Nguyễn Cơ Thạch
Phan Doãn Nam[*]
Tôi có vinh dự được làm việc
dưới trướng của anh Nguyễn Cơ Thạch ngay từ khi mới bước chân vào Bộ Ngoại giao.
Nguyên là năm 1956, sau khi học xong lớp Phiên dịch tiếng Anh của Bộ, tôi cùng
anh Nguyễn Dy Niên và anh Đặng Phong Hoàn được cử sang công tác ở Tổng Lãnh sự
quán nước ta mới mở tại New Delhi, Ấn Độ. Anh Thạch đã sang làm Tổng Lãnh sự ở
đó sáu tháng trước. Học xong lớp “Phiên dịch”, chúng tôi được trang bị khoảng
trên dưới 3000 từ tiếng Anh. Sang Ấn Độ tôi được anh Lưu Đoàn Huynh, lúc bấy giờ
là Chánh Văn phòng của Tổng Lãnh sự quán phân công làm thường trực. Khi phân
công công tác cho tôi, anh ấy bảo: “Sếp Thạch sau này là người sẽ nắm toàn bộ Bộ
Ngoại giao đấy. Ghê lắm đấy. Bây giờ ở đây ai muốn gặp sếp Thạch đều phải qua
cậu. Cho nên công tác thường trực của cậu rất quan trọng. Cậu cố gắng lên”. Nghe
bùi tai, tôi liền chấp nhận công việc vì thấy cũng rất “oai”. Mặt khác, tôi nghĩ
rằng làm thường trực thì sẽ có nhiều thì giờ để học thêm tiếng Anh qua giao dịch
với khách. Khi không có khách thì đem sách ra học. Không ngờ thủ trưởng Thạch
thấy tôi lúc nào cũng cầm sách học nên luôn thăm hỏi và động viên thêm. Tổng
Lãnh sự quán hồi ấy chỉ vẻn vẹn có trên dưới 10 người. Ba tháng sau, anh Huynh
gặp lại tôi bảo “cậu không phải làm thường trực nữa. Việc này sẽ giao cho một
nhân viên người Ấn làm. Cậu lên giúp anh Thạch làm thư ký riêng. Nhiệm vụ của
cậu là báo cáo, nhắc nhở giờ giấc các hoạt động hàng ngày của anh Thạch và phiên
dịch cho anh Thạch khi đi dự các cuộc chiêu đãi của Ngoại giao Đoàn". (Trong
việc phân công nhiệm vụ này, chủ ý của anh Thạch là nhằm giảm bớt công việc cho
anh Huynh, từ nay anh Huynh chỉ phải dịch trong các cuộc tiếp xúc quan trọng,
đồng thời tạo điều kiện cho tôi thực hành tiếng Anh, và bản thân anh cũng có
điều kiện để sử dụng vốn tiếng Pháp của mình). Tôi đã hết sức cố gắng ngày đêm
để hoàn thành nhiệm vụ mới. Với cương vị công tác này, tôi đã đi theo phiên dịch
cho anh Thạch dự trên 300 cuộc chiêu đãi. Công việc này là rất khó khăn vì trình
độ Anh văn của tôi còn quá non, nhiều khi phải biến báo mới dịch được hết ý.
Thường những chỗ nào bí thì tôi dịch vòng quanh. Chẳng hạn có hôm tôi không biết
tiếng Anh gọi “con gà mái” là gì, tôi phải nói “vợ con gà trống”. Cũng may là
thời gian ấy do còn "mù" tiếng Anh, nên khi thấy tôi dịch mọi người ồ ra cười
thì anh Thạch lại khen tôi “dịch tốt”.
Thấy tôi làm “tốt” công tác
như vậy, chẳng bao lâu sau thủ trưởng Thạch bảo anh Huynh chuyển tôi sang làm
công tác báo chí, phụ trách việc xuất bản Bản tin hàng tháng của Tổng lãnh sự
quán và công tác vận động báo chí để chuẩn bị cho chuyến thăm Ấn Độ của Hồ Chủ
Tịch (2/1958).
