giới. Trung Quốc chiếm Hoàng Sa đánh tan các chiến hạm Việt Nam Cộng Hòa ngay trước mũi Đệ Thất Hạm Đội hùng hậu của Hoa Kỳ.” Ông nghị này có vẻ rất thích thú khi thấy Tàu đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam? Xin nhắc lại để các bạn không lầm: người phát biểu là một đại biểu trong Quốc hội Việt Nam, chứ không phải Quốc hội China.

Tôi tự hỏi tại sao không nhắc đến cuộc chiến 1979? Hơn 30 năm cũng đủ để chúng ta có cái nhìn tỉnh táo hơn. Phải biết lịch sử và những yếu tố liên quan để tránh lặp lại vết xẻ đổ trong quá khứ. Một dân tộc không dám nhìn quá khứ là một dân tộc chưa trưởng thành.

N.V.T

Xem thêm:

Chiến tranh biên giới Việt-Trung, 1979 (Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)


Suy ngẫm nhân ngày này


- Muốn đi đến tương lai, có thể không cần mang vác một quá khứ nặng nề nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, cứ đến ngày này là muốn dừng lại để suy ngẫm, dù bằng im lặng hay qua bài viết. Bởi vì có nơi có lúc “chỉ có sự im lặng mênh mông mới không xúc phạm tới chân lý”.

Dẫu sao vẫn cám ơn nhà văn Tạ Duy Anh khi bàn về viết lách, “viết rất mệt, nhưng không viết còn mệt hơn!”. Thật khó tìm được một ý tưởng nào có tính đồng cảm cao như thế để người viết sẻ chia với nhà văn, tuy không dám nhận mình đã đọc được nhiều trang sách của Thánh hiền.

Kết thúc một chuyên luận 11.364 từ về một đề tài gai góc mà nhà văn không giấu giếm rằng, cho đến khi hạ con chữ cuối cùng của chuyên luận, anh vẫn chưa thoát khỏi cảm giác “nghĩ mãi không ra” (?)

Vòng xoáy mới?

Theo GS. Lý Tiểu Binh (Xiaobing Li), trưởng Phân khoa Sử-Địa thuộc Đại học Oaklahoma (Mỹ), khi phát động cuộc chiến biên giới phía Bắc, đối phương muốn chứng tỏ với khu vực/thế giới, họ sẵn sàng sử dụng vũ lực để giải quyết các cuộc tranh chấp lãnh thổ.

43 năm trôi qua từ ngày ấy, quan hệ Việt - Trung vẫn tiếp tục bị căng kéo. Tuy đã có một thời ngắn ngủi, dưới tác động của “Đổi mới” và “Hiện đại hóa”, cả Hà Nội lẫn Bắc Kinh dường như tạm gác các tranh chấp để tập trung cho công cuộc phát triển hòa bình.

Nhưng công cuộc phát triển ấy ngày nay đang bị đe dọa bởi hàng loạt những hành động lấn lướt của Trung Quốc, chống lại điều mà họ cho là các vi phạm đối với lãnh hải của họ trên Biển Đông, một Biển Đông mà họ đòi chiếm trên 80% diện tích.

Rồi chính tờ “Hoàn cầu thời báo”, một phiên bản chính thống từ cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, đã không ít lần hô hào nên đánh Philippines sớm (!), vì nhờ vậy, một cuộc chiến tranh nhỏ sẽ giành thắng lợi, để tránh những cuộc chiến lớn khác sau này (!).

Các nhà quan sát cho rằng, các kiểu “võ mồm” như thế có thể làm cho quan hệ rơi vào vòng xoáy xung đột mới với các nước Đông Nam Á có yêu sách chủ quyền ở vùng biển rất quan trọng cho hoạt động thương mại của cả thế giới này.

Báo cáo của Nhóm khủng hoảng quốc tế (ICG) tại Bỉ nhận định rằng, chính các quan chức Trung Quốc cũng không biết cụ thể giới hạn những khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên biển Đông. Theo AP, báo cáo này còn cho biết, Trung Quốc giao trách nhiệm quản lý các khu vực trên cho không dưới 10 cơ quan khác nhau, hoạt động chồng chéo và mâu thuẫn lợi ích lẫn nhau.

Trên thực tế, cả hai bên đang tiến tới một ngã ba đường để lấy những quyết định chiến lược, có tính chất hệ trọng ảnh hưởng đến tương lai mỗi dân tộc. Trước thời khắc ấy, cả hai bên nên nhìn nhận lại lần nữa một cách kỹ lưỡng, hy vọng rút ra ít nhiều điều hữu ích để có quyết định sáng suốt.

