Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

Mẹ tôi & câu niệm “Nam-mô Quán Thế Âm Bồ-tát”

GN - Mẹ tôi cầu Bồ tát không vì mình (vô ngã) mà chỉ vì mọi người, con cháu, người thân...
Mẹ tôi tin “chắc như đinh đóng cột” vào sự linh ứng của Bồ-tát Quán Thế Âm. Mẹ nhất quyết: bất cứ ai, hễ gặp bất trắc, tai nạn khổ đau mà thành tâm niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm thì Ngài sẽ cứu độ cho tai qua nạn khỏi; nếu không được ngay thì sớm muộn mọi sự cũng hanh thông tốt đẹp! Mẹ tôi nhắc nhở con cháu và mọi người quen lạ nên thành tâm cầu nguyện Bồ-tát Quán Thế Âm! Và câu niệm “Nam-mô Đại từ Đại bi cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ-tát” đã nhập tâm và theo mẹ tôi suốt cho đến cuối đời. 
Avalokitesvara__GuanYin_by_kokawa.jpg
Linh ứng chăng? Thật ra, hồi đó tôi không mấy quan tâm, và cũng như mọi người trong nhà, tôi cho là mẹ “mê tín”. Lên trung học, được tiếp cận mớ kiến thức nhà trường với sách báo, phim truyện…, tôi lại càng nghi ngờ điều mẹ tin, cho là thiếu cơ sở khoa học. Trong những năm đầu thập niên 50-60, trào lưu triết học phương Tây thịnh hành; triết lý hiện sinh như là mốt được giới trẻ học sinh, sinh viên hâm mộ tôn sùng. Mặc dầu hiện sinh là gì, phần đông chúng tôi cũng còn lờ mờ nhưng đã ảnh hưởng và để lại dấu ấn sâu đậm trong nhận thức, suy tư, nếp sống thanh niên thời bấy giờ, nhất là giới trẻ có học. Tôi, một đứa nhà quê về phố học, cũng như phần đông thanh niên thời đó, muốn giũ bỏ cái lốt quê mùa bằng cách tập tò học đòi “mốt trí thức” với cặp kính trắng và những quyển sách triết của Albert Camus, J. Paul Satre luôn lè kè bên mình. Hiện sinh, vấn đề thời thượng mà ở bất cứ đâu - vỉa hè, sân trường, nhà ga, bến xe, quán cà-phê... cũng đem ra bàn cãi, tranh luận; và với thái độ hoài nghi, họ thẳng thừng bác bỏ những gì mắt không thấy, tai không nghe. Bản thân tôi cũng không ngần ngại gạt qua một bên điều mẹ tin, coi thường lời mẹ dặn, tự cho là “mọi sự được mất, thành bại ở đời đều do số phận cả. Linh ứng chỉ là sự ngẫu nhiên, trùng hợp, tình cờ”.
Bước vào đời trước bao nghịch cảnh phũ phàng và thất bại đắng cay, tôi hoang mang không còn biết tin vào đâu. Nhiều người cho hoàn cảnh sướng khổ đều do số phận cả. Nhưng số phận do đâu? Tôi băn khoăn tự hỏi! Tại sao người xinh đẹp, giàu có, hạnh phúc; kẻ lại xấu xí, bất hạnh, khổ đau? Người cho là do trời hay thượng đế quyền năng an bài. Như thế tại sao đều là con người và là con cái thượng đế mà kẻ của cải thừa mứa, người lầm than đầu tắt mặt tối? Như thế có bất công? Có quan niệm cho là nghiệp… thì chuyển được chăng, ai cứu? Có thể nào đặt cược đời mình vào niềm tin mơ hồ và tôi nghi ngờ điều xác tín về sự mầu nhiệm. Trong khi không ít trường hợp tôi đã mở to mắt kinh ngạc trước những kỳ diệu mà mớ kiến thức khoa học của tôi chịu bó tay không tài nào lý giải! Thật ra, những lúc cùng đường bế tắc, tôi cũng cầu nguyện (tất nhiên thầm kín không ai hay) nhưng có bao giờ tôi được đáp ứng. Tuy thế, khi liên hệ hoàn cảnh gia đình mình với bạn bè đồng song đồng lứa, tôi không khỏi giựt mình tự hỏi sự may mắn do đâu có? Sinh ra và lớn lên trong gia đình đông con ở một vùng quê nghèo, anh em tôi đều được học hành, tuy không đến nơi đến chốn nhưng có được chút hiểu biết giắt lưng đối với thời bấy giờ không là chuyện dễ. Nhất là khi phải đối diện trước tình huống sống chết chỉ trong gang tấc, mạng sống như chỉ mành treo chuông…, trong sâu thẳm lòng tôi bỗng vuột ra lời cầu nguyện chí thành và tôi đã vượt qua hiểm nguy. Sức mạnh kỳ diệu nào đã thúc đẩy thực sự tôi không thấy, không hay biết nhưng là sự thật không thể chối cãi! Và trải bao biến cố chiến tranh tù tội chết chóc xảy đến, bạn bè đứa chết hay mất người thân, đứa nhà cửa tan nát phải tha phương cầu thực, gia đình tôi vượt qua và anh em tôi may mắn sống sót và được an lành. Điều đó đã đặt ra cho tôi câu hỏi về trải nghiệm tâm linh của mẹ. Vì không nhờ “phước phần” từ niềm tin tâm linh mẹ tưới tẩm làm sao anh em tôi có nơi nương tựa để đứng vững? Và trong cuộc sống đầy bất trắc, bao sự việc đến với tôi hay trực tiếp chứng kiến đã đánh thức tôi quay về giọt nước cam-lồ-cứu-khổ-Quán-Thế-Âm mà mẹ hằng tin sâu và ân cần trao lại con cháu mà có lúc chúng tôi vô tình cho là mẹ mê tín.           
Những năm 80 của thế kỷ trước, đời sống khó khăn, không những tiền bạc thiếu thốn mà thì giờ cũng eo hẹp, việc đi lại không dễ dàng nên có thương cha mẹ, nhớ anh em bạn bè cũng chịu. Suốt năm qua tôi không về thăm nhà nên khi được tin mẹ mất, tôi bối rối không biết phải làm sao. Tình hình xe tàu khó khăn, tiền bạc thiếu hụt lấy gì xoay xở! Đang loay hoay tìm cách tháo gỡ, bỗng lời mẹ năm xưa thôi thúc. Tôi thắp nén hương đứng giữa trời đất thành tâm khấn cầu Bồ-tát Quán Thế Âm gia hộ cho tôi được về kịp để lo đám tang mẹ! Và tôi giữ mãi câu niệm suốt đêm. Bốn giờ sáng, tôi đã có mặt ở bến xe xếp hàng mua vé. Nhưng đến bảy giờ có thông báo “Vé đã bán hết từ chiều hôm qua!”. Mọi người đều tỏ ra bức xúc, tức giận… nhưng cuối cùng đều tản mác! Tôi đánh bạo vào ngay phòng vé năn nỉ, nhưng vô ích. Quay ra, tôi thở dài ngồi xuống bậc cấp chờ một cơ may. Một chuyến xe tăng cường, biết đâu? Bỗng một người đàn ông trông quen quen đến bên tôi cười bảo: “Anh có vẻ bồn chồn, hẳn có việc cần, tôi thì chưa vội!”. Đặt tấm vé vào tay tôi rồi ông vội bỏ đi ngay. Tôi trố mắt ngạc nhiên! Là sự thật? Nhưng tấm vé đã sờ sờ trên tay. Tôi mừng quá, vội nhảy lên xe. Ngồi xuống ghế, tôi mới sực nhớ mình chưa trả lại tiền vé và cũng không một lời cảm ơn. Tôi đứng lên định bước xuống nhưng xe đã chuyển bánh và nhìn quanh chẳng thấy bóng dáng người đó đâu! Tôi moi óc, cố lục lọi trí nhớ xem là ai? Sao có chuyện kỳ lạ vậy? Về đến nhà, chị tôi cho biết, nhờ sự quan tâm giúp đỡ của quý thầy và quý bác trong khuôn hội nên mọi việc đã đâu vào đấy. Câu hỏi về người đàn ông cứ theo tôi mãi, cho đến khi mọi việc xong xuôi, tôi đến chùa thăm thầy và được thầy khai mở.                           
Tôi thay mặt gia đình đến chùa lễ Phật, cảm tạ ơn thầy. Thầy ân cần bảo: “Chỉ là Phật sự, gia đình không nên quá bận tâm chuyện ơn nghĩa. Phật dạy cách tốt nhất đền đáp ơn Tam bảo là giúp đỡ mọi người!”. Thấy thầy tỏ vẻ cởi mở, tôi mạnh dạn nêu câu hỏi thắc mắc bấy lâu. “Thưa thầy, nhiều người cho rằng hễ ai gặp bất trắc khó khăn hoạn nạn, cầu Bồ-tát liền được cứu độ, nhưng có người cầu mà chẳng bao giờ được đáp ứng, như thế nghĩa là sao?”. Thầy rót nước mời uống rồi ân cần giải thích. Đạo Phật là đạo từ bi và trí tuệ. Cuộc đời, nói chung chúng sanh trong cõi Ta-bà nhiều khổ đau gặp hoàn cảnh tai ương hoạn nạn do căn cơ sai biệt nên để cứu độ hết thảy, chư Phật và chư Bồ-tát đã thị hiện nhiều thân tướng khác nhau. Đặc biệt Bồ-tát Quán Thế Âm thị hiện tướng Thiên thủ thiên nhãn; năng lực vô biên mầu nhiệm được khái quát, cụ thể hóa bằng ngàn tay ngàn mắt. Ngàn tay nói lên khả năng sẵn sàng cứu độ hết thảy, ngàn mắt biểu lộ năng lực nhìn xa trông rộng, khắp nơi không đâu không thấy! Do đó bất cứ ở đâu và lúc nào Bồ-tát cũng có mặt, sẵn sàng đáp lại tiếng kêu cứu thống khổ những ai gặp ách nạn! Trong kinh Pháp hoa, phẩm Phổ môn, Phật dạy Bồ-tát Quán Thế Âm tùy yêu cầu cứu độ mà thị hiện nhiều hình tướng khác nhau. Chúng sanh bao nhiêu loài với nỗi khổ, niềm đau thì Ngài thị hiện bấy nhiêu thân tướng tương ưng để cứu độ hết thảy. Nhưng nói thế không phải thế mà là thế; nghĩa là không phải ai cầu cũng được đáp ứng. Trí tuệ đạo Phật đòi hỏi hiểu lời Phật dạy như là phương tiện khế lý, khế cơ… tùy căn cơ chủng tánh mà tiếp nhận ý nghĩa cao thấp sâu cạn không đồng. Ý nghĩa Quán Thế Âm phải được hiểu qua biểu tượng “Quán là quán xét, soi xét, lắng nghe; Thế là thế gian, là cuộc đời này; Âm là âm thanh tiếng kêu, tiếng nói”. Từ đó, Bồ-tát không nhất thiết phải là bậc cao siêu ở cõi xa lạ mà bất kỳ ai, có thể chỉ là một người bình thường, nếu biết lắng nghe để cảm thông với nỗi khổ niềm đau, chia sẻ niềm vui, đem lại sự an lạc cho người đều là Bồ-tát... Do khả năng hạn chế, năm giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý căn) nhiều sự việc, hiện tượng con người không thể thấy nghe nhận biết… Những điều không thể suy luận nghĩ bàn, đạo Phật gọi là “bất khả tư nghì” cần phải được thực chứng. Như người uống nước muốn biết nước nóng lạnh, mùi vị ra sao thì phải ngụm vào miệng chứ không thể nắm bắt cảm nhận qua ai đó! Dân gian thường nói “thần giao cách cảm”nghĩa là tinh thần đã giao thì cách xa mấy cũng cảm, trái lại thần không giao tức tâm không đồng, không thông làm sao cảm!
Với niềm tin sâu sắc vào sự linh ứng Bồ-tát Quán Thế Âm, mẹ tôi cầu không vì mình (vô ngã) mà chỉ vì mọi người, con cháu, người thân (vị tha) bởi tương thích với tần số vô ngã, vị tha của hạnh nguyện cứu khổ nên mẹ cầu tất ứng. Còn chúng ta trái lại cầu mà nghi ngờ, so đo với cái tâm hẹp hòi vị kỷ thì cầu sao ứng!
À, thì ra người đàn ông đã giúp tôi ở bến xe… Tôi chợt hiểu và cũng chỉ mình tôi cảm nhận, tôi có nói cho một ai đó họ cũng không tin vì không thể hiểu. Mầu nhiệm và gần gũi thay Bồ-tát Quán Thế Âm, đơn giản chỉ cần biết lắng nghe để san sẻ nỗi khổ niềm đau, đem lại niềm vui dù nhỏ nhoi cho người thân, bạn bè, người chung quanh bằng một lời khuyên, lời an ủi động viên chân tình…việc bình thường ai cũng có thể làm và trở thành vị Bồ-tát. Hãy thực tập hạnh lắng nghe để cuộc đời vơi bớt khổ đau và tràn đầy niềm vui.
Tôi chợt nhận ra niềm tin thâm sâu của mẹ và ý nghĩa lời mẹ dặn.
Võ Văn Lân

Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

Đặc sản miền Nam

Bạn ta,
Tôi không thích chữ "đặc sản", vì danh từ này, từ nhiều năm nay, đã bị đem ra dùng một cách hết sức bừa bãi ở trong nước cũng như ở những nơi ngoài Việt Nam.
Thí dụ mấy tiệm ăn ở Mỹ thì không thể dùng hai chữ "đặc sản" với những món trong thực đơn của tiệm. Món bánh tôm với khoai mua ở chợ Mỹ, tôm từ Louisiana, rau thơm của Florida chở lên thì làm sao có thể gọi đó là đặc sản Hà Nội được?
Phải là sản phẩm đặc biệt của một vùng nào đó mà những nơi khác không có thì mới có thể gọi là đặc sản. Cam Bố Hạ, nhãn Hưng Yên, cá rô Đầm Sét, bưởi Đoan Hùng, mận Đà Lạt… Ở Mỹ thì lobster của Maine, clam chowder của San Francisco… thì mới là đặc sản.
Tuần qua, một tờ báo trong nước có đăng một bài viết về một chuyện xẩy ra cho một người đàn ông ở Sài Gòn. Ông cho biết ông là người Hà Nội nhưng đã đi Sài Gòn nhiều chuyến. Những chuyến đi Sài Gòn đó đều tạo những cảm tưởng khó quên về thành phố này. Trong chuyến đi gần đây nhất, ông đã gặp một chuyện diễn ra ở ngay trên một con đường của thành phố miền nam khiến ông suy nghĩ mãi.
Ông kể hôm ấy, đang đi ngoài đường thì ông thấy một thiếu nữ đi trước ông làm rơi một vật gì đó. Ông gọi cô và nhắc cô nhặt lên. Cô thiếu nữ tuổi khoảng 15 hay 16 tuổi nhặt món đồ cô làm rơi, và sau đó, cô khoanh tay cúi đầu nói với ông "Cám ơn chú" rồi mới đi. Nghe câu cám ơn của cô, ông sững sờ, ngạc nhiên hết sức. Việc ông giúp cô chỉ là chuyện nhỏ, có vậy thôi, thế mà cô đã lễ phép khoanh tay, cúi đầu, cám ơn ông. Ông cho biết hành động của cô gái làm ông vô cùng kinh ngạc. Ông không quen với hành động ấy. Ông không thường gặp chuyện như thế đã lâu. Một hành động không đáng gì từ phía ông đã khiến ông nhận được một câu cám ơn, một hành động khoanh tay, cúi đầu lễ phép của cô gái Sài Gòn. Ông tưởng nhiều lắm, một ánh mắt biết ơn từ phía cô gái nhìn ông cũng đã là tử tế lắm rồi. Nhưng ông nhận được từ cô một câu cám ơn. Lời cám ơn từ một thiếu nữ trẻ trên một con đường ở Sài Gòn.
Ông chợt nhớ tới lối ăn nói mất dậy đầy những tiếng chửi thề tục tĩu mà ông đã nghe rất quen ở Hà Nội giữa đám học sinh với nhau. Mấy tháng trước, một bản tuyên ngôn của một nữ sinh đưa ra những lời lăng mạ thậm tệ nhắm vào một cô giáo sau khi nữ sinh này bị kỷ luật ở trường. Đoạn video được đưa lên internet và nhận được rất nhiều phản hồi mà gần hết là những ý kiến tán đồng hành động vô lễ và vô giáo dục ấy. Những hình ảnh nữ sinh đánh nhau ngay ở trong lớp, xé quần áo của nhau, chửi bới thô tục được bạn bè thu lại bằng điện thoại di động và đưa lên mạng, luôn cả một video clip của một nữ học sinh chửi bới cha mẹ vì bị gia đình cấm đoán vài ba chuyện cũng được chiếu cố và hưởng ứng tận tình trong internet.
Những chuyện như vừa kể ông chứng kiến rất thường ở Hà Nội, chốn ngàn năm văn vật trước kia. Báo chí trong nước đã nhiều lần than phiền về chuyện chửi thề, văng tục của các học sinh và sinh viên, trong đó có rất nhiều là nữ sinh viên đại học.
Những bài đức dục của các trường học năm xưa, của vài ba thế hệ trước không còn được đem dậy trong chương trình học ngày nay nữa. Nhưng còn phụ huynh ở nhà không còn dậy dỗ con cái những điều tối thiểu trong cách đối xử hàng ngày nữa hay sao?
................................
Tác giả bài viết nghe được câu cám ơn, nhận được cái cúi đầu khoanh tay của một cô gái nhỏ miền nam liền kết luận rằng đó chính là đặc sản của Sài Gòn vậy.
 

Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

Từ bác sĩ trở thành Linh mục để phục vụ hết mình cho người phong cùi

 

 
Một ngày vào năm 1973, các báo ở Sài gòn đồng loạt đưa tin về cái chết của Jean Cassaigne, một người Pháp, nguyên là Giám Mục Sài gòn nhưng lại qua đời tại một trại phong ở Di Linh, một nơi đèo heo hút gió trên đường từ Sài gòn đi Đà Lạt. Nguyễn Viết Chung đọc tiểu sử của vị cố Giám Mục trên báo và không hiểu do đâu anh lại mong muốn được nên giống ngài ở chỗ phục vụ người cùng khổ cho đến hơi thở cuối cùng. Anh chẳng biết gì về Đạo Công giáo, thế mà Đức Cha Cassaigne lại là thần tượng của anh.
Năm 1974. Chung học Y Khoa Đại Học Sài gòn. Tại đây anh gặp người công giáo đầu tiên trong đời anh, giáo sư bác sĩ Lichtenberger người Bỉ, dạy môn Mô phôi học. Chung ngưởng mộ sự uyên bác khoa học vô song của ông. Các bài giảng vô cùng sinh động và phong phú của nhà khoa học uyên thâm một cách lạ lùng làm cho Chung mê mẫn. Chung kinh ngạc khám phá vị giáo sư khả kính này là một Linh Mục dòng tên. Anh thường cùng các bạn trường Y đến nhà thờ để xem Giáo sư Lichtenberger dâng lễ.
Những năm học Y khoa không phải là dễ dàng đối với Nguyễn Viết Chung anh phải làm thêm nhiều việc nặng nhọc kể cả đạp xích lô để kiếm tiền ăn học và phụ giúp gia đình.
Năm 1984, bác sĩ Chung khi đó 29 tuổi, xin được bổ nhiệm lên trại phong Di Linh để thực hiện giấc mơ lớn nhất của đời anh. Nhưng theo đúng thủ tục hành chánh thì anh phải trình diện và chịu sự điều động của Sở Y tế Lâm Đồng. Bà trưởng phòng ngạc nhiên hỏi:
- Anh có điên không hay là anh bị cùi?
- Nếu tôi cùi thì bà đã thấy rồi.Còn có điên hay không thì tôi không biết, nhưng điều tôi biết là tôi mong muốn phục vụ những người cùi.
Từ ngày 01-7-1986 anh về làm việc tại phòng chống sốt rét của tỉnh Đồng Nai cho tới năm 1989. Từ năm 1990-1992 đổi về làm tại phòng xét nghiệm của bịnh viện da liễu Sài gòn. Ở đây anh xin học thêm chuyên khoa da liễu, vì anh không bao giờ anh quên mộng ước của mình.
Năm 1993 Bác sĩ Chung tình nguyện lên công tác tại trại Phong Bến Sắn, Bình Dương. Tại đây, anh làm việc hăng say như để đạt được tâm nguyện của mình giống như Đức Giám Mục Cassaigne trong việc phục vụ bịnh phong cùi. Anh hết sức tận tụy không nề hà. Nhưng dù như thế anh vẫn thấy mình thua xa các nữ tu nữ tử Bác ái trong việc yêu thương phục vụ người bịnh. Các nữ tu luôn nhẫn nại lắng nghe phục vụ người bịnh hết lòng, không bao giờ làm họ buồn tủi. Tinh thần hy sinh, quảng đại đó khiến cho anh cảm phục. Anh cho rằng muốn có được tinh thần yêu thương người nghèo khổ như thế, anh phải trở thành một người giống như các nữ tu. Anh chưa phải là người công giáo, nên anh không thể hiểu được tinh thần làm việc của các Sơ. Anh cũng muốn được phục vụ với tinh thần giống như các Sơ.
Ngày 28-8-1993 bác sĩ Chung đến gặp Cha Hoàng văn Đoàn, dòng tên, tại Bình Dương xin học giáo lý tân tòng. Ngày 15 tháng 5 năm 1994 bác sĩ Chung được cha chính xứ Bến Sắn, Linh mục Trần Thế Thuận làm lễ rửa tội cho anh tại nhà nguyện trại phong Bến Sắn. Nhưng bác sĩ Chung không hài lòng khi chưa được trở nên giống các Sơ để có thể yêu thương phục vụ người nghèo. Ở tuổi tứ tuần theo đuổi ơn gọi tu sĩ là một điều quá khó khăn.
Ngày 15.9.1994 bác sĩ Chung trở thành tập sinh lớn tuổi nhất của dòng Vinh Sơn nam số 40 đườngTrần Phú, Đà Lạt. Ngày lễ truyền tin 25.3.2003 Giáo hội trao tác vụ Linh mục cho thầy Augustinô Nguyễn Viết Chung qua lễ đặt tay của Giám mục Giuse Vũ Duy Thống tại nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài gòn.
Ngày 3.4.2003, Linh Mục Nguyễn Viết Chung quay về trại phong Bến sắn dâng Thánh lễ tạ ơn trong sự hân hoan của các bịnh nhân phong với sự hiện diện của cha sở Bến sắn, người mà 9 năm trước đây đã làm lễ rửa tội cho cha. Vẫn thái độ khiêm nhường, yêu thương và cung kính với các người bịnh vẫn xưng mình là “con” khi nói chuyện với các bịnh nhân lớn tuổi.
Tháng 3 năm 2009 tôi có về Sài gòn có dẫn người cháu đến thăm Linh mục Nguyễn Viết Chung, cha dong dõng cao, hơi ốm, nói năng nhỏ nhẹ: “ “con” cũng chỉ là cái máng để hứng lấy tình yêu thương của mọi người để mang đến cho những người kém may mắn”.
Nhà văn Hương Vĩnh có viết: “Ba vị đã tác động mạnh mẻ trên ơn gọi của cha Chung là Giám mục Jean Cassaigne, Linh mục Lichetenberger và Dì hai Loan ( phục vụ trại phong Bến Sắn 17 năm, chết vì bịnh ung thư ở tại trại này). Cả ba cùng có mẫu số chung - như lời cha Chung - đó là họ đã rao giảng Tin Mừng cho cha bằng cuộc sống chứ không phải bằng lời nói.
Trong bài “Nguyễn Viết Chung và tiếng gọi của Chân Thiện Mỹ” cố Giáo sư Trần Duy Nhiên đã viết trong đoạn kết của bài này như sau:
“Thiên Chúa đã đến trong cuộc đời Nguyễn Viết Chung bằng những bước đi nhè nhẹ. Nhưng mỗi lần Ngài đến là Ngài để lại dấu ấn sâu sắc trong một tâm hồn biết lắng nghe. Giữa bao nhiêu thần tượng trên thế gian. Nguyễn Viết Chung biết chắc lọc một vài khuôn mẫu định hướng cho cuộc đời mình: Đức Cha Cassaigne, Cha Lichtenberger, Dì Hai Loan.. đấy là chưa kể đến nhiều người khác trong đó có thân mẫu của mình một người mẹ đã suốt đời âm thầm chịu đựng cho đến khi mù lòa. Giữa các gương mặt ấy có một nhân vật gần giống như Nguyễn Viết Chung: Linh Mục Bác sĩ Marcel Lichtenberger. Thế nhưng con đường Chúa dẫn hai vị đi thì hoàn toàn trái ngược nhau. Năm 25 tuổi Cha Lichtenberger vì tình yêu Thiên Chúa thúc bách phải đến với những con người bất hạnh tại Trung Hoa. Và trước những thương tích của Chúa Kitô thể hiện trên hình hài các bịnh nhân, cha đã trở về ngồi lại trên ghế nhà trường để rồi trở thành bác sĩ năm 48 tuổi. Ngược lại, bác sĩ Nguyễn Viêt Chung tốt nghiệp bác sĩ năm 25 tuổi, thế rồi muốn chia sẻ trọn vẹn sự khốn cùng của bịnh nhân nên rốt cục đã gặp Chúa Kitô chiụ đóng đinh trong những con người bất hạnh. Và điều này khiến cho vị bác sĩ tận tâm kia từ bỏ mọi sự để trở thành Linh Mục của Chúa vào tuổi 48.”
KẾT LUẬN
Theo Vietcatholic news: Ngày 18.10.2009 Giáo phận Xuân Lộc đón nhận 1114 tân tòng và hơn 2000 người là thân nhân, họ hàng, bạn bè của các tân tòng. Chủ sự Thánh lễ, Đức cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, Giám mục giáo phận Xuân Lộc cùng đồng tế có Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám mục giáo phận Kontum và hơn 50 cha trong giáo phận.
Ở mỗi giáo xứ hay mỗi nhà thờ hàng năm đều có làm lễ “Rửa tội” cho người lớn, thông thường con số cũng vài chục người. Trong số những người nhận Bí tích thanh tẩy, con số không nhỏ là những người trí thức.
Con đường đến với Thiên Chúa tình yêu, đến với Hội Thánh Chúa bằng nhiều cách khác nhau. Tất cả đều được Thiên Chúa yêu thương mời gọi tìm về suối nguồn tình yêu là Thiên Chúa toàn năng, để được an ủi, để được hạnh phúc đời này lẫn hạnh phúc vĩnh cữu đời sau, sau khi mất.
Phùng văn Phụng


