Thứ Tư, 12 tháng 10, 2016

Xem phim Thương xá Tax trăm năm cùng dân Sài Gòn - TP.HCM

TTO - Khi Thương xá Tax đập bỏ vào ngày 12-10-2016 để xây cao ốc hiện đại thì tòa nhà biểu tượng gắn với nhiều ký ức của người Sài Gòn - TP.HCM này có tuổi đời đã 136 năm. 
Xem phim Thương xá Tax trăm năm cùng dân Sài Gòn - TP.HCM
Thương xá Tax những năm 1940 (trái) và Thương xá Tax trước khi đóng cửa (2014 - phải) - Ảnh tư liệu
Phim phóng sự: Thương xá Tax - Những ký ức còn lại dài 15 phút do phòng truyền hình Báo Tuổi Trẻ thực hiện vào năm 2014 - thời điểm Thương xá Tax chính thức đóng cửa để chuẩn bị xây Trung tâm thương mại dịch vụ mới có 40 tầng cao, dự kiến hoàn thành vào năm 2020.
>> Xem phim:
TVO

Hãy lắng nghe dân và đảng viên không chức quyền nói về suy thoái

Nguyên nhân và giải pháp chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống:

Hãy lắng nghe dân và đảng viên không chức quyền nói về suy thoái

 Lâu nay, việc xây dựng Đảng và Nhà nước chủ yếu thực hiện theo hướng “tự mình”. Tự phê bình và phê bình, tự chỉnh đốn, tự đổi mới, tự kiểm tra, tự thanh tra, tự xử lý… Có cấp trên chỉ đạo cấp dưới, nhưng vẫn là trong hệ thống, cũng có nghĩa là vẫn “tự mình”. Chỉ có “tự mình” cũng còn có nghĩa là quyền lực chưa được Nhân dân kiểm soát. 
LTS-Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành TƯ Đảng khóa 12 đang nhóm họp. Phát biểu khai mạc hội nghị, đề cập nội dung xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Hội nghị lần này cần thảo luận, ra Nghị quyết về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ". Đây là vấn đề hệ trọng, vừa cơ bản, vừa cấp bách.
Nhân dịp này, Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của ông Vũ Ngọc Hoàng. Mời đọc giả cùng theo dõi và thảo luận.
Không thể phủ nhận những việc đã làm được trong công tác xây dựng Đảng. Nhưng cũng phải nói rằng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ đảng viên thời gian qua có xu hướng tăng lên, xấu hơn, mặc dù nhiệm kỳ nào Trung ương cũng đều có những chủ trương về xây dựng Đảng.
Từ chỗ có một số đảng viên suy thoái rồi đến một bộ phận, và sau đó là một bộ phận không nhỏ, và trong bộ phận không nhỏ ấy có cán bộ cao cấp. Trong các Nghị quyết của Đảng đã chính thức nhìn nhận tình hình như vậy. Đó là sự nhận định đúng, dù chưa nói hết mức độ nghiêm trọng của tình hình.
Sau Đại hội XII đến nay, Tổng Bí thư và tập thể Bộ Chính trị (tôi nói tập thể) đã có nhiều cố gắng đáng ghi nhận trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, “lợi ích nhóm”. Tuy nhiên, tình hình sẽ chuyển biến ra sao thì cần phải có thời gian để có thể nhận được câu trả lời chính xác.
Hãy lắng nghe nhân dân và đảng viên không có chức quyền nói về sự suy thoái trong Đảng thì sẽ rõ. Bao nhiêu vụ việc tiêu cực, tham nhũng như vậy nhưng tổ chức Đảng không phát hiện được qua sinh hoạt Đảng, mà là do nhân dân, báo chí phát hiện và nói lên. Qua các lần kiểm điểm thường xuyên và kiểm điểm chuyên đề hầu hết đều đánh giá là đảng viên đủ tư cách và hoàn thành tốt hoặc xuất sắc nhiệm vụ, còn tổ chức Đảng thì trong sạch vững mạnh. Bản thân tình hình ấy cũng đã nói lên sự suy thoái.
Về tư tưởng chính trị, điều đáng nói nhất là lòng tin của nhân dân và nhiều cán bộ, đảng viên đối với các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đã suy giảm. Đó là một thực tế! Dù ta không muốn vậy, hoặc không muốn nói thế, thì nó vẫn cứ là một thực tế khách quan. Không thể né tránh. Phải nhìn thẳng vào sự thật, đối diện với nó, hiểu nó đến cùng, để từ đó tìm cho ra cách giải quyết hiệu quả nhất. Đó là trách nhiệm, là bản lĩnh, là cách tiếp cận khoa học. Với tình hình của ta như hiện tại, thì đối mặt với sự thật, nói rõ sự thật cũng là giải pháp. Và là giải pháp đầu tiên. Từ đó mà tìm các giải pháp tiếp theo. Còn né tránh nó, che giấu nó, thì tổ chức Đảng sẽ suy yếu.
Kiểm soát quyền lực, Vũ Ngọc Hoàng, Tham nhũng, Lợi ích nhóm, Tự do ngôn luận, Con ông cháu cha, Tam quyền phân lập, Cải cách hành chính, Thi tuyển lãnh đạo, Thi công chức
Công tác cán bộ thì chạy chọt quá nhiều. Ảnh minh họa.
Trong chính trị chân chính (chứ không phải mị dân), khi có lòng tin bền vững của nhân dân là có tất cả. Khi lòng tin không còn thì sẽ mất tất cả. Lòng tin của nhân dân là nền tảng chính trị quan trọng nhất của một chế độ, một chính quyền. Làm hỏng nền tảng ấy thì chông chênh, và nếu không sớm khắc phục, để ngày càng trầm trọng hơn thì trước sau gì cũng sụp đổ. Không thể khác! Không có cái gì thay thế được. Bạo lực càng không phải là giải pháp đối với nhân dân. Thậm chí nó còn là thứ độc hại, làm cho nền tảng chính trị ngày càng thêm rạn nứt và dẫn đến đổ vỡ hoàn toàn.
Vì sao mà lòng tin giảm sút? 
Đừng bao giờ suy nghĩ là tại nhân dân không tốt, không chịu tin lãnh đạo. Nghĩ như thế là nghĩ ngược. “Tiên trách kỷ” là kinh nghiệm và lời khuyên từ cha ông. Lý do đầu tiên, quan trọng nhất, mang tính quyết định, làm cho lòng tin giảm mạnh là sự hư hỏng đạo đức của cán bộ.
Nói cách khác, chính sự suy thoái về đạo đức lối sống là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị. Lòng tin không tự nhiên mà có, cũng không phải bất biến. Khi đạo đức của nhiều cán bộ suy đồi thì người ta không tin vào sự chân chính của tổ chức và từ đó mà dẫn đến không tin vào mục tiêu và con đường của tổ chức ấy.
Nếu để quá nhiều cán bộ đảng viên suy thoái nghiêm trọng về đạo đức thì tổ chức Đảng không còn nguyên bản chất, mà đã thay đổi rồi. Diễn đạt khác, nếu khắc phục được suy thoái về đạo đức của cán bộ thì tự nhiên sẽ cơ bản khắc phục được suy thoái về niềm tin, và cũng có nghĩa là khắc phục cơ bản về suy thoái tư tưởng chính trị. Còn bộ phận không nhỏ cán bộ suy thoái kia thì chính họ đã rời bỏ lý tưởng chân chính rồi, tha hóa về đạo đức rồi, cũng có người sẽ tỉnh ngộ, hối lỗi và phục thiện, nhưng rất ít, chỉ là cá biệt.
Đạo đức là lõi của văn hóa, mà văn hóa là nền tảng của xã hội nói chung, trong đó có chính trị. Văn hóa nhất định phải là nền tảng của chính trị (chân chính), chứ không phải ngược lại. “Chính trị là thống thoái, chính trị quy định văn hóa” là một luận điểm rất sai lầm, phản khoa học. Tất nhiên lòng tin không phải chỉ có đạo đức, nhưng đạo đức là cái nền, là cái đầu tiên. Chính đạo đức mới thể hiện sự chân chính của con người và tổ chức. Còn đương nhiên là không chỉ thế, mà còn trí tuệ và năng lực của cán bộ nữa, mới tạo được niềm tin đầy đủ và bền vững, nhưng trước tiên phải là đạo đức. Đạo đức là cái gốc.
