Thứ Hai, 10 tháng 10, 2016

Tranh luận trực tiếp lần thứ hai giữa Trump và Clinton

  • Khán giả hỏi về hình ảnh trong giới trẻ, Trump-Clinton đua nhau khoe chính sách
    10:2410/10/2016
    Câu hỏi đầu tiên của cuộc tranh luận thứ hai giữa Donald Trump và Hillary Clinton do một vị khán giả ở trường quay đặt ra cho hai ứng viên. Cô hỏi rằng: 
    "Nội dung của cuộc tranh luận lần trước (ngày 26/9) có thể được liệt vào dạng MA (dành cho lứa tuổi trưởng thành - PV). Nhiều thầy cô giáo trên khắp đất nước đã giao bài tập về nhà cho học sinh với nội dung liên quan đến phần tranh luận của ông bà, vậy ông bà có cho rằng mình đã thể hiện một hình ảnh tích cực cho giới trẻ ngày nay hay không?"
    Tuy nhiên, cả hai ứng viên thay vì trả lời thẳng vào câu hỏi này, lại "tranh thủ" liệt kê ra những ưu tiên chính sách của mình ngay từ đầu buổi tranh luận. 
    Cụ thể, bà Clinton khẳng định sẽ điều chỉnh mức thuế, sẽ cải thiện nền kinh tế, sẽ cải cách nền giáo dục,... và kêu gọi người Mỹ đồng lòng trong chiến dịch tranh cử này. 
    Trong khi đó, ông Trump tuyên bố sẽ "thiết lập lại trật tự và pháp luật", sẽ chấm dứt những hình thức giao thương bất lợi cho nước Mỹ, và "đưa nước Mỹ trở lại thời kì hoàng kim".
  • Người điều phối tranh luận hôm nay, phóng viên chính trị Anderson Cooper của CNN, đã "bắt bài" được chiến thuật của hai ứng viên. 
    Ông Cooper nhắc lại rằng câu hỏi đầu tiên của khán giả nhấn vào việc liệu hai ứng viên có cho rằng họ đang thể hiện một hình ảnh tích cực cho giới trẻ ngày nay không. Phóng viên này lập tức móc nối câu hỏi này với bê bối mới đây của Donald Trump, khi ông có những phát biểu khiếm nhã về phụ nữ. 
    Cooper: Thưa ông Trump, [trong đoạn video] ông kể rằng ông đã hôn phụ nữ khi không được họ cho phép, và chạm vào bộ phận sinh dục của họ. Đó không gì khác chính là tấn công tình dục. Ông đã khoe với mọi người về hành vi tấn công tình dục của mình. Ông có hiểu được điều đó không?
    Trump: Không, tôi không hề nói vậy. Tôi nghĩ anh hiểu nhầm những gì tôi nói. Đây chỉ là những lời nói đùa vô thưởng vô phạt thôi (nguyên văn: "locker room banter"). Đương nhiên tôi cũng không lấy gì làm tự hào với điều đó. Tôi đã xin lỗi toàn thể người dân nước Mỹ.
    Ngay lập tức, Trump "đánh trống lảng" sang tận... Nhà nước Hồi giáo (IS).
    Trump: Trong một thế giới nơi những kẻ khủng bố đang chặt đầu, dìm nước người vô tội trong cũi sắt, nơi những cuộc chiến tranh đang diễn ra, và rất nhiều những điều khủng khiếp khác nữa, chẳng khác gì thời trung cổ...
    Sau đó Trump lại... quay về với bê bối của mình.
    Trump: Đúng, tôi rất xấu hổ về điều đó. Tôi ghét những gì mình đã nói ra. Nhưng đây chỉ là những lời nói vui vô thưởng vô phạt. 
    Tôi sẽ đánh bại IS, chúng ta sẽ đánh bại IS. IS xuất hiện vì một lỗ hổng quyền lực tạo ra bởi đánh giá sai lầm của chính quyền Mỹ, và tôi sẽ là người giải quyết chúng.
    Tranh luận trực tiếp lần thứ hai giữa Trump và Clinton - Ảnh 1.
    (Xử lý ảnh: Mạnh Quân)
    Dù Trump đã phải mượn đến tận... IS để "đánh trống lảng", nhưng phóng viên Cooper quyết không bỏ cuộc. 
    Cooper: Thưa ông Trump...
    Trump: Chúng ta có thể nói đến những vấn đề quan trọng hơn không?
    Cooper: Xin được làm rõ là có phải ông đang nói rằng những gì ông đã nói trên chiếc xe buýt 11 năm trước là không đúng sự thật, rằng ông chưa từng cưỡng hôn hay quấy rối tình dục phụ nữ?
    Trump: Tôi rất tôn trọng phụ nữ. Không ai tôn trọng phụ nữ nhiều như tôi.