      
Một bác sĩ Phật giáo trở thành Linh mục suốt đời phục vụ bệnh nhân phong
 
 
Đỗ Tân Hưng
Đức Cha Cassaigne và hai bệnh nhân phong tại Di Linh
 
LM. NGUYỄN VIẾT CHUNG, MỘT BÁC SĨ PHẬT GIÁO TRỞ THÀNH LINH MỤC
Linh mục Augustinô Nguyễn Viết Chung nguyên là một bác sĩ Phật giáo, chuyên môn về Da Liễu. Khi lên 18 tuổi, nhân đọc một bài báo nói về cái chết của Ðức Cha Jean Cassaigne tại trại phong Di-Linh, cậu Chung cảm thấy cuộc sống đó quá tốt đẹp và vô tình Ðức Cha Jean Cassaigne đã trở thành thần tượng của cậu. Khi nhắc lại đoạn đời đó, cha Chung cho biết là ngài được rao giảng Tin Mừng bằng đời sống, chứ không phải bằng lời nói. Từ đó cậu Chung có ý nguyện học làm bác sĩ để phục vụ bệnh nhân phong như Ðức Cha Jean Cassaigne.
Khi bắt đầu học năm thứ nhất y khoa, nhân dịp tham dự Thánh lễ khai khóa của linh mục giáo sư bác sĩ Lischenberg, cậu Chung nhận thấy con người khoa học uyên bác của giáo sư Lischenberg đã biến thành một linh mục khả kính, trang nghiêm siêu thoát, chìm đắm trong cõi phúc lạc thần thiêng. Ơn gọi làm linh mục của cha Chung đã chớm nở từ đó.
Khi bác sĩ Chung phục vụ tại trại phong Bến Sắn, Dì Hai Loan thuộc Tu Hội Nữ Tử Bác Ái là Phó Giám Ðốc. Dì là người đã phục vụ ở đây gần 17 năm, bất ngờ ngã bệnh ung thư và mất đi sau mấy tháng. Khi Dì hấp hối, bác sĩ Chung đang sửa soạn để đi với bác sĩ Quang, bác sĩ Bích Vân lên trại phong Di-Linh khám mắt cho bệnh nhân. Vì xe chưa tới, bác sĩ Chung tiếc nuối những giây phút cuối cùng còn lại với Dì Hai Loan nên đã trở lại giường bệnh của Dì. Lúc đó Dì Hai Loan mở mắt ra, nhìn bác sĩ và đôi môi mấp máy như muốn nói điều gì. Dì Mười hiểu được, liền nói: “Chung, Dì Hai Loan nói, tại sao chưa đi?”
Khi kể lại kỷ niệm nầy cho tôi, cha Chung đã dùng những ngón tay phải chỉ vào cánh tay trái và cho biết lúc đó cha cảm thấy bị rởn da gà lên. Sau đó, bác sĩ Chung về dự tang lễ của Dì Hai Loan và đã quyết định theo đạo. Một năm sau nữa bác sĩ đã vào tu ở Tu Hội Truyền Giáo Thánh Vinh Sơn và đã nhận lãnh Thánh chức linh mục hơn một năm nay.
Ba vị đã tác động mạnh mẽ trên Ơn Gọi của cha Chung là giám mục Jean Cassaigne, linh mục Lischenberg và Dì Hai Loan. Cả ba cùng có một mẫu số chung - như lời cha Chung - đó là họ đã rao giảng Tin Mừng cho cha bằng cuộc sống chứ không phải bằng lời nói!
Nguyện ước của cha Chung là được phục vụ bệnh nhân phong và bịnh nhân Aids rồi cuối cùng ngã bệnh giữa những bệnh nhân mà cha yêu thương phục vụ, đúng như lời Chúa Kitô đã phán dạy: “Không có Tình Yêu nào cao trọng cho bằng hy sinh mạng sống mình vì kẻ mình yêu!”.
 
NHỮNG TRỞ NGẠI VỀ PHÍA GIA ÐÌNH
Ðáp câu hỏi của tôi là trên con đường theo Chúa, có những trở ngại lớn lao nào về phía gia đình không? Cha cho biết gia đình của cha là một gia đình nghèo. Ðời sống gia đình thường xảy ra cảnh “cơm không lành, canh không ngọt”. Ðiều đó đã ảnh hưởng cha từ thuở thiếu thời nên cha đã có ý định đi tu vì nhận thấy đời sống gia đình không mang lại hạnh phúc.
Khi làm bác sĩ, trong hai năm đầu cha đã hành nghề để có thể trả nợ cho gia đình. Trong những năm kế tiếp, cha đã giúp đỡ những người em ăn học và hiện có một em trai là bác sĩ chuyên môn về phổi. Người em nầy đã thay thế cha phụng dưỡng hai cụ thân sinh.
Khi còn là tu sĩ, chưa được thụ phong linh mục, một ngày kia được tin cụ thân sinh bệnh, cha đi xe đạp về thăm. Vừa vào nhà, cụ thân sinh liền quở trách cha là một người “không biết nhục”. Theo lời cụ, các bạn bè của cha đều đi xe hơi, xây nhà lầu hai ba tầng cho bố mẹ ở. Còn cha, cha lại đạp chiếc xe đạp cọc cạch về thăm nhà!
Trước đây khi cha ngõ ý với cụ bà là muốn đi tu thì cụ bà rất vui, vì tưởng cha tu theo Phật giáo. Nhưng khi biết cha sẽ tu theo Công giáo thì cụ bà giữ im lặng.
Sau khi được thụ phong linh mục vài ba hôm, cha về thăm gia đình. Mới bước vào nhà, cụ bà cất tiếng nói: “Mẹ có điều nầy muốn nói với con.” Cha vội kéo ghế mời cụ bà ngồi rồi nói: “Thưa Mẹ, xin Mẹ cứ nói, con xin nghe.” Bấy giờ cụ bà đáp: “Mẹ muốn nói với con điều nầy là đạo Mẹ, Mẹ giữ, đạo con, con giữ.” Cha liền thưa: “Xin Mẹ cứ giữ đạo của Mẹ. Con không bao giờ dám có ý nghĩ là sẽ khuyên bảo Mẹ theo đạo của con.”


NHỮNG THỬ THÁCH TRÊN HÀNH TRÌNH TU TRÌ
Ðáp câu hỏi của tôi là trong thời gian đi tu cũng như làm linh mục, có lúc nào cha cảm thấy những thử thách quá lớn và nảy sinh ý định muốn bỏ cuộc? Cha đăm chiêu nhìn tôi một phút rồi chậm rãi trả lời: “Thật ra ở giai đoạn nào trong đời sống tu trì cũng đều có những cám dỗ riêng: từ nhà tập đến khấn tạm rồi khấn trọn đời và làm linh mục. Nhưng nếu tu sĩ biết tuân giữ ba lời khấn là vâng lời, khiết tịnh và khó nghèo, đọc kinh Nhật Tụng, suy gẫm Phúc Âm thì sẽ vượt qua những cơn cám dỗ.”
Cha Chung còn chia sẻ với tôi đôi điều có tính cách riêng tư nhưng có phần nào ray rứt tâm can. Trong giờ phút cảm động đó, tôi đã đưa tâm hồn lên với Chúa, cầu nguyện cho cha Chung và cho tất cả các linh mục cũng như nam nữ tu sĩ, đã trải qua những giây phút cô đơn trong cuộc đời tu trì, bằng lời kinh “Phút Cô Ðơn”, của Ludovic Giraud, (sách LKÐNTNK, trang 49-50):
“Lạy Chúa,
Con dâng lên Chúa những giờ phút cô đơn
Ðôi lần đến với con trong cuộc đời.
Con dâng lên Chúa
Lúc con phải làm việc một mình:
Trong sự tẻ nhạt của bổn phận nặng nề
Mà không có lấy một sự khích lệ đỡ nâng
Trong cộng đoàn.
Con dâng lên Chúa
Những lúc cô đơn,
Mò mẫm đi tìm trong hoài nghi,
Khi không còn biết con đường
Mình đang theo đuổi sẽ dẫn đến đâu
Và trên đó bóng đêm bao trùm.
Con dâng lên Chúa
Những giờ phút con phải
Ðau khổ âm thầm một mình,
Dù đang ở giữa những kẻ mà con phải
Bày tỏ Chúa cho họ và bị vô ơn hất hủi,
Do thờ ơ và thiếu cảm thông.
Con dâng lên Chúa
Những giây phút con phải yêu một mình
Giây phút thật nặng nề
Khi trái tim con khắc khoải,
Ði tìm sự tương giao
Mà không gặp thấy trong lòng người khác.
Và trong lòng những người con ưa thích
Tìm thấy một sự no thỏa mà không nếm cảm được.
Con dâng lên Chúa
Những giờ phút con phải đau khổ một mình,
Những giây phút Giếtsêmani của bản thân con.
Và chính trong những lúc ấy,
Lạy Chúa, con ước ao được nên giống Chúa.
Cũng như Chúa,
Con ước muốn và cầu xin
Cho chén khổ nầy ra khỏi con,
Nhưng xin Chúa cho con sức mạnh
Ðể chế ngự mình
Mà vâng theo Thánh ý Cha,
Ðấng Chúa yêu ngàn đời,
Cả khi Ngài chấp nhận thấy con đau khổ.
Lạy Chúa,
Xin đừng theo ý con
Nhưng cho ý Cha được thể hiện Amen.”
 
 
I. THÁP TÙNG CHA CHUNG: TRUNG TÂM MAI-HÒA
Cao điểm của những ngày về thăm Việt-Nam là việc tôi tháp tùng linh mục Augustinô Nguyễn Viết Chung đi thăm viếng Trung Tâm Mai-Hòa. Cha Chung hiện là một trong ba bác sĩ phục vụ tại Trung Tâm đó do các Nữ Tử Bác Ái Thánh Vinh Sơn đảm trách. Mỗi thứ hai hằng tuần, cha Chung đều lên Mai-Hòa suốt ngày để dâng Thánh Lễ và khám bệnh. Hai bác sĩ thiện nguyện khác sẽ khám bịnh cho bịnh nhân vào ngày thứ tư và thứ bảy.
Hôm đó tôi rời Saigon đi xe honda “ôm” với cha Chung lúc 7 giờ 30 sáng để trực chỉ Củ Chi, với đoạn đường dài trên 45 cây số. Lần đầu tiên tôi đi honda với nón an toàn nặng trĩu trên đầu. Khi honda vừa chạy độ 5 phút, trời mưa lâm râm, cha Chung đưa tôi mặc bộ quần áo mưa, trông chẳng khác nào hai phi hành gia bất đắc dĩ. Nhưng xe chạy được mười lăm phút, trời tạnh mưa. Một ít lâu sau trời bắt đầu nắng, nhưng cha Chung không hề dừng lại để cởi áo mưa. Sau khi rời đường quốc lộ, xe còn chạy trên mười cây số nữa mới tới Trung Tâm Mai Hòa.
Hôm đó tôi mặc áo dài tay, quần tây dài, mang giày, để tỏ lòng kính trọng của tôi đối với những chi thể đau khổ của Ðức Kitô. Thường ngày tôi chỉ mặc áo cụt tay, quần đùi, đi dép để ứng phó với cái nóng bức của trời Saigon.
 
