Thứ Hai, 29 tháng 12, 2014

Giai thoại về khúc nhạc GiaoThừa: Auld Lang Syne - Happy New Year











Kính mời quý bà con bạn hữu nghe khúc nhạc giao thừa AuldLang Syne/ Ce N'est qu'un Au-revoir, và xem lại tóm lược phim Waterloo Bridge/La Valse Dans L'Ombre với bài hát Auld Lang Syne làm nhạc nền cho toàn bộ cuốn phim.
image

Những tài liệu này sưu tầm từ nhiều links các websites, xin chia sẻ, coi như lời giã biệt năm cũ2014 để đón mừng năm mới 2015, với lời chúc mọi sự lành...
image
Ở Hoa Kỳ, dân chúng vào nửa đêm giao thừa dương lịch thường thức khuya để xem TV Chương Trìnhđón năm mới ở Quảng Trường Time Square ở New York, chủ đích là coi cảnh dân chúng theo dõi quả cầu tụt xuống theo 12 tiếng chuông đồng hồ để rồi tưng bừng hát mừng một năm mới bằng bài hát Auld Lang Syne.
/
Rất nhiều người Việt Nam thắc mắc chung quanh bài hát này vì họ quen nghe điệu hát quen thuộc nầy qua bài hát Tạm Biệt hay Ce n'est qu'un au-revoir! mỗi khi chia tay bãi trường hay tan Lửa Trại Hướng Đạo. Điệu hát này con nít Việt Nam nhại ý đổi lời là: Ò e, con ma đánh đu, Tạc zăng nhảy dù Zôrrô bắn súng! chết cha con ma nào đây, thằng Tây hết hồn, thằn lằn cụt đuôi".
/
Điều rất lạ thứ nhất là, dù là thiên hạ không biết chút xíu gì về tiếng Tô Cách Lan, nhưng điệu nhạc của nó bình dị quyến rũ thấm dễ dàng vào tâm trí khiến người ta nghe vài lần là thuộc ngay, có thể nói hát mà không hiểu lời ca nhưng cảm thấy hay, điều này thật lạ lẫm.
Kỳ thực, bài này gốc gác từ xứ Tô Cách Lan nhưng lại mang rất nhiều cái lạ. Chữ Auld Lang Syne nếu dịch ra tiếng Anh là Times Gone by nghĩa là nói theo tiếng Việt là Cái thủa năm xửa năm xưa, mà nói theo giọng Nam kỳ xứ Việt là Hồi Nẵm.
Cái lạ lớn thứ hai là bài hát này được phổ biến hầu như khắp hoàn cầu nhưng lại được hát vào những dịp khác nhau.
Và cái lạ thứ ba là nguyên thủy của bài hát là dùng để ''mừng đón'' một điều vui mới đến, nhưng về sau nó lại được sử dụng để ngậm ngùi ''tiễn đưa'' một điều luyến tiếc.
image
Bài Auld Lang Syne ban đầu là do Thi Sĩ trứ danh của xứ Tô Cách Lan tên là Robert Burns chuyển ký và in ra dựa vào một bài du ca dân dãcủa xứ này. Robert Burns đưa ra một bản chép của bài ca nguyên thủy đến Viện Bảo Tàng Anh với câu ghi chú: "Bài hát sau đây, một bài hát rất cổ, cổ nhất trong những bài xưa cổ và chưa bao giờ được in ra và ngay dù xuất hiện dưới dạng bản thảo cho đến lúc tôi ghi ra từ tiếng hát một cụ già, điều này đã đủkhiến cho người ta tin cậy".
image
Nhưng điệu ca mà ông Burns chuyển ký ra không phải là điệu hát ngày nay.
Auld Lang Syne dịch theo từng chữ Tô Cách Lan ra Anh ngữ là Old Long Since, được Robert Burns dịch là Times Gone By. Nói theo tiếng Việt, tôi nghĩ thích hợp hơn cả dịch là ''Năm xưa, năm xửa, năm xưa''.
Đại ý của bài Ca Dao Tô Cách Lan này là hai người bạn thân rất lâu không gặp nhau rồi rủ nhau nhậu bia, nhậu rượu, nhưng với điều kiện tiền ai nấy trả. Hai ông cùng lè nhè nhắc lại bao nhiêu chuyện cũ thuở năm xưa năm xửa như: Nào là cùng nhau leo đồi, nào là cùng nhau lội suối...Cứ nhắc xong một kỷ niệm thì họlại cùng nâng ly nốc cạn. Uống cho đến say thì thôi.
image
Lời ca Việt tếu Ò e con ma đánh đu đúng âm điệu nguyên thủy vì ngườiTô Cách Lan đã dùng cây kèn bagpipe để thổi.
Theo phong tục cổtruyền của xứ Tô Cách Lan, người dân đã hát bài này vào dịp Giao Thừa Năm Mới hay Hogmanay.
Người phổ biến bài này bằng cách chơi nó vào dịp Giao Thừa Tết Dương Lịch trong những buổi phát thanh thường niên kể từ năm 1929 là Nhạc Trưởng Guy Lombardo.

image
Bài Auld Lang Syne rõ ràng tỏ sự vui mừng gặp lại nhau sau bao nhiêu năm xa cách, nâng ly nhắc lại chuyện xưa. Áp dụng vào tiệc rượu Tất Niên Giao Thừa thì rất đúng, vì đây là dịp sum họp bè bạn. Nhưng khi nó lan truyền ra các xứ khác, thì nó được hát với cách áp dụng rất khác nhau.
* Ở Đài Loan, bài này hát vào dịp sinh viên tốt nghiệp và đám tang, tượng trưng cho sự chấm dứt hay vĩnh biệt.
*Ở Nhật, vài tiệm siêu thị chơi bản này để nhắc nhở khách hàng giờ đóng cửa.
*Ở Anh Quốc, bài này cử vào lúc bế mạc của Đại Hội thường niên về Mậu Dịch.
* Ở Hàn Quốc, trước khi có bài Quốc Thiều Aegukga (Ái Quốc Ca) hiện nay, thì họ dùng điệu này làm Quốc Thiều với lời tiếng Hàn.
Trường hợp xứMaldives cũng giống vậy: Đó là bản Gaumii Salaam nhạc Auld Lang Syne với lời đặt theo thổ ngữ.
* Ở Ấn Độ, trong Quân Lực xứ này, khi tiễn toán quân Tân Binh tuyển mộ diễn hành rời khán đài, thì bài này cử lên và toán lính phải đi thật chậm.
* Dân Việt Nam còn nhớ bài Auld Lang Syne cũng được vào phim ảnh như là nhạc chủ đề như cuốn phim La Valse dans l'Ombre/Điệu Luân vũ trong Bóng mờ với Robert Taylor và Vivien Leigh. Mời xem một đoạn trong phim:
 

Chủ Nhật, 28 tháng 12, 2014

America Revealed - English Subtitle




1. Food Machine
2. Made in the USA
3. Electric Nation
4. Nation on the Move
 
 

Kiêng mỡ, đúng hay sai?

http://baomai.blogspot.com/
Ăn thiếu chất béo (dầu và mỡ) hại sức khoẻ và nguy hiểm đến tính mạng.

Đầu tháng Chín năm nay (2014), trên mục Sức Khoẻ của một nhật báo lớn ở Mỹ, The New York Times, ký giả Anahad O’Connor đã viết một bài với nhan đề Lời Kêu Gọi Cho Cách Ẩm Thực Ít Chất Đường Thêm Chất Béo (A Call for a Low-Carb Diet That Embraces Fat).
http://www.nytimes.com/2014/09/02/health/low-carb-vs-low-fat-diet.html?_r=0

image
Bài báo này đánh dấu một sự chuyển hướng quan trọng trong dư luận và truyền thông Mỹ về vấn đề dinh dưỡng từ kỵ-chất-béo qua thêm-chất-béo trong thực phẩm. O’Connor muốn thông tin cho độc giả về các bằng chứng khoa học vững chắc cho thấy khi con người ăn bớt đường bột và ăn thêm chất béo (ngoại trừ trans fat), nguy cơ của bệnh tim mạch được giảm đi nhiều. Không những thế nó còn giảm lượng mỡ trong cơ thể và xuống ký rõ rệt nhờ ăn thêm chất béo thay vì chất đường. Kết quả khảo cứu mới nhất từ Đại Học Tulane, tài trợ bởi Viện Nghiên Cứu Y Học Quốc Gia Hoa Kỳ (NIH- National Institute of Health), đăng trên Nguyệt san Y học Annals of Internal Medicine trước đó, cho thấy sự khác biệt rõ ràng, như đã nói ở trên, giữa nhóm tiêu-thụ-bớt-đường-thêm-chất-béo và nhóm ăn-thực-phẩm-có-lượng-chất-béo-thấp như Chính phủ Liên bang và Hội Chuyên gia Bệnh Tim Hoa Kỳ vẫn đang khuyến khích hiện nay. Điểm đáng chú ý là cả hai nhóm đều không phải giới hạn lượng calorie tiêu thụ mỗi ngày như các chương trình dinh dưỡng khác. Kết quả của cuộc thí nghiệm này chứng tỏ rằng phong trào bài trừ chất béo trong thực phẩm trên hơn ba mươi năm qua ở Hoa Kỳ là sai lầm.

funny animated GIF
Vì đâu nên nỗi: Từ thập niên 1950, Y học Hoa Kỳ đã biết rằng lượng mỡ cholesterol cao trong máu có liên hệ đến bệnh tim mạch nhưng nguồn gốc của cholesterol gia tăng trong máu thì vẫn rất mơ hồ. Cholesterol đóng vai trò quan trọng cho sinh hoạt của mỗi tế bào, đồng thời cũng là nguồn cội trong việc sản xuất các kích tố steroids và vitamin D rất quan trọng cho cơ thể. Trong suốt thập niên 1960, các nhà nghiên cứu y khoa xác định một vài chứng bệnh di truyền hiếm (đề nghị bỏ chữ hoi) có thể gây lượng mỡ cao trong máu, nhưng trong đa số bệnh nhân tim mạch, lượng cholesterol đến từ thói quen ăn uống. Một cuộc tranh luận gay gắt xảy ra giữa hai nhóm khoa học gia: Một nhóm tin rằng lượng cholesterol cao trong bệnh nhân là đến từ chất đường trong khi nhóm kia quả quyết rằng cao cholesterol là đến từ chất béo trong thực phẩm. Qua thập niên 1970, Giáo Sư Ancel Keys, thuộc ngành Dinh Dưỡng cuả Đại Học Minnesota, đưa ra kết quả của một cuộc nghiên cứu quan trọng trên bảy quốc gia Âu Mỹ cho thấy rằng tiêu thụ nhiều chất béo bão hoà từ mỡ động vật là nguyên do của cholesterol cao và bệnh tim mạch. Các khoa học gia khác đã nhanh chóng ủng hộ GS Keys và các hội chuyên khoa về tim cùng chính phủ Hoa Kỳ khuyến cáo người Mỹ nên ăn ít chất béo, nhất là mỡ động vật, và các công ty sản xuất thực phẩm nên giảm thiểu chất béo trước khi bày bán trên thị trường.

