Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

Nguyễn Tiến Minh: ’Lương tôi 7 triệu thì làm gì có sức ép’

'Ai gây sức ép cho tôi? Sức ép chỉ dành cho những tay vợt như Lee Chong Wei. Anh ta được xem là tài sản quý của quốc gia, được bố trí một đội ngũ HLV giỏi, nhân viên massage đi theo từng giải đấu. Còn tôi tự thân một mình đi thi đấu', Tiến Minh nói.
"Đây là lúc tôi có phong độ cao nhất"
Ở độ tuổi ngoài 30, nhiều người nghĩ anh sắp hết thời, đặc biệt khi anh thua liên tục một số giải đấu đầu năm?
- Ngược lại mới đúng, đây là lúc mà tôi cảm thấy phong độ ổn định nhất, tốt nhất kể từ khi bước vào thi đấu chuyên nghiệp. Chỉ đáng tiếc tôi chơi cầu lông đỉnh cao quá muộn, tận năm 24 tuổi nên phải đến bây giờ tôi mới đạt độ chín. Nếu hết thời, tôi đã không vô địch giải Mỹ một cách thuyết phục.
Trở lại với giải Mỹ vừa rồi, nguyên nhân nào giúp anh thi đấu thăng hoa trước tay vợt trẻ, khỏe và có chiều cao tốt hơn mình để lên ngôi vô địch?
- Wong Wing Ki không phải là tay vợt xoàng nhưng đây là giải đấu mà tôi đã chơi vượt sức mình. Động lực chính cho tôi là được rất đông kiều bào Việt Nam đến cổ vũ. Tôi thi đấu như trên sân nhà nên tinh thần lên rất cao. Nếu gặp Wong Wing Ki ở một nơi khác, tôi nghĩ mình sẽ thua.
 
Nguyễn Tiến Minh, vô địch, cầu lông
 
Tiến Minh với chức vô địch Mỹ mở rộng 2013 (Giải Mỹ mở rộng chỉ trao Cup tượng trưng thay cho chiếc Cup khủng của giải)
 
 
Đâu là chiến thắng đáng nhớ nhất của anh trong sự nghiệp?
- Đó là trận đấu mà tôi thắng tay vợt số 1 thế giới Lee Chong Wei tại giải Singapore mở rộng năm 2009. Vẫn biết khi đó, Lee Chong Wei không có được phong độ tốt nhất nhưng trận thắng ấy giúp thế giới biết đến cầu lông Việt Nam. Không dễ dàng để 1 VĐV đến từ Việt Nam thắng được một cường quốc cầu lông như Malaysia.
Đối mặt với nhiều cao thủ trong sự nghiệp, ai là người khiến anh sợ nhất?
- Trong thể thao không có chuyện sợ hãi, nhưng trong sự nghiệp có những đối thủ khi bước vào trận đấu tôi nghĩ tôi không thể thắng, đó là Lin Dan, Lee Chong Wei, Peter Gade, Chen Jin. Đó là những tay vợt mà đường cầu của họ trên cơ tôi hoàn toàn.
Anh nghĩ mình sẽ thi đấu đỉnh cao bao lâu nữa?
- Tôi sẽ thi đấu đến tận tháng 6/2016 khi hợp đồng tài trợ với Kawasaki kết thúc. Đó là thời điểm thích hợp để giải nghệ. Mục tiêu lớn nhất của tôi giờ là vô địch SEA Games.
"Làm gì có sức ép!"
Khi anh thua ngay tại vòng 1 một số giải đấu đầu năm, có nhiều ý kiến cho rằng anh bị tâm lý, sức ép dẫn đến kết quả không tốt?
- Ở độ tuổi của tôi cũng như “điều kiện” mà tôi đang có thì không có chuyện sức ép. Thắng thua trong thi đấu là chuyện thường tình, nhất là khi những đối thủ đánh bại tôi đến từ những cường quốc cầu lông như Trung Quốc hay Malaysia.
“Điều kiện” như anh nói là gì?
- Anh có biết lương tôi nhận tại TP.HCM là bao nhiêu không? Chỉ có 7 triệu đồng/tháng. Số tiền này không đủ để tôi trang trải sinh hoạt khi tham dự một giải đấu. Còn Liên đoàn cầu lông Việt Nam một năm chỉ hỗ trợ kinh phí tham dự 3 giải: vô địch thế giới, vô địch châu Á và Surdiman Cup, tổng cộng khoảng chừng 50 triệu đồng.
Thử hỏi với điều kiện như vậy, ai gây sức ép cho tôi? Sức ép dành cho những tay vợt như Lee Chong Wei, khi anh ta được xem là tài sản quý của quốc gia, được bố trí một đội ngũ HLV giỏi, nhân viên massage đi theo từng giải đấu. Còn tôi tự thân một mình đi thi đấu, có lúc thiếu cả HLV, chẳng có gì là sức ép cả!
Nói vậy anh thi đấu vì mục tiêu gì?
- Tôi thi đấu vì bản thân tôi, vì hợp đồng đã ký kết với nhà tài trợ cũng như vì màu cờ sắc áo. Việt Nam không có truyền thống cầu lông như Malaysia, Trung Quốc hay Indonesia nên nếu thi đấu tốt, đó là một vinh hạnh rất lớn, trước hết cho bản thân tôi.
So với các tay vợt cùng đẳng cấp ở các nước khác, anh có thấy mình thiệt thòi?
- Tôi quen rồi vì gần như không thay đổi được gì. Như ở Ấn Độ, một tay vợt kém tôi về thứ hạng cũng như thành tích là Kashyap lại có được thu nhập ít nhất là gấp đôi tôi. Còn tại Indonesia, một tay vợt nằm trong top 30 ra đường đã được ngưỡng mộ.
-Có vẻ như anh không chỉ ấm ức mỗi chuyện “chế độ”?
- Tôi buồn vì dư luận không đánh giá đúng công sức của tôi. Các tay vợt hàng đầu thế giới luôn có truyền thông đi theo nên phong độ và thành tích của họ luôn được xem xét một cách rất khách quan.
Tôi không có may mắn đó nên khi thua 1 tay vợt có thứ hạng thấp hơn, tôi bị xem là thua do tâm lý, do hết thời, chỉ thắng được mấy giải nhỏ… Đó là điều tôi rất buồn. Họ không hiểu rằng để thua những tay vợt của Trung Quốc hay Malaysia là chuyện thường tình bởi thứ hạng nhiều khi chẳng có nghĩa lý gì. Ở những nước này, các tay vợt giỏi nhất ở từng bang, tỉnh sẽ được tập trung ĐTQG rồi sau đó chọn ra những người giỏi nhất đi đánh giải quốc tế. Sàng lọc kỹ càng như vậy, nên trình độ của họ rất cao. Còn Việt Nam ngay cả chuyện gọi tập trung các tay vợt giỏi của từng địa phương còn xảy ra tị nạnh nên tập trung ở Hà Nội, TP.HCM hay Đà Nẵng thì bảo làm sao phát triển được cầu lông?
Những lúc thua trận hay bị đánh giá bất công, anh làm gì để giải tỏa?
- Tôi thường gọi điện cho bạn bè, người thân, đặc biệt là bố mẹ. Gia đình vẫn là điểm tựa chính và là nơi tôi cảm thấy bình yên nhất.
(Theo Infonet)