SƠ LƯỢC VỀ TRUNG TÂM MAI-HÒA
Ðây là Trung Tâm săn sóc bệnh nhân Aids ở giai đoạn cuối, không nơi nương tựa. Ðây là một cơ sở Công giáo đầu tiên được chính thức thành lập để chăm sóc bịnh nhân Aids tại Việt-Nam. Trung Tâm không nhận bệnh nhân đến trực tiếp mà chỉ nhận bệnh nhân chuyển đến từ khoa nhiễm E thuộc Trung Tâm Bệnh Nhiệt Ðới, Trung Tâm Lao Phạm Ngọc Thạch và bệnh viện miễn phí An-Bình. Hiện Trung Tâm Mai-Hòa do nữ tu Nguyễn Kim Thoa (Dì Tuệ Linh) đảm trách.
Ðịa chỉ của Trung Tâm Mai-Hòa:Ấp Lô 6, Xã An Nhơn Tây, Huyện Củ Chi, TPHCM.
Ðiện thoại: (848) 8 926 135
Ðịa chỉ email: Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó.
 
NHỮNG EM BÉ MỒ CÔI MẮC BỆNH AIDS
Khi tới nơi, cha Chung và tôi cởi nón an toàn và bộ quần áo mưa ra. Mồ hôi tôi ướt đẫm như tắm. Nghe tiếng xe honda của cha Chung, mấy em bé năm sáu tuổi chạy ra mừng rỡ la lớn: “Cha ơi! Cha!” chẳng khác nào cảnh tượng mẹ đi chợ về. Ban đầu tôi cứ tưởng đó là những em còn khỏe mạnh mà cha mẹ đã qua đời vì bệnh liệt kháng, không được ai chăm nuôi. Sau đó cha Chung cho biết tất cả các em đều mắc bệnh, và mồ côi cha mẹ, ngoại trừ một em bé gái 4 tuổi còn mẹ.
Cách đây mấy tháng, mẹ của em nầy đã mang em lại để trước cổng chùa, với một miếng giấy ghi mấy chữ vắn tắt: “xin nhà chùa nuôi giúp”. Ngoài ra mẹ em có cho biết tên em và em được bốn tuổi. Vị sư trụ trì đã mang em vào chùa nuôi. Sau đó em bị Viêm Phổi, đi khám nghiệm mới biết em nhiễm HIV, đã trở thành bịnh Aids. Nhìn thân thể ốm yếu và nét mặt kém vui của em, tôi đoán biết em đang bị cơn bẹạnh hoành hành và đang trên đà tiến tới giai đoạn hiểm nguy.
Cảm tưởng đầu tiên của tôi là Trung Tâm Mai-Hòa ngày nay đã được nhiều ân nhân giúp đỡ, nhất là một số tòa đại sứ ngoại quốc nên nhà cửa khang trang hơn, chứ không còn gây ấn tượng rùng rợn như khi xem cuốn video một năm trước đây.
 
THAM DỰ THÁNH LỄ VỚI NƯỚC MẮT CHAN HÒA
Ðây là Thánh lễ cảm động nhất mà tôi đã tham dự từ trước tới nay. Thánh Lễ được cử hành đơn giản trong một căn nhà thủy tạ hình bát giác, bên dưới là một giòng nước đục ngầu ứ đọng, không buồn chảy, chẳng khác gì giòng đời với chuỗi ngày dài lê thê của những bệnh nhân ở đây.
Nghe những tiếng thưa đáp của các bệnh nhân trong Thánh lễ nhất là của các em bé tôi không thể cầm được nước mắt. Suốt buổi lễ, nước mắt tôi chan hòa, khi thấy các em vẫn hồn nhiên đọc kinh, hát xướng như thường, không chút ý thức về số phận đen tối đang đè nặng trên các em. Những lưỡi hái của tử thần đang treo lủng lẳng trên đầu các em và sẵn sàng rơi xuống để gặt hái các em trong một ngày rất gần đây mà các em không chút hay biết.
Tôi nhớ lại sau đó, cha Chung đã vào thăm các em trong căn nhà dành riêng cho các em. Các em đã xúm lại ôm chân cha, níu kéo cha và quyến luyến không muốn rời khỏi cha. Có em đã được cha ẳm lên, vuốt ve một cách trìu mến. Tôi cũng nhớ lại lúc xế trưa, các em đã vui đùa cười giỡn trong sân với chị nữ tu phụ trách. Khi thấy các em vui đùa, tâm trạng của tôi lúc bấy giờ cũng giống như cha Ðông trước kia: thấy các em cười nhưng tôi lại khóc.
 
MỘT BỮA ĂN ÐẠM BẠC
Hôm tôi lên Trung Tâm Mai-Hòa, tôi gặp bốn dì Nữ Tử Bác Ái phục vụ những bệnh nhân liệt kháng ở giai đoạn chót. Dì Tuệ Linh là giám đốc, một Dì trước đây đã phục vụ ở trại phong Di-Linh hơn hai mươi lăm năm, hiện làm y tá, một Dì săn sóc các em bé và một Dì nấu ăn.
Hôm đó tôi thấy thức ăn gồm rau muống luộc, canh khổ qua nhồi thịt và đồ tráng miệng là một miếng dưa hấu đỏ. Thức ăn nầy được dùng chung cho các nữ tu và bệnh nhân. Các bệnh nhân chia làm ba nhóm ăn cơm chung với nhau, đó là nhóm các trẻ em, những người bị lao phổi và những người nhiễm các bịnh khác.
Sau khi chia sẻ với tôi nhiều điều, cha Chung đã dẫn tôi sang phòng ăn Trung Tâm và dùng bữa ăn trưa. Tôi khâm phục tài nấu nướng của chị nữ tu phụ trách nhà bếp. Những món ăn rất ngon và đậm đà, hợp khẩu vị. Khi ăn trưa xong, đã hơn hai giờ rưỡi chiều và cha Chung đã mất buổi nghỉ trưa.
Sau mấy tiếng đồng hồ được cha Chung chia sẻ tâm tình, tôi cầu xin Chúa cho tôi được học hỏi đôi điều qua gương sống chứng nhân của cha, của các linh mục và nam nữ tu sĩ khác, bằng bài thơ “Xin Cho Con Sức Mạnh” của R. Tagore do Ðỗ Khánh Hoan dịch (Sách LKÐNTNK, trang 39):
“Lạy Thiên Chúa,
Ðây lời con cầu nguyện:
Xin tận diệt, tận diệt trong tim con
Mọi biển lận tầm thường.
Xin cho con sức mạnh thản nhiên
Ðể gánh chịu mọi buồn vui.
Xin cho con sức mạnh hiên ngang
Ðể đem tình yêu gánh vác việc đời.
Xin cho con sức mạnh ngoan cường
Ðể chẳng bao giờ khinh rẻ người nghèo khó,
Hay cúi đầu khuất phục
Trước ngạo mạn, quyền uy.
Xin cho con sức mạnh dẻo dai
Ðể nâng tâm hồn vươn lên
Khỏi ti tiện hằng ngày.
Và cho con sức mạnh tràn trề
Ðể dâng mình theo ý Ngài luôn.”
 
II. TRUNG TÂM THIÊN PHƯỚC:
CƠ SỞ NUÔI DƯỠNG TRẺ EM KHUYẾT TẬT
Sau đó cha Chung dẫn tôi sang Cơ Sở Nuôi Trẻ Khuyết Tật Thiên Phước ở bên cạnh. Cơ Sở nầy do một cộng đoàn nữ tu khác đảm trách.
Trong khi cha Chung lên lầu dâng Thánh lễ cho các nữ tu, tôi ngồi ở dưới lầu, nơi có vài chục em dưới năm tuổi, nằm, ngồi hay bò hoặc đong đưa trong các chiếc ghế xích đu. Có em bò lại gần tôi, lấy tay sờ vào chân tôi, rồi nhoẻn miệng cười. Trông các em thật dễ thương và tội nghiệp. Khi nhìn các em, lòng tôi se thắt!
Qua việc thăm viếng hai cơ sở nầy ố Trung Tâm Mai-Hòa và Trung Tâm Thiên Phước ố tôi cầu xin Chúa cho tôi được mở mắt ra để thấy Chúa trong mọi cảnh huống của cuộc đời:
“Lạy Chúa Giêsu,
Xin cho con thấy Chúa thật lớn lao,
Ðể đối với con, mọi sự khác trở thành bé nhỏ.
Xin cho con thấy Chúa thật bao la,
Ðể cả mặt đất cũng chưa vừa cho con sống.
Xin cho con thấy Chúa thật thẳm sâu,
Ðể con đón nhận nỗi khổ đau sâu thẳm nhất.
Lạy Chúa Giêsu,
Xin làm cho con thật mạnh mẽ,
Ðể không nỗi thất vọng nào
Còn chạm được tới con.
Xin làm cho con thật đầy ắp,
Ðể ngay cả một ước muốn nhỏ,
Cũng không còn có chỗ trong con.
Xin làm cho con thật lặng lẽ,
Ðể con chỉ còn loan báo Chúa mà thôi
Xin Chúa ngự trong con thật sống động,
Ðể không phải là con,
Mà chính Ngài đang sống.
(“Xin Cho Con Thấy” trích từ Rabbouni đăng trong sách LKÐNTNK trang 93)
 
