Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2015

Người Việt Nam bị ung thư gan nhiều nhất thế giới


Nước ta có tỷ lệ bệnh nhân ung thư gan cao nhất thế giới, trung bình mỗi năm có trên 10.000 ca bệnh mới phát hiện.
Theo phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Băng Sương, Trưởng khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, ung thư gan xếp thứ ba trong nhóm ung thư gây tử vong nhiều nhất thế giới, chỉ sau phổi và dạ dày. Năm 2010 ước tính toàn cầu có khoảng 754.000 người tử vong do ung thư gan. Trung bình mỗi năm có thêm nửa triệu ca mắc mới. Hơn 80% số bệnh nhân ở các quốc gia châu Á và khu vực châu Phi cận Sahara. Dạng ung thư gan phổ biến nhất là Carcinom tế bào gan (HCC), chiếm đến 80%.
viet-nam-bi-ung-thu-gan-nhieunhatthe-gioi
Ảnh minh họa: Health.
Thực tế lâm sàng ghi nhận nguyên nhân dẫn đến ung thư gan chủ yếu là viêm gan mạn tính do virus viêm gan C (HCV) và viêm gan B (HBV) dẫn đến xơ gan. Đây là bệnh cảnh nền của 70-80% tổng số ca ung thư gan. Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như nghiện rượu, độc tố aflatoxin của nấm Aspergillus flavus trong ngũ cốc.
Việt Nam là quốc gia nằm trong vùng dịch tễ có tỷ lệ viêm gan cao nên có tỷ lệ ung thư gan cao. Ước tính trung bình mỗi năm cả nước có trên 10.000 ca ung thư gan mới phát hiệntỷ lệ này cao nhất thế giới. Điều tra dịch tễ ở Hà Nội, Bắc Giang cho thấy tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B và C lần lượt là 8,0 % và 2,7%. Tại TP HCM, ung thư gan đứng thứ nhất trong s 10 loại ung thư thường gặp ở nam giới (với tần xuất 38,2 trường hợp trên 100.000 dân mỗi năm), thứ sáu ở nữ (với tần suất 8,3 trường hợp trên 100.000 dân mỗi năm). Ở Hà Nội, ung thư gan đứng hàng thứ ba ở nam giới và thứ bảy ở nữ. 
Khảo sát cho thấy bệnh nhân ung thư gan được phát hiện ở giai đoạn đầu nếu được phẫu thuật triệt để hoặc ghép gan sẽ mang lại kết quả tốt, tỷ lệ sống lên đến 80%. Tuy nhiên, ở các quốc gia đang phát triển như nước ta, bệnh thường được chẩn đoán ở giai đoạn cuối nên ghép gan không đạt kết quả tốt. Khi đó ung thư đã xuất hiện tại các tạng khác, có khả năng lây lan vào gan mới ghép, tỷ lệ sống sót sau 5 năm chưa đến 10%
Bác sĩ Băng Sương nhìn nhận, ung thư gan tiến triển thầm lặng, không có triệu chứng ở giai đoạn sớm nên đa số bệnh nhân được phát hiện muộn. Do vậy bác sĩ khuyên những người thuộc nhóm có yếu tố nguy cơ cao như mắc bệnh viêm gan B, C, xơ gan, uống rượu nhiều hoặc trong gia đình từng có người bị ung thư gan, nên thường xuyên kiểm tra tầm soát để phát hiện bệnh sớm. 
Ở góc độ khác, tiến sĩ Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ươngcho rằng tiêm phòng văcxin viêm gan B có vai trò vô cùng quan trọng trong phòng ngừa ung thư gan, đặc biệt ở trẻ em. Tuy vậy, những năm gần đây xảy ra một số trường hợp tai biến nghiêm trọng, thậm chí tử vong liên quan đến tiêm chủng khiến nhiều phụ huynh hoang mang không cho con em đi tiêm. Các bệnh viện cũng ngại triển khai tiêm ngừa vì lo sợ rủi roTừ đó dẫn đến tỷ lệ tiêm văcxin giảm hẳn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến các bệnh truyền nhiễm gia tăng, trong đó có viêm gan B
Theo bà Hồng, tỷ lệ tai biến do tiêm chủng ở nước ta trong giới hạn cho phép của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), song ngành y tế đang nỗ lực triển khai những giải pháp nhằm giảm thiểu nguy cơ này. Thời gian qua, Bộ Y tế tổ chức nhiều lớp tập huấn cho cán bộ tiêm chủng nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu sốc phản vệ sau tiêm, xử trí kịp thời, đúng phương pháp sẽ cứu sống được các trẻ bị tai biến nặng. Bên cạnh đó còn hướng dẫn phụ huynh cách phát hiện sớm các dấu hiệu tai biến nặng để kịp thời đưa đến cơ sở y tế để xử trí theo đúng phác đ.