image
Hậu quả bi đát với vài “nghịch lý”: Dân Mỹ vào siêu thị mua thực phẩm với các quảng cáo Ít Mỡ (Low Fat) hoặc Không Mỡ (No Fat) to tướng trên nhãn hiệu. Để thay thế bơ mà người Mỹ ưa quẹt vào bánh mì, khoa học gia lại tìm cách làm rắn mỡ thực vật lỏng bằng cách thay thế dạng Cis của axít béo với hydro qua gạch nối dạng Trans gọi là Trans Fat, một chất béo thực vật mới hoàn toàn nhân tạo không có trong thiên nhiên để thay thế bơ (margarine with trans fat). Trong các thập niên kế tiếp, từ 1980 cho đến bây giờ, Hoa Kỳ rồi các nước giàu có trên thế giới bị hoành hành với chứng mập phì và nạn dịch Tiểu Đường loại 2 ngày càng thêm nặng, vì đại đa số người dân nhiễm Hội Chứng Biến Dưỡng do sự kháng insulin trong cơ thể làm mập phì, tăng cholesterol và chất triglyceride trong máu, tăng huyết áp và chứng Tiểu Đường. Cho đến 7-8 năm trở lại đây, nguyên do của nạn dịch này mới được xác định là người Mỹ đã dùng  đường và bột ngày thêm nhiều để bù đắp cho số calorie bị mất đi khi họ ăn ít chất béo; chất đường ngọt, nhất là đường fructose, là nguyên nhân của sự tích tụ mỡ trong gan, bụng và cả bắp thịt gây ra chứng kháng insulin (sau khi kháng insulin đã xảy ra thì cả đường glucose cũng trở thành nguy hại). Khách hàng đã phải trả một giá quá đắt về sức khoẻ và sinh mạng vì tiêu thụ các thực phẩm Ít Mỡ và Không Mỡ nhan nhản trên thị trường, trong lúc các bác sĩ của họ tiếp tục khuyến khích dinh duỡng kỵ chất béo, nhất là mỡ động vật, một cách sai lầm trong suốt 40 năm.

http://baomai.blogspot.com/
Một vài chuyện nghịch lý (paradox) phát hiện trong thời gian này, nhưng khoa học và chính phủ Hoa Kỳ vẫn không quan tâm và suy diễn đúng, vì vẫn còn bị mê hoặc với chính sách giảm chất béo:
Nghịch lý người Pháp. Dân Pháp thích ăn uống ngon miệng nên họ nhất định không ăn giảm chất béo nhất là mỡ động vật, vì làm như thế thức ăn sẽ mất mùi vị. Họ tiếp tục ăn bơ, phó mát, thịt bò, gà vịt ngỗng, heo, trứng….như thường lệ, nhưng tỷ số mập phì, tiểu đường loại 2 và bệnh tim mạch tại Pháp lại thấp hơn Hoa Kỳ và các nước Tây Âu lân cận. Nghịch lý này được giải thích vì người Pháp uống nhiều rượu vang đỏ có chất kháng ốc-xy và nhất là resveratrol.

http://baomai.blogspot.com/
Nghịch lý về thuốc chống cholesterol. Có hơn 6 nhóm thuốc làm hạ cholesterol trong máu được chính phủ Hoa Kỳ chấp thuận cho bán ở dược phòng, nhưng chỉ có nhóm thuốc statin đã chứng tỏ giúp bệnh nhân ngừa khỏi biến chứng tim mạch và sống lâu. Các nhóm thuốc kia, mặc dù hạ thấp cholesterol nhưng không ngăn ngừa được bệnh tim mạch. Hoá ra thuốc statin còn có tác dụng chống viêm, làm thành mạch máu trơn láng hơn, và có thể tăng thêm tuổi thọ với tác dụng trên tế bào.

Nghịch lý về biến chứng của Tiểu Đường loại 2. Mặc dù Hoa Kỳ đã và đang trải qua cơn dịch Tiểu Đường loại 2 với tiềm năng gây biến chứng tim mạch, trên thực tế số luợng tim đột quỵ (heart attack) và tai biến mạch máu não cùng tỷ số tử vong đã giảm đi từ 15 năm nay. Lý do là thuốc statin và các thuốc chống áp huyết cao đã được dùng rất phổ thông cho người Mỹ.

http://baomai.blogspot.com/
Nhờ cuộc khảo cứu của Đại Học Tulane và bài báo cảnh tỉnh của ký giả O’Connor mà hôm nay chúng ta biết rằng các “nghịch lý” kể trên không phải là nghịch lý gì cả. Y học và Chính phủ Hoa Kỳ đã sai lầm khi cổ võ và áp dụng cách dinh dưỡng thiếu chất béo. Cuộc khảo cứu 7 quốc gia cuả GS Keys đã bị các khoa học gia đương thời duyệt lại và cho thấy ông đã phạm nhiều sơ xuất dẫn đến kết quả không đúng với sự thật. 

Ăn ít chất béo còn có hại cho sức khoẻ tổng quát vì cơ thể sẽ bị thiếu các sinh tố quan trọng hoà tan trong chất béo như sinh tố A, sinh tố D và sinh tố K.

Ăn thiếu chất béo, nhất là chất béo động vật, gây ra chứng xuất huyết não sau 45 tuổi với số tử vong cao như đã tường trình từ các nghiên cứu trên nữ điều dưỡng Mỹ (2001), người Nhật (2003) và người Ấn Độ (2012). Thiền sư Thích Nhất Hạnh bị xuất huyết não gần đây có lẽ vì tuổi cao và thiếu chất béo động vật như đã chứng tỏ qua các khảo cứu kể trên?

Ngoài ra, nhiều chứng ung thư thường xảy ra trên người có lượng cholesterol trong máu rất thấp, nhưng cho đến nay Y học vẫn chưa chứng minh được là ung thư làm hạ cholesterol hay thiếu cholesterol gây ra ung thư?

http://baomai.blogspot.com/
Kết Luận: Hiện nay người Mỹ vẫn còn theo tiêu chuẩn ăn bớt chất béo cổ động bởi chính phủ Hoa Kỳ với lượng dầu mỡ dưới 30% của tổng số calorie tiêu thụ, và vì thế đã ăn quá nhiều đường bột để bù đắp với hậu quả tai hại. Đệ Nhất Phu Nhân Michelle Obama buộc các em học sinh trường công lập Mỹ ăn trưa với thực phẩm ít béo ít đường từ quầy ăn nhà trường làm thức ăn tồi tàn và dở ẹc như nhai giấy bìa; tội nghiệp các em đang sức lớn mà đói meo. Các chuyên gia về bệnh tim còn sai lầm khi họ muốn giảm chất béo xuống đến 10% mỗi ngày, mặc dù làm như vậy sẽ tăng hiểm nguy của xuất huyết não. Theo nghiên cứu mới nhất đã nói ở đầu bài, nhóm tiêu thụ hơn 40% chất béo cho tổng số calorie từ thực phẩm đã xuống ký vì ăn mau no, ăn bớt đường bột, nên giảm nguy cơ của bệnh tim mạch. Chúng ta nên ăn uống thoải mái, thêm thịt cá gà vịt trứng tôm cua… với nhiều chất đạm và chất béo; không phải kiêng khem gì ngoài việc ăn bớt đường bột cơm gạo, và ăn thêm rau quả. Vào siêu thị chúng ta không mua thực phẩm Low Fat và No Fat và nhất quyết không tiêu thụ thực phẩm có chứa trans fat.

image
Trans fat thực vật là chất béo xấu duy nhất cho con người hiện nay.

Chất béo tốt là mono-unsaturated fat và omega-3-fatty acid có tác dụng chống viêm và ngừa bệnh tim mạch. Thực phẩm với chất béo tốt gồm có dầu olive, dầu canola, dầu gan cá, trái bơ (avocado), mỡ vịt, dầu dừa, dầu đậu phụng, lòng đỏ trứng, và còn nhiều nữa.
Chất béo bảo hòa từ mỡ bò, heo, hay chất béo poly-unsaturated từ dầu đậu nành, dầu bắp, v.v., cũng không độc hại gì nếu ăn vừa phải. Người ăn nhiều cá hay gà vịt rất ít khi bị tai biến mạch máu não, trong khi người ăn thiếu mỡ bị xuất huyết não nhiều hơn như chúng ta đã biết.

