Nguyên Thủ tướng VÕ VĂN KIỆT
Theo yêu cầu, tôi tiếp nhà văn Võ Bá Cường, được nghe nhà văn trình bày đại thể nội dung tác phẩm “Tướng Trần Độ” do Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân sắp ấn hành. Tôi hoan nghênh, cần một sự công bằng với tướng Trần Độ và những người cống hiến gần hết cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng nhưng có những vấp váp nhất định!
Tôi biết nhiều về anh Trần Độ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cả anh và tôi cùng ở trong Trung ương Cục miền Nam. Thời kỳ chống Pháp, tôi mới chỉ được nghe, được đọc về anh. Năm 1941, anh bị thực dân Pháp bắt, kết án 15 năm tù, đày đi Sơn La. Năm 1944, anh vượt ngục, về công tác ở Ban tuyên truyền Trung ương, tiếp sau đó, với nhiều cương vị khác nhau, phần nhiều thời gian anh hoạt động báo chí và văn học kháng chiến chống Pháp.
Anh Trần Độ cống hiến gần hết cuộc đời mình cho dân, cho nước suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, trực tiếp chiến đấu và chỉ huy ở chiến trường trên cương vị Phó Chính uỷ Quân giải phóng miền Nam – Phó Bí thư Quân uỷ Miền (thời kỳ chống Mỹ), kể cả sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Liên tục anh là Ủy viên Trung ương Đảng các khoá III, IV, V, VI. Anh là Trung tướng Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin, Phó Ban Tuyên huấn Trung ương, Trưởng Ban Văn hoá – Văn nghệ Trung ương. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá – Giáo dục của Quốc hội (khoá VII, khoá VIII) ; là Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Nhà nước.
Ở Trung ương Cục miền Nam, chúng tôi thường gọi tướng Trần Độ là Chín Vinh (Anh Chín Vinh). Trong quan hệ làm việc, chúng tôi thường gặp nhau ở hội nghị Trung ương Cục hoặc ở Bộ Chỉ huy Miền. Trong quân đội, tôi dưới anh một cấp. Lúc đó tôi là Chính uỷ Quân khu (không sao), còn anh trong Bộ Chỉ huy Miền (tướng có sao). Anh Chín Vinh trực tiếp chỉ đạo công tác chính trị trong quân đội của Bộ Chỉ huy Miền. Anh được cán bộ toàn quân cảm mến vì anh có khả năng thuyết phục và rất sáng tạo trong động viên cổ vũ cho mỗi chiến công của quân đội.
Có dịp về Trung ương Cục gặp anh, tôi nói đùa, coi chừng ông Chín Vinh dùng hết chữ, sau này có những chiến công lớn hơn thì khéo không còn từ nào đủ để động viên tiếp. Anh Trần Độ luôn là người lạc quan, pha lẫn tính cách nghệ sĩ, anh thông minh và có “bộ nhớ” rất cừ. Anh có một thú vui thư giãn say mê, đó là chụp hình và ban đêm tự tráng rửa phim, tự in hình.
Nhân đây, tôi muốn bày tỏ về quan niệm của mình đánh giá con người nói chung, sự cống hiến, một chặng đường dài trong đấu tranh cách mạng, ít ai không có vấp váp, sai phạm ở mức độ khác nhau. Đó cũng là lẽ bình thường trong một chặng đường và cả cuộc đời. Tôi đưa ra một tỷ dụ, sau Hiệp định Paris giữa Quân uỷ Miền (anh Trần Độ thay mặt) với Quân khu 9, ý kiến khác nhau khá xa về bám dân, giữ đất. Anh cảnh cáo chúng tôi (Quân khu) và còn doạ sẽ có mức kỷ luật cao hơn. Khi có kết luận bổ sung của Bộ Chính trị mở rộng với các Quân khu miền Nam ở Sầm Sơn năm 1973, lại thống nhất với nhau, đó cũng là bình thường …
Những cống hiến của anh Trần Độ bao gồm thời gian 50 – 60 năm đi qua các thời kỳ như : hoạt động bí mật, sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, suốt hai cuộc kháng chiến và sau ngày 30/4/1975. Quan trọng nhất là giá trị của sự cống hiến qua mỗi thời kỳ khác nhau đó với ý nghĩa thực của nó. Về vấp váp, sai phạm, cần đánh giá đúng mức tác hại của nó, những thiệt hại cho cách mạng, cho Đảng, mức độ ảnh hưởng đến đâu, không quy kết chỉ qua cảm tính, chủ quan mà không dựa vào những chuẩn mực nào.
Những cống hiến của anh Trần Độ bao gồm thời gian 50 – 60 năm đi qua các thời kỳ như : hoạt động bí mật, sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, suốt hai cuộc kháng chiến và sau ngày 30/4/1975. Quan trọng nhất là giá trị của sự cống hiến qua mỗi thời kỳ khác nhau đó với ý nghĩa thực của nó. Về vấp váp, sai phạm, cần đánh giá đúng mức tác hại của nó, những thiệt hại cho cách mạng, cho Đảng, mức độ ảnh hưởng đến đâu, không quy kết chỉ qua cảm tính, chủ quan mà không dựa vào những chuẩn mực nào.
Đảng ta không chủ trương lấy công thay cho lỗi lầm ; ngược lại cũng không vì có lỗi lầm mà phủ định hết giá trị của những cống hiến. Vấn đề ở đây phải rất công bằng, có sức thuyết phục cao.