    Cooper: Nhưng xin được làm rõ là ông nói rằng ông chưa từng làm những chuyện đó?
    Trump: Xin được nói thẳng, anh đã nghe rõ những gì tôi nói trong đoạn băng, và tôi cảm thấy xấu hổ vì điều đó, nhưng tôi rất tôn trọng phụ nữ.
    Cooper: Ông đã làm những chuyện đó hay không?
    Trump: Phụ nữ cũng rất tôn trọng tôi. Và tôi xin nói với anh rằng, không, tôi chưa từng làm những chuyện đó, và tôi cũng xin nói với anh rằng tôi sẽ bảo đảm an toàn cho biên giới nước ta. Rất nhiều người đang đổ về nước Mỹ từ Trung Đông và nhiều nơi khác. 
    Chúng ta sẽ đảm bảo an toàn cho nước Mỹ. Chúng ta sẽ đưa nước Mỹ trở về thời hoàng kim, nhưng trước hết nước Mỹ phải được đảm bảo an toàn đã.
    Cooper: Xin cảm ơn ông, thưa ông Trump. Cựu Ngoại trưởng Clinton, bà có muốn phản hồi không?
  • Clinton: Trump không phù hợp để trở thành Tổng thống và Tổng tư lệnh quân đội Mỹ
    10:1010/10/2016
    Clinton: Cũng như những người khác, tôi dành rất nhiều thời gian trong 2 ngày qua để nghĩ về những gì chúng ta đều đã được mắt thấy tai nghe. 
    Với những ứng viên Tổng thống đảng Cộng hòa khác, tôi không có chung quan điểm với họ về mặt chính trị, về mặt chính sách, và một số nguyên tắc, nhưng tôi chưa từng đặt dấu hỏi về việc liệu họ có phù hợp để trở thành bộ mặt đại diện cho nước Mỹ hay không. Donald Trump thì khác. 
    Tranh luận trực tiếp lần thứ hai giữa Trump và Clinton - Ảnh 1.
    (Xử lý ảnh: Mạnh Quân)
    Tôi đã nói ngay từ hồi tháng 6 rằng ông ta không phù hợp để trở thành Tổng thống, để trở thành tổng tư lệnh quân đội Mỹ.
    Rất nhiều cử tri đảng Cộng hòa hay trung lập đều có chung quan điểm như vậy. Những gì chúng ta đã được mắt thấy tai nghe hôm thứ sáu vừa qua đã cho chúng ta thấy Trump nghĩ gì về phụ nữ, Trump làm gì với phụ nữ. 
    Và giờ Trump nói rằng đoạn băng đó không phản ánh con người thật của ông ta. Nhưng ai cũng có thể thấy rõ rằng đoạn băng đó thể hiện rõ con người của Donald Trump. 
    Chúng ta cũng đã thấy rõ điều đó xuyên suốt chiến dịch tranh cử của ông ta. 
    Chúng ta đã nghe ông ta miệt thị phụ nữ, "chấm điểm" ngoại hình phụ nữ theo thang điểm từ 1 đến 10, mỉa mai phụ nữ trên TV và trên Twitter, dành gần một tuần sau cuộc tranh luận đầu tiên chỉ để miệt thị một cựu Hoa hậu Hoàn vũ, với những câu từ hết sức gay gắt, đầy chất công kích cá nhân.
    Vâng, đó chính là con người của Donald Trump...
  • Trump tung "vũ khí bí mật": 1 nạn nhân bị cưỡng hiếp và Clinton giúp thủ phạm trắng án
    10:0110/10/2016
    Ngay sau đó, một điều phối viên khác của cuộc tranh luận, phóng viên chính trị Martha Raddatz của kênh ABC, đã "tạo cơ hội" để ông Trump phản bác với câu hỏi: 
    "Ngay sau khi được tung lên mạng, đoạn băng về bê bối [dâm ô phụ nữ có chồng] của ông đã trở thành chủ đề được nhắc đến nhiều nhất trong toàn thể chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016, với hàng triệu lượt chia sẻ, trao đổi trên mạng xã hội... Ông nói rằng ông đã thay đổi kể từ khi bắt đầu chiến dịch tranh cử. Vậy sự thay đổi đó cụ thể xảy ra vào lúc nào. Khi ông rời khỏi chiếc xe buýt hôm đó, ông đã thay đổi con người mình, hay chỉ đến gần đây khi ông tranh cử thì ông mới thay đổi?"
    Trump: Như tôi đã nói, đó chỉ là những lời nói đùa vô thưởng vô phạt. Tôi không hề tự hào về những gì đã nói. Tôi là một người hết sức tôn trọng người khác, tôn trọng gia đình tôi, và tôn trọng người dân nước Mỹ.
    Đến đây, Trump bắt đầu tung "vũ khí bí mật" của mình.