http://baomai.blogspot.com/



Pham H. Liem, MD

Thứ Năm, 25 tháng 12, 2014

GS Phan Huy Lê: Trả lại sự thật hình tượng Lê Văn Tám


“Lời dặn của GS Trần Huy Liệu là đến lúc đất nước yên ổn, cần phải nói lên sự thật về câu chuyện Lê Văn Tám” – GS Phan Huy Lê.
Giáo sư Phan Huy Lê
“Theo quan điểm của tôi, mọi biểu tượng hay tượng đài lịch sử chỉ có sức sống bền bỉ trong lịch sử và trong lòng dân khi được xây dựng trên cơ sở khoa học khách quan, chân thực” – GS Phan Huy Lê nhấn mạnh sau khi giải thích về hình tượng nhân vật Lê Văn Tám.
GS Trần Huy Liệu căn dặn chúng tôi phải nói lại
Bấy giờ là vào đầu những năm 60 của thế kỷ trước, tôi có nhiều dịp làm việc với GS Trần Huy Liệu trong công trình khoa học do GS chủ trì và tôi được mời tham gia. Lúc đó, GS Trần Huy Liệu là Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội, kiêm Viện trưởng Viện sử học. Ngoài những buổi họp ban biên soạn ở cơ quan, tôi có một số buổi làm việc với GS tại nhà riêng.
Ngoài công việc biên soạn công trình, GS thường trao đổi một cách thân tình những vấn đề thời sự sử học trong và ngoài nước, kể lại một số chuyện trong đời hoạt động cách mạng của mình. Trong những năm 1954 – 1956, khi tôi đang học ở trường Đại học Sư phạm/văn khoa Hà Nội, GS Trần Huy Liệu có đến giảng một số bài về cách mạng Việt Nam.
Về câu chuyện Lê Văn Tám, tôi xin được tóm lược một cách đầy đủ lời kể và lời dặn của GS Trần Huy Liệu mà tôi đã lĩnh hội như sau: Nhân vụ kho xăng của địch ở Thị Nghè bị đốt cháy vào khoảng tháng 10 – 1945 và được loan tin rộng rãi trên báo chí trong nước và đài phát thanh của Pháp, đài BBC của Anh; nhưng không biết ai là người tổ chức và trực tiếp đốt kho xăng nên tôi (GS Trần Huy Liệu) đã “dựng” lên câu chuyện thiếu niên Lê Văn Tám tẩm xăng vào người rồi xông vào đốt kho xăng địch cách đấy mấy chục mét.
GS Trần Huy Liệu còn cho biết là sau khi ta phát tin này thì đài BBC đưa tin ngay, và hôm sau bình luận: Một cậu bé tẩm xăng vào người rồi tự đốt cháy thì sẽ gục ngay tại chỗ, hay nhiều lắm là chỉ lảo đảo được mấy bước, không thể chạy được mấy chục mét đến kho xăng. GS đã tự trách là vì thiếu cân nhắc về khoa học nên có chỗ chưa hợp lý. Đây là ý kiến của GS Trần Huy Liệu mà sau này tôi có trao đổi với vài bác sĩ để xác nhận thêm.
Tôi nhấn mạnh là GS Trần Huy Liệu không hề “hư cấu” sự kiện kho xăng địch ở Thị Nghè bị đốt cháy mà trên cơ sở sự kiện có thật đó, chỉ “dựng lên”, theo cách nói của GS, chuyện thiếu niên Lê Văn Tám tẩm xăng đốt cháy kho xăng địch.
GS giải thích là thời Nam Bộ kháng chiến, có bao nhiêu tấm gương hy sinh vì Tổ quốc, nhưng “dựng” chuyện thiếu niên Lê Văn Tám là nghĩ đến biểu tượng cậu bé anh hùng làng Gióng (Phù Đổng Thiên Vương), còn việc đặt tên Lê Văn Tám là vì họ Lê Văn rất phổ biến ở nước ta và Tám là nghĩ đến Cách mạng tháng Tám.
Lúc bấy giờ, GS Trần Huy Liệu đang giữ chức Bộ trưởng Bộ Thông tin tuyên truyền trong Chính phủ lâm thời, nên GS nói rõ là muốn tạo dựng nên một biểu tượng anh hùng để tuyên truyền, cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân dân ta.
Cũng xin lưu ý là GS Trần Huy Liệu giữ chức Bộ trưởng Bộ Thông tin tuyên truyền trong Chính phủ lâm thời từ ngày 28 – 8 – 1945 đến ngày 1 – 1 – 1946, rồi Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền cổ động trong Chính phủ liên hiệp lâm thời từ ngày 1 – 1 – 1946 cho đến khi thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến tại kỳ họp Quốc hội ngày 2 – 3 – 1946, nghĩa là trong thời gian xảy ra sự kiện Kho xăng Thị Nghè bị đốt cháy, chứ không phải trong thời gian “1946 – 1948?” sau sự kiện trên.
Điều căn dặn của GS Trần Huy Liệu là: Sau này khi đất nước yên ổn, các anh là nhà sử học, nên nói lại giùm tôi, lỡ khi đó tôi không còn nữa. Trong câu chuyện, GS còn tiên lượng là biết đâu sau này có người đi tìm tung tích nhân vật Lê Văn Tám hay có người lại tự nhận là hậu duệ của gia đình, họ hàng người anh hùng. Đây chính là điều lắng đọng sâu nhất trong tâm trí mà tôi coi là trách nhiệm đối với GS Trần Huy Liệu đã quá cố và đối với lịch sử.
GS Trần Huy Liệu là một con người rất trung thực, không muốn để lại một sự ngộ nhận trong lịch sử do mình tạo nên trong một bối cảnh và yêu cầu bức xúc của cuộc kháng chiến và tôi lĩnh hội lời dặn của GS như một trách nhiệm phải thực hiện một cách nghiêm túc.
Tôi kể lại câu chuyện này một cách trung thực với tất cả trách nhiệm và danh dự của một công dân, một nhà sử học.
Ngày nay, từ đầu thế kỷ XXI nhìn lại, trong hoàn cảnh chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ hơn 30 năm, đất nước đã giành lại độc lập, thống nhất, tôi xin đặt ra hai vấn đề sau đây để thế hệ chúng ta cùng bàn luận.
- Xác minh rõ sự kiện Kho xăng địch bị đốt cháy trong tháng 10-1945.
- Thái độ ứng xử đối với biểu tượng Lê Văn Tám.
Vấn đề thứ nhất là cần cố gắng sưu tầm tư liệu đáng tin cậy để xác định rõ hơn sự kiện Kho xăng địch ở Thị Nghè bị đốt cháy trong tháng 10-1945:
Tôi nói tư liệu đáng tin cậy trong trường hợp này không phải là các sách báo viết về sau này, mà là tư liệu gốc khai thác từ nhân chứng lịch sử hay những thông tin trực tiếp từ sự kiện thời bấy giờ và dĩ nhiên đều phải đối chiếu, xác minh một cách khoa học.
Nhân chứng lịch sử:
Tôi đã có dịp hỏi GS Trần Văn Giàu – lúc đó giữ chức Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam bộ, thì GS khẳng định có sự kiện Kho xăng địch ở Thị Nghè bị đốt cháy và trong tình hình lúc đó là do ta đốt, nhưng không biết ai tổ chức và người nào thực hiện.
Nhà cách mạng lão thành Dương Quang Đông trong hồi ký viết rằng, người đốt Kho đạn Thị Nghè ngày 1-1-1946 không phải là Lê Văn Tám mà là tổ đánh mìn của công nhân nhà máy đèn Chợ Quán (tạp chí Xưa & Nay số 154).
Tư liệu báo chí:
Tư liệu báo chí lúc bấy giờ thì tại Thư viện quốc gia Hà Nội lưu giữ được rất ít, các số báo lại không đủ. Bước đầu tôi mới tìm thấy thông tin liên quan với Kho xăng Thị Nghè bị đốt cháy trong báo Quyết chiến là “cơ quan ủng hộ chính quyền nhân dân”, tòa soạn đặt ở phố Nguyễn Tri Phương, Thuận Hóa; báo Cờ giải phóng là “cơ quan tuyên truyền cổ động trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương” và báo Thời mới do Nguyễn Văn Luận làm Chủ nhiệm; nhưng các số không liên tục, không đủ.
Báo Quyết chiến số ngày thứ sáu, ?- 10 – 1945 đưa tin dưới tít lớn Một chiến sĩ ta tẩm dầu vào mình đốt cháy kho dầu Simon Piétri với nội dung như sau: “Một gương hi sinh vô cùng dũng cảm. Một chiến sĩ ta tẩm dầu vào mình tự làm mồi lửa đã đốt được kho dầu Simon Piétri, lửa cháy luôn hai đêm hai ngày.
Đài Sài Gòn trong buổi truyền thanh tối 17 – 10 công nhận rằng kho dầu này đã hoàn toàn bị thiêu ra tro, sự thiệt hại đến mấy chục triệu đồng”.
Ngày phát hành số báo, in ngày “thứ sáu”, số ngày không rõ và có người viết thêm bút mực con số 7, tiếp theo là tháng “10 – 45”. Theo lịch năm 1945, trong tháng 10 có 3 ngày thứ sáu là ngày 12, 19 và 26. Trong bản tin có nhắc đến buổi phát thanh của Đài Sài Gòn ngày 17, vậy ngày thứ sáu của tờ báo phải sau ngày đó và có thể xác định là ngày 19 – 10 – 1945.
Báo Thời mới số 6 ngày 28 – 10 – 1945, nhân lễ khai mạc Ngày Cứu quốc do Tổng hội sinh viên cứu quốc tổ chức, đăng bài Những chuyện cảm động của dân ta trong cuộc kháng chiến ở Nam Bộ, có đoạn kể lại câu chuyện đốt kho xăng ở Sài Gòn theo lời kể của một người từ Nam Bộ ra Hà Nội ngày 21-10-1945 như sau: “Một người bạn tôi ở Nam Bộ vừa ra đây hôm hai mươi mốt kể cho tôi nghe nhiều điều tai nghe mắt thấy ở Nam Bộ để chứng cho cái tinh thần kháng chiến anh dũng đó. Thứ nhất là chuyện anh dân quân tẩm dầu vào người, đốt cháy kho ét-săng và cao su sống ở Sài Gòn.
Có người nói rằng nhà chiến sĩ tuẫn quốc này tự nguyện xin mặc áo bông giầy tẩm xăng rồi lấy lửa tự châm mình như một cây đinh liệu, xông vào kho cao su sống kia. Không phải thế. Làm thế thì cố nhiên giặc Pháp ngăn lại ngay từ khi chưa tới cửa kho.
Thực ra thì nhà chiến sĩ của chúng ta phải dùng mưu nhiều lắm. Trước khi vào, anh em mọi Pleiku của chúng ta đã phải lừa lúc giặc Pháp canh phòng không cẩn thận, trèo lên những cái cây to ở xung quanh kho cao su, bắn tên độc vào những người gác ở bốn bề. Nhà chiến sĩ, nhằm chính lúc cơ hội thuận tiện đã đến, tẩm dầu vào người, đeo súng liên thanh, bò qua tường vào trong kho cao su tìm bắn những người Pháp. Chúng bâu lại như đàn ruồi.
Chiến sĩ Việt Nam biết không thể làm hơn được nữa, bắn lia lịa vào những thùng ét-săng ở hai bên, ét-săng tràn ra cả nhà. Chiến sĩ ta châm một mồi riêm vào người, nhảy lên đám thùng rỗng, chửi rủa giặc Pháp tàn tệ.
Trong lúc đó, cả mình mẩy anh bừng bừng lên. Anh vẫn chửi rủa giặc Pháp cho đến khi gục nằm xuống như một đấng thiên thần hiện ra rồi mờ đi trong giấc mơ dữ dội. Những người đứng xa ngoài ba mươi cây số còn trông thấy ngọn lửa đám cháy này và trong hai ba ngày đêm liền, giặc Pháp và phái bộ Anh không thể nào rập tắt”.
Báo Cờ giải phóng số ra ngày 25-10-1945, đưa lên trang đầu hình ảnh một người đang bốc cháy xông về phía trước kèm theo lời “Tinh thần anh dũng của đồng bào Nam Bộ muôn năm”.
Báo Cờ giải phóng ngày 5-11-1945, trong mục Mặc niệm: “trích đăng một vài tấm gương xung phong anh dũng đã được nêu lên trên mặt báo chí miền Nam”, có đoạn đưa tin: “Trước kho đạn Thị Nghè có rất đông lính Anh, Ấn, Pháp gác nghiêm ngặt, khó bề đến gần phóng hỏa.
Một em thiếu sinh 16 tuổi, nhất định không nói tên họ, làng, tình nguyện ra lấy thân mình làm mồi dẫn hỏa. Em quấn vải quanh mình, tẩm dầu xăng, sau lưng đeo một cái mồi, đứng im đốt mồi lửa, miệng tung hô “Việt Nam vạn tuế”, chân chạy đâm sầm vào kho đạn. Lính Anh đứng trong bắn ra như mưa. Một lần trúng đạn, em ngã nhào xuống, nhưng rồi ngồi dậy chạy luồn vào.
Lính Anh khiếp đảm bỏ chạy ra ngoài. Một tiếng nổ. Em thiếu sinh tiêu tán cùng với kho đạn Thị Nghè của giặc”.
Dưới bản tin có ghi chú “Kèn gọi lính, ngày 8 – 10 – 1945”. Như vậy báo đưa tin theo tin của báo Kèn gọi lính ngày 8 – 10 – 1945 và theo đó, kho đạn bị đốt cháy phải trước ngày 8 – 10 – 1945, ít ra là ngày 7-10-1945.
Trên đây là một số thông tin lấy từ báo chí ở thời điểm gần nhất với sự kiện liên quan đến chuyện Lê Văn Tám. Tôi hi vọng là những người quan tâm đến chuyện này có thể tìm kiếm và thu thập thêm thông tin báo chí mà tôi chưa được tiếp cận.
Còn sự kiện quân ta phá nổ kho đạn của địch ở Sài Gòn ngày 8-4-1946 mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói đến trong hồi ký “Những năm tháng không thể nào quên” thuộc giai đoạn sau, không liên quan đến chuyện Lê Văn Tám.
Trong những báo trên, thông tin sớm nhất là “Kèn gọi lính” do báo Cờ giải phóng trích đăng ngày 5-11-1945. Rất tiếc là tôi không tìm thấy báo Kèn gọi lính mà căn cứ theo đoạn trích của Cờ giải phóng. Theo thông tin này thì “một em thiếu nhi 16 tuổi” đốt kho đạn Thị Nghè trước ngày 8-10-1945, chứ không phải kho xăng Thị Nghè.
Báo Quyết Chiến ngày 19? – 10 – 1945 lại đưa tin “kho dầu Simon Piétri” bị “một chiến sĩ ta” đốt cháy vào trước ngày 17 – 10 – 1945. Kho đạn ở Sở thú và kho xăng ở Thị Nghè là hai địa điểm gần nhau. Như vậy theo những thông tin gần thời điểm xảy ra sự kiện thì vẫn còn phải tìm thêm cứ liệu để xác định là kho đạn hay kho xăng và thời điểm là ngày nào, chắc hẳn trước ngày 17 – 10 – 1945.
Rồi người thực hiện là “em thiếu nhi 16 tuổi” (Kèn gọi lính) hay “một chiến sĩ ta” (Quyết chiến) hay “anh dân quân tẩm dầu vào người” (Thời mới). Việc tẩm xăng vào người, lúc đó cũng đã gây ra sự bàn luận.
Thời mới đã bác bỏ chuyện người chiến sĩ tẩm dầu vào người xông vào kho xăng vì “không phải thế, làm thế thì cố nhiên giặc Pháp ngăn lại ngay từ khi chưa tới cửa kho” và cho rằng người chiến sĩ phải “dùng mưu nhiều lắm” để lẻn vào gần kho xăng rồi mới “tẩm dầu vào người”, dùng súng bắn thủng các thùng xăng và châm diêm vào người, nhảy vào đám thùng xăng. Không biết tác giả dựa trên căn cứ nào nhưng về khách quan, cách trình bày này hợp lý hơn.
Với những thông tin đã tập hợp, tuy chưa đủ và còn một số khía cạnh chưa xác minh được (kho xăng hay kho đạn, thời điểm, người đốt) nhưng sự kiện kho xăng (hay đạn) của địch ở Thị Nghè (hay gần Thị Nghè) bị ta đốt cháy là có thật.
Ngay lúc đó, trên báo chí đã xuất hiện những thông tin khác nhau về người đốt và cách đốt kho xăng, tuy nhiên có điểm chung là gắn với hình ảnh một chiến sĩ tẩm xăng đốt cháy kho xăng địch và không có tên Lê Văn Tám hay tính danh của người chiến sĩ đã hi sinh.
Điểm lại những tư liệu đã thu thập được thì càng thấy rõ, trên cơ sở sự kiện có thật và cả dư luận về hình ảnh người chiến sĩ tẩm xăng thời đó, GS Trần Huy Liệu tạo dựng nên biểu tượng “ngọn đuốc sống” gắn với tên tuổi thiếu niên Lê Văn Tám.
Vấn đề thứ hai là cách ứng xử đối với biểu tượng “ngọn đuốc sống Lê Văn Tám”:
Trong bàn luận, cũng có người nghĩ rằng, “ngọn đuốc sống Lê Văn Tám” đã đi vào lòng dân rồi, các nhà sử học không cần xác minh nhân vật đó có thật hay không, làm ảnh hưởng tới một “biểu tượng”, một “tượng đài” yêu nước. Tôi quan niệm hoàn toàn khác.
Đối với sử học, tôn trọng sự thật, tìm ra sự thật, xác minh sự thật là một nguyên tắc cao cả thuộc về phẩm chất và chức năng của nhà sử học. Dĩ nhiên, với trách nhiệm công dân, có những sự thật trong một bối cảnh cụ thể nào đó liên quan đến bí mật quốc gia hay ảnh hưởng đến lợi ích sống còn của dân tộc, nhà sử học chưa được công bố.
Về nguyên lý, mọi kết quả nghiên cứu sử học càng khách quan và trung thực, càng có tác dụng tích cực xây dựng nhận thức lịch sử đúng đắn và không có gì mâu thuẫn với các biểu tượng lịch sử, các tượng đài yêu nước có giá trị được nhân dân tôn vinh.
Ngay đối với những biểu tượng mang tính huyền thoại, truyền thuyết như Lạc Long Quân – Âu Cơ, Con Rồng-Cháu Tiên, Phù Đổng Thiên Vương, nỏ thần An Dương Vương, vua Lê trả Gươm thần ở hồ Hoàn Kiếm…, kết quả nghiên cứu khoa học chỉ góp phần làm sáng tỏ cơ sở khoa học, cốt lõi lịch sử của biểu tượng.
Ví dụ những phát hiện khảo cổ học về đồ sắt trong văn hóa Đông Sơn, kho mũi tên đồng ở Cổ Loa và gần đây, hệ thống lò đúc mũi tên đồng ngay trong thành Nội của thành Cổ Loa, giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn cốt lõi lịch sử của hình ảnh ngựa sắt của Thánh Gióng, vai trò của nỏ thần của An Dương Vương. Chuyện vua Lê trả Gươm thần ở hồ Hoàn Kiếm vẫn nguyên giá trị thiêng liêng, không hề bị ảnh hưởng bởi việc nghiên cứu giống rùa và tuổi thọ của rùa Hồ Gươm…
Biểu tượng “ngọn đuốc sống Lê Văn Tám” thực sự đã được quảng bá rộng rãi, đi sâu vào tâm thức của nhân dân, tiêu biểu cho tinh thần hi sinh anh dũng, ý chí xả thân vì nước của quân dân ta trong buổi đầu của Nam kỳ kháng chiến. Một số đường phố, trường học, công viên hiện nay đã mang tên Lê Văn Tám. Lời dặn của GS Trần Huy Liệu là đến lúc đất nước yên ổn, cần phải nói lên sự thật về câu chuyện Lê Văn Tám.
Đó không phải là tên của nhân vật lịch sử có thật, nhưng phản ánh một sự kiện lịch sử có thật, một tinh thần hi sinh vì Tổ quốc có thật. Đó là một biểu tượng đã đi vào lịch sử mang tính phổ biến và thiêng liêng. Trả lại nguồn gốc thật của biểu tượng này là để tạo lập một nền tảng nhận thức khoa học, khách quan về quá trình hình thành biểu tượng Lê Văn Tám.
Tôi nghĩ rằng tất cả các đường phố, trường học, công viên… mang tên Lê Văn Tám vẫn để nguyên, vẫn được tôn trọng như một biểu tượng với nội dung giải thích đúng sự thật và ngăn chặn mọi ý đồ dựng lên lý lịch Lê Văn Tám như một nhân vật có thật rồi có người lại nhận là hậu duệ của nhân vật này.
Đến đây, tôi đã làm tròn trách nhiệm đối với lời dặn của cố GS Trần Huy Liệu, kèm thêm một số đề xuất để xử lý câu chuyện Lê Văn Tám. Tôi hoàn toàn không coi đấy là việc làm trái với phẩm chất trung thực hay lương tâm của nhà sử học, cũng không ảnh hưởng đến uy tín của GS Trần Huy Liệu và càng không làm đổ một biểu tượng hay tượng đài yêu nước. Tôi nhấn mạnh, theo quan điểm của tôi, mọi biểu tượng hay tượng đài lịch sử chỉ có sức sống bền bỉ trong lịch sử và trong lòng dân khi được xây dựng trên cơ sở khoa học khách quan, chân thực.
* GS Phan Huy Lê (Bài đăng trên Tạp chí Xưa&Nay số ra tháng 10 năm 2009)
(Theo KH& ĐS)