Anh Thạch rất coi trọng
chuyến thăm này của Hồ Chủ Tịch vì nó là chuyến thăm đầu tiên của Người sang một
nước lớn không phải là XHCN. Hơn nữa, Ấn Độ là Chủ tịch Ủy ban Quốc tế Kiểm soát
và Giám sát việc thi hành Hiệp định Geneve về Đông Dương. Cho nên trước chuyến
thăm của Hồ Chủ tịch, Ấn Độ sẽ đón Ngô Đình Diệm để giữ thế cân bằng. Để chuẩn
bị tốt cho chuyến thăm, anh Thạch bảo không những phải tranh thủ Ấn Độ đón tiếp
thật trọng thể Hồ Chủ Tịch, mà còn phải làm cho chuyến đi trở thành một cột mốc
đưa quan hệ hai nước nói chung và quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo lên một tầm cao
mới và trở thành nền tảng của tình hữu nghị đời đời giữa hai dân tộc. Với mục
đích đó, anh Thạch chủ trương phải đi sâu nghiên cứu quan hệ giữa hai nước, hai
dân tộc và lãnh tụ của hai nước. Do Tổng Lãnh sứ quán quá ít người, anh đã cho
thuê một người Ấn Độ tiến bộ (do Đảng Cộng sản Ấn Độ giới thiệu) để sưu tầm tài
liệu về quan hệ hai nước. Anh em Tổng Lãnh sự quán (trong đó có tôi) cũng được
phân công đến các thư viện lớn của Ấn Độ để tìm tài liệu. Kết quả là đã sưu tầm
được một số lượng lớn tài liệu. Lúc này vốn tiếng Anh của anh Thạch đã khá, nói
chưa tốt, nhưng đọc rất tốt. Ngày đêm bản thân anh Thạch, tôi và anh Huynh chia
nhau đọc. Kết quả thật khả quan, qua đợt nghiên cứu này, chúng tôi thấy được một
số điểm rất hay, thiết thực phục vụ cho chuyến thăm của Hồ Chủ Tịch. Một là,
quan hệ Việt Nam – Ấn Độ có từ rất lâu đời, có đến 1- 2 ngàn năm trước. Hai là,
ảnh hưởng của Ấn Độ đối với Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng là bằng
con đường văn hóa, tôn giáo (đạo Phật). Ba là, bản thân gia đình của Thủ tướng
Nehru là một gia đình trí thức tiến bộ. Thân sinh Thủ tướng Nehru là cụ Motilal
Nehru, một chiến sĩ chống đế quốc và đã gặp Hồ Chủ Tịch tại Brussels năm 1927
tại Hội nghị Quốc tế đại biểu các dân tộc bị áp bức. Anh Thạch đã báo cáo những
chi tiết này về nhà trình Hồ Chủ Tịch và đã được khen. Mặt khác, Tổng Lãnh sự
quán cũng dùng những mối quan hệ lâu đời để vận động báo chí và các đoàn thể
quần chúng trong tuyên truyền chuẩn bị cho chuyến thăm của Hồ Chủ Tịch. Kết quả
chuyến thăm đã thành công quá sự mong đợi của ta. (Thật tình anh Thạch cũng
không biết có phải do báo cáo của Tổng lãnh sự quán hay không mà khi gặp Nehru
ra sân bay đón, Bác đã nói với Nehru là Bác có mang theo một vòng hoa để đến
viếng mộ cụ Motilal. Việc làm này đã làm cho Thủ tướng Nehru hết sức xúc động và
quan hệ giữa hai vị lãnh tụ trở nên hết sức thân mật ngay từ đầu chuyến
thăm).
Sau khi hết nhiệm kỳ công tác
ở Ấn Độ về nước, anh Thạch được đề bạt làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Tình hình ở
Lào lúc đó rất phức tạp. Anh được Bộ Chính trị cử làm Phó Trưởng đoàn (và sau đó
là Quyền Trưởng đoàn) tại Hội nghị Quốc tế Geneve về Lào. Đây là lần đầu tiên
anh Thạch dự một hội nghị quốc tế có thành phần đủ cả các nước lớn, đặc biệt là
Mỹ và Trung Quốc. Song với kiến thức về tình hình Lào do anh tự theo dõi nghiên
cứu và bản lĩnh chính trị vững vàng của mình, với những lập luận sắc bén về luật
pháp quốc tế mà anh đã tự học, anh Thạch đã thuyết phục được Hội nghị chấp nhận
phương án giải quyết vấn đề Lào do Việt Nam đề xuất. Luật sư Trần Công Tường,
một thành viên của Đoàn đã khen: "Qua Hội nghị này Nguyễn Cơ Thạch đã trở thành
một luật sư thực thụ".
Năm 1964, sau khi Mỹ mở rộng
chiến tranh ra miền Bắc, anh Thạch được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ phụ trách
công tác đấu tranh chống Mỹ. Để thực hiện nhiệm vụ được giao, đồng thời xem đây
là dịp tốt để tổ chức lại bộ máy nghiên cứu của Bộ Ngoại giao, anh Thạch đã
thành lập ba vụ mới trong Bộ: Vụ I, chuyên theo dõi động thái hàng ngày của Mỹ;
Vụ II, chuyên lo đối sách; và Vụ Nghiên cứu tư liệu, chuyên nghiên cứu cơ bản về
Mỹ. Đồng thời, để thu hút các đơn vị trong Bộ tham gia công tác theo dõi âm mưu,
ý đồ toàn cầu của Mỹ, anh Thạch đã chỉ thị tất cả các Vụ khu vực phải theo dõi
hoạt động và ý đồ của Mỹ trong quan hệ song phương với các nước, đặc biệt với
các nước lớn. Mặt khác, bản thân anh Thạch cũng đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu
chiến lược, chiến thuật, thủ đoạn ngoại giao của Mỹ, nhất là đối với Việt Nam.
