Trận tấn công Trân Châu Cảng (hay Chiến dịch Hawaii theo cách gọi của Bộ Tổng tư lệnh Đế quốc Nhật Bản)[6] là một đòn tấn công quân sự bất ngờ được Hải quân Nhật Bản thực hiện nhằm vào căn cứ hải quân của Hoa Kỳ tại Trân Châu Cảng thuộc tiểu bang Hawaii vào sáng Chủ Nhật, ngày 7 tháng 12 năm 1941, dẫn đến việc Hoa Kỳ sau đó quyết định tham gia vào hoạt động quân sự trong Thế chiến thứ hai. Trận đánh này được trù tính sẽ ngăn ngừa và giữ chân Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ không can thiệp đến cuộc chiến mà Nhật Bản đang hoạch định nhằm xâm chiếm Đông Nam Á, chống lại Anh Quốc, Hà Lan và Hoa Kỳ. Cuộc tấn công bao gồm hai đợt không kích với tổng cộng 353 máy bay[7] xuất phát từ 6 tàu sân bay Nhật Bản. Trận tấn công đã đánh chìm 4 thiết giáp hạm Hoa Kỳ (2 chiếc trong số đó sau này được vớt lên và đưa trở lại hoạt động), và gây hư hỏng cho 4 chiếc khác. Quân Nhật còn đánh chìm hoặc phá hoại 3 tàu tuần dương, 3 tàu khu trục và 1 tàu thả mìn, phá hủy 188 máy bay, gây tổn thất về nhân mạng là 2.402 người tử trận và 1.282 người khác bị thương. Các trạm phát điện, xưởng tàu, xưởng sửa chữa và các kho chứa nhiên liệu và ngư lôi, cùng các bến tàu dành cho tàu ngầm và tòa nhà sở chỉ huy (cũng là nơi đặt bộ phận tình báo) đã không bị đánh trúng. Thiệt hại về phía Nhật Bản nhỏ, chỉ mất 29 máy bay và 4 tàu ngầm bỏ túi, với 65 người thương vong.
Cuộc tấn công là một sự kiện lớn trong Thế chiến thứ hai. Nó đã diễn ra trước khi có bất cứ một lời tuyên chiến chính thức nào được đưa ra, cả trước khi phần cuối cùng trong một thông điệp gồm 14 phần được chuyển hoàn tất đến Bộ Ngoại giao ở Washington, D.C. Tòa Đại sứ Nhật Bản ở Washington đã được chỉ thị phải chuyển giao thông điệp này ngay trước thời điểm trù định cho cuộc tấn công ở Hawaii. Cuộc tấn công, và đặc biệt là bản chất "bất ngờ" của nó, là hai nhân tố khiến cho công chúng Hoa Kỳ thay đổi quan điểm từ những người theo chủ nghĩa biệt lập (Isolationism) như vào những năm giữa thập niên 1930 sang ủng hộ việc Hoa Kỳ tham chiến. Nhật Bản đã không đưa ra một lời tuyên chiến chính thức nào trước khi thình lình tấn công Trân Châu Cảng, trong khi hai quốc gia Hoa Kỳ và Nhật Bản vẫn còn đang trong giai đoạn đàm phán, vì thế cuộc tấn công bất ngờ này bị dư luận quốc tế xem là đánh lén (sneak attack), và Tổng thống Franklin D. Roosevelt tuyên bố rằng ngày 7 tháng 12 năm 1941 "sẽ sống mãi trong sự ô nhục" ("A date which will live in infamy").
Tiếp theo Hoa Kỳ, Anh và các thuộc địa của Anh, chính phủ Hà Lan và một loạt các quốc gia Mỹ Latinh cũng tuyên chiến với Nhật. Về phía phe Trục, ngày 11 tháng 12, Đức Quốc xã và Ý cũng tuyên chiến với Hoa Kỳ lấy cớ là Hoa Kỳ đã phá vỡ "sự trung lập".[8] Theo đó, România, Hungary, Bulgaria và Slovakia cũng tuyên chiến với Hoa Kỳ. Việc Đức nhanh chóng tuyên chiến với Hoa Kỳ mà không bị thúc ép bởi bất kỳ cam kết nào với Nhật Bản đã lập tức khiến Hoa Kỳ can dự vào Mặt trận Châu Âu.