Thứ Tư, 24 tháng 12, 2014

Chuyện ‘Đường Tăng vô dụng lại lãnh đạo Tôn Ngộ Không?’ gây sốt


Duong Tang vo dung lai lanh dao Ton Ngo Khong

Tác giả lấy câu chuyện ‘Đường Tăng vô dụng lại lãnh đạo Tôn Ngộ Không?’ so sánh với thực tế xã hội hiện nay. Tại sao người giỏi, tài năng nhưng không thể làm lãnh đạo, hay người làm lãnh đạo cần tố chất gì?

Theo tác giả câu chuyện này, Đường Tăng có thể làm lãnh đạo và  lãnh đạo được Tôn Ngộ Không nhờ bốn yếu tố: Niềm tin tối cao, 'sự vô dụng', trái tim nhân đức và quan hệ xã hội tốt.
Đang gây sốt trên Facebook, câu chuyện ‘Đường Tăng vô dụng lại lãnh đạo Tôn Ngộ Không?’ do tài khoản Đại Náo Thiên Cung chia sẻ có nội dung như sau:
Tại sao Đường Tăng 'vô dụng' lại làm lãnh đạo, trong khi Ngộ Không tài phép lại là kẻ làm công?


1. Niềm tin tối cao
Cái đầu tiên mà Đường Tăng có mà Tôn Ngộ Không không có đó là niềm tin tối cao. Đường Tăng luôn tiến về phía trước bằng niềm tin cao nhất của mình, dù có hi sinh tính mạng không từ bỏ, nhưng Ngộ Không thì không thể. Anh ta năng lực tốt, nhưng không kiên định vào mục tiêu của mình, nhiều lần đánh trống bỏ dùi. Người không có niềm tin, sẽ khiến người khác không tin theo và mất đi động lực. Khi gặp phải khó khăn thì dễ dàng chùn bước, người lãnh đạo một khi khiếp đảm, lùi bước rồi thì đoàn đội anh ta cũng tan vỡ theo.
Với những người không có đủ niềm tin tối cao cũng không được, chỉ trông vào lợi ích cá nhân, biết mình không biết người thì chỉ khiến người khác bỏ mình mà đi. Giống như Tống Giang trong truyện Thủy hử, là một người không có niềm tin tối cao, cuối cùng bị chiêu an, mà cái lý tưởng cao nhất của ông ta cũng chỉ có vậy, vì thế mà hại chết cả đồng đội của mình.