    Trump: Nhưng hãy nhìn Bill Clinton mà xem, tệ hơn nhiều. Tôi chỉ nói vậy thôi, còn ông ta làm. Những gì ông ta đã làm với phụ nữ là những điều tồi tệ nhất trong lịch sử chính trị của đất nước này. 
    Moi người muốn nói gì thì nói, nhưng Bill Clinton đối xử rất tàn tệ với phụ nữ. Và chính Hillary Clinton cũng công kích những người phụ nữ ấy hết sức kinh khủng.
    Bốn người trong số họ đã có mặt tại đây hôm nay. Một người đã bị cưỡng hiếp vào năm 12 tuổi. Và bà Clinton đây đã giúp thủ phạm trắng án. 
    Đã có hình ảnh ghi lại bà ta cười nhạo nạn nhân bị cưỡng hiếp. Đó là cô Kathy Shelton, người đang có mặt tại đây cùng chúng ta hôm nay.
    Vậy nên đừng có chỉ trích tôi qua những gì tôi nói. Tôi rất lấy làm tiếc vì những gì tôi đã nói. Nhưng đó chỉ là nói vui vậy thôi. 
    Còn những gì cựu Tổng thống Clinton từng làm đã khiến ông ta phải điều trần trước tòa án tối cao, khiến ông ta mất quyền hành pháp, khiến ông ta phải bồi thường 850.000 USD cho một trong các nạn nhân, đó là Paula Jones, một người cũng có mặt tại đây hôm nay.
    Và tôi xin nói rằng khi Hillary đề cập đến những gì tôi nói 11 năm trước, bà nên tự cảm thấy xấu hổ đi thì hơn.
  • Clinton phản ứng cáo buộc của Trump bằng lời khuyên của Michelle Obama
    09:5710/10/2016
    Cựu ngoại trưởng Clinton phản ứng với cáo buộc bao che thủ phạm cưỡng hiếp và phát ngôn tệ hại về các nạn nhân.
    Clinton: Thứ nhất, xin nói rằng rất nhiều điều ông [Trump] vừa nói hoàn toàn sai sự thật. Nhưng ông ta có quyền tranh cử theo cách của mình. Ông ta nói gì là việc của ông ta, dù những điều đó không hề trả lời câu hỏi của cử tri về những kế hoạch, đề xuất chính sách để cải thiện đời sống của người dân, và của nước Mỹ. 
    Đó là quyền của ông ta. Khi tôi nghe những lời như vậy, tôi lại nhớ đến những gì người bạn Michelle Obama của tôi khuyên: "Dù bị chơi xấu, vẫn phải ngẩng cao đầu" (nguyên văn: When they go low, you go high).
    Nếu đây chỉ là một đoạn băng, thì những gì ông ta nói hôm nay còn có thể hiểu được. Nhưng đến lúc này rồi thì ai cũng có thể tự rút ra kết luận cho riêng mình về con người thật của Trump. Ông ta không bao giờ xin lỗi ai cả.
     Ông ta chưa từng xin lỗi gia đình ông bà Khan, con trai của họ, Đại úy Khan, đã hi sinh tại Iraq. Ông ta miệt thị và công kích họ hết tuần này qua tuần khác vì họ là người Hồi giáo...
    Ông ta nợ đất nước chúng ta một lời xin lỗi, và ông ta cần nhận trách nhiệm về những hành vi và lời nói của mình.
    Trump: Còn bà, bà cũng nợ Tổng thống [Obama] một lời xin lỗi đấy, vì bức ảnh bà cho đăng về Obama trong bộ trang phục ấy. 
    Còn Michelle Obama nữa, tôi đã được xem nhiều đoạn quảng cáo tranh cử họ làm để chống lại bà, trong đó có những đoạn Michelle Obama nói về bà một cách thật kinh khủng. 
    Tranh luận trực tiếp lần thứ hai giữa Trump và Clinton - Ảnh 1.
    Bức ảnh mà ông Trump đề cập
    Nếu bà gọi họ là "bạn" thì cứ xem lại những đoạn quảng cáo kia đi. Bà đã thua tâm phục khẩu phục trong mùa bầu cử ấy. Chứ không như cái cách mà ông Bernie Sanders đã thua, không hề công bằng...
    Còn nữa, bà hãy xin lỗi người dân nước Mỹ về 33.000 cái e-mail mà bà đã xóa, và rất nhiều thứ khác được dọn ra từ văn phòng của bà mà giờ đã biến mất. 
    Tôi không muốn nói điều này đâu, nhưng tôi phải nói, rằng nếu tôi đắc cử, tôi sẽ lệnh cho Bộ trưởng Tư pháp mở cuộc điều tra đặc biệt đối với bà, bởi chưa bao giờ tôi thấy một người đầy rẫy những dối trá, những lừa bịp như bà. Và chúng ta sẽ phải có một cuộc điều tra đặc biệt về bà.