NHỮNG NẮM TRO TÀN
Sau đó cha Chung và tôi trở lại Trung Tâm Mai Hòa. Trong một giờ đồng hồ, cha Chung hoàn tất những hồ sơ bệnh lý, còn tôi đi dạo quanh vườn. Những bông hoa cỏ dại mọc đó đây ở Trung Tâm Mai-Hòa gợi lên cho tôi sự hoang dại của kiếp sống, cũng như số kiếp của những bệnh nhân ở đó.
“Lời Kinh Của Người Ðau Khổ” (Paradoxes Of Prayers) trong sách LKÐNTNK (trang 70-71) đã gói ghém trọn vẹn tâm tình của tôi trong giờ phút suy tư đó:
“Lạy Chúa,
Con cầu xin ơn mạnh mẽ
Ðể thành đạt trong cuộc đời,
Chúa lại làm cho con ra yếu ớt
Ðể biết vâng lời khiêm hạ.
Con cầu xin có sức khỏe
Ðể mong thực hiện những công trình lớn lao,
Chúa lại cho con chịu tàn tật
Ðể chỉ làm những việc nhỏ tốt lành.
Con cầu xin được giàu sang
Ðể sống sung sướng thoải mái,
Chúa lại cho con nghèo nàn
Ðể học biết thế nào là khôn ngoan.
Con cầu xin được có uy quyền
Ðể mọi người phải kính nể ca ngợi,
Chúa lại cho con sự thấp hèn
Ðể con biết con cần Chúa.
Con xin gì cũng chẳng được theo ý muốn.
Nhưng những điều con đáng phải mơ ước,
Mà con không hề biết thốt lên lời cầu xin,
Thì Chúa lại đã ban cho con
Thật dư đầy từ lâu.
Lạy Chúa,
Hóa ra, con lại là người hơn hết trên đời nầy,
Bởi con đã nhận được ơn Chúa vô vàn”
Trong lúc chờ đợi cha Chung, tôi ngồi đắm mình trong suy tư như thế trên một ghế đá được một ngôi chùa trao tặng, trong cả chục chiếc ghế như thế được nhiều ân nhân khác trao tặng Trung Tâm.
Sau khi hoàn tất hồ sơ bệnh lý, cha Chung dẫn tôi đi thăm nhà quàng của Trung Tâm, mà phía ngoài một bức tường được dựng lên, có ngăn nhiều ô nhỏ để giữ tro tàn những bệnh nhân đã vĩnh viễn ra đi, nhưng không có thân nhân thừa nhận. Những tro tàn đó được chứa đựng trong những cái quách nhỏ với một tấm hình gắn lên bên ngoài.
Trong số gần trăm cái quách đó, tôi để ý đến mấy em rất trẻ, khoảng đôi mươi, trai cũng như gái, mới từ giã cuộc đời gần đây thôi. Trông hình các em rất xinh! Lòng tôi quặng đau. Nếu không vì tai họa của Aids thì đời các em đẹp biết bao!
Trong khi tôi đang miên man nghĩ ngợi, bỗng nhìn xuống đám cỏ xanh trên mặt đất, phô bày đó đây mấy bông “hoa mười giờ”. Câu hát kết thúc bài ca Hoa Mười Giờ “đời con gái chỉ đẹp lúc ban đầu!” khiến tâm hồn tôi càng thêm não nuột tê tái. “Lúc ban đầu” của các em quá vắn vỏi và đầy đau thương! Ðúng là “Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương.” (Ðoạn Trường Tân Thanh).
Cha Chung chỉ vào hình một cô gái khoảng ba mươi tuổi. Cha cho biết là chị được chồng chuộc ra khỏi một động mãi dâm ở Kampuchia. Nhưng về sau chị bị Aids và đồng thời cũng phát hiện ra ông chồng bị lây luôn. Những thảm cảnh như thế nầy không bút mực nào có thể diễn tả được.
 
TRÊN ÐƯỜNG VỀ
Trong khi cha Chung và tôi sửa soạn ra về thì một em bệnh nặng đang hấp hối. Ba của em và bà nội vào thăm viếng em lần cuối. Lâu lâu vì không thể chịu đựng được cảnh đau lòng nầy, người cha ra ngoài, đứng nhìn trời mây mà ứa nước mắt.
Lúc đó cha Chung đi ngang qua và buột miệng nói với tôi là trong tình huống nầy, cha cũng không thể làm gì hơn được. Câu nói của cha Chung cho tôi thấy sự bất lực của con người khi phải đối diện với tử thần. Xét về một phương diện nào đó, cái chết trong trường hợp nầy là con đường giải thoát duy nhất cho những người chẳng may mắc phải tai họa nầy.
Sau khi chạy honda ra khỏi Củ Chi để vào xa lộ trở về Saigon, cha Chung quay lại hỏi tôi có buồn ngủ không. Thật tình tôi không buồn ngủ mà chỉ lo cho cha Chung đã mất giấc nghỉ ban trưa và bây giờ phải cố thức tỉnh để lái honda trên 45 cây số nữa.
 
LỜI NGUYỆN CỦA CHỊ VÉRONIQUE
Lúc bấy giờ nền trời âm u, mây đen vần vũ, nhưng may mắn là không đổ mưa. Nhìn những đám ruộng “nửa vàng nửa xanh” hai bên vệ đường, tôi liên tưởng đến cảnh chết chóc đang xảy ra tại Trung Tâm Mai-Hòa. Chỉ trong tuần lễ trước đây, hung thần Aids đã cướp đi bảy sinh mạng và trong tuần nầy cũng phải một hai mạng người nữa.
Khi tâm tư tôi bị dằn vặt về những ưu tư liên quan đến những cái chết quá đau thương cũng như đoạn chót cuộc đời đầy đau khổ của những bệnh nhân ở Trung Tâm Mai Hòa, tôi bỗng đưa tâm hồn lên để quyện lòng mình với chị Véronique qua “LỜI NGUYỆN” của chị được ghi lại trên tạp chí Prier, xuất bản năm 1979 (sách LKÐNTNK, trang 13-16):
Chị Véronique là một người Pháp, tính đến năm 1979, được 58 tuổi, với 55 năm bị mắc bệnh phong Hansen, 20 năm bị mù lòa, nhưng chị vẫn làm việc trong một xí nghiệp sản xuất đồ dùng của người bệnh Hansen tại nước Cameroun, châu Phi.
“Lạy Chúa,
Chúa đã đến và đã xin con tất cả,
Và con, con cũng đã hiến dâng cho Chúa tất cả.
Xưa kia, con ưa thích đọc sách,
Và Chúa đã muốn mượn đôi mắt của con.
Ngày trước, con thích chạy nhảy trong những khu rừng thưa,
Và Chúa đã mượn đôi chân của con.
Mỗi độ xuân về,
Con tung tăng hái lượm những cánh hoa tuơi,
Và Chúa lại xin con đôi tay.
Bởi con là một phụ nữ,
Con ưa nhìn suối tóc óng ả của con,
Thế mà giờ đây,
Ðầu con hầu như chẳng còn sợi tóc nào,
Cũng chẳng còn đâu,
Những ngón tay hồng xinh xắn nữa,
Chỉ còn lại một vài que củi khô queo nham nhúa.
Chúa ơi, Chúa hãy nhìn xem:
Cái thân thể diễm kiều của con đã bị hủy hoại đến độ nào.
Thế nhưng, con không hề muốn nổi loạn,
Con lại muốn dâng lên Chúa lời tạ ơn.
Vâng, lạy Chúa,
Muôn đời con sẽ xin thưa hai chữ tạ ơn,
Bởi vì, nếu đêm nay,
Chúa truyền cho con phải ra đi vĩnh biệt cõi thế,
Con cũng sẽ chẳng tiếc hận gì.
Ðời con đã được quá ư đầy tràn diệu kỳ tột độ:
Ðó là con đã được sống
Ðắm mình trong Tình Yêu,
Ðã được Chúa lấp đầy
Chan chứa bằng Tình Yêu,
Vượt quá cả những gì tim con hằng mong ước.
Ôi lạy Chúa là Cha của con.
Cha đã đối xử quá tốt với bé gái Véronique của Cha.
Và chiều nay, ôi Tình Yêu của con,
Con xin dâng lời nguyện thiết tha,
Cho tất cả mọi người phong cùi trên mặt đất,
Xin Cha thương một cách đặc biệt,
Cả đến những người bị bệnh “cùi tâm hồn”
Ðang đè bẹp hủy hoại,
Con yêu thương đặc biệt những con người bất hạnh ấy.
Và chiều nay, trong âm thầm,
Con xin tận hiến đời con cho họ,
Bởi vì họ cũng là những người anh chị em con.
Ôi lạy Cha, Tình yêu của con,
Con xin dâng Cha
Căn bệnh phong cùi thân xác của con,
Ðể cho những người thân yêu kia
Ðừng bao giờ biết đến nữa,
Cái đắng cay, cái lạnh lẽo kinh hồn
Của căn bệnh “cùi tâm hồn”.
Con là bé gái thân thương của Cha,
Cha ơi, hãy nắm lấy bàn tay
Ðã tàn phế của con để dẫn con đi,
Như người mẹ hiền
Dắt tay đứa con gái cưng của mình.
Cha hãy ôm con vào lòng,
Như người cha ấp ủ đứa con cưng
Trong vòng tay của mình.
Cha hãy nhận chìm con sâu xuống tận đáy trái tim Cha,
Cho con được ở đấy
Cùng với mọi người thân yêu của con,
Bây giờ và cho đến mãi muôn đời Amen
 
