Phong thái lịch lãm, trầm tĩnh, anh có sức hút nhất định của một người làm quản trị, tiếp thu được những tư duy mới trên nền tảng văn hoá, mỹ thuật…
Sự trở về của bốn anh em và việc khánh thành một nhà máy mới ngay trên vùng đất thiêng của dòng họ đang đặt lên vai anh một trách nhiệm nặng nề hơn chăng?
Thực tế trước đây Minh Long phải cạnh tranh gay gắt với nhiều sản phẩm gốm sứ khác đi theo đường tiểu ngạch, trốn thuế, vào các chợ, siêu thị. Việc mở cửa sắp tới khi TPP được ký kết là những thử thách hàng ngày mà chúng tôi đã trải nghiệm. Tôi không đặt mục tiêu quá lớn, xa vời, bởi như thế sẽ bị tự kỷ ám thị rất lớn, khó khả thi. Mỗi năm phải làm tốt hơn năm trước, cải tiến tốt hơn, cho mình sức mạnh để đi tới đỉnh cao là mục tiêu quản trị của tôi, cách làm này cho tôi thoải mái hơn để bước tới vị trí số một.
Hiện mỗi em tôi đang phụ trách mỗi lĩnh vực, điều đó giúp tôi nhẹ đi một phần để rà soát lại chiến lược. Đứng ngoài nhìn vào sẽ tốt hơn, không bị cuốn vào vòng xoáy của công việc.
Công cuộc cải tổ một công ty gia đình của anh bắt đầu từ đâu?
Từ trước tới nay, Minh Long luôn tăng trưởng, nhưng thời điểm 2014 là lúc tăng trưởng thấp nhất so với trước đây. Minh Long phải có rất nhiều giải pháp, cho ra dòng sản phẩm mới, mở rộng kênh phân phối, tìm nhiều thị trường xuất khẩu để tránh rủi ro, đến nay có thể nói đỡ hơn nhiều so với đầu năm.
Điểm yếu nhất của Minh Long là không có đội ngũ kế thừa trong hệ thống nhân sự. Ngành gốm sứ không thể đào tạo trong thời gian ngắn. Quyết định táo bạo nhất của tôi là tuyển đội ngũ kế thừa. Đó là việc rất khó làm vì không ai chịu chấp nhận mình sẽ bị thay thế, dù điều đó tất yếu phải xảy ra. Việc tuyển người mới tạo nhiều phản kháng trong nội bộ, khiến tôi phải đối đầu với nhiều sự vụ. Thông thường người ta phải bằng mọi giá để đạt được mục tiêu, tôi thì bằng mọi cách, không được cách này thì đổi cách khác. Tuy chậm nhưng kết quả luôn… hoà bình! Hệ thống F2 cán bộ cấp dưới từ nhân sự, kỹ thuật, chuyên môn xuất phát điểm tốt hơn F1, đều là những người trẻ tốt nghiệp đại học, kỹ sư, được đào tạo bài bản, tiếp xúc với công nghệ hiện đại.
Cách điều hành của anh có mâu thuẫn với cách điều hành của cha mình?
Không khác nhiều, tất cả đều hướng về phát triển bền vững, tuy nhiên cách làm có khác. Ba thường hay nóng, nghĩ gì làm ngay, muốn gì cũng phải nhanh. Tôi thì khác, phải phân tích, lên kế hoạch, thử nghiệm rồi mới triển khai đại trà. Về thực hiện có thể phức tạp hơn nhưng giảm thiểu rất nhiều rủi ro không lường trước được. Mỗi cách làm có ưu khuyết riêng, ba làm ngay, hiệu quả nhanh nhưng nhiều khi kết quả không như ý, tốn kém chi phí rất nhiều, đôi lúc gây trở ngại trong quá trình sản xuất không ổn định.
Anh và cha đã bao giờ xảy ra tranh luận nảy lửa?
Không nhiều. Tính tôi rất thẳng, có gì tranh luận ngay không giữ trong lòng. Tranh luận xảy ra hàng ngày, đương nhiên phải phân biệt rõ. Mình là phận con không cãi lại lời cha trong đời sống riêng tư, nhưng trong công việc phải tranh luận đến cùng để phân tích hiệu quả kinh tế. Nếu ai phân tích mang lại lợi ích chung thì người đó sẽ quyết định.
Anh đã học được điều gì từ các thương hiệu gia đình hàng trăm năm của thế giới, để áp dụng vào Minh Long?