Bản thân lý luận và công tác lý luận của chúng ta còn quá nhiều lạc hậu và yếu kém. Đó cũng là một nguyên nhân làm mất lòng tin. Các nghị quyết của Đảng đã chỉ ra sự lạc hậu và yếu kém này, dù chưa nói hết. Khoa học liên quan đến phương pháp luận đã nhiều chục năm không theo kịp một thế giới biến đổi nhanh chóng theo hướng phi tuyến tính. Lý luận mà nhiều vấn đề không lý, không luận, áp đặt một chiều, không thảo luận, tranh luận đầy đủ, không có phản biện, không tiếp cận đa chiều, đa nguồn mà chủ yếu là đơn tuyến, một nguồn, theo kiểu độc quyền chân lý, làm cho đội ngũ trí thức và tập thể Đảng phải thụ động.
Vài chục năm nay lý luận luôn bị mang tiếng là bảo thủ, giáo điều. Mà nghĩ cũng không phải oan. Hoặc ít ra, họ đã nói đúng trên một phần đáng kể hệ thống lý luận của chúng ta. Không ít vấn đề còn mập mờ, chưa rõ cơ sở khoa học, thậm chí chắp vá, mâu thuẫn nhau, xa thực tế, không có sức thuyết phục. Công tác lý luận với phương pháp tiếp cận chưa khoa học, không bám chắc thực tiễn, cũng tức là đã rời xa nguồn gốc, cơ sở sản sinh ra nó, vì vậy mà ít sức sống; nặng minh họa, ít phản biện và tư duy độc lập, lẫn lộn giữa khoa học và chính trị.
Nhiều trí thức nói là khoa học đã bị chính trị hóa. Không cãi lại họ được đâu. Công tác tư tưởng nói chung còn một chiều, mang tính áp đặt, ai phản biện, nói khác dễ bị quy chụp là “mất quan điểm lập trường”, là “chệch hướng”, thậm chí còn đẩy về phía đối lập.
Với phương pháp tư tưởng như vậy đã tự mình cô lập với thế giới sôi động và chặn đứng con đường tiếp cận chân lý khách quan. Đối với khoa học tự nhiên, có thể một người, một mình ngồi trong phòng thí nghiệm, miệt mài làm việc và tìm ra chân lý. Còn đối với khoa học xã hội thì sự đối thoại, tranh luận bình đẳng chính là con đường tiếp cận chân lý. Không như thế tức là tự mình đã chặn đứng con đường đi đến chân lý khách quan. Có những việc nói một đường trên thực tế lại làm một nẻo, nói duy vật biện chứng nhưng lại nghĩ và làm theo kiểu duy tâm siêu hình.
Một lý do nữa làm mất lòng tin là năng lực lãnh đạo, quản lý còn rất nhiều bất cập so với yêu cầu, không giải quyết nổi các vấn đề của cuộc sống đặt ra, để đất nước bị tụt hậu trên nhiều mặt và thế lực “bành trướng” nước ngoài lấn ép. Khi để đất nước tụt hậu và đạo đức suy đồi thì quá khứ vinh quang ngày hôm trước cũng giảm dần ý nghĩa. Từ đó, cái vốn văn hóa được xây nên bằng máu xương của hàng triệu Đảng viên và Nhân dân trước đây - làm nền tảng cho hôm nay đang bị cạn dần.
Nhiều vụ việc giải quyết thiếu minh bạch, ít ra là thiếu minh bạch về thông tin, làm cho nhân dân nghi ngờ. Nghi ngờ có tham nhũng, hối lộ, “lợi ích nhóm”, dung túng và bao che cho nhau, kể cả nghi ngờ về chính trị nữa (trong quan hệ với láng giềng).
Kiểm soát quyền lực, Vũ Ngọc Hoàng, Tham nhũng, Lợi ích nhóm, Tự do ngôn luận, Con ông cháu cha, Tam quyền phân lập, Cải cách hành chính, Thi tuyển lãnh đạo, Thi công chức
Bao nhiêu vụ việc tiêu cực, tham nhũng như vậy nhưng tổ chức Đảng không phát hiện được qua sinh hoạt Đảng. Ảnh minh họa
Sự thật là có nhiều vụ việc chưa minh bạch. Thất thoát nhiều chục ngàn tỷ trong các vụ việc và tại các tập đoàn kinh tế nhà nước, các ngân hàng đã xảy ra như thế nào, vì sao, nó đi đâu, ai chịu trách nhiệm? Chuyện ép nông dân để lấy đất cho đại gia xây biệt thự, dân “khiếu kiện đông người” thì bị “trấn áp”, có tiêu cực gì trong đó? có “lợi ích nhóm” không? trách nhiệm thuộc ai? công tác cán bộ thì chạy chọt quá nhiều, kể cả chạy luôn vào đại hội (thậm chí lên được chức to), bị đồng tiền và các mối quan hệ không lành mạnh chi phối… Từ đó, người ta đặt câu hỏi không biết chính quyền có còn là của đại đa số nhân dân không?
Rồi chuyện cá chết, biển bị ô nhiễm nặng bởi chất thải công nghiệp đã nửa năm rồi vẫn chưa thấy xử lý trách nhiệm ai? Rồi chuyện hàng trăm xí nghiệp bị đập phá, thủ phạm là ai? xử lý thế nào?....
Không ít việc chúng ta cho là thế lực thù địch chống phá. Chẳng phải họ “tài giỏi” vậy đâu, đừng vô tình nâng cao vai trò của họ. Rồi chuyện “tham nhũng quyền lực”, chạy chức chạy quyền, ai cũng thấy nhưng chẳng cơ quan nào đưa ra giải pháp ngăn chặn, trong khi đó vẫn còn lặp lại câu hỏi chứng cứ đâu, ai chạy và chạy ai?... Đã có bao nhiêu cuộc lợi dụng đầu tư dự án và lợi dụng cổ phần hóa, mua bán doanh nghiệp để chia chác ngân sách và tài sản của nhà nước?
Còn nhiều chuyện nữa, vẫn mập mờ, không thấy rõ trách nhiệm thuộc về ai và lối ra ở đâu. Sở dĩ cán bộ, đảng viên và nhân dân nghi ngờ là có lý do chứ, và họ có quyền chứ, sao lại không? Không thể cấm mọi người nghi ngờ, càng không được quy chụp là “phản động”, cách ấy là cách tự mình đối lập lại với nhân dân – những con người mà lòng tin của họ là nền tảng chính trị của quốc gia.
Còn sự suy thoái về đạo đức (cả lối sống) của cán bộ? Đạo đức xã hội nói chung cũng là môi trường sống đối với cán bộ. Vì vậy, khi đạo đức xã hội suy đồi thì nó cũng tác động tiêu cực trở lại đối với đạo đức cán bộ. Nhưng không vì thế mà đổ lỗi cho xã hội, lẩn tránh trách nhiệm khi cho rằng: đạo đức cán bộ suy thoái là do đạo đức xã hội suy đồi. Nói thế là nói ngược, ngụy biện, biến thứ yếu thành chủ yếu, làm lẫn lộn giữa nguyên nhân và kết quả.
Trong mối quan hệ giữa đạo đức xã hội và đạo đức cán bộ thì đạo đức xã hội là hệ quả của đạo đức cán bộ. Khi đạo đức cán bộ suy thoái thì đó là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến đạo đức xã hội suy đồi. Như trong một “gia đình”, có đứa con hư hỏng thì đó là sự hư hỏng của một đứa con, còn nếu bố mẹ hư hỏng thì cả nhà sẽ hư hỏng theo, mất cả thế hệ nối tiếp. Các triều đại phong kiến Việt Nam, khi nào triều đình tha hóa thì bên ngoài xã hội đạo đức suy đồi, loạn lạc và giặc giã nổi lên. “Thượng bất chính, hạ tất loạn” – câu ấy người xưa đã tổng kết.