Đỗ Tân Hưng
GHI CHÚ: Những tên sách viết tắt:
- LKÐNTNK: “Lời Kinh Ðẹp Nhất Thiên Niên Kỷ”
- TTTVLÐT:Tiếng Thì Thầm Và Lời Ðáp Trả” của Eileen, Nguyễn Thị Chung dịch.
Nguồn: Dân Chúa Hiệp Thông

NHỮNG MÓN BÁNH BÌNH DÂN CỦA MIỀN NAM & Tiếng Rao Miệt Vườn

Ai bánh cam.. bánh vòng hon...na...
Món khoái khẩu của ai đây...bánh gỉ đây...
Chú con chọn bánh nào...
Ngon lam ne...
- … Ai ăn bánh ít, bánh tét… nhưn đậu, nhưn mỡ, nhưn chuối, nhưn dừa… hôn? …
Bánh gì đây chú ?...
Bánh tét chuối nè...ăn thôi..ngon quá..
Xôi mít...có ai mần thử món này chưa...
Món này ăn sáng là chắc bụng lắm nè...
Chú muốn ăn món này hôn... con lấy cho...
Cuối tuần rồi đừng ngủ nướng nữa dậy ăn sáng đi chú ơi...
Khoai mì cho buổi sáng đây ...
Món ăn sáng cuả con đây...
Bánh bò chấm nước cốt dừa đây...xin mời..
Bánh gì đây bà con...
Ăn sáng rồi đi ra ruộng coi... Chú ăn cái bánh nào ...
Chú muốn ăn sáng cùng con món nhà quê này hông...
Dậy ăn sáng rồi đi mần chú của con ơi ..
Chè bà ba..dễ nấu mà ngon nữa...
Mèn đét ơi trời gì mà nóng quá chừng...bây giờ chỉ muốn ăn mấy chén này cho nót mát thôi...
Bánh da lợn nè...
Buổi trưa làm một tô bánh này cho thêm tí đá nữa là bá chấy luôn.
Hồi nhỏ ngoại hay nấu củ này ăn lắm nè. Hông biết bà con mình có ai ăn chưa ta củ gì đây nè...
Sáng nay chú ăn món gì rồi. Con thì ăn bánh ú nè...
Hôm qua thấy có nảy chuối chín thế là con trổ tài làm bánh. Tuy hông có đẹp như ở tiệm nhưng sao mà nó ngon quá trời quá đất luôn ta ơi. Mời chú nè...