Anh đã chỉ thị cho các cơ quan đại diện của ta ở nước ngoài tìm mua sách báo nói
về các vấn đề trên gửi về trong nước để anh tự nghiên cứu, hoặc phân công cho
cán bộ giỏi ngoại ngữ đọc rồi báo cáo lại. Kết quả của công tác nghiên cứu này
đã thường xuyên được báo cáo lên Bộ Chính trị, giúp Bộ Chính trị đề ra các bước
đi thích hợp trong cuộc đấu tranh với Mỹ. Anh Thạch thường xuyên được trường
Nguyễn Ái Quốc và các Học viện khác mời giảng về Mỹ. Bộ Chính trị rất tin tưởng
anh và xem anh như là chuyên gia số 1 về Mỹ. Do đó trong thời kỳ đầu đàm phán
Paris, anh Thạch đã được giữ lại ở nhà để giúp Bộ Chính trị theo dõi Hội nghị,
chuyển ý kiến chỉ đạo của bộ Chính trị đến Đoàn đàm phán. Sau chiến thắng Xuân –
Hè (1972), Bộ Chính trị chủ trương chuyển chiến lược đàm phán, từ chiến lược
chiến tranh sang chiến lược hòa bình và chỉ thị cho Tiểu ban CP50 (được thành
lập từ năm 1971) do anh phụ trách soạn thảo “dự thảo Hiệp định Paris về Việt
Nam”. Suốt 3 tháng liền dưới sự chỉ đạo của anh Thạch, CP50 đã xây dựng xong dự
thảo. Anh làm việc miệt mài suốt ngày đêm, cân nhắc, chỉnh sửa từng chữ, từng
điều khoản và cuối cùng đã được Bộ Chính trị thông qua và ngày 8/10/1972 đồng
chí Lê Đức Thọ đã chuyển cho phái đoàn Mỹ ở Paris.
Để giúp thực hiện việc chuyển
chiến lược này, Bộ Chính trị đồng thời cử anh Thạch sang Paris làm trợ lý cho
đồng chí Lê Đức Thọ, kiêm Trưởng Đoàn chuyên viên của phái Đoàn ta. Trong buổi
thông báo nội bộ của Đoàn, anh Phan Hiền, cũng là chuyên viên của Đoàn (sau Hội
nghị Paris, anh Phan Hiền được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Ngoại giao, sau đó làm Bộ
trưởng Bộ Tư pháp) đã cho anh em biết: “Lần này anh Sáu (Lê Đức Thọ) sang có
mang theo cả Pê-lê để chuyên làm bàn”. Anh em phấn khởi vỗ tay ầm lên. Đúng anh
Thạch là “Pê-lê” thật. Là người chủ trì việc khởi thảo Dự thảo Hiệp định, anh
Thạch thuộc lòng từng điều khoản, từng câu, từng chữ của dự thảo Hiệp định. Anh
lại rất thông thạo về luật pháp quốc tế. Kissinger, người đối thoại chính của Cố
vấn Lê Đức Thọ rất gờm anh Thạch đến mức y gợi ý với đồng chí Lê Đức Thọ là đừng
để anh Thạch dự các cuộc họp hẹp giữa y với đồng chí vì “cứ mỗi lần chúng ta đi
gần đến thỏa thuận thì ông Thạch lại viết giấy đưa cho ông Cố vấn” (Lời của
Kissinger nói khi đi dạo riêng với đồng chí Lê Đức Thọ).
Tuy trong đấu tranh trên bàn
hội nghị rất nghiêm chỉnh, không nhân nhượng và kiên quyết bảo vệ lợi ích của
dân tộc, đường lối của Đảng trong quan hệ với Mỹ, nhưng vốn là người có tầm nhìn
chiến lược anh Thạch luôn luôn có thái độ thân mật, thậm chí, biết hài hước và
không làm cho đối phương tự ái, mà vẫn đạt được mục đích của mình.
Sau Hội nghị Paris, anh Nguyễn
Cơ Thạch được bổ nhiệm làm Bộ Trưởng Ngoại giao. Lúc đó bối cảnh quốc tế của
nước ta bị xấu đi nghiêm trọng. Các thế lực thù địch đã lợi dụng việc ta đưa
quân vào Campuchia giúp nhân dân bạn đánh diệt bè lũ diệt chủng Pôn-Pốt để tiến
hành bao vây cấm vận nhằm cô lập nước ta trên trường quốc tế. Tình hình đó đặt
ra cho ngoại giao nước ta nhiệm vụ hết sức khó khăn và phức tạp.