Sự suy đồi đạo đức xã hội nói chung ở nước ta đang có nhiều biểu hiện rất đa dạng, phức tạp và nghiêm trọng. Trong đó, đáng lưu ý bậc nhất là: tham nhũng, “lợi ích nhóm”; hối lộ, chạy án, chạy chức, chạy tội; giả dối và gian lận; bất chấp pháp luật; bạo lực và giết người…
Tình hình trên có một phần do sự tác động tiêu cực từ mặt trái của cơ chế thị trường. Tuy nhiên, không thể đổ lỗi cho cơ chế ấy, bởi nó là thế, luôn có hai mặt: mặt tích cực là chủ yếu, sự lựa chọn kinh tế thị trường là đúng đắn, đồng thời có mặt trái, tiêu cực, là mặt thứ yếu. Nói mặt trái mặt phải chẳng qua chỉ là cách nói, còn thực ra mọi thứ đều có  mặt này và mặt kia hợp lại mà thành. Nó không thể khác. Cũng là dễ hiểu, hầu hết các vấn đề của đời sống xã hội đều có hai mặt như vậy, ngay cả thuốc chữa bệnh cũng có tác dụng phụ. 
Nhiệm vụ và năng lực của những người lãnh đạo, quản lý là phải biết phát huy mặt tốt và hạn chế ngăn ngừa tác động của mặt xấu. Đất nước cần lãnh đạo là cần như vậy! Nhiều nước họ còn Kinh tế thị trường đầy đủ hơn ta, thời gian dài hơn ta, nhưng mặt trái của kinh tế thị trường không làm tha hóa như vậy?
Mặt trái của cơ chế thị trường có tác động xấu đối với đạo đức xã hội, nhưng nó không phải là thủ phạm chính. Vậy thủ phạm chính ở đâu? Đáng lưu ý nhất là sự tha hóa quyền lực. Đó là nguyên nhân chính yếu gây nên mọi hư hỏng. Tôi dùng từ tha hóa quyền lực là nói gọn, nói tắt, còn nói rõ hơn thì đó là sự tha hóa của những con người được sử dụng quyền lực, là sự lộng quyền vì lợi ích cá nhân, những người được giao quyền lực không sử dụng đúng mục đích để bảo vệ và phục vụ nhân dân, kiến tạo và quản trị quốc gia phát triển, mà ngược lại coi đó là phương tiện phục vụ mục đích cá nhân, chà đạp công lý, ức hiếp mọi người và gian lận thu vén.
Quyền lực là công cụ rất hữu hiệu để tập hợp lực lượng nhằm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nếu như nó được trao đúng cho những người có đủ nhân cách tốt. Mặt khác, nó luôn làm tha hóa những người sử dụng quyền lực, nếu họ không đủ nhân cách và quyền lực không được kiểm soát. Chức quyền càng lớn hoặc sử dụng càng lâu thì nguy cơ tha hóa càng nhiều. Sự tha hóa quyền lực đến một mức độ trầm trọng thì nhà nước thay đổi bản chất, không còn là nhà nước của dân nữa, Đảng cũng sẽ thay đổi bản chất – không còn là Đảng chân chính, và rạn vỡ như một quy luật tự nhiên. Bài học này đã được thực tế chứng minh hồi đầu thập niên 90 của thế kỷ trước tại Đông Âu và Liên Xô cũ.
Kiểm soát quyền lực, Vũ Ngọc Hoàng, Tham nhũng, Lợi ích nhóm, Tự do ngôn luận, Con ông cháu cha, Tam quyền phân lập, Cải cách hành chính, Thi tuyển lãnh đạo, Thi công chức
không thỏa hiệp các vụ tiêu cực đã xảy ra, minh bạch tất cả thông tin cho nhân dân biết để lấy lại lòng tin. Ảnh minh họa
Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ theo hướng phải tranh cử gắn với mở rộng quyền đề cử của các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội, cũng như quyền ứng cử của các cá nhân. Không có tranh cử thì cơ chế ấy sẽ dẫn đến tha hóa đội ngũ cán bộ, giống như muôn loài khi tách khỏi “chọn lọc tự nhiên”. 
Trong điều kiện một Đảng thì tất nhiên là khó hơn. Nhưng không có nghĩa là hoàn toàn không làm được. Và nhất thiết phải làm. Trong khi một Đảng lãnh đạo thì Đảng ấy nhất thiết phải giương cao ngọn cờ dân chủ, tổ chức Đảng chủ yếu là lãnh đạo, thuyết phục về tiêu chuẩn cán bộ, hạn chế tối đa việc giới thiệu nhân sự cụ thể, chỉ tổ chức hiệp thương giới thiệu một số ít trường hợp để làm chủ chốt với các phương án khác nhau không có quân “xanh” quân “đỏ”; khắc phục tối đa tình trạng “một mình một sân”, “Đảng cử dân bầu”, đồng thời phát huy cao nhất vai trò tự chủ của các đoàn thể chính trị xã hội và các hội trong việc chọn người ra tham gia tranh cử. Đó cũng là nói về vai trò của xã hội dân sự lành mạnh.
Đối với cán bộ lãnh đạo, cán bộ qua bầu cử, là vậy. Còn đối với cán bộ chuyên môn thì phải thông qua thi cử công khai và công bằng. Giảm mạnh bộ máy và nâng lương cao lên cho cán bộ, không để cán bộ sống chủ yếu bằng các nguồn “thu nhập khác” như hiện nay. [Xin hãy đừng nói với tôi rằng không có ngân sách lấy gì mà nâng lương ? Chẳng qua chỉ là thay đổi cách quản trị quốc gia].
Việc xử lý nghiêm minh các vụ tiêu cực là hết sức cần thiết, nhất định không được bỏ qua vụ nào, dù phải động chạm đến bất kỳ ai. Mọi sự bao che hoặc dung túng cho “quan tham” đều là con đường dẫn đến sụp đổ chế độ. Tập thể các Ban Chấp hành và những đảng viên chân chính không được thụ động, thả tay, thừa nhận bất lực, mà phải kiên cường và chủ động tham gia cuộc chiến chống tham nhũng, “lợi ích nhóm” - ủng hộ mạnh mẽ những việc làm đúng, nhất là trong việc chống “lợi ích nhóm” và chống bảo thủ (thúc đẩy đổi mới) của Tổng Bí thư và tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong cuộc chiến này.
Trong số các nhóm giải pháp, việc xử lý các vụ tiêu cực viết sau không có ý rằng nó ít quan trọng, mà vì nó chủ yếu là giải quyết hậu quả, giải quyết cái đã xảy ra rồi, vẫn rất quan trọng, nếu xử lý nghiêm sẽ có tác dụng răn đe. Nhưng dù sao thì nó vẫn không phải là cách trực tiếp ngăn chặn từ đầu. Nếu chúng ta chỉ tập trung công sức cho việc xử lý cái đã xảy ra, thì đề phòng trong khi giải quyết được vài ba vụ, có thể đã phát sinh thêm năm bảy vụ mới, tổng số tồn đọng vẫn cứ không giảm, mà có thể nhiều hơn. Cho nên phải tập trung nhiều nhất cho việc ngăn chặn đầu vào, giải quyết từ gốc cái điều kiện và tác nhân sinh ra tiêu cực, đồng thời xử lý một cách kiên quyết, không dung túng, không khoan nhượng, không thỏa hiệp các vụ tiêu cực đã xảy ra, minh bạch tất cả thông tin cho nhân dân biết để lấy lại lòng tin.
Trong nhiều trường hợp, việc minh bạch thông tin còn công hiệu hơn kỷ luật, vì cái xấu không còn nơi ẩn nấp. Nếu không minh bạch thông tin, cứ để mập mờ, thì mọi người sẽ nghi ngờ tất cả, người tốt và liêm khiết cũng bằng nhau với người xấu và tham nhũng, không còn ai tốt cả, vậy thì nhân dân biết tin vào đâu.
(Còn nữa)
Hà Nội 10/2016
TS. Vũ Ngọc Hoàng

Thứ Ba, 11 tháng 10, 2016

Ngày mai, thương xá Tax Sài Gòn bị đập

Việc di dời các hạng mục cần bảo tồn đã hoàn thành, ngày 12/10 đơn vị thi công rào chắn để tháo dỡ thương xá Tax, chuẩn bị xây tòa nhà 40 tầng.

ngay-mai-thuong-xa-tax-sai-gon-bi-dap
Công tác tháo dỡ những hạng mục cần bảo tồn được hoàn tất trong 3 tháng trước khi tòa nhà bị đập để xây mới. Ảnh: Satra
Ngày 11/10, ông Đoàn Hoài Minh - Phó tổng giám đốc Công ty thương mại Sài Gòn (Satra) - cho biết, phương án bảo tồn thương xá Tax được chọn là "bóc tách toàn bộ gạch mosaic và lắp đặt lại trên kết cấu cầu thang mới". Công việc này đã được Bộ môn khảo cổ học - Khoa lịch sử (Đại học KHXH&NV TP HCM) thực hiện và hoàn thành trong 3 tháng.