Sống yên ổn với đại quốc

Một trong những điều đáng suy ngẫm nhất, đó là phải tìm mọi cách tránh xung đột vũ trang khi còn có thể! Bản thân Trung Quốc cũng đang làm điều tương tự với các láng giềng Nhật Bản và Hàn Quốc, mặc dù, một bộ phận dư luận ở nước họ cũng có những tuyên bố sặc mùi thuốc súng.

Tuy nhiên, tìm mọi cách để tránh, khác với tránh bằng mọi giá! Hoàn toàn đồng ý với nhà văn Tạ Duy Anh nên xin dẫn một đoạn từ chuyên luận của anh:

“Đọc lại lịch sử chúng ta đều nhận thấy ông cha ta cực kỳ nhất quán với quan điểm đó. Cố gắng hòa hiếu đến phút chót và chỉ khi không còn cách nào khác mới phải dùng đến vũ khí. Trước thế giặc quá mạnh, triều đình nhà Trần thậm chí đã nghĩ đến chuyện buông vũ khí để mong không phải chịu cảnh binh đao khốc liệt có nguy cơ hủy diệt cả dân tộc! Sửa chữa sai lầm chết người ấy chính là nhân sĩ, trí thức, tướng lĩnh và những người dân cày Đại Việt”.

Nhân ngày hôm nay, mong độc giả tham khảo bài viết của nhà văn Tạ Duy Anh “Sống với Trung Quốc” để cùng nhau chia sẻ một cách nhìn về bản chất của mối bang giao Việt-Trung, của các cuộc tranh chấp trên Biển Đông hiện nay cùng với các dự báo cho tương lai, về các hành động của Trung Quốc và sự lựa chọn nên có của Việt Nam.

Có thể đây chưa phải là một bài viết hoàn hảo, nhưng dù sao nó đã hâm nóng cái tinh thần “bóp nát quả cam”, hâm nóng cái quyết tâm “nếu bệ hạ định hàng giặc thì trước hết hãy chém đầu thần đi đã”. Chính nhờ tinh thần ấy mà triều đình nhà Trần đã kết thành một khối rắn chắc, chôn vùi huyền thoại sức mạnh Nguyên-Mông và tạo nên hào khí Đông A để tiếng thơm đến muôn đời.

Cầu hòa là văn hóa phổ quát của những đất nước và xã hội văn minh trong cộng đồng quốc tế, là cách ứng xử khôn sáng của con người có văn hóa. Chỉ có những ai còn khư khư lối sống và tư tưởng thời bộ lạc mới đòi sống mái với bộ lạc khác. Đó là văn hóa bộ lạc thời tiền sử.

Nhưng cầu hòa không đồng nghĩa với việc để cương vực và lãnh hải bị xâm phạm. Cầu hòa không đồng nghĩa với việc quá lo sợ chiến tranh mà đành ôm hận để biển đảo bị nuốt dần, dân lành bị giết hại.

Việt Nam là nước nhỏ hơn, dĩ nhiên luôn cần hòa bình, sống yên ổn bên cạnh đại quốc, nhưng đại quốc cũng cần yên bờ cõi không kém, đặc biệt là cửa ngõ phía Nam, nơi chúng ta có lợi thế về vị trí địa lý trong tác chiến.

Vị trí ấy trong thời đại ngày nay được bồi đắp thêm bởi thế “hợp tung liên hoành” mới. Thời nay, hai chiến lược hợp tung và liên hoành không đơn thuần chỉ mang tính chất quân sự như thời Chiến quốc mà trước hết ưu tiên căn bản trên cơ sở kinh tế, cơ sở của sức mạnh mềm. Sự kết nối trong khu vực và trên toàn cầu là một hy vọng khả thi để sống yên ổn.

Mong lắm thay!

Nguyễn Thiều Quang

Biên Giới Tháng Hai (2009-1979)


.by Osin HuyDuc on Wednesday, February 16, 2011 at 9:21am


Tháng Hai, những cây đào cổ thụ trước cổng đồn biên phòng Lũng Cú, Hà Giang, vẫn chưa có đủ hơi ấm để đâm hoa; những khúc quanh trên đèo Tài Hồ Sìn, Cao Bằng, vẫn mịt mù trong sương núi. Sáng 7-2 nắng lạnh, vợ chồng ông Nguyễn Văn Quế, 82 tuổi, nhà ở khối Trần Quang Khải 1, thị xã Lạng Sơn, ngồi co ro kể lại cái chết 30 năm trước của con trai mình, anh Nguyễn Văn Đài. Năm ấy, Đài 22 tuổi. Ông Quế nói: “Để ghi nhớ ngày ấy, chúng tôi lấy Dương lịch, 17-2, làm đám giỗ cho con”. Năm 1979, vào lúc 5giờ 25 phút sáng ngày 17-2, Trung Quốc nổ súng trên toàn tuyến biên giới Việt Nam, đánh chiếm từ Phong Thổ, Lai Châu, tới địa đầu Móng Cái.