  • Bà Clinton nhận trách nhiệm về vụ bê bối e-mail
    09:4710/10/2016
    Clinton: Tất cả những gì ông vừa nói hoàn toàn không đúng sự thật. Nhưng tôi cũng chẳng lấy gì làm ngạc nhiên. Ngay từ cuộc tranh luận đầu tiên tôi đã nói rằng việc kiểm chứng độ xác thực của tất cả những gì Donald nói ra là điều bất khả thi trong khuôn khổ một cuộc tranh luận. 
    Tôi sẽ không có thời gian mà nói về những vấn đề chính sách khác để cải thiện đời sống người dân nước Mỹ. Vậy nên các bạn hãy truy cập trang web HillaryClinton.com. 
    Tại đây các bạn có thể trực tiếp kiểm chứng những gì Trump nói. Đã có hàng triệu lượt truy cập để kiểm chứng những gì Trump nói trong cuộc tranh luận lần trước, và tôi đoán hôm nay cũng sẽ có thêm hàng triệu lượt truy cập khác, bởi các bạn biết đấy, thật may mắn làm sao khi một người với tính khí như Donald Trump không điều hành luật pháp trên đất nước này.
    Trump (chen ngang): Nếu vậy thì giờ bà đang ngồi tù rồi.
    Sau khi "vặn vẹo" ông Trump về bê bối đoạn băng, các điều phối viên tranh luận đã chuyển mục tiêu sang bà Clinton, với nôi dung xoay quanh bê bối e-mail của Cựu Ngoại trưởng Mỹ.
    MC Raddatz: Giám đốc FBI James Coney chỉ trích bà đã "hết sức bất cẩn" trong việc xử lý thông tin tuyệt mật. Bà không đồng tình với nhận xét này, song cũng thừa nhận bà đã "phạm sai lầm". 
    FBI nói rằng có khoảng 110.000 e-mail mật đã được trao đổi, 8 trong số đó được liệt vào dạng tối mật, và có khả năng một thế lực thù địch đã tiếp cận được nội dung những e-mail này. Vậy mà bà không cho là mình đã "hết sức bất cẩn"?
    Clinton: Trước hết, tôi xin nhắc lại một lần nữa, đó là sai lầm của tôi, tôi xin nhận trách nhiệm vì đã dùng tài khoản e-mail cá nhân để trao đổi thông tin mật. Tôi không đưa ra bất kì lời bào chữa nào. Đó là sai lầm của tôi, và tôi rất xin lỗi vì điều đó.
    Nhưng cũng xin nói rõ rằng đã có rất nhiều cáo buộc vô căn cứ nhằm đánh lạc hướng dư luận. 
    Sau một năm điều tra, không hề có bất kì bằng chứng nào cho thấy có người đã xâm nhập được vào máy chủ e-mail mà tôi sử dụng. Những người nói thông tin mật đã rơi vào tay kẻ xấu không hề có bất kì bằng chứng nào. Tôi rất coi trọng vấn đề thông tin tuyệt mật...
    Tranh luận trực tiếp lần thứ hai giữa Trump và Clinton - Ảnh 2.
    (Xử lý ảnh: Mạnh Quân)
    Trump: ... Bà lại nói dối rồi. Bà nói rằng việc xóa đi 33.000 e-mail là không sao? Tôi không nghĩ vậy. Bà nói rằng những e-mail đó có nội dung liên quan đến đám cưới con gái bà, và lớp học yoga. Ừ có thể vài ba cái như thế. Nhưng đây là 33.000 e-mail, vậy mà bà nói rằng không có vấn đề gì. 
    Điều đáng nói là bà xóa e-mail sau khi nhận được lệnh triệu tập của Quốc hội để điều trần. Xin nói thật là tôi quá thất vọng với Quốc hội, với bộ Tư pháp. Chồng bà đã ngồi nói chuyện nửa tiếng đồng hồ với bộ trưởng Tư pháp chỉ vài ngày trước khi phán quyết về vụ e-mail của bà được đưa ra..
    Clinton: Không đúng. Đó là e-mail cá nhân, không phải e-mail công việc. Tôi cũng đã nộp lại hơn 35.000 e-mail...
    Trump: Vậy số còn lại thì sao?
    ... Hai điều phối viên sau đó đã phải ngắt màn qua lại của hai ứng viên để đi tới phần sau của cuộc tranh luận. Ông Trump tỏ ra hết sức bất bình vì vụ e-mail của bà Clinton được nhắc đến quá ít so với bê bối đoạn băng của ông.
    Trong phần tiếp theo của cuộc tranh luận, hai ứng viên trả lời câu hỏi của một vị khán giả liên quan đến chính sách bảo hiểm ObamaCare. Trong khi bà Clinton ủng hộ giữ ObamaCare và chỉ sửa đổi một số chi tiết, thì ông Trump quyết tâm "đánh sập" gói bảo hiểm đã trở thành thương hiệu của đương kim Tổng thống Mỹ.