Ngày mai, đơn vị thi công bắt đầu rào chắn thương xá Tax để chuẩn bị xây tòa nhà mới tại vị trí này. Thông tin đập bỏ thương xá Tax được công bố muộn là do Sở Xây dựng mới có văn bản đồng ý 4 hôm trước.
"Tòa nhà sẽ được khởi công vào quý 1 năm tới và hoàn thành vào năm 2020, cùng thời điểm tuyến metro số 1 của TP HCM được đưa vào sử dụng", ông Minh nói và cho biết tòa nhà mới sẽ được kết nối với tuyến metro này.
Công trình thương xá Tax mới với tên gọi Satra Tax Plaza cao 40 tầng. Trong đó, 6 tầng khối đế và 2 tầng hầm dành cho trung tâm thương mại, siêu thị, dịch vụ, giải trí...; có lối kết nối vào nhà ga của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên; 4 tầng hầm còn lại dành làm bãi đậu xe; khối tháp cao 34 tầng lùi về phía sau là văn phòng và khách sạn; đỉnh tòa nhà có sân bay trực thăng.
Theo yêu cầu từ các cơ quan quản lý, tòa nhà mới phải đáp ứng cả về mặt kiến trúc lẫn công tác bảo tồn; bảo đảm giữ lại những đường nét mô phỏng hình ảnh tòa nhà năm 1924 để gợi nhớ một GMC - Thương xá Tax ngày xưa, đảm bảo sự hài hòa với phong cách kiến trúc cổ của các tòa nhà trong khu vực như: UBND TP HCM, khách sạn Rex, Nhà hát Thành phố...
ngay-mai-thuong-xa-tax-sai-gon-bi-dap-1
Thương xá Tax là trung tâm thương mại sầm uất, lâu đời nhất tại Việt Nam. Ảnh:Satra
Giải pháp kiến trúc gần như giữ lại khá nhiều hình ảnh tòa nhà Tax cũ, sảnh vào ở vị trí cũ được mở thẳng với cầu thang; lối vào giữa đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ sẽ giữ nguyên. Tất cả gạch mosaic ở các sảnh vào sẽ được gắn trở lại đúng vị trí cũ nhằm giữ nguyên vẹn hình ảnh Thương xá Tax trong ký ức của người Sài Gòn.
Được xây dựng những năm đầu thế kỷ 20, Thương xá Tax là trung tâm thương mại lâu đời và nổi tiếng hàng đầu tại TP HCM với diện tích 9.200 m2 nằm ngay trung tâm quận 1, tiếp giáp 3 đại lộ Nguyễn Huệ, Lê Lợi và Pasteur - nơi mua bán sầm uất và nhộn nhịp nhất thành phố.
Năm 2010, UBND TP HCM chấp thuận cho Satra làm chủ đầu tư thực hiện dự án xây dựng Trung tâm Thương mại Dịch vụ Văn phòng Khách sạn tại Thương xá Tax. Theo kế hoạch, việc đập bỏ thương xá Tax sẽ được thực hiện trong năm 2014 để kịp khởi công tòa nhà mới vào đầu năm 2015.
Tuy nhiên, khi thông tin đập bỏ tòa nhà lâu đời này được công bố, nhiều người Sài Gòn bày tỏ sự tiếc nuối vì nơi đây gắn với nhiều kỷ niệm. Chính quyền TP HCM sau đó chỉ đạo chủ đầu tư phối hợp với các đơn vị nghiên cứu có phương án bảo tồn, gìn giữ các nét kiến trúc cổ của tòa nhà.
Video: 136 năm của Thương xá Tax
Hữu Công

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2016

Tranh luận trực tiếp lần thứ hai giữa Trump và Clinton

  • Khán giả hỏi về hình ảnh trong giới trẻ, Trump-Clinton đua nhau khoe chính sách
    10:2410/10/2016
    Câu hỏi đầu tiên của cuộc tranh luận thứ hai giữa Donald Trump và Hillary Clinton do một vị khán giả ở trường quay đặt ra cho hai ứng viên. Cô hỏi rằng: 
    "Nội dung của cuộc tranh luận lần trước (ngày 26/9) có thể được liệt vào dạng MA (dành cho lứa tuổi trưởng thành - PV). Nhiều thầy cô giáo trên khắp đất nước đã giao bài tập về nhà cho học sinh với nội dung liên quan đến phần tranh luận của ông bà, vậy ông bà có cho rằng mình đã thể hiện một hình ảnh tích cực cho giới trẻ ngày nay hay không?"
    Tuy nhiên, cả hai ứng viên thay vì trả lời thẳng vào câu hỏi này, lại "tranh thủ" liệt kê ra những ưu tiên chính sách của mình ngay từ đầu buổi tranh luận. 
    Cụ thể, bà Clinton khẳng định sẽ điều chỉnh mức thuế, sẽ cải thiện nền kinh tế, sẽ cải cách nền giáo dục,... và kêu gọi người Mỹ đồng lòng trong chiến dịch tranh cử này. 
    Trong khi đó, ông Trump tuyên bố sẽ "thiết lập lại trật tự và pháp luật", sẽ chấm dứt những hình thức giao thương bất lợi cho nước Mỹ, và "đưa nước Mỹ trở lại thời kì hoàng kim".
  • Người điều phối tranh luận hôm nay, phóng viên chính trị Anderson Cooper của CNN, đã "bắt bài" được chiến thuật của hai ứng viên. 
    Ông Cooper nhắc lại rằng câu hỏi đầu tiên của khán giả nhấn vào việc liệu hai ứng viên có cho rằng họ đang thể hiện một hình ảnh tích cực cho giới trẻ ngày nay không. Phóng viên này lập tức móc nối câu hỏi này với bê bối mới đây của Donald Trump, khi ông có những phát biểu khiếm nhã về phụ nữ. 
    Cooper: Thưa ông Trump, [trong đoạn video] ông kể rằng ông đã hôn phụ nữ khi không được họ cho phép, và chạm vào bộ phận sinh dục của họ. Đó không gì khác chính là tấn công tình dục. Ông đã khoe với mọi người về hành vi tấn công tình dục của mình. Ông có hiểu được điều đó không?
    Trump: Không, tôi không hề nói vậy. Tôi nghĩ anh hiểu nhầm những gì tôi nói. Đây chỉ là những lời nói đùa vô thưởng vô phạt thôi (nguyên văn: "locker room banter"). Đương nhiên tôi cũng không lấy gì làm tự hào với điều đó. Tôi đã xin lỗi toàn thể người dân nước Mỹ.
    Ngay lập tức, Trump "đánh trống lảng" sang tận... Nhà nước Hồi giáo (IS).
    Trump: Trong một thế giới nơi những kẻ khủng bố đang chặt đầu, dìm nước người vô tội trong cũi sắt, nơi những cuộc chiến tranh đang diễn ra, và rất nhiều những điều khủng khiếp khác nữa, chẳng khác gì thời trung cổ...
    Sau đó Trump lại... quay về với bê bối của mình.
    Trump: Đúng, tôi rất xấu hổ về điều đó. Tôi ghét những gì mình đã nói ra. Nhưng đây chỉ là những lời nói vui vô thưởng vô phạt. 
    Tôi sẽ đánh bại IS, chúng ta sẽ đánh bại IS. IS xuất hiện vì một lỗ hổng quyền lực tạo ra bởi đánh giá sai lầm của chính quyền Mỹ, và tôi sẽ là người giải quyết chúng.
    Tranh luận trực tiếp lần thứ hai giữa Trump và Clinton - Ảnh 1.
    (Xử lý ảnh: Mạnh Quân)
    Dù Trump đã phải mượn đến tận... IS để "đánh trống lảng", nhưng phóng viên Cooper quyết không bỏ cuộc. 
    Cooper: Thưa ông Trump...
    Trump: Chúng ta có thể nói đến những vấn đề quan trọng hơn không?
    Cooper: Xin được làm rõ là có phải ông đang nói rằng những gì ông đã nói trên chiếc xe buýt 11 năm trước là không đúng sự thật, rằng ông chưa từng cưỡng hôn hay quấy rối tình dục phụ nữ?