Khảo sát của WHO tại Việt Nam cho thấy, tỷ lệ bệnh viêm gan C gia tăng do phần lớn người dân và bệnh nhân thiếu kiến thức về bệnh nên không có khái niệm về tầm soát, điều trị và phòng ngừa lây lan. Rất nhiều người bệnh chủ quan cho rằng mình không có nguy cơ nhiễm virus này nên không tiến hành các xét nghiệm sớm, vô tình lây truyền mầm bệnh cho những người xung quanh. 
Các chuyên gia khẳng định việc phát hiện viên gan C quá muộn sẽ gây khó khăn trong điều trị. Nếu bệnh được phát hiện và điều trị sớm, đúng liệu trình có thể khỏi hẳn mà không để lại di chứng. Chính vì thế việc chủ động xét nghiệm tầm soát là biện pháp tốt nhất để hạn chế lây lan và điều trị dứt điểm.
Trần Ngoan
tranngoan@vnexpress.net

Các phương pháp xét nghiệm phát hiện sớm ung thư gan







Phó giáo sư Băng Sương cho biết, các phương pháp phát hiện ung thư gan đang áp dụng hiện nay chủ yếu là chẩn đoán hình ảnh, chẳng hạn như siêu âm. Đây này đơn giản, ít tốn kém, không gây hại, có thể phát hiện khối u từ một cm trở lên. Các phương pháp khác như chụp cắt lớp điện toán (CT Scan) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) sẽ giúp thấy khối u rõ hơn. Dù vậy, ngay cả khi được chẩn đoán ung thư, bệnh nhân vẫn cần được làm sinh thiết gan để kiểm tra chắc chắn.
Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh có một nhược điểm là chỉ phát hiện được ung thư khi đã xuất hiện các khối u. Do vậy nhu cầu cấp thiết hiện nay là tìm ra các các kỹ thuật mới cho phép phát hiện những chỉ dấu sinh học, miễn dịch (do tế bào ung thư tiết ra) nhằm phát hiện ung thư sớm trước khi hình thành khối u. Nhơ vậy sẽ nâng cao hiệu quả điều trị, theo dõi tiến triển của ung thư và tăng tỷ lệ sống thêm cho bệnh nhân. 
Năm 2008, Hiệp hội Gan học Nhật Bản đã đưa ra bảng chỉ dẫn tầm soát ung thư Carcinom tế bào gan bằng cách sử dụng 3 chỉ dấu AFP, AFP-L3, DCP. Tại Việt Nam, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM là một trong những cơ sở y tế tiên phong triển khai bộ 3 xét nghiệm này đ tầm soát ung thư gan, đặc biệt ở những bệnh nhân bị viêm gan B và C. 
Xét nghiệm AFP (α-fetoprotein)
AFP đã được nhiều quốc gia ứng dụng rộng rãi trong xét nghiệm tầm soát ung thư Carcinom tế bào gan. AFP là glycoprotein được tổng hợp chính ở gan phôi thai và túi noãn hoàng. Trẻ mới đẻ sinh nồng độ AFP - huyết thanh khoảng 40-50 ng/mL, sau đó nhanh chóng giảm xuống mức bình thường. Từ 2 tuổi nồng độ này còn dưới mức 0-6 ng/mL. Ở người lớn khỏe mạnh, chỉ số này là 0-7 ng/mL.
Nồng độ AFP-huyết thanh 20 ng/mL là giá trị ngưỡng được sử dụng nhiều nhất để phân biệt bệnh nhân có và không có Carcinom tế bào gan. Xét nghiệm AFP cho độ nhạy khoảng 41-65%, độ đặc hiệu 80-90%. Nồng độ AFP - huyết thanh tương quan thuận với nhau nên có thể sử dụng như một chỉ dấu có giá trị để phát hiện Carcinom tế bào gan và đánh giá giai đoạn của bệnh.