  • Trump "mềm" hơn về vấn đề nhập cư, Clinton "đá xoáy" đối thủ về thuế
    09:4110/10/2016
    Đối với chính sách nhập cư cũng như quan điểm về người Hồi giáo, ông Trump đã "mềm" hơn so với khi bắt đầu tranh cử, khi giờ đây ông khẳng định sẽ không "cấm hoàn toàn người Hồi giáo vào nước Mỹ", mà chỉ "rà soát kĩ lưỡng" các thông tin cá nhân liên quan đến tôn giáo của những người nhập cư, để không biến cuộc khủng hoảng nhập cư hiện nay trở thành "con ngựa thành Troy" hủy hoại nước Mỹ. 
    Trong khi đó, bà Clinton tuyên bố sẵn sàng tăng số lượng người Syria được nhập cư vào Mỹ mỗi năm từ con số 10.000 hiện nay lên thành 65.000, đồng thời chỉ trích tâm lý kì thị người Hồi giáo của đối thủ Trump. 
    Chính sách thuế là chủ đề được nhắc đến trong câu hỏi tiếp theo. Đây cũng là một vấn đề mà hai ứng viên có quan điểm trái ngược hoàn toàn. 
    Trong khi ông Trump ủng hộ giảm thuế vì cho rằng "thuế má của Mỹ quá cao, gần như cao nhất thế giới", đồng thời tuyên bố nếu đắc cử sẽ "hạ thuế xuống mức thấp so với thế giới". 
    Mặt khác, cựu Ngoại trưởng Clinton khẳng định bà sẽ tập trung đánh thuế giới thượng lưu, để đảm bảo "ai cũng phải góp phần xứng với thu nhập của mình". 
    Đồng thời, bà cũng không quên "đá xoáy" đối thủ về việc ông Trump cho đến thời điểm này vẫn chưa công khai thuế thu nhập cá nhân trong năm vừa qua.
  • Clinton ủng hộ thiết lập vùng cấm bay Syria, nói Nga muốn Trump làm tổng thống Mỹ
    09:3610/10/2016
    Câu hỏi đầu tiên trong phần chính sách đối ngoại của cuộc tranh luận thứ hai liên quan đến vấn đề Syria. 
    MC Raddatz:  Vài ngày trước, bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi điều tra mở một cuộc điều tra tội ác chiến tranh đối với chính phủ Bashar al-Assad và đồng minh Nga liên quan đến các vụ đánh bom ở Aleppo. Cử tri có tên Diana của bang Pennsylvania có hỏi rằng, nếu trở thành Tổng thống, ông/bà sẽ làm gì trong vấn đề Syria nói chung và Aleppo nói riêng? Liệu những gì đang diễn ra có giống với vụ thảm sát người Do Thái (Holocaust), khi người Mỹ đã quá chần chừ? Xin được bắt đầu với phần trả lời của cựu Ngoại trưởng Clinton.
    Clinton: Tình hình Syria hiện nay hết sức thảm khốc. Và mỗi ngày trôi qua, chúng ta lại chứng kiến hệ quả của sự hợp tác giữa quân chính phủ Assad với quân Iran ở trên bộ và quân Nga ở trên không, đặc biệt là tại Aleppo, nơi hàng trăm nghìn người vẫn đang bị mắc kẹt. 
    Rõ ràng không quân Nga đang tìm cách tiêu diệt Aleppo để loại bỏ những tay súng nổi dậy chống lại chính phủ Syria đang án ngữ tại đây. 
    Nga không hề để tâm đến IS. Họ chỉ quan tâm đến việc giữ ghế cho Assad. Khi còn là Ngoại trưởng, tôi đã ủng hộ việc thiết lập vùng cấm bay tại Syria.
    Chúng ta cần tạo lợi thế trước khi ngồi vào bàn đàm phán với người Nga. Và chúng ta cần hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác và đồng minh trên thực địa. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh vào mưu đồ và sự hung hăng của người Nga ở Syria.
    Nga đã hạ quyết tâm sẽ dồn hết vào ván bài Syria. Và họ cũng đã quyết định được người họ muốn trở thành Tổng thống Mỹ. Đó không phải là tôi. Vì tôi đã cương quyết đối đầu với Nga. Tôi đã đối đầu với Putin và nhiều người khác. Và tôi sẽ làm như vậy trên cương vị Tổng thống. 
    Tôi cho rằng chúng ta có những mặt có thể hợp tác tốt với Nga. Và đó là lý do tại sao khi còn là Ngoại trưởng tôi đã góp phần đạt được thỏa thuận cắt giảm vũ khí hạt nhân, là lý do tại sao chúng ta tạm ngưng được chương trình hạt nhân của Iran mà không phải tốn một viên đạn. 