“Những đôi mắt”

Hôm ấy, ông Quế không có nhà, vợ ông, bà Dự, bị dựng dậy khi bên ngoài trời hãy còn rất tối. Bà nghe tiếng pháo chát chúa ở hướng Đồng Đăng và phía dốc Chóp Chài, Lạng Sơn. Bà Dự đánh thức các con dậy, rồi 4 mẹ con dắt díu nhau chạy về xuôi. Tới ki-lô-mét số 10, đã quá trưa, bà rụng rời khi hay tin, anh Đài đã bị quân Trung Quốc giết chết. Anh Đài là công nhân đường sắt, thời điểm ấy, các anh đương nhiên trở thành tự vệ bảo vệ đoạn đường sắt ở Hữu Nghị Quan. Anh em công nhân trong đội của Đài bị giết gần hết ngay từ sáng sớm. Đài thuộc trong số 3 người kịp chạy về phía sau, nhưng tới địa bàn xã Thanh Hòa thì lại gặp Trung Quốc, thêm 2 người bị giết. Người sống sót duy nhất đã báo tin cho bà Dự, mẹ Đài.

Cùng thời gian ấy, ở bên núi Trà Lĩnh, Cao Bằng, chị Vương Thị Mai Hoa, một giáo viên cấp II, người Tày, mới ra trường, cũng bị giật dậy lúc nửa đêm rồi theo bà con chạy vào hang Phịa Khóa. Hàng trăm dân làng trú trong hang khi pháo Trung Quốc gầm rú ở bên ngoài, rồi lại gồng gánh theo nhau vào phía Lũng Pùa, chạy giặc. Chị Hoa không bao giờ có thể quên “từng đôi mắt” của dòng người gồng gánh ấy. Giờ đây, ngồi trong một cửa hàng bán băng đĩa trên phố Kim Đồng, thị xã Cao Bằng, chị Hoa nhớ lại: “Năm ấy, tôi 20 tuổi. Tôi nghĩ, tại sao mình lại chạy!”. Chị quay lại, sau khi thay quần áo giáo viên bằng bộ đồ chàm vì được những người chạy sau cho biết, rất nhiều người dân ăn mặc như cán bộ đã bị quân Trung Quốc giết chết. Từ trên đồi, chị Hoa thấy quân Trung Quốc gọi nhau ý ới và tiến vào từng đoàn.

“Cuộc Chiến 16 Ngày”

Ngày 15-2-1979, Đại tá Hà Tám, năm ấy là trung đoàn trưởng trung đoàn 12, thuộc lực lượng Biên phòng, trấn ở Lạng Sơn, được triệu tập. Cấp trên của ông nhận định: “Ngày 22 tháng 2, địch sẽ đánh ở cấp sư đoàn”. Ngay trong ngày 15, ông ra lệnh cấm trại, “Cấp chiến thuật phải sẵn sàng từ bây giờ”, ông nói với cấp dưới. Tuy nhiên, ông vẫn chưa nghĩ là địch sẽ tấn công ngay. Đêm 16-2, chấp hành ý kiến của Tỉnh, ông sang trại an dưỡng bên cạnh nằm dưỡng sức một đêm bởi vì ông bị mất ngủ vì căng thẳng sau nhiều tháng trời chuẩn bị. Đêm ấy, Trung Quốc đánh.

Ở Cao Bằng, sáng 16 tháng 2, tất cả các đồn trưởng Biên phòng đều được triệu tập về thị xã Cao Bằng nhận lệnh, sáng hôm sau họ tìm về đơn vị triển khai chiến đấu khi Trung Quốc đã tấn công rồi. Sáng 17-2, Tỉnh Cao Bằng ra lệnh “sơ tán triệt để khỏi thị xã”; đại đội 22 của thị xã Cao Bằng được trang bị thêm 17 khẩu súng chống tăng B41. Ngày 18-2, một chiếc tăng Trung Quốc có “Việt gian” dẫn đường lọt tới Cao Bằng và bị tiêu diệt. Nhiều nơi, chỉ khi nhìn thấy chữ “Bát Nhất”, người dân mới nhận ra đấy là tăng Trung Quốc. Đại tá Hà Tám công nhận: “Về chiến lược ta đánh giá đúng nhưng về chiến thuật có bất ngờ”. Tuy nhiên, Đại tá Hoàng Cao Ngôn, Tỉnh đội trưởng Cao Bằng thời kỳ 17-2, nói rằng, cho dù không có bất ngờ thì tương quan lực lượng là một vấn đề rất lớn. Phần lớn quân chủ lực của Việt Nam đang ở chiến trường Campuchia. Sư đoàn 346 đóng tại Cao Bằng nhiều năm chủ yếu làm nhiệm vụ kinh tế, thời gian huấn luyện sẵn sàng chiến đấu trở lại chưa nhiều. Lực lượng cầm chân Trung Quốc ở tuyến một, hướng Cao Bằng, chủ yếu là địa phương quân, chỉ có khoảng hơn 2 trung đoàn.