    Trump: Tôi rất tôn trọng phụ nữ. Không ai tôn trọng phụ nữ nhiều như tôi.
    Cooper: Nhưng xin được làm rõ là ông nói rằng ông chưa từng làm những chuyện đó?
    Trump: Xin được nói thẳng, anh đã nghe rõ những gì tôi nói trong đoạn băng, và tôi cảm thấy xấu hổ vì điều đó, nhưng tôi rất tôn trọng phụ nữ.
    Cooper: Ông đã làm những chuyện đó hay không?
    Trump: Phụ nữ cũng rất tôn trọng tôi. Và tôi xin nói với anh rằng, không, tôi chưa từng làm những chuyện đó, và tôi cũng xin nói với anh rằng tôi sẽ bảo đảm an toàn cho biên giới nước ta. Rất nhiều người đang đổ về nước Mỹ từ Trung Đông và nhiều nơi khác. 
    Chúng ta sẽ đảm bảo an toàn cho nước Mỹ. Chúng ta sẽ đưa nước Mỹ trở về thời hoàng kim, nhưng trước hết nước Mỹ phải được đảm bảo an toàn đã.
    Cooper: Xin cảm ơn ông, thưa ông Trump. Cựu Ngoại trưởng Clinton, bà có muốn phản hồi không?
  • Clinton: Trump không phù hợp để trở thành Tổng thống và Tổng tư lệnh quân đội Mỹ
    10:1010/10/2016
    Clinton: Cũng như những người khác, tôi dành rất nhiều thời gian trong 2 ngày qua để nghĩ về những gì chúng ta đều đã được mắt thấy tai nghe. 
    Với những ứng viên Tổng thống đảng Cộng hòa khác, tôi không có chung quan điểm với họ về mặt chính trị, về mặt chính sách, và một số nguyên tắc, nhưng tôi chưa từng đặt dấu hỏi về việc liệu họ có phù hợp để trở thành bộ mặt đại diện cho nước Mỹ hay không. Donald Trump thì khác. 
    Tranh luận trực tiếp lần thứ hai giữa Trump và Clinton - Ảnh 1.
    (Xử lý ảnh: Mạnh Quân)
    Tôi đã nói ngay từ hồi tháng 6 rằng ông ta không phù hợp để trở thành Tổng thống, để trở thành tổng tư lệnh quân đội Mỹ.
    Rất nhiều cử tri đảng Cộng hòa hay trung lập đều có chung quan điểm như vậy. Những gì chúng ta đã được mắt thấy tai nghe hôm thứ sáu vừa qua đã cho chúng ta thấy Trump nghĩ gì về phụ nữ, Trump làm gì với phụ nữ. 
    Và giờ Trump nói rằng đoạn băng đó không phản ánh con người thật của ông ta. Nhưng ai cũng có thể thấy rõ rằng đoạn băng đó thể hiện rõ con người của Donald Trump. 
    Chúng ta cũng đã thấy rõ điều đó xuyên suốt chiến dịch tranh cử của ông ta. 
    Chúng ta đã nghe ông ta miệt thị phụ nữ, "chấm điểm" ngoại hình phụ nữ theo thang điểm từ 1 đến 10, mỉa mai phụ nữ trên TV và trên Twitter, dành gần một tuần sau cuộc tranh luận đầu tiên chỉ để miệt thị một cựu Hoa hậu Hoàn vũ, với những câu từ hết sức gay gắt, đầy chất công kích cá nhân.
    Vâng, đó chính là con người của Donald Trump...
  • Trump tung "vũ khí bí mật": 1 nạn nhân bị cưỡng hiếp và Clinton giúp thủ phạm trắng án
    10:0110/10/2016
    Ngay sau đó, một điều phối viên khác của cuộc tranh luận, phóng viên chính trị Martha Raddatz của kênh ABC, đã "tạo cơ hội" để ông Trump phản bác với câu hỏi: 
    "Ngay sau khi được tung lên mạng, đoạn băng về bê bối [dâm ô phụ nữ có chồng] của ông đã trở thành chủ đề được nhắc đến nhiều nhất trong toàn thể chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016, với hàng triệu lượt chia sẻ, trao đổi trên mạng xã hội... Ông nói rằng ông đã thay đổi kể từ khi bắt đầu chiến dịch tranh cử. Vậy sự thay đổi đó cụ thể xảy ra vào lúc nào. Khi ông rời khỏi chiếc xe buýt hôm đó, ông đã thay đổi con người mình, hay chỉ đến gần đây khi ông tranh cử thì ông mới thay đổi?"
    Trump: Như tôi đã nói, đó chỉ là những lời nói đùa vô thưởng vô phạt. Tôi không hề tự hào về những gì đã nói. Tôi là một người hết sức tôn trọng người khác, tôn trọng gia đình tôi, và tôn trọng người dân nước Mỹ.
    Đến đây, Trump bắt đầu tung "vũ khí bí mật" của mình.
    Trump: Nhưng hãy nhìn Bill Clinton mà xem, tệ hơn nhiều. Tôi chỉ nói vậy thôi, còn ông ta làm. Những gì ông ta đã làm với phụ nữ là những điều tồi tệ nhất trong lịch sử chính trị của đất nước này. 
    Moi người muốn nói gì thì nói, nhưng Bill Clinton đối xử rất tàn tệ với phụ nữ. Và chính Hillary Clinton cũng công kích những người phụ nữ ấy hết sức kinh khủng.
    Bốn người trong số họ đã có mặt tại đây hôm nay. Một người đã bị cưỡng hiếp vào năm 12 tuổi. Và bà Clinton đây đã giúp thủ phạm trắng án. 
    Đã có hình ảnh ghi lại bà ta cười nhạo nạn nhân bị cưỡng hiếp. Đó là cô Kathy Shelton, người đang có mặt tại đây cùng chúng ta hôm nay.
    Vậy nên đừng có chỉ trích tôi qua những gì tôi nói. Tôi rất lấy làm tiếc vì những gì tôi đã nói. Nhưng đó chỉ là nói vui vậy thôi. 
    Còn những gì cựu Tổng thống Clinton từng làm đã khiến ông ta phải điều trần trước tòa án tối cao, khiến ông ta mất quyền hành pháp, khiến ông ta phải bồi thường 850.000 USD cho một trong các nạn nhân, đó là Paula Jones, một người cũng có mặt tại đây hôm nay.
    Và tôi xin nói rằng khi Hillary đề cập đến những gì tôi nói 11 năm trước, bà nên tự cảm thấy xấu hổ đi thì hơn.
  • Clinton phản ứng cáo buộc của Trump bằng lời khuyên của Michelle Obama
    09:5710/10/2016
    Cựu ngoại trưởng Clinton phản ứng với cáo buộc bao che thủ phạm cưỡng hiếp và phát ngôn tệ hại về các nạn nhân.
    Clinton: Thứ nhất, xin nói rằng rất nhiều điều ông [Trump] vừa nói hoàn toàn sai sự thật. Nhưng ông ta có quyền tranh cử theo cách của mình. Ông ta nói gì là việc của ông ta, dù những điều đó không hề trả lời câu hỏi của cử tri về những kế hoạch, đề xuất chính sách để cải thiện đời sống của người dân, và của nước Mỹ. 
    Đó là quyền của ông ta. Khi tôi nghe những lời như vậy, tôi lại nhớ đến những gì người bạn Michelle Obama của tôi khuyên: "Dù bị chơi xấu, vẫn phải ngẩng cao đầu" (nguyên văn: When they go low, you go high).
    Nếu đây chỉ là một đoạn băng, thì những gì ông ta nói hôm nay còn có thể hiểu được. Nhưng đến lúc này rồi thì ai cũng có thể tự rút ra kết luận cho riêng mình về con người thật của Trump. Ông ta không bao giờ xin lỗi ai cả.
     Ông ta chưa từng xin lỗi gia đình ông bà Khan, con trai của họ, Đại úy Khan, đã hi sinh tại Iraq. Ông ta miệt thị và công kích họ hết tuần này qua tuần khác vì họ là người Hồi giáo...
    Ông ta nợ đất nước chúng ta một lời xin lỗi, và ông ta cần nhận trách nhiệm về những hành vi và lời nói của mình.
    Trump: Còn bà, bà cũng nợ Tổng thống [Obama] một lời xin lỗi đấy, vì bức ảnh bà cho đăng về Obama trong bộ trang phục ấy. 
