Chủ Nhật, 14 tháng 12, 2014

Ngón tay chỉ trăng


Đặng Hoàng Giang

(TBKTSG) - 1. Thuở Đức Phật còn tại thế, khi có người hỏi rằng, giáo pháp của Ngài có phải là một chủ thuyết hay không, Đức Phật đã ôn tồn trả lời: “Giáo pháp của tôi không phải là một chủ thuyết do trí năng tạo dựng...
Tôi cần nói rõ: giáo pháp của tôi là một phương tiện để đi vào thực tại chứ không phải là để miêu tả thực tại, cũng như ngón tay chỉ lên mặt trăng không phải là mặt trăng. Người khôn khéo phải nương vào ngón tay để thấy được mặt trăng. Nếu cố chấp vào ngón tay, nếu cho ngón tay là mặt trăng thì sẽ không có cơ hội nào thấy được mặt trăng cả. Giáo pháp của tôi là để thực tập chứ không phải là để cất giữ mà thờ phụng và ca ngợi”(1).
Hình tượng ngón tay chỉ trăng về sau đã trở thành một ẩn dụ kinh điển để nói lên mối quan hệ biện chứng giữa PHƯƠNG TIỆN và MỤC ĐÍCH - hai vấn đề rất cơ bản trong cuộc sống con người. Ngẫm mà xem, trong mọi việc ta làm, hiếm có khi nào mà “cặp đôi” phương tiện - mục đích lại không đồng thời xuất hiện. Nhưng có lẽ cũng vì sự gắn bó khăng khít ấy mà chúng ta thường xuyên nhầm lẫn, cho dù sự khác biệt giữa chúng tưởng đã rất rõ ràng. Ta biết rằng, con người cần dựa vào một phương tiện để đi đến một mục đích. Và mục đích bao giờ cũng là kết quả của việc dựa trên một phương tiện nào đó. Thế nhưng, một khi đã nhầm lẫn, cái đóng vai trò phương tiện thường được hiểu là mục đích còn cái lẽ ra là mục đích lại nghiễm nhiên trở thành phương tiện. Sự lộn ngược này không diễn ra ngày một ngày hai mà bám riết cuộc đời con người, đẩy họ đi từ ngộ nhận này đến ngộ nhận khác.
Vì muốn giúp đệ tử thoát khỏi lầm lẫn và tinh tấn trên con đường tu học, Đức Phật đã viện dẫn đến hình tượng ngón tay chỉ trăng. Hình tượng này góp phần soi tỏ một sự thật gồm hai mặt. Một mặt, Phật giáo không phải là một chủ thuyết, một tôn giáo như nhiều người vẫn quan niệm. Sở dĩ phải nhấn mạnh điều này vì Đức Phật hiểu rằng, với bản tính kiến thủ (2) của con người, khi đã xem một đối tượng nào đó là một chủ thuyết, một chân lý rồi thì họ rất dễ bị mắc kẹt trong chủ thuyết ấy. Dần dà, họ mất đi tinh thần tự do, phóng khoáng, chủ động; trở nên độc đoán, bảo thủ và cho rằng chỉ có chủ thuyết của mình mới là chân lý còn tất cả những chủ thuyết khác đều là tà thuyết, tà đạo. Đây là nguyên nhân sâu xa của tình trạng xung đột, tranh chấp, bạo lực, chiến tranh triền miên trong xã hội loài người. Mặt khác, trong tận cùng bản chất, Phật pháp là một phương tiện giúp con người giải thoát, an lạc. Nói khác đi, vì mục đích an lạc, giải thoát của chúng sinh nên Phật pháp mới ra đời. Hình tượng ngón tay chỉ trăng không chỉ có ý nghĩa khai thị cho người Phật tử, mà còn là lời nhắc nhở vô cùng quý giá cho con người khi cuộc sống phức tạp, quanh co luôn luôn đòi hỏi ở họ khả năng phân biệt giữa mục đích và phương tiện.
Hình tượng ngón tay chỉ trăng không chỉ có ý nghĩa khai thị cho người Phật tử, mà còn là lời nhắc nhở vô cùng quý giá cho con người khi cuộc sống phức tạp, quanh co luôn luôn đòi hỏi ở họ khả năng phân biệt giữa mục đích và phương tiện.
2. Ngặt một nỗi, do vô minh che lấp, con người càng ngày càng đi ngược lời Phật dạy. Chưa bao giờ con người lại rơi vào tình trạng lầm lẫn giữa phương tiện và mục đích như hiện nay. Và không ở đâu, sự lầm lẫn ấy lại được biểu hiện tập trung, cao độ như khi con người đối diện với quyền lực.
Về bản chất, quyền lực là phương tiện giúp chủ thể nắm quyền lực đạt được một mục đích nào đó. Tùy thuộc vào tính chất của quyền lực (mang tính cá nhân hay tập thể) mà mục đích của nó được biểu hiện thành sự khẳng định sức mạnh, ý chí, khát vọng, ham muốn, nhu cầu của cá nhân hay của tập thể, của cộng đồng. Điều này nói lên rằng, các vấn đề cơ bản, muôn thuở của con người mới là đích đến của quyền lực, là căn cứ để xác định xem quyền lực ấy có chính đáng hay không.