Trong khi, theo tài liệu từ Trung Quốc, chỉ riêng ở Cao Bằng trong ngày 17-2, Trung Quốc sử dụng tới 6 sư đoàn; ở Lạng Sơn 3 sư và Lào Cai 3 sư. Hôm sau, 18-2, Trung Quốc tăng cường cho hướng Cao Bằng 1 sư đoàn và 40 tăng; Lạng Sơn, một sư và 40 tăng; Lào Cai, 2 trung đoàn và 40 tăng. Lực lượng Trung Quốc áp sát Biên giới vào ngày 17-2 lên tới 9 quân đoàn chủ lực. Ngày 17-2, Trung quốc tiến vào Bát xát, Lao Cai; chiều 23-2, Trung Quốc chiếm Đồng Đăng; 24-2, Trung Quốc chiếm thị xã Cao Bằng; ngày 27-2, ở Lạng Sơn, Trung Quốc đánh vào thị xã.

Thế nhưng, bằng một lực lượng nhỏ hơn rất nhiều, các đơn vị Biên giới đã nhanh chóng tổ chức chiến đấu. Theo cuốn “10 Năm Chiến Tranh Trung Việt”, xuất bản lần đầu năm 1993 của NXB Đại học Tứ Xuyên, quân Trung Quốc đã gọi con đường tiến vào thị xã Cao Bằng của họ là những “khe núi đẫm máu”. Đặc biệt, tiểu đoàn Đặc công 45, được điều lên sau ngày 17-2, chỉ cần đánh trận đầu ở kilomet số 3, đường từ Cao Bằng đi về xuôi qua đèo Tài Hồ Sìn, cũng đã khiến cho quân Trung Quốc khiếp vía. Những người dân Biên giới cho đến hôm nay vẫn nhớ mãi hình ảnh “biển người” quân Trung Quốc bị những cánh quân của ta cơ động liên tục, đánh cho tan tác. Đầu tháng 3-1979, trong khi hai sư đoàn 346, Cao Bằng và 338, Lạng Sơn, thọc sâu đánh những đòn vu hồi. Từ Campuchia, sau khi đuổi Pol Pốt khỏi Phnompênh, hai quân đoàn tinh nhuệ của Việt Nam được điều ra phía Bắc. Ngay sau khi Quân đoàn II đặt những bước chân đầu tiên lên Đồng Mỏ, Lạng Sơn; Quân Đoàn III tới Na Rì; Chủ tịch Nước ra lệnh “Tổng Động viên”… ngày 5-3-1979, Trung Quốc tuyên bố rút quân về nước.

Lào Cai, Sapa, Đồng Đăng, Lạng Sơn… bị phá tan hoang. Tại Cao Bằng, quân Trung Quốc phá sạch sẽ từng ngôi nhà, từng công trình, ốp mìn cho nổ tung từng cột điện. Nếu như, ở Bát Xát, Lao Cai, hàng trăm phụ nữ trẻ em bị hãm hiếp, bị giết một cách dã man ngay trong ngày đầu tiên quân Trung Quốc tiến sang. Thì, tại thôn Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, Cao Bằng, trong ngày 9-3, trước khi rút lui, quân Trung Quốc đã giết 43 người, gồm 21 phụ nữ, 20 trẻ em, trong đó có 7 phụ nữ đang mang thai. Tất cả đều bị giết bằng dao như Pol Pốt. Mười người bị ném xuống giếng, hơn 30 người khác, xác bị chặt ra nhiều khúc, vứt hai bên bờ suối.