Việc tháng 2/1979 Trung Quốc
xua 60 vạn quân tiến đánh nước ta dưới danh nghĩa "dạy cho Việt Nam một bài học"
đã biến quán hệ hai nước từ là đồng minh chuyển sang thù địch. Trong bối cảnh
phức tạp đó, anh Nguyễn Cơ Thạch đã chỉ ra cho cán bộ nhân viên Bộ Ngoại giao
thấy rằng "cuộc hành quân xâm lược của Trung Quốc chỉ là một cuộc phô trương lực
lượng nhằm cổ vũ các nước ASEAN và phương Tây, đặc biệt là Mỹ tiếp tục chống ta
về vấn đề Campuchia và sẽ sớm chấm dứt". Trước sau như một anh Thạch vẫn chủ
trương giải quyết những bất đồng với Trung Quốc thông qua tiếp xúc và thương
lượng hòa bình để bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Do đó, sau khi Trung
Quốc tuyên bố rút quân khỏi 6 tỉnh biên giới, anh Thạch đã báo cáo với Bộ Chính
trị cho đề nghị với Trung Quốc mở các cuộc đàm phán nhằm bình thường hóa quan hệ
giữa hai nước. Các cuộc đàm phán với Trung Quốc đã được mở ra ở Hà Nội và Bắc
Kinh. Tuy chưa đạt được kết quả gì, nhưng các cuộc đàm phán này đã làm cho các
nước ASEAN và Mỹ thấy rằng Trung Quốc vẫn không có ý cắt đứt quan hệ với Việt
Nam. Trong lúc chưa có thể nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp và chính thức với
Trung Quốc, anh Nguyễn Cơ Thạch đã tranh thủ tiếp xúc với Đại sứ của Trung Quốc
ở Hà Nội và nhất là với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc trong thời gian dự họp
Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York. Anh Thạch đã hai năm liền đến dự Lễ Quốc
khánh của Trung Quốc tổ chức tại trụ sở của LHQ, do Bộ trưởng Ngoại giao Trung
Quốc mời. Mặt khác, để tỏ thiện chí với Trung Quốc và thay đổi nhận thức về
Trung Quốc trong toàn đảng và toàn dân anh Thạch đã trình lên Bộ Chính trị
(20/5/1987) kiến nghị của Bộ Ngoại giao bỏ câu "Trung Quốc là kẻ thù trực tiếp
và nguy hiểm nhất" trong lời nói đàu của Hiến Pháp và Điều lệ Đảng và đã được
trên đồng ý.
Để chống lại âm mưu của các
lực lượng thù địch nhằm bao vây cấm vận nước ta, anh Thạch đã nghĩ ngay đến việc
làm dịu quan hệ với Mỹ. Nhằm mục đích này, anh Thạch đã đề nghị với Bộ Chính trị
từng bước giải quyết vấn đề người Mỹ mất tích trong chiến tranh. Đã hai lần ta
đón tiếp Tướng Vesey, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về người Mỹ mất tích (MIA
– POW). Đồng thời anh Thạch đã kiến nghị Bộ Chính trị hủy bỏ việc đòi Mỹ bồi
thường chiến tranh. (Anh đã nghiên cứu lại bức thư của Nixon gửi Thủ tướng Phạm
Văn Đồng về việc Mỹ sẽ đóng góp để hàn gắn vết thương chiến tranh và phát hiện
ra câu mà Kissinger đã thêm vào ở cuối thư là: “Hai bên sẽ nghiêm chỉnh thực
hiện cam kết này theo đúng luật pháp của mỗi nước”). Như vậy là đã rõ. Điều này
cho thấy không bao giờ ta có được sự bồi thường của Mỹ. Việc ta cứ tiếp tục đòi
Nixon phải thực hiện điều y đã cam kết chỉ làm cho quan hệ hai nước càng khó
được cải thiện. Dù Nixon có “thiện chí” muốn đóng góp thì Quốc hội Mỹ cũng phủ
quyết. Mà Nixon thì không bao giờ có thiện chí đó. Những sáng kiến của Bộ Trưởng
Nguyễn Cơ Thạch, như đã nói ở trên đã thúc đẩy một bước việc bình thường hóa
quan hệ hai nước nước. Ngày 18/7/1990 Ngoại trưởng Mỹ James Baker tuyên bố Hoa
Kỳ không ủng hộ ghế của Campuchia Dân chủ tại Liên hợp quốc và sẽ đàm phán trực
tiếp với Việt Nam để tìm giải pháp cho vấn đề Campuchia. Tiếp đó, ngày
17/10/1990 Ngoại trưởng Mỹ đã chính thức mời Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch sang thăm
thủ đô Hoa Kỳ. Qua những sự kiện này có thể thấy hoạt động của Bộ trưởng Nguyễn
Cơ Thạch đã giúp khởi động cho quá trình đi đến bình thường hóa quan hệ giữa hai
nước, diễn ra 5 năm sau đó dưới thời Tổng thống Clinton. Sự chuyển động trong
quan hệ giữa ta và Mỹ đã có tác động to lớn góp phần làm sụp đổ hàng rào bao vây
cấm vận kéo dài 10 năm do các thế lực thù địch dựng lên chống ta chung quanh vấn
đề Campuchia. Do thấy Mỹ liên tục cử đoàn, gồm các quan chức cấp cao của Chính
phủ và Quốc hội vào ta, các nước phương Tây khác cũng bắt đầu cỉa thiện quan hệ
với ta. Pháp ký Nghị định thư viện trợ cho ta (1982) và Ngoại trưởng Pháp thăm
ta (1983). Tiếp sau đó Ngoại trưởng Phần Lan (1984) và Ngoại trưởng Thụy Điển
(1985) thăm ta. Cũng trong thời gian này, EEC nối lại viện trợ lương thực cho ta
để khắc phục thiên tại. Ngoain trưởng Tây Đức (1980) và Ngoại trưởng Nhật Bản
(1984) đã đón Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch.