Lưu ý: AFP ở phụ nữ mang thai được đo qua máu của người mẹ hoặc dịch ối. Đây cũng là một biện pháp tầm soát các dị dạng thai nhi, như thoát vị rốn, Carcinom tế bào gan hoặc u gan, các khiếm khuyết của ống thần kinh, u tế bào mầm không phải tinh bào, u túi noãn hoàng, thất điều do giãn mạch.
Ở người lớn, nồng độ AFP cao (trên 500 ng/mL) ghi nhận trong các trường hợp bị bệnh Carcinom tế bào gan, u mầm bào ở tinh hoàn hay buồng trứng, ung thư di căn của gan, thất điều do giãn mạch. Một số người không bị ung thư gan nhưng có nồng độ AFP tăng khi mắc bệnh gan mạn, viêm gan, xơ gan, u quái tinh hoàn, phụ nữ có thai. Cũng có một số bệnh nhân ung thư gan nhưng AFP không tăng. Do vậy các nhà khoa học đã tiếp tục nghiên cứu tìm các chỉ dấu chẩn đoán ung thư gan hiệu quả hơn là AFP-L3 và DCP.
Xét nghiệm AFP-L3
AFP-L3 được sản xuất bởi các tế bào gan bị ung thư, gắn vào một protein đặc biệt là Lens culinaris agglutinin (LCA) với ái lực cao. AFP-L3 tìm thấy ở những người bị Carcinom tế bào gan. Giá trị ngưỡng của AFP-L3 trong phát hiện Carcinom tế bào gan là 10%, xét nghiệm có độ nhạy 56% và độ đặc hiệu 90%. AFP-L3 có thể báo động cho sự phát triển sớm của HCC trước khi phát hiện bằng hình ảnh học. 
Xét nghiệm DCP hay PIVKA-II
Prothrombin là một yếu tố đông máu được sản xuất bởi gan. DCP (Des-gamma carboxyprothrombin) là một dạng prothrombin bất thường được tạo ra trong tình trạng thiếu vitamin K, thường gặp ở những người dinh dưỡng tồi hay kém hấp thu, dùng warfarin hoặc các thuốc ức chế hoạt động của vitamin K. DCP có thể được sản xuất bởi các khối u gan và mức độ thường tăng lên khi bị Carcinom tế bào. Nồng độ DCP bình thường là 0-7,5 ng/mL. Với giá trị ngưỡng là 25 ng/mL thì xét nghiệm DCP có độ nhạy là 87%, độ đặc hiệu là 85% trong các trường hợp Carcinom tế bào gan.
Nhiều nghiên cứu cho thấy DCP gia tăng thường phản ảnh tình trạng của bệnh, kích thước khối u, sự xâm lấn tĩnh mạch cửa. Sau phẫu thuật cắt bỏ khối u hoặc điều trị ung thư gan bằng phương pháp khác, nồng độ DCP giảm nhanh. Nếu DCP tăng trở lại sau điều trị là dấu hiệu thể hiện bệnh tái phát hoặc điều trị thất bại.
Phần lớn các nghiên cứu bệnh chứng so sánh trong chẩn đoán Carcinom tế bào gan cho thấy độ nhạy của DCP cao hơn AFP. Các chuyên gia khẳng định sự kết hợp của DCP và AFP giúplàm tăng rõ rệt độ nhạy và độ đặc hiệu trong chẩn đoán bệnh sớm. 
Trần Ngoan
tranngoan@vnexpress.net

Gần 100% người ung thư gan chết trong vòng một năm phát bệnh

22.000 người phát hiện ung thư gan năm 2012 thì đến gần 21.000 người tử vong trong năm ấy. Đây là bệnh phổ biến thứ hai ở nam, thời gian sống trung bình chỉ được một năm. 
Tiến sĩ Mai Trọng Khoa, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân ung bướu, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, tỷ lệ mắc ung thư gan cao nhất ở khu vực châu Á và châu Phi - nơi có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B và C cao. Tại Việt Nam, bệnh có xu hướng gia tăng, là loại ung thư đứng thứ hai về số ca ở nam và thứ ba ở nữ, tỷ lệ tử vong hàng đầu cho cả hai giới.