Hơn nữa, chúng ta cần xem xét thuộc quan điểm, chủ trương như trước đổi mới và đổi mới ban đầu và ở những chặng sau này. Có những cái ta cho là đúng trước đây khi đổi mới và càng về sau lại càng thấy nó là sai, hoặc trước đây là sai nghiêm trọng nhưng khi đổi mới lại đúng như trường hợp đồng chí Kim Ngọc (Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phú). Ngay cả đổi mới lúc đầu với mức hiện nay cũng có nhiều mức khác biệt, ngay trong lĩnh vực văn hoá văn nghệ. Nhân tôi có đọc tập sách của Phùng Quán với tựa đề “Ba phút sự thật”, có nhiều tư liệu nói về cuộc đời, đồng đội và bè bạn, qua đó biết thêm về một lão thành cách mạng kỳ cựu Nguyễn Hữu Đang.
Lịch sử sẽ phán xét công minh, nhưng trước tiên mỗi một cá nhân cũng phải sòng phẳng với lịch sử. Với tinh thần ấy, tôi tin việc xuất bản cuốn sách “Tướng Trần Độ” là việc làm kịp thời và rất có ý nghĩa.
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 02 tháng 5 năm 2007
HỎI CHUYỆN TÁC GIẢ “CHUYỆN TƯỚNG ĐỘ”
“Nhà văn phải dám ngồi bệt xuống đất mà viết”
(Võ Bá Cường)
(Võ Bá Cường)
DƯƠNG TỬ THÀNH thực hiện
- Tập sách “Chuyện Tướng Độ” của ông gặp rất nhiều trắc trở trước khi nó được ra mắt bạn đọc?
Võ Bá Cường: - Thời ấy cứ nhắc đến hai từ “Tướng Độ” là ai cũng muốn tránh, thậm chí khi tôi đi viết, cứ nhắc đến Tướng Độ là người ta không muốn nói đến nữa. Nhưng rất may tôi được anh Nghiêm Hà, nguyên là thư ký của Tướng Độ suốt từ những ngày ở chiến trường cho đến khi ông mất, giúp cho tôi toàn bộ tài liệu quý về cuộc đời Trần Độ; đại tá Trần Thắng, con trai của Tướng Độ cũng đã đưa tôi đi khắp các chiến trường mà Tướng Độ từng ở, cung cấp cho tôi những trang nhật ký của cha mình… Qua những tài liệu tôi nhìn thấy một vị tướng có dũng khí, có nhân cách.
Trong quá trình chấp bút tôi có được sự cổ vũ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông đã chỉ cho tôi viết như thế nào để cuốn sách được ra mắt bạn đọc; có được thái độ đúng mực của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khi tôi đến xin ý kiến; có được sự tiếp sức của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông đã trực tiếp đọc từng trang văn và viết bài “Cần lấy lại sự công bằng cho Tướng Độ”, đó là những yếu tố quan trọng giúp tôi hoàn thành bản thảo. Khi “Chuyện tướng Độ” đến tay Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân tôi đã gặp được ông giám đốc Phạm Quang Định và người biên tập là nhà văn Nguyễn Tiến Hải dám làm, dám chịu trách nhiệm nên cuốn sách đã vượt qua được cửa ải cuối cùng để ra mắt bạn đọc.
- Khi sách ra mắt có điều gì khiến ông nuối tiếc?
- Sau khi sách ra mắt, tôi nhận được sự cổ vũ của nhiều tướng lĩnh và bạn đọc, đương nhiên cũng có những ý kiến trái chiều nhưng không đáng quan tâm. Tôi chỉ tiếc rằng mình chưa đủ tài năng và khả năng để tái hiện chân dung một con người văn tài võ tướng. Trước một khối tư liệu quý giá, “tài hèn” của tôi chưa đủ để tạo nên những trang văn lay động bạn đọc hơn về một nhân vật đáng kính.
- Bây giờ, khi “Chuyện Tướng Độ” đã ra mắt được 5 năm nhưng phần hai của nó vẫn chưa được công bố. Vì sao vậy?
- Băn khoăn lớn nhất của tôi hiện nay là còn phần hai của “Chuyện Tướng Độ” chưa được xuất bản. Phần này chứa dung lượng lớn tư liệu về mong muốn đổi mới đất nước và chỉnh đốn Đảng. Trong lá thư gửi cho BCH Trung ương Đảng và các lão thành cách mạng Tướng Độ có nói “Tôi không phải là người chống Đảng mà tôi chống lại sự ô nhiễm trong Đảng”, vì thế tôi tin đến một thời điểm thích hợp cuốn sách sẽ được ra mắt bạn đọc.
- Nhiều nhà văn không ngại viết về những con người gai góc nhưng lại bất lực trước những rào cản vô hình để tác phẩm chào đời, ông đã vượt qua những rào cản ấy bằng cách nào?
- Trong cuộc đời ai cũng muốn chọn con đường bằng phẳng để đi, tôi biết con đường tôi chọn đầy gai góc khó khăn, nhưng với trách nhiệm của nhà văn, tôi vẫn đi gõ cửa các nhân vật, tôi tin gõ cửa thì cửa sẽ mở, đã đi là sẽ đến vì lòng quyết tâm của mình trước bạn đọc.
(nguồn vnexpress.net)