Trong cuộc đấu tranh ngoại
giao về vấn đề Campuchia, được sự ủy nhiệm của Bộ Chính trị anh Nguyễn Cơ Thạch
hầu như được toàn quyền hoạt động (lúc cần thiết thì trao đổi ý kiến với Thủ
tướng Phạm Văn Đồng và đồng chí Lê Đức Thọ). Theo sáng kiến của anh Thạch và
được lãnh đạo Lào và Campuchia đồng ý, Hội nghị Ngoại trưởng 3 nước Việt Nam -
Lào - Campuchia đã họp 6 tháng một lần, với địa điểm luân phiên giữa 3 nước. Sau
mỗi lần họp, có một cuộc họp báo quốc tế để công bố những sáng kiến mới của 3
nước về giải pháp cho vấn đề Campuchia. Tại các cuộc họp báo này, Bộ trưởng
Nguyễn Cơ Thạch thường phải "đứng mũi chịu sào” và thật thú vị là hầu hết các
phóng viên của các nước ASEAN và phương Tây tác nghiệp ở Thái Lan đã đến tham dự
để nghe Bộ trưởng Thạch nói. Anh Thạch là người có tài hùng biện, rất có duyên
với báo giới nên các cuộc họp báo này là những dịp rất tốt để giải thích chính
sách của ta và qua các phóng viên (lại rất thích thú lắng nghe anh Thạch nói)
giúp dư luận dần dần có nhận thức rõ hơn về sự thật cái gọi là “vấn đề
Campuchia”, nhất là việc ta có quân ở Campuchia chỉ là nhằm giúp nhân dân
Campuchia chống lại nạn diệt chủng Pôn Pốt.
Hai là, anh Thạch với tư cách
là Bộ trưởng Ngoại giao Việt nam hàng năm có sang trao đổi với Ngoại trưởng các
nước ASEAN về vấn đề Campuchia. Các Ngoại trưởng ASEAN tuy không thể sang Việt
Nam vì họ đang “bao vây cấm vận” Ta, nhưng họ rất muốn biết ý đồ thực sự của Ta
cho nên họ đón tiếp Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch rất trọng thị và thân tình. Tuy
lúc bấy giờ Thái Lan được các nước ASEAN xem như là “nước tiền tuyến” trong cuộc
đối đầu với ba nước Đông Dương, nhưng tại Thái Lan nguyên Thủ tướng Kriengsak,
đương kim Phó Thủ tướng Pichai Ratakul lại nhận anh Thạch làm anh em. Việc này
đã ảnh hưởng đến thái độ của đương kim Ngoại trưởng Thái Lan Xa-vet Xila vốn có
lập trường cứng rắn trong vấn đề Campuchia. Ở Philippine, Ngoại trưởng Alberto Gatmaitan Romulo, một chính khách nổi tiếng sống từ thời
Chiến tranh Thế giới thứ 2 đã ra tận sân bay đón anh Thạch. Tổng thống
Philippine Ferdinand Marcos đã cho máy bay riêng của ông ta chở Bộ trưởng Nguyễn
Cơ Thạch đi tham quan Viện lúa quốc tế IRRI. Đặc biệt thân tình là các cuộc làm
việc ở Indonesia và Malaysia. Ở đây các nhà lãnh đạo đã nói với Ta là họ hoàn
toàn hiểu sự lo ngại của ta về các thế lực thù địch, nhất là các lực lượng đứng
sau Pôn Pốt. Việc ta đưa quân vào Campuchia để diệt bè lũ Pôn Pốt là đúng, nhưng
không nên ở lâu quá gây ra một tiền lệ nguy hiểm ở Đông Nam Á.
Do kết quả của các cuộc đi
thăm và trao đổi trực tiếp giữa Ngoại trưởng của các nước ASEAN (đặc biệt với
Ngoại trưởng Indonesia) và nhất là việc Việt Nam hoàn thành việc rút quân tình
nguyện ở Campuchia về nước tháng 9/1989, (anh Thạch là người đề xuất với Bộ
Chính trị chủ trương này từ năm 1982) quan hệ đối thoại giữa 3 nước Việt Nam,
Lào và Campuchia với các nước ASEAN được chính thức xác lập, tạo điều kiện thuận
lợi cho thành công của Hội nghị Paris về Campuchia, thể hiện qua Hiệp định giải
quyết vấn đề Campuchia (1991). Tuy rằng lúc này anh Thạch không còn là Bộ trưởng
Ngoại giao của Việt Nam và Hiệp định Paris không diễn ra theo cách ta mong muốn,
nhưng hai điểm cốt lõi của Hiệp định mà anh Thạch luôn luôn giữ vững trong các
cuộc đối thoại với các nước ASEAN đã được thực hiện. Đó là: Loại trừ chủ nghĩa
diệt chủng và sự liên hiệp giữa chính phủ Hunsen và Sihanouk (ít người biết rằng
chính Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã bàn và khuyến khích ông Hunsen sang Pháp gặp
Hoàng thân Sihanouk từ năm 1983).