Tôi đọc rất nhiều sách về các công ty gia đình. Đối với họ, người kế thừa phải là người giỏi nhất trong gia đình, để bảo đảm tài sản phát triển tốt nhất, không nhất thiết là con trưởng. Mỗi công ty đều có những bộ luật gia đình về quản trị, tài sản, đầu tư rất rõ ràng. Thành viên đứng đầu luôn giữ nguyên tắc đó để làm đúng. Có ban pháp chế để kiểm soát thường xuyên, không phải ai muốn làm mưa làm gió gì cũng được. Điều quan trọng nhất là họ không bị tư duy “bám đất giữ nghề”, sẵn sàng chuyển qua nơi khác, ngành khác để đầu tư khi thấy cơ hội, chứ không phải muôn đời chỉ làm một nghề.
Thông thường người ta phải bằng mọi giá để đạt được mục tiêu, tôi thì bằng mọi cách, không được cách này thì đổi cách khác.
Quy luật cuộc sống không có gì thịnh hoài, tất cả đều chịu chi phối bởi sinh lão bệnh tử, khi thấy chu kỳ đi xuống phải chuyển qua ngành khác để luôn ở thế trẻ trung, phát triển. Cần phân biệt rõ giữa kinh doanh đa ngành và đầu tư đa ngành. Chúng ta phần lớn hiểu sai chữ “đừng bỏ trứng vào một rổ”, thua vì kinh doanh đa ngành. Đầu tư ngành là tìm những đối tác giỏi nhất trong từng lĩnh vực để đầu tư nên luôn có nguồn tài chính dồi dào để hỗ trợ khi ngành chính rủi ro… Đó là điều tôi rút tỉa và dựa vào đó xây dựng Minh Long.
Anh học được từ ai nhiều nhất để hoàn thiện phong cách lãnh đạo của mình?
Tôi học từ tất cả những người mình từng tiếp xúc, những anh em trong giới doanh nhân. Tôi cũng thán phục CEO của Microsoft, ông không bao giờ ôm đồm, luôn biết chia sẻ công việc và làm việc đội nhóm. Căn bệnh lớn nhất của quản trị gia là không ai giỏi bằng tôi, rốt cuộc tự mình làm hết, đánh giá thường sai lệch. Làm việc đội nhóm sẽ giúp mình suy nghĩ khách quan hơn, không bị điểm mù, kinh doanh tốt hơn. Steve Jobs của Apple lại là người rất cầu toàn, tất cả những gì cho ra đời phải là tốt nhất, bắt đầu cá tính từ nhỏ luôn cố gắng làm điều gì tốt nhất.
Vậy anh có còn thời gian dành cho nhiếp ảnh và công nghệ, hai niềm đam mê sâu đậm của mình?
Tôi vừa lấy giấy phép hôm nay để làm công ty công nghệ thông tin. Công nghệ thông tin là ngành rất thú vị, chuyên về sản phẩm trí tuệ, sáng tạo, không bị giới hạn trí tưởng tượng của mình. Tôi được thoải mái… mơ! Lập trình giúp tôi có những tư duy phân tích logic.
Một câu hỏi hơi… tò mò, phong cách trầm tĩnh của anh là bản tính từ nhỏ, hay do rèn luyện?
(cười) Nó thay đổi từ khi tôi đi du học. Trước đó tôi cũng là người rất nóng tính, nói chuyện lớn tiếng. Ngày xưa trong lớp cô giáo thường kêu tôi đọc bài vì có giọng đọc lớn. Tình cờ một lần đi vào nhà hàng Pháp, tôi thấy những người phương Tây nhìn người châu Á nói chuyện rất lớn với cặp mắt không tôn trọng. Từ đó tôi cố luyện cách nói chuyện nhỏ nhẹ. Có lần đi Huế, nghe cô hướng dẫn viên kể vua không bao giờ nói lớn tiếng, phải có rất nhiều người truyền lệnh của vua ra ngoài. Rất nhiều CEO thế giới cũng nói chuyện rất nhỏ, để giữ được sự tao nhã…
Sự trầm tĩnh giúp tôi có những phút suy nghĩ lại những gì mình làm, nhưng không có nghĩa mất đi tính năng động, ngọn lửa của tuổi thanh xuân. Tôi là người yêu tốc độ, mê xe thể thao, trò chơi mạo hiểm, thích đi săn, yêu nghệ thuật, yêu ẩm thực, yêu thú vật, thích xem phim, nghe nhạc… chỉ tiếc là không đủ thời gian để hưởng thụ đam mê cùng một lúc.
thực hiện: Kim Yến – hoạ chân dung: Hoàng Tường