2. 'Vô dụng' cũng là tài sản quý giá của một người lãnh đạo
Cái thứ 2 mà Đường Tăng có mà Tôn Ngộ Không không có chính là 'Vô dụng'.
Đường Tăng vô dụng như vậy nên ông ta mới thích người có bản lĩnh, mới có thể bao dung những khuyết điểm của người khác (cũng vì như vậy nên phần lớn những chuyên gia kỹ thuật không làm nổi ông chủ), và mới tìm được ba đồ đệ tài ba bảo hộ mình. Nếu như Đường Tăng cũng thần thông quảng đại, Tôn Ngộ Không sẽ không tình nguyện theo ông ta rồi.
Cũng chính vì Đường Tăng vô dụng mà Tôn Ngộ Không mới có đất dụng võ, mới khiến anh ta có thể thể hiện được hết giá trị của mình. Cứ xem Tôn Ngộ Không dù năng lực có mạnh như vậy, nhưng đám đồ tử đồ tôn của anh ta ở Hoa quả sơn, cũng chỉ toàn là lũ vô dụng (thùng cơm), không một ai được việc gì. Vì bản lĩnh của anh ta quá lớn, anh ta mới xem thường khả năng của người khác, vậy là những người có năng lực cũng không thích ở cùng anh ta. Bản thân là kẻ mạnh, nhưng đoàn đội của anh ta lại trở thành một lũ vô dụng.
Nhiều công ty, xí nghiệp đều có một ông chủ vô cùng giỏi giang, nhưng lại dẫn dắt một đoàn quân vô dụng. Lúc đầu khởi nghiệp, vì sinh tồn, mà bắt buộc phải như vậy để tồn tại, nhưng một khi vấn đề sống còn (sinh tồn) được giải quyết rồi, lẽ ra những ông chủ này phải suy nghĩ xem làm thế nào để tạo cơ hội cho những nhân viên tự phát huy khả năng của mình, đồng thời tìm kiếm để bù đắp những công nhân mình còn thiếu, chứ không phải là phàm việc gì cũng tự mình nhúng tay làm (sự tất cung thân), thậm chí ở lĩnh vực chuyên môn không hiểu cũng cứ giả vờ là hiểu. Như thế một mặt làm mình mệt mỏi đứt hơi, tối mũi tối mắt lo ứng phó thì tự nhiên còn đâu con đường phát triển.
Mặt khác, nhân viên của mình cũng bị 'lùn hóa' thành 'công cụ làm việc' (tay chân) thì sự phát triển của công ty đi đến chỗ nút thắt cổ bình. Nhiều ông chủ cho rằng chỉ dựa nhân viên thì không được, không thể yên tâm, nếu công ty chỉ dựa vào một mình Tôn Ngộ Không, ngộ nhỡ anh ta không tốt thì biết thế nào? Sao không niệm chú cho vòng kim cô thắt chặt vào? Phải xây dựng một chế độ chính sách để ràng buộc người tài – điều này nhất định không được quên.


3. Nhân đức
Cái thứ ba mà Đường Tăng có, Tôn Ngộ Không không có là 'nhân đức'.
Vì có lòng nhân đức nên Đường Tăng thương hại cả tính mạng của yêu quái, như thế cũng sẽ không biết so đo với thuộc hạ của mình, sẽ không phạt hay trừ tiền công của họ, không ức hiếp họ phải tăng ca, không thực hiện 'tẩy não giáo dục', không lợi dụng họ gánh thay trách nhiệm pháp luật, che chắn bản thân khi gặp nguy hiểm,...

Duong Tang vo dung lai lanh dao Ton Ngo Khong
Tôn Ngộ Không ba lần đánh chết người do Bạch Cốt Tinh đội lốt và bị Đường Tăng dứt tình thầy trò (ảnh minh họa)
Đường Tăng mặc dù lợi dụng ba đồ đệ bảo hộ mình, nhưng lại tuyệt đối không có ý bóc lột mà lại dẫn dắt họ cùng nhau nỗ lực, cùng nhau trưởng thành, cùng nhau thành công. Sau cùng, ba đồ đệ của Đường Tăng cũng đều đạt được thành tựu.
Đường Tăng không giống như Triệu Khuông Dẫn 'chén rượu tước binh quyền' hoặc là 'chim trời chết, chó săn cũng thịt'. Còn với Tôn Ngộ Không thì ý thức này của anh ta kém xa sư phụ của mình, sau này khi là 'đấu chiến thắng Phật rồi', nhưng bầy quân của anh ta ở Hoa quả sơn cũng vẫn chỉ là bầy khỉ hoang mà thôi.
Ở Nhật Bản có một công ty mời bố của nhân viên đến ngồi tọa đàm với các quản lý. Ông chủ công ty nói với toàn bộ quản lý, khi các vị không biết phải đối đãi thế nào với những nhân viên dưới quyền của mình thì hãy nghĩ lại ngày hôm nay, những ông bố của nhân viên mình đã gửi gắm con của họ cho các vị, mong các vị có thể giáo dục họ trưởng thành, dẫn dắt họ đi đến thành công. Các vị phải nghĩ xem bản thân mình đã xứng với sự ủy thác đó chưa?


4. Mối quan hệ
Cái thứ tư Đường Tăng có mà Tôn Ngộ Không không có đó là 'mối quan hệ' (nhân tố quan hệ).
Kiếp trước của Đường Tăng đã là đệ tử của Phật thích ca mâu ni, còn Tôn Ngộ Không chỉ là một con khỉ đá do trời đất sinh ra không mảy may có một mối quan hệ dây dưa nào. Mặc dù anh ta có bái một vị sư phụ, nhưng lại kém cái quan hệ với với các sư huynh đệ đồng môn, sau cùng lại còn bị sư phụ đuổi xuống núi (tống cổ), kết anh em với Ngưu Ma Vương, nhưng sau rồi cũng lại phản. Là hàng xóm với Đông Hải Long Vương, vậy mà Ngộ Không còn cướp đoạt đồ nhà người ta, cùng là đồng sự (đồng nghiệp) với Nhị Lang thần và các quan tướng khác ở thiên đình nhưng chẳng tôn trọng nể mặt người khác (làm mất mặt đồng nghiệp). Cuối cùng lại còn gây đại náo thiên cung, 'đá đít' nhiều người.
Cuốn sách 'Ai che lưng cho bạn' cũng đã nói cấm có sai. Ở Việt Nam, nhất quan hệ rồi nhì mới đến tiền tệ có lẽ cũng là cái quy luật này. Tóm lại, mối quan hệ xã hội của Tôn Ngộ Không rất không tốt
Đường Tăng thì không giống như vậy. Ông nhìn thấy thần tiên đều rập đầu bái lạy, cũng không có một kẻ thù nào. Ông không những là đệ tử của Như Lai, lại còn là ngự đệ của vua Đường Lý Thế Dân. Mối quan hệ cao cấp ở cả hai giới người và thần đều có, quan hệ không những tốt mà còn là quan hệ ở cấp cao, quan hệ thông thiên.
Người như vậy thì làm ông chủ sẽ thuận buồn xuôi gió. Xã hội là do con người cấu thành, quả đất này nếu không có con người thì tất cả sự giàu có, tất cả vật chất đều không có ý nghĩa gì hết. Con người là nguồn tài nguyên bản chất nhất thế giới này, là sáng tạo của mọi tài sản. Là một ông chủ, về đối ngoại phải biết tạo dựng những mối quan hệ (nguồn quan hệ), đối nội phải biết sáng tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao (nhân tài).
Tóm lại, Đường Tăng hơn Tôn Ngộ Không những thứ gì ? Đó là niềm tin tối cao, 'sự vô dụng', trái tim nhân đức và hệ thống quan hệ xã hội tốt. Vì thế, Đường Tăng có thể làm lãnh đạo, có thể lãnh đạo được Tôn Ngộ Không. Dù Tôn Ngộ Không trong mắt chúng ta là một anh hùng, nhưng anh ta lại không thể tự mình làm nên sự nghiệp vĩ đại và cần phải dựa vào Đường Tăng dẫn dắt mình. Với ý nghĩa này, Đường Tăng mới là một anh hùng, ít nhất cũng là anh hùng mà những ai làm ông chủ thực sự sùng bái.

Bình luận của dân mạng về chuyện ‘Đường Tăng vô dụng lại lãnh đạo Tôn Ngộ Không?’.
“Hay”, “Quá đúng”, “So sánh hay và đúng với thực tế”… là những lời khen mà dân mạng dành cho tác giả chuyện trên.
Tuy vậy, vẫn có người không đồng tình với quan điểm của tác giả bài viết. Trong đó, bạn Long Nguyễn lại chỉ những điểm không đúng khi cho biết:
"Chuẩn đâu mà chuẩn!
1. Niềm tin tối cao: Trong phim, cái Đường tăng thế hiện không phải niềm tin tối cao mà gọi là cố chấp, có những vấn đề mà 1 ngưới lãnh đạo như Đường Tăng chỉ dựa vào những chấp niệm của mình để quyết định đúng sai.
2. Vô dụng: Vô dụng nên trong 3 lần đánh bạch cốt tinh, ông đều không rõ, không hiểu năng lực của đệ tử mình mà cứ phán xét, đổ tội cho Tôn Ngộ Không qua nhận thức của chính mình.
3. Nhân đức: Con người nêu cao nhân đức nhưng mọi việc không chỉ dựa vào nhân đức làm chuẩn. Người lãnh đạo ngoài hiền lành nhân đức, còn phải quyết đoán, kiên định, tin tưởng vào năng lực của nhân viên mình. Nhưng Đường Tăng nhiều lần gặp nạn, bị bắt do không tin tưởng nghe lời Tôn Ngộ Không, thậm chí còn vì nhân đức mà làm cả nhóm phải gặp nạn.
4. Vấn đế quan hệ thì bạn nói có vẻ như sai rồi. Trong Tây Du Ký, cái mối quan hệ của Đường Tăng với Đức Phật có vẻ không có tác dụng gì, toàn nhờ mối quan hệ của Tôn Ngộ Không với các tướng trên Thiên Đình như Na Tra, Lý Tịnh. Nếu không có Tôn Ngộ Không phá phách lì lợm hăm dọa thì mấy vị đó còn lâu mới chịu giúp, giống như giữa người với người, mối quan hệ là dựa vào gặp mặt, quen biết, lợi ích song phương thì mới có thể tạo dựng. Chỉ là 1 thân phận mà thân phận đó cũng chỉ ngang hàng với mình thì có ai đứng ra giúp không?".

Những tấm đá hoa cương trên Bức tường Chiến tranh

Dưới chân tường. Ảnh: Vinh Quang
Nhân ngày 22-12 thành lập QĐND VN, HM blog đăng lại bài viết cách đây 7 năm nhân ngày thương binh liệt sỹ (27-7-2007).
Ảnh đen trắng trong bài là anh Giang Tử Kế, anh trai của HM, người đang nhận thanh kiếm trong buổi tiễn đưa đoàn 12 người ra trận. (Ảnh chụp năm 1968).

