Người ta nói rằng ở Việt Nam có 3 chiếc cầu cổ có đặc điểm giống nhau. Đó là 3 chiếc cầu sắt và cùng theo phong cách thiết kế kết cấu sắt của kiến trúc sư Gustave Eiffel, giống như tháp Eiffel. Có chiếc cầu do chính công ty của Eiffel thiết kế, còn nếu không thì cũng theo phong cách ấy. Ba chiếc cầu ấy là: cầu Long Biên ở Hà Nội, cầu Tràng Tiền ở Huế và cầu Gành ở Biên Hòa.
Cầu Gành có khác một chút, ở chỗ nó thường được gọi tên cho cả 2 chiếc cầu (cùng kết cấu giống nhau, ở gần nhau). Đó là 2 chiếc cầu bắc qua Cù lao Phố. Chiếc cầu từ nội ô TP Biên Hòa bắc qua Cù lao là cầu Rạch Cát (ngắn hơn), chiếc cầu từ Cù lao qua Bửu Hòa, hướng về TPHCM là cầu Gành.
Cầu Gành. Ảnh: Phạm Hoài Nhân
Trưa 20/3/2016, cầu Gành đã bị một chiếc sà lan tông sập hai nhịp, sau hơn trăm năm soi bóng trên dòng Đồng Nai như một biểu tượng của Biên Hòa.
Chợt nhớ người anh em của nó, cầu Tràng Tiền, một ngày xa xưa đã từng bị gãy... Sự kiện buồn này đã được đưa vào một bài ca da diết
Một ngày vào thuở xa xưa trên đất thần kinh
Người bỏ công lao xây chiếc cầu xinh
Cầu đưa lối cho dân nối liền cuộc đời
Khắp cố đô dân lành an vui ca thành điệu Nam Bình
và rồi
Cầu thân ái đêm nay gãy một nhịp rồi
Nón lá sầu khóc điệu Nam Ai tiếc thương lời vắn dài
Cầu Gành trưa 20/3/2016. Ảnh: Lê Huy Trung trên Tuổi trẻ online
Thôi đành mượn bài hát cũ và điệu Nam Ai, Nam Bình của xứ cố đô để tiếc thương cho một chiếc cầu đã gãy:
Một ngày vào thuở xa xưa trên đất Đồng Nai
Người bỏ công lao xây chiếc cầu xinh
Cầu đưa lối cho dân nối liền cuộc đời
Khắp Biên Hòa dân lành an vui ca thành điệu Nam Bình
Người bỏ công lao xây chiếc cầu xinh
Cầu đưa lối cho dân nối liền cuộc đời
Khắp Biên Hòa dân lành an vui ca thành điệu Nam Bình
Cầu thân ái trưa nay gãy hai nhịp rồi
Nón lá sầu khóc điệu Nam Ai tiếc thương lời vắn dài
...
Phạm Hoài Nhân