    Còn Michelle Obama nữa, tôi đã được xem nhiều đoạn quảng cáo tranh cử họ làm để chống lại bà, trong đó có những đoạn Michelle Obama nói về bà một cách thật kinh khủng. 
    Tranh luận trực tiếp lần thứ hai giữa Trump và Clinton - Ảnh 1.
    Bức ảnh mà ông Trump đề cập
    Nếu bà gọi họ là "bạn" thì cứ xem lại những đoạn quảng cáo kia đi. Bà đã thua tâm phục khẩu phục trong mùa bầu cử ấy. Chứ không như cái cách mà ông Bernie Sanders đã thua, không hề công bằng...
    Còn nữa, bà hãy xin lỗi người dân nước Mỹ về 33.000 cái e-mail mà bà đã xóa, và rất nhiều thứ khác được dọn ra từ văn phòng của bà mà giờ đã biến mất. 
    Tôi không muốn nói điều này đâu, nhưng tôi phải nói, rằng nếu tôi đắc cử, tôi sẽ lệnh cho Bộ trưởng Tư pháp mở cuộc điều tra đặc biệt đối với bà, bởi chưa bao giờ tôi thấy một người đầy rẫy những dối trá, những lừa bịp như bà. Và chúng ta sẽ phải có một cuộc điều tra đặc biệt về bà.
  • Bà Clinton nhận trách nhiệm về vụ bê bối e-mail
    09:4710/10/2016
    Clinton: Tất cả những gì ông vừa nói hoàn toàn không đúng sự thật. Nhưng tôi cũng chẳng lấy gì làm ngạc nhiên. Ngay từ cuộc tranh luận đầu tiên tôi đã nói rằng việc kiểm chứng độ xác thực của tất cả những gì Donald nói ra là điều bất khả thi trong khuôn khổ một cuộc tranh luận. 
    Tôi sẽ không có thời gian mà nói về những vấn đề chính sách khác để cải thiện đời sống người dân nước Mỹ. Vậy nên các bạn hãy truy cập trang web HillaryClinton.com. 
    Tại đây các bạn có thể trực tiếp kiểm chứng những gì Trump nói. Đã có hàng triệu lượt truy cập để kiểm chứng những gì Trump nói trong cuộc tranh luận lần trước, và tôi đoán hôm nay cũng sẽ có thêm hàng triệu lượt truy cập khác, bởi các bạn biết đấy, thật may mắn làm sao khi một người với tính khí như Donald Trump không điều hành luật pháp trên đất nước này.
    Trump (chen ngang): Nếu vậy thì giờ bà đang ngồi tù rồi.
    Sau khi "vặn vẹo" ông Trump về bê bối đoạn băng, các điều phối viên tranh luận đã chuyển mục tiêu sang bà Clinton, với nôi dung xoay quanh bê bối e-mail của Cựu Ngoại trưởng Mỹ.
    MC Raddatz: Giám đốc FBI James Coney chỉ trích bà đã "hết sức bất cẩn" trong việc xử lý thông tin tuyệt mật. Bà không đồng tình với nhận xét này, song cũng thừa nhận bà đã "phạm sai lầm". 
    FBI nói rằng có khoảng 110.000 e-mail mật đã được trao đổi, 8 trong số đó được liệt vào dạng tối mật, và có khả năng một thế lực thù địch đã tiếp cận được nội dung những e-mail này. Vậy mà bà không cho là mình đã "hết sức bất cẩn"?
    Clinton: Trước hết, tôi xin nhắc lại một lần nữa, đó là sai lầm của tôi, tôi xin nhận trách nhiệm vì đã dùng tài khoản e-mail cá nhân để trao đổi thông tin mật. Tôi không đưa ra bất kì lời bào chữa nào. Đó là sai lầm của tôi, và tôi rất xin lỗi vì điều đó.
    Nhưng cũng xin nói rõ rằng đã có rất nhiều cáo buộc vô căn cứ nhằm đánh lạc hướng dư luận. 
    Sau một năm điều tra, không hề có bất kì bằng chứng nào cho thấy có người đã xâm nhập được vào máy chủ e-mail mà tôi sử dụng. Những người nói thông tin mật đã rơi vào tay kẻ xấu không hề có bất kì bằng chứng nào. Tôi rất coi trọng vấn đề thông tin tuyệt mật...
    Tranh luận trực tiếp lần thứ hai giữa Trump và Clinton - Ảnh 2.
    (Xử lý ảnh: Mạnh Quân)
    Trump: ... Bà lại nói dối rồi. Bà nói rằng việc xóa đi 33.000 e-mail là không sao? Tôi không nghĩ vậy. Bà nói rằng những e-mail đó có nội dung liên quan đến đám cưới con gái bà, và lớp học yoga. Ừ có thể vài ba cái như thế. Nhưng đây là 33.000 e-mail, vậy mà bà nói rằng không có vấn đề gì. 
    Điều đáng nói là bà xóa e-mail sau khi nhận được lệnh triệu tập của Quốc hội để điều trần. Xin nói thật là tôi quá thất vọng với Quốc hội, với bộ Tư pháp. Chồng bà đã ngồi nói chuyện nửa tiếng đồng hồ với bộ trưởng Tư pháp chỉ vài ngày trước khi phán quyết về vụ e-mail của bà được đưa ra..
    Clinton: Không đúng. Đó là e-mail cá nhân, không phải e-mail công việc. Tôi cũng đã nộp lại hơn 35.000 e-mail...
    Trump: Vậy số còn lại thì sao?
    ... Hai điều phối viên sau đó đã phải ngắt màn qua lại của hai ứng viên để đi tới phần sau của cuộc tranh luận. Ông Trump tỏ ra hết sức bất bình vì vụ e-mail của bà Clinton được nhắc đến quá ít so với bê bối đoạn băng của ông.
    Trong phần tiếp theo của cuộc tranh luận, hai ứng viên trả lời câu hỏi của một vị khán giả liên quan đến chính sách bảo hiểm ObamaCare. Trong khi bà Clinton ủng hộ giữ ObamaCare và chỉ sửa đổi một số chi tiết, thì ông Trump quyết tâm "đánh sập" gói bảo hiểm đã trở thành thương hiệu của đương kim Tổng thống Mỹ.
  • Trump "mềm" hơn về vấn đề nhập cư, Clinton "đá xoáy" đối thủ về thuế
    09:4110/10/2016
    Đối với chính sách nhập cư cũng như quan điểm về người Hồi giáo, ông Trump đã "mềm" hơn so với khi bắt đầu tranh cử, khi giờ đây ông khẳng định sẽ không "cấm hoàn toàn người Hồi giáo vào nước Mỹ", mà chỉ "rà soát kĩ lưỡng" các thông tin cá nhân liên quan đến tôn giáo của những người nhập cư, để không biến cuộc khủng hoảng nhập cư hiện nay trở thành "con ngựa thành Troy" hủy hoại nước Mỹ. 
    Trong khi đó, bà Clinton tuyên bố sẵn sàng tăng số lượng người Syria được nhập cư vào Mỹ mỗi năm từ con số 10.000 hiện nay lên thành 65.000, đồng thời chỉ trích tâm lý kì thị người Hồi giáo của đối thủ Trump. 
    Chính sách thuế là chủ đề được nhắc đến trong câu hỏi tiếp theo. Đây cũng là một vấn đề mà hai ứng viên có quan điểm trái ngược hoàn toàn. 
    Trong khi ông Trump ủng hộ giảm thuế vì cho rằng "thuế má của Mỹ quá cao, gần như cao nhất thế giới", đồng thời tuyên bố nếu đắc cử sẽ "hạ thuế xuống mức thấp so với thế giới". 
    Mặt khác, cựu Ngoại trưởng Clinton khẳng định bà sẽ tập trung đánh thuế giới thượng lưu, để đảm bảo "ai cũng phải góp phần xứng với thu nhập của mình". 
    Đồng thời, bà cũng không quên "đá xoáy" đối thủ về việc ông Trump cho đến thời điểm này vẫn chưa công khai thuế thu nhập cá nhân trong năm vừa qua.
  • Clinton ủng hộ thiết lập vùng cấm bay Syria, nói Nga muốn Trump làm tổng thống Mỹ
    09:3610/10/2016
    Câu hỏi đầu tiên trong phần chính sách đối ngoại của cuộc tranh luận thứ hai liên quan đến vấn đề Syria. 