Lặng Lẽ Hoa Đào

Ngồi đợi ông Nguyễn Thanh Loan, người trông giữ nghĩa trang Vị Xuyên, Hà Giang, chúng tôi nhìn ra xa. Tháng Hai ở đây mới là mùa hoa đào nở. Nghĩa trang có 1680 ngôi mộ. Trong đó, 1600 mộ là của các liệt sỹ hy sinh trong cuộc chiến tranh từ ngày 17-2. Ở Vị Xuyên, tiếng súng chỉ thật sự yên vào đầu năm 1990. Năm 1984, khi Trung Quốc nổ súng trở lại hòng đánh chiếm hơn 20 cao điểm ở Thanh Thủy, Vị Xuyên, bộ đội đã phải đổ máu ở đây để giành giật lấy từng tấc đất. Rất nhiều chiến sỹ đã hy sinh, đặc biệt là hy sinh khi tái chiếm đỉnh cao 1509. Ông Loan nhớ lại, cứ nửa đêm về sáng, xe GAT 69 lại chở về, từng túi tử sỹ xếp chồng lên nhau. Trong số 1600 liệt sỹ ấy, chủ yếu chết trong giai đoạn 1984, 1985, có người chết 1988, còn có 200 ngôi mộ chưa xác định được là của ai. Sau khi hoàn thành việc phân giới cắm mốc, cái pháo đài trên đỉnh 1509 mà Trung Quốc dành được và xây dựng trong những năm 80, vẫn còn. Họ nói là để làm du lịch. Từ 1509, có thể nhìn thấu xuống thị xã Hà Giang. Năm 1984, từ 1509 pháo Trung Quốc đã bắn vào thị xã.

Trên đường lên Mèo Vạc, sương đặc quánh ngoài cửa xe. Từng tốp, từng tốp trai gái H’mông thong thả cất bước du xuân. Có những chàng trai đã tìm được cho mình cô gái để cầm tay. Một biên giới hữu nghị và hòa bình là vô cùng quý giá. Năm 1986, vẫn có nhiều người chết vì đạn pháo Trung Quốc nơi đoạn đường mà chúng tôi vừa đi, nơi các cô gái, hôm nay, để cho các chàng trai cầm tay kéo đi với gương mặt tràn trề hạnh phúc.

Quá khứ, rất cần khép lại để cho những hình ảnh như vậy đâm chồi. Nhưng cũng phải trân trọng những năm tháng đã thuộc về quá khứ. Tháng Hai, đứng ở bên này cửa khẩu Chi Ma, Lạng Sơn, nhìn sang bên kia, thấy lừng lững một tượng đài đỏ rực mà theo các sỹ quan Biên phòng, Trung Quốc gọi là “ đài chiến thắng”. Trở lại Lạng Sơn, những chiếc xe tăng Trung Quốc bị quân và dân ta bắn cháy hôm 17-2 vốn vẫn nằm bên bờ sông Kỳ Cùng, giờ đã được bán sắt vụn cho các khu gang thép. Ở Cao Bằng, chúng tôi đã cố nhờ mấy người dân địa phương chở ra kilomet số 3, theo hướng đèo Tài Hồ Sìn, tìm tấm bia ghi lại trận đánh diệt 18 xe Trung Quốc của tiểu đoàn đặc công 45, nhưng không thấy. Trở lại Tổng Chúp, phải nhờ đến ông Lương Đức Tấn, Bí thư Chi bộ, nguyên huyện đội phó Hòa An, đưa ra cái giếng mà hôm 9-3-1979, quân Trung Quốc giết 43 thường dân Việt Nam. Ông Tấn cũng chính là một trong những người đầu tiên trở về làng, trực tiếp đỡ từng xác phụ nữ, trẻ em, bị chặt bằng búa, bằng dao rồi quăng xuống giếng. Cái giếng ấy bây giờ nằm sâu trong vườn riêng của một gia đình, không có đường đi vào. Hôm ấy, anh Tấn phải kêu mấy thanh niên đi theo chặt bớt cành tre cho chúng tôi chụp hình bia ghi lại sự kiện mà giờ đây đã chìm trong gai tre và lau lách.

Huy Đức

Bài đăng trên Sài Gòn Tiếp Thị ngày 9-2-2009, bản đưa lên báo online bị rút xuống ngay trong buổi sang.





.

Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2013

Người bác sĩ và cây tre Việt

SGTT Xuân 2013 - Bác sĩ Lê Trọng Phi, người giúp phát triển lĩnh vực can thiệp tim bẩm sinh Việt Nam năm nào cũng bỏ thời gian về nước nhiều lần để thực hành và chuyển giao kỹ thuật tim mạch can thiệp điều trị bệnh tim bẩm sinh. Phải có một động lực nào mạnh mẽ người ta mới làm được điều này.

Tấm lòng vì quê hương

Bác sĩ Lê Trọng Phi đang hướng dẫn đồng nghiệp Việt Nam điều trị một ca
bệnh tim bẩm sinh tại bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM. Ảnh: Thanh Hảo

Cách đây hơn mười năm, năm 1999, khi bác sĩ Lê Trọng Phi mang một số thiết bị quyên góp từ Đức về bệnh viện Chợ Rẫy để biểu diễn chữa bệnh tim bẩm sinh bằng can thiệp tim mạch, nhiều bác sĩ Việt Nam không khỏi ngỡ ngàng và khâm phục. Nếu trước đó để chữa những bệnh như thế, bác sĩ phải mở lồng ngực bệnh nhân thì nay có một giải quyết nhẹ nhàng hơn, ít mất máu, đau đớn nhưng vẫn hiệu quả: luồn một ống thông vào mạch máu, qua đó đưa dụng cụ đến chỗ tổn thương để sửa chữa.

