Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM tổ chức diễn tập tiếp nhận, điều trị bệnh nhân nhiễm Mers sáng nay( 25.6)
Đó là 2 trường hợp giả định được thực hiện trong buổi diễn tập tiếp nhận, điều trị bệnh nhân nhiễm MERS-CoV tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM sáng nay 25.6.
Có thể bạn quan tâm
Trường hợp thứ nhất là một bệnh nhi được gia đình nghi nhiễm MERS-CoV, có những triệu chứng của bệnh viêm đường hô hấp cấp (sốt, ho…) chuyển đến. Bệnh nhi này, khi được gia đình đưa vào cổng khu khám bệnh, nhân viên bảo vệ bệnh viện tiến hành đeo khẩu trang cho người nhà, em bé và hướng dẫn người nhà bệnh nhi đưa bé đi vào lối riêng để đến khu vực phòng lọc bệnh MERS-CoV.
Tại đây người nhà của bệnh nhi nhấn chuông, ngay lập tức bác sĩ khoa cấp cứu đến kiểm tra sức khỏe, đo nhiệt độ. Sau khi tìm hiểu về dịch tễ cũng như các vấn đề khác liên quan đến bệnh nhi, bác sĩ đã thông báo cho gia đình, cháu bé không bị nhiễm MERS.
Trong khi đó, tình huống thứ 2 tương đối phức tạp hơn. Đây là một cháu bé nghi nhiễm MERSđược chuyển đến từ một bệnh viện tuyến dưới.
Nhân viên y tế khoa cấp cứu nhận điện thoại từ một bệnh viện tuyến dưới báo, có một trường hợp bệnh nhi nghi nhiễm MERS-CoV sẽ được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1.
Lập tức nhân viên y tế báo cho đội ngũ y bác sĩ ở đây. Các nhân viên y tế liền thay trang phục, mặc ngay trang phục phòng chống dịch để sẵn sàng chờ xe cấp cứu chuyển bệnh nhi nghi nhiễm MERS đến. Khi xe cấp cứu tới, lập tức các nhân viên y tế tiến hành những bước kiểm tra sức khỏe của bệnh nhi ngay trên xe cấp cứu để xác định tình trạng bệnh nặng, nhẹ của bệnh nhi.
Tại đây, các bác sĩ xác định, tình trạng sức khỏe của bệnh nhi không quá nặng, không cần thiết phải chuyển đến phòng áp lực âm để hỗ trợ điều trị ngưng tim, ngưng thở. Các bác sĩ đã chuyển bệnh nhi đến khoa Nhiễm - Thần kinh (khu vực điều trị bệnh nhi nghi nhiễm MERS-CoV) để tiếp tục theo dõi.
Tuy nhiên, tình huống đặt ra, khi bệnh nhi này được chuyển đến khoa Nhiễm - thần kinh, bất ngờ bệnh phát nặng. Các bác sĩ phải tiến hành cho bệnh nhi thở oxy, chụp X-quang phổi để xác định tổn thương phổi của bé. Sau đó bệnh nhi được xác định không phát hiện bị nhiễm MERS-CoV.
Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), để có buổi diễn tập này, trước đó 2 tuần, hơn 1.700 cán bộ, nhân viên, y bác sĩ của bệnh viện đã được tập huấn về công tác phòng chống dịch bệnh MERS. Riêng đội ngũ điều đưỡng và y bác sĩ đã được tập huấn rất kỹ về công tác tiếp nhận, điều trị bệnh nhân.
Nhằm phục vụ cho công tác tiếp nhận, điều trị bệnh nhi nhiễm MERS-CoV, bệnh viện đã xây dựng một phòng áp lực âm để tiếp nhận, điều trị những bệnh nhi nặng, hỗ trợ ngưng tim, ngưng thở. Ngoài ra, tại khu vực phòng lọc bệnh, nếu số lượng bệnh nhi quá đông, bệnh viện sẽ sử dụng luôn cả khu lọc bệnh để làm nơi sàng lọc bệnh nhi nghi nhiễm MERS.
“Nếu số lượng bệnh nhi nhiễm MERS điều trị quá đông, bệnh viện sẽ trưng dụng toàn bộ các phòng huấn luyện, một số phòng khác của khoa Nhiễm - thần kinh để thực hiện điều trị. Nếu trưng dụng hết thì số giường bệnh dành cho điều trị MERS-CoV tại đây sẽ lên đến gần 200 giường. Như vậy có thể nói, đến giờ này, nếu dịch bệnh MERS-CoV xảy ra và bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1, chúng tôi sẽ đáp ứng một cách tốt nhất”, ông Hùng cho biết.
Dưới đây là một số hình ảnh do phóng viên Một Thế Giới ghi nhận trong buổi diễn tập sáng nay:
Gia đình bệnh nhi nghi "con" bị nhiễm MERS đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM. Ngay từ cổng vào khu khám bệnh, nhân viên bảo vệ của bệnh viện đã thực hiện đeo khẩu trang cho cho "bệnh nhi" và người nhà |
Nhân viên bảo vệ hướng dẫn người nhà bệnh nhi đưa "bé" đi theo lối riêng để đến khu vực phòng lọc bệnh MERS-CoV |
Khu vực phòng lọc bệnh |
. |
Bác sĩ tiến hành thăm khám cho "bệnh nhi" |
Sau khi sàng lọc bệnh, bác sĩ cho biết "bệnh nhi" không có dấu hiệu nhiễm MERS và hướng dẫn người nhà những điều cần biết về căn bệnh này |
Ngay sau đó, Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận một cuộc điện thoại từ một bệnh viện tuyến dưới thông báo có một bệnh nhi nghi nhiễm MERS-CoV sẽ được chuyển đến |
Ngay sau khi nhận được thông báo có ca nghi nhiễm MERS được chuyển đến, các nhân viện y tế của khoa cấp cứu khẩn trương mặc trang phục phòng chống dịch để phục vụ việc tiếp nhận, điều trị bệnh nhi |
Các nhân viên y tế trực tiếp lên xe cấp cứu kiểm tra sức khỏe ban đầu cho "cháu bé" nghi nhiễm MERS |
Sau khi thăm khám, các nhân viên y tế nhận thấy tình hình sức khỏe "bệnh nhi" không quá nặng nên chuyển đến khoa Nhiễm - thần kinh để tiếp tục theo dõi |
Tuy nhiên, ngay sau khi chuyển lên khoa Nhiễm- thần kinh, bất ngờ "bệnh nhi" trở bệnh nặng, các bác sĩ phải tiến hành cho "bệnh nhi" thở máy |
Tiếp tục chụp X-quang phổi để xác định tình trạng bệnh của "bệnh nhi" |
Nhưng rất may, sau đó "bệnh nhi" đã ổn định. Các bác sĩ đã thở phào nhẹ nhõm |
Hồ Quang