    MC Raddatz:  Vài ngày trước, bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi điều tra mở một cuộc điều tra tội ác chiến tranh đối với chính phủ Bashar al-Assad và đồng minh Nga liên quan đến các vụ đánh bom ở Aleppo. Cử tri có tên Diana của bang Pennsylvania có hỏi rằng, nếu trở thành Tổng thống, ông/bà sẽ làm gì trong vấn đề Syria nói chung và Aleppo nói riêng? Liệu những gì đang diễn ra có giống với vụ thảm sát người Do Thái (Holocaust), khi người Mỹ đã quá chần chừ? Xin được bắt đầu với phần trả lời của cựu Ngoại trưởng Clinton.
    Clinton: Tình hình Syria hiện nay hết sức thảm khốc. Và mỗi ngày trôi qua, chúng ta lại chứng kiến hệ quả của sự hợp tác giữa quân chính phủ Assad với quân Iran ở trên bộ và quân Nga ở trên không, đặc biệt là tại Aleppo, nơi hàng trăm nghìn người vẫn đang bị mắc kẹt. 
    Rõ ràng không quân Nga đang tìm cách tiêu diệt Aleppo để loại bỏ những tay súng nổi dậy chống lại chính phủ Syria đang án ngữ tại đây. 
    Nga không hề để tâm đến IS. Họ chỉ quan tâm đến việc giữ ghế cho Assad. Khi còn là Ngoại trưởng, tôi đã ủng hộ việc thiết lập vùng cấm bay tại Syria.
    Chúng ta cần tạo lợi thế trước khi ngồi vào bàn đàm phán với người Nga. Và chúng ta cần hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác và đồng minh trên thực địa. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh vào mưu đồ và sự hung hăng của người Nga ở Syria.
    Nga đã hạ quyết tâm sẽ dồn hết vào ván bài Syria. Và họ cũng đã quyết định được người họ muốn trở thành Tổng thống Mỹ. Đó không phải là tôi. Vì tôi đã cương quyết đối đầu với Nga. Tôi đã đối đầu với Putin và nhiều người khác. Và tôi sẽ làm như vậy trên cương vị Tổng thống. 
    Tôi cho rằng chúng ta có những mặt có thể hợp tác tốt với Nga. Và đó là lý do tại sao khi còn là Ngoại trưởng tôi đã góp phần đạt được thỏa thuận cắt giảm vũ khí hạt nhân, là lý do tại sao chúng ta tạm ngưng được chương trình hạt nhân của Iran mà không phải tốn một viên đạn. 
    Do đó tôi sẽ ngồi vào bàn đàm phán với nhiều lợi thế hơn những gì chúng ta đang có hiện nay. Tôi ủng hộ việc mở điều tra tội ác chiến tranh đối với những gì chính phủ Assad và Nga đang làm với người dân Syria, để họ phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình.
    Tranh luận trực tiếp lần thứ hai giữa Trump và Clinton - Ảnh 2.
    (Xử lý ảnh: Mạnh Quân)
    Trump: Thứ nhất, cái "lằn ranh đỏ" ấy đã xuất hiện khi bà còn là Ngoại trưởng (ý nói "lằn ranh đỏ" Obama áp đặt với Assad - rằng nếu Assad sử dụng vũ khí hóa học thì Mỹ sẽ sử dụng vũ lực, tuy nhiên sau đó dù chính phủ Syria đã bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học nhưng Washington vẫn quyết định án binh bất động - PV).
    Clinton: Không hề. Khi đó tôi đã hết nhiệm kì. Tôi rất ghét phải cắt ngang lời ông, nhưng có những chỗ tôi buộc phải làm vậy để đảm bảo thông tin chính xác.
    Trump: Khi đó bà vẫn liên lạc thường xuyên với Nhà Trắng. Và đáng buồn là có lẽ Obama vẫn nghe theo bà. Tôi nghĩ giờ ông ấy không nghe theo bà mấy nữa đâu. 
    Obama đã vẽ ra cái "lằn ranh đỏ" ấy, để rồi bị cả thế giới cười nhạo. Bà nói cứng với Nga, nhưng giờ chương trình hạt nhân của chúng ta kém xa so với họ. Họ thì cứ thoả sức phát triển chương trình hạt nhân. 
    Tranh luận trực tiếp lần thứ hai giữa Trump và Clinton - Ảnh 3.
    (Xử lý ảnh: Mạnh Quân)
    Đáng ra chúng ta không thể để điều đó xảy ra... Bà nói cứng về Putin. Về Assad. Bà ủng hộ phe nổi dậy. Nhưng bà còn không biết các tay súng nổi dậy là ai.
    Mỗi khi chúng ta trang bị vũ khí cho phe nổi dậy ở nước nào đó, Iraq, Lybia, là y như rằng họ còn tệ hơn những chính quyền trước đó. Cứ nhìn Libya và Gaddafi mà xem. Một mớ bòng bong. Và nhân tiện, IS giờ nắm phần lớn dầu mỏ của Libya rồi. 
    Quả là thảm họa. Tất cả những gì quan trọng liên quan đến chính sách đối ngoại mà bà đã làm đều dẫn tới thảm họa... Giờ Iran và Nga đang bắt tay chống lại chúng ta, bà muốn ủng hộ phe nổi dậy. Nhưng vấn đề là bà cũng chẳng rõ các tay súng nổi dậy thực sự là ai.
  • Trump: Tôi cũng phải nói luôn rằng tôi chẳng ưa gì Assad. Nhưng Assad đang tiêu diệt IS. Nga đang tiêu diệt IS. Và Iran cũng đang tiêu diệt IS. Giờ họ đang bắt tay nhau vì chính sách đối ngoại yếu kém của chúng ta.
    MC Raddatz: Thưa ông Trump, xin được nhắc lại câu hỏi. Nếu là Tổng thống, ông sẽ làm gì trong vấn đề Syria và giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Aleppo.Tôi muốn nhắc lại quan điểm mà đối tác tranh cử (Mike Pence - PV) đã đề cập. 
    Ông ấy nói hành động khiêu khích của Nga cần phải bị đáp trả bởi sức mạnh của Mỹ, và nếu Nga tiếp tục bắt tay với quân chính phủ Syria để thực hiện hàng loạt cuộc không kích, Mỹ sẽ sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự để tấn công những mục tiêu quân sự thuộc chính phủ Assad.
    Trump: OK. Tôi và ông ấy chưa thảo luận về vấn đề này, và tôi không đồng tình với quan điểm đó.
    MC Raddatz: Ông không đồng tình với quan điểm của chính đối tác của mình?
    Trump: Chúng ta phải hạ gục IS. Giờ Syria đang đánh lại IS. Có người muốn đánh hai mục tiêu cùng một lúc. Nhưng Syria giờ không còn là Syria nữa rồi. 
    Syria giờ là Nga và Iran, Iran mà chính bà [Clinton], rồi [Ngoại trưởng] Kerry, và Obama đã biến thành một quốc gia hùng mạnh. Một quốc gia cực kì giàu có. Rất nhanh chóng. 
    Tôi tin rằng chúng ta phải loại bỏ IS. Chúng ta phải lo xong IS đã rồi mới can thiệp sâu hơn vào những việc khác. Bà đã từng có cơ hội làm điều đó. Nhưng rốt cục chỉ có mỗi cái "lằn ranh đỏ" ấy.
    MC Raddatz: Ông nghĩ điều gì sẽ xảy ra nếu Aleppo thất thủ?
    Trump: Tôi nghĩ Aleppo là một thảm họa nhân đạo. Về mặt bản chất thì Aleppo đã sụp đổ rồi.
    Điều tôi bất bình nhất đối với sự ngu ngốc trong chính sách đối ngoại của chúng ta là như thế này. Ở Mosul. Chúng ta biết rất nhiều lãnh đạo của IS đang ở Mosul. 
    Nhưng chúng ta lại đưa ra hàng loạt các tuyên bố rằng chúng ta sẽ tấn công Mosul trong vòng 3 hay 4 tuần tới. Thế rồi những lãnh đạo của IS cứ thế trốn khỏi Mosul. 
    Tại sao chúng ta không thể cứ lẳng lặng mà tấn công? Sau khi công kích xong rồi thì báo tin cho công chúng Mỹ biết rằng chúng ta đã thành công vang dội, đã hạ gục được lãnh đạo IS. 