Đó là lần đầu tiên ông về nước được làm việc trực tiếp, chứ trước đó vào năm 1994 trong chuyến tìm về cội nguồn đầu tiên của người con sau 22 năm trời xa xứ, ông chỉ nhận được sự e dè từ người chung quanh. Và từ hơn năm năm trở lại đây, người ta ngày càng quen với hình ảnh một bác sĩ cứ mỗi lần về nước là mang theo một số thiết bị y khoa đã sử dụng bên Đức nhưng còn tốt để dùng lại cho bệnh nhân, một bác sĩ Việt kiều luôn tất bật với những ca bệnh khó, vừa giải quyết vừa chỉ dạy đồng nghiệp Việt Nam.

Ông giải thích: "Câu chuyện bắt đầu vào năm 2005 khi một người ở Munich tiếp xúc với tôi và cho biết tổ chức "Trái tim vì trái tim" (Herz für Herz) muốn giúp những nước nghèo, trong đó có Việt Nam, bằng cách tài trợ một số trẻ em sang Đức mổ tim. Tôi gọi về nước, người ta chuẩn bị ba bé, tất cả được đưa sang Đức và điều trị thành công". Chuyện chỉ dừng lại ở đây nếu bác sĩ Phi không từ Hamburg – nơi ông sống và làm việc lúc ấy – bay sang Munich để cám ơn tổ chức và đề nghị một cách làm bền vững hơn, đó là giải quyết những ca bệnh ngay tại chỗ bằng cách đào tạo các bác sĩ Việt Nam. Đó là một ý tưởng hay, tổ chức đề nghị bác sĩ Phi lập dự án.

Dự án được viết, trong nhiều mục tiêu đặt ra có mục tiêu giúp đỡ Đà Nẵng trở thành một trung tâm tim mạch mạnh. "Tại sao Đà Nẵng?", tôi hỏi. "Theo tôi Hà Nội và TP.HCM có trang thiết bị tân tiến và đội ngũ tim mạch can thiệp khá mạnh, nhưng miền Trung thì hầu như chưa có. Người dân ở đây lại rất nghèo, vì thế một trung tâm tim mạch ở đây sẽ mang lại cơ hội sống cho nhiều trẻ em", ông trả lời.

Dự án của bác sĩ Lê Trọng Phi đã thuyết phục được Herz für Herz. Tổ chức mua ngay một máy chụp DSA tặng bệnh viện Đà Nẵng, giá đến 1 triệu USD, bởi phải có thiết bị tiên tiến này bác sĩ mới áp dụng được kỹ thuật can thiệp tim mạch để điều trị bệnh tim. Lần về nước năm 2006 đối với bác sĩ Phi là chuyến đi đặc biệt, bởi ông không chỉ mang về nước một món quà đặc biệt, mà còn tự tin vì phía sau là một tổ chức từ thiện, chỗ dựa để ông được về nước lâu dài và thường xuyên hơn. Từ khi có thiết bị này, lĩnh vực tim mạch can thiệp Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung đã thật sự phát triển. Kết quả này làm cho dự án thêm bền vững: trong năm 2013 này, Đà Nẵng có thêm một máy chụp DSA do hội trao tặng, giá 1 triệu euro!

Cảm hứng cây tre Việt

Theo gia đình đến Đức năm 1972, bác sĩ Lê Trọng Phi được xem là một tấm gương người Việt thành đạt ở xứ người. Tốt nghiệp đại học y khoa, ông học tiếp ngành nhi và từng làm việc như bác sĩ chính khoa tim mạch nhi đại học Bonn, trước khi điều hành phòng khám tim mạch nhi đại học Hamburg-Eppendorf (TP Hamburg). Từ tháng 6 năm qua, ông làm trưởng khoa bệnh tim bẩm sinh và cấu trúc tại bệnh viện Links der Weser Bremen (TP Bremen).