Tiếng Rao Miệt Vườn

tieng rao
 
Buổi trưa miệt vườn lặng trang dưới nắng con kiến vàng còn kiếm chỗ trốn dưới tán mận hồng đào, con nhện cũng phải buồn không thèm nhả tơ mà nằm ép bụng vào lung lá cây điều đỏ. Một thiếu nữ rỗi nghề ngủ trưa ngoài võng trước hiên nhà… Một cụ bà đắn đo chiều dài độ tuổi, bà nhặt nhạnh và hái từng cây củi khô dành cho buổi cơm chiều, có lẽ?
Ngõ vào thôn nào có xa xôi gì? Tiếng còi xe còn thở dài nghe được. Văng vẳng có tiếng rao giong kim:
- Ai ăn bánh ít không?
Gió se qua tán mận chờ đợi, tiếng rao gần hơn:
- … Ai ăn bánh ít, bánh tét… nhưn đậu, nhưng mỡ, nhưng chuối, nhưn dừa… hôn? …
Nó, đứa con gái nào đó vừa chớm tuổi dậy thì, có lẽ nhà nó cũng nghèo, chí ít cũng vào loại vừa đủ ăn, chứ giàu có thì ai bán bưng bán đội?!
Vâng, nó không biết rằng ở xóm này có một bé gái như nó, buổi sáng đi học, buổi chiều cũng đi bán bánh ít, bánh tét cho bà ngoại, tôi hay ghẹo nó là “… Anh Hiệp”. Bởi vì “Anh Hiệp” thỏn thẻn ở cái tuổi mười hai, mười ba chưa biết mắc cỡ, còn mặc quần đùi, cắt tóc ngắn, đi chân không… “Anh Hiệp” không cất tiếng rao mời như cô bé giọng kim, mà mang đi từng nhà. Một xề với mươi đòn bánh tét, chục bánh ít… “Anh Hiệp” cứ mang đến dì Ba, cô Mười, cậu Tư, cậu Bảy… là hết, tiền đếm được trong túi chắc cũng được mươi, mười lăm ngàn. Nhưng đâu phải hôm nào cũng bán đắt? Có bữa, trời chạng vạng rồi mà tôi còn thấy Hiệp bưng xề bánh về nhà, cái mặt nó buồn như bông nhãn chiều mưa!
Thảng duới chân thời gian, kéo dài về những tháng mười năm nẳm, khi mùa nước nổi tràn bờ, có người ngẫu hứng làm thơ:
” Tháng mười nước nổi sân đằng trước
Em bước sang nhà lấm gót chân…”
Ở đâu đó trong kẹt lá, giọt sương còn chưa buông, đã nghe tiếng rao tràn qua buổi sáng:
- Cá linh hôn… ?
Tiếng rao ngọt ngào mà lấp lánh màu vẩy cá linh già mùa bông so đũa, tiếng rao như nhắc nhở các bà nội trợ phải biết bấm hầu, nặn mật con cá rồi đem kho khế, kho mía, kho mẳn, nấu chua… cho chồng có buổi cơm trưa ngon miệng sau nửa ngày trời không kịp nghỉ tay bồi gốc mận, bón phân nhãn… Và buổi trưa cũng già, cơn mưa chiều cũng sắp theo triều kéo đến, lại một giọng rao tự nhiên như cuộc đời phải vậy:
- Ve chai… lông vịt!… thau nhôm… mủ bể… bán hôn?
Thời nay thì người đi mua ve chai, lông vịt lại phải gánh gồng một ít đồ dùng như thau nhựa, chảo gang, xoong nhôm, dép mủ… và tiếng rao khác đi chút ít, rao rằng:
- Ve chai… lông vịt… Đồ cũ đổi đồ mới không?
Cũng những ngày tháng đơn lẻ tiếng rao ấy, có lúc người ta còn nghe cả tiếng tiêu thiến heo, điệp vận với tiếng ve sầu rúc vào ngõ ngách của làng quê. Và thật may mắn cho ông thợ thiến heo nào đó, được thiến mở hàng bằng một con chó. Tôi có quen một anh thợ, anh cho tôi biết:”
… Bữa nào thiến xong con chó mở hàng, thì bữa đó thiến heo mỏi tay cũng còmn người gọi…”. Bây giờ thì thoảng mới nghe tiếng tiêu buồn buồn ấy, vì công việc này cập nhật vào số tay các trạm thú y.
Năm nào cũng vậy, cái mùa nước rong tháng mười rồi cũng ròng ra biển, nắng ráo đường bờ. Người ta lại thấy một người đạp xe đạp, gác đôi thùng nhôm lên chiếc đòn được cột dính ở yên sau. Bằng chất giọng đàn ông đục màu phù sa, người ấy cất tiếng rao, làm con trao trảo giật mình bay trốn vào tán cây trứng cá. Rao rằng:
- Cá vồ nuôi hôn…?
Ngấn ngấn ban trưa, từ máy phát thanh của nhà ai đó, giọng ca ngọt ngào, trẻ trung của đệ nhất danh ca Út Trà Ôn đang xướng giọng câu một bài hát “Tình anh bán chiếu” của nghệ sỹ Viễn Châu. Và người nghe cái tình bài hát cũng buồn nào kém tiếng rao trưa:
- Chiếu hôn?…
Vậy rồi những quán “thịt cầy bảy món” mọc lên như nấm, tỷ lệ thuận với mật độ dân cư, thì người bán chiếu năm xưa, nay cũng đổi tiếng rao, mà theo tánh linh của con chó cho hay có chuyện ác cảm chẳng lành. Lũ chó rủ nhau tru tréo phía sau tiếng rao, làm cho không khí rộn vang khắp ngõ. Họ rao như vầy:
- Chiếu đổi chó hôn …?… Chiếu hôn?…
Có nghĩa là vừa bán chiếu, vừa mang chiếu đổi chó, rồi mới đem chó bán cho quán thịt cầy. Thế là rựa mận, xào lăn, nướng vĩ, bó xổ, hon, lẫu… nóng hổi trên bàn thực khách đưa cay. Người ta nói: những ai đi đổi chó thì phải manh trong người một sợi râu cọp, một móng cọp hay một miếng da cọp… để khi chộp cổ chó, con chó mới run mà sợ đến té đái!… Xoong, nồi cũng được chở theo xe đạp đểi đi đổi chó. Họ rao:
- Chó đổi xoong nồi hôn ?…
Thường thì nhà ai cũng có những món đồ hư, đồ cũ, đồ bể… xuất phát từ phố chợ, nghề mua đồ cũ hình thành. Và tiếng rao du nhập vào các ngõ đường quê, tiếng rao dài như mười vòng xích líp xe đạp.
- Đồng hồ hư, quạt máy hư, tủ lạnh, tivi, cát sét hư, bàn ủi điện, máy giặt hư, tăng phô hư, bình điện hư… bán hôn ?…
Không có cái gì bằng kim loại bị hư hỏng hoặc cũ mà họ không mua. Mua tất, có lẽ cái mẻ kho Thạch Sùng chắt lưỡi cũng có thể được mua hoặc lượm về để thổi vàng, nấu bạc… Đó là tiếng rao thượng vàng hạ cám ngày nay. Tiếng rao như xoi mói lên tàn cây vú sữa, như chọt chĩa vào những thế kỷ cổ sơ. Họ rao:
- Đồng tiền xưa, bạc cắc xưa, đồng hồ đeo tay cũ, đồng hồ xưa, lục bình cũ, lư đồng, lư thau, kẽm gai, sắt vụn, phim phổi cũ… bán hôn …?
Và cái nghề thu mua đồ cũ nghiễm nhiên ở một vị trí quan trọng trong tiếng rao để mua. Cạnh nhà tôi có anh Ba Khoa cũng làm cái nghề thu gom đồ cũ, đồ hư… ấy. Anh biết phân kim lấy bạc từ những tấm phim X quang, đến những phụ kiện trong loại máy truyền tin và vi tính IBM cũ…
Anh nói: “Nhiều khi mua được những vỏ đồng hồ cũ như Tugaric, Willer… có lốc kê vàng 14… đem về mình lột ra cũng có lời…”. Nhưng ngày đó là ngày trúng mánh và không ít hôm dầm mưa giải nắng… đạp xe tháo mồ hôi hột, lột da chân mà cũng chẳng mua được một món đồ có giá trị ngầm, ngoài những thứ rác rưởi khác, ngày đó coi như lỗ nặng, lỗ đến thâm kim con mắt ếch.
Trở lại với tiếng rao để bán, còn phải kể đến những người bán chối lông gà để quét nóc nhà (chổi sào), quét bàn, chổi làm bằng dây nilon, chổi chà làm bằng cọng dừa, tàu cau, lá ráng… và họ còn đèo theo trên xe đạp những cái lồng trúc… thoạt trong họ đèo, họ mang đã là vất vả rồi, đừng nói gì đến đoạn đường dài trong ngày phải đạp và rao:
- Chổi hôn ?
Anh Bảy Thôi, người ở tận Châu Đốc đến ở trọ trong xóm tôi, là người đã nhiều năm trong nghề, cho biết: ” Có ngày anh đi từ đây (ấp 7 – Đạo Thạnh Mỹ Tho), sang đến tận Ba Tri, rồi vòng qua Chợ Lách (Bến Tre)… trở về. Cũng có khi anh ngược về Long An, vô tận Cần Giuộc, Cần Đước. Bình quân mỗi ngày anh đạp cả trăm km đường cả đi lẫn về. Ngày nào trúng thì bán được dăm ba chục cây chổi, kiếm lời khoảng bốn năm chục ngàn. Còn ngày đói bụng thì coi như đói bụng, mỏi chân… chán chường húp nước đá lạnh, hút thuốc gùi trong những quán nghèo thôn nội.
Tương tợ như họ, lại còn số người đi bán rao không có chữ “hôn”. Họ rao:
- Bơm gaz, sửa quẹt…
- Bật lửa, bơm gaz…
Đi bán vé số cũng là một kế sinh nhai của những ai cam phần thôi nghề, thất nghiệp. Có người đi bộ, có người đạp xe. Và tiếng rao cũng rải dài theo những đoạn đường quê nắng mưa thắc thỏm đồng lời.
- Vé số đây…
Không ai rao “vé số hôn”. Và mỗi ngày rải niềm hy vọng cho 100 người họ cũng kiếm lời được ít tiền, gọi là cũng đủ no cơm ngày đó.
Có một chút tuổi thơ của tôi còn sót rớt đâu đó trên những lá mận hồng đào kiến đụt, cái thuở mỏng mảnh gió sớm sương khuya… văng vẳng từ con lộ nhựa Nguyễn Tri Phương (đường Ấp Bắc, Mỹ Tho, Tiền Giang bây giờ) vọng đến tai tôi đang còn ngái ngủ, là những tiếng rao xa xa mà nghe âm ấm chân răng mình.
- Bánh mì đây, bánh mì nóng giòn, bánh mì đây…
Và rồi đến tôi cũng lộp cộp cái thùng mốt và leng keng cái chuông bằng thau, lội bộ xuống hãng kem Hương Cảng, đếm cà rem thẻ về đi bán rao. Tôi ít rao mà lắc chuông thì nhiều, thỉnh thoảng cũng trổ giọng thổ ra mà rao:
- Cà rem đây – cà rem đậu xanh đây…
Ấy là cái thời tôi lên bảy lên mười Chứ còn bây giờ, ngoài những ai đạp xe chở thùng cà rem phía sau và lắc cái chuông rõ bự phía trước tay cầm, thỉnh thảng họ còn cất tiếng rao mời:
- Cà rem đậu xanh, nước cốt dừa, đường cát đây…
Còn lại thì họ đạp xe thùng xập xình tiếng nhạc hoặc rò rè điệp khúc của Wals, thay cho những tiếng rao khản giọng, khàn hơi. Có lẽ một vài người già bị phá giấc ngủ trưa mà đâm ra bực bội những tiếng nhạc rao mời đôi khi khiếm nhã ấy.
Và cũng đôi khi mắc cười với những giọng rao nhao nhào giữa trưa nghe không rõ tiếng:
- Ai ngủ hôn ?
Không phải đâu! Đó là tiếng rao của chị bán tàu hủ, nước đường lá dứa. Lại gần nghe kỹ mới biết là chị rao: “Ai ăn tàu hủ hôn”. Lại có những câu rao, nghĩ ngẫm mà nghe mắc cười. Rằng:
- Đúc lọt hôn ?
Đó là “ai ăn bánh đúc, bánh lọt hôn ?”. Lại có một giọng đàn ông người miền Bắc thì rao rằng: ” Chưn đạp gai tét giò đây” phải hiểu giùm tiếng rao ấy là: Bánh chưng, bánh đạp, bánh gai, bánh tét, bánh giò… Và trên đường vào Phú Mỹ, có lần tôi nghe tiếng rao lẫn trong bụi đỏ đường chiều:
- Lò hôn ?
Thoắt nghe bằng suy nghĩ khôi hài nói ngược thì không sao nhịn cười. Ấy vậy mà khi cuốc bộ đến gần thì tôi mới bíêt sự suy nghĩ để cười của mình là xúc xiểm người già, tôi tự trách mình vô lễ với cụ già luống tuổi có hàm râu thưa, đang nặng nhọc kéo chiếc xe lò đất nung sau lưng; giá như tôi có tiền sẵn trong túi, chắc rằng tôi phải mua giúp ông già một cái lò than ấy để chuộc lỗi và để ông vợi bớt nặng nhọc. cũng giọng nói người già rao mời:
- Dao à kéo…
Cụ già lưng còng tóc bạc ấy vẫn phải kề vai mà vác trên một cái chân bò gỗ, lỉnh kỉnh những đá mài, đá quay, ê tô, kềm, giũa và dao mài sắt… Hằng ngày cụ vẫn lội bộ như vậy, để đi mài sắt cho người đời từng con dao, cái kéo. Tôi cảm thấy vai mình đau đáu dáng ông đi.
Tôi lại lầm lũi đi về trong cái tiếng “hôn” thật xa, mà ngọt ngào như mận chín quê mình. Tiếng rao của chị bán chè như câu hò bên kia bờ sông Tiền:
- Ai ăn chè đậu đen, nước cốt dừa, đường cát hôn ?
Và tôi biết ở miệt vườn quê tôi, một vùng ven thị xã Mỹ Tho ngày xưa, nay đã mọc nhiều hơn những mái nhà mới được ra riêng, tiếng rao có
lúc lẫn khuất trong ngày xưa tuổi nhỏ, mà cũng có khi rờn rợn cõi lòng giữa buổi trưa nay! Thế mà cũng có người đi bán hàng rong miệt vườn khộng cất lên tiếng rao. Đó là những anh, những chị đi bán bong bóng, bán đồ chơi trẻ em… Lỉnh kỉnh trên xe đạp thôi thì lỉnh kỉnh những món đồ nhựa cùng với mấy gói kẹo me, kẹo bọc đường… Rồi bong bóng bày, giắt suốt từ đằng trước ra sau, che lấp cả chu hàng.
Tất cả là để có manh áo, bát cơm, tất cả là để mưu cầu cuộc sống gia đình không nhiều thì ít, cũng được phần tươm tất. Họ chính là những người tự trọng và khiêm tôn trước cuộc đời. Tiếng rao và bước chân của họ đã làm xôn xao chốn miệt vườn, góp phần làm đẹp cuộc sống.
Tôi quí trọng họ, quí trọng tiếng rao mời dù rằng không có tiền mua cũng chẳng có gì để bán cho họ. Tôi chỉ cất giữ trong tôi niềm vui ấy trong yên tĩnh miệt vườn! Như tôi đã từng cất giữ tiếng chim rúc ra, rúc rích trên chót đọt cây sọp già trong mùa sọp chín.
Nguyễn Chi
Nguồn:vannghetiengiang