    Do đó tôi sẽ ngồi vào bàn đàm phán với nhiều lợi thế hơn những gì chúng ta đang có hiện nay. Tôi ủng hộ việc mở điều tra tội ác chiến tranh đối với những gì chính phủ Assad và Nga đang làm với người dân Syria, để họ phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình.
    Tranh luận trực tiếp lần thứ hai giữa Trump và Clinton - Ảnh 2.
    (Xử lý ảnh: Mạnh Quân)
    Trump: Thứ nhất, cái "lằn ranh đỏ" ấy đã xuất hiện khi bà còn là Ngoại trưởng (ý nói "lằn ranh đỏ" Obama áp đặt với Assad - rằng nếu Assad sử dụng vũ khí hóa học thì Mỹ sẽ sử dụng vũ lực, tuy nhiên sau đó dù chính phủ Syria đã bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học nhưng Washington vẫn quyết định án binh bất động - PV).
    Clinton: Không hề. Khi đó tôi đã hết nhiệm kì. Tôi rất ghét phải cắt ngang lời ông, nhưng có những chỗ tôi buộc phải làm vậy để đảm bảo thông tin chính xác.
    Trump: Khi đó bà vẫn liên lạc thường xuyên với Nhà Trắng. Và đáng buồn là có lẽ Obama vẫn nghe theo bà. Tôi nghĩ giờ ông ấy không nghe theo bà mấy nữa đâu. 
    Obama đã vẽ ra cái "lằn ranh đỏ" ấy, để rồi bị cả thế giới cười nhạo. Bà nói cứng với Nga, nhưng giờ chương trình hạt nhân của chúng ta kém xa so với họ. Họ thì cứ thoả sức phát triển chương trình hạt nhân. 
    Tranh luận trực tiếp lần thứ hai giữa Trump và Clinton - Ảnh 3.
    (Xử lý ảnh: Mạnh Quân)
    Đáng ra chúng ta không thể để điều đó xảy ra... Bà nói cứng về Putin. Về Assad. Bà ủng hộ phe nổi dậy. Nhưng bà còn không biết các tay súng nổi dậy là ai.
    Mỗi khi chúng ta trang bị vũ khí cho phe nổi dậy ở nước nào đó, Iraq, Lybia, là y như rằng họ còn tệ hơn những chính quyền trước đó. Cứ nhìn Libya và Gaddafi mà xem. Một mớ bòng bong. Và nhân tiện, IS giờ nắm phần lớn dầu mỏ của Libya rồi. 
    Quả là thảm họa. Tất cả những gì quan trọng liên quan đến chính sách đối ngoại mà bà đã làm đều dẫn tới thảm họa... Giờ Iran và Nga đang bắt tay chống lại chúng ta, bà muốn ủng hộ phe nổi dậy. Nhưng vấn đề là bà cũng chẳng rõ các tay súng nổi dậy thực sự là ai.
  • Trump: Tôi cũng phải nói luôn rằng tôi chẳng ưa gì Assad. Nhưng Assad đang tiêu diệt IS. Nga đang tiêu diệt IS. Và Iran cũng đang tiêu diệt IS. Giờ họ đang bắt tay nhau vì chính sách đối ngoại yếu kém của chúng ta.
    MC Raddatz: Thưa ông Trump, xin được nhắc lại câu hỏi. Nếu là Tổng thống, ông sẽ làm gì trong vấn đề Syria và giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Aleppo.Tôi muốn nhắc lại quan điểm mà đối tác tranh cử (Mike Pence - PV) đã đề cập. 
    Ông ấy nói hành động khiêu khích của Nga cần phải bị đáp trả bởi sức mạnh của Mỹ, và nếu Nga tiếp tục bắt tay với quân chính phủ Syria để thực hiện hàng loạt cuộc không kích, Mỹ sẽ sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự để tấn công những mục tiêu quân sự thuộc chính phủ Assad.
    Trump: OK. Tôi và ông ấy chưa thảo luận về vấn đề này, và tôi không đồng tình với quan điểm đó.
    MC Raddatz: Ông không đồng tình với quan điểm của chính đối tác của mình?
    Trump: Chúng ta phải hạ gục IS. Giờ Syria đang đánh lại IS. Có người muốn đánh hai mục tiêu cùng một lúc. Nhưng Syria giờ không còn là Syria nữa rồi. 
    Syria giờ là Nga và Iran, Iran mà chính bà [Clinton], rồi [Ngoại trưởng] Kerry, và Obama đã biến thành một quốc gia hùng mạnh. Một quốc gia cực kì giàu có. Rất nhanh chóng. 
    Tôi tin rằng chúng ta phải loại bỏ IS. Chúng ta phải lo xong IS đã rồi mới can thiệp sâu hơn vào những việc khác. Bà đã từng có cơ hội làm điều đó. Nhưng rốt cục chỉ có mỗi cái "lằn ranh đỏ" ấy.