"Sống ở nước ngoài lâu năm, chịu ảnh hưởng văn hoá Tây phương, liệu ông có bị đồng hoá và quên mất văn hoá Việt không?", tôi hỏi. Ông trả lời: "Tiếp nhận thêm nền văn hoá mới với tôi là một may mắn chứ không phải thử thách. Bởi tôi có thể nhìn văn hoá Việt bằng cặp mắt người phương Tây và nhìn lại văn hoá phương Tây bằng cặp mắt Việt. Đó là sự so sánh và đối chiếu, từ đó tôi có thể chọn lựa được những điểm hay để học tập". "Vậy nếu chọn một tinh thần phương Tây để người Việt học tập, ông chọn tinh thần nào?" Bác sĩ Phi cho biết: "Đó là tinh thần khát khao ý tưởng mới, khi tìm được thì mạnh dạn phát biểu và đi tới. Thật ra ý tưởng mới không phải lúc nào cũng chống chọi lại ý tưởng cũ mà đôi lúc nó lại bổ sung".

Quá trình hành nghề của bác sĩ Lê Trọng Phi đã minh chứng cho những gì ông nói. Trong lĩnh vực tim mạch can thiệp hiện nay, việc dùng lò xo để bịt lỗ thông trong điều trị chứng thông liên thất không còn là chuyện lạ. Có nhiều dạng lò xo khác nhau, và một trong số đó là Nit-Occlud® Lê VSD coil (lò xo), sáng chế của bác sĩ Lê Trọng Phi đang được thế giới quan tâm. Mọi chuyện bắt đầu vào giữa những năm 1980 khi ông quan sát đồng nghiệp dùng lò xo để bịt ống thông động mạch và tự hỏi tại sao không dùng lò xo để bịt lỗ thông ở vách liên thất. Để làm điều này, người ta phải vượt qua một thách thức đó là không chỉ bịt được lỗ thông mà còn phải cố định được lò xo trên vách để nó không rơi ra. Ông giải thích: "Thông liên thất là sự tồn tại một lỗ thông trên vách tim, như thế đây là bệnh của cơ tim, có giải phẫu phức tạp và nhạy cảm hơn bệnh còn ống động mạch nhiều. Do đó, lò xo bịt thông liên thất phải vừa mềm mỏng để uyển chuyển, hài hoà theo đàn hồi của cơ tim lại vừa phải chắc chắn để bám vào vách liên thất. Sự mềm mỏng và chắc chắn như thế không khác gì đặc tính của cây tre Việt". Chia tay quê hương năm 15 tuổi, nhiều năm sống ở nước ngoài, thế mà ông vẫn còn giữ hình ảnh cây tre Việt để lấy ý tưởng cho phát minh của mình thì đúng là đáng quý.

Ngày nay lò xo Nit-Occlud® Lê VSD đã được sử dụng ở nhiều nước trên thế giới, được giới chuyên môn đánh giá tốt vì bổ sung được khiếm khuyết của một số lò xo cùng loại. Cha đẻ một phát minh quan trọng trong lĩnh vực tim mạch, thế nhưng khi hỏi về thành công của mình, bác sĩ Lê Trọng Phi luôn khiêm tốn: "Cũng là cái duyên vì tôi may mắn được làm việc chung với một bác sĩ trẻ cũng là kỹ sư thiết kế. Chúng tôi thảo luận với nhau và khi ý tưởng mới nảy ra là chúng tôi theo đuổi đến cùng". Đúng là cơ duyên, nhưng cái duyên đó chỉ có ý nghĩa và thành công chỉ có thể đến được nếu người ta luôn biết tìm kiếm ý tưởng mới, say mê công việc và không quên nguồn cội của mình.
PHAN SƠN
Một trung tâm tim mạch chuyên sâu cho Việt Nam

Gặp bác sĩ Lê Trọng Phi vài ngày ngắn ngủi, nhưng tôi nghe ông đề cập nhiều lần về ước vọng thực hiện dự án thành lập một trung tâm tim mạch chuyên sâu ở Việt Nam. "Vì sao cần có trung tâm này?", tôi hỏi. Ông trả lời: "Y học trong nước hiện nay phát triển rất nhanh, bác sĩ Việt Nam có điểm mạnh là khéo tay, bền bỉ, cần cù, vì thế nếu có được môi trường làm việc thuận lợi, sự phát triển còn nhanh hơn nữa".

Bác sĩ Phi cho biết, thật ra dự án chỉ là phương tiện để đạt mục đích. Trong lĩnh vực tim mạch can thiệp hiện nay, Việt Nam đã vượt qua được một số quốc gia lân cận và cần tiếp cận một trình độ cao hơn. Điều này chỉ có thể có được khi có một trung tâm chuyên sâu, nơi đó có cơ chế làm việc thoáng, tổ chức chặt chẽ và kỷ luật, kết hợp yếu tố khoa học và nhân đạo.