Lãnh đạo các nước rất khâm
phục và quý mến anh Nguyễn Cơ Thạch. Anh là Bộ trưởng Việt Nam không những được
giới học giả, báo chí thế giới yêu mến và kính trọng, mà còn được rất nhiều bạn
đồng nghiệp ở các nước ASEAN, các nước xã hội chủ nghĩa và một số nước phương
Tây khâm phục.
Sẽ là một thiếu sót lớn khi
nói đến công lao của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch nếu không đề cập đến đóng góp của
anh trong việc xây dựng Bộ Ngoại giao trưởng thành như ngày nay. Sau khi đất
nước được thống nhất và Bộ Ngoại giao của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa
miền Nam Việt Nam được sáp nhập vào Bộ Ngoại giao của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch nhận thấy cần phải tổ chức lại Bộ Ngoại giao cả về cơ
cấu tổ chức bộ máy lãnh đạo, lẫn nội dung hoạt động và công tác đào tạo cán
bộ.
Anh Thạch coi đây là nhiệm vụ
hết sức quan trọng phải làm với phương châm là "tiến hành từng bước và việc gì
cần làm trước thì làm trước”.
Việc đầu tiên mà Bộ trưởng
Nguyễn Cơ Thạch triển khai ngay sau năm 1975 là tổ chức lại công tác nghiên cứu
của Bộ. Dưới sự chỉ đạo của anh Thạch, công tác nghiên cứu cơ bản và dự báo
chiến lược của Bộ đã được đầu tư thích đáng cả về trí tuệ lẫn vật chất, từ đó Bộ
Ngoại giao đã làm tốt chức năng tham mưu cho Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, góp phần
đề xuất nhiều chủ trương đường lối, cũng như biện pháp cụ thể trong việc triển
khai đường lối chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ mới. Để
đẩy mạnh công tác nghiên cứu của toàn Ngành, nhằm nắm vững tình hình thế giới,
về mặt tổ chức anh Thạch đã quyết định: Đưa tổ Động thái thuộc Vụ I lên Văn
phòng Bộ để ra Bản tin A và thông báo tin tức cho toàn Bộ mỗi buổi sáng; thành
lập Vụ Bắc Mỹ trên cơ sở sáp nhập Vụ I và Vụ II; và thành lập Viện Quan hệ Quốc
tế trên cơ sở sáp nhập Trường Đại học Ngoại giao và Vụ Nghiên cứu tư liệu. Đồng
thời, anh Thạch chỉ thị tất cả các Vụ trong Bộ phải có các công trình nghiên cứu
cấp Vụ về các vấn đề cơ bản liên quan đến nước hoặc khu vực mình phụ trách.
Trong phạm vi Bộ, Đồng chí chỉ thị hàng tháng, 6 tháng và hàng năm phải có sơ
kết, tổng kết tình hình thế giới và khu vực, công tác đối ngoại của ta trong
thời gian đó. Hàng ngày vào đầu giờ làm việc, Bộ đã thực hiện đều đặn họp giao
ban và cập nhật thông tin cho đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo của Bộ từ cấp
Phòng trở lên.
Để giúp anh em có thể làm tốt
công tác nghiên cứu, anh Thạch đã đích thân giảng về phương pháp nghiên cứu
ngoại giao, kết hợp phân tích chi tiết và đánh giá tổng hợp để tìm ra chân lý và
rút ra kết luận cần thiết về các vấn đề nghiên cứu. Công tác nghiên cứu của Bộ
có nề nếp như hiện nay là nhờ sự khởi động này của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch.
Anh Thạch còn trực tiếp chỉ đạo nhóm xây dựng chiến lược của Mỹ, Trung Quốc,
Liên Xô, Nhật Bản, Tây Âu. Nhóm này gồm các đồng chí Vụ trưởng, chuyên gia lão
thành của Bộ, được tập trung thời gian ba năm để xây dựng các chiến lược nhằm
tham mưu cho Bộ Chính trị đưa ra các quyết sách đúng đắn với các nước lớn nói
trên.