    MC Raddatz: Ông nghĩ điều gì sẽ xảy ra nếu Aleppo thất thủ?
    Trump: Tôi nghĩ Aleppo là một thảm họa nhân đạo. Về mặt bản chất thì Aleppo đã sụp đổ rồi.
    Điều tôi bất bình nhất đối với sự ngu ngốc trong chính sách đối ngoại của chúng ta là như thế này. Ở Mosul. Chúng ta biết rất nhiều lãnh đạo của IS đang ở Mosul. 
    Nhưng chúng ta lại đưa ra hàng loạt các tuyên bố rằng chúng ta sẽ tấn công Mosul trong vòng 3 hay 4 tuần tới. Thế rồi những lãnh đạo của IS cứ thế trốn khỏi Mosul. 
    Tại sao chúng ta không thể cứ lẳng lặng mà tấn công? Sau khi công kích xong rồi thì báo tin cho công chúng Mỹ biết rằng chúng ta đã thành công vang dội, đã hạ gục được lãnh đạo IS. 
    Nhưng không, chúng ta cứ phải tuyên bố trước rằng chúng ta sẽ công kích Mosul trong 4 hay 6 tuần tới. Cái đất nước này còn ngu ngốc đến mức nào được nữa?
    MC Raddatz: Có lý do quân đội làm vậy. Chiến tranh tâm lý chẳng hạn.
    Trump: Tôi không nghĩ ra được lý do gì cả.
    MC Raddatz: Có thể là thông báo trước để người dân lánh nạn?
    Trump: Nghe này, có 200 tướng lĩnh và đô đốc ủng hộ tôi. 21 người từng nhận huân chương danh dự của Quốc hội đang ủng hộ tôi. Chúng tôi thảo luận về vấn đề này thường xuyên...
    MC Raddatz: Vậy chiến lược của ông là gì?
    Trump: Tôi được biết chúng ta đang nghĩ lãnh đạo IS đang ở đâu đó giữa Raqqa và Mosul. Nhưng tại sao chứ - chúng có còn ở đó nữa đâu! Chúng đi từ lâu rồi. 200 tướng lĩnh và đô đốc tôi quen, họ cũng không thể tin vào điều đó. Họ chỉ nói rằng, Tướng George Patton hay tướng
    Douglas MacArthur giờ chắc chẳng thể yên nghỉ nổi vì sự ngu ngốc trong chính sách Trung Đông của chúng ta.
  • Bà Clinton: Mỹ không điều bộ binh tới Syria, sẽ vũ trang cho người Kurd
    09:2010/10/2016
    Clinton: Tôi sẽ không điều bộ binh tới Syria. Tôi cho rằng đó sẽ là một sai lầm nghiêm trọng. Tôi không cho rằng lính Mỹ nên chiếm giữ lãnh thổ, điều mà họ sẽ phải làm nếu tới Syria. Tôi không cho rằng đây là một chiến lược đúng đắn. 
    Tôi nghĩ rằng việc sử dụng đặc nhiệm như chúng ta đang làm hiện nay, cũng như huấn luyện quân sự tại Iraq, đã có những tác động tích cực và phù hợp với lợi ích của chúng ta. Và tôi ủng hộ những động thái hiện nay.
    MC Raddatz: Vậy bà có làm gì khác hơn so với những gì Tổng thống Obama đang làm hay không?
    Clinton: Hi vọng là khi tôi nhậm chức Tổng thống thì chúng ta cũng đánh đuổi IS khỏi Iraq rồi. Tôi nghĩ nhiều khả năng chúng ta có thể chiếm lại Mosul. 
    Donald nói rằng ông ta biết nhiều về IS hơn các tướng lĩnh quân đội của chúng ta. Không hề. Có rất nhiều chiến lược quan trọng đang được hoạch định. Và một trong số đó là thể hiện thành ý muốn hợp tác cùng người Sunni địa phương và các chiến binh người Kurd.
    Điều này cần rất nhiều sự chuẩn bị. Tôi sẽ truy tìm [Thủ lĩnh tối cao IS] Baghdadi. Tôi sẽ nhắm vào Baghdadi bởi tôi cho rằng các phi vụ tìm diệt những kẻ đẩu sỏ của al-Qaeda mà tôi từng tham gia khi xưa đã tạo nên sự khác biệt. Tôi cho rằng điều đó sẽ có ích. 
    Tôi cũng sẽ cân nhắc việc trang bị vũ khí cho người Kurd. Người Kurd đã và đang là những đối tác đáng tin cậy nhất của chúng ta ở Syria cũng như Iraq. 