Về nước nhiều lần, lần nào ông cũng chia sẻ ước vọng trên và tìm kiếm đối tác thực hiện. Như chiếc lò xo Nit-Occlud® Lê VSD, tôi tin ước vọng của bác sĩ Lê Trọng Phi đang trong giai đoạn nén lại và đến thời điểm thích hợp nào đó nó sẽ bung ra để kết nối điều tốt đẹp, mang lại sự phát triển mới cho y học Việt Nam.



Thứ Bảy, 9 tháng 2, 2013

Mừng Xuân Quí Tỵ


Kính chúc Quí Anh Chị và Gia đình một năm mới luôn vui khỏe, hạnh phúc,
và MỌI ĐIỀU TỐT LÀNH.



Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2013


Cùng Viết Hiến Pháp

http://thichhoctoan.net/2013/02/01/cung-viet-hien-phap/


Giới thiệu một trang mạng mới: http://hienphap.net/

*****

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp Việt nam 1992 đã gây nên sự chú ý rộng rãi trong người dân. Trang Cùng viết Hiến pháp này ra đời nhằm tạo thêm một không gian đối thoại cho tất cả những người quan tâm đến việc sửa đổi Hiến pháp, để họ có thể cùng thảo luận về chủ đề này một cách nghiêm túc và dân chủ.

Hiến pháp là đạo luật cơ bản của một quốc gia. Hiến pháp phải chứa đựng những nguyên tắc làm nền tảng cho việc xây dựng thể chế chính trị, tổ chức và vận hành của nhà nước, bảo vệ những quyền cơ bản của
người dân. Một bản hiến pháp tốt là bước đầu tiên để đảm bảo cho các công dân cùng nhau xây dựng một cuộc sống hoà bình, tự do, một xã hội dân chủ và công bằng, cái mà xét cho cùng, chính là lý do cho sự tồn tại của mọi thiết chế xã hội. Tuy đều có hoặc đều dựa vào nền tảng triết học này, hiến pháp của các nước đã ra đời trong những bối cảnh lịch sử khác nhau, đã bị chi phối bởi những hệ thống quyền lợi, những sức mạnh chính trị khác nhau, và rốt cuộc chúng đã có những dấu ấn khác nhau lên lịch sử phát triển của mỗi nước. Để hiểu Hiến pháp 1992 và tham gia tích cực vào việc sửa đổi nó, thiết nghĩ cần tham chiếu các bản Hiến pháp Việt nam đã từng có trước đó, cũng như những bản Hiến pháp đã có dấu ấn trong lịch sử thế giới.

Cùng viết Hiến pháp sẽ đăng, hoặc đăng lại những bài viết phân tích về những nội dung cụ thể của Dự thảo sửa đổi hiến pháp Việt nam 1992, về bối cảnh ra đời, dấu ấn lịch sử của những hiến pháp quan trọng trên thế giới, và sẽ đặc biệt quan tâm đến những yếu tố làm nên sức sống và sức mạnh của một bản hiến pháp, như một hệ qui chiếu trong một thế giới luôn luôn vận động, chứ không chỉ đơn thuần như một công cụ cho công tác quản lý nhà nước.

Cùng viết Hiến pháp khuyến khích đối thoại giữa các tác giả, và với độc giả. Cùng viết Hiến pháp đề cao
tinh thần tôn trọng trong đối thoại, tôn trọng người viết, tôn trọng người đọc, tôn trọng ngữ pháp tiếng Việt. Cùng viết Hiến pháp khuyến khích tranh luận thẳng thắn dựa trên lý lẽ và dẫn chứng, không lấy phẫn nộ làm phương pháp tranh luận, không nhận đăng những ý kiến có tính qui kết vô căn cứ, có tính thoá mạ, vu khống hoặc lạc đề.

Cùng viết Hiến pháp chủ trương hạn chế nội dung trong phạm vi những vấn đề liên quan trực tiếp đến Hiến pháp và việc xây dựng một nhà nước pháp quyền. Các vụ việc cụ thể nếu được nêu sẽ khoanh định dưới dạng thức học thuật để nghiên cứu tính hợp lý và nhất quán của Hiến pháp và pháp luật. Cùng viết Hiến pháp không tham gia vào việc bình luận, phán xét đúng sai trong những vụ việc cụ thể.

Cùng viết hiến pháp ra đời ngày 1/2/2013 để tạo ra một không gian đối thoại dân chủ về việc sửa đổi Hiến pháp, và sẽ được duy trì ít nhất đến ngày 31/03/2013 để phục vụ việc đóng góp ý kiến vào bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Chúng tôi hy vọng đây sẽ là bước khởi đầu tạo điều kiện cho những đối thoại thẳng thắn về xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.

Nhóm khởi xướng
Ngô Bảo Châu

Đàm Thanh Sơn
Nguyễn Anh Tuấn