Những tấm đá hoa cương trên Bức tường Chiến tranh
Lời dẫn. Thời gian đã chứng kiến nhiều du khách nối nhau đến thăm bức tường, nhìn những tấm đá hoa cương ghi tên những người lính tử trận, thấy cả bóng mình và đất trời trong đó. Có thể ai đấy đang suy ngẫm về những gì đã mất, tự hỏi mình đã làm gì hôm nay và cho tương lai, để quá khứ chiến tranh vô nghĩa, bi thảm và đau thương không còn đeo đuổi.
Vào một ngày cuối tháng Năm, tôi hòa theo dòng người trên Quảng trường Quốc gia Washington DC (National Washington DC Mall) xem Ngày Tưởng niệm (Memorial Day – giống như ngày 27-7 của ta).
Gọi là Quảng trường nhưng thật ra là một khu công viên rộng hơn một triệu m2, bao gồm khu viện bảo tàng nổi tiếng Smithsonian với các tác phẩm hội họa qua mọi thời đại và những bộ sưu tầm quý hiếm của nhiều dân tộc trên thế giới.
Nơi đây, hàng triệu người Mỹ từng tụ họp biểu tình chống chiến tranh Việt Nam trong những năm 60 của thế kỷ trước. Đài tưởng niệm Đại chiến Thế giới II, Chiến tranh Triều tiên hay Bức tường Chiến tranh Việt Nam như những điểm nhấn lịch sử ghi lại các cuộc chiến tranh mà nước Mỹ đã tham chiến.
Du khách, nếu là người Việt Nam đến Thủ đô Washington DC nhất định phải đến thăm Bức tường Chiến tranh Việt Nam (The Vietnam War Wall). Được xây dựng với 9 triệu đô-la, do các tổ chức nhân đạo, cựu chiến binh và tư nhân đóng góp tự nguyện, bức tường do cô Maya Ying Lin, sinh viên kiến trúc trẻ người Mỹ gốc Hoa thiết kế.
Năm 1981, Ying Lin đã thắng trong cuộc thi tài với hơn một nghìn bức mẫu khác khi cô mới 21 tuổi. Chỉ cao so với mặt đất vài mét, bức tường dài 75m gồm 72 tấm đá hoa cương đen quý hiếm chuyển từ xứ Bangalore (Ấn Độ) ghép lại, tấm thấp nhất 20cm, cao nhất 3m, được đánh số thứ tự rất khoa học. Họ tên của hơn 58 ngàn lính Mỹ tử trận tại cuộc chiến tranh Việt Nam được khắc lên đá hoa cương.
Suy ngẫm. Ảnh: Vinh Quang
Đứng cạnh bức tường ta thấy thiên nhiên cây cỏ như rừng nhiệt đới, tháp bút Washington xa xa và chính bóng mình ẩn hiện trong những tấm đá hoa cương, tựa như đang đứng trước tấm gương để suy ngẫm về quá khứ, ngắm nhìn hiện tại và nghĩ đến tương lai.
Sự thâm trầm của văn hóa phương Đông pha trộn kiến trúc hiện đại phương Tây và ý nghĩa thầm lặng của những họ tên khắc trên đó giúp cho bức tường có tiếng nói riêng của mình. Xây xong năm 1982, bức tường trở nên có sức hấp dẫn lạ thường với khoảng 3 triệu du khách đến thăm hàng năm.
Đến những địa điểm khác trong Quảng trường, du khách hồ hởi vui vẻ, thích thú vì sự diễm lệ và phong phú của tượng đài. Tuy nhiên, khi đến Bức tường Chiến tranh Việt Nam, tự nhiên ai cũng thấy chững lại, lặng lẽ, không ai nói một lời.
Những cựu chiến binh Mỹ với giày xăng đá, mặc quần áo da, đeo kính đen, râu ria dữ rằn, đi mô-tô Harley Davidson nghìn phân khối hùng hổ là thế nhưng khi vào đến đây đều cúi đầu, rón rén bước nhẹ nhàng. Có người gục đầu vào tường, vài người khác thầm lau nước mắt, để lại bông hoa nhỏ dưới tên một người lính.
Phải chăng họ xót thương cho tuổi trẻ bạn bè họ vĩnh viễn dừng lại, hay họ đang day dứt vì những việc đã làm. Đây đó, một phụ nữ cùng đứa con nhỏ đang dùng bút chì chà trên tờ giấy trắng để lấy mẫu tên người đã khuất trên mặt đá.
Leo Roger Asselin. Ảnh: Hiệu Minh
Tôi chợt nhìn phiến đá số 22W, dòng 30 ghi tên Leo Roger Asselin. Tra lại với hồ sơ lưu trữ trên internet kiosk gần đó thấy ghi những dòng thông tin: Đơn vị: Sư đoàn Bộ binh số 11; Ngày sang Việt Nam: 10/4/1969; Ngày tử trận: 12/6/1969; Số năm phục vụ: 0; Lý do: đạn bộ binh của đối phương; Xác: có tìm thấy; Nơi xảy ra: Quảng Ngãi.
Leo Roger chết lúc 19 tuổi, khi xung trận mới được hai tháng. Trong tôi chợt xô đẩy những kỷ niệm chiến tranh 40 năm về trước.
Mùa hè năm 1967, chiến tranh phá hoại của Mỹ đã lan ra cả miền bắc và vùng Ninh Bình quê tôi ngày nào cũng bị vài trận bom ném xuống. Chúng tôi đến trường với mũ rơm để tránh bom đạn Mỹ. Những thanh niên trai tráng ở làng quê lớn lên đều đi bộ đội.
Anh trai tôi đã bỏ học vì anh bảo: “Trước sau gì anh cũng đi bộ đội. Ở nhà ngày nào giúp được bố mẹ ngày ấy”. Anh tôi khá điển trai, hát hay lại thích thơ ca. Trong xóm, người ta đùa gán ghép cho anh với một cô bé xinh xinh cùng tuổi. Đi trong làng, hai người nhìn thấy nhau là tránh mặt vì ngượng.
Một ngày đầu năm 1968, đi học về tôi thấy mẹ khóc. Hỏi mẹ mới biết anh trai tôi xung phong đi bộ đội cùng với 12 thanh niên độ tuổi 17-18 trong xóm và được lệnh triệu tập lên huyện. Mười sáu tuổi, tôi còn quá trẻ để hiểu những chuyện chẳng lành trong chiến tranh.
Tiễn người đi. Ảnh của gia đình HM
Ngày tiễn anh và trai tráng trong làng ra trận, cả xã tập trung để động viên. Mấy chị lớn tuổi thi nhau trêu chọc anh tôi với cô bé hàng xóm, thách hai người bắt tay nhau. Cả hai mặt đỏ tía tai tìm cách lảng tránh. Một lúc sau, thật bất ngờ, cô ấy tiến lại và giơ tay cho anh bắt.
Có lẽ linh cảm được lần chia tay ấy nên trái tim người thiếu nữ rung động, muốn được cầm tay người lính trẻ trước lúc đi xa. Đấy là lần đầu tiên anh ấy nắm tay một người con gái và cũng là lần cuối trong đời.
Anh tôi lên đường, mấy tháng đầu tiên đều có thư đều đặn. Vài tuần lại một lá khá dài, với vẻ phấn chấn được ra trận như những người lính trong thơ ca hay tiểu thuyết. Nhưng càng vào sâu miền trung, chiến tranh càng khốc liệt, thư càng ngắn dần đi. Có thư anh chỉ viết một câu: “Hôm qua đơn vị con bị oanh tạc, con vẫn còn sống”.
Lá thư cuối cùng viết tháng 2/1969 gửi từ Quảng Bình, có lẽ trước khi vào nam. Vài dòng ngắn gọn chúc bố mẹ mạnh khỏe và không quên gửi lời thăm cô bé nhà bên. Bố tôi cứ lặng lẽ xem mãi bức thư ngắn ngủi. Ông lật đi lật lại, giở cả mặt trong phong bì ra xem có gì thêm. Thật bất ngờ, anh tôi viết bằng bút chì mờ mờ phía trong: “Bố mẹ nhớ cho em con học giỏi để học tiếp lên đại học”.
Nhiều năm sau, tôi mới hiểu sự khốc liệt của chiến tranh. Khi đứng giáp ranh cái chết, con người ta thấy cuộc sống đáng quý biết bao nhiêu. Cũng từ đó, không bao giờ cả nhà tôi nhận được thêm thư từ của anh nữa. Đến giữa năm 1970, gia đình tôi nhận được tin sét đánh. Giấy báo tử ghi anh tôi “Đã hy sinh tại mặt trận phía nam năm 1969”, không nói rõ ngày tháng nào, ở đâu hay địa chỉ nơi chôn cất. Khi ấy anh mới 19 tuổi.
Những năm tháng nghiệt ngã ấy, đất nước phải cầm súng nhưng không quên gửi những thanh niên ưu tú khác đi đào tạo, chuẩn bị cho tương lai. Nhiều người bạn tôi đã lên đường du học. Đau buồn, nhưng nhớ lời anh trai dặn, tôi gắng học cho tốt. Tôi đã may mắn đỗ đại học và được chọn đi học nước ngoài.
Sau bao nhiêu năm bôn ba với những thăng trầm của thời cuộc, hôm nay tôi đứng đây dưới chân Bức tường Chiến tranh Việt Nam ở Thủ đô Washington, điều mà bốn mươi năm trước tôi không hề nghĩ đến. Khi ấy chỉ nghĩ đến tiếng máy bay Mỹ gầm rú trên đầu, bom rít và tiếng pháo cao xạ nổ xé tai.
Người lính Mỹ Leo Roger và anh tôi dừng lại mãi mãi ở tuổi 19 với số phận trên chiến trường vài tháng ngắn ngủi như nhau. Khác chăng là tư thế của hai người lính. Có ai đó trên bức tường này đã nhằm bắn anh tôi, hay chính anh ra tay trước khi nhìn thấy Roger hoặc cả hai cùng nhấn cò súng. Trong chiến tranh mọi điều đều có thể xảy ra.
Cũng rất có thể, bà mẹ Roger đã khóc và linh cảm giống như mẹ tôi khi tiễn con đi chiến trường. Biết đâu, anh tân binh Roger cũng được cầm tay cô bạn gái cùng lớp như anh trai tôi, được mấy giây “tay trong tay” với cô bạn trong xóm trước ngày ra trận để rồi không bao giờ biết được tình yêu đôi lứa. Bức tường đá hoa cương ghi 58 nghìn tên tuổi với 58 nghìn số phận khác nhau, âm thầm nói lên những khắc nghiệt và khốc liệt của chiến tranh.
Chiến tranh ở Việt Nam đã lùi xa ba mươi năm có lẻ. Nhiều thế hệ trẻ Việt Nam khác đã lớn lên, chỉ còn nghe kể về những giông bão tàn khốc như một hoài niệm. Không ai biết chính xác, người ta chỉ ước tính khoảng 3 đến 5 triệu người Việt đã mất trong 20 năm chiến tranh.
Một đất nước nhỏ chỉ bằng một bang California của Hoa Kỳ. Việt Nam, đất nước tôi với những bà mẹ “ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ”, người viết nhạc, người hát và cả người nghe nước mắt tràn đầy.
Tìm người thân. Ảnh: Vinh Quang
Mười hai người ra đi cùng anh tôi năm ấy, nhiều người không trở về. Nếu chúng ta xây dựng bức tường ghi tên những người đã hy sinh trong chiến trận Việt Nam, chắc bức tường đó phải lớn bằng dãy Hoành Sơn. Không bao giờ biết được nấm mộ của anh tôi ở đâu, trong rừng Trường Sơn bạt ngàn hoặc có thể nắm xương tàn ấy đã hòa tan vào trong đất.
Mẹ tôi vẫn khóc và thương nhớ anh tôi sau bốn mươi năm, như chưa bao giờ nguôi. Bà ước mong có ngày tìm được phần mộ của anh. Tôi thường khuyên giải mẹ hãy để anh yên ổn ở đâu đó với đất trời. Quan trọng là người sống phải xứng đáng với sự hy sinh của người đã ngã xuống, đừng để tên tuổi và cái chết của họ phai mờ trong tiềm thức của thế hệ sau.
Lại sắp đến ngày 27-7. Mẹ tôi đã 85, tuổi già khóc, nước mắt chảy vào trong, lại thắp nén hương thương nhớ đứa con trai ngã xuống khi còn quá trẻ. Người ta bàn đến chiến tranh và mất mát. Nhưng có ai đó nói rằng có thể ở thế giới bên kia, linh hồn những người tử trận như Roger và anh tôi đã làm bạn với nhau từ lâu lắm và quên cả cuộc chiến tranh đó rồi.
Thời gian chứng kiến nhiều du khách nối nhau đến thăm bức tường, nhìn những tấm đá hoa cương ghi tên những người lính tử trận, thấy cả bóng mình và đất trời trong đó. Có thể ai đấy đang suy ngẫm về những gì đã mất, tự hỏi mình đã làm gì cho hôm nay và cho tương lai, để quá khứ chiến tranh vô nghĩa, bi thảm và đau thương không còn đeo đuổi.
Để chiến tranh không bao giờ còn xảy ra trên đất nước như đất nước Việt Nam tôi. Để những người mẹ già không phải lau nước mắt, con cháu được sống trong tình yêu và hồn thiêng trẻ mười chín, đôi mươi của Leo Roger hay người anh trai của tôi được bình yên nơi xa vắng.
Hiệu Minh. 27-07-2007. Posted at Moscow Airport
Bài đăng trên Thư HN (VNN)

Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014

Thành Lễ, một quá khứ vàng son


 
Trong một dịp tình cờ, chúng tôi xem được một trang lịch trong bộ lịch in màu cách nay đã nửa thế kỷ (năm 1962). Bộ lịch có tên là “Công nghệ Viêt Nam” do một cơ quan nước ngoài bỏ vốn ra in. Tờ tháng Hai in hình nữ ca sĩ Kim Chi đang ngắm một chiếc tô lớn, đĩa và ly chân cao bằng sơn mài cẩn trứng do nhà Thành Lễ sản xuất . Lòng tô và đĩa màu vàng nhũ. Họa tiết cánh trúc đơn giản nhưng sang trọng trên nền trứng cẩn trắng ngà rất hài hòa.

Những sản phẩm mỹ nghệ cách này gần 50 năm thật tinh tế và không thua kém bất cứ sản phẩm mỹ nghệ cao cấp nào ngày nay.Đó là một sản phẩm tiêu biểu của nhà Thành Lễ, một công ty sản xuất hàng mỹ nghệ cao cấp khét tiếng của miền Nam trong suốt hơn 30 năm trước 1975. Đây chính là công ty thành công nhất trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh đồ trang trí nội thất, được bày bán ở hai con đường sang trọng bậc nhất Sài Gòn lúc đó là Tự Do(nay là Đồng Khởi) và Hàn Thuyên. Tên tuổi của công ty vượt ra khỏi biên giới đất nước Việt thời chia cắt. Sản phẩm của Thành Lễ đã tham gia các cuộc triển lãm sơn mài tại Pháp(1952), Thái Lan (1954), Philippin ( 1956) và Hoa Kỳ ( 1959). Tác phẩm sơn mài Thành Lễ được treo tại những danh thự như: Tư dinh Tổng Thống Hoa Kỳ Richard Nixon, tư dinh vua Hassan II tại thành phố Ifrane (Maroc), lâu đài Tổng Thống Pháp Charles de Gaulle tại Colombey les II Eglises (La Boissery), OMS (Organisation Mondiale de la Santa) tại Thụy Sỹ.
Đến nay, Việt kiều các nước, nhất là từ Pháp và những người thích nghệ thuật trong nước vẫn tìm mua các sản phẩm của Thành Lễ. Họ trưng bày trong nhà như tìm lại một không khí êm đềm và thịnh vượng của đô thị Sài Gòn xưa cũ. Lúc đó, ít người chơi tranh hay trang trí nhà bằng tranh sơn dầu. Dân trung lưu trở lên của Sài Gòn và các tỉnh lỵ mua được bức tranh sơn mài Thành Lễ, đôn voi, bình gốm Thành Lễ hay thảm len Thành Lễ đã cảm thấy đủ để tạo nên vẻ sang trọng của ngôi biệt thư hay căn phố của mình.
Một chiều cuối năm, chúng tôi may mắn gặp lại lão họa sĩ Nguyễn Văn Tuyền, thường gọi là bác Ba Tuyền tại Bình Dương, quê hương của công ty Thành Lễ. Sinh năm 1924, có lẽ bác là họa sĩ hiếm hoi làm việc lâu nhất cho Thành Lễ (từ 1943 đến năm 1975) còn sống. Những họa sĩ cùng làm việc cho công ty là Nguyễn Tấn Tam (sáng tác mẫu mã), Nguyễn Văn Tám, Châu Văn Trí (điêu khắc), Thái Văn Ngôn ( mẫu mã), Ngô Từ Sâm, Duy Liêm, Lương Định Tánh, Trần Văn Nam, Văn Thọat, Trần Văn Sáu, nghệ nhân Sáu Sa...hầu hết đã quy tiên.


Theo bác Ba Tuyền, tiền thân của Thành Lễ là xưởng “Thanh & Lễ” do hai ông Trương Văn Thanh và Nguyễn Thành Lễ hợp tác sáng lập năm 1943. Đến đầu những năm 60, ông Nguyễn Thành Lễ tách ra riêng, lập nên xưởng Thành Lễ. Từ đó, bắt đầu một quá trình kinh doanh và sáng tạo lừng lẫy đủ tạo dựng một tên tuổi không phai mờ. Bác Tuyền nhớ Họa sĩ Thành Lễ sinh năm 1919 tại Long Xuyên, học chuyên về sơn mài và chạm trổ, tốt nghiệp trường Mỹ thuật Thủ Dầu Một khỏang năm 1940 (có tài liệu cho là năm 1938), trước bác Tuyền hai khóa. Khi tách ra, xưởng sơn mài Thành Lễ đặt tại Bình Dương có 12 họa sĩ, 2 nghệ nhân vẽ kiểu, 20 người chuyên làm đồ mộc, 60 người chuyên về sơn, 4 thợ chạm, 1 thợ cẩn xà cừ. Xưởng Thành Lễ được xây dựng khá quy mô ở Bình Dương. Bên cạnh xưởng chế tác là phòng trưng bầy đuợc trang trí rất đẹp . Ở đây trưng bày đa dạng sản phẩm từ các bức bình phong lớn, đề tài phong phú từ đề tài lịch sử như Hai bà Trưng đánh đuổi quân Hán, trận Đống Đa, Bạch Đằng Giang, các tích Kim Vân Kiều, Lục Vân Tiên, cảnh đẹp Việt Nam như sông Hương núi Ngự, chùa Thiên Mụ, Tháp Chàm, cảnh sinh họat nông thôn và hình ảnh người nông dân, hình ảnh hoa lá chim muông…Ngòai ra, còn có các sản phẩm khác như vật dụng gia đình phủ sơn mài mang tính mỹ thuật cao như bình hoa, bàn ghế, tủ và các món đồ trang trí khác.
Năm 1962, xưởng Thành Lễ mở xưởng dệt thảm len và sát nhập các cơ sở thành xưởng sơn mài – lò gốm – thảm len Thành Lễ. Từ vài chục công nhân ban đầu, sau xưởng có đến 500 công nhân làm việc. Bác Tuyền cho biết từ thời đó, Thành Lễ đã tổ chức kinh doanh và tiếp thị rất có bài bản. Ông Thành Lễ giỏi tổ chức, lại có tài năng chuyên môn và biết thu hút nhiều người giỏi từ các nơi như trường Mỹ thuật Gia Định, Mỹ nghệ Biên Hòa và Mỹ nghệ Bình Dương. Các họa sĩ dưới trướng ông có nhiều người giỏi, từng đọat các giải thưởng hội họa. Xưởng Thành Lễ đã sáng tạo nhiều mẫu đẹp, giàu giá trị nghệ thuật. Nhiều mẫu mã chỉ dùng một lần cho một tác phẩm nên giá trị nghệ thuật cao và là sản phẩm độc bản. Theo các tài liệu, ông Thành Lễ rất ghét các mẫu mã làm theo kiểu rập khuôn, luôn yêu cầu các họa sĩ không bắt chước mẫu có sẵn mà phải liên tục sáng tạo cho tới khi đạt tới gía trị nghệ thuật mới đưa vào sản xuất. Bù lại, ông có chế độ lương và thưởng cao nên các họa sĩ làm cho ông sống thoải mái bằng đồng lương. Riêng một mình họa sĩ Ba Tuyền trong suốt hơn ba mươi năm đi làm có thể ung dung nuôi bảy người thân gồm cha mẹ, vợ và bốn người con đang ăn học.