    Và tôi biết có một số nhóm người khá quan ngại về điều này, nhưng tôi cho rằng người Kurd cần được trang bị đầy đủ sao cho họ cũng như các chiến binh Arab sẽ là lực lượng nòng cốt trên bộ của chúng ta trong chiến dịch lấy lại Raqqa sau khi đã đẩy IS ra khỏi Iraq.
  • Sau câu hỏi về chính sách đối ngoại của hai ứng viên tại Syria, các câu hỏi tiếp theo của cuộc tranh luận lại trở về với các vấn đề trong nước. Trump và Clinton tiếp tục "đấu khẩu" về các vấn đề liên quan đến việc chọn ra thẩm phán mới cho Tòa án tối cao Mỹ để thay thế cho thẩm phán Scalia mới qua đời; và vấn đề chính sách năng lượng của nước Mỹ.
    Đáng chú ý, ở câu hỏi cuối cùng của phiên tranh luận lần thứ hai này, một khán giả có tên Carl Becker đã đặt một câu hỏi hết sức thú vị dành cho hai ứng viên, đó là: "Gạt sang một bên những màn đấu khẩu hiện nay, ông/bà có thể nêu ra một điểm tích cực mà ông/bà đánh giá cao ở đối thủ của mình hay không"?
    Clinton: Tôi tôn trọng những người con của ông Trump. Họ đều là những người có năng lực và có ý chí, và điều đó cũng nói lên rất nhiều điều về con người của Donald. 
    Tôi không có cùng quan điểm với hầu hết những gì Donald nói hay làm. Nhưng tôi tôn trọng khả năng nuôi dạy con cái của ông, với tư cách một người mẹ, và một người bà, điều này rất quan trọng đối với tôi. 
    Chúng ta sẽ chọn ra một người Tổng thống mà không chỉ đưa ra những chính sách trong 4 hay 8 năm nhiệm kì, mà cả những quyết định quan trọng mà người đó phải đưa ra ở trong cũng như ngoài nước, từ tòa án tối cao đến vấn đề năng lượng, và rất nhiều vấn đề khác nữa. 
    Đây sẽ là một trong những cuộc bầu cử có hệ quả sâu rộng nhất mà chúng ta từng có. Và đó là lý do tại sao tôi đã cố gắng nêu ra những chính sách và kế hoạch cụ thể, tránh việc công kích cá nhân để tập trung vào những gì tôi sẽ làm nếu đắc cử Tổng thống. 
    Và đó là lý do tại sao tôi hi vọng người dân hãy tự kiểm chứng điều đó, để thấy rằng đúng vậy, hơn 30 năm qua tôi đã giúp đỡ các gia đình, giúp đỡ những đứa trẻ như thế nào, và tôi muốn áp dụng những kinh nghiệm tại Nhà Trắng mỗi ngày.
    Trump: Tôi đánh giá cao lời khen ngợi bà dành cho các con tôi. Tôi không rõ ý bà có thực sự là muốn khen hay không. Nhưng tôi thực sự rất tự hào về các con mình, chúng đều là những đứa trẻ tuyệt vời. 
    Vậy nên tôi coi đó là một lời khen. Về bà Hillary, tôi xin nói điều này. Bà là một người không bao giờ từ bỏ. Bà không bỏ cuộc. Tôi tôn trọng điều đó. 
    Tôi nghĩ gì nói nấy, và tôi cho rằng bà là một chiến binh. Tôi không đồng tình với hầu hết những gì bà đấu tranh, tôi không đồng tình với cách đánh giá của bà ở nhiều khía cạnh. Nhưng bà là một chiến binh không bao giờ bỏ cuộc, và tôi cho rằng đó là một đặc điểm rất hay ở bà.
    MC: Xin cảm ơn cả hai ứng viên. Xin cảm ơn trường Đại học Washington-St.Louis. Đến đây xin được khép lại phiên tranh luận lần này. Xin một lần nữa cảm ơn hai ứng viên, cảm ơn hội đồng tổ chức, Đại học Washington-St. Louis, và toàn thể quý khán giả. 
    Hãy trở lại vào ngày 19/10 tới để theo dõi phiên tranh luận cuối cùng được tổ chức tại Đại học Nevada, Las Vegas. Chúc mọi người ngủ ngon.
  • [LIVE VIDEO] Tranh luận trực tiếp lần 2 Trump-Clinton
    07:4610/10/2016
    Buổi tranh luận trên truyền hình giữa ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump và ứng viên đảng Dân Chủ Hillary Clinton chính thức bắt đầu lúc 8h sáng nay (10/10, giờ Việt Nam). 
    Khác với cuộc tranh luận đầu tiên, lần này, một nửa số câu hỏi dành cho các ứng cử viên sẽ đến từ phía những cử tri vẫn còn do dự trước lá phiếu của mình.
    Một nửa số câu hỏi còn lại sẽ do người điều tiết đưa ra dựa trên các vấn đề đang nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân. 
theo Trí Thức Trẻ