    Nhưng không, chúng ta cứ phải tuyên bố trước rằng chúng ta sẽ công kích Mosul trong 4 hay 6 tuần tới. Cái đất nước này còn ngu ngốc đến mức nào được nữa?
    MC Raddatz: Có lý do quân đội làm vậy. Chiến tranh tâm lý chẳng hạn.
    Trump: Tôi không nghĩ ra được lý do gì cả.
    MC Raddatz: Có thể là thông báo trước để người dân lánh nạn?
    Trump: Nghe này, có 200 tướng lĩnh và đô đốc ủng hộ tôi. 21 người từng nhận huân chương danh dự của Quốc hội đang ủng hộ tôi. Chúng tôi thảo luận về vấn đề này thường xuyên...
    MC Raddatz: Vậy chiến lược của ông là gì?
    Trump: Tôi được biết chúng ta đang nghĩ lãnh đạo IS đang ở đâu đó giữa Raqqa và Mosul. Nhưng tại sao chứ - chúng có còn ở đó nữa đâu! Chúng đi từ lâu rồi. 200 tướng lĩnh và đô đốc tôi quen, họ cũng không thể tin vào điều đó. Họ chỉ nói rằng, Tướng George Patton hay tướng
    Douglas MacArthur giờ chắc chẳng thể yên nghỉ nổi vì sự ngu ngốc trong chính sách Trung Đông của chúng ta.
  • Bà Clinton: Mỹ không điều bộ binh tới Syria, sẽ vũ trang cho người Kurd
    09:2010/10/2016
    Clinton: Tôi sẽ không điều bộ binh tới Syria. Tôi cho rằng đó sẽ là một sai lầm nghiêm trọng. Tôi không cho rằng lính Mỹ nên chiếm giữ lãnh thổ, điều mà họ sẽ phải làm nếu tới Syria. Tôi không cho rằng đây là một chiến lược đúng đắn. 
    Tôi nghĩ rằng việc sử dụng đặc nhiệm như chúng ta đang làm hiện nay, cũng như huấn luyện quân sự tại Iraq, đã có những tác động tích cực và phù hợp với lợi ích của chúng ta. Và tôi ủng hộ những động thái hiện nay.
    MC Raddatz: Vậy bà có làm gì khác hơn so với những gì Tổng thống Obama đang làm hay không?
    Clinton: Hi vọng là khi tôi nhậm chức Tổng thống thì chúng ta cũng đánh đuổi IS khỏi Iraq rồi. Tôi nghĩ nhiều khả năng chúng ta có thể chiếm lại Mosul. 
    Donald nói rằng ông ta biết nhiều về IS hơn các tướng lĩnh quân đội của chúng ta. Không hề. Có rất nhiều chiến lược quan trọng đang được hoạch định. Và một trong số đó là thể hiện thành ý muốn hợp tác cùng người Sunni địa phương và các chiến binh người Kurd.
    Điều này cần rất nhiều sự chuẩn bị. Tôi sẽ truy tìm [Thủ lĩnh tối cao IS] Baghdadi. Tôi sẽ nhắm vào Baghdadi bởi tôi cho rằng các phi vụ tìm diệt những kẻ đẩu sỏ của al-Qaeda mà tôi từng tham gia khi xưa đã tạo nên sự khác biệt. Tôi cho rằng điều đó sẽ có ích. 
    Tôi cũng sẽ cân nhắc việc trang bị vũ khí cho người Kurd. Người Kurd đã và đang là những đối tác đáng tin cậy nhất của chúng ta ở Syria cũng như Iraq. 
    Và tôi biết có một số nhóm người khá quan ngại về điều này, nhưng tôi cho rằng người Kurd cần được trang bị đầy đủ sao cho họ cũng như các chiến binh Arab sẽ là lực lượng nòng cốt trên bộ của chúng ta trong chiến dịch lấy lại Raqqa sau khi đã đẩy IS ra khỏi Iraq.
  • Sau câu hỏi về chính sách đối ngoại của hai ứng viên tại Syria, các câu hỏi tiếp theo của cuộc tranh luận lại trở về với các vấn đề trong nước. Trump và Clinton tiếp tục "đấu khẩu" về các vấn đề liên quan đến việc chọn ra thẩm phán mới cho Tòa án tối cao Mỹ để thay thế cho thẩm phán Scalia mới qua đời; và vấn đề chính sách năng lượng của nước Mỹ.
    Đáng chú ý, ở câu hỏi cuối cùng của phiên tranh luận lần thứ hai này, một khán giả có tên Carl Becker đã đặt một câu hỏi hết sức thú vị dành cho hai ứng viên, đó là: "Gạt sang một bên những màn đấu khẩu hiện nay, ông/bà có thể nêu ra một điểm tích cực mà ông/bà đánh giá cao ở đối thủ của mình hay không"?
    Clinton: Tôi tôn trọng những người con của ông Trump. Họ đều là những người có năng lực và có ý chí, và điều đó cũng nói lên rất nhiều điều về con người của Donald. 
    Tôi không có cùng quan điểm với hầu hết những gì Donald nói hay làm. Nhưng tôi tôn trọng khả năng nuôi dạy con cái của ông, với tư cách một người mẹ, và một người bà, điều này rất quan trọng đối với tôi. 
    Chúng ta sẽ chọn ra một người Tổng thống mà không chỉ đưa ra những chính sách trong 4 hay 8 năm nhiệm kì, mà cả những quyết định quan trọng mà người đó phải đưa ra ở trong cũng như ngoài nước, từ tòa án tối cao đến vấn đề năng lượng, và rất nhiều vấn đề khác nữa. 
    Đây sẽ là một trong những cuộc bầu cử có hệ quả sâu rộng nhất mà chúng ta từng có. Và đó là lý do tại sao tôi đã cố gắng nêu ra những chính sách và kế hoạch cụ thể, tránh việc công kích cá nhân để tập trung vào những gì tôi sẽ làm nếu đắc cử Tổng thống. 
    Và đó là lý do tại sao tôi hi vọng người dân hãy tự kiểm chứng điều đó, để thấy rằng đúng vậy, hơn 30 năm qua tôi đã giúp đỡ các gia đình, giúp đỡ những đứa trẻ như thế nào, và tôi muốn áp dụng những kinh nghiệm tại Nhà Trắng mỗi ngày.
    Trump: Tôi đánh giá cao lời khen ngợi bà dành cho các con tôi. Tôi không rõ ý bà có thực sự là muốn khen hay không. Nhưng tôi thực sự rất tự hào về các con mình, chúng đều là những đứa trẻ tuyệt vời. 
    Vậy nên tôi coi đó là một lời khen. Về bà Hillary, tôi xin nói điều này. Bà là một người không bao giờ từ bỏ. Bà không bỏ cuộc. Tôi tôn trọng điều đó. 
    Tôi nghĩ gì nói nấy, và tôi cho rằng bà là một chiến binh. Tôi không đồng tình với hầu hết những gì bà đấu tranh, tôi không đồng tình với cách đánh giá của bà ở nhiều khía cạnh. Nhưng bà là một chiến binh không bao giờ bỏ cuộc, và tôi cho rằng đó là một đặc điểm rất hay ở bà.
    MC: Xin cảm ơn cả hai ứng viên. Xin cảm ơn trường Đại học Washington-St.Louis. Đến đây xin được khép lại phiên tranh luận lần này. Xin một lần nữa cảm ơn hai ứng viên, cảm ơn hội đồng tổ chức, Đại học Washington-St. Louis, và toàn thể quý khán giả. 
    Hãy trở lại vào ngày 19/10 tới để theo dõi phiên tranh luận cuối cùng được tổ chức tại Đại học Nevada, Las Vegas. Chúc mọi người ngủ ngon.
  • [LIVE VIDEO] Tranh luận trực tiếp lần 2 Trump-Clinton
    07:4610/10/2016
    Buổi tranh luận trên truyền hình giữa ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump và ứng viên đảng Dân Chủ Hillary Clinton chính thức bắt đầu lúc 8h sáng nay (10/10, giờ Việt Nam). 
    Khác với cuộc tranh luận đầu tiên, lần này, một nửa số câu hỏi dành cho các ứng cử viên sẽ đến từ phía những cử tri vẫn còn do dự trước lá phiếu của mình.
    Một nửa số câu hỏi còn lại sẽ do người điều tiết đưa ra dựa trên các vấn đề đang nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân. 
theo Trí Thức Trẻ