Sứ mạng của quyền lực không phải là ngạo nghễ đứng bên trên, bên ngoài mà là tham gia giải quyết những vấn đề cơ bản đó nhằm nâng đỡ, tôn vinh con người, làm cho cuộc sống của con người không ngừng tốt đẹp hơn lên. Hơn nữa, là một phương tiện, cho nên quyền lực ngắn ngủi, nhất thời. Chỉ đời sống xã hội phong phú và đa dạng với mục đích trọng tâm là hạnh phúc của con người mới bất biến, xuyên suốt. Nhờ nhận ra bản chất của quyền lực, người Việt đã tự răn mình và răn con cháu rằng: Quan nhất thời - dân vạn đại. Người Pháp cũng để lại một châm ngôn tương tự - dưới một hình thức hoa mỹ hơn: Chính trị qua đi - văn hóa ở lại (Les politiques passent, les cultures restent). Trong lịch sử Việt Nam, từng có một triều đại mà những người đứng đầu đã thực sự nhận ra bản chất tạm bợ, vô thường của phương tiện quyền lực. Thật vậy, với các bậc minh quân triều Trần, quyền lực chỉ là phương tiện để một ông vua thực hiện lý tưởng quốc thái, dân an. Vì thế, thay vì chìm đắm, mắc kẹt trong quyền lực, ông ta cần tùy cơ mà quyết định sử dụng hay buông bỏ nó. Có lẽ, cũng hoàn toàn không hề ngẫu nhiên khi những nhân vật kiệt xuất đó đã góp phần kiến tạo nên một kỷ nguyên phát triển rực rỡ và độc đáo nhất trong chiều dài lịch sử Việt Nam.
Tuy nhiên, bị choáng ngợp bởi sức mạnh và hào quang sáng chói của quyền lực, con người đã quên mất bản chất phương tiện của nó, đến nỗi xem quyền lực như là mục tiêu tối thượng, tột cùng, duy nhất của kiếp người. Cho nên, con người không thôi khao khát quyền lực và tìm mọi cách để giành giật, độc chiếm và duy trì thứ quyền lực mà họ giành được. Dĩ nhiên, một khi quyền lực đã được xem là mục tiêu, thì mọi thứ khác trên đời chỉ là phương tiện phục vụ cho mục tiêu ấy, kể cả những thứ thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Lịch sử dân tộc Việt Nam chẳng đã từng chứng kiến bao vị hôn quân bán nước cầu vinh đấy thôi. Ngay bản thân con người, từ chỗ là chủ thể đứng bên trên quyền lực, điều khiển quyền lực đã trở thành phương tiện, công cụ cho quyền lực xếp đặt, sai khiến. Như vậy, vì nhầm lẫn giữa phương tiện và mục đích, con người đã tự biến mình thành nô lệ của quyền lực. Trong sự đổi ngôi này, con người phải trả một cái giá vô cùng đắt đỏ: mất nhân phẩm và các giá trị phong phú, cao quý của con người; mất danh dự; mất sự an lạc đời thường; đó là chưa nói đến nguy cơ của một thứ quả báo nhỡn tiền vì gieo nhân nào - gặt quả nấy. Nhưng cái giá lớn nhất mà con người phải trả là sự tàn phá xã hội ở các cấp độ khác nhau - hệ quả tất yếu của sự tham lam, tàn bạo của quyền lực một khi nó đã được con người tôn thờ như là mục đích, lý tưởng tồn tại.
Cũng như việc lần theo hướng chỉ của ngón tay để tìm về mặt trăng hiền dịu và trong trẻo, mọi thứ mà ta nhọc công tìm cầu trên cõi đời, xét cho cùng, đều chỉ là những phương tiện khác nhau nhằm đi đến mục đích tối hậu duy nhất là niềm hạnh phúc chân thật, trọn vẹn của con người. Không có phương tiện nào quan trọng hơn, ý nghĩa hơn, xứng đáng hơn mục đích ấy, dù đó là quyền lực, vật chất, tôn giáo hay bất cứ học thuyết cao siêu nào. Bởi vậy, nếu vẫn chưa thực sự chứng nghiệm được cảm giác hạnh phúc đời thường, con người cần nghiêm ngặt điều chỉnh, cải tạo các phương tiện hiện có sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Đây là tâm thế năng động mà bất cứ cá nhân và xã hội nào cũng cần đạt được nếu họ vẫn còn khao khát diện kiến mặt trăng.
(1) Thích Nhất Hạnh (2007), Đường xưa mây trắng, Nxb Văn hóa Sài Gòn, TPHCM, tr. 292-293.
(2) Kiến thủ là cố chấp vào một nhận thức hay một quan điểm cho trước.