 Ông Thành Lễ thường đi nước ngòai nghiên cứu sưu tầm mẫu mã đáp ứng thị hiếu khách hàng, nhất là khách hàng châu Âu. Trong quá trình định hướng phát triển, ông chỉ tập trung sản xuất tác phẩm mang tính nghệ thuật cao, phối hợp các nghệ thuật nắn tượng, trang trí, hội họa, điêu khắc. Màu sắc sản phẩm chú trọng gía trị thẩm mỹ, trang nhã và đẹp, nhiều sản phẩm mỹ nghệ đạt đến gía trị mỹ thuật cao. Nhờ tham gia nhiều hội chợ quốc tế và liên tục đọat giải, sản phẩm của ông tạo tiếng vang tốt. Dù vậy, ông không chạy theo lợi nhuận mà luôn đề cao chất lượng. Ở mặt hàng sơn mài chủ lực, ông dùng nguyên liệu tốt nhất như ván ép En Kounmé nhập ngọai, ván gỗ Teak (Gía tị) hoặc Gõ đỏ, Bời lời. Trong sơn mài, nguyên liệu chính là sơn Nam Vang có độ bóng và màu sắc có vẻ đẹp riêng. Sản phẩm trưng bày tại hội chợ quốc tế nếu được đặt mua, ông không vội giao hàng mà đợi đến 6 tháng sau khi xuất xưởng mới giao, sau khi theo dõi chất lượng tranh hay món đồ có bị biến dạng bởi thời tiết của xứ người không. Nói chung, ông không coi trọng sản lượng mà chỉ quan tâm đến chất lượng, không hề khóan sản phẩm để đạt năng suất cao mà chỉ coi trọng sản phẩm đủ đẹp hay chưa. Có lẽ do vậy, sản phẩm ở đây luôn cao giá hơn cơ sở khác nhưng vẫn đắt khách. Những công trình sang trọng nhất của Sài gòn trước 1975 đều đặt tác phẩm Thành Lễ như phòng ăn dinh Gia Long với tranh sơn mài, khách sạn Caravelle cũng có tranh Thành Lễ. Năm 1966, dinh Độc Lập đuợc khánh thành ngòai sự hiện diện của hai bức tranh của họa sĩ Thái Văn Ngôn là người của Thành Lễ, còn có một tấm Thảm len của xưởng Thành Lễ dài 40 mét phải hơn 40 người mới khiêng, khi đưa đến phải dùng xe rờ mọoc dài mới tải nổi. Khách sạn nổi tiếng Majestic cũng đặt một bức cửa lùa chạm lủng mang tên “Đám cưới xưa”. Ngoài ra, nhiều khách quốc tế khi đến Sài Gòn đã đuợc giới thiệu đến tham quan xưởng Thành Lễ. Bác Ba Tuyền còn giữ tấm ảnh thái tử Sihanouk (Campuchia ) thăm xưởng và đặt hàng vào những năm 60, như một kỷ niệm quãng đời làm việc.
Sau 1975, ông Thành Lễ cùng gia đình sang sống ở Pháp, đất nước kết nạp ông vào Hội Mỹ thuật quốc gia.. Theo thông tin trên mạng, con rể ông là Hòang Đình Tuyên tiếp tục mở xưởng sơn mài cũng lấy tên Thành Lễ và có tham gia triển lãm ở các hội chợ mỹ nghệ ở Pháp và có đọat một số giải thưởng. Ngòai ra, có thông tin cho là ông Marcel Nguyễn, con trai ruột ông Thành Lễ cũng mở một cửa hàng sơn mài tại Paris. Năm 1984, Toà Thánh Vatican Rome (Italy) đặt hàng một bức tranh sơn mài Thành Lễ dài 1x3m không rõ được sản xuất từ nguồn nào. Và 20-4-1990, đài Truyền hình TF1 của Pháp đã thực hiện một phóng sự về sản phẩm sơn mài Thành Lễ ở hải ngọai. Như vậy, tên tuổi Thành Lễ đã được tiếp nối từ chính gia đình ông.
Hơn ba mươi năm trôi qua, dù được khẳng định giá trị trong suốt hơn nửa thế kỷ, tên tuổi Thành Lễ dường như vẫn chưa vượt qua được cái nhìn hàn lâm khe khắt vốn coi nhẹ hàng mỹ nghệ dù cho nó đạt tới mức nghệ thuật nào. Hầu như có rất ít tài liệu, bộ phim, triển lãm trong nước chính thức ghi nhận về giá trị mỹ thuật hay tài năng kinh doanh của Thành Lễ, một thương hiệu có tầm vóc vượt ra khỏi biên giới một đất nước đang trong thời chiến tranh. Nhưng dù sao, trong lòng những người yêu nghệ thuật miền Nam, tên tuổi Thành Lễ vẫn còn vang vọng như một hoài niệm, một quá khứ vàng son. Và chắc chắn, một tình cảm trân trọng giữ gìn dành cho dòng đồ của một xưởng mỹ thuật danh tiếng đã quá vãng này vẫn âm thầm tồn tại.

Tác giả : Đặng Yên Hòa
Tạp chí Nội Thất


Những thương hiệu Việt ở Dương Bình vang bóng một thời

10 đột phá khoa học năm 2014

TTO - Tạp chí Hiệp hội vì sự tiến bộ của khoa học Mỹ (AAAS) vừa công bố top 10 đột phá khoa học trong năm 2014.

Các biên tập viên của AAAS lựa chọn vị trí đầu tiên đột phá khoa học trong những năm trước đó là khám phá “hạt của Chúa” (2012), liệu pháp miễn dịch ung thư (2013).
Năm nay, sự kiện robot đáp lên sao chổi tìm hiểu sự sống đứng đầu danh sách.



Video giới thiệu top 10 đột phá khoa học trong năm 2014 của AAAS - Nguồn: You Tube
1. Robot đáp lên sao chổi tìm hiểu sự sống
Tàu vũ trụ châu Âu Rosetta của Cơ quan không gian châu Âu (ESA) đã làm nên lịch sử khi phóng thành công robot Philae lên bề mặt sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko. Đây là thiết bị vũ trụ đầu tiên trên thế giới đáp thành công xuống một sao chổi.

Các nhà khoa học xác nhận Philae đã phát hiện các “phân tử hữu cơ” có chứa carbon - cơ sở của sự sống trên Trái đất trên sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko.


2. Chứng minh “nguồn gốc” thực sự của chim là khủng long
Các nhà khoa học tại ĐH Edinburgh (Scotland) và ĐH Oxford (Anh) đã xây dựng thành công cây gia phả toàn diện nhất từ trước đến nay về quá trình tiến hóa từ loài khủng long đến loài chim hiện đại sau khi họ nghiên cứu, so sánh những đặc điểm hình thái của 850 bộ phận trên cơ thể của 150 loài khủng long và các loài chim đã tuyệt chủng.

3. Liệu pháp “thay máu” để chống lão hóa
Công trình nghiên cứu của nhà khoa học Mỹ cho thấy có thể “đảo ngược” tuổi già ở chuột bằng cách thay máu - tiêm máu của chuột trẻ cho chuột già.

Kết quả cho thấy chức năng não của chuột tiếp nhận nguồn máu trẻ được cải thiện đáng kể qua các trắc nghiệm về nhận biết và ghi nhớ, “mở đường” cho những nghiên cứu ở con người về cải thiện quá trình lão hóa tuổi già.


4. Robot “hợp tác”
Các nhà khoa học ĐH Harvard (Mỹ) chế tạo thành công một đội quân 1.000 robot tí hon biết tổ chức hợp tác, làm việc theo nhóm tựa như đàn kiến hay ong để thực hiện những màn tạo hình hoặc di chuyển đồng bộ. Đội quân robot này có tên gọi Kilobots, được cho là lớn nhất từ trước đến nay.

Mỗi robot có 3 chân và có kích cỡ tương đương một đồng xu, với khả năng làm việc hợp tác mở ra hi vọng giúp con người thực hiện các nhiệm vụ khó khăn trong tương lai, chẳng hạn “chui” vào đống đổ nát tìm kiếm nạn nhân sau một trận động đất.


5. Chip “bắt chước” bộ não người
Tập đoàn công nghệ máy tính đa quốc gia IBM có trụ ở tại Mỹ đã phát triển bộ vi xử lý mới, được gọi là chip TrueNorth có khả năng “bắt chước” bộ não con người.

Chip TrueNorth kết hợp 5,4 tỷ bóng bán dẫn, có 1 triệu tế bào thần kinh và 256 triệu khớp thần kinh có thể lập trình với mục đích điều khiển các thiết bị như chủ động đưa ra cảnh báo sóng thần, giám sát dầu tràn hoặc thi hành qui tắc luồng tàu.


6. “Nghệ thuật” hang động lâu đời nhất thế giới ở châu Á
Các nhà khoa học Úc và Indonesia đã “vén màn bí ẩn” những bức tranh vẽ trên hang động được tạo ra bởi người tiền sử ở đảo Sulawesi, Indonesia, được cho là cách đây ít nhất 40.000 năm, điều này cho thấy châu Âu không phải là nơi sản sinh ra khả năng sáng tạo nghệ thuật trừu tượng của con người như vẫn nghĩ trước đó.

Tác phẩm hội họa cổ xưa này bao gồm những hình vẽ về động vật và các mẫu bàn tay trên vách các hang động đá vôi  ở Sulawesi, được phát hiện cách đây 50 năm nhưng đến ngày nay mới xác định được niên đại của chúng.


7. “Tế bào gốc” điều trị tiểu đường
Nhóm nghiên cứu thuộc Viện Tế bào gốc của ĐH Harvard (Mỹ) công bố bước đột phá quan trọng việc phát hiện những yếu tố mà khi cho vào môi trường nuôi cấy tế bào gốc sẽ chuyển chúng thành những tế bào β tụy thực hiện được chức năng trong vài tuần, mở ra hi vọng vào tế bào gốc để điều trị bệnh tiểu đường.

8. “Xóa ký ức” ở chuột
Một nhóm các nhà khoa học Mỹ đã chứng minh họ có thể biến những bộ phim khoa học viễn tưởng thành sự thật, ít nhất ở thí nghiệm “xóa ký ức” loài chuột bằng kỹ thuật quang - di truyền optogenetics, mở ra kì vọng mới về nghiên cứu trí nhớ của con người.

9. “Bùng nổ” vệ tinh mini CubeSat
Vệ tinh mini CubeSat, tương đương chiếc hộp nhỏ có kích thước 10cm x 10cm và nặng khoảng 1,3kg - được ứng dụng cách đây hơn 1 thập kỷ và nhanh chóng được ưa chuộng bởi tính năng hiện đại và chất lượng.

Trong năm 2014, có hơn 75 vệ tinh CubeSat được phóng lên không gian thực hiện các nhiệm vụ khác nhau như chụp ảnh Trái đất hay giám sát hoạt động phá rừng.


10. Mở rộng bảng mã di truyền
Các nhà khoa học từ Viện nghiên cứu The Scripps, bang California (Mỹ) công bố bổ sung 2 chữ cái vào mã di truyền, dựa trên thử nghiệm thay đổi cấu trúc vi khuẩn Escherichia coli khiến nó hợp nhất và tái tạo hai thành phần ADN không có trong tự nhiên (gọi là X và Y).

Thử nghiệm này cho thấy những chữ cái A, T, G và C trong ADN, đã tồn tại hàng trăm triệu năm, có thể được mở rộng thông qua sự can thiệp của con người.
Phát hiện này sẽ tạo ra nhiều ứng dụng trong tương lai chẳng hạn như chế tạo các loại thuốc mới và các loại protein mà với bốn mã di truyền như hiện nay không thể thực hiện được, tuy nhiên cũng đang gây ra những tranh cãi, lo ngại xung quanh sự can thiệp vào ADN cũng như khả năng tạo ra những sinh vật nhân tạo.


HUỲNH PHƯƠNG