Các triệu chứng bệnh ở giai đoạn sớm thường mơ hồ, người bệnh ít chú ý tới. Những biểu hiện rõ ràng như mệt mỏi, gầy sút cân; chán ăn, ăn kém, buồn nôn, nôn; đau âm ỉ vùng hạ sườn, thượng vị; cổ trướng; vàng da, củng mạc mắt vàng, thường là khi bệnh đã muộn. Tại nước ta, đa số bệnh nhân đến khám khi đã muộn, tỷ lệ tử vong rất cao, thời gian sống trung bình không quá 1 năm. 60% đến viện khi đã ở giai đoạn trung gian và tiến triển, tỷ lệ được phát hiện sớm rất thấp. 
ung-thu-gan-kho-phat-hien-som
Người mắc viêm gan B, C nên định kỳ đi khám tại các cơ sở y tế để phát hiện sớm ung thư gan. Ảnh minh họa: N.P.
Chỉ riêng năm 2012, cả nước ghi nhận gần 22.000 bệnh nhân ung thư gan thì đến gần 21.000 người tử vong. Trong khi đó tại Nhật Bản có đến 47% bệnh nhân ung thư gan ở Nhật Bản sống thêm từ 5 năm trở lên kể từ khi phát hiện bệnh, với bệnh nhân Âu - Mỹ là 11%. 
"Hiếm có loại ung thư nào có nhiều phương pháp điều trị như ung thư gan, các nhà khoa học trên thế giới vẫn tiếp tục nghiên cứu để tìm phương pháp tối ưu nhất. Tuy nhiên đến nay hiệu quả điều trị và kết quả chưa như mong muốn, tỷ lệ tái phát cao", tiến sĩ Khoa cho biết.
Theo ông, có nhiều phương pháp điều trị ung thư gan, trong đó phẫu thuật cắt phần gan mang khối u, ghép gan, phá hủy khối u tại chỗ bằng sóng cao tần… chỉ áp dụng khi bệnh được chẩn đoán ở giai đoạn sớm. Chỉ có khoảng 2% bệnh nhân được phẫu thuật triệt căn khối u. Gần đây bệnh nhân có thêm lựa chọn xạ trị bằng hạt vi cầu phóng xạ Y-90.
Đến nay ở cả 3 Bệnh viện Bạch Mai, 108 và Chợ Rẫy có 65 người bệnh ung thư gan đã được điều trị bằng phương pháp mới này và cho kết quả khả quan. Nhiều trường hợp ngấp nghé “cửa tử” đã có thể kéo dài thời gian sống. Các hạt vi cầu phóng xạ sẽ được bơm trực tiếp vào động mạch nuôi khối u. Khối u bị tiêu diệt theo 2 cơ chế: tắc mạch cắt nguồn dinh dưỡng nuôi u và xạ trị. 90% mạch máu nuôi u là từ động mạch gan, 10% từ tĩnh mạch cửa; các tổ chức lành thì ngược lại. Chính vì thế, với phương pháp này các tổ chức u lành ít bị ảnh hưởng, khối u bị tiêu hoàn toàn hoặc giảm thể tích.
Chi phí điều trị cho mỗi bệnh nhân khoảng 300-400 triệu đồng. Chỉ định các trường hợp này cũng khá nghiêm ngặt, đó là khi bệnh nhân đã thất bại với các phương pháp điều trị trước đó, khối u tái phát, thể trạng bệnh nhân vẫn tốt. Bên cạnh đó, một số người phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm cũng chọn làm phương pháp này đầu tiên, bước đầu cho hiệu quả kiểm soát bệnh tốt, kích thước khối u giảm.
Nguyên nhân gây bệnh chưa rõ ràng. Vì thế biện pháp phòng bệnh chính là ngăn ngừa, hạn chế tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ gây bệnh. Chiến lược phòng chống ung thư gan:
- Tiêm văcxin phòng viêm gan B.
- Hạn chế uống rượu, nếu dùng nhiều và thường xuyên sẽ làm tăng nguy cơ xơ gan, khiến ung thư gan dễ phát triển.
- Chế độ ăn uống nghỉ ngơi hợp lý, lối sống lành mạnh.
- Không dùng chung bơm kim tiêm, bàn chải đánh răng, dao cạo râu có dính máu của người bệnh, sử dụng bao cao su khi quan hệ để phòng tránh viêm gan siêu vi B.
Những người mắc viêm gan B, C hoặc các bệnh lý về gan- viêm gan do rượu, gan nhiễm mỡ, xơ gan... cần được điều trị và theo dõi chặt chẽ tại bệnh viện.
- Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần.
Phương Trang