Việc thứ hai mà anh Thạch
khởi xướng là ngoại giao Kinh tế. Đây là công việc rất mới mẻ đối với nước ta,
nên lúc đầu khi triển khai đã gặp nhiều khó khăn và trở ngại, nhất là về quan
điểm (Bộ Ngoại giao có nên làm nhiệm vụ ngoại giao kinh tế hay không). Nhiều
người, trong đó có cả những cán bộ được điều động tham gia không tán thành quan
điểm của anh Thạch với lý do là sẽ chồng chéo lên nhiệm vụ của các bộ, ngành
kinh tế khác. Để vượt qua khó khăn này, bản thân anh Thạch đã ngày đêm học tập
qua sách vở, qua các chuyên gia kinh tế trong nước và nước ngoài để có cơ sở lập
luận, thuyết phục mọi người. Đồng thời với việc truyền đạt các kiến thức học
được cho anh em cán bộ, anh Thạch còn chỉ đạo dịch các tài liệu và sách giáo
khoa về kinh tế học của các chuyên gia tầm cỡ quốc tế người Mỹ, Anh, Pháp…và các
tổ chức quốc tế như IMF, WB…để cán bộ nghiên cứu trong Bộ tham khảo. Về mặt tổ
chức, anh Thạch đã cho thành lập Vụ chuyên trách gọi là Vụ Tổng hợp Kinh tế -
Văn hóa. Về sau nhiều cán bộ của Vụ này đã trở thành các cán bộ lãnh đạo của
nhiều cơ quan kinh tế trong nước như Văn phòng Thủ tướng, Bộ Thương mại, Tổng
cục Du lịch…
Việc thứ ba anh Thạch thực
hiện là cải tổ cách quản lý của Lãnh đạo Bộ Ngoại giao. Trước đó mỗi thành viên
Lãnh đạo Bộ được phân công phụ trách một khu vực hoặc lĩnh vực. Tình hình này
làm cho Lãnh đạo Bộ không có được cái nhìn tổng thể, ảnh hưởng đến công tác
chung của Bộ, nảy sinh tư tưởng “cục bộ”, “vương quốc”, không ai muốn bị người
khác lấn sân trong phạm vi khu vực mình phụ trách. Để khắc phục tình trạng này
và giúp Lãnh đạo Bộ có cái nhìn bao quát chung về nội bộ cũng như đối ngoại, anh
Thạch đã cho thành lập hai đơn vị mới là Vụ Tổng hợp đối ngoại và Vụ Tổng hợp
đối nội. Thực tiễn cho thấy đây là một chủ trương hết sức đúng đắn. Một mặt giúp
cho Lãnh đạo Bộ có thời gian tập trung vào các vấn đề lớn hơn của Bộ mà vẫn nắm
được diễn biến hàng ngày do có hai trợ thủ đắc lực là hai Vụ nêu trên. Mặt khác,
thông qua hai Vụ này, như là một nơi thích hợp nhất để lựa chọn, rèn luyện và
bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo kế cận của Bộ.
Công việc thứ tư mà anh Thạch
quan tâm thực hiện là công tác đào tạo cán bộ và xây dựng bồi dưỡng đội ngũ kế
cận. Cán bộ là khâu quyết định nhất trong việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà
cấp trên giao phó. Do đó, anh Thạch trăn trở rất nhiều về vấn đề đào tạo đội ngũ
cán bộ khi tiếp nhận quyền lãnh đạo Bộ Ngoại giao. Đội ngũ cán bộ ngoại giao lúc
đó là đội ngũ cán bộ thuộc thế hệ trước, bên cạnh các thế mạnh (như: lập trường
vững vàng, kinh nghiệm thực tiễn, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm
cao...) cũng có những hạn chế nhất định về nghiệp vụ và ngoại ngữ. Ngoài việc
khuyến khích cán bộ học ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, anh Thạch thấy cần phải
cách mạng hóa khâu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Chính trong công việc này, anh
Thạch đã có nhiều sáng kiến, đổi mới nhất.
Một là, về việc đào
tạo cán bộ ngoại giao trẻ, anh Thạch đã đề nghị và được Ban Bí thư, Hội đồng Bộ
trưởng, Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Đại học ưu tiên cho Bộ Ngoại giao tuyển
chọn những học sinh thi đại học đỗ điểm cao nhất, có đạo đức tốt và quan điểm
chính trị vững vàng vào học Ngành Ngoại giao ở trường Đại học Ngoại giao trong
nước trực thuộc Bộ Ngoại giao và ở các trường Đại học nước ngoài.
Hai là, đổi mới nội
dung, chương trình giảng dạy của trường Đại học Ngoại giao. Trước đó giáo trình
giảng dạy tại trường được biên soạn chủ yếu dựa vào tài liệu của Liên Xô và
Trung Quốc. Anh Thạch đã chỉ đạo các giáo viên của trường viết lại giáo trình,
trước hết là giáo trình về lịch sử quan hệ quốc và chính sách đối ngoại của Việt
Nam…theo quan điểm của Đảng và Nhà nước ta.
Ba là, về công tác lựa chọn,
bồi dưỡng và đề bạt cán bộ quản lý trong Bộ. Thay vì chế độ “sống lâu lên lão
làng”, Đồng chí cho thi hành chế độ “tập sự cấp Vụ”. Theo Quy chế này, các đơn
vị trong Bộ lựa chọn những cán bộ trẻ và có năng lực theo tiêu chí đề ra của Bộ,
có tính cả kết quả học tập chính trị, chuyên môn và bỏ phiếu tín nhiệm ở đơn vị
để Lãnh đạo Bộ xem xét đưa vào danh sách "thực tập cấp Vụ". Thời kỳ đầu Bộ đã mở
lớp "Bồi dưỡng tập sự cấp Vụ" tập trung có thi cử hẳn hoi để lấy kết quả trình
Lãnh đạo Bộ xét duyệt đề bạt cán bộ, về sau khi công tác bồi dưỡng cán bộ trở
thành nhiệm vụ thường xuyên Bộ chủ trương cho cán bộ được lựa chọn được dự lớp
bồi dưỡng viết chuyên đề và tập sự cấp vụ trong 2 năm tại đơn vị mình công tác.
Hết thời hạn tập sự, Lãnh đạo Bộ căn cứ vào nhận xét và bỏ phiếu của đơn vị chủ
quản để quyết định việc đề bạt. Nếu được đề bạt, sẽ giữ chức Phó Vụ trưởng. Chế
độ này đã giúp Bộ tuyển chọn được một đội ngũ cán bộ quản lý cấp vụ trẻ dưới 40
tuổi, có năng lực, trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ, và có tư cách
đạo đức, năng nổ trong công tác. Cách lựa chọn và đào tạo cán bộ quản lý này đã
thành nếp của Bộ Ngoại giao. Rất lý thú là nhiều Bộ, ngành khác cũng học tập và
vận dụng cách làm này của Bộ Ngoại giao.
Bốn là, sau thành công của
việc bồi dưỡng cán bộ cấp vụ trẻ, anh Thạch đã chỉ đạo cho thi hành chế độ "Tập
sự cấp Bộ" nhằm xây dựng đội ngũ lãnh đạo Bộ kế cận, vừa trẻ, có năng lực, vừa
được đào tạo một cách cơ bản. Số cán bộ tập sự cấp Bộ được lựa chọn từ các Vụ
trưởng của Bộ, thông qua việc bỏ phiếu tín nhiệm của tất cả cán bộ cấp Vụ, Phòng
và chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính trong Bộ, sau đó trình Lãnh đạo Bộ xem
xét. Các cán bộ tập sự cấp Bộ, về đối ngoại được mang chức danh Trợ lý Bộ trưởng
và điều hành công việc của Bộ như một Thứ trưởng. Sau 2 năm tập sự sẽ tiến hành
bỏ phiếu tín nhiệm để trình lên Thủ tướng xem xét đề bạt Thứ trưởng.
Năm là, tổ chức các lớp học
tập nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ cho cán bộ. Theo đó, sau một thời
gian công tác nhất định tất cả cán bộ, bao gồm cả cấp Vụ đều phải tham gia các
lớp bồi dưỡng kiến thức ngoại giao của Bộ. Kết thúc các lớp học này, nếu cán bộ
nào không đạt yêu cầu thì phải học lại và không được xét đi công tác luân chuyển
nước ngoài.
Sáu là, chú trọng học tập
nâng cao trình độ ngoại ngữ. Trong thời gian anh Thạch làm Bộ trưởng, Bộ đã áp
dụng nhiều biện pháp nhằm nâng cao trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ, như:
Cử đi học ở nước ngoài, mở lớp học trong nước, quy định biết ngoại ngữ là điều
kiện bắt buộc để tuyển chọn, bồi dưỡng và đề bạt, cũng như xét đi công tác luận
chuyển nước ngoài và khen thưởng đối với cán bộ... Đặc biệt, Anh Thạch đã cho
ban hành Quy chế đi công tác luân chuyển nước ngoài, trong đó quy định trình độ
ngoại ngữ mà mỗi loại cán bộ phải đáp ứng (thông qua các đợt kiểm tra do trường
Đại học Ngoại giao, sau đó là Viện Quan hệ Quốc tế tổ chức). Nếu không đạt thì
không được đi công tác.
Bảy là, anh Thạch luôn
luôn nhắc nhở cán bộ ngoại giao phải thường xuyên tu dưỡng phẩm chất chính trị
đạo đức và rèn luyện sức khỏe. Anh thường nói với mọi người muốn làm tốt công
tác trong Ngành mỗi cán bộ, ngoài phẩm chất chính trị vững vàng ra phải có sức
khỏe tốt. Anh rất quan tâm chỉ đạo Đảng ủy Bộ, Công đoàn, Nữ công chú ý chăm lo
sức khỏe cho anh, chị, em.
Anh Nguyễn Cơ Thạch thôi giữ
chức Bộ trưởng Ngoại giao đã hơn 20 năm, nhưng Bộ máy Bộ Ngoại giao do anh thiết
lập đến nay vẫn vận hành tốt, đã giúp hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị mà
trên giao phó cho Bộ. Đội ngũ cán bộ của Bộ ngày càng trưởng thành và chuyên
nghiệp hơn, vững vàng về chính trị, kiên định về lập trường, có trình độ về
chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ, đáp ứng được những yêu cầu và đòi hỏi của
nhiệm vụ đặt ra. Nhìn tổng thể có thể nói cán bộ Ngoại giao Việt Nam ngày nay
không thua kém gì cán bộ Ngoại giao các nước. Một phần lớn công lao này thuộc về
cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch với tư cách là kiến trúc sư của nền
Ngoại giao Việt Nam hiện đại ./.
Xem the^m:
[*] Nguyên Trợ lý Bộ